Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhân đọc bản dịch bài “Người già em bé” của Trịnh Công Sơn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhân đọc bản dịch bài “Người già em bé” của Trịnh Công Sơn. Hiển thị tất cả bài đăng

14/5/10

Nhân đọc bản dịch bài “Người già em bé” của Trịnh Công Sơn

Nhân đọc bản dịch bài “Người già em bé” của Trịnh Công Sơn

Trần Doãn Nho

Tôn Thất Quỳnh Du cho rằng: “Giải pháp cho một khó khăn cụ thể về dịch thuật luôn luôn nằm trong ngôn ngữ đích, dù cội nguồn vấn đề thì ở ngôn ngữ gốc. Khi đọc cần đắm mình trong ngôn ngữ gốc, nhưng khi đặt bút thì nên hướng về ngôn ngữ đích, theo nghĩa rộng nhất của ‘ngôn ngữ’, bao gồm những liên quan chặt chẽ tới tư duy, tập quán và văn hóa, Tư duy còn vướng bận với ngôn ngữ gốc thường ít nhạy bén với những giải pháp đẹp có thể tìm được trong ngôn ngữ đích.” (Ám thị ngôn ngữ, Da Màu 4/11/08).

Tôi đồng ý với nhận xét này. Nhưng làm sao “đắm mình” mà không “vướng bận”? Khó quá!

Dịch – một bài thơ chẳng hạn – ra một ngôn ngữ khác, theo tôi hiểu, người dịch có thể phải trải qua ba lần dịch. Trước hết, người dịch phải “dịch” bài thơ đó từ tiếng Việt ra tiếng Việt, nghĩa là phải sắp xếp câu, chữ (và có lúc phải biết rõ liên hệ giữa bài thơ và hiện thực mà nó đề cập) làm sao để hiểu hết và hiểu đúng ý nghĩa của nó, tức là “đắm mình trong ngôn ngữ gốc”; thứ đến là dịch cái mình hiểu sang ngôn ngữ thứ hai; sau cùng phải “dịch” cái mà mình đã dịch sang cấu trúc nghệ thuật của ngôn ngữ mới để người ta có thể thể hiểu và cảm được, nghĩa là phải “nhạy bén với những giải pháp đẹp” trong ngôn ngữ dịch. Trong thực tế, có nhiều bài thơ, bài văn hay lời nhạc tiếng Việt, là người Việt, ta cứ đọc, cứ nghe, cứ ngâm nga hay hát chúng mà không cần phải hiểu các sự kiện diễn ra hay hiểu hết ý nghĩa của nó. Nhạc Trịnh Công Sơn là một điển hình. Chẳng hạn như: “Trời còn làm mưa mưa rơi mưa rơi từng phiến băng dài trên hai tay xuôi, tuổi buồn như lá gió theo tận cuối trời” hay “Bài ca dao trên cồn đá, trên môi hờn, xin đừng kể lại tích xưa buồn hơn, đợi chờ năm làm gió qua truông thiên đàng,” vân vân. Những ca từ như thế, nội chuyện làm sao để “đắm mình” trong tiếng Việt đã là một vấn đề rồi, nói gì đến việc dịch ra một ngôn ngữ khác!

Đặng Tiến, trong bài viết “Trịnh Công Sơn, tiếng hát Hoà Bình,” nhận xét TCS hay có những “lời nhập đề tưng tửng” như: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố/Người phu quét đường ngừng chổi lắng nghe” hay những “lời tưng tửng tàn độc” như “Từng vạn chuyến xe claymore lựu đạn/Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành”. Tưng tửng, nghĩa là không đầu không đuôi, không lý giải gì hết. Nhưng nói tưng tửng, có lẽ câu mở đầu của bài “Người già em bé’ còn “tưng tửng” hơn mấy câu Đặng Tiến trích dẫn. Chẳng thế mà, trong lời bàn của Ban Biên Tập Da Màu về bản dịch bài hát “Người già em bé” của Joseph Đỗ Vinh và Eric Scigliano có đoạn : “Câu mở đầu của bài hát Trịnh Công Sơn đã là một thử thách cho người dịch, “Ghế đá công viên dời ra đường phố.” Tại sao ghế đá lại bị dời ra đường phố? Ghế đá này ở đâu, lúc trước ở trong một công viên tọa lạc ngay trong thành phố, hay ở một chỗ nào khác? Câu dịch trong tiếng Anh, “On a park bench dragged into the town” có cùng một nghĩa như câu mở đầu trong nguyên bản? Động từ “dragged” có lẽ không hẳn là “dời”? Còn “the town” thì sao? Tại sao là “the” town mà không chỉ là “ (a) town”? “Town” đây có phải là thành phố Sàigòn, Huế, hay bất cứ một tỉnh lỵ nào đó trên nước Việt Nam trong thời chiến?” (The old man and the child, Da Màu 1/12/08)

Câu hỏi này nằm trong cái “dịch” đầu tiên trong mấy cái dịch mà tôi đề cập ở trên. Tức là phải “dịch” câu đó ra tiếng Việt, nghĩa là phải hiểu ý nghĩa thật sự của nó, trước khi chuyển sang tiếng Anh. “Đắm mình trong ngôn ngữ” ở đây sẽ không chỉ là ngôn ngữ mà còn là những sự kiện xoay quanh cách sử dụng ngôn ngữ, tức là bối cảnh phát sinh ra văn bản. Có người hiểu câu “Ghế đá công viên dời ra đường phố,” không dính líu gì đến hiện thực bên ngoài, mà chỉ là một ẩn dụ tác giả dùng để ám chỉ một cái gì đó, sự biến dịch, tính cách phù du…của cuộc sống chẳng hạn. Joseph Đỗ Vinh và Eric Scigliano hiểu ca từ trên một cách cụ thể hơn: Trên một chiếc ghế công viên (a park bench) – không phải là “ghế đá” – được ai đó kéo lê (dragged) vào trong thành phố (town), có một ông già và một em bé. Ông già thì ngồi co ro, buồn, đứa bé thì lõa lồ, khóc. Cả hai đều đói. Từ chiếc ghế đó, họ họ nghe bom rơi, đạn lạc, nghe tiếng nổ, nhìn thấy hàng cây nghiêng ngả, người chạy loạn, cảnh hỏa châu rơi… tóm lại họ sống trong cảnh chiến tranh thống khổ. Nếu dựa trên văn bản, cách hiểu trên không có gì sai. Và tôi nghĩ hầu hết mọi người đều hiểu như thế. Và có lẽ cũng chẳng có ai buồn hỏi câu tiếp theo: tại sao hai người lại ngồi trên một cái ghế bị kéo ra ngoài phố, mà không ngồi chỗ khác? Trịnh Công Sơn mà! Ông đã viết “gọi nắng, trên vai em gầy…”; ông đã viết “dài tay em mấy…”, vân vân và vân vân thì việc ông bảo “người già em bé ngồi trên chiếc ghế bị dời ra phố” thì đâu có sao mà phải thắc mắc!

Là một người sống cùng thành phố với TCS, cùng chứng kiến những biến động chính trị và xã hội của những năm đầu thập niên 1960, tôi “dịch” bản nhạc này ra tiếng Việt một cách hoàn toàn khác. TCS viết “Người già em bé”vào năm 1965, một trong những thời điểm sôi động nhất của miền Trung, nhất là tại Huế. Từ mùa hè năm 1963 cho đến 1966, và rồi những năm sau đó, nhiều và nhiều cuộc xuống đường, bãi khóa diễn ra trên thành phố Huế do Giáo hội Phật giáo hay do sinh viên học sinh tổ chức chống lại các chính phủ miền Nam, để đòi dân chủ, đòi hòa bình. Một thành phố vốn lặng lẽ, bình yên, bỗng nhiên sôi động lên với những cuộc biểu tình liên tục. Người dân Huế nhiều lần tham dự hay chứng kiến khung cảnh người và biểu ngữ ngập tràn các đường phố, thép gai giăng ở nhiều ngã đường, lựu đạn cay bay đầy phố. Trong những lúc có biểu tình, bãi khóa, bãi thị như thế, chính quyền thành phố thường ra lệnh giới nghiêm, có lúc ngay cả giữa ban ngày để tránh tụ tập biểu tình. Bất cứ ai lang thang ngoài đường không có lý do chính đáng đều có thể bị cảnh sát chận bắt. Cũng có khi tuy không có giới nghiêm, nhưng do lời kêu gọi của những tổ chức biểu tình, học sinh thì bãi khóa, các chợ thì bãi thị, các tiệm buôn bán đóng cửa. Thành thử nhiều lúc, tuy ban ngày, chỉ trừ những nơi mà người ta tụ tập biểu tình, còn thì đường phố vắng tanh. Dân chúng thường ở nhà để tránh tai bay vạ gió. Trong nhiều lần, để chống trả với cảnh sát dã chiến đến giải tán biểu tình, sinh viên học sinh thường mang ra đường bất cứ vật gì càng nặng càng tốt có thể trở thành chướng ngại vật để ngăn cản xe và cảnh sát. Huế có nhiều công viên và ở các công viên thường có những chiếc ghê làm bằng đá cẩm thạch hay đúc bằng bê tông cốt sắt. Những vật nặng như thế này là một trong những vật lý tưởng và thuận tiện (vì ở gần đường phố) được sinh viên học sinh kéo ra giữa đường phố. “Ghế đá công viên dời ra đường phố” là hình ảnh khá quen thuộc đối với người dân xứ Huế thời đó.

Hiểu như thế và tôi tin tôi hiểu đúng, thì ý nghĩa những lời ca trở nên khá rõ ràng. Nó không mang tính ẩn dụ nào mà là một hiện thực. Trước hết, ta sẽ có “ghế đá công viên” chứ không phải chỉ là “ghế công viên” (park bench), không phải chỉ là một ghế mà là những ghế (benches) và đó là những ghế đá thực sự (marble/concrete benches = những chiếc ghế làm bằng đá hoa cương hay đúc bê tông để tránh bị hư do mưa nắng). Những chiếc ghế đá đó được chuyển (moved) ra khỏi công viên chứ không chỉ là kéo lê (dragged); chuyển ra và đặt nằm hẳn trên đường phố (streets) chứ không phải là vào trong (into) phố (town). “Marble benches have been moved to streets from parks." Và trên những chiếc ghế đó, khi nằm ngang giữa đường phố, không hề có em bé nào hay ông già nào ngồi trên đó cả (vì ngồi để làm gì?) Những người già cả vô gia cư hay những em bé mồ côi ăn xin thỉnh thoảng mới đến ghế đá công viên, vì nơi họ kiếm ăn phải là ở chợ hay ở các cửa tiệm dọc theo hè phố chính mà đó cũng là nơi mà họ nằm ngủ ban đêm. Cảnh xuống đường và giới nghiêm khiến cho việc kiếm sống hàng ngày bị ảnh hưởng. Khi chợ búa sinh hoạt bình thường, họ có cơ hội kiếm được miếng ăn, vì có người mua kẻ bán. Trong những lúc có biểu tình hay có giới nghiêm thì chợ búa và phố xá vắng vẻ khiến cho việc kiếm ăn của họ trở nên bội phần khó khăn. Chính vì thế mà có cảnh người già “thiu thiu ngủ”, rồi “nghe tiếng nổ” (đây thường là tiếng nổ của các trái lựu đạn cay giải tán biểu tình) và nhìn qua phố chợ lúc đó hoàn toàn vắng vẻ và buồn đến đỏ mắt vì chẳng có ai qua lại để xin ăn.

Riêng câu: “Khi chiến tranh về đốt lửa quê hương”, theo trong mạch văn của bài hát, thì nên hiểu là “chiến trận” (battles) hay chiến trường (battlefields) chứ không phải là “chiến tranh” (war). Thực tế là chiến tranh đã hiện hữu rồi, nhưng trước đó, các trận đánh chỉ diễn ra đâu đó ở vùng cận sơn hay các làng mạc xa xôi mà người thành phố chỉ nghe kể lại hay đọc trên báo. Bây giờ, cảnh chiến trường diễn ra ngay giữa đường phố với cảnh tên bay đạn lạc, có cả người chết, người bị thương.

“Từng cuộn giây gai” là cảnh cảnh sát và quân đội giăng giây thép gai trên đường phố để ngăn cản bước tiến của đoàn biểu tình. Khi Cảnh sát dã chiến giải tán biểu tình, người ta chạy tán loạn, nhiều lúc liều lĩnh chui qua các hàng thép gai để tránh bị cảnh sát vây bắt, cho nên thép gai “xé nát da người.” Cảnh sát bắn phi tiễn, ném lựu đạn cay, tiếng nổ ầm ầm chẳng khác gì cảnh ngoài chiến trường. Những tiếng nổ khiến cho những hàng cây hai bên đường chao động, chìm trong hơi cay mịt mù. “Từng bàn chân quen” ở đây là tả cảnh những người biểu tình bỏ chạy vào các nhà dọc theo đường phố hay vào trong chợ. “Chân quen” có thể mô tả sự kiện người ta đi biểu tình nhiều lần quá đến gần như quen thuộc với cảnh giải tán biểu tình mà cũng có thể mô tả sự quen biết giữa bạn bè cùng đi biểu tình nhiều lần với nhau. “Từng vùng đêm đen hỏa châu thắp đỏ” được dịch “Piece by piece, flares tear the night apart” (hỏa châu xé đêm ra từng mảnh). Về phương diện văn chương, câu dịch thật hay, nhưng không sát. Như ta biết, các trái hỏa châu được bắn lên không trung là nhằm mục đích soi sáng một vùng nào đó để máy bay nhìn thấy mục tiêu mà phản kích. Thành thử, ta nên hiểu câu trên là: các trái hỏa châu chiếu sáng (thắp đỏ) từng khoảng bóng tối trong đêm.

Trên đây, tôi cung cấp một số dữ kiện liên hệ đến bối cảnh của “Người già em bé” với hy vọng sẽ giúp cho những người dịch sau này có thêm chi tiết để hiểu rõ hơn ý nghĩa của ca từ. Như thế tôi đã “dịch” (ra tiếng Việt) văn bản “Người già em bé” một cách hiện thực, xuất phát từ kinh nghiệm của chính tôi. Có lẽ cách hiểu quá hiện thực như thế sẽ làm mất đi tính cách “hàm hồ,” tính cách ẩn dụ vốn là một trong những đặc tính đáng yêu của văn chương. Nhưng đành vậy. Và nhấp nhận cách “dịch” như thế, thì bản dịch tiếng Anh, khi hoàn tất, chắc chắn sẽ rất khác với bản dịch của Joseph Đỗ Vinh và Eric Scigliano. Và tôi cho rằng ngay cả nếu hai dịch giả Joseph Đỗ Vinh và Eric Scigliano, nếu chấp nhận cách lý giải đó, cũng sẽ dịch một cách khác. Thành thử, cái sai hay cái đúng của bản dịch ở đây không nằm trong tương quan giữa văn bản gốc và bản dịch. Mà là giữa hai cách “dịch” từ tiếng Việt ra …tiếng Việt.

Có một câu thơ nằm trong một bài thơ nổi tiếng khác nằm trong hoàn cảnh tương tự, thỉnh thoảng lại thấy có người đưa ra bàn cãi. Đó là bài “Đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử. Câu “Lá trúc che ngang mặt chữ điền,” cho đến giờ, ta vẫn không biết chính xác Hàn Mặc Tử muốn nói cái gì qua cụm từ “mặt chữ điền.” Nhưng giả sử nếu không biết một cách chính xác ý nghĩa của “mặt chữ điền” thì phải chăng là bài “Đây thôn Vỹ Dạ” không thể dịch. Và đành bó tay. Hay dịch giả có quyền dịch đúng theo ý mà dịch giả suy đoán được từ bài thơ? Hay nói một cách khác, dịch – cũng như đọc – là dịch và đọc từ văn bản và chỉ từ văn bản mà thôi. Và do đó, nếu có thảo luận chuyện đúng sai cũng chỉ giới hạn thảo luận ở văn bản, văn bản gốc và văn bản dịch? Mặt khác, nếu văn chương chỉ là văn bản và chỉ văn bản mà thôi, thì có cần phải ưu tư về việc đi tìm bối cảnh của một sáng tác văn học, nghĩa là đi tìm tác giả, bối cảnh phát sinh và ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm. Vì khổ nỗi, có rất nhiều trường hợp (như trường hợp của bài thơ của HMT vừa dẫn), ta khó thể nào tìm ra được một cách chính xác một chi tiết mà chỉ có tác giả mới biết.

Nhân đây, tôi xin nhắc lại một bài thơ khác rất quen thuộc là bài “Ngậm ngùi” của Huy Cận. Bài thơ ai cũng biết rồi và thuộc nằm lòng nữa, nhưng cũng xin chép lại ra đây:

Nắng chia nửa bãi, chiều rồi…
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau,
Em ơi! Hãy ngủ, anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này,
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ…
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ…
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau ?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…

Tôi cứ đọc, cứ hát bài thơ (Phạm Duy phổ nhạc), cảm thấy hay và không thắc mắc gì. Cho đến một lần, tôi ra ngoài Bắc (tất nhiên là sau 1975), nhân khi nghe hát bản nhạc đó, một người bà con hỏi tôi: “Anh có biết bài thơ đó đề cập đến khung cảnh gì không?”. Tôi ngẩn người ra, đọc đi đọc lại, cố hết sức “đắm mình vào ngôn ngữ” thì thấy nó hay, hay lắm và rốt cuộc, thú thật là hoàn toàn mù tịt, không hiểu nhà thơ nói về chuyện gì. Người bà con tôi cho biết: bài thơ diễn tả cảnh nhà thơ đang đi thăm mộ của một người tình đã chết! Tôi giật mình, đọc kỹ lại. Tôi thấy, chao ôi, quả là nhà thơ đang ở trong…bãi tha ma! Thế mà bấy lâu nay, tôi vẫn mơ hồ hình dung là nhà thơ đang ru người tình của mình trên ghế xa lông trong một phòng khách sang trọng nào đó?!!! Rõ ràng là nếu dịch bài thơ, thì hai cách hiểu chắc chắn sẽ cho ra lò hai cách dịch khác nhau.

Hiện thực, ẩn dụ và ngôn ngữ!

Nội chuyện “dịch” từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng…mẹ đẻ mà còn đa đoan như thế thì nói gì đến chuyện dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.

Thành thử, dịch thuật sẽ vẫn là một chuyện tranh cãi dài dài.

Đành vậy!
Trần Doãn Nho
(12/2008)