Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Hoàng Chương - Ta đã làm chi đời ta (4). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Hoàng Chương - Ta đã làm chi đời ta (4). Hiển thị tất cả bài đăng

19/7/10

Vũ Hoàng Chương - Ta đã làm chi đời ta (4)

Vũ Hoàng Chương
Ta đã làm chi đời ta



Duyên thơ nợ kịch

Từ khoảng giữa năm Giáp Thân (1944), Hoàng và Oanh về ở Nam Định, cuộc sống như có trầm lắng một thời gian. Nhiều buổi tối buồn tẻ đến hiu hắt; Oanh mở rương kiểm điểm lại những tặng vật đánh dấu ngày vu quy: này là đôi giày cườm Đỗ quân tặng, này là tấm lụa màu mỡ gà óng ánh của ông Quỹ, này là chiếc vòng huyền của cô Lệ Thanh… Hoàng thì ngắm nghía đến chán mắt tập giấy của Nguyễn Tuân và chiếc bút máy của Chu Ngọc.

Ngày cưới mà cho nhau giấy với bút, nhảm quá! Nhưng chỗ anh em thân, sẵn cái gì tặng cái nấy, cốt ở tấm lòng quý nhau thôi!

Bút máy của Chu Ngọc, cũ từ bảy mươi đời, ngòi vàng đã mòn vẹt hẳn đi, thế mà cũng đem thuê thợ khắc ngày tháng với lời đề tặng! Giấy của Nguyễn Tuân thì ai còn lạ gì! Đó là thứ giấy in báo tầm thường nhất; chỉ không tầm thường ở chỗ nó được cắt thành khổ vuông, mỗi bề hai gang tay, nghênh ngang ra mặt. Cách mép giấy chừng một đốt ngón tay, Nguyễn cho in một cái khung, và bên trong khung là những giòng kẻ ngang lờ mờ. Bên phía dưới khung lại có in hai chữ Nguyễn Tuân, thủ bút của đương sự. Tất cả đều dùng màu xanh lá mạ, rất hợp với nền vàng.

“Giấy này tôi vẫn tự dành để viết những trang bản thảo đắc ý; bây giờ ông đem về tỉnh Nam, chép thơ chép kịch cho “nó” thú. Rồi hôm nào gặp nhau, ta sẽ cùng đọc cùng ngâm, cùng thưởng thức…”

“Cùng hát có được không?”

“Ừ thì hát! Nhưng việc này đã có Chu thị; chứ tôi với ông thì hát với hỏng gì…”

Mấy câu đối đáp lăng nhăng này, Hoàng nghe như quạt mạnh vào bầu không khí ao tù của tỉnh lẻ. Trong lòng tưởng thấy gió lên.

Nào thì hạ bút! Chép cái gì đây? À, chép vở kịch thơ “Cô gái ma” đi! Dùng mực tím cho gợi cảm!

Ai ngờ duyên thơ nợ kịch đã theo đà ngòi bút kéo đến ngay, tạo ra những bất ngờ quái ác, nó khuấy động mãi cuộc sống tỉnh lẻ của Hoàng cho đến lúc tản cư mới tạm ngừng, bao gồm cả một năm Tiền cách mạng, và một năm Hậu cách mạng. Tạm ngừng thôi. Vì cho đến nay cũng chưa tàn vang bóng kia mà!




*


Thật ra thơ là cái nghiệp Hoàng đeo đẳng những từ bao nhiêu kiếp trước và sẽ còn đeo đẳng mãi không biết tới bao giờ; nhưng ở đây Hoàng muốn nói riêng cái duyên nợ kịch thơ kia! Một thứ duyên nợ quái ác lắm. Nó “thực” như kịch, đồng thời cũng “ảo” như thơ. Khiến cho người trong cuộc luôn luôn bị đặt giữa vòng vây của câu hỏi: Thực hay Ảo? Tự giải đáp cách nào cũng không xong.

Thử vai tráng sĩ trong vở Bóng giai nhân hai lần, vai Hoàng Lang trong vở Vân Muội bốn lần; từ cuối 1942 cho đến lúc này, đã gần hai năm rồi còn gì, những tưởng về Nam Định ẩn cư đợi chấm dứt mùa bom đạn, biết đâu “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”. Trêu ngươi thật.

Cái gác của Hoàng ở phố Bến Thóc tỉnh Nam có hỗn danh là Gác Ống, vì nó dài tới mười mấy thước, mà chiều ngang cũng như chiều cao chỉ vỏn vẹn có hai thước thôi. Nguyên do: phía trên nó là tầng lầu, và phía dưới nó là cái cổng dẫn từ hè phố vào sân trong. Nghĩa là ông thầu khoán xây nhà đã lý luận rằng cái cổng mà cao đến hơn bốn thước phí quá! Chia quách ra thành hai cái ống; lợi được một gác xép lơ lửng, chứa các thứ lặt vặt chẳng hơn sao?

Thế là gác Ống đã chứa Hoàng – ngọa các riêng của Hoàng thôi, vì còn cả một tầng lầu dành cho Hoàng và Oanh làm tổ ấm – chứa luôn cả kho sách gia bảo và một trời mây khói lung linh.

Để rồi một tối mưa Ngâu tầm tã, nó chứa thêm một quý khách, con người đã từng giác ngộ qua câu hỏi đặt ra cho bản thân:


“Ở đâu ta ở chốn này
Nằm trong hờ hững gối tay vô tình?”.


“Hoàng sướng quá nhỉ?”

“Thế còn ông?”

“Vì mình tham quá; cái gì cũng muốn ôm lấy, bây giờ vừa phải trông coi Ban Kịch, vừa phải tìm kịch để diễn, vừa phải dựng kịch, huấn luyện diễn viên, hòa hợp những màu sắc đường nét trên sân khấu”.

“Nhắc vở nữa chứ?...”

Chủ khách bỗng nhìn nhau cười dài…

Chẳng là hồi đầu năm, khi Hoàng và Oanh từ Kinh Bắc hồi đó, vừa kịp hay tin Ban Kịch Thế Lữ sửa soạn, sửa soạn đưa vở Vân Muội lên sân khấu. Đáng lẽ ra bộ ba Giáng – Kỳ – Đôn thủ các vai, nhưng họ còn phải tập nhiều vở khác, e khó thuộc trơn tru được vở kịch thơ ma quái này; nếu Thứ Lang và Hoàng lại lãnh vai Vân Muội và vai Hoàng Lang như mấy lần trước Ban Kịch Hà Nội đã tổ chức thì hay quá. Đỡ cho ông bầu kiêm đạo diễn biết chừng nào!

“Tại Hoàng đi biệt tăm biệt tích, mà Thứ lang cũng lêu têu như mây khói, chẳng tìm thấy đâu. Bây giờ có mặt ở đây cả rồi, ta cứ thế nhé!”

“Ông khôn thật!... Nhưng còn vai Vương Sinh, ai đảm đương?”

“Thì… anh Đôn…”

“Không! Anh Đôn là họa sĩ, mà thủ vai họa sĩ Vương Sinh, chúng tôi lại thấy không ổn đâu”.

“Sao lạ thế? Anh ấy đóng kịch khá lắm mà!”

“Chúng tôi có phủ nhận điều đó bao giờ chứ! Nhưng, vóc người anh ấy cao quá. Mà… mà… không đẹp trai bằng ông”.

“Nghĩa là?...”

“Chính ông lãnh vai Vương Sinh đi”.

“Nhưng tôi làm gì có thời giờ học vở. Mấy ngày nữa đã diễn rồi”.

“Đừng quá lo! Hoàng sẽ nhắc. Ông có thừa kinh nghiệm sân khấu; lại gieo vần lựa điệu đã quen; chỉ cần xem vở qua một lần là đủ…”

Rồi… quả nhiên hôm diễn Vân Muội, Hoàng vừa đóng vai của mình, vừa nhắc Thế Lữ trong vai Vương Sinh. Nhắc từng câu, nhắc cả cử chỉ nữa. Mà khán giả không hay biết gì. Mới thần tình chứ!...

Nhịp cười dài vang lên ở “gác Ống” sau đó nửa năm như nhắc lại cho nhau nhớ cái “liều lĩnh quá sức tưởng tượng” ấy.

“Chúng mình liều thật!”

“Mà… không hiểu sao lúc bấy giờ tôi dám nhận điều kiện của Hoàng!”

“Thì tại là điều kiện “si-nê-qua-non” mà! Với lại chắc cũng vì tội khen ông đẹp trai?”

““Người ta” biết thừa đi là riễu “người ta”, chứ đẹp trai gì đâu. Không khéo còn già hơn cả Lan Khai ấy chứ!”

“Thế… bây giờ sao? Lại định “tái diễn” trò đó chắc?”

“Không! Lần này diễn vở Nguyễn Thái Học, kịch xuôi kia”.

“Hoàng đóng thế nào được vai Nguyễn Thái Học?”

“Ai bảo Hoàng đóng nào! Kịch này “người ta” đã diễn ở Hà Nội và nhiều nơi khác rồi; bây giờ đi lưu diễn: Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, v.v. Võ Đức Diên thủ vai đó khá lắm”.

“Vậy, cần gì đến Hoàng? Mà ông phải xông pha mưa gió đến đây!”

“Nhớ Hoàng, “người ta” đến thăm, chứ sao lại phải “cần” mới đến!... Tuy nhiên, nếu Hoàng viết giúp cho một khai từ thì…”

“Thế lần diễn ở Hà Nội không có khai từ à?”

“Có chứ. Nhưng Lưu Quang Thuận viết, chưa đủ hào khí. Vả lại lần này anh Diên bảo nên kéo dài thêm phần khai từ, kẻo đêm diễn sẽ ngắn quá. Thời gian trình diễn vở Nguyễn Thái Học chỉ một giờ hai mươi phút là cùng. Phải trình bày phần khai từ nhịp với những hoạt tượng liên tục biểu hiện các cuộc tranh đấu giành độc lập của dân tộc ta, kể từ Trưng Nữ Vương, Mai Hắc Đế, v.v.”

“Như vậy, dài cả trăm câu thơ cũng nên!”

“Thì năm ngoái Hoàng đã viết hộ “người ta” cái khai từ cho vở Kinh Kha của Vi Huyền Đắc, chỉ hai mươi bốn giờ là xong. Lần này viết dài gấp đôi thì cũng bốn mươi tám giờ thôi chứ gì!...”

“Còn liệu xem có hứng không đã chứ?”

“Nhất định phải có! Gắng giúp “người ta” đi!”

Nhà đạo diễn của Ban Kịch Anh Vũ – lúc này là Ban Kịch Anh Vũ chứ không còn là Ban Kịch Thế Lữ như năm ngoái – ra về khoảng mười một giờ đêm thì Hoàng bắt tay luôn vào việc, bởi lẽ nguồn cảm hứng dâng mỗi phút một cao vời như có quỷ thần nhập vào ngòi bút. Hoàng đặt nhan đề “Trả ta sông núi”, rồi… quanh quẩn sáng lúc nào chẳng hay.


“Trải bốn nghìn năm dựng nước nhà
Sông khoe hùng dũng núi nguy nga…
Trả ta sông núi!... bao người trước
Gào thét đòi cho bọn chúng ta.
Trả ta sông núi!... Từng trang sử
Dân tộc còn nghe vọng thiết tha.
Ngược vết Thời gian, cùng nhắn nhủ:
Không đòi, ai trả núi sông ta!
Cờ Báo phục, hai Bà khởi nghĩa
Đuổi quân thù xưng Đế một phương
Long Biên sấm dậy sa trường
Ba thu xã tắc miếu đường uy nghi.
Xót nòi giống quản chi bồ liễu
Giòng Cấm khê còn réo tinh anh
Một phen sông núi tranh giành
Má hồng ghi dấu sử xanh đời đời
Bể dâu mấy cuộc đổi đời
Lòng trăm họ vẫn dầu sôi bừng bừng
Mai Hắc Đế, Phùng Hưng Bố Cái.
Liều thế cô, giằng lại biên cương.

(Xem Phụ lục)


Trên đây mới có hai mươi câu; tiếp theo là một trăm câu nữa (có in đầy đủ trong tập Hoa Đăng xuất bản năm 1957 tại Sài Gòn, nghĩa là mươi lăm năm sau).

Ban Kịch trình diễn tại rạp hát phố Hàng Rượu. Màn hoạt tượng gây xúc động ghê gớm; tiếng vỗ tay vang dội tưởng đến vỡ rạp; mà không biết ai ngâm bài khai từ hôm đó, giọng thê thiết như tức tưởi, lại hùng tráng như lệnh xuất quân!

Khi nghe lời điệp khúc:


Tinh thần Độc lập nêu cao;
Sài lang kia, núi sông nào của ngươi?


Sự giật mình của Hoàng xét ra hợp tình hợp lý chứ đâu phải vì đa cảm suông.

Vì ngay sau lúc buông màn, hiến binh Nhật đã ùa cả vào hậu trường tìm ông đạo diễn hỏi chuyện. Hoàng thấy có biến, đành phải ngồi yên tự coi mình như bất cứ khán giả vô tội nào. Hãy chờ xem ngã ngũ ra sao đã!

Nhưng rồi bọn hiến binh của Thiên hoàng lại kéo nhau dời hậu trường ra ngồi… xem kịch. Nghĩa là vở kịch Nguyễn Thái Học vẫn diễn như thường. Hú vía!

Dầu sao Hoàng cũng nóng ruột, chờ một cơ hội thuận tiện là cất lẻn ngay vào “bên trong”…

“Thế nào? Họ có làm lôi thôi gì không?”

“Về ngay đi, chứ lại còn đứng đấy hỏi nữa!”

“Thì hỏi cho biết”.

“Lúc khác hẵng hay! Người ta còn cả trăm việc”.

Câu nói kèm theo một cái nháy mắt. Hoàng hiểu ý, ra về luôn.

Mãi tối hôm sau mới có tin. Thì ra anh chàng “Lê Phong phóng viên” nhanh trí thật. Kinh nghiệm như mật thám Tây cũng đến bị lừa chứ đừng nói chân ướt chân ráo như hiến binh Nhật! Đây, những câu đối đáp ở hậu trường:

“Ai cho phép các ông ngâm bài thơ lúc nãy?”

“Dạ đó là bài khai từ”.

“Có dấu kiểm duyệt chưa?”

“Dạ, phải có chứ ạ”.

“Tác giả đâu?”

“Dạ, đang hóa trang để đóng trong vở kịch tiếp”.

“Gọi ra đây. Và đưa cái bài lúc nãy ra cho chúng ta xem”.

“Dạ, có sẵn và sẵn lòng lắm”.

(Kẻ trao người cầm và hỏi thông ngôn).

Sau một tràng tiếng Nhật ném qua ném lại… Rồi:

“Bài này cũng chẳng có gì “phạm” cả. Ở… ở… sao lúc nãy nghe…”

“Dạ, bài này kiểm duyệt từ Hà Nội và đã ngâm nhiều lần ở các nơi rồi. Có lẽ ngâm lên nghe “nó thế” chứ thật ra nội dung có gì “phạm” đâu!”

Thôi được. Để chúng tôi đem bài này về xét lại.

Thật tức cười… đến chảy nước mắt. Vì đó chỉ là bài khai từ cũ, của Lưu Quang Thuận. Chứ bài của Hoàng, đã kiểm duyệt đâu mà dám đưa ra.

Trỏ hươu làm ngựa… cứ dễ như chơi! Đóng kịch đến thế mới giỏi. Đáng mặt đạo diễn kiêm thi sĩ kiêm phóng viên!




*


Ban Kịch Anh Vũ trên bước Nam du, chẳng biết rồi phiêu lưu đến tỉnh nào và đến đâu thì quay lại. Chỉ biết sau đó Hoàng bị mắc vào vở kịch Ngã ba, rồi cứ đi đi về về Nam Định, Hà Nội như đi chợ. Thật ra Hoàng có lãnh một vai nào trong vở ấy đâu; vì Hoàng chả dại gì đem thân dấn vào cái ngã ba điêu đứng ấy để rồi đi ngã nào cũng bị dẫn tới ngõ cụt, mà cứ liều ỳ ra, giẫm chân tại chỗ, thì… sa lầy nhất định, không ai “kích” lên cho đâu.

Ngã ba? Kịch của ông Đoàn. Do chính ông ta đảm nhận một vai quan trọng. Hoàng còn nhớ như in vào tâm não cái cảnh ông ta tập thổi kèn tàu. Mà người dạy thổi lại là một lão bộc gù – do kịch sĩ Ngọc Đĩnh đóng – mới éo le chứ. Ông Đoàn ơi ông Đoàn! Ngọc Đĩnh dạy ông mục ấy thế nào được! Ông điên hả? Đáng lẽ phải là Hoàng chứ. Nhưng đội lốt một lão bộc gù thì nó lạy ông “cả nón” thôi.

Hoàng nói đùa vậy cho vui chút mà! Ai cũng biết chuyến này Hoàng tự ý đứng ra ngoài “Ngã ba”. Hay – cho đúng hơn – bay lơ lửng ở phía “Ngã ba”. Lơ lửng đám mây xanh, nếu đó là khoảng không; còn nếu đó là nước thì lơ lửng con cá vàng cũng vô hại.

Kìa đủ mặt các bạn thân đóng trò bên cạnh tác giả: ông Tuân này, ông Quỹ này, Đỗ quân và Thứ lang nữa này. Còn nữa. Nhớ không xuể. Nhưng hẵng cứ bằng ấy người cũng đủ cho Hoàng có bạn chơi du dương cả tháng trước khi vở kịch lảo đảo tự “dinh” lên sân khấu rạp Kim Môn, phố Hàng Buồm.

Gọi là tập kịch cho đủ lệ bộ vậy thôi; chứ sự thật ông Đoàn thiết gì tập với rượt. Chính ông ta là tác giả kiêm vai chính mà còn thế, trách sao được anh em. Càng không trách được Hoàng, kẻ đứng ngoài cuộc… Trà thất, tửu điếm, kỹ viện, ca lâu… mặc tình vui thỏa! “Ai yêu ta thì theo ta!”. Chứ sao?

Đến đêm diễn, mệt rã cả người! Hoàng ngồi xem đến cảnh Thứ lang – vai một sinh viên thất tình nhảy xuống hồ Trúc tự trầm – được vớt lên, và kéo lê từ hậu trường ra sân khấu, mặt trắng bệch, tóc lướt thướt, tay mềm thõng như bún… Trời ơi! Hoàng lo quá. Lộng giả thành chân biết đâu! Huống hồ nó đã say cả tháng: men, khói, đàn, phách… Rượu ngon… lại bạn hiền sẵn, hàng nửa tá. Hát ngọt thì người xinh cũng phấp phới như bướm lượn, hễ sát cánh là đẹp đôi ngay.

Rồi đến cái cảnh “lên đường” của ông Tuân – vai gì chẳng nhớ nữa, nhưng tất phải là thanh niên thời đại rồi – “lên đường” một cái hùng lắm, vang dội nhiều suy tư lắm, chứ không bằng phẳng, vô ý thức đâu! “Đoàng! Đoàng!”. Tiếng súng nổ từ tay vai trò. Nghe cứ y như tiếng ông Tuân – lúc này đã ngã sấp xuống – Ờ! Ờ! Nghe cứ như gọi “Hoàng! Hoàng!” ấy thôi. Này ông Tuân! Đã tự sát rồi mà còn rủ anh em cùng lên đường đấy hả?...

Mệt quá! Trên chuyến xe về Nam Định, Hoàng có cảm tưởng cuộc chơi đến đây là tự chấm dứt.

Hoặc đang sửa soạn chấm dứt, kịch Ngã ba của ông Đoàn giống như ánh lửa gắng sức lóe sáng trước khi ngọn đèn tắt. Nhưng, tàn “cuộc chơi” để thắp lên “cuộc” gì đây? Bất cứ cuộc gì tiếp theo, Hoàng cũng chả thú nữa!


“Về đi thôi, hề, về đi thôi!…”


Dầu sao “vở kịch hiện tượng” này cũng đem đến cho Hoàng mấy phút cuồng ngâm thay thế cho bài ca Cổ bồn đã hơn hai ngàn năm cũ rích! Ngâm rằng:


Ngã ba, hề, Ngã ba!
Có phải chăng, hề, Ba là Sóng?
Có phải chăng, hề, Ngã là Ta?
Sóng không giết nổi, hề, chàng thi nhân mặt trắng
Ta không chết được, hề, vì điệu kèn đám ma!
Ai hát kìa: Bác trai đi vắng?
Ai cười đây: Bác trai có nhà?...
Lên đường? Lên đường ư? Vào cơn tận túy!
Ôi! Ngã là Ngã quỵ?
Hay Ba là Ba hoa?
Ông Đoàn, ông Đoàn nhỉ!
Cuộc chơi tàn ru mà?...”.


Nghĩ đến đây, Hoàng chợt cười lớn – cười một mình – vì chỉ muốn hạ tiếp:


A ha! Đập mẹ kịch đi không diễn nữa!
Người nào là ngươi? Ai là ta?


Sự thật hai câu này đâu phải của Hoàng! Chúng được dịch từ bài “Hát gõ chậu”:


Y! Sao toái ngõa bồn bất tái cổ!
Y thị hà nhân? Ngã thị thùy?


Mà chẳng nhớ ai dịch nữa! Mượn của người ta, bất tiện lắm. Vì của người ta là:


A ha! Đập mẹ chậu đi không gõ nữa!
Người nào là “en”? Ai là “moa” [1] ?


Thôi, đành chấm hết sau những chữ “ru mà”; cho nó có “hậu” một chút.




*


Thế rồi cũng bước sang năm Ất Dậu (1945) lúc nào không hay. Một năm vô tích sự, vì Hoàng chẳng cho in được tập thơ nào, chẳng cho diễn được vở kịch nào ra hồn; chỉ đi đi về về đến mòn cả… đường sắt. Có lẽ thiên hạ “làm” nhiều quá, nên mình phải “vô vi”, thiên hạ ai cũng ngứa tay ngứa miệng trên chiều hướng “động”, nên mình phải tĩnh tọa, tĩnh tâm.

Ấy vậy mà vở kịch vẫn ngấm ngầm gieo hạt để đúng lúc kết thành những trái đắng cay!

Nguyên do, đầu tháng Ba dương lịch, họa sĩ “Mê Ly”, người có cái tên bất hủ tiền định Lập Ngôn đã từ núi Ngôn ra tỉnh lỵ, đến tá túc ở gác Ống một tuần, rồi kéo Hoàng lên Hà Nội.

Vừa tới được phố Hàng Giò, và cơm rượu vừa bưng lên – khoảng mười một giờ đêm – thì… “đùng, đẹt… đẹt, đùng”, Nhật đảo chính Pháp.

Còn ai tính được chuyện gì nữa; nhất là chuyện văn chương nghệ thuật! Họa sĩ đi đằng họa sĩ, và Hoàng đi đằng Hoàng.

Nhưng nếu chuyến ngược có bạn đồng hành, thì chuyến xuôi cũng không đến nỗi đơn thương độc mã. Vắng trăng, đã có sao, Nhà giáo Phan Khắc Khoan, thi sĩ kiêm tác giả nhiều vở kịch thơ, chẳng hiểu từ đâu mọc ra mà nhất định mắc vào cuộc rút lui chẳng mấy vẻ vang của khách Giang hồ vặt. Nằm cả tháng ở gác Ống, họ Phan chỉ liếc nhìn mây khói chứ không dám nếm một lần nào, do đó cũng đâm buồn và cổ động “dựng kịch”. Lại kịch! Thôi, ông “làm” đi, tôi nhường địa bàn hoạt động cho ông đó; tìm được Mạnh thường quân nào ở vùng Sơn Nam Hạ này thì cứ múa may đi. Tôi sẵn sàng đóng vai… khán giả.

Hoàng nói thế, tưởng nói mà chơi… Ai ngờ họ Phan đào ra được Mạnh thường quân thật, mới chết chứ! Thế là diễn lung tung: Phạm Thái, Trần Can, Lý Chiêu Hoàng (của ông ta), và cả Bóng giai nhân (của Nguyễn Bính) nữa!

Phan Khắc Khoan đảm lãnh tất cả những vai chính. Phạm Thái cũng ông, Trần Can cũng ông… rồi Tráng sĩ trên bến Hoàng Sa cũng ông nốt.

Ngồi nghe ông ngâm:


“Bến Hoàng Sa, phải đây nhà Lý Đạt,
Thợ lành nghề chuyên đúc những gươm thiêng?
Đã nghe đồn từ lúc bến xa thuyền;
Thuyền bỏ bến, ta vào đây… xứ lạ [2] !...”


Sao mà Hoàng nhớ “cái chính mình” của ba năm trước thế không biết! Chỉ đáng buồn ở chỗ bóng giai nhân chuyến này không còn giữ được mảnh mai như dạo nọ. Vì… hỡi ơi! Người đẹp của tác giả Nguyễn Bính đã trở thành “người đàn bà đẹp”. Phận liễu nảy nét ngang mất rồi.

Lý do: Ông Khoan, lấy quyền đạo diễn, thêm vào một hài nhi trên tay giai nhân. Để có dịp cho ông viết thêm chừng vài trăm câu thơ nữa, kéo dài lý luận của người tráng sĩ – chính ông đóng – rằng: giết như thế, một mạng sẽ hóa hai. Chi bằng: thôi không giết nữa, gươm chẳng thiêng thì đừng!

Hỡi ơi! Kịch Bóng giai nhân của Bính đã đẻ thêm ra một kịch con đấy, Bính biết chăng? Tấn kịch con ở ngoài Kịch, ở ngoài Bóng, nghĩa là ngay trong đời – giữa năm 1945 nhiều biến cố – sao không ra Bắc mà nhận con?


“Công chúa tháng Ngâu ngày nguyệt tận,
Đời con rồi khổ đấy con ôi [3] …”


Nhưng Hoàng vừa buồn, lại vừa lo. Cái trò “vẽ rắn thêm chân” này báo hiệu gì đây chứ? Điềm lành hay điềm dữ đây, hở Trời?




*


Tuy nhiên Hoàng vẫn quý ông Phan Khắc Khoan thật tình. Quý ở chỗ: ông đi biệt đâu hàng nửa năm rồi bước qua 1946, ông lại trở về nằm gác Ống, như chẳng có chuyện gì xảy ra trên đất nước, nghĩa là vẫn mê thơ mê kịch không khác gì lúc Bảo Đại còn ở ngôi vua, bom nguyên tử chưa ném xuống Quảng đảo… và ông còn vác gươm đi tìm người giết cho đủ số để gươm linh.

“Hoàng ạ, Ban Kịch Đông Phương của bọn Hoàng Tích Chu lực lượng có vẻ khá lắm”.

“Khá là khá thế nào?”

“Thì đông người, nhiều vở, sẵn tinh thần hy sinh cho kịch nghệ, cho văn chương”.

“Sao biết?”

“Anh em trên Hà Nội bảo thế! Từ Tết đến giờ (Tết Bính Tuất). Hoàng chỉ nằm miết ở Bến Thóc thì còn biết gì!”

“Ờ đúng”.

“Tin đích xác đây này: Tối mai Ban Kịch Đông Phương trình diễn tại Thái Bình, và diễn liền mấy tối sau nữa. Ngay tỉnh lỵ. Hoàng có đi với tôi sang bên đó không nào?”

Đây với Thái Bình, đi lúc nào chẳng được! Qua bến đò Tân Đệ xe “ca” vèo một cái là đến nơi. Có hai chục cây số!

“Hoàng thuộc địa dư lắm nhỉ?”

Chuyện! Giang sơn đâu, anh hùng đấy. Tôi thử vào Quảng Trị, Thừa Thiên xem ông có phải đóng vai hướng dẫn không!

Thái Bình. Tỉnh lỵ nhỏ xíu, chỉ có mỗi một phố chính là đông vui chút ít; còn vài ba phố ngang thì xơ xác lèo tèo. Cứ đến hàng ăn kiêm sòng bạc Đông Phát, kế cận sông Bo, là có tin gì trong tỉnh, lượm được hết. Ban kịch ư? Hiện đang tá túc ở xóm huyện Vũ Tiên, nhà cậu hai, con ông Nghị.

À, chỗ quen cả!... Xuống đến nơi, vừa qua giờ Ngọ; toàn ban đã ăn uống no đủ, và đang kéo nhau ra xe đi thăm chùa Keo. Mấy chiếc xe “ca” được cậu Hai mướn để đãi khách phương xa một chầu du ngoạn, chiếc nào cũng mới toanh chỗ ngồi rộng rãi lắm.

Thế là Hoàng giới thiệu nhà thơ họ Phan với mọi người, và cả hai mắc luôn vào ban kịch. Chùa Keo, Hoàng đã từng đến vãn cảnh nhiều phen rồi, nhưng sao lần này cỏ cây u nhã đến thế! Như có chất say bàng bạc khắp cả! Dễ thằng câu chuyện trao đổi với Ban Kịch Đông Phương ở nơi đây cũng lời từng tiếng dậy ngát một mùi hương túc duyên nào chứ chẳng phải nước bèo gặp gỡ đâu. Lạ thật!

Đối với họ Phan, người ta còn khách sáo ít nhiều; chứ đối với Hoàng thì, toàn ban đều thân mật, coi như “cố nhân”. Có lẽ bởi họa sĩ Hoàng Tích Chù – em ruột Hoàng Tích Chu – là chỗ thế nghị của Hoàng chăng? Hay bởi tác giả quan trọng của ban kịch là thi sĩ Hoàng Cầm, chỗ thanh khí của Hoàng, từng đã gặp nhau ở xóm Niềm bên Kinh Bắc? Hay vì trong số các nghệ sĩ của ban kịch có một người từng đã hợp tác với Ban Kịch Hà Nội, và do đó cùng Hoàng khá thân? Hay là v.v…

Tối hôm đó diễn vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm. Chỉ có bốn vai – đều vai chính cả! – nhưng điều đáng nói là một trong bốn vai ấy đã do Tuyết Khanh đóng. “Người đẹp” này, Hoàng đã từng chiêm ngưỡng trên màn bạc rồi – phim Cánh đồng ma của ông bạn Đàm Quang Thiện – và cũng chẳng thấy gì đáng mê lắm. Hồi chiều, cùng ngồi trên gác chuông của chùa Keo, người đẹp cũng đã cất tiếng hát một bài tân nhạc trong đó “có cây đa to, có thằng Cuội già” nhưng toàn ban đều hòa nhịp đồng ca, nên át mất cả giọng ngọc. Hoàng đã chẳng lấy làm tiếc, vì xét theo mấy âm thanh đầu tiên, khi còn độc xướng, Hoàng khó mà tự dối lòng rằng đó là một giọng hát hay. Tuyết Khanh! Cái tên đẹp thế, mà giọng lại không làm mê được Hoàng ngay từ đầu, hận chưa! Hai chữ “giọng ngọc” chỉ là đặt theo đúng phép lịch sự…




*


Thế mà – ai học đến chữ ngờ! – cơn mê đã bắt đầu chiếm đoạt Hoàng trọn vẹn, cách hai tuần sau, để kéo dài mãi, đến giờ phút này cũng chưa hẳn nhòa tan đấy.

Khanh đã có bùa mê chăng? Hay là hai câu thơ Hoàng vẫn quen miệng nghêu ngao:


“Bán sinh phong cốt lăng tằng thậm
Nhất phiến nhu hoài chỉ vị khanh”


Đến bây giờ mới thật sự ứng nghiệm và cho thấy cái oai lực vô biên của một lời tiên tri.

Hình như có ai đã từng cảm, và đã từng dịch hai câu thơ cổ ghê gớm này thì phải… Hoàng nhớ mang máng rằng:


“Nửa đời sương gió ngang tàng
Trái tim mềm, chỉ vì nàng đấy thôi”.


Dịch thế chưa khám phá, mặc dầu cũng gợi cảm ít nhiều! Phải để nguyên chữ “Khanh” kia, chứ sao lại chuyển thành chữ “nàng”?

Sao không dịch:


“Nửa đời sương gió ngang tàng lắm
Mềm, chỉ vì Khanh, một trái tim…”?


Ôi, chỉ vì Khanh, vì Khanh! Chắc chắn Khanh ngạc nhiên. Mà chính Hoàng đã ngạc nhiên trước hết. Ngạc nhiên gấp hai lần Khanh. Gấp bốn lần Hoàng Cầm. Và gấp cả trăm lần thiên hạ.

Hãy bắt đầu từ chỗ bắt đầu: Tuần báo Thế sự? Chứ sao? Bởi lẽ, nếu không… thì đã chẳng…! Định mệnh đấy! Trong “Thế sự” hàm chứa cả “Thiên cơ”.

Tuần báo này xuất hiện khoảng giữa năm 1946. Do một nhóm trí thức khoa bảng, đặc biệt ở chỗ khoa bảng mà “lêu têu”, trí thức mà “bất chấp”. Chủ nhiệm: Phá Quân, một trong mười vị cử nhân khoa học đầu tiên của Trường Đại học Khoa học Hà Nội. Cũng từng đeo lon Chuẩn úy trong quân đội Pháp một thời gian, với mục đích nghiên cứu cho ra cái phương thế tổng hợp chiến thuật Âu Tây và binh thư Tôn Võ Tử, Trần Hưng Đạo. Bạn đồng khoa cùng Phá Quân – giáo sư họ Khúc – đóng vai quản lý. Bằng cấp đầy mình!

Riêng chủ bút – Hoàng – thì không kể!

Báo quán đặt ngay tại gia, một căn nhà miệt chợ Hôm vừa mới thuê được, do Vinh Lương Sơn – hỗn danh Chủ trại – điều đình giá cả và chạy tiền trả từng tháng. Cũng như sẽ chạy tiền trả từng số báo cho nhà in.

Hoàng được triệu từ Nam Định lên. Viết phiếm luận. Viết truyện ngắn. Viết cả kịch. Và dĩ nhiên có bài thơ nào sẵn trong túi thì đem ra đăng. Chủ bút mà! Ký linh tinh nhiều bút hiệu: Hoàng Say, Bạch Vương, v.v.

Một hôm lêu têu thế nào lại ghé thăm ông bạn Hoàng Tích Chù ở ngõ Hàng Đũa, nhà riêng của ông ấy, mà cũng là nơi trú ngụ của toàn thể Ban Kịch Đông Phương.

Khanh ở Hải Phòng lên, gia nhập ban kịch từ một tháng trước, cũng đóng đô ở đó luôn. Và hình như sau chuyến lưu diễn Thái Bình, mọi người đang sửa soạn tập vở Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm thì phải.

Họa sĩ Chù nói chuyện vui lắm. Khanh góp chuyện càng vui. Nhất là chuyện đất Cảng nơi đã có nhiều duyên nợ với Hoàng, với Khanh.

Thế rồi… lần sau. Lần sau nữa… Tình mỗi ngày mỗi thân. Để rồi… Giữa một giây phút bất ngờ nào đó, giọng nói của Khanh trầm hẳn xuống, nghe xa vắng lạc loài:

“Hoàng giúp Khanh một việc nhé!”

“Thật ư”.

“Đừng để Khanh thất vọng, thì Khanh mới nói”.

“Thất vọng sao được, Khanh!”

“Hoàng giúp Khanh một lối sống… như lối sống của Hoàng bấy lâu nay”.

“Khanh đã nghĩ kỹ rồi chứ?”

“Vâng, Khanh muốn được như Hoàng”.

“Nghĩa là…”

“Sống thản nhiên, tự tin vào thơ của mình. Bất chấp mọi khó khăn, mọi nguy hiểm, mọi oan trái”.

Nghe đến hai âm hưởng sau cùng này, Hoàng bỗng tắt ngang nụ cười, rồi nhìn thẳng vào cặp mắt Khanh. Ôi, lúc đó sao mà Khanh đẹp thế được! Khác hẳn khi cùng ngồi ở chùa Keo – lần sơ ngộ – và cả những lần trước, khi cùng ngồi ở đây – trụ sở Ban Kịch Đông Phương, ngõ Hàng Đũa.

Giọng nói cũng khác hẳn, trong suốt như một tấm lòng bỏ ngỏ. Không gợn chút thế tình nào. Còn hơn cả “giọng ngọc”.

Khanh còn nói nữa. Nói dài nữa. Nhưng Hoàng chỉ nghe như nghe một bản đàn trầm bổng thấm vào da thịt, vào tâm hồn. Thế thôi. Chứ còn Khanh muốn nói gì, Hoàng chẳng cần phải lắng xuống ngôn ngữ trần gian, cũng đã hiểu trọn vẹn. Hiểu như một tín đồ hiểu Lẽ Đạo. Như một thi sĩ hiểu Nàng Thơ.

Và Hoàng xúc động. Hoàng xót thương. Hoàng thấy hiện ra, trong khoảnh khắc, toàn thể cuộc đời Khanh. Cả dĩ vãng, cả tương lai. Nhất là tương lai!... Tất nhiên, Hoàng phải giúp Khanh chứ!

“Hoàng đã tự cứu Hoàng. Sao Hoàng không dạy cho Khanh tự cứu lấy Khanh? Truyền lại cho Khanh cái “hồn Thơ” ấy đi, Hoàng ơi!”

Câu nói này, ví như lọt vào tai người khác – kể cả thi sĩ tác giả Kiều Loan – hoặc đem ra nói với người khác – một thi sĩ khác – hẳn là bị hiểu lầm đến tai hại. Nhưng Hoàng không lầm. Khanh cũng biết Hoàng sẽ không lầm. Biết rõ thế nên mới dám trao gửi.

Thật vậy, Khanh đâu muốn học làm thơ để rồi có thơ đăng báo, in thành tập, và… nổi tiếng như ai. Cũng không muốn học để rồi sáng tác kịch thơ, trở thành kịch sĩ với cái ý nghĩa đầy đủ của danh xưng này.

Không! Vì nếu muốn thế, Khanh đã đủ sức từ lâu. Cần chi phải đến Hoàng giúp. Chứng cớ là Khanh vừa trao tay Hoàng một bài thơ, vần điệu chỉnh tề, diễn đạt có nghệ thuật lắm.

Lời Thơ, ý Thơ… Khanh sẵn cả rồi. Chỉ muốn được thấm đượm cái “hồn Thơ” của chính Hoàng – Hoàng chứ không thể ai khác! Chuyện khó tin còn hơn cả chuyện Liêu trai. Nhưng Hoàng tin, hãnh diện mà tin. Vì một lẽ giản dị không tin cũng không được. Hoàng đã bắt đầu “mê”. Và lần thứ nhất “mê” theo kiểu đó!

Khanh bảo rằng chỉ có Thơ mới là chỗ nương tựa vững vàng nhất, để đối phó với những phong ba trước mặt, sấm sét trên đầu, và băng hoại dưới chân cũng như muôn nghìn cám dỗ trái ngược ở hai bên tả hữu. Hoàng nghĩ: Khanh nói đúng. Một cuộc đời “hồng nhan bạc mệnh” đã dành cho Khanh; chối bỏ nó, chạy trốn nó… đều không được. Khanh phải chấp nhận đau khổ, gặp nghịch cảnh thì “dĩ bất biến ứng vạn biến”, thân dẫu bùn bụi nhưng tâm vẫn còn nguyên. Và để được vậy, Khanh phải lấy Thơ làm Đạo. Có ngộ Đạo mới có duyên tiếp nhận “hồn Thơ’. Hoàng hiểu lắm, Khanh ạ.

Tuy nhiên, dạy cho Khanh sáng tác được tiến bộ, tương đối còn dễ. Truyền cho Khanh cái hồn Thơ của Hoàng, thật khó vô cùng! Trước tiên phải coi nhẹ hết mọi thành kiến, dư luận, mọi hậu quả, bất cứ hậu quả này ra sao.

Thế là từ buổi đó, Hoàng không bỏ một cơ hội nào gần Khanh. Ban Kịch Đông Phương bỗng dưng được một người hợp tác chặt chẽ. Rồi họa sĩ Chù bàn dựng vở Cô gái ma của Hoàng. Sẽ bắt đầu tập ngay, vì ban kịch phải dự bị sẵn nhiều vở khác nhau; chứ đâu lẽ vở nào cũng nhuốm đầy sắc thái chính trị như vở Lên đường, vở Kiều Loan. Mặc dầu “kịch chính trị” đang ăn khách.

Hoàng đồng ý, với điều kiện: ban kịch trao toàn quyền việc lựa chọn dẫn dắt các diễn viên trong vở ấy cho Hoàng và Khanh.

Thật ra, Khanh còn đang bàn tập vai Kiều Loan, Hoàng cũng đang bận viết bài cho báo Thế sự, chẳng ai muốn mua dây tự buộc mình.

Chỉ cốt hợp thức hóa mối liên hệ của Hoàng và Khanh thôi. Để đừng ai phá đám. Thí dụ nhà thơ Hoàng Cầm.

Vậy mà hôm tập thử màn đầu vở Cô gái ma cũng để lại biết bao kỷ niệm đẹp.

Thời gian: rằm tháng Tám, trăng vừa lên cao. Không gian: vườn hoa của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. Một vườn hoa khá rộng nửa thân mật, nửa hoang liêu; bóng cây tung hoành, đường lối mê hoặc, chỗ thì “lung linh tiếng sỏi”, chỗ thì cỏ ngậm sương khuya, chỗ thì bỗng nhiên mất tích trong hương, màu, hoa, lá. Y như nẻo vào Thiên thai. Ở vùng Láng, có nhiều trang trại đẹp xinh, nhưng nơi này, Hoàng thấy gợi cảm hơn hết. Năm gian nhà tranh phảng phất thảo lư của Gia Cát Lượng đời Tam quốc; khu vườn thì chập chờn cái không khí yêu quái nên thơ của trại Bồ Tùng Linh.

Hoàng đã bỏ Âu phục ngay từ 1944; nên khỏi phải hóa trang cũng giống hệt vai Lương Sinh trong vở kịch: áo dài bằng vóc, màu xanh rêu ngả sang cẩm thạch, quần lụa Bộ La nguyên sắc vàng lợt nhưng dưới ánh trăng thu đã biến ra màu trắng-ngà-biếc-ngọc-phân-vân. Cả đến cặp văn hài dưới gót, Hoàng cũng mang sẵn rồi. Chỉ cần gỡ chiếc khăn xếp trên đầu xuống để thay vào bằng mấy vòng khăn quấn nhiễu Tam giang nữa là xong.

Về phần Khanh và Kiều Liên, bạn gái của Khanh ở Hải Phòng theo lên hôm trước, thì… hoa cài tóc, men thơ men kịch tỏa ra từ môi, từ má, từ vạt áo, từ bước chân; còn phải hóa trang gì nữa! Nghiễm nhiên đã là Anh Nương và Hồng Nhi trong đêm hội Hoa đăng của kịch rồi.

Tiếng ngâm cất lên, tiếp đó giọng cười giọng nói vang ra, như hư như thực. Ánh nguyệt rung theo, bóng cây nghiêng theo, các bạn ngồi chung quanh thềm dõi theo… từng câu thơ, từng cử chỉ, từng nét mặt; Hoàng với Khanh nhìn nhau, lắm lúc cùng chung một ý nghĩ: còn là kịch nữa không đây?...

Liên và Khanh hiện thân Anh Nương, Hồng Nhi; Hoàng chuyển kiếp Gã thư sinh thế kỷ trước. Và các bạn ngồi kia - Hoàng Cầm, Trương Đình Thi, họa sĩ Chung, họa sĩ Chù, v.v. - chính là bọn người đi xem hội Hoa đăng ở bãi Phương Thảo đó Khanh! Sao lại không nhỉ!

Đêm này chẳng một ai nhắm mắt được. Vừa ngả lưng xuống đã sáng lúc nào. Kể cả ông Đoàn nữa; nhắm rượu với bánh nướng Đông Hưng Viên say là thế rồi!

Ông Đoàn? Ờ, suýt thì quên! Ông Đoàn – lúc ấy đã là người của Quốc hội nhưng lêu têu vẫn lêu têu – mắc vào Hoàng từ chiều hôm qua ở quán Nghệ Sĩ rồi cứ theo riết, để… xem tập kịch! Lạ chưa?

Mặc dầu Ban Kịch Đông Phương có ý ngại, nhưng cũng may, chuyến này ông ta không phá đám ai. Còn lịch sự ở chỗ ngay chiều hôm sau trịnh trọng mời bộ ba Hoàng, Khanh, Liên đi chạm cốc ở nhà Thủy Tạ. Rồi Hoàng lại kéo luôn cả bọn lên Đông Hưng Viên.

Có ông Đoàn cũng tiện; vì ông ấy tiếp chuyện Kiều Liên giùm, Hoàng đỡ bận.

Cho nên mới có thời giờ nói với Khanh về mấy bài thơ Khanh trao từ tuần trước. Khanh đã dùng thể Ngũ ngôn phân đoạn và thể Lục bát. Hoàng bảo: Khanh thử viết một bài Lục ngôn xem. Và, ra ngồi riêng bàn khác với Khanh, Hoàng đọc luôn mấy câu vừa nghĩ được khi còn ngồi uống rượu bên hồ Hoàn Kiếm:


Em ạ, cô Hằng chắp cánh
Vừa lên trong khói sương chiều.
Có phải mưa sầu đã tạnh
Cho ta đời chớm Hương Yêu.
Tình Thơ nồng thắm bao nhiêu!
Sách cũ Hội chân nào chép…
Mình hoa nghiêng sóng lòng xiêu;
Đào suối Thiên Thai chẳng đẹp.
E lệ màu phai bóng nép
Cuộc chơi đêm ấy cung ngà,
Bảy sắc nghê thường mở khép
Nghìn thu ghen xuống đôi ta.
Hồ chiều nghi ngút yên ba
Nguyệt quạnh mây vần le lói.
Mê đàn, liễu ngủ bờ xa,
Một tiếng chim hồng vẳng gọi [4] …


Bài thơ mới nghĩ được đến đây. Nhưng Hoàng ngồi ngắm cặp hoa tai màu đỏ chót của Khanh – vừa mới mua ở Hàng Đào xong, và do chính Hoàng tặng – Hoàng đã nảy ra được ý để kết thúc bài thơ rồi. Dầu sao cũng hãy thương trăng đã chứ!

Trăng Mười Sáu còn đẹp hơn cả trăng Rằm. Từ chín giờ tối, nhà hàng Đông Hưng Viên đã vắng hẳn khách. Ông Đoàn và Liên rủ nhau đi đâu không biết. Chỉ còn Khanh với Hoàng ra đứng bên cửa sổ kề vai ngắm trăng. Nghe quanh: lầu rộng gác cao, sương khói như tràn vào mỗi lúc một thêm lạnh. Khó mà tin được rằng đây là một tửu quán giữa phố Hàng Buồm. Giá thử con phố này căng “buồm” lao thẳng ra sông Nhị, ra biển Đông, Hoàng thấy còn có lý một chút!...


Sương thu ngủ trắng ngọc liên thành
Phượng nở đêm nào cặp má Khanh,
Hội thắm đèn hoa, mây họp bạn
Kề vai cùng đẹp áo trăng xanh [5] …


Bốn câu thơ này đột ngột hiện ra; Hoàng chưa kịp ngâm lên cho Khanh nghe thì ông Đoàn với cô Liên đã ríu rít trở về, gót giày khua rộn cả thang gác.

Thế là phải một tháng sau, Hoàng nằm một mình ở gác Ống tỉnh Nam mới hoàn tất được cả hai bài để trao cho Khanh bằng đường lối bưu điện. Bài thơ sáu chữ có nhan đề Đêm vàng Thủy Tạ, mãi mười sáu năm sau mới được lựa in vào tập Trời một phương. Bài thơ bảy chữ, may mắn hơn được góp mặt trong tập Hoa Đăng ấn hành từ 1959 với nhan đề Thu có Nguyệt.

Nhưng chỉ nằm gác Ống được một tuần là đã nóng ruột lắm rồi. Có lần lên tới Hà Nội, được tin Khanh ở Cảng chưa vào, Hoàng phóng ngay xuống Cảng. Lại có lần vừa lên tới nơi, được tin Khanh đã cùng toàn ban sang thăm quê hương của họa sĩ Chù - xã Phù Lưu, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh - thế là Hoàng lấy ngay xe Phong hỏa đăng trình, chỉ một giờ sau là bắt gặp.


Nhớ gì không, một đêm Thơ,
Làng Phù Lưu ngủ như tờ dưới trăng.
Thi nhân gửi ý cô Hằng
Bóng đa lồng bóng tre đằng… lung lay [6] .


Khăng khít như vậy mà rồi sau đêm mười chín tháng Mười hai dương lịch, Khanh và Hoàng khởi sự lạc nhau. Lạc thôi, chứ chưa mất.

Hoàng trên bước tản cư phiêu lưu tới phủ Xuân Trường, lòng nhớ Khanh càng nổi dậy.

Chẳng biết con người bạc mệnh kia đã phải trải qua những nhịp cầu đoạn trường nào thêm? Hiện nay ở đâu: Hưng Yên, Phủ Lạng Thương hay Bắc Kạn?...


Khanh của Hoàng ơi, lửa bốn phương
Khói lên ngùn ngụt chén tha hương,
Nghe vang sóng rượu niềm ly tán
Chạnh xót nòi thơ buổi nhiễu nhương
Biết có đêm nào trăng Thủy Tạ?
Ngâm cùng ai nữa kịch Anh Nương!...


Bài thơ dài dằng dặc này, dài tới mười đoạn liên hoàn (xem phần Phụ lục).


Khói ngút ba canh hồn bướm lẩn
Tơ chia mười mối ruột tằm vương [7] …


đã được đăng tải trên báo, như một tiếng gọi lớn vang dội từ trung châu tới thượng du.

Quả nhiên chỉ ba tháng sau, mùa thu “Nhớ cố nhân” chưa kịp tàn, thì cố nhân đã gót sen kịp nở…

Lúc đó, Hoàng đã chuyển từ phủ Xuân Trường sang phủ Thái Ninh, nghĩa là phải vượt qua sông Nhị; nơi đóng hành đô mới là xã Cổ Khúc – thường gọi làng Khuốc – chỉ cách Đống Năm chừng bảy cây số ngàn.

Một đêm trăng, Thứ lang dẫn Khanh từ Đống Năm vào, cùng với Kiều Liên. Mới tạm xa nhau chưa đến hai mươi tháng mà khi tái ngộ nhìn nhau cứ ngơ ngáo như trong mộng ấy thôi!


Khanh đã về trong lửa Túy hương
Khóe thu lộng gió tóc cài sương.
Màu nhung vai áo càng mơn mởn
Gợn ánh hồng lên cặp má thương…
Hỡi ơi! Từng sợi nguyệt mong manh
Nhịp bước hài thêu kẻ dạ hành
Đã khiến ta ngờ trong giấc mộng
Trầm bay nhạc tỏa gót Thôi Oanh [8] …


Chỉ thoáng bắt gặp vẻ sầu u hoài trong cặp mắt Khanh, Hoàng cũng đoán được những gì đã xảy ra rồi.

Hoàng liền trách:

“Khanh quên hết những lời Hoàng dặn rồi sao? Không một chuyện gì làm tuyệt vọng nổi một tâm hồn yêu Thơ đích thực! Chuyện gì cũng chỉ là “việc đời”, tức là bọt khói, là hư vô!”

“Hoàng cứ yên tâm, Khanh nhớ lời Hoàng chứ! Nên đọc bài “Nhớ cố nhân” trên mặt báo, Khanh vội tìm đến gặp Hoàng ngay”.

Và Khanh trao cho Hoàng một bài thơ vừa sáng tác trên quãng đường bảy cây số dưới ánh trăng tà: Bài thơ có nhan đề: Gửi gắm.


Từ mùa trăng khép cánh mây
Nức nở chiều hoa đồng vọng
Chơi vơi lửa thắp lòng tay
Con én trôi vào ảo mộng.
Muôn nẻo hương trời cao rộng
Mùa xanh giục ý tưng bừng
E ấp lòng tơ tưởng bóng
Đài gương sáng tỏ một vừng.
Không gian bắt gió mơ chừng
Chắt lệ pha màu diễm tuyệt
Miên man tìm nẻo hoa dung
Hồn ngự trên tàu băng tuyết.
Vằng vặc đêm say dợn nguyệt
Êm đềm trải lụa mờ sương
Run rẩy hoa nghiêng sóng biếc
Nhạc vàng lay động dư hương.


Đối chiếu bài thơ này với hàng chục bài Khanh làm trong khoảng 1946, tuy thời gian ngăn cách chẳng là bao mà Hoàng thấy sâu đậm chừng như Khanh đã được phần lớn hồn Thơ của Hoàng? Nghĩ đến đây, bất giác Hoàng mừng rỡ, cầm tay Khanh, nói nhỏ:

“Không bao lâu nữa, Khanh sẽ hệt như Hoàng cho coi!...”

Ít ngày sau, nhà xuất bản Minh Đức của Trần Thiếu Bảo có tổ chức một đại hội Văn nghệ ngay tại Khuốc. Khách tham dự rất đông. Nguyễn Mạnh Tường được mời từ Trung ương xuống thuyết trình về tiểu thuyết. Hoàng quên không nhớ rõ ai thuyết trình về thơ; Nguyễn Đình Thi, Anh Thơ, hay Xuân Diệu?

Đêm bế mạc vở Vân Muội, nhưng chỉ màn đầu thôi. Khanh đóng vai Vân Muội. Và như thế, Khanh đã là người thứ nhất thay cho Hoài Điệp Thứ lang khỏi phải tu-mi-đội-lốt-quần-thoa nữa.

Khanh thuộc vở còn hơn Thứ lang. Hơn cả Hoàng. Do đó màn kịch đã “sống” thật sự. Mặc dầu phương tiện sân khấu rất sơ sài. Lại chẳng có ai đạo diễn cả.


“Em nhớ anh! Và mưa gió sụt sùi
Càng khêu gợi đêm nay tình khắc khoải,
Càng giục giã tấm lòng em điên dại,
Càng như xui em liều bước tìm anh”.


trước đây do Thứ lang nói và ngâm, Hoàng chỉ xúc động một phần. Nay do miệng Khanh thốt ra, Hoàng xúc động tới điểm tột cùng, từng tiếng từng lời nghe như “sụt sùi gió mưa” thật. Nghe như lòng ai “điên dại” thật. Và suýt nữa Hoàng quên không ngâm tiếp, như vai Hoàng Lan phải ngâm:


“Nghìn thu qua chưa dứt mối u tình!”.


cho Khanh – vai Vân Muội còn vội vã cướp lời:


“Để em nói!... Trời mưa hoài, anh ạ!
Gió vi vút đường trơn đầy xác lá”


v.v.

Trưa hôm sau, nhân buổi tiệc trà tiễn đưa mấy thân hữu ra về đợt chót, vị Giám đốc nhà xuất bản yêu cầu ngâm sáng tác mới. Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Anh Thơ đều lần lượt trèo lên bục cao để lấy giọng cho… cao vút mây trời. Đến lượt Hoàng, từ chối không được, đành cũng đăng đàn. Nhưng chỉ giới thiệu bài thơ của mình để Khanh ngâm thay mình thôi. Đó là bài “Nhớ cố nhân” mà Hoàng biết Khanh thế nào cũng thuộc. Quả nhiên tám mươi câu thơ được trình tấu như mây trôi nước chảy, khiến mọi người phải kinh ngạc, nhất là cô Anh Thơ, lúc này đã ra vẻ nữ cán bộ, khác hẳn khi ở Hà Đông hay khi ở Bắc Giang.

Qua năm 1949, Hoàng dời chỗ ở sang làng Duyên Tục (thường gọi làng Tuộc); rồi lại chuyển tới huyện Đông Quan (làng Trầu). Nhưng cách Đống Năm vẫn không xa. Và như vậy, Khanh vẫn gần Hoàng. Vì Khanh đã ly khai hẳn với Ban Kịch Đông Phương, không theo họ đi lang thang lưu diễn vùng Bắc nữa, mà về ở Thái Bình, sống đơn chiếc như một ẩn sĩ thời loạn.

Mỗi lần Khanh tới thăm Hoàng, tất có sáng tác mới để cùng đọc cùng ngâm. Và mỗi lần chia tay, Hoàng lại tiễn đưa Khanh một quãng đường ngắn nhất cũng phải ba cây số. Mỏi chân thì cùng ngồi xuống bờ đê hay góc ruộng. Cảm hứng của Khanh và của Hoàng lúc này chẳng còn ranh giới nào phân biệt nữa. Hoàng viết bài Hương lúa, mở lên bằng những câu:


Hơi may san sát
Lúa đã vàng bông
Tiếng cười thơm ngát
Vang trên cánh đồng.
Bốn phương khúc nhạc Thành công
Nổi lên giòn giã.
Hoa sườn non, cỏ bờ sông
Quê mình tàn tạ [9] …


Thì Khanh cũng bắt đầu nghĩ bài thơ Bông lúa, với những câu:


Đường mòn quanh nội cỏ
Nắng hút rẻo chân đê
Hương lên mùa lúa chín
Mây lành vướng gió quê.
Hôm xưa lúa mới ra về
Sớm nay lúa đã vàng hoe cánh đồng…





*


Chớp mắt, lại một cuộc đổi thay. Đầu năm 1950, Hoàng trở về Hà Nội, giữa khi súng đạn tràn tới Liên khu ba. Đống Năm bị phá nát; chẳng hiểu Khanh trôi giạt nơi nào!

Khoảng tháng Sáu dương lịch, Hoàng cho đăng vào giai phẩm Lửa lựu một bài thơ của Hoàng nhan đề Nỗi buồn sông núi song song với bài thơ Gửi gắm của Khanh.

Tiếng gọi bạn lần này cũng có kết quả tức khắc. Hồi âm từ Hải cảng vọng lên. Hoàng với Khanh thật đã như hình với bóng!

Mỗi lần Hoàng cho công diễn một vở kịch – kịch thơ dĩ nhiên! – Khanh lại từ Hải Phòng lên đóng vai… khán giả.

Năm 1952, Ban Kịch Sông Hồng diễn vở Thằng Cuội, Hoàng đã nảy ra cái ý mời Khanh thủ vai Hằng Nga. Nhưng khi gặp Khanh ở Cảng, Khanh giữ Hoàng lại mấy buổi, ngao du phố phường; rồi cười mà bảo rằng:

“Thôi, Hoàng ạ! Hoàng có nói dối ai bao giờ đâu mà đóng Thằng Cuội được! Khanh thì nửa đời tuyết băng lầm cát bụi, luôn luôn phải đối phó với từng nhịp đoạn trường; Khanh đóng vai Hằng Nga, e càng rước lấy khổ tâm và không khéo sẽ tuyệt vọng mất. Chúng ta cùng ngồi xem kịch nghe thơ có hơn không!”.

Hoàng chiều ý Khanh. Nhưng, đêm kịch ấy Hoàng cảm thấy buồn vô hạn. Và từ đó Hoàng với Khanh chẳng còn sánh vai nhau trong ảo mộng sân khấu một lần nào nữa. Hoàng cũng chẳng còn đủ hào hứng để viết thêm một vở kịch thơ nào. mặc dầu, những đêm trăng – trăng Hà đô hay trăng Sài đô không phát triển – Hoàng vẫn nghe văng vẳng từ đáy sâu tiềm thức tiếng ai ngâm:


Có ai nặng tấm lòng xuân
Từ khi cõi Tục xa dần cõi Tiên?
Có ai lòng nặng thiên duyên
Từ khi bụi xóa đường lên Non Bồng?
Có ai tình cũ nặng lòng
Từ khi suối thắm nghẹn giòng Thiên thai?





*


Mười lăm năm sau (1967), một hôm Thục Oanh, vẻ bí mật, giơ lên trước mắt Hoàng một trang giấy màu xanh, nửa tươi ánh Mộng, nửa úa hương Thời gian…

“Nét chữ Tuyết Khanh?”

“Đúng!”

“Từ đâu tới vậy?”

“Từ trong cái rương Dĩ vãng của anh chứ còn từ đâu! Em vừa lục thấy”.

“Coi nào! Một bài thơ của Khanh?... Nhưng, vô lý quá! Anh thuộc hết thơ của Khanh. Làm gì có bài này!”

“Thế mới bí mật chứ! Hay là từ giấc chiêm bao của anh rơi ra?...”

Sợ nét chữ đột nhiên biến mất, Hoàng vội đọc liên tiếp ba lần cho khắc sâu vào ký ức. Bài thơ chỉ ngắn có tám câu:


Tơ nào chẳng vẹn, kịch nào duyên?
Cuộc thế từ khi dậy đảo điên…
Nửa giấc mơ hoa còn ảnh hiện
Một phen kỳ ngộ đẹp hương nguyền.
Phong ba nổi sóng Hà Yên
Khuất vừng trăng bạc trước hiên lầu Tần.
Ngỡ ngàng vẫn nét chân thân
Cố đô hồn mộng như gần như xa.



Phụ lục 1
(Trích thi tập Hoa Đăng)

Trả ta sông núi

Trải bốn nghìn năm dựng nước nhà
Sông khoe hùng dũng núi nguy nga
“Trả ta sông núi!” bao người trước
Gào thét đòi cho bọn chúng ta…
“Trả ta sông núi!” từng trang sử
Dân tộc còn nghe vọng thiết tha.
Ngược vết thời gian, cùng nhắn nhủ:
“Không đòi, ai trả núi sông ta!”…

Cờ báo phục, Hai Bà khởi nghĩa
Đuổi quân thù xưng đế một phương.
Long Biên sấm dậy sa trường
Ba thu xã tắc miếu đường uy nghi.
Xót nòi giống quản chi bồ liễu
Giòng Cấm Khê còn réo tinh anh.
Một phen sông núi tranh giành
Má hồng ghi dấu sử xanh đời đời.

Bể dâu mấy cuộc đổi dời
Lòng trăm họ vẫn dầu sôi bừng bừng.

Mai Hắc Đế, Phùng Hưng Bố Cái
Liều thế cô giằng lại biên cương.
Đầu voi Lệ Hải Bà Vương
Dù khi chiến tử vẫn gương anh hào.

Tinh thần độc lập nêu cao
Sài lang kia, núi sông nào của ngươi?
Núi sông ấy của người dân Việt
Chống Bắc phương từng quyết thư hùng
Ngô Quyền đại phá Lưu Cung
Bạch Đằng Giang nổi muôn trùng sóng reo
Hồn Tự chủ về theo lửa đuốc
Chữ Thiên thư:”Nam quốc sơn hà…”
Phá tan nghịch lỗ không tha
Tướng quân Thường Kiệt gan già mấy mươi,
Gươm chiến thắng trỏ vời Đông Bắc
Hịch vải nêu tội giặc tham tàn
Dựng nhân nghĩa, với lầm than
Danh thơm ải ngoại sấm ran biên thùy.

Khí thiêng lòa chói tư bề,
Phường đô hộ có gai ghê ít nhiều?...

Cửa Hàm Tử vắng teo vết cáo
Bến Chương Dương cướp giáo quân thù.
Trận Đà Mạc dẫu rằng thua
“Làm Nam quỷ chẳng làm vua Bắc đình”
Chém kiêu tướng, đồn binh Tây Kết
Triều Phú Lương gầm thét giang tân
“Phá cường địch, báo hoàng ân”
Trẻ thơ giòng máu họ Trần cũng sôi.
Kìa trận đánh bèo trôi sóng dập
Sông Bạch Đằng thây lấp xương khô!
Những ai qua lại bây giờ
Nghe hơi gió thoảng còn ngờ quân reo.
Hịch Vạn Kiếp lời khêu tướng sĩ
Hội Diên Hồng quyết nghị toàn dân.
Khuông phù một dạ ân cần
Vó thiêng ngựa đá hai lần bùn dây…

Sơn hà mấy độ lung lay
Máu bao chiến sĩ nhuộm say màu cờ.

Cảm ý núi ngồi mơ độc lập
Thuận tình sông trôi gấp tự do,
Ấy ai đầu dựng cơ đồ
Gấm thêu lời chiếu Bình Ngô thuở nào?
Cơn nguy khốn ra vào sinh tử
Thân nằm gai lòng giữ sắt son.
Linh sơn lương chứa hao mòn
Quân tan Côi huyện chẳng còn mảy may
Chén rượu ngọt cùng say thấm thía
Tình cha con mà nghĩa vua tôi.
Thuận dân là hợp ý trời
Sử xanh chót vót công người Lam Sơn.

Quốc dân chung một mối hờn
Cần câu đánh giặc mà hơn giáo dài!...

Chống ngoại địch gươm mài quyết chiến
Voi Quang Trung thẳng tiến Kinh kỳ,
Phá Thanh binh, trận Thanh Trì
Sông Hồng khoảnh khắc lâm ly máu hồng.
Núi dậy sấm cho sông lòe chớp
Cờ Tây Sơn bay rợp Bắc Hà.
Xác thù xây ngất Đống Đa
Bụi trường chinh hãy còn pha chiến bào.

Tinh thần độc lập nêu cao
Sài lang kia, núi sông nào của ngươi?...

Cường quyền vẫn muôn đời cưỡng áp
Dưới bàn tay giặc Pháp càng đau.
Chúa tôi rỏ lệ cùng nhau
Khua chiêng hải ngoại, rừng sâu kéo cờ.
Dạ Cần Vương trơ trơ thiết thạch
Kẻ văn thân hiệp khách cùng chung;
Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng
Khói reo Thanh Nghệ, lửa bừng Thái Nguyên.
Hợp Nghĩa Thục kết liên đồng chí
Xuất dương tìm tri kỷ Đông đô,
Phan Sào Nam, Phan Tây Hồ
Long đong bốn bể mưu đồ cứu dân.
Vận nước chửa hết tuần bĩ cực
Sức người khôn đọ sức sông xanh,
Mỗi phen gắng gỏi tung hoành
Thương ôi, sự nghiệp tan tành mỗi phen!...
Nguyễn Thái Học gan bền chí cả
Họp đồng bang gióng giả nên đoàn,
Rừng xanh bụi đỏ gian nan
Mong đem nhiệt huyết dội tan cường quyền,
Tổ chức việc tuyên truyền, ám sát
Khắp nơi nơi từng hạt từng châu,
Xiết bao hy vọng buổi đầu
Một đêm Yên Bái ngờ đâu tan tành!...

Ôi, Việt sử là Tranh đấu sử!
Trước đến sau cầm cự nào ngơi.
Tinh thần Độc lập sáng ngời
Bao người ngã, lại bao người đứng lên.

Ngày nay muốn sông bền núi vững
Phải làm sao cho xứng người xưa.
Yêu nòi giống, hiểu thời cơ
Bốn phương một ý phụng thờ Giang sơn.
Đừng lo yếu, hãy chung hờn
Cần câu đánh giặc từng hơn giáo dài!

“Trả núi sông ta!” lời dĩ vãng
Thiên thu còn vọng đến tương lai.
“Trả ta sông núi!” câu hùng tráng
Là súng là gươm giữ đất đai…
Trông lên cao ngất phương trời
Hồn thiêng liệt sĩ bừng tươi sắc cờ.


Phụ lục 2

Đêm vàng Thủy Tạ

Em ạ, cô Hằng chắp cánh
Vừa lên trong khói sương chiều.
Có phải mưa sầu đã tạnh
Cho ta đời chớm hương yêu?

Tình thơ nồng thắm bao nhiêu,
Sách cũ Hội chân nào chép!
Mình hoa nghiêng, sóng lòng xiêu,
Đào suối Thiên thai chẳng đẹp…

E lệ màu phai bóng nép
Cuộc chơi đêm ấy Cung ngà,
Bảy sắc nghê thường mở khép
Nghìn thu ghen xuống đôi ta.

Hồ chiều nghi ngút yên ba
Nguyệt quạnh mây vần le lói,
Mê đàn, liễu ngủ bờ xa
Một tiếng chim hồng vẳng gọi.

Ba mươi mấy năm mòn mỏi
Gặp nhau tình bỗng trầm hương,
Anh muốn quỳ bên gặng hỏi:
Có yêu cùng gã phong sương?

Ngang tàng nửa kiếp văn chương
Lòng chỉ vì Khanh mềm đó!
Sen vàng xõa lưới tơ vương
Giam cánh hồn si bé nhỏ.

Mưa tạnh, vầng trăng đã ló
Mai rày chói lọi đêm đêm.
Xứ xứ hoa thầm bảo gió:
Vì Khanh một trái tim mềm.

Ta còn gặng hỏi gì thêm!
Chiều ấy đôi lòng đã ngát.
Trời ơi, nhịp thở êm đềm
Hương ấm qua vai ngào ngạt.

Cõi Tục vàng tan ngọc nát,
Tình Thơ càng sống càng mê.
Hồn nhập loài kim đỏ hạt
Bên tai em, nhắc câu thề.

Trầm luân nhắc mãi câu thề:
Nửa đời bay bướm chưa hề mềm gan.
Vì Khanh cho giấc mơ tàn
Lại bừng tươi ở thế gian một chiều.


Phụ lục 3
(Trích thi tập Rừng Phong)

Nhớ cố nhân

Khanh của Hoàng ơi, lửa bốn phương
Khói lên ngùn ngụt chén tha hương
Nghe vang sóng rượu niềm ly tán
Chạnh xót nòi Thơ buổi nhiễu nhương
Biết có đêm nào trăng Thủy Tạ
Ngâm cùng ai nữa kịch Anh Nương
Dệt khôn thành mộng tơ tằm rối
Mây cách non Vu nhớ lạ thường.

Mây cách non Vu nhớ lạ thường
Chiêm bao lẩn quất bướm mê đường
Tình si hận đã mành ngưng máu
Người ngọc hoa chưa bóng gợn tường
Mấy thuở còn thơm trang Dị sử
Muôn đời vẫn đẹp gái Tây sương
Cố đô một buổi lầm chinh chiến
Vầng nguyệt chia hai vạn dặm trường.

Vầng nguyệt chia hai vạn dặm trường
Đêm sầu lữ quán tóc pha sương
Xanh xanh cỏ ngút bao hàng lệ
Bằn bặt hoa chim nửa phiến gương
Liễu biết loi thoi bờ rủ oán
Sen vàng lững đững gót bay hương
Chờ nhau chẳng gặp nhau trong mộng
Vẳng tiếng gà lên chợt nhớ thương.

Vẳng tiếng gà lên chợt nhớ thương
Dòng châu hoen gối đẫm canh trường
Theo màu ngọc rỏ ghê máu huyết
Đè chữ “tư” nằm lạnh chữ “tương”
Cả một mùa say duyên nghệ thuật
Nửa năm trời lỡ hẹn yêu đương
Bèo đây hoa đấy dù trôi giạt
Hai ngả quỳ tâm vẫn hướng dương.

Hai ngả quỳ tâm vẫn hướng dương
Kẻ đầu sông kẻ cuối sông Tương
Kìa mây kia sóng lòng xa gửi
Này Kịch này Thơ nợ trót vương
Tiên dịch còn thơm lời kỳ chú
Thần giao chẳng lẽ thuyết hoang đường
Trang thơ đọc lại bài trao ý
Vần dậy men nồng nhạc chuyển hương.

Vần dậy men nồng nhạc chuyển hương
Nét thon mềm gợi vóc băng sương
Hôn nhòe cặp má hoa bên cửa
Ghi hẫng đôi tay nguyệt trước giường
Tỉnh, bẽ bàng duyên, vò nát mộng
Nằm, điên cuồng nhớ, đập tan gương
Đêm nào, Khanh nhỉ! Tình ta mới
Hà Nội đèn treo đỏ phố phường.

Hà Nội đèn treo đỏ phố phường
Sóng hồ trăng giãi bập bềnh sương
Một trời thu ngủ men hoàng cúc
Đôi bạn tình say mộng viễn phương
Kìa ý đàn trao mười nẻo gió
Đây lòng hoa nở bốn mùa hương
Ôi thôi, khoảnh khắc dâu thành bể
Gươm báu Rùa thiêng cũng đoạn trường!

Gươm báu Rùa thiêng cũng đoạn trường
Nhớ nơi kỳ ngộ hứng thê lương
Sao nằm quạnh quẽ mờ sông Hán
Sầu chất bao la hẹp điệu Đường
Lòng nghệ sĩ mơ tình tuyệt mỹ
Cây Hàm Dương cách khói Tiêu Tương
Chia tay đằng đẵng năm già nửa
Một trái tim mềm trĩu nhớ thương.

Một trái tim mềm trĩu nhớ thương
Ngờ đâu tan tác cành uyên ương
Kiếp phiêu bồng ấy đời thi bá
Nẻo định tình kia bụi chiến trường
Sông thẳm non cai hồn Thục đế
Mây gầy mưa quạnh giấc Tương vương
Ai đi chốn cũ, giùm ta nhắn
Rằng kẻ vào Ngô nhớ Lạc Dương.

Rằng kẻ vào Ngô nhớ Lạc Dương
Lòng băng chẳng thẹn với đài gương
Ngâm câu Chiết liễu còn sa lệ
Ngược nẻo Tiền thân ướm hỏi đường
Khói ngút ba canh hồn bướm lẩn
Tơ chia mười mối ruột tằm vương
Đèn hoa chợt thắm môi hàm tiếu
Khanh đã về trong lửa Túy hương?



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Trọn bản dịch bài Trang tử Cổ bồn (của khuyết danh):

Trời đất vô tâm sinh ra “en” với “moa”
Moa không phải chồng en, en há là vợ a?
Bỗng nhiên rồi gặp gỡ
Cùng ở chung một nhà.
Kỳ hạn nay đã đến
Có hợp thì có xa…
En nhớ moa, thưởng cho moa ăn búa lớn
Moa thương en, khóc en bằng lời ca.
A ha! Đập mẹ chậu đi không gõ nữa!
Người nào là en? Ai là moa?
[2]Thơ Nguyễn Bính.
[3]Còn sáu đoạn nữa mới hết bài, nhưng trong tập Trời một phương chỉ in có ba đoạn thôi (xem Phụ lục).
[4]Còn bốn đoạn nữa.
[5]Đoạn thứ năm của bài Mộng vẫn còn (trích tập Hoa Đăng, 1959).
[6]Những câu đầu của bài Nhớ cố nhân (trích Rừng phong, 1954) và hai câu gần trót bài ấy.
[7]Còn mười một đoạn nữa. Bài Hợp tan (Rừng phong).
[8]Còn ba đoạn nữa (trích Rừng phong).
[9]Trích bài Mộng dao đài (Hoa Đăng) – cũng là một đoạn trong kịch Thằng Cuội (chưa in).

Nguồn: Cơ sở xuất bản Trương Vĩnh Ký, in tại Sài Gòn ấn quán, 35 Nguyễn Đình Chiểu, Sài Gòn, Việt Nam. In 5.000 cuốn, xong ngày 20-3-1974 – Nạp bổn tháng 3-1974. Giấy phép PTUDV số 278-74 – KSALP – TP – ngày 21-1-1974. Phát hành: 25-3-1974 – Số đăng ký tại Nhà xuất bản: I-A.