Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhật ký Sài Gòn 1975. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhật ký Sài Gòn 1975. Hiển thị tất cả bài đăng

14/12/08

Walter Skrobanek: Nhật ký Sài Gòn 1975

talawas chủ nhật
Tác giả / Dịch giả Nghe tác phẩm Ban biên tập

Bài mới nhất
Tác phẩm dịch Walter Skrobanek Đinh Bá Anh dịch Nhật ký Sài Gòn 1975

Walter SkrobanekNhật ký Sài Gòn 1975

Walter Skrobanek
Walter Skrobanek (1941-2006)

Tháng Tư năm 1975, Walter Skrobanek, Giám đốc một tổ chức cứu trợ trẻ em ở Sài Gòn, đã quan sát và ghi chép tỉ mỉ các sự kiện diễn ra quanh ông. Nhật ký của Skrobanek, bắt đầu từ ngày 28 tháng Tư năm 1975, được viết với dự cảm chắc chắn rằng lịch sử đang được xác lập và diễn ra quanh mình. Cuốn nhật ký cho thấy: (i) Năng lực quan sát sắc bén và không thể bị mua chuộc của một nhà báo; (ii) Tinh thần trách nhiệm của một người lãnh đạo với công việc và với các đồng nghiệp Việt Nam cũng như quyết tâm trong việc đưa tổ chức cứu trợ trẻ em terres des hommes trở lại hoạt động trong hoàn cảnh mới; (iii) Sự thử thách của các quan điểm chính trị cánh tả của tác giả khi cọ xát với thực tế chính trị mới của Việt Nam.

Nhật ký của Skrobanek dừng lại ngày 9 tháng Mười Hai năm 1975. Cuối năm đó, Skrobanek rời khỏi Việt Nam. Cuốn nhật ký được ông giữ cẩn thận, nhưng gần như bị bỏ quên, cho đến năm 2006, khi đã về hưu, ông mới có dịp lật lại. Cơn bạo bệnh và cái chết bất ngờ vào cuối hè 2006 đã khiến Skrobanek không thể hoàn thành việc biên soạn lại cuốn nhật ký của mình. Ông đã không thực hiện được dự định đối chiếu những quan điểm của ông sau này với những quan sát và cảm nhận của ông năm 1975 ở Sài Gòn. Trong sự dở dang của nó, nhật ký Skrobanek được ủy thác lại cho những người có trách nhiệm xuất bản, trong đó có Viện Goethe Việt Nam, như một tài liệu lịch sử, ghi chép lại một giai đoạn có tính bản lề của lịch sử Việt Nam.

Goethe-Institut Vietnam

Walter Skrobanek
Nhật ký Sài Gòn 1975
(trích)
Đinh Bá Anh dịch



Sài Gòn 28.4.1975
Cuộc sống vẫn tiếp diễn

Từ Chủ nhật hôm qua, Sài Gòn bị cắt đứt với thế giới bên ngoài. Vào cái giờ lặng lẽ buổi tối này – đài phát thanh Hoa Kỳ vẫn còn phát những bản nhạc mùi mẫn – tôi đánh bạo gửi cho các bạn vài dòng, để các bạn biết rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn.

…………………………

Sau đó mới rõ rằng đã không hề có truyền hình trực tiếp. Lúc này Tổng thống, Thượng viện và Hạ viện đã rời khỏi Dinh Độc Lập. Nếu không họ đã phải lãnh đủ vì ăn bom của nhóm liên minh chống lại việc bổ nhiệm một vị tổng thống trung lập.

Nhiều đồng nghiệp, bạn hữu và trẻ em ùa vào Trung tâm [terre des hommes]. Cửa được chốt lại. Sự hoảng loạn giảm dần khi có tin Mặt trận Giải phóng không có kế hoạch tấn công Sài Gòn bằng pháo kích. Họ dừng lại trước Sài Gòn 3 ki-lô-mét và đang chờ người đại diện đàm phán. Mọi người đều hy vọng tướng Minh sẽ trở thành vị đại diện này. Tôi lái xe về nhà, giữ liên lạc cả ngày lẫn đêm với Trung tâm qua điện thoại, mà Trung tâm thì cũng vậy, lúc nào cũng có người trực điện thoại cả ngày lẫn đêm.


29.4.1975
Những giờ cuối cùng của chế độ cũ

Hôm nay là một ngày nghỉ bất thường và thê thảm, bởi vì lệnh giới nghiêm được kéo dài thay vì chỉ 24 tiếng như đã thông báo. Nhưng vì lệnh giới nghiêm không được thực hiện nghiêm chỉnh, nên bất kì ai cũng có thể ra vào Trung tâm nếu muốn hoặc có việc.

Đêm không ai ngủ được. Máy bay trinh sát và trực thăng vần vũ liên tục trên thành phố. Tôi ngồi trong bóng tối ban công và nhìn lên bầu trời thoáng gợn mây, nơi mảnh trăng gợn khuất như đang lo âu nhìn xuống khung cảnh thành phố dưới này. Cố ngủ lần muộn nhưng không được. 3 rưỡi sáng, những tiếng đại bác hạng nặng lôi bật chúng tôi dậy. Phi trường lại bốc cháy.

…………………………

Giọng nói buồn thảm của họa sĩ Thái Tuấn mới điện thoại cho tôi vẫn còn vọng bên tai. Vợ và mấy đứa con của anh vừa được di tản cùng một tổ chức xã hội. Anh và mấy đứa còn lại sẽ đi sau. Nhưng đã quá muộn rồi. Anh sợ. Nghe giọng thì có vẻ như anh đã uống nhiều. Tiếng pháo kích cầm canh 20 giây một.


1.5.1975
Cờ của Mặt trận Giải phóng trên Dinh Độc Lập

…………………………

Khi tin chiến tranh kết thúc loan qua đài phát thanh, hầu hết mọi người đều mừng rỡ. Sự căng thẳng biến mất và người ta ôm chầm lấy nhau. Ở Trung tâm, mọi khuôn mặt cũng đều rạng ngời lên. Ngay cả những người khi trước vốn luôn tỏ ra sợ hãi một chính quyền cộng sản giờ đây cũng đã sẵn sàng chấp nhận rằng họ cũng sẽ sống được trong chính quyền mới. Nhưng tôi vẫn cảnh báo mọi người ở Trung tâm: Chiến sự vẫn chưa kết thúc! Ai đó đã nói rằng những cơn điên rồ lớn nhất sẽ là những cái chết cuối cùng của một cuộc chiến. Mà hẳn còn nhiều sự điên rồ nữa. Tôi vẫn chưa quên cuộc tấn công bằng máy bay vào phi trường của tướng Kỳ. Thực tế vẫn liên tục nghe thấy tiếng pháo kích, đại bác và súng máy. Chế độ cũ đang giẫy chết, chứ chưa chết hẳn. Qua khe cửa của Trung tâm có thể nhìn thấy hàng đám người tràn vào một hộp đêm của Mỹ ở gần đấy và khuân đi tất cả những gì có thể khuân được – thậm chí cả dầm nhà họ cũng vác đi luôn. Tôi nghĩ đến việc những người bị tước đoạt giờ đây đang lấy lại những gì họ bị bóc lột. Nhưng cách thức thì quả là thô thiển. Ai cướp phá dữ dằn nhất thì được phần nhiều nhất. Cả Tổng thống Minh lẫn Chính quyền Cách mạng đều cấm ngặt việc hôi của. Nhưng đến lúc này cả hai lực lượng đều chưa ai có thể kiểm soát tình hình. Ngoài đường tôi nhìn thấy những người khiêng cả giường bệnh đi dọc Đường Cách Mạng. Sau đó tôi mới biết rằng, Bệnh viện Cơ đốc, nguyên là một quân y viện của Mỹ ở Sài Gòn, đã bị cướp bóc và phá hoại thê thảm trong vòng vài tiếng đồng hồ. Sau khi các bác sĩ và những người quản lý nhà thương di tản bằng máy bay trực thăng, chỉ vài phút trước khi chiến tranh kết thúc, bệnh viện đã trở thành vô chủ. Việc bàn giao lại cho phía Việt Nam đã không được chuẩn bị cẩn thận.

…………………………

Chúng tôi về nhà. Lệnh giới nghiêm vẫn còn hiệu lực, nhưng chỉ từ 6 giờ tối tới 6 giờ sáng. Tối đó chúng tôi bận bịu tuân theo lệnh treo cờ trước trụ sở, như là cử chỉ bày tỏ lòng trung thành với chế độ mới. Một đêm ngủ dài không tiếng súng đã đưa chúng tôi đến ngày mùng 1 tháng Năm, ngày đầu tiên dưới chế độ của Chính phủ Cách mạng miền Nam Việt Nam.



2.5.1975
Sau niềm vui ban đầu là nỗi lo âu về tương lai

…………………………

Sau niềm vui hòa bình lập lại, giờ đây tâm trạng người dân đã xen vào những nỗi lo âu. Tin đồn lan truyền khắp thành phố. Có tin về những vụ hành quyết, nghe nói diễn ra trước Dinh Độc Lập, dù chưa ai xác minh được. Nhưng đã có các cuộc họp diễn ra ở các tổ dân phố nhỏ, nơi người ta tiến hành giáo dục chính trị, còn dân chúng thì được khuyên dậy từ 5 giờ sáng để tập thể dục và tham gia vào công việc cộng đồng, ví dụ như việc tổ chức dọn rác tập thể.


6.5.1975
Sài Gòn không có chính quyền rõ ràng

…………………………

Có gì đó hơi thất vọng khi người ta đã làm cách mạng thành công, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có gì cụ thể diễn ra hết. Mọi việc cứ trôi đi như thể không hề có một chính quyền trung ương. Cuộc sống cũ vẫn tiếp diễn theo một cách nào đó, dù dưới những điều kiện khó khăn hơn. Cái chợ đen ở con hẻm trước Trung tâm bùng phát mạnh tới mức hôm nay chúng tôi đã không thể cho xe đi qua được. Giá xăng tăng đến mức vô tận vì không còn nguồn cung nữa. Cũng tương tự như thế với bánh mì và các loại thực phẩm khác. Việc hôi của vẫn xảy ra như trước. Nếu ngẫu nhiên người của Mặt trận Giải phóng tóm được ai đó, lập tức sẽ xử bắn tại chỗ. Maria kể rằng, theo cách này, một cậu bé 15 tuổi đã bị bắn chết ngay tại chỗ và người ta đã treo xác cậu lên một cột điện để cảnh cáo. Khi mẹ cậu xin gỡ xác con xuống để chôn cất thì đã bị các lực lượng cách mạng cản lại. Cái xác vẫn treo đó mấy ngày nay.

…………………………

Chúng tôi đã ở lại chào đón chế độ mới với kỳ vọng lớn và biết bao hy vọng, cho dù có phải chịu rủi ro bị ném bom xuống Sài Gòn. Nếu bây giờ những hy vọng và những kỳ vọng này không được thỏa mãn thì quả là đau lòng, và là một xác nhận đáng tiếc cho những gì mà những kẻ phản động đã từng rêu rao.

…………………………


11.5.1975
Tình trạng suy đồi, vô chính phủ và tuyên truyền

Hôm nay tôi mới dám thực hiện chuyến đi dạo đầu tiên qua đại lộ chính của Sài Gòn, từ Khách sạn Continental tới Chợ Bến Thành – các nhà báo cứng cỏi hơn đã làm thế từ lâu. Tất cả đã trở lại như trước đây. Các sạp bán hàng dọc đường phố còn mọc ra nhiều hơn vì không còn cảnh sát đi dẹp nữa. Ngoài những phế phẩm của văn hóa Mỹ - những thứ cũng hấp dẫn bộ đội miền Bắc mua sắm chẳng kém, chế độ mới cũng làm cho hàng hóa phong phú thêm với huy hiệu Mặt trận Giải phóng và cờ miền Bắc Việt Nam.

…………………………

Bộ đội miền Bắc có vẻ như choáng ngợp trước hàng hóa miền Nam, mà trong đó có nhiều thứ đến từ những ngôi nhà bị hôi của. Sự phi lý của tình trạng hiện nay đang hiện ra quá rõ. Những kẻ hôi của thì bị các nhà cách mạng bắn chết, nhưng chính các nhà cách mạng lại mua những hàng hóa hôi được. Các nhà cách mạng đóng cửa hộp đêm, song chính họ lại đi lại với gái điếm. Hồ Chí Minh hẳn phải dựng mồ đứng dậy, nếu như cụ biết rằng những người lính của cụ đang đi lại với đám gái điếm chỉ cách đây mấy tuần còn đi lại với lính Mỹ.


19.5.1975
Lễ mừng sinh nhật Hồ Chí Minh

Những hoạt động mừng sinh nhật lần thứ 85 của Hồ Chí Minh diễn ra có gây chút thất vọng, khi mà trước đó đã có tin đồn thi hài của “Bác" sẽ được rước vào Sài Gòn. Không một ai thực sự hiểu điều gì đang diễn ra. Thậm chí cũng không rõ ngày thứ Hai hôm nay, 19 tháng Năm, có phải là một ngày lễ chính thức không. Có vẻ năng lượng của các nhà cách mạng đã cạn đi phần nào sau các hoạt động mừng chiến thắng hôm thứ Năm tuần trước. Trước Dinh Độc Lập lúc nào cũng có những đám đông người, và cũng có một số cuộc tuần hành của sinh viên, nhưng chẳng có gì có kế hoạch diễn ra cả. Nhiều người khác nhau cho rằng đã có một kế hoạch, chỉ có điều còn trùng trình mà thôi. Nhưng chẳng có gì diễn ra giống thế cả.

…………………………

Trên thực tế Hồ Chí Minh đích thực là vị anh hùng của cả dân tộc Việt Nam, không phụ thuộc vào các khuynh hướng chính trị. Một vị anh hùng dân tộc mà việc thể hiện lòng kính trọng với ông không gây ra xung đột lương tâm ở bất kỳ người Việt Nam nào. Đối với tôi cũng vậy. Nếu giả thử như trước đây tôi bị buộc phải treo hình Tổng thống Thiệu, có lẽ tôi đã rời bỏ đất nước này và xin thôi việc ở terre des hommes. Nhưng từ nhiều ngày nay, hình của Hồ Chí Minh được treo trong trụ sở của chúng tôi mà chẳng cần ai yêu cầu cả.


31.5.1975
Sài Gòn – Từ một hòn ngọc tàn tạ trở thành một làng quê

Từ một thành phố Sài Gòn 3 triệu dân, có thời được coi là hòn ngọc Viễn đông, sau đó là một thành phố tuy sôi động nhưng tàn tạ và không bản sắc, giờ đây, sau Giải phóng đã trở thành một cái gì đó giống như một xứ nhà quê. Do giá xăng dầu lên cao, vấn đề tắc đường đã tự giải quyết. Hình ảnh đường phố gợi nhớ tới những thước phim về Hà Nội. Chủ yếu là xe đạp, ít xe máy và chỉ thi thoảng mới thấy ô tô. Sài Gòn trở nên yên ắng, và người đi bộ thì không còn sợ vì hít sặc phải khí thải


1.7.1975
Hai tháng sau giải phóng

Tháng thứ hai đã trôi qua kể từ khi Mặt trận Giải phóng tiếp quản Sài Gòn. Nhiều thứ đã trở thành chuyện bình thường, cho dù mới đó ít lâu là chuyện không thể tin được. Hình ảnh thành phố ngự trị bởi bộ đội miền Bắc với quân phục màu xanh và các chiến sĩ của Mặt trận Giải phóng. Hầu hết những người này không sở hữu gì khác ngoài bộ quân phục và vũ khí. Nhưng vũ khí mạnh nhất của họ là niềm xác tín rằng họ đã chiến đấu vì lẽ phải. Với chút ngỡ ngàng, họ phải thừa nhận rằng chính họ cũng khó lòng cưỡng lại sự cám dỗ và của cải vật chất của thành phố Sài Gòn. Họ cũng lượn tới lượn lui các chợ như dân Sài Gòn. Một chợ bán đồng hồ đeo tay đã hình thành từ khi người ta biết bộ đội thích đồng hồ. Món hàng hấp dẫn thứ hai là đài bán dẫn. Có những chiến sĩ giải phóng giờ cảm thấy tự hào khi mua được một cái đài đĩa hiệu Akai ở chợ đen. Bộ đội cũng tràn ngập các phường, khóm. Họ tạo thành lực lượng chính kiểm soát các khu dân cư, vì các lực lượng dân sự đã trở nên chẳng còn ý nghĩa gì cả.

…………………………

Diện mạo người Sài Gòn cũng chỉ mới thay đổi rất ít. Thực ra người ta cũng nghe nói Hội Thanh niên, Học sinh và Sinh viên của Mặt trận Giải phóng kéo dài váy của một số cô gái mặc mini-jup và có đưa ra một số quy định về ăn mặc, như chiều rộng của quần khi mặc áo dài, tuy vậy mốt khoét eo áo dài từ chế độ cũ vẫn còn phổ biến. Chỉ có ít người theo mốt mới: áo bà ba đen và giày cao su làm từ lốp ô tô (đã xuất hiện cả loại cho trẻ em). Cũng có lời khuyên không nên mặc theo mốt mới vì các lực lượng chống cộng vẫn hoạt động.

Sự kỳ vọng vào cách mạng đã mệt mỏi phần nào. Những lá cờ của miền Bắc và của Mặt trận Giải phóng, những lá cờ mà người ta phải treo ra trong những ngày đầu tiên, thì vẫn còn đây – nhưng đã bị nắng gió làm cho bạc đi, có những cái đã gần như trắng bệch. Những lá cờ màu đỏ của Trung Quốc thì đã biến đi êm thấm từ lâu, bởi vì với chính quyền cách mạng – và với cả thiểu số người Hoa nữa – thì Việt Nam phải là Việt Nam. Nhưng con số các trụ sở hành chính thì tăng đáng kể. Càng ngày càng xuất hiện nhiều biển chỉ trụ sở hành chính ở các phường, khóm.

Về nhật báo, Sài Gòn bấy nay chỉ có một tờ duy nhất: Sài Gòn Giải phóng. Ngoài ra cũng có báo Quân đội Nhân dân và báo Nhân dân từ Hà Nội. Nhưng chỉ có vài điểm bán nhất định là có báo từ miền Bắc. Thời gian qua đài phát thanh được mở rộng phát trên nhiều tần sóng khác nhau. Nhưng chúng tôi ít nghe thấy nhạc radio từ các nhà hàng xóm. Ầm ĩ nhất là tiếng rè rè của loa phát thanh từ trụ sở phường mỗi khi có dịp gì đó, ra thông báo hoặc chỉ thị mới, dạy hát hay giảng chính trị trước đám đông. Các giờ giảng chính trị này thường có phần dành cho việc ăn năn hối hận về quá khứ của những người dân trong phường. Chị bếp của chúng tôi tự hối lỗi về việc trước đây đã làm việc cho người Mỹ. Cán bộ cách mạng khuyên chị hãy quên tất cả nghệ thuật nấu ăn của người Mỹ đi. Chị thấy rằng bộ đội không biết việc, nghĩa là họ làm việc mà không có kế hoạch và phương pháp gì hết. Đây là sự hiểu lầm, bởi rốt cuộc tất cả các ý định đều được thực hiện như có sự dẫn dắt của một bàn tay bí mật nào đó. Hôm qua có thông báo về việc tiêm chủng lần hai sẽ được tiến hành ở khóm chúng tôi – tuy hơi muộn, nhưng vẫn còn kịp. Buổi tối, bộ đội hỏi chúng tôi có thể cho họ sử dụng một số phòng được không, vì hiện tại nhà y tế khóm 4 được dùng chứa pháo. Tất nhiên chúng tôi đồng ý. Trong buổi tiêm chủng hôm nay chúng tôi còn được nhận thêm một mũi phòng bệnh hạch. Số người đến tiêm ít quá nên ngày mai sẽ phải làm tiếp.


10.8.75
Tham nhũng tăng

Đến nay tôi vẫn không muốn tin. Nhưng càng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự tham nhũng trước đây vẫn tiếp tục trong chế độ mới, với các cán bộ mới. Chẳng hạn lâu nay đã có tin đồn, phần lớn số xăng dầu mà phụ nữ trẻ em đứng bán từng lít ở hầu hết ngõ ngách Sài Gòn là do bộ đội cung cấp để gia tăng thu nhập. Mới đây có ai đó đã kể với tôi là một bà đã mua được 10.000 lít xăng từ một cán bộ Mặt trận với giá 450 đồng một lít, trong khi giá bán ở chợ đen là 600 đồng. Trong khi đó, giá xăng chính thức chỉ bán theo tem phiếu của nhà nước là 250 đồng/lít.

…………………………

Một hiện tượng mới xuất hiện: sự nghi thức hóa về ngôn ngữ khi đề cập đến những việc có tính chính trị. Dân chúng học từ vựng mới nhanh đến kinh ngạc. Mỗi khi có phát biểu, diễn giả sử dụng các từ vựng đặc trưng của cách mạng hệt như được nhấn nút tự động vậy. Ngay cả trong các báo cáo của các cán bộ xã hội của chúng tôi, giờ đây cũng xuất hiện các khái niệm như “Guồng máy chiến tranh Mỹ-Thiệu" và ước muốn trở thành “một đất nước hùng mạnh". Còn kẻ nào hay phê phán cách mạng, sẽ bị gọi là "phản động". Tại Trung tâm, các đồng nghiệp trí thức đổ xô tìm đọc những cuốn sách mới xuất bản, nhất là sách về "Các nguyên lý của Stalin về chủ nghĩa Lenin". Stalin có vẻ là tác giả được mua nhiều nhất hiện nay. Về Marx thì đến nay tôi chỉ mới thấy Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Theo đường lối ủng hộ Liên Xô của miền Bắc, những tác giả như Mao Trạch Đông không có mặt trong danh sách sách bán rộng rãi cho quần chúng Miền Nam.


25.9.1975
Đổi tiền

Việc cải cách tiền tệ rõ ràng đã gây ra một sự bất bình nữa trong dân chúng về gánh nặng kinh tế. Trong việc này thì tầng lớp dân nghèo chẳng cần phải lo lắng gì nhiều. Nhưng với mỗi thay đổi nhỏ, người nghèo cũng lo lắng cho số tiền tiết kiệm của họ chẳng kém gì những ông chủ tư bản lớn, mà thực ra việc cải cách tiền tệ là nhắm vào giới tư bản này. Đáng tiếc là việc này, vốn được lên kế hoạch rất tốt, vẫn có những sự cố. Ngày 22 tháng 9 người ta phải xếp hàng dài cổ ở các Khóm đến đêm khuya. Đến tận ngày hôm sau mà nhiều người vẫn chưa thể nhận được 200 đồng tiền mới, mà phải mãi đến ngày thứ ba mới được.

…………………………

Mục đích thực sự của cuộc đổi tiền là để xác định số tiền hiện lưu hành là bao nhiêu, rồi đặt số tiền này dưới sự quản lý của nhà nước, để trong bất kỳ trường hợp nào cũng quyết định được việc sử dụng nó có phục vụ lợi ích chung hay không. Nhưng cuộc đổi tiền đã làm khiếp đảm những người giàu. Có tin đồn những người khai báo có nhiều tiền sẽ phải ra trước tòa án nhân dân để giải thích về việc tại sao anh ta lại có nhiều tiền mặt như vậy. Nghe nói có cả những vụ tự sát. Có tin một người Hoa giàu có đã đốt sạch số tiền mặt ông có trong một ngôi chùa rồi sau đó cắt cổ tự sát. Với những kẻ theo chủ nghĩa vật chất cực đoan như vậy, tôi chỉ có thể lắc đầu. Cá nhân tôi thì không tin là chính quyền sẽ dùng đến tòa án nhân dân để xử, bởi hầu hết các biện pháp đến nay đều được thực hiện theo con đường hành chính. Đối với chính quyền thì chỉ cần gom tiền vào ngân hàng và sử dụng nó cho mục đích đầu tư v.v. là được rồi. Trong tương lai, việc rút tiền cần phải đi kèm với một bản giải trình lý do, và bản giải trình này phải được cơ quan chức năng kiểm tra, và nó có thể bị từ chối nếu không phục vụ các mục đích công cộng hoặc mục đích sinh sống của người chủ sở hữu.


1.10.1975
Cảm giác tự bôi bẩn mình

Sự tham nhũng âm ỉ vẫn tiếp tục mặc dù đất nước này có vẻ như đã dẹp được những kẻ phản động. Hôm qua chúng tôi đã phải đích thân trải nghiệm điều này khi tới để nhận lại những vật dụng riêng của Siriporn sau khi đã qua kiểm tra của cơ quan kiểm duyệt. Chúng tôi nhận lại hàng gần như không suy suyển ngay tại vị trí mà chúng tôi đặt xuống trước đó. Có lẽ người ta chỉ liếc qua một chút. Ngay cả những cuộn phim cũng được cho qua, mặc dù trước đó tôi đã được khuyên là nên bỏ những cuộn phim này ra vì Bộ Văn hóa không có máy dò. Một cô "nguỵ" nói với tôi rằng, đây là lần đầu tiên không có khó dễ gì cả. Chúng tôi rất vui và nghĩ rằng đây có thể là kết quả bức thư tôi viết trên giấy của terre des hommes giải thích về chuyến đi của vợ tôi. Thế là chúng tôi bắt đầu đóng gói lại các thùng hàng. Việc này được thực hiện cùng một nhân viên "nguỵ" và một nhà cách mạng cấp thấp mà sự ngây ngô của anh ta khiến người khác phải bực mình (nhưng bạn vẫn phải vui vẻ với anh ta đấy). Đột nhiên cô nhân viên "ngụy" nhỏ bé cho biết chúng tôi phải đưa "tiền boa". Chúng tôi hỏi, cho ai? Cô ta chỉ một chị mặc áo trắng, cũng là một "ngụy", chị dâu của chị Anh, cán bộ xã hội ở Trung tâm của chúng tôi. Trước đó chị Anh có kể về sự không thể mua chuộc của chị dâu mình tại Bộ Văn hóa. Chúng tôi phải đưa tiền thôi, nếu tôi còn muốn tìm lại đồ đạc trong chuyến đi sau này của mình, và nếu tôi muốn tránh khó khăn lúc này. 10 đồng tiền đã đổi chủ, cô nhân viên nhỏ bé ra hiệu cho chị sếp "ngụy". Thế là xong xuôi cả, và được coi là tiền lệ phí: 6 đồng với hóa đơn lệ phí của Bộ Văn hóa. Chúng tôi rời chỗ đó với cảm giác tự bôi bẩn mình, nhưng cũng cùng với cảm giác rằng cuộc giải phóng vẫn chưa thực sự hoàn tất. Sau đó Ariel nói với chúng tôi rằng, việc tham nhũng này do một anh bộ đội tổ chức, người ngồi ở phía sau và tỏ ra không liên can tới tất cả. Anh bộ đội [cách mạng] và chị nhân viên "ngụy" chia nhau túi tiền. Nếu không đưa tiền, người ta sẽ không thể đem đồ về nhà, mặc dù chúng đã qua kiểm tra.


14.10.1975
Giải phóng nhưng không phải cách mạng

Sau thời gian dài, một lần nữa tôi lật lại những trang viết của Erich Wullf. Và lại được chứng thực thêm một lần nữa rằng, giữa cái mà giới cánh tả mới ở châu Âu và Mỹ hiểu về chủ nghĩa xã hội và cái đang diễn ra ở thế giới thứ ba có sự khác biệt lớn, đến nỗi ta không thể tin rằng chúng lại khớp với nhau trong cùng một khái niệm. Và sự thất vọng, hoặc ít nhất là ức chế, của giới cánh tả châu Âu là lớn, nếu như họ phải đối diện với thực tế này. Điều này được trình bày trong các bài viết trong hai ấn bản Kursbuch mấy năm trước. Sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, vốn chưa xảy ra vào thời điểm các bài viết này hình thành, có vẻ đã cung cấp thêm một bằng chứng mới cho sự hiểu lầm lớn này.

Cuộc đấu tranh ở miền Nam Việt Nam trước hết là một cuộc đấu tranh vì độc lập trước sự thống trị của ngoại bang. Cuộc giải phóng khỏi sự xâm lăng văn hóa, nhất là trong cái nhìn của miền Bắc, là sự tiếp nối cuộc đấu tranh chống thuộc địa, nhưng nay không phải là chống người Pháp, mà chống người Mỹ, những kẻ đã cản trở một nước Việt Nam toàn vẹn độc lập trong Hội nghị Genève năm 1954. Quan điểm của miền Bắc rằng đây là cuộc đấu tranh tiếp nối cuộc đấu tranh của Việt Minh có ý nghĩa chiến lược quân sự rất cụ thể. Bởi với việc chính đáng hoá cuộc tiến quân vào miền Nam, nơi kẻ thù vẫn còn ẩn náu, họ có thể đưa những binh đoàn chính quy lớn vượt vĩ tuyến 17. Họ chính là những người đánh gục chính quyền Thiệu, một chính quyền không còn có thể trông đợi vào viện trợ quân sự của một nước Mỹ chống cộng vô điều kiện nữa. Quân du kích địa phương hoặc ngay cả quân chính quy [của Mặt trận Giải phóng] chỉ gồm toàn là người miền Nam, khó nhanh chóng có được khả năng ấy. Không chỉ vì lý do quân số hoặc vì thiếu vũ khí, mà còn vì thiếu kiến thức về công nghệ. Ðối với miền Nam, người ta có thể đi xa hơn một bước để nói rằng, đây rốt cuộc chỉ là một cuộc chiếm đoạt quyền lực chính trị. Lực lượng sản xuất chưa đạt tới trình độ chín muồi cho một cuộc cách mạng xã hội nội tại. Giờ đây cuộc cách mạng xã hội sẽ phải thực hiện dưới sự ráng sức của dân chúng và với kiến thức ít ỏi của một số ít cán bộ cách mạng. Và nếu không có miền Bắc, nơi lực lượng sản xuất và trình độ xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển hơn, cho cán bộ vào giúp đỡ, thì người ta phải e ngại rằng, vấn đề sẽ còn lớn hơn nữa.

Người ta có thể nói, những gì diễn ra cho tới 30 tháng Tư là một cuộc giải phóng khỏi sự can thiệp của nước ngoài. Nhưng nói đó là một cuộc cách mạng, vâng, một cuộc nổi dậy của dân chúng, thì không đúng. Đó chỉ là sự dọn đường của cuộc chiếm đoạt quyền lực chính trị cho cuộc cách mạng xã hội. Cuộc chiếm đoạt quyền lực chính trị này được thực hiện phần lớn bởi quân chính quy miền Bắc. Quân du kích [miền Nam], vốn không mặc quân phục, không có ý nghĩa gì đáng kể về mặt số lượng. Thực ra trong những tuần và những ngày trước 30 tháng Tư cũng có một số quân Thiệu đào ngũ, nhưng đó chỉ là những-cuộc-trở-cờ-sợ-hãi. Thành phố Sài Gòn với 4 triệu dân không hề nghĩ tới một cuộc nổi dậy vì những người cộng sản - có chăng chỉ vì lực lượng thứ ba. Họ chờ đợi quân tiếp quản, phần nhẫn nhục, phần phó mặc cho số phận. Cuối cùng ít nhất họ cũng hạnh phúc về việc một bên đã chiến thắng và cuộc chiến đã chấm dứt. Sự khác biệt giữa hai bên lớn đến mức những người lính đầu tiên tiến vào Sài Gòn được chiêm ngưỡng như kỳ quan thế giới. Bản thân những người lính này thì nghĩ rằng họ sẽ gặp quân Mỹ, nhưng chẳng có ai cả. Họ nghĩ rằng, ít nhất là ngay trước khi họ tấn công, dân chúng sẽ nổi dậy. Nhưng điều này cũng đã không xảy ra. Dân Sài Gòn đã tin vào tuyên truyền của chính quyền Thiệu và sợ sẽ có một biển máu – điều cũng đã gần như không xảy ra. Những người lính giải phóng, theo lệnh cấp trên, được yêu cầu phải tuyệt đối kiềm chế và thân thiện.

Cuộc cách mạng xã hội giờ đây sẽ phải đi sau, không giống như cuộc cách mạng của Việt Minh mà trước khi cuộc chiếm đoạt quyền lực chính trị diễn ra, bằng các hoạt động bí mật, người ta đã thực hiện cách mạng xã hội rồi. Báo chí thì nói là nhân dân quyết định, nhưng đó thực ra là một bộ phận nhân dân cách mạng, hay một bộ phận nhân dân của cách mạng, tức là một thiểu số bao gồm những du kích miền Nam, những người có cảm tình với Mặt trận trước 30 tháng Tư, cũng như những bộ đội miền Bắc. Nhưng đối thủ phản động lại là số nhiều, những người bị đóng dấu "ngụy", là những người dân thành thị chịu ảnh hưởng cả thanh tao lẫn đồi trụy của văn hóa Pháp và Mỹ, với tinh thần sở hữu ích kỉ. Đám dân chúng không cách mạng co lại với ít nhiều kiên nhẫn trong số phận dành cho họ. Họ hy vọng rằng trong chủ nghĩa xã hội, có lẽ họ sẽ có một cuộc sống không tệ lắm, nhưng họ vẫn luôn cảm thấy quá nhiều sợ hãi, bởi những dấu hiệu ban đầu của cuộc cách mạng xã hội do từ bên trên chỉ đạo xuống tỏ ra thật đáng lo ngại.

Nguồn: Các trích đoạn này được ông Peter J. Bumke, Viện trưởng Viện Goethe Việt Nam, và dịch giả Bùi Văn Nam Sơn đọc song ngữ Đức-Việt trong buổi đọc sách và thảo luận về cuốn Nhật ký của Skrobanek ngày 19.10.2008 tại trụ sở Viện Goethe Thành phố Hồ Chí Minh.

Bản tiếng Việt © 2008 Goethe-Institut Vietnam

Walter Skrobanek sinh năm 1941 tại Graz (Đức). Học các ngành khoa học chính trị, xã hội học và lịch sử tại Heidelberg. Chuyên sâu về Nam Á và Đông Nam Á. Năm 1972, hoàn thành luận văn tiến sĩ với đề tài về chính sách Phật giáo của Thái Lan. Trước 1968, hoạt động với tư cách nhà báo tự do, biên tập cho một số nhật báo vùng Mainz. Năm 1973, cùng vợ là Siriporn (người Thái Lan) tới Sài Gòn. Phụ trách tổ chức cứu trợ trẻ em terre-des-hommes. Rời Việt Nam cuối 1975. Từ 1976-2006, trưởng đại diện terre-des-hommes khu vực Đông Nam Á ở Bangkok.

Nhật ký Sài Gòn 1975 của Walter Skrobanek được vợ ông là bà Siriporn Skrobanek ủy thác cho Quỹ châu Á của Đức (Asienstiftung) và Viện Goethe Việt Nam biên soạn, nhà xuất bản Horlemann (Đức) ấn hành đầu năm 2008 (Nach der Befreiung: Damit ihr wisst, dass das Leben weitergeht. Tagebuch aus Vietnam 1975). Sách dày 260 trang. Chưa có bản dịch tiếng Việt.