Hiển thị các bài đăng có nhãn Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh. Hiển thị tất cả bài đăng

30/6/07

Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh - Lữ Phương

Lữ Phương

Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh
(Sự hình thành một chọn lựa)

Chương 2

Đến với chủ nghĩa cộng sản


Điểm xuất phát: Cái nôi Phan Châu Trinh

Cuộc đời chính trị của Nguyễn Tất Thành chỉ thực sự bắt đầu khi từ Anh trở lại Pháp với cái tên mới là Nguyễn Ái Quốc ký dưới bản Những yêu sách của nhân dân Annam, đại diện cho “Nhóm những người Annam yêu nước”, gửi Hội nghị Versailles vào tháng 6 năm 1919. Về sự kiện này Trần Dân Tiên, tác giả cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch đã viết như sau:

“Ông Nguyễn tổ chức nhóm người Việt Nam yêu nước ở Paris và ở các tỉnh ở Pháp. Với danh nghĩa này, ông đã đưa những yêu cầu ra trước hội nghị Versailles (…) Cũng nên nhắc lại ý kiến đưa yêu cầu do ông Nguyễn đề ra nhưng lại do luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy giờ, ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp. Cũng nên nhắc lại là ông Phan Châu Trinh và ông Phan Văn Trường không tán thành hoạt động của nhóm Việt Nam yêu nước, vì các ông ấy cho nhóm thanh niên là trẻ con” [1] .

Chủ đích của đoạn văn trên là khá rõ rệt: cái nhóm “thanh niên” mà Nguyễn Ái Quốc đã nhân danh để gửi bản Yêu sách tám điểm cho Hội nghị Versailles vào tháng 6 năm 1919 là tổ chức do Nguyễn Ái Quốc “sáng lập” [2] , hoạt động riêng biệt, không được các ông Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường ủng hộ. Tham khảo nhiều tài liệu khác, chúng ta thấy sự việc không hoàn toàn như vậy.

a. Bà Thu Trang trong cuốn Nguyễn Ái Quốc, những năm tại Paris (1917-1923) [3] , căn cứ vào lời một nhân vật trong cuốn sách của Trần Dân Tiên [4] , cho rằng Nguyễn Tất Thành đã từ Anh trở lại Pháp vào 1917 và như vậy thì có thể Nguyễn Tất Thành đã góp phần lập ra Hội những người Annam yêu nước. Vì theo bà, thì vào khoảng cuối năm 1916, Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường đã lập ra hội này để kế tục Hội Đồng bào Thân ái lập ra 1912 đã ngưng hoạt động. Tuy vậy, do chưa tìm thêm được bằng cớ xác nhận Nguyễn Tất Thành đã đến Pháp năm 1917– đặc biệt không thấy có báo cáo nào của Mật thám Pháp về việc Nguyễn Tất Thành ở Paris vào thời gian đó – nên người ta vẫn chỉ coi đó là một giả thuyết.

Cũng có một giả thuyết khác nữa về năm đến Pháp của Nguyễn Tất Thành. Giả thuyết này cũng căn cứ vào Hồ Chí Minh nhưng không phải là Hồ Chí Minh-Trần Dân Tiên mà là Hồ Chí Minh-Nguyễn Ái Quốc: khi bị Sở Cảnh sát Paris gọi đến xét hỏi vào năm 1919 và 1920, Nguyễn Ái Quốc khai đã đến Pháp tháng 6-1919 [5] và cũng chính cái thời điểm 1919 sang Pháp đó mà 20 năm sau (1938), Nguyễn Ái Quốc đã khai với Quốc tế Cộng sản, còn những năm về trước (1917-1918) thì đang làm việc cho một nhà giàu ở Brooklyn (Mỹ) [6] . Cũng chẳng có gì ngăn cản người ta tin hay không tin vào giả thuyết này (những lời khai của Hồ Chí Minh với “ta” hay với “địch” thường bất nhất [7] ), nhưng dù thế nào đi nữa thì việc Nguyễn Ái Quốc tự cho mình đứng ra lập “Hội những người Annam yêu nước” và hoạt động không cần sự hợp tác của Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường là điều hoàn toàn tưởng tượng [8] .

b. Câu chuyện Nguyễn Ái Quốc bị chỉ trích “trẻ con” là chuyện có thật. Nhưng lại không thật hoàn toàn: chỉ có Phan Châu Trinh, do là bậc cha chú, mới hay chỉ trích Nguyễn thôi. Và cũng chỉ trích trong một hoàn cảnh khác, không dính dáng gì đến bản Yêu sách tám điểm năm 1919. Một mật thám mang tên “Edouard” đã thuật lại một cuộc tranh luận giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc tại căn nhà số 6 Villa des Gobelins (nơi Nguyễn Ái Quốc đã về ở chung với hai ông họ Phan) về đề tài người dân bản xứ có thể đòi hỏi gì ở toàn quyền Maurice Long vừa mới sang Việt Nam thay Albert Sarraut (về làm Bộ trưởng Bộ thuộc địa). Nguyễn Ái Quốc nói:

“Tại sao hai mươi triệu đồng bào ta không làm gì để buộc Chính phủ phải cho chúng ta quyền làm người? Chúng ta cũng là người và chúng ta phải được đối xử như vậy. Những ai từ chối coi chúng ta là những người bình đẳng là kẻ thù của chúng ta”.

Phan Châu Trinh đã trách Nguyễn Ái Quốc là quá bộp chộp:

“Anh muốn đồng bào tay không của chúng ta làm gì để chống lại những người châu Âu với những vũ khí của họ. Tại sao dân chúng phải chết vô ích mà không có kết quả nào” [9] .

Sự tường thuật trong báo cáo của mật thám “Edouard” đề ngày 20-12-1919, sau cả nửa năm ngày Nguyễn Ái Quốc công bố Yêu sách tám điểm. Có thể đây là những dấu hiệu khởi đầu để Nguyễn Ái Quốc vượt khỏi Phan Châu Trinh, nhưng ý nghĩa của sự “không tán thành” ấy của Phan Châu Trinh chẳng liên quan gì đến sự ra đời của “Hội những người Annam yêu nước” cả.

c. Việc Trần Dân Tiên kể về sự kiện bấy giờ Nguyễn Ái Quốc chưa viết được tiếng Pháp nên phải nhờ Phan Văn Trường viết hộ khá nhiều bài báo [10] là đúng [11] . Nhưng khi nhà viết tiểu sử đó cho rằng trường hợp Yêu sách tám điểm của Nhóm những người Annam yêu nước sáng kiến là do Nguyễn Ái Quốc, còn Phan Văn Trường chỉ viết ra nhưng lại cùng với Phan Châu Trinh “không tán thành hoạt động của nhóm” thì lại không phải là sự thật.

Sự thật là bản Yêu sách ấy là do Phan Văn Trường viết bằng tiếng Pháp, Phan Châu Trinh chuyển ra Hán văn, và Nguyễn Ái Quốc thì được giao cho dịch ra văn vần viết bằng chữ “quốc âm” [12] , Yêu sách này hình thành được là do sự thoả thuận của nhiều người nhưng xét về nội dung thì biểu hiện hoàn toàn lập trường của nhóm Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường vào thời điểm ấy. Chỉ đọc một đoạn của bản Yêu sách do Nguyễn Ái Quốc dịch ra “quốc âm” trích dẫn sau đây, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều đó:

“Pháp dân nức tiếng xưa nay,
Đồng bào, bác ái, sánh tày không ai!
Nỡ nào ngoảnh mặt ngơ tai,
Để cho mấy ức triệu người bơ vơ.
Dân Nam một dạ ước mơ,
Lâu nay từng núp bóng cờ tự do…”

d. Không phải chỉ nội dung mà ngay cái tên Nguyễn Ái Quốc ký dưới Yêu sách ấy, sau này được Nguyễn Tất Thành giữ luôn làm tên hoạt động, lúc ban đầu cũng chỉ là một bí danh tập thể, do hai ông Phan tạo ra, chứ không phải do Nguyễn Tất Thành tự đặt. Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn thì bí danh này

“có thể là tên tượng trưng của tất cả người Việt (Nguyễn là họ thông thường của nhiều người Việt, chứ không phải là họ của Tất Thành). Nguyễn yêu nước, ba chữ ấy ứng vào tiếng Pháp: Groupes des Patriotes Annamites thấy ký dưới truyền đơn: Bản yêu cầu tám điểm. Có lẽ một mặt vì họ Nguyễn mà mật thám coi đó là tên của Nguyễn Tất Thành. Rồi sau Nguyễn Tất Thành cũng mang tên ấy một thời gian mà thôi” [13] .

Điều “có thể” đó đã được bà Phan Thị Minh nói rõ hơn trong câu chuyện do mẹ bà kể lại hồi bà còn nhỏ về việc Phan Châu Trinh (từ Pháp về) gặp lại Nguyễn Sinh Huy tại Sài Gòn như sau:

“Sau gần 15 năm cách biệt, hai người bạn tâm giao mới lại gặp nhau: một người trên giường bệnh, gần kề cõi chết, người kia bao nhiêu năm lang bạt, cảnh giác tránh né mọi sự khủng bố của thực dân đối với cha đẻ của một lãnh tụ yêu nước lừng danh lúc này đã về đến Quảng Châu. Hai vị đã tâm sự nhiều ngày về người con trai yêu quý. Cụ Sinh Huy vui mừng khôn xiết với lời ngợi khen và niềm tin tưởng của cụ Châu Trinh dành cho con mình. Cụ Phan kể: Trước đó chúng tôi đã có vài bài ký danh Nguyễn Ái Quốc, nhưng ít ai chú ý. Chỉ sau khi có tờ truyền đơn của dân Nam gởi đến Hoà đàm Versailles và công bố rộng ra thì mới được chú ý. Bộ Thuộc địa và Cảnh sát Pháp đã đưa giấy đến cho tôi, đòi Nguyễn Ái Quốc ra trình diện. Chúng ngỡ tôi sẽ ra. Tôi đã bảo Tất Thành ra làm chúng rất ngạc nhiên. Đó là lần đầu tiên chúng xáp mặt Tất Thành với tên hoạt động là Nguyễn Ái Quốc” [14] .

Nếu chuyện trên đây của bà Phan Thị Minh là sự thật thì “cái điểm xuất phát” của Nguyễn Tất Thành về mặt chính trị khi bắt đầu hoạt động ở Pháp lại càng được khẳng định rõ rệt hơn: Nguyễn Tất Thành trở thành được Nguyễn Ái Quốc nổi danh với bản Yêu sách tám điểm là hoàn toàn do sự sắp xếp của Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường [15] .


Môi trường yêu nước và khuynh tả

a. Cái “điểm xuất phát” ấy, tuy sau này bị những người sùng bái Hồ Chí Minh có ý xem thường khi nhìn lại, nhưng thật sự đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc hun đúc nên rất nhiều nhà yêu nước thuộc thế hệ mới, trong đó có bản thân Hồ Chí Minh.

Đối với Việt Nam, từ 1911 trở đi, cùng với Quảng Châu, nơi hoạt động của Phan Bội Châu từ Nhật chạy giạt sang, Paris đã trở thành một trung tâm cách mạng ở hải ngoại (duy nhất ở châu Âu) từ khi có sự hiện diện của Phan Châu Trinh. Nhờ uy tín đã tạo ra trong nước, khi mới sang Pháp, Phan Châu Trinh đã tìm ngay được sự hợp tác của Phan Văn Trường [16] ; nhờ đó, ngoài việc tiếp tục cuộc đấu tranh từ trước, ông đã cùng với Phan Văn Trường lập ra được Hội Đồng bào Thân ái [17] , quy tụ những người Việt Nam lúc bấy giờ còn rất ít tại Pháp. Đây chính là cái cơ sở ban đầu để những tổ chức khác nối tiếp, ngay sau đó là Hội những người Annam yêu nước (1917). .

Có một điều đặc biệt khác khá quan trọng cần chú ý: cũng như ở Quảng Châu, những hoạt động của những người Việt Nam yêu nước ở Paris bấy giờ đã diễn ra một cách công khai, có gì khác thì chỉ là nếu ở Trung Quốc, Phan Bội Châu dựa được vào cuộc cách mạng cộng hoà vừa ra đời của Tôn Dân Tiên thì ở Pháp những hoạt động của Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường lại diễn ra ngay cái đầu não của một đế quốc theo đuổi một chính sách thực dân khắc nghiệt. Trong tình thế ấy, những người không có những điều kiện như Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường chắc chắn sẽ không thể nào hoạt động được theo cái cách mà các ông đã hoạt động. Đặc biệt nhất là với Phan Châu Trinh: vừa được chính quyền mẫu quốc tranh thủ, mua chuộc [18] đồng thời lại được khá đông những nhà hoạt động văn hoá, chính trị (Babut, Marius Moutet, Jules Roux…) trong Hội Nhân quyền và Đảng Xã hội, dựa vào những nguyên tắc của nền dân chủ và dân quyền của Cách mạng Pháp, ủng hộ, giúp đỡ.

b. Dù 1917 hay 1919 thì khi trở lại Paris, Nguyễn Tất Thành đã gặp tất cả những thuận lợi mà hai ông Phan đã tạo ra sẵn cho anh. Không bị những lo liệu vì sinh kế trói buộc (trong một thời gian anh đã sống nhờ vào sự giúp đỡ của Phan Châu Trinh và một người trong nhóm là Khánh Ký [19] ), anh còn được Phan Châu Trinh đẩy ra ngay phía trước, trực tiếp đảm nhận công việc của một người lãnh đạo mới. Có thể nói không có sự yểm trợ của nhóm các ông Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường thì không thể có sự xuất hiện của Nguyễn Tất Thành với danh nghĩa Nguyễn Ái Quốc.

Cái môi trường chính trị khách quan ở “mẫu quốc” lúc bấy giờ cũng đã hỗ trợ Nguyễn Ái Quốc không ít. Không những anh có thể đọc được các thứ sách báo mà trong nước anh từng cho biết là bị cấm đọc (anh hay nói đến Rousseau, Montesquieu) mà còn có thể dựa vào những điều sở đắc được trong những thứ sách báo ấy để chống lại chủ nghĩa thực dân, không chỉ bằng viết lách, tuyên truyền mà còn có bằng những phương tiện khác như biểu tình, kiến nghị , tổ chức, lập hội… được luật pháp của chế độ cho phép nữa.

Cái môi trường hoạt động ấy, tuy bị nhiều người coi là “cải lương”, nhưng ở Pháp vào lúc bấy giờ đã mang tính chất khuynh tả rất rõ rệt. Ở đây ngay cả những chỉ trích, đòi hỏi ôn hoà với chính sách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũng chỉ tìm được sự ủng hộ nơi những người hoạt động như Hội Nhân quyền và Đảng Xã hội như chúng ta đã biết. Vấn đề vận động cho chủ quyền dân tộc ở đây tất yếu đã gắn liền với lập trường khuynh tả về xã hội, cái đà xuất phát ấy là bước khởi đầu rất quan trọng đối với Nguyễn Tất Thành. Người ta không lấy làm lạ khi thấy Nguyễn Tất Thành sau khi trở thành Nguyễn Ái Quốc một thời gian ngắn, đã là đảng viên của Đảng Xã hội Pháp. Khi hỏi vì sao gia nhập đảng này, anh đã trả lời một câu mà về sau anh sẽ còn lặp lại trong nhiều trường hợp khác:


“Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái” [20] .

Tất cả những cái khác dường như anh không quan tâm lắm như về sau này anh cho biết:

“Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng là vì các ‘ông bà’ ấy – hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế – đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu” [21] .

Có lẽ vì vậy mà hoạt động của anh vẫn chưa có gì thật sự mới mẻ: người ta thấy anh vẫn thường đi chung với Phan Châu Trinh trong những cuộc họp do Đảng Xã hội tổ chức, Yêu sách tám điểm vẫn được anh sử dụng trong vận động tuyên truyền. Nhưng cũng nhờ việc tham gia Đảng Xã hội mà những quan hệ chính trị của anh bắt đầu trở nên rộng rãi hơn và tích cực hơn. Những người anh tiếp xúc đã vượt ra ngoài các vị trong Hội Nhân quyền từng ủng hộ Phan Châu Trinh. Với danh tiếng một lĩnh tụ, không những anh đã quen những nhân vật nổi tiếng trong Đảng Xã hội như Marcel Cachin, Paul Vaillant Couturier, Léon Blum, Raymond Lefèvre, Jean Longuet, Gaston Monmousseau… mà còn cả những chính khách từ những nước Á, Phi tìm đến nước Pháp nhân Hội nghị Versailles sau Chiến tranh Thế giới lần Thứ nhất để vận động độc lập cho đất nước của họ.


“Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”

a. Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trở nên sôi nổi đặc biệt có lẽ từ khi anh bắt đầu tham gia các hoạt động của Uỷ ban Quốc tế Ba của Đảng Xã hội thành lập vào những tháng cuối năm 1919. Với sự bồng bột của tuổi trẻ [22] , có lẽ nhận thấy cuộc vận động kiểu Phan Châu Trinh từ trước đến nay quá chậm chạp, ôn hoà, anh đã bắt đầu nghiêng sang những giải pháp đấu tranh triệt để hơn, cách mạng hơn. Anh tham gia tích cực hoạt động của Uỷ ban Quốc tế Ba, đi quyên tiền cứu trợ nạn đói ở Nga, rải truyền đơn chống lại sự can thiệp vũ trang của chính phủ Pháp vào nước Nga. Ngoài việc thu thập tư liệu viết Những người bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, anh cũng đã bắt đầu quan tâm đến chủ nghĩa cộng sản và đã đăng đàn nói chuyện về đề tài này nhiều lần [23] .

Chúng ta không biết trong những buổi diễn thuyết đó anh nói gì, nhưng cho đến tháng 7-1920, khi lần đầu tiên anh tiếp xúc với tác phẩm của Lenin có tên là Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, đăng trên L'humanité của Đảng Xã hội (ngày 16-6-1920) thì như anh thuật lại sau này, ngay cả chữ nghĩa trong văn bản nói trên anh cũng chỉ hiểu loáng thoáng thôi. Nhưng dù vậy nó đã có tác dụng quyết định toàn bộ sự chọn lựa chính trị của anh từ đó cho đến hết cuộc đời: trong Đại hội Tours cuối năm 1920 anh đã theo một bộ phận của Đảng Xã hội Pháp bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế Ba để trở thành cộng sản. Và lý do của quyết định lần này cũng không khác lần anh vào Đảng Xã hội trước đây: “chỉ vì Đệ Tam Quốc tế rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa” [24] . Và chỉ vì lý do ấy thôi, ngay từ hôm ấy, như anh cho biết về sau, anh đã trở thành người học trò tuyệt đối trung thành của Lenin:

“Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: ‘Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta’” [25] .

b. Chúng ta cũng không biết sau đó Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu thêm các vấn đề liên hệ đến chủ nghĩa Lenin như thế nào nhưng đến tháng 5-1921, người ta thấy xuất hiện trên La Revue Communiste số 15 [26] một bài tham luận của anh bàn về đề tài: “Chế độ cộng sản có áp dụng được ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không?”.

Câu trả lời của bài viết hiển nhiên là: được! Nhưng không phải chỉ như vậy: vì hoàn cảnh lịch sử, chủ nghĩa cộng sản còn có thể thâm nhập vào châu Á “dễ dàng hơn là châu Âu”! Lý do: a) Triều đại nhà Hạ (2205 trước CN) đặt ra chế độ lao động bắt buộc, b) Khổng tử (551 trước CN) khởi xướng thuyết đại đồng và truyền bá sự bình đẳng về tài sản, 3) Luật pháp Annam cấm mua bán toàn bộ đất đai! Với truyền thống đó châu Á có thể tiến thẳng lên chủ nghĩa cộng sản không cần phải đi qua chủ nghĩa tư bản.

D. Hémery khi đọc lại bài viết này đã cho rằng “ông Hồ Chí Minh tương lai dám gợi ý trái với quan điểm chính thống của Quốc tế, rằng mảnh đất tốt cho chủ nghĩa cộng sản phát triển là châu Á” [27] . Thật sự thì đây không phải chỉ là quan điểm của Nguyễn Ái Quốc. Mahendra Nath Roy, đến từ Ấn Độ, đã từng phát biểu trong Đại hội II Quốc tế Cộng sản (mùa hè 1920) về tầm quan trọng quyết định của cách mạng vô sản ở những nước phương Đông đối với cách mạng vô sản phương Tây [28] . Không biết Nguyễn Ái Quốc đã nghe nói đến ý kiến trên đây chưa, nhưng bài viết của anh tỏ ra đã có những điểm đồng tình với xu hướng ấy trong cuộc tranh luận về vần đề chủ nghĩa cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc lúc bấy giờ [29] .

Điều mà chúng ta ghi nhận ở đây là khác hẳn những phân tích thực tế của Roy, Nguyễn Ái Quốc lại dựa vào truyền thống châu Á để biện luận. Nhưng về mặt này anh lại tỏ ra quá khiên cưỡng: đem chế độ lao động cưỡng bức, chế độ công hữu về ruộng đất và cả… Khổng tử ra thuyết minh cho sự tất yếu về con đường cộng sản mác-xít đối với châu Á! Rõ ràng sự hiểu biết của anh về cách mạng vẫn còn quá “cảm tính” như sau này anh nói [30] . Anh không thấy được cái vực thẳm giữa các thứ công xã tiền tư bản chủ nghĩa và cái “thế giới đại đồng” hậu tư bản chủ nghĩa của Marx là ghê gớm đến như thế nào.

Niềm tin của anh về cái mà anh gọi là “chủ nghĩa cộng sản” dường như quá dễ dãi: không biết dựa vào đâu anh hy vọng được vào cái khả năng Đảng Xã hội Nhật có thể “ngăn cản nước Nhật trượt dài đến vực thẳm của hiện tượng phương Tây hoá không thể cứu vãn” cùng với cái viễn cảnh vô cùng tươi sáng về một nước Trung Hoa “được tổ chức lại và vô sản hoá” theo con đường cách mạng của Tôn Dật Tiên!

Có lẽ Nguyễn Ái Quốc không có ý định hình thành lý luận cho một mô hình cộng sản châu Á. Với sự hiểu biết vào lúc bấy giờ, anh không thể làm điều đó được và dường như, xét về tính cách của anh, anh cũng không muốn làm điều đó. Mục đích của anh thiết thực hơn nhiều: anh chỉ muốn khẳng mạnh mẽ định lòng tin mới mà anh đang có được để kêu gọi sự giúp đỡ của những đồng chí châu Âu đối với Đông Dương. Giúp đỡ những gì? Anh viết:

“Cái mà chúng tôi thiếu để trở thành cộng sản là những điều kiện cơ bản nhất để hành động:

Tự do báo chí

Tự do du lịch

Tự do dạy và học

Tự do hội họp (tất cả những cái này đều bị những kẻ khai hoá thuộc địa ngăn cấm chúng tôi một cách dã man)” [31] .

Nhưng về mặt này chúng ta cũng thật khó mà hình dung ra một cái gì đó có thể đơn giản hơn: có tự do mới có thể thành cộng sản, còn không có tự do thì sao!

c. Thật sự thì tuy đã trở thành cộng sản rồi, Nguyễn Ái Quốc vẫn chưa vượt cái chân trời trong bản Yêu sách tám điểm! Vì cái đảng cộng sản mà anh mới góp phần sáng lập ra chưa phải là chính đảng nào khác hơn là Đảng Cộng sản Pháp ở châu Âu, hoạt động trong lòng một chế độ dân chủ. Anh vẫn cứ phải theo những phương thức hoạt động của một đảng khuynh tả từ khi còn hợp tác với Phan Châu Trinh: vận động và tuyên truyền là chính. Nhưng do quần chúng Việt Nam ở Pháp lúc bây giờ không nhiều [32] lại ngán ngại những gì quá gay gắt nên anh phải đến với quần chúng Pháp. Ngoài việc xin vào Hội Tam điểm, anh còn thường xuyên dự những buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Faubourg để thảo luận đủ thứ các loại đề tài, đại loại như “Thầy thuốc là một lũ lang băm hay là những ân nhân của loài người” hoặc “Phương pháp chữa bệnh bằng thôi miên”… Trong những cuộc họp ấy, khi có dịp anh thường lái câu chuyên sang vấn đề… tội ác của thực dân! Chẳng hạn trong lần thảo luận về thôi miên, anh đã phản đối kịch liệt vì anh cho rằng “thực dân Pháp đã thôi miên chúng tôi để đàn áp và bóc lột chúng tôi” [33] !

Tuy vậy vào thời kỳ này, anh cũng đã thực hiện được một số công việc đặc biệt khi tham gia Đảng Cộng sản Pháp như sau:

 Thúc đẩy Đảng Cộng sản Pháp quan tâm và giúp đỡ thiết thực phong trào đấu tranh chống thực dân ở Đông Dương. Trong các buổi họp chi bộ, hoặc hội nghị của Đảng, hễ có dịp là anh nêu ra vấn đề để nhắc nhở phê bình. Cuối năm 1922, tham gia Ban Nghiên cứu Thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp, được cử làm Trưởng ban Đông Dương.

 Liên hệ với đại biểu những xu hướng chống thực dân ở một số nước Á Phi để lập mặt trận quốc tế những nước bị trị mà biểu hiện cụ thể là thành lập “Hội Liên hiệp Thuộc địa” cuối năm 1921 với cơ quan ngôn luận là Le Paria. Tổ chức mới này đã trở thành cơ sở hoạt động mới của Nguyễn Ái Quốc, thay cho Hội những người Annam yêu nước cũ.





“Ngoạ ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội”?

a. Việc Nguyễn Tất Thành dần dần tách rời khỏi cái “điểm xuất phát” để mang cho danh xưng Nguyễn Ái Quốc nội dung “cộng sản” là điều rất hiển nhiên. Phan Châu Trinh, người nâng đỡ anh suốt một thời gian dài, tuy có bộc lộ thái độ “không tán thành” anh nhiều điểm, nhưng ông vẫn giữ thái độ cởi mở và quan hệ tốt với anh. Ông chỉ phê bình cái phương pháp hoạt động mà ông gọi là “ngoạ ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội” [34] mà anh đang theo đuổi thôi. Trong bức thư đề ngày 18-2-1922 từ Marseille [35] , ông đã viết cho anh những dòng mang tính chất tổng kết về cái nhóm yêu nước trong đó có anh như sau:

“Bấy lâu nay, tôi cùng anh và Phan (Phan Văn Trường) đàm đạo nhiều việc, mãi tới bây giờ, anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi. Còn tôi thời lại không thích cái phương pháp ngoạ ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội của anh, và cả cái lý thuyết thâu nhân tâm của Phan. Bởi phương pháp bất hoà mà anh đã nói với anh Phan là tôi là hạng hủ nho thủ cựu. Cái điều anh gán cho tôi, tôi chẳng giận tí nào cả, bởi vì suy ra thì tôi đã thấy rằng: tôi đọc chữ Pháp bập bẹ, nên đã thua anh xa lắm, đừng nói gì đọ với anh Phan” .

Phan Châu Trinh bày tỏ sự khâm phục của mình với Nguyễn Ái Quốc nhưng ông cho rằng cái phương pháp “ngoạ ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội” – mà ông diễn tả tóm tắt là “quanh quẩn bên này”, “viết bài đăng báo chương trên đất người để mà hô hào quốc dân đồng bào bên nhà đem tinh thần nghị lực ra làm việc nước”–, cái phương pháp mà anh đang theo đuổi ấy sẽ làm cho tài năng của anh “lần hồi mai một” “phí công mà thôi”. Trong thư, Phan Châu Trinh biết rõ Nguyễn Ái Quốc đang tôn thờ chủ nghĩa của hai ông “Mã, Lý”, nhưng không bày tỏ ý kiến gì về việc đó mà chỉ khuyên anh nên đem cái chủ nghĩa ấy về bên nhà “quảng cáo cho quốc dân đồng bào, ai nấy đều biết” rồi “hô hào quốc dân đồng bào, đồng tâm hiệp lực đánh đổ cường quyền áp chế” – như vậy sẽ “hay biết chừng nào”, “ắt là thành công”.

b. Những ý kiến của Phan Châu Trinh trong bức thư nói trên đã giúp chúng ta nhìn lại rõ hơn những hoạt động của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc trong thời gian anh trở lại Pháp. Bà Thu Trang đã chia khoảng thời gian ấy thành hai giai đoạn: 1) Thời gian đầu đến 1920: từ Anh sang Paris học hỏi, phần nào chịu ảnh hưởng của Phan Châu Trinh, 2) Từ 1920 đến 1923 (trước khi sang Nga): tìm đường đến với chủ nghĩa cộng sản, mở rộng môi trường hoạt động, tách rời khỏi ảnh hưởng của Phan Châu Trinh [36] .

Cái mốc biến chuyển tuy có rõ rệt nhưng trong thực tế phương thức hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong cả hai giai đoạn nói trên đều chưa có gì khác nhau lắm. Như chúng ta đã biết, tất cả đều diễn ra trong cái môi trường chính trị của “mẫu quốc”, được truyền thống của một định chế dân chủ cho phép, được một số người Pháp cấp tiến giúp đỡ, trong một cộng đồng “Việt kiều” ít ỏi, nên những hoạt động dù đã chuyển biến từ “xã hội” (tả) sang cộng sản (“cực tả”) đi nữa, tất cả đều chưa thoát khỏi giới hạn của những điều kiện đã quy định chúng: các cuộc vận động đều chỉ nhằm vào tác dụng đánh động, tố cáo, kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài từ nhiều nguồn, chứ chưa đụng chạm trực tiếp gì đến những vấn đề nội tại là vấn đề then chốt của mọi công cuộc giải phóng.

Việc Nguyễn Ái Quốc trở thành cộng sản và tham gia – kể cả sáng lập – Đảng Cộng sản Pháp cũng không đưa đến những bước đi vượt bậc được. Về mặt này, những hoạt động nói trên của Nguyễn Ái Quốc vẫn chỉ lặp lại những toan tính ban đầu của những bậc cha chú của anh là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh: trước tình trạng bế tắc hoàn toàn về viễn cảnh của đất nước, nội lực bên trong chưa có gì, việc đi ra ngoài tìm một “quới nhơn” để dựa dẫm, giúp đỡ là điều không tránh khỏi. Phan Bội Châu muốn dựa vào Nhật, rồi sau là Trung Hoa. Phan Châu Trinh muốn dựa vào nước Pháp của Cách mạng 1789. Bây giờ Nguyễn Ái Quốc muốn dựa vào Đảng Cộng sản Pháp đã theo Đệ Tam Quốc tế. Sự khác nhau chỉ là những lực lượng cụ thể, không có gì bảo đảm về sự hiệu nghiệm tất yếu do các thực thể ấy mang lại.

Cả một thời gian dài, sau khi gia nhập, Nguyễn Ái Quốc luôn luôn nhân danh “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lenin để phê bình và kêu gọi Đảng Cộng sản Pháp quan tâm thiết thực đến các thuộc địa. Nhưng những đề nghị của anh về việc giúp đỡ này vẫn không có gì khác hơn là tuyên truyền và tố cáo! Trong khi đó thì Đảng Cộng sản Pháp vừa mới hình thành, đường lối chưa rõ rệt, phương tiện hoạt động bị giới hạn, dù có cố gắng đến thế nào đi nữa cũng không thể làm cho tình thế các thuộc địa khá hơn ngoài việc đẩy mạnh việc… tuyên truyền và tố cáo! Lý do: Đảng chỉ là một đảng quần chúng, một đảng chưa có ngân sách và guồng máy của một đảng đã cầm quyền như đảng ở Nga. Hoạt động trong một môi trường chính trị như vậy, Nguyễn Ái Quốc không biết làm gì khác hơn là “ngoạ ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội” như Phan Châu Trinh đã miêu tả rất chính xác.

Sự chọn lựa Đệ Tam Quốc tế của Nguyễn Ái Quốc trong những năm ở Pháp do đó chỉ là một bước dò đường tiếp nối sau cuộc ra đi và sau những ngày được ấp ủ trong cái nôi của Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường. Sự chọn lựa chưa thể mang đến một điều gì thật quan trọng cho Việt Nam như những người sùng bái Hồ Chí Minh đã cho là như vậy. Chúng ta hãy giả định điều sau đây: nếu Nguyễn Ái Quốc cứ ở luôn tại Pháp thì liệu anh có trở thành Hồ Chí Minh sau này không? Nếu anh ở luôn ở Pháp thì anh sẽ có gì khác với những người đồng thời với anh, cũng đã sang Pháp và trở thành “khuynh tả” như anh, những Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh [37] , Nguyễn Thế Truyền [38] …?

Nhưng cũng may lần này câu hỏi giả định của chúng ta vẫn không được đặt ra trong thực tế. Trong thực tế, sau thời gian thể nghiệm một mô thức hoạt động cộng sản kiểu châu Âu, vì một lý do chẳng có gì là tất định, Nguyễn Ái Quốc đã rẽ sang một bước ngoặt quyết liệt: có lẽ nghe lời khuyên ngày 18-2-1922 của Phan Châu Trinh, anh đi sang Nga dự một hội nghị trong một thời gian ngắn rồi sẽ tìm đường về nước hoạt động. Nhưng chính trong chuyến đi này anh đã tạo ra được những quan hệ mới với phong trào cộng sản quốc tế, từ đó lao hẳn vào một hướng đi có chất lượng khác hoàn toàn: anh không còn hoạt động trong môi trường văn hoá châu Âu nữa. Anh trở về với cái thế giới phương Đông xưa cũ của anh, có lẽ vì đó mà anh mới có được điều kiện để từ giã thật sự cái nôi Phan Châu Trinh đã ấp ủ anh từ ngày hướng về phương Tây, anh bỏ nước ra đi.

© 2007 talawas



[1]Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1975, tr. 28-29.
[2]“Người đã sáng lập ra Hội những người Annam yêu nước, gửi đến Hội nghị Vécxây Yêu sách của nhân dân Annam t…” t. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, Chú thích số 23, tr. 492.
[3]Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917-1920), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 60.
[4]Trần Dân Tiên: Sđd, tr. 27.
[5]Xem Phan Thị Minh: Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Đà Nẵng, 2001, Quyển 4, tr. 240.
[6]Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 27-28.
[7]Cũng trong bản khai với Quốc tế Cộng sản 1938, Nguyễn Ái Quốc đã cho biết ngày sinh của ông là 1903 (trong khi ngày công bố chính thức: 1900), mẹ ông mất 1910 (thật ra là 1901). Xem Sophie Quinn-Judge: Như trên, tr. 27.
[8]Nhóm những người Annam yêu nước năm 1920-1921 “tập hợp độ 15 người tích cực yêu nước, gồm Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, những người xuất dương đầu tiên và những phần tử trẻ nhất, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền kể từ 1922” (D. Hémery: Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác, Nguyễn Trọng Cổn lược dịch, Nxb Lao động, Hà Nội, 2001, tr.26).
[9]Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 24-25.
[10]“Ông Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết và phải khẩn khoản yêu cầu ông Phan Văn Trường viết thay. Ông Trường viết gỉỏi nhưng không muốn ký tên. Mà chính ông Nguyễn đã phải ký tên những bài báo.” (Trần Dân Tiên: Sđd, tr. 31)
[11]Thu Trang đã phân tích bài “Thư trả lời ông Outrey” (Le Populaire, 14-10-1919) và bài “Vấn đề người bản xứ Đông Dương” (L'humanité, 2-8-1919) và cho rằng tuy ký tên Nguyễn Ái Quốc nhưng văn phong và cách lập luận là của Phan Văn Trường (Xem Thu Trang: Sđd, tr. 92-96).
[12]Nguyễn Ái Quốc: “Việt Nam yêu cầu ca”, Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 1, Sđd, tr. 438-439.
[13]Xem Thu Trang: Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp (1911-1925), Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, Chú thích 11, Chương năm, tr. 150.
[14]Phan Thị Minh: “Thử xác định thêm năm nào Hồ Chí Minh đến Pháp và xuất xứ của danh hiệu Nguyễn Ái Quốc”, trong Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917-1923), Sđd, tr. 422-423.
[15]Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường được chính quyền Pháp trả tự do vào tháng 7-1915, (vì không đủ bằng chứng kết tội hai ông về việc nhận tiền của Đức để chống Pháp), luôn bị mật thám theo dõi, khó hoạt động, nên có người đã cho rằng có thể vì đó hai ông “đã chủ động kéo” Nguyễn Tất Thành sang Pháp để “chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao thế hệ”, từ việc lập ra “Hội những người Annam yêu nước” (1917) đến việc công bố Yêu sách tám điểm (1919). Xem Phan Thị Minh: Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Nxb Đà Năng, 2001, Quyển 4, tr. 247. Thiết tưởng đây vẫn chỉ là một giả thuyết.
[16]Kém Phan Châu Trinh 3 tuổi. Quê ở làng Vẽ (Hà Nội). Vào làm toà Khâm sứ Bắc Kỳ, cuối 1908 được tuyển sang Paris làm phụ giảng tiếng Việt ở Trường Ngôn ngữ phương Đông. Xin học luật và xin nhập Pháp tịch. Từ 1910, thuê một căn hộ nhà số 6 Villa des Gobelins, những năm sau thành nơi ở của nhóm Việt Nam yêu nước tại Pháp trong đó có Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc. Phan Văn Trường có hai anh ruột (Phan Tấn Phong, Phan Trường Khiêm) có liên can đến vụ ném bom ở Hà Nội năm 1913. (Xem Thu Trang: Sđd, tr. 47 và 58). Cuối năm 1923, rời Pháp về nước và hoạt động ở Sài Gòn. Mất 1933, 58 tuổi.(Xem Phan Thị Minh: Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Nxb Đà Nẵng, 2001, Quyển 3, Tập 1, tr. 114).
[17]Hội do Phan Văn Trường làm chủ tịch. Ra mắt ngày 18-1-1912 tại trường Parangon nơi có đông sinh viên Việt Nam học. Phát biểu tại buổi Hội ra mắt có Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Jules Roux. Không khai báo với sở cảnh sát. Thường họp ở tiệm cà phê hay tiệm ăn Tàu. (Xem Thu Trang: Sđd, tr. 48).
[18]Chính sách của chính quyền Pháp đối với Phan Châu Trinh vào những năm ông mới sang Pháp bao gồm có việc trợ cấp sinh sống, tìm cách sử dụng làm chuyên gia nghiên cứu một số vấn đề ở Đông Dương, nhưng đồng thời cho mật thám và cử người ở bên cạnh theo dõi thường xuyên . (Xem Phan Thị Minh: Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới, Sđd, Quyển 3, tập1, tr. 53-56).
[19]Tên thật là Nguyễn Văn Xuân, làm nghề buôn máy ảnh, thường đi lại bên Đức lúc bấy giờ.
[20]Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 60.
[21]Hồ Chí Minh: “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, bài viết cho tạp chí Các vấn đề phương Đông (Liên xô) 1960, trong Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, 2000, tr. 126.
[22]Một mật báo tháng 1-1920 đã ghi lại những lời lẽ sau đây của Nguyễn Ái Quốc với một “Việt kiều”: “Bây giờ anh lại trách tôi là quá mạnh. Hỏi thử các anh đã làm gì từ năm năm nay? Chẳng một ai biết đến Annam cả. Nếu cần phải “ba gai” hay làm cả những gì vớ vẩn để thiên hạ biết đến, chúng ta cũng phải làm. Nếu ai hỏi tôi nhóm người cách mạng ở đâu, tôi sẽ trả lời họ là 20 triệu người bên ấy, họ đã phản đối hàng ngày mà bị dìm đi. Nói cho cùng ai làm gì tôi? Bỏ tù tôi ư? Lưu đày tôi ư? Hoặc cắt đầu tôi, điều ấy có xảy ra tôi cũng bất cần!”. (Xem Thu Trang: Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp, Sđd, tr. 130-131).
[23]Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, tr. 78, 80.
[24]Trần Dân Tiên, Sđd, tr. 44.
[25]Hồ Chí Minh: “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Sđd, tr. 127.
[26]Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 1, Sđd, tr. 33-36.
[27]D. Hémery: Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác, Sđd, tr. 29.
[28]Hélène Carrère d’Encausse et Stuart Shram: Le Marxisme et l’Asie 1853-1964, Armand Colin, Paris, 1965, p. 199.
[29]Trong phiên họp thứ 8 Đại hội V Quốc tế Cộng sản, 23-6-1924, Nguyễn Ái Quốc đã phát biểu một luận điểm tương tự: “Tất cả các đồng chí đều biết rằng hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở thuộc địa hơn là chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng. Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng, các đồng chí lại khinh thường thuộc địa” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 1, Sđd, tr. 274).
[30]“Lúc bấy giờ tôi ủng hộ Cách mạng tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm lịch sử quan trọng của nó.” (Hồ Chí Minh: “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Sđd, tr. 126).
[31]Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 1, Sđd, tr. 36.
[32]Thống kê của chính phủ Pháp cho biết số lượng ngưới Việt Nam có mặt ở Pháp và Bắc Phi đến 30-3-1923 là 8.245 người. (Xem D. Hémery: Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác, Sđd, tr. 17).
[33]Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Sđd, tr. 117.
[34]Ngồi ngoài gọi kẻ giỏi ra, đợi thời mà vào thình lình. Ý nói: gọi người ra ngoài giúp mình để đợi thời cơ mới về.
[35]Xem Thu Trang: Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, Sđd, tr. 176-181.
[36]Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc tại Paris, Sđd, tr. 47-48.
[37]Nguyễn An Ninh sinh ngày 6-9-1900 tại Chợ Lớn. Gia đình tiểu địa chủ. Học tiểu học tại Taberd và trung học tại Chasseloup-Laubat (Sài gòn). Từ 1918 đến 1920, học luật tại Đại học Hà nội, sang Pháp học tiếp và tốt nghiệp tại Paris năm 1921. Trong thời gian ở Pháp có tham gia phong trào chống thực dân với Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường. Du lịch nhiều nơi ở châu Âu để mong tìm một ý thức hệ cho Việt Nam. 1923 về Sài Gòn lập ra báo La cloche fêlée. Khởi đầu chủ xướng đường lối hợp tác Pháp Việt, nhưng 1924 quay sang phổ biến tư tưởng của Tagore và Gandhi. 1925, La cloche fêlée thường trực giới thiệu những tác phẩm của những nhà lý luận cộng sản như Zinoviev, Bukharin, Karl Radek, Gabriel Péri và những bài đã in trong L'humanité của Đảng Cộng sản Pháp. 1926, in toàn bộ Tuyên ngôn cộng sản. Tháng 5-1926, Nguyễn An Ninh bị bắt, La cloche fêlée đình bản. (Xem Huỳnh Kim Khánh: Vietnamese communism 1925-1945, Cornell University Press, Ithaca and London, 1982, Chú thích 26, tr. 49-50).
[38]Nguyễn Thế Truyền sinh 17-12-1898 ở Hành Thiện (Bắc Kỳ). Uỷ viên Tiểu ban Thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp. Cộng tác với tờ Le Paria. Viết lời nói đầu cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc. Theo cảnh sát Pháp, từ 1925 và 1927, anh là nhà hoạt động tích cực nhất trong phong trào cách mạng Việt Nam ở Pháp, là linh hồn của phong trào vùng Paris. Nhưng năm 1926 hoặc 1927, anh cắt đứt với Đảng Cộng sản, lập ra Đảng Việt Nam Độc lập và trở về Sài Gòn ngày 9-1-1928. Trở thành người theo chủ nghĩa dân tộc, sống ở Bắc Kỳ, rồi lại sang Pháp từ 1934 đến 1938. (Xem D. Hémery: Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác, Sđd, Chú thích 3, tr. 26).