Hiển thị các bài đăng có nhãn Phan Huy Đường -Tư Duy Tự Do. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phan Huy Đường -Tư Duy Tự Do. Hiển thị tất cả bài đăng

8/8/10

Tư Duy Tự Do (11) : Nghệ-thuật, bập bẹ làm-người

Tư Duy Tự Do
III. Những nền tảng của kiến-thức
11. Nghệ-thuật, bập bẹ làm-người
Anh sẽ là gì nếu thiếu em ngoài tiếng bập bẹ này ?

Aragon

Ba mặt nạ của Điều-không-nói-lên-được
Đối với một số người, nghệ-thuật thuộc lĩnh-vực của Điều-không-nói-lên-được[1]. Dường như ta không tài nào nói về nghệ-thuật một cách hiểu được. Những thuyết-trình giải thích vì sao một tác-phẩm đẹp khiến ta cảm phục người thuyết-trình. Ta không cần chúng để thấy nó đẹp. Chúng cũng chẳng thể ngăn cản ta thấy nó xấu. Giọng văn say đắm của nhà bình luận nghệ-thuật thỉnh thoảng xúc động ta, nhưng chính nó xúc động ta chứ không phải vật-thể nó nói tới. Ta có thể thích một áng văn hay về một tác-phẩm nghệ-thuật ta chưa từng xem. Áng văn ấy có thể chi phối cảm-nhận tương-lai của ta về tác-phẩm ấy. Nhưng luôn luôn chính quan-hệ trực tiếp của ta với tác-phẩm khiến ta linh-cảm vẻ đẹp của nó.

Kant định-nghĩa sự phán-xét thẩm-mỹ là sự phán-xét theo sở-thích[2]. Kiểu nói này đáng chú ý. Phán-xét theo sở-thích không liên quan tới lý-trí, niềm-tin, đạo-đức. Nó tùy thuộc quan-hệ cá-biệt giữa một sinh-thể với một vật-thể hay một sự-kiện trong thế-giới. Quan-hệ đó, chỉ sinh-thể nghiệm-sinh nó mới cảm-thấy, mới biết. Như thế, nói rằng một vật-thể đẹp là chẳng nói gì hết. Tuy vậy, khi ta tuyên bố điều ấy, ta chắc chắn người đối thoại với ta hiểu ta dù người ấy thấy vật-thể ấy xấu. Ý-chung về cái đẹp, về nghệ-thuật (những từ-ngữ ấy có-thực mà) từ đâu ra, làm sao ta có thể hiểu được ? Những ngôn-từ ấy có nội-dung gì chung ở mọi người ? Phải chăng đó là một điều bẩm sinh, do hệ gien « chung » quyết định ? Nếu thế, không sao hiểu được vì sao một người có thể thấy một tác-phẩm đẹp trong khi người khác thấy nó xấu. Phải chăng bản-chất của nó thuộc thế-giới thần linh ? Nếu thế, ta nên thả mình trôi theo « sự huyền-diệu của nghệ-thuật », không nên bàn tới nó. Nhưng ai có thể tự tước bỏ thú vui khen một tác-phẩm đẹp ?

Tự nó nghệ-thuật không có-thực. Có những vật-thể ta thấy đẹp. « Cái đẹp » dường như là một hình-thái quan-hệ giữa người với vật-thể. Vật-thể nghệ-thuật có thuộc-tính của mọi vật-thể, nó có hình-thái tồn-tại vật-chất mà ta có thể cảm-nhận : khối-lượng, hình thù, âm-thanh, màu sắc... Nhưng dường như nó có một thuộc-tính đặc biệt, khả-năng khơi ở ta cảm-giác đẹp[3]. Dường như nó mang trong nó một ý-nghĩa nào đó mà ta có thể nắm bắt và gọi là đẹp. « Ý-nghĩa » biểu lộ qua sự tiếp cận của ta với vật-thể không do thuộc-tính vật-lý hay hoá-học của nó. Quan-hệ vật-chất giữa con người với vật-thể chỉ là quan-hệ về lượng. Nó thuộc lĩnh-vực khoa-học, không thuộc lĩnh-vực nghệ-thuật.

Phải chăng cái đẹp của vật-thể hình thành xuyên qua quan-hệ-sống của ta với nó, tùy thuộc « khẩu vị » của ta ? Mặc dù người ta nói đến chuyện thưởng thức hương vị[4] của nghệ-thuật, đã mấy ai ăn tác-phẩm nghệ-thuật[5] để sống ? Trong quan-hệ-sống giữa con người với vật-thể, có những phẩm-chất như xanh, đỏ, nóng, lạnh, ngọt, mặn, ngon, dở... Có những điều thuận hoặc nghịch sự tồn-sinh hay sự khoan khoái của cá-thể, thuận hay nghịch với sự tái sản-xuất giống nòi. Để đề cập tới chúng, ta dùng những từ-ngữ biểu-đạt phẩm-chất của những quan-hệ-sống với thế-giới, « phẩm-chất của sự-sống ». Không có cái đẹp.

Như thế, cái đẹp xuất phát từ quan-hệ giữa người với văn-hoá ? Không sai, một khi ta đã nói tới nó. Chính vì thế người ta thích dạy ta nhìn[6] những tác-phẩm nghệ-thuật. Nội-dung của những bài học đó thường biểu-hiện dưới dạng pha trộn hỗn tạp đủ thứ kiến-thức : kỹ thuật thực-hiện, lịch-sử nghệ-thuật của một nền văn-minh, những lý thuyết nghệ-thuật... những kiến-thức liên quan tới quan-hệ giữa con người với vật-chất hay những ý-niệm. Vì không có gì nhạt nhẽo, phi-nhục-cảm hơn loại quan-hệ đó, người ta thường thêm mắm muối, trộn thêm một mớ từ-ngữ thường dùng để mô tả những quan-hệ-sống với thế-giới. Làm chuyện đó rất dễ. Độc giả khó phát hiện vì trong ngôn-ngữ của ta, những từ-ngữ ấy thường cũng được dùng để biểu-hiện những quan-hệ giá-trị giữa người với người. Nhưng làm như thế, người ta dạy ta đọc tác-phẩm, không dạy ta nhìn nó. Một khi ta bắt đầu giải mã một bức tranh, tìm trong nó những kiến-thức kia, ta không nhìn nó nữa, nó tự lẩn tránh, vẻ đẹp của nó biến đi. Kiến-thức có thể làm cảm-nhận của ta về cái đẹp phong phú thêm. Nó không là nguồn gốc của cái đẹp. Vẻ đẹp của một tác-phẩm tự hiến mình trọn vẹn xuyên qua quan-hệ của nó với một cá-nhân. Vẻ đẹp không dựa vào bất cứ gì ngoài bản thân nó. Vì thế, trong tác-phẩm của một trường phái hội hoạ, thậm chí của một hoạ sĩ, có tác-phẩm ta thấy đẹp và có tác-phẩm khiến ta dửng dưng. Một mặt khác, làm sao hiểu được vì sao ta thấy một bức tượng nhỏ của người Jômon đẹp ? Dân tộc ấy sống cách đây 12.000 năm ở Nhật. Ta không biết gì hết về họ. Về mặt văn-hoá, ta không có gì chung với họ, ngoài khả-năng thấy đẹp, « ý-niệm bẩm sinh » về nghệ-thuật.

Đúng thế, cái đẹp thuộc lĩnh-vực quan-hệ giữa con người với văn-hoá. Nhưng không phải phần văn-hoá khoa-học-tính hay phần văn-hoá biểu-hiện những quan-hệ-sống của ta với thế-giới. Nó thuộc thế-giới giá-trị, thế-giới những quan-hệ « đơn thuần » nhân-tính. Một phán-xét theo sở-thích vẫn là một phán-xét, một quan-điểm biểu-đạt trong một ngôn-ngữ mà con người hiểu xuyên qua những ý-chung. Đó là một quan-hệ giữa người với người. Nhưng không có gì đối trọi với nghệ-thuật hơn là những ý-chung, những giá-trị thành lệ. Khoa-học, sự-sống, những giá-trị thành lệ không có điều gì để nói với ta về cái đẹp. Chúng chỉ là những mặt nạ của Điều-không-nói-lên-được.

Tuy đã nói vậy, vật-thể nghệ-thuật vẫn là một vật-thể-tạo-nghĩa, là một loại ngôn-ngữ. Nó có vật-tính và vật-tính ấy cũng chỉ được dùng làm điểm tựa cho « ý-nghĩa » nó chuyên chở[7]. « Ý-nghĩa » đó do một con người tạo ra cho người khác. Đó là một quan-hệ nhân-tính núp sau hình-hài của một vật-thể, quan-hệ xuyên qua tác-phẩm giữa người nghệ-sĩ và công chúng. Nghệ-thuật chào đời xuyên qua quan-hệ ấy. Không-gian thích hợp với nó nhất là những nơi công cộng, viện bảo tàng, nhà hát, métro, công viên, công trường làng... Ở đó, tác-phẩm của một người tự hiến thân cho mọi người, cái đẹp lóe ra trong thế-giới, một sản-phẩm thuần nhân-tính tự-hiện-thực dưới dạng nghệ-thuật. Không gì tệ hại đối với tác-phẩm nghệ-thuật hơn là bị nhốt vào bóng đêm bọc thép của một tủ bạc[8].

Người ta nói rằng tự-nhiên bắt chước nghệ-thuật[9]. Câu ấy chỉ có vẻ ngược đời thôi, nó chứa một sự-thật. Trong thiên-nhiên có những vật-thể, phong cảnh, sự-kiện ta thấy đẹp. Chẳng ai gọi chúng là tác-phẩm nghệ-thuật. Điều ấy dễ hiểu : chúng không có tác giả. Chúng thuộc phạm vi quan-hệ giữa người với vật-thể, không thuộc phạm vi quan-hệ giữa người với người xuyên qua một vật-thể do một con người tạo ra cho mọi người thưởng thức. Thiên-nhiên chỉ đẹp khi ăn khớp với « cảm-nhận thẩm-mỹ » của ta. Cảm-nhận ấy đến với ta từ những quan-hệ giữa người với người.

Không chỉ có vật-thể !
Thói quen nói tới những vật-thể nghệ-thuật[10] xuất phát từ sự rạn-nứt-khoa-học-luận của Descartes[11] đã quy quan-hệ của con người với thế-giới về quan-hệ giữa trí-thể với vật-thể và những ma-thuật của Kant đã lồng thêm vào đó màn ảnh của hiện-tượng[12]. Trong khuôn khổ ấy, làm sao ta có thể thấy cú sút làm bàn đầu tiên của Platini ở Ý đẹp ? Hành-động đẹp ấy đương nhiên đòi hỏi có những vật-thể, nhưng nó không quy về một vật-thể nào cả, nói riêng cũng như nói chúng. Như Pélé đã từng nhận xét, một cú sút làm bàn đẹp khi, trong một hoàn cảnh nhất định, dự-kiến của một con người tự-hiện-sinh trong sự hoàn-hảo của một động tác. Platini vừa phác thảo động tác của mình, khán giả đã kéo dài nó, dự-kiến trước ý-đồ hành-động của chàng và đi theo nó tới lúc nó kết thúc, xuyên qua thao-tác tinh xảo trác tuyệt của chàng. Chỉ cần nói thêm rằng sự hoàn-hảo đó được thực-hiện trong khuôn khổ luật lệ tùy tiện, phi-tự-nhiên của một trò chơi xã-hội, rằng về bản-chất nó là điều cho không, thì ta có một định-nghĩa rất đàng hoàng về nghệ-thuật. Khi Platini sút vào gôn, trong khoảnh khắc một tia xét, ta là chàng trong tưởng tượng, chàng là ta trong khát vọng của ta đối với chính ta và chàng là toàn thể khán giả đang cùng chờ đón sự thành công hay thất bại của dự-kiến chung của chúng ta[13]. Khi điều ấy do hành-động phối hợp của nhiều cầu thủ, thậm chí của cả đội bóng đá, nói tới một kiệt tác tập-thể thật không ngoa. Rất hiếm, nhưng có-thực.

Quan-hệ giữa người với người mà ta gọi là nghệ-thuật có thể thực-hiện dưới nhiều dạng khác dạng vật-thể. Khi nó dùng bản thân con người làm điểm tựa như trong nghệ-thuật múa, hát hay kịch nó biểu lộ bản-chất thuần nhân-tính của nó : nó chỉ tồn tại trong khoảnh khắc có quan-hệ đó. Người ta có lý khi nói tới sáng tác nhân dịp diễn một vở kịch, một nhạc kịch, một vở múa, ngâm một bài thơ, đọc một áng văn. Tác-phẩm hiện thân ở đó chỉ có trong thời điểm diễn xuất thôi. Nghệ-sĩ kịch, múa, hát dễ khiến ta mê hồn : chỉ có thể-xác, giọng, động tác, vẻ mặt, ánh mắt của họ mới có thể đánh thức ở ta, trong khoảnh khắc phù du của một cuộc gặp gỡ, cả một thế-giới đẹp không tồn-tại ở đâu cả. Họ là nghệ-sĩ của sự phù du.

Bí mật của Điều-không-nói-lên-được
Nghệ-thuật đã là một quan-hệ giữa người với người xuyên qua quan-hệ của họ với một « vật-thể », ta cần làm sáng tỏ quan-hệ ấy khác những quan-hệ nhân-tính khác ở chỗ nào, vạch ra nội-dung đặc-thù của nó.

Trong thực tế, tác-phẩm nghệ-thuật hiện-diện như một vật-thể hay một hành-động mang « ý-nghĩa », nó là một « ký-hiệu », nó thuộc một loại ngôn-ngữ. Ngôn-ngữ ấy có tính đặc thù là nó tồn-tại toàn bộ trong tác-phẩm và dưới một bản độc-nhất, và ý-chung duy nhất nó chuyên chở, khi nó đạt ý-nghĩa là đẹp. Mặc dù đặc điểm ấy, nó là một loại ngôn-ngữ. Ta không ngại ngùng tí nào khi ta nói tới ngôn-ngữ của nghệ-thuật mặc dù ta vừa muốn nắm bắt nó, nó tức khắc tan rã thành vô vàn ngôn-ngữ cá-biệt. Như thế, chỉ có cách quan sát sự nhú mầm của ngôn-ngữ trong một ý-thức, đặc biệt là sự nhú mầm của từ đẹp, mới có thể học được một điều gì về khả-năng thấy đẹp của ta. Hãy xem lại thí dụ của một đứa trẻ đang học nói. Mẹ chỉ cho nó một vật-thể tròn, âu yếm nói : « quả bóng ». Nó nhại theo : « quả bóng ». Nó học phân biệt một vật-thể với các vật-thể khác trong thế-giới, nó học nhìn. Nó ý-thức về sự hiện-hữu của vật-thể ấy và, tức khắc, ý-thức lờ mờ về chính-mình như không là vật-thể ấy[14]. Cùng lúc, nó kết-hợp trong óc vật-thể đó với một chuỗi âm-thanh : « quả bóng ». Thế là vật-thể ấy có tên, « nó là » quả bóng. Đứa trẻ lặp lại ở nó hành trình đằng đẵng đi từ thú-giới tới nhân-giới, tái-tạo trong nó khả-năng đặt tên cho vật-thể, khả-năng khái-niệm-hoá thế-giới[15]. Tuy quan-hệ giữa người với thế-giới đó là quan-hệ giữa người với vật-thể, nó luôn luôn tự-hiện-thực ở con người trong ba chiều-kích của thực-thể-người : một quan-hệ vật-chất[16], nhục-cảm[17], tinh-thần[18]. Trong tư cách ấy, quan-hệ ấy chẳng khác gì những quan-hệ khác của con người với thế-giới. Nhưng mẹ lại cuồng nhiệt thủ thỉ : « đẹp quá ! » Đứa trẻ nhắc lại : « Đẹp quá ! » Mẹ hôn con, ve-vuốt con. Tuyệt vời thay, lời giả dối ấy. Ta biết ngôn-từ không là vật-thể nó diễn-đạt. « Quả bóng » không là vật-thể cá-biệt tròn tròn mà ta thấy. Trong tư cách ấy, nó là một vật-thể độc-nhất trong không-thời-gian. Ngôn-từ ấy cũng dùng để ám chỉ một số lớn vật-thể hao hao như thế, kể cả vật-thể người ta dùng để cất nước uống của thiên đường[19]. Dù sao, tuy nó không là vật-thể ấy, chí ít nó cũng ám chỉ một số thuộc-tính của vật-thể ấy, hình thù tròn chẳng hạn. Nó biểu-hiện một quan-hệ giữa hai con người xuyên qua quan-hệ chung của họ với vật-giới. Còn ngôn-từ đẹp, nó ám chỉ cái gì ? Hình thù của một vật-thể ? Không. Vật-thể ấy có thể vuông, tròn, hình chữ nhật, tam giác, nó có thể bẹp, méo mó, rách nát. Ngôn-từ ấy ám chỉ một khẩu vị, một quan-hệ-sống giữa con người với thế-giới chăng ? Cũng không nốt. Mẹ ta sẽ khiến ta sờ nó và nói : « Mềm quá ! » Cái đẹp ở đây không ám chỉ bất cứ một vật-thể nào trong thế-giới, bất cứ một phẩm-chất nào trong sự-sống. Nó là một quan-hệ trực tiếp giữa mẹ và ta, bên kia vật-giới và sinh-giới. Trong nghĩa đó, nghệ-thuật là một lời gian dối thiêng-liêng, một ký-hiệu không ám chỉ gì hết, ngay cả chính nó. Nó là hồi-ức mong manh về một quan-hệ trực tiếp giữa người với người đã viện bất cứ cớ nào để tự-biểu-đạt. Quan-hệ cho không vô-lý[20] ấy, ta gọi là tình-người. Đâu phải do tình cờ mà trong mọi nền văn-hoá, con người đều coi tình-người như nền tảng cuối cùng của nghệ-thuật.

Vì nó không là quan-hệ giữa người với vật-chất, vẻ đẹp của tác-phẩm không tùy thuộc vật-tính của nó. Nó không tùy thuộc vật-liệu, hình-thù, màu sắc, âm-thanh, vẻ hiện-thực, siêu-thực, tượng-hình, trừu-tượng... thể-hiện nó. Đương nhiên, nó tùy thuộc những thứ ấy để tồn-tại. Nhưng nó không tùy thuộc những thứ ấy trong tư cách đẹp, trong tư cách nghệ-thuật. Chính vì thế nó phi-lịch-sử-tính, phi-thời-gian-tính. Bất kể hình-thái, nơi, lúc nó nảy sinh trong thế-giới, nó có thể xúc động lòng ta. Điều đó chỉ tùy thuộc khả-năng « tái-sinh » tình-người ở người chiêm ngưỡng nó, nhắc lại cho người đó sự-thật này : nhân-tính không có bất cứ giới hạn nào ngoài chính nó, Tha-nhân ở nó. Vì thế ta có thể thấy một bức tượng nhỏ của người Jômon đẹp. Nó nói với ta một điều gì đó về nhân-tính, nó « nhắc » ta một điều gì đó về chính-mình. Như thế, ta hiểu tại sao người nghệ-sĩ luôn luôn muốn sáng tác cho mọi người và cho vĩnh-cửu. Thỉnh thoảng có thể hơi tự-phụ. Nhưng không hề sai trái. Khả-năng ấy có-thực. Nó sẽ còn mãi khi trong thế-giới này vẫn còn một người mẹ đánh thức ý-thức của con với mấy từ : « Đẹp quá ! »

Mẹ nói về cái gì thế ? Về quả bóng ? Đã đành. Nhưng hình thù tròn, màu xanh của nó, ta dễ dàng tìm thấy trong vật-thể khác, nghiệm-sinh khác, không cần tới mẹ. Ngay cả giọng ve-vuốt, làn da ấm áp, mùi thơm xác thịt, ánh mắt trìu mến của mẹ, ta sẽ gặp lại trong những dịp khác trong đời ta. Điều ta sẽ không bao giờ tìm lại được trong đời ta là khoảnh khắc độc-nhất khi ta nhận được tất cả cùng một lúc, vũ trụ của đồ-vật, thế-giới của cảm-giác, tình-yêu của một người mẹ, ý-thức về chính-mình và ngôn-từ-đó để nói lên tất cả : đẹp. Đẹp là nghiệm-sinh cá-biệt, độc-nhất qua đó ta vươn lên ý-thức về chính ta và về thế-giới trong sự toàn hảo của nhân-cách xuyên qua tình-yêu của một người mẹ[21], xuyên qua hành-động mẹ cho lại ta nhân-cách của mẹ. Nó là nhân-tố cấu tạo ý-thức của ta. Qua nó, ta trở thành ta, ta là mẹ-ở-ta. Ta là sự dâng hiến ấy. Con người là con của người trong nghĩa đó. « Thiên đường [bập bẹ] xanh tươi của những tình-yêu thời thơ ấu[22] » ấy, không ai có thể thực sự quên. Ẩn nấp đâu đó trong gan ruột của ký-ức, nó luôn luôn nhắc nhở ta nghiệm-sinh toàn hảo về nhân-tính của ta, thể thống-nhất ở ta của con người và thế-giới, thế-giới của chúng ta. Sau này, tình-yêu của một người đàn bà có thể thức tỉnh lại trong ta sự thần-diệu ấy của tuổi thơ. Trong cuộc sống thường ngày, tình-yêu chính là loại quan-hệ hay đá đít ta về nỗi khao khát cái đẹp. Trong tình-yêu, qua vài khoảnh khắc cùng say mê hiếm hoi, ta cũng được tha-nhân cho ta gần như tất cả, vật-chất của một cơ-thể, nhục-cảm của một sinh-thể, tâm-hồn của một con người, hiện-thực nhân-cách chung của chúng ta. Vì thế nghệ-thuật thích liếc tình-yêu và ngược lại. Nhưng sau đó cũng nghĩa là đã quá muộn. Ta đã sống, đã học, đã nhập-thân đủ thứ đểu giả của thế-giới này, ta đã quen tin rằng : sự-vật là sự-vật, sự-sống là sự-sống, người là người, ngôn-từ chỉ là ngôn-từ và em không là anh[23]. Sự khao khát cái đẹp, nỗi nhớ nhung khoảnh khắc huyền-diệu khiến ta trở thành chính ta, một thực-thể đồng thời ý-thức thế-giới và chính-mình trong sự đồng-nhất hoàn-hảo với tha-nhân xuyên qua quan-hệ chung của chúng ta với thế-giới, ta chỉ có thể thỉnh thoảng thoáng thấy lại, một cách lu mờ, trong tình-yêu của một người đàn bà, trong sự vô tư của một trò chơi.

Một đòi hỏi nhân-cách
Suốt đời ta, ta sẽ tìm cách tái-sinh nhân-cách hoàn-hảo ấy. Do điều kiện cho phép nó nhú mầm, ta chỉ có thể hy vọng tìm lại nó trong sự hồn-nhiên của cảm-hứng. Chí ít, đó là tìm kiếm đam-mê của nhiều nghệ-sĩ. Ta có thể hiểu Picasso khi ông nói ông đã mất cả một đời để vẽ được như một đứa trẻ con ! Nhưng ta cũng biết lờ mờ rằng điều đó vô vọng. Ngay trong vòng tay say đắm của một người đàn bà yêu ta, ta cũng không thể nào trở thành đứa bé đang vươn lên ý-thức về mình trong thể đồng-nhất trìu mến của thế-giới. Tuy vậy, xuyên qua nghệ-thuật, ta có thể tìm lại một thoảng rùng mình của cái nghiệm-sinh, tuy chung của con người, nhưng độc-nhất trong mỗi cuộc đời. Sống là tái-sinh từng giây từng phút vào cuộc sống và « có ý-thức » là không ngừng vươn tới ý-thức. Vũ trụ không ngừng vận-động, mọi sự đều đổi thay. Ở mọi lúc, mọi nơi ta đều có khả-năng thiết lập một quan-hệ mới với thế-giới. Do tính mới lạ và cá-biệt của nó, quan-hệ ấy hao hao giống quan-hệ ta đã từng nghiệm-sinh khi lần đầu ta vươn tới ý-thức về chính-mình và về thế-giới. Ta có thể thử biểu-đạt nó dưới hình-thái này hay hình-thái khác, đặc biệt dưới hình-thái một vật-thể nghệ-thuật. Còn thiếu điều gì để ảo ảnh đó « toàn hảo » ? Sự nhìn nhận trìu mến của tha-nhân xuyên qua quan-hệ của nó với vật-thể ấy. Sự nhìn nhận ta tìm kiếm không là một bài diễn thuyết dài, uyên bác hay nên thơ chính vì nó dùng ngôn-ngữ. Sự nhìn nhận duy nhất đáp ứng sự chờ đợi của ta chỉ có thể biểu-đạt qua một ngôn-từ không có nghĩa : đẹp. Ta không muốn bất cứ nghĩa nào của từ « nghĩa »[24] mà người đời thường dùng để nói tới tác-phẩm nghệ-thuật. Ta không tìm cách điều khiển một hướng nhìn, tạo một cảm-giác, khơi một ý-nghĩa, khích một phán-xét. Những điều ấy đều ở ngoài ta, ta vĩnh-viễn không với tới được, chúng vĩnh-viễn mơ hồ. Điều ta muốn, xuyên qua tác-phẩm của ta, là tất cả những điều ấy, nhưng trong sự hợp-nhất toàn hảo giữa Tha-nhân với ta. Ta tìm một sự nhìn nhận lẫn nhau để cùng tái-sinh trong tình người[25]. Tác-phẩm của ta là một lời kêu gọi câm lặng miên man, không nhân nhượng, để đồng-sinh vào thế-giới. Chỉ trong sự đồng-sinh ấy ta mới có thể nhận-diện-lại chính ta. Cứ cho rằng điều ấy xảy ra, và thỉnh thoảng nó xảy ra thật, sự nhìn nhận ấy khác kinh nghiêm đầu của ta một cách cơ-bản. Ta không tái-sinh vào thế-giới bằng cách vươn ra khỏi sinh-giới. Vì ta đã nên người rồi, ta tái-sinh vào nó bằng cách vươn ra khỏi cái nhân-giới-này đang khiến ta ngộp. Như thế, tác-phẩm của ta là lời kêu gọi vươn ra khỏi thế-giới-này để tái-sinh vào một thế-giới-khác trong sự toàn hảo của nhân-tính. Trong nghĩa đó nghệ-thuật, tự bản-chất, phản kháng mọi chuẩn. Mọi quyền-lực đều nghi ngại nó. Quyền-lực luôn luôn dựa vào những chuẩn cố định, tôn-giáo, đạo-đức, chính-trị, ý-thức-hệ, kiến-thức, v.v. Những con người quyền-lực có thể có nhu-cầu nịnh hót, sử dụng nghệ-sĩ, nhưng dứt khoát phải nghi-ngờ người nghệ-sĩ. Ai đoán nổi tác-phẩm của nó sẽ tác-động không-gian và thời-gian của con người ra sao ? Hàng loạt, chúng rơi béng, hoặc sau một khoảnh khắc thời thượng, vào quên lãng. Nhưng thỉnh thoảng, một ký hoạ, một bài hát, một áp phích, một tấm hình làm rúng động lâu dài cả thế-giới. Làm sao tin cậy mấy anh tếu này ? Ngay cả khi chúng chia sẻ niềm-tin, ý-nghĩ, đấu tranh của ta, ta không thể nào tiên đoán được cái gì sẽ phụt ra từ tính « điên » của họ : kịch Dom Juan của Molière, một chân dung phạm thánh Stalin dưới bút lông của Picasso hay một Hành trình tới tận cùng đêm[26] ?

Rõ ràng, họ sẽ không ngừng ở đó. Ta có thể hiểu họ. Ta không đang sống đằng sau chân trời không thể vượt qua được của Thị-trường và Tư-bản đó sao ? Những nền văn-minh của Sở-hữu sản sinh ra những tôn-giáo của Thực-thể trong đó con người kiệt sức với nỗi ám ảnh chiếm-hữu hay bị-chiếm-hữu[27]. Trong những nền văn-minh kiểu ấy, nghệ-thuật chân-chính nhất, chính là nghệ-thuật của Hư-vô. Chính vì thế, dưới hình-thái này hay hình-thái khác, niềm-tin, tiền của, luật pháp hay bạo liệt, mọi quyền-lực đều luôn luôn tìm cách thuần dưỡng những con « người hoang »[28] đó. Ước mơ đó hão. Lời kêu gọi tiền-ngôn-ngữ để thiết lập nhân-giới toàn hảo ta thoáng thấy trong tuổi thơ, bập bẹ xuyên qua cơn cuồng loạn của hình thù, âm-thanh, màu sắc, ngôn-từ, là một nhân-tố cấu tạo con người, thuộc quá-trình nên-người của nó. Mẹ ơi, trong thế-gian này, sao mẹ nỡ dạy con chữ Đẹp ?



--------------------------------------------------------------------------------

[1] L’Indicible. Không nhớ ai đã sáng tạo khái-niệm này.

[2] Jugement de goût. Goût vừa có nghĩa sở-thích vừa có nghĩa khẩu vị.

[3] Le Beau, la beauté.

[4] goûter à l'art. Tiếng Pháp, goûter có hai nghĩa : nếm hay thưởng thức. Tiếng Việt, khó nói tới chuyện nếm nghệ-thuật, nhưng vẫn có thể nói đến hương vị của nghệ-thuật.

[5] Trừ khi nó hiện-diện dưới dạng một món ăn đẹp của nghệ-thuật nấu nướng của Pháp chẳng hạn. Đây là trường hợp đặc biệt. Thực ra, đồ ta ăn là đồ ăn được nấu nướng, trình bày, dọn ra một cách nghệ-thuật. Đây là trường hợp duy nhất ta có thể nói một cách phải chăng rằng ta nhậu nghệ-thuật, như ăn hay nếm đòn.

[6] hoặc nghe, nếm, v.v. Để cho đơn giản, ta giới hạn đề tài vào một hình-thái cảm-nhận thôi, nhãn quan.

[7] Người ta có lý khi bàn đến ngôn-ngữ điện ảnh của một nhà đạo diễn như nói tới ngôn-ngữ của một nhà văn. Nhưng nói tới văn-phong điện ảnh (écriture cinématographique) thì sai. Chẳng có nghĩa gì cả. Người ta viết một kịch bản, không viết một cuốn phim. Trong xi nê, những thuyết-trình cũng là nhân-tố quan trọng của tác-phẩm. Chúng không là nhân-tố duy nhất, và cũng chẳng là nhân-tố quan trọng nhất. Cứ xem những tác-phẩm trác tuyệt trong xi nê câm thì thấy. Nói tới văn-phong điện ảnh là giới hạn một cách vô-lý nghệ-thuật điện ảnh, không hiểu tính đặc-thù của xi nê và của văn-chương. Cách nói như thể có thể giải thích được vì ta linh-cảm lờ mờ rằng có một điều gì chung giữa tất cả các hình-thái nghệ-thuật, đó là cảm-nhận cái đẹp mà những tác-phẩm khơi ở ta.

[8] Tuy điều ấy đáng mừng cho người nghệ-sĩ và người kế thừa gia tài của nó trong nền văn-minh của ta.

[9] La Nature imite l’Art. Một câu văn nổi tiếng của Pháp.

[10] Lối nói của người Pháp : objets d'art. Người Việt ăn nói nhân-đạo hơn : tác-phẩm nghệ-thuật : nghệ-thuật chỉ có thể là sáng tác của con người.

[11] Xin lỗi Descartes, thật oan uổng cho ông, bản thân ông cũng suy-luận bằng ngôn-ngữ đã có trước ông. Nếu là hôm nay, chắc ông sẽ không viết như vậy.

[12] Điều ấy cho phép ông định-nghĩa cái đẹp như sự trùng hợp, xuyên qua hiện-tượng (cảm-nhận vật-thể xuyên qua giác-quan của con người), của những thuộc-tính của vật-thể với những khả-năng bẩm sinh của tinh-thần.

[13] Ngay trong trường hợp khán giả ủng hộ đội bóng đối-lập, mong muốn Platini thất bại, điều mà nó dự-kiến trong đầu khi theo rõi hành-động, chính là bóng lọt gôn. Do đó nó thở phào khi quả bóng trượt ra ngoài.

[14] Luận-điểm cơ-bản của Husserl, Sartre và Trần Đức Thảo dùng lại trong triết-lý của họ.

[15] Hiện nay đang có « mốt » sàng lọc, sắp xếp, dán nhãn hiệu cho những ngôn-từ trong ngôn-ngữ của con người theo loại ngôn-ngữ phàm tục hay loại khái-niệm. Chỉ khái-niệm mới xứng đáng bàn trong thuyết-trình triết-học. Dường như người ta quên rằng bản thân « khái-niệm » cũng chỉ là một... ngôn-từ. Cái « mốt » này đã xâm chiếm thế-giới kinh doanh, đặc biệt thế-giới quảng cáo. Trong những năm 70-80, một vài thầy-cúng trong ngành tin học ngày đêm đi rao bán « khái-niệm cấu-trúc » và ngày nay « khái-niệm vật-thể » (concept objet) hay « khái-niệm Internet ». Trong lĩnh-vực khác người ta thích thú rao bán khái-niệm « sức-mạnh thanh thản » [khẩu hiệu của ông Mitterrand trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1981], « khái-niệm an ninh » [khái-niệm thời thượng hiện nay của các chính-trị-gia Pháp], v.v. Có nên khuấy lưỡi dao trong vết thương để nhớ-lại những khái-niệm đẹp đẽ đó đã xỏ mũi chúng ta đến mức nào chăng ? Triết-học xét cho cùng là câu chuyện về lịch-sử của những ngôn-từ, thậm chí là chuyện xào xáo ngôn-từ. Điều chán nản là ta chỉ có thể định-nghĩa một khái-niệm bằng những khái-niệm khác và cứ thế liên miên bất tận. Cuối cùng, nếu ta muốn người đời hiểu ta, ta phải dùng những ngôn-từ có một ý-nghĩa chung đối với mọi người, ta phải dừng ở những ý-chung. Cứ nói tiếng Hy-lạp hay tiếng Phạn mãi, ta giam mình trong tháp ngà hay, khá nhất, trong những biệt cư bé tí xíu.

[16] ánh sáng đập vào vật-thể, dội lại con ngươi của ta.

[17] ta thấy một hình thù, một màu sắc...

[18] Khái-niệm « quả bóng ».

[19] Rượu nặng, alcool.

[20] Gratuit, có 2 nghĩa : cho không, và vô-lý như trong affirmation gratuite, khẳng-định không cần lý lẽ.

[21] Thường thường là như thế. Nhưng điều ấy cũng có thể xảy ra trong tình-yêu của một người cha, người anh, người chị, người bạn hay bất cứ một con người nào. Có lần bố tôi nhận xét : để nên người ta chỉ cần được một người khác yêu thương trong tuổi thơ.

[22] Le vert paradis des amours enfantines.

[23] Và ngược lại. Dĩ nhiên. Mọi người đã từng hay sẽ trả giá để biết điều đó.

[24] Sens. Không thể dịch được. Sens có nghĩa trong cả ba chiều-kích của con người : hướng (vật-lý), cảm-giác (sinh-học) và ý-nghĩa (văn-hoá).

[25] Re-co-naissance. Không thể dịch được. Naissance : sinh ra đời, co : cùng nhau, co-naissance : đồng sinh, re : tái-lập, re-co-naissance : cùng nhau sinh ra đời trở-lại. reconnaissance : nhìn nhận, nhận ra, biết ơn.

[26] Voyage au bout de la nuit, tiểu thuyết của Ferdinand Céline.

[27] Ta chỉ có thể sở-hữu được những gì có-thực, những gì là. Nhưng ta có thể sở-hữu một lượng vô-tận. Đạo-đức duy-lượng mà Camus khơi trong Le Mythe de Sisyphe thuộc lĩnh-vực tôn-giáo tôn thờ Thực-thể. Nó rất ăn khớp với bản-chất của tư-bản, tiền đẻ ra tiền. Vô tận, vì lượng không có giới hạn. Nó thôi miên ta : điều đó khả-thi. Nó xúc động ta : hão. Vì chắc chắn sẽ có ngày ta phải chết.

[28] Sauvageons, trẻ con hoang, « khái-niệm » thời thượng lúc đó, ông Chevènement (đảng xã-hội, bộ trưởng bộ nội vụ) đã dùng để nói tới đám thanh niên sống trong ngoại ô có vấn đề, mong vớt ít phiếu của phe hữu ? Hão.