Quá trình hiện đại hóa đã ảnh hưởng đến tôn giáo như thế nào?
Nguyễn Minh Vương
I. HIỆN ĐẠI HOÁ LÀ GÌ ?
Như chúng ta đã biết, đầu thế kỷ 17, nhờ những nghiên cứu về phương pháp thực nghiệm của hai triết gia Francois Bacon và Descartes, khoa học bắt đầu phát triển bằng “đôi hài bảy dặm”. Tới thế kỷ 19, nhà bác học người Pháp, Claude Bernard đề ra phương pháp nhận xét và thí nghiệm càng làm cho khoa học tiến triển một cách thần kỳ. Thực vậy, khoa học bây giờ đã trở thành như một tôn giáo mới, một tín điều mới ảnh huởng đến đời sống tư tưởng và giáo dục của con người mạnh mẽ đến nỗi ngay cả những hệ thống tôn giáo lớn cũng bị biến đổi theo. Nói rõ hơn, bất cứ điều gì con người hiện đại cũng lấy khoa học làm cơ sở để chứng minh; nhìn về lãnh vực tôn giáo, ngay cả trong những sự kiện gọi là phép lạ của các vị thánh, giáo hội cũng cần khoa học nhúng tay vào, để căn cứ vào đó mà thẩm định xem phép lạ có thật hay không.
Vì vậy, trước khi xem xét biến chuyển của tôn giáo trong môi trường Hiện đại hoá (HĐH), mà nói cụ thể, là sự thế tục hoá tôn giáo, ta thử khảo sát sơ những định nghĩa và ý nghĩa của quá trình HĐH. Đối với những biến chuyển to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp, các nhà Xã hội học (XHH) đã có cách mô tả và giải thích như sau.
1. Theo Các Nhà Xã Hội Tiền Phong :
Nhà XHH Đức, Toennies cho rằng : quá trình hiện đại hoá như là bước quá độ từ XH cộng đồng sang một XH hiệp hội.
Theo É. Durkheim thì quá trình hiện đại hoá liên quan đến việc phân công lao động gia tăng trong các hoạt động sản xuất. Nói rõ hơn : đó là việc chuyển từ sự đoàn kết có tính cách máy móc sang sự đoàn kết hữu cơ
Đối với M. Weber, ông cho rằng : đó là quá trình tàn lụi của những khuôn mẫu tư tưởng truyền thống và đồng thới là sự gia tăng tầm quan trọng của tính hợp lý, (tức là Chủ nghĩa duy lý).
Cái nhìn của K. Marx về quá trình hiện đại hoá rất khác, vì ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mâu thuẫn XH. Ông cho rằng : XH hiện đại đồng nghĩa với chủ nghĩa tư bản, là một hệ thống kinh tế được sản sinh ra do đấu tranh giai cấp vào cuối thời kỳ trung cổ.
Đó là những giải thích của các nhà XHH, tuy có một vài quan điểm khác nhau, nhưng chung qui vẫn là sự phủ định của những cái mới so với cái cũ trong dòng biến dịch của lịch sử. Bây giờ, chúng ta hãy xem quan niệm hiện đại về quá trình hiện đại hoá như thế nào.
2. Theo Lối Giải Thích Hiện Đại :
Hiện đại hóa hình thành một xã hội đại chúng :
Qui mô đời sống XH gia tăng : đời sống XH có qui mô nhỏ trong các XH tiền công nghiệp đã trở thành những cộng đồng có qui mô lớn trong các XH công nghiệp. Với tính chuyên môn hoá cao, cơ sở hạ tầng phát triển, công nghệ thông tin diễn ra với tốc độ chóng mặt, thị trường chứng khoán, hệ thống ngân hàng, tổ chức chính trị, dân số gia tăng nhanh chóng ở các đô thị… đã góp phần làm cho qui mô đời sống XH gia tăng mạnh mẽ. Con người hiện đại giải quyết những vấn đề cá nhân, không còn trong vòng luân lý của gia đình, làng xóm nữa, mà là ở những tổ chức XH, trung tâm tư vấn việc làm, giáo dục, tâm lý gia đình… Dân tộc thiểu số, phụ nữ, người nghèo đều có cơ hội tham gia bầu cử, tư vấn, giao dịch thị trường chứng khoán, tham gia các hoạt động, các phong trào từ thiện, thể thao, văn hoá… Các tổ chức này chính thức đảm nhận nhiệm vụ giúp con người hoà vào dòng chảy của thời đại, tự do cạnh tranh lành mạnh trong kinh tế thị trường mà không vi phạm đến nhân quyền, phẩm giá của người khác. Đặc biệt, cá nhân trong XHHĐ có quyền quyết định lối sống, nghề nghiệp, quan điểm, tôn giáo cho riêng mình mà không sợ bị lên án.
Qui mô lãnh đạo của nhà nước gia tăng : trong khi XH truyền thống chỉ biết có người cha trong gia đình và ông cai ông tổng ngoài làng ; thì trong XHHĐ, chính quyền nhà nước can thiệp vào tất cả các lãnh vực trong đời sống của con người như : giáo dục (hệ thống trường công có mức học phí thấp, chất lượng giảng dạy bảo đảm…), điều tiết lương bổng trong từng ngành, hướng nghiệp, trung tâm cai nghiện, hệ thống y tế đến tận nông thôn…
Nhìn chung, quá trình hiện đại hoá đã mang lại rất nhiều tự do, sự đa dạng hoá, cung cấp nền giáo dục chuyên môn sâu sắc, tuổi thọ trung bình cao hơn nhờ hệ thống y tế hiện đại, phương tiện thông tin thuận lợi nhanh chóng hơn các XH cổ truyền trong quá khứ rất nhiều. Họ không còn bị giới hạn, ràng buộc trong những hủ tục lạc hậu nhưng họ được quyền quyết định, chọn lựa lấy hạnh phúc cho riêng mình. Tuy nhiên, tính phức tạp của XHHĐ cũng gây không ít nguy hiểm cho đời sống con người. Đó là tính phi chuẩn mực trong đời sống luân lý và đạo đức của con người vì cá nhân được đề cao quá mức. Cho nên, cá nhân thường cảm thấy bất lực khi đối diện với hệ thống bàn giấy của chính quyền. Hơn nữa, mức độ gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường, nạn kẹt xe, nạn thất nghiệp, tệ nạn bóc lột công nhân, nạn xì ke ma túy và các tệ nạn xã hội khác đã tạo cho đời sống XHHĐ những bài toán vô cùng hóc búa.
Hiện đại hóa hình thành một xã hội phân chia giai cấp
Với khía cạnh này, quan điểm của K. Marx được trình bày như sau. Cuộc cách mạng công nghiệp đã đẻ ra các nước công nghiệp và hệ thống của các nước này đặt cơ sở trên việc tìm kiếm lợi nhuận. Hệ thống đó đã không chừa bất cứ thủ đoạn nào để tìm kiếm lợi nhuận về cho mình. Chính vì thế XH hình thành hai giai cấp tư sản và vô sản. Trong đó, giai cấp tư sản nếu muốn thu lợi nhuận cao, họ phải tăng giá sản phẩm và hạ mức lương của công nhân đến mức tối thiểu. Họ xem con người như là một con ốc trong guồng máy khổng lồ và họ tìm cách khai thác hết năng suất bộ máy đó. Như vậy, tư bản đã đảo ngược quan niệm truyền thống xem con người dù ở vị trí nào trong XH cũng đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa theo quan niệm của Kitô giáo và ai cũng có phật tính theo quan niệm nhà Phật. Tuy đã có nhiều tiến trình rút ngắn cách biệt giữa các giai cấp so với XH cổ truyền, nhưng vẫn chỉ là bề mặt, bất bình đẳng XH không những không được xoá bỏ mà còn đào sâu thêm cái hố chia cắt các tầng lớp với nhau, vì hầu hết tài nguyên và của cải đều tập chung vào một thiểu số ưu tú. Về mặt nhà nước, thuyết này cho rằng nhà nước trong XH tự bản bảo vệ quyền lợi và tài sản cho giai cấp tư sản.
Tóm lại, thay vì nhấn mạnh qui mô ngày càng gia tăng của đời sống XH và sự hình thành các tổ chức chính thức, lối tiếp cận này nhấn mạnh đến sự bành trướng của giai cấp tư sản, nhấn mạnh đến sự vong thân của cá nhân vì không có thực quyền để thay đổi đời sống của mình.
II. THẾ TỤC HOÁ LÀ GÌ
Để có được một định nghĩa tôn giáo khách quan bao hàm được tất cả những thay đổi của các hiện tượng tôn giáo và cả những hình thái mới của niềm tin, các nhà XHH đã gặp những khó khăn rất lớn đó là tính chất của đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn có một số khái niệm được đa số chấp nhận đó là tính linh thiêng, siêu nhiên và siêu nghiệm đối nghịch với thế gian là tự nhiên và duy nghiệm. Trong giới hạn bài này, xin được đưa ra hai loại hình định nghĩa về tôn giáo.
Định nghĩa về bản thể : định nghĩa này nêu lên tôn giáo là gì bằng những khái niệm trừu xuất từ những kinh nghiệm cụ thể. Berger đã đưa ra định nghĩa khá điển hình : “Tôn giáo là sản phẩm của con người qua đó vũ trụ linh thiêng được thiết lập.” Hạn chế của định nghĩa này là tách rời vũ trụ ra hai thế giới : thần thánh và con người. Điều đó dẫn đến việc xem tôn giáo là cái gì xa vời không thực tế và như vậy không có thẩm quyền gì trên đời sống của con người. Khi khoa học phát triển, con người giải quyết được nhiều vấn đề thực tế trong cuộc sống. Cho nên, hiện đại hoá là tất yếu đối với tôn giáo theo kiểu định nghĩa trên.
Định nghĩa về chức năng : định nghĩa này cho thấy tính cách hành động của tôn giáo, tức là tôn giáo làm cái gì, đáp ứng những nhu cầu nào, hay có những hệ quả gì đối với sự vận hành của cơ cấu xã hội. Yinger đưa ra một định nghĩa như sau : “Tôn giáo được định nghĩa như một hệ thống niềm tin và thực hành qua đó một nhóm người chiến đấu với những vấn đề tối hậu của nhân sinh.” Những vấn đề tối hậu là con người từ đâu đến, sẽ về đâu sau khi chết, nhất là về ý nghĩa của sự đau khổ… Hạn chế của định nghĩa này hàm ý rất nhiều thứ có thể là tôn giáo khi chúng thực hiện các chức năng trên, trái lại, nếu không thực hiện những chức năng đó thì không phải là tôn giáo. Điều này dẫn đến việc tách giáo hội ra khỏi nhà nước : mỗi cơ cấu thực hiện chức năng riêng của mình. Tôn giáo thực hiện chức năng tinh thần, còn nhà nước thực hiện chức năng trần thế. Định nghĩa còn được hiểu ngậm rằng : không có một tổ chức nào tự cho mình độc quyền đáp ứng một chức năng nhất định. Điều đó dẫn đến việc loại bỏ hoàn toàn tôn giáo ra khỏi xã hội.
Nói chung, chúng ta đều thấy rằng bản chất hay chức năng của tôn giáo không thể khái quát hoá được. Nó thay đổi tuỳ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh xã hội nhất định, tuỳ thuộc vào vị trí người đưa ra định nghĩa. Do đó, có thể nêu lên những thành tố xã hội thích đáng của hiện tượng tôn giáo, nghĩa là những yếu tố mà không có chúng ta không thể nói gì về tôn giáo được. Nói cách khác, tôn giáo không còn được nghiên cứu như một định chế tĩnh trong xã hội mà cần được quan niệm như một Trường Tôn giáo.
III. CÁC LÝ THUYẾT TỤC HOÁ.
Qua việc tìm hiểu quá trình hiện đại hoá ở trên, ta thấy tầm ảnh hưởng của quá trình không chỉ dừng lại trong đời sống thường nhật của con người mà còn len lỏi vào niềm tin của những tôn giáo lớn. Các nhà khoa học xã hội còn cho rằng có một mối tương quan chặt chẽ giữa tính hiện đại và hiện tượng thế tục hoá trong các tôn giáo.
1. Một Số Lý Thuyết Truyền Thống :
Vấn đề này không chỉ được các nhà xã hội học cổ điển quan tâm mà còn được lưu ý bởi các nhà triết học thuộc thế kỷ ánh sáng. Mặc dù cho nhiều tranh cãi về thuật ngữ này, nhưng có thể hiểu một cách đơn giản như sau : thế tục hoá là một quá trình qua đó tôn giáo giảm tầm quan trọng trong cả bình diện xã hội và trong ý thức của những cá nhân. Đa số những nhà nghiên cứu hiện tượng này đều chia sẻ quan điểm thế tục hoá là hậu quả của quá trình hiện đại hoá. Nói cách khác có mối quan hệ giữa giữa tính hiện đại và tôn giáo, nhưng mối quan hệ này nghịch biến. Tính hiện đại càng phát triển, tôn giáo càng biến mất. Sở dĩ có chủ trương như vậy là vì : tư duy khoa học hiện đại càng phát triển, con người càng nắm bắt và điều khiển được nhiên giới theo ý muốn của mình nhiều hơn. Như thế, cái thế giới thần thánh của cha ông như : bụt ở gốc đa, thần sông thần núi, Chúa ở trên trời ban ơn giáng phúc… bị giảm trừ đến mức tối thiểu. Weber gọi hiện tượng đó là sự giải mê thế giới, còn trong triết học thì gọi hiện tượng đó là sự giảm trừ Thượng đế ra khỏi suy tư của con người. Thế giới không còn bí ẩn thiêng liêng để con người cung chiêm bái lậy nữa nhưng là để biến đổi, khai thác, đào bới nhằm mục đích phục vụ cho hạnh phúc của con người. Sự tách biệt giữa nhà nước và giáo hội cũng làm cho vấn đề niềm tin chỉ còn là một chọn lựa mang tính cá nhân. Tư tưởng chỉ chấp nhận những gì mắt thấy tai nghe hay được chứng minh cụ thể bằng khoa học làm cho niềm tin vào thiêng đàng, niết bàn không còn được quan tâm. Chủ nghĩa thực dụng làm con người quên đi bản chất của mình là : ngoài nhu cầu vật chất, con người còn một nhu cầu thiết yếu khác đó là đời sống tinh thần.
Thêm vào đó, nhu cầu khách quan đòi hỏi phải tách biệt thần quyền ra khỏi thế quyền. Hình ảnh các ông vua chỉ được công nhận khi có sự chấp thuận của Giáo hoàng đã trở thành dĩ vãng. Ngược lại, ở các nước cộng sản, nhà nước không chỉ đòi quyền can thiệp vào lễ nghi tôn giáo mà còn muốn xen vào tổ chức của tôn giáo. Luận điểm của Marx cho ta thấy rõ điều đó trong tác phẩm Vấn đề Do thái : “Nhà nước mà còn cần lấy tôn giáo làm nền tảng thì chưa phải là nhà nước đích thực… Còn nhà nước dân chủ, một nhà nước thực sự thì nó không cần đến tôn giáo để bù đắp về mặt chính trị cho mình.” (C.Mác, Angghen Toàn tập, nxb. CTQG, 1995, tập Người, tr. 541). Sự tách biệt đó làm cho vấn đề tôn giáo chỉ còn là chuyện riêng tư của cá nhân. Như thế, qua các lập luận trên, đa số các nhà XHH đều cho rằng thế tục hóa là một hệ quả tất yếu của quá trình hiện đại hoá. Vì thế vào đầu TK 20, Crawley viết : “Ở mọi nơi, quan điểm đang thắng thế là tôn giáo hoàn toàn chỉ là vết tích từ thời kỳ nguyên thủy và sự lụi tàn của tôn giáo chỉ còn là vấn đề thời gian.
2. Một Số Quan Điểm Chống Lý Thuyết Thế Tục Hoá :
Điểm cần lưu ý ở đây là các nhà xã hội học chống lý thuyết thế tục hoá lại là những người Mỹ. Họ cho rằng lý thuyết thế tục hóa chỉ là một chủ thuyết (doctrine) chứ không phải là lý thuyết (theory) khoa học vì nó đặt trên những tiền giả định của một hệ ý thức được xem là bất biến. Lý luận rằng: hiện nay xã hội Châu Âu ít tính tôn giáo hơn cách đây 100 năm là kiểu lập luận không có cơ sở. Vì ở Bắc và Tây Âu, tỷ lệ tham dự lễ nghi rất thấp, trong khi ở Mỹ, đời sống xã hội hiện đại cao nhất thế giới, lại có chiều hướng gia tăng nhiều hơn. Cụ thể là tỷ lệ các tín hữu gia tăng gấp ba lần so với cách đây 150 năm. Tuy nhiên cũng không thể quyết rằng ở Châu Âu có mức độ thế tục hoá cao khi mà đại bộ phận vẫn còn tin vào Thượng Đế. Một nhà xã hội học nữa đã nhận xét : Vấn đề quan trọng là không phải tại sao dân chúng không còn tin nữa, mà là vấn đề tại sao họ vẫn còn tin nhưng cảm thấy rằng không cần thiết phải tham gia ở mức tối thiểu vào các định chế tôn giáo. Họ chủ trương giữ đạo tại tâm là đủ. Một khía cạch khác mà các nhà xã hội học ở Mỹ chống lý thuyết thế tục hoá là nếu khoa học phát triển thì tôn giáo không còn chỗ đứng. Vấn đề này hoàn toàn trái ngược trong bối cảnh xã hội Mỹ. Các nhà khoa học trong các lãnh vực có tính chính xác cao ở Mỹ lại tự khẳng định rằng mình có niềm tin cao hơn các nhà khoa học xã hội.
Tại sao lại có những hiện tượng trái ngược nhau như vậy? Để trả lời, họ đã ứng dụng mô hình về thị trường tôn giáo và lý thuyết sự chọn lựa hợp lý của hành động con người vào lãnh vực tôn giáo. Cả hai lý thuyết này đều thống nhất về khái niệm “nền kinh tế tôn giáo”, tức là xem các tôn giáo như là những xí nghiệp. Nơi đó, chức sắc của mỗi giáo hội có quyền tranh giành tín đồ trong một thị trường tôn giáo. Như thế, hiện tượng thế tục hoá chỉ là hậu quả đương nhiên của những độc quyền tôn giáo. Tuy nhiên, định chế độc quyền khó có thể đáp ứng nhiều nhu cầu của người tiêu thụ, nên ở Châu Âu người dân không còn tham dự các nghi lễ phụng vụ vì tính cách tập trung quyền hành rất cao. Còn ở Mỹ, giáo hội vận hành với thị trường, trong một cơ cấu đa nguyên và mềm dẻo, cho nên thu hút được rất nhiều tín đồ.
Một ưu điểm khác của lý thuyết chọn lựa hợp lý là cá nhân luôn hành động hợp lý bằng cách so sánh, cân đo đong đếm xem điều gì mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Trên cơ sở đó, con người cũng chọn lựa xem tôn giáo nào bảo đảm cho mình vừa có đời sống đầy đủ về vật chất, vừa có sự ổn định về đời sống tâm lý, vừa thoả mãn khát vọng sâu xa về cuộc sống mai sau của mình… Nếu tôn giáo nào thoả mãn các điều kiện trên thì con người sẵn sàng chấp nhận đổi chác, tuân thủ các luật lệ do tôn giáo đó đề ra.
Nhờ những quan điểm này, các nhà XHH trong những năm gần đây đã đề ra những lý thuyết về thế tục hoá trong thời hiện đại mang tính chính xác và khoa học hơn.
3. Một Số Lý Thuyết Về Thế Tục Hóa Trong Những Năm Gần Đây :
Theo quan điểm của S. Bruce : Ông cho rằng giáo hội bị thế tục hoá ngay từ cuộc cải cách do Luther khởi xướng vào cuối thời Trung cổ (tk 17). Phong trào này dựa vào trường phái thực nghiệm của Occam và phủ nhận Thomas Aquinas thiên về lý trí và John Duns Scotus thiên về ý chí. (Bùi Đức Sinh, lịch sử giáo hội, tập II, tr. 9). Từ đó, chủ nghĩa cá nhân phát triển mạnh mẽ trong đời sống tôn giáo và hệ quả của nó là những quan điểm bất đồng sâu sắc về bản chất của Thượng Đế. Hơn nữa, ở giai đoạn này, tinh thần quốc gia tăng lên rất cao và việc thành lập các quốc gia đã làm cho mức độ tập trung quyền hành của giáo hội tan rã. Đức tin không còn tính chất khách quan, giáo điều mà được thay thế bằng tính chủ quan và tương đối. Xã hội đã đẩy tôn giáo vào trong thánh đường. Nghi lễ phụng tự và phong trào sa sút nghiêm trọng. Mức độ niềm tin xuống thấp hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, hiện trạng đó xảy ra ở một số nước Bắc Âu, nhưng ở trong xã hội hiện đại ở Hoa kỳ thì sự đa dạng của các Giáo hội và niềm tin lại có xu hướng gia tăng. Điều cho thấy rằng tôn giáo bị ảnh hưởng bởi xã hội hiện đại chỉ diễn trong bối cảnh lịch sử của Châu Âu.
Theo quan điểm của J. Casanova : ông nhận định rằng, thế tục hoá được hiểu như là quá trình phân biệt hoá định chế : “Quá trình phân biệt hoá định chế và sự giải phóng những lãnh vực thế tục đối với những chuẩn mực và những định chế tôn giáo vẫn là một khuynh hướng trong xã hội hiện đại.” Tuy nhiên, tính hiện đại không phải lúc nào cũng dẫn đến việc mất niềm tin và lễ nghi tôn giáo. Chỉ có những tôn giáo bảo thủ, kháng cự lại quá trình phân biệt hoá cơ cấu là những tôn giáo thích ứng khó khăn với lối sống hiện đại. Việc người dân Châu Âu không còn đi lễ ngày chủ nhật và cử hành các bí tích, hoàn toàn không phải là hậu quả tất yếu của quá trình hiện đại hoá, nhưng đúng hơn là hậu quả của sự giàn xếp giữa tôn giáo và nhà nước.
Theo quan điểm của D. Hervieu-Léger: Bà cho rằng Tôn giáo là kí ức. Từ đó, bà giải thích hiện tượng thế tục hoá trong tôn giáo không phải do chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa khoa học ; nhưng là vì tôn giáo không còn khả năng truyền lại các kí ức, truyền thống – là nền tảng trung tâm cho sự hiện hữu của cộng đoàn và đời sống của giáo hội. Do đó, bản chất của các xã hội hiện đại là hủy diệt những giá trị truyền thống của tôn giáo, nhưng nó cũng mở ra những không gian mà chỉ có tôn giáo mới lấp đầy được. Thật vậy, tự muôn đời con người là động vật thiếu quê hương. Cho nên, một nghịch lý của xã hội hiện đại là càng đạt được những dự phóng của tính hiện đại, con người càng cảm thấy thiếu một cái gì đó mà chỉ có tôn giáo mới bù đắp được. Như thế, tuy nó loại bỏ những hình thức tôn giáo truyền thống, nhưng vẫn còn bảo lưu tính siêu việt, khả năng trở nên giống như Thượng Đế có sẵn trong con người của mình.
VI. NHẬN ĐỊNH
Trước tiên, để có một quan niệm tương đối về sự ảnh hưởng của tính hiện đại lên tôn giáo, cần phải có một định nghĩa mang tính khách quan và phổ biến. Một trong những định nghĩa nêu lên được tính khách quan đó là định nghĩa của Berger. Ông viết: “Đó là quá trình, qua đó xã hội và văn hoá thoát khỏi sự thống trị của các định chế và biểu tượng tôn giáo.” Ông còn giải thích thêm rằng chính vì Tây phương đã sản sinh ra ngày càng nhiều chủ nghĩa cá nhân và sự sung túc về vật chất nên lối sống của họ không còn cảm thấy một lợi ích nào từ những lý giải của tôn giáo. Từ đó, chúng ta đưa ra hai mức độ của thế tục hóa :
1. Sự độc lập trong các lãnh vực khác đối với định chế và quyền lực tôn giáo, trong khi vẫn bảo tồn các biểu tượng tôn giáo. Ở mức độ này, chúng ta lại tiếp tục chia ra làm ba cấp độ.
Ở cấp độ vĩ mô, thế tục hoá được hiểu như là quá trình phân biệt hoá các định chế, các lĩnh vực thế tục tách ra, thoát khỏi ảnh hưởng, chuẩn mực của tôn giáo. Đây chính là điểm cốt cán của vấn đề mà tất cả các nhà xã hội học đều phải công nhận. Swatos nói rằng : “Nếu thế tục hoá chỉ hiểu như vậy thì không có gì tranh luận.” Thật vậy, hầu hết các nhà nước đều muốn độc lập hẳn với tôn giáo, thậm chí trong những nước độc đảng, nhà nước còn có tham vọng điều khiển luôn cả cơ chế và tổ chức của tôn giáo.
Ở cấp độ trung mô, thế tục hoá diễn ra dưới nhiều hình thức. Cụ thể nhất là trong giáo dục. Các trường công ở Pháp không còn giáo dục về tôn giáo. Ngay cả những hệ thống trường tư thục Công giáo cũng phải tuân theo những chuẩn mực của nhà nước. Còn trong các nước cộng sản thì ta thấy tôn giáo hoàn toàn bị loại trừ trong giáo dục. Còn trong nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, truyền thông đều tách khỏi tôn giáo và càng ngày càng có tính chuyên môn hoá cao.
Ở cấp độ vi mô, thế tục hoá cũng có những dấu hiệu rõ rệt. Các cá nhân quan niệm về Thiên Chúa, về tội lỗi, về nghi lễ, về lề luật ngày càng khác biệt, thậm chí đối lập với cả những người lãnh đạo tôn giáo. Ngay cả việc công nhận tính cách trung gian giữa giáo hội và Thiên Chúa, cũng có rất nhiều người phủ định hoàn toàn.
2. Việc loại bỏ luôn các biểu tượng tôn giáo còn tuỳ thuộc ở cách định nghĩa tôn giáo là gì. Tuy nhiên, ở mức độ này, hiện trạng thế tục hoá xảy ra hạn chế hơn.
Ở cấp độ vĩ mô, tuỳ theo hiến pháp của các quốc gia có còn quy chiếu về tôn giáo hay không. Ở Pháp, tôn giáo không được quy chiếu trong hiến pháp nước này. Ở Anh cũng thế, người ta cấm tất cả các chức sắc tôn giáo tự ứng cử vào quốc hội.
Ở cấp độ cá nhân, có hai xu hướng đối nghịch nhau. Một mặt, số người trẻ không còn tin vào tôn giáo và tin vào sự hiện hữu của Thượng Đế gia tăng. Mặt khác, họ lại hay tin vào phép lạ, vào đời sau với tỷ lệ cao. Có thể nói rằng, họ tin nhưng lại không muốn tỏ ra niềm tin ấy là do lòng hảo tâm ban phát của giáo hội, vì thế không muốn lệ thuộc vào bất kỳ một tôn giáo nào. Họ cho rằng chính họ sáng tạo ra niềm tin đó nhờ những cảm nhận về sự vô nghĩa của đời sống, về thân phận con người, về cái chết… Một phần ba những người tự cho là không có tôn giáo lại có một số tin tưởng nào đó mang tính tôn giáo.
Tóm lại, việc giảm niềm tin và sự thực hành các lễ nghi tôn giáo không phải là dấu hiệu duy nhất để thẩm định mức độ thế tục hoá. Nó còn phụ thuộc vào môi trường, hoàn cảnh xã hội, mối tương quan giữa nhà nước và tôn giáo. Do đó, hiện đại hoá chỉ ảnh hưởng phổ biến trong xã hội Châu Âu và ở một số tầng lớp trí thức, nhất là trong lãnh vực khoa học nhân văn. Trái lại, ở Mỹ Châu, tính đa dạng của đạo Tin lành cho phép cá thể hoá tôn giáo và như vậy lại duy trì được sự tồn tại của tôn giáo. Một cách tổng quát, chúng ta có thể nói như Berger rằng hiện đại hoá đã làm cho tôn giáo không còn thống trị xã hội và văn hoá bằng các định chế và biểu tượng của mình. Nhất là trong những tôn giáo độc thần, hiện tượng số tín đồ giảm sút, hiện tượng mất đức tin ngày càng gia tăng. Đó chính là con người ngày càng dị ứng và có khuynh hướng loại trừ các tín điều, giáo lý, và đức tin một cách mù quáng. Bởi tôn giáo độc thần dễ sản sinh ra thái độ độc quyền cai trị bằng các tín điều, luân lý, đạo đức được núp bóng dưới những danh từ như Thiên Chúa, Chân Thiện Mỹ,… nên tôn giáo ngày càng mất ảnh hưởng trong xã hội hiện đại ngày nay.
SÁCH THAM KHẢO
1. Bùi Đức Sinh, Lịch sử giáo hội công giáo, quyển II, nxb. Veritas Edition, 1999
2. Nguyễn Xuân Nghĩa, Tôn giáo trong thời hiện đại, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2, 2003, tr. 21-30 và Định nghĩa về Tôn giáo, số 2, 2002, tr. 21-27
3. Nguyễn Xuân Nghĩa, Xã hội học, 2005,
Nguyễn Minh Vương