5/12/15

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tự Sát Hơn Tự Vệ

Thứ Sáu, tháng 12 04, 2015

Tự Sát Hơn Tự Vệ


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 151204

Khi các nền văn minh muốn tự sát

* Nạn nhân khủng bố tại San Bernadino. Có một thiếu nữ Việt Nam trong số này *


Đúng 20 ngày sau vụ khủng bố tại Paris, thành phố San Bernadino của tiểu bang California lại bị chấn động vì một vụ tàn sát làm 14 người thiệt mạng, 21 người bị thương vào trưa mùng hai Tháng 12. Bị cảnh sát truy lùng, hai nghi can đã nổ súng và bị bắn hạ, là vợ chồng Syed (đọc như Said, tiếng Á Rập có nghĩa là vui vẻ) Rizwan Farook 28 tuổi và Tashfeen Malik, 27 tuổi. Hình như một nghi can thứ ba cũng bị bắt sau vụ đấu súng. Cuộc điều tra đang tiến hành và nhà chức trách không loại bỏ giả thuyết khủng bố nên cơ quan FBI được trao nhiệm vụ điều tra: các hung thủ mặc áo giáp, sử dụng súng tấn công, tự động, và có thể cả máy quay phim Go Pro rất chuyên nghiệp.

Vụ tàn sát tại San Bernadino kéo dài từ 11 giờ trưa đến chiều trong sự kinh hoàng của nước Mỹ. Nhưng, như mọi khi, dù chưa biết nguyên nhân và nội tình, các chính trị gia liền nhảy vào ăn có!

Tổng thống Barack Obama kết án không khí bạo động và kêu gọi mọi người duyệt xét lại chính sách kiểm soát súng. Ông hồ đồ kết luận rằng sở dĩ hành vi bạo động này thường xảy ra là vì người Mỹ mua súng quá dễ. Giới dân cử bên đảng Dân Chủ cũng hàm hồ không kém khi đả kích lời cầu nguyện của giới dân cử bên Cộng Hòa: vấn đề không phải là cầu nguyện mà là hạn chế việc mua súng. Hết súng là xong?

Tức là chưa biết nếp tẻ, người ta khai thác sự xúc động của dân Mỹ về vụ tàn sát để vận động việc cấm bán súng lục, hand gun, là chủ trương phổ biến bên cánh tả. 

Dân Pháp không có truyền sống mang súng như dân Mỹ và nước Pháp có luật lệ kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt nhất Âu Châu, hơn hẳn Hoa Kỳ, nhưng trong  12 tháng đã ba lần bị khủng bố tấn công bằng súng, đem từ nơi khác vào!

Vài giờ sau, nhà chức trách California cho biết các hung thủ của vụ San Bernardino đã dùng súng tự động, loại M-15 chế tạo cho quân đội và cảnh sát, và cả bốn khẩu được mua hợp lệ. Vì vậy, nội dung không hẳn là một phản ứng giận dữ điên cuồng nơi sở làm và dẫn đến tai họa vì người ta quá dễ mua súng lục bắn tràn vào người vô can – là trường hợp cũng quá phổ biến. Mục tiêu có thể là ý thức hệ, và hành động tàn sát có khi xuất phát từ ý chí khủng bố của một số người Hồi giáo quá khích, mặc dù hung thủ bị cảnh sát bắn hạ là công dân Mỹ, Sayed Farook sinh tại Hoa Kỳ, lấy vợ là người gốc Pakistan….

Phản ứng hồ đồ chính giới Mỹ - khai thác lòng dân vì mục tiêu chính trị - khiến chúng ta cần lùi lại nhìn toàn cảnh. Người ta cứ lo sợ nạn khủng bố tự sát nhưng chính là hệ thống văn hóa chính trị của các nước Tây phương, Âu Châu và Hoa Kỳ, đang có khuynh hướng tự sát! Đức Giáo hoàng không sai khi nói rằng thế giới đang gặp Thế chiến III. Mà loài người không biết.


Obama: "Mấy người vi phạm khoản 12276.1 của Đạo luật mang súng đấy nhé!"



Hãy trở lại chuyện Âu Châu đã.

Vụ khủng bố hôm Thứ Sáu 13 tại Paris vào tháng trước không làm Âu Châu tan rã nhưng thúc đẩy mầm tan rã đã có từ trước vì quá nhiều sức ly tâm bên trong.

Vụ khủng hoảng trong thế giới Hồi giáo tại Trung Đông - nội chiến giữa hai hệ phái Sunni và Shia; nội chiến bên trong hệ phái Sunni; xung đột giữa cả chục giáo phái và thị tộc; sự sụp đổ của các “quốc gia” giả tạo như Lebanon, Syria hay Iraq, thành hình từ 100 năm trước do “Hiệp ước Sykes-Picot” của Anh và Pháp năm 1916 – đã đẩy làn sóng nạn dân vào bến bờ Âu Châu và gây ra vụ khủng hoảng di dân. Vụ khủng hoảng di dân bùng nổ khi Âu Châu chưa ra khỏi khủng hỏang tài chánh của khối Euro, và kinh tế Âu Châu bị suy trầm. Nạn khủng bố càng khiến kinh tế từ suy trầm sẽ trụt xuống suy thoái, ngân sách tăng chi cho nhu cầu an ninh quốc phòng, và đào sâu khủng hoảng kinh tế tài chánh trong nhiều năm tới.

Chúng ta có quá nhiều chữ “khủng” trong này.

Nhìn ngược về sau, Liên hiệp Âu châu (Liên Âu) ngày càng chứng minh rằng lý tưởng hội nhập không là ý chí liên kết các giá trị tinh thần của cả tập thể mà chỉ là sự hợp tác của một câu lạc bộ kinh tế không có thực quyền chính trị. Lý tưởng hội nhập chỉ vì lợi ích kinh tế đang phai mờ vì kinh tế sa sút và làm giới lãnh đạo không thể giải thích cho cử tri là vì sao nên sống chung hay nên hội nhập. Các đảng phái truyền thống và chính khách chuyên nghiệp đểu bị cử tri nghi ngờ và các khuynh hướng cực đoan, từ cực tả đến cực hữu, đang thắng thế.  Vì không khí tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ cũng có sắc thái tương tự nên chúng ta nhìn thấy một trào lưu chung, rất Âu-Mỹ.

Kết quả là Âu Châu sẽ bao cấp hơn theo cánh tả, hoặc kỳ thị hơn theo cánh hữu. Đấy là sự rạn nứt chính trị cũng có thấy trong tinh thần quá phân cực của xã hội Hoa Kỳ.

Nhìn ngược lên trên, về văn hóa thì Âu Châu và cả nền văn minh Thiên Chúa Giáo đang mất dần ý thức tự vệ. Người ta hết xiển dương đức tin tôn giáo, coi thường Thượng Đế và tinh thần bác ái – rộng yêu người khác – mà chú trọng tới sở thích riêng trong tinh thần phóng dật và phóng túng. Những người chú ý đến yếu tố tinh thần thì lui về chủ nghĩa quốc gia dân tộc – của từng nước – vừa xa rời lý tưởng hội nhập của Liên Âu vừa có tính chất kỳ thị. Nếp văn hóa ấy khiến Âu Châu không chống đỡ được đà tấn công của phong trào Thánh Chiến và lý luận quá khích của đạo Hồi mà cũng chả hội nhập được các nạn dân đến từ vùng lửa đạn bên dưới.

Kết hợp chuyện chính trị với văn hóa, các chính quyền Âu Châu nói chung đều lặng lẽ từ bỏ những cam kết và các hiệp ước của mình. Hiệp ước Schengen về quyền tự do lưu thông và di trú giữa 26 nước bị lặng lẽ khai tử, việc kiểm soát biên giới được tăng cường. Từng nhóm quốc gia tìm lại sự liên kết xa xưa, khi Âu Châu còn là một tập hợp của các Đế quốc tranh hùng bằng võ khí. Ngay sau vụ khủng bố tại Paris, Hòa Lan đề nghị thành lập một “Schengen nhỏ” gồm có Đức, Áo, Hòa Lan, Bỉ, Luxembourg, mà không có Pháp. Ngẫu nhiên sao, đấy là ranh giới của “Thánh chế La Mã” hay “Đế quốc La Mã Thần thánh” (Holy Roman Empire) vào cuối Thế kỷ 18.

Hậu quả?

Vương quốc Anh thống nhất United Kingdom càng hết thống nhất vì có khi mất Scotland. Và nước Anh có thể rút khỏi Liên Âu sau cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2017. Một động lực hay lý do chính là làn sóng di dân và cách ứng xử của Đức, một cường quốc có sinh suất quá thấp, đẻ con ít nhất Âu Châu nên cần di dân. Không còn ở trong Liên Âu, Anh quốc hết là nước Anh. Không có Anh quốc, Liên Âu cũng mất một chân kiềng và không còn một tiếng nói chừng mực và tỉnh táo giữa những bát nháo của thủ đô Bruxelles.

Thủ đô Bruxelles bất lực sẽ hậm hực ban hành biện pháp trừng phạt các quốc gia không chịu nhận hạn ngạch di dân được ở trên “chia” cho mình, khiến nhiều nước càng muốn ly khai vì hết mối lợi khi nằm trong Liên Âu.

Mà đấy là chuyện… nhỏ.

Hậu quả rộng lớn và nguy kịch hơn là Âu Châu sẽ có hai khối  - và khối chuyện.

Khuynh hướng quốc gia cực đoan bên cánh hữu dẫn tới sự hình thành của các chính quyền bảo thủ, nghi ngờ Âu Châu và đòi xé chiếu ngồi riêng. Hãy nhìn vào các nước hiền hòa tại Bắc Âu như Thụy Điển hay Phần Lan thì ta biết sợ. Còn lại, các quốc gia gắn bó với lý tưởng Âu Châu sẽ thi hành chánh sách kinh tế bao cấp của cánh tả, làm Âu Châu thêm kiệt quệ, tư doanh hết thở và Âu Châu mất sức cạnh tranh!

Khi con người hết nhìn chung một hướng và tài vật hết lưu thông tự do vì bị kiểm soát và canh chừng ở từng biên giới, thì luật lệ của Âu Châu bị phá giá, hết giá trị, và lý tưởng hội nhập Âu Châu hết lý do tồn tại. Nạn nhân đầu tiên, trong năm tới, sẽ là đồng Euro. Sau đó là cả Liên Âu.

Thành thử, vấn đề không còn là Âu Châu có tan rã hay không mà là mau hay chậm! Sau đó là gì, xin đọc lại lịch sử hắc ám của lục địa này. Nhưng khác với trước kia, lần này Âu Châu còn bị một làn sóng hắc ám hơn đang đe dọa tại miền Nam.

Trong khi ấy, Hoa Kỳ làm gì? Tri hô về nạn nhiệt hóa địa cầu, về hiệu ứng nhà kiếng. Và liên tục dẹp loạn vì nạn cảnh sát bắn người da đen trong khi một số phần tử da đen lại cho rằng bắn cảnh sát là thể hiện chính nghĩa giải phóng. Và về đối ngoại, Hoa Kỳ thoái thác trách nhiệm, chỉ muốn lãnh đạo từ đằng sau, bằng quyền lực mềm. Với lãnh đạo như vậy, Minh ước NATO sẽ tính sao giữa “Kẽ hở Suwalki” (nối liền đất Kalinigrad của Nga với Belarus chư hầu của Nga trên vùng biển Baltic) và trận địa Syria có Liên bang Nga tham dự và đang không chiến và khẩu chiến, đấu súng và đấu khẩu, với Thổ Nhì Kỳ, thành viên Hồi giáo duy nhất của Âu Châu?

Có cái gì đó rất không ổn trong thế giới đảo điên này!

24/11/15

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Thượng Đế Phù Hộ

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 151123
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"


Những yêu cầu của một chiến lược mới

 * Một thế giới hết cần Thượng Đế? *


Khi nhân loại bước vào thế kỷ 21, Hoa Kỳ có Tổng thống thứ 43 vừa nhậm chức ngày 20 Tháng Giêng năm 2001, là George W. Bush. Tháng Tư năm đó, việc một phi cơ trinh sát Mỹ bị không quân Trung Cộng uy hiếp và phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam khiến Chính quyền Bush 43 rà soát lại chiến lược của Hoa Kỳ với Trung Quốc tại Đông Á. Nhưng vụ khủng bố 9-11 vào Tháng Chín năm đó lại đảo lộn ưu tiên của nước Mỹ. Hoa kỳ tạm gác chuyện Đông Á sang một bên và mở ra một thời kỳ mới với hai chiến dịch chống khủng bố Hồi giáo toàn cầu tại Afghanistan rồi Iraq. Cuối nhiệm kỳ hai của ông Bush, vụ khủng hoảng tài chánh vào Tháng Chín năm 2008 dẫn đến nạn Tổng suy trầm 2008-2009 và đảo lộn tình hình kinh tế toàn cầu cho tới ngày nay.

Ngần ấy biến cố đều là bất ngờ, không dự đoán trước trong cái gọi là chiến lược quốc gia của nước Mỹ được công bố vào Tháng Sáu. Sau đấy, nếu các chính trị gia có nương vào tâm lý người dân khi đó – giận dữ, yêu nước hay thất vọng – mà trách cứ và đổ lỗi cho nhau thì cũng là sự thường. Nền dân chủ là nơi mà người dân bầu lên lãnh đạo và giới lãnh đạo phải chiều ý dân vào lúc đó.

Vụ khủng bố tại Paris ngày 13 và sự hỗn loạn nối tiếp của Âu Châu cũng là biến cố bất ngờ và gây tranh luận trên chính trường Mỹ về chánh sách tiếp nhận dân tỵ nạn đến từ Syria. Nhìn từ bên ngoài, người ta có thể tự hỏi rằng Hoa Kỳ có cần một chiến lược mới để đối phó với bài toán khủng bố chăng. Nếu cần thì chiến lược ấy nên là gì, và nên tránh những sai lầm nào?

Khi theo dõi các cuộc tranh luận chính trị, nhất là ở vòng sơ bộ của hai đảng trong cuộc tranh cử Tổng thống năm tới, ta thường thấy các phe phái liên tục đả kích chủ trương và kế hoạch ứng phó của đối phương. Họ gọi đó là chiến lược sai lầm. Điều sai lầm thật ra là họ lẫn lộn kế hoạch với chiến lược, là hai khái niệm khác biệt.

Mọi chính quyền mới đều nhận lãnh di sản của chính quyền tiền nhiệm và thường phải bỏ kế hoạch cũ mà lập ra một kế hoạch mới. Kế hoạch là cách tổ chức bộ máy và phương tiện giải quyết một bài toán cụ thể trước mắt, chẳng hạn như về kinh tế hay an ninh. Vì vậy, quốc gia có thể thi hành nhiều kế hoạch để giải quyết nhiều bài toán cùng xuất hiện một lúc.

Ngược lại, chiến lược là cái gì đó khác hẳn. Nó là một chuỗi lý luận và hành động bao gồm nhiều thành phần, phải linh động biến hóa, có khi để phá vỡ các kế hoạch của đối phương. Hoa Kỳ thời Chính quyền Bush có thể lập ra kế hoạch phát triển tối đa quyền lợi đối ngoại và giải quyết nhiều bài toán kinh tế và xã hội ở bên trong. Các biến cố bất ngờ nói trên đã đảo lộn kế hoạch này.

Ngày nay cũng thế.

Nếu nhìn lại sự thể như vậy, chúng ta nên kết luận rằng đối phương tấn công nơi mình ít phòng bị nhất và bản chất của mọi cuộc xung đột đều là bất ngờ. Năm xưa, các nước Âu Châu, nhất là Pháp, có thể phê bình Hoa Kỳ là dại dột mở ra một cuộc chiến chống khủng bố mà chẳng hiểu khủng bố là gì. Đấy chỉ là một phương pháp của kẻ thù nhằm phá vỡ kế hoạch của Chính quyền Bush 43.

Tuần qua, Chính quyền François Hollande thuộc đảng Xã Hội Pháp, xưa nay có ý hướng chủ hòa, đã huy động cả nước và muốn tu chính Hiến pháp để mở ra một cuộc chiến chống khủng bố. Hầu hết chúng ta đều thông cảm với quyết định ấy. Chính quyền Hollande có phản ứng y như Chính quyền Bush 43. Việc Pháp không tập các căn cứ cuả lực lượng ISIL tại Raqqa có vẻ chính đáng, cũng tương tự như việc Mỹ tấn công Kabul hay Baghdad.

Nhưng đấy không phải là một chiến lược.

Nhắc lại chuyên xưa và chuyện xa, ta nên hỏi rằng Hoa Kỳ cần một chiến lược gì chống nạn khủng bố, lần này thực sự là toàn cầu, từ ISIL tại Syria và Iraq đang lan vào Âu Châu cho tới một chi nhánh của Al-Qaeda vừa ra tay tại Mali. Biết đâu chừng Bali của Indonesia cũng bị nạn như đã từng bị.

Chiến lược mới phải hội đủ những nguyên tắc nào?

Thứ nhất, Hoa Kỳ cần đồng minh và phải xây dựng một mạng lưới quan hệ với nhiều quốc gia khác nhau, kể cả các quốc gia Hồi giáo. Khi ấy, chiến lược phải giải đáp được một câu hỏi then chố: Liên bang Nga, Iran hay Trung Cộng có là đồng minh chăng? Nhu cầu bảo vệ tự do có thể biện minh cho việc bắt tay với chế độ độc tài? Các cuộc tranh luận trên chính trường Mỹ - Tổng thống Vladimir Putin là bạn hay thù, hoặc có nên giúp Bắc Kinh giải trừ “khủng bố” tại Tân Cương không – cho thấy Hoa Kỳ chưa có chiến lược dứt khoát.

Thứ hai, chiến lược mới đòi hỏi việc thay đổi luật chơi là hệ thống hiến chế, thuật lý (technology) và cả triết lý chínhtrị để phát huy sức mạnh của nước Mỹ. Xuất phát từ hệ phái Sunni, ISIL có mục tiêu không khác Iran theo hệ phái Shia: cả hai đều muốn xóa bỏ luật chơi hay trật tự Tây phương không chỉ tại Trung Đông mà trên toàn cầu. Mục đích sau cùng là tiêu diệt nền văn minh Thiên Chúa giáo, gồm cả Công giáo, Tin lành, hay Chính thống giáo và các hệ phái khác. Hoa Kỳ có sẵn sàng cải sửa từ tổ chức đến tinh thần để đối phó hay không?

Thứ ba là chiến lược phải hội nhập được cả xã hội và huy động mọi người cùng nhìn về một hướng. Khủng bố là hành động tàn sát thường dân để làm đối thủ thay đổi cách sống và suy nghĩ. Nhưng nếu Hoa Kỳ phải thay đổi thì mắc mưu khủng bố sao? Thật ra, Hoa Kỳ cần thay đổi, các xã hội Âu Châu cũng vậy, không chỉ vì nạn khủng bố. Thí dụ như lý tưởng tự do phóng túng của nước Mỹ hoặc luật lệ tự do vận chuyển hàng hóa và nhân lực tại Âu Châu. Lý tưởng hội nhập hài hòa là một giá trị tinh thần của Tây phương nhưng khi người dân mất dần đức tin tôn giáo và còn nghĩ rằng kinh tế thị trường giải quyết được mọi bài toán thì chính nền văn minh Thiên Chúa giáo mới bị đe dọa, từ bên trong.

Và một lực lượng phi quốc gia như Al-Qaeda, đang có lãnh thổ như ISIL, hoặc một quốc gia thần quyền đang xúi giục khủng bố như Iran, đều cùng nhắm vào nền văn minh ấy của Tây phương.

Trong cuộc tranh luận về chiến lược hiện nay của Hoa Kỳ, thành phần đề cao tinh thần thực tiễn đang nêu câu hỏi: khủng bố có đe dọa quyền lợi của nước Mỹ bằng một cường quốc bá quyền như Trung Cộng không? Hoặc khủng bố có phá vỡ liên minh Âu-Mỹ hay chăng? Họ có lý một phần. Nhưng từ 15 năm qua, nếu Hoa Kỳ không giải quyết được bài toán khủng bố thì làm sao lãnh đạo các nước để đối phó với nguy cơ Trung Quốc sau này?

Bài viết mở đầu với Thế kỷ 21, nhưng nếu nhìn trong viễn ảnh trường kỳ thì 500 năm sau nhiều chuyển động từ Âu Châu đã dẫn tới sự hình thành của các quốc gia (có biên cương, hiến pháp và sức mạnh bảo vệ lãnh thổ lẫn quyền lợi ngoại giao và kinh tế) chính khái niệm quốc gia này mới bị đe dọa. Nhiều động lực tôn giáo hay sắc tộc đang làm rung chuyển nền móng quốc gia của Tây phương trong khi những người quay lưng với khủng bố tiếp tục đề cao một thế giới tự do, toàn cầu hóa, hết còn biên cương mà cũng chẳng cần Thượng Đế.


Giới lãnh đạo Mỹ đều kết thúc các bài diễn văn quan trọng bằng lời nguyện: xin Thượng Đế phù hộ Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. God Bless America. Khi nhiều người thấy trái tai với lời nguyện đó, họ đi vào một con dốc nguy hiểm. Bên dưới là cái vực có kẻ cuồng tín chờ đợi với võ khí tự sát vì tin vào sự phù hộ của đấng Tiên Tri. Những kẻ này là thiểu thiểu số của khối Hồi giáo, nhưng chỉ một phần ngàn của người theo đạo Hồi mà dám thì nhân gian cũng có triệu tay khủng bố!

22/11/15

Con Sáo Của Em Tôi - Duyên Anh

Truyện ngắn
Duyên Anh
Con Sáo Của Em Tôi


Sau khi cha tôi mất, gia đình càng ngày càng túng bấn, một mình mẹ tôi không đủ sức nuôi nấng hai đứa con mồ côi nơi thành thị nên mẹ đưa hai anh em tôi trở về làng cũ . Bên nội xóa bỏ tên cha tôi trong gia phả vì cha tôi xé tờ khai sinh mà ông tôi cố tình điền tên tuổi người vợ cả vào chỗ tên tuổi mẹ tôi . Ông tôi muốn gạt mẹ khỏi cuộc đời cha tôi bấy giờ và cuộc đời tôi mai hậu. Việc ấy rất giản dị như ông đã xóa bỏ tên chú Nghị vì chú mê cô đào cải lương gia nhập ban hát, lang thang rày đây mai đó. Bên ngoại từ bỏ mẹ tôi ngay từ dạo mẹ có mang ba tháng vì mẹ trốn nhà, vượt luật lệ cổ truyền, theo cha tôi làm vợ lẽ. Thành thử lớn lên anh em tôi mù mịt cả ý niệm gia tộc. Mẹ tôi thường kể rằng trước khi lấy mẹ tôi, cha tôi đã có vợ . Người vợ ấy cha tôi không yêu thương, nên bốn năm liền bà tôi cứ hoài công mong bế cháu. Ông tôi buồn phiền, thở dài thườn thượt, ông nghĩ đến nghiệp chướng xa xôi nào, lúc này sự quả báo hiện hình khiến dù con gái. Thật vô phúc. Cha tôi đi vắng luôn luôn, cha năng ở nhà ông phó Nhị hầu hạ ông để hòng ông truyền hết ngón đàn thập lục.
Cha tôi phải giặt quần áo, đấm bóp chân tay hay kiếm rượu, đồ nhắm cho ông Phó, phục dịch ông đủ điều. Rốt cuộc ông Phó vẫn giữ lại đôi ngón sở trường, ông sợ dạy hết, mai mốt cha tôi giỏi hơn ông. Bởi vậy, tài nghệ của cha tôi chưa nổi bật, và chưa đủ thời giờ nghiên cứu âm nhạc quê hương thì cha tôi đã gặp mẹ tôi. Cuộc tình duyên này làm đảo lộn đời cha và ảnh hưởng rất nhiều đến anh em tôi sau này
Ông nội tôi biết chuyện tức sôi ruột, chửi bới cả gia đình nhà mẹ tôi. Tiếng dữ đồn tới xóm làng bên kia sông. Ông ngoại tôi đuổi mẹ tôi khỏi cửa. Bấy giờ mẹ tôi có mang tôi được ba tháng. Cha tôi lén lút gởi mẹ tôi nương náu nhờ người bà con xóm cuối thôn. Bà nội tôi thương con cả, lại nghe tin mẹ tôi có chửa nên bớt giận. Bà nội xin ông nội nhận mẹ tôi làm vợ lẽ cha tôi. Cuộc hôn nhân không giá thú. Việc tưởng vậy êm thắm. Ai ngờ ông ngoại tôi lồng lộn tìm bắt mẹ tôi, đánh đập mẹ tôi một trận tàn nhẫn. Tệ hơn nữa, ông ngoại tôi lại gọt hết tóc, bôi vôi trắng xóa đầu mẹ tôi rồi mới đoạn tình phụ tử. Mẹ tôi phải trùm khăn vuông kín mít ngót hai năm trời.
Mẹ về sống dưới gian nhà mái dột, vách bùn trát nham nhở bên cạnh chuồng trâu của đại gia đình họ Nguyễn nhà tôi. Suốt thời gian đèo bòng cái hình hài tôi, cái bọc đau khổ, mẹ tôi chịu đựng bao nhiêu điều tủi nhục. Hết người vợ cả hẹp hòi, ích kỷ của cha tôi hằn học ghen tuông, lại đến các cô tôi kiếm cớ sinh sự. Vợ cả cha tôi bảo mẹ tôi độn vải đầy bụng để đánh lừa ông tôi. Ông tôi nhiều bận chỉ mặt mẹ tôi dọa nạt rằng nếu đúng tháng mà không sinh nở thì sẽ tống cổ mẹ tôi đi. Chú Nghiêm thỉnh thoảng về thăm nhà cũng hạch sách mẹ tôi. Ông tôi quý chú Nghiêm lắm. Trong khi cha tôi mải đàn sáo, chú Nghị giang hồ phiêu bạt, chú khéo léo chiều ông tôi. Bởi thế chú Nghiêm được xuống tỉnh học, đỗ đạt giỏi giang. Chú khinh bỉ mẹ tôi, sự khinh bỉ chú học mót của đám dân trưởng giả thành phố. Mẹ tôi đau khổ trăm chiều, ngày làm quần quật như con vật, tối ôm bụng khóc một mình. Tội nghiệp mẹ tôi, tôi chả biết ví mẹ giống ai. Ðầy tớ nhà ông tôi còn sung sướng còn nói đùa nghịch, chứ mẹ tôi thì câm nín suốt ngày đêm. Cha tôi hy vọng mẹ tôi sinh con trai và đứa đầu lòng sẽ là nhịp cầu bắc qua những tâm hồn người bên nội với tâm hồn mẹ tôi. Chắc chắn mẹ tôi hết tủi cực.
Ðến ngày mẹ tôi trở dạ, ông tôi cất vội vàng túp lều nhỏ ở xó vườn, cạnh khóm chuối tiêu. Tôi cất tiếng khóc ban đầu nơi ấy, ở túp lều xó vườn, cạnh khóm chuối tiêu, cạnh những con người hà tiện tình thương mến. Vì đêm tôi mở mắt chào đời, cha tôi đi vắng nên cớ sự xảy ra như tôi đa nói đoạn đầu. Tuần lễ sau cha tôi về, cha nghiến răng xé nát tờ khai sinh rồi đưa mẹ con tôi xuống tỉnh ly. Tôi vĩnh biệt họ hàng bên nội bằng mấy tiếng "oe oe". Tôi lớn dần, lớn dần để thu vào tầm mắt non nớt hình ảnh cuộc đời cha tôi : hình ảnh gã nhạc công hậu trường sân khấu cải lương, hình ảnh ông lái thuốc bắc, hình ảnh ông thư ký sở tư, hình ảnh ông thợ chữa xe đạp và sau rốt là hình ảnh ông lang chế thuốc cao đơn hoàn tán. Mãi tới ngày cha tôi mất, tôi mới thù hằn những hình ảnh méo mó đọa đầy linh hồn cha tôi. Sao đời cha tôi nhiều hình ảnh thế? Và đời tôi nữa, hình ảnh thẫm nét nhất là một đêm mù mịt bên khóm chuối tiêu. Thế mà anh em tôi lại phải về quê ngoại. Tôi không hiểu tại sao mẹ tôi chịu nhục nhã, nương náu dưới túp nhà lá bỏ hoang vườn sau, trước đây ông bà ngoại dành riêng cho bọn thợ gặt mỗi vụ mùa. Mẹ tôi chỉ nghĩ đến anh em tôi. Trời ơi, tôi muốn khóc quá.
Ở đây, chúng tôi sống lủi thủi cô độc. Mẹ tôi dọn quán bán nước chè tươi, xôi chè, canh bún ngoài bến đò Ðồng - đức, bòn nhặt từng hào chỉ. Thường mẹ dậy sớm sửa soạn đồ hàng, cơm nước buổi sáng để anh em tôi ăn. Mẹ nắm thêm hai nắm nhỏ phòng trưa đói còn lót dạ tạm. Chập tối mẹ lần mò về nhóm bếp thổi cơm. Bữa nào hàng ế ẩm, mẹ con tôi ăn canh bún, ăn xôi chè thay cơm. Mẹ tôi luôn luôn vui vẻ dù thỉnh thoảng cậu mợ, dì bác tôi mỉa mai đủ điều. Họ nói những lời mà bây giờ tôi hãy còn nhớ. Tôi không thể tưởng tượng nỗi tê tái nghiến nát cõi lòng mẹ khi bà ngoại gọi mà là "đồ đĩ", bác tôi bảo mẹ là "con lăng loàn" và mợ tôi nói bâng quơ "cóc chết ba năm quay đầu về núi". Tôi thấy mẹ tôi cúi đầu lẳng lặng, nước mắt nhỏ giọt trên mái tóc em tôi, thì tôi đoán rằng mẹ buồn. Hồi ấy, tuy tôi bó bỏng nhưng tôi đã biết xét đoán những con mắt soi mói, những lời tiếng bấc chì, những bộ mặt ích kỷ của mọi người họ hàng bên ngoại. Tôi thương mẹ. Tôi thương em gái tôi hơn, chưa được hưởng sung sướng thì cha vội lìa đời. Tôi hằng mơ ước một mai khôn lớn, tôi sẽ kiếm tiền nuôi mẹ, sẽ tậu nhà ở tỉnh, mẹ tôi thôi bán hàng, em tôi cắp sách đi học. Nghĩ vậy tôi thèm đọc sách lắm. Khốn nỗi mẹ tôi nghèo cực, lấy tiền đâu mà mua. Tôi đành học ôn mớ sách cũ nát và dạy em tôi từng trang, từng đoạn dè sẻn, sợ hết chữ.
Ðám con cái cậu mợ tôi vào hùa cha mẹ chúng bắt nạt anh em tôi. Hễ em tôi hở ra món đồ chơi nào là chúng nó tìm cách ăn cắp. Tôi đòi, chúng xúm nhau đánh đập tôi sưng tím cả mặt mày. Em tôi khóc, mẹ tôi thở dài đau đớn. Dần dần cuộc sống quen nếp. Anh em tôi biết thân phận, bắt chước mẹ tôi, tập nhịn nhục, tập nghiến răng và hy vọng. Anh em tôi đùa nghịch với nhau, chẳng dám lai vãng đến thềm nhà ông bà ngoại.
Tôi hay bắt dế, bắt chuồn chuồn, bắt công cống cho em tôi chơi. Bạn bè của chúng tôi có chừng chỉ có con chim chích chòe sáng nào cũng đậu trên cành soan ca hát líu lo rồi tung cánh bay xa tìm mồi. Em tôi thích chim. Tôi vụng về, không trèo cao được. Tôi hẹn sẽ bắt tặng em tôi một con sáo khi mùa xuân sang.
Mùa xuân, hoa soan vườn nhà nở nhiều, mầu tím dịu mắt. Mẹ tôi nói hoa soan nở chỉ tổ đuổi muỗi mệt xác. Cùng lượt hoa soan khoe sắc, sáo trên rừng đổ xô xuống đồng bằng hàng đám, cơ man. Em tôi nhìn những con sao đen, lông muôn muốt, viền mắt vàng vàng, ra chiều thèm ước. Tôi theo bọn trẻ con bến đò, lấy rổ rách, vất cạp rồi buộc lại tựa hình cái đó đơm tép. Xong, tôi bó manh chiếu bên ngoài bịt chặt một đầu, còn đầu kia để ngỏ cho sáo ra vào. Tôi buộc tổ sáo trên cành sung thấp nhất. Hai hôm sau vợ chồng nhà sáo bắt đầu tha rác về tổ của anh em tôi. Chúng tôi hoan hỉ đợi chờ. Em tôi chưa chi đã vọi lo cái lồng nhốt con sáo. Tôi bảo em tôi phải mong ba tháng. Em tôi sốt ruột. Ngày nào cũng hỏi thăm sáo. Mẹ mắng em, em dỗi bỏ cơm. Tôi dỗ dành em mới chịu ăn.
Ít lâu sau tôi trèo lên thăm tổ. Tôi thò tay tận phía trong và biết sáo đẻ bốn trứng. Tôi lôi ra xem. Trứng sáo to bằng ngón tay cái của tôi, màu xanh xanh vân vân đẹp quá. Tôi kể chuyện em nghe. Em nhẩy reo ầm ỹ. Mẹ tôi dọa rằng :
- Rắn ưa tìm tổ chim ăn trứng. Con liệu hồn, nó cắn thì chết.
Tôi phát run, thề sẽ chừa thói liều lĩnh nguy hiểm. Nhưng em tôi muối coi trứng sáo, em cứ nằn nì đem xuống một trứng. Tôi đành mạo hiểm lần nữa. Lúc tôi đang lúi húi trước cửa sổ thì vợ chồng đôi sáo bay về. Chúng nó lượn trên đầu tôi, kêu inh ỏi. Tôi bỏ trứng vào túi áo, tụt xuống, sướt cả tay, máu chảy đầm đìa. Em tôi thỏa mãn sự tò mò, em trông tôi, thương hại. Tôi an ủi em và trả lại trứng cho sáo.
Tối hôm ấy mẹ tôi đánh tôi hai roi tội không vâng lời. Mẹ nói :
- Còn trèo nữa, sáo sẽ bỏ tổ.
Anh em tôi lo ngại ngủ chẳng ngon giấc. Ngày tháng mùa xuân trôi vùn vụt. Một buổi sáng anh em tôi nghe rõ tiếng sáo con kêu trong tổ, em tôi hỏi :
- Anh ơi! Sáo con có bú mẹ không?
Tôi vuốt tóc em dịu dàng trả lời :
- Em bú mẹ chứ sáo nào bú mẹ
Em ngây thơ :
- Thế làm sao nó lớn được?
- À sáo mẹ mớm mồi.
- Sáo bố làm gì hở anh?
- Sáo bố đứng canh. Em nhìn thì biết. Kia kìa, trên cành cây gần tổ. Khi sáo mẹ mớm mồi cho các con, cũng như khi ấp trứng, sáo bố bao giờ cũng lởn vởn ngoài tổ em ạ!
Tôi giảng nghĩa thế vì tôi nghe lỏm bọn trẻ con ngoài bến đò. Em tôi ngạc nhiên, ngây người đứng ngắm. Lát lâu em mỉm cười nũng nịu :
- Sáo con ngủ, sáo mẹ có ru không anh?
- Chắc có.
- Anh biết à?
- Thì anh đoán, chim cũng như người vậy em ạ!
- Mẹ ru em bằng bài "Con cò mà đi ăn đêm", sáo ru con bằng bài gì hở anh?
- Anh chịu, chả biết được.
- Giá sáo là người để em hỏi nó chắc thích lắm anh nhỉ?
- Ừ.
Ðám con cái ngỗ nghịch của cậu mợ tôi đã thấy chỗ tôi buộc tổ sáo. Tôi tức' sôi ruột, tức muốn đốt nhà chúng nó. Chúng nó rình mò làm tôi không thể ra bến đò trông hàng giùm mẹ tôi những lúc đông khách. Anh em tôi thay phiên nhau canh gác. Mẹ tôi khuyên tôi nên chia sáo cho chúng nó. Tôi miễn cưỡng phải rỡ tổ đáng lẽ chờ vài hôm nữa sáo con già dặn hơn. Hôm tôi bắt sáo con, vợ chồng sáo bay lượn kêu thảm não. Sáo mẹ sà xuống sát đâu tôi như thể nó sắp mổ mắt tôi. Chẳng trách cha tôi xé tờ khai sinh, mẹ tôi chịu vất vả, khổ sở. Mẹ tôi mua giỏ bắt cua để tôi nhốt sáo. Cậu mợ tôi chọn lựa ba con đẹp, lớn ; phần tôi là con sáo đẹt, bé nhỏ, xấu xí nhất đàn. Tôi buồn, khóc mấy đêm ròng. Làm sao tôi nhớ hết mọi chi tiết vụn vặt cái hôm ông cậu bà mợ tôi chia sáo? Cậu tôi bóp con sáo xấu số của tôi khiến cho nó há mỏ ra. Em tôi run rây chỉ sợ nó chết? Mợ tôi bảo :
- Bọn mày nuôi sáo làm quái gì, cơm còn không đủ ăn lại có cơm thừa nuôi sáo.
Tôi cáu tiết cãi lại :
- Sáo ăn cào cào chứ cần gì cơm gạo.
Cậu tôi chẳng nể nang gì mẹ tôi cả, cậu chúi đầu tôi một cái thật mạnh. Tôi lao đao xuýt ngã. Cậu mắng mỏ :
- Ðồ chết cha, đồ con hoang có khác. Anh em mày lớn lên thì thành đồ ăn cắp!
Tôi nín lặng, em tôi chạy vào ôm lấy mẹ. Và cả tôi cũng lủi thủi cầm con sáo vừa đi vừa khóc. Tiếng khóc của em tôi, em tôi rõ ràng hơn. Mẹ tôi thương anh em tôi, mẹ bỏ bán hàng nửa buổi đan cái làn mắt thưa. Mẹ bảo nhốt sáo vào đấy rồi treo lên cây, sáo mẹ luyến con sẽ mớm mồi, như vậy sáo chóng lớn.
Tôi nghe mẹ. Quả con sáo của anh em tôi được sáo mẹ chăm lo chu đáo. Ðám con cái của cậu mợ tôi ghen ghét. Chúng nó chăm chăm đòi bắn đôi sáo già. Tôi chỉ ngại nhỡ chúng bắn sáo của tôi. Bọn ranh con mất dạy, ích kỷ bắn súng cao su không trúng, chúng nó nhờ người thổi ống xì đồng. Buổi sáng hôm cái gã mắt chột rình rập ngoài vườn, anh em tôi lo cuống quýt. Em tôi nhìn sâu chim đủ loại : chào mào, chích chòe, liếu tiếu lủng lẳng trên vai hắn, em nói nhỏ :
- Khéo nó bắn chết sáo mất anh ạ!
Tôi run run trả lời em :
- Ðừng sợ em ơi! Mắt nó chột bắn chả tin đâu.
Nhưng đôi sáo già đi kiếm mồi đã về. Tim anh em tôi đập mạnh. Tôi rõi mắt lên cành sung chờ đợi. Sáo bố đậu cách cái làn khá xa, sáo mẹ mon men lại gần mớm mồi. Trong lúc đó, viên đạn đất oan nghiệt từ ống xì đồng thổi phụt ra. Sáo bố trúng đạn rơi xuống ao. Em tôi giật nẩy mình kêu lớn :
- Chết em rồi!
Tôi cảm thấy như viên đạn trúng đầu tôi. Con sáo bố đã chết. Sáo mẹ bay lượn, rỉa rói ai oán hàng giờ. Em tôi ứa nước mắt :
- Sáo của anh em mình mất bố rồi nó sẽ khổ lắm anh nhỉ?
Câu nói khiến lòng tôi se lại. Tôi nhớ cha tôi. Phải chi cha tôi còn sống thì anh em tôi đâu khổ sở thế này. Sáo mẹ thỉnh thoảng bay tới, nó chỉ dám sà vội qua cái làn, có khi sáo con chưa kịp há mỏ, mồi đã rơi mất. Sáo mẹ sợ sệt tất cả. Tôi chạnh nghĩ đến mẹ tôi mà buồn vời vợi.
Em tôi lo cho sáo con, đòi mang xuống. Tự đấy sáo mẹ không trở lại nữa. Có lẽ nó đã chết vì cô độc hay đã về rừng. Chúng tôi nuôi sáo bằng chuối. Dần dần sáo lớn, tôi ra đồng đập cào cào lấy mồi nuôi sáo. Tội nghiệp sáo con côi cút, đêm ngày âm thầm chui rúc trong cái giỏ cua. Em tôi đang phân vân không hiểu mai kia sáo lớn nhốt vào đâu. Ước gì có cái lồng tre, chúng tôi mơ ước song mẹ tôi không thừa tiền chiều chuộng con.
Giữa lúc đó thì chú Nghị đến thăm mẹ tôi. Họ hàng bên nội nhà tôi chỉ chú Nghị là kẻ có lòng. Bao nhiêu năm tháng qua rồi, từ ngày tôi sinh ra đời tới bây giờ, chú luôn luôn an ủi, giúp đỡ mẹ tôi. Tuy chú nghèo, tôi thường nghĩ giang hồ phiêu bạt như chú, giầu sao được. Chú Nghị tốt lắm, chú bên vực mẹ tôi thuở mẹ tôi bị cả gia đình chồng xúm vào cấu xé, đay nghiến chỉ vì mẹ tôi thương yêu cha tôi quá đến nỗi mẹ bằng lòng lấy cha tôi không cần giá thú. Hôm đưa xác cha tôi tới nghĩa địa, tôi thấy chú khóc nức nở khi những tảng đất phủ kín dần chiếc quan tài bằng gỗ mộc. Tôi còn đủ trí nhớ để hình dung ra bộ mặt khắc khổ phong sương của chú Nghị. Và hình dung ra thì tôi lại ghét cay đắng ông bà nội, các cô các chú tôi, nhất là người vợ cả ích kỷ của cha tôi.
Dạo cha tôi ở Hà - nội, ban tuồng chú Nghị sau nhiều chuyến lang thang dọc. đường gió bụi, trở về trình diễn tại thành phố này. Chú dành ghế cho cha mẹ tôi xem tuồng liên miên. Mỗi buổi tan hát, chú dẫn đi ăn mì. Khi rảnh rang, chú dắt tôi tới vườn Bách - thú xem xiếc hoặc dạo mát loanh quanh trong công viên rồi ra ngồi ăn bánh tôm trên đường Cổ - ngư bên hồn Trúc - bạch. Mỗi phố tôi qua, chú dạy tôi cách trông chừng hai đường xe cộ lưu thông. Vì chú cháu tôi hay thơ thẩn buổi sáng, chú bảo tôi thở hít mạnh, chú giữ lưng tôi ngay thẳng tựa người lính tập đứng nghiêm. Tôi yếu đuối, chắn chắn sự yếu đuối ảnh hưởng phần nào những ngày mẹ tôi mang thai tôi, tâm hồn mẹ bị dằn vặt, thôi thúc thời gian đó. Huệ, Lê - Lợi, Lý - Thường - Kiệt, câu kết luận của chú bao giờ cũng hàm đầy ý khuyến khích :
- Cháu gắng lên, mai mốt cháu sẽ giỏi, cháu sẽ hãnh diện làm con của cha mẹ cháu.
Tôi không nghe chú nói tới quãng đời luân lạc chim nổi của một kép hát. Sau này vợ chú bỏ chú lấy người khác, chú nghiện rượu và thù hằn tất cả. Tôi không biết tại sao chú hay giấu điếm sự uẩn ức mà đáng lẽ nói được thì chú bớt giận dữ kẻ khác trên đời. Nhưng, ngay trong những cơn điên tàn bạo, chú tôi rất h iền hòa với mẹ tôi. Tôi nhớ dạo gia đình tôi sống ở ngoại ô Khâm - thiên, nhà tôi phải đi qua cái ngõ hẹp bẩn thỉu. Một buổi tối, tôi đang cắm cổ bước, vì tôi sợ ma, thình lình chú Nghị nấp sau đám giậu kêu "ú a ú ớ" cơ hồ tiếng ma quỷ giận hờn rồi xô ra chắn lối. Chú muốn dọa tôi nên chú chơi thế. Song lúc ấy tôi không thèm hiểu. Trong khoảnh khắc, đầu óc tôi tràn ngập sợ hãi, khích động. Tôi cáu tiết đá chú nột cái thật mạnh. Tôi mới lên mười nhưng tôi mang giầy, trong cơn tức giận tôi đá mạnh kinh khủng và cái đá làm sước ống chân chú Nghị. Máu chảy ròng ròng, chú đau đớn, rên nhè nhẹ rồi ngẩng lên mỉm cười. Chú ôm tôi xin lỗi. Tôi khóc thương chú khiến chú rớt nước mắt. Chú Nghị mang vết sẹo trên da tháng năm nối tiếp. Thỉnh thoảng vui vẻ, chú kéo ống quần khoe vết sẹo. Anh em tôi lại sà vào lòng chú nũng nịu.
Ngày mẹ tôi dìu anh em tôi về quê ngoại, chú phiêu bạt mãi tận Sài - gòn. Thành thử chúng tôi trống rỗng buồn tẻ. Không ai bênh vực an ủi anh em tôi. Nay tự nhiên chú Nghị đến, hỏi chi anh em tôi không vui mừng sung sướng. Bên ngoại vẫn thù bên nội vì ngày mẹ tôi trốn nhà theo cha, ông nội cứ gọi tên ông ngoại chửi bới, trách móc. Lúc này chú Nghị có mặt ở đây, tôi thấy chú nhét bông đầy tai và đeo kính râm suốt ngày. Chú mua cho tôi vô số sách đẹp. Chú dạy anh em tôi học. Tôi thích chú Nghị nói chuyện lịch sử. Em tôi thì bận tâm về con sáo nhỏ. Em khóc khi chú dạy tôi toán pháp. Chú hỏi em tại sao, em bảo ước' gì có cái lồng như bọn anh chị em con cậu con bác tôi. Chú Nghị vuốt tóc em, chú tháo cặp kính, mắt chú đỏ ngầu, chú thẫn thờ giây lát rồi ghé tai em tôi thầm thì. Em tôi nhảy lên reo múa. Mấy hôm sau, chú bỏ việc dạy học, ngồi cặm cụi vót tre đan lồng. Ba bốn ngày liền chú mới đang xong. Cái lồng sáo của em tôi đẹp chả thua gì lồng bán ngoài bến đò. Chú làm chiếc thang ngang lấy chỗ cho sáo đậu, chú buộc cóng đựng nước và cóng chưa có gạo, nước. Con sáo được nuôi trong lồng ra bỏ đi. Mẹ tôi giữ thế nào cũng chẳng nổi. Tôi hết hy vọng học chú. Hôm chú mới đến, chú hứa chú ở lâu, chú nói dối anh em tôi. Chú Nghị ra đi, ít tháng sau được tin chú chết, mẹ con tôi buồn não nuột. Từ đó, sớm chiều anh em tôi đành tâm sự với con sáo.
Tôi ra đồng đập cào cào, châu chấu làm mồi cho sáo ăn. Em tôi thích đút chuối cho sáo. Em cắn miếng chuối nhỏ, xâu vào đầu cây tăm. Em thổi sao miệng, chú sáo đói kêu "khách khách" trả lời rồi há mỏ ra đợi em tôi mớm ăn. Em còn cho sáo ăn thịt nữa. Những buổi trời ấm áp, em tôi tắm sáo, rửa lồng. Nhìn sáo phơi mình dưới ánh nắng, mắt em tôi bừng lên những tia sung sướng, hy vọng. Em hay thả sáo tự do nhởn nhơ khỏi lồng. Em đi trước, sáo theo sau tựa hồ đôi bạn côi cút thương yêu nhau. Con sáo của em khôn lắm, nó thường "làm nũng" em lúc em cho nó ăn. Nó nhảy lên cánh tay em rồi bậy trắng lòe áo. Em thích ôm sáo trong lòng đôi bàn tay hoặc để nó đậu trên vai rất âu yếm. Bữa nào sáo ăn ít, em sợ sáo ốm, sáo chết, em buồn có khi em khóc. Nhiều đêm trời mưa bão, em ngủ không yên, thức giấc là hỏi chuyện sáo.
Ngày tháng trôi qua, con sáo của em tôi thay hình đổi dạng. Bộ lông đen mượt, nó nhẩy nhót luôn chân. Nó đã biết mổ gạo. Như thế anh em tôi khỏ cần lo cào cào, châu chấu, chuối, thịt nữa. Mẹ tôi bảo bóc lưỡi sáo vài lần thì nó mới nói được. Em tôi sợ sáo đau nên ngần ngừ. Nghe ai mách rằng cho sáo uống nước cua kẻo nó "sốt rét", em tôi định làm, song mẹ tôi mắng :
- Sáo đẻ ở đồng bằng thì ngã nước cái gì, chỉ vẽ chuyện.
Thế rồi anh em tôi cũng phải nhờ mẹ tôi bóc lưỡi sáo. Con sáo xấu xí út ít không ngờ đẹp quá. Bọn trẻ gạ gẫm mua, anh em tôi từ chối. Chúng nó tức giận bèn mang con mèo già hung ác tới dọa nạt. Anh em tôi thay phiên gác sáo.
Bây giờ con sáo tập hót. Mắt nó còn viền vàng xinh đáo để. Thỉnh thoảng vắng người nó líu lo đôi tiếng. Hễ có người thì nó câm tiếng. Em tôi cho rằng nó xấu hổ. Một buổi trưa anh em tôi đang thiu thiu ngủ bỗng nghe con sáo kêu hoảng hốt. Em tôi vùng dậy, thấy ở thềm nhà gã mèo hung ác đứng gầm gừ nhìn lên. Em vác guốc ném trúng mèo, nó co đuôi chạy mất. Chúng tôi lo sợ. Mẹ tôi bắt mang lồng sáo ra ngoài hàng, tối mang về.
Khách hàng ghé quán mẹ tôi, họ dạy anh em tôi cách tập sáo nói. Họ bóc hộ lưỡi rồi họ che kín mít lồng. Quả nhiên sáo không nhìn rõ ai, hót líu lo. Giọng nó trong vắt mà buồn làm sao. Trưa hè ở bến đò vắng vẻ, tiếng nó gợi cho anh em tôi bao nỗi nhớ nhung thương tiếc. Tôi lại nhớ chú Nghị, nhớ cha tôi. Dần dần em tôi dạy nó nói. Bài học vỡ lòng để sáo nói tiếng người là :
- "Sáo dạ, sáo dạ, nhà có khách".
Em tôi kiên nhẫn dạy sáo, mãi rồi con sáo côi cút của em tôi nói được. Em ngây thơ lắm, em dạy cả sáo hát, dạy nói những lời hết sức tha thiết :
-"Sáo nhớ mẹ, sáo khóc ".
Con sáo dường như hiểu nỗi lòng của em tôi nên cố gắng. Khi em hát, sáo hót và nói "Sáo nhớ mẹ..." Càng ngày sáo hót càng hay. Thấy là lạ, ông ngoại tôi xuống chơi nhà tôi nghe sáo nói. Việc này quá sự tưởng tượng của mẹ tôi. Từ ngày gia đình tôi về nương náu ở đây có khi nào ông ngoại tôi thèm thăm hỏi. Ông thích con sáo, ông đòi mượn. Em tôi lăn ra khóc' từ chối. Sau hôm ấy, ông ngoại ghét anh em tôi hơn.
Ở bến đồ, vô khối người muốn mua, họ trả một trăm đồng nhưng em không bán. Mẹ tôi khuyên em nên bán vì trăm bạc sẽ may được cho hai anh em tôi mỗi đứa hai bộ quần áo diện tết. Em tôi không cần quần áo, nếu mẹ bán sáo thì em tôi sẽ nhịn đói đến chết. Cuối cùng mẹ chiều em. Anh em tôi có con sáo nên bớt cô độc. Trẻ con hàng xóm năng lui tới nhà tôi trừ bọn anh em họ độc ác của tôi. Trong quãng đời thơ ấu buồi tủi, anh em tôi thèm thuồng đủ thứ. May mắn mẹ đưa anh em tôi về quê chứ ở lại Hà - nội thì anh em tôi còn khổ sở dường nào. Ðiều chắc chắn là em tôi không có con sáo để trút nỗi niềm. Em tôi ưa ngồi một mình nói chuyện với sáo. Em tôi kể nỗi hiu quạnh của em làm như sáo hiểu nổi. Em hỏi sáo :
- Mất bố mẹ sáo có khổ không?
Rồi em nói tiếp :
- Khổ ư? tội nghiệp nhỉ , bé bỏng thì chỉ bị bắt nạt thôi sáo ạ! Sáo đừng khóc nhé! À sáo ăn no chóng lớn, chớ bỏ bữa, gầy còm rồi chết thì tôi buồn đấy sáo ạ! Chả ai chơi thân với người nghèo như mình đâu.
Con sáo đôi khi vô tình buột miệng :
- "Sáo nhớ mẹ sáo khóc"
Em tôi dỗ dành :
- Ừ, sáo nhớ mẹ, tôi cũng nhớ cha. Sáo khóc à, thì khóc đi...
Tôi nằm nghe, nước mắt trào ra cay đắng. Dạo ấy tôi mới chỉ mười ba tuổi, em tôi tám tuổi. Nhưng tôi sớm tiếp nhận nỗi u sầu vào tâm hồn. Và bao nỗi niềm tủi nhục thay phiên hất hủi mẹ con tôi nên tôi đã khôn ngoan, đã biết khinh bỉ họ hàng bên nội bên ngoại trừ chú Nghị.
Cuộc đời đọa đầy tôi ngay ở cái tuổi đáng được hưởng hạnh phúc, sung sướng. Thành ra nếu có ai nghi ngờ, tôi vẫn nói rằng suốt thời thơ ấu của tôi, tôi không biết trông trăng trông sao, không biết bẻ hoa bắt bướm mà chỉ biết be bờ ruộng đơm đó kiếm tép để ăn, ăn thừa thì mẹ tôi đem ra bến đò bán. Cùng tuổi tôi, đám con cái của cậu MỢ tôi còn vòi vĩnh cha mẹ, ngu ngơ chả hiểu gì. Thế mà tôi hiểu cách rang cám cho thơm, cắt màn cũ khâu thành vó, vót tre thành giọng, cất vó tôm. Tôi hiểu cách cưa ống nứa, đan hom đào giun xào với lá bòng thả ống lươn. Tôi hiểu cách đan rọ cá rô, ngâm thóc vào nước gạo cho thối nhử đàn cá. Tôi hiểu nhiều lắm, hiểu cả những lời bóng gió, mỉa mai của thiên hạ để sau này bước xuống cuộc đời đem tâm sự của một con chim hụt mũi tên.
Mẹ tôi ví tôi như trái chín rấm. Tôi tưởng tôi là trái chín hoang. Vì trừ trái chín cây không thèm kể đến, trái chín rấm còn được người ta xếp vào lò hay bỏ vào vựa, vào chum, người ta nhét vào đầy lá soan cho mau chín chứ đời tôi, đời anh em tôi nhất định là hai trái chín hoang. Ngày nào đó, người ta thấy hai trái xanh quá, xấu xí quá, người ta ném vô bụi giậu. Mưa, nắng, gió bão tới tấp, chịu đựng nổi thì trái chín. Tôi biết tôi chịu đựng nổi bởi vì ngoài họ hàng bên nội bên ngoại còn mẹ tôi, còn chú Nghị. Ngoài đám con cái cậu mợ tôi hay bắt nạt, hếp đáp anh em tôi còn bọn trẻ con ở bến đò Ðồng - đức dạy tôi buộc tổ sáo... Và mai mốt tôi sẽ chín, chín chẳng để trả thù ai đâu, nhưng chín để kể lại chuỗi ngày tháng anh em tôi nuôi con sáo.
Con sáo là niềm an ủi duy nhất, là niều kiêu hãnh duy nhất của anh em tôi. Trong khi chung quanh tôi, trẻ con nhà giầu nuôi sáo bằng lồng son, cóng sứ, thức ăn thì gạo trộn lòng đỏ trứng gà, nước uống thì pha sôm nhị hồng, sáo của chúng nó vẫn chết. Anh em tôi nuôi sáo chỉ có gạo trắng, nước lã, lồng tre mà sáo hót lại hót hay, sáo nói lại nói giỏi. Tưởng con sáo cũng nên kiêu hãnh. Với tình thương mến của anh em tôi, với cái lồng do chú Nghị đan, nó đã thành con sáo quý khác cả những sáo quý nhất trên đời.
Tính ra anh em tôi nuôi sáo dã lâu. Năm ngoái mẹ tôi buôn bán phát tài, tết nhất cũng đủ bánh trái, thịt ăn mấy ngày. Anh em tôi mỗi đứa có bồ quần áo mới , có tiền xu, tiền hào chơi đáo, chơi cò quay, có tranh con lợn treo tường, có long đình, tượng bụt chơi làm đình làm chùa. Giá nghe mẹ bán con sáo thì tiếc chừng nào. Năm nay hàng quán ế ẩm. Suốt mùa đông mưa lê thê, bến đò vắng khách. Mẹ tôi lại đau yếu luôn luôn, phải nghỉ ở nhà. Con sáo cùng chung nỗi buồn, biếng ca hót lười bay nhảy, nó quên cả lải nhải mấy câu nói em tôi dạy thuộc lòng.
Trời cuối tháng chạp mưa phùn rả rích. Gió bấc thổi vù vù. Rét thấu xương. Anh em tôi co ro trong ổ rơm, lồng sáo đặt bên cạnh. Mẹ tôi lại sốt từ hôm ông Táo lên chầu trời. Ba hôm nữa tết rồi mà mẹ vẫn nằm rên rỉ. Tôi lo ngại quá, tâm hồn thờ thẫn.
Em tôi sốt ruột vì trời mưa. Nhà chỉ còn gạo, mẹ tôi chưa sắm sửa đồ cúng. Gà vịt cũng chưa mua. Cho đến tối ba mươi, mẹ tôi lên cơn sốt nặng. Mẹ tôi rên hừ hừ. Ðắp hai cái chăn, hai cái chiếu, mẹ vẫn còn rét. Anh em tôi ôm nhau khóc thút thít. Em hỏi những câu quái gở khiến tôi rùng mình.
- Anh ơi! liệu mẹ có chết không?
- Không, mẹ phải sống nuôi anh em mình thành người chứ.
- Sao mãi mẹ chải khỏi gì cả?
- Tại trời mưa lạnh, tạnh nắng là mẹ khỏi, em đừng lo.
Tôi nói dối em tôi tại mưa lạnh, thực ra mẹ tôi chẳng uống thuốc men gì cả. Con nhà nghèo, ốm no bò dạy. Tôi thường bị sổ mũi, ho mà có cần mời thầy lang đâu. Nằm vài bữa, trở dậy lại khỏe như cũ. Tôi tin thế nên đỡ lo.
- Dạo cha còn sống mẹ có ốm nặng không anh?
- Anh chả nhớ rõ.
Trưa nay, em ngủ nằm mơ thấy cha, em nhớ cha quá, ước gì cha sống lại...
Em tôi khóc to hơn. Tôi ôm em vào lòng, thương mến. Bên ngoài trời còn mưa lai rai. Ðêm cuối năm mù mịt. Anh em tôi lo lắng không dám ngủ. Lúc mẹ tung chăn chiếu, anh em tôi nhảy bổ vào ôm mẹ. Hơi nóng và mồi hôi sau cơn sốt thoát ra sưởi ấm anh em tôi giữa đêm trừ tịch. Mẹ tôi vuốt tóc em.
- Mai, ngủ thôi chứ con, mai dậy sớm mẹ mừng tuổi tiền mua pháo tép.
Em tôi nũng nịu :
- Con mua pháo ống lệnh cơ!
- Ừ thì mua pháo ống lệnh.
- Mới lại cái gương cho con sáo nó soi.
- Gớm cô ả vòi vĩnh mãi.
Mẹ tôi chiều con, mẹ nói hơi nhiều, giọng mẹ mệt nhọc. Tôi định hỏi mẹ cái gì, nhưng thương mẹ lại nghĩ không ra. Anh em tôi tắt đèn đi ngủ.
Sáng mồng một tôi dậy sớm. Em tôi ngủ mê mệt, tôi đắp thêm chiếu cho em ấm áp ngủ lâu. Mẹ tôi hình như đã đỡ. Mẹ nhìn em tôi, lắc đầu ái ngại. Dưới ngọn đèn lù mù, tôi thấy nước mắt mẹ tôi lăn tăn trên gò má xanh xao, khắc khổ. Mẹ tôi nói nhỏ :
- Hữu này, mẹ dặn con nghe nhé! Hôm nay đừng lởn vởn ngoài ngõ, đừng lấy tiền của ai cho.
Mẹ tôi dặn tôi bằng thừa. Cậu mợ tôi dạy tôi nhiều bài học độc ác, giả đạo đức quá rồi, tôi thèm thuồng gì mà ngửa tay ra để người ta nhổ bọt vào. Nhưng tôi phải đáp :
- Vâng ạ!
Giọng mẹ tôi đứt từng câu ngắn :
- Tại mẹ ốm... thành thử... tết này nhà mình... thiếu cỗ. Con nhớ... thắp hương... bàn thờ cha con nhé! Con lớn rồi, chả cần, chứ em con, ngày tết... không được miếng thịt...
Mẹ tôi bỏ lửng câu nói, ôm mặt khóc tấm tức. Tôi bỏ ra ngoài sân. Trời lạnh hẳn. Phía nhà trên, gia đình ông ngoại đang giết gà, vo gạo, thổi xôi... Chiều qua nhà ông mổ lợn. Tôi muốn lên chầu chực để may ra ông thương hại thí cho một miếng về ăn tết. Song tôi nhớ tới chú Nghị, tới những bài học làm người chú dạy tôi nên tôi lại thôi. Dường như hồi chú ghé đây để đan cái lồng sáo, chú nhìn tôi rồi gật gù, bao giờ chú cùng gật gù sau buổi dạy học :
- Cháu thông minh lắm, cháu giỏi lắm.
- Nhưng mẹ cháu nghèo.
- Hề gì, đói rách đâu phải là tội lỗi, cháu đừng buồn. Rồi ngày kia cháu sẽ lẻ loi, cháu sẽ thấy trong sự đau khổ người ta mới xét đoán mọi việc đứng đắn.
- Rồi cháu có sung sướng không chú?
- Chú không dám nói cháu sung sướng nhưng chú quả quyết cháu có tài, có nhiều tài...
- Thật hả chú?
- Thật chứ, song cháu chả nên quy lụy ai , quy lụy nó hèn con người đi thì rồi cái tài cũng đến xếp xó.
Chú ưa kể chuyện cha tôi và ngón sở trường âm nhạc : đàn thập lục. Chú bảo ngày ông nội đuổi cha tôi khỏi nhà, cha tôi không có đồng xu nào dính túi. Thế mà cha tôi gây dựng nổi đời cha. Tại cha tôi chết sớm chứ không thể nào cũng có ngày cha về làng mua đất dựng nhà. Tôi kém cha tôi nhiều quá, tôi chỉ biết khóc.
Lúc này đứng nhìn thiên hạ đón xuân, tôi nghĩ đến em gái tôi, nghĩ đến miếng thịt gà, thịt lợn hay thịt chim khi em tôi tỉnh dậy. Anh em tôi chỉ có mỗi con sáo. Con sáo nuôi bao nhiêu ngày mới biết nói. Chẳng lẽ tôi giết nó? Chẳng lẽ em tôi ăn cơm với muối ngày đầu năm? Năm nay em tôi mười tuổi, mười mùa xuân bay vụt qua, mười mùa xuân tẻ nhạt, buồn thảm chấp nối thành thời thơ ấu của em tôi. Mùa xuân trôi theo kỷ nhiệm, có khi nào níu lại được? Tôi không muốn em tôi lớn lên phải nghẹn ngào nhắc tới một trang chua chát, xiên lệch trong cuộc đời. Vậy thì tôi sẽ giết con sáo. Tôi nghĩ tôi biết buộc tổ, biết nuôi sáo, nuôi bằng cái lồng của chú Nghị thì sáo nào chẳng biết nói, biết hót. Dẫu con sáo này chết, tháng sau tôi buộc tổ sáo khác. Mùa xuân tàn rất nhanh, tôi có đàn sáo mới, tôi nuôi một đôi để chúng quyến luyến nhau cơ hồ anh em tôi, chắc em tôi sung sướng lắm. Ý tưởng ấy khiến tôi bớt se sắt, bớt tủi nhục. Tôi len lén trở vào xách cái lồng sáo xuống bếp. Trời còn tối, sáo không nhận ra tôi. Nếu nó chết thì nó oán hờn sự nghèo khổ và bàn tay tàn ác nào đó. Vong hồn cha tôi sẽ phù hộ tôi. Giết nó, tôi đau đớn vô ngần nhưng tôi phải thương em tôi hơn. Em tôi phải được ăn thịt sáo nấu su hào ngày mồng một tháng giêng năm mới. Chỉ vì em, tôi quên tất cả.
Tôi mở cửa lồng thò tay tìm con sáo. Nó nhảy trốn, móng chân nó cào vào tay tôi đau buốt. Cuối cùng tôi tóm nó. Nó kêu ai oán, từ xưa nó chưa từng kêu như thế. Nó g giẫy giụa. Tôi vặn cổ nó chết tươi. Làm xong công việc tàn nhẫn đó, tôi nhóm lửa nấu nước làm lông. Tôi run run chặt dao trúng ngón tay. Máu tôi hòa cùng máu con sáo.
Tôi xào thịt với hành mỡ thơm lừng rồi đổ nước đun thật lâu. Trong khi chờ đợi, tôi gọt su hào.
Lúc ở bếp bước ra, trời hừng sáng. Tôi đem lông sáo và cái lồng giấu phía sau nhà. Tôi ngồi bệt xuống đất, ôm mặt khóc. Pháo nổ vang trời đất, chuông trống khua inh ỏi. Lòng tôi sôi bùng bùng, tan nát. Tôi nhớ chú Nghị, tôi nhớ cha tôi. Những người thân yêu có thể che chở cuộc đời mẹ con tôi đều bỏ đi cả. Bây giờ mùa xuân về, mẹ con tôi cô độc, nghèo nàn. Tôi đâu đớn trút nỗi buồn vào hai bàn tay non nớt, bóp bẹp cái lồng sáo. Niềm vui thơ ấu của anh em phần bị chết chóc, phần bị dúm dó, gẫy vụn. Tôi cứ ngồi tưởng tiếc. Mãi khi nghe tiếng mẹ gọi , tôi mới trở vào.
Mẹ tôi hỏi :
- Tại sao con khóc?
Tôi đưa vạt áo thấm nước mắt, trả lời :
- Thưa mẹ khói làm con cay mắt đấy ạ!
Rồi tôi mỉm cười, nhưng nụ cười gượng gạo ấy giấu sao nổi một tâm tư đang cuồn cuộn muôn vàn ý nghĩ. Tôi nghe tiếng mẹ thở dài. Tôi đánh thức em tôi dạy. Mẹ tôi mừng tuổi cho mỗi đứa hai đồng. Tôi tặng cả em. Em tôi sung sướng nhận ngay không hỏi lôi thôi như những ngày thường. Gió xuân vừa tạt qua đôi má thơ ngây của em. Tôi nói :
- Mai, đi rửa mặt rồi vào ăn cỗ em!
Em reo to :
- Có cỗ hở anh?
- Ừ, cỗ to lắm.
- Anh cúng cha chưa?
- Ðã.
Tôi nói dối em chứ ai lại cúng cha bằng thịt sáo. Em tôi chưa biết gì cả. Khi ngồi ăn, em mơ màng chuyện đâu đâu. Em khen thịt ngon. Bất chợt em hỏi tôi :
- Thịt gì đấy anh?
- Thịt chim.
- Anh mua à?
- Không.
- Thế ai cho, ông ngoại hở?
Tôi im lặng nghĩ câu trả lời. Em tôi tự nhiên buông đũa, đứng dậy, cuống quít :
- Con sáo của anh em mình anh ạ! Ta mừng tuổi nó chứ?
Thấy tôi rầu rầu không nói, đứa em gái sầu thảm của tôi ngây người đứng ngó. Và em chạy vụt ra sân ngơ ngác tìm kiếm xong lại chạy vô gậm giường? Chẳng thấy lồng sáo đâu, em hỏi :
- Nó ở đâu hở anh?
- Chắc trộm bắt mất rồi em ạ!
Em tôi thẫn thờ bước khỏi ngưỡng cửa. Lòng tôi rối bời. Nước mắt trào dâng lên, nhỏ giọt xuống bát canh su hào thịt sáo. Tôi cứ ngồi, nước mắt cứ rơi, lặng thinh như phiến gỗ. Tôi đợi em vào để xin lỗi. Tôi hối hận, tôi muốn chạy ngay ra ngõ gào khóc bi thương ngộ may có Phật hiện hình thì xin ước cho con sáo sống lại. Nhưng cõi đời tăm tôi của anh em tôi, Phật là chú Nghị, chú chết rồi, tôi ước nguyện gì đây? Mãi chả thấy em trở vào, tôi hoảng hốt chạy về phía nhà sau. Ở đấy có bộ lông sáo sũng nước và cái lồng tre chú Nghị đã đan cho em tôi. Em tôi ôm cái lồng vào tay thương tiếc. Tôi đi nhẹ tới gần em. Bước chân tôi run rẩy trên nền đất quê ngoại. Tôi khẽ gọi :
- Mai, em Mai...
Em không ngoảnh lại. Tôi biết em ghét tôi lắm. Em đứng dậy, vẫn ôm cái lồng, lững thững đi ra bờ ao. Tôi phải nói thế nào để em tôi hiểu tại sao tôi giết con sáo? Tôi toan giãi bày, nhưng khốn nạn, sự nghẹn ngào rình mò đúng lúc vít chặt lấy cổ họng tôi. Tôi chỉ còn biết ấp úng :
- Em ơi! Anh xin...
Tôi buông chưa dứt lời, em quay lại nhìn tôi, đôi mắt chớp mau. Bốn con mắt anh em tôi lúc ấy mờ đi dưới cái màng sám hối, đau thương. Bộ mặt đau khổ của tôi nói với em nhiều rằng tôi quý con sáo nhưng tôi yêu em. Em tôi chừng hiểu chuyện, em buông đôi tay. Cái lồng và bộ lông con sáo rơi xuống đất. Em chạy xô tới ôm lấy tôi, khóc nức nở.

20/11/15

Kiến thức: Xa Lộ tai Hoa Kỳ


Kiến thức: Xa Lộ tai Hoa Kỳ



Nói đến Hiệp Chủng Quốc, chúng ta không thể nào không nói đến hệ thống xa lộ, tiếng Anh gọi là super highways hay giản dị hơn: freeways (chúng được gọi là 'freeway' vì xa lộ không có ngã tư, người lái xe được 'free' không phải bị đột nhiên dừng lại), một hệ thống giao thông có thể được xem là hoàn hảo nhất thế giới.Hầu hết mọi người trong chúng ta hằng ngày đều xử dụng hệ thống xa lộ này để đi làm, đi học, đi chơi, đi thăm người yêu, bạn bè…tuy nhiên, rất ít người biết về lịch sử của chúng hoặc dùng một vài phút để suy nghĩ hoặc cảm ơn công sức của hằng trăm ngàn người đã chung sức để tạo nên công trình tuyệt diệu này mà chúng ta là những người may mắn đang được thụ hưởng ngày hôm nay.Tác giả xin được mạn phép trình bày cùng bạn đọc sau đây một vài vấn đề liên quan đến hệ thống xa lộ tại Hoa Kỳ, một hệ thống giao thông xuyên thành phố hoặc tiểu bang được xem như an toàn và hữu hiệu nhất.Lịch sử hệ thống Freeway

Xa lộ hiện đại nhất thế giới: California (USA) do Caltrans thiết kế, xây dựng, quản lý và bảo trì

  

freeway-interchanges-1

freeway-interchanges-2

freeway-interchanges-4

freeway-interchanges-5

freeway-interchanges-6

freeway-interchanges-7

freeway-interchanges-8

freeway-interchanges-9

Liên Tiểu Bang (Interstate Highways)

  


Vào tháng 7 năm 1919, một viên đại úy trẻ tên Dwight David Eisenhower cùng 294 bạn đồng đội đã thực hiện một cuộc hành trình xuyên bang đầu tiên từ đông sang tây bằng xe hơi khởi hành từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn.



Xa lộ đi từ Bắc xuống Nam được đánh số lẻ(ví dụ: Xa lộ 5 đi từ Bắc/ Washington giáp biên giới Canadaxuống Nam/ San Diego của California tới biên giới Mexico); xa lộ đi từ đông sang tây được đánh số chẳn(ví dụ: Xa lộ 10 đi từ đông/ bờ biển Jacksonville của Florida sang tây/Pacific Coast Hwy 1 sát bờ biển của Santa Monica, California). Những xa lộ nối với các xa lộ này sẽ có số cuối tận cùng là tên xa lộ sẽ nối vô( (ví dụ: Xa lộ 105 nối xa lộ 5 với xa lộ 10, Xa lộ 210 nối với xa lộ 10,Xa lộ 405 nối với xa lộ 5, v.v...)



















Vì đường xá quá xấu, đoàn xe chỉ đạt được tốc độ trung bình là 5 dặm một giờ và phải mất hết 62 ngày mới đến được Union Square tại San Francisco.Sau khi Thế giới Đại Thế Chiến lần thứ Hai chấm dứt, tướng Eisenhower rất thán phục hệ thống xa lộ Autobahn của người Đức khi nghiên cứu về những báo cáo tổn thất trong trận chiến. Trong khi một quả bom có thể cắt đứt và làm tê liệt sự chuyển vận của hệ thống hỏa xa, thì hệ thống xa lộ Autobahn của Đức có thể được sửa chữa và xử dụng ngay tức khắc. Bom đạn khó có thể huỷ hoại hoàn toàn một con đường rộng được tráng với một lớp nhựa đường thật dày.Hai kinh nghiệm trên đã giúp tướng Eisenhower nhận thức ra sự quan trọng của hệ thống xa lộ. Sau khi đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 1953, ông đã vận động và đẩy mạnh dự án xây cất hệ thống Xa lộ Liên Bang gồm 42 ngàn dặm đường xuyên qua 50 tiểu bang. Tổng thống Eisenhower và các nhân viên của ông làm việc ròng rã 2 năm trời và đệ trình dự án công cộng lớn nhất thế giới để Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn.Vào ngày 29 tháng 6 năm 1956, bộ luật Federal Aid Highway Act (FAHA) được ban hành và hệ thống Xa lộ Liên Tiểu bang bắt đầu được thành hình. Theo bộ luật này, chính phủ liên bang sẽ đài thọ 90% kinh phí xây cất và mỗi tiểu bang phải đóng góp 10% còn lại.Tiêu Chuẩn Của Một Xa LộTiêu chuẩn của xa lộ đã được quy định rõ ràng. Mỗi lối đi phải rộng 12 feet, lề đường phải rộng 10 feet, chiều cao tối thiểu dưới gầm cầu là 14 feet, độ dốc không quá 3% và được nghiên cứu để xe hơi có thể chạy an toàn với vận tốc 70 dặm một giờ.Không đầy 5 tháng sau khi bộ luật FAHA được phê chuẩn, đoạn xa lộ đầu tiên dài 8 dặm, thuộc thành phố Topeka, Kansas được khánh thành ngày 14 tháng 11 năm 1956.Dự án xây cất hệ thống Xa lộ Liên Tiểu bang (Interstate Highways), gọi tắt là Liên bang, được dự tính hoàn thành trong 16 năm (1956-1972) nhưng trên thực tế nó đã kéo dài đến 37 năm khi đoạn xa lộ cuối cùng trong dự án, xa lộ I-105, nối liền xa lộ I-605 và phi trường Los Angeles được khánh thành năm 1993. Chỉ riêng đoạn xa lộ dài 17.3 dặm này, Cal Trans đã mất gần 35 năm (24 năm đề án và 11 năm xây cất) để hoàn thành với tốn phí lên tổng cộng lên đến 2.22 tỷ đô la.Một vài dữ kiện khá lý thú về đoạn xa lộ được xem là tối tân nhất của Hoa Kỳ- Xa lộ 105, còn được gọi là Century Freeway hay Glenn Anderson Freeway, được đề án vào năm 1958, và được thêm vào dự án Interstate Highways cuối thập niên 1960s. Một đơn kiện của cư dân địa phương và các nhà hoạt động bảo vệ môi sinh được nạp năm 1972 xin huỷ bỏ dự án này. Dầu vậy, một phát quyết của thẩm phán Harry Pregerson đã được phê chuẩn và ban hành năm 1979, sau đó được tu chính năm 1981, đã cho phép khởi công xây cất xa lộ I-105.- Lễ đặt viên đá đầu tiên diễn ra ngày 1 tháng 5 năm 1982 và đoạn xa lộ này được chính thức khánh thành cho công chúng xử dụng lúc 3 giờ 13 phút ngày 14 tháng 10 năm 1993, sau 11 năm 5 tháng và 13 ngày xây cất. Từ sáng sớm ngày hôm đó, cả ngàn người đã đậu xe sắp hàng để chờ được 'cắt chỉ' khai trương, để được vinh dự là những người đầu tiên được lái xe trên xa lộ I-105.- Xa lộ I-105 có 3 làn đường (lanes) chính mỗi chiều, cộng thêm hai làn đường phụ dành cho những người đi chung xe, thường được gọi là diamond lanes hay car pool lanes. Ngoài ra, chính giữa xa lộ còn được thiết bị với hệ thống đường xe điện hai chiều.- Tổng số xe cộ xử dụng xa lộ I-105 những ngày sau khi khánh thành là 155,000 chiếc mỗi ngày. Con số này đang trên đà gia tăng và Cal Trans ước lượng rằng vào năm 2010, tổng số xe cộ xử dụng xa lộ I-105 sẽ lên đến 230,000 chiếc mỗi ngày.- Trong 17.3 dặm của xa lộ I-105, chỉ có 0.5 dặm của xa lộ được xây bằng mặt đường. Còn lại, 10.7 dặm được xây cao hơn mặt đường và 6.1 dặm thấp hơn mặt đường.- Xa lộ I-105 có 4 giao điểm nối với xa lộ I-405, I-110, I-710, và I-605. Riêng chỗ giao điểm của xa lộ I-105 và xa lộ I-405 là một công trình xây cất giao điểm xa lộ lớn nhất tại California. Giao điểm này rộng 100 mẫu, gồm 5 tầng và có độ cao hơn một cao ốc 7 tầng, với kinh phí xây cất lên đến 134 triệu đô la. Chỉ riêng đoạn xa lộ tạm thời trên xa lộ I-405 để xe cộ có thể lưu thông trong thời gian xây cất giao điểm, tốn phí đã lên đến hơn 20 triệu đô la.- Để hoàn thành xa lộ I-105, Cal Trans đã mua lại nhà, đất của 25,000 cư dân địa phương.- Cal Trans đã xử dụng 930 mẫu đất, 2.3 triệu cubic yards xi-măng, 115,000 tấn thép, đào xới 16 triệu cubic yards đất và lấy đi 500,000 cubic yards đất bị ô nhiễm.- Công trình này là công sức của 200 nhân viên tiểu bang, và hơn 1500 nhân viên thuộc các hãng thầu.- Công trình xây dựng xa lộ I-105 đã mang lại hơn 18,000 công việc, cùng gián tiếp hỗ trợ hơn 27,000 công việc khác.Những quy luật về đặt danh số cho xa lộCó khi nào bạn tự hỏi những danh số đặt tên cho Xa lộ Liên bang và Tiểu bang có ý nghĩa gì không ? Xin thưa, chúng đều có ý nghĩa và buộc phải theo một hệ thống nhất định.Vào năm 1957, dấu hiệu và danh số dành cho Xa lộ Liên bang được phổ biến. Theo quy luật này, dấu hiệu của Xa lộ Liên bang sẽ có hình khiên, mũi nhọn quay xuống, gồm ba màu xanh dương, trắng và đỏ (màu đỏ ở trên, xanh dương ở dưới, nền trắng, chữ trắng). Cũng theo quy luật này, những Xa lộ Liên bang mang hai con số sẽ được xem như những xa lộ chính. Nếu một xa lộ chính chạy theo hướng Nam-Bắc, nó sẽ mang số lẻ, và ngược lại, nếu một xa lộ chính chạy theo hướng Đông Tây, nó sẽ mang số chẵn. Số nhỏ dành cho những xa lộ bắt đầu từ miền Tây và miền Nam và số lớn dành cho những xa lộ bắt đầu từ miền Đông và miền Bắc. Thí dụ như xa lộ liên bang 5 (số zero được hiểu ngầm), sẽ chạy theo hướng Nam-Bắc và bắt đầu từ Nam California, trong khi đó, xa lộ liên bang I-10, sẽ chạy theo hướng Đông-Tây và cũng bắt đầu từ Nam California.Những xa lộ liên bang có 3 con số là những xa lộ vòng đai hoặc xa lộ phụ thuộc vào xa lộ chính. Chẳng hạn như xa lộ liên bang I-405 là xa lộ phụ của xa lộ liên bang I-5 và xa lộ liên bang I-210 là xa lộ vòng đai của xa lộ liên bang I-10. Xa lộ vòng đai hoặc xa lộ phụ cũng phải theo quy luật chẵn, lẻ như xa lộ chính, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp ngoại lệ. Trường hợp ngoại lệ điển hình là Xa lộ Liên bang I-110 hoặc Xa lộ Liên bang I-710, hai xa lộ phụ của Xa lộ Liên bang I-10, tuy mang số chẵn nhưng chúng lại chạy theo hướng Bắc-Nam.Dấu hiệu cho Xa lộ Tiểu bang có hình dáng và màu sắc tùy mỗi tiểu bang quyết định. Tại California, xa lộ tiểu bang có màu xanh lá cây trên nền trắng, chữ trắng, cũng hình khiên nhưng với mũi nhọn chỉ lên trời, thí dụ như xa lộ tiểu bang CA-91 hoặc xa lộ tiểu bang CA-22. Xa lộ Tiểu bang không nhất thiết theo quy luật chẵn lẻ, điển hình là xa lộ Tiểu bang CA-91, tuy mang số lẻ nó lại chạy theo hướng Đông-Tây.Ngoài hai hệ thống xa lộ liên bang và tiểu bang như đã đề cập, chúng ta còn có một hệ thống xa lộ nữa được gọi là Xa lộ US (US Highways). US Highways là một loại hệ thống Xa lộ Liên bang nhưng đã tồn tại trước khi bộ luật Federal Aid Highway Act (FAHA) ra đời. Hệ thống xa lộ này được thành lập đầu tiên vào năm 1925 bởi Federal Aid Highway Act để thay thế sự lẫn lộn của những xa lộ dùng tên gọi (chẳng hạn như xa lộ Lincoln Highway nối liền New York với San Francisco, đã được thay thế bằng US40, sau này trở thành Xa lộ liên bang I-80 tại California). Xa lộ Hoa Kỳ có dấu hiệu cũng hình khiên, màu trắng, viền đen, chữ đen với mũi nhọn quay xuống. Hiện nay, phần lớn những Xa lộ Hoa Kỳ đã được thay thế bằng những Xa lộ Liên bang hay Tiểu bang, nhưng một số vẫn còn tồn tại, chẳng hạn như xa lộ US-101, hoặc xa lộ US-395.Nhiều người thường lầm tưởng rằng Xa lộ Liên bang (Interstate Highways) là xa lộ nối liền các tiểu bang còn Xa lộ Tiểu bang (State Highway) là xa lộ chỉ chạy trong phạm vi tiểu bang mà thôi. Điều này không hoàn toàn đúng như vậy. Chỉ có xa lộ chính mới chạy xuyên tiểu bang, thí dụ như xa lộ Liên bang I-10 hoặc I-40. Còn những xa lộ Liêng bang phụ hoặc xa lộ vòng đai chỉ chạy trong phạm vi tiểu bang. Điển hình là Xa lộ liên bang I-105 chỉ chạy từ Norwalk đến El Segundo, thuộc tiểu bang California.Sự khác biệt giữa Xa lộ Liên bang và Xa lộ Tiểu bang ở chỗ Xa lộ Liên bang được tài trợ và chi phối bởi liên bang, trong khi đó Xa lộ Tiểu bang hoàn toàn do tiểu bang chi chuẩn. Một điều đáng được ghi nhận là tiểu bang Alaska không có xa lộ Liên bang nhưng tiểu bang Hawaii thì có, được biết dưới tên là xa lộ Liên bang H1.Như đã thưa ở trên, xa lộ tại Hoa Kỳ được xem như con đường an toàn và hữu hiệu nhất cho những người lái xe ô tô. Đúng vậy, so với các đường trong thành phố, số tai nạn tử vong trên xa lộ rất thấp và thời gian để đi từ điểm A đến điểm B rất ngắn. Thời gian di chuyển trên xa lộ so với đường trong thành phố, nhất là nếu bạn phải đi xa, thường chỉ bằng một nửa hoặc ngắn hơn. 




Tuy vậy, lái xe trên xa lộ không phải là không nguy hiểm vì tốc lực xe chạy trên xa lộ rất cao, có thể lên đến 75 hay 80 dặm/giờ (121/130km/ giờ ). Với một tốc lực cao như vậy, nếu bạn lạc tay lái đâm vào thành xi măng chắn hoặc đâm vào xe ngược chiều thì kể như tiêu đời.

Tác giả xin chúc các bạn một ngày thật vui và xin lái xe thật cẩn thận.

(st)