Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Ngọc Hiến. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Ngọc Hiến. Hiển thị tất cả bài đăng

8/8/10

HOÀNG NGỌC HIẾN : đọc Tư-duy tự-do của Phan Huy Đường

Tư-duy tự-do

Tựa

Đoàn kết là hình thức tối cao, là chân trời của tự do

(đọc Tư-duy tự-do của Phan Huy Đường)

HOÀNG NGỌC HIẾN



Cảm hứng triết luận chủ đạo của công trình này có thể tóm tắt trong lời thuyết trình của tác giả định nghĩa thế nào là suy luận biện chứng:

« Con người chỉ có thể tự-do đối với những con người tự-do. Nó không tự-do đối với sỏi đá hay chó sói. Tự-do là một giá-trị trong quan-hệ giữa người với người. Khi nó khai triển xuyên qua ba chiều-kích của con người, nó tự-hiện-thực trong những quan-hệ mà con người trực tiếp hay gián tiếp thiết lập với nhau xuyên qua hành-động của họ vào thế-giới. Để thực-hiện điều đó, nó cần sự « chính xác » của khoa-học trong quan-hệ với vật-giới, cần yêu và tôn trọng sự-sống trong quan-hệ với sinh-giới, cần nhận thấy mình ở tha-nhân và tha-nhân ở mình trong quan-hệ với người khác, với chính-mình. Tóm lại, để giải-phóng ta một lúc khỏi ngôn-ngữ gỗ nặng khuynh hướng vật-thể-hoá này[1], ta càng hiểu-biết thế-giới vật-chất, ta càng yêu càng tôn trọng sự-sống dưới mọi hình-thái của nó, ta càng cảm-thấy đoàn-kết hay liên đới trách-nhiệm với người đời trong mọi hành-động của nó, kể cả những tội ác[2], thì ta càng tự-do. […] Trong quá-trình nên-người của mình, con người là gốc-gác, cứu-cánh và phương-tiện duy-nhất của con người. Nó nên-người bằng cách hành-động vào thế-giới và hành-động đó, để hoàn tất, đòi hỏi kiến-thức khoa-học, tình-yêu sự-sống và tình đoàn-kết giữa người với người. Suy-luận về quan-hệ vật-chất một cách chính-xác, về quan-hệ-sống một cách trìu mến, về quan-hệ tinh-thần như thấy tha-nhân ở mình và kêu gọi tha-nhân thấy mình ở tha-nhân, suy-luận về con người như thể thống-nhất năng-động của những quan-hệ đó, tôn trọng sự toàn vẹn vật-lý của nó, trìu mến sinh-tính cá-biệt của nó, biết ơn trí-tính phổ-cập ở nó, suy-luận như thế gọi là suy-luận biện-chứng. »

Tự do là chủ đề trung tâm của công trình. Tự do của con người được tác giả xem xét trong quan hệ của nó với vật chất, trong quan hệ của nó với sự sống và trong quan hệ của nó với « tha-nhân và với chính-mình ». Từ ba quan hệ này có ba hình thái của tự do. Hình thái thứ nhất đòi hỏi sự hiểu biết vật chất một cách chính xác, tức là kiến thức khoa học, hoặc nói một cách bao quát, đó là « tính tất yếu được nhận thức ». Hình thái thứ hai đòi hỏi « tình-yêu sự-sống ». Hình thái thứ ba đòi hỏi « tình đoàn-kết giữa người với người ». Đoàn kết là « nhận thấy mình ở tha-nhân và tha-nhân ở mình trong quan-hệ với người khác, với chính-mình ». Hiểu như vậy, « đoàn-kết là hình-thái tối cao, là chân trời của tự-do ».

Chủ đề tự do và những vấn đề triết học khác trong công trình này được tác giả triển khai có sự tham chiếu những triết thuyết của những « nhà tư-tưởng lớn đã nuôi dưỡng tư-duy hiện đại » : Descartes, Kant, Hegel, Marx, Engels, Darwin, Freud, Einstein, Sartre… và dĩ nhiên bằng nghiệm sinh của chính tác giả. Đặc biệt « Sự rạn-nứt-khoa-học-luận do Descartes gây ra », những « mầm mống thiên tài của thế-giới-quan mới » được chứa đựng trong những luận đề về Feuerbach của Marx, công thức xuất sắc của Sartre « để biểu-đạt thể-thống-nhất giữa Thực-thể và Hư-vô xuyên qua cảm-nhận của ta về những vật-thể », sự « truy nã tiềm-thức » của Freud và quá trình « nhân-hoá thế-giới »…, những vấn này đã được tác giả phân tích sâu sắc, mỗi triết thuyết đã « được hiểu và vượt qua đúng theo lô gích nội tại của nó », được phê phán « để gạt bỏ khía cạnh hình-thức của nó nhưng vẫn giữ lại nội-dung mới mà nó đã đạt được » (xem Phần II).



Phần III chuyên bàn về những vấn đề văn hoá, nghệ thuật, văn học, ngôn ngữ. Về nhiều vấn đề cụ thể được nêu lên tác giả có những ý kiến sâu sắc.

Về đặc trưng của văn chương :

« Khi quan-hệ của một con người với đồ-vật, xuyên qua ngôn-ngữ biểu-hiện nó, chỉ lặp lại những quan-hệ xưa của con người với đồ-vật thì chỉ có chuyện tái-tạo những ý-chung, không có văn-chương. Khi, trên cơ sở đó, một cá-nhân tạo ra một quan-hệ nhân-tính mới với đồ-vật, ngôn-ngữ của người ấy trở thành văn-chương. Điều độc giả tiếp nhận, chính là quan-hệ đó. Độc giả có thể nhạy-cảm với nó vì quan-hệ đó khơi lại ở mình một nghiệm-sinh chưa thành lời của chính-mình hoặc vì nó mở ra cho mình khả-năng sống những quan-hệ mới với đồ-vật. Vì thế, độc giả không quan tâm tới đồ-vật được mô tả. Thường thường nó cũng không nhớ tới. Điều quan trọng là tác giả diễn tả như thế nào, là quan-hệ cá-biệt của tác giả với đồ-vật. Cái « thế nào » ấy, độc giả không bao giờ « tìm » được bằng cách phân-tích văn bản. Độc giả (tái) tạo nó xuyên qua quá-trình đọc của chính-mình…»

Về sự tạo cái mới trong văn chương :

« Văn-chương tạo cái mới từ cái cũ, thậm chí từ cái cổ, từ những ý-chung, ký-ức muôn đời của loài người. Nó thực-hiện điều đó bằng cách thay đổi quan-hệ hiện nay của ta với thế-giới trong hình-thái người đời đã dạy ta ý-niệm chúng. Làm như thế, nó đặt lại vấn đề đối với toàn bộ niềm-tin của những nền văn-minh. Vì nó là ngôn-ngữ nó có khả-năng tra hỏi ngôn-ngữ, tra tấn nó, biến nó thành vấn đề[3]. Nhưng nó không thể thực-hiện điều ấy nếu nó vứt bỏ khỏi ngôn-ngữ điều khiến ngôn-ngữ là ngôn-ngữ, loại bỏ ý-nghĩa của ngôn-từ và những gò bó cấu trúc của ngôn-ngữ : bỏ hết đi, chỉ còn lại những luồng âm-thanh vô nghĩa, hay một đống giấy rác. Nó thực-hiện điều ấy bằng cách xô đẩy ý-nghĩa mệt mỏi, thiếu máu, đông lạnh của ngôn-từ, xô đẩy sự trói buộc của cấu trúc câu, để tái-tạo cho chúng một nội-dung trọn vẹn. Nó chỉ có thể thực-hiện điều ấy trên cơ sở một quan-điểm khác, một cách có ý-thức hay không, về con người và thế-giới. »

Tác giả đã tăng thêm chiều sâu cho thuyết cảm nhận qua sự phân tích chiều sâu mối quan hệ giữa tác giả và độc giả, qua linh thức về sự tương đồng kỳ diệu giữa sự giao cảm nghệ thuật :

« … bất kể hình-thái, kể cả lừa dối, che dấu, ngôn-ngữ văn-chương luôn luôn phô trương con người thầm kín ở nhà văn. Đọc là ve-vuốt ngôn-ngữ ấy. Nghệ-thuật ngôn-từ là nghệ-thuật kích thích độc giả ve-vuốt áng văn để tìm sự hiện-diện của một con người ở thế-giới. Sự hiện-diện của nó ở ta. Ta không thể ve-vuốt một áng văn mà không đồng thời tự-ve-vuốt mình ở nó, đón nhận trong cái ta cá-biệt sự hiện-diện cá-biệt của tác giả ở đời. Như thế, ta hiểu vì sao có lúc ta nhận diện một nhà văn ngay khi vừa đọc tác-phẩm của người ấy : trong tác-phẩm ấy có tất cả, ý-tưởng, cảm-xúc và cách thực-hiện chúng bằng ngôn-từ. »

và sự giao cảm tình yêu :

« … Ta nói ta ve-vuốt một người đàn bà tuy bàn tay ta chỉ ve-vuốt được một bầu vú. Chính vì xuyên qua một quan-hệ vật-chất ta ý-thức rằng ta đang quan-hệ với « hai thực-thể », thực-thể vật-chất của một bầu vú và « thực-thể » sống của một người đàn bà. Xuyên qua động tác, ta ve-vuốt toàn bộ « thực-thể » sống và ta không thể làm được điều đó nếu ta không tự-ve-vuốt[4] qua nó, không hoàn toàn tan mình trong hành-động ve-vuốt của ta. […] Người đàn bà ta ve-vuốt cũng phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa ma sát ít nhiều ram ráp của một bàn tay với ve-vuốt ngộp tình-dục của người đàn ông. Hành-động ve-vuốt, một quan-hệ giữa sự-sống với sự-sống không thể tự-hiện-thực được nếu không có sự tương-tác cùng chiều-kích. Sống đổi lấy sống. »



« Tôi chẳng có dạy điều gì cả. Tôi làm người ta suy nghĩ » (Socrate). Các độc giả trẻ, đặc biệt những sinh viên mới làm quen với triết học, đọc công trình này có thể học được nhiều điều, nhất là, ở đây, những triết thuyết, những tư tưởng và khái niệm cơ bản của những triết gia cổ điển được thuyết trình với một sự minh xác hiếm có, một diễn ngôn triết học tiếng Việt khúc chiết trong đó nhiều thuật ngữ triết chưa phổ cập trong nước đã được chuyển ngữ xác đáng và, đáng chú ý hơn, có những câu văn và lời lẽ diễn đạt của tác giả khiến ta nghĩ đến giá trị văn chương của văn bản triết. Tác giả đã sống nhiều năm ở Pháp, trong công trình có những trang sự sáng sủa Pháp đạt tới độ tuyệt vời.

Nguyện vọng duy nhất của người viết bài giới thiệu này là công trình của Phan Huy Đường khơi gợi sự suy nghĩ của độc giả về những vấn đề đã được nêu lên cũng như về những điều chưa được đề cập trong cuốn sách.

Suy nghĩ và lắng nghe.

Với cách nhìn « tứ hải giai huynh đệ » tác giả lên tiếng cảnh báo « một cuộc khủng hoảng văn-minh khủng khiếp » trên toàn cầu :

« Ta đang sống trong đầu và thể-xác ta một cuộc khủng hoảng văn-minh khủng khiếp. Những mái nhà chung của con người đang tan nát dưới đòn áp đảo, đè bẹp của Thị-trường tư-bản. Ở đó, mỗi người chỉ bấp bênh đáng giá vài Đôla, Yen hay Euro. Mạnh ai nấy chạy. Những đứa thiếu ý-thức nhất kiên quyết dương cao niềm-tin vững chắc sáng lạn và ra tiền của chúng. Chúng bàn tán trong những ủy ban nho nhỏ với ngôn-từ lạ lẫm, khoa-học bí hiểm, phương-trình không ai hiểu được. Những đứa khôn khéo nhất độc chiếm media, trở thành thầy-cúng toàn cầu hoá, không thể vòng tránh, phủ-nhận được, nhưng luôn luôn có thể thay thế lẫn nhau. »

Lời kêu gọi của tác giả vượt qua mọi biên giới quốc gia, dân tộc.

« Nào cha, mẹ, anh, chị, em, bạn, đồng đội, đồng chí, công-dân – nếu những ngôn-từ đó còn có nghĩa – xin đừng cam chịu. Ta có cả một thế-giới không thể để mất. Hãy từ chối mất nó, hãy đòi tự-do trong đoàn-kết giữa người với người của thế kỷ này, ta sẽ có một thế-giới để tái-tạo, do mỗi người làm cho mọi người. Người đời xưa, người đời nay và người của mai sau. Nào những ai làm thuê – những kẻ thất nghiệp tương-lai –, những ai đang thất nghiệp, đã bị loại khỏi xã-hội ở mọi nơi, hãy đoàn-kết lại ! Nhân-cách của ta ở đó.

Hỡi người nghệ-sĩ của các thế-giới nghệ-thuật, hãy nhập cuộc ! Nghệ-thuật của bạn tùy thuộc điều ấy.

Hỡi trí thức trong mọi lĩnh-vực kiến-thức và tư-duy, hãy nổi loạn, vùng lên ! Bạn nắm ngôn-ngữ, mái nhà chung hoàn-hảo nhất của con người, ngục tù tệ hại nhất của nó. Bạn có những kiến-thức, quyền-lực, sở-hữu để mất, nhưng bạn sẽ được cả một thế-giới để chinh phục, sáng-tạo, yêu.

Hãy cùng nhau tìm lại con đường nhân, sáng-tạo lại những nghệ-thuật làm-người » (xem Lời cuối sách)





--------------------------------------------------------------------------------

[1] langue de bois chosiste.

[2] Những tội ác đó thuộc lịch-sử của nhân-loại, là một thời điểm của quá-trình nên-người hay trở thành phi-nhân của nó. Ta đã nghiệm-sinh thời điểm ấy thì ta trách-nhiệm nó, dù chỉ ở hình-thái ký-ức.

[3] Có văn-chương khi ngôn-ngữ bị đặt vấn đề. Il y a littérature quand le langage est en question. Paul Valéry.

[4] se caresser, không có nghĩa là thủ dâm !

20/2/10

Hoàng Ngọc Hiến- Tuyệt đối hoá một tư tưởng, tư tưởng khác sẽ tháo lui

Tuyệt đối hoá một tư tưởng, tư tưởng khác sẽ tháo lui
Tác giả: Hoàng Ngọc Hiến

Bài đã được xuất bản.: 20/02/2010 08:30 GMT+7


Dành đặc quyền, tuyệt đối hoá một tư tưởng (tức là vi phạm quan điểm vô ý) thì những tư tưởng khác sẽ chảy ngược trở lại, sẽ tháo lui; tư tưởng được tuyệt đối hoá sẽ trở thành độc tôn, tự nó sẽ tạo ra hệ thống cho nó, từ đó trở thành trường phái, bè phái.

Minh triết tam giáo trong văn hoá Việt

Thử bàn về "tứ vô" của Khổng Tử

Phan Bội Châu đặc biệt quan tâm đến tư tưởng "vô ngã" của Khổng Tử (xem Khổng học đăng, thượng thiên về "Luận ngữ trích lục diễn giải"). Hải Lượng (pháp danh của Ngô Thì Nhậm) trong viêc đánh giá Hàn Dũ (tự xưng là Hàn Xương Lê) lấy "tứ vô" của Khổng Tử làm chuẩn: "Đồ đệ bạch với thầy (Hải Lượng) rằng: Xương Lê đã đến bậc nhất của phù đồ chưa? Thầy đáp: Mới đến bậc ba, bậc bốn. Xương Lê cũng theo ý và tất, chẳng bằng "vô ý", "vô tất" mới thật tốt" (Ngô Thì Nhậm, "Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh").

Luận ngữ, chương IX, tiết 4 có câu: "Tử tứ tuyệt: vô ý, vô tất,vô cố, vô ngã", được Nguyễn Đức Lân dịch nghĩa là: "Phu tử có bốn điều tuyệt nhiên không mắc phải:...". Hiểu như thế nào đây "vô ý", "vô tất", "vô cố", "vô ngã"?

Tôi thiên về cách hiểu, phân tích, diễn nghĩa của François Jullien [1]. Những ý kiến được trình bày dưới đây chủ yếu được tham khảo từ công trình của F.Jullien đươc dẫn ở chú thích 2.


Vô ngã là muốn nói không có một cái ngã đặc biệt. Ảnh: amthuc.com

Vô ý không có nghĩa là không có ý kiến mà có nghĩa là: không có ý kiến nào được dành đặc quyền, được tuyệt đối hoá khiến cho ta không nhìn thấy những điều hợp lý,khả thủ của những ý kiến khác, kể cả những ý kiến đối lập.
Vô tất có nghĩa là không định trước những điều thế tất, ắt phải như thé này, ắt phải như thế kia, không áp đặt những mệnh lệnh tất phải thế này, tất phải thế kia.

Vô cố có nghĩa là không cố chấp một quan điểm nào, một lập trường nào.

Vô ngã là muốn nói không có một cái ngã đặc biệt.

Có liên quan mật thiết giữa 4 cái vô.

Dành đặc quyền, tuyệt đối hoá một tư tưởng (tức là vi phạm quan điểm vô ý) thì những tư tưởng khác sẽ chảy ngược trở lại, sẽ tháo lui; tư tưởng được tuyệt đối hoá sẽ trở thành độc tôn, tự nó sẽ tạo ra hệ thống cho nó, từ đó trở thành trường phái, bè phái. Để duy trì địa vị độc tôn, để đối phó với những tư tưởng khác, nó buộc phải định trước những sự tất yếu (không tránh khỏi phiến diện) và đưa ra những mệnh lệnh chủ quan (vi phạm quan điểm vô tất).

Tư tưởng độc tôn dẫn đến sự cố chấp trong quan điểm,lập trường(vi phạm quan điểm vô cố). Tư tưởng độc tôn,cố chấp quan điểm, lập trường cùng với những thành kiến ,định kiến cố hữu tạo ra một cái tôi (ngã) đặc biệt (moi particulier). Cái tôi đặc biệt là cái tôi khép kín trong sự phiến diện, bị định hình một cách cứng nhắc, không mở ra được đặng khai thông với những mặt khác của thực tại, của cuộc sống, của nhận thức... bao giờ cũng vô cùng sinh động và phong phú.

Vô ý, với ý nghĩa là không tuyết đối hoá một tư tưởng nào,quan tâm đúng mực mọi tư tưởng (cũng như mọi phương diện, mọi khả năng của thực tại) là một tư tưởng cơ bản trong minh triết của K.T. Quan tâm đúng mực mọi tư tưởng giống như mở ra mọi cánh cửa, thấy được mọi ngả đường. Còn như tuyệt đối hoá một tư tưởng thì giống như có một cánh cửa được mở toang ra nhưng những cánh cửa khác thì bị khép lại, có thể nhìn xa hơn, thấy rộng hơn theo một ngả đường nhưng trả giá cho lợi thế này có khi là sự mù trước những ngả đường khác.

Vô ý không có nghĩa là không có ý kiến, không có tư tưởng;quan điểm vô ý ngăn ngừa sự độc quyền hoá của một tư tưởng. Câu nói của K.T. "Quân tử chu nhi bất tỷ, tiểu nhân tỷ nhi bất chu" (Luận ngữ ,II,14) được F.J. hiểu như sau: "Người quân tử bao quát tổng thể, không thiên vị một phía nào, kẻ tiểu nhân thì ngược lại", (bản dịch của Đ.T.C: "Bực quân tử xử được với tất cả mọi người vì chẳng có lòng tư vị, kẻ tiểu nhân vì tư vị cho nên chẳng xử được với mọi người"). Trong Kinh Dịch về quẻ Càn có câu: "Kiến quần long vô thủ, cát". Dịch: Thấy bầy rồng không có đầu, tốt (6 vạch ngang liền nét đều ngăn ngắt trong hình tượng quẻ Càn được hình dung như một bầy rồng không đầu).Vương Phu Chi (1619-1692) đã bình giảng câu này theo quan điểm vô ý của K.T. Bầy rồng không đầu có nghĩa là không có con rồng nào có đầu nhô ra, thòi ra, nổi hơn những con khác.

Những con rồng được coi trọng ngang nhau, có nghĩa là những ý kiến, những tư tưởng, những phương diện khác nhau của thực tại được coi trọng ngang nhau. Như vậy cách nhìn minh triết là cách nhìn bao quát, thấy được và quan tâm mọi mặt, mọi khả năng của thực tại, không vì thiên lệch một phía mà ngoảnh lưng với những phía khác. Nhưng vô ý không có nghĩa là không dấn thân, không đứng về phía nào (trong hành động).

Người minh triết quyết định dấn thân, đứng về phía nào, chọn khả năng nào là do đòi hỏi của tình thế, chứ không xuất phát từ những giáo điều có sẵn định trước phải gạt bỏ khả năng này, phải chạy theo khả năng nọ, phải ủng hộ phía này, phải chống lại phía kia... Để làm sáng tỏ tư tưởng này tác giả dẫn câu nói của K.T.: " Quân tử chi ư thiên hạ dã, vô thích dã, vô mạc dã, nghĩa chi dữ tỷ" (Luận ngữ, IV, 10) mà Đ.T. còn dịch là: "Bực quân tử làm việc cho đời, không có việc gì mà người cố ý làm, không có việc gì người cố ý bỏ, hễ hạp nghĩa thì làm" (tôi tô đậm.H.N.H.); bình giảng câu này, F.Jullien có nêu lên một nghĩa cổ của chữ nghĩa là: đòi hỏi của tình thế và ông đã giảng hạp nghĩa là hạp với đòi hỏi của tình thế (chúng ta có thêm một cứ liệu ngôn ngữ học để hiểu chữ nghĩa của Khổng giáo).


Minh triết có nhiều phương diện,biểu hiện ở nhiều đức tính.
Ảnh: lieuquanhue.com

Như vậy, người minh triết không phải là không có chủ kiến, duy có một điều đây không phải là chủ kiến có sẵn, được định trước cho mọi khả năng, mọi tình thế, mà đây là chủ kiến được đề ra từ những đòi hỏi của tình thế (cụ thể). Có thể hiểu rõ hơn quan điểm vô ý qua lời bàn sau đây của một nho gia: "Khi cần giàu thì giàu và khi cần nghèo thì nghèo, khi cần sống thì sống và khi cần chết thì chết". Như vậy, giàu hay nghèo, sống hay chết là những khả năng được coi trọng ngang nhau, chọn khả năng nào là tuỳ theo đòi hỏi của tình thế, người minh triết không cố chấp hoặc gạt bỏ trước (a priori) bất cứ khả năng nào.
Trong Luận ngữ (XVIII, 8) K.T. có phân biệt ba loại thánh nhân. Họ đều bỏ công danh phú quý, đi ở ẩn nhưng họ có những phong độ ứng xử rất khác nhau. Loại thứ nhất như Bá Di, Thúc Tề "chẳng khuất chí mình, chẳng nhục thân mình" [bất giáng kỳ chí, bất nhục kỳ thân], không thể chê trách vào đâu cả; loại thứ hai như Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên, kém hơn, "phải khuất chí mình, phải nhục thân mình".

Tuy vậy, lời nói của họ "hợp luân lý" [ngôn trúng luân], việc làm của họ "hợp lòng mong nghĩ của dân" [hành trúng lự]; loại thứ ba như Ngu Trọng, Di Dật "ở ẩn nơi xa vắng và ăn nói rất tự do, phóng túng" [ẩn cư, phóng ngôn]nhưng "giữ mình đúng lẽ thanh khiết và biết bỏ phế đúng lẽ quyền biến" [thân trúng thanh, phế trúng quyền] (điều đáng chú ý là ngay ở loai thứ hai và loại thứ ba, trong phong độ có những chỗ có thể chê trách K.T. vẫn nhận ra ở họ sự chân chính và những phẩm giá đáng trọng, vẫn xem họ là thánh nhân). Sau khi nêu ba loại thánh nhân và không sắp mình vào một loại nào, K.T. hạ một câu: "Còn ta thì khác ở chỗ chẳng có gì là được hoặc không được" - tức là chẳng có gì là thích hợp với ta hoặc không thích hợp với ta [Ngã tắc dị ư thị vô khả, vô bất khả] (tôi tô đậm.H.N.H.).

Trong ba loại người nói trên loại thứ nhất và loại thứ hai là hai thái cực đối lập với nhau, loại thứ ba xem như nửa này, nửa kia.K.T. không thuộc về loại thứ nhất, chẳng thuộc về loại thứ hai, càng không phải là loại thứ ba. Tử có thể là loại người này cũng như có thể là loại người kia, đó là tuỳ theo tình thế. Tử không phải là người cố chấp, cũng chẳng phải là người không cố chấp. Vì chưng Tử có thể cố chấp như những người cố chấp nhất, khước từ mọi sự nhân nhượng mà cũng có thể thoả hiệp hoàn toàn với người đời, miễn sao có cơ giúp ích cho đời. Người minh triết là người "không định ra được phẩm chất" (sans qualification) với ý nghĩa là không có phẩm chất như là thuộc tính "cố hữu", "bản chất", "bất biến", mà có phảm chất này hay phẩm chất kia là do đòi hỏi của tình thế.

Ở Khổng Tử đức thời trung là đức hạnh của mọi đức hạnh

Về đức hạnh của Khổng Tử, Mạnh Tử nói: "Lúc nên (khả dĩ) làm quan thì làm quan. Lúc nên (khả dĩ) bỏ chức thì bỏ chức. Cần (khả dĩ) làm quan lâu thì làm quan lâu. Cần (khả dĩ) ra đi gấp thì ra đi gấp. Đó là cái hạnh của đức Khổng vậy" (Khả dĩ sĩ, tắc sĩ. Khả dĩ chỉ, tắc chỉ. Khả dĩ cửu tắc cửu. Khả dĩ tốc, tắc tốc. Khổng Tử dã.), (Mạnh tử,. II,A, 2).

Cái khả dĩ gắn với tình thế (cụ thể) và tình thế gắn với thời điểm (moment). Cái khả dĩ (possible) đồng thời là cái chính đáng (légitime) vì phù hợp với tình thế (cụ thể) và thời điểm, tức là phù hợp với thời và thế. Tiêu chuẩn của tính chính đáng cũng như của những phẩm chất đạo đức khác gắn một cách nội tại với tình thế và hoàn cảnh cụ thể. Cái chính đáng (vốn gắn với tình thế cụ thể) được đề lên thành quy tắc khái quát chung cho mọi tình thế không tránh khỏi trở thành vũ đoán. Đã đành người minh triết không chấp nhận những tư tưởng cá biệt quá (gắn với cái ngã đặc biệt) mà những tư tưởng khái quát quá cũng không tin vì loại tư tưởng này không tính đến đặc điểm của mỗi thời, sự khác biệt giữa những thời khác nhau.

Minh triết có nhiều phương diện, biểu hiện ở nhiều đức tính. Có người là bậc thánh về phương diện này, có người là bậc thánh về phương diện nọ... Như nhận định của Mạnh Tử "ông Bá Di là bực Thánh có dức thanh khiết (Bá Di thánh chi thanh giả giã), ông Y Doãn là bậc thánh có đức trọng nhiệm (YDoãn thánh chi nhiệm giả giã), ông Huệ xứ Liễu là bậc thánh có dức ôn hoà (Liễu Hạ Huệ thánh chi hoà giả giã). Đức Khổng tử có đức thời trung (Khổng tử thánh chi thì giả giã "(tôi tô đậm.H.N.H.)". (Mạnh tử,V,B,1).Đức thời trung (chữ của Đoàn Trung Còn) là cái đức tuỳ theo thời và thế mà thanh khiết như Bá Di hoặc trọng nhiệm như Y Doãn hoặc ôn hoà như Liễu Hạ Huệ... Như vậy K.T. không phải là sự hiện thân của một nét "nhất thành bất biến" nào của minh triết mà tuỳ thời, tuỳ tình thế (cụ thể) K.T. thực hành phương diện này hay phương diện nọ của minh triết. Nhấn mạnh sự tập đại thành nhiều đức tính ở Khổng tử có thể che lấp đức thời trung ở Tử. Kết luận rằng Khổng Tử có đủ mọi đức tính không quan trọng bằng nhận định Khổng Tử đúng thời, đúng lúc (thời trung) thực hiện đức tính này hay đức tính nọ. Ở Khổng Tử đức thời trung là đức hạnh của mọi đức hạnh.

Tuỳ thời thế chọn khả năng

Bản thể là một khái niệm cơ bản của triết học phương Tây. Minh triết phương Đông không phải không biết đến bản thể nhưng mối quan tâm chủ yếu của minh triết là quá trình. Trung dung là tâm pháp để đièu tiết các quá trình.Mỗi quá trình trong sự tự tại của nó có sự tự điều tiết. Trung dung là sự gia công vào sự tự điều tiết này và phải dựa vào nó. Ý kiến của Mạnh Tử phê phán thái độ chấp trung, thái độ chấp nhất hết sức quan trọng để hiểu tinh thần của trung dung.

Mạnh Tử nói rằng: "Dương Tử giữ lấy chủ nghĩa vị ngã, tức là chủ nghĩa của kẻ chỉ chuyên lo cho mình mà thôi. Dẫu nhổ một mảy lông trên mình mà lợi ích cho cả thiên hạ ông cũng chẳng chịu làm.

Mặc Tử thi hành chủ nghĩa kiêm ái, thương tất cả mọi người như mình. Dẫu mòn nát tấm thân từ đỉnh dầu cho chí gót chân, mà có lợi ích cho cả thiên hạ, ông ấy cũng vui lòng hy sinh.

Tử Mạc bảo thủ chủ nghĩa chấp trung, cốt giữ cho vừa vặn phần mình và phần người. Chủ nghĩa chấp trung gần với dạo lý. Nhưng nếu chấp trung mà chẳng biết quyền biến, chẳng biết tuỳ nghi mà hành động cho hợp thời, như vậy cũng như chấp nhất, tức là khư khư câu nệ một bề vậy thôi. Ta sở dĩ chán ghét kẻ chấp nhất, là vì kẻ ấy cố giữ ý kiến làm hại đạo lý. Kẻ cử động theo một bề thì bỏ hỏng cả trăm bề" [H.N.H.tô đậm] (Mạnh tử. VII, A.26).

Như vậy chấp trung là đứng ở giữa hai thái cực đối nghịch (vị ngã cực đoan và kiêm ái tột độ). Hiểu như vậy, chủ nghĩa chấp trung gần với quan niệm của Aristote về đạo đức: đức hạnh là trung độ đúng mực (juste milieu) ở giữa hai tính trái ngược, giữa sự bất cập và sự thái quá, chẳng hạn như can đảm là trung độ đúng mực (juste milieu) giữa sự nhút nhát (bất cập) và sự táo tợn (thái quá). Mạnh Tử không chê trách chủ nghĩa chấp trung ("...chấp trung gần với đạo lý").

Tuy nhiên nếu như chấp trung chỉ thiên về giữ trung độ cho đúng mực, loại trừ bất kỳ sự thái quá nào thì như vậy là trái với tinh thần của trung dung. Bởi vì trung dung không có nghĩa là nửa vời, lưng chừng, không nóng không lạnh... Trung dung có khi đòi hỏi sự nỗ lực, sự hy sinh cao nhất, chấp nhận những nỗi đau lớn và những niềm vui tràn trề... Thông thường trung dung là mức độ trong sự nghiêm khắc nhưng cũng có khi trung dung cho phép một sự nghiêm khắc tột độ, nghiêm khắc đến mức tàn nhẫn. Không chê trách thái độ chấp trung, MạnhTử bài bác gay gắt thái độ chấp nhất: Sở ố chấp nhất giả, vị kỳ tặc đạo giã (Ta sở dĩ chán ghét kẻ chấp nhất, là vì kẻ ấy cố giữ ý kiến thiên lệch làm hại đạo lý). Chấp nhất là "chấp trung mà chẳng biết quyền biến, chẳng biết tuỳ nghi mà hành động cho hợp thời", là "khư khư câu nệ một bề vậy thôi".

Như vậy chấp nhất là khư khư bám lấy một trung điểm, không dám chênh về phía này hoặc lệch về phía kia, có nghĩa là trong xử sự chỉ tính đến một khả năng,tự trói mình vào một khả năng.Và như vậy, nói như Mạnh Tử,là "cử động theo một bề (một khả năng)"mà "bỏ hỏng cả trăm bề (trăm khả năng)". Theo đúng tinh thần của Khổng - Mạnh, trung dung là đứng giữa (chứ không phải là khư khư bám lấy một trung điểm) và tự dành cho mình quyền tính đến và lựa chọn trong cả trăm khả năng, kể cả quyền đi tới cùng phía thái cực này hoặc phía thái cực kia. Lựa chọn khả năng nào là tuỳ theo thời và thế.

Mời độc giả đón đọc tiếp kỳ cuối.


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Xem F.Jullien , "Minh triết phương Đông và Triết học phương Tây", bản dịch của Nguyên Ngọc, bài "Thay lời giới thiệu" của Hoàng Ngọc Hiến , N.x.b. Đà Nẵng, 2003
Trang chủ | Sự kiện nóng | Nhân vật trong ngày | Thông tin đa chiều | Tư liệu & suy ngẫm | Thế giới truyền thông | Nghe xem đọc | Harvard'S | Trực tuyến | Người quan sát | Thư Thăng Long | Giới thiệu | RSS | Trợ giúp
© TUANVIETNAM.NET

8/2/10

Hoàng Ngọc Hiến : VẤN ĐỀ CỦA THƠ ĐƯỢC KIẾN GIẢI SÂU SẮC

VẤN ĐỀ CỦA THƠ ĐƯỢC KIẾN GIẢI SÂU SẮC

Hoàng Ngọc Hiến

Tôi yên tâm giở đọc từng trang cuốn sách của Nguyễn Đức Tùng: người phỏng vấn những nhà thơ là người có hiểu thế nào là ngôn ngữ thơ và thế giới thơ.

Cho đến nay tôi quan tâm đến thơ của Nguyễn Đức Tùng hơn phê bình văn học của anh. Bài “Chiến thắng” là bài gần đây nhất anh gửi cho tôi. Bài thơ vẻn vẹn 19 chữ. 2 câu “thất” ngắt dòng kiểu thơ Maia và một câu 5 chữ:

Phá xong giặc Ân/ Đông Ki Sốt/ Phóng mình lên ngựa sắt/ Dông tuốt/ Không ở lại dự tiệc

Nguyễn Đức Tùng hiểu thế nào là tính hàm súc của ngôn ngữ thơ, không chỉ ở sự kiệm lời mà trước hết ở sự nén lại những tư tưởng (tôi liên tưởng đến câu thơ của Berthold Brecht): với 19 chữ được khơi gợi những suy tưởng về 3 chủ đề đáng để chúng ta suy nghĩ: “chiến thắng”, “người chiến thắng”, “bàn tiệc chiến thắng.”

Tác giả lại dùng câu thơ hàm súc để tạo ra sự mênh mang của thế giới thơ: “huyền thoại Đông” và “huyền thoại Tây”, “huyền thoại dân gian” và “huyền thoại bác học”, “ước mơ” cao vời vợi và “phê phán” ôn tồn, nghiêm trang cuộc sống trần tục…(theo lời bình của Đỗ Quyên)

Có lẽ nhà thơ Pháp Mallarmé (1842-1898) là người đầu tiên dặt ra vấn đề: làm thơ bằng ” chữ” hay bằng “ý tưởng”? Theo cách quan niệm thông thường, đặc biệt ở những thời “tư tưởng là thống soái”, thì không thể khác được, làm thơ là bằng những ý tưởng. Nhiều nhà thơ đã lên tiếng cãi lại. “Ngôn từ là tướng của đạo quân sức mạnh con người” (Mayakovsky).Quan điểm của Mallarmé: làm thơ “bằng những chữ chứ không phải bằng những ý tưởng”.

Một cuộc cách mạng trong thi ca. Thơ hiện đại ngoài sự gắn bó với ngữ nghĩa những cảm xúc và tâm hồn như thơ truyền thống (không có sự đoạn tuyệt đâu!) còn có sự thể nghiệm bản thân ngôn ngữ. Có lẽ Lê Đạt đã xuất phát từ quan điểm của Mallarmé để định nghĩa nhà thơ là “phu chữ”.

Tôi thiên về quan điểm của Mallarmé. Suy nghĩ của tôi hết sức đơn giản: cái đầu của Lênin là một kho tàng tư tưởng nhưng ông không làm nổi một nửa câu thơ. Nhưng tôi vẫn phân vân chưa hình dung được thế nào là “làm thơ bằng những chữ”. Có lần nghe tôi trình bày quan điểm của Mallarmé và Lê Đạt về thơ, nhà văn Tô Hoài buông một câu: “Nhất định là làm thơ bằng “chữ” rồi , ai lại làm thơ bằng “tư tưởng”, nhưng vấn đề là anh “sống” những con “chữ” như thế nào!” Ý kiến có vẻ như bâng quơ của Tô Hoài hé mở cho tôi một hướng để hiểu quan niệm của Mallarmé. Và hướng này đã được soi tỏ trong công trình của Nguyễn Đức Tùng:

* “…phải sống với chữ nghĩa như ăn uống, như khí trời. Lâu rồi nó thành ra của mình, chỉ chờ dịp là bộc lộ” (tr.47, dẫn từ một câu trả lời phỏng vấn của Hoàng Cầm). Đúng là “làm thơ bằng những con chữ”, nhưng phải hiểu cho đúng thế nào là “chữ” của nhà thơ. “Chữ” trong vốn văn hoá của nhà thơ không giống như những đồng xu trong túi. Có món phải tiêu chỉ cần mòc túi lấy ra những đồng xu. Còn đưa những con chữ vào thơ, nhà thơ nhất thiết phải “sống” chúng.

* Đồng xu chỉ là đồng xu, nhưng “con chữ” của nhà thơ nó có hồn, có vía. “Hồn vía những con chữ ở linh thức, cửa tử sinh của chữ Tâm, Nguyễn Du bảo: Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài, và chữ Tài lại liền với chữ tai một vần. Ỷ vào tài hoa kiểu thuần hình thức có thể thành công trong ghép chữ (như cái trò scrabble) nhưng lại giết thơ đấy” (tr. 77, lời của Nam Dao).

Trong những bài phỏng vấn nhiều vấn đề quan trọng khác của thơ đã được nêu lên với những kiến giải sâu sắc: thơ không vần, thơ tự do, thơ “trình diễn”, thơ tân hình thức, thơ hiên đại “có dáng dấp cổ điển”… Có những nhà thơ được phỏng vấn đề cập những vấn đề này ở một tầm lý thuyết rất cao.

Có lẽ vấn đề được công chúng thơ trong và ngoài nước quan tâm hơn cả là: hiện tình của thơ Việt. Phải chăng thơ Việt đương xuống cấp? Phải chăng nói đến việc “xả rác” hiện nay ở các nhà xuất bản, Nguyễn Khoa Điềm không loại trừ những ấn phẩm thơ?

Có những nguyên nhân được phơi bày không phải để dè bỉu, để mạt sát mà biểu lộ những thao thức, lo lắng chân thành của những nhà thơ. Tiêu biểu là những ý kiến của Nam Dao.

* “Cứ mỗi lần nói về hình thức và nội dung, tôi có cảm tưởng chúng ta tách bạch chúng như những phạm trù khác biệt có chút tính đối kháng (cái thói quen tư duy nhị nguyên Tây phương du nhập mà!). Cặp hình thức-nội dung theo tôi thì là một quan hệ sinh hoá rất biện chứng. Chính vì thế mà khi nhấn mạnh quá nhiều đến hình thức, ta có xu hướng hạ thấp nội dung, rồi triệt tiêu luôn cả ngữ nghĩa.

Từ đó, ta toàn thơ nhan sắc, thơ rỗng ngực với cái xuchiêng nylon hiệu wonderbra, thơ tô son bôi mắt, thơ lắp chữ làm dáng, thơ tối nghĩa hơn đêm ba mươi mượn hơi ẩn dụ, thơ đĩ thoã, thơ văng tục…

Nói chung , đó là những loại thơ vô hồn và cô hồn có thời gian nhiều đến nỗi không còn ai muốn đọc trừ người viết và một nhúm thân hữu, dĩ nhiên. Thơ cứ thế xuống cấp và tạo ra hiện tượng dị ứng thơ là một nguy cơ văn hoá. Bởi nói cho cùng, văn học Việt Nam ta nếu có một chút gì để tự hào thí là thơ, ở đúng nghĩa của thơ, và nhất định phải là thơ hay…”(tr.74-75)

* “…Nhan nhản trong thơ đăng báo, đọc qua không xúc động khiến phải tự hỏi mình,ơ kìa, có phải chính ta là kẻ đã khô cằn trước cái chết, sự sống, tình yêu ,niềm hy vọng… hay là thơ giả hình, sáo rỗng, đỏm dáng đã giết cho bằng hết cái rung cảm của lòng ta?…” (tr.75)

Với cách nhìn hết sức tỉnh táo và những nỗi lo trĩu lòng Nam Dao không hề bi quan:

“…Còn thành bại của một dân tộc? Phải về những vùng xâu vùng xa mới thấy cái gốc của những con người Việt Nam, dẻo dai và biết thích ứng nhưng vẫn giữ được mình. Sống giữa hai nền văn minh khổng lồ là Hoa và Ấn mà còn là người Việt, muốn tiếp tục là người Việt, không phải là lẽ dĩ nhiên đâu. Thành bại của một dân tộc là văn hoá của dân tộc đó. Hiện nay có những điều đáng buồn, đáng lo. Nhưng dăm ba chục năm trong lịch sử một dân tộc không dài hơn tiếng muỗi vo ve bên tai.

Tôi không bi quan, và xắn tay nặn óc làm những gì tôi làm được để góp tay vun trồng cái nền văn hoá đó.” (tr.89). Tôi là người vốn bi quan về tình hình văn hoá hiện nay. Bỗng thấy Nam Dao xem “dăm ba chục năm trong lịch sử… không dài hơn tiếng muỗi vo ve bên tai” cảm thấy trong người nhẹ nhõm hẳn đi…. hoá ra Nam Dao cũng ngộ ra được nhiều điều.

Một điểm sáng trong tác phẩm của Nguyễn đức Tùng là tinh thần lạc quan “xắn tay” “góp tay” vun trồng nền văn hoá của dân tộc là cảm hứng chủ dạo của toàn bộ công trình.

Những nhà thơ lên tiếng trong tập sách này là những cá tính khác nhau, những quan điểm thẩm mỹ, chính trị rất khác nhau, nhưng những nỗi lo của họ, những nghĩ ngợi của họ, những ước mơ và kỳ vọng của họ hướng về một tổ quốc chung: đó là tiếng Việt, thơ Việt, văn hoá dân tộc Việt…


(*) Nguyễn Đức Tùng, “Thơ đến từ đâu?”. NXB Lao động. 2009. Số trang được dẫn trong bài là từ cuốn sách này.