Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Tiễn Cao Đăng :. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Tiễn Cao Đăng :. Hiển thị tất cả bài đăng

27/11/08

Trần Tiễn Cao Đăng : Cao Xuân Hạo, thầy của tôi

Trần Tiễn Cao Đăng
Cao Xuân Hạo, thầy của tôi


Cao Xuân Hạo (1930-2007)





Cao Xuân Hạo đã từ trần.

Chúng ta đã mất một trong những người yêu tiếng Việt nhất, hiểu tiếng Việt nhất, suốt đời đấu tranh không mệt mỏi cho sự chuẩn xác và thuần khiết của tiếng Việt, và bản thân đã để lại cho hậu thế một số bản dịch văn học thuộc hàng mẫu mực nhất.

Người ta thường biết đến ông như một nhà ngôn ngữ học hay đưa ra những ý kiến “trái chiều” về việc thế nào mới đích thực là tiếng Việt, khẳng định sự sai trái của hệ thống dạy ngữ pháp tiếng Việt trong nhà trường nước ta. Sự đơn độc của ông đã khiến Hà Văn Thùy, trong một bài viết có lẽ nhiều người biết đến, gọi ông là “Chàng Don Quijote độc hành”. Vâng, cả với những người mà công việc hàng ngày gắn liền với ngôn ngữ như chúng tôi, những người viết văn và dịch văn học, chúng tôi nhiều lúc cũng ngỡ ngàng trước những khẳng định dứt khoát của ông về sự kém hiểu biết tiếng Việt của đại đa số người Việt, rằng một cách nói nào đó quen thuộc của chúng tôi kỳ thực không phải là tiếng Việt.

Tuy nhiên, còn đáng kể hơn thế và quan trọng hơn thế, Cao Xuân Hạo không phải là một học giả suông. Ông không chỉ phân tích và luận giải bằng những phương pháp học thuật sâu sắc và chuẩn tắc về tiếng Việt; ông còn là người trực tiếp làm việc với ngôn ngữ. Là một dịch giả xuất sắc, ông đã làm ra một số trong những những văn bản tiếng Việt thuần khiết và chuẩn tắc nhất, như là sự hóa thân trọn vẹn những lý thuyết của ông vào thực tại. Câu của người xưa, “tri hành hợp nhất” tìm được một hiện thân sống động ở ông.

Mất một người như ông, nền dịch thuật Việt Nam nói riêng và nền văn hóa Việt Nam mất đi một trong những bậc thầy đích thực, là mẫu mực cho các dịch giả chúng tôi, cũng như tất cả chúng ta, về tinh thần trí thức cũng như tinh thần dân tộc và ý thức công dân. Ông buộc chúng ta phải nghiêm khắc và thường xuyên đặt nghi vấn cái hiểu của chính mình về tiếng Việt. Ông nêu cho chúng ta một tấm gương không tì vết về việc chiến đấu không mệt mỏi cho chân lý mình hằng tin, dù có phải gian nan đối mặt với sức ì của số đông. Ông cho chúng ta thấy, tiếng Việt đích thực khác với thứ tiếng Việt đang lan tràn trên thông tin đại chúng và trên cửa miệng những người bình thường chúng ta như thế nào. Bằng những bản dịch văn chương của chính mình, ông cho chúng ta thấy một chân dung khác, có thể nói là cái thực tại tinh tuyền về tiếng Việt, khác xa với cái chân dung giả tạo và quái gở về tiếng Việt đang tràn ngập khắp nơi nhưng nhiều nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng, cái thứ tiếng Việt đầy rẫy những lệch chuẩn mà dường như không ai thấy, đang ngày càng làm nghèo, làm thấp, làm què quặt đi cảm nhận về cái đẹp ngôn từ và qua đó là thế giới tinh thần của chúng ta.

Một người như ông không bao giờ đã sống vô ích. Những gì ông đang làm, sẽ có người nối tiếp. Những chuẩn mực cao và không khoan nhượng của ông về phẩm tính trí thức, sẽ có người lấy đó làm chuẩn mực tự trau mình. Sự lao động quả cảm và không mệt mỏi của ông trên các bản dịch văn chương, được dẫn dắt bằng một hệ quy tắc đẹp và nhất quán, chắc chắn sẽ có những người lấy làm dưỡng chất nuôi dưỡng lòng quyết tâm của họ đối với công việc chuyển ngữ và tình yêu của họ đối với tiếng Việt, đối với ngôn ngữ.

Tôi chưa từng được học ông (theo nghĩa học trực tiếp ở trường), nhưng từ lâu, trong thâm tâm, tôi coi ông là người thầy lớn của tôi. Thật hạnh phúc nếu trong đời ta gặp được một, hai người thầy như thế. Ông đã qua đời, nhưng tinh thần ông sẽ còn mãi trong tâm trí tôi. Và, trong những gì tôi làm sau này, trong tất cả những gì tôi làm có liên quan đến ngôn ngữ, ông sẽ luôn luôn có mặt. Thực ra, đó là cách thực tế nhất để tồn tại vĩnh cửu.
SOURCE : TALAWAS