Hiển thị các bài đăng có nhãn CLAUDE LEVI-STRAUSS: Bách niên giai lão. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CLAUDE LEVI-STRAUSS: Bách niên giai lão. Hiển thị tất cả bài đăng

9/11/09

ĐẶNG TIẾN : CLAUDE LEVI-STRAUSS: Bách niên giai lão

CLAUDE LEVI-STRAUSS: Bách niên giai lão

Đặng Tiến Chia sẻ với bạn bè♦ 1 bình luận ♦ 7.11.2009 .


LTS: Nhà nhân chủng học và tư tưởng gia Claude Lévi-Strauss vừa qua đời ngày 31 tháng 10 năm 2009 tại Paris, hưởng thọ 100 tuổi. Nhân sự kiện này, tạp chí Da Màu xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nhà biên khảo Đặng Tiến về Claude Lévi-Strauss.










Gửi anh Nguyễn Tài Cẩn, ngọn mây Tần

Nhà bác học Pháp Claude Lévi-Strauss sinh ngày 28 tháng 11 năm 1908 tại Bruxelles – Bỉ. Tuần này là ông lên thượng thọ trăm tuổi, tôi dùng từ “giai lão” trong nghĩa “đẹp lão”: mừng ông còn khỏe và minh mẫn. Vào tuổi cổ lai hy, là một học giả lừng danh, đã có nhiều đóng góp lớn lao vào nền học thuật nhân loại già nửa thế kỷ, ông là một tấm gương sáng cho giới trí thức thế giới, nhất là ngành biên khảo đương thời và hậu thế..

Gần đây, ông còn dí dỏm: Khi người cao tuổi qua đời, thì chết ít thôi, chỉ chết cái phần còn lại đã hư hao đi nhiều. Câu nói thường thôi, đúng thôi nhưng phát xuất từ tác giả Con người trần trụi (L’Homme nu, 1971), thì lời hóm hỉnh mang một thoáng u hoài cảm động.

Tiểu sử và sự nghiệp ông, nhiều người đã biết, tài liệu nơi nơi đã ghi. Mùa xuân năm nay 2008, nhà xuất bản Gallimard, Paris, ấn hành tuyển tập Claude Lévi-Strauss, trong tủ sách quý La Pléiade, được giới học thuật chào mừng như một sự cố, vì nhà xuất bản này chỉ in sách văn chương, mà Lévi-Strauss lại chuyên biên khảo về dân tộc học – ngoại trừ hồi ký Nhiệt đới buồn thiu, Tristes Tropiques, 1955, lúc xuất bản được đề bạt lĩnh giải văn chương Goncourt, nhưng không được, vì không phải là tác phẩm giả tưởng… Nhà xuất bản Gallimard, rất kinh viện, khi chọn in tác phẩm Lévi-Strauss trong bộ La Pléiade văn học, thì đã mặc nhiên thừa nhận sách ông là tác phẩm văn chương, và ông là nhà văn, bên cạnh nhà nghiên cứu. Cũng như ông nhiều lần thừa nhận thầy mình, trong ngành dân tộc học, là những nhà văn Montaigne, Balzac và Rousseau, nhất là Rousseau. Và đồng nghiệp tương tác và tương đắc của mình, không thuộc đồng khoa dân tộc học, mà là nhà ngôn ngữ học Roman Jakobson.

Giá trị văn học trong tác phẩm Lévi-Strauss trước đây đã nhiều người thừa nhận. Nhưng quyết định của nhà Gallimard vẫn là một khai mở dứt khoát. Nhờ đó tôi, với tư cách nhà văn, hôm nay có thể an tâm viết về Lévi-Strauss, một bậc thầy về mặt trí thức. Mà cũng là bậc thầy về văn học.

Sách Lévi-Strauss chuyên môn, uyên bác nhưng không phải bài nào cũng khó đọc. Người đọc trung bình, lướt qua vài ba trang, vẫn có thể biết thêm, học thêm được cái gì đó. Nhà văn Nguyễn Tuân nổi tiếng về những bình luận việc ăn uống, trên giá sách tại Hà nội, có cuốn Sống và Chín, Le Cru et le Cuit (1964) của Lévi-Strauss, dày cộm, tôi nhìn vào chăm chú. Ông giải thích sách đẹp, bày cho đẹp, thỉnh thoảng chỉ đọc dăm trang (1979). Theo gương ông, tôi cũng lật lật cuốn nọ cuốn kia, và học được nhiều chuyện : hiểu thêm về từ “cậu” trong tiếng Việt khi đọc Nhân chủng học cấu trúc, Anthropologie structurale, 1958, trang 47, về từ “anh, em” khi đọc Cấu trúc sơ đẳng trong quan hệ họ hàng, Les Structures élémentaires de la parenté (1949, 1967) trang 432,. Đọc Hình thái học truyện cổ, Morphologie du conte (1958) của Propp, nhiều điểm không hiểu, tôi đọc lời giới thiệu trong Nhân chủng học cấu trúc 2, (1973) ch 8, của Lévi-Strauss, thì hiểu ngay.

Học mót, lắm khi vở lẽ, chợt sáng mắt sáng lòng.

Là người hàm ân Claude Lévi-Strauss, để chúc mừng ngày sinh nhật ông, tôi mạn phép công bố một bài viết đã lâu, nhằm giới thiệu tác phẩm Nhìn Nghe Đọc, Regarder Ecouter Lire[1], 1993 được ông xem như là tác phẩm út oi – chữ của Nguyễn Tuân. Từ ấy đến nay, quả là ông không có sách khác, và tiểu luận này được chọn vào cuối tuyển tập La Pléiade- Gallimard tháng 5-2008.

Claude Lévi-Strauss là một trong vài người khai sáng trào lưu cấu trúc luận đã gây ảnh hưởng sâu và rộng trong những khoa học nhân văn, xã hội thế giới năm mươi năm gần đây. Tại Việt Nam, đã có nhiều người giới thiệu như Nguyễn Văn Trung ở miền Nam[2], Hoàng Trinh ở miền Bắc[3] thời kỳ đất nước còn bị phân chia. Hoàn cảnh đất nước thời điểm ấy (trước sau 1970, thời hòa hội Paris) chưa cho phép giới nghiên cứu Việt nam tiếp thu đầy đủ, công bình những thành tựu của khoa học nhân văn Phương Tây. Ngày nay, trào lưu cấu trúc đã đi qua, có lẽ chúng ta cũng nên kiểm điểm lại một cách khách quan những thành tựu xem còn gì có thể tiếp thu hay thừa kế nhân đọc lại tác phẩm mới của Lévi-Strauss.

Nhìn Nghe Đọc dưới hai trăm trang thân chữ lớn là tác phẩm ngắn, dễ đọc nhất của tác giả, một tiểu phẩm so với sự nghiệp của ông. Một loại mạn đàm nghệ thuật hoặc tùy bút hiểu theo nghĩa Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, vì tác giả viết tùy hứng nhưng vẫn theo dụng ý truyền đạt phương pháp luận, kinh nghiệm tri thức. Tựa đề gồm ba động từ Nhìn Nghe Đọc báo hiệu nội dung tác phẩm, những suy tư của tác giả khi nhìn hội họa, nghe âm nhạc và đọc sách cổ kim, song song với thao tác nghiên cứu, lập thuyết trong địa hạt dân tộc học chuyên môn của mình. Tác phẩm phản ánh một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm và uyên bác đằng sau bộ óc bác học bao la và nghiêm túc.

Sách gồm hai mươi bốn chương bề ngoài rời rạc. Lévi-Strauss cho rằng mình ráp nối « cắt dán » theo kiểu họa sĩ Max Ernst. Nhưng người đọc sành điệu cảm thấy ngay « cấu trúc » ngầm của một bản hòa tấu đa dạng, phong phú, hài hòa và nhất quán, qua sợi chỉ mành kết hợp là lập trường Lévi-Strauss mà người đọc đã làm quen, đã học tập từ hơn nửa thế kỷ nay. Những chuyên khảo của tác giả trước đây, dù khó đọc và nghiêm nghị vẫn phảng phất màu sắc và âm hưởng của nghệ thuật, từ Poussin đến Ravel, Wagner. Trong Sống và Chín (Le Cru et le Cuit, 1964) ông đã xem nhạc sĩ Wagner như « cha đẻ của lối phân tích cấu trúc huyền thoại ». Ba mươi năm sau, lần lên thêm một thế kỷ nữa, ông xem nhạc sĩ Rameau (1683-1764) với « lý thuyết hợp âm (accords) đã đi trước phương pháp giải thích cơ cấu » (tr.43)

*

Tác phẩm mở ra bằng một nhạc khúc trong Tìm thời gian đã mất của Marcel Proust để đi tới họa phẩm Poussin (1594-1655) với hai bức tranh Những người chăn cừu ở Arcadia vẽ lần đầu khoảng 1630, lần thứ nhì tám năm sau, dựa trên một tác phẩm cùng đề tài của Guerchin vẽ khoảng 1622. Từ hai tác phẩm của một tác giả, vẽ theo một chủ đề có sẵn, Lévi-Strauss muốn đưa ra những khác biệt về cấu trúc để đi đến phương pháp sáng tác, « cách suy tưởng » (tr.15) của nghệ sĩ qua nhiều khâu khớp khác nhau, nhiều thời đại và chân trời khác nhau, từ Đông Á sang Tây Âu (tr.39-40).







Với hội họa, Lévi-Strauss lắm duyên nhiều nợ : bố là họa sĩ, dượng là họa sĩ lừng danh, ông trưởng thành tại số 22 đường Poussin tại Paris… Với âm nhạc, tương quan còn sâu sắc hơn : ông suốt đời viết lách trong âm nhạc, suy nghĩ bằng âm nhạc, cho nên những trang ông viết về âm nhạc chủ yếu về Rameau rất uyên bác, thậm chí rất kỹ thuật. Trong một bài báo, có lần ông tuyên bố : « Âm nhạc và huyền thoại là hai chị em, cùng do ngôn ngữ sinh ra, rồi mỗi người đi một hướng – như trong huyền thoại kẻ Nam người Bắc, không bao giờ tái hợp »[4].

Ca ngợi Rameau, Lévi-Strauss dựa trên kịch hát Castor và Pollux chính xác hơn là dựa trên một giai điệu aria chuyển điệu với ba nốt nhạc fa-la-mi để chứng tỏ rằng Rameau đã cách tân âm nhạc thời đó, và sở dĩ làm được là nhờ thính giả thế kỷ XVIII sành điệu hơn thính giả về sau, và gần gũi người sáng tác hơn. Nhưng để tìm ra sự chuyển giọng (modulation) từ fa thứ sang la bémol và mi bémol trưởng trong nhạc bản 1754 (tr.51), Claude Lévi-Strauss đã phải tìm tòi so sánh với nhiều nhạc thoại của kịch bản và phải nghe nhiều lần nhiều nhạc thoại, mới thấy sự xê xích so với thoại 1737. Nói vậy để thấy công sức lao động của một nhà bác học lừng danh về dân tộc học khi nói chuyện chơi về âm nhạc, trong một trang phiếm luận, một tiểu phẩm được tác giả gọi là « trái chứng » (caprice) hay là « hí hoáy chắp vá » (Un grand collage ou un bricolage) 4.

Liên hệ với nhạc Rameau, Claude Lévi-Strauss đã giới thiệu và đề cao Chabanon (1730-1792) một nhà âm nhạc học ít người còn nhớ, không có tên trong các từ điển thông dụng. Theo ông, Chabanon, trong âm nhạc, đã tìm ra những nguyên lý mà sau này De Saussure sẽ sử dụng trong ngôn ngữ học cấu trúc. « Những tư tưởng về ngôn ngữ học hiện đại đã thành hình từ những suy tư về âm nhạc chứ không phải về ngôn ngữ » (tr.95). Lévi-Strauss tỏ ra rất tâm đắc với Chabanon, người từ hai thế kỷ trước, đã viết : « Trong âm nhạc, mỗi âm không mang ý nghĩa nào cả. Mỗi âm hầu như trống rỗng, vừa vô nghĩa vừa vô tính » (tr.95) nhưng kết hợp thành chuỗi thì tạo ra được nhạc ngữ gây được lạc thú. Đây là một quan điểm Lévi-Strauss đã tích lũy từ lâu, và trong một bài phỏng vấn năm 1977, ông đã từng so sánh : « Ngôn ngữ có ba giai đoạn âm kết hợp thành từ, từ kết hợp thành câu. Ở âm nhạc, âm phát triển thành câu, không qua từ, không có từ vựng. Ở huyền thoại, không có âm, chỉ có từ phát triển thành câu. So với ngôn ngữ thì âm nhạc là huyền thoại thiếu một khâu »4. Lévi-Strauss có nghệ thuật trình bày, đúc kết ngắn gọn ít người sánh kịp.

Giới văn học, dĩ nhiên đặc biệt lưu tâm đến lời Lévi-Strauss giải thích bài thơ Nguyên âm (Voyelles) của Rimbaud (1871).

A đen, E trắng, I đỏ, U lục, O xanh…

A thường thường gợi lên màu đỏ, sao nhà thơ lại hình dung màu đen ? Đi từ những khám phá của linh mục Castel (1688-1757) muốn tạo ra “cây đàn thị giác”, tạo tương quan giữa âm thanh và màu sắc, qua những khoa học vật lý, thần kinh, ngôn ngữ, Lévi-Strauss đã giải thích màu đen ở đây là “màu đỏ dưới trạng thái tiềm tàng” (tr.131) và ông đã viện dẫn nhiều văn liệu để minh chứng. Cũng cần nhắc lại rằng lý luận của ông tiếp nối công trình, giải thích bài thơ Mèo (Les Chats) của Baudelaire ông viết chung với Roman Jacobson (1962) có Benveniste góp ý, được xem như khuôn mẫu của phương pháp cấu trúc áp dụng vào việc phân tích văn chương, vô hình trung tạo ra “trường phái” phê bình cấu trúc, mà ông có đôi lần phủ nhận.

Tác phẩm khép lại với ba chương Nhìn vào đồ vật, như cái ngoái nhìn u hoài của nhà khảo cổ vào buổi xế chiều. Đặc sắc là mấy trang viết về những vật dụng đan lát như giỏ, thúng, rổ, rá, gùi… “trạng thái thăng bằng mong manh giữa thiên nhiên và văn hóa”, một chủ thể trung tâm trong tư tưởng Lévi-Strauss xưa nay. Khảo sát những vật dụng đan lát ở các bộ lạc châu Mỹ chưa có chữ viết, ông nhìn thấy khía cạnh thực dụng, trang trí và tín ngưỡng. Theo huyền thoại địa phương, đồ đan lát, một mặt phải không thấm nước (như gàu bên ta), mặt khác sợi đan phải tạo ra được mô-típ trang trí theo quy luật. Từ đó, các dân tộc đã phân biệt Giỏ cứng và Giỏ mềm: có bộ lạc da đỏ tưởng tượng “Giỏ mềm như những quỷ cái bắt trộm và ăn thịt trẻ con” (tr.163) có khi “quyến rũ đàn ông rồi cắt dương vật bằng âm hộ có răng” (tr.164). Lévi-Strauss đã tỉa ra một nhận định đơn giản mà sâu sắc:

“Đó đây khắp Tân Thế Giới, con người xem gùi – giỏ như những đồ vật đa cảm. Chúng đến từ thiên nhiên, tiếp thu được quy chế văn hóa qua công trình tiểu công nghệ đơn giản rồi sẽ trở về với thiên nhiên” (tr.166). Đã mong manh, chúng lại phù du: chỉ dùng được một lần, “nhưng dù hỏng nát, chúng vẫn gìn giữ phẩm chất văn hóa, mơ hồ tạo lòng kính trọng. Chúng là vật bất ly thân của người phụ nữ” (tr.166-167).

Những nhận định như thế vừa uyên bác vừa thi vị, nhân ái: ấy là phong cách riêng của Lévi-Strauss. Độc giả bàng quan, đọc lướt qua những dòng như thế, cũng thấy phẩm chất của mình được nâng cao.

Lévi-Strauss là một kẻ hoài nghi. Năm 1993, trả lời phỏng vấn, ông có tâm sự : « Tôi thấm thía một luận lý tối hậu: không có gì tồn tại. Dĩ nhiên, muốn sống, phải làm như là sự vật có ý nghĩa ; đó là triết lý tạm bợ cho cuộc đời, nhưng là triết lý cấp hai »4 .

Ông tin ở giá trị con người, bẩm sinh và vĩnh cửu, dù có nổi trôi theo lịch sử – và tác phẩm nghệ thuật là một chứng tích. Kết luận Nhìn Nghe Đọc, vừa buồn bã, vừa phấn khởi.

« Nhìn dưới tỷ lệ hằng nghìn năm, những dục vọng con người đồng hóa vào nhau. Thời gian không thêm được gì, không bớt được gì cho yêu thương và thù hận, cho những dấn thân đấu tranh và khát vọng : xưa và nay, cũng chỉ vậy mà thôi. Tình cờ, xóa đi mười, hai mươi thế kỷ lịch sử, kiến thức chúng ta về bản chất con người cũng không thay đổi bao nhiêu. Mất mát không bù đắp lại được là những tác phẩm nghệ thuật mà những thế kỷ kia đã tạo nên. Vì con người chỉ khác nhau, thậm chí chỉ tồn tại, qua tác phẩm của mình. Như tượng gỗ sinh ra từ thân cây, chỉ có tác phẩm nghệ thuật mới chứng tỏ được hiển nhiên, rằng qua thời gian giữa người với người, có cái gì đó đã thực sự xảy ra » (trang cuối).

*

Trào lưu cấu trúc đã đi qua. Cùng với trận gió đã thổi qua đường phố Paris mùa xuân 1968. Từ ấy đến nay, thời gian đã mang đi bao nhiêu khuôn mặt lớn lao của nền văn học Pháp : Sartre và Aron, Barthes và Foucault, Lacan và Althusser…

Claude Lévi-Strauss là người còn lại của thế hệ trí thức ấy, được dư luận văn chương và báo chí ngưỡng mộ, một cách đằm thắm và dường như nhất trí. Không nhất thiết vì những đóng góp chuyên môn của ông : người đọc Lévi-Strauss không nhiều ; tận tụy một đời, Lévi-Strauss không những mang lại cho đời một cách nhìn đời, ưu ái, tin cậy với một thoáng hoài nghi. Ông còn được cảm tình nhờ phong cách hàng ngày : dung dị, từ tốn, uyển chuyển, khúc triết, nhân ái và thân ái.

Với ai được dịp gần ông, về mặt học thuật hay trong thực tế, Lévi-Strauss là tấm gương sáng, về lao động trí thức và về cách ứng phó với cuộc đời, trong một giai đoạn lịch sử nhiễu nhương, một trần gian đa đoan, và một nhân gian nhiễu sự.

Ngoài đề :

Nhìn người, không cần gì phải nghĩ đến ta, vì nghĩ đến ta, có khi lại buồn vơ vẩn.

Có lúc buồn vơ vẩn như thế, tôi lại nhớ đến một người bạn vong niên, nhà ngữ học Nguyễn tài Cẩn, cũng tuổi cao, cùng phương trời xa…Vì vậy, bài này, tôi đề tặng anh Cẩn.

Cái gì thân, thì nó cũng xa, có khi xót xa…



6-9-1994,
Viết lại tại Paris, 10-11-2008

Đặng Tiến


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Claude Lévi-Strauss, Nhà xuất bản Plon, Paris, 1993.

[2] Nguyễn Văn Trung : Tìm hiểu cơ cấu luận như một phương pháp, một triết thuyết và đặt vấn đề tiếp thu. Tạp chí Bách Khoa thời đại, Sài Gòn, số 293 ngày 15-3-1969 (và nhiều bài khác)

[3] Hoàng Trinh : Bước đầu phê phán chủ nghĩa cấu trúc trong phê bình văn học, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 3 (135) tháng 5 và 6-1972.

Lê Sơn : Văn học Liên Xô phê phán chủ nghĩa cấu trúc trong phê bình văn học, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 5 (137) tháng 9-10 năm 1972 và một số bài khác.

[4] Claude Lévi-Strauss, tạp chí Magazine Littéraire, Paris, số 311 tháng 6-1993, tr. 15, 24, 44 và 26 (Số đặc biệt về Lévi-Strauss và Nhìn Nghe Đọc, nhiều bài hay)

bài đã đăng của Đặng Tiến


■CLAUDE LEVI-STRAUSS: Bách niên giai lão - 07.11.2009
■Học hành tục ngữ, ngôn ngữ - 20.10.2009
■Lê Ngộ Châu, 160 Phan đình Phùng - 02.10.2009
■Âm trầm Tuệ Sĩ - 24.08.2009
■Giới thiệu Họa sĩ Thanh Trí - 08.08.2009
■Phê bình huyền thoại - 30.05.2009
■Trịnh và Trịnh: Hảo vọng và Ảo vọng - 23.04.2009
■Đời và nhạc Trịnh Công Sơn - 18.04.2009
■Hoàng Trúc Ly: Nụ cười trong và đôi mắt sáng - 13.04.2009
■Mấy lối giảng thơ - 09.04.2009
■Thơ là gì ? - 06.04.2009
■Đọc sách: Mùa biển động - 26.03.2009
■Thơ Miền Nam trong thời chiến - 06.04.2007
.
1 bình luận »
đỗ xuân tê viết:
Đọc bài của Đặng Tiến, một-biên-khảo-bậc-thầy về ngôi sao vừa tắt, tôi ngạc nhiên sao anh viết nhanh vậy, nhưng đọc xong mơí biết anh mơi viết lại. Như vậy càng công phu hơn. Tôi đã đọc Tristes Tropiques khi còn là học trò của giáo sư Nghiêm Thẩm (người cùng thời và rất ái mộ structuralism của Strauss), nên rất thú vị khi đọc bài của anh. Quả thật tác giả lớn đa tài trong nhiều lãnh vực mang sắc thái ‘Da Màu’ này đã để lại dấu ấn sâu sắc cho văn học và khoa học nhân văn, mà theo tôi là song song với sự miệt mài nghiên cứu, ông còn chịu lặn lội đến những bộ lạc xa xôi vùng Amazon để phá tan huyền thoại về ‘những con người man dã’, chứng minh dù họ mang đời sống bộ lạc nhưng vẫn có sắc thái tinh tế, ham tìm tri thức biểu hiện trong cách nhìn qua vật thể và phi vật thể của một đời sống văn hóa có thật (The Savage Mind,1962). Cám ơn anh ĐT về bài viết không phiên phiến chỉ viết cho vui vậy mà. đxt
.- 08.11.2009 vào lúc 11:51 am

--------------------------------------------------------------------------------
@ damau.org (tạp chí văn chương Da Màu) 2006 - 2009 Trở về đầu trang Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)