22/8/14

Chủ Nghĩa Tân Stalin


Friday, August 22, 2014

Chủ Nghĩa Tân Stalin


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 140821

Chủ nghĩa đế quốc, cộng sản, phát xít và chỗ tựa của Vladimir Putin  

* Tranh tuyên truyền về Josef Stalin * 




Trong cuốn "Đèn Cù" của Trần Đĩnh do Người Việt vừa xuất bản – một cuốn bút ký chúng ta phải đọc – tác giả có một trang "ứa lệ" ở chương bốn.



Kể lại việc lãnh đạo cộng sản, từ Hồ Chí Minh trở xuống, tổ chức học tập cho trí thức vào mùa Thu 1953 trước khi phát động chiến dịch Cải cách Ruộng đất, tác giả Trần Đĩnh nói đến một buổi tối thình lình có kẻng gọi toàn thể lên hội trường. Tề tựu lâu rồi mà trên sân khấu vẫn vắng tanh. Sau đó, Tố Hữu ủ rũ đi vào, theo sau là "Cụ Hồ" và nhiều người khác.



Tố Hữu trình diễn màn nước mắt chan hoà để thông báo một đại tang: Đại nguyên soái Stalin vừa từ trần.



Dưới con mắt tinh tường và văn phong bình thản đến rợn người, Trần Đĩnh ghi lại cho chúng ta một biệt tài của Tố Hữu. "Ông ấy hình như tranh hơn thiên hạ cả ở chỗ được biết hung tin sớm hơn, do đó được ưu tiên đau xót trước và nhân thể lại tranh thủ dịp thị phạm cho lớp trí thức ngồi đây thái độ cách mạng đối với cái chết của lãnh tụ...."
















Cuốn "Đèn Cù" của Trần Đĩnh vừa được tờ Người-Việt xuất bản 



Bối cảnh ứa lệ đó báo trước bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu về lãnh tụ Stalin của Liên Xô ("Yêu biết mấy nghe con tập nói - Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin!... Thương cha thương mẹ thương chồng - Thương mình thương một thương Ông thương mười... Ơn này nhớ để hai vai - Một vai ơn Bác một vai ơn Người")


Còn Bác Hồ, người nghĩ gì về Người?


Trần Đĩnh kể lại: "Trước mặt tôi, Cụ Hồ cũng nức nở. Không ngừng đưa khăn tay màu trắng lên lau nước mắt và nước mắt thì cứ chảy trên hai má Cụ đỏ bóng vì khóc, vì xúc động." Có lẽ vì xúc động, Bác để quên hộp thuốc lá Trung Hoa Bài hình tròn ổ trên ghế khi lập cập về phòng riêng ở sau hội trường. Tác giả Trần Đĩnh là người cầm lấy hộp thuốc đem vào phòng Bác.

Ông thấy gì?


Trần Đĩnh kể lại: "Cụ ngửng lên nhìn và tôi bỗng thấy mình lạc lõng quá, vô duyên quá, tọc mạch quá. Mặt Cụ xưng lên, đầm đìa nước mắt, hai mắt húp lại, những nét tôi chợt thấy chỉ cốt để mình Cụ được biết, một cái gì hết sức bí mật, riêng tư. Cụ ngơ ngẩn nhìn tôi, nhìn hộp thuốc lá như không hiểu tôi vào làm gì, cái hộp kia là gì và của ai..."


Hồ Chí Minh là người có tài đóng kịch, còn hơn giọt nước mắt Tố Hữu trước hội trường. Nhưng dường như là ông khóc thật cho Josef Stalin....


Mà vì sao lại nhắc đến Stalin ở đây? Vì sự hồ hởi của các thị trường tài chánh tuần qua khi có tin là Vladimir Putin có vẻ hòa dịu trong vụ khủng hoảng Ukraine....


***


Nói đến lãnh tụ Josef Stalin hay Iosif Vissarionovich Stalin (sinh ngày 18 Tháng 12 năm 1878 - sau khi nắm quyền từ 1922 thì tự sửa lại là ngày 21 Tháng 12 năm 1879 - mất ngày năm Tháng Ba năm 1953), hậu thế đều nhớ tới chiến dịch tranh trừng đẫm máu nhằm tiêu diệt mọi đối thủ trong đảng. Có một thời, cuộc thanh trừng được gọi trong lịch sử nước Nga là "Khủng bố Stalin".


Thời ấy, các đảng viên có ba ngả chọn lựa: sùng bái Stalin, bị tử hình hay vào trại cải tạo.


Truyện tiếu lâm thông dụng về sau là có ba anh ngồi bắt chấy cho nhau trong tù - và hỏi nhau. Vì sao đồng chí lại vào đây? - Vì tôi chống Molotov. Anh kia gật gù: "Vì tôi ủng hộ Molotov", và họ nhìn người tù thứ ba. "Các đồng chí chẳng nhận ra sao? Tôi là Molotov!"


Cái lô gích quái đản thời ấy là Stalin không chỉ gây cảnh tàn sát trong đảng và cả quân đội bằng những phiên toà bi hài từ 1934 đến 1939. Tên bạo chúa còn nhìn xuống dưới và phất tay cho hai chục triệu thường dân đi vào trại cải tạo, phân nửa thiệt mạng vì đói và bệnh. Stalin cũng mở ra những cuộc di dân cưỡng bách để tiêu diệt khả năng cưỡng chống của các sắc tộc thiểu số, nguyên nhân của những tranh chấp ngày nay.


Sau khi lên cầm quyền, Nikita Krushchev mới nói đến tệ sùng bái cá nhân của Stalin và cho viết lại lịch sử.


Nhưng, y như Đặng Tiểu Bình với Mao Trạch Đông sau này, lịch sử được viết lại từ thời Krushchev mà có chọn lọc. Phần tích cực vẫn lớn hơn tiêu cực. Sai lầm thì có, tội ác thì không. "Cơ bản thì tốt thôi".


Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin, nước Nga cũng đang viết lại lịch sử và vẽ ra một chân dung màu hồng của Josef Stalin.


Nếu không mủi lòng nức nở như Hồ Chí Minh hay Tố Hữu, ta có thể thấy Stalin có biệt tài thâu tóm bốn chủ nghĩa đáng tởm nhất của thế kỷ 20: chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa quốc gia cực đoan và chủ nghĩa phát xít. Vladimir Putin đang bước lên, hay trôi xuống, bốn dòng thác cách mạng đó. Chung quanh ông, một số phần tử quốc gia cực đoan đang cổ xúy cho chủ nghĩa Đại Nga.


Việc Putin thôn tính bán đảo Crimea và khuynh đảo xứ Ukraine được các phần tử phát xít này nhiệt liệt ca ngợi. Mươi năm về trước, họ chê Putin là thế lực đỡ đầu của bọn tài phiệt nên họ lãnh đòn thù của lãnh tụ. Ngày nay, họ thần phục Putin, như người tiếp nối sự nghiệp Stalin.


Và lịch sử lại được viết lại, với Stalin ở vào vị trí được trọng vọng. Nước Nga đang vùng dậy đẩy lui thế lực Tây phương và nếu có nhen nhóm không khí Chiến tranh lạnh thì cũng tốt thôi!


Trong khi đó, truyền thông Tây phương hồ hởi khi có tin là chuyến xe cứu trợ của cơ quan Hồng thập tự được phép vào Ukraine. Rồi thị trường cổ phiếu tăng vọt khi có lời tiết lộ về một cuộc hòa đàm cho Ukraine....


Khi theo dõi tin tức về các thị trường tài chánh, người viết bèn nhớ lại những vụ xét lại trong lịch sử. Mà rùng mình.


***


Bài viết này khởi  sự với giọt nước mắt họ Hồ trước khi đảng ta phát động cuộc Cải cách Ruộng đất đẫm máu – theo chỉ thị của Trung Quốc. Nói đến bốn dòng thác của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc gia cực đoan và chủ nghĩa phát xít thì cũng là cách mô tả Trung Quốc thời nay. Y như Mao Trạch Đông, Stalin vẫn có vị trí chói lọi trong tâm khảm của nhiều nhà lãnh đạo Bắc Kinh.


Bao giờ Hà Nội mới tự giải ảo?

Source : Việt Báo , dainamax tribune .

TỐ CHẤT NÀO CỦA NGƯỜI HOA?

TỐ CHẤT NÀO CỦA NGƯỜI HOA?

Theo  pro&contra 

Tháng 8 21, 2014
Lưu Du
Phạm Thị Hoài dịch
Nhiều người hẳn biết rằng một số khái niệm đặc sắc trong tiếng Trung rất khó dịch sang tiếng Anh, thí dụ đột kích thủ (突击手) [1]bất chiết đằng (不折腾) [2]tinh thần văn minh (精神文明), ban tử kiến thiết (班子建设) [3]… Ai dịch được huyết nhiễm đích phong thái (血染的风采) [4] thì tôi xin tặng ngay cờ luân lưu. Tố chất (素质) là một trong những từ như thế.
Người Hoa tố chất kém, vì thế Trung Quốc không nên…” Câu này phổ biến tới mức nếu không đi cùng với hai từ kém và người Hoa thì từ tố chất như thể bơ vơ lạc lõng. Nhưng dịch tố chất như thế nào đây? Dịch thành quality có vẻ hợp hơn cả. Tuy nhiên, thử nghĩ kĩ thì câu tiếng Anh “The quality of Chinese people is low, so China should not…” rõ ràng lại không hợp. Vì nếu dịch ngược trở lại tiếng Trung thì câu này sẽ thành “Người Hoa chất lượng kém, vì thế Trung Quốc không nên…” Mà như thế thì rõ là phân biệt chủng tộc và chắc chắn không hợp ý người Hoa nào phát ngôn câu ấy.
Chắc chắn có nhiều lí do khiến một từ nào đó khó dịch sang những ngôn ngữ khác. Một lí do có thể là: bản thân hiện tượng liên quan đến từ đó không thật sự được nắm bắt rõ ràng. Thí dụ từ tố chất. Thực ra tố chất là gì? Trực giác bảo tôi rằng, đó là “trình độ văn hóa”. Nhưng theo thống kê dân số gần đây nhất thì tỉ lệ mù chữ ở Trung Quốc chỉ chiếm 4,08%, tức là thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên thế giới. Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy rõ là 18,03 % giới trẻ ở Trung Quốc từ 25 đến 30 tuổi có bằng cao học trở lên, như vậy là nhiều hơn cả ở những nước dân chủ như Tiệp (15,05%), Thổ Nhĩ Kì (13,06%) hay Brazil (10%). Vậy trình độ văn hóa của người Trung Quốc không hề thấp.
Thế nếu không phải là trình độ văn hóa thì tố chất cho thấy cái gì? Có lẽ là tinh thần hợp tác. Có thuyết bảo rằng người Trung Quốc như “cát rời trong chậu” (nhất bàn tán sa), một bằng chứng về tố chất kém. Trong xã hội học có khái niệm “vốn xã hội”, biểu thị độ nhớt và mật độ của quan hệ giữa người với người. Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng để một nền dân chủ có thể vận hành thì vốn xã hội đóng vai trò tương tự như dầu nhớt cho động cơ ô tô. Chưa nói đến việc sau này nhiều nhà nghiên cứu hoài nghi hệ quả chính trị của vốn xã hội, ngay cả khi nó càng nhiều càng tốt (đa đa ích thiện), nhiều người cũng lưu ý rằng cái công thức “cát rời trong chậu” hoàn toàn không đúng với truyền thống Trung Quốc. Làng xã truyền thống có một mạng tương tác xã hội chặt chẽ và tự quản. Khi phải đắp một con đường hay đào một dòng kênh thì mọi nhà họp nhau bàn việc góp quỹ. Nhà này mâu thuẫn với nhà kia thì hương thân phụ lão đứng ra thương lượng theo luật làng. Ở Chinatown tại New York tôi thấy một cộng đồng người Hoa đã tha hương từ trên một thế kỉ vẫn tụ họp múa lân và đánh trống mỗi dịp hội hè. Vì thế khó có thể nói rằng người Hoa vốn không có gen đoàn kết.
Song với sự ra đời của “nhà nước toàn năng” thì cái gọi là “rác rưởi phong kiến” như tông tộc, xã đoàn, miếu hội bị cưỡng bách tiêu diệt. Xã hội ngày càng có xu hướng nguyên tử hóa và chính trị trở thành chết keo duy nhất. Cho đến hôm nay, thể chế chính trị mạnh mẽ vẫn ức chế sự tích lũy vốn xã hội. Những “hạt cát” muốn kết hợp lại, lập nên một nông hội ư? Quá nhạy cảm! Một công đoàn ư? Đã có công đoàn do chính phủ tổ chức rồi mà! Một tổ chức phi chính phủ ư? Được thôi, nhưng phải thông qua 48 thủ tục nhé… Như vậy, sự nguyên tử hóa xã hội Trung Quốc không phải là nguyên nhân mà là kết quả của quyền lực. Như thể tôi vừa trói chân bạn vừa bảo rằng: đấy, mày có chạy được đâu, chứng tỏ mày không biết chạy, hoặc thậm chí mày thiếu tố chất chạy! Cái đó không còn là một “dự báo tự hoàn thành” nữa, mà là một “mệnh lệnh tự xác nhận”.
Và nếu tố chất có nghĩa là ý thức luật pháp thì thế nào nhỉ? Người Hoa không thích xếp hàng và hay vượt đèn đỏ… Những hiện tượng như vậy cho thấy là người Hoa thiếu tố chất, vì thế mà phải để một nhóm tinh hoa kiểm soát, như tuyên bố “dân Trung Quốc cần quản thúc” của Jackie Chan [5] chăng? Cá nhân tôi biết rõ những tật xấu kể trên, nhất là chuyện xếp hàng. Nhiều khi tôi chỉ muốn ở quầy cửa hàng nào cũng có cảnh sát giao thông đứng trấn.
Nhưng tôi cũng từng đến Hồng Kông và Đài Loan, thấy mật độ dân số ở đó cũng rất dày mà người ta vẫn tự giác xếp hàng. Họ cũng là người Hoa, chứng tỏ không phải cứ là người Hoa thì thiếu ý thức luật pháp. Nhưng điều quan trọng hơn là: ngay cả khi người Hoa quả thật kém về mặt này thì từ đó cũng khó mà suy ra tính ưu việt của một thể chế độc tài. Thể chế độc tài hàm ẩn một tiền đề rằng dân chúng tố chất kém thì phải chịu sự giáo huấn và quản thúc của quan chức tố chất cao.
Song nhìn vào hàng ngũ quan chức thì ta phải phát hoảng. Hôm nay mở tờ báo này thấy một vị quan chức vào tù vì tham ô vài triệu, hôm sau mở tờ báo khác thấy một vị nữa vào tù vì tham ô vài chục triệu. Hôm nay nhấp chuột vào trang mạng này thấy chính phủ cưỡng chế dỡ nhà khiến một người dân phải đi kiến nghị, hôm sau nhấp chuột vào trang mạng khác thấy một người dân nữa bị dỡ nhà phải cùng quẫn tự thiêu. Đương nhiên đó không phải là đại diện cho tất cả quan chức, nhưng những việc như vậy là thực tế và diễn ra vô tận. Nó nhắc nhở rằng chúng ta nên lí giải ý thức luật pháp kém của dân chúng như thế nào: khi “kẻ trên” thường xuyên lợi dụng đấu thầu dự án để ăn tay trong, bất tuân luật pháp trong tranh chấp đất đai hay bất chấp lệnh cấm vẫn nhậu nhẹt bằng tiền công quỹ thì làm sao có thể bắt “kẻ dưới” cung kính tôn trọng luật pháp? Kẻ đại tiểu tiện tứ tung làm sao dạy người khác đừng khạc nhổ được.
Vậy ngay cả khi tố chất của người Hoa có vấn đề chăng nữa thì nguyên nhân chủ yếu nằm ở chế độ, mặc dù nó tác động xấu đến chế độ. Tất nhiên tôi không nghĩ rằng cải cách chế độ qua đêm là có thể biến đổi văn hóa, nhưng ít nhất nó có thể tạo ra một không gian sinh hoạt công cộng. Và cũng như việc muốn học chạy thì trước hết phải tháo xích chân, muốn bồi dưỡng năng lực công dân thì trước hết phải có một không gian công cộng. Những ai ưa lặp lại câu “Người Hoa tố chất kém, vì thế Trung Quốc không nên…” có lẽ hãy thử nghĩ xem có nên đổi thành “Người Hoa tố chất kém, chính vì thế mà Trung Quốc càng nên…”
________
NguồnLưu Du (Liu Yu, 1976) bảo vệ luận án tiến sĩ tại Columbia University, từng dạy tại Cambridge và hiện là Phó Giáo sư ngành Chính trị tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. Bà bắt đầu nổi tiếng ở Trung Quốc với tác phẩm 民主的细节 (Chi tiết của dân chủ) xuất bản năm 2009. Bài viết “素什么质” này đăng trên blog của bà ngày 30/10/2011. Bản tiếng Việt dựa theo bản tiếng Đức đăng trên trang Freitag ngày 19/4/2014.
Bản tiếng Việt © 2014 pro&contra


[1] Dùng theo nghĩa: một người rất hăng hái hoạt động (thường là chính trị)
[2] Dùng theo nghĩa: không bận tâm vào những chuyện vô nghĩa
[3] Dùng theo nghĩa: sắp xếp nhóm lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng và chính phủ
[4]血染的风采” vốn là tên một bài hát tưởng niệm lính Trung Quốc chết trận trong Chiến tranh Biên giới 1979 giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau này – đặc biệt ở Hồng Kông – được dùng để tưởng niệm nạn nhân của cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989.

Source : pro&contra ( Blog Phạm Thị Hoài )

20/8/14

Toàn Cầu Ái Ngại


Wednesday, August 20, 2014

Toàn Cầu Ái Ngại

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140820
"Diễn đàn Kinh tế"  
 
Trong đại loạn, hãy về với dân...  
 
000_Was7986700-305.jpg
* Hình ảnh minh họa chụp tại Washington DC, Mỹ hôm 10/10/2013. AFP * 


Khi kiểm điểm tình hình toàn cầu, người ta cảm thấy một sự ái ngại chung, dẫn đến nỗi lo ngại cho người dân ở từng khu vực. Sáu năm sau vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ từ Hoa Kỳ vào Tháng Chín năm 2008, Diễn đàn Kinh tế sẽ lần lượt nói về sự ái ngại này qua phần phân tích khá bi quan của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Xin quý vị theo dõi cách Vũ Hoàng đặt vấn đề như sau.

Nhiều rủi ro lớn

 

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, khởi đi từ Hoa Kỳ vào Tháng Chín năm 2008 với sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, kinh tế Hoa Kỳ đã có vẻ khả quan hơn, và tương đối khả quan nhất trong khối công nghiệp hóa. Nhưng nước Mỹ ngày nay cũng là nơi mà ông nói rằng mỗi tuần lại có một vụ khủng hoảng, đôi khi vì lý do bất ngờ như động loạn đang xảy ra tại thị trấn Ferguson của bang Missouri. 

Trong khi đó, tình hình của các quốc gia khác lại chẳng khá hơn, như tại Trung Quốc, Nhật Bản và nhất là Âu Châu khi kinh tế và an ninh đang gặp nhiều bài toán lớn với vụ khủng hoảng ở Ukraine, suy trầm tại Đức hoặc giao tranh trên Dải Gaza. Trong khung cảnh đó, thưa ông, có mấy ai còn quan tâm đến những rủi ro ở tại Đông hải hoặc khoản nợ xấu ở tại Việt Nam? 

Chúng tôi xin đề nghị ông rà soát lại tình hình toàn cầu và rút tỉa ra vài kết luận về tương lai.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là qua một bài, ta khó tổng kết về tình hình toàn cầu, nhưng vẫn có thể nhìn ra vài chuyển động lớn sau đây. Trước hết là một cảm giác ái ngại toàn cầu khi ta đứng ở ngoài nhìn vào hoàn cảnh từng nước. Sau đó là nỗi lo ngại khi ta bước vào bên trong từng khu vực để thấy ra nhiều rủi ro lớn.

Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ khởi sự từ Hoa Kỳ, quốc gia giàu mạnh nhất và cho đến nay vẫn là nơi đem lại niềm tin về kinh tế hay an ninh cho nhiều xứ khác.

Các nước Liên Âu chẳng thể làm gì nên cứ trông cậy vào một quốc gia có khả năng nhưng hết muốn can thiệp, đó là Hoa Kỳ. Vì thế, quả thật là ái ngại dẫn tới lo ngại. Nguyễn-Xuân Nghĩa


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ Hoa Kỳ đang ở giữa một chu kỳ khủng hoảng chính trị, ban đầu thì tưởng là do kinh tế vì vụ sụp đổ tài chính ông vừa nhắc tới, sau đó là nạn suy trầm kinh tế trong các năm 2008-2009. Khủng hoảng chính trị xảy ra tại Hoa Kỳ là vì lãnh đạo và người dân còn phân vân về các giải pháp kinh tế xã hội bên trong mà tình hình bên ngoài lại đòi hỏi một sự can thiệp tích cực hơn của nước Mỹ, khi đa số người dân lại không muốn như vậy.

- Vì thế, khi cả thế giới mong chờ một sự nhập cuộc dứt khoát hơn của nước Mỹ để giải quyết nhiều vụ khủng hoảng, từ Âu Châu qua Trung Đông tới Đông Á, dân Mỹ lại tranh luận về nhiều vấn đề nội bộ và có thái độ hay hành động khá cực đoan. Vì vậy tôi mới nói rằng Hoa Kỳ là nơi mỗi tuần lại có một cuộc khủng hoảng trong khi tình hình kinh tế lại có vẻ sáng sủa nhất. 

Vũ Hoàng: Kế đó, thưa ông, là tình hình Âu Châu với khối Euro chưa ra khỏi khủng hoảng mà nền kinh tế mạnh nhất khu vực là nước Đức lại có triệu chứng suy yếu với sản lượng bị giảm trong quý hai vừa qua. Thưa ông, ta có thể kết luận gì về các nước Âu Châu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ ông nói ra rất đúng một chi tiết đáng ngại mà người ta tưởng là rất nhỏ là việc kinh tế Đức bị suy giảm 0,2%.

- Trước hết, vụ khủng hoảng của khối Euro vẫn chưa dứt và khó khăn chung cho các nước đã thành trạng thái bình thường trong sáu năm liền. Trong vụ khủng hoảng đó, các nước đều mong là nền kinh tế vững mạnh nhất của Đức sẽ cứu được toàn khối, sự thật lại không được như vậy.  



064_IS09AJ1EL-250.jpg
Ảnh minh họa. AFP PHOTO.


- Trong cả khối Liên hiệp Âu châu gồm 28 nước, phân nửa dân số lại thuộc về bốn quốc gia tương đối giàu nhất là Anh, Đức, Pháp. Ý. Ngày nay, cả bốn quốc gia đó đều có mức tăng trưởng quá thấp là khoảng 1,25% một năm, mà đấy là con số bình quân nhờ kinh tế của nước Anh. Không kể nước Anh thì kinh tế của ba nước kia không tăng trưởng mà còn giảm, với thất nghiệp trung bình là 8,5%. Mà nước Anh lại là quốc gia đang phân vân do dự về việc có còn nên ở trong khối Liên Âu nữa hay chăng.

- Nhìn ra khỏi bốn nước lớn đó, thì 15 trong 28 thành viên Liên Âu đang bị thất nghiệp trên 10%, có những nước bị thất nghiệp tới 24-25%. Khi kinh tế đình đọng suy trầm và thất nghiệp cao đến mức đó, khả năng tiêu thụ và trả nợ của người dân tất nhiên bị thu hẹp nên khoản nợ xấu thật ra chiếm một tỷ lệ rất cao. Tức là nạn ngân hàng mất nợ vì doanh nghiệp vỡ nợ sẽ còn xảy ra với mức độ nguy ngập chỉ thua Trung Quốc!


Vũ Hoàng: Trong khi đó, thưa ông. Liên Âu lại lâm vào nhiều cuộc khủng hoảng khác tại vùng biên vực như Ukraine và Trung Đông.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi hiểu ra nỗi lo mà ông nhắc đến. Vụ khủng hoảng tại Ukraine đòi hỏi một đối sách chung của các nước Âu Châu trước sức ép và trách nhiệm của Liên bang Nga. Nhưng đối sách ấy cũng có hậu quả, thí dụ như thiệt hại kinh tế khi có biện pháp cấm vận để trừng phạt Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Tôi cho rằng trong vòng hai năm tới, kinh tế Nga sẽ bị khủng hoảng trầm trọng, nhưng các nước Liên Âu thì chưa ra khỏi khủng hoảng từ sáu năm nay và trong nội bộ thì từng nước lại có cái nhìn khác biệt về cách xử lý với nước Nga. Sự thiếu thống nhất này vì quyền lợi kinh tế sẽ chỉ gây thêm khó khăn về an ninh.

- Ra khỏi Âu Châu mà nhìn xuống miền Nam thì giao tranh trên Dải Gaza và vụ khủng hoảng tại Iraq, Syria hay sự bất ổn nói chung kéo dài từ Bắc Phi tới Trung Đông sẽ là những thách đố cho an ninh Âu Châu. Vậy mà các nước Liên Âu chẳng thể làm gì nên cứ trông cậy vào một quốc gia có khả năng nhưng hết muốn can thiệp, đó là Hoa Kỳ. Vì thế, quả thật là ái ngại dẫn tới lo ngại.

Hoàn cảnh của Việt Nam

 

Vũ Hoàng: Tiến theo hướng mặt trời mọc thì dường như tình hình kinh tế Nhật Bản cũng chưa khá hơn trong khi kinh tế Trung Quốc thì trôi dần vào giông bão như diễn đàn này đã từng nói. Thưa ông, ta có thể rút tỉa những kết luận gì từ khu vực Á Châu đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đề nghị là ta cùng nhìn vào ba nền kinh tế lớn của khu vực này là Trung Quốc, Nhật Bản và cả Ấn Độ là một xứ đông dân chỉ thua Trung Quốc.

Khi thấy toàn cầu đều xoay vần trong những biến động lớn, có lẽ Việt Nam phải trở về thực tế ngàn đời là trông cậy vào người dân của mình. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Kinh tế Trung Quốc phải trải qua một tiến trình cải cách để chuyển hướng mà lãnh đạo đã thấy từ 12 năm trước nhưng không thể sừa được. Sau hai năm lên cầm quyền từ Đại hội 18, lãnh đạo mới muốn đẩy mạnh hơn việc chuyển hướng đó mà vẫn cứ phải lao vào hướng cũ.

- Việc chiến dịch giải trừ tham nhũng lên tới cấp lãnh đạo chính trị và quân sự còn cho thấy cái chứng tật truyền thống của Trung Hoa là chuyện tranh giành quyền lực giữa trung ương với các thế lực kinh tế chính trị địa phương. Vi thế, khủng hoảng tại Trung Quốc sẽ không thu hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà còn có thể đe dọa sự tồn tại hay ít ra là thống nhất của một đảng độc quyền.

- Bước qua Ấn Độ thì ta cũng thấy yêu cầu tương tự là cải cách kinh tế và chỉnh đốn chính trị để phần nào giải trừ nạn tham nhũng bên trong bộ máy hành chính. Nhờ chế độ dân chủ, yêu cầu đó đã giúp xứ này có một chính quyền mới, và tương đối có thế mạnh để tiến hành cải cách. Trong nỗi ái ngại chung như mình vừa nói thì thật ra tình hình Ấn Độ lại có vẻ khá nhất, với hậu quả tương đối tích cực hơn cho các nước đối tác hay các lân bang trong vùng, kể cả Miến Điện.

- Sau cùng ta nói tới Nhật Bản. Cũng chính yêu cầu cải cách như tại Trung Quốc và Ấn Độ và nhờ thể chế dân chủ, Nhật Bản có hệ thống lãnh đạo mới với Thủ tướng Shinzo Abe. Ông ta đang tiến hành cải cách theo ba hướng mà người ta gọi là ba mũi tên. Việc cải cách hệ thống tài chính công quyền với biện pháp tăng thuế vừa qua có gây hậu quả suy trầm nhỏ với đà sản xuất sút giảm trong tháng trước. Nếu nhìn vào ngắn hạn thì mình có thể bi quan, nhưng biết đâu là dân Nhật đang chấp nhận một liều thuốc đắng để ra khỏi sự trì trệ của hơn hai chục năm qua?


000_Hkg9228230-250.jpg
Ảnh minh họa chụp bên bờ sông Sài Gòn ở TPHCM hôm 19/11/2013. AFP PHOTO.
 
 
Vũ Hoàng: Chúng ta đi vào phần tổng kết và chú ý đến hoàn cảnh của Việt Nam. Ông nhận định thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng Việt Nam nói chung đang quan tâm đến tình hình an ninh Đông hải, đây là nỗi lo chính đáng.

- Nhưng tại Đông Á, Trung Quốc hung hăng nhất thì cũng có các vấn đề nghiêm trọng và nguy hiểm nhất ở bên trong mà lại làm nhiều nước lo ngại nhất. Chưa giải quyết được bài toán sinh tử trong nội bộ, lãnh đạo Bắc Kinh lại gây phản ứng phòng thủ chung của nhiều quốc gia, từ khối Đông Nam Á tới Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ. Đấy là bối cảnh chung cho Việt Nam và cho thấy một sự thật bất ngờ là Việt Nam không đơn độc. Tuy nhiên, người Việt Nam sẽ sai lầm lớn nếu ôm ấp giấc mơ đang được nói tới là "Thoát Trung - Hướng Mỹ".

Vũ Hoàng: Ông vẫn có thói quen gây sốc với những phát biểu có vẻ nghịch lý ngượng ngạo! Xin đề nghị ông giải thích cho nhận xét đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết là về ngôn từ. Chỉ có Trung Quốc mới nghĩ hay tự xưng là quốc gia "trung tâm thiên hạ". Ta không nên dùng chữ "Trung" của họ mà dùng chữ Hoa đã quen thuộc và chính xác hơn, như Hoa kiều, Tân hoa xã hay "Hoa quân nhập Việt" thởi 1945. Dùng khái niệm của Trung Quốc thì làm sao "thoát Trung" ngay từ trong tiềm thức và tâm lý?

- Thứ hai, Việt Nam dại dột hướng về Trung Hoa từ 90 năm nay, khi người Cộng sản theo Hồ Chí Minh coi Trung Quốc là hậu phương kể từ năm 1924 rồi gặt thành quả 1954 và ngày nay bị Trung Quốc uy hiếp. Chúng ta cần giải ảo và nhìn ra trách nhiệm và sự sai lầm cũ.

- Thứ ba là chuyện "hướng Mỹ". Kinh nghiệm của 60 năm qua, nhất là của sáu năm vừa rồi, phải cho thấy Hoa Kỳ có thể hỗ trợ Việt Nam hay nhiều xứ khác trước hết là vì quyền lợi của nước Mỹ và khi quyền lợi bất đồng thì họ sẵn sàng thay đổi chính sách sau một kỳ bầu cử. Hoa Kỳ nói đến việc chuyển trục về Đông Á mà hiện đang loay hoay chưa biết giải quyết các bài toán bên trong theo hướng nào trong khi vẫn không muốn Trung Quốc bị nội loạn. Họ sẽ không thay mặt người Việt làm nhiệm vụ be bờ ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc trong khi chính người Việt còn thiếu sự nhất trí với nhau, và lãnh đạo ở Hà Nội lại sợ người dân hơn là sợ Trung Quốc!

- Vì vậy, trở lại chuyện thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, người Việt phải trở về đầu nguồn, từ sự xuất hiện và bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản tại Việt Nam. Sự bành trướng đó cũng là sự bành trướng của Trung Quốc. Sau đó là yêu cầu cải cách kinh tế và chính trị Việt Nam để ra khỏi mẫu mực, khuôn khổ mà cũng là ách nô lệ của Trung Quốc.

- Với nền kinh tế tôi gọi là "Bắc thuộc" hiện nay của Việt Nam, Bắc Kinh chẳng mất một viên đạn cũng có thể biến xứ này thành một quận huyện hay một bãi rác để hủy thải phế vật của họ.

- Khi thấy toàn cầu đều xoay vần trong những biến động lớn, có lẽ Việt Nam phải trở về thực tế ngàn đời là trông cậy vào người dân của mình. Nguyên tắc dân chủ có thể phát triển được tiềm lực đó và trước hết, giới hạn được những sai lầm của lãnh đạo.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc tổng kết này.

Source : dainamax tribune ( Blog NXN )