Hiển thị các bài đăng có nhãn HOÀNG CẦM- Thơ tôi không có thông điệp (2). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn HOÀNG CẦM- Thơ tôi không có thông điệp (2). Hiển thị tất cả bài đăng

6/5/10

HOÀNG CẦM- Thơ tôi không có thông điệp (2)

1.1.2008
Hoàng Cầm
Thơ tôi không có thông điệp
Nguyễn Đức Tùng thực hiện
1 2

Nguyễn Đức Tùng: Giọng điệu của Hoàng Cầm cũng có khi trẻ trung, bay bổng, thậm chí bay bướm.

Ly cà phê nửa tỉnh mê
Từng đôi sớm biết đi về có nhau
Còn em lãng đãng đi đâu
Anh về so sẫm đũa màu gỗ mun

Có khi đau xót lạ lùng.

Anh giải oan, em chẳng hết oan
Suối khuya cắt xé tiếng kêu than

Ai đã từng mất người yêu, mất vợ, mất chồng, sẽ tìm thấy họ trong thơ của anh.

Nghệ thuật xếp đặt chữ của anh rất táo bạo. Người ta nói “nửa tỉnh nửa mê”, anh thì nói “nửa tỉnh mê”. Những câu rất lạ như “so sẫm đũa màu gỗ mun” không biết là tự nhiên bật ra hay là công phu tu từ học.

Đặc điểm trong giọng điệu thơ của Hoàng Cầm là giọng văn xuôi, mà vẫn cứ êm ả nhẹ nhàng.

Anh giải oan, em chẳng hết oan.

Đây có phải là một chủ trương riêng của anh?

Hoàng Cầm: Tự nhiên bật ra thôi. Tôi cũng có sắp xếp lại, có khi cũng sửa thơ rất nhiều, nhưng hầu hết đều tự nhiên bật ra. Gần như là vô thức. Muốn thế thì phải sống với chữ nghĩa như ăn uống, như khí trời. Lâu rồi nó thành ra của mình, chỉ chờ dịp là bộc lộ. Nếu nói là chuẩn bị thì chuẩn bị mỗi ngày, mỗi phút.

Nguyễn Đức Tùng: Nghĩa là nhà thơ tự biến thành một phương tiện (vehicle) của nữ thần thơ ca?

Hoàng Cầm: Đúng như vậy, nhưng không phải với nghĩa hành xác hay tử vì đạo gì cả, mà là mình hạnh phúc được sống một cuộc đời thơ như thế. Tôi nghĩ nhà thơ nào cũng cần chuẩn bị cho mình một đời sống đầy đủ lãng mạn. Chứ anh sống nông cạn quá, xô bồ quá, chạy theo những thứ hão huyền, hay là tính toán dè dặt quá, tham lam quá, chăm chút lo toan cho cá nhân mình, thì không có thơ hay.

Nguyễn Đức Tùng: Thơ Hoàng Cầm không có khuynh hướng triết học, hoặc nặng về lý trí, trừu tượng, nhưng đằng sau những câu chữ có tính cảm giác là những ý nghĩa ngấm ngầm sâu xa. Trong thơ anh có những thông điệp mà người đọc cần rút ra hay không?

Hoàng Cầm: Thơ tôi không có thông điệp. Tôi không hề có ý định diễn đạt một ý tưởng ra thành thơ, tức là có sẵn một cái dàn bài rồi đắp các chữ vào. Các chữ bao giờ cũng bật ra từ tâm linh, có khi đi trước nghĩa của chúng. Nhiều câu tôi không biết tại sao tôi lại viết như thế. Nhưng nếu coi thông điệp là những ý nghĩa của bài thơ, người đọc nhận ra mỗi người một cách khác nhau, thì tất nhiên bài thơ nào cũng có thông điệp cả.

Nguyễn Đức Tùng: Về hình thức và thể thơ, các tập Mưa Thuận Thành và Lá diêu bông viết sau tập Về Kinh Bắc, có rất nhiều bài viết ở dạng thơ cổ điển, và ít có khuynh hướng tự do hơn, nghĩa là người đọc ít tìm thấy ở đó sự cách tân ngôn ngữ. Có một “thi pháp Hoàng Cầm” hay không?

Hoàng Cầm: Mình không định như thế. Nhưng nếu nhận xét của anh đúng thì nó rất thú vị. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới điều này cả. Có thể vì càng về sau cái nhạc điệu của đời sống tâm hồn nó trở nên êm đềm, khuôn khổ, ít bấn loạn hơn chăng?

Nguyễn Đức Tùng: Tôi có trong tay tập thơ Hoàng Cầm tác phẩm, nhà xuất bản Hội Nhà văn, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2002, Lại Nguyên Ân biên tập. Đây là một tập sách in đẹp, bìa trang nhã, tập hợp được rất nhiều các bài thơ của anh. Một công trình công phu của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây và của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân rất đáng trân trọng và khen ngợi. Anh còn những tác phẩm nào khác chưa được đưa vào sách hay không?

Hoàng Cầm: Cuốn mà anh có là cuốn về thơ, còn hai cuốn nữa, một là truyện thơ và kịch, hai là văn xuôi. Về thơ thì như thế là tạm đủ, nhưng cũng có những bài chưa có điều kiện đưa vào.

Du Tử Lê: Thưa anh, anh làm thơ từ lúc mấy tuổi?

Hoàng Cầm: Mười sáu tuổi. Mười sáu tuổi, vừa bắt đầu trưởng thành, là mình nhất định muốn trở thành một nhà thơ. Và quyết định sẽ không thay đổi. Bất cứ gia đình, bạn bè hay thế lực, chế độ nào buộc mình không làm thơ thì mình cũng sẽ không thay đổi. Hoạn nạn hay khổ đau nào cũng sẽ không làm mình thay đổi.

Nguyễn Đức Tùng: Có ai đã từng buộc anh không làm thơ không?

Hoàng Cầm: Ra lệnh trực tiếp như thế thì không.

Nguyễn Đức Tùng: Cái gì làm cho anh có quyết tâm suốt đời làm thơ như thế?

Hoàng Cầm: Tình yêu thôi. Yêu dân tộc mình quá. Và ngôn ngữ Việt Nam quả thật lạ lùng. Giải thích thì rất khó nhưng tiếng Việt thật là tinh vi, đi sâu vào những ngõ ngách tâm hồn.

Mình cảm thấy cái nhu cầu muốn biểu đạt bằng thơ ca. Ai không có cái nhu cầu đó thì khó trở thành nhà thơ.

Nguyễn Đặng Mừng: Tôi hân hạnh được gặp nhà thơ Hoàng Cầm ở Sài Gòn năm 1980 ở nhà văn hoá quận Bình Thạnh. Lúc đó Hoàng Cầm mới từ Hà Nội vào Nam. Đó là những năm đất nước rất đói nghèo, khó khăn. Độc giả yêu mến anh đã đến chật cả hội trường. Không khí cảm động.

Tôi vẫn còn nhớ thuộc lòng bài thơ mà anh ngâm buổi tối hôm đó.

(Ngâm thơ, toàn bài)

Đêm ba mươi gió thổi
Tôi lại nhớ con tôi
Vợ đói con cũng đói
Khóc thét lặng từng hồi
Mẹ thì nước mắt nhiều hơn sữa
Ngực lép con nhai đã rã rời


Hoàng Cầm: Tôi rất cảm động có người nhớ thơ tôi như thế, những năm xa xưa trên đất nước nghèo đói. Tôi đã từng viết những câu thơ như thế bằng chính máu thịt của mình trong những ngày dài đau khổ.

Bây giờ đã già, lại không đi đứng được nữa, nên tôi chỉ biết chờ bạn bè từ xa đến thăm chứ tự mình không đi thăm ai được. Tiếc quá.

Một thân hữu văn nghệ: Xin hỏi anh, chân của anh bị như thế nào?

Hoàng Cầm: Hồi đó tôi bị ngã gãy xương đùi. Từ đó không đi được nữa, phải ngồi xe lăn.

Du Tử Lê: Tuổi thơ của anh ra sao?

Hoàng Cầm: Mình biết làm thơ từ lúc còn nhỏ lắm. Có những người may mắn khi lớn lên có một không gian nó sinh ra cái chất thơ.

Từ năm lên năm đến năm mười lăm tuổi tôi lớn lên ở nông thôn. Cái chất quê nó phả ra hồn dân tộc. Tôi nhận được cái đó từ rất sớm. Nhưng nông thôn của tôi không đến nỗi heo hút quá, ở dọc quốc lộ số 1, hàng ngày có những chuyến xe đò chạy qua. Có con đường xe lửa, có chiếc ga xép, buổi chiều khói của tàu phả lên bầu trời như một thứ dấu ấn tuổi thơ. Thời đó của tôi không gian yên ả thanh bình. Bây giờ thì rất khó mà được như thế. Không phải là tôi hoài niệm đâu, mà đúng là thời đó có những điều kiện rất tốt để người ta sống một đời sống đẹp và trưởng thành, lớn lên cùng với thơ.

Tôi nhớ chuyến xe lửa có khi xuống ga chỉ có một người hành khách, tuy vắng vẻ thế nhưng lại không quá sức heo hút, bùn lầy nước đọng như người ta vẫn nghĩ nhầm. Bố tôi là môt nhà nho, làm nghề bốc thuốc. Những lúc rảnh, các cụ thường ngồi với nhau, uống trà, đọc thơ, nên mình cũng chịu ảnh hưởng, vì mình cũng đứng gần đó châm nước hầu trà. Những thứ đó nó nhiễm dần vào tâm hồn mình, đi đâu xa lại nhớ nó. Nó un đúc nên hồn thơ của mình, như thế là từ năm lên năm tuổi. Lớn lên tôi phải đi học xa nhà, chỉ thỉnh thoảng mới được về. Những ngày ở bên bố mẹ thật là những kỷ niệm êm ả.

(Ngồi ngả lưng, lim dim mắt, nghỉ một lát)

Nguyễn Thụy Kha (nói đùa): Tình hình lửa của anh Hoàng Cầm đang yếu đi. Phải cử một em vào ngồi với anh cho ấm.

Hoàng Cầm (với một thiếu nữ vừa bước vào, ngồi xuống bên trái nhà thơ): Em ở làng nào?

Thiếu nữ: Dạ thưa, em ở Đình Bảng.

Nguyễn Đức Tùng: Cô có váy Đình Bảng không? (cười)

Thiếu nữ (thành thật): Có ạ. Nhưng em cất ở nhà.

Nguyễn Đức Tùng: Sáng ngày mai chúng tôi sẽ đi qua sông Đuống, về Kinh Bắc quê anh để nghe hát quan họ. Ngoài những người ở đây còn có các anh Dương Tường, Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Xuân Nguyên, và một số người khác. Ai đã đọc tập thơ Về Kinh Bắc của anh, không thể không nhớ đến những câu như:

Tiếng hát quan họ
Và trai gái quê tôi trẻ đẹp vô cùng

Làm sao có thể mời anh đi được?

Hoàng Cầm: Không đi được. Tiếc lắm. Giá như các anh về đây trước độ mươi hay mười lăm năm, tôi hãy còn khỏe lắm, chúng mình sẽ cùng nhau đi rong chơi.

Nguyễn Đức Tùng: Anh có mối tình nào với một kiều nữ quan họ không?

Hoàng Cầm (cười): Phải có chứ. Nguyễn Đức Tùng có hút thuốc lào được không?

Nguyễn Đức Tùng: Thưa không. Nhưng sẽ xin được châm lửa cho anh hút (châm lửa, và Hoàng Cầm hút rất lâu. Những người khác xúm lại nhìn anh hút thuốc, có người noi gương anh cũng làm một điếu).

(Sau một lúc)

Những người viết trẻ hôm nay vẫn đọc thơ Hoàng Cầm và yêu mến anh lắm. Anh có lời nào dành cho họ không?

Hoàng Cầm: Bản thân tôi không biết lý luận và cũng không thích lý luận bao giờ. Tôi chỉ có kinh nghiệm về thơ thôi. Mà kinh nghiệm thì khi về già mới có.

Tôi cho rằng người làm thơ phải tạo ra cái khách quan của mình. Mình phải tạo nó ra. Tôi tạo ra quê hương đất nước của tôi.

Có cái hiện thực khách quan ngoài ý muốn của mình, và cũng có cái khách quan do mình tạo ra. Điều này là quan trọng nhất. Cái hiện thực khách quan thứ nhất do xã hội và lịch sử tạo ra, đầy những bất trắc và bất công, mình đồng ý với nó hay phản kháng lại nó, cũng không dễ một ngày hai ngày mà thay đổi được. Thế thì mình phải làm sao?

Nhà thơ phải khôn ngoan để chọn cho mình cái hiện thực thứ hai mà sống. Sống thế nào thì viết thế ấy. Không sống trong thơ thì không sinh đẻ ra thơ.

Hiện thực thứ hai lúc nào mình cũng tạo ra được, vì do mình chọn lấy từ hiện thực thứ nhất. Ví dụ như gia đình, bạn bè, người yêu, chỗ ở, nơi làm việc, học hành, vui chơi. Cái khách quan thứ hai này nó nuôi dưỡng hồn thơ của mình hay nó hủy diệt hồn thơ ấy đi. Có thể nói hơi quá đi một chút rằng chơi với bạn bè văn chương như thế nào thì đẻ ra thơ như thế ấy. Mình muốn thân mật hoà hợp với mọi người như thế nào đấy hay là mình muốn phản bác, châm biếm, đả kích người khác như thế nào đấy cũng là do mình thôi. Các nhà thơ cần tạo ra cái khách quan thứ hai ấy để nuôi dưỡng thơ của mình. Đó là điều mà từ bé tôi đã làm được.

Anh đừng bị lệ thuộc vào cái khách quan thứ nhất mà anh không thay đổi được. Sẵn sàng thay đổi môi trường của mình để sống được như mình mong muốn. Người nào không chơi được thì đừng chơi với họ, chỗ nào không dung mình được thì dời đi chỗ khác, chứ đừng quá cầu xin, đừng quá ép buộc mình. Chỉ có cái tự nhiên là quý.

Lúc còn nhỏ quá thì khách quan là loại thứ nhất, lúc lớn lên rồi tôi tự tạo ra cái thứ hai để cho nó vừa ý mình. Mình muốn sống trong môi trường như thế để mà làm thơ.

Đó là mục đích của đời sống của mình.

Nguyễn Đức Tùng: Kinh nghiệm như trên của anh thật là quý giá. Nhưng khi có môi trường rồi, tức là khi có cái hiện thực thứ hai như ý mình rồi, mà thơ vẫn không sinh ra được là tại sao?

Hoàng Cầm: Tại vì cảm hứng của anh chưa đủ chín. Tài anh chưa đủ chín. Điều thứ nhất mà người ta thường thiếu là điều tôi vừa nói trên đây. Điều thứ hai là thế này: các bạn trẻ làm thơ cần học hỏi rất nhiều, gặp được một bài thơ hay của người khác, đọc được một bài lý luận về thơ, là phải xem đi xem lại, trao đổi lẫn nhau, tranh luận cho ra lẽ vì sao mà thơ người ta hay như thế. Đừng có tự ái, lắng nghe lời khen chê của độc giả. Lắng nghe họ chứ không chắc cái gì cũng đi theo họ. Điều kế đó là: nhớ rằng đừng làm thơ theo một ý định sẵn. Vì làm thơ theo một ý định sẵn thì cũng có thể hay đấy, như trường hợp Chế Lan Viên. Nhưng người ta sẽ quên đi. Ý định của anh nó phải lồng trong cảm xúc, quyện vào nhau, không biết cái nào trước, cái nào sau.

Nguyễn Đức Tùng: Anh cho rằng Chế Lan Viên là người làm thơ theo ý định sẵn?

Hoàng Cầm: Đúng thế. Chế Lan Viên là người có học, lại có tài, vì vậy có những câu thơ rất độc đáo. Nhưng mà sức rung động của những câu thơ Chế Lan Viên thường hạn chế. Yếu, rất yếu, mặc dù mới đọc thì hay lắm. Một thời gian sau đọc lại thì nó không cám dỗ mình nữa, nó hơi giả, không thật, hay ít nhất là không đủ sự thật. Người đọc bị nhà thơ thuyết phục một lần, nhưng lần sau thì không bị thuyết phục nữa.

Nguyễn Thụy Kha: Trong thơ Chế Lan Viên, vì ngôn ngữ trở thành phương tiện của thơ hay vì không có đủ sự thật nên rung động của thơ không lâu dài?

Hoàng Cầm: Không có sự thật, tức là xúc động thật, nên không bền. Mới đọc thì hay, nhưng để lâu, đọc đi đọc lại thì người ta lại thấy chan chán, vì ở trong thơ Chế Lan Viên có nhiều lý trí và lý lẽ.

Mà sở dĩ như thế là vì nhà thơ đã dùng sự thông minh của mình để mà chiếm hữu thơ ca vốn là cái không thể chiếm hữu được. Anh không đàng hoàng với nó là anh mất nó ngay. Nhưng thơ của tôi thì không có lý lẽ gì nhiều, có nhiều câu không có nghĩa gì lắm, nhưng tôi viết thẳng ra từ rung động thật của mình, vì vậy cũng làm cho người đọc rung động theo. Như vậy thơ không phải là ý nghĩa, thơ trước hết là sự rung động. Nó còn đi trước cả ngôn ngữ biểu đạt, rồi trở thành một với nó. Rung động tức là sự thật.

Những người làm thơ trẻ hiện nay cần nhớ rằng những bài thơ đặt nặng trên lý trí, lý lẽ mà không xuất phát từ rung động sâu xa thì có thể tạo nên một lớp độc giả ban đầu nhưng rồi sẽ tàn đi nhanh vì không ai người ta nhớ đến thơ mình. Hãy để cho thơ tự bật ra từ trong huyết quản của mình, từ trong chính cuộc sống và suy nghĩ mỗi ngày. Nó bật ra chứ không phải anh nghĩ ra nó. Đây chỉ là kinh nghiệm của cá nhân tôi, có thể không đúng với người khác.

Nguyễn Đức Tùng: Như thế theo anh trong thơ không cần các ý tưởng ban đầu? Ở phương Tây cũng thường nói đến phương pháp sáng tác có tính tự động, hoàn toàn vô thức.

Hoàng Cầm: Không phải là không cần các ý tưởng. Nhưng các ý tưởng hay cảm xúc cũng như sự quan sát khách quan phải trở thành máu huyết của mình. Anh phải sống với nó mỗi ngày, rồi để nó tự bật ra. Còn nó bật ra lúc nào thì anh không kiểm soát được.

Nguyễn Đức Tùng: Thế hệ của anh nhiều người biết tiếng Pháp. Thơ của Pháp ảnh hưởng đến anh ra sao?

Hoàng Cầm: Thơ Pháp thì tôi đọc nhiều và học nhiều, nhưng ảnh hưởng đến tôi thì ít. Tôi cũng từng say mê Verlaine, Rimbaud, Beaudelaire, Breton… Nhưng thật ra thơ Pháp nó cũng nhiều lý trí lắm.

Nguyễn Đức Tùng: Hình như thơ phương Tây đều thế cả. Đây là điểm yếu của thơ phương Tây hay là điểm mạnh của họ? Biết đâu tính xúc động mà anh vừa đề cập chính là nguyên nhân làm cho thơ Việt Nam bao năm lẩn quẩn trong lũy tre làng, không vượt ra khỏi biên giới của mình. Vì thế mà thơ hay của Việt Nam không dịch ra được.

Hoàng Cầm: Chúng ta cần kiên nhẫn. Mỗi dân tộc có một điểm mạnh riêng. Không phải tôi có ý nói thơ Việt Nam là hay nhất thế giới, nhưng cần bình tĩnh để nhận chân cái đặc sắc của nó. Chúng ta có nhận ra được cái đặc sắc riêng biệt đó thì mới giải thích cho thế giới được.

Nguyễn Đức Tùng: Thế bây giờ các nhà văn và lý luận phê bình của chúng ta đã nhận ra hay chỉ ra được điều anh nói chưa?

Hoàng Cầm: Chưa.

Nguyễn Đức Tùng: Những nước tương đối nhỏ và không dùng ngôn ngữ Anh hay Pháp, như Ba Lan, Mexico, Ấn Độ, Bồ Đào Nha… lại có những nhà thơ lớn được thế giới công nhận. Được công nhận như thế là vì độc giả khắp nơi yêu mến họ qua các bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp. Thế sao cái hay của thơ Việt Nam không dịch được mà cái hay của thơ các dân tộc khác lại dịch được?

Hoàng Cầm: Như thế thì mình cần thời gian để thế giới hiểu mình qua các bản dịch công phu. Cũng có thể vì ngôn ngữ Việt Nam thuộc một hệ thống quá sức đặc biệt.

Nguyễn Đức Tùng: Thơ của các nước như Ba Lan, Ấn Độ, Anh, Mĩ… hình như nặng về các ý tưởng, còn thơ Việt Nam nặng về ngôn ngữ và nhạc điệu. Điều này hạn chế khả năng phiên dịch của thơ Việt Nam.

Hoàng Cầm: Cũng có thể đúng như anh nói. Bây giờ nói về cái tình. Cái tình nó phải uyển chuyển, các sắc thái của nó phải thật mênh mông, thật sâu. Thơ phải đạt được cái sâu và cái mênh mông ấy của chữ tình, phải để cho cái tình nó hồn nhiên, hồn nhiên đấy nhưng không phải là không có trí tuệ. Nhà thơ phải là người sống rất thơ cuộc đời mình và nhà thơ phải biết lao động tình cảm.

Nguyễn Đức Tùng: Thế nào gọi là lao động tình cảm?

Hoàng Cầm: Lao động tình cảm là xây đắp cuộc sống tình cảm của mình, phát triển nó thật sâu, thật mênh mông. Đó là tình cảm đối với cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè. Tình cảm đối với xóm làng, quê hương đất nước, đối với nhân loại. Tình cảm đối với cỏ cây muông thú, với sự sống và cái chết. Bỏ đi hết những cái phiền toái lặt vặt ở đời, bỏ đi những ràng buộc về tiền tài danh vọng, có có không không, được mất hơn thua tầm thường ở đời. Giữ một tấm lòng trân trọng với những gì mà mình tin là tốt đẹp, mặc những kẻ có quyền hơn mình, có thế hơn mình, có tiếng hơn mình nói gì cũng kệ họ. Mình nắm cho chắc những giá trị mà mình tin là có thật và duy nhất.

Đến một lúc nào đó tình cảm chín rồi câu thơ sẽ tự bật ra. Có nhiều câu thơ của tôi khi nhớ lại tôi cũng không biết tôi đã làm thơ thế nào, làm sao để tôi có những câu thơ ấy, thậm chí tôi cũng không biết lúc ấy tôi định viết cái gì. Sở dĩ như thế là vì tôi không bao giờ để cho lý trí lấn át tình cảm trong quá trình sáng tạo.

Du Tử Lê: Hôm nay nhiều bạn bè đến thăm anh, thấy anh còn khỏe và trò chuyện được như thế này đã là niềm vui lớn cho nhiều người, nhất là những người yêu thơ ở khắp nơi.

Hoàng Cầm: Tôi rất vui và xúc động được gặp các anh Du Tử Lê, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thuỵ Kha, Hoàng Trần Cương… hôm nay đến thăm và trò chuyện về thơ vui vẻ như thế này. Tôi cũng có trao đổi về văn học với nhiều người trong nhiều dịp khác nhau nhưng cuộc trò chuyện hôm nay tôi thấy nó ấm áp quá. Tình cảm quá. Cái tình cảm giữa anh em mình với nhau và tình yêu đối với thơ, hai cái đó nó hoà quyện vào nhau, thật là quyến luyến.

Nguyễn Trọng Tạo: Anh Hoàng Cầm quý lắm mới ngồi nói chuyện lâu như thế.

Hoàng Cầm: Các anh đến chơi, tôi mừng lắm. Nói cả ngày cũng chưa hết chuyện. Tôi còn muốn nói chuyện lâu với anh Nguyễn Đức Tùng, tôi chưa mệt.

Nguyễn Đức Tùng: Đọc thơ anh, thấy rõ cái tình yêu nước mênh mông, không phải chỉ trong những bài thơ có đề tài yêu nước, mà bàng bạc trong tất cả những bài thơ về mẹ.

Quà gửi con chùm nhãn Hưng Yên
Đừng gặm hết ngày thơ trẻ

Hay trong những bài thơ tình.

Em đi xa quá xa
Mới thấy trời mây hẹp
Có phải trong hồn ta
Em vẫn ngồi khép nép

Rõ ràng là thơ tình. Thơ giản dị, không phải là những câu hay nhất của Hoàng Cầm, thế mà khi đọc chúng, tôi lại thấy dâng lên một niềm thương cảm đối với quê hương mình.

Hoàng Cầm: Có lẽ vì tôi viết chúng trong bối cảnh quê nhà và nông thôn.

Nguyễn Đức Tùng: Thưa anh, hồi nãy anh có nhắc đến độc giả ở miền Nam trước đây. Thế còn tác giả miền Nam thì sao? Ý tôi muốn nói là anh nghĩ sao về việc đọc lẫn nhau giữa hai miền Nam Bắc.

Hoàng Cầm: Bất cứ một nhà thơ nhà văn nào, miền Bắc hay miền Nam, trong nước hay hải ngoại, đã viết bằng tiếng Việt thì đều là nhà văn Việt Nam, và văn học của họ là văn học Việt Nam. Tôi rất yêu mến và trân trọng tác phẩm của các nhà thơ miền Nam trước đây như Đinh Hùng, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Quách Thoại, Du Tử Lê… Tôi nghĩ rằng đó là một nền văn học lớn.
Do hoàn cảnh chiến tranh và chia cách, chúng ta rất khó khăn để đọc lẫn nhau. Nhưng thời kỳ đó đã qua lâu rồi, chiến tranh đã kết thúc hơn ba mươi năm, không lý gì chúng ta lại không có điều kiện để tìm hiểu lẫn nhau nhiều hơn nữa. Chỉ tiếc là tôi đã già rồi, không còn nhiều sức lực nữa, nhưng tôi tin rằng ngày nay những người viết văn trẻ cần phải đọc nhiều về các thời kỳ văn học khác nhau của nước mình để có vốn văn hoá và vốn tâm hồn. Những người đi trước dạy cho chúng ta nhiều thứ lắm.
Nguyễn Đức Tùng: Sau tập Về Kinh Bắc một thời gian rất dài, là tập Mưa Thuận Thành. Có sự khác nhau như thế nào giữa hai tập thơ này?
Nhớ mưa Thuận Thành
long lanh mắt ướt
là mưa ái phi
tơ tằm óng chuốt
Ngón tay trắng nuột
nâng bồng Thiên Thai
Mưa chạm ngõ ngoài
chùm cau tóc xoã
Miệng cười kẽ lá
mưa nhòa gương soi

Hoàng Cầm: Hai tập thơ cách nhau ba mươi năm. Tập trước 1960, tập sau 1991. Về Kinh Bắc là lời khấn nguyện của kẻ sau cơn hoạn nạn trở về cố hương, về với mẹ và tuổi thơ. Mưa Thuận Thành là đời sống của tâm hồn tôi, trải suốt một vùng quê Quan Họ, là tình yêu và những cảm nhận về cuộc đời bình dị, khi u buồn, khi hạnh phúc.

Nguyễn Đức Tùng: Vẻ đẹp trong thơ Hoàng Cầm rất khó giải thích, gần như là một kinh nghiệm vô thức. Hình như anh ít sửa thơ của mình, tức là không coi trọng công việc vật lộn chữ nghĩa và bản thảo? Khác với nhà thơ Lê Đạt chẳng hạn?
Ta soi
chỉ còn ta đạp lùi tinh tú
Ngủ say rồi
đôi cá đòng đong

Tôi để ý rằng trong những bài thơ hay nhất của Hoàng Cầm, đều có kỹ thuật đồng hiện về thời gian. Cả quá khứ, hiện tại và tương lai đều có thể cùng xuất hiện.

Chính điểm mấu chốt này làm cho thơ Hoàng Cầm có tính thiêng liêng, huyền bí, vốn không phải là tính chất đặc trưng của thơ Việt Nam.

Hoàng Cầm: Anh nói vô thức là rất đúng, đó là bản chất sáng tạo, và vô thức còn cho phép tôi đến được nhiều nơi cùng một lúc. Nhưng việc sửa chữa, thì mỗi khi viết xong tôi đều coi lại rất kỹ. Các hình ảnh nó linh hiện như thế nào thì tôi không thể biết, nhưng khi đã có chúng trong tay thì ta có thể kiểm soát được phần nào. Tôi ít sửa thơ thật nhưng tôi rất cẩn trọng khi chọn chữ, chọn xong rồi thì khó mà sửa được. Như thế cũng là một cách làm việc trên bản thảo nhưng là bản thảo không lời.

Nguyễn Đức Tùng: So với những người cùng thời như Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng, Văn Cao, thì anh có vẻ ít có ý định cách tân ngôn ngữ thơ hơn cả.

Hoàng Cầm: Cũng có thể như thế. Tôi không có một lý thuyết nào về sự cách tân ngôn ngữ cả, nhưng tôi không chống lại điều ấy, trái lại tôi rất chú ý đến nó. Các câu thơ của tôi nếu không mới thì tôi thường bỏ đi. Vào khoảng năm 1958-1959, trong thời gian viết tập Về Kinh Bắc, tôi nhận ra rằng thơ Việt Nam không đổi mới là đã đi đến đường cùng, vì thơ mới sau Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu… không thể phát triển thêm được nữa.

Ngoài một số anh em làm thơ thân thiết, như Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Dương Tường, những suy nghĩ như thế tôi không có dịp nào để chia xẻ với nhiều độc giả trong ba mươi năm.

Nguyễn Đức Tùng: Xin cám ơn nhà thơ Hoàng Cầm. Buổi gặp gỡ hôm nay chắc chắn sẽ để lại trong lòng những người có mặt một kỷ niệm không phai mờ. Chúc anh giữ được lâu dài sức khỏe và sự minh mẫn.

Mọi người đứng lên xung quanh. Một người thanh niên giúp một công việc đặc biệt cũng vừa bước vào. Hoàng Cầm hút thêm một điếu thuốc, thở khói, trầm ngâm. Anh chào mọi người và cầm tay tôi thật chặt, một hồi mới buông ra.

(thực hiện tháng 04.2007 - cùng duyệt lại văn bản với nhà thơ Hoàng Cầm trên điện thoại, với sự giúp đỡ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong các tháng 10, 11 và 12.2007)

© 2008 talawas