Hiển thị các bài đăng có nhãn Trung. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trung. Hiển thị tất cả bài đăng

10/4/09

Việt, Trung, Ấn: Những chuyến trở về

Việt, Trung, Ấn: Những chuyến trở về

10/04/2009 | 4:37 sáng |

Tác giả: Trần Hà Tiệp


Sống ở Mỹ, ai cũng có nhiều người bạn tứ xứ. Trong gần 20 năm đi làm của mình, tôi có rất nhiều người bạn Trung Hoa và Ấn Độ. Rồi từ từ theo dòng đời những người bạn ấy đi nơi khác, có người chuyển hãng, chuyển tiểu bang khác, có người trở về cố hương của họ. Từ năm 1995, rất nhiều người bạn Trung Hoa đã về lại Hoa Lục. Sau Thiên An Môn, sinh viên Trung Hoa du học ở Mỹ có rất nhiều hoạt động cho dân chủ, và phần lớn họ chọn ở lại Mỹ, những người bạn tôi ở trong số đó. Nhìn những bức ảnh cũ chụp lúc biểu tình trước Tổng Lãnh sự Trung Quốc ở New York, ai cũng trẻ, ai cũng có nụ cười, và những ngón tay làm hình chữ V, nhiệt huyết hằn lên trên khuôn mặt. 20 năm sau, một số lớn trong họ thành công ở Trung Hoa, không biết có còn nhớ những đêm không ngủ thắp nến ở New York cho những nạn nhân của Thiên An Môn?

Những năm gần đây, những người bạn Ấn Độ lần lượt trở về Ấn. Giáng sinh năm trước vợ chồng chúng tôi đi dự tiệc tiễn một đồng nghiệp như thế. Tôi hỏi anh ta, ở Ấn, tham nhũng tràn lan, sao bạn lại đem cả gia đình về? Anh cười không nói gì, hẹn gặp tôi ở Ấn Độ.

Nhờ những người bạn Trung Hoa trở về, những chuyến công tác của tôi ở đó đỡ buồn tẻ. Họ dẫn tôi đi khắp nơi, cho tôi biết một Trung Hoa lộng lẫy cũng như một Trung Hoa bần cùng, một đám đông hơn tỷ người hầm hập sức sống. Trên một con lộ ở Quảng Đông giờ cao điểm, tôi thấy ớn lạnh trong người, hiểu vì sao mạng người ở Trung Hoa lúc nào cũng rẻ trong mọi triều đại, và làm sao một dân tộc như Việt Nam có thể chống chế một đám đông cuồng nhiệt đang đi tìm tài nguyên và không gian sinh tồn cho chính họ.

Sau Trung Hoa, giờ đến lượt Ấn Độ đang đuợc chú ý, Slumdog Millionaire vừa được 8 giải Oscar. Những chuyến đi đến Ấn Độ đối với tôi, ngoài công việc còn có gì hơn là trả lời cho câu hỏi vì sao các bạn tôi trở về một cách nhẹ nhàng như thế. Tiền bạc là một yếu tố, nhưng đối với tôi phải có cái gì hơn thế nữa. Những thành phố Ấn, ngoại trừ một vài con đường hào nhoáng, còn lại là dơ kinh hoàng, ồn ào không thể tả. Ô nhiễm thì khỏi nói. Sống trong một không gian như thế, khó mà thích ứng khi chúng ta đã quen với những ngoại ô yên tĩnh ở nước Mỹ.

Cái mà tôi chiêm nghiệm được là những người bạn của tôi ở Trung Hoa hay Ấn Độ có thể hội nhập lại vào xã hội gốc của họ một cách không khó khăn. Những năm 80, Trung Hoa mở cửa cho những sinh viên ưu tú nhất của họ ra đi, hễ ở đâu có học bổng là họ đến. Giới trung lưu ở Ấn cũng tìm cách cho con cái của họ qua Mỹ. Thiên An Môn là một sự kiện đúng lúc để cho những những sinh viên Hoa Lục hợp thức hóa quá trình nhập cư và nhập tịch ở Mỹ. Trong lúc đó những cư dân của miền Nam Việt Nam phải liều mạng vượt biên vì bị phân biệt đối xử (gia đình tôi lý lịch xếp hạng thứ 14, tức là mấy chị em tôi có thể thi đại học mút mùa nhưng chẳng bao giờ đỗ dù điểm rất cao đi nữa). Ai đã qua một trận vượt biển kinh hoàng mà chẳng thề không đội trời chung với vi-xi (VC)! Đem mạng sống ra để đánh đổi một cuộc đời, thì dù có thắng những vết thương tâm lý vẫn còn lưu mãi.

Những người Trung Hoa và Ấn Độ trở về, với chính quyền trong nước họ, cũng là mình với mình với nhau. Trong số sinh viên Trung Hoa du học những năm 80, rất nhiều phần trăm xuất thân từ gia đình giữ những chức vụ then chốt trong chính quyền. Khi Trung Hoa bắt đầu đổi mới, một tấm bằng ở một trường đại học danh tiếng với kinh nghiệm làm việc ở những công ty lớn của Mỹ là cánh cửa rộng mở cho những người trở về. Cứ mỗi lần Văn phòng Thương mại của Mỹ (American Chamber of Commerce) ở Thượng Hải có chiêu đãi thì lúc giới thiệu những nhân vật doanh gia, ai cũng cố gắng nhắc lại trước kia mình đã làm việc cho ai. Trong kỹ thuật thì chí ít cũng IBM, Microsoft, Sun hoặc Texas Instrument. Trong tài chính thì Goldman Sachs, Morgan Stanley… Ở Ấn cũng vậy, sự ra đi không vì ý thức hệ thì sự trở về cũng nhẹ nhảng. Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn. Cơm cà ri cũng dễ nuốt hơn là Hamburger. Ăn bốc bằng tay thì dễ chịu hơn là dùng thìa nĩa.

Cộng đồng Việt Nam thì như thế nào? Tại sao chúng ta khác họ, những người Trung Hoa và Ấn Độ?

Phần lớn người Việt ra đi trong tức tưởi. Trong chuyến đi của tôi, người ta bắt mấy đứa con nít phải uống thuốc ngủ để khỏi làm ồn. Lúc ra được biển lớn, một đứa bé 10 tháng không bao giờ tỉnh lại nữa. Ba mươi năm sau, người mẹ, lúc trở về Sài Gòn, liệu có thể vui vẻ đi lên nhà hát thành phố cho chính phủ gặp gỡ chúc Tết? Khúc ruột (già) lúc ra đi vì bạc đãi nhưng lúc trở về có thể được lên một cấp (ruột non) vì Việt kiều chẳng phải gởi về hàng bao nhiêu tỷ đô la hàng năm đó ư?

Chính phủ cộng sản Việt Nam bây giờ cũng như trước kia, miệng nói “khúc ruột ngàn dặm” nhưng lúc nào cũng thủ thế với Việt kiều. Miệng hô hào mời mọc trở về nhưng trong lòng sự nghi kỵ vẫn còn đó. Cách đây mấy năm, tôi và một cô bạn người Mỹ cùng điền cái mẫu xin visa. Có một câu hỏi rất xách mé trong mẫu đơn: “Lý do rời Việt Nam?”. Tôi và cô bạn đều không trả lời cho câu hỏi này. Người nhận đơn ở Lãnh sự Việt Nam ở San Francisco bắt tôi phải điền trong khi cô Mỹ thì khỏi vì trong hộ chiếu Mỹ, tên Việt và nơi sinh của tôi rất rõ ràng. Người nhận đơn nói rằng tôi là người Việt Nam nên bắt buộc phải điền. Ông ta còn gợi ý: “Thì cứ điền là ra đi vì sinh kế”. Vừa rồi tôi lại nạp đơn xin visa 5 năm cho Việt kiều cũng ở văn phòng đó. Họ đòi phải có khai sanh Việt Nam (tôi không có) hoặc cái giấy gì đó chứng nhận huyết thống do Hội Người Việt ở Sài Gòn cấp (tôi cũng không có). Tên Việt Nam và nơi sinh trong hộ chiếu Mỹ không còn là bằng chứng tôi là người Việt Nam nữa!

Khi Đặng mở cửa cho kinh tế Trung Hoa, người Đài Loan được quyền vào Hoa Lục với số lần không hạn định (họ được cấp một sổ thông hành đặc biệt), được quyền đi lại, sở hữu đất đai tài sản như những công dân Trung Hoa. Những khu người Đài Loan ở đông đúc, họ được quyền mở trường học cho con em của mình, học theo chương trình của Đài Loan, giáo sư người Đài Loan sang dạy. Trong sách lịch sử cận dại của Đài Loan, có những bức ảnh về cảnh Hồng quân Trung Hoa xử tử tập thể những tàn quân Quốc dân Đảng (mà họ gọi là thổ phỉ, phản động) gần biên giới Miến Điện vào những năm 1950-1951. Mao bị gọi là một tên đồ tể đã làm tiêu tan bao nhiêu cuộc đời và chế độ độc tài của Tưởng ở Đài Loan được mổ xẻ vì sao lại có thể tạo ra một phép lạ kinh tế. Cứ tưởng tượng có một trường học cho con em Việt kiều ở Thảo Điền, Sài Gòn, trong đó những bức ảnh về vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế năm 68 được diễn giải như là một sự tàn sát những người dân vô tội bởi quân Mặt trận Giải phóng. Hồ Chí Minh được dạy như một con người lãnh đạo chính trị với nhiều thủ đoạn hơn là một ông Trần Dân Tiên. Và học trò có thể xem Chúng tôi muốn sống cũng như Vĩ tuyến 17, ngày và đêm vào ngày 20/7 (ngày chia cắt đất nước). Điều đó không xảy ra vì những người cộng sản Việt Nam cỏn thua xa đàn anh của mình nhiều cái đầu. Cho nên 20 năm sau đổi mới, mang hộ chiếu Việt Nam là một nỗi nhục như Giám mục Ngô Quang Kiệt đã viết.

Cộng đồng Việt Nam ở Mỹ, được thành lập do sự ra đi ồ ạt vào những năm 80, được tạo dựng bởi đa số những người Việt tới Mỹ với hai bàn tay trắng. Mưu sinh trên đất người trở thành mối bận tâm hàng đầu. Chôn giấu trong lòng những năm tháng tủi nhục ở Việt Nam và ký ức của những chuyến vượt biển kinh hoàng, cha mẹ lao vào hãng xưởng làm ngày đêm, con cái vùi đầu vào sách vở. Kiếm tiền để nuôi mình và thân nhân bên nhà. Học cái nào kiếm tiền vững chắc, bọn tôi được dạy như vậy từ những ngày đầu tới Mỹ. Cho nên y, dược, luật và cuối cùng là kỹ thuật là những ngành chính. Nhưng vì kiếm tiền vững chắc là mối bận tâm hàng đầu nên có mảnh bằng là lao vào đi làm mà bỏ qua cơ hội học cao thêm hoặc tự mình làm cho mình, mở những công ty để thử thách với đời và học cách quản trị. Ở San Jose có rất nhiều kỹ sư Việt Nam, nhưng có bao nhiêu người chịu sự rủi ro khi tự lập nên công ty, cái này người Việt mình thua xa dân Ấn và Trung Hoa. Cứ xem các lớp luyện thi SAT (Scholastic Assessment Test) ở Little Saigon thì biết, nhiều cha mẹ đã gởi con vào học từ lớp 8, với hy vọng là một số điểm tuyệt đối sẽ mở rộng cánh cửa của các trường y khoa cho con mình. Ai bảo là chỉ ở Việt Nam mới có bịnh thành tích trong giáo dục! Cộng đồng Việt nhiều lúc tự hào thái quá về những thành tích của con em mình trong học đường Mỹ, nhưng chúng ta có bao nhiêu người đứng đầu (hoặc trong ban quản trị) của những công ty vừa và nhỏ ở Mỹ (chưa nói là công ty lớn)? Người Ấn và người Trung Hoa thì đếm không hết.

Sự thay đổi về kinh tế Việt Nam cũng ảnh hưởng đến cộng đồng. Một ông bác của tôi, rời Việt Nam năm 1975, hỏi tôi sau lần tôi về Việt Nam năm 1991: “Cái biệt thự của bác ở Sài Gòn bây giờ muốn mua lại giá bao nhiêu?” Tôi trả lời: “Khoảng 100 cây vàng!” Bác cười: “Lương thằng Cả ba tháng là mua được!” (Thằng Cả là bác sĩ.) Lần nào tôi về bác cũng hỏi. Lần cuối là hai năm trước. Tôi bảo: “6000 cây vàng!” Thằng Cả của bác phải làm 20 năm (không ăn, không thuế) mới có hy vọng sờ tới. Từ đó bác không hỏi nữa. Nhân cộng đồng vinh danh nữ khoa học gia chuyên về bom Bunker Buster Dương Nguyệt Ánh, bác hăng hái đi dự, bắt cả mấy đứa cháu đi theo, hẹn cả tới chở mấy đứa con tôi. Những người như bác, thất trận, bỏ của chạy lấy người, trước kia còn an ủi là Việt cộng nó “ngu và nghèo”, bây giờ nó “ngu và giàu” thì không chấp nhận được. Cho nên đi nghe bà Dương Nguyệt Ánh nói chuyện, có rất nhiều mái đầu bạc lẫn với mái đầu rất xanh (cháu chắt). Đối với bác, phải chi bà Ánh sinh sớm hơn 30 năm thì Hà Nội chỉ cần một quả Bunker Buster là đủ.

Năm tháng trôi qua, những thế hệ như bác tôi và những “đỉnh cao trí tuệ” ở Việt Nam rồi sẽ qua đi. Nhưng những gì sẽ đến cho người Việt? Bài học địa lý đầu tiên về Việt Nam ở tiểu học mà tôi còn nhớ là “Việt Nam là một quốc gia nằm giữa hai lục địa Ấn - Hoa”, nhưng chúng ta thù dai hơn người Hoa, mà chẳng học được gì về tính bất bạo động của người Ấn.

Cho nên tôi chẳng bao giờ có được một sự trở về nhẹ nhàng như những người bạn Ấn và Trung Hoa.

Hy vọng đến đời con tôi vậy! Lúc đó tôi hy vọng là không cần visa vào Việt Nam và tôi có thể dẫn cháu tôi đi vinh danh một người Việt Nam làm ra một cái gì đó cho con người (mà không phải là bom).

04/03/2009, Hyderabad, Ấn Độ