Hiển thị các bài đăng có nhãn Đinh Từ Bích Thúy. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đinh Từ Bích Thúy. Hiển thị tất cả bài đăng

23/6/11

Sơn Nam Xuyên Bờ: Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư ở Đầu Thế Kỷ 21

Sơn Nam Xuyên Bờ: Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư ở Đầu Thế Kỷ 21

Đinh Từ Bích Thúy



Đối với người làm văn chương, lắm khi thân xác còn đó, mạnh khoẻ, nhưng cảm quan đã cằn cỗi, không lột da được. Kinh nghiệm bản thân của tôi là nên "tập dưỡng sinh" cho con tim, cho bộ thần kinh trong suốt thời gian quyết định: Giữa 55 và 60 tuổi. Thấy cho được cái mới, vì đời luôn luôn đổi mới, đồng thời thấy cho được cái cũ đang được sơn phết, tự nhận là cái mới. Tò mò, với nụ cười khoan hoà, không nên luyến tiếc những gì gọi là thơ mộng của thời Trung cổ, đầy rẫy sự áp bức đối với người lao động để đem lại cái địa vị cho kẻ sĩ…."

- Sơn Nam



Sơn Nam (tên thật Phạm Minh Tày) định nghĩa một người viết truyện ngắn như họa sĩ "vẽ tranh tứ bình, vẽ đóa hoa, vài chiếc lá để cho người xem thấy cả một vũ trụ …. hoặc trang trí cho cái chén trà nhỏ, phải gọn, nét rõ rệt và phạm vi hoạt động lại bị hạn chế."[1] Từ cách phân tích tỉ mỉ từng khía cạnh tâm lý của dân miền Nam sinh sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhà văn đã tạo cho độc giả, trong và ngoài nước, một khái niệm đặc trưng, nhưng bất hủ và đa hóa về con người Việt Nam nói chung. Chính bút hiệu của ông đã lấy họ Sơn từ tên một bà vú người Khmer, là người đã nuôi nấng ông suốt quãng đời ấu thơ. [2]

Trong lúc sinh thời Sơn Nam sáng tác khoảng 300 truyện ngắn, bao gồm tuyển tập Bên Rừng Cù Lao Dung, được đoạt giải nhất trong kỳ thi văn chương Đồng Bằng Sông Cửu Long năm 1951. Một tuyển tập truyện ngắn khác, Tây Đầu Đỏ, cũng đoạt giải văn chương năm 1952. Hương Rừng Cà Mau, có lẽ là tuyển tập truyện ngắn nổi tiếng nhất của Sơn Nam, được xuất bản năm 1962. Hai truyện ngắn trong tập này, "Mùa Len Trâu," và "Một Cuộc Bể Dâu," đuợc kết hợp thành kịch bản cho phim "Mùa Len Trâu" của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, ra mắt năm 2004 và đã đoạt nhiều giải liên hoan phim quốc tế.

Sơn Nam, ngoài nghề viết văn, còn có biệt tài "đi bộ" qua những vùng quê miền Nam và được coi như một học giả chuyên môn về văn hóa miền Nam qua nhiều sách biên khảo: Văn Minh Miệt Vườn; Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam; và Đồng Bằng Sông Cửu Long: Nét Sinh Hoạt Xưa. Nhờ kinh nghiệm phong phú, nhà văn đã được cử làm cố vấn cho phim Người Tình (L’Amant) phỏng từ tiểu thuyết của nhà văn Pháp Marguerite Duras, và ra mắt năm 1984. Trước năm 1975, Sơn Nam cũng xuất hiện trong phim Đất Khổ của đạo diễn Hà Thúc Cần, đóng vai một phóng viên thích ngồi lê đôi mách về những dư luận của Sàigòn trong thời loạn.

Người đọc ở đầu thế kỷ 21 có thể đọc những tác phẩm của Sơn Nam như một cách "khẩn hoang" và định giá lại quá khứ của một thời. Những truyện ngắn của Sơn Nam, như truyện Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư (lần đầu tiên xuất hiện trên tuần báo Nhân Loại vào khoảng năm 1957-1958 và về sau được in lại trong tuyển tập Hương Rừng Cà Mau-một truyện mà Sơn Nam rất thích và tự nhận rằng ông phải "suy nghĩ rất kỹ, nghiền ngẫm mơ hồ để một vài năm sau mới viết ra") nên được đọc lại và thảo luận trong bối cảnh văn chương mạng của ngày hôm nay.

Trong truyện, thầy phái viên nhà báo Chim Trời ở Sài Gòn xuống tận xóm Cà Bây Ngọp ở Rạch Giá tìm ông độc giả Trần Văn Có để tìm hiểu tại sao ông độc giả chưa chịu trả hai đồng sáu cắc rưỡi tiền mua báo dài hạn. Truyện có không khí đằm thắm, nhưng cũng buồn buồn cay đắng. Thầy phái viên thành thị và ông độc giả miệt vườn, thay vì đề cập thẳng đến chuyện trả tiền báo, tạo được mối tương quan đậm đà qua chữ nghĩa và tranh minh họa như được sống dậy từ những tập Quốc Văn Giáo Khoa Thư mà cả hai đã học và nhớ lại từ thời thơ ấu. Cái "buồn buồn cay đắng" là sự tương phản giữa niềm tin trong trắng của ông độc giả nhà quê về sức mạnh của chữ nghĩa và guồng máy thông tin, với quan điểm nửa nhẫn nhục, nửa cynique của thầy phái viên về nghề làm báo mà thời nào cũng bị hạn chế vì thiếu tài chính, nhiên liệu và kỹ thuật:

- Nhà báo Chim Trời đông người không thầy? Chắc là lớn lắm? Làm sao mà thành chữ được?
- Có thợ chuyên môn ráp từ chữ a, chữ b.
- Trời thần ơi! Biết tới chừng nào mới xong, chắc là thợ đông lắm …. Còn mấy ông chủ tiệm, chủ bút, phóng viên …. Chắc làm việc rần rộ ngày đêm.
Thầy phái viên sực nhớ đến tình trạng leo heo của tòa soạn, lại gật đầu lần nữa.[3]

Một đoạn trao đổi súc tích, nhưng vẫn thấm thía cho đến ngày hôm nay. Tôi tưởng tượng, lúc này, thay vì phải chèo thuyền như thầy phái viên đến vùng Rạch Giá Cà Mau để tìm mối tương phùng với độc giả, tôi có thể ngồi trước máy tính, đánh điện thư đến thẳng một độc giả, sống ở một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó ở bên kia địa cầu. (Da Màu, với chủ trương văn chương không biên giới, có lẽ cũng như tờ Chim Trời của Sơn Nam bay vào … thế kỷ 21. Tôi không hiểu người độc giả vô hình này có những khái niệm gì về Da Màu: họ có nghĩ, như ông độc giả ngây thơ miệt vườn của Sơn Nam, rằng chúng tôi là những ảo thuật gia thêu dệt những thế giới không tưởng trên mạng, hay họ đã biết tỏng tòng tong rằng chúng tôi chỉ là những con người bị . . . mất ngủ kinh niên, hoặc vẫn mộng du giữa những quãng thời gian hỗn tạp, hàng đêm gõ lạch cạch trên những phím của máy tính để trốn thoát cái khe hẹp của đời sống thường nhật?)

Trở về thời gian của hơn 50 năm trước: vào năm 1956, tờ báo Nhân Loại ra đời, quy tụ nhiều nhà văn có tiếng của miền Nam như Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy, Ngọc Linh, Lê Vĩnh Hòa, Sơn Nam…. Võ Phiến nhận xét trong quyển Văn Học Miền Nam Tổng Quan:

Vì lý do chính trị, những người trong nhóm Nhân Loại về sau bỏ trốn theo Cộng sản, rồi tờ báo cũng đóng cửa luôn. Như đã nói, chính sách Việt Minh từ liên khu VI vào Nam không giống từ liên khu V trở ra, như vậy thái độ chính trị của đồng bào ta ở hai nơi không giống nhau …. Cái khuynh hướng chính trị của Nhân Loại không thích hợp với không khí của Sàigòn vào độ ấy. Duy Sơn Nam, như Bình Nguyên Lộc, suốt 20 năm trước 75 vẫn giữ sự dè dặt, không đề cập đến chuyện chính trị ….
[Sau khi báo Nhân Loại đóng cửa], cả hai vị cũng không có chủ tâm kỳ thị, đối với bạn bè Trung Bắc rất hòa nhã, thỉnh thoảng vẫn có bài đăng ở các tạp chí do người Bắc chủ trương.[4]

Tôi thích truyện Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư vì ngay trong truyện, từ hơn 50 năm trước, Sơn Nam đã cố trám lại những dị biệt giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ đọc, giữa ngôn ngữ "miền Nam" và ngôn ngữ "miền Bắc," giữa ngôn ngữ thành thị và ngôn ngữ thôn quê, giữa khái niệm "tiền" như một đơn vị đổi chác trong một xã hội văn minh và khái niệm trao đổi dựa trên nền văn hóa nông thôn tràn đầy tình cảm, với những sản phẩm như "cá lóc, rùa, mật ong," hay một bữa cơm ngon với "cá lóc nướng trui và rượu "ông Cọp" mà ông độc giả miệt vườn đã thết đãi nhà báo. Thầy phái viên và ông độc giả, cả hai là người miền Nam, hình như không thấy sự khôi hài mâu thuẫn trong cách gợi nhớ lại đoạn văn …rặt tính chất Bắc Kỳ, trích từ Quốc Văn Giáo Khoa Thư:

Rồi thầy kéo qua những đoạn khác mà thầy nhớ ….
-Hay quá! Nhà báo bây giờ không ai bằng. Văn chương như vậy là cảm động lòng người …. Như cái hình ông già đẩy xe bò lên dốc, có hai đứa học trò kéo dây tiếp sức. Trời nắng to. Đường thì dốc. Một ông lão đẩy cái xe lợn. Trên xe có ba bốn con lợn to, chân trói, bụng phơi và mồm kêu eng éc ….[5]

Đọc xong đoạn trên, tôi tưởng tượng nghe được giọng người Nam hồn nhiên phiên âm chữ "lợn" và "mồm." Tôi tin rằng đây chính là "cái cảm động lòng người, " cũng là cái bùi ngùi ngọt đắng … khi ngôn ngữ "giáo khoa" của miền Bắc không còn là một cản trở cho sự tiếp cận của người miền Nam, khi những mảnh đất khẩn hoang của miền Nam đã được đồng hóa (thống nhất?) và lúc đó, không hiểu ông độc giả nhà quê có còn "ngây thơ trong trắng?" Sơn Nam dừng truyện ngắn ở giây phút lửng lơ của giao cảm (vì trong đời sống thực tại, "miệt vườn" vẫn còn xa "kẻ chợ"):

Thầy phái viên cười dòn, tưởng tượng cái cảnh biệt ly ngày mai. "Ôi, cái cảnh biệt ly ở xóm Cà Bây Ngọp sao mà buồn vậy!" Vĩnh biệt thì đúng hơn. Nghe nó buồn như một giọng hò, một câu rao Vọng Cổ, nhưng thầy chưa muốn nói ra, giờ nầy.[6]

"Tình nghĩa giáo khoa thư" vào thời của Sơn Nam là cái tình tương trợ, đoàn kết của một dân tộc cùng nói một thứ tiếng, cùng chia xẻ một văn hóa, bất kể yếu tố địa lý, giai cấp xã hội hoặc trình độ kiến thức. Tuy nhiên, ngay trong thời điểm này, Sơn Nam đã nhận thức đây là một tình nghĩa được lý tưởng hóa, vì sự tương đắc của thầy phái viên và ông độc giả nhà quê chỉ là mối giao cảm ngắn ngủi, tồn tại không quá một buổi tối. (Ngay trong lúc chia sẻ quan điểm, ông độc giả nhà quê cũng nhận định rằng, "Phần nhiều bài vở của [Chim Trời] viết cao quá.") Sáng ra, mỗi người lại trở về đời sống và nghề nghiệp thường nhật của họ, và có lẽ họ cũng sẽ không bao giờ gặp nhau lại. Mối giao cảm tương phùng đó có thể chỉ là một kỷ niệm đẹp, hay một khát vọng (không khác gì số mệnh ngắn ngủi của tờ báo Nhân Loại do khuynh hướng "nhập bưng" của ban biên tập đã không hòa hợp với không khí thành thị đợt sống mới của người Sàigòn thời đó.)

Vượt thời gian khoảng hơn 30 năm, ở một môi trường hợp chủng, đa văn hóa, cách xa vạn dậm môi trường đồng bằng Cửu Long của Sơn Nam, nhà văn Trần Vũ, trong bài nhận định Những Vòng Tường Ghetto xuất bản năm 1991, tỏ thái độ bi quan trước hiện tượng "sáo" là hiện tượng mà anh cho rằng đã ăn sâu vào dòng "hoài cảm" của nền văn học hải ngoại tự coi mình là "chính thống." Trần Vũ chỉ trích sự tự mãn của dòng văn học này vì nó không chất vấn hay lật đổ những nền nếp cũ, mà còn xây thêm nhiều vòng tường để chôn sống sự sáng tạo, cho đến lúc "người ở trong và kẻ ở ngoài không còn nhìn được thấy nhau. " Theo Trần Vũ, trong thập niên 1990, một số người viết thuộc dòng miệt vườn/hoài cảm, trong tinh thần muốn "về nguồn" (bằng cách "tự lập lại chính mình" trong cách pha chế, hâm nóng lại những bổn xưa, với "ý tứ đơn giản đến độ bần cùng … [và] những câu văn [cố tình] viết sai chính tả, chen nhiều thổ ngữ …[lúc thì] chân chất, lúc bạt mạng …") đã trở thành những anh nhà quê, dù ở trong xứ sở tự do.[7] Ngược lại, những nhà văn trong nước, trong cách viết "bỏng rát, tàn bạo," đã đoạt chức vị tiên phong. Trần Vũ cảm nhận hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn trước là:

Người giáo viên miền núi, đèo heo hút gió, nơi của những bảng làng tàn tạ xác xơ, không có gì ngoài những ngọn gió Hua Tát. Không sách vở, không thư viện, không trường đại học, lấy đâu để viết những giòng chữ kinh khiếp như Không Có Vua? Thiên tài, thi sĩ, họa sĩ, văn hào là ở bẩm sinh mà có. Không có gì dạy dỗ, nuôi nấng, đào tạo, "vỗ" cho béo được. Viết văn là một hành động tự phát. Sự thức giấc của tiềm thức. [8]

Tuy nhận định của Trần Vũ không hoàn toàn sai, cái nhìn của anh phản ảnh khuôn khổ của một thời đã qua, và cũng có phần lãng mạn hóa những yếu tố đào tạo nên một nhà văn. Viết văn không hẳn là hiện tượng “tự phát,” mà đúng ra là chuyện thai nghén cưu mang qua nhiều năm tháng. Nguyễn Huy Thiệp thật ra cũng có một kiến thức văn hóa giáo dục sâu rộng hơn "những ngọn gió Hua Tát." Theo lời học giả Greg Lockhart, trong thời điểm cải cách ruộng đất ở miền Bắc vào thập niên 1950, dù ở giữa những xáo trộn đói khổ, Nguyễn Huy Thiệp đã được mẹ gửi cho về sống trong một ngôi nhà thờ Thiên Chúa Giáo ở vùng quê. Tại đây ông đã được học đạo và đọc Kinh Thánh trước năm lên mười. Sau đó Nguyễn Huy Thiệp trở về Hà Nội để theo học cấp Trung Học và sau đó đã theo môn sư phạm. Ở đại học, nhà văn đã đọc và thấm nhuần kinh sử Tư Mã Thiên, truyện Tam Quốc Chí, và những tiểu thuyết nổi tiếng của những văn hào người Nga.[9]



Truyền thống văn học của một dân tộc là một quãng đường dài, với nhiều khúc quanh, ngõ rẽ, không phải là một hình chụp nhất thời. Chính Trần Vũ, trong một điện thư gửi ngày 19/8/08 cho người viết, cũng nhận thấy rằng, " nhánh phong tục miệt vườn là một nhánh sáo nhất, và như tiên đoán đã chìm xuống, suy thoái, gần như biến mất trong dòng văn chương di dân bây giờ." Nguyễn Huy Thiệp vào năm 2008 cũng không còn viết những giòng chữ kinh khiếp nữa. (Từ lúc "tiềm thức được đánh thức," hiện giờ nhà văn đang làm gì?)

Tương phản với lời nhận định …hơi thái quá của Trần Vũ về thiên tài bẩm sinh của một văn hào, đoạn văn trong Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư của Sơn Nam có thể áp dụng vào trường hợp của những nhà văn Việt ở ngoài nước, sống mòn mỏi như dã tràng trong những thế giới hụt hẫng, cách biệt:

Không ai bảo ai, hai người lại nằm xuống lim dim. Tuổi của họ đã quá ba mươi! Nước chảy mãi mà sao đá không thấy mòn? Sợi dây cưa mãi, gỗ chưa đứt mà sợi dây sắp đứt trước. Sự nghiệp của họ nào đã có gì: kẻ mến cái thú ở nhà quê, người lận đận với cái thú ở kẻ chợ. [10]

Tuy đoạn văn trên của Sơn Nam vẫn còn là một hình ảnh trung thực về thân phận nhà văn Việt lận đận với chuyện sinh nhai nước người và nghiệp viết văn trong tiếng Việt bên lề nền văn học bản xứ, hình ảnh này không nên được coi là một tình trạng bất di bất dịch. Nếu sợi dây đứt thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Trên một hành trình dài …vô tận, biết đâu sợi dây đứt sẽ được thay bằng một sợi dây khác, mới và "tân tiến" hơn, và cứ như thế, lần lượt, hết sợi này đến sợi khác, tiếp nối, cho đến lúc gỗ đứt? Như nước sẽ chảy mãi, cho đến lúc đá mòn? Sơn Nam, cho dù với những nhận xét sâu sắc, cũng không thể tiên đoán được thời đại "văn chương không biên giới," khi mạng lưới thông tin và quá trình di dân đã chất vấn hoặc định nghĩa lại những khái niệm về "thành thị," "thôn quê," trong," "ngoài." Hơn nữa, cái ranh giới giữa thành thị và thôn quê thực ra không nhất thiết chỉ áp dụng cho ranh giới trong và ngoài nước mà ngay cả trong bất cứ một nội địa nào giữa các "vùng" khác nhau.

Đồng thời, các nhận định dựa trên sự cách ly về mặt không gian của những thập niên trước đây không còn thích hợp với tình cảnh trong ngày hôm nay. Liệu chúng ta phải có mặt ở Việt Nam để "về nguồn"? Hoặc những người đang sống ở Việt Nam phải ra khỏi nước để "xuất ngoại"? Liệu khái niệm khẩn hoang của Sơn Nam có thể vượt qua bối cảnh đồng bằng Cửu Long, để áp dụng trực tiếp vào vận mệnh của tiếng Việt, của bất cứ xã hội Việt nào trên hoàn cầu?

Nền văn học trong tiếng Việt, ở đầu thế kỷ 21, cũng cần đến những người trẻ chào đời và lớn lên ở ngoài lãnh thổ nước Việt. Trong một lớp hè tiếng Việt, các em học sinh mặc dù chưa thấm nhuần văn phạm tiếng Việt, chưa vượt qua trình độ sơ đẳng của những sách dạy tiếng Việt sao lại từ chương trình Quốc Văn Giáo Khoa Thư của thế kỷ trước, vẫn tự tin để mơ ước đến một ngày nào đó, tiếng Việt, với những dấu, những âm trầm bổng, sẽ được người Mỹ áp dụng như một cách chữa bệnh. Em Benjamin Nguyễn Minh Khánh, 12 tuổi, học sinh lớp 6 theo học trường hè tiếng Việt ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đã viết như sau:

Con mong là mai mốt người Mỹ sẽ học tiếng Việt. Tuy học tiếng Việt cũng khó, nhưng nếu người Mỹ già mà học nó thì nó sẽ làm họ suy nghĩ nhiều. Nếu họ suy nghĩ nhiều, thì chính tiếng Việt sẽ giúp họ chống bệnh lú lẫn trí nhớ như bệnh Alzheimer.

Đây là tinh thần tự tin của giới trẻ Mỹ gốc Việt. Được rèn luyện trong một môi trường hợp chủng được ví von như cái nồi "tả pí lù" (melting pot), tinh thần này không có một mặc cảm tự ti về văn hóa Việt, vì thế sẽ mang tiếng Việt, văn chương Việt qua vòng rào ghetto của những thập kỷ trước. Một ngày nào đó trong tương lai, tiếng Việt, văn chương Việt, sẽ không còn ở bên lề văn hóa Hoa kỳ, mà sẽ trở thành một lựa chọn trong giòng văn hóa được coi là "bản xứ." Tệ trạng "sáo mòn" mà Trần Vũ đã coi như một khía cạnh tiêu biểu của nhánh văn chương miệt vườn/hoài cảm, nếu vẫn còn vương vấn trong nền văn học hải ngoại, chỉ hiện hữu ở trong những tác phẩm nửa mùa, không Tây mà cũng chẳng ta, vẫn luyến tiếc thời quá khứ cũng chẳng có gì là vàng son, đượm đầy mặc cảm tự ti của thân phận nàng Kiều. Chính vì tính chất nửa mùa, mặc dù cũng được nhiều dư luận khua động khi ra mắt, thậm chí còn "ăn khách," những tác phẩm này tự chúng sẽ bị tuyệt giống như những con khủng long trong quá trình tiến hóa của nền văn học Việt.

Sơn Nam, khi viết về "tình nghĩa giáo khoa thư" như một khuôn mẫu lý tưởng nhưng trên đà lạc hậu, hình như đã cảm nhận, đồng thời tiên đoán những mất mát khủng khiếp của con người Việt Nam trong những thập niên tiếp nối. Tuy vậy, "tình nghĩa giáo khoa thư" trong ngày hôm nay không nên bị khoanh vùng bởi lăng kính "cổ, sáo," mà cần được định nghĩa lại như hiện thân của sự tự trọng, bao dung, khoáng đạt — một tinh thần được đúc kết từ những giao cảm văn hóa bình đẳng.

Sơn Nam cho biết rằng vào khoảng 1957-1958, ông viết truyện Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư "một mạch tại tòa soạn [Nhân Loại], cỡ 14 trang giấy học trò, với tiền nhuận bút là 200 đồng …. Hồi ấy 200 đồng là nhiều lắm…." [11] Tiền nhuận bút, nói rộng ra là các chi phí và khuyến khích tinh thần dành cho những đầu tư văn hóa, để duy trì một một nền văn học độc lập, vững mạnh, vẫn là những khát vọng cho nhà văn Việt, trong và ngoài nước, ở đầu thế kỷ 21. Sơn Nam đã nằm xuống, nhưng những khát vọng của cả một làng văn mang gánh nặng hậu chiến tranh và hậu thuộc địa, là những khát vọng dai dẳng, vượt thời gian và không gian. Đây dĩ nhiên không phải là những luyến tiếc mà Sơn Nam đã coi như những "thơ mộng của thời Trung cổ, đầy rẫy sự áp bức đối với người lao động để đem lại cái địa vị cho kẻ sĩ…."




Chú Thích:
[1]Sơn Nam, "Quan Niệm về Truyện Ngắn," trích từ lời giới thiệu Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, tr. 506.
[2]Theo bản tin tiếng Anh của Thanh Niên Daily
[3] Sơn Nam, Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, trong tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta (nxb Sóng: 1974), tr. 511.
[4] Võ Phiến, Văn Học Miền Nam Tổng Quan (Văn Nghệ: 2000), tr. 240-241.
[5]Sơn Nam, Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, tr. 512.
[6] Như trên, tr. 515.
[7] Trần Vũ, Những Vòng Tường Ghetto, Hợp Lưu (số 2 tháng 2, 1991)
[8] Như trên.
[9] Greg Lockhart, “Introduction,” The General Retires and Other Stories (Oxford University Press: 1992), tr. 1-2. Người viết lược dịch.
[10] Sơn Nam, Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, tr. 513.
[11] Sơn Nam, "Quan Niệm về Truyện Ngắn," trích từ lời giới thiệu Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, tr. 506.

Đinh Từ Bích Thúy

19 August 2008
• alexis krikorian: việt nam là vấn nạn chưa từng thấy bao giờ- 03.05.2011
• Nguyễn Đức Sơn: Vòng Quay Sinh Tử- 09.02.2011
• Họa sĩ Jorge Colombo sử dụng chức năng Brushes trong iPhone – phần 1- 29.07.2010
• Hành Lý và Giầy- 04.02.2010
• Sa Ngã Nguyên Thủy- 05.11.2009
• Da màu Phỏng Vấn Mục Sư Trần Nguyên Đán- 09.09.2009
• Vài Suy Niệm về Biên Giới và Sứ Mệnh của Da Màu- 23.08.2009
• Hương Thái Cổ, Cánh Chim Trời: Đọc và Dịch Thơ Nguyễn Sỹ Tế- 24.07.2009
• bố già yêu quí: liệu Kim Chính Vân có ít điên hơn bố?- 15.06.2009
• triệu tử dương: con tằm hóa bướm- 25.05.2009
• Oan/Nghiệp: nghệ Thuật Nhiếp Ảnh của Eddie Adams- 30.04.2009
• Chuyến Hành Hương Man Dã- 19.03.2009
• Nâng Cao Xà Nhà, Hỡi Những Nhà Phê Bình Nghệ Thuật: Đọc “Là Con Người” của Lê thị Thấm Vân- 11.03.2009
• "tri thức" về một bài thơ: Nói Chuyện Với Nhà Thơ Nguyễn Đức Nguyên- 12.12.2008
• Em Không Mềm Không Trong Không Thẳng Không Trắng (2/2)- 04.11.2008
• Em Không Mềm Không Trong Không Thẳng Không Trắng (1/2)- 03.11.2008
• Văn Chương Nobel 2008: Chìa Khóa và Nhà Tù- 09.10.2008
• Trung Thu 2008, 1928, 1968- 30.09.2008
• Sơn Nam Xuyên Bờ: Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư ở Đầu Thế Kỷ 21- 19.08.2008
• Băng Qua Tháp Babel: Salman Rushdie và Dã Sử Vượt Biên- 04.07.2008
• café diem- 04.06.2008
• Đinh Từ Bích Thúy: Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài- 19.04.2008
• Phẩm tiết Cung Tích Biền: nhìn thẳng vào mặt trời và cái chết- 26.03.2008
• Những thế giới mù của Đinh Linh- 29.01.2008
• dày dày sẵn đúc một tòa … văn chương- 12.11.2007
• Đập Cổ Kính Ra Tìm Lấy Bóng ...- 19.10.2007
• nữ quyền dép râu- 17.08.2007
• Cạnh Sườn Đế Quốc - 15.07.2007
• Nhã Ca - Một Huy Hoàng Trên Cỏ Mướt - 30.06.2007
• Những Bí Ẩn về chị Nhàn - 15.06.2007
• Gliese 581c - 30.04.2007
• Kurt Vonnegut và Những Thành Phố của Tro Bụi - 18.04.2007
• Hoshomon - 27.01.2007
• Những mảnh vỡ của bài trường ca - 20.01.2007
• Lỗ Vận với Tôi - 13.01.2007
• Toang Hoang Ngoài Phố Chợ - 06.01.2007
• Thức Ăn Dễ Dãi- 30.12.2006
• Giới Thiệu Truyện Thình Lình (Sudden Fiction) - 16.12.2006
• Chả Cá Địa Trung Hải - 16.12.2006
• Virginia Hamilton Adair / Lâm Thị Mỹ Dạ - 09.12.2006
• những chớp đời như vết sẹo - 09.12.2006
• GIỮA HỒI KỊCH TRỐNG MÁI - 02.12.2006
• Siêu Thị và Quái Thai- 09.09.2006
• Những Ngụ Ngôn Miền Đất Hoang- 10.08.2006

--------------------------------------------------------------------------------

Article printed from Tạp chí Da Màu – Văn Chương Không Biên Giới: http://damau.org

URL to article: http://damau.org/archives/18482

Click here to print.

© 2008 damau.org - Damau Literary Portal. All rights reserved.

Nói Chuyện Với Nhà Thơ Nguyễn Đức Nguyên

"tri thức" về một bài thơ: Nói Chuyện Với Nhà Thơ Nguyễn Đức Nguyên

Đinh Từ Bích Thúy









LTS: Nguyễn Đức Nguyên là nhà thơ và thân hữu của Da Màu. Anh đã sáng tác và dịch nhiều thơ và truyện flash trên trang Da Màu. Tiểu sử của anh rất vắn tắt, rất “Thiền:” “Tuổi con khỉ. Sinh tại Saigon. Sinh sống và định cư tại Sydney (Úc đại lợi) từ giữa thập niên 70.” Nhân có chuyên đề dịch thuật, anh nói chuyện với Đinh Từ Bích Thúy qua email về cách đọc và dịch một bài thơ.



Đinh Từ Bích Thúy (DTBT): Anh có thường hay dịch thơ văn sang Việt ngữ, hoặc từ Việt ngữ sang Anh ngữ?

Nguyễn Đức Nguyên (NDN): Câu hỏi này vui là ở chỗ chữ “thường” – “có thường hay dịch”? Nếu thường là một chu kỳ cố định, mỗi tuần dịch một bài thơ, hay hai tuần dịch một chuyện ngắn thì chắc chắn là không “thường”. Lý do rất là giản dị – bận bịu công việc, ít thư giãn, nên ngay cả việc đọc sách cũng bất thường, bữa có bữa không – vì vậy việc dịch thuật cũng bất thường và tùy hứng.

DTBT: Lý do anh đã chọn những bài để dịch?
NDN: Lý do bài tôi chọn dịch thường có hai tiêu chuẩn. Thứ nhất là tôi cảm được chúng. Thứ nhì là chúng ngắn, tôi thường không dịch những bài dài vì ít có thì giờ, và cũng vì cái bệnh lười, thiếu kỷ luật.

DTBT: Khi dịch, anh đã gặp những khó khăn nào, và giải pháp, nếu có, cho những khó khăn trong lúc dịch văn chương..

NDN: Cái khó khăn mà tôi nghĩ là người dịch nào cũng quan tâm đến là bản dịch của họ cần diễn tả được văn bản chính. Cái khó ở đây là người dịch vừa là người đọc và cũng là người “viết”. Tôi cố ý dùng chữ “viết” là vì người dịch sẽ phải lựa chọn, cân nhắc cấu trúc, và từ vựng, ngôn ngữ dùng trong bản dịch để diễn tả đúng văn bản cả “thể” lẫn “chất” qua cảm nhận của họ. Cái cảm nhận này, hay nói một cách khác, cái tương tác giữa tác giả và người dịch, qua văn bản, thường thường là một sự tương tác một chiều, từ tác giả đến người dịch; không phải một sự tương tác song phương, đối thoại hai chiều. Và như vậy, cùng một văn bản, nếu có nhiều người dịch, thì bản dịch của họ sẽ khác nhau, không ít thì nhiều. Kết quả là có bản dịch diễn tả được cái “hồn” của văn bản, có bản không. Thật sự thì việc phán đoán rằng bản dịch này “hay” hay “đúng” hơn bản dịch kia lại rất tùy thuộc vào những nhà phê bình nào đó thông suốt cả hai thứ tiếng, chịu bỏ thì giờ đọc “kỹ” cả văn bản lẫn bản dịch. Chứ còn những độc giả nào chỉ đọc được bản dịch thì làm sao mà họ bình phẩm – họ chỉ có thể thích hay không thích bản dịch mà thôi. Nếu có thể được, người dịch nên gửi bản dịch đến tác giả để tác giả duyệt xét trước khi trình làng – nếu tác giả biết cả hai ngôn ngữ.

DTBT: Tại sao lai là “sự tương tác một chiều”? Vì nếu dịch giả biết tác giả, như nếu anh dịch thơ của nhà thơ Thường Quán hoặc nhà thơ Vi Lãng, anh có thể email một trong hai người này và hỏi họ nếu có những thắc mắc trong nguyên bản, và từ đó sẽ có một đối thoại về cách hiểu/thu nhận một bài thơ của tác giả? Hay là anh nghĩ mình không nên hỏi tác giả, mà nên để cho văn bản “speak for itself” rồi từ đó dịch sang một ngôn ngữ khác?

Nhà thơ Trịnh Cung chắc đã hơi ngạc nhiên vì có một dạo T. đã “đường đột” email hỏi về một thắc mắc trong bài thơ Giá Mà Tuyết Rơi Xuống Bây Giờ về mấy con kiến gió (vì không hiểu kiến gió là kiến gì, và dịch ra tiếng Anh làm sao, winged ants, fire ants, wind ants, v.v. ?—đối với T. –có lẽ là người quá thực tế–những điều thắc mắc trong một văn bản thường là ở những chi tiết hoặc dữ kiện, bối cảnh…), thì anh Trịnh Cung đã cho T. biết là những con kiến gió đó chỉ là những con kiến tình cờ rơi từ trên cây vào ly trà đá của anh khi anh ngồi ở quán nước trong hẻm 47, có lẽ cũng là cách ví von về số phận chấp chới của những nhà thơ Việt trong nước. Rồi anh Trịnh Cung cũng “nhỏ nhẹ” khuyên T. như sau, “Đúng ra thì không nên giải thích, sự liên tưởng của người đọc sẽ mở rộng cảm xúc của bài thơ hơn, nhưng T. hỏi thì anh …phải trả lời”(!)

Thật ra thì có những câu thơ lúc đầu T. đọc lên thì tưởng là bí hiểm, hóa ra nó cũng giản dị thôi. Có một lần T. thắc mắc đến cả tháng trời, không biết dịch hai câu lục bát cuối trong bài “Gặt Đêm” (Night Harvest) của chị Mỹ Dạ ra sao: “Đạn bom rơi chẳng sợ đâu/Chỉ e sương ướt mái đầu lá chanh …” vì không hiểu tại sao người trong thơ lại sợ sương ướt … đầu cây chanh. Cuối cùng chị Dạ phải email giải thích “mái đầu lá chanh” đây là đầu người con gái, mới gội đầu từ nước lá chanh và bồ kết, không muốn bị sương rơi lên đầu, sợ bị cảm, còn đạn bom thì “quen riết rồi, chả sao cả.” Tóm lại là, có lẽ cũng có nhiều tác giả không muốn dịch giả hay ai đó hỏi quá kỹ về ý nghĩa trong những tác phẩm của họ, vì nó xâm phạm một cái gì huyền bí trong quá trình sáng tạo chăng?

NDN: Thật ra thì sự “tương tác một chiều” mà tôi đề cập đến – theo ý kiến chủ quan của tôi – thì trong quá trình sáng tác, khi tác giả đã “finalise” văn bản, sau những sửa đổi hẳn đã có, thì văn bản đó trở thành “a line in the sand”, một dấu mốc, “an imprint”. Dấu mốc này từ đó, lẽ tự nhiên, thuộc về quá khứ. Từ mấu dốc này, đến điểm thời gian mà một người đọc văn bản về sau, trong tương lai, là con đường một chiều. Kể cả chính tác giả, nếu có đọc lại văn bản, như đọc lại nhật ký chẳng hạn, có lẽ cũng chỉ gợi nhớ đến chứ không hẳn là sẽ có lại đúng những cảm xúc, những ý tưởng, những mục tiêu viết của tác giả lúc ấy; tác giả hôm nay không phải là tác giả hôm qua vì đã có những thay đổi nào đó, rất li ti hay rất lớn lao, trong họ. Nói một cách khác, theo Paul Celan, văn bản, một bài viết, một bài thơ có thể được coi như là một “mẩu tin trong lọ/a message in a bottle“;

“A poem, as a manifestation of a language and thus essentially dialogue, can be a message in a bottle, sent out in the – not always greatly hopeful – belief that somewhere and sometime it could wash up on land, on heartland perhaps.”



“Một bài thơ, như là hiện thể của ngôn ngữ và như vậy là đối thoại thiết yếu, có thể là một mẩu tin trong lọ, được thả nổi với niềm tin - không phải lúc nào cũng đầy hi vọng – là một nơi nào đó, vào một lúc nào đó, nó sẽ trôi tạt vào bờ, mong mỏi đó là bờ tâm đắc.”

Như vậy – cái “tương tác một chiều” – từ tác giả, qua văn bản, đến người dịch, là một sự tự nhiên – vì người dịch trước hết chỉ là một người đọc, cần cảm nhận những cảm xúc, những ý tưởng của tác giả muốn truyền đạt qua văn bản. Sự cảm nhận này, có hay không có, sâu đậm hay hờ hững, sẽ khác và tùy thuộc vào mỗi người đọc; mỗi người mỗi khác, với độ nhạy cảm, quan điểm thẩm mỹ và thị hứng khác nhau, không kể là các yếu tố thời gian và không gian đề cập đến ở trên…. Và từ người dịch, qua bản dịch, đến người đọc – sẽ là một “tương tác một chiều” nối tiếp….

Về kinh nghiệm cá nhân tôi, khi tôi dịch những tác giả mà tôi quen biết như Vi Lãng hay Thường Quán, tôi thường dịch hết bài trước khi gửi cho VL hay TQ đọc để xem coi có “lạc đề” nhiều hay ít để sửa chữa nếu sai quá . Nhưng để thảo luận ý kiến về sự thu nhập và hiểu biết về văn bản thì có lẽ không.

Về việc Thúy nghĩ “nhiều tác giả không muốn dịch giả hay ai đó hỏi về ý trong của những tác phẩm của họ, nó violate một cái gì huyền bí trong process sáng tạo chăng?” – tôi không nghĩ là vậy là vì họ, phần lớn, không muốn đề cập đến quá trình sáng tạo của họ, vì quá nhàm chán. Họ có lẽ muốn thảo luận về các tác phẩm, tác giả khác vì chúng là các chủ đề lý thú hơn.

DTBT: Không hiểu mình nên dịch chữ “epistemology” là gì sang tiếng Việt? T. tra tự điển cả buổi hôm qua mà không thấy equivalent trong tiếng Việt. Isn’t the process of translation là một process về epistemology? Kiến thức của người dịch–what he knows or does not know, would surely affect the translation?

Thí dụ, bài thơ Pasaje (Passage) của Octavio Paz. Bài này tương đối “dễ” dịch, vì khái niệm trong bài thơ ở trong thể abstract, đã chưng cất thành tinh túy, essence, cho nên nếu dịch, dù có những bản khác nhau, có lẽ vẫn không thể đi quá xa văn bản:

Passage (pasaje)


More than air (más que aire)

More than water (mas qué agua)

More than lips (más que labios)

Light light (ligera ligera)

Your body is the trace of your body

(Tu cuerpo es la huella de tu cuerpo)

Băng Qua

hơn không khí,

hơn nước,

hơn môi,

thoang thoáng

người em là vết tích của người em.

(bản dịch tiếng Anh của Lysander Kemp, tiếng Việt của DTBT.)

Nhưng một bài thơ lục bát của Nguyễn Duy, với những đề cập cụ thể về địa danh, văn hóa, mặc dù có thể rất quen thuộc đối với những nhà thơ Việt hiện nay, sẽ rất khó dịch thoát mà không cần phần chú thích, và nếu dịch ra tiếng Anh, sẽ được người Mỹ coi như một bài thơ hay, lạ:


Hỏi Thăm

Vừa xa mà đã nghe lâu
hỏi thăm áo tím qua cầu gió bay
Ớt Đông Ba có còn cay
gạo de An Cựu dạo này còn thơm?
Hỏi thăm hoa phượng bên đường
sông Hương mấy bữa mưa nguồn còn trong
quán cơm Âm Phủ còn không
cô gì hôm ây lấy chồng hay chưa? …

Ở trong văn hóa Mỹ ít người biết về “ớt Đông Ba” hay gạo de An Cựu (mà gạo de An Cựu là gạo gì, T. cũng không biết nữa, chỉ nghe thấy hay hay.) Cho nên mình có thể nói kiến thức hoặc khiếm khuyết trong kiến thức người đọc ảnh hưởng sâu đậm đến cách đọc một văn bản, và có thể làm văn bản đó nhàm, hoặc mới lạ, tùy trình độ cảm nhận? Và vị vậy tất cả những chuyện dịch là cách chất vấn kiến thức, “an inquiry into the nature of epistemology?

NDN: Theo từ điển Nguyễn Văn Khôn (NVK) – NXB Khai Trí – thì từ “epistemology” được dịch là “nhận thức luận”. Thúy hỏi “Quá trình dịch thuật có phải chăng là một quá trình về nhận thức luận?” (Isn’t the process of translation là một process về epistemology?) Câu hỏi này khá hóc búa. Triết học thì tôi không biết nhiều, về “nhận thức luận” thì tôi lại càng mù tịt – ngoài việc mới biết rằng câu hỏi chính của “epistemology” là “Kiến thức là gi`? What is knowledge?” – Hay “Tri thức là gì?” hoặc “Học thức là gì?” vì knowledge thường được dịch là kiến thức, tri thức, học thức tùy trường hợp. Như vậy cái nào/khi nào là thấy (kiến), là biết (tri), là hiểu (học) [theo cái hiểu lơ tơ mơ của tôi về chữ Hán Việt]. Sau cái thấy, cái biết, cái hiểu, chắc có còn cái nhận nữa cho nên ông NVK mới dịch là nhận thức luận.

Trước hết về bài Hỏi Thăm của Nguyễn Duy, Thúy có viết “gạo de An Cựu” là gạo gì mà nghe thấy hay hay? Tôi cũng không biết gạo de An Cựu là gì, ớt Đông Ba cay đến cỡ nào, mưa nguồn sông Hương ra sao, hay quán cơm Âm Phủ ở đâu. Nhưng có lẽ khối người gốc Huế, cựu học sinh Quốc Học sẽ thấy bài thơ này hay vì gợi nên một cảm xúc nhớ Huế cũ, Huế xưa, một cảm xúc luyến tiếc (nostalgic emotion) qua những địa danh quen thuộc đặc biệt về Huế, đến màu tím áo dài của các cô nữ sinh Đồng Khánh.

Về phần tôi khi đọc bài này cũng thấy hay hay – một phần là vì cái âm điệu quen của thơ 6/8 Việt, một phần là vì tôi có biết Huế sơ sơ, ghé qua có một lần cách đây vài năm. Có thể nói là tôi chỉ thấy, nhưng không biết hay hiểu Huế, như người Huế. Như vậy, không nói chi đến người Mỹ, người Anh, sự dùng những từ đặc trưng của một miền văn hóa, tuy có thể lôi cuốn người đọc tìm hiểu thêm để biết thêm về miền văn hóa này, cái kiến thức học hỏi, thâu nhập được, cũng sẽ chỉ là kiến thức thỏa mãn cái trí năng (intellect); và cái trí năng đó sẽ không thay thế được sự xúc cảm (emotion) mà bài thơ đưa đến những người thuộc miền văn hóa đó, một lượng nhân khẩu (demography) có giới hạn.

Người dịch bài thơ này do đó sẽ phải lựa chọn giữa việc dịch theo đúng nguyên bản hay lựa chọn một demography nào đó mà người dịch gần gũi để biến thể nó sang ngôn ngữ đích. Hai con đường lựa chọn này đều có cái khó khăn chung – là số người đọc, hiểu, cảm nhận, đánh giá bài thơ là fresh đều sẽ giới hạn. Nhưng chúng không đòi hỏi là người dịch cần phải hoàn toàn thấy, biết và hiểu như người Huế địa phương.

Như vậy, theo tôi cái kiến thức sẵn có/ không sẵn có không phải là điều kiện cần thiết để người dịch tạo mầm sống cho bản dịch – khả năng sáng tạo (creativity) có lẽ cần thiết hơn. Do đó, quá trình dịch thuật không phải luôn là một sự tư duy về bản chất của “nhận thức luận”.

DTBT: Theo anh, một bài thơ “hay” phải có những yếu tố nào để nó được dịch ra một ngôn ngữ khác? Hay nói cách khác, tại sao một bài thơ/văn nên được dịch?

NDN: Thế nào là một bài thơ “hay”? Thế nào là bài thơ “không hay”? Thơ “không hay” thì lẽ tự nhiên không thích đọc hết bài, chỉ đọc vài câu đầu rồi bỏ, hay đọc hết bài mà cũng không có cảm tưởng hay cảm giác gì đến bài thơ – không cảm nhận được cấu trúc, ngôn ngữ, ý tưởng, vần điệu nếu có, mà bài thơ muốn chuyển đạt. Nhưng mà “hay” và “không hay” ở đây rất chủ quan – “thích” và “không thích” thì đúng hơn – vì sẽ có người đọc khác với quan niệm thẩm mỹ khác “thích” bài thơ/bài viết mà tôi “không thích”. Không thích, không cảm thì không dịch – thường thường là như vậy.

DTBT: Có những bài thơ/văn hay nào trong tiếng Việt, hay trong một tiếng nào khác, mà không thể nào, hoặc khó “dịch,” sang một ngôn ngữ mới? Tại sao?

NDN: Có lẽ không có bài thơ/văn nào không thể nào không dịch được sang ngôn ngữ khác – vì muốn dịch thì vẫn dịch được – bản dịch “hay” hay có “hồn” của văn bản lại là một vấn đề khác. Làm sao dịch được một bài thơ lục bát Việt nam sang Anh ngữ và giữ được cái hồn của thơ lục bát . Bản dịch có thể diễn tả được cái ý thơ, nhưng liệu nó có thể tạo nên cái âm điệu, vần bằng trắc đặc thù của thơ lục bát. Ngược lại, dịch một bài thơ Anh ngữ thể thơ villanelle sang Việt ngữ mà vẫn giữ được đặc thù của thể thơ ấy cũng rất đa đoan.

DTBT: Theo Lawrence Rosenwald, trong bài On Not Reading a Translation (Về Chuyện Không Đọc Một Bản Dịch) mà T. đã gửi cho anh cuối tuần trước, thì nếu người đọc có thể đọc một văn bản chính trong ngoại ngữ, thì nên đọc văn bản này, thay vì bản dịch của nó. Ông Rosenwald nghĩ rằng, một người chỉ đọc một bản dịch sẽ không biết được những gì mình đã đánh mất khi đọc bản dịch – cho dù nó có trơn tru hoặc hay cách mấy đi nữa, và cho dù khi đọc bản chính có khó khăn nặng nhọc gấp bội lần đọc bản dịch. Anh có đồng ý với quan điểm này không?

NDN: Phần lớn thì tôi đồng ý với quan điểm này của ông Rosenwald. Là người đọc, đứng trước nguyên bản và bản dịch – như là một khách hàng cần lựa chọn giữa món hàng “thật” và hàng “tương tự” [tôi không dùng chữ “giả” hay “mạo hóa” ở đây vì như vậy rất là coi thường những dịch giả gần xa] đương nhiên đọc được hàng thật vẫn hơn, vì sẽ không phải qua trung gian là bản dịch.

Tuy nhiên, cái sư lựa chọn dễ dàng này, sẽ tùy thuộc một vài yếu tố. Yếu tố chính là khả năng thông thạo ngôn ngữ gốc của người đọc – khả năng này phải có một trình độ nào đó để khỏi phải đọc hai chữ, tra tự điển một chữ. Nếu trình độ thông thạo ngôn ngữ của người đọc chỉ là ở cấp vỡ lòng, thì việc đọc những văn bản qua ngôn ngữ gốc sẽ là … một điều khổ sở… như một người mù chữ mà cứ phải đọc sách. Những cố gắng đọc như vậy nếu có, sẽ là cố gắng học ngoại ngữ, chứ không phải là để thưởng thức văn bản – tuy chúng có thể đưa đến những hứng thú khác cho người đọc, như khi hiểu nghĩa một từ mới chẳng hạn.

Ông Rosenwald cũng có đề cập đến trong bài viết của ông như sau…

…the reading I do in languages other than English isn’t fully competent reading. When I contrast my reading in English with my reading of other languages, I’m acutely aware of my mastery in the former domain, my limitation is in the latter…



… việc tôi đọc những ngôn ngữ khác ngoài Anh ngữ, không phải là việc đọc có trình độ. Khi tôi đối chiếu việc đọc sách tiếng Anh với đọc sách các ngôn ngữ khác, tôi nhận thức rõ ràng là tuy tôi nắm vững việc đọc các văn bản Anh ngữ, về các những ngôn ngữ khác thì sự hiểu biết của tôi có giới hạn…

Như vậy tuy ông ta tránh đọc các bản dịch vì “…there is no way to tell what the translator has done…I can’t bear that sort of uncertainty, do not have that sort of faith …” “… không cách chi mà biết được dịch giả đã thay đổi gì từ văn bản … Tôi không chịu đựng được cái bấp bênh ấy, tôi không có niềm tin loại ấy…” , ông ta đương nhiên có thể hiểu sai văn bản như bất kỳ một người đọc nào khác. Và với cái quy luật mà ông ta tự đặt ra cho mình, ở đây, chỉ có nghĩa là ông ta chấp nhận cái ta hiểu sai, chứ không chấp nhận cái người khác có thể hiểu sai.

Nhưng tôi đồng ý với ông Rosenwald là khi một người khi trình độ hiểu biết một ngôn ngữ đến một mức độ nào đó, khi không phải luôn tra tự điển khi đọc văn bản qua ngôn ngữ gốc thì cái mà ông gọi là “imperfect reading/đọc bất toàn hảo” sẽ đưa đến những hứng thú đặc thù từ ngôn ngữ gốc, những gì mà ngôn ngữ đích dù có dịch thoát đến đâu cũng thiếu sót không diễn tả được, như cái âm điệu vần từ thể thơ 6/8 của ta – như cái khoái khi ta xem phim ngoại quốc [hay] mà không phải đọc phụ đề.J

Yếu tố thứ hai là yếu tố thời gian. Too much to do, too little time. Nhiều chuyện phải làm quá mà không có thì giờ – Một câu nói rập khuôn mà ta thường nghe thấy. Nếu người đọc chỉ muốn đọc các văn bản qua ngôn ngữ gốc thì cần biết bao nhiêu thời giờ, trước là phải học ngôn ngữ cho sành, sau đó thì mới đọc được sách/thơ mình muốn đọc. Khó khăn quá.

Ông Rosenwald là giáo sư Anh Ngữ trường Wellesley College, việc đọc sách và dịch có thể coi là việc làm và quan tâm chính của ông. Còn tôi, và có thể nhiều người đọc khác, thì giờ hiếm hoi, thì làm sao đây. Thôi thì, phần lớn, đành chấp nhận cái người khác có thể hiểu sai vậy.

DTBT: T. thấy những trao đổi về ngôn ngữ và dịch thuật với anh rất thú vị, và qua anh T. cũng học hỏi được khá nhiều về cách “đọc” và “dịch” một văn bản. Thay mặt Da Màu, xin chân thành cám ơn anh Nguyễn Đức Nguyên.

Đinh Từ Bích Thúy