Hiển thị các bài đăng có nhãn PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930. Hiển thị tất cả bài đăng

27/11/08

PHAN KHÔI: ĐỘC THƯ TÙY BÚT

PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930



ĐỘC THƯ TÙY BÚT



LỜI DẪN CỦA NGƯỜI SƯU TẦM: Trên nhật báo Phổ thông ở Hà Nội, từ tháng 9.1930 thấy xuất hiện một trang gọi là Phần tòa soạn ở Nam Kỳ, trong đó có mục “Học nghệ”, dành đăng các bài Độc thư tùy bút do Phan Khôi viết.



Có thể do khó khăn về giao dịch bài vở (tòa soạn Phổ thông ở Hà Nội, Phan Khôi ở Sài Gòn) nên mục này tồn tại không lâu. Tôi sưu tầm được 7 kỳ in lại dưới đây.



L.N.A.



CÓ VÀ KHÔNG

Quốc Biểu đại huynh từ khi Tây Ninh xuống Sài Gòn, ghé thăm tôi tại nhà trọ đường Paul Blanchy. Mới vừa đặt bàn toạ lên ghế, tôi hỏi:

- Anh mạnh giỏi không?

- Không, - anh ấy vừa cười vừa đáp.

- Ở trển, anh có làm việc gì không?

- Không.

- Vợ có đẻ không?

- Không.

- Thế ra cái gì anh cũng không cả, là nghĩa làm sao?

Tôi miệng hỏi như vậy mà tay thì soạn ấm chén ra pha nước uống.

- Cái không là cái đầu hết mọi sự. Cái không là cái ứng dụng ra rất lớn. - Quốc Biểu vừa nói vừa cầm cái chén trà lên mà cắt nghĩa, - nếu cái chén này mà trong lòng nó có vật gì thì chỗ đâu mà đựng nước?

Bấy giờ tôi mau miệng nói rằng:

- Đã biết vậy, mà nếu không có cái chén thì lấy cái không ấy ở đâu mà dùng? Muốn nói ngược lại anh, tôi nói cái có là cái đầu hết mọi sự; cái có là cái ứng dụng ra rất lớn.

Hai bên trông mặt nhau rồi cả cười.

Quốc Biểu lâu nay chuyên trị Phật học, do con đường bằng tiếng Pháp mà tìm tới cõi Nát-bàn. Tôi từng nghe anh va thuyết pháp một vài lần. Lần này anh cũng đem triết lý của Phật mà rót vào tai tôi. Tôi nghe được, song le còn có chỗ cãi thì cãi đã.

Nguyên cái thuyết hư vô có từ Lão Tử. Đạo đức kinh chương I nói: “Cái không, đặt tên cho sự mở đầu của trời đất”. Chương I nói: “Thiên hạ muôn vật sanh bởi có, có sanh bởi không”. Chương XI nói: “Ba chục cái rẻ quạt chung cái bánh xe, nhằm chỗ không của nó mới có sự dùng của cái xe; quay đất sét làm đồ gốm, nhằm chỗ không của nó, mới có sự dùng của đồ gồm; làm nhà, soi cửa sổ nhằm chỗ không của nó, mới có sự dùng của cái nhà. Cho nên có đó lấy làm lợi, không đó lấy làm dùng”.

Có nhiều chỗ của Phật tương thông với Lão. Quốc Biểu lấy ví dụ về cái chén trà thì cũng như những cái ví dụ về bánh xe, đồ gốm, cửa sổ của Đạo đức kinh.

Một hôm đọc sách thấy bài Lão Tử luận của Vương An Thạch thì tôi hoảng nhiên, té ra người đời xưa đã nói trước mình rồi. Bài ấy có một đoạn rằng:

“Lão Tử biết cái không là cái làm sự dùng của cái xe, cái không là cái làm sự dùng của thiên hạ, song không biết sở dĩ nó làm dùng được là tại đâu. Cái không mà làm dùng của cái xe được, là nhờ có bánh xe và rẻ quạt; cái không mà làm dùng của thiên hạ được, là nhờ có lễ nhạc hình chánh. Ví bằng bỏ bánh và rẻ quạt của cái xe, bỏ lễ nhạc hình chánh của thiên hạ mà ngồi đó để mong sự dùng của cái không, thì cũng gần như ngu rồi!”

Cho nên tôi nói rằng: cái có với cái không giúp nhau mà sau mới sanh ra sự dùng. Một cái không mà thôi, đâu có được? Nói về hình nhi thượng thì hoặc giả cái không là đầu hết mọi sự như lời Lão Tử; song nói về hình nhi hạ, đã có cái quan niệm về sự ứng dụng, thì phải kể cái có là trước mới thông, còn như kể nội cái không thì thành ra bất thông và theo họ Vương thì cho là ngu vậy.



PHAN KHÔI

Phổ thông, Hà Nội, s.52 (2.9.1930)



HỌC GIẢ Ở ĐỜI LOẠN



Kẻ sĩ ở đời loạn mà ham học, chứa sách nhiều, không chịu mầy mà với đời, cũng là một điều nguy cho mình, chớ đừng nói tới ra mà chống báng với đời nữa. Sự đó từ xưa đã vậy.

Khổng Phụ, con cháu họ Khổng ở Khúc Phụ, sinh nhằm đời nhà Tần. Giữa khi đốt sách, chôn học trò, mà Phụ dám chứa nhiều sách của tiên nhân để lại. Trần Dư thấy vậy, lấy làm nguy cho va. Song le, Phụ ra dáng vững vàng lắm nói với Trần Dư rằng: “Tôi đeo đuổi cái học vô dụng mà chơi, ai biết tôi thì làm bạn; nhà Tần chẳng phải bạn của tôi, có nguy gì cho tôi đâu mà tôi lo?” Chuyện này thấy trong sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang.

Vương Thuyền Sơn, tên là Phu Chi(*), người nhà Thanh có làm một bộ sách phê bình sách của Tư Mã Quang đó, kêu là Độc Thông giám luận; về điều trên đây, họ Vương bàn rằng:

“Ôi! người mà biết làm cái học vô dụng để mở rộng lòng mình và dong chơi hồi đời loạn, người ấy nếu chẳng phải là bè bạn của thánh nhân thì đâu được thế ư?”

Kinh Thi nói rằng: “Ac túc xuất bốc, tự hà năng cốc!” (nghĩa là: Nắm thóc ra đi bói, từ đâu cho được sự an lành! Có ý là: ở vào đời loạn, đụng ra chỗ nào cũng là cái nguy cơ hết). Song le, xét cho kỹ, an lành cũng chẳng an lành, sự đó quyền ở ta mà thôi, cần phải bói làm chi?

Mình uốn cong cái đạo của mình để dọc theo một chiều với thiên hạ, thì vẫn được lợi mà cái hại cũng nấp sẵn một bên; còn đem cái đạo mình ra mà chống báng với thiên hạ, thì cái thân mình phải nguy mà đạo cũng chẳng làm ra được. Duy có giấu chứa sự đại dụng của thiên hạ mà chẳng cầu thiên hạ dùng; ai biết thì biết, ai chẳng biết mà cho là vô dụng cũng mặc ai, thế mới là quân tử. Bởi vậy Khổng thánh nhân mới khen cái ngu của Ninh Vũ tử là chẳng ai có thể bằng. Đời thế nào đó mặc đời, ta cứ giữ đạo để an mình, ghín sự giao du để lánh tục, mặc dầu ở trong vòng đạo tặc cầm thú mà cũng như ở vào đời Đường, Ngu, Tam Đại, đâu lại chẳng an lành được mà cần phải bói làm chi?”.

(Đoạn trên đó thấy trong sách Vương Thuyền Sơn: Độc Thông giám luận cuốn I, trang đầu).

Vương Phu Chi là một nhà học giả trứ danh ở vào đầu đời Mãn Thanh. Cái hoài bão của họ Vương cũng từa tựa như của Khổng Phụ ở vào hồi nhà Tần: học vấn rộng trứ thuật(1) nhiều, mà không chịu làm bạn với kẻ mình không muốn làm bạn; cho nên khi bàn tới chuyện Khổng Phụ, nói ra những lời rất tha thiết mà tỏ ý cao siêu, chẳng khác nào mượn chuyện Khổng Phụ để nói chuyện mình.

Ở đời nào mặc lòng, kẻ sĩ nếu đã biết cái học là gì thì chẳng có khi nào là vô dụng. Vô dụng, ấy là hai chữ của người không biết đã đem tặng cho; chớ còn tự kẻ sĩ ấy, tự kẻ biết học ấy, chẳng khi nào dám phỉ bạc cái thân mình và cái học của mình.

Bộ Độc Thông giám luận của Vương Thuyền Sơn đã bị cấm đi ngót hai trăm năm, đến Tăng Quốc Phiên bắt đầu in ra, thiên hạ tranh nhau mà đọc, ngày nay cũng vẫn còn có giá trị, đủ biết cái học của họ Vương chẳng phải là vô dụng đâu.

PHAN KHÔI

Phổ thông, Hà Nội, s.56 (6.9.1930)



(*) Vương Phu Chi (1619 - 92).

(1) Trứ thuật: phải đọc là trứ thuật, không phải “trước thuật” (nguyên chú của Phan Khôi).



SỰ NGAY THẬT CỦA HỌC GIẢ

Người ta ở đời chẳng có cái đức gì tốt mà đáng quý hơn là sự ngay thật. Học giả lại còn cần cái đức ấy hơn người thường. Sự ngay thật là cái cửa do đó học giả đi vào cõi thánh hiền.

Tôi thấy xưa nay có Khổng thánh là ngay thật hơn ai hết. Bất kỳ trăm sự ở đời, sự gì ngài đã tin chắc mình làm được thì nói ra một cách quả quyết; còn sự gì ngài còn chưa dám lấy làm tự tín, thì cũng khai thiệt ra, chẳng hề dối ai.

Có sao nói vậy như ngài, thế mới là ngay thật. Vẫn biết tự khiêm là một cái nết tốt, song làm người có sự tự tin thì mới ra người. Cái chỗ mình đã tự tin rồi mà nói ra không dám tỏ ý quả quyết thì lại thành ra giả dối, mất sự ngay thật đi.

Vậy mà mấy ông Tống nho giải nhời của Khổng Tử, giải sai đi hết làm mất sự ngay thật của ngài làm ngài ra giả dối. Tôi đọc sách, thấy những chỗ ấy giận lắm.

Người nước mình đã giả dối có tiếng, mà trong đám học thức, cũng lại giả dối quá người thường. Thật bụng thì kiêu căng tự phụ, coi người ta nửa con mắt, mà nói ra làm bộ khiêm nhường, theo lời tục nói, ở nhà như con tép. Cái sự tự khiêm giả dối ấy mỗi ngày một thêm lên, làm cho sự tự tín mất đi; dần dần chẳng có ai dám chịu trách nhiệm trong việc gì hết, mà ai ai cũng thành ra hiền nhân quân tử hết vì chỗ tự khiêm đó. Đó là cái bịnh di truyền mà Tống nho đã để lại.

Khổng Tử nói rằng: “Ta mười lăm tuổi mà chăm học; ba mươi mà tự lập; bốn mươi mà chẳng lầm; năm mươi mà biết mạng trời; sáu mươi mà tai thuận; bẩy mươi mà theo cái điều lòng ta muốn, chẳng hề vượt ra ngoài phép tắc”.

Ngài nói vậy là cứ thực mà lịch tự(*) sự tiến đức của mình, tuổi càng cao thì đức càng tới. Cái sự duyệt lịch của ngài đem mà nói ra, thật đáng cho chúng ta tin.

Vậy mà Trình Tử lại giải rằng: “Khổng Tử là đấng sanh ra mà biết, thế mà ngài cũng nói rằng bởi học mà đến, là để khuyến miễn người sau”.

Giải như vậy là nghĩa gì? Sao Khổng Tử nói thật sự mình, lại không chịu mà làm cho ra ngài nói dối? Cái học của ngài là cái học “vị kỷ”, ngài lo việc mình đó mà chưa xong, biết đâu người sau mà khuyến miễn? Lại còn vu cho ngài là “sanh tri”, cái đó mới quá là nói dối. Bởi vì có lần ngài đã thú thật mà rằng: “Ta chẳng phải sanh ra mà biết, bèn là kẻ hiếu cổ và siêng tìm tòi”. Ngài đã không nhận mình là sanh tri, sao lại còn vu cho ngài là sanh tri.

Trong Luận ngữ còn có nhiều chỗ ngài nói thật nữa. Như ngài nhận rằng mình chưa làm được quân tử, không dám đương cái địa vị(*) thánh và nhân, ấy bởi ngài thấy khó nên ngài nói như vậy. Thế mà những chỗ ấy, Tống nho đều giải rằng ngài làm dù được, song nói khiêm để dạy đời sau, thì tôi chẳng biết căn cứ vào đâu! Cho nên tôi có tin thì tin Khổng Tử, chớ chẳng tin Tống nho chút nào hết.

Tùy việc đáng tự nhiệm thì tự khiêm, nghĩa là ngài thấy mình làm chưa chắc được mà tự khiêm; còn việc gì ngài đã tin chắc mình được thì không còn tự khiêm nữa. Như ngài nói: “Như có ai dùng ta, giáp năm thì thấy khá, ba năm thì nên”, và rằng: “Như có ai dùng ta, ta sẽ làm nên nhà Chu ở phương Đông”. Lại có khi ngài tự phụ rằng cả đời chẳng có ai biết mình hết, chỉ có trời biết. Những chỗ ấy cũng chẳng qua là chỗ ngài nói thật, tỏ ra sự ngay thật của ngài.

Trong óc Tống nho cứ yên trí rằng Khổng Tử là thánh, rồi chỗ nào ngài cũng tự tín thì thôi còn chỗ nào ngài chưa tự tín thì lại cho là ngài nói khiêm. Cái thánh của ngài hà tất phải như vậy? Mà có lẽ ngài nên thánh là nhờ ở sự ngay thật.

PHAN KHÔI

Phổ thông, Hà Nội, s.60 (11.9.1930)



(*) lịch tự: (chưa rõ nghĩa).

(*) bản gốc là “đại vị”, ở đây tạm sửa là “địa vị”.



HẠNG QUÂN TỬ GIẢ DỐI



Người quân tử trong lý tưởng của Khổng môn thế nào, đừng tìm tòi cho lắm, chỉ đọc cuốn Idéal du sage(*) của ông Phạm Quỳnh cũng đủ thấy. Cái nhân cách của quân tử lớn lắm, chớ chẳng phải bo bo giữ lấy một vài điều vụn vặt của đạo đức mà đã làm nên quân tử đâu.

Rút bớt cái nhân cách quân tử cho nhỏ lại, ấy là từ Tống nho. Tống nho dạy người ta cũng làm như mình, thứ nhất là phải thúc thân quả quá, nghĩa là phải bó mình cho ít lỗi chừng nào thì hay chừng nấy. Tôi cho chỉ vậy mà thôi, chẳng đủ làm quân tử.

Chớ ai tưởng rằng tôi khuyên người ta nên phạm tội lỗi cho nhiều. Song tôi chỉ có ý nói rằng bó mình ít lỗi, cái đó không đủ làm quân tử, bởi vì muốn làm quân tử thì phải khuynh hướng về mặt tích cực, chớ còn nệ một mặt tiêu cực mà thôi, không đủ.

Hạng người quân tử ở nước ta mà tôi thấy, thì hầu hết là ở trong cái phạm vi của Tống nho. Họ chỉ giữ mình đừng đánh bạc, đừng uống rượu, đừng mang tiếng xấu, ấy là họ kể chắc là mình làm quân tử rồi.

Thế nhưng có phải họ giữ mình thật được như vậy đâu. Trong đám họ có nhiều người giả hình lắm. Tôi biết chán. Tức như ông Mỗ, ban ngày làm bộ đạo mạo, mà tối thì lại đi kiếm gái cả đêm. Họ thích gái thì đi kiếm gái, cái đó tôi không trách; trách là trách đã vậy sao còn làm bộ đạo mạo.

Tôi ghét họ một điều thứ nhứt là “sợ mang tiếng”. Chỗ đó thật tỏ ra là tiểu nhân đặc. Cho nên tôi đoán họ sở dĩ giữ mình như vậy là chỉ sợ mang tiếng mà thôi; nếu khi họ thấy là không ai biết việc mình làm, mình chắc khỏi mang tiếng, thì việc bậy gì họ chả làm? Ban đêm đi kiếm gái, ấy là việc mà họ tưởng rằng không ai biết, họ sẽ không mang tiếng đâu, cho nên họ làm. Ấy là hạng quân tử giả dối.

Người quân tử thật, thì giữ ở chỗ một mình mình biết theo thánh nhân, gọi là “thân đọc”. Việc gì cho là không đáng, cho là trái với lương tâm thì dầu không ai biết không mang tiếng, cũng không làm.

Tôi tưởng, hết thảy mọi sự chơi bời, nếu trên đời chẳng có thì thôi, đã có thì mình nhúng vào, cũng chẳng hại chi, miễn là không chìm đắm ; cái hạng người vào đâu bị đắm đó, thôi còn nói chi nữa. Chớ còn cố mà tuyệt mọi sự ấy, không dám lại gần, tôi cho là người non gan, tầm thường, sợ thì giữ gìn như vậy cũng phải, nhưng nội bấy nhiêu mà đòi làm quân tử thì đâu được? Quân tử đâu có dễ như vậy? Khổng Tử, ngài còn coi mọi sự ấy như không. Ngài có kể ra mấy cái đức ngài không có mà một là “không bị rượu làm khốn”. Lại học trò ngài cũng nói thật rằng ngài uống rượu không biết mấy mà kể, duy chẳng đến nỗi say mà bậy bạ. Đừng bậy bạ thì thôi, chớ sau thì Khổng Tử cũng say. “Duy tửu vô lương, bất cập loạn”.

Đại triết Hy Lạp là Socrates cũng vậy. Ngài ăn ở cực kỳ là kham khổ, ấy là cái tánh ngài tự nhiên, chứ không phải cố ý. Socrates chẳng hề khi nào đi kiếm rượu thịt, song gặp mà từ chối không được, thì cũng lại ăn lại uống như người thường. Ấy là theo trong bổn truyện ngài có chép.

Nhân tôi đọc truyện Socrates, lại nhớ đến trong Luận ngữ có chép về mấy điều Khổng Tử đối với sự uống rượu đã dẫn như trên, mà tôi thấy ra các bực thánh triết đời xưa không có bó mình trong những cái tiểu tiết như Tống nho, như người quân tử đời bây giờ. Sự bó mình đó tôi không phản đối; tôi phản đối những người nào chỉ biết bó mình hoặc làm bộ bó mình mà dám tự cao mình là quân tử.

PHAN KHÔI

Phổ thông, Hà Nội, s.64 (16.9.1930)



(*) Tên sách đầy đủ: L’ Idéal du sage dans la philosophie confucéenne (Lý tưởng hiền nhân trong triết học Khổng giáo, 1928).



NÓI THẾ NÀO LÀ KHIẾM NHÃ

Tục ta, trong khi nói chuyện hay viết văn, phải giữ từng lời từng chữ, hớ ra một chút thì kẻ nghe đã cho là “khiếm nhã”. Hai chữ “khiếm nhã” thật chẳng biết lấy đâu làm giới hạn; vậy thế nào là “khiếm nhã”?

Khi nói hay viết mà thật có ý dùng lời thô bỉ thì cho là khiếm nhã cũng còn có thể được. Chứ như người nói, nói một đường, kẻ nghe, nghe ra một ngả, lấy cái ý xỏ xiên mà hiểu cái lời ngay thẳng, rồi cho là khiếm nhã thì thật là kỳ quái.

Về triều Tự Đức, thi hương tại Huế, khi nào phúc hạch, trong quyển người kia có một câu là “vi thiên tử chi ấp” bị quan trường đánh “khiếm nhã”, rồi người ấy rớt bay.

“Vi thiên tử chi ấp”, tác giả có ý chỉ tỉnh Thanh Hóa là làng của vua, như vậy có hại gì đâu? Vậy mà quan trường hiểu ra nghĩa khác, hiểu rằng “ là người ôm ấp” của thiên tử (!) nên mới đánh là khiếm nhã. Nói vô lý như thế mà làm cho người ta hỏng đi, ác quá!

Lại như ở Nam kỳ, người ta không kêu bằng “các thầy” mà kêu bằng “mấy thầy”, cũng là sợ khiếm nhã mà kêu như thế. Người ta biểu rằng “các thầy” mà nói lái lại “cầy thác”; cầy thác tức là chó chết, vậy nói “các thầy” cũng như nói “chó chết”, cho nên người ta tránh đi mà không nói.

Các thầy mà nói ra mấy thầy thì sai nghĩa, vì mấy thầy chỉ là một phần trong các thầy mà thôi, cũng như trong tiếng Pháp, khi nói “les maitres” với khi nói “des maitres” có nghĩa khác nhau, thế mà người ta chỉ sợ sự khiếm nhã chớ không sợ sự sai nghĩa!

Cái cách hiểu như vậy là do sự xấu bụng mà ra. Mình có bụng xấu trước, rồi mới ngờ vực hay là thêu dệt lời người ta ra cho xấu như bụng mình. Nếu cứ theo cách bới móc của người xấu bụng đó thì lời của thánh hiền đời xưa, thành ra khiếm nhã hết, nhứt là của Khổng Tử!

“Tử Du hỏi hiếu.

Thầy rằng: đời nay mà kêu là hiếu, ấy là chỉ kẻ hay nuôi cha mẹ. Vả cho đến chó và ngựa nữa mà mình cũng còn nuôi nó được thay; vậy nếu nuôi cha mẹ mà chẳng kính, thì lấy gì để khác với nuôi chó, ngựa?” (Luận ngữ, vi chánh).

Đó, giá trong chúng ta đây có ai nói như Khổng Tử đó kẻ nghe đã nhao nhao lên cho là khiếm nhã rồi. Mà câu này có lẽ lại phạm tội gì nặng hơn tội khiếm nhã nữa, vì đã rõ ràng đem sự nuôi cha mẹ mà sánh với sự nuôi chó ngựa, ấy tức là đem cha mẹ sánh với chó ngựa!

Lại một chỗ nữa, có mấy người ẩn sĩ trách ngài sao có đi lăng xăng lo cứu đời làm chi. Khổng Tử ngậm ngùi mà nói rằng: “Duy có chim muông thì mới không bầy bạn với chúng nó được; chớ còn dân này, nếu ta không cùng ở với họ thì với ai?” (Luận ngữ, vi tử).

Mấy nhời ngài nói đó nếu nói ra giữa xã hội này thì chắc sẽ bị đồng bào ồ lên mà quở trách. Đồng bào sẽ nói rằng: sao lại đem điểu thú mà nói chung với một dân tộc? Sao lấy con gà, con chó mà nói xấp nhập với anh em con Rồng cháu Tiên? Quở trách như vậy rồi đồng bào sẽ nổi lên mà “tẩy chay” người nói đó, làm cho điêu đứng đi, làm cho phải rúc vào núi vào rừng mà ở với chim muông thực sự, để phạt cái tội nói khiếm nhã! Cho nên, thật ăn chung ở lộn giữa dòng dõi vua Hùng Vương này mà nói năng có dễ chi!

Lại còn Khổng Tử ngài cũng có nói “hiếu đức như hiếu sắc”. Thế là ngài cũng nhận cho sự hiếu sắc là cái thiên tánh của người ta, làm đàn ông thì ai cũng ưa sắc đẹp của đàn bà. Nhưng mà, theo các ông quân tử của chúng ta thì nói như vậy là tiết áp, là giọng phong tình, người quân tử không hề nói.

PHAN KHÔI

Phổ thông, Hà Nội, s.72 (26.9.1930)



TỪ ĐÂU NGƯỜI MÌNH KÊU NGƯỜI TÀU LÀ “CHỆT”?



Người Việt Nam ta thường kêu người Trung Hoa bằng người Tàu, người Khách, lại cũng kêu bằng Khách Ngô, các chú; những danh từ ấy đều có lai lịch, đều có thể cắt nghĩa cho thông được hết. Duy có tiếng “Chệt” hay là “chiệt”(*), người mình cũng có dùng để kêu họ nữa, tiếng nầy thì chẳng biết từ đâu ra, có nghĩa chi.

Có người nói rằng chữ “Chệt” hay là chữ “Chiệt” đó có lẽ do chữ “Chiết” mà ra. Bên Tàu có tỉnh Chiết Giang từ xưa người tỉnh ấy hay sang xứ ta, nên ta kêu người Chiết mà trái ra là “Chệt” hay “Chiệt”.

Đó là nói ước chừng, chẳng có dựa vào bằng chứng đâu cả. Mà cứ theo sự thực lại không đúng. Vì tỉnh Chiết Giang ở gần Thượng Hải về miền bắc Trung Hoa, người tỉnh ấy ít qua xứ ta lắm; người Tàu sang xứ ta nhiều nhứt là người Quảng Đông và Phúc Kiến, vậy thì nếu ta có lấy tên tỉnh mà kêu chung người Trung Quốc thì sao không lấy tên hai tỉnh này mà lấy tên Chiết Giang?

Người cái thuyết ước chừng mà không có thể nghe được ấy, chưa thấy ai giải thêm một nghĩa nào khác.

Tôi đọc bộ sách Đông Dương sử, thấy có một chỗ nói về cái tên người Tây dùng mà kêu người Tàu đời xưa, thì tôi sực nhớ lại chữ “Chệt” hay là “Chiệt” ấy, dường như hai đàng có quan hệ với nhau thì phải. Tôi bèn viết ra đây để làm một cái tài liệu cho nhà sử học dựa theo mà nghiên cứu nếu lời của tôi có ít nhiều giá trị.

Tôi phỏng định rằng tiếng “Chệt” hay là “Chiệt” ta dùng mà kêu người Tàu ấy, là do tiếng Tây mà ra. Chữ “tiếng Tây” tôi dùng đây, là chỉ về tiếng của một nước trong Âu châu đời xưa, không biết rõ là nước nào, có lẽ là nước La Mã (Rome).

Sách Đông Dương sử nói rằng: Nguyên bên Tàu đời xưa hồi La Mã đế quốc thì những hàng tơ lụa của Trung Quốc đã được đem vào Âu châu. Người Tây kêu thứ hàng tơ lụa ấy bằng “serge”. Nhân đó họ kêu đất Trung Quốc là “Serica” và kêu người Trung Quốc là “Seres”.

Trong chữ “serge” đó, phần nửa trên, “ser”, là do chữ “tăng nhi” của Tàu mà ra; phần nửa dưới, “ge” là cái ngữ vĩ (terminaison) của Tây thêm vào. Còn “Serica” nghĩa là xứ đất sanh sản ra thứ “ser” ấy vậy.

(Tiếng Pháp bây giờ cũng có chữ “serge” để kêu một thứ hàng dệt, song hàng này bằng lông, không phải tơ).

Nếu vậy thì đời xưa vào khoảng trước và sau Gia-tô giáng sanh người phương Tây kêu người Trung Hoa là “Seres” chớ không kêu bằng “Chinois” như bây giờ. Chữ “Seres” ấy mà đọc mau thì gần như “xẹt” trong tiếng ta và “xẹt” thì có thể chuyển sang “Chệt” và “Chiệt” dễ lắm.

Lại tại làm sao mà chữ “Seres” của Tây dùng mà kêu người Tàu đó lại truyền sang xứ ta? Cũng cứ theo sách Đông Dương sử có chép những sự tích như vầy:

Năm 162 theo Tây lịch, người La Mã chiếm được miếng đất chỗ vịnh Ba Tư bèn do đó đi vòng Ấn Độ Dương thẳng đến biển Trung Quốc. Vị sứ thần của La Mã sai qua đó đi đã mấy năm mới đến Giao Chỉ. Theo như Hán thư chép, thì năm thứ 9 hiệu Duyên Hy, đời vua Hán Hoàn đế, vua nước Đại Tần sai sứ đến Nhật Nam dâng những ngà voi, u tây và đồi mồi. Âu châu với Á Châu mà giao thông với nhau bằng đường biển là bắt đầu từ đó (Đại Tần tức là La Mã).

Sau đó vào đời Tam Quốc, năm thứ 5 hiệu Hoàng Vũ nhà Ngô (227) cũng có người lái buôn nước Đại Tần đến Giao Chỉ.

Coi đó thì đời xưa người Tây người Tàu giao thông với nhau là lấy nước ta làm đường đi băng. Bởi vì, cứ như sử chép đó, Giao Chỉ tức là đất thuộc về Bắc kỳ ta bây giờ, còn Nhật Nam tức là đất thuộc về Trung kỳ ta bây giờ vào đâu đỗi Quảng Nam và Huế. Mà đời bấy giờ nước ta làm thuộc địa Tàu, cho nên Tàu với Tây cứ việc tự do lấy các phụ đầu(*) của nước ta làm chỗ giao thông, khỏi phải nộp món thuế kinh quá(**) lôi thôi như bây giờ vậy.

Người Tây đời bấy giờ đã do đất ta mà giao thông với Tàu, và bấy giờ họ lại kêu người Tàu là “Seres”, vậy thì trong khi họ lưu trú ở đây, ta cũng bắt chước tiếng của họ mà kêu người Tàu là “xẹt” rồi lâu trại bẹ, thành ra “Chết” hay là “Chiệt”, ấy là sự có thể lắm.

Nếu quả vậy thì tiếng “Chệt” của ta có lâu lắm; có gần đến hai ngàn năm nay.

PHAN KHÔI

Phổ thông, Hà Nội, s.80 (5 và 6.10.1930)



(*) nói theo giọng đồng bằng Bắc Bộ là Chiệc.

(*) phụ đầu: bến sông, cảng biển.

(**) kinh quá: đi qua.



LUẬN NGỮ CỦA TỐNG NHO



Từ các ông Tống nho đem các kinh truyện của thánh hiền ra mà chú thích lại hết, về sau các nhà vua bắt học trò phải theo đó mà học; bên Tàu cũng vậy, bên ta cũng vậy. Cho nên, cứ như con mắt kẻ học ở nước ta hồi trước, thì lời thánh nhân khó hiểu, phải nhờ tiên nho đưa đường dắt lối cho mới hiểu được. Mắt thấy thế nào, óc tin thế ấy, ai ai đều nghĩ rằng lời tiên nho tức là lời thánh nhân. Song le, đó là khi mình còn làm nô lệ người đời xưa thì tin cho là như vậy; nếu khi tư tưởng mình đã được độc lập, đối với mọi sự ở thế gian mình biết mở cái mối hoài nghi và tự do nghiên cứu, thì cái tia sáng của chơn lý sẽ bày ra trước mắt mình.

Tức như một sách Luận ngữ, kể nội bài cái mà thôi, thì là sách Luận ngữ của thầy trò Khổng thị; còn kể cả bài con, theo như Chu Hy chương cú, thì phải nói ấy là sách Luận ngữ của Tống nho. Vì những bài con của họ Chu dùng mà giải bài cái đó, thấy ra có nhiều chỗ quyết là không đúng với ý bài cái.

Gần nay tôi bắt đầu đọc lại bộ Luận ngữ từ đầu đến cuối, sau khi tôi lấy nội những bài cái đem so sánh nhau, rồi tôi mới dám đoán quả là như thế.

Chương đầu hết, Khổng Tử nói “Học nhi thời tập chi”. Chu Hy giải rằng: “Học chi vi ngôn hiệu dã hậu giác giả hiệu tiên giác chi sở vi dã”. Nói nôm ra là: “Chữ “học” nghĩa là bắt chước, kẻ biết sau bắt chước cái điều mà kẻ biết trước đã làm”.

Chữ “học” mà cắt nghĩa ra như vậy, nghe thật mênh mông quá. Bắt chước là bắt chước cách làm sao? Làm như thế nào thì kêu bằng “bắt chước”?

Tôi bèn lấy hết thảy những lời thánh nhân nói trong Luận ngữ, những chỗ có quan hệ với sự học, đem ra mà đối chiếu, thì thấy ra ngài kêu bằng “học” đó, không phải là “bắt chước” như lời chú thích của Chu Hy.

Đây chỉ lấy chứng cớ ra một ít mà thôi cũng đủ. Có chỗ Khổng Tử nói: “Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc”; lại nói: “Chí ư đạo, cư ư đức, y ư nhân, du ư nghệ”; lại nói: “Nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ… hành hữu dư lục, tắc dĩ học văn”; lại có lần ngài bảo con trai của ngài phải học kinh Thi và kinh Lễ. Ta lấy những lời ngài đó mà hội thống lại, có thể cấp cho chữ “học” một cái định nghĩa như vầy: “Học, tức là làm các việc theo bổn phận mình phải làm và nhứt là phải đọc sách”.

Có lẽ sự học hồi Khổng Tử cũng chẳng khác sự học ngày nay là bao nhiêu, nghĩa là lấy sự đọc sách làm một phần lớn trong công phu học vấn. Cái giả thuyết (hypothèse) đó có một câu trong Luận ngữ đem làm chứng vững vàng được, là câu Tử Lộ nói: “Hà tất độc thư, nhiên hậu vi học?” Nội một câu đó tỏ ra rằng đời bấy giờ dầu trong cửa Khổng đi nữa, người ta cũng cho sự đọc sách tức là học đó, nên Tử Lộ mới bác đi mà nói như vậy chớ. Vậy mà giải nghĩa “học” là “bắt chước” thì thật chẳng biết họ Chu căn cứ vào đâu mà nói thế?

Đến như câu ngài nói: “Xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hĩ nhân”, ý ngài thật là rõ ràng lắm. Chẳng qua ngài nói rằng: trong những người có lời nói khéo léo, đáng mặt hiền lành, thì ít có kẻ nhân. Trong đám đó, hoặc có kẻ nhân, chửa biết chừng; nhưng dầu có cũng có ít lắm. Chỗ khác ngài nói: “Cương nghị mộc nột cận nhân”. Mộc nột nghĩa là thật thà chất phác. Bởi những người thật thà chất phác gần với nhân, cho nên trong đám người xảo ngôn lệnh sắc ít kẻ nhân là phải. Bên này ngài nói ít, chớ không phải tuyệt nhiên không có, cũng như bên kia ngài nói gần, chớ không nói mộc nột tức là nhân.

Vậy mà dưới chương đó, Chu tử giải rằng: “chuyên ngôn tiển, tắc tuyệt vô khả tri”, nói nôm là “Tuy ngài chỉ nói ít mà thôi song có thể biết rằng tức là không trơn vậy”. Giải như vậy thì kỳ quái quá! Sao Khổng Tử chỉ nói ít mà thầy Chu lại nhè bẻ hầu vặn họng ngài, bắt phải nói “không trơn”?

Lời thánh hiền đời xưa nói ra có mực có thước, thấy tới chừng nào thì nói chừng nấy, ấy là cái chỗ ngay thật của thánh hiền, mà Tống nho lại làm cho mất sự ngay thật ấy đi, là nghĩa làm sao?

Cứ trong một sách Luận ngữ, chỗ nào thấy là ít thì nói tiển hĩ. Như: “Dân tiển năng cữu hĩ” và “Dĩ ước thất chi giả tiển thì”, những chỗ ấy cũng đồng một ý như trong chương nầy, vì ngài thấy là ít thì ngài nói ít.

Cũng theo Luận ngữ, có một chỗ chỉ rõ ra rằng hễ ít thì nói tiển hĩ, còn không trơn thì phải nói “vị chi hữu dã”, nghĩa là chưa hề có. Tức như Hữu Tử nói: “Kỳ vi nhân dã hiếu đễ, nhi hiếu phạm thượng giả tiển hĩ; bất hiếu phạm thượng nhi hiếu tác loạn giả vị chi hữu dã”. Câu ấy chỉ ra rằng: Trong hạng người hiếu đễ, hoặc giả còn có kẻ ưa phạm thượng chăng, nhưng mà ít lắm; chớ còn đã chẳng ưa phạm thượng mà lại ưa tác loạn thì hạng người ấy thật là không trơn, chưa hề có bao giờ.

Vậy nếu đức Khổng ngài nghĩ rằng trong hạng người xảo ngôn lệnh sắc, tuyệt nhiên không có kẻ nhân ở trong, thì thế nào ngài cũng phải nói rằng: “Xảo ngôn lệnh sắc nhi nhân giả, vị chi hữu dã” mới phải. Nay ngài đã nói tiển hĩ, mà nhà chú thích lại cắt nghĩa là tuyệt vô, thì thật là ngang quá ghẹ!

Cho nên tôi nói rằng sách Luận ngữ có Chu Hy chương cú đó là Luận ngữ của Tống nho. Nếu theo sách ấy mà tìm đạo Khổng thì e rằng khó mà thấy đạo Khổng chân thật.



PHAN KHÔI

Phổ thông, Hà Nội, s.81 (7.10.1930)

PHAN KHÔI : ĐỌC BÀI “CHIÊU TUYẾT CHO MỘT NHÀ CHÍ SĨ” CỦA ÔNG HUỲNH THÚC KHÁNG

PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930





ĐỌC BÀI “CHIÊU TUYẾT CHO MỘT NHÀ CHÍ SĨ”
CỦA ÔNG HUỲNH THÚC KHÁNG

I

Độc giả hẳn còn nhớ trên tờ báo nầy, trước kia có đăng bài Cảnh cáo học phiệt của tôi, kế đó có đăng bài trả lời của ông Phạm Quỳnh, mới rồi lại có đăng bài của ông Huỳnh Thúc Kháng, cũng nghị luận về một việc.

Bài ông Huỳnh có ý bác lời của ông Phạm mà binh vực cho sự chủ trương của ông Ngô Đức Kế, là một trang chí sĩ đã quá cố, và đã công kích sự cổ động Truyện Kiều của ông Phạm Quỳnh năm xưa.

Lá lay gây ra việc nầy là tự tôi. Song sau khi đọc bài ông Phạm trả lời, tôi lại bỏ đi mà không nói nữa; trong số 70 của Phụ nữ tân văn, tôi chỉ nói riêng về cái ý kiến lập hội “chấn hưng quốc học” của ông ấy. Tuy vậy, tôi cũng tỏ ý mong cho tòa án dư luận phân xử vụ kiện không thuộc về hình luật mà cũng không thuộc về dân luật đó.

May sao báo Tiếng dân trong một số mới rồi, Huỳnh Thúc Kháng tiên sanh lại có bài can thiệp vào mà thẩm phán. Tôi đọc qua thì mừng lắm, vì thấy lần nầy trong hàng thức giả đã có người không lấy cái thái độ nguội lạnh mà đối với dư luận như trước nữa.

Bài của ông Huỳnh, độc giả ai nấy chắc đã chú ý mà đọc, vì nó là một việc quan hệ chẳng phải nhỏ, vả lại là lời ra từ miệng một bậc đàn anh. Tôi đây cũng vậy. Nhưng tôi lại thấy rằng trong đó còn có một đôi chỗ không được đích xác và công bình cho lắm. Vậy xin phép trước là Huỳnh tiên sanh, sau là độc giả, cho tôi chỉ ra những chỗ ấy.

Huỳnh tiên sanh nhắc lại bài ông Ngô là một bài quan hệ về học thuật, có giá trị lắm, cái đầu đề của nó là Chánh học với tà thuyết, vậy thì không phải là câu chuyện cá nhân, câu chuyện quyền lợi, không quan hệ với học vấn tư tưởng như ông Phạm Quỳnh đã khai ra. Ông Huỳnh dùng chỗ đó mà bác lời ông Phạm, chắc độc giả ai cũng phải nhận là có lẽ lắm. Tôi cũng vậy, tôi cũng nhận chỗ đó thật đáng gọi là “nhứt ngôn cư yếu”, nghĩa là một lời mà nắm được chỗ khẩn yếu vậy.

Phải chi toàn bài, Huỳnh tiên sanh cứ một chỗ đó mà lập luận thì dầu chính ông Phạm Quỳnh là người bị công kích cũng phải tâm phục. Song tiếc thay, trong bài ấy, có chỗ tỏ ra tây vị ông Ngô quá và có chỗ lại như tuồng nói xoi ông Phạm, làm cho ông nầy không phục tình cố nhiên, mà cho đến người thức giả ở ngoài cuộc cũng không phục tình.

Huỳnh tiên sanh kể qua cái tâm sự chí khí của ông Ngô, rồi nói rằng: “Trong cái sự nghiệp trứ tác của ông (Ngô), bài Chánh học cùng tà thuyết nói ở trên chỉ là một bài trong ngàn bài khác”.

Chắc ông Phạm Quỳnh có đọc tới câu nầy thì ông phải bĩu môi. Mà còn người khác nếu người ta biết ông Ngô như tôi biết, thì không bĩu môi đi nữa cũng phải lắc đầu lè lưỡi, nói rằng: Văn của ông Ngô Đức Kế làm gì mà có đến ngàn bài? Cứ như tôi biết, thì ông Ngô ở vào thời đại “duy tân” (1906-1908), có được đôi ba bài cổ động gì đó bằng chữ Hán, khi ở Côn Lôn có được mấy bài thơ; còn hồi làm chủ bút Hữu thanh thì ông viết cả thảy chừng mấy chục bài mà có chừng năm ba bài xuất sắc, sau đó thì ông có xuất bản đôi cuốn sách mà không có giá trị mấy, vì toàn là văn sao tập và văn dịch. Như vậy mà nói rằng số văn của ông Ngô đến hằng ngàn thật là nói thêm nhiều quá!

Tôi nói như vậy không phải là nói ông Ngô làm văn có ít để hạ giá ông xuống đâu. Nếu văn ông là hay, là có quan hệ với nhân tâm thế đạo thì ít cũng không hại chi, vì theo lời tục nói, “quân tử quý tinh bất quý đa”. Ý tôi nói đây là chỉ muốn cho Huỳnh tiên sanh phải nói theo sự thiệt, khi nào văn của ông Ngô đến số ngàn thiệt, thì hãy nói số ngàn; bằng không, ổng có chừng nào, hẵng nói chừng nấy.

Xin Huỳnh tiên sanh cùng độc giả đừng cho sự tôi chỉ trích đây là mọn mạy không quan hệ. Tôi coi ý tiên sanh làm văn, khi dùng những chữ số mục thường không cố ý cho thiệt đúng. Cách đây hai năm, khi tiên sanh đọc bài diễn văn tại viện dân biểu Trung kỳ mà bị ông Jabouille kháng cự, cũng chỉ vì tiên sanh dùng những chữ số mục nói về trường học không được đúng. Theo lẽ ra thì bài diễn văn ấy chẳng có chỗ nào kháng cự được hết, song người ta đã sẵn cái ý kháng cự rồi, thì bắt ngay cái chỗ hớ ấy mà kháng cự lại tiên sanh.

Trong bài nầy đây, nếu ông Phạm không phục tình thì cũng sẽ lấy cớ ông Huỳnh nói thất thiệt mà cho là có ý tây vị ông Ngô đó vậy.

Lại một chỗ nữa, Huỳnh tiên sanh đã tỏ ra cái thái độ không được đường đường chánh chánh cũng đủ làm cho ông Phạm không phục tình.

Số là ông Phạm Quỳnh từ hồi làm chủ bút Nam phong đến giờ, đi đâu một bước cũng có làm du ký. Ấy là Mười ngày ở Huế; Một tháng ở Nam kỳ; Ba tháng ở Paris. Sự đi ra mà làm du ký là sự thường, ai không muốn làm thì thôi, chớ làm du ký không phải là sự “mua danh”. Nếu hễ thấy làm du ký, cho là “mua danh”, thì ai cũng sẽ tránh cái tiếng ấy mà không còn ai dám làm du ký nữa, rút lại, chúng ta sẽ không có một cuốn du ký nào mà đọc.

Vậy mà Huỳnh tiên sanh nói rằng: “Ông (Ngô) có làm Côn Lôn du ký mà tuyên bố để mua danh đâu”. Tiên sanh nói câu ấy thật rõ là nói xoi ông Phạm Quỳnh đã làm nhiều lần du ký.

Trên câu ấy, tiên sanh bẻ ông Phạm mà nói rằng: “Còn nói ông Ngô có cái lịch sử 10 năm ở Côn Lôn nên ông không ngang sức, thì thật là vô lý. Mười năm Côn Lôn là một vấn đề, bác sự học Kiều là một vấn đề khác, hai điều có dính liếu gì đâu. Và trong bài Chánh học của ông Ngô, ông có đem mười năm Côn Lôn mà khoe với ai đâu?” Những câu ấy thật là chánh đáng lắm. Đương nói giọng chánh đáng đàng hoàng như vậy, sao tiên sanh lại xạ vào một câu như tuồng soi bói ông Quỳnh, thì có phải là phí mất chăng? Đáng tiếc thay!



II



Trong bài phê bình I của tôi, tôi vẫn cũng chịu bài của ông Huỳnh là một cái nghị luận đường chánh, là một cái ý kiến đáng và cần phát biểu; song tôi chỉ tiếc có hai chỗ: một chỗ nói thất thiệt và một chỗ có ý xoi bói. E vì những chỗ ấy làm cho người bị công kích không phục tình.

Tuy vậy, còn nữa. Hai chỗ đã chỉ ra đó chẳng qua là chỗ dễ thấy hơn; đến có chỗ mới nghe qua vẫn là đường chánh, mà xét kỹ lại, cũng thành ra thất thiệt và hàm cái ý xoi bói nữa, chỗ nầy hơi khó thấy, hôm nay tôi chỉ nốt ra đây.

Huỳnh tiên sanh nói rằng:

“Ông Ngô Đức Kế là một người tài học trổ từ lúc thiếu niên, nếu như có ý thờ cái chủ nghĩa vinh thân phì gia, mượn lối văn chương để tiện đường mua giàu chác tiếng như ai, thì trong đám người đời mà lên mặt sang trọng thông thái ấy, ông làm đến đâu cũng thừa ra. Thế mà hy sinh cả thảy, chỉ ôm một lòng lo việc chung cho đất nước, trọn đời đày đoạ mà cứ khăng khăng một mực, cho đến ngày đậy nắp hòm!…”

Một đoạn ấy lời văn rắn rỏi, lại đầy những cái ý cảm khái lâm ly, chắc có nhiều người đọc tới mà lấy làm phấn khích, hoặc giả đến nỗi có kẻ phải sa nước mắt chưa biết chừng. Mà thật thế, cái lối văn thuộc về tình cảm nó nuốt người ta mạnh lắm, có khi nó cướp mất cả phần lý trí.

Vậy mà theo con mắt nhà phê bình, trong bài của ông Huỳnh có đoạn nầy là đoạn nhiều lỗi hơn hết, chẳng phải chơi. Tôi nói như vậy chắc có người cho tôi là vạch lông tìm vết. Song không phải đâu, xin thong thả nghe tôi cắt nghĩa.

Đoạn ấy cũng vẫn là thất thiệt. Xưa nay những người tài học trổ từ lúc thiếu niên, dầu là người có chí về danh lợi đi nữa đâu có phải hết thảy về sau đều trở nên người phú quý? Nếu bao nhiêu những người ấy trên đời nầy đều là người phú quý hết thảy, thì đoán quyết cho ông Ngô “làm đến đâu cũng thừa ra”, ai còn cãi được ư? Cái nầy, tôi thấy ra, có rất nhiều người học giỏi, đậu sớm, mà làm quan cứ trầm trầy trầm trật đến già một đời; còn có người đậu đại khoa sớm, làm quan to ngay, như ông Trần Hy Tăng, thì chưa đầy bốn mươi tuổi lại chết.

Huống chi, giở Đăng khoa lục ra mà coi, thì thấy từ đời Minh Mạng có thi hương thi hội đến giờ, phần nhiều bậc đại thần ở triều ở quận là cử nhơn xuất thân, chớ tấn sĩ lại là phần ít. Vậy nên ông Ngô mà cứ theo quan trường, đừng theo quốc sự, thì sự làm nên cùng chăng, cũng còn nằm trong hai chữ phận mạng, còn ở trong trái ổi, dựa vào hơi ông chi mà nói được rằng “làm đến đâu cũng thừa ra”? Phải chi chỗ nầy tác giả nói rằng “hoặc giả ông Ngô đã làm đến đâu rồi”, thì còn được, chớ nói quyết rằng “làm đến đâu cũng thừa ra”, thì là một điều phán đoán trái với luận lý học. Tôi nói là thất thiệt, vì thế.

Tài nào cho khỏi có người bảo phê bình như vậy là quá khắc. Song không phải khắc đâu. Theo văn học đời nay, nó cũng có cái khuynh hướng như cái khuynh hướng của triết học, tức là “Chơn, Mỹ, Thiện (le vrai, le beau et le bien). Đoạn [. . . .](*) của ông Huỳnh đây phạm vào mặt “bất chơn”, không [. . . .](*) được. Nếu không tin, ông nào giỏi tiếng Pháp thử dịch ra đi, mà phải giữ “temps des verbes”(**) cho thật đúng với nguyên ý, rồi nghe thử có được không?

Nhưng nếu theo lối văn khoa cử ngày xưa thì đoạn nầy có lẽ lại được khuyên nhiều. Vì trong những bài kinh nghĩa văn sách, người ta nói luôn luôn như vầy: “Phải chi đức Khổng thầy Mạnh mà được dùng ra, thì nói thiệt, cái đời Xuân thu Chiến quốc sẽ đổi ra Đường Ngu Tam đại tức thì. Tiếc thay thánh hiền chẳng gặp thời, làm cho muôn họ lúc bấy giờ không được gội nhuần ơn nho giả!”. Ấy đó, văn khoa cử thì là thế, không kể cái hoàn cảnh bấy giờ ra sao, không nhắm đến cái tài lực thánh hiền thế nào, chẳng thèm phòng hao chút nào hết, cứ nói đại đi rằng hễ thánh hiền thì làm muôn việc đều được, không làm, làm thì chắc được!

Đoạn ấy, chẳng biết ông Huỳnh có ngụ cái ý nói xoi ông Phạm Quỳnh không, song tôi đọc lên thì thấy có cái ý ấy. Ông Phạm có “thờ cái chủ nghĩa vinh thân phì gia” không, thì không biết; ông có “mượn văn chương” không, thì không biết; song một điều ai ai cũng biết, là ông ấy đã nhờ văn chương của mình mà được giàu (giàu hơn tôi) và được tiếng. Ở giữa đám chúng ta đây ông Phạm cũng đáng kể vào bậc “sang trọng và thông thái”, duy chưa chắc một điều là “lên mặt” cùng chẳng lên. Chỗ nầy tác giả cốt muốn đặt một ý giả thuyết (hypothétique) về ông Ngô, thế thì đặt cách nào chẳng được, lại nhè nhắm trúng vào ông Quỳnh mà đặt, vậy thì có thầy kiện nào già miệng đến nỗi cãi được rằng lời nói ấy là lời nói trực tình?

Lại còn phạm cái lỗi nói ra ngoài đề. Ông Huỳnh đương bẻ ông Phạm rằng cái bài ông Ngô nói chuyện chánh học với tà thuyết, là vấn đề quan hệ đến nhân tâm thế đạo, chớ không phải câu chuyện quyền lợi, câu chuyện cá nhân như ông Phạm nói. Nếu vậy thì chỉ cứ nên thân minh cái nghĩa chánh học và tà thuyết ra, để đè sấp cái nghĩa cá nhân quyền lợi bên kia đi là được rồi, hà tất phải chưng ông Ngô lên làm chi? Huống chi ông Phạm đã nói rằng ông Ngô có cái mười năm Côn Lôn, ông không ngang sức nên ông không đối đáp, thế là ông có ý nhượng bộ chỗ đó rồi. Nội một cái mười năm Côn Lôn, người ta đã nhượng bộ, sao ông Huỳnh lại còn đem cả nhân cách một đời của ông Ngô ra mà doạ thêm? Lại huống chi ông Huỳnh đã biết rằng trong bài ông Ngô, ông “không hề đem cái mười năm Côn Lôn ra mà khoe”, thì sao ông lại đem cả nhân cách một đời ông Ngô ra mà “khoe” trong bài của mình? Nói tóm lại, chỗ nầy ông Huỳnh chỉ nên luận về “việc”, chớ không nên đem cái “người” của ông Ngô và ông Phạm ra mà nói.

Sau hết tôi phải nói đến cái ý nầy, cái ý nầy thì khí cao một chút. Đại phàm người nào đã thật lòng hy sanh phú quý thì chẳng khi nào kể đến sự hy sanh ấy, mà cũng chẳng hề xem thấy cái phú quý của kẻ khác nữa. Nếu còn kể đến, còn xem thấy thì hình như hai chữ phú quý trong lòng mình còn chưa quên, và sự hy sanh ấy không phải thực lòng. Ông Ngô nếu thực lòng hy sanh, mà ông Huỳnh lại nói như vậy, vẫn biết là lời giả thiết, song cũng e làm cho ông Ngô ân hận dưới suối vàng nếu ổng có linh!

Năm ngoái, có người chí sĩ ở trong khám lớn Sài Gòn làm bài thơ, có một câu đại ý nói mình ở trỏng thì khổ nhục trăm bề, mà cứ nghe kèn xe hơi bốn phía ngoài tường, bóp lia bóp lịa, chẳng biết họ đi đâu mà sung sướng nỗi chi! Tôi nghe đọc thì tôi phê bình thầm vừa đủ tôi nghe mà rằng: “Ủa hay! người ta sung sướng thì người ta mới đi xe hơi, còn ông ở tù thì ông mới làm chí sĩ!”

Tôi nói đến cái ý cao nầy, xin đừng ai đem mà trách tôi. Trước hết tôi đứng lên tự nhận tôi là nhà phê bình đây; rồi tôi nói rằng tôi chẳng phải là chí sĩ, tôi chưa hề hy sanh cái gì, tôi vẫn chạy theo phú quý, song trong khi tôi phê bình, thì tôi có cái trách nhiệm nhắc cái văn phẩm lên cho cao.



III



Phê bình về một bài mà viết cho đến ba bài như vậy, thật là quá lượng, chẳng khác nào thuộc địa lại to hơn mẫu quốc! Tuy vậy, nhơn dịp nầy, cống hiến cho độc giả một vài điều nên biết trong cõi văn học đời nầy cũng hay.

Trong bài của Huỳnh tiên sanh có ý mạt sát Truyện Kiều đến nỗi nói rằng “người tô vẽ nó có công đức gì mà hoan nghinh?” Rồi đó tiên sanh lại trưng ra những cái tội ác của xã hội ngày nay như là say mê sóng sắc, chìm nổi biển tình, dứt cả nền nếp gia đình, trật tự xã hội mà đổ tội cho kẻ tán dương Truyện Kiều; như vậy thật là quá đáng.

Muốn đánh giá Truyện Kiều và cái công nghiệp văn chương ông Nguyễn Du cho vừa phải, đừng cao quá, đừng hạ quá, thì trước hết phải hiểu trong cõi văn học của thế giới ngày nay có hai cái khuynh hướng trái nhau mà cũng có thế lực ngang nhau. Ấy là một phái chuyên trọng về nhân sanh; một phái chuyên trọng về nghệ thuật.

Phái nhân sanh có một lời tiểu biểu rằng: Nghệ thuật vì nhân sanh (l’art pour la vie). Phái ấy chủ trương rằng cái mục đích của văn học là ở có ích cho xã hội, có lợi cho đạo đức, cho nên bất kỳ văn chương nào hay mấy đi nữa mà trái với cái mục đích ấy cũng thành ra đồ bỏ. Còn phái nghệ thuật lại có lời tiêu biểu phản lại nói rằng: Nghệ thuật vì nghệ thuật (l’art pour l’art). Đại khái phái nầy chủ trương rằng cái mục đích của văn học là ở sự đẹp, bên ngoài sự đẹp không còn có mục đích gì, cho nên bất kỳ văn chương nào miễn cho hay cho đẹp thì thôi, chớ không kể là có ích cho đời người cùng chăng. Ấy, cái đại thể trong cõi văn học của thế giới ngày nay có chia ra hai phái là như vậy.

Hai phái ấy phái nào cũng có cái lý thuyết của mình đủ mà thành lập, không ai nhượng ai. Bởi vậy, các nhà văn học trong các nước ngày nay tùy mình muốn ngả về phái nào thì ngả, và cả hai đều có giá trị hết.

Nếu cứ theo cái hiện tượng ấy và nếu nhận cho văn chương Truyện Kiều là đẹp là hay, thì cái người vì quốc ngữ mà cổ động cho Truyện Kiều, kỷ niệm ông Nguyễn Du, chẳng phải là làm một việc không có ý thức. Vì trong khi làm việc ấy, người ta đứng về phái nghệ thuật, người ta chỉ sùng bái cái đẹp mà thôi, mà tự họ lại nghĩ rằng cái đẹp ấy chẳng có thể nào gây ra ảnh hưởng xấu cho xã hội.

Tôi không rõ lúc bấy giờ ông Phạm Quỳnh có bảo đem Truyện Kiều mà làm “sách học” không, có coi Truyện Kiều như sách giáo khoa không; nếu vậy thì đáng công kích thật; còn như lấy danh nghĩa “Văn học ban” của hội “Khai trí tấn đức”, khuynh hướng về cái thuyết “nghệ thuật vì nghệ thuật” mà cổ động cho Truyện Kiều, kỷ niệm ông Nguyễn Du, thì tôi chẳng thấy chỗ nào đáng công kích hết, mà tôi cho là việc ai thích thì làm, chẳng hại gì cả.

Cái hiện tượng trong cõi văn học thế giới ngày nay như đã giải ra trên kia đó, thì bên Tàu ngày xưa lại tương phản. Theo bên Tàu ngày xưa, cái quan niệm về văn học đại để khuynh hướng về phái nhân sanh hết. Tuy có một vài người chủ trương theo như phái nghệ thuật, song đã bị phái kia to thế lực hơn đánh đổ đi.

Như Chiêu Minh thái tử, người đã biên tập bộ Văn tuyển, có nói một câu rằng: “Cái đạo lập thân khác với văn chương: lập thân thì trước phải cẩn thận; song văn chương thì hẵng cho phóng đãng”. (Lập thân chi đạo dữ văn chương dị; lập thân tiên tu cẩn thận; văn chương thả tu phóng đãng). Câu ấy tức là đại biểu cho phái nghệ thuật của Trung Quốc đời xưa; nhưng đã bị nhiều người bắt bẻ lắm, cho rằng văn chương như thế là hại đạo, cho nên phái ấy ở nước Tàu không mọc lên được.

Các nhà văn hào như Hàn Dũ thì nói: “Văn để mà chở đạo” (văn dĩ tải đạo), như Tăng Củng thì nói: “Văn chương phải cội gốc ở Lục kinh” (văn chương căn bổn Lục kinh).Ấy đó đều là những cái thuyết đại biểu cho phái nhân sanh. Đến đời sống đời Minh, lý học càng thạnh lên thì cái thuyết ấy lại càng mạnh lắm; ai diễn được bổn tuồng nào, cũng mong có ích cho phong hóa; ai làm ra cuốn sách chi, cũng tự phụ là có quan hệ với thế đạo nhân tâm.

Ở nước Tàu, cái thuyết của phái nhân sanh cầm trọn quyền như vậy đó, mà mười người mười than rằng phong tục mỗi ngày một suy, trải đời nọ qua đời kia, đời nào cũng thấy phàn nàn rằng “nhơn tâm bất cổ”(*). Ấy là tại làm sao? Có phải là tỏ ra rằng cái nguyên nhân của tội ác là nhiều lắm, không phải một mình văn chương đủ làm hại mà thôi chăng? Cũng vì đó mà phái nghệ thuật đời nay mới hết sức khuynh hướng về cái đẹp mà tự tin rằng cái đẹp của mình khuynh hướng đó chẳng khi nào lại gây nên ảnh hưởng xấu cho xã hội.

Có lẽ Huỳnh tiên sanh cũng một hạng người như Hàn Dũ, Tăng Củng, lấy cái quan niệm về văn học đời xưa mà bắt thiên hạ phải theo một khuôn mẫu như mình, hầu cho duy trì phong hóa mà vãn hồi thế đạo nhân tâm. Như vậy, cái ý thì vẫn tốt, nhưng đối với cái trào lưu văn học của thế giới ngày nay, e khi không hạp.

Ở đời nay, bất kỳ một cái thuyết gì, hễ nó đã thành lập được thì người ta phải để cho nó tự do phát triển. Ngăn cản hay là hủy diệt nó đi, là việc vô ích mà có hại. Trong văn học mà khuynh hướng về thuần nghệ thuật, về mỹ, ấy là một sự chánh đáng; cái khuynh hướng ấy hiện đương tận lượng mà phát triển ra trong các nước, dầu nước Tàu là nước ngày xưa rất nghiêm về văn học cũng vậy.

Muốn duy trì phong hóa thì kiếm cách mà duy trì; muốn vãn hồi thế đạo nhân tâm thì cứ việc mà vãn hồi; còn Truyện Kiều, nếu đã nhìn nó là một thứ mỹ văn học thì phải để cho nó tự do phát triển. Chỉ có khi nào đủ tang chứng nói được rằng Truyện Kiều quả đã làm hại cho phong hóa, cho thế đạo nhân tâm, thì khi ấy hãy nên cấm hẳn đi mà thôi.

Trước khi có người đề xướng Truyện Kiều, phong tục của ta có quả là thật tốt chăng? Kịp đến khi chỉ có người tán dương Truyện Kiều một cái, mà làm cho dứt cả nề nếp gia đình, trật tự xã hội, như thế thì cái hoạ Truyện Kiều lớn lắm thật. Song, chỗ nầy tôi không dám tin lời tiên sanh. Nếu tiên sanh lập ra được một cái biểu thống kê về tội ác trước hồi đó và sau hồi đó cho thiệt đành rành, mà tôi thấy ra tội ác sau nhiều hơn trước, thì tôi mới tin được vậy.



PHAN KHÔI

Trung lập, Sài Gòn, s.6266 (7.10.1930); s.6267 (8.10.1930); s.6268 (9.10.1930)







(*) hai chỗ này, do báo rách, mỗi chỗ mất 1 từ.

(*) chỗ này báo rách, mỗi chỗ mất 1 từ.

(**) temps des verbes: thì của các động từ.

(*) “Nhân tâm bất cổ”: lòng người chẳng giống như xưa, nghĩa là nó đã hóa nên xấu xa (theo H.T. Paulus Của, sđd.).

PHAN KHÔI: Về bài phê bình sách “Nho giáo”

PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930



Về bài phê bình sách “Nho giáo”



Mời Trần Trọng Kim tiên sanh đi với Khổng Tử Mạnh Tử đến nhà M.Logique chơi, tại đó, chúng ta sẽ nói chuyện



Trước kia tôi có bài phê bình cuốn sách Nho giáo của Trần Trọng Kim tiên sanh, kế đó tiên sanh có viết một bài mà thương xác cùng tôi, cả hai đều được đăng trong Phụ nữ tân văn số 54 và số 60. Mới rồi tôi lại viết một bài đăng ở số 62, cảm ơn tiên sanh về sự mở đường cho cuộc luận biện về học vấn; còn cái lý thuyết của tiên sanh trong bài ấy thế nào, tôi chưa nói đến.

Lẽ thì trong bài nầy tôi phải nói sáng ra cái lý thuyết của Trần tiên sanh đã dùng mà duy trì cho cái nguyên ý của mình mà biện chiết tôi đó là thế nào, tôi có phục tình hay là không phục. Vì trong sự học vấn phải giữ cái thái độ quang minh chánh đại, khi người ta bẻ bác mình, mình còn có lẽ nói lại thì đem mà nói lại, mình hết lẽ thì phải tỏ ý chịu cái thuyết của người ta đi; nói cho rõ ra, hễ thua thì chịu thua, chớ không được làm cái thói trù trơ ấp úng cho qua việc. Tôi lại cũng biết rằng sự cãi nhau về học vấn chẳng qua là sự binh vực cho chơn lý, thế thì dầu tiên sanh có hơn mà tôi có thua đi nữa, cái đó cũng chẳng đủ làm cho kẻ vui người buồn giữa đôi ta; và nếu tôi là kẻ biết điều, thì tôi cũng lại nên đừng buồn nữa, mà phải lấy sự chơn lý đắc thắng làm vui.

Tuy vậy, đọc bài của Trần quân vừa rồi, tôi chưa có thể nói cho dứt khoát như vậy được.

Trong bài đó tôi nhận ra phần nhiều Trần quân nói không trúng vào những cái chỗ yếu điểm trong bài phê bình của tôi. Hay là nói một cách khác, bài ấy có nhiều chỗ như tiên sanh đã dùng mà biện bác với ai, chớ không phải với tôi, bởi vậy tôi chưa có thể nhờ đó mà biết được cái thuyết của tôi là quấy hay là phải.

Vì đó, tôi phải viết ra đây mà thỉnh giáo tiên sanh lần nữa. Tôi xin mời tiên sanh cùng đi với nhị vị thánh hiền đã nói trên kia đến nhà M.Logique(*) chơi, rồi chúng ta sẽ nói chuyện với nhau tại đó.

Cái giọng nói của tôi hay pha bông lơn như vậy, xin Trần tiên sanh với độc giả liệt vị cũng đừng trách làm chi. Tôi sẵn có cái tánh hay bông đùa, mà lâu nay lại khuynh hướng về cái lạc thiên chủ nghĩa (optimisme); tôi về chỗ đó, dầu trái hẳn với cô Kiều mà cũng nói được “Rằng quen mất nết đi rồi, tẻ vui âu cũng tánh trời, biết sao!” Huống chi những bài có vẻ trang nghiêm như những bài luận học nầy, tôi e nhốt mình vào đó thì buồn quá và cũng làm buồn đến độc giả nữa, nên trộm phép mà “hí hước” chút chơi, miễn sao cho “bất vi ngược” như người “quân tử” trong kinh Thi là được.(1)

Tôi nói mời đến nhà M.Logique chơi, ý là muốn Trần tiên sanh cùng tôi nói chuyện với nhau trong vòng luận lý học. Theo thường tình, tôi đòi cái đó thiệt là to gan quá!

Vả chăng, Trần quân là nhà Tây học, dầu có khuynh hướng về Nho giáo đi nữa, nhưng cái bổn thân tiên sanh cũng ở trong Tây học mà ra. Còn tôi, là nhà nho đặc, bây giờ có thay lông lột vỏ mấy lần chăng nữa, nho cũng hoàn nho. Mà cái luận lý học là cái sở trường của Tây học, vậy thì làm sao tôi lại dám đem mà nói với tiên sanh? Ví thử M.Logique là người thiệt, thì người ấy quen với Trần tiên sanh hơn là quen với tôi, sao tôi dám mời tiên sanh đến nhà người ấy? Ừ, mà mời tiên sanh thì cứ việc mời, chớ lại còn kéo Khổng Mạnh hai ngài vào nữa làm chi?

Tôi đã nói trong bài ở số trước, về sự học vấn ở nước ta, tôi muốn lần lần rồi thủ tiêu những cái danh từ Nho học và Tây học đi, mà lập ra một nền học vấn riêng của người Việt Nam, cái nền ấy ta phải lấy luận lý học làm đá tảng. Vậy thì trong khi tôi đem luận lý học nói cùng Trần tiên sanh đây, xin ai nấy chớ còn coi tôi là nhà nho nữa, mà chỉ nên nghe lời nói của tôi rồi phán đoán là phải hay quấy mà thôi.

Cái vấn đề ông Trần và tôi đương bàn đây là vấn đề Nho giáo. Các vị yếu nhơn trong vấn đề là Khổng Tử và Mạnh Tử. Mà hai vị nầy, trong khi biện luận về học vấn, thỉnh thoảng hay trái với luận lý học. Điều đó là không hợp với sự học vấn ngày nay. Tôi e cho Trần tiên sanh trong khi luận biện với tôi mà binh vực cho Nho giáo thì dùng luôn cái lối biện luận của Khổng Mạnh đó, nên chi tôi phải trước ghép một đôi điều biện luận của thánh hiền vào khuôn luận lý học, rồi do đó lập ra như một cái giao ước với Trần tiên sanh.

Tôi vẫn nhìn nhận Khổng Tử là ông tổ khai sơn cho luận lý học Trung Hoa, vì ngài đã lập ra cái thuyết chánh danh mà tôi đã phát huy ra trong nhiều bài trước kia. Song tôi cũng đã nói rằng chính ngài có đôi khi lập ngôn không đúng với phép tắc luận lý học.

Ấy là như ở sách Luận ngữ, thiên Vi chánh, môn nhơn chép lời ngài đối đáp cùng Mạnh Ý tử, chép rằng:

“Mạnh Ý tử hỏi về hiếu. Thầy trả lời rằng: Không trái (vô vi).

Phàn Trì đánh xe. Thầy bảo đó rằng: Mạnh tôn hỏi hiếu nơi ta, ta thưa rằng không trái.

Phàn Trì hỏi: Thế là nghĩa gì? Thầy đáp rằng: sống nhờ đó lấy lễ; chết, chôn đó lấy lễ, tế đó lấy lễ”.

Đó, ngài đã bảo cho, mà sao Phàn Trì lại còn hỏi lại? Là tại Phàn Trì không hiểu. Phàn Trì mà không hiểu thì Mạnh tôn (Mạnh Ý tử) có hiểu được chăng? Hiểu hay không, ta không biết; duy biết rằng Mạnh tôn không hỏi lại. Sự không hỏi lại, tỏ ra hai dấu: một là hiểu rồi như Nhan Tử mặc chí tâm thông; một là ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm. Song ta có thể đoán rằng Mạnh tôn không hỏi lại, là đã tỏ ra cái dấu sau đó, nghĩa là đã không hiểu mà cũng không biết hỏi lại. Vì sao đoán như vậy? Vì hai chữ “vô vi” của Khổng Tử nói đó có nhiều nghĩa quá, muốn hiểu cũng không biết hiểu về nghĩa nào, vậy tức là không hiểu. Phàn Trì đã vậy thì Mạnh tôn cũng vậy.

May có Phàn Trì hỏi, ngài mới cắt nghĩa vân vân, bây giờ chúng ta mới biết cái nghĩa vô vi của ngài là vân vân. Giá hồi đó Phàn Trì không có dịp đánh xe cho ngài, ngài không có dịp đem mà bảo Phàn Trì, hay là Phàn Trì cũng lại một thứ vịt nghe sấm như Mạnh tôn, không biết đường hỏi lại, thì có lẽ hơn hai ngàn năm nay, hai chữ “vô vi” vẫn còn nằm trong màn kín, vẫn còn như câu thai treo đó mà chẳng ai đáp trúng hết!

Theo luận lý học, kiểu nói như ngài đó kêu bằng kiểu nói mô-lăng (Amphibologie).(2) Mô-lăng, nghĩa là rờ vật gì có nhiều khía tương tợ với nhau: nhắm mắt mà rờ, trúng vào cái khía nào cũng được hết. Kiểu nói ấy, luận lý học cho là một điều mậu vọng(**), cũng như những điều mậu vọng khác trong phép diễn dịch (Erreurs de déduction), vì nó làm cho kẻ nghe chẳng biết đường đâu mà mò. Thật vậy, nếu bây giờ ai hỏi tôi điều gì mà tôi đáp rằng “Không trái”, thì tự nhiên người ấy không hiểu được, tự nhiên người ấy phải hỏi lấy mình hay hỏi lại tôi: Không trái là không trái cái gì? Không trái là không trái ai?

Nói cho phải, bây giờ nếu ta đem lời của Khổng Tử mà đối chiếu với luận lý học thì thấy không sai mấy. Duy có Mạnh Tử, ông nầy có tiếng là hùng biện, chính mình cũng xưng rằng tri ngôn, mà lại sai hơn Khổng Tử nhiều. Chỗ nầy không phải là chỗ phê bình sách Mạnh Tử, nên tôi chỉ cử ra đôi ba điều đại khái.

1. Luận lý học, về điều giả ngôn suy lý (jugement hypothétique)(3) có hai cái luật: Luật thứ nhứt là cái tiền thiết (antécédent) mà thành lập thì cái hậu thừa (conséquent) cũng thành lập; luật thứ nhì là cái hậu thừa mà không thành lập thì cái tiền thiết cũng không thành lập. Nếu phạm luật ấy thì thành ra mậu-vọng.

Sách Mạnh Tử, thiên Tận tâm thượng, có một chương rằng:

“Đào Ứng hỏi rằng: Thuấn làm thiên tử, Cao Dao làm quan tòa, mà Cổ Tẩu giết người, thì làm thế nào?

Mạnh Tử trả lời: - Cứ việc bắt đi mà thôi.

- Thế thì Thuấn không cấm được ư?

- Thuấn cấm sao được mà cấm? (Cái pháp luật của Cao Dao) là có chỗ chịu mà.

- Vậy thì Thuấn sẽ làm cách nào?

- Thuấn coi bỏ thiên hạ cũng như bỏ giép hư. Cõng trộm (cha mình) mà đi trốn, noi mé biển mà ở, trọn đời hớn hở, vui mà quên thiên hạ.”

Theo lời Viên Mai(4) thì ở đây Đào Ứng đã hỏi bá xàm mà Mạnh Tử cũng trả lời bá xàm. Tuy vậy, họ Viên chỉ biết là bá xàm mà thôi, chớ không biết đến cái sở dĩ tại sao mà bá xàm; đây tôi ghép vào luận lý học thì mới tỏ ra cái lẽ sở dĩ ấy.

Theo sự tín của nhà nho, thì Thuấn là bực thánh nhân và Cao Dao cũng là bực thánh nhân. Lại cũng theo sự tín của nhà nho nữa, hễ thánh nhân thì có cách cảm hóa người ác trở nên thiện; chính Mạnh Tử cũng từng nói Thuấn đã cảm hóa được Cổ Tẩu là cha mình. Vậy thì Thuấn làm thiên tử, Cao Dao làm quan tòa, tất nhiên Cổ Tẩu không có sự sát nhân, dầu ông ấy là ác. Vậy mà Đào Ứng đặt ra câu hỏi như vậy, lấy sự không thể xảy ra đem làm vấn đề biện luận, cho nên nói là câu hỏi bá xàm.

Phải chi Mạnh Tử hiểu lẽ ấy, đem lẽ ấy giảng cho Đào Ứng nghe rồi không trả lời, thì Mạnh Tử cũng khỏi điều lỗi lầm. Cái nầy, Mạnh Tử không nghĩ đến chỗ câu hỏi có thành lập hay không, thấy thì chụp trả lời liền, thành ra trong câu trả lời đó cũng bá xàm một thứ.

“Cứ việc bắt đi mà thôi”, nói sao mà nghe dễ quá! Hễ kẻ giết người thì quan tòa có phép bắt, nhưng đối với ai kia, chớ sao lại được bắt cha ông thiên tử, theo lối sang trọng của nhà vua kêu bằng “thái thượng hoàng”? Nói vậy thì ra bên tình không thuận mà bên lý cũng không trôi. Vả lại, Mạnh Tử đã nhiều lần cho thiên hạ là của công, thì có lẽ nào Thuấn vì việc tư mà bỏ thiên hạ được? Dầu Thuấn có coi thiên hạ là chiếc giép hư đi nữa, thiên hạ há coi Thuấn là người có chiếc giép ấy hay sao? Nếu Cao Dao bắt Cổ Tẩu thì đã giam vào”khám lớn” rồi, Thuấn làm thế nào cõng trộm được? Mé biển dầu xa, cũng ở vào đất Trung Quốc, hễ Thuấn đi đến được thì Cao Dao cũng đi đến được, trốn mà thoát hay sao? Tóm lại, lời đáp của Mạnh Tử đó tức là “độn từ”(***), chính ngài đã tự phụ rằng biết, thế mà chính ngài phạm tới, lại không tự biết.(5)

Theo luận lý học thì cả chương vấn đáp của Đào Ứng và Mạnh Tử đó nên xóa đi hết mà coi như là không có; vì nó đã phạm cả hai luật của điều giả ngôn suy lý nói trên kia. Lời Đào Ứng hỏi tức là cái tiền thiết, lời Mạnh Tử đáp tức là cái hậu thừa, mà cứ như đã ghép vào luật rồi bẻ bác đó, thì đều không thành lập và đều là mậu vọng, cho nên xoá đi là đáng lắm.

2. Khi mình biện luận với ai, không cứ theo cái luận điểm (point de discussion) mà biện luận, lại xây qua cái luận điểm khác, theo luận lý học, như vậy cũng thành ra mậu vọng. Điều mậu vọng ấy kêu bằng biến canh luận điểm (changement de point). Thường thường luận giả hay mắc phải điều mậu vọng nầy là vì có ý hiếu thắng, sợ cứ theo cái luận điểm nguyên hiện thì mình biện luận không chạy, nên kéo qua cái luận điểm khác để cầu thắng đó thôi. Mạnh Tử cũng không khỏi điều mậu vọng ấy.

Ở thiên Vạn chương thượng:

“Vạn Chương hỏi rằng: Nghiêu lấy thiên hạ cho Thuấn, sự ấy có chăng?

Mạnh Tử trả lời: Chẳng phải vậy đâu, thiên tử chẳng có thể lấy thiên hạ cho người.”

Ấy đó, Mạnh Tử đã phạm vào cái lỗi biến canh luận điểm đó.

Cứ như lời Vạn Chương hỏi thì cái luận điểm ở sự “Nghiêu có lấy thiên hạ cho Thuấn cùng chăng”. Mạnh Tử lại trả lời rằng “Thiên tử chẳng có thể lấy thiên hạ cho người”, trật qua cái luận điểm khác, câu trả lời chẳng ăn nhập gì với câu hỏi.

Hoặc giả trong ý Mạnh Tử nói rằng hễ đã nói “Thiên tử chẳng có thể lấy thiên hạ cho người”, thì trong câu ấy phải hiểu ngầm là Nghiêu chưa hề lấy thiên hạ cho Thuấn. Song chỗ này hai việc khác nhau, không thể hiểu ngầm như vậy được. Đã hay rằng thiên tử không có phép đem thiên hạ cho người, song có lẽ Nghiêu đã trái phép ấy đi mà đã đem thiên hạ cho Thuấn thì sao? Cái ý Vạn Chương hỏi là định hỏi về chỗ đó. Huống chi cái việc Nghiêu truyền ngôi thiên tử cho Thuấn, đem thiên hạ cho Thuấn, là việc hiển nhiên trên lịch sử, sao lại nói mập mờ như vậy được? Theo đúng luận lý học, thì chỗ nầy, Mạnh Tử phải trả lời việc ấy là có hay không cái đã, rồi nói chi hãy nói.

Mạnh Tử lấy câu trả lời không ăn nhập ấy mà khỏa lấp câu hỏi của Vạn Chương đi. Vạn Chương chừng cũng là tay non, phần lại khiếp lời của thầy mình nữa, thành ra không còn chủ trì được cái luận điểm trước mà đi xuôi theo một chiều với cái luận điểm của Mạnh Tử mới nhảy qua. Vạn bèn hỏi tiếp: “Thế thì Thuấn có thiên hạ đó, ai đã cho?” Mạnh Tử đáp: “Trời đã cho”. - Rồi từ đó hai thầy trò đưa nhau đi càng ngày càng xa, mà quên mất cái chỗ bước chân ra là chỗ nào! Cả một chương ấy, không cứ cái lý thuyết ra sao, chỉ duy một điều là không ăn nhập với câu hỏi ban đầu, đã đủ cho là mậu vọng.

3. Luận lý học đại để có hai cái pháp thức lớn, là quy nạp (induction) và diễn dịch (déduction), mà hai cái nó tương nhơn tương thành với nhau. Tuy vậy, kể ra thì phép diễn dịch là cần lắm, vì trong khi làm phép quy nạp cũng phải dùng đến nó mới làm được. Muốn dùng phép diễn dịch thì phải thạo tam đoạn luận (syllogisme); muốn thạo tam đoạn luận thì phải xét rõ mạng đề (proposition); muốn xét rõ mạng đề thì phải biện từng danh từ (terme) cho rành rẽ. Cho nên, sự tế nhận danh từ và mạng đề, ấy là cái bước đầu của luận lý học. Hễ cái bước ấy mà sai thì về sau sai hết.

Theo đó, khi mình muốn biện luận cùng ai, cái danh từ của họ dùng thế nào, cái mạng đề của họ đặt thế nào, mình phải nhận cho kỹ, nếu có dẫn vào trong lời biện luận của mình thì phải để y như họ, đừng có hiểu lầm hay là làm sai đi. Bằng chẳng vậy, hiểu lầm hay làm sai, thì lời biện luận của mình cũng thành ra mậu vọng. Mạnh Tử cũng có một lần phạm cái lỗi ấy.

Cái thuyết “tịnh canh” của Hứa Hành hồi Chiến Quốc, đại để hơi giống cái chủ nghĩa cọng sản đời nay. Tiếc Hứa Hành thỉ chung không gặp Mạnh Tử để hai người biện luận với nhau thử ra sao. Cứ theo sách Mạnh Tử thì chỉ có Trần Tương là đồ đệ họ Hứa có biện luận với Mạnh Tử mà thôi. Hai đàng nói qua nói lại đã nhiều, sau Trần Tương nói rằng:

“Theo cái đạo của Hứa Tử thì giá chợ chẳng hai, trong nước không có sự dối trá; dầu khiến một đứa con nít năm thước(6) đi chợ, cũng chẳng ai khí nó. Vải, lụa, bông, nhẹ nặng đồng nhau thì giá như nhau; năm thứ thóc, nhiều ít đồng nhau thì giá như nhau; giép, lớn nhỏ đồng nhau thì giá như nhau (lũ, đại tiểu đồng, tắc giá tương nhược).”

Tuy văn từ đời xưa hơi đơn giản, ta cứ xem như trên cũng có thể hiểu được ý Trần Tương muốn nói thế nào. Vậy mà Mạnh Tử chừng như đã hiểu sai đi, mà hiểu sai thiệt, coi đây thì biết. Mạnh Tử bác lại rằng:

“Vả mọi vật chẳng tày, là tình thiệt của mọi vật, hoặc gấp đôi gấp năm nhau, hoặc gấp mười gấp trăm nhau, hoặc gấp ngàn gấp vạn nhau. Nhà ngươi đánh xô bồ mà cho đồng đi, ấy là loạn thiên hạ. Giép lớn giép nhỏ mà đồng một giá, thì người ta há làm giép lớn làm chi (cự lũ tiểu lũ đồng giá, nhân khởi vi chi tai?)” (Đằng văn công thượng).

Trần Tương mở ra đã nói: “Giá chợ chẳng hai, tuy con nít đi chợ cũng chẳng ai khí nó”. Thế là tỏ ra rằng trong cái lý tưởng xã hội (societé idéale) của Hứa Hành, người ta buôn bán cách thật thà, cũng như ngày nay ở các hiệu buôn lớn đều hô lên rằng “bán giá nhứt định” đó thôi. Từ câu vải, lụa v.v. sắp xuống, nghĩa là mỗi một thứ, vải đi với vải, lụa đi với lụa, tơ đi với tơ, bông đi với bông, lúa đi với lúa, nếp đi với nếp; hễ cái lượng (quantité) nó chừng nào, thì bất kỳ tới cửa hàng nào giá nó cũng chừng nấy. Cách đặt mấy câu đó hơi hàm hồ một chút, làm cho có thể lộn được; song câu cuối cùng thì rõ lắm. Nói rằng giép hạng lớn hạng nhỏ đồng nhau thì giá như nhau, thế nghĩa là lớn đồng với lớn, nhỏ đồng với nhỏ, thì giá mới như nhau được; chớ còn lớn với nhỏ thì tự nhiên khác giá. Vậy mà Mạnh Tử không hiểu đúng những danh từ là chữ đại tiểu và chữ đồng giá của Trần Tương, rồi cũng không hiểu đúng luôn cái mạng đề tức là cả câu nữa, hóa ra đã trật đi đường nào mất!

Mạnh Tử nói: “Giép lớn giép nhỏ mà đồng một giá thì người ta há làm giép lớn làm chi?” Vậy là ngài đã cho rằng Trần Tương nói giép lớn giép nhỏ bán ngang một giá. Nếu quả vậy thì thiên hạ tranh nhau làm giép nhỏ hết thiệt. Nhưng mà có đâu, Trần Tương có hề nói như vậy đâu!

Cái cách hiểu không đúng của Mạnh Tử đó nếu là bởi trực tình (de bonne foi) thì còn được, chớ nếu là bởi hữu ý (de mauvaise foi) thì thành ra xiên xỏ. Đã vậy mà nếu không có người chỉ cho hay là chỉ mà cũng còn cưỡng biện, thì thật là nguy hiểm cho sự học vấn và cũng nguy hiểm cho đức tánh của mình nữa, vì sợ lần lần làm mất sự ngay thật (sincérité) đi.

Tôi cử ra của Khổng Tử một điều, của Mạnh Tử ba điều, để cho biết cách luận biện của hai ngài có chỗ thành ra bất luận lý (illogique). Rồi dưới nầy, tới phiên tôi nói chuyện với Trần tiên sanh.

Ở đây tôi nên nói mau đi rằng trong bài của Trần tiên sanh có một đoạn bác cái thuyết Khổng Tử vô thần của tôi, đoạn ấy đã làm nẩy ra cho tôi một tia sáng của chơn lý, tôi xin phục tiên sanh về chỗ đó.

Số là, tôi nói Khổng Tử là vô thần luận giả, tôi cử ra một mớ chứng cứ; Trần tiên sanh nói Khổng Tử là hữu thần luận giả, cũng cử ra một mớ chứng cứ, mà những chứng cứ của tiên sanh đủ đương địch với của tôi, vả lại có điều mạnh hơn của tôi nữa. Nhứt là tiên sanh nói: “Ta hãy xét các thời cổ, không dân tộc nào là không có quỷ thần”, câu ấy đã đánh thức cho tôi cái lịch sử quan về tông giáo và triết học (le point de vue hislorique dans l’étude des croyances et de la philosophie) làm cho cái thuyết của tôi phải lung lay.

Tuy vậy, tôi chỉ mới nhờ những chứng cứ ấy mà giảm mất già nửa cái sự tin của tôi trước mà thôi, chớ còn chỉ lấy nội những chứng cứ đó mà tin Khổng Tử là hữu thần luận giả như Trần tiên sanh, thì tôi chưa tin được. Hoặc giả đức Khổng về sự tín ngưỡng, ngài cũng trung dung mà ở giữa cái giới hạn vô thần và hữu thần chăng? Điều nầy tôi còn phải suy nghĩ.

Phải chi những lời bác luận về các điều khác của Trần tiên sanh cũng như điều nầy thì tôi không còn dám đem luận lý học mà hó hé ra với tiên sanh nữa. Vì trong điều nầy, cái thuyết của tiên sanh với của tôi, hai bên nó như cái mũi nhọn gặp nhau, hễ một cái cứ nhọn thì một cái phải tà. Tiếc thay, về các điều khác, cái mũi nhọn bên kia nó đâm lệch, không trúng với bên nầy, thành ra bên nào tà, chưa biết.

1. Về điều Tống nho với Khổng Tử, tôi chỉ nói các ông Tống nho có nhiều điều trái với Khổng Tử mà thôi, chớ tôi không nói là trái hết thảy; vậy mà tiên sanh nói rằng tôi cho là Tống nho không phải là Khổng giáo, rồi sanh ra nhiều lời nghị luận về nhánh nhóc, thiệt là dư quá. Trong chỗ nầy, tôi đã nói rõ, tôi không có ý binh bên Khổng Tử, bỏ bên Lão Tử cùng bắt bẻ Tống nho. Thế nghĩa là tôi không phê bình gì về cái lẽ vô cực và thái cực, tôi chỉ nói rằng các nhà triết học đời xưa nói thế nào, thì bây giờ bọn ta cứ thuật lại như thế, rồi tôi chỉ xin tiên sanh trả cái vô cực lại cho Tống nho, cũng như Jésus Christ nói: “Của Sê-da thì trả cho Sê-da, của Đức Chúa Trời thì trả cho Đức Chúa Trời” vậy thôi, chẳng kéo ra cho nhiều chuyện làm gì.

Theo tôi thấy, tiên sanh không nói vào chỗ yếu điểm của tôi mà nói ra ngoài, thì càng nói càng sai. Tiên sanh nói: “Cái tư tưởng học vấn phải theo thời mà biến hóa”. Lẽ đó tôi vẫn đồng ý với tiên sanh. Song nếu vậy mà tiên sanh lại cho Khổng Tử đã nhận thấy lẽ vô cực, rồi sau đến chỗ luận về Tống nho, tiên sanh cũng sẽ phải nói Chu Liêm Khê nhận thấy lẽ vô cực lần nữa, thì cái dấu biến hóa ở chỗ nào? Sao gọi là biến hóa?

Tiên sanh lại nói: “Biết đâu Khổng Tử đã đi học Lão Tử lại không nghĩ đến vô cực?” Theo phương pháp khoa học, cái gì chắc hãy nói, không chắc thì thôi, tôi xin tiên sanh đừng dùng hai chữ “biết đâu”. Lại trong Sử ký của Tư Mã Thiên nói “ Khổng Tử thích Châu vấn lễ ư Lão Tử”. Vậy thì Khổng Tử học với Lão Tử là chỉ học lễ mà thôi, trong lễ há có cái vô cực ở trỏng? Huống chi Tử Cống nói rằng: “Phu tử yên bất học, nhi diệc hà thường sư chi hữu?” Vậy thì dầu ngài đi học với Lão Tử chăng nữa, há là cái cớ cho ta buộc ngài cũng phải theo y như Lão Tử hay sao?

Nói tóm lại về điều nầy, tôi xin tiên sanh san khử cái thuyết vô cực mà đã đem cho là của Khổng Tử đi; đợi đến về sau, cuốn Nho giáo II hoặc III, nói về Tống nho, hãy đem vào đó. Như vậy thì hiệp với cái lẽ “tư tưởng tùy thời biến hóa” của tiên sanh nữa. Nếu tiên sanh cho là phải thì xin tuyên bố mà cái chánh đi, hầu cho độc giả khỏi lầm; để khi tái bản cuốn Nho giáo I sẽ sửa nguyên văn lại. Còn như tiên sanh có cao kiến gì nữa thì cũng xin chỉ giáo cho tôi về nội một chỗ đó mà thôi. Các điều sau đây cũng vậy.

2. Về điều triết học Tây phương với Khổng học, tôi nói đem mà so sánh nhau thì được, chớ còn chỉ quyết cái nầy tức là cái kia, cái kia tức là cái nọ thì không được; ấy là tôi phiếm luận về học giả đời nay, ấy là câu đới thuyết, nào tôi có hề nói rằng Trần tiên sanh đã làm như vậy đâu, mà tiên sanh nói tôi phán đoán vội vàng? Cái chỗ tôi bác Trần tiên sanh chỉ là chỗ nhận cho trực giác tức là lương tri và lý trí tức là trí.

Nay tiên sanh cũng chịu rằng chữ trí của Khổng Tử không phải là lý trí như tôi, thế là cái điều “ lý trí tức là trí” mà tôi đã cử ra để bác tiên sanh, hoặc giả tôi đã hiểu lầm ý tiên sanh chăng, cái điều ấy bây giờ ta nên thủ tiêu đi, vì hai bên đồng ý với nhau rồi, không thành ra vấn đề nữa. Chỉ còn cái vấn đề “trựcgiác tức là lương tri”, và theo lời tiên sanh mới đây, lại nẩy ra thêm một cái vấn đề mới nữa, là “lý trí tức là cái trí xuyên tạc”.

Tôi nói lương tri chỉ về tánh, chữ tánh đó tức là chữ tánh của Mạnh Tử thường nói mà tiên sanh đã giải nghĩa rằng cái lý bổn nhiên của trời phú cho người ta, tức là cái bổn thể của tâm, là cái thần minh sáng suốt, khiến ta rõ biết những điều nhân nghĩa lễ trí. Tiên sanh giải nghĩa như vậy rồi, tiên sanh nói rằng: “Lương tri tức là cái biết tự nhiên về những điều nhân nghĩa lễ trí ấy”. Thế là tôi nói: Lương tri nói về tánh, phải rồi; chỗ đó, tiên sanh cũng một ý với tôi.

Cái tri đó đã nói về tánh, mà Mạnh Tử chủ trương cái thuyết tánh thiện, cho nên để chữ lương lên trên chữ tri. Thế là tỏ ra rằng cái tri ấy chỉ có lương mà thôi, chớ không có bất lương, hiệp với cái tánh của Mạnh Tử hiểu, chỉ có thiện mà thôi, không có ác. Cho nên tôi nói lương tri chỉ về tánh là đúng lắm. Mà nội chừng nấy đó thì đủ biết rằng lương tri không phải là trực giác. Bởi vì trực giác (intuition) chỉ là trực (direct) đối với bất trực (indirect) mà thôi, chớ chưa hề có ý lương, bất lương hay là thiện, ác ở trong. Trực giác là sự biết thẳng, đối với sự biết không thẳng, cho nên tôi nói trực giác chỉ là cách nhận thức mọi sự của nhà triết học.

Tiên sanh cử ra chữ intuition có ba nghĩa: là intuition sensible, intuition intellectuelle và intuition morale. Tên sanh cử ra ba chữ đó để cho tiện mà nói rằng trực giác hay lương tri cũng vậy gồm cả trí tuệ và đạo lý. Cái đó, tôi tưởng là cái ý tiên sanh muốn nói như vậy thôi; nếu theo đúng cái danh và cái thiệt của chữ lương tri và chữ trực giác, thì hai chữ không thể nhập làm một được.

Tôi thấy có nhà triết học Pháp đã chia intuition làm bốn thứ nữa kia: 1. Intuition empirique, cái nầy lại chia làm hai: a) intuition sensible, b) intuition psychologique. – 2. Intuition rationnelle hay là intuition d’évidence. – 3. Intuition inventive hay là divinatrice. – 4. Intuition métaphisyque.

Ấy chết! chỗ nầy tôi lôi ra cả đống danh từ triết học bằng chữ tây, thế nào cho khỏi có người bụm miệng mà cười rằng thằng Bìm có cái quạt mo cũng đòi đem kình với gia tài ông Trạng! Xin đừng nói như vậy mà tội nghiệp tôi ! Thiệt tình những danh từ đó tôi thấy trong một cuốn sách triết học bằng Pháp văn mà tôi chưa nghiên cứu cho đến nơi, gặp dịp thì tôi cũng đem mà chưng ra đây cho nhiều, để biết rằng dầu có mấy chục thứ intuition mấy chục thứ trực giác đi nữa, là nó cũng không đồng một thứ với cái lương tri của Mạnh Tử, vì nó chỉ là trực mà thôi, trong nó, không có cái ý lương hay thiện.

Trong sách Đông Tây văn hóa cập kỳ triết học của Lương Thốc Minh(****) cũng nhận cho trực giác là lương tri. Lương nói rằng “Đến đời Minh, Dương Minh tiên sanh dấy lên, mới trừ cái tệ cùng lý theo bề ngoài mà đổ về cái cội trực giác, tức Dương Minh kêu là lương tri”. Thế nhưng Lương nói rõ cái trực giác tức là cái lương tri của Vương Dương Minh(*****); chỗ đó tôi chưa nghiên cứu kỹ lắm nên chưa dám quyết là trúng hay trật. Chí như Trần tiên sanh nói lương tri trổng, tôi phải nhận là lương tri của Mạnh Tử, thì tôi quyết rằng không phải là trực giác vậy.

Đến Trần tiên sanh cho lý trí là cái trí xuyên tạc, thì tôi phải chịu là không thể hiểu. Tiên sanh đã nói rằng chữ lý trí không có trong sách nho, vậy thì làm sao mà biết nó tức là cái trí xuyên tạc của người như lời Mạnh Tử được ư? Chỗ nầy dễ thấy lắm. Ví như có người nói rằng: Thứ xà bong bây giờ ta dùng mà giặt đó, ngày xưa không có trong xứ An Nam; rồi lại nói rằng xà bong tức là chùm-kết(7), thì thiệt là võ đoán quá!

Huống chi, chữ lý trí, tiên sanh đã nhìn cho là bởi chữ raison dịch ra, mà raison, theo tự vị Pháp giải là: “Faculté au moyen de laquelle l’homme peut connaitre et juger.” Vậy thì làm sao gọi được là cái trí xuyên tạc? Xuyên tạc, hơi giống tiếng ta là xiên xỏ; chữ raison lại còn sanh ra trạng từ (adjectif) là raisonnable; vậy nếu khi nói l’homme est un être raisonnable, và theo như tiên sanh, thì nên cắt nghĩa rằng người ta là giống hay xiên xỏ hay sao? Thiệt là chỗ nầy Trần tiên sanh đã nói một cách rất ly kỳ!

Lý trí do hai chữ Tàu gộp lại, nghĩa là cái trí để nhận biết và phán đoán mà lại theo lý nữa; cứ nội mặt chữ đó mà nói cũng đủ chứng rằng lý trí không phải là cái trí xuyên tạc. Mà cái trí xuyên tạc thì là cái trí xuyên tạc, chẳng những không tức là lý trí mà lại phản đối với lý trí nữa kia.

Do các lẽ trên đó, bây giờ đây tôi vẫn còn chủ trì cái thuyết trước của tôi, tôi nói lương tri không phải là trực giác; và nói thêm rằng lý trí không phải là cái trí xuyên tạc. Bởi vì những lời biện luận của Trần quân chưa đủ đánh đổ được cái thuyết ấy của tôi.

Chúng ta cãi với nhau từng lời từng chữ như vầy chắc có kẻ cho là vụn vặt không xứng đáng. Song tôi đã nói: “Những danh từ triết học là lợi khí cho ta dùng mà nghiên cứu, nếu dùng sai đi thì nó sẽ đưa ta đến chỗ sai lầm”. Lại theo luận lý học, cái bước đầu cũng phải lấy sự tế nhận danh từ và mạng đề làm trọng, như tôi đã nói ở đoạn trước; vậy thì sự phân biệt những chữ nầy đây là việc quan hệ không thể bỏ qua được, điều đó hẳn tiên sanh cũng phải nghĩ như tôi.

3. Về điều trung dung thì tôi chỉ nói, theo Khổng Tử thì trung dung là khó, mà theo Trần quân thì trung dung là dễ, hai đàng trái nhau mà thôi, chớ tôi có hề nói “Khổng Tử không dạy người ta theo đạo trung dung” đâu mà Trần quân đem câu ấy hỏi vặn tôi? Tôi nói trung dung khó, là tôi nói theo Khổng Tử, tôi có dẫn nhiều lời ngài ra làm chứng, mà Trần tiên sanh bác lại tôi, chẳng thấy đả động tới những lời ấy. Ở nơi khác tôi có trách ngài như vầy thì có: “Một cái lẽ mà: thiên hạ quốc gia có thể quân bình được, tước lộc có thể từ đi được, gươm đao có thể xông vào được, chớ không thể làm theo nó được, duy ông thánh mới làm theo nó được, đã khó như vậy, thì còn bày ra làm chi?”(8) Cái lẽ đã khó như vậy, còn đem mà đề xướng lên, rồi người ta theo không đúng, trở thành ra hương nguyện. Thật như lời Trần quân nói, vì tôi thấy có lắm kẻ lấy trung dung làm hộ phù mà sở hành là hương nguyện nên tôi biểu bỏ, và xướng lên cái thuyết cực đoan; nếu có ai trách tôi vì giận rận đốt áo thì tôi cam chịu. Song cũng xin cho tôi nói một câu cho hết lẽ rằng: hễ còn để cái áo ấy hoài thì còn có rận hoài.

Nguyên cái bài của tôi là bài phê bình sách Nho giáo. Phận sự của tôi chỉ là soát lại sách Nho giáo nói về trung dung có đúng với trung dung của Khổng Tử không, thế thôi; chớ còn bổn thân cái trung dung nó ra làm sao, tôi đã chịu rằng không thể đem mà nói ở đó. Cho nên những câu nói về ý kiến của tôi đối với trung dung, chẳng qua là đới thuyết. Vậy mà tiên sanh lại nhè chỗ đó biện luận cho thêm rườm rà, còn cái sự một đằng nói khó, một đằng nói dễ, là chỗ cốt ý của tôi, thì hình như tiên sanh không chú ý mấy. Bởi vậy, về điều nầy tôi cũng chưa có thể phục những lời bác luận của tiên sanh.

4. Về điều Khổng giáo với khoa học, Trần tiên sanh cũng đã nói lệch với cái nguyên ý của tôi. Nguyên ý của tôi chỉ có như vầy: Ở nước ta bây giờ đây, có nên theo khoa học hay không? Không, thì thôi; nếu nên theo thì những điều gì của Khổng giáo ta vẫn tin xưa nay mà trái với khoa học thì ta phải bỏ. Chớ tôi chẳng hề trách Khổng giáo sao không chủ ý đến khoa học mà tiên sanh phải cắt nghĩa cho phiền.

Về chỗ Khổng giáo trái với khoa học, trong bài phê bình của tôi, không thể chỉ rõ ra được, cho nên tôi nói lược rằng: “Đại để Khổng giáo chỉ nói cái lẽ đương nhiên mà không nói đến cái lẽ sở dĩ nhiên, bảo người ta phải làm như vậy mà không cắt nghĩa cho người ta tại làm sao phải làm như vậy. Về chỗ đó, Trần tiên sanh dẫn lời tôi rồi cắt nghĩa tại làm sao mà thôi, chớ không bác tôi được. Vậy thì tiên sanh cũng đồng ý với tôi chỗ đó. Vậy thì chỗ đó, chỗ Khổng giáo không nói đến cái lẽ sở dĩ nhiên đó, là chỗ trái với khoa học. Vì khoa học dạy người ta phải tìm đến cái lẽ sở dĩ nhiên.

Nhớ đâu nói đó, tôi xin kể ra lấy một câu. Trong Luận ngữ, có lần Diệp Công hỏi việc chánh, ngài đáp rằng: “Cận giả duyệt; viễn giả lại.”(9) Như những chỗ ấy, chỉ nói về quả mà không nói đến nhân: biểu làm sao cho “kẻ gần đẹp, kẻ xa về”, mà không dạy cho cái phương thế (moyen), thì dầu chính Trần tiên sanh cũng không nghe được, chớ đừng nói khoa học.

Tôi nói Khổng giáo có nhiều điều trái với khoa học. Trần tiên sanh nói không rõ những điều ấy là điều gì. Vậy tôi xin cử ra lấy một điều, là cái thuyết “minh đức tân dân”.

Sách Đại học, theo Chu Tử thì có ba cái cương lãnh là minh đức, tân dân, chỉ chí thiện; rồi có tám cái điều mục, mà tóm tắt lại là tu thân, trị quốc, bình thiên hạ. Tu thân về phần minh đức, trị bình về phần tân dân. Cái thuyết của sách Đại học đây, đại ý là: trước hết mình phải tu thân cho nên người trọn vẹn, rồi lấy mình mà cảm hóa mọi người từ gần đến xa, tức là do nhà ra nước, ra thiên hạ, theo như sách ấy dạy rằng: “Người quân tử chẳng ra khỏi nhà mà làm nên giáo hóa trong nước; chưa hề có ai học nuôi con rồi sau mới gả lấy chồng.”

Khoa học trọng chứng cứ và thiệt nghiệm. Cái thuyết minh tân chỉ là một cái lý tưởng cao siêu, chớ đem mà đối chiếu với lịch sử thì không thể chứng nghiệm là thiệt được. Theo khoa học ngày nay, chánh trị học hay là xã hội học cũng đều không nói như vậy; nên tôi nói là trái nhau. Huống chi, theo các việc người Tây hiện làm bây giờ, chẳng có việc gì không học mà làm được; vậy mà bảo cứ minh đức rồi thì tân dân được ngay, như đàn bà không học nuôi con cũng lấy chồng được ngay, thì chẳng là tương phản là gì?

Trần tiên sanh nói: Dầu có những điều trái nhau ấy nữa chẳng qua là Khổng tử nói những điều thích hạp với cái trình độ của người đời Xuân thu; rồi tiên sanh lại nói trong Khổng giáo có cái nghĩa tùy thời. Nếu vậy thì hai ta thôi còn biện bác nhau chi nữa? Xã hội đời Xuân thu là cái xã hội tông pháp, thì ngài xướng cái nghĩa minh đức tân dân là phải, còn cái xã hội ngày nay, thiên hạ xu hướng(******) về tự do bình đẳng, tự nhiên phải bỏ cái nghĩa minh đức tân dân. Sự biến đổi ấy chẳng qua là tùy thời, chẳng có lạ gì hết, cũng như hồi Xuân thu, con gái không học nuôi con, cứ việc gả lấy chồng; còn đời nay, trước khi lấy chồng, các cô phải học nuôi con đã.

Về sự cái thuyết minh đức tân dân trở ngại cho khoa học thế nào, trong bài Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta, tôi nói rõ lắm. Tôi cho là hễ chúng ta còn cái quan niệm ấy ở trong đầu thì nó chèo kéo với khoa học, không sao theo khoa học được, cho nên tôi bảo phải cạo đi cho sạch.

Cái đại ý của Trần tiên sanh chỉ có muốn người mình theo khoa học mà đừng bỏ cái tâm học của mình. Còn theo tôi thì cái tâm học của mình tôi cũng không bỏ, duy tôi chọn ra từng cái, cái nào không thích hợp thì tôi bỏ. Như cái thuyết của Đại học mới nói trên đây, về sự tu thân, gồm những chánh tâm, thành ý, thì tôi không bỏ; song đem cái sự tu thân ấy nhập với trị quốc bình thiên hạ, cho rằng hễ minh đức được, tức là tân dân được, thì tôi nhận là trái với khoa học đời nay, tôi khuynh hướng về khoa học, tự nhiên tôi phải bỏ đi, tôi không tin như vậy nữa.

Tôi biết rằng về chữ khoa học đây, Trần tiên sanh dùng theo nghĩa hẹp, còn tôi dùng theo nghĩa rộng, nên cái mũi nhọn hai bên không đối nhau cho lắm. Song sự đó, tôi cho là vô hại, vì cái ý kiến của tiên sanh với của tôi nó khác nhau là khác từ gốc kia.

Đây sắp xuống tôi theo chữ khoa học nghĩa hẹp như tiên sanh mà nói một ít nữa.

Tiên sanh nói bên Tây có nhiều nhà thức giả chán nản khoa học. Sự đó tôi vẫn biết, thật có một phần rất ít như vậy. Lấy đại thể cả Âu Mỹ mà nói, thì phần rất ít ấy có ăn thua vào đâu? Huống chi dầu có vậy đi nữa, thì cũng tại họ đã thừa rồi họ mới chán nản; còn mình chưa có mà lại cần có, thì thế nào cũng phải đeo đuổi theo mới đặng. Mình ưng đi xe hỏa cho mau, thắp đèn điện cho sáng, thì ai cho phép mình chán nản khoa học được ư? Nếu có ai phản đối khoa học thì xin làm như cái ông đi đất ở trần mà kéo vải kia; còn như phóng ô tô, đứng trong một chỗ diễn đàn rực rỡ, dưới chân lót mã nhục, trên đầu tréo qua tréo lại những dây kết hoa, quạt máy chạy tít, đèn điện sáng choang, mà diễn thuyết phản đối khoa học thì tôi xin lạy!

Tiên sanh lại nói: “Ta nay thấy người cường thạnh, thì ai ai cũng háo hức theo người, biết đâu rằng cái cường thạnh ấy lại không có cái nguy cơ nằm sẵn đó rồi”. Tiên sanh cứ hay dùng chữ “biết đâu” thiệt tôi không chịu. Nhưng biểu lấy đại ý thì chỗ nầy chắc tiên sanh muốn đổ tội khoa học về cuộc đại chiến 1914-1918 mà hô lên rằng “Khoa học phá sản” như nhiều kẻ khác đó chi? Nếu kéo dài ra đến chuyện nầy thì khó mà một vài lời cho hết lẽ được, xin để khi khác.

5. Về điều quân quyền với chủ quyền thì tôi tưởng trong lời phê bình của tôi đã rõ ràng lắm, Trần tiên sanh bác lại, dầu tôi không phục cũng phải làm thinh, vì chẳng biết còn lời chi nói cho rõ hơn nữa! Tôi nhớ hồi Khương Hữu Vi chủ trương cái thuyết lấy Khổng giáo làm quốc giáo (religion nationnale) cho nước Tàu, cũng có nói từa tựa như Trần tiên sanh đây, cũng nói quân quyền tức là chủ quyền; song cái việc sờ sờ trước con mắt mà cắt nghĩa ra như vậy, thật tôi đến chết cũng không hiểu!

Nay tôi chỉ nói thêm rằng: Dầu cái quân quyền mà Trần tiên sanh nói đó có tức là chủ quyền chăng nữa, là cái thuyết trung quân của Khổng Tử cũng không có thể dung được trong các nước dân chủ ngày nay. Khổng Tử trong ba tháng không có vua thì ra tuồng băn khoăn(10); vào cửa vua thì cúi mình xuống, dường như chẳng lọt; đi ngang qua cái ngai không, sắc mặt cũng xửng vửng; lên nền nhà, nín hơi như chẳng thở(11): những cái kiểu đó chẳng còn xài được cho một người nào ở nước Pháp, nước Mỹ, cho đến nước Tàu ngày nay.

Nói chi thì nói chớ chữ “souverain peuple” trong tiếng Pháp, xin tiên sanh có dịch cũng dịch là “dân chủ” cho người ta dễ nghe; nếu theo ý tiên sanh dịch là “dân quân”, tôi thì chịu được, song có điều khí lạ tai nhiều người một chút!

Lại xin nói một câu nữa cho hết ý: Nếu cái nghĩa trung quân của Khổng Tử cũng tức là trung với chủ quyền như tôi nói về sự nhân dân các nước dân chủ trung với hiến pháp, thì cái nghĩa ấy lại thông hành ở đời nay được, song thế nào cũng phải đổi chữ “quân” làm chữ “chủ” cho khỏi hiểu lầm.

Tóm lại, Trần tiên sanh bác lại tôi cọng cả là sáu điều, trừ ra một điều về hữu thần vô thần, tôi xin bái giáo tiên sanh, còn năm điều tôi liệt ra trên đây, tôi chưa phục vì những cớ tôi đã chỉ ra đó.

Trước kia tôi có cử ra ba điều nghị luận của Mạnh Tử không hiệp với luận lý học; mà cách nghị luận của Trần tiên sanh trong năm điều đây có hơi giống của Mạnh Tử điều thứ hai và thứ ba. Nói rõ ra, ấy là biến canh luận điểm (changement de point) và không tế nhận danh từ (terme) cũng mạng đề (proposition). Bởi vậy tôi xin nhắc lại cho tiên sanh và xin tiên sanh nói chuyện cùng tôi trong vòng luận lý học. Lần nầy cũng như lần trước tôi chỉ có một tấm lòng ngay thật.



PHAN KHÔI

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 63 (31.7.1930); s.64 (7.8.1930)





(*) M.Logique: tức là gọi là Ngài Lôgich (M. là viết tắt từ Monsieur = Ngài); về sau Tr.Tr.Kim đáp rằng Logique trong tiếng Pháp là danh từ giống cái (féminin), cho nên nếu muốn thì phải gọi bằng Cô (Mademoiselle; viết tắt: Melle).

(1) Kinh Thi có câu: “Bỉ quân tử hề, thiện hí hước hề, bất vi ngược hề”. Nghĩa là: Kìa là người quân tử, khéo bông đùa mà chẳng đến nỗi làm hại ai (nguyên chú của Phan Khôi).

(2) Amphibologie lại khác với équivoque. Trong luận lý học cũng có một điều nữa kêu bằng Erreurs d’équivoques, nghĩa là “sự mậu vọng về kỳ nghĩa” (nguyên chú của PK).

(**) mậu vọng: dối trá, huyễn hoặc (theo H.T. Paulus Của, sđd.)

(3) Giả ngôn suy lý hay nói là Tam đoạn luận suy lý cũng được, chữ sau theo tiếng Pháp là Syllogisme hypothetique (nguyên chú của PK).

(4) Viên Mai tức Viên Tử Tài, hiệu Tùy Viên, một nhà văn học đời Thanh. Lời đây thấy trong bài “Luận ngữ giải tứ thiên” ở Tùy Viên văn tập (nguyên chú của PK).

(***) độn từ: nghĩa như tiếng Pháp faux-fuyant, - lời thoái thác khi cùng lý hết lời (theo Đào Duy Anh, sđd.).

(5) Mạnh Tử có lần nói rằng: “Ngã tri ngôn”, và rằng: “Độn từ tri kỳ sở cùng” (nguyên chú của P.K.).

(6) Nguyên văn: “ngũ xích chi đồng”. Nghĩa là đứa con nít trạc nó vắn chừng năm thước. Ta phải hiểu rằng thước bên Tàu đời xưa vắn hơn thước ta bây giờ (nguyên chú của PK).

(****) Tức là Lương Thấu Minh (1893-1988) học giả Trung Quốc.

(*****) Vương Dương Minh tức Vương Thủ Nhân (1472 – 1528) triết gia Trung Quốc thời Minh.

(7) Chùm kết, theo tiếng Bắc là bù kết; và xà-bong (savon), tiếng Bắc là xà phòng (nguyên chú của PK).

(8) Thấy trong bài Cái ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta của tôi đăng ở Thần chung năm ngoái (nguyên chú của PK).

(9) Thiên Tử Lộ, XIII.

(******) Bản gốc là xu xướng, có lẽ in lầm, ở đây sửa lại.

(10) Thấy trong sách Mạnh Tử (nguyên chú).

(11) Luận ngữ, Hương đảng, X (nguyên chú).

Người mở đường cho luận lý học Á Đông

PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930

Người mở đường cho luận lý học Á Đông

Khổng Tử và cái thuyết “chánh danh” của ngài

Nhiều lần tôi có nhắc tới cái thuyết “chánh danh” của Khổng Tử. Ở Phụ nữ tân văn số 43, trong bài nói về chữ quốc ngữ, tôi có hứa rằng chờ sau nầy sẽ viết một bài cắt nghĩa về cái thuyết ấy. Hôm nay xin làm trọn lời hứa của tôi.

Luận lý học là một khoa thuộc về triết học, dạy người ta tư tưởng theo phép tắc chánh đáng cho khỏi sai lầm. Nó sanh sản ra từ trong học giới Âu châu, nguyên tên nói theo tiếng Anh thì viết Logic, còn theo tiếng Pháp thì viết là Logique. Người Nhựt Bổn dịch ra là Luận lý học.

Nhiều nhà học giả nước Tàu ngày nay cho cái tên luận lý học là không đúng, mà bảo phải kêu Logic hay Logique bằng “Danh học”. Tuy vậy, người ta dùng chữ luận lý học quen rồi, cho đến những nhà bác học cũng dùng đến luôn luôn. Vì vậy, tôi cũng theo thói quen mà dùng như người ta.

Tại làm sao những người kia lại biểu phải kêu Logique bằng danh học? Nguyên vì danh học là một khoa học của người Tàu, phát sanh ra hồi Chiến Quốc, mà về phần tinh thần của nó thật giống với Logique của Tây. Cho nên, họ nói mình đã có khoa danh học đúng như Logique, thì cứ kêu Logique bằng danh học đi, lại còn dịch thêm một tiếng luận lý học là tiếng nghe không được ổn thỏa nữa làm chi?

Lấy lẽ gì mà nói là không ổn thỏa? Đợi có dịp khác tôi sẽ cắt nghĩa. Đây tôi phải ngó lại cái đầu đề trên kia mà nói, kẻo nó lãng đi.

Thiệt cái danh học của Tàu không biết vì cớ gì mà về sau tuyệt hẳn đi, là một điều đáng tiếc cho nền học thuật Á Đông. Ngày nay có nhiều người nhìn nhận rằng vì cớ ấy mà học thuật phương Đông mấy ngàn năm nay không có tấn bộ một mảy nào. Nhưng ở đời Chiến Quốc thì các học phái nước Tàu như trăm hoa đua nở, mà phái nào cũng có tông chỉ, có thống hệ, gần giống như cái hiện tượng của học giới Âu châu vậy. Thấy vậy, người ta mới lại nhìn nhận rằng hồi Chiến Quốc mà các học phái sản sanh ra được như vậy là nhờ khoa danh học thạnh hành, mỗi một phái nào cũng đều lấy danh học làm trụ cột để lập nên cái học thuyết của mình.

Cái vấn đề mà tôi vừa tóm tắt trong đoạn trên đây, tôi đã từng nghiên cứu qua thì thấy hay lắm, vui lắm, có thú vị lắm. Xin độc giả hẵng làm quen với những bài của tôi như bài nầy lấy ít lúc, rồi tôi sẽ viết một bài kêu là “Luận lý học với học thuật Đông Tây” mà cống hiến cho độc giả những cái sở đắc trong sự nghiên cứu của tôi. Đây tôi nói tắt về cái danh học của Tàu phát nguyên ra từ đâu.

Ai đã đọc sách Trung Quốc triết học sử đại cương của Hồ Thích, chắc có thấy nơi trang 104, nói về cái chủ nghĩa chánh danh của Khổng Tử, có mấy lời như vầy:

“Từ Khổng Tử nêu ra cái vấn đề chánh danh, rồi các nhà triết học đời xưa đều chịu lấy cái ảnh hưởng ấy: Mạnh Tử, Mặc Tử v.v… Cho nên có thể nói rằng cái chủ nghĩa chánh danh của Khổng Tử thiệt là thỉ tổ(*) của danh học Trung Hoa, cũng như cái thuyết “khái niệm” của Socrate là thỉ tổ của danh học Hy Lạp”.

Theo lời Hồ thì cái thuyết chánh danh của Khổng Tử còn có mấy phương diện, nhưng có một phương diện quan hệ với danh học, tức là cái chỗ do đó nền danh học được lập lên bởi các học giả sau ngài.

Tôi đã đọc nhiều sách nói về danh học của Tàu, sau khi quán thông lại thì nhận cho lời của Hồ là đúng lắm. Tôi bèn nắm đó mà nghiên cứu cái thuyết chánh danh của Khổng Tử về phương diện danh học.

*

Hai chữ “Chánh danh” xuất từ sách Luận ngữ, thiên Tử Lộ, là thiên thứ XIV trong sách ấy, dịch ra đây cả một chương như vầy:

“Tử Lộ hỏi: Vua nước Vệ, nếu dùng thầy làm việc chánh, thì thầy sẽ làm điều chi trước?

Ngài đáp rằng: Âu là ta phải chánh danh ư?

Tử Lộ nói: Có lẽ ấy à? Thầy hu hoạt(1) làm sao. Chánh gì mà chánh?

Ngài nói: Ngươi Do mới quê mùa thay! Người quân tử với điều mà mình chẳng biết, thà chịu để thiếu đó.

Danh chẳng chánh thì lời nói chẳng thuận; lời nói chẳng thuận thì việc làm chẳng nên; việc làm chẳng nên thì lễ nhạc chẳng dấy; lễ nhạc chẳng dấy thì hình phạt chẳng nhằm; hình phạt chẳng nhằm thì dân không chỗ đặt tay chưn.

Cho nên, người quân tử kêu tên điều gì, chắc có thể nói ra được; nói ra điều gì chắc có thể làm được. Người quân tử đối với lời nói của mình, không có chỗ cẩu thả mà thôi”.

Đó, xem cả một chương đó, thấy Tử Lộ hỏi về việc chánh trị mà ngài đáp bằng cái thuyết chánh danh, thì biết cái thuyết ấy là quan hệ ngay với chánh trị; cho nên Hồ Thích nói có mấy phương diện là thế. Tuy vậy trong đó có nhiều cái lẽ rất quan hệ với danh học hay là luận lý học.

Chánh danh, nói theo tiếng ta, tức là kêu tên cho trúng, mới nghe như là không trọng yếu mấy, bởi vậy Tử Lộ mới dám vọt miệng chê ngài là hu hoạt. Nhưng xét ra, trong sự học vấn, trong sự chánh trị, mà cho trong sự gì cũng vậy, kêu tên cho trúng, là sự trọng yếu lắm, chớ nên dể dưng.

Trong một bài đăng ở số trước, tôi đã nói về hai cái nguyên tố của luận lý học, là khái niệm (concept) và danh từ (terme). Khái niệm là sự mình suy nghĩ trong lòng; danh từ là lời mình nói ra nơi miệng. Tiếng rằng hai cái, song thiệt thì có một. Vì cái lời mình nói ra đó tức là cái điều mình suy nghĩ. Cho nên, hễ nghĩ sai, tự nhiên nói ra cũng sai; và hễ thấy lời nói ra mà sai, khắc biết rằng sự suy nghĩ cũng không trúng vậy.

Chữ “danh” trong chữ “chánh danh” của Khổng Tử đây, tức là cái danh từ trong luận lý học; và chữ “danh” trong chữ “danh học” cũng tức là một chữ “danh” ấy.

Trong Luận ngữ, có một chỗ, Khổng Tử than phiền về sự danh bất chánh trong thời đại ngài. Nguyên đời xưa, có cái đồ đựng rượu, hình nó có khía, nên kêu bằng cái “cô”. – Cô nghĩa là “khía”. Nhưng hồi ngài đó thì cái đồ đựng rượu được ba thăng, bất luận có khía không khía, người ta đều kêu bằng cái “cô” cả. Bởi vậy ngài mới than rằng:

“Cái cô mà chẳng có khía, cũng kêu bằng cô được ư! cũng kêu bằng cô được ư!” (Ung dã, thiên thứ VI trong Luận ngữ).

Đó, không có khía mà kêu bằng cô, ấy là kêu tên không trúng. Vậy mà người ta kêu được, là kêu liều kêu lĩnh đó thôi, chớ theo ngài thì nghe trái tai lắm, thật là lời nói chẳng thuận.

Lại một chỗ nữa, cũng thuộc về phương diện chánh trị, song có thể đem mà chứng minh cho cái nghĩa trên kia. Ấy là chỗ Quý Khương Tử hỏi việc chánh mà ngài thưa rằng:

“Cái điều kêu bằng chánh ( 政 ) tức là chánh ( 正 ) vậy; ông lấy chánh ( 正 ) mà xướng suất, thì ai lại dám chẳng chánh ư?” (Nhan Uyên, XIII).

Nguyên chữ “chánh ( 政 ) (nghĩa là chánh trị) có chữ “chánh” ( 正 ) một bên (nghĩa là ngay). Cho nên ngài cắt nghĩa chánh trị tức là người trên phải ăn ở cho ngay thẳng để mà xướng suất kẻ dưới. Đó là một cách chánh danh nữa: cái tên chánh trị, là do từ sự chánh trực mà ra.

Vậy nếu trong việc chánh trị mà không theo lẽ chánh trực, tức như khi trong một nước, trên có vua đần, dưới có quan tham lại nhũng, mọi việc đều làm bậy bạ hết, thì có gọi là chánh trị được đâu. Nếu gọi là chánh trị thì cũng như cái không có khía mà gọi là cái cô, theo ngài, ngài cho là tầm bậy cả. Họa loạn sanh ra là ở đó, cho nên nói rằng dân không chỗ đặt tay chưn.

Trong sách Xuân thu của Khổng Tử, cũng thấy được cái nghĩa chánh danh. Về năm vua Hy Công thứ 16, sách ấy có chép rằng:

“Xuân Vương tháng giêng, ngày Mậu thân, sóc, rơi đá ở nước Tống năm hòn. Tháng ấy, sáu con chim ích bay thùi lui, qua đô thành nước Tống”.

Đoạn sách nầy, mới nghe qua thật là vô vị, hầu như một đoạn trong quyển nhựt ký của cậu học trò nhỏ nào, hay là giống cái dọng biên sổ chi tiêu việc làng việc họ. Nhưng để coi, coi Công Dương truyện giải ra có ý nghĩa lắm:

“Sao lại nói rơi trước mà nói đá sau? Rơi đá, là chép theo sự nghe: Nghe cái độp, coi lại thì là đá; rồi mới đếm, thì là năm hòn. Sao lại trước nói sáu con mà sau nói chim ích? Sáu con chim ích bay thùi lui, là chép theo sự thấy: Ngó lên thì thấy sáu con; coi kỹ lại thì là chim ích; thủng thẳng coi kỹ lại nữa, thì là bay thùi lui…”

Sách Xuân thu phồn lộ của Đổng Trọng Thơ, giải nghĩa điều trên đó cũng nói rằng:

“Sách Xuân thu phân biện cái lẽ của mọi vật để kêu trúng tên nó, kêu tên vật nào y như sự thiệt của vật ấy, chẳng sai một mảy lông mùa thu. Cho nên nói về rơi đá thì nói năm hòn ở sau, nói về chim ích bay thùi lui thì nói sáu con ở trước; Thánh nhân ngài cẩn thận sự chánh danh dường ấy”.

Theo đoạn sách Xuân thu dẫn trên đây thì thật là ngài muốn đính chánh cái ý nghĩa của từng tiếng từng chữ nữa. Sự đó chẳng những quan hệ với luận lý học, mà lại cũng quan hệ với văn pháp (grammaire).

Luận lý học của Tây dạy rằng mỗi khi biện luận về một sự vật gì, trước hết phải cấp cho sự vật ấy một cái định nghĩa, hoặc kêu là cái giới thuyết (définition). Cái giới thuyết hoặc cái định nghĩa đó, là cốt làm cho cái danh và cái thiệt của sự vật ấy tương đương với nhau, rồi mới có đường mà biện luận. Bằng chẳng vậy, một bên nói trời một bên nói đất, cãi nhau hết hơi mà rốt lại chẳng vỡ ra lẽ gì, chẳng ích lợi gì. Cho biết sự định nghĩa hay là lập giới thuyết là sự cần lắm cho người ta trong khi biện luận.

Lại, trong một câu văn, một cái danh từ dùng lặp hai lần mà lần trước với lần sau khác nghĩa, cũng là một sự cấm kỵ lớn trong luận lý học. Bởi vậy luận lý học có đặt ra sáu điều luật về phép tam đoạn luận (Sillogisme) mà điều thứ ba là điều hệ trọng nhứt, như vầy: Cái trung danh từ (le terme-médian) phải cho châu diễn (collectif) ít nữa cũng phải châu diễn một lần. Vả lại cái trung danh từ ở trong hai cái tiền đề (les deux prémisses) phải là đồng một nghĩa với nhau. Ai phạm đến điều cấm kỵ ấy, kêu là “phá luật”. Đã phá luật thì sự lập ngôn của mình sai lầm rồi, không còn đứng được nữa.

Tôi rất tiếc rằng vì sự cần mà đây tôi phải kể đến luật lệ lôi thôi của luận lý học, làm cho nhức đầu độc giả, nhứt là những ai chưa hề thiệp liệp đến cái học ấy. Song xin hẵng bỏ qua nó, đừng nghĩ mà làm chi cho mệt não, để trong một bài khác tôi sẽ kiếm cách đưa độc giả đến chỗ dễ hiểu những luật lệ ấy như chơi, mà lại vui lắm nữa.

Đây tôi kể ra mấy điều cốt yếu của luận lý học trên đó để cho biết rằng Khổng Tử, ngài ở hơn hai ngàn năm trước cũng đã thạo những điều ấy rồi, không phải như bọn ta bây giờ phải cặm đầu vào mà học mới biết, hay là không thèm học mà cũng không thèm biết nữa!

Có một lần, “Tử Trương hỏi: Kẻ sĩ như thế nào thì gọi là “đạt” được?

Ngài hỏi lại rằng: Nhà ngươi kêu bằng “đạt” đó là nghĩa làm sao?

Tử Trương thưa rằng: Ở nước ắt có tiếng đồn (văn); ở nhà ắt có điếng đồn (văn).

Ngài nói rằng:Thế là “văn”, chớ không phải “đạt”….” (Nhan Uyên, XII).

Cái đó, nếu lúc bấy giờ Tử Trương hỏi về “đạt” mà ngài không hỏi lại Tử Trương, cứ theo nghĩa chữ đạt trong ý ngài mà đáp lại, thì chắc Tử Trương không hiểu, vì trong ý va nghĩ khác. Ngài trọng sự chánh danh lắm, nên ngài mới biểu Tử Trương lập cái giới thuyết cho chữ “đạt” đi. Quả nhiên Tử Trương cắt nghĩa “đạt” thành ra “văn”. Nối theo đó ngài bèn đính chánh lại cho Tử Trương và bắt đầu cắt nghĩa làm thế nào cho được đạt. (Ai muốn biết rõ hơn thì đọc Luận ngữ).

Cái cách ngài lập luận đó hiệp với pháp thức luận lý học dạy phải lập giới thuyết trước; và cũng hiệp với luật thứ ba của tam đoạn luận. Vì chữ “đạt” trong câu hỏi của Tử Trương và chữ “đạt” trong câu ngài sẽ trả lời, ta nên coi là một danh từ mà dùng lặp hai lần; nếu nghĩa của nó khác nhau thì tất nhiên là phải phá luật vậy.

Còn như điều sắp kể dưới nầy thì hình như ở ngoài cái thuyết chánh danh, nhưng mà ở trong phạm vi luận lý học, ta chẳng nên bỏ qua.

Theo luận lý học thì cái điều lập cho sự vật một cái công lệ là điều khó lắm và ta nên thận trọng lắm. Muốn làm sự ấy thì phải theo phương pháp quy nạp (induction) dùng những phép khái quát (généralisation) (statistique) luật nhân quả (causalité)… mà sau mới làm nổi. Trong đời có người ưa lấy một nửa lời mà lập công lệ cho sự vật, như nói: Muốn nước cho mạnh thì phải hợp quần; muốn duy trì phong hóa thì phải bảo tồn Hán học. Tôi dám nói những lời mà họ cho là khuôn vàng thước ngọc đó là không có giá trị; mà theo luận lý học hay là theo Khổng Tử, cũng nói như tôi.

Lần kia, “Định Công hỏi: Có một lời nói mà có thể dấy nước được chăng?

Ngài thưa rằng: Lời nói không có thể trông mong dễ dàng như vậy.

Định Công lại hỏi: Có một lời nói mà có thể mất nước được chăng?

Ngài cũng thưa rằng: Lời nói không có thể trông mong dễ dàng như vậy”. (Tử Lộ, XIII).

Định Công hỏi đó, là muốn lập cho sự dấy nước và sự mất nước một bên một cái công lệ. Phải như ai, thì đã làm thánh làm tướng, lựa một vài lời oai vệ mà đáp phăng cho rồi. Nhưng ngài thì ngài dùng một câu bác trước đi đã, rồi mới đáp sau. Ngài đáp câu hỏi thứ nhứt của Định Công rằng:

“Người ta có nói: “Làm vua khó, làm tôi chẳng dễ”. Vậy nếu biết làm vua là khó, chẳng ngõ hầu một lời nói mà dấy nước ư?”

Đáp câu hỏi thứ nhì rằng:

“Người ta có nói: “Ta không vui gì sự làm vua, duy có nói ra mà chẳng ai trái ta”. Nếu nói phải mà chẳng ai trái, thì chẳng cũng là hay; bằng nói không phải mà chẳng ai trái, thì chẳng ngõ hầu một lời nói mà mất nước ư?”

Phàm sự gì không chắc thì không được dùng lời quả quyết, ấy cũng là một điều dạy trong luận lý học. Trong hai câu trả lời trên đó, mỗi câu ngài dùng chữ ngõ hầu, thiệt là đúng với Luận lý học lắm.

Trên đây, từ chỗ dẫn sách Xuân thu về trước, là tôi lấy ở triết học sử của Hồ Thích; còn hai điều sau là tự tôi đã tìm ra. Còn nhiều điều khác nữa hiệp với cái thuyết chánh danh và đủ chứng minh rằng Khổng Tử là người mở đường cho danh học tức là luận lý học bên Trung Quốc, nhưng bài nầy đã dài rồi, cử ra nội mấy điều trên đó cũng đã vừa.

Kể ra thì cái nền danh học lập nên bởi các học giả sau ngài, như Mặc Tử, Công Tôn Tử, Tuân Tử, v.v… thì cũng chỉ có cái tinh thần mà thôi, chớ về hình thức thì còn khiếm khuyết nhiều lắm, có đâu bằng luận lý học bên Âu châu, và cũng còn kém Nhân minh học bên Ấn Độ(2). Vậy thì biết rằng cái người mở đường ra đó, sự tri thức của người về cái học ấy chắc không được hoàn toàn lắm; mà điều ấy ta không thể trách. Cho nên ta xem Khổng Tử đối với danh học cũng như Socrate đối với Luận lý học phương Tây, chẳng qua là ông tổ khai sơn mà sau đến Aristotle lập ra sáu điều luật nói trên kia, rồi cái nền luận lý học mới thành lập được vậy.

Mà thật vậy, cũng trong một sách Luận ngữ, tôi có tìm thấy chỗ ngài nói như là không đúng với luận lý học, ra ngoài cái thuyết chánh danh của ngài. Vì cớ ấy, kêu tên cái “chánh danh”, Hồ Thích kêu bằng cái chủ nghĩa, mà tôi kêu bằng cái thuyết, vì tôi cho là chưa trọn vẹn, chưa đáng kêu là chủ nghĩa vậy.



PHAN KHÔI

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.57 (19.6.1930)









(*) thỉ tổ: cũng là “thủy tổ”.

(1) Theo tiếng Bắc, đọc hai chữ nầy là “vu khoát” (nguyên chú của Phan Khôi).

(2) Nhân minh học tức là Luận lý học ở Ấn Độ (nguyên chú của P.K.).

Trở về mục lục Trang Phan Khôi

23-9-07

PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930 SAU KHI ĐỌC BÀI TRẢ LỜI CỦA TRẦN TRỌNG KIM TIÊN SANH CẢNH CÁO CÁC NHÀ “HỌC PHIỆT”

PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930



SAU KHI ĐỌC BÀI TRẢ LỜI CỦA TRẦN TRỌNG KIM TIÊN SANH

CẢNH CÁO CÁC NHÀ “HỌC PHIỆT”



Sau khi tôi đọc bài của Trần Trọng Kim tiên sanh bàn với tôi về sự phê bình cuốn sách Nho giáo, đăng ở Phụ nữ tân văn số 60, tôi rất lấy làm phục cái nhã độ của tiên sanh. Tôi lấy làm phục tiên sanh bao nhiêu, thì tôi càng mừng cho học giới nước ta có cơ khai phóng bấy nhiêu!

Số là, chẳng những như Trần quân đã nói, người mình xưa nay chưa quen chịu kẻ khác phê bình, mà lại trong xã hội nầy, có một hạng người, tôi muốn dâng cho họ một cái huy hiệu mới, là “học phiệt”. Hạng người ấy ỷ có học rộng, tri thức nhiều, văn hay, trí thuật cũng khá, rồi tự coi mình như là bậc “thầy”, chẳng kể dư luận ra chi. Đã hay rằng mình giỏi, song thế nào cho khỏi sự sai lầm, vậy mà họ tự phụ quá, cứ mạt sát hết. Ừ, cái dư luận nào không chánh đáng, họ mạt sát chẳng nói làm chi; cái nầy, khi người ta công kích họ một cách chánh đáng, mà họ cũng làm thinh. Làm thinh, không phải tỏ ra là họ phục; nhưng làm thinh, tỏ ra là họ không thèm nói với, thế mới đáng ghét. Tôi dâng cho họ cái huy hiệu “học phiệt”, lấy nghĩa rằng họ có ý kế nghiệp nhau mà chuyên quyền trong học giới, cũng như bọn “quân phiệt”, đã nối nhau mà chiếm cứ đất đai và quyền chánh trị bên Tàu.

Tôi chẳng nói gần nói xa chi hết; tôi nói ngay rằng hạng “học phiệt” ấy ở nước ta chẳng bao lăm người, mà Phạm Quỳnh tiên sinh là một. Thử xách ra lấy một việc. Chắc hẳn nhiều độc giả còn nhớ chuyện Ngô Đức Kế tiên sanh công kích sự đề xướng Truyện Kiều hồi mấy năm trước nên đã viết một bài trong tạp chí Hữu thanh. Nói có vong linh Ngô tiên sanh! Không biết làm sao mà ông nầy có ác cảm với Phạm quân quá. Hồi đó tôi đương ở Hà Nội, tôi đi lại với cả hai đằng, đầu đuôi làm sao tôi rõ hết. Vì sự tư ý đó nên trong bài Chánh học với tà thuyết của họ Ngô có chỗ không được công bằng; tuy vậy, lấy đại thế cái bài mà nói, thì cách công kích như vậy là chánh đáng. Vả lại nó là một vấn đề lớn, có quan hệ với học phong sĩ tập, dầu phải dầu chăng, cũng không có thế nào bỏ qua đặng. Vậy mà bên Phạm Quỳnh tiên sanh nín lặng, chẳng thèm nói đi nói lại lấy nửa lời.

Có một lẽ có thể vin lấy mà cãi cho Phạm quân về sự làm thinh đó, là trong bài của họ Ngô chưa hề có một lần nào nói đến tên tuổi Phạm quân. Theo phép, khi người ta nói đến mình một cách không chánh thức, thì mình có quyền làm thinh được.

Song le, có lẽ khác mạnh hơn để đánh đổ lẽ ấy đi. Trong bài của họ Ngô tuy không nói đến tên Phạm quân, song toàn nói những công việc của Phạm quân đã chủ trương, hoặc đã thi hành, mà công việc ấy lại không có thể lộn với của người khác. Huống chi, công việc lại là công việc làm ra giữa xã hội, chẳng phải riêng của một người, ai cũng có quyền can thiệp đến, ai cũng có quyền bàn bạc đến. Chỉ có một điều nên hỏi, là lời người ta bàn bạc đó phải hay quấy mà thôi. Nếu là phải, thì mình nên viết ra mà nhận lỗi và tỏ ý phục thiện của mình; bằng quấy, thì mình cũng nên viết ra mà cãi lại để binh vực cho chơn lý. Đàng nào cũng phải trả lời hết, không phép làm thinh. Làm thinh thì tỏ ra hai dấu: một là bí, hết đường nói lại; hai là khinh người. Bí mà làm thinh, không nhận lỗi cách đường đường chánh chánh, thì thành ra mình không có can đảm, không biết phục thiện. Còn khinh người thì lại vô lý lắm, mình khinh người, người lại chẳng biết khinh mình sao? Huống chi, phải biết rằng khinh người bằng một cách như vậy, thì trong khi mình khinh người đó, chính mình tự khinh lấy mình rồi, vì mình đã đối với mình, với người, cũng đều không ngay thật.

Hai cái lỗi đó, thế nào Phạm tiên sanh cũng phải vấp một, vì tiên sanh đã làm thinh trong khi ấy. Nhưng nói tiên sanh vấp cái lỗi trước thì thà nói tiên sanh vấp cái lỗi sau. Bởi chưng, sau khi nín không trả lời, Phạm tiên sanh có viết một bài trong Nam phong nhớ chừng như đầu đề là Xử thế châm ngôn thì phải; trong đó có những câu, nhớ chừng như “Một thanh bảo kiếm…” chi chi đó thì phải. Đại ý nói ta là thanh gươm bách luyện đây, tha hồ mà công kích, có sờn đâu được ta? Thiệt nó in hệt như cái giọng Tử Cống xưa kia binh vực cho thầy mình mà nói rằng: “Nhân tuy dục tự tuyệt, kỳ hà thương ư nhựt nguyệt hồ?” một thứ!

Về câu chuyện trên nầy ta lại nên chia ra hai mặt mà bàn. Cái kiểu làm thinh ấy, nói về mặt học vấn là dở; chớ nói về mặt làm báo thì lại là hay. Vong hồn ông Tập Xuyên, sống thì khôn thác thì thiêng, ông chứng giám cho lời tôi đây! Thật hồi đó Ngô tiên sanh hằm hằm chực Phạm quân trả lời thì kéo luôn cả đại đội ra mà công kích; song cái kế Tư Mã Trọng Đạt diệu thay, làm cho cái phương lược “lục xuất kỳ sơn” kia mới vừa có “nhứt xuất” thì đã quay đầu ngựa trở về! Tôi nói: về mặt làm báo là hay, cái hay ở đó.

Song le, cái nghề làm báo, gặp thì làm, chớ có phải cái đất mà chúng ta toan đặt cái đời mình trên đó đâu. Chúng ta – các ông đã đành, mà cũng xin cho tôi xen vào với – nên đặt cái đời mình trên cái đất học vấn. Trong sự học vấn mà không ngay thật, ngay thật đối mình, đối với người, đối với nhứt thiết, thì thật là nguy hiểm lắm, nguy hiểm đến cái đời của mình nữa!

Có một điều nên lượng thứ cho Phạm tiên sanh, là lúc bấy giờ tiên sanh còn đương vào cái tuổi thanh niên, cái tuổi ấy thường làm cho người ta phụ khí và hiếu thắng. Song ngày nay, tiên sanh niên càng cao, đức càng mậu, có lẽ những điều ký vãng ấy, tiên sanh đã rất lấy làm hối hận mà không nói ra chăng.

Thánh nhân có nói rằng: “Quân tử tấn đức tu nghiệp, dục cập thời dã.”(1) Chữ “đức” khỏi cắt nghĩa; còn chữ “nghiệp” đó tức là sự học vấn của mình. Hai cái đó có quan hệ lẫn nhau, tới thì cùng tới, lui thì cùng lui, với nhau. Muốn cho sự học vấn của mình một ngày một tới, phải hư tâm, phải khắc kỷ, phải biết phục thiện, thì mới tới được; mà sự học vấn đã tới, thì cái đức của mình cũng ngày càng đầy đủ thêm. Cập thời là thời nào? Theo ý tôi thì vào lúc ngoài ba mươi cho đến bốn năm mươi, xoang(*) cỡ tuổi chúng ta ngày nay, là cái thời mà những sự phụ khí hiếu thắng đã lần lần xa ra khỏi mình.

Sự tấn đức tu nghiệp mà thánh nhân nói đó, ở đời xưa thiệt rất khó; khó vì chẳng biết noi theo một cái phương pháp nào. Song đương đời ta đây thì đỡ được sự khó ấy một chút; sẵn có phương pháp khoa học đó, ta nên lợi dụng lấy để mà tấn đức.

Đã có người đứng sau lưng tôi mà cười tôi rồi! Họ cười họ lại còn nói: Cái đời anh nhà nho đặc sệt mà mỗi chút mỗi khoa học, khéo làm rầy tai! - Nếu có phải vậy thì tôi kiếu ông ấy đi, mà chỉ nói với những người nào không ra ý khinh tôi. Thật vậy, sự nầy lại là một cái vấn đề nên nói rõ ở nơi khác nữa. Đây tôi chỉ nói rằng: Cái phương pháp khoa học cũng vậy, hay là đích thân khoa học cũng vậy, thật là cái tiện cho học giả lợi dụng để mà tấn đức. Vì theo phương pháp khoa học thì mỗi một sự gì cũng phải luật lịnh, cậy chứng nghiệm để tìm cho thấy chơn lý, mà trong khi ấy lại phải bỏ hết cả những điều tư tâm, thành kiến và sự kiêu căng của mình đi; chẳng phải là trong lúc cầu tri thức đó, cũng luôn thể làm ích lợi cho tánh nết của mình sao? Tôi chối dài, tôi không phải nhà khoa học; song thật như ông Trần Trọng Kim nói, tôi có cái khuynh hướng về khoa học. Câu chuyện vừa rồi là tôi lấy ở sự kinh nghiệm của chính mình tôi mà nói ra, có ích cho ai thì có, không thì thôi, không có hại.

Nãy giờ tôi nói dông dài những tấn đức tu nghiệp, khoa học khoa hiếc để cho lợt bớt câu chuyện đi, chớ rồi cũng không thể bỏ qua cái thói kiêu căng của mấy ông “học phiệt”. Họ làm vậy khác nào như ôm lấy cái độc quyền dư luận, trở ngại sự tấn bộ của học giới nước ta. Ai nói, họ không thèm nói với, tức là có ý để một mình họ nói thôi, thế chẳng phải ôm lấy độc quyền dư luận là gì? Mà đã không cãi cọ thì không nẩy ra chơn lý; không có ánh sáng của chơn lý thì học giới tối tăm; thiệt họ đã vô ý mà dứt ngang con đường tấn bộ của học giới đi, chớ chẳng những trở ngại mà thôi vậy.

Thật vậy, cái thói của họ đó đã tràn ngập cả xã hội mà thành ra như phong tục trong hơn mười năm nay. Ai nói trời nói đất chi thì nói, ngang ngạnh đến đâu cũng không có người cãi. Cái phong tục ấy nên đặt cho nó một cái danh từ là “nguội lạnh”.

Chính mình Phạm Quỳnh tiên sanh đã nhìn thấy chỗ đó. Tiên sanh có viết trong Nam phong số 148, hồi tháng Mars năm nay, về phần phụ trương tiếng Pháp, nơi bài “Hồi tưởng về Khổng Tử và Khổng giáo” (Réflexion sur Confucius et le Confucéisme), một đoạn như vầy:

“Ở nước Nam ta, cái phong trào bài kích Khổng giáo thà kêu là cái phong trào nguội lạnh… Mới có một nhà nho cũng học đòi bạn đồng đạo mình bên “thiếu niên Trung Quốc", ra tay phản đối Khổng Tử và Khổng giáo, mà chừng như độc giả chẳng mấy ai thiết đến, không ai cho là phải mà cũng không ai cho không, dầu rằng những bài phản đối ấy viết bằng lối văn chín chắn và tài liệu dồi dào, đáng khen thật, song tôi tưởng chắc độc giả của nó cũng không nhiều bằng của những cái tin ngắn chút xíu trên tờ báo nói về công trạng của hai tay vô địch nghề banh vợt, mà hết thảy các báo đã tôn cho là nhứt quốc chi hùng”.(2)

Xin độc giả thử nghĩ coi, có cái xã hội nào lại nguội lạnh đến nỗi nước nầy chăng? Mà việc đó, đố ai dám cả gan bảo là việc tầm thường. Chính trong đoạn đó chỗ để những cái chấm giây đó, Phạm tiên sanh nói rằng: “Kể ra thì đấng Thánh ở Khúc Phụ xa xuôi thật, xa cả về không gian và về thời gian, song lâu nay chính ngài vẫn đã chi phối những điều giáo huấn của ngài trong cả cuộc sanh hoạt xứ nầy, về tinh thần và luân lý”.(3) Ừ! nếu đã nhìn nhận cho Khổng giáo ở xã hội mình là quan hệ với sự sống của mọi người vậy thì sao trong khi có kẻ nhè nó phản đối, ai nấy lại nỡ làm lơ, không thèm quan thiết đến cho đành? Tôi xin trung cáo cùng người trong nước: đừng có lấy cái cớ nói ra không ai thèm nói lại, làm dịp tiện để nhạo cười cái anh nhà nho mà Phạm quân nói kia; song ai nấy hãy nhìn điều nầy là một điều sỉ nhục cho cả một dân tộc, vì trong việc đó tỏ ra rằng cái lương tâm của dân nầy hình như đã tê điếng rồi vậy!

Lẽ đáng trong khi thấy những bài phản đối Khổng giáo đó, hạng người thường có cho là không quan hệ mà bỏ qua đi nữa, thì những người bấy lâu đã có tông tín (conviction) về Khổng giáo chủ trương cái thuyết duy trì Khổng giáo, cũng phải vội vã đứng ra, một là binh vực cho sự tông tín của mình, hai là vệ dực cho thánh đạo, ba là phá sự cổ hoặc cho người đương thời, mới phải cho. Cái nầy từ hiền đến ngu rủ nhau làm thinh một loạt; sau khi đó rồi, có kẻ lại tỏ ý ra như tuồng mình làm vậy là đắc sách, thì tôi phải chịu, không hiểu cái lòng dạ người ta là thế nào! Nếu anh nhà nho công kích Khổng giáo đó mà công kích phải lẽ, thôi chẳng nói làm chi; ví bằng anh ta công kích bậy mà lại dùng lối văn chín chắn, tài liệu dồi dào, đến nỗi ông Phạm Quỳnh phải khen, thì tôi tưởng, chẳng nhiều thì ít, thế nào cũng có hại cho thế đạo nhân tâm chớ. Vậy mà cứ nguội lạnh là nguội lạnh làm sao?

Tôi thấy đám trẻ con chơi với nhau, đến lúc đổ quạu, một đứa đứng ra một phía, lấy lời vô lễ mà xỉ mắng mấy đứa kia. Mấy đứa nầy thiệt hành cái chủ nghĩa tiêu cực phản kháng, ra hiệu lịnh cho nhau rằng: “Nó nói gì kệ nó, mình cứ bịt lỗ tai, chẳng thèm nghe!” Chúng nó bảo nhau thế nào, làm y như thế. Đứa kia nói một chặp, mỏi miệng rồi thôi. Khi ấy mấy đứa làm thinh ban nãy đó mới rập nhau xỉ vào mặt đứa ấy mà nói rằng: “Lêu lêu mắc cỡ! Lêu lêu mắc cỡ!”

Quái làm sao! câu chuyện nói trên kia mà lại tình cờ giống với cái trò trẻ con nầy!

Trời ôi! nhà nho ấy chẳng phải ai đâu lạ, chính thị là tôi đây. Mà nếu còn có ai nữa thì tôi là một. Phạm quân nói nhà nho trổng mà không kêu tên, ấy là vì cái tên tôi không đáng làm dơ ngòi bút của Phạm quân hay là vì người sợ tôi “mắc cỡ” tội nghiệp mà dấu tên đi, thì tôi không biết.

Năm ngoái tôi có viết cả thảy 21 bài nói về ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta, đăng trong báo Thần chung, từ ngày 3 octobre cho đến 18 novembre 1929. Sự độc giả nguội lạnh đối với những bài ấy có đến như Phạm tiên sanh nói chăng, thì tôi không được biết cho chắc; song trước sau vỏn vẹn chỉ có một bài gởi tới phản đối, cũng có đăng ở Thần chung(**), mà tôi đã thú thiệt, không hiểu tác giả ý muốn nói những gì. Vì vậy đương khi toàn văn của tôi chưa hết mà tôi cũng bắt chước đứa con nít nói trên đó, mỏi miệng rồi thôi.

Chẳng đợi đến bây giờ có Phạm tiên sanh nói, tôi mới biết; cái sự nguội lạnh ấy tôi đã đoán trước rồi. Trong bài thứ 21, là khi tôi đã ngã lòng toan gác bút, tôi có viết một đoạn rằng:

“Nước Tàu còn có năm ba bọn trung với Khổng giáo, gặp cơn nguy biến, ra tay chống chỏi, hết phương nầy, tìm phương khác, tuy không kéo lại được mà cũng còn tỏ cho thiên hạ biết trong Khổng giáo vẫn có người. Đến nước ta thì hết chỗ nói! Khổng giáo ở nước ta trong khi gặp văn minh Âu châu, hình như nó nằm sát rạt xuống, vừa khóc vừa rên, vừa ngửng đầu lên coi chánh phủ. Chánh phủ có để khoa cử thì cứ thi đậu làm quan chơi; chánh phủ bỏ khoa cử thì cũng đau lòng mà khóc rên chút đỉnh; nhưng đến khi chánh phủ lập trường bắt học chữ Pháp thì lại lau nước mắt mà cứ việc học, mong cho tốt nghiệp đặng làm quan. Rồi đến ngày nay đây, có kẻ ngỗ nghịch là tôi, dám ra đương trường chỉ trích Khổng giáo, – để rồi coi, giạc chừng như – cũng không ai thèm nóng mặt mà ra miệng hết. Ừ, nó nói ông Khổng Tử chớ nó có nói chi mình đâu, nó có động đến bát cơm của mình đâu mà hòng ra miệng! Không dám dối độc giả, tôi viết đến đây bỗng dưng hai hàng nước mắt tôi trào ra trên giấy. Không phải tôi khóc vì Khổng giáo điêu tàn; nhưng tôi khóc, một là vì cái kẻ chỉ trích Khổng giáo lại là tôi; hai là vì ngó thấy cái tình đời bạc bẽo!”

Sự nguội lạnh đó, theo như tôi đã kể ra trong đoạn trước, thì quả là do mấy nhà “học phiệt” tạo ra. Nếu còn bởi các cớ khá nữa, thì cái cớ mấy nhà “học phiệt” chuyên chế dư luận cũng là một cớ lớn, họ phải chịu một phần trách nhiệm lớn trong sự đó.

Khi tôi viết bài bình phẩm cuốn sách Nho giáo, trong anh em đã có người e cho tôi lại “mắc cỡ” chuyến nữa, nhưng tôi cũng cứ đánh bạo mà làm. May quá! Trần tiên sanh khứng viết ra mà thương xác sự học vấn cùng tôi; cái tên tiên sanh tôi quý trọng bao nhiêu, thì cái bài ấy tôi cũng quý trọng bấy nhiêu; quả là “vàng”thật!

Về phương diện lý thuyết của cái bài tiên sanh trả lời cho tôi đó, tôi xin để rồi sẽ nói đến. Nay chính tôi và cũng xin đại biểu cho những anh em có học vấn ít nhiều mà cùng tôi đồng ý kiến, ngỏ lời cảm tạ Trần tiên sanh về sự người đã có ý tốt, mở cái đường thương xác về sự học cho chúng tôi và hết thảy mọi người trong nước Việt Nam sau nầy.

Nhơn đó tôi dám lấy tư cách một nhà học giả tầm thường, không có cái bằng cấp nào hết, chỉ có cái óc tự do độc lập, lấy chơn lý làm thầy, không thần phục dưới quyền đạo giáo nào hay là thánh hiền nào, viết một cách thiệt nghiêm cẩn ra ở đây mấy lời, để cảnh cáo các nhà “học phiệt” nước ta mà trong đó, tôi đã cử một Phạm Quỳnh tiên sanh ra làm đại biểu.

Học thuật của nước ta xưa nay chỉ có cái hư danh mà thôi, chớ coi đi coi lại, đem mà so sánh với các nước, thì thấy ra tầm thường quá. Nước Việt Nam nầy mà gọi được là có học thuật, hoạ từ nay về sau chăng. Sự đó, cái trách nhiệm ở chúng ta, là những kẻ có học mà ở vào cái thời đại văn hóa Đông Tây giao hội với nhau nầy.

Chúng tôi muốn rằng trong nước ta từ rày về sau, nên lần lần bỏ hẳn cái danh từ Nho hoc và Tây học mà lập ra một nền học thuật mới, kêu là nền học thuật Việt Nam; nó sẽ đứng với nước ta đời đời: nước còn có thì học thuật còn có; học thuật còn có thì nước còn có. Ấy là một cái khí giới chúng tôi định sắm ra để cầm giữ tổ quốc và đưa đồng bào lên đường tấn hóa, hầu theo kịp loài người trên thế giới trong cõi đại đồng ngày nay.

Trên đây nói “chúng tôi muốn, chúng tôi định”, chẳng qua là để tỏ ra cái ý kiến của một bọn người chúng tôi mà thôi. Bên các ông, những người mà chúng tôi kêu là “học phiệt”, chắc cũng có cái ý kiến như chúng tôi đó, vì thấy có người đã tỏ ra trong khi luận về sự học.

Vậy thì hai bên, cái ý kiến đại để đồng nhau; có khác nhau, chỉ là cái thái độ. Chúng tôi thì muốn, về sự học, phải cho ngôn luận được công khai. Còn các ông, theo như cái thái độ đã vẽ ra trên kia, thì hình như muốn chuyên chế.

Chúng tôi cho cái thái độ ấy ở trong việc gì thì hoặc giả còn được, chớ ở trong học giới thì nhứt định không có thể được. Cái lẽ tại sao mà không được, đã nói rõ trên kia rồi. Vậy bây giờ chúng tôi yêu cầu các ông phải bỏ hẳn cái thái độ ấy đi. Nghĩa là từ nay về sau, về sự học, khi có ai nghi ngờ những điều các ông chủ trương mà chất vấn hoặc công kích, thì các ông phải trả lời minh bạch, phải thì nói phải, quấy thì nói quấy.

Chúng tôi nhìn các ông là bậc túc học; nếu các ông chịu đem ý kiến mình trao đổi với mọi người, thì sự ích cho các ông chưa nói, mà phần chắc là có ích cho cả xã hội. Nếu các ông còn giữ thói cũ, thì xã hội đã không được ích, mà tập theo các ông, lại thành ra cái phong tục nguội lạnh nữa. Sự nguội lạnh ấy, tôi đã cho là cái lương tâm tê điếng; mà theo Trang Tử thì là cái lòng đã chết, chẳng có gì đáng buồn rầu hơn! (Ai mạc đại ư tâm tử).

Lần nầy là lần thứ nhứt mà tôi đem cái chánh nghĩa ra thưa cùng các ông như vậy; rồi mới tới dưới nầy là cái ý cảnh cáo.

Các ông đành là bậc túc học, cái công nghiệp của các ông ở trong học giới nước ta đành chẳng phải là nhỏ. Song cái thái độ ấy của các ông, hôm nay đã có nhiều người không phục, có ngày họ sẽ nổi lên mà phản đối.

Tôi biết trong ba kỳ mỗi nơi đã có ít nữa là một người học vấn rộng rãi, có đức, có tài, có thức, chẳng kém các ông là mấy. Những người ấy đều khuynh hướng về cái bình dân chủ nghĩa, họ muốn sự học vấn được phổ cập, nên thế nào họ cũng sẽ đứng dậy mà đánh đổ cái kiểu học phiệt của các ông. Sự ấy chưa xảy ra là vì họ đương nuôi cái thế lực bằng học thức của họ cho thật mạnh đã. Chẳng sớm thì chầy, trong nước Việt Nam nầy cũng sẽ có một cuộc chiến tranh về tư tưởng. Trước mặt các ông, tôi không nói dối.

Cái chỗ tôi đem mà cảnh cáo các ông là chỗ đó. Tùy các ông muốn làm như Diêm Tích Sơn, Trương Học Lương thì làm, hay là muốn làm như Ngô Bội Phu, Đoàn Kỳ Thụy thì làm.

Tôi đây, chưa phải là kẻ phản đối các ông đâu. Tôi chỉ là một viên tiểu tướng của đạo quân bình dân tư tưởng đi trước dẹp đường, và luôn thể báo hiệu cho các ông mà thôi.



PHAN KHÔI

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.62 (24.7.1930)

Trung lập, Sài Gòn, s. 6206 (26.7.1930); s.6207(28.7); s.6208 (29.7); s.6209 (30.7.1930).




(1) Xin lỗi độc giả, chỗ nầy tôi dẫn sách mà không nói rõ sách nào, lời ai nói, là vì lâu nay tôi ít ôn nhuần nên tôi quên xuất xứ, mà trong tay cũng không sẵn sách để tra lại. Câu nầy tôi nhớ như ở kinh Dịch thì phải. Lại xin độc giả cũng biết cho rằng khi nào tôi dẫn sách như vậy là đã suy đi nghĩ lại câu sách ấy mà nhận cho như là một cái công lệ rồi, tôi mới dẫn vào; chớ không phải hễ tôi thấy lời ông thánh thì tin là phải mà dẫn vào đâu.

(*) xoang: H.T. Paulus Của (sđd) giải là: “đụng nhằm, tuông phải”; vậy “xoang cỡ tuổi…” có thể được hiểu là: vào trạc tuổi, vào lứa tuổi.

(2) Nguyên văn: En Annam, la vague de défaveur est plutôt une vague d’indifférence… Et si dernièrement un lettré Annamite, emboitant le pas à ses confrères de la “jeune Chine” a essayé de faire le procès de Confucius et du Confucéisme, il ne semble pas qu’il a beaucoup intéressé ses lecteurs: personne ne l’a ni approuvé ni contredit et je doute fort que ses articles, ecrits pourtant avec un louable souci de style et de documentation, aient eu autant de lecteurs que le moindre petit entrefilet relatif aux exploits de deux champions de tennis promus par toute la presse progressiste au rang de héros nationnaux (nguyên chú của Phan Khôi).

(3) Nguyên văn: Le sage de Khu-fou parait loin, bien loin dans l’espace et le temps, lui qui naguère encore animait de ses enseignements et de ses préceptes toute la vie morale et spirituelle de ce pays (nguyên chú của Phan Khôi).

(**) Đó là bài của Hoành Sơn: Đôi lời về Khổng giáo bàn cùng Phan Khôi tiên sinh đăng 9 kỳ báo Thần chung từ 6.1.1930 đến 12.2.1930.