Hiển thị các bài đăng có nhãn Thế Uyên - Những ý nghĩ của bọt biển (3). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thế Uyên - Những ý nghĩ của bọt biển (3). Hiển thị tất cả bài đăng

30/7/10

Thế Uyên - Những ý nghĩ của bọt biển (3)

Thế Uyên
Những ý nghĩ của bọt biển
(Thái độ II)

Lương đống


Trong xã tắc ra tài lương đống,
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương.


Sau khi hai ông Nhu, Diệm chết rồi, kẻ sĩ nước Việt đua nhau phân tích tìm hiểu các lỗi lầm, các nguyên nhân đã làm tan rã Ngô triều. Người thì bảo tại áp dụng chính sách sai, kẻ thì bảo tại độc tài gia đình trị, người thì nói tại phong kiến quan liêu, v.v. Lắng nghe tất cả các phân tích tìm hiểu ấy, sau khi suy nghĩ, tôi đi đến một kết luận: có lẽ thực ra hai ông Diệm, Nhu thất bại chỉ vì lý do nhân sự và chính sách nhân sự của hai ông.

Khi hai ông nắm được chính quyền tại miền Nam, xã hội Việt Nam còn là một xã hội mang đủ thứ tính chất bán phong kiến bán thuộc địa: tại nông thôn, từ cơ cấu tổ chức tới lề lối sinh hoạt, còn y hệt như một thế kỷ về trước, tại thành thị, từ lề lối sinh hoạt tới cơ cấu tổ chức, tất cả y hệt như bất cứ một thành phố thuộc địa nào trên thế giới, nghĩa là có đủ từ một tầng lớp trưởng giả công chức do thực dân tạo ra để làm trung gian phục vụ đến các thương gia mại bản làm giàu cũng bằng cách trung gian phục vụ mẫu quốc.

Xuất thân từ hàng ngũ quan lại phong kiến, trước thực trạng xã hội như thế, thật không nên ngạc nhiên khi hai ông Nhu, Diệm thành lập chế độ là áp dụng một đường lối cai trị hình thức là tổng thống, thực chất là vua. Và hiển nhiên là thứ chế độ và đường lối này có thể giúp hai ông duy trì triều đại mình vài ba chục năm, ít nhất cho tới khi thế hệ mới hai mươi tuổi năm 1954 trở thành các ông già năm mươi, nếu không phạm lỗi lầm lớn về tôn giáo.

Đã chọn chế độ và thứ đường lối cai trị như thế rồi điều tất nhiên kế tiếp là về nhân sự, hai ông Nhu, Diệm phải trọng dụng các quan lại cùng viên chức hành chánh thừa hành cũ do người Pháp để lại. Nghĩ lại quá khứ, tôi thực đã quá ngây thơ khi đã có thời tự hỏi tại sao Ngô triều lại trọng đãi và sử dụng các quan huyện, quan phủ, đốc phủ sứ cùng các thư ký, tham sự, thông phán. Với thứ nhân sự ấy, dĩ nhiên mọi cách mạng, dù là cách mạng tư sản, cách mạng tiệm tiến, cách mạng nhân vị hay cần lao, v.v. đều không thể có được.

Tài lương đống của loại nhân sự này bất quá chỉ giúp được xã tắc trong cái thời mà “hai kinh phẳng lặng, bốn phương vững vàng” theo kiểu Gia Tĩnh triều Minh.

Bởi thế khi cộng sản nổi lên, hai ông Nhu Diệm không sao chống nổi, để quốc gia đi từ bước nhảy… lùi này sang bước nhảy lùi khác. Dĩ nhiên, với một quan thừa tướng thông minh như ông Nhu, chế độ cũ cũng đã đưa ra nhiều biện pháp đối phó. Trong địa hạt nhân sự, khi biết Trường Quốc gia Hành chánh huấn luyện lầm đường (người dân trước đây vẫn thường gọi đùa nó là trường đào tạo các quan huyện mới, khi biết các sinh viên tốt nghiệp ra không đủ khả năng làm quận trưởng trong cái thứ chiến tranh gọi là du kích hay cách mệnh này, chế độ cũng đã bắt các sinh viên phải theo học khóa huấn luyện sĩ quan trừ bị. Nhưng kết quả thu lượm được không đáng kể. Rút cục, trong suốt 9 năm cầm quyền, hai ông Nhu, Diệm không tạo được thứ lương đống thích hợp với nhu cầu đặc biệt của đất nước. Hơn nữa, ngay về lượng, cũng không đáng kể. Nếu xét cho thật rộng rãi, cùng lắm cũng chỉ khoanh cho chế độ cũ một điểm son về địa hạt đào tạo các chuyên viên, nạn nhân mãn kỹ sư gây ra tranh chấp gần đây tại khu vực của Bộ Giao thông Công chánh là một sự kiện chứng tỏ.

Đệ nhất Cộng Hòa sụp đổ, rồi đệ nhị Cộng hòa, đệ tam Cộng Hòa, đệ tứ Cộng Hòa, v.v. kế tiếp theo nhau thật nhanh. Quá nhanh đến độ không chính phủ nào có thì giờ nghĩ tới việc đào tạo những cán bộ mới làm lương đống cho xã tắc trong thời kỳ nghiêng ngửa. Hậu quả đương nhiên là với thứ nhân sự cũ, cách mạng ôn hòa của ông Thơ, cách mạng dân chi phụ mẫu của ông Khánh đều không thể đưa đến bất cứ một kết quả nào. Rồi để rồi tới lượt ông Kỳ tuyên bố làm cách mạng xã hội. Nhưng làm sao mà thay đổi khi không có cán bộ mới thay thế cho cán bộ cũ, lấy đâu rường cột mới kiểu tối tân để thay thế cho các rường cột cũ đã mục và lỗi thời để xây cất lại căn nhà Việt Nam. Quân Lực biết rằng với thứ chiến tranh này, chưởng chính trị cũng quan trọng như chưởng 105 hay B-52, rằng chưởng phản du kích chiến cũng quan trọng như chưởng chính quy chiến, nhưng thử hỏi đến giờ phút này, các quân trường đã đào tạo được bao nhiêu sĩ quan đa hiệu để hạ được các chính ủy đối phương. Bộ Thanh niên Thể thao có thể cũng biết rằng trong cái thời buổi này, vấn đề chính là làm sao tranh thủ thanh niên với Cộng sản còn để các huấn luyện viên giữ các chức vụ chỉ huy là lệch hướng. Nhưng tìm đâu ra cán bộ mới, giỏi về hoạt động thanh niên để thay thế? Từ trước đến giờ, đã có ông Tổng trưởng Bộ trưởng nào của các chính phủ tiền bối nghĩ tới việc đào tạo cán bộ thanh niên đâu – xin hiểu cán bộ thanh niên đây là những người được huấn luyện kỹ về chính trị và kỹ thuật tổ chức đoàn thể cùng động viên thanh niên.

Chính quyền của các Cộng Hòa kế tiếp nhau đã xao lãng việc đào tạo các cán bộ mới cho quốc gia như vậy, còn thanh niên bên ngoài thì sao? Dĩ nhiên, những kẻ có ôm chí lớn trong thiên hạ muốn trong xã tắc ra tài lương đống đã cố gắng tự đào luyện lấy mình. Kẻ thì lấy chiến trường làm trường học, kẻ thì lấy sách vở làm thầy, kẻ này lấy hoạt động xã hội làm trường thực tập, kẻ kia lấy việc xuống đường làm vôi tôi thép. Để rồi kết quả tới giờ phút này chẳng lấy gì làm khả quan.

Người lấy chiến trường làm trường học tuy thu được nhiều kết quả nhưng học phí thường quá đắt và thường chưa chắc sở học đã được đắc dụng vì e “chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về”.

Người lấy sách vở làm thầy thì vì đọc quá nhiều sách Tây, hóa thành déracinien, cứ mưu toan đem lời dạy của các kẻ sĩ Pháp Lan Tây và Á Mỹ Lợi Ca áp dụng vào cái xứ thân phận nhược tiểu bốn bề thù địch này.

Người lấy việc xuống đường làm vôi tôi thép thì lại hay tưởng rằng thực hiện được dăm ba vụ tranh đấu tại thị thành, là mình đủ khả năng trở thành lãnh tụ sau này.

Người lấy hoạt động xã hội làm trường thực tập lại đôi khi ngộ nhận rằng làm Bộ trưởng trông coi một Bộ hay việc cai trị không khó hơn tổ chức hoặc điều khiển một phong trào hay trại công tác xã hội.

Rút cục vấn đề lương đống là thế nào? Tôi chịu không biết trả lời sao vì chính tôi cũng là kẻ đang đi tìm trường để học mà chưa tìm ra nơi thích hợp và trong lòng thì đang lo rằng không tìm được ra mau thì chí lớn không về, bàn tay không e cũng có lúc đựng không đầy hai con mắt mỹ nhân.


Hiện tượng chậm tiến trong bộ máy nhà nước

Trước khi người Pháp dùng võ lực làm Việt Nam trở thành một thuộc địa, bộ máy nhà nước tại xã hội xưa có truyền thống bắt nguồn từ Trung Hoa. Ý hướng chủ chốt của thành phần lãnh đạo là duy trì triều đại một dòng họ biểu lộ qua sự phát triển và củng cố ý niệm trung quân. Cơ cấu tổ chức tương tự như của Trung Quốc. Tại kinh đô có triều đình tập trung cả ba thứ quyền: hành pháp, tư pháp và lập pháp. Tại các địa phương có những quan đầu tỉnh, đầu quận, đại diện cho nhà vua cai trị dân theo những quy tắc luật lệ phát xuất từ triều đình. Phương thức cai trị được đề cao là phương thức nhân trị, lấy lễ nghĩa mà giáo hóa cho dân nhiều hơn là dùng chế tài – chính từ chủ trương này đã phát sinh thành ngữ quan là “dân chi phụ mẫu”. Về nhân sự, các quan (không kể các lại là nhân viên thuộc hạ), đa số xuất thân từ đại chúng. Với lề lối thi cử tuyển chọn trực tiếp nhân tài, dân Việt nào có học thì dù là quý tộc hay bạch đinh, đều có thể ra làm quan. Cứ ba hay bốn năm tùy triều vua, bộ máy hành chánh lại được tất cả một số viên chức mới từ đại chúng. Cứ mỗi một thế hệ, gần như nhân sự của bộ máy nhà nước lại được đổi mới trung bình tới 1/3. Từ dân mà ra, rồi lấy các quy tắc của Khổng Mạnh mà cư xử và trị dân, những ông quan thời xưa quả thật đã là những nhà cai trị khá (dù không được huấn luyện về hành chánh). Nhưng bộ máy nhà nước kiểu Khổng Mạnh này có nhược điểm là nương dựa trên hai yếu tố MINH QUÂN và TÔI HIỀN. Vua có sáng suốt và thương dân thì các quan mới khá và ngược lại, các quan có khá thì vua mới dễ trở thành minh quân. (Trong các triều đình Việt Nam, vua không có quyền tuyệt đối vì có sự hiện diện của các quan Đô sát Ngự sử và tại nhiều triều vua, thực quyền gần như do các đại thần nắm giữ). Nói một cách giản dị, sự hay dở của bộ máy nhà nước thời trước gần như tùy thuộc vào yếu tố nhân sự, nghĩa là tùy thuộc vào đức tính một người (vua) và sĩ khí của đẳng cấp trí thức trong nước. Vấn đề cơ cấu tổ chức được xếp xuống hàng thứ yếu. Cũng vì thế khi vua xấu, sĩ phu xuống dốc về tinh thần thì đương nhiên quốc gia lâm vào một thời kỳ đen tối, và sử chép rằng: “Vua thì ham mê tửu sắc bỏ việc triều chính, các quan tham nhũng, sưu cao thuế nặng, giặc cướp nổi lên như ong, trăm họ điêu linh…”.

Trong những năm cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã có nhiều lần định thực hiện chế độ trực trị, sa thải quan lại cũ Việt Nam, tiêu hủy các cơ cấu tổ chức hành chánh cổ truyền tại Việt Nam, nhất là tại Nam Việt. Nhưng sang thế kỷ XX, với toàn quyền Paul Bert và vài toàn quyền kế tiếp, người Pháp đã áp dụng một chính sách khác khôn ngoan hơn. Về nhân sự, họ trọng dụng các quan lại cũ trong khi chờ đợi đào tạo được các quan lại mới theo tiêu chuẩn ấn định. Về cơ cấu tổ chức họ duy trì cơ cấu cũ từ cấp huyện trở xuống. Về phương thức tổ chức họ đã theo một phương thức làm cho bộ máy hành chánh ngược đầu: Tại các quốc gia độc lập, bộ máy hành chánh được thành lập như thế nào cho có lợi CHO DÂN, CHO QUỐC GIA. Tại Đông Dương cũng như tại các nước thuộc địa khác, bộ máy hành chánh được tổ chức SAO CHO CÓ LỢI cho nước thống trị. Nghĩa là không những có các cơ quan không có ích gì cho dân cho nước (công quản rượu, thuốc phiện, v.v.), tất cả các cơ cấu khác đều được hướng về quyền lợi của nước thống trị, lấy sự mang lợi cho mẫu quốc làm tiêu chuẩn chính.

Tháng 8-1945, Việt Minh thay thế người Pháp cầm quyền, hủy bỏ các cơ cấu cũ, loại trừ các quan lại khỏi các chức vụ chỉ huy, đưa ra một phương thức tổ chức mới. Vài tháng sau, vì chiến tranh Việt Pháp, bộ máy hành chánh được tổ chức lại cho thích ứng với công cuộc kháng chiến. Sau 1950, Hồ Chí Minh công khai áp dụng chế độ xã hội chủ nghĩa theo chiều hướng “tiến tới chế độ cộng sản”, bộ máy hành chánh được tổ chức lại một lần nữa theo mẫu của Nga Xô và Trung Cộng.

Bộ máy nhà nước của Việt Nam Cộng hòa

Tại miền Nam, cho tới 1954, bộ máy hành chánh là bộ máy cũ do chính quyền bảo hộ Pháp tạo lập trước kia. Sau 1954, ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền, có chú ý tới việc sửa đổi. Nhưng các sửa đổi chỉ có tính cách chi tiết và hình thức. Do đó bộ máy hành chánh Việt Nam Cộng hòa hiện nay vẫn giữ đủ các đặc tính chính yếu do chế độ thực dân mang lại. NGHĨA LÀ:

Về cơ cấu tổ chức

Bộ máy hành chánh vẫn được tổ chức ở thế tĩnh.

Tại Trung ương có các Bộ trưởng, Đổng lý, Giám đốc, Chánh sự vụ với các Bộ, Nha, Sở. Tại tỉnh có các Ty và Chi. Sở dĩ gọi là tĩnh bởi vì lối tổ chức này bao gồm các chức vụ ngồi bàn giấy và các cơ cấu có khuôn khổ nhất định không thuận tiện cho các hoạt động linh động đặc biệt.

Cộng hòa Việt Nam đang phải giải quyết một thứ chiến tranh toàn diện gọi là chiến tranh cách mạng hay chiến tranh nhân dân, tổ chức chính quyền thế tĩnh không còn thích hợp. Thí dụ trường hợp sau: Tại thị trấn A, Việt cộng nhân dịp Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tới trú đóng, dự tính trong tháng sau sẽ xách động học sinh sinh viên biểu tình chống Mỹ. Để thực hiện dự định này, Việt cộng tăng cường cho Tỉnh ủy tỉnh A một đoàn cán bộ đặc biệt để trà trộn vào hàng ngũ học sinh sinh viên để tổ chức đoàn thể trung lập với chính quyền hoặc thân cộng. Cục An ninh và Cảnh sát Quốc gia theo dõi, tìm bắt cán bộ Việt cộng loại này thường thường chỉ đạt tới hiệu năng 50 phần trăm, do đó cuộc biểu tình vẫn có thể hình thành. Khi cuộc biểu tình hay xuống đường xảy ra dưới hình thức này hay hình thức khác, Cục An ninh phối hợp Công an lo tìm bắt những kẻ cầm đầu, Cảnh sát phối hợp với Quân đội lo giải tán. Nhưng dù dẹp được biểu tình, kẻ địch Việt cộng cũng đã đạt được mục tiêu tuyên truyền hoặc chính trị của họ rồi. Như vậy biện pháp hay nhất là các đoàn thể tổ chức thiên cộng để lũng đoạn và lôi cuốn họ về phía Quốc gia. Nhưng lấy đâu ra cán bộ chính trị có khả năng để làm công tác này?

Bây giờ chẳng lẽ gửi về địa phương các giám đốc, chánh sự vụ? Gửi nhân viên cấp nhỏ hơn thì vô ích vì những người này chỉ là những công chức hành chánh. Hơn nữa, bây giờ giả thử gởi được chăng nữa thì họ hoạt động theo phương thức, quy chế nào.

Bộ máy hành chánh không thích ứng với các công tác phối hợp.

Bộ máy hành chánh người Pháp lập ra theo thế tĩnh cũng có lý do chánh đáng: Họ thiết lập guồng máy cai trị cho thời bình. Thời bình đòi hỏi những phân nhiệm rõ rệt giữa các cơ cấu, các ngành, các bộ. Bộ Y tế lo chữa bệnh, công tác vệ sinh. Giáo dục lo việc dạy học, Quân đội lo giữ an ninh quốc nội, chống ngoại xâm, v.v. Người nào việc đó, cơ quan nào phân vụ ấy cứ thế mà làm, không ai giẫm chân lên ai cả và công việc công tác sẽ được thực hiện hay giải quyết êm đẹp. Các công tác phối hợp các ngành gần như không có và không cần thiết.

Hiện nay, cuộc chiến có tính cách toàn diện và thực chất chính trị, địch tấn công ta trên mọi lãnh vực và trên mọi thứ trận tuyến quân sự, tôn giáo, văn hóa, kinh tế, v.v. Một chiến dịch địch mở ra tự bao giờ cũng nhằm tối thiểu hai mục tiêu: mục tiêu thứ nhất là hoàn toàn quân sự nhằm tiêu diệt chủ lực hoặc cướp vũ khí ta, mục tiêu thứ hai sẽ hoặc là gây một tác động tinh thần, hoặc để hỗ trợ cho một đợt tuyên truyền, hoặc để yểm trợ gián tiếp cho một phù trợ đòi hỏi hòa bình với bất cứ giá nào hay đòi trung lập. Trong thời bình, một cây cầu gãy phải sửa là việc của Bộ Công chánh. Nhưng bây giờ, cây cầu vì địch phá sẽ đặt ra nhiều vấn đề. Quân đội cần cầu để chuyển quân, Bộ Kinh tế cần cầu đó để chuyển lúa về thị trấn. Tòa tỉnh địa phương sợ thị trấn bị cô lập với Sài Gòn, công chức mất tinh thần, vật dụng thiếu thốn. Cây cầu chiến lược này gãy rồi, mọi sự sẽ diễn tiến như sau: Phải mượn phi cơ USOM của không quân Việt Mỹ để tản thương, tiếp tế thuốc men, chuyển công văn giấy tờ cùng viên chức quan trọng. Đó là giai đoạn khẩn cấp. Giai đoạn sau, Công binh tác chiến sẽ cấp tốc làm cầu cho Quân đội sử dụng – trong khi chờ đợi Ty Công chánh địa phương trình một hồ sơ về Trung ương để bộ Công chánh lo sửa hay làm lại cầu mới. Trong tất cả các giai đoạn trên, công tác nào cũng gần như là công tác phối hợp giữa nhiều ngành khác nhau của guồng máy Hành chánh và Quân đội cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ. Một thí dụ khác: Tỉnh trưởng tỉnh Bình Định mở một chiến dịch bình định một quận đã bị địch lũng đoạn. Công tác phối hợp sẽ phải làm ngay từ giai đoạn soạn thảo kế hoạch. Và khi thực hiện, sẽ có nhiều ngành dân chính tham dự: Cán bộ tâm lý chiến, Cán bộ y tế, Cán bộ xây dựng hương thôn, v.v. cùng các binh chủng khác nhau của quân đội.

Những người đã soạn thảo ra những nét chính của cơ cấu tổ chức chính quyền hiện nay, tất nhiên không thể trù liệu tới thứ chiến tranh toàn diện đang tiếp diễn ngày hôm nay ở Việt Nam. Hậu quả là nếu cơ cấu tổ chức hiện hành không thích hợp cho mọi công tác phối hợp, cũng là điều đương nhiên. Ông Ngô Đình Diệm đã cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách đưa quân nhân ra vài cơ quan mới. Các biện pháp này chỉ là vá víu, không có hiệu năng mong muốn. Gần đây hơn nữa, Nội các chiến tranh có tổ chức lại sự phân nhiệm, thành lập 5 Tổng Bộ để dễ phối hợp và thống nhất chỉ huy. Nhưng sự cải cách tiến bộ này mới chỉ ở cấp lãnh đạo tối cao. Còn từ cấp Bộ trở xuống Nha, Sở cho tới địa phương, chưa có gì thay đổi. Sự phối hợp vẫn chỉ trông cậy vào một vài văn kiện lẻ tẻ, vào sáng kiến cùng cố gắng của các cấp chỉ huy trung cấp.

Về thể thức điều hành

Trong thời bình, bộ máy nhà nước được lập ra để cai trị. Công tác quản trị, điều hành là chính. Trong thời chiến, bộ máy nhà nước là bộ máy chiến đấu chống địch và tìm cách thắng địch. Hai hoàn cảnh, hai chiều hướng. Chính vì thế, nhiều quốc gia, khi có chiến tranh, đã thành lập Nội các Chiến tranh, Chính phủ Kháng chiến, v.v. để có thể ứng phó được với tình thế. Bộ máy hành chánh Việt Nam, dù có những cải cách mới đây, vẫn giữ nguyên cơ cấu để chiến đấu. Chính vì thế, trong nhiều cơ quan, việc điều hành hoạt động vẫn theo thể thức có từ vài chục năm về trước.

Nhiều công chức cao cấp do Pháp đào tạo, thường chủ trương duy trì thể thức điều hành cũ, viện cớ các thể thức này thuận lợi cho việc cai trị và ngăn ngừa các tham nhũng. Cớ thứ nhất chỉ hợp lý một nửa vì như đã trình bày ở phần trên, bộ máy nhà nước hiện nay không những dùng để cai trị mà còn dùng để chiến đấu. Cớ thứ hai không hợp lý vì các thể thức chi tiêu xuất nhập và kiểm soát tiền bạc quốc gia hiện nay phức tạp và chi ly đến mức tối đa như từ năm 1954 tới giờ, thể thức này không hề tỏ ra hữu hiệu trong việc ngăn ngừa tham nhũng.

Về nhân sự

Năm 1954, khi ông Ngô Đình Diệm lập chính phủ bộ máy nhà nước hầu như chỉ gồm toàn các công chức hành chánh. Trong các Bộ, sự phân nhiệm các ngành đã có, nhưng nhân sự vẫn là thứ nhân sự do người Pháp đào tạo và tuyển mộ theo nhu cầu về cai trị. Như đã trình bày nhiều lần, đó là bộ máy nhà nước được tạo lập để cai trị và cho thời bình với thứ nhân sự đã được đào luyện cho thứ mục đích đó. Phân tích ra, thứ nhân sự này có những đặc điểm sau:

* Thuộc từng lớp tiểu tư sản thành thị do chế độ thuộc địa tạo ra

Tầng lớp này mang nặng tính chất phong kiến quan liêu, và theo nhận xét của giáo sư Nguyễn Văn Trung, họ có “một lý tưởng nhàn hạ, chiêm ngưỡng vô tri, khinh chê lao động sản xuất, coi việc ăn học chỉ như một lối thoát khỏi sự làm việc, nhất là sự làm việc mệt nhọc, cực khổ, không có hứng thú sáng tạo và thích sáng kiến”. Đó là dưới thời Pháp thuộc. Muốn phân tích và xác định đặc tính của tầng lớp này hiện nay, có thể dùng nhận định của ông Frantz Fanon: “Trưởng giả Quốc gia lên nắm chính quyền sau khi chế độ thực dân chấm dứt là một trưởng giả chậm tiến. Trưởng giả Quốc gia các nước chậm tiến không hướng về sản xuất sáng tạo, xây dựng, cần lao, mà hoàn toàn giới hạn vào những hoạt động trung gian, chỉ là sợi dây chuyền cho một chế độ tư bản bây giờ phải ẩn giấu dưới hình thức một thứ chủ nghĩa thực dân mới… Trưởng giả thuộc địa rất sáng suốt, thừa hiểu không thể kéo dài mãi tình trạng ưu đãi nên họ cố lợi dụng triệt để khi còn thời cơ. Tinh thần của nó là một tinh thần hưởng thụ...” (Les damnés de la terre).

* Chỉ được huấn luyện để trở thành nhân viên thừa hành trong bộ máy nhà nước

Hầu hết các công chức cao cấp hiện nay đều do người Pháp đào tạo từ 10, 15 năm trước. Họ có hai đặc điểm sau:

Chỉ được huấn luyện về địa hạt tạm gọi chung là thủ tục hành chánh

Chỉ được huấn luyện để làm nhân viên phụ tá hay thừa hành

Có thể chia công chức Việt Nam do Pháp đào tạo ra làm hai loại chính. Loại thứ nhất, rất đông đảo, chỉ được huấn luyện cho có khả năng hành chánh để ra làm thư ký văn phòng (dù tên gọi có nhiều và khác nhau, đi từ thông phán tới tham tá, v.v.). Loại này không được huấn luyện hay hướng dẫn một chút nào về địa hạt cai trị – có thể coi những viên chức này tương đương với các lại dưới thời phong kiến. Loại thứ hai, rất ít, được đào tạo ra làm cấp trung gian thừa hành (quan huyện, phủ, đốc phủ sứ, v.v.) và làm bác sĩ, y sĩ, thú y, giáo học, lục sự, luật gia, v.v. Gọi là chuyên viên phụ tá bởi vì sau khi có chuyên môn hầu hết các người này chỉ được phép bổ nhiệm vào các chức vụ phụ tá trong các ngành hay cơ quan chuyên môn.

Sau khi người Pháp rút khỏi miền Nam, bộ máy nhà nước được trao cho Việt Nam thì các cấp trung gian thừa hành (huyện, phủ, đốc phủ sứ, đốc sự, v.v.) và chuyên viên phụ tá, do hiện tượng lấp đầy chỗ trống, đã trở thành cấp lãnh đạo, các thư ký cũ được lên hàng cấp chỉ huy thừa hành. Tất cả những viên chức này, vì lý do không được huấn luyện về cai trị, điều khiển nên đã lấy kinh nghiệm thâm niên thay thế cho sự thiếu căn bản. Những người khá nhất của họ cũng chỉ đạt tới mức duy trì được sự điều hành thông thường của bộ máy nhà nước thời bình. Nhưng tình thế hiện nay, như đã trình bày nhiều lần đòi hỏi một hiệu năng lớn hơn và khác hơn nhiều.

Vấn đề cải tổ cơ cấu bộ máy nhà nước do đó trở thành vấn đề sống còn của Quốc gia. Nhưng tới nay không có cuộc cải tổ nào, dù chỉ là cải tổ thủ tục hành chánh, đã đạt được kết quả. Lý do thật giản dị: chính những viên chức có nhiệm vụ cải tổ lại không muốn cải tổ, bởi vì họ chỉ có thể giữ được địa vị hiện nay nếu cơ cấu cũ và thủ tục cũ còn nguyên - không ai hiểu rõ hơn họ tất cả các ngoắt ngoéo hiểm hóc rắc rối của bộ máy hành chánh hiện nay và họ là bậc thầy trong địa hạt này. Mọi sự thay đổi sâu rộng cơ cấu nhà nước phá vỡ cái khung cảnh hoạt động quen thuộc cũ sẽ làm họ sợ hãi, vì không còn duy trì được luật “sống lâu lên lão làng”, sợ hãi vì e phải nỗ lực học hỏi và chiến đấu để duy trì địa vị cũ – cuộc chiến mà họ ý thức được rằng thiên không thời địa không lợi nhân không hòa cho họ.

Hiện tượng chậm tiến trong bộ máy nhà nước là như vậy, là đến nỗi cải tổ cải cách cũng khó thực hiện. Do đó, quả thực là hai chữ không nên nói, viết tới và những vị lãnh đạo tối cao nào dự tính hay đã dự tính thực hiện cách mạng với bộ máy công quyền cùng nhân sự của nó, chỉ là những người không tưởng.


Trở lại miền Trung

Căn cứ vào địa thế, miền Trung phân ra làm hai miền rõ rệt: miền cao nguyên và miền duyên hải. Cách đây hơn một năm, tôi đã từng ở nhiều tỉnh trong cả hai phần đất ấy và mỗi khi có dịp được nghỉ vài ba hôm, tôi thường sử dụng hầu hết quốc lộ để trở về Sài Gòn, từ quốc lộ 13, 22 đến quốc lộ 1. Bây giờ có dịp trở lại các nơi cũ, tôi chỉ có thể sử dụng một phương tiện di chuyển độc nhất là máy bay. Chỉ xét vấn đề dưới một khía cạnh này, cũng đã thấy tình hình đất nước miền Trung đã thay đổi ra sao trong một năm vừa qua.

Phi trường Tuy Hòa nằm sát biển, biển thật xanh và những thuyền câu đậu trong những vụng nước phẳng lặng, những tấm lưới nâu trên cát dưới các hàng dừa lá lấp lánh hắt ánh nắng… tất cả cấu thành một miền có không gian đẹp và êm tĩnh nhất miền duyên hải Trung Việt, một không gian bất cứ một người thanh niên nào, mặc chiến phục hay không, nếu đã có dịp đi qua đều thấy muốn hứa với mình một điều: Khi nào chiến tranh kết liễu, sẽ mang người yêu tới sống trong một nhà tranh ở làng chài kia, sáng sớm cũng như hoàng hôn cùng nhau bơi lội trong vụng nước phẳng như mặt hồ và cát mịn như bột dưới gót chân… Tôi cũng đã từng có lần ao ước như thế đã từ lâu, nhưng khi phi cơ hạ thấp dần tới đầu phi đạo, không gian đẹp như một bức tranh Tàu ấy vẫn còn nguyên đó, nhưng thanh bình đã bị thu hẹp nhiều về cả không gian lẫn thời gian. Một chi đội thiết vận xa đậu cạnh phi đạo, quay tròn hướng súng ra tứ phương như đoàn ngựa kéo mui trắng của các người khẩn hoang Mỹ dàn trận chống lại mọi da đỏ trong những phim có đề tài về miền Viễn Tây. Gió ngoài biển thổi vào mạnh và đều, và đồng hồ mới chỉ 10 giờ sáng, không khí đã khô cứng như chứa những hạt cát nóng nhỏ làm mồ hôi toát ra và da miệng thèm chất lỏng mát. Trao bidon nước cho tôi, một sĩ quan bạn trú đóng miền này chỉ tay về những kiện hàng đang được khuân từ lòng hai chiếc C123 cục mịch xuống sân bay lát vỉ sắt, nói: “Cái gì thế mày? Cuốc, xẻng… toàn nông cụ. Lại sách vở nữa… Sài Gòn gửi những thứ này ra làm gì?” Tôi trao trả bidon, những giọt nước mát đã làm tiêu tan những váng vất của chuyến bay, trả lời: “Mày không trông thấy những bao cá khô và muối kia à?” Người bạn dùng tay bao quát cả những ngọn núi phía trong, nói như trách cứ: “Mày không hiểu tình hình ở đây. Dân tị nạn cộng sản kéo về đầy, họ chỉ cần có gạo. Nhất là đồng bào Thượng, họ ăn ngày một bữa cháo từ lâu… Cá khô để ăn vã sao?” Tôi nín thinh nhìn chiếc Jeep chạy lại gần, một thiếu tá ngồi trên nhìn các kiện hàng được xếp lên GMC, rồi hất tay cho tài xế rồ máy chạy đi. Đám cát trắng bay lên cuồn cuộn. Khi phi cơ cất cánh, tôi nhìn qua cửa sổ xuống, các đồng bằng thật nhỏ nằm sát chân các dãy núi, khoảng vàng của cát nóng nhiều hơn vệt xanh của cây cỏ. Tôi đã qua nhiều lần vùng này bằng xe, tôi biết rằng chưa nơi nào nhiều cầu lớn nhỏ bằng những đồng bằng miền Trung; người ta quý từng giòng suối nhỏ, không dám làm quốc lộ liền ngăn chặn một giòng nước ngọt nào. Bây giờ với chiến dịch phá hoại địch mở ra, quốc lộ chỉ còn là những khoảng rời rạc, tách biệt với nhau. Bão lụt rồi chiến tranh khốc liệt, đạn của địch, bom của ta và người dân thì ở giữa. Khi phi cơ lên cao trên lớp mây, tôi hiểu câu nói của người bạn buồn bực dưới kia: cày cuốc không có chỗ dùng vì đồng ruộng đã là chiến trường, sách vở không ích lợi bao nhiêu vì nhiều trẻ con đã không thể tới trường. Chỉ cần có gạo… Suốt những miền tôi tới trong chuyến đi này, nơi nào tôi cũng chỉ thấy có một câu một chữ: Gạo, chúng tôi cần có gạo. “Trời làm mưa lụt mỗi năm” cũng đủ làm miền này thành “xứ dân gầy” của Phạm Duy, không cần thêm chiến trận. Người Mỹ, Quân đội Việt Nam, Nội các Chiến tranh, v.v. tất cả đang nỗ lực đương đầu với kẻ địch cộng sản. Chúng ta sẽ kể là thắng nếu trong năm tới, phần đất không bom ta đạn địch tăng lớn hơn, số người dân ăn cháo ít hơn và tại các thị trấn số gái điếm gái Snack-bar giảm xuống. Chúng ta sẽ kể như là thua nếu trong năm tới, số cày bừa không dùng đến nhiều hơn, số dân kêu gào bát cơm nhiều hơn và tại các thị trấn, số gái điếm Snack-bar tăng gấp bội. Thắng hay bại, tiến bộ hay thụt lùi là ở những sự kiện ấy.


Hai thái độ

Từ khi chế độ động viên được ban hành, tôi có một thói quen là khi mở trang tư nhật báo, tôi tìm đọc ngay mục cáo phó để xem trong ngày vừa qua, có thêm một người bạn nào tử trận hay không. Đa số những tin tức buồn về bạn cũ, nhất là về các bạn đồng khóa, tôi thường biết được là qua những dòng cáo phó này – đôi khi đã xảy ra những trường hợp như có thằng bạn học đã ba bốn năm nay không gặp, buổi tối biết tin nó đi lính, đeo lon gì, đóng ở đâu đồng thời với tin nó chết ngày nào và tại nơi nào.

Cách đây vài tháng, một buổi tối ngồi nhà đọc báo, tôi thấy một cáo phó báo tin một đại úy tử trận, phía dưới tên họ là một vài con số ghi đơn vị ông ta phục vụ. Đơn vị này là đơn vị chót của tôi phục vụ trước khi thuyên chuyển về Sài Gòn. Các kết luận đầu tiên tôi rút ra từ cáo phó này là: Tiểu đoàn trưởng cũ của tôi đã đổi đi nơi khác, đơn vị cũ chắc vừa giao tranh lớn (nên tiểu đoàn trưởng mới có thể tử trận) và căn cứ vào tin tức chiến sự tổng quát, tôi suy đoán đại khái ra miền xảy ra đụng độ. (Có lẽ cũng vì e kẻ địch cũng suy đoán được như thế và hơn thế để phối kiểm tin tức, nên Quân đội đã cấm đăng cáo phó ghi rõ cấp bực và đơn vị của quân nhân chăng).

Các kết luận và suy đoán trên chưa làm tôi lo lắng cho những đồng đội cũ, bởi vì cũng rất có thể viên đại úy kia tử trận vì bị bắn sẻ hay bị phục kích – và như vậy chỉ liên quan đến riêng cá nhân ông ta. Hai hôm sau, một buổi sáng dậy sớm ngồi uống cà phê tại quán “Lão Tử” cạnh một hiệu phở nổi danh đợi tới giờ vào sở, tôi tự dưng thấy người ngồi cạnh reo lên kéo ghế mời một đại úy mới bước lên hè. Một câu hỏi thân mật làm tôi chú ý: “Sao? Tưởng toa bỏ xác ở Đ. rồi chứ. Tụi chúng bảo tiểu đoàn toa bị tiêu diệt kia mà!”. Viên đại úy trả lời liên tiếp làm tôi hiểu rằng ông hiện là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn của tôi cũ, rằng các kết luận suy đoán của tôi hai hôm trước là đúng, rằng chính ông thoát chết chỉ bởi vì đi đợt trực thăng chót tới chiến trường, phi công thấy hỏa lực địch đàn áp toàn diện nên đã không đáp xuống. Tôi quay sang, tự giới thiệu và hỏi thăm trận đánh cùng tin tức bạn cũ. Sau cùng, khi biết có một thiếu úy về nằm Cộng Hòa, tôi lập tức đến sở xin nghỉ buổi sáng để đi thăm.

Tới cổng Tổng Y Viện, điếm canh không cho vào vì tôi mặc thường phục và vì luật lệ chỉ cho phép thăm thương binh buổi chiều. Tôi xuống nước năn nỉ viên trung sĩ điếm trưởng nhưng không có kết quả bởi vì “luật lệ là luật lệ”. Tôi bèn châm một điếu thuốc rồi xin phép được ngồi đợi một sĩ quan quân y bạn – kinh nghiệm nhà binh cho biết rằng vấn đề nào cũng đều có giải pháp, giải pháp hay hay giải pháp dở, miễn là kiên nhẫn chờ đợi và tìm tòi. Năm mười phút sau, một thiếu úy nhảy dù phóng xe scooter vào bị cản lại cùng đòi xuất trình sự vụ lệnh. Anh ta không có sự vụ lệnh và trình bày rằng anh là sĩ quan ban 5 thuộc tiểu đoàn dù vừa bị thiệt hại nặng tại Đồng Xoài, bây giờ vào thăm thương binh tiểu đoàn để lo các công việc thuộc phần vụ của anh. Chẳng biết quan điểm hai bên thế nào, vài phút sau giữa điếm trưởng và sĩ quan dù có sự to tiếng. Sĩ quan trực được triệu thỉnh, đó là một vị cao tuổi, tóc tiêu muối, dáng điệu có vẻ nghiêm khắc. Cuộc to tiếng bùng lớn hơn, và tôi nghe thấy thiếu úy dù kêu la đại khái anh đến đây không phải đi chơi, rằng quân tiểu đoàn anh thiệt hại thế nào, đau đớn ra sao mà bây giờ mang luật lệ thành phố ra gây khó khăn, v.v. Cơn tức của anh làm lời nói đi xa hơn nữa, anh nói luôn tới những bất công những người cầm súng phải chịu cho một hậu phương thế nọ thế kia, anh nói tới những tủi nhục của những người đã chết và bị thương cho những v.v. và v.v.

Mọi sự đến đây thực đã vượt khỏi thẩm quyền giải quyết của những người hiện diện. Sau cùng, thượng cấp tại quân y viện giải quyết bằng cách cho thiếu úy dù vào nhưng phải để xe ngoài cổng. Biết thời cơ đã thuận tiện, tôi lại tới bàn giấy xin vào một lần nữa, và lần này viên điếm trưởng cho vào ngay. Tôi và người bị thương trước kia đều là trung đội trưởng của cùng một đại đội. Anh xuất thân hạ sĩ quan, tốt nghiệp trường Nha Trang, người thấp và chắc như cối đá. Tính nết hiền lành và trầm tĩnh. Trong suốt thời gian gần anh, tôi chỉ thấy anh lộ vẻ lo lắng thực sự có một lần: lần vợ anh lên thăm tiền đồn bọn tôi và bị Cộng chặn đường về.

Khi bước vào phòng bệnh, tôi thoáng tưởng đã nhầm chỗ bởi vì không thể tưởng tượng anh bạn to chắc ngày trước lại có thể gầy tóp đi như vậy. Bằng một giọng yếu ớt, anh cho tôi biết rõ tình hình và tôi cảm thấy như có một nỗi nghẹn ngào đâu đây khi………. [1] Không muốn để những hình ảnh cũ lấn át, tôi xoay sang hỏi về trường hợp thoát nguy của chính người nằm đó. Bằng một giọng vẫn yếu, anh kể lại trận đánh. Hầu hết cấp chỉ huy của các đại đội đáp đợt trực thăng đầu đều bị loại ra khỏi vòng chiến[tlw1] [2] ………. Riêng anh, vừa nhảy ra khỏi trực thăng, địch bao vây bắn đạn thành lưới. Lăn vài vòng ngửng đầu lên thấy cách vài thước một khẩu đại liên địch đang nhả đạn, anh thẩy một trái lựu đạn phá hủy được ổ súng địch nhưng bị một binh địch nấp trên mái nhà kế cận bắn một phát xuyên từ ngực ra sau lưng. Anh kéo ngực áo cho tôi xem vết thủng và cười: “May là đạn carbine, nếu đạn MI thì tan ngực rồi!” Anh tiếp tục kể, và theo các câu nói, trí tôi lần theo cuộc chiến………. [3] Khi thoát khỏi vòng vây, anh bị địch chém cụt ngón tay. Máu chảy khắp lộ trình, mỗi lúc quá mệt ngồi tựa gốc cây thì kiến ngửi thấy hơi máu, kéo đến bu kín. Thế rồi anh cũng trở về tới cứ điểm cách chiến trường 7 cây số đường rừng cùng những người lính mệt nhoài… Khi anh ngừng nói, tôi cũng không nói gì. Khi tôi đứng dậy cáo từ, anh giơ tay bắt và nói: “Cám ơn anh!” Một nỗi xao xuyến lẫn hối hận làm tôi vội vã đáp: “Chính tôi phải cám ơn anh mới đúng… Anh đã chiến đấu thay cho tôi…” Trên đường về sở, nỗi xao xuyến hiện rõ hơn làm tôi buồn rầu. Thoáng đâu đây một chút hối hận, hối hận vì đã không có mặt với những đồng đội cũ trong những giờ phút lâm nguy ấy. Khi tìm cách về Sài Gòn, tôi biết rõ tôi muốn gì, biết rõ rằng với khả năng của ngòi bút, sự đóng góp của tôi ở hậu phương có ích hơn sự đóng góp của một thiếu úy ngoài đơn vị. Tôi đã cố gắng tối đa trong trận tuyến mở ra tại địa hạt văn hóa và cũng đã đạt được vài kết quả khả quan.

Nhưng cũng nhiều khi, như buổi sáng này, nỗi xao xuyến và buồn bã ấy vẫn tới làm tôi hoang mang, mất tự tin ở thái độ đã chọn lựa của mình. Trạng thái này nguyên do từ tình liên đới hay có thể do một nguyên do gì khác nữa, tôi không biết rõ, nhưng nó làm cho tôi cảm thấy rằng ngày nào tôi còn ở hậu phương, tôi phải tìm đủ đường đủ cách để phục vụ với hiệu năng tối đa. Có như thế họa chăng mới hy vọng tới lúc tôi có thể hoàn toàn tự tin để nói với những người như anh bạn kia rằng: Đừng cám ơn nhau. Chúng ta đều đã cùng chiến đấu, mỗi kẻ trên địa hạt đã chọn lựa hay bị phải chọn lựa…



*

Những tác phẩm đã xuất bản của Thế Uyên tính đến 1966: Những hạt cát, tập truyện, Thời Mới xuất bản lần 1 và 2; Mưa trong sương, Kịch, Thời Mới xuất bản; Ngoài đêm, Tập truyện, Nguyễn Đình Vượng xuất bản; Mười ngày phép của một người lính, Thái độ I, Nam Sơn xuất bản; Những ý nghĩ của bọt biển, Thái độ II, Nam Sơn xuất bản. Sẽ xuất bản: Nỗi chết không rời, Tập truyện viết chung với Duy Lam; Tiền đồn, Truyện dài; Chiến tranh cách mạng, Tiểu luận.



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Đoạn bị kiểm duyệt (chú thích của talawas)
[2]Đoạn bị kiểm duyệt (chú thích của talawas)
[3]Đoạn bị kiểm duyệt (chú thích của talawas)

Nguồn: In xong tại nhà in Nam Sơn, 36 Nguyễn An Ninh, Sài Gòn, ngày 10-5-1966. Nam Sơn xuất bản. Giao dịch với nhà xuất bản: Trịnh Viết Đức, 36 Nguyễn An Ninh, Sài Gòn, ĐT: 21-026. Bản điện tử do talawas thực hiện.