Miêng thực hiện
Viết văn để làm người,
đàm luận với Phan Huy Đường
- Trước tiên, được biết anh tham gia chương trình Rockefeller fellowship, Vietnamese Diaspora (học bổng Rockefeller để nghiên cứu cộng đồng di dân Việt Nam) www.joinercenter.umb.edu/Program/, sau khi nghiên cứu, anh tìm thấy gì ở dòng văn học đang chảy ngoài nước này, đặc tính, bản sắc? và theo anh, có hay không những khác biệt với văn học quốc nội?
- Tôi không dám trả lời câu hỏi mênh mông như thế. Muốn đề cập tới nó, phải đọc hầu hết tác phẩm đáng đọc. Lúc đầu, tôi có ý đó, đinh ninh mình sẽ vùi đầu vào thư viện Harvard đọc sách. Nhưng, tại trận, tôi thấy vô lý, vô ích: không thể thực hiện. Ngược lại, không nhân dịp này đi gặp nhà văn Việt Nam tại Mỹ, trao đổi với họ thì uổng quá. Do đó, ngoài những người tôi gặp ở Boston, tôi đã tìm gặp người ở Washington, San Jose, Little Saigon, New York, Quebec City, Montreal, Toronto. Tôi tiếc không đi Texas được. Tới đâu tôi cũng thỉnh cầu: xin cho tôi quyển sách anh (chị) đắc ý nhất. Tôi được mãn nguyện. Tôi mua được khá nhiều sách ở Little Saigon. Cho tới nay, thú thực, tôi vẫn chưa đọc hết. Tôi có gia đình, họ hàng, bạn bè ở nhiều nơi trên đất Mỹ. Nhưng chuyến này, chủ yếu, tôi ở đậu, gặp người có nghiệm sinh, quan điểm, cách suy luận khác tôi.
Điều làm tôi ngạc nhiên nhất: gặp người Việt ở đây rất dễ. Không ai không biết lý lịch của tôi. Điều đó, tôi đã nêu rõ trong Hợp Lưu từ lâu và hơn một lần. Trần Vũ đã quảng cáo, theo lối nhìn của chàng, mới đây thôi trên HL67: chính ủy Việt Cộng. Tóm lại, trong thời chiến, tôi đứng bên kia chiến tuyến. Nói chuyện với nhau về lịch sử khó hơn, nhưng vẫn nói chuyện được. Tôi nhớ những buổi hàn huyên khuya với Hoàng Khởi Phong (tôi ở đậu nhà anh ấy suốt hai tuần). Cởi mở, thẳng thắn, chân tình. Tôi nhớ buổi uống rượu tại nhà Lâm Chương, buổi nhậu bia ở Cambridge với Lâm Chương, Nam Dao, Chân Phương và một bạn trẻ rất tử tế với tôi tuy mới quen nhau thôi. Trời ơi, nếu Lâm Chương viết văn khủng khiếp, duyên dáng như chàng kể chuyện thì... tuyệt vời.
Về sách tôi đã đọc (xin nhớ là rất ít), tôi có cảm giác thế này: có ba thời điểm, có ba giọng văn.
Thời điểm thứ nhất: nỗi đau mất nước, nhớ nhà, căm thù cộng sản, Việt-cộng. Giá trị ở nỗi đau, bằng tiếng Việt. Có những đoạn văn làm tôi thổn thức. Tuy trong hoàn cảnh, ý nghĩa khác, tôi cũng là người ‘mất nước’ ‘nhớ nhà’. Tôi đặc biệt thích quyển Truyện của một người di cư nhức đầu vừa phải của Nguyễn Bá Trạc.
Thời điểm thứ hai: thân phận của người, dù muốn dù không, cũng phải hoà nhập vào xã hội duy nhất lịch sử ban bố cho mình, ưng thuận hay phủ định nó. Tôi nhớ những câu chuyện của Trần Thị Kim Lan về những em Việt Nam di tản qua Mỹ, đã từng là học trò của chị. Tôi cảm nhận, học nhiều điều. Tôi có kinh nghiệm đó nhưng trong tư thế khác: tôi không có vấn đề để hội nhập vào xã hội Pháp.
Thời điểm thứ ba, rất lạ, có cả ở Việt Nam và ở hải ngoại: thổn thức về thân phận làm người hôm nay. Tôi phát hiện nó trong tập thơ đăng tác phẩm của 26 nhà thơ, bạn gửi tặng tôi trong lúc tôi ở Boston. Có những bài thơ khiến tôi thổn thức.
Tôi chỉ có thể nói thế thôi. Trong lĩnh vực văn chương, mỗi nhà văn đích thực có giọng văn riêng của mình, bất kể bàn tới đề tài chung nào của thời đại, bất kể thể loại. Do đó, ‘đặc tính’, ‘bản sắc’ của ‘dòng văn học hải ngoại’ hay ‘quốc nội’ là những khái niệm tôi không có khả năng hiểu. Shakespeare hay Lưu Quang Vũ thuộc dòng văn học nào, có đặc tính, bản sắc gì, chia sẻ những thứ đó với những ai? Tôi không biết. Tôi chỉ biết mê một số vở kịch của Shakespeare, Lưu Quang Vũ. Kịch của Nam Dao thuộc dòng văn học nào, có đặc tính, bản sắc gì, tôi chịu thua. Đọc những vở kịch ấy, qua nội dung, ngôn ngữ của chúng, nếu không quen Nam Dao, tôi dễ dàng nghĩ là của tác giả trong nước. Nhưng, rõ ràng, trong những tác giả viết kịch trong nước hay ở nước ngoài mà tôi có dịp đọc, chưa ai viết được như thế.
- Anh và Nina Mc Pherson đã giới thiệu cho độc giả thế giới nhiều tác phẩm của Dương Thu Hương, nhưng hình như ít độc giả VN cho văn DTH là hay, có lần báo Le Monde cũng ghi nhận như vậy. Anh nhận xét sao về hiện tượng này?
- Tôi đọc báo để tham khảo thông tin, không bao giờ dựa vào bài bình luận trong báo để đánh giá tác phẩm hay tác giả. Không có những thông tin ấy, tôi sẽ không biết tới vô số tác phẩm mà, cuối cùng, tôi thích. Nhưng, thú thực, sau này, những bài ấy khiến tôi không muốn đọc tác phẩm được giới thiệu, bình luận. Thật oan cho tác giả. Tôi chỉ có thể có ý kiến về tác phẩm hay tác giả sau khi đã đọc.
Về tiểu thuyết của Dương Thu Hương, tôi không biết ‘độc giả VN’ nghĩ gì. Tôi chỉ biết: tiểu thuyết của Dương Thu Hương đăng ở VN đều xuất bản lần đầu từ 20 000 tới 40 000 bản, tái bản nhiều lần. Ở Mỹ, Việt ngữ, có người nói với tôi, nhưng tôi không có khả năng kiểm tra, đó là những tiểu thuyết thuộc loại bán chạy nhất. Ở Pháp, trong bộ sách văn chương VN do tôi phụ trách tại nhà xuất bản Philippe Picquier, tiểu thuyết bán nhiều bản nhất là một tiểu thuyết của Dương Thu Hương. Các tiểu thuyết khác của chị đều bán khá. Hầu hết đã tái bản dưới dạng sách bỏ túi. Trên quốc tế, về số liệu, tôi không rõ lắm vì đó là chuyện làm ăn giữa những nhà xuất bản (nhà xuất bản các nước mua tác quyền của nhà xuất bản Des Femmes, Picquier) nhưng tôi biết có nhiều nước đã đăng hay sắp đăng tiểu thuyết của Dương Thu Hương: Mỹ, Anh, Úc, Nhật, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý, Na Uy, Indonesia, Pakistan, Israel. Tôi biết, trong khối xã hội chủ nghĩa xưa, ít nhất Liên Xô đã đăng. Bạn đọc có thể tham khảo trong trạm web của tôi: http://perso.wanadoo.fr/phanhuyduong/
Dĩ nhiên, tôi có đọc một số bài bình luận ở trong nước, ở hải ngoại về văn của Dương Thu Hương. Tôi không còn nhớ gì hết. Còn xì xào về vấn đề này trong làng chính trị hay làng văn, tôi nghe cho biết, thế thôi.
Riêng với tôi, tác phẩm đầu tiên của Dương Thu Hương tôi đọc là Bên kia bờ ảo vọng. Lúc ấy, Dương Thu Hương chưa là Dương Thu Hương ngày nay. Tôi đã đọc một mạch thấu đêm, nhòe cả mắt. Thời ấy, giấy xám xịt tới mức có lúc không phân biệt được với chữ, phải đoán mò. Ngay sau đó, tôi viết bài đọc sách: Bên kia bờ ảo vọng, thời gian và thế nhìn trong tiểu thuyết. Bài đó kết thúc vơiù câu: Cảm ơn tác giả. Vậy, tôi nghĩ gì về hiện tượng này ngay từ thời đó, độc giả có thể tham khảo trong quyển Vẫy gọi nhau làm người1 hay trên trạm web của tôi. Dương Thu Hương có tài kể chuyện, có đủ khí để viết truyện dài, có thừa tình để lôi cuốn độc giả suốt mấy trăm trang. Không phải ai cũng có cả ba điều ấy trong văn phong của mình.
- Còn ở hải ngoại thì trừ Trần Vũ với tập Mùa Mưa Gai Sắc, Khánh Trường với tập Có Yêu Em Không, anh không dịch ai khác? Có phải vì thiếu hấp dẫn có tính thị trường, hấp dẫn chính trị, thiếu ‘chất Việt Nam’?
- Thông tin của Miêng sai bét. Tôi đã dịch, cho đăng khoảng 40 tác giả, 60 tác phẩm, tôi không nhớ hết, trong đó có nhà văn VN ở khắp nơi. Đa số là nhà văn trong nước, nhiều thế hệ, rất khác nhau, từ Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài tới Phan Thị Vàng Anh, Phan Huyền Thư, v.v. Người thành danh ở miền Nam trước 1975 có: Cung Tích Biền, Nguyễn Thị Minh Ngọc. Ở Pháp có Trần Vũ, Ngọc Khôi. Ở Mỹ, có Khánh Trường, Lê Bi, Đỗ Kh. Ở Úc có Mai Nguyễn. Ngoài tác phẩm do tôi dịch, còn có tác phẩm do người khác dịch, tôi chủ trương đăng, trong đó có tác phẩm của Nhã Ca. Tôi đã đăng trong bộ sách do tôi đảm nhiệm tác phẩm của một tác giả Pháp viết bằng tiếng Pháp nhưng liên hệ tới VN, và có giá trị văn chương. Nhân tiện đây, một lần nữa, cho phép tôi mời độc giả HL vào trạm web trên nếu muốn biết danh sách tác giả, tác phẩm tôi đã dịch, đã đăng.
Khi định dịch một tác phẩm, không bao giờ tôi nghĩ tới ‘tính thị trường’ hay không vì lý do đơn giản: tôi không có khả năng tiên đoán điều ấy. Nhà xuất bản quyết định đăng hay không, gánh rủi ro của quyết định ấy. Tôi chỉ nói: tác phẩm này đáng đăng, tôi đề nghị đăng, tôi chịu trách nhiệm về lời nói đóù. Kết quả, nhiều bất ngờ mà ngay chuyên gia về kinh tế thị trường cũng không đoán được! Thí dụ: The Dragon Hunt của Trần Vũ được tờ New York Times hay New Yorker, tôi không nhớ nữa, liệt vào 1 trong 20 tác phẩm hư cấu hay nhất đăng năm 1999 tại Mỹ trong khi Sous une pluie d’épines, ở Pháp, do nhà xuất bản văn chương lớn, Flammarion, xuất bản, chẳng ai đề cập tới. Còn kết quả ‘thị trường’, tôi chỉ biết một năm sau khi đã đăng, lúc nhà xuất bản báo cáo kết quả bán sách. May thay, cũng khá nên tôi thực hiện được điều tôi ao ước: tạo một bộ sách văn chương Việt Nam tại Pháp.
Còn ‘hấp dẫn chính trị’ thì... hỡi ơi! Những năm 90-92 còn có thể hình dung được. Sau đó, độc giả tây âu bình thường, còn ai lưu tâm tới khía cạnh ấy? Nhiều người không biết Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm là ai! Tình hình chính trị VN, có mấy người quan tâm tới? Mỗi năm cả triệu du khách thăm VN mà. Nhưng thôi, hãy cho tôi biết, trong mấy chục tác phẩm tôi đã dịch và/hay đăng, tác phẩm nào có tính ‘hấp dẫn chính trị’ đối với độc giả Phú Lăng Xa từ những năm 90 tới nay? Quyển Bên kia bờ ảo vọng, mới xuất bản cách đây không lâu ở Pháp và Mỹ, đăng ở VN đã gần 20 năm, nói về một xã hội đã tiêu vong từ lâu. Vậy mà vẫn được đón nhận nồng nhiệt. Ở Pháp đã tái bản dưới dạng sách bỏ túi, năm ngoái vẫn bán chạy! Kích thước ‘hấp dẫn chính trị’ của nó ở chỗ nào? Ở tên tác giả? Nếu thế, tôi mừng, tác giả là người tôi quý mến. Tôi quý nhiều tác phẩm khác, dịch và đăng. Tại sao chúng không thành công như vậy? Quyển Terres des éphémères có truyện ngắn của 15 tác giả VN, ở trong nước, ở nước ngoài, bán chạy. Chỉ liếc qua cũng thấy các tác giả ấy rất khác nhau về mặt chính trị.
Tất cả sách tôi đã dịch hay đã đăng đều có ‘chất Việt Nam’. Những tác giả khác nhau, văn phong khác nhau. Có gì chung giữa Bảo Ninh, Khánh Trường, Trần Vũ, Nhã Ca? Có điều này: họ đều đã phải gánh thân phận làm người Việt trong thế kỷ 20. Thân phận của họ, cụ thể, khác thân phận của tôi. Tình cảm, kiến thức, phương pháp suy luận của họ khác tôi. Nhưng tôi chia sẻ. Tôi cũng mong người đời chia sẻ phần nào những gì tôi đã viết và đăng. Với kiểu đặt câu hỏi này, tôi e rằng sẽ chẳng ai chia sẻ bất cứ một điều gì .
- Những tác giả khác không đủ hay, hay không đáng để dịch?
- Nếu tôi phải dịch tất cả những quyển sách tôi thấy hay, từ tiếng Việt qua tiếng Pháp hay ngược lại, tôi phải quỳ gối lạy Thượng Đế cho tôi sống lâu như Mathusalem. Tôi không thích quỳ. Tôi dịch sách tôi thèm dịch, có khả năng dịch. Có sách tôi thích mà thấy mình không dịch nổi, thơ Hồ Xuân Hương chẳng hạn. Có sách tôi thấy hay mà không có nhu cầu dịch. Tôi có nhu cầu dịch văn khi, đọc một tác phẩm, tôi cảm thấy đã gặp một người, thèm chia sẻ thân phận làm người của người ấy. Tôi dịch văn để chia sẻ, trong ngôn ngữ khác, cuộc gặp gỡ ấy với người đời.
Về nghệ thuật dịch văn, tôi đã trình bầy quan điểm của tôi trong Vẫy gọi nhau làm người, xin miễn nhắc lại ở đây.
- Với tư cách người giới thiệu văn chương VN ít nhứt là cho độc giả tiếng Pháp, anh tư ïđánh giá là mình làm đúng hay không?
- Miêng là người giới thiệu văn chương quốc tế, ít nhất là cho độc giả tiếng Việt. Miêng tự đánh giá mình làm đúng hay không? Nhớ trả lời tôi ở đây khi đăng bài phỏng vấn này nhé.
Không ai trao tôi trách nhiệm khổng lồ ‘giới thiệu văn chương VN’. Có ai dám trao, tôi cũng từ chối: tôi không có khả năng làm chuyện ấy. Bản thân tôi chẳng bao giờ tự khoác cho mình trách nhiệm ấy. Tôi dịch tác phẩm tôi thích, có nhu cầu dịch để chia sẻ một cuộc gặp gỡ với người đời, thế thôi. Nếu độc giả thích, tôi mãn nguyện. Nếu tác giả cũng thích nốt thì... tuyệt! Không có gì đảm bảo điều ấy. Dịch văn là nỗi đam mê, phải trả giá như trả giá cho mọi đam mê trong đời người.
- Được biết gần đây, anh dành rất nhiều thì giờ để hoàn tất biên khảo về Derrida? Xin hỏi anh vì sao thế giới công kênh Derrida như một mỹ học mới, mà PHĐ lại thấy cũ, như anh thường nói giữa bạn bè, "Derrida bình cũ, rượu cũ và cách tiếp thị cũng cũ"?
- Không gần đây. Chuyện đã xưa rồi, khi ông Derrida xuất bản quyển Spectres de Marx (Những Bóng Ma của Marx), năm 1993. Tập san Triết của Nguyễn Hữu Liêm bên Mỹ yêu cầu tôi viết bài tường thuật hay giới thiệu vì quyển sách đó chưa dịch qua tiếng Anh. Tôi có gặp ông Derrida đôi ba lần trong những buổi nhà xuất bản Des Femmes tổ chức để bảo vệ Dương Thu Hương, Taslima Nasreen. Do đó, tôi có thiện cảm với ông. Nhưng tôi mù tịt về triết lý của ông. Lúc đó, tôi bận. Tôi bèn trả lời báo Triết: tôi mua, gửi cho các bạn quyển sách ấy, bên Mỹ đầy người Việt sành tiếng Pháp, các bạn đọc, viết lấy, lúc này tôi không có khả năng viết. Tôi nhớ, gần Trung tâm Georges Pompidou, trong một phố nhỏ, có tiệm sách nhỏ chỉ trưng sách triết. Tôi đến đó, hỏi mua. Nàng bán sách, trẻ, đẹp, nói "có", đi vào nhà trong, mang quyển sách ra. Tôi ra quầy trả tiền. Nàng nhìn tôi, hỏi:
- Ông thích Derrida hả ?
- Không. Tôi không biết gì về triết lý của ông ấy.
- Tôi đọc mà chẳng hiểu gì cả.
Tôi tò mò bắt chuyện, giựt mình: kiến thức triết của nàng hơn bứt tôi. Nàng nói mạch lạc về các triết gia mà tôi biết sơ sơ như Kant, Hegel, Husserl, Marx, Sartre, Althusser, Foucault. Té ra nàng có maitrise (4 năm sau tú tài Pháp) về triết, mở tiệm bán sách triết vì nàng mê triết. Tại sao nàng lại không hiểu nổi ông Derrida? Những phát biểu của ông Derrida tôi đã có dịp đọc hay nghe chẳng có gì khó hiểu. Tôi bèn nói:
- Cô bán cho tôi một bản nữa. Tôi cần gửi một bản qua Mỹ. Nói chuyện với côø, tôi muốn đọc quyển sách này.
Tôi đọc. Khó hiểu thật. Tôi ghét triết gia viết hàm hồ, ai muốn hiểu gì thì hiểu. Nhưng tôi biết, khi người ta có điều mới muốn nói với đời mà phải trình bày nó với một ngôn ngữ cũ rích, tự nó đã chuyên chở những ý niệm cũ rích, thì chỉ còn hai cách: làm thơ hay vặn vẹo ngôn ngữ, bắt nó làm toát điều mình muốn nói. Trường hợp của Hegel, Sartre, Marx, những tác giả đã khiến tôi ‘điên đầu’ nhưng vẫn quý trọng. Tôi thấy ông Derrida sử dụng tiếng Pháp điêu luyện. Tôi liền nghĩ: người sử dụng tiếng Pháp đến thế, chắc có điều mới lạ cần trình bầy. Tôi có chút hiểu biết về tư tưởng của Marx, vậy tôi có thể hiểu ông Derrida khi ông bàn luận về Marx. Tôi đã bỏ 2 năm phân tích quyển sách ấy. Càng đào sâu, càng thất vọng. Khi ông Derrida viết điều gì khả dĩ hiểu được, điều ấy cũ rích, thô sơ: nhại Kant trong tranh luận với Fukuyama, nhại Marx một cách máy móc khôn tả khi thao thao bất tuyệt về media, nhại Engels khi hùng hồn bàn về con người ‘hậu lịch sử’(sic) , văn phong cực bay bổng nhưng nội dung nghèo nàn, vớ vẩn, thua xa Engels! Tôi bực mình, tính dẹp, nhưng lại nghĩ: mình đã mất công đến thế, nên viết những phê phán đó thành lời, lúc đó mới là phê phán. Xưa nay, tôi vẫn nghĩ: những gì chưa biến thành lời chưa là tư duy. Tôi bèn viết quyển Les spectres de M. Derrida (Những bóng ma của ông Derrida). Viết xong, qua một người quen, tôi gửi cho Collège International de Philosophie, một cơ quan do chính ông Derrida thành lập để tập hợp, tổ chức sinh hoạt cho một số triết gia có máu mặt đương thời. Lúc đó, ông Derrida vẫn còn là ủy viên ban trị sự. Đối với tôi, đó là phép lịch sự của người Ziao Chỉ. Vài tháng sau, tôi nhận một lá thư của đương kim chủ tịch Ban trị sự của Collège International de philosophie thông báo, như một nhà xuất bản: họ đã tổ chức một buổi thảo luận ‘bổ ích’ (fructueuse) về quyển sách của tôi. Mặc dù nó có giá trị (malgré ses qualités), họ không thể xuất bản vì mỗi năm họ chỉ có thể xuất bản rất ít sách, v.v. Tôi bật ngửa. Tôi không hề biết Collège International de philosophie xuất bản sách! Chẳng mấy ai biết điều đó, người ta thường biết Collège International de philosophie qua sinh hoạt công cộng do nó tổ chức. Tôi ngạc nhiên rằng cơ quan ấy có thể tổ chức thảo luận về quyển sách của tôi mà không mời tác giả tham dự trong khi tác giả sống kề đó. Nếu là một quyển sách họ mua ở tiệm sách mang về thảo luận với nhau thì dễ hiểu. Nhưng quyển sách chưa xuất bản ở đâu cả, do một tác giả vô danh tiểu tốt gửi tới! Vì sao lại thảo luận? Mà chẳng thèm mời tác giả tham dự? Tôi vứt quyển sách vào ngăn kéo, làm chuyện khác. Quá trình viết nó đã khiến tôi trở lại với triết học, đọc lại những tác phẩm quan trọng đã ảnh hưởng tư duy của tôi, đọc thêm vài quyển sách khác, đương đầu với bế tắc tư tưởng tôi mang trong mình từ lâu. Tôi bắt đầu có nhu cầu giải quyết nó. Tôi dẹp mọi chuyện, trải tờ giấy trắng trước mặt, viết quyển Penser Librement. Lại 2 năm. Nhưng sảng khoái hơn nhiều: lần đầu tiên trong đời, tôi có khả năng phê phán cả Sartre lẫn Marx. Cảm ơn ông Derrida?
Ở Pháp, ông Derrida thuộc loại triết gia tả khuynh thường thường bực trung. Ông thành danh ở Mỹ, trong làng văn học ‘hậu hiện đại’ Mỹ. Có lẽ báo chí Pháp chú ý tới ông nhiều nhất nhân dịp Sokal-Bricmont tranh luận với tạp san ‘hậu hiện đại’ Social Text ở Mỹ. Câu chuyện thế này. Sokal (Mỹ, tả khuynh) và Bricmont (Bỉ) là hai nhà khoa học vật lý lý thuyết có nhiều kiến thức văn hoá. Họ theo rõi trào lưu văn học do Social Text chủ trương, thấy dùng nhiều từ ngữ khó hiểu của vật lý hiện đại, nhưng khi họ đọc họ không hiểu gì cả. Họ bèn viết một bài rất kêu, rất kẻng, vận dụng những ‘khái niệm’, văn phong quen thuộc của Social Text. Sau khi Social Text đăng bài đó, họ tuyên bố: không những bài đó
chẳng có ý nghĩa gì cả mà còn chứa vài luận điểm mà một sinh viên năm thứ nhất trong môn vật lý có thể thấy là sai bét. Sokal-Bricmont ghẹo Social Text, nhưng những nhà lý luận văn học Mỹ trong tậïp san đó hay trích dẫn ông Derrida và vài nhà tư tưởng Pháp khác. Do đó, anh Tây động lòng, ông Derrida, cùng một số người khác, qua nhật báo Le Monde, nhẩy vào cuộc tranh luận đó. Kết quả, vài bài trên báo Le Monde, hai quyển sách: Imposture intellectuelle (Sự gian trá tri thức) của Sokal-Bricmont và Imposture scientifique (Sự gian trá khoa học) của ông Derrida và một số tác giả Phú Lang Xa khác. Theo rõi cuộc tranh luận ấy, tôi thấy Sokal-Bricmont đúng khi nhận xét: ông Derrida không trả lời phê phán của họ, lách qua vấn đề khác.
Về ông Derrida, ở đây, tôi không thể nói hơn. Làm như thế, hơi mất dậy: ông Derrida không có khả năng đọc Hợp Lưu, trả lời phê phán của tôi. Tôi thường nghĩ, khi mình tranh luận với triết gia Tây Âu, nên nhẩy vào ‘sân chơi’ của họ, tranh luận với họ trong ngôn ngữ của chính họ như Trần Đức Thảo tranh luận với Sartre, Kojève, v.v. thủa nào. Thế mới đàng hoàng, tử tế. Còn các ông ấy có thèm trả lời hay không là chuyện khác. Tôi sẽ công bố quyển Les spectres de M. Derrida trên trạm web của tôi, tháng 11-2003, trừ chương cuối không dính dáng gì tới ông. Trong chương đó, nhân dịp ông Derrida tán dóc về học thuyết kinh tế của Marx, tôi phê phán vài điểm trong học thuyết ấy. Ông Derrida, độc giả tiếng Pháp, có thể tham khảo nguyên văn và, nếu muốn, tranh luận bình đẳng về mặt ngôn ngữ, internet với tác giả. Đảm bảo cười pể pụng a!
Tôi chỉ biết sơ sơ triết lý của ông Derrida. Còn mỹ học của ông, tôi xin miễn bàn. Tôi không biết. Từ khi đọc triết lý rất ‘văn chương’ của ông, tôi không có nhu cầu biết.
- Vậy thì anh nghĩ gì về mỹ học hậu hiện đại hay chủ nghĩa hậu hiện đại? Đây có phải là lối thoát, là con đường tất yếu của văn chương nói chung và văn chương VN nói riêng không?
- Tôi không hiểu câu hỏi của Miêng. Trong lịch sử, mọi thời điểm đều có hiện tại, quá khứ, tương lai, có một cái gì đó người ta gọi là đương đại hay hiện đại so với tiền hiện đại và... hậu hiện đại. Nếu, trong suy luận của người đương đại, hiện tại ấy quá tồi (thời mạt văn) thì tiền hiện đại hay hậu hiện đại kia cũng chẳng ra gì. André Gide, Camus quý trọng truyền thống cổ điển như mẫu mực của văn chương, nhưng văn phong của họ, trong thời họ, cực kỳ mới. Bản thân Sartre cũng vậy. Chàng lập tạp chí Les temps modernes (Thời hiện đại) trong ý: quan điểm văn học đương thời cổ hủ, không đáp ứng nhu cầu của con người. Đại bộ phận nhà phê bình văn chương thời ấy đều thấy rằng chàng viết văn cổ điển, có người còn nói: văn của thế kỷ 19. Có phần đúng, nhưng cơ bản ngu ngốc: không thấy chàng đã kéo cả văn học kia vào thế kỷ 20. Thí dụ điển hình: Flaubert, với 3 quyển L’Idiot de la famille (Thằng ngốc của gia đinh). Con người không có quá khứ của nhân loại chỉ là một con thú lanh lợi. Văn chàng vừa cũ, thế kỷ 19 thực, vừa mới, trong thế kỷ 20 ít ai bằng! Văn Trần Đức Thảo, cuối đời, tuy tản mạn hơn, cũng như vậy, thường nuốt không trôi, cũ kỹ hơn cả văn của Sartre do chàng bị nhốt quá lâu, nhưng có những đoạn trác tuyệt. Nhà văn lớn như vậy, có chiều sâu của lịch sử, của văn học, và có cá tính của chính mình. Như, trong lĩnh vực khác, Marx đã kéo cả Kant, Hegel vào thời đại của nền văn minh tư bản!
Những từ ngữ kêu, kẻng ấy, đối với tôi, chẳng có ý nghĩa gì hết. Kịch của Shakespeare thuộc loại cổ lỗ sĩ, hiện đại hay hậu hiện đại mà thiên hạ dựng tới dựng lui dưới những hình thái khác nhau, ngay cả hôm nay? Mới tháng bẩy vừa qua, tôi đi Grenoble xem một vở kịch của Shakespeare do con tôi dựng với một đám sinh viên lau nhau. Tôi cười rũ rượi, thích. Không dính dáng gì hết với những gì tôi đã từng xem, kể cả ở Avignon, nhưng đúng là kịch của Shakespeare! Kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt của Lưu Quang Vũ thuộc loại gì mà năm nay người ta đem trình diễn ở London? Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thuộc trường phái nào mà tháng chín này thiên hạ tìm hiểu tại Stockholm ở Thụy Điển và Cahors ở Pháp?
Tôi không thích sắp xếp nhà văn theo kiểu Linné sắp xếp các loài sinh vật, Darwin bàn về quá trình biến hoá của các loài sinh vật hay Engels bàn về quá trình phát triển của tư duy khoa học. Tôi biết, đôi khi cần nói ‘vắn tắt’ về văn chương của một thời đại, người ta cần tạo một ‘khái niệm’ vu vơ, gắn cho nó vài ‘thuộc tính’ hình thức để nêu danh. Đó là cách trao đổi thông tin như nhiều cách khác, khi cần, dùng cũng tiện. Nhưng không thể dùng những ‘khái niệm’ ấy để suy luận về văn chương. Suy luận kiểu này, ở Pháp, bắt đầu có từ cuộc tranh luận văn học giữa phái ‘cổ điển’ với phái ‘hiện đại’, la querelle des anciens (hoặc classiques) et des modernes. Tôi miễn lè nhè trở lại, mất thời giờ độc giả. Chỉ xin nêu ý này: trong cuộc tranh luận ấy, từ cổ điển chỉ một số đại văn hào Pháp của thế kỷ thứ 17: Corneille, Racine, Molière, Bossuet, La Fontaine, Boileau, Pascal, La Bruyère, v.v. Ai đã liếc qua tác phẩm của họ đều thấy: hết sức khác nhau, thậm chí không có gì chung cả, về tư tưởng, nhục cảm, văn phong. Nhưng vẫn có điều gì chung với người đời nay. Do đó, ngày nay, đọc lại, ta vẫn rung cảm. Chính vì thế, tên tuổi của họ còn tồn tại tới ngày nay. Giữa những nhà văn sáng tác trong những thể loại khác nhau, điều đó, hời hợt, có thể coi là tự nhiên. Nhưng giữa ba kịch tác gia lớn, Corneille, Racine, Molière, thì thế nào? Chẳng có gì chung cả, ngoài luật lệ về phép dựng kịch thời đó: unité de lieu, de temps, d’action (một chuyện, ở một nơi, trong một ngày). Biết bao nhiêu người viết kịch như thế trong thời đó? Ngày nay ai nhớ tới? Cứ như thơ đường luật ấy mà. Lùa tất cả nhà thơ Ziao Chỉ từ cổ tới kim vào một rọ, coi sao được? Hồ Xuân Hương sẽ đá phóc tất cả khỏi sân thơ của nàng. Trong văn chương Ziao Chỉ, thậm chí trong văn chương thế giới, không thể có một Hồ Xuân Hương thứ hai.
Racine không thể viết như Corneille [theo trí nhớ]:
Je suis maýtre de moi comme de l’univers
Je le suis, je veux l’être...
Ta là chủ của chính ta cũng như của cả vũ trụ
Ta là thế, ta muốn vậy...
Nhưng Corneille viết cạn đời cũng không thể sáng tác thơ tình quyết liệt, bi ai như Racine. Còn Molière, tôi không dám bàn. Xin hỏi ý của Lưu Quang Vũ, Nam Dao.
‘Văn chương’ là cái quái gì mà cần lối thoát ? Nếu quả thực ‘văn chương’ có thực, đang hấp hối, đang tìm lối thoát, tôi xin mang ít giấy mực, thực phẩm hết sức cần thiết cho chuyện viết lách, ân cần thăm hỏi: chúc mày may mắn. Thế thôi. Thân phận của ‘văn chương’ không thiết thân lắm đối với tôi. Kiếm cơm cháo cấp bách hơn nhiều. Những điều ‘văn chương’ lo âu vượt khả năng hiểu biết của tôi. Con thú cần lối thoát khi sinh mệnh của nó bị uy hiếp. Con người cũng vậy. Ngoài ra, con người, trong cuộc sống hôm nay, trong thế giới hôm nay của mình (và của người khác!) có thể thấy ngộp, cần lối thoát, vì nó đã mất khả năng thực hiện nhân cách của nó, vì tư tưởng của nó bế tắc hoặc vì một trăm lý do khác. Lúc đó, nó có thể có nhu cầu sáng tác nghệ thuật, văn chương. Đó cũng là một cách làm người. Đó mới là chuyện đáng bàn vì chúng ta đều là người cả. Vì, dù muốn dù không, thế giới này là của chung, chúng ta chẳng thể có thế giới thực khác. Còn thế giới ảo của riêng từng người, xin mỗi người tùy tiện, tôi không dám có ý kiến. Nhiều nhất là chuyện Bá Nha Tử Kỳ, không nên lè nhè trong một cuộc phỏng vấn với Hợp Lưu.
Còn ‘tất yếu’ trong văn học, tôi không có khả năng hiểu. Là thằng kiếm ăn trong lĩnh vực sử dụng máy tính điện tử, tôi hiểu tính tất yếu của một số quá trình vận động của vật chất trong một số khuôn khổ hành động của còn người. Thế thôi.
Có quy luật gì khiến Miêng ‘tất yếu’ thấy một áng văn hay, một người đàn ông quyến rũ? Ê, trước khi thử nghiệm vấn đề thứ hai này, nên hỏi ý lệnh lang nhe, không thì ‘tất yếu’ sẽ thấy ‘địa ngục, chính là tha nhân’ đó.
- Còn hiện thực huyền ảo, anh nghĩ gì về dòng văn này? Anh phân biệt thế nào giữa văn cổ điển và lối hành văn cách tân, chẳng hạn phong cách ‘hậu hiện đại’? Và nếu cho rằng cổ điển mà hay vẫn hơn cách tân, thì phải chăng văn chương không cần đổi mới?
- Tôi không biết ‘hiện thực huyền ảo’ là gì cả. Khi các tác giả bị nhốt vào cũi nhãn hiệu ấy viết tác phẩm lừng danh của họ, thuật ngữ ấy chưa có trong làng văn học. Tôi mê Cent ans de solitude, La danse immobile, Le partage des eaux, v.v. Tôi có đọc vài tác giả tự xếp mình cùng với những tác giả của những tiểu thuyết trên sau từ ngữ ‘hiện thực huyền ảo’. Tôi không còn nhớ gì về họ cả. Có thể họ là môn đồ của chủ nghĩa ‘hiện thực huyền ảo’, tôi không có khả năng chứng minh ngược lại nhưng, với tôi, họ không là nhà văn: họ không để lại một điều gì trong tôi cả.
Ê, nếu ‘hiện thực huyền ảo’ nghĩa là pha trộn chi tiết ‘hiện thực’ với chi tiết ‘huyền ảo’ trong câu chuyện, chỉ cần đọc truyện Thạch Sanh Lý Thông là có đủ. Gần đây, đọc Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh hay Tiểu thuyết vô đề của Dương Thu hương cũng thế. Trong văn chương đích thực, mọi chuyện đều huyền ảo, đều thật (authentique, khái niệm của Sartre; chân thật, chứ không phải có thực như Tháp Eiffel có thực trên bờ sông Seine, hay chân tình, theo kiểu nói của tôi). Chỉ nhà văn đích thực mới đạt được, như Borgès với người Tây Âu chẳng hạn. Vấn đề của nhà văn chỉ ở chỗ này: độc giả cảm nhận anh (chị) thật hay không. Hành văn mà chỉ có kỹ thuật, vứt đi. Như best sellers viết theo đơn đặt hàng ấy mà. Thí dụ: Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió), tập 2. Tôi chưa từng thấy một lý luận văn học có thể biến tác phẩm văn chương dở thành hay. Ngược lại, tác phẩm văn chương hay, dù bị chê bai lúc ra đời, cuối cùng vẫn kiếm được độc giả của mình. Thí dụ, từ Rabelais tới những nhà văn hiện đại của Pháp, đầy rẫy.
- Anh phân biệt thế nào giữa văn cổ điển và lối hành văn cách tân, chẳng hạn phong cách ‘hậu hiện đại’?
- Văn Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Cao Xuân Huy, Trần Vũ, Nam Dao, v.v. và v.v. là văn ‘cách tân’, ‘hậu hiện đại’. Trong nhiều năm nữa! Hè hè! Những thứ văn khác, nếu không mở một chân trời mới cho tôi, cho ngôn ngữ tôi dùng để suy nghĩ, cảm nhận, ngôn ngữ Ziao Chỉ, vì tôi vốn là người Ziao Chỉ, tôi coi như... mất thời giờ, còn bàn gì tới văn với vẻ. Còn văn của tác giả tự vỗ ngực ‘hậu hiện đại’, tôi xin đọc trước khi có ý kiến, nếu tôi còn nhớ một cảm giác sau khi đã đọc. Không phải không có. Có những bài thơ trong tập thơ của 26 nhà thơ tôi đọc ở Boston năm nay, tới nay tôi còn nhớ, còn muốn đọc lại. Phải rõ ràng: trong quyển sách ấy không có vấn đề ‘hậu hiện đại’, nhưng, theo tôi biết lờ mơ,ø có tác giả chủ trương chủ nghĩa hậu hiện đại. Tôi không quan tâm điều đó, chỉ đọc thơ, rung cảm hay không, như mọi độc giả. Tôi không giải thích nổi những bài thơ tôi thích ‘hậu hiện đai’ ở chỗ nào. Tôi chỉ biết: hay! Chỉ có thể viết: vì sao tôi thấy hay. Và mong người đời thấy hay, càng lâu càng tốt. Trong mấy số Hợp Lưu mới đây, có mấy truyện ngắn, bài thơ, đoạn trích tiểu thuyết khơi trong tôi cảm giác ấy. Nếu mấy tác giả ấy tự cho mình là ‘hậu hiện đại’, tôi hoan nghinh ‘trào lưu hậu hiện đại Ziao Chỉ’. Nếu không, tôi vẫn thích. Cho phép tôi nhố nhăng một lời, đâu phải lúc nào cũng có dịp được đăng trên Hợp Lưu: nếu có điều gì ấm ức trong lòng, tha thiết cho mình, cho đời, hãy viết đi, bằng tiếng Ziao Chỉ đích thực, bất kể hình thái, với văn phong kinh điển hay ‘hậu hiện đại’ cũng được, nhưng phải là văn phong của chính mình. Tôi thèm đọc những áng văn như thế.
Đối với tôi, không có văn cổ điển đối chọi với văn cách tân, càng không có văn hậu hiện đại. Có tác phẩm đáng gọi là văn chương và các thứ còn lại. Tác phẩm văn chương là tác phẩm, khi tôi đọc, khiến tôi khát khao ‘làm người’. Xin lỗi, tôi chỉ ‘trích’ được một câu nói tầm thường của người Ziao Chỉ, không trích nổi bất cứ một ‘minh triết’ hay một nhà ‘mỹ học’ trong văn học Tây Âu mà tôi có dịp đọc, ngoài Sartre khi chàng nói vói tôi tại Toà án Bertrand Russell ở Stockholm: ‘J’essaie de faire mon métier d’homme’ (Tôi cố hành nghề làm người của tôi). Khái niệm ‘nghề làm người’ của Sartre gắn liền với khái niệm ‘lao động là nhân cách’ của Tây Âu trong thế kỷ 19 và 20, khiến người bị sa thải thấy mình mất nhân cách. Tôi không có quan điểm đó, không coi làm người như nghề. Làm người hay yêu, với tôi, là một nghệ thuật. Nhưng tôi quý câu ấy. Nó nói với tôi một điều gì của một nền văn minh. Trong nền văn minh ấy, thời trung cổ, người có tay nghề (thủ công) là người đầu tiên thoát khỏi thân phận nông nô. Tay nghề của họ đã giúp họ nên người tự do.
- Và nếu cho rằng cổ điển mà hay vẫn hơn cách tân, thì phải chăng văn chương không cần đổi mới?
- Miêng ơi, đừng giận nhé, tôi mượn câu hỏi rất phổ cập này để đả kích một lối suy luận thiết thân của tôi trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật nhưng tôi kỵ trong lĩnh vực văn học: suy luận theo lôgíc hình thức. Hãy coi như tôi đả kích chính mình. Đó là phản ứng thường tình của tôi, nhất là khi tôi mê một điều gì, một ai.
Ta khẳng định khơi khơi khái niêm ‘cổ điển’ như một cái gì có thực, rồi gán cho nó thuộc tính ‘cũ’. Tiếp theo, ta khơi khơi khẳng định khái niệm ‘cách tân’, gán cho nó thuộc tính ‘mới’. Rồi ta tán tới tán lui về quan hệ, thậm chí về cuộc tranh chấp một mất một còn giữa cũ và mới, giữa cổ điển và cách tân. Như mấy ông quan tư tưởng cộng sản ấy mà! Trong lịch sử của phong trào cộng sản trong thế kỷ 20, không phải chuyện đùa đâu, học tập cải tạo mục xương đó. Tôi không ngờ, trong thế giới đã chiến thắng chủ nghĩa cộng sản kiểu thế kỷ 20, lối suy luận ấy trong văn học vẫn thịnh hành. Nói đùa vậy thôi. Tôi đã hiểu hai thế giới ấy là một, vì sao.
Ai thích trò chơi này, xin nhẩy vào cuộc đấu đá giữa Les anciens et les Modernes trong văn học Pháp thủa xưa. Tôi không có khả năng tham gia.
Đùa tí nhé: câu hỏi của Miêng ‘cổ điển’, câu trả lời của tôi ‘cách tân’. Nghĩa của nó thế này: đúng, con người là một vật thể, nhưng nó không chỉ là một vật thể, không nên bàn về nó trong một tập san văn học trong khuôn khổ hạn hẹp (tuy đúùng trong quan hệ giữa người với vật thể, năng khiếu sáng tạo kỹ thuật ấy mà) của lôgíc hình thức. Hẳn Miêng đã từng yêu, đã từng ghen. Hãy thử vận dụng kiểu suy luận này về những hiện tượng ấy xem? Khá nhất là không hiểu gì hết. Tôi không chúc bất cứ ai hiểu được trong khuôn khổ đó: sẽ trả giá nặng, vô bổ, vô tình. Tôi càng không chúc bất cứ ai cầm bút hành văn trong cũi suy luận đó.
- Và về văn học hiện sinh, anh có thể cho biết thế nào là tác phẩm theo dòng hiện sinh, tại sao nó có giá trị vượt trội hơn tác phẩm không hiện sinh? Theo anh, ngoại quốc có tác phẩm nào và Việt Nam có tác phẩm nào theo dòng này?
- Làm sao tôi trả lời được! Bản thân Sartre đã tuyên bố về từ ‘hiện sinh’:
Beauvoir 1940
«Le mot est idiot. Ce n’est d’ailleurs pas moi, comme vous le savez, qui l’ai choisi: on me l’a collé et je l’ai accepté. Aujourd’hui, je ne l’accepterais plus. Mais personne ne m’appelle plus ‘existentialiste’, sauf dans les manuels, où cela ne veut rien dire2.
Đó là một từ ngữ ngu ngốc. Như ông biết, tôi không hề chọn nó, người ta đã gán nó cho tôi và tôi đã chấp nhận. Hôm nay, tôi sẽ không chấp nhận nữa. Nhưng cũng chẳng còn ai gọi tôi là ‘[triết gia] hiện sinh’ nữa, trừ trong sách giáo khoa cho học trò, nơi nó chả có nghĩa gì cả.»
Tôi chỉ có thể nói, tôi đã đọc đi đọc lại, hiểu sơ sơ triết lý của Sartre, có thể nhại chàng trong một số vấn đề, nói đằng sau những câu văn nổi tiếng của chàng hay Simone de Beauvoir, có suy luận triết lý nào. Trong nghĩa đó, tôi chưa may mắn được đọc một tác giả VN đã trình bày triết lý ấy một cách chung thủy, rõ ràng, dễ hiểu như Francis Jeanson. Tôi chưa may mắn được đọc một tác phẩm văn chương Việt Nam trong đó tôi nhận diện nội dung tư tưởng của Sartre. Nhại hình thức thì có, và dở. Còn người tự nhận là đệ tử của Sartre, thậm chí vượt Sartre, có nhiều trên thế giới. Đọc họ, có lúc tôi thấy đúng vậy, có lúc tôi thấy không. Làm sao có thể bàn chuyện này về từng tác giả trong một cuộc phỏng vấn? Tôi không dám đâu.
- Tại sao tác phẩm của Sartre ‘có giá trị vượt trội hơn tác phẩm không hiện sinh?’
- Miêng cứ hỏi ủy ban Nobel thì biết. Những tác phẩm Miêng gọi là hiện sinh, có tác phẩm tôi biết, có tác phẩm tôi không biết, đoán mò vậy thôi: Miêng không nêu bất cứ tên tác phẩm nào. Trong những tác phẩm tôi biết, thỉnh thoảng, khi tôi đọc, tôi có thể thấy: câu văn này thể hiện tư tưởng của Sartre, như khi tôi viết Vẫy gọi Nhau Làm Người, thỉnh thoảng, tôi ý thức rõ: câu văn này là tư tưởng của Sartre diễn Nôm. Thí dụ, trong bài Niềm tin khủng khiếp, câu: ‘Tâm hồn nó trong veo, trong suốt, trong tới mức khả nghi’. Sự nghi hoặc kia, đương nhiên, gợi nhớ nghi vấn về sự hiện hữu của chính mình, khởi điểm và nền tảng trong triết lý của Descartes. Còn ‘Tâm hồn nó trong veo, trong suốt’ thì quả là Sartre diễn Nôm. Tôi chưa hề che dấu rằng Sartre và Marx là hai người đã ảnh hưởng sâu đậm vào tư duy, cuộc đời của tôi. Còn lại, những câu văn khác của tôi thể hiện điều gì, ở đây, tôi không dám bàn, phải tính tới ngân quỹ của Hợp Lưu chứ!
Có ít nhất ba lý do khiến tác phẩm văn chương của Sartre ‘vượt trội’:
a/ Tác phẩm ấy đương đầu với thân phận làm người trong một thời đại. Quyết liệt, sâu sắc, phong phú. Ai cũng biết chàng chủ trương văn chương dấn thân. Điều ấy phù hợp với nhu cầu hiểu đời, làm người của nhiều độc giả.
b/ Tác phẩm ấy thể hiện một triết lý cần thiết cho thời đại ấy: hành động cùng với người khác để thiết thực làm chủ định mệnh của mình, để thay đổi thế giới vì thế giới ấy quá phi nhân; vì thế, trong hành động và tư duy, phải bảo toàn tự do của chính mình. Làm người cùng với mọi người vì không thể khác được nhưng, trước hết, phải đích thực làm người tự do.
c/ Tác phẩm ấy có tính nghệ thuật: không cần hiểu biết gì về triết lý của chàng mà vẫn cảm nhận được và, trong một số tác phẩm, nghệ thuật ấy vượt triết lý của chàng.
Tôi đã phân tích vấn đề này trong Penser Librement, không thể dông dài ở đây.
Về các nhà văn khác, đông lắm, bị xếp hay tự xếp dưới nhãn hiệu ‘hiện sinh’, ngoài Simone de Beauvoir, Kenzaburo Oe và vài tác giả khác, tôi không còn nhớ gì cả, không dám có ý kiến.
- Tại sao Marx và Sartre đi đôi trong PHĐ?
- Thứ nhất, tại thời cuộc. Con người nên người, làm người trong thời cuộc. Tôi trưởng thành tại Paris trong những năm 60-70, không thể tránh đương đầu với hai tư tưởng ấy, và nhiều tư tưởng khác. Hai tư tưởng này thâm nhập tôi vì chúng vận dụng một cách nhất quán một loại suy luận lôgíc khác suy luận lôgíc tôi học ở đại học để có nghề nuôi thân, và loại lôgíc ấy cần thiết để hiểu đời, hiểu chính mình. Lúc ấy, phong trào CS thế giới đã chiếm 1/3 nhân loại. Những đảng CS Pháp, Ý là đảng lớn trong nước của họ. Phong trào công nhân trong các nước tư bản Châu Âu rất mạnh. Trí thức có máu mặt quốc tế, có nhiều người tả khuynh. Trên khắp thế giới, cách mạng giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, đâu đâu cũng có. VN tập trung những mâu thuẫn đó. Tôi lại lỡ là người Việt. Trong hoàn cảnh ấy, Sartre vừa là ‘bạn đường’ của phong trào CS thế giới vừa là đối thủ số một của phong trào ấy với tư cách triết gia của tự do! Tôi không thể không quan tâm tới cả hai tư tưởng.
Thứ hai, cả Sartre lẫn Marx đều mang lại cho tôi những kiến thức cần thiết để hiểu thế giới của mình, để đương đầu với thân phận làm người trong thế giới ấy. Nội dung cơ bản nhất của cả hai triết lý ấy là giải phóng con người khỏi những lệ thuộc không cần thiết để nó thực hiện sâu rộng nhân cách, cá tính của nó. Điều ấy phù hợp với đam mê sống của tôi. Điều kẹt là họ kình địch với nhau. Sartre có hoài bão vượt Marx về triết lý. Sau khi đã tuyên bố ‘triết lý của Marx là chân trời không thể vượt qua được trong thời đại của chúng ta’ chàng lại viết vài nghìn trang để ‘Phê phán lý trí biện chứng’ (bỏ dở)!
- Anh nghĩ sao về nền tiểu thuyết VN hiện tại?
- Lại một câu hỏi quá lớn đối với khả năng của tôi. Tôi chỉ có thể nói thế này về những quyển sách tôi có dịp đọc. Sách về chiến tranh, có ba quyển tôi thích.
Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, một tác phẩm trác tuyệt, xứng đáng đứng ngang hàng với những tác phẩm lớn trong văn chương của nhân loại. Chưa bao giờ tôi đọc một quyển sách ám ảnh miên man như thế, thể hiện tuyệt vời thân phận làm người trước chết chóc, tình yêu, sáng tác nghệ thuật. Đoạn kết ngoạn mục. Vợ tôi nhận xét: trong thời gian tôi dịch quyển sách ấy, tôi như người mất hồn, phải một tháng sau khi hoàn thành, tôi mới bình thường trở lại. Bài đề tựa tôi viết cho quyển sách ấy là một bài tôi đắc ý: Une douleur sans perspective, Một nỗi đau không có viễn tượng.
Tháng ba gẫy súng của Cao Xuân Huy. Không biết xếp quyển sách này trong thể loại nào. Về quyển sách này, bản thân tác giả không nhận mình là nhà văn, chỉ tuyên bố: nói 100% sự thật mình đã sống, với ngôn ngữ của đời sống thực, ngôn ngữ của lính thủy quân lục chiến VNCH. Thế mà thành văn. Đã đọc, không sao quên được.
Tiểu thuyết vô đề của Dương Thu Hương. Ít quyển sách khắc khoải như vậy. Trong tiểu thuyết này, Dương Thu Hương bộc lộ một văn phong mới lạ so với văn phong của chị trước đó. Chị viết một mạch, gửi ngay cho tôi, không có thời giờ sửa vì, lúc đó, chị biết chị sắp bị bắt.
Tiểu thuyết về thời hậu chiến, tôi thích Thiên Sứ của Phạm thị Hoài. Ít tác giả Việt Nam có khả năng vận dụng thành công nhiều bút pháp như thế trong một quyển sách. Tôi thích Ngoài khơi miền đất hứa của Nguyễn Quang Thân. Nói về tình bạn trong thời nay như thế, hiếm.
Tiểu thuyết dã sử, tôi thấy chưa ai viết bằng Nam Dao.
Kịch, Lưu Quang Vũ, Nam Dao đều có tác phẩm tuyệt vời.
Truyện ngắn, số một có Nguyễn Huy Thiệp. Trần Vũ, Khánh Trường có nhiều truyện ngắn tôi mê. Phạm Thị Hoài có vài truyện ngắn tôi thích. Đây có vẻ là sở trường của nhà văn Việt Nam. Nhiều người viết và có truyện hay. Tôi đã dịch khá nhiều.
- Theo anh, ranh giới giữa văn chương và triết học là gì?
- Lại một câu hỏi tầy trời! Nhưng tôi liều trả lời, đó là hai lĩnh vực thiết thân với tôi.
Tổng hợp, không có ranh giới. Chẳng thể khác. Mỗi người đều mang trong đầu mình, một cách có ý thức hay không, một hay nhiều triết lý, thể hiện (chúng) nó qua cách tiếp cận cuộc đời, tình cảm, suy luận, hành động của mình. Một hình thái hành động đặc thù của con người là... viết văn! Đọc vài trang đầu của một tác phẩm, chỉ qua văn phong thôi, ta có thể đoán đại khái nhân sinh quan của tác giả. Tác phẩm hay chính là tác phẩm vượt qua giới hạn đó, khiến ta nhìn lại thân phận làm người của chính ta, không vì cốt truyện, vì cách vận dụng ngôn ngữ để tìm người khác, tìm mình, tìm người, vì văn phong.
Kỹ thuật, có ranh giới. Người viết triết cần nhất người khác hiểu rõ, không nhập nhằng, quan điểm và lý luận của mình. Người viết văn cần nhất độc giả cảm nhận mình, gặp mình, ngay cả trong những lĩnh vực không ‘hiểu’ nổi vì, trong lúc hành văn, đôi khi mình không hiểu nổi chính mình, chỉ có một điều muốn nói, phải nói, không thể lý giải, nhưng phải khiến nó thành lời.
Tôi có nhận xét: triết gia lớn, khi đã đi tới tận cùng lý luận của mình mà vẫn không nói được điều mình muốn nói thì... hành văn!
Câu ‘Ta tư duy, vậy ta có thực’ của Descartes, đối với tôi, vừa là triết vừa là... thơ! Nó là triết ở chỗ này: Descartes là người đầu tiên đặt Tôi như trung tâm của triết học với tư cách là chủ thể của tư duy (ý của Hegel) và khẳng định Tôi là tự do (ý của Sartre). Nó là thơ ở chỗ này: đây là một tuyên ngôn làm người. Còn về mặt lý luận, rất dễ bắt bẻ, người đời ngay từ thời của chàng cho tới nay đã từng bắt bẻ hữu lý (hình thức).
Về mặt hành văn, câu Je pense, donc je suis đẹp không thua nửa câu alexandrin của Corneille: Je le suis, je veux l’être. Cả hai câu đều cân đối, vững vàng, quyết liệt, không thừa một chữ. Nhưng âm điệu, nhục cảm, ngược nhau, khớp với nội dung. Corneille khẳng định con người bằng ý chí (je veux), nhưng cảm thấy rõ ý chí thôi không đủ. Câu văn bắt đầu quyết liệt (Je le suis, je veux), chấm dứt bằng âm thanh mềm xèo, être, (e câm trong tiếng Pháp, thường khiến câu văn êm ả, yểu điệu, hoặc khiến câu nói nghiêm trang nhưng không quyết liệt tí nào). Câu văn này hay ở tính nhập nhằng của nó. Động từ être ở đây có hai nghĩa: trong Je le suis, nó thể hiện ý chí của con người. Trong je veux l’être, tùy cách phát âm, có thể hiểu: a/ je veux l’Être (ta muốn Tự Tại) hay je veux l’être (ta muốn thế). Trong cả hai nghĩa, không có gì đảm bảo ta được mãn nguyện... Buông từ être một cách long trọng hay như một tiếng thở dài cũng thế thôi. Vứt nửa câu thơ này, câu thơ trên nhạt nhẽo ngay. Tuyệt. Ngược với Corneille, câu văn của Descartes bắt đầu yếu ớt, je pense (chấm dứt bằng e câm), khớp với triết lý của Descartes. Trong triết lý ấy, hình thái đầu tiên của tư duy là nghi hoặc, kể cả nghi hoặc hiện hữu của... chính mình. Từ nghi hoặc ấy, qua lý luận, Descartes kết luận: ta có thực, je suis. Corneille quyết liệt ở hình thức, văn phong thể hiện ý chí của nhà thơ, hay ở chỗ đã cảm thấy ngay là thiếu hụt. Descartes quyết liệt ở nội dung, văn phong thể hiện trí tuệ. Phải đến khi công chúa Élisabeth de Bohême bắt bẻ, trí tuệ ấy mới biết mình có điều chưa ổn. Đàn bà khả úy. Triết gia mê và sợ đàn bà là đáng đời.
Sartre khác đời ở điểm này: chàng vừa là triết gia khắt khe vừa là nhà văn bay bướm, văn chương của chàng có lúc vượt triết lý của chàng. Khi, trong đoạn cuối của L’Être et le Néant, chàng viết ‘L’homme est une passion inutile’ (Con người là một đam mê hão), nội dung triết rõ ràng, nhưng đồng thời độc giả có thể... hiểu khác, rất văn chương. Chính chàng đã công khai ân hận về điều đo3ù. Trong vở kịch Le Diable et le Bon Dieu (Ác quỷ và Thượng đế), khi Goetz nói với Hilda:
«Regarde-moi, ne cesse pas un instant de me regarder: le monde est devenu aveugle; si tu détournais la tête, j’aurais peur de m’anéantir.
Hãy nhìn anh, đừng bao giờ ngừng nhìn anh, dù chỉ một khắc; thế giới đã mù loà; nếu em ngoảnh mặt đi, anh sợ sẽ tan mình trong hư vô.»
chàng thể hiện triết lý của L’Être et le Néant.
Ai đã từng yêu ngấm đòn, nhừ tử, ắt hiểu. Triết gia tán gái đến thế là cùng! Các bà ơi, thật đấy, chẳng đùa đâu. Làm đàn ông khốn khổ thế đấy4.
Nhưng trong đối thoại sau:
Goetz: Je voudrais que tu sois une bête pour te monter comme une bête.
Hilda: Comme tu souffres d’être un homme!
Goetz: Tao muốn mày là một con thú để tao nhẩy mày như một con thú.
Hilda: Tội nghiệp mày, phải làm người [đàn ông] đau đớn đến thế sao?
nội dung vừa thống nhất vừa vượt nội dung của L’Être et le Néant. Tuyệt! Hilda là nhân vật đẹp nhất trong văn chương của Sartre. Nàng thể hiện giấc mơ làm người của Sartre.
- Hiện tại văn chương VN thiếu gì, cần gì?
- Hiện nay, văn chương Việt Nam chẳng thiếu gì, chẳng cần gì cả. Nhưng nhà văn Việt Nam sống tại Việt Nam cần nhiều thứ. Chẳng hạn, cần học bổng để làm chủ một ngoại ngữ, đi chơi một vòng thế giới, sống vài năm tại một nước phát triển, dân chủ, tự do, dù rằng tương đối. Nhà văn Việt Nam sống ở Tây Âu cần có khí phách của một Trần Đức Thảo khi đi vào lĩnh vực triết hay lĩnh vực văn học. Điều đó không cần thiết để viết văn ra hồn văn. Trong lĩnh vực này, cần nhất, đừng bao giờ chỉ làm học trò của ai, đừng bao giờ nhại ai, kể cả chính mình.
- Có nên mang triết học vào văn chương không?
- Khi bản thân mình không có điều gì đáng nói với đời về mặt triết lý, không nên mang triết học vào văn chương. Triết học đã ‘học trò’ thì văn chương cũng thế thôi. Đã dám cầm bút hành văn, không thể làm học trò của ai cả.
- Cảm ơn anh Phan Huy Đường.
Miêng thực hiện
11-10-2003
Nxb Hồng Lĩnh, tiệm Mưa Hồng, 9531 Bolsa Avenue, Westminster, CA 92683, USA.
2 Entretiens sur moi-même, Situation X, Gallimard, 1976, trang 192.
3 Entretiens sur moi-même, Situation X, Gallimard, 1976, trang 139.
4 Lời bàn của Mao Tôn Cương Ziao Chỉ ‘hiện sinh’.