.
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH:
“KHI TÔN GIÁO KHÔNG CÓ TINH THẦN BAO DUNG” (PHẦN I)
Hoa sen trong biển lửa
Với nhiều người, Thích Nhất Hạnh là một thiền sư, một triết gia, một nhà văn hay là một nhà hoạt động xã hội vẫn là câu hỏi khó trả lời. Câu trả lời này càng khó khăn hơn khi họ đọc sách của ông hoặc nghe ông thuyết giảng.
Tư tưởng của ông, trong những cuốn sách và những bài thuyết giảng, là một sự pha trộn khó hiểu giữa giáo lý Đại Thừa và tư tưởng nhập thế của Nho gia. Nó ca ngợi sự chia sẻ cộng đồng nhưng lại cổ xúy cho sự tận hưởng của cá nhân trong thời khắc hiện tại…Vì những sự mơ hồ và khó hiểu ấy, chúng tôi tìm cách phỏng vấn ông ngõ hầu hóa giải những điều đó.
Một phóng viên VieTimes tìm được số điện thoại của nhà sư - thư ký của ông trong những chuyến trở về Việt Nam. Sau nhiều lần liên lạc không thành công, cuối cùng lần thứ chín cũng dừng lại và cuộc hẹn được thực hiện.
Sài Gòn đầu tháng Ba, nắng oi bức. Chúng tôi thuê một lái xe đến lái chiếc xe của VietNamNet lên Lâm Đồng, nơi ông đang thuyết giảng. Cậu lái xe rất trẻ, khoảng 20 tuổi, nghe nói đến việc đi Lâm Đồng thì chần chừ giây lát vì đường ngoằn ngoèo khó đi. Chiếc xe lại không hợp với cậu vì cậu không biết phanh và còi nằm ở vị trí nào.
Cuối cùng xe cũng nổ máy tìm cách ra khỏi thành phố. Chiếc xe lạng bên trái, chúng tôi xô sang bên phải, chiếc xe lạng bên phải, chúng tôi chúi về phía trước. Tay lái của cậu run bần bật. Cậu nói trong hơi thở: Em chỉ quen lái xe tải chứ chưa lái xe này bao giờ. Sau khi xe húc vào dải phân cách, cảnh sát giao thông chặn lại thực hiện luật, may thay, chúng tôi nhờ được một lái xe lão luyện ở Thông tấn xã Việt Nam, lại tiếp tục hành trình.
Đến Lâm Đồng, trời đổ mưa tầm tã. Những cơn mưa trái mùa lần đầu tiên xuất hiện. Mưa, thiền sư, kinh kệ, những tư tưởng, những sự chia sẻ, lái xe, dải phân cách… Chẳng có gì liên quan đến nhau cả. Trong sự liệt kê đó không có chút tư tưởng nào hết. Bạn đừng nhầm. Mà quên, có một thứ đấy, đó là hai chúng tôi, những người đang đi thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Bạn có định hỏi cảm giác của tôi khi đi phỏng vấn và gặp những điều như vậy thì thế nào không? Đói, lúc đó đói thật. Lại thêm lời cảnh báo rằng ngày hôm sau sẽ chỉ có cơm chay! Thế thì phải tìm cái gì cho hết đói đã. Chân lý đấy. Đó có lẽ là một chân lý cổ xưa nhất của con người. Nếu đói thì cần phải ăn. Tuy nhiên mỗi thời đại, với quá nhiều sự chế biến thực phẩm khác nhau, con người đã đánh mất ý nghĩa thiêng liêng của chân lý ấy.
Cái đói chân lý, chỉ có một ít người còn nhớ được. Ngay cả chúng tôi cũng không nhớ. Chúng tôi chỉ nhớ rằng cần một ít thực phẩm. Và chúng tôi “phải” tìm ra nó. Tám giờ tối, quái lạ, không còn một quán ăn nào mở cửa hết. Lần này điềm báo rõ ràng hơn. Điều chúng tôi có thể tìm được không phải là thực phẩm…
Buổi sáng, tăng ni phật tử và khách thập phương đã chen chúc theo chân ông đi dạo trong đồi thông. Vừa đi họ vừa hát những bài ca nào đấy. Tôi không rõ nghĩa nhưng nhìn nét mặt họ thì đa số đều hoan hỉ. Cuộc đi giống như một cuộc trình diễn trong phim ảnh nhưng được pha trộn bởi trang phục và tiếng chuông nên sự bí hiểm ngày một tăng.
Cuối giờ chiều, chúng tôi bắt đầu cuộc phỏng vấn. Ông nói nhiều, thường không trả lời trực tiếp vào câu hỏi ngay lập tức. Ông hay dùng giáo lý để dẫn câu trả lời vào những con đường quanh co hơn cả câu hỏi.
Sau gần hai tiếng trò chuyện, chúng tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn, khi thấy ông là một thiền sư, khi thì thấy ông là một nhà hoạt động xã hội, khi thì là một triết gia duy tâm. Nhưng cái cảm giác rõ ràng nhất lại là cảm giác ông vẫn giữ được tinh thần văn hóa dân tộc Việt trong máu thịt. Trong đó, những tư tưởng minh triết nhất của văn hóa dân gian Việt Nam vẫn bừng sáng và mạnh hơn cả giáo lý mà ông hằng thực hiện. Chúng tôi cảm nhận như vậy. Còn bạn, bạn hãy đọc phỏng vấn này trước khi đồng ý với chúng tôi rằng cái đói của chúng tôi chính là cái đói mà con người hiện đại Việt Nam chưa biết tìm ra dòng sữa vô tận từ chính nền văn hóa thiêng liêng của mình.
Sau đây là nội dung cuộc nói chuyện của chúng tôi với Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Phóng viên: Thưa thiền sư, hiện nay Phật giáo ở mỗi nước đều mang tinh thần khác nhau. Những tư tưởng của đạo Phật mà hiện nay đang được thiền sư truyền bá, bồi dưỡng thường được gọi là Vietzen tức là Thiền Việt, thiền theo kiểu người Việt. Vậy nền văn hoá Việt Nam có những nét đặc sắc gì ảnh hướng tới Phật giáo?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Văn hóa Việt Nam ảnh hưởng tới Phật giáo và Phật giáo ảnh hưởng tới văn hóa Việt Nam. Trong thời đại Lý, Trần, đạo Phật đã đóng góp nhiều cho sự dựng nước và làm cho nước mạnh. Cố nhiên là khi nhìn vào đạo Phật Việt Nam mình thấy được cái văn hóa Việt Nam. Mình thấy được hình thức, kiến thức âm nhạc, nghi lễ thực tập có tính Việt Nam. Đạo Phật là một yếu tố rất căn bản trong việc xây dựng nền tảng của văn hoá Việt. Những người không tự nhận mình là phật tử cũng có những chất liệu Phật giáo ở trong máu huyết của họ. Đôi khi trên phương diện tư duy, họ nghĩ họ không dính đến đạo Phật nhưng kỳ thực con người của họ được làm bằng rất nhiều những chất liệu của nền văn hoá Phật giáo. Vì cha ông mình đã như vậy rồi thì mình tiếp nhận cái đó một cách rất trực tiếp, tự nhiên.
Sáng nay tôi nói tới đạo Phật dấn thân. Cái đó nó nguồn gốc Việt Nam, năm xưa khi đi ra ngoài để kêu gọi hòa bình, tôi có viết cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa (Lotus in sea of the fire) bằng tiếng Anh, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tôi nói rằng chiến tranh Việt Nam biến thành biển lửa nhưng mà có sức sống tâm linh trong đó, thành thử trong biển lửa nó có một sự kháng cự và có một đài hoa sen mọc lên mà không bị cháy trong lửa. Cái đó là đạo Phật của Việt Nam, cái đó là yếu tố làm cho mình không bị ngập tràn bởi bạo động, bởi căm thù, bởi chiến tranh. Tây phương họ rất thích tinh thần đạo Phật nhập thế. Âu châu với Mỹ châu là địa bàn của Kitô giáo, khi mình đem hạt giống của Phật giáo Việt Nam sang và gieo xuống thì nó mọc rất tốt vì nó rất đúng lúc.
PV: Đạo Phật không khuyến khích việc quá coi trọng đến của cải vật chất. Nhưng đấy lại là một trong những mục tiêu phấn đấu của xã hội hiện đại. Trong một xã hội có nhiều của cải, nhiều vật dụng, đạo Phật sẽ có một vị trí như thế nào?
TNH: Đạo Phật có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong thời đại này. Trong thời đại mà mọi người bỏ hết tâm trí và thì giờ đuổi theo sự thành công trong lĩnh vực thương mại. Tôi đã từng nói trong lễ dâng hương ở Âu châu và Mỹ Châu là họ cũng khổ đau lắm, họ bị cuốn hút theo cái doanh nghiệp của họ, họ không có thì giờ lo cho bản thân, không có thì giờ lo cho vợ cho con và nó (điều đó) tạo ra nhiều khổ đau. Đa số chúng ta tin rằng hạnh phúc sẽ có nếu mình có tiền bạc thật nhiều, quyền lực thật nhiều và danh vọng thật nhiều. Khi mà bình tâm mình nhìn xung quanh mình thì mình sẽ thấy có nhiều người có ba cái đó nhưng lại rất đau khổ.
PV: Nhưng chúng ta đã và đang phấn đấu cho một xã hội giàu có và văn minh. Con người hiện đại càng ngày càng làm ra nhiều của vật chất một cách chính đáng và việc họ dùng của cải vật chất để thỏa mãn các nhu cầu của mình cũng chính đáng như cách họ làm ra chúng.
TNH: Đạo Phật không chống lại chuyện làm giàu, có thể nói như vậy là vì ngày xưa có một phật tử rất giàu, nhưng ông cũng bị kẹt vào cái đó (sự giầu có). Nhưng khi cần bỏ thì ông bỏ, vậy cho nên ông có rất hạnh phúc. Nhờ sự thực tập nên có những khó khăn mà ông vẫn cười tươi như thường. Vì ông đã có con đường tâm linh.
Kiếm tìm Phật pháp
Trong đạo Phật thì người ta có tập để mình nghiệm ra ba cái đức. Cái năng lượng đầu tiên gọi là đoản đức. Đoản đức tức là khả năng chặt bỏ những dây mơ dễ má, những sự cùn nó làm cho mình lao đao. Đoản tức là có trí và ta có trí tuệ mới cắt đứt được cái đó.
Thứ hai là trí đức. Phải có trí tuệ, phải có cái nhìn sâu về sự vật và con người mà cái đó là cái tuệ giác, phải tu thiền, phải có thì giờ để chiêm nghiệm, thì mới có được mà khi có trí đức rồi thì có thể giải quyết các vấn đề một cách mau chóng những gì làm cho mình sợ hãi, tuyệt vọng, bế tắc, chán nản. Nhờ cái trí tuệ đó mà mình thâu được rất là mau, mà mình thâu được cho mình và những người xung quanh.
Cái đức thứ ba gọi là ân đức. Ân đức tức là khả năng tha thứ và khả năng thương yêu. Thành thử ra nếu mà có ba cái đức đó tức là đoản đức, trí đức và ân đức thì nhà chính trị và nhà doanh thương sẽ không bị kéo đi về các nẻo đoạn trường và sẽ thành công được, giúp được gia đình và giúp được dân trong nước, giúp được tổ quốc.
Bạo động là khi mình tước đoạt đời sống của người khác:
PV: Ở Miền Nam trước năm 1975, có rất nhiều phật tử xuống đường, tham gia vào phong trào đấu tranh thống nhất đất nước. Những phong trào đấy thể hiện sự khao khát mãnh liệt, một khao khát đại đoàn kết dân tộc của người dân Việt Nam. Cái khao khát ấy đôi khi nó còn mạnh hơn cả tinh thần Phật giáo mà họ đang theo đuổi bởi vì tinh thần của đạo Phật là tinh thần bất bạo động. Vậy thiền sư nhìn nhận về vấn đề ấy như thế nào?
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm - Trưởng Khoa Văn hóa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh:
Phật giáo muốn vào Việt Nam, muốn đi vào lòng người, muốn phổ biến phải mượn hình thức của tín ngưỡng dân gian, điển hình là tín ngưỡng tứ pháp, mây mưa sấm chớp. Nên giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, hai cái pha trộn vào nhau trên nhiều phương diện. Người bình dân thường không (cần) hiểu Phật giáo như trí thức hay sách vở nói, họ chỉ hiểu những gì đi từ trong dân gian ra.
TNH: Khi mà mình tranh đấu cho nhân quyền, cho tự do thì mình (vẫn) có thể tranh đấu bằng phương pháp bất bạo động. Việc hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu thì cái đó (vụ tự thiêu để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo) do tình thương mà hy sinh chứ không phải là do bạo động. Bạo động là khi mình tước đoạt sự sống của người khác mới gọi là bạo động còn mình gánh chịu cái đau khổ một mình để cho thông điệp của mình được truyền đi trên khắp thế giới, để thế giới tới yểm trợ cho phong trào bất đạo động của mình, thì cái đó không gọi là bạo động, không gọi là tự tử. Ví dụ như mình tuyệt thực thì có thể mình đói đến mức chết luôn cái đó không phải là tuyệt thực, cái đó tức là lấy cái sự đau thương đi vào trong mình, giáng chịu để làm cảm động lòng người. Khi mà lòng người cảm động thì phong trào có thành tích lớn.
PV: Trong đạo Phật, khi một người gây ra một hành động nào đó, thì người ấy sẽ phải chịu hậu quả của hành động đó. Trong quá khứ và hiện tại thì người đó phải nhận và chịu chi phối trong vòng luân hồi của mình. Vậy thì khái niệm tha thứ trong đạo Phật được hiểu theo nghĩa như thế nào?
TNH: Tha thứ là khi mình nhìn sâu (vào sự kiện nào đó) mình thấy những nguyên do xa và gần đã đưa tới sự kiện mà người đó đã nói, đã làm, những điều gây đổ vỡ như vậy. Khi mình nhìn vào một con người như vậy mình thấy được nỗi bất hạnh của người đó và mình nhìn sâu hơn nữa mình thấy được rằng người đó đã có thời ấu thơ không có hạnh phúc, không có được những thứ may mắn như mình. Khi thấy được thì tự nhiên trái tim mình nhẹ nhõm, mình không trách họ nữa. Và cái đó gọi là hữu, cái hữu đưa ta đến sự chấp nhận và thương yêu.
Những phạm nhân giết người, cướp của, tạo ra những đau khổ cho người khác (là một ví dụ). Nếu mình nhìn vào họ, mình cũng thấy được những nguyên nhân xa gần như vậy với tình thương, thì mình sẽ biến cái lao tù của họ thành những nơi có thể giúp họ được, chuyển hoá được, xây dựng (lại) con người của họ chứ không phải là trừng phạt.
Còn nói về giáo lý thì trong đạo Phật có cái giáo lý Vô ngã, tức là không có cái ta riêng biệt. Thí dụ như cha con không hẳn là hai người tách biệt, thấy được rằng con là sự nối tiếp của cha và trong con có cha. Trong cha có con. Thành ra nếu người cha và người con thấy được như vậy thì không còn cái chống đối giữa hai bên nữa, tại vì mình mang cha mình đi vào tương lai và đứa con nó cũng mang mình đi vào tương lai, giận nó tức là giận chính mình. Cái đó gọi là cái tuệ giác vô ngã. Khi mà mình có tuệ giác nhiều thì tự nhiên mình có tình thương nhiều và sự chấp nhận nhiều hơn.
Trầm tư tiếng gọi quê hương
PV: Trong Kitô giáo, nếu một người phạm tội, thì họ vẫn có thể được tha thứ hoàn toàn và họ có thể được đến nơi mà người ta gọi là Thiên đường. Còn một người ở bên Phật giáo, khi sa vào tội lỗi, thì họ phải đọa đầy vào cái vòng luân hồi miên viễn. Vậy thì khái niệm tha thứ của hai đạo này khác nhau nhiều không?
TNH: Trong đạo Phật không có vấn đề tha tội, chỉ có vấn đề mình hiểu thì mình chấp nhận, mình xót thương cho người đó được thôi mà cái đó là con người với nhau chứ không phải ở một bậc thần linh. Trong đạo Phật không nói tới vị thần linh có thể tha tội cho mình. Khi mà mình biết rằng trong quá khứ mình đã lầm lỡ, mình đã làm những điều ác thì mình có phương pháp gọi là sám hối. Sám hối tức là nhìn thấy thật sâu, thấy những lời nói, những tư duy và hành động của mình đã gây ra khổ đau cho mình và cho người kia và quyết tâm từ nay trở đi sẽ không lặp lại những tư duy đó, những hành động đó, những lời nói đó và nhất quyết đi theo con đường mới, cái đó được gọi là làm mới, gọi là sám hối. Khi đó thì mình rất nhẹ nhàng còn nếu mà không biết phương pháp sám hối thì cái mặc cảm tội lỗi, mặc cảm hư hỏng nó cứ đi theo mình hoài.
(VieTimes)
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH:
“KHI TÔN GIÁO KHÔNG CÓ TINH THẦN BAO DUNG” (PHẦN II)
Đã về và đã tới
Nếu sự ra đi là con đường trở thành nhà sư
Thì trở về đích thực là con đường trở thành Đức phật
Nhưng người chỉ đích thực trở về
Khi đích thực ra đi
Ko Un (nhà thơ Hàn Quốc, ứng cử viên Nobel văn học2004,2005, 2006)
PV: Thưa thiền sư, trước đây thiền sư đã từng có ý định trở về Việt Nam rất nhiều lần nhưng chưa thực hiện được và hiện nay thiền sư đã thực sự trở về. Ở thư viện Bát Nhã có một tảng đá lớn ghi một câu "Đã về và đã tới". Vậy sự trở về này ngoài cái ý nghĩa Phật giáo thì đối với cá nhân của thiền sư nó còn có ý nghĩa nào khác không?
"Đã về đã tới"
TNH : Thật ra thì cái "Đã về đã tới" mà các thầy, các sư vừa hát hồi sáng đó là một cách thực tập. Và đức Phật có nói rằng mình đừng có tưởng rằng cái hạnh phúc mình chỉ có thể có được trong tương lai. Nếu mà mình trở về với giây phút hiện tại và mình nhận diện cái điều kiện đã có ở giây phút hiện tại và hạnh phúc ngay trong giây phút này. Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại nên sự thực căn bản trong đạo Phật là trở về giây phút hiện tại, là hơi thở là bước chân.
Khi chúng tôi đi thiền là mỗi bước chân đưa chúng tôi về giây phút hiện tại và thiết lập con người của mình trong giây phút hiện tại. Khi mình quản lý được giây phút hiện tại với tất cả con người của mình, thì mình không cần lo cho tương lai nữa, tại vì tương lai là một hoa trái của hiện tại. Nếu mình biết quản lý hiện tại với tất cả những năng lượng của mình, thì tại sao mình phải lo lắng sợ hãi cho tương lai. Cái giáo lý đó "Đã về đã tới" là như vậy.
PV: Thiền sư đã sinh ra trên mảnh đất này, đã lớn lên và đã tìm thấy cả tương lai trên mảnh đất này, đã thấy Phật trên mảnh đất này, vậy thì quê hương - nơi thiền sư sinh ra - có ý nghĩa gì trong tinh thần của thiền sư?
TNH: Là một đứa con của đất nước Việt Nam nhưng mà (sau đó) mình trở thành một đứa con của cả hành tinh, và quê hương của mình không chỉ là một giải đất, quê hương mình là cả một hành tinh. Đó (là cái hành trình từ giải đất thành hành tinh) là cái sự diễn biến trong nhận thức. Mình coi trái đất là quê hương của mình và mình muốn không phải chỉ cho Việt Nam có hoà bình, có ấm lạc. Mình muốn cho tất cả những thành phần khác của trái đất cũng được như vậy và vì vậy ở đâu thì mình cũng đã về, đã tới được hết chứ không phải chỉ về Việt Nam thì mình mới gọi là đã về đã tới.
...Chỉ khi trở về quê hương, Thiền sư mới thấu hết "đã về đã tới."
Họ đã giữ thù hận quá lâu:
Trần Công Hoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài
Người Việt Nam xa tổ quốc càng có nhu cầu tâm linh trên mọi khía cạnh. Trên cơ sở chính sách tự do tôn giáo, Nhà nước đã có cố gắng quan tâm, hỗ trợ, khuyến khích những nguyện vọng kiều bào về vấn đề tâm linh. Hàng năm các vị lãnh đạo vẫn có những chuyến thăm tăng ni phật tử trong nước đến các cộng đồng, Nhà nước có những hoạt động hỗ trợ duy trì chùa chiền ở Pháp và một vài nước châu Âu. Những cố gắng này đã được kiều bào đánh giá cao vì đã hỗ trợ tinh thần cho họ. Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận thống nhất thì chính sách tự do tôn giáo dành cho cả dân tộc, không loại trừ bất cứ một thành phần nào.
PV: Đại đa số những người Việt ở nước ngoài đều rất vui mừng trước sự trở về của thiền sư và những công việc mà thiền sư làm tại Việt Nam. Nhưng cũng có một số ít người lại phản đối sự trở về ấy. Vậy nếu có cơ hội tiếp xúc nói chuyện cho những người phản đối sự trở về, thiên sư sẽ nói gì về hiện thực Việt Nam ngày nay, những điều thiền sư đã cảm thấy, đã nghe thấy, đã nhìn thấy, và đã vui mừng được thấy?
TNH: Đôi khi có người (những người chống đối) cũng biết được cái gì đang xảy ra nhưng họ cứ nói như vậy thôi, chứ không phải mình cho họ thông tin gì để thay đổi cách nói của họ. Thực tế họ biết hết, nhưng họ vẫn nói như vậy. Ví dụ có những người ngày xưa đã không duy trì được chế độ của họ đâm ra bây giờ họ thù hận và bây giờ mình có thay đổi, mình có hạnh phúc, có cái gì đi nữa thì họ vẫn thù ghét thôi.
PV: Vâng, mặc dù họ vẫn mang sự thù ghét như vậy nhưng dẫu sao họ vẫn là những đứa con của đất nước này. Vậy, theo thiền sư thì xã hội Việt Nam hiện tại cần làm những gì để cho những con người ấy có thể hiểu rằng đất Mẹ bao giờ cũng rộng lượng và mở lòng đối với họ?
TNH: Rất tiếc cho họ là họ đã giữ hận thù quá lâu, họ bám vào quá khứ quá lâu, họ không có khả năng quay về tới giây phút hiện tại. Đôi khi họ bám lấy cái quá khứ đó và họ nói rằng họ không còn gì hết họ chỉ còn quá khứ đó để bám vào thôi, rất là tội. Thành ra giúp cho họ buông bỏ những thứ đó để trở về với giây phút hiện tại là việc mình phải làm, rất là khó.
Thành ra khi mà chúng tôi thấy họ như vậy chúng tôi thấy tội nghiệp chứ không bao giờ giận hờn hoặc trách móc họ và tôi thấy họ không có gì để hiến tặng cho quê hương, cho đất nước, cho dân tộc ngoài cái sự trách móc, họ rất là tội, tôi không bao giờ giận những người đó và (ngay cả) cái đà kinh tế (sự phát triển kinh tế của Việt Nam) này, mặc dù họ biết (là sự phát triển kinh tế cần thiết cho xã hội) đó là cái dân tộc đang cần nhưng mà họ vẫn lên án đấy thôi.
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH:
“KHI TÔN GIÁO KHÔNG CÓ TINH THẦN BAO DUNG” (PHẦN III)
Đạo đức là nền tảng duy nhất
Con người có thể được thừa hưởng từ cha mẹ, từ tổ tiên nhiều điều tốt lành. Nhưng Đạo đức không di truyền từ đời này sang đời khác mà tự nhiên bắt buộc mỗi con người phải tự mình cố gắng mới có thể có được. Đạo đức là nền tảng duy nhất của cả người tu hành lẫn người không theo một tôn giáo nào...
PV: Rất nhiều tôn giáo tồn tại dựa trên nền tảng của sự tha thứ, hy sinh vì người khác. Theo thiền sư thì điều gì khiến cho sự xung đột tôn giáo vẫn tiếp tục diễn ra trên thế giới này ?
TNH: Tôn giáo có thể trở thành một yếu tố nhen nhúm chiến tranh, khi mà trong tôn giáo không có tinh thần bao dung, khi mà mình nghĩ rằng mình nắm trong tay chân lý và chỉ có mình mới độc quyền chân lý thì cái đó là thái độ rất là nguy hiểm. Nó sẽ đưa tới chiến tranh tôn giáo và chiến tranh khác. Cho nên vấn đề này là vấn đề bao dung.
Trong đạo Phật, tinh thần bao dung rất lớn và có tinh thần phá chất. Phá chất là không kẹt vào một hệ thống ý thức nào hết và vì vậy trong đạo Phật có rất nhiều tâm thái khác nhau nhưng không có chống đối nhau như là Chánh thống giáo, Do Thái giáo, và Công giáo. Công giáo này, Tin lành này, Chánh thống giáo và cả Hồi giáo nữa đều phát sinh ra từ một cái gốc. Như bông hồng được làm từ những yếu tố không phải là bông hồng như nắng, sương, gió nếu không có những cái đó thì làm gì có bông hồng.
PV: Hiện nay một số tổ chức tôn giáo trên thế giới có xu hướng trở thành những tổ chức siêu chính trị, cố tìm kiếm những ảnh hưởng đến nhà nước thế tục. Điều gì khiến các tổ chức ấy không theo đúng lý tưởng của mình mà lại càng ngày càng tham dự vào những công việc trần tục, càng ngày càng cố tìm kiếm những quyền lực của thế gian?
TNH: Nhập thế thì được chứ sao không, nhưng mà nhập thế thì phải giữ được cái bản chất của mình mới không đánh mất mình được. Tôi nghĩ là họ để cho chính trị lợi dụng và họ cũng muốn lợi dụng chính trị, trong khi cái mình muốn là tách rời chính trị ra khỏi tôn giáo và tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị. Điều đó mình không muốn nó xảy ra và có điều tôi muốn nói với quý vị, đạo Phật không phải chỉ là tôn giáo (thông thường), cái vỏ ngoài tôn giáo của đạo Phật không phải là toàn thể đạo Phật. Nó giống như là một trái mít, nó có cái vỏ mít, sơ mít trong nó là những múi mít rất ngọt thì cái phần chính yếu của đạo Phật là nguồn tuệ giác rất lớn. Mình đi đạo được thì mình sử dụng, mình chuyển hoá, mình trị liệu hoặc mình dựng lại cái tình thân và mình tạo hạnh phúc cho mình và cho gia đình mình cho đất nước mình. Chúng tôi đã giảng dạy và hướng dẫn cách thực tập đó ở Âu châu và ở Mỹ châu, bây giờ về Việt Nam để chia sẻ các môn mà chúng tôi đã tu luyện trong 30 - 40 năm thì đây là niềm hạnh phúc.
Ăn chay là để cho mình bớt bạo động:
PV: Thưa thiền sư, có rất nhiều người nhầm lẫn giữa phương pháp ăn chay của đạo Phật với phương pháp trường sinh của đạo Lão. Vậy phép ăn chay có ý nghĩa gì đối với người tu hành?
TNH: Chúng tôi thấy ăn chay là sự may mắn vì mình không phải ăn máu thịt của những loài khác. Vì loài nào cũng có sự ham sống sợ chết, loài người như vậy và các loài khác cũng vậy. Như con bò trước khi đi vào lò sát sinh, nó có linh tính nước mắt nó chảy ra thấy cũng tội. Thành ra khi mà mình được ăn chay, thì mình thấy ăn chay ngon và mình thấy được may mắn. Có nhiều người nghĩ rằng ăn chay không thể nào ngon bằng ăn mặn nhưng mà cái đó không có chắc gì hết, vì khi mà đã ăn chay thì lâu ngày rồi và đã thấy ngon như vậy rồi thì trở lại ăn mặn rất là khó.
PV: Trong tinh thần Phật giáo, thì mọi sinh linh trên trần gian này đều có duyên nghiệp như nhau: từ cỏ cây, sỏi đá cho đến các loài động vật - những loài có máu, tất cả đều ngang bằng nhau. Vậy điều thiền sư vừa nói có mâu thuẫn với tinh thần của đạo Phật?
TNH: Khác nhau là mức mình khổ đau. Cho nên vấn đề không phải là làm thế nào để hoàn toàn không có khổ đau mà vấn đề là để khổ đau nó ở mức thấp nhất. Cũng như là bất bạo động đó. Không thể nào không có bất bạo động 100% được nhưng mà càng bớt bạo động chừng nào thì càng tốt chừng đó. Vấn đề là như vậy. Thành thử ăn chay không giải quyết được tất cả vấn đề đâu. Ăn chay là để cho mình bớt bạo động, bớt đi đau khổ thôi chứ đừng tự hào lắm về việc ăn chay là vì khi mình luộc rau muống, thì mình cũng giết hàng triệu con vi khuẩn ở trong rau muống, thì cái đĩa rau muống có hoàn toàn chay đâu vì nó có những con như vậy.
Nhưng mà sống ở trên trái đất này thì phải biết nhận những cái đó thôi chứ muốn tuyệt đối không có được. Vấn đề là mỗi ngày mình thương yêu nhiều hơn một chút, có lòng từ bi lớn hơn một chút, thì đời sống mình có ý nghĩa. Và khi mình có một con đường tâm linh, thì mình có hạnh phúc, những người mà không biết đường đi thì những người đó như đi trong bóng đen không có hạnh phúc.
PV: Trong thời hiện đại, lớp trẻ nhiều khi rơi vào những trạng thái mất cân bằng trong cuộc sống. Ví dụ, chính bản thân tôi, khi tốt nghiệp đại học và đi làm, tôi va vấp phải những chuyện công sở, nhiều khi cảm thấy tuyệt vọng, vì thấy nó khác hẳn với môi trường trước kia mình đi học. Thiền sư có thể làm điều gì để giúp lớp trẻ luôn có được sự cân bằng, hài hoà trong tinh thần và trong tâm hồn?
TNH: Tôi có nói về quan điểm và cách chăm sóc tự thân mỗi khi (con người) có (gặp phải) một cảm xúc lớn như là tuyệt vọng, như là giận hờn, thì cái đó (con người đó) cần những phương pháp rất cụ thể. Khi mà giận hờn, tuyệt vọng, sợ hãi (được) tạo nên mà mình không có biết cách đối xử (với nó) thì nó sẽ tác hại, nó sẽ xui mình nói và làm những điều gây đổ vỡ trong phạm vi đôi lứa hay là gia đình và xã hội, và mình có thể vào tù như chơi. Vì vậy cho nên những phương pháp tập thở, tập đi, tập dành dụm và ôm ấp để làm dịu đi (những cảm xúc ấy là) rất quan trọng. Để cho người thanh niên có khả năng xử lý được những khó khăn như vậy mà không (tìm cách giải) thoát bằng cách tự tử hay là trừng phạt người khác, thì điều này cần thiết cho cả mọi người.
Phạm Như Ý, lớp 12H2, Trường Hà Nội-Amsterdam
Khi em cảm thấy buổn bực, chán nản, em thường về phòng, đóng chặt cửa lại, không nói chuyện với ai và nghe nhạc cổ điển. Âm nhạc có thể giúp em giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, khiến em cảm thấy thư thái hơn rất nhiều. Sau khi nghe nhạc, em sẽ đi ngủ để quên đi sự buồn bực. Nhưng nếu ngủ dậy mà vẫn buồn bực, em sẽ đi ra ngoài chơi với bạn bè. Như thế mọi buồn bực, chán nản sẽ tan biến hết.
Nếu mọi người từ thời còn bé thơ được trang bị theo một chiều hướng tâm linh, đạo đức, và cái đức dục nó đi theo được cái trí dục, thì trên quá trình lớn lên (thì cái) chiều hướng tâm linh đó sẽ giúp cho mình đi đúng con đường chân thiện mà không có bị phá sản về tâm linh. Cho nên phép tu của chúng tôi tổ chức tại các nước Âu châu là chỉ để làm điều đó thôi, tức là giúp cho người ta những dụng cụ, để mà đối phó với những hoàn cảnh như vậy, những trạng huống tâm lý như vậy và vì đây không phải là sự cầu nguyện, đây là sự thực tập đàng hoàng
PV: Thưa thiền sư tại sao cuộc sống hiện đại làm cho nhiều người mất cân bằng?
TNH: Tại vì chúng ta bận rộn quá. Ngày xưa thì chúng ta sống đơn giản hơn, chúng ta có thì giờ. Ví dụ như chúng ta đi ăn tiệc thì chúng ta có thể đi bộ từ làng này sang làng khác và đến vào giờ nào cũng có cỗ để ăn hết. Ăn xong là nói chuyện với bè bạn, rồi ngắt một cành cây để xỉa răng và đi bộ về thôi. Còn bây giờ thì đâu có được, đến thì đến đúng giờ. Mình có máy móc nhiều, mình được trang bị nhiều nhưng mình không có thì giờ như ngày xưa. Quí vị có nhớ ngày xưa bơi cái thuyền nan ra hồ sen rồi lấy trà ướp bằng hương sen rồi pha trà uống ngay. Và bây giờ đâu có cái thú như vậy nữa.
Trịnh Công Sơn chưa có cơ hội để đi tu:
PV: Ở Việt Nam cũng có nhiều nhà văn, nhiều nghệ sĩ nghiên cứu về Phật giáo. Thiền sư rất thân với nhà thơ Bùi Giáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hai người đó là hai người mang tinh thần Phật giáo vào trong âm nhạc và trong thơ ca rất nhiều,. Nhưng một số người đọc khi đọc thơ của Bùi Giáng hoặc khi nghe nhạc của Trịnh Công Sơn thì chỉ cảm thấy tinh thần Phật giáo như một cái gì đó mơ hồ, ru ngủ con người ta nhiều hơn là để cho người ta có thể hoạt động tốt hơn. Thiền sư nghĩ thế nào về việc này ?
TNH: Mấy người đó họ chưa có cơ hội để tu, họ chỉ đọc sơ sơ, họ cảm tưởng, họ thấy đạo Phật là một cái nguồn thơ rất gần gũi với họ và trong những tác phẩm của họ cái đó nó biểu hiện ra chứ chưa bao giờ chính thức thực tập cho nên cái đạo Phật của họ rất là mơ hồ. Tôi có viết thơ cho Trịnh Công Sơn, tôi nói: Anh lên chùa đi, anh ở lại chùa một tuần, anh nghe kinh, anh đi thiền hành, anh thở, rồi nếu anh có cảm hứng anh sẽ viết nhạc những bài kệ trong sách thiền từng do tôi viết, nhưng mà tôi viết thơ trễ quá, lúc đó thì Trịnh Công Sơn bị ốm rồi.
PV: Theo thiền sư về âm nhạc thì thiền sư nhận xét thế nào về Trịnh Công Sơn?
TNH: Trịnh Công Sơn có tâm sự là tình bạn nó lành hơn tình yêu. Nó không để cho mình hệ luỵ, bị lên xuống, bị khổ đau như tình yêu. Vì vậy cho nên nếu trong tình yêu mà có tình bạn, thì mình sẽ có hạnh phúc hơn.
Cái đẹp được làm bằng tất cả:
PV: Trong xã hội hiện đại, các nền văn hoá được pha trộn với nhau, hoà lẫn vào nhau ngày một nhiều. Thiền sư có linh cảm rằng sẽ đến một ngày nào đó các nền tôn giáo trên thế gian này sẽ pha trộn với nhau tạo thành một tôn giáo duy nhất không?
TNH: Không. Tôi nghĩ các tôn giáo có thể ảnh hưởng nhau, có thể kích thích nhau để mình (tôn giáo ấy) có thể thay đổi như là khi những người Tin Lành, những người Do Thái tới thực tập với mình (thiền sư Thích Nhất Hạnh) thì bắt đầu họ có cái nhìn sâu, những cái nhìn mà chưa bao giờ họ có, khi họ tư duy lại họ thấy rằng ở trong truyền thống của họ nó cũng có những hạt giống của tuệ giác đó mà họ chưa bao giờ khám phá. Và khi đó họ trở về, họ khám phá ra, họ làm lớn lên thì cái tuệ giác của họ (để) nó trở nên bao dung hơn, thương yêu hơn, ít độc đoán hơn, ít giáo điều hơn.
PV: Theo linh cảm của Thiền sư thì dân tộc Việt Nam sẽ như thế nào trong 10 năm tới?
TNH: Mình nhìn vào tổng thể, thì mình thấy được tương lai đất nước này rất là đẹp. Tuy nhiên, mầu xanh của cây cối ngày càng ít đi. Nếu mình không cẩn thận mình sẽ mất đi nhiều hơn, mình sẽ thiết lập những sa lộ, những đường xe lửa phá hoại hết (rừng). Rồi ý thức về sinh môi của mình rất thấp. Chúng ta làm ô nhiễm môi trường rất nhiều. Nếu như ta không có tổ chức để giáo dục quần chúng về việc này thì chúng ta sẽ đánh mất rất nhiều cái quý cái đẹp của đất nước, rồi nếu chúng ta trong thời đại toàn cầu hoá này mà không có một cái chiều hướng tâm linh để sống, thì sẽ tạo ra biết bao nhiêu ly gián, khổ đau trong nội bộ của gia đình, của bản thân, của cộng đồng, kể cả cộng đồng tôn giáo.
PV: Hiện nay trên thế giới người ta hay đề cập đến tính cách của Trung Quốc hiện đại, tính cách của Mỹ hiện đại, tính cách người Pháp hiện đại. Nếu một người nước ngoài hỏi thiền sư là: theo thiền sư tính cách của người Việt hiện đại là gì, thì Thiền sư sẽ trả lời họ như thế nào?
TNH: Chúng ta muốn dân chủ nhưng mà dân chủ theo chiều hướng tốt. Chúng tôi ý thức rằng cái đẹp được làm bằng tất cả cho nên chúng tôi không (chỉ) muốn bám víu vào sự an vui riêng của chúng tôi mà chúng tôi (cũng) muốn quý vị có được sự an vui đó. Tôi nghĩ rằng yếu tố Phật giáo nó cực kỳ quan trọng, vì nó rất bao dung và nó ôm lấy tuệ giác trong đạo Phật tương quan tương liên (liên quan đến tất cả những điều khác). Nếu thấy được cái đó thì không còn sự xa cách giữa nông thôn và thành thị, giữa cha và con, giữa Bắc và Nam và giữa tôn giáo này và tôn giáo khác, vì vậy, cho nên trong đạo Phật ẩn chứa về tương tác vô ngã tương sinh trong đạo chúa cũng vậy, những người cộng sản cũng, vậy ai cũng phải có tuệ giác ấy tự nhiên sẽ gần nhau.
(VieTimes)
09-18-2007