Hiển thị các bài đăng có nhãn Bài diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội của Tổng thống Obama. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bài diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội của Tổng thống Obama. Hiển thị tất cả bài đăng

27/2/09

Bài diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội của Tổng thống Obama

Bài diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội của Tổng thống Obama

25/02/2009


Tổng thống Barack Obama tuyên bố Hoa Kỳ sẽ trỗi dậy sau giai đoạn kinh tế bất định và sẽ trở nên vững mạnh hơn trước. Trong bài diễn văn đọc trước lưỡng viện Quốc hội tối thứ ba 24/2/2009, Tổng thống Obama giải thích các chính sách kinh tế của ông. Sau đây là bài diễn văn của ông Obama. (Bản dịch của đài VOA)


Tổng thống Obama đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội

Thưa Bà Chủ tịch Hạ viện, thưa Ông Phó Tổng thống, thưa Quí vị đại biểu Quốc hội, và Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ.

Tôi tới đây tối nay không chỉ để ngỏ lời với các quí Ông và quí Bà khả kính ở hội trường vĩ đại này, nhưng cũng để trình bày một cách thẳng thắn và trực tiếp với những người nam cũng như nữ đã cử chúng ta đến nơi đây.

Tôi biết rằng đối với nhiều người Mỹ đang ngồi trước màn ảnh truyền hình ngay lúc này, tình hình kinh tế của chúng ta là một mối lo vượt lên trên tất cả các mối lo khác. Và đó là điều hợp lý. Nếu như bản thân quý vị chưa bị tác động trực tiếp bởi cuộc suy thoái này, có lẽ quý vị cũng có quen biết một ai đó đã bị tác động - một người bạn; một người láng giềng; hay một người trong viên gia đình bạn. Quý vị chẳng cần phải nghe thêm một bảng thống kê khác mới biết rằng nền kinh tế của chúng ta đang bị khủng hoảng, bởi vì quý vị đang sống với nó hằng ngày. Đó là mối khắc khoải quý vị cảm thấy mỗi khi thức giấc và nguyên do của làm quý vị nhiều đêm không ngủ được. Đó là công việc bạn vẫn nghĩ sẽ làm cho đến lúc nghỉ hưu nhưng bây giờ đã mất; là doanh nghiệp trên đó bạn xây đắp những ước mơ mà bây giờ như chỉ mành treo chuông; là lá thư được chấp nhận vào trường đại học mà con bạn đành phải nhét lại vào phong bì. Tác động của cuộc suy thoái này là điều có thật và hiện diện ở mọi nơi.

Thế nhưng mặc dù nền kinh tế của chúng ta suy yếu và niềm tin của chúng ta lung lay, và mặc dù chúng ta sống qua một thời kỳ đầy khó khăn và bất trắc, đêm nay tôi muốn rằng mỗi người Mỹ nên biết rõ điều này.

Chúng ta sẽ xây dựng lại, chúng ta sẽ phục hồi lại, và Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn trước.

Sức nặng của cuộc khủng hoảng này sẽ không quyết định vận mạng của quốc gia này. Những câu trả lời cho các vấn nạn của chúng ta không nằm ngoài tầm với của chúng ta. Những câu trả lời đó nằm trong các phòng thí nghiệm và các trường đại học của chúng ta; trên những cánh đồng và trong các cơ xưởng của chúng ta; trong trí tưởng tượng của những các nhà doanh nghiệp và trong niềm tự hào của những người lao động cần cù nhất trên Trái đất. Chúng ta vẫn có thừa những phẩm chất đã làm Hoa Kỳ trở nên một sức mạnh to lớn nhất của tiến bộ và thịnh vượng trong lịch sử nhân loại. Điều cần thiết hiện nay cho đất nước này là phải cùng nhau ra sức dũng cảm đối mặt với những thách thức và một lần nữa đảm nhận trách nhiệm về tương lai chúng ta.

Giờ đây, nếu chúng ta thành thực với chính mình, chúng ta phải công nhận rằng trong thời gian quá lâu, chúng ta đã không luôn luôn đáp ứng những trách nhiệm đó – với tư cách là một chính phủ hay một dân tộc. Tôi nói điều này không phải để chê trách hay nhìn lại phía sau, mà bởi vì chỉ bằng cách tìm hiểu vì sao chúng ta đã lâm vào nông nỗi này thì chúng ta mới có thể thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.

Sự thật là nền kinh tế của chúng ta không phải rơi vào suy thoái trong một sớm một chiều. Cũng không phải tất cả các vấn nạn của chúng ta đã nãy sinh khi thị trường nhà đất suy sụp hoặc khi thị trường chứng khoán hạ giảm. Từ bao nhiêu thập niên chúng ta đã biết rằng sự sống còn của chúng ta tùy thuộc vào việc tìm ra những nguồn năng lượng mới. Vậy mà ngày nay chúng ta đang nhập khẩu nhiều dầu hơn bao giờ hết. Mỗi năm, phí tổn chăm sóc y tế gậm nhấm ngày càng nhiều quĩ tiết kiệm của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn trì hoãn việc cải cách. Con em chúng ta sẽ đua tranh tìm kiếm việc làm trong một bối cảnh kinh tế toàn cầu mà quá nhiều trường học của chúng ta không chuẩn bị cho chúng. Và bất chấp tất cả những thách thức không được giải quyết đó, chúng ta vẫn tìm cách chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết, chồng chất nợ nần nhiều hơn bao giờ hết, trên cương vị cá nhân cũng như thông qua chính phủ của chúng ta.

Nói một cách khác, chúng ta đã trải qua một thời đại mà những lợi lộc ngắn hạn quá nhiều khi được đánh giá cao hơn sự thịnh vượng lâu dài; một thời đại mà chúng ta đã không nhìn xa hơn được kỳ lương sắp tới, quí sắp tới, hoặc kỳ tuyển cử sắp tới. Một sự thặng dư trở nên một cái cớ để chuyển giao của cải cho người giàu có, thay vì là một cơ hội để đầu tư cho tương lai. Luật lệ bị phá vỡ nhằm thu được lợi nhuận nhanh chóng bất kể cái hại gây ra cho thị trường lành mạnh. Người ta mua những ngôi nhà họ biết họ không đủ tiền để trả của các ngân hàng và của những kẻ cho vay cứ thông qua những món nợ xấu một cách bất kể người mua có đủ điều kiện hay không. Và trong suốt thời gian đó, những cuộc tranh luận quan trọng và những quyết định khó khăn luôn luôn bị trì hoãn ngày này sang ngày khác.

Vâng, cái ngày phán xét đó đã tới, và cũng đã đến lúc chúng ta phải nhận lãnh trách nhiệm về tương lai của chúng ta.

Đây chính là lúc chúng ta cần hành động dũng cảm và khôn ngoan, không những chỉ để phục hồi nền kinh tế mà còn để xây dựng nền móng mới cho một sự thịnh vượng lâu dài. Đây chính là lúc phải khởi động việc tạo ra công ăn việc làm, khởi sự lại hoạt động cho vay tiền, và đầu tư trong những lãnh vực như năng lượng, chăm sóc y tế, và giáo dục, là những lãnh vực sẽ giúp cho nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng, ngay cả trong lúc chúng ta còn phải có những chọn lựa khó khăn để giảm bớt sự thâm hụt. Đó là những điều mà nghị trình kinh tế của tôi soạn thảo để thực hiện, và cũng là điều tôi muốn nói với quí vị đêm nay.

Đó là một nghị trình khởi sự với công ăn việc làm.


Tổng thống Obama tuyên bố Dự Án Phục Hồi và Tái Ðầu Tư Hoa Kỳ nay đã trở thành luật

Ngay khi tôi nhậm chức, tôi đã đã yêu cầu Quốc hội này gửi cho tôi một kế hoạch phục hồi vào ngày Lễ Tổng thống, một kế hoạch có thể đem mọi người trở lại với công việc của họ và bỏ tiền vào túi họ. Như thế không phải bởi vì tôi tin vào một chính phủ có quyền hạn lớn hơn – không, tôi không nghĩ như vậy. Cũng không phải tôi không nghĩ tới món nợ khổng lồ mà chúng ta đã thừa hưởng – tôi có nghĩ tới. Tôi yêu cầu phải có hành động vì nếu không làm vậy thì những công ăn việc làm sẽ ra đi nhiều hơn và đem tới nhiều gian truân hơn nữa. Sự thực là nếu không có hành động ngay thì sự thâm lạm của chúng ta trong trường kỳ sẽ trở nên tệ hại hơn vì điều đó chắc chắn sẽ làm cho nền kinh tế tăng trưởng một cách yếu ớt trong nhiều năm nữa. Chính vì vậy mà tôi đã thúc đẩy phải hành động nhanh. Và đêm nay, tôi biết ơn sự đáp ứng của Quốc Hội này, và vui mừng tuyên bố Dự Án Phục Hồi và Tái Đầu Tư Hoa Kỳ nay đã trở thành Luật.

Trong hai năm tới đây, kế hoạch này sẽ cứu vãn hoặc tạo ra 3 triệu rưỡi công ăn việc làm. Hơn 90% những việc làm này nằm trong khu vực tư nhân, như công việc tái thiết đường sá cầu cống; xây dựng các tuốc-bin gió và các tấm pin điện mặt trời; lắp đặt các băng thông rộng và mở rộng các phương tiện chuyên chở đại chúng.

Nhờ kế hoạch này, bây giờ đã có những giáo viên có thể giữ được công việc giáo dục con em chúng ta. Những nhà chuyên môn chăm sóc sức khỏe có thể tiếp tục săn sóc người bệnh của chúng ta. Đêm nay, 57 cảnh sát viên vẫn tiếp tục thi hành nhiệm vụ trên đường phố Minneapolis, nhờ kế hoạch này đã ngăn chặn được những vụ sa thải mà cơ quan của họ dự tính thực hiện.

Nhờ kế hoạch này, 95% gia đình lao động Mỹ sẽ nhận được một phần giảm thuế, quý vị sẽ nhìn thấy phần giảm thuế đó trong ngân phiếu trả lương của bạn bắt đầu vào ngày 1 tháng Tư.

Cũng nhờ kế hoạch này, những gia đình phải chật vật để trả học phí của con em sẽ nhận được một khoản giảm thuế 2,500 đô la cho toàn bộ 4 năm đại học đầu tiên. Và những người Mỹ đã bị mất việc làm trong cơn suy thoái này sẽ có thể nhận thêm trợ cấp thất nghiệp và tiếp tục được hưởng sự chăm sóc sức khỏe cho qua cơn sóng gió này.

Tôi biết có một số người trong hội trường này và một số người đang xem TV ở nhà vẫn còn hoài nghi về hiệu quả của kế hoạch này. Tôi hiểu sự hoài nghi đó. Tại Washington đây, mọi người chúng ta đều đã thấy những hảo ý có thể biến thành những lời hứa suông và sự tiêu pha vô ích một cách nhanh chóng như thế nào. Và một kế hoạch với tầm cỡ này có kèm theo một trách nhiệm cực kỳ to lớn phải thực hiện đúng.

Chính vì vậy tôi đã yêu cầu Phó Tổng thống Biden lãnh đạo một nỗ lực giám sát gay gắt và chưa từng thấy, bởi vì không ai có thể làm ăn tắc trách với ông ấy được. Tôi đã nói với mỗi thành viên trong Nội các của tôi cũng như các thị trưởng và thống đốc trên toàn quốc là họ sẽ chịu trách nhiệm trước tôi cũng như trước nhân dân Mỹ về mỗi đôla mà họ chi tiêu. Tôi đã bổ nhiệm một vị Tổng Thanh tra kinh nghiệm và năng nỗ để có thể phát giác mọi trường hợp lãng phí và gian lận. Và chúng tôi cũng tạo ra một trang mạng mới gọi là recovery.gov, hầu mỗi người Mỹ đều có thể thấy tiền của họ được chi tiêu như thế nào và tiêu vào đâu.

Như vậy kế hoạch phục hồi chúng ta đã thông qua là bước đầu tiên để đưa nền kinh tế của chúng ta trở lại đúng hướng. Nhưng đó chỉ là bước đầu tiên. Bởi vì cho dù chúng ta có thể quản lý kế hoạch này một cách toàn hảo đi nữa, cũng sẽ không thực hiện được sự phục hồi thực sự trừ phi chúng ta giải quyết được cuộc khủng hoảng tín dụng đã làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống tài chánh của chúng ta.

Đêm nay, tôi muốn nói một cách thẳng thắn, không úp mở về vấn đề này, bởi vì mọi người Mỹ nên hiểu rằng vấn đề này trực tiếp tác động đến quý vị và sự an vui của gia đình quý vị. Quý vị cũng nên biết rằng số tiền mà quý vị ký thác trong các ngân hàng trên khắp nước Mỹ là an toàn; rằng việc bảo hiểm của quý vị là chắc chắn; và quý vị có thể tin cậy vào sự tiếp tục hoạt động của hệ thống tài chính của chúng ta. Nhưng đó không phải là điều đáng lo.

Điều đáng lo là ở chỗ nếu chúng ta không khởi sự lại việc cho vay trong nước này, sự hồi phục của chúng ta sẽ bị bóp nghẹt trước khi nó bắt đầu.

Quí vị biết đó, lưu thông tín dụng chính là mạch máu của nền kinh tế của chúng ta. Khả năng vay được tiền chính là cách ta tài trợ cho việc mua bán mọi thứ, từ căn nhà, chiếc xe cho tới nền giáo dục đại học; đó là cách các cửa tiệm mua được hàng hóa, các nông trại mua được thiết bị, và các doanh nghiệp có thể trả lương cho công nhân.

Nhưng, tín dụng đã ngưng lưu thông đúng cách. Quá nhiều khoản cho vay xấu từ cuộc khủng hoảng nhà đất đã đi vào sổ sách kế toán của quá nhiều ngân hàng. Với quá nhiều nợ nần và quá ít sự tín nhiệm, những ngân này giờ đây đâm ra sợ hãi, không dám cho các gia đình, các doanh nghiệp, và các ngân hàng khác vay thêm. Khi không có ai cho vay tiền thì các gia đình không còn mua nhà hoặc mua xe được nữa. Thế là các doanh nghiệp bị buộc phải sa thải nhân công. Nền kinh tế của chúng ta còn bị tác hại nhiều hơn, và tín dụng cũng cạn kiệt hơn nữa.

Chính vì lý do đó mà Chính quyền này đã phải hành động một cách nhanh chóng và mạnh mẽ để phá vỡ cái vòng hủy diệt đó, khôi phục lại lòng tin, và khởi sự lại hoạt động cho vay.

Chúng ta sẽ làm như vậy theo nhiều cách. Trước tiên, chúng ta đang tạo ra một quĩ cho vay mới thể hiện cho nỗ lực to lớn nhất từ trước đến nay để giúp cung cấp tiền vay mua xe, vay tiền đóng học phí đại học, cùng những khoản tiền vay dành cho doanh nghiệp nhỏ, cho người tiêu dùng và các nhà kinh doanh, tức là những thành phần giúp cho nền kinh tế hoạt động.


Ông Obama tuyên bố Hoa Kỳ sẽ trỗi dậy sau giai đoạn kinh tế bất định và sẽ trở nên vững mạnh hơn

Điều thứ hai, chúng ta đã phát động một chương trình gia cư nhằm giúp các gia đình có tinh thần trách nhiệm đang đối mặt với nguy cơ bị xiết nhà giảm bớt khoản trả góp hàng tháng và tái tài trợ các khoản thế chấp của họ. Kế hoạch này sẽ không giúp những kẻ đầu cơ hoặc một người hàng xóm nào đó đã mua một ngôi nhà mà họ chẳng bao giờ hy vọng có đủ tiền để trả, nhưng nó sẽ giúp hàng triệu người Mỹ đang vất vã vật lộn vì giá trị căn nhà của họ bị sụt giảm – đó là những người Mỹ mà giờ đây có thể lợi dụng mức lãi suất thấp hơn trước do kế hoạch này đem lại. Sự thật là, một gia đình trung bình hiện nay muốn tái tài trợ có thể tiết kiệm được gần 2,000 đô la mỗi năm về tiền thế chấp của họ.

Thứ ba, chúng ta sẽ hành động với toàn sức mạnh của chính phủ liên bang để đảm bảo rằng các ngân hàng chính mà người Mỹ phải trông cậy vào có đủ niềm tin và đủ tiền để cho vay ngay cả trong những thời kỳ khó khăn hơn nữa. Và khi chúng ta biết được rằng một ngân hàng lớn có những vấn đề nghiêm trọng, chúng ta sẽ buộc những kẻ có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm, bắt buộc phải thực hiện những sự điều chỉnh cần thiết, cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để chỉnh đốn bảng quyết toán, và đảm bảo tính liên tục của một định chế vững mạnh, có khả năng tồn tại để phục vụ người dân và nền kinh tế của chúng ta.

Tôi hiểu rằng bất cứ lúc nào các cơ sở tài chính ở Wall Street đều có thể cảm thấy dễ chịu hơn với một chính sách nhằm cung cấp cho các ngân hàng những khoản tiền giải cứu mà không có những điều kiện ràng buộc, không bắt ai phải chịu trách nhiệm về những quyết định thiếu thận trọng của họ. Nhưng một đường lối như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề. Và mục tiêu của chúng ta là tiến nhanh đến ngày mà chúng ta có thể cho người Mỹ và doanh nghiệp Mỹ vay mượn trở lại, và chấm dứt vĩnh viễn cuộc khủng hoảng này.

Tôi có ý định buộc các ngân hàng này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự giúp đỡ mà họ được nhận, và lần này, họ sẽ chứng minh rõ ràng bằng cách nào đồng tiền của người thọ thuế sẽ mang lại kết quả là là người thọ thuế sẽ được vay mượn nhiều hơn. Lần này, các giám đốc điều hành công ty sẽ không thể sử dụng tiền của người thọ thuế để tự tăng lương cho mình hay mua sắm những tấm màn đắt giá hoặc biến đi trên một chiếc máy bay phản lực riêng. Thời kỳ đó nay đã qua rồi.

Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ đòi hỏi những nguồn lực đáng kể từ phía Chính phủ liên bang, và, vâng, có lẽ còn nhiều hơn số nguồn lực mà chúng ta đã dành riêng cho mục đích này. Nhưng mặc dù cái giá của hành động sẽ rất cao, tôi có thể bảo đảm với quí vị là cái giá của việc không hành động sẽ còn cao hơn rất nhiều, vì nó có thể đưa đến hậu quả là một nền kinh tế èo uột kéo dài không phải trong vài tháng hay trong vài năm, mà có thể cả một thập niên. Điều đó sẽ tệ hại hơn cho tình trạng thâm hụt của chúng ta, tệ hại hơn cho các hoạt động kinh doanh, tệ hại hơn cho quí vị, và tệ hại hơn cho thế hệ kế tiếp. Và tôi sẽ không để cho điều đó xảy ra.

Tôi hiểu rằng khi Chính quyền trước yêu cầu Quốc hội trợ giúp cho các ngân hàng đâng gặp khó khăn, các các đại biểu của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều giận dữ về cách quản lý sai lầm và những hậu quả của nó. Người thọ thuế Hoa Kỳ cũng giận dữ. Tôi cũng vậy.

Cho nên bây giờ tôi rất hiểu hiện nay việc đi giúp đỡ cho các ngân hàng là một việc ít được lòng dân chúng đến mức nào, nhất là khi mọi người đều cực khổ một phần vì những quyết định sai lầm của các ngân hàng đó. Tôi hứa với các bạn – tôi hiểu điều đó.

Nhưng tôi cũng biết trong một thời kỳ khủng hoảng, chúng ta không thể dùng sự giận dữ để quản lý, hoặc nhường bước cho đường lối chính trị nhất thời. Công việc của tôi - công việc của chúng ta -là phải giải quyết vấn đề. Công việc của chúng ta là quản lý với tinh thần trách nhiệm. Tôi sẽ không tiêu một xu nào cho mục đích tưởng thưởng một giới chức điều hành các cơ sở tài chính ở Wall Street nào, nhưng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể làm được để giúp doanh nghiệp nhỏ nào không thể trả lương cho nhân viên của họ, hay gia đình nào đã dành dụm mà vẫn không kiếm ra được tiền thế chấp.

Vấn đề là như vậy. Đây không phải là vấn đề giúp các ngân hàng, mà là giúp đỡ người dân. Bởi vì khi đã có tín dụng, thì sau cùng một gia đình trẻ tuổi có thể mua một căn nhà mới. Và rồi một công ty sẽ thuê công nhân để xây dựng căn nhà đó. Và rồi các công nhân này sẽ có tiền tiêu, và nếu họ có thể mượn được tiền, có lẽ sau cùng họ sẽ mua một chiếc xe, hay là mở một doanh nghiệp riêng của họ. Các nhà đầu tư sẽ trở lại thị trường, và các gia đình người Mỹ một lần nữa lại thấy quĩ hưu bổng của mình được ổn định. Niềm tin sẽ trở lại, chậm rãi nhưng chắc chắn, và nền kinh tế của chúng ta sẽ hồi phục.

Vì vậy, tôi yêu cầu Quốc hội hãy cùng tôi làm tất cả mọi điều cần thiết. Bởi vì chúng ta không thể phó mặc đất nước chúng ta cho một cuộc suy thoái triền miên. Và để đảm bảo rằng một cuộc suy thoái nghiêm trọng như thế này sẽ không bao giờ tái diễn, tôi thỉnh cầu Quốc hội hãy hành động mau lẹ trong việc xây dựng những luật lệ mà cuối cùng sẽ giúp cải cách hệ thống điều tiết đã lỗi thời của chúng ta. Đã đến lúc phải ban hành những quy tắc hoạt động mới nghiêm khắc, hợp lý để thị trường tài chánh của chúng ta tưởng thưởng cho những nỗ lực và sáng kiến, và trừng phạt những lối làm ăn đi ngang về tắt và thói lạm dụng.

Kế hoạch phục hồi và kế hoạch ổn định tài chánh là những bước cấp thời chúng ta đang áp dụng nhằm phục hồi nền kinh tế của chúng ta trong thời gian trước mắt. Nhưng phương cách duy nhất để phục hồi toàn diện sức mạnh kinh tế Hoa Kỳ là thực hiện những công cuộc đầu tư để tạo ra công ăn việc làm mới, các công nghiệp mới, và một khả năng mới để tranh đua cùng thế giới. Cách duy nhất để cho thế kỷ này sẽ trở thành một thế kỷ Mỹ khác là sau cùng chúng ta chịu trực diện với cái giá phải trả cho sự phụ thuộc của chúng ta vào dầu hỏa và với phí tổn cao của công tác chăm sóc y tế; trực diện với vấn đề những trường học không chuẩn bị cho con em chúng ta để chúng gánh vác số nợ nần cao như núi mà chúng sẽ thừa hưởng. Đó là trách nhiệm của chúng ta.

Trong vài ngày sắp tới, tôi sẽ đệ nạp một ngân sách cho Quốc hội. Rất thường khi chúng ta chỉ xem những tài liệu này đơn giản chỉ là những con số trên một trang giấy hoặc một danh mục những chương trình lặt vặt. Tôi nhìn tài liệu này một cách khác. Tôi nhìn nó như một viễn tượng của Hoa Kỳ, một kế hoạch cho tương lai chúng ta.

Ngân sách của tôi không có tham vọng giải quyết mọi vấn đề. Nó phản ánh thực tế phũ phàng của điều chúng ta đã thừa hưởng - đó là tình trạng thâm hụt 1,000 tỉ đô-la, một cuộc khủng hoảng tài chính, và một cuộc suy thoái hao tiền tốn của.

Với những thực tế đó, tất cả mọi người trong phòng hội này, cho dù thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, cũng sẽ phải hy sinh một số dự án ưu tiên vì không có đủ tiền, cho dù đó là những dự án xứng đáng. Cả tôi cũng phải làm như thế.

Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ qua những thách thức có tính cách dài hạn. Tôi bác bỏ quan điểm cho rằng những vấn đề của chúng ta đơn giản sẽ tự giải quyết lấy; và rằng chính phủ không đóng vai trò nào trong việc đặt nền móng cho sự thịnh vượng chung của chúng ta.

Bởi vì lịch sử đã không diễn ra như thế. Lịch sử nhắc nhở chúng ta rằng mỗi khi kinh tế có biến động đột ngột và thay đổi, quốc gia này đã đáp ứng bằng những hành động dũng cảm và những tư tưởng lớn. Giữa khi xảy ra nội chiến, chúng ta đã đặt một tuyến đường sắt từ duyên hải miền đông sang duyên hải miền tây, và điều đó đã giúp thúc đẩy thương mại và công nghiệp. Giữa cơn rối loạn của cuộc cách mạng công nghiệp, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống trường trung học công lập để chuẩn bị cho công dân của chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới. Sau khi chiến tranh vàsuy thoái chấm dứt, đạo luật GI Bill đã đưa một thế hệ vào trường đại học và tạo ra một tầng lớp trung lưu lớn nhất trong lịch sử. Và một cuộc đấu tranh cho tự do đã đưa đến một đất nước với những xa lộ, một người Mỹ đặt chân lên mặt trăng, và một cuộc bùng phát của nền công nghệ hiện vẫn còn uốn nắn vóc dáng của thế giới chúng ta.

Trong mỗi trường hợp, chính phủ đều không thay thế được xí nghiệp tư nhân; nhưng chính phủ đã thay đổi doanh nghiệp tư nhân một cách đáng kể. Chính phủ đã tạo điều kiện cho hàng ngàn doanh nhân và xí nghiệp mới để giúp họ thích ứng và phát đạt.

Chúng ta là một đất nước đã nhìn thấy sự hứa hẹn trong nỗi hiểm nghèo, và đã dành được cơ hội trong cơn thử thách. Giờ đây một lần nữa chúng ta phải là một đất nước như thế. Chính vì vậy, ngay cả khi cắt giảm những chương trình mà chúng ta không cần, ngân sách mà tôi đệ nạp sẽ đầu tư vào 3 lãnh vực tuyệt đối cần thiết cho tương lai kinh tế của chúng ta: đó là năng lượng, chăm sóc y tế, và giáo dục.

Hãy khởi sự với năng lượng.


Tổng thống Obama nói 3 lãnh vực tuyệt đối cần thiết cho tương lai kinh tế của Hoa Kỳ là năng lượng, chăm sóc y tế, và giáo dục

Chúng ta biết rằng nước nào khai thác được sức mạnh năng lượng sạch và có thể tái tạo sẽ dẫn đầu trong thế kỷ 21. Vậy mà, chính Trung Quốc đã phát động nỗ lực to lớn nhất trong lịch sử để làm cho nền kinh tế của họ có hiệu suất năng lượng cao. Chúng ta sáng chế ra công nghệ năng lượng mặt trời, nhưng chúng ta đã tụt hậu so với các nước như Đức và Nhật Bản trong việc sản xuất loại năng lượng này. Chúng ta làm ra những xe ô-tô chạy bằng năng lượng kết hợp điện và xăng, nhưng chúng sử dụng những bình điện được chế tạo tại Nam Triều Tiên

Tôi không chấp nhận một tương lai trong đó những công ăn việc làm và ngành công nghiệp của ngày mai bắt nguồn bên ngoài biên giới của chúng ta - tôi biết rằng quý vị cũng vậy. Đã đến lúc Hoa Kỳ phải lãnh đạo trở lại.

Nhờ kế hoạch phục hồi của chúng ta, chúng ta sẽ tăng gấp đôi nguồn năng lượng có thể tái tạo trong vòng 3 năm tới. Chúng ta cũng thực hiện một khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ để tài trợ cho công tác nghiên cứu cơ bản, một cuộc đầu tư sẽ không chỉ giúp thúc đẩy những phát minh phá mới về năng lượng, mà còn giúp thúc đẩy những bước đột phá trong y học, khoa học, và công nghệ.

Không bao lâu nữa chúng ta sẽ đặt hàng ngàn dặm đường dây điện có khả năng chuyển tải năng lượng mới tới các thành phố và thị xã trên khắp đất nước này. Và chúng ta sẽ đem công ăn việc làm đến cho người Mỹ để họ xây dựng nhà cửa và cao ốc của chúng có hiệu quả hơn về năng lượng nhằm tiết kiệm hàng tỉ đô la trong việc mua năng lượng của chúng ta.

Nhưng để thực sự cải tạo nền kinh tế, bảo vệ an ninh, và giúp cho hành tinh của chúng ta tránh khỏi sự tàn phá của nạn khí hậu biến đổi, chung cục chúng ta cần làm cho loại năng lượng sạch, có thể tái tạo được, trở thành lại năng lượng mang lại lợi nhuận. Vậy tôi yêu cầu Quốc hội hãy gửi tới tôi những dự luật nhằm xác định mức trần - căn cứ vào thị trường -cho nạn ô nhiễm do khí cácbon gây ra, và thúc đẩy việc sản xuất thêm nhiều năng lượng có thể tái tạo tại Hoa Kỳ. Và để hậu thuẫn cho sáng kiến đó, chúng ta sẽ đầu tư 15 tỉ đôla một năm để phát triển những công nghệ như là năng lượng gió và năng lượng mặt trời; các loại năng lượng sinh học cao cấp, than sạch, và xe ô-tô và xe tải có hiệu suất năng lượng cao hơn được sản xuất ngay tại nước Mỹ.

Về phần công nghiệp ô-tô, mọi người đều công nhận rằng những quyết định tồi tệ trong nhiều năm qua và sự suy thoái toàn cầu đã đẩy những công ty sản xuất ô-tô của chúng ta đến bờ vực thẳm. Chúng ta không nên và sẽ không bảo vệ những công ty này về những hoạt động yếu kém của họ. Tuy nhiên chúng ta cam kết theo đuổi mục tiêu cấu trúc lại, tạo lại hình ảnh của ngành ô-tô để ngành này có thể cạnh tranh và giành thắng lợi. Hàng triệu việc làm tùy thuộc vào công việc này. Và tôi tin rằng quốc gia đã sáng chế ra ô-tô không thể bỏ rơi ngành này.

Không có việc nào được thực hiện mà không có cái giá của nó và không có gì là dễ dàng cả. Nhưng đây là nước Mỹ. Chúng ta không làm những điều dễ dàng. Chúng ta làm những điều cần thiết để đưa đất nước này tiến lên.

Cũng vì lý do đó, chúng ta cũng phải đề cập đến chi phí rất cao về công tác chăm sóc sức khỏe.

Đây là một loại chi phí đã khiến cho nước Mỹ cứ 30 giây là có một vụ phá sản. Đến cuối năm nay nó có thể làm cho khoảng 1 triệu rưỡi người Mỹ bị mất nhà cửa. Trong vòng 8 năm qua, chi phí bảo hiểm tăng nhanh hơn tiền lương 4 lần. Và trong mỗi năm đó lại có thêm một triệu người Mỹ bị mất bảo hiểm sức khỏe. Đó là một trong những lý do chính yếu khiến những doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa và các công ty đưa việc làm ra nước ngoài. Và đó cũng chính là một trong những khoản gia tăng lớn nhất và nhanh nhất trong ngân sách của chúng ta.

Trước những sự kiện này, chúng ta không thể nào chần chờ trong việc thực hiện cải cách về chăm sóc sức khỏe. Trong 30 ngày qua, chúng ta đã làm được nhiều việc hơn so với trong suốt một thập niên qua để đưa sự nghiệp cải cách công tác bảo hiểm sức khỏe tiến lên. Trong vòng vài ngày sau khi nhóm họp, quốc hội khoá này đã thông qua một dự luật cung cấp và bảo vệ bảo hiểm sức khỏe cho 11 triệu trẻ em Mỹ có cha mẹ làm việc toàn thời gian. Kế hoạch phục hồi của chúng ta sẽ đầu tư vào việc lưu trữ những dữ kiện về sức khỏe bằng phương tiện điện tử và vào những công nghệ mới để giúp giảm bớt những sai lầm, giảm bớt chi phí, bảo đảm tính cách riêng tư và cứu được nhiều sinh mạng. Chương trình này cũng sẽ phát động một nỗ lực mới để chiến thắng một chứng bệnh đã ảnh hưởng đến đời sống của hầu như mọi người Mỹ bằng cách tìm ra phương cách chữa lành bệnh ung thư trong thời đại chúng ta. Và chương trình này đầu tư ngân khoản lớn nhất từ trước tới nay cho công tác phòng bệnh bởi vì đây là một trong những phương cách tốt nhất để giúp cho nhân dân chúng ta có đầy đủ sức khỏe và kiểm soát được chi phí.

Ngân sách này được xây dựng dựa trên những cải cách vừa kể. Điều này bao gồm một sự cam kết có tính cách lịch sử về cải cách bảo hiểm sức khỏe toàn diện - đây ví như là một khoản tiền đặt cọc để thực hiện nguyên tắc là chúng ta cần phải có sự chăm sóc sức khỏe có chất lượng với phí tổn phải chăng cho mỗi người dân Mỹ. Đây là một sự cam kết được đài thọ một phần bằng tính hữu hiệu trong hệ thống của chúng ta mà lẽ ra đã phải được thực hiện từ lâu. Và đây là một bước chúng ta cần phải thực hiện nếu chúng ta hy vọng giảm bớt sự thâm hụt ngân sách trong những năm tới.

Vâng, sẽ có nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau về việc phải cải cách như thế nào, và đó là lý do tại sao tôi tập hợp các doanh nghiệp và công nhân, các bác sĩ và công ty bảo hiểm, những người thuộc đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa để bắt đầu làm việc về vấn đề này trong tuần tới.

Tôi không có ảo tưởng đây sẽ là một tiến trình dễ dàng. Đây là một việc khó khăn. Nhưng tôi cũng biết là gần một thế kỷ sau khi Tổng Thống Teddy Roosevelt lần đầu tiên kêu gọi cải cách, chi phí về chăm sóc sức khỏe đã đè nặng lên nền kinh tế của chúng ta cũng như trên lương tâm của đất nước chúng ta đủ lâu rồi. Do đó đừng ai nghi ngờ gì nữa việc cải cách công tác chăm sóc sức khỏe không thể chờ đợi thêm nữa, không được chờ đợi thêm nữa, và nó sẽ không chờ thêm một năm nữa.

Thách thức thứ ba mà chúng ta phải nêu lên ở đây là nhu cầu cấp bách của việc mở rộng tiến cơ hội giáo dục trên nước Mỹ.

Trong một nền kinh tế toàn cầu mà kỹ năng đáng giá nhất mà quý vị có thể đem ra rao bán là kiến thức của quý vị, thì một căn bản giáo dục tốt không còn chỉ là một con đường mở ra những cơ hội cho quý vị mà còn là một điều kiện tiên quyết.

Hiện nay, 3/4 của những ngành nghề đang tăng trưởng nhanh nhất đòi hỏi nhiều hơn là một bằng tốt nghiệp trung học. Vậy mà chỉ có hơn một nửa công dân của chúng ta có trình độ này. Chúng ta là một trong số những quốc gia công nghiệp có tỉ lệ học sinh trung học bỏ học cao nhất. Và một nửa số học sinh vào đại học không hề tốt nghiệp.

Đó là cách chắn chắn để gây ra suy thoái kinh tế, bởi vì chúng ta biết rằng những quốc gia đang vượt qua chúng ta trong sự nghiệp giáo dục ngày nay sẽ vượt qua chúng ta trong lĩnh vực cạnh tranh sau này. Đó là lý do tại sao mục tiêu của chính quyền này là bảo đảm cho mỗi đứa trẻ được hưởng một sự giáo dục hoàn toàn và có khả năng cạnh tranh từ khi lúc mới ra đời cho đến khi bắt đầu đi làm.

Chúng ta đã thực hiện một chương trình đầu tư có tính cách lịch sử cho nền giáo dục của chúng ta thông qua kế hoạch phục hồi kinh tế. Chúng ta đã mạnh mẽ mở rộng công tác giáo dục mầm non và sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng của nền giáo dục này bởi vì chúng ta biết rằng sự giáo dục trong những năm đầu tiên trong đời sống của trẻ em là sự giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành cá tính của chúng. Chúng ta đã giúp cho thêm gần 7 triệu sinh viên nữa có điều kiện để vào đại học. Và chúng ta cũng cung cấp những nguồn lực cần thiết để tránh việc giảm bớt hay sa thải giáo viên có thể gây trở ngại cho sự tiến bộ của trẻ em.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng các trường học của chúng ta không chỉ cần thêm nguồn lực. Họ còn cần cải cách thêm. Đó là lý do tại sao ngân sách này tạo ra những biện pháp mới nhằm khuyến khích giáo viên giảng dạy tốt hơn; tạo ra những đường hướng để họ thăng tiến trong nghề nghiệp và để tưởng thưởng cho sự thành công. Chúng ta sẽ đầu tư vào các chương trình có tính cách đổi mới đang giúp các trường học đạt tiêu chuẩn cao và để thu hẹp sự cách biệt trong thành tích giảng dạy giữa các trường. Và chúng ta cũng sẽ mở rộng cam kết tới các trường công lập đặc biệt do tư nhân điều hành.

Trách nhiệm của chúng ta với tư cách là các nhà lập pháp và nhà giáo là phải làm cho hệ thống này vận hành có hiệu quả. Tuy nhiên mọi công dân đều có trách nhiệm tham gia vào công tác này. Và vì vậy, tối nay tôi kêu gọi mọi người Mỹ hãy cam kết theo học ít nhất một năm hay hơn nữa chương trình giáo dục cao đẳng hoặc học nghề. Quý vị có thể học ở đại học cộng đồng hay theo chương trình đại học 4 năm; quý vị có thể theo chương trình dạy nghề hay học việc. Nhưng bất cứ theo chương trình đào tạo nào, mọi người Mỹ đều cần phải có bằng cấp trên trung học. Việc bỏ dở trung học không còn chấp nhận được. Đó không chỉ là hành động bỏ dở đối với bản thân của quý vị mà còn là hành động bỏ dở đối với đất nước, và đất nước này cần tới và coi trọng tài năng của mọi người Mỹ. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ cung cấp sự hỗ trợ thiết để quí vị hoàn tất bậc đại học và đạt được một mục tiêu mới: đó là trước năm 2020 nước Mỹ sẽ lại một lần nữa là nước có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học cao nhất trên thế giới.

Tôi biết học phí hiện nay cao hơn bao giờ hết, vì thế nếu quí vị sẵn sàng làm tình nguyện viên ở khu vực quí vị cư ngụ hay có đóng góp cho cộng đồng hay phục vụ đất nước, chúng tôi sẽ đảm bảo quí vị sẽ có đủ tiền để trang trải học phí bậc đại học. Và để khuyến khích một tinh thần phục vụ dân tộc mới cho thế hệ này và thế hệ tương lai, tôi yêu cầu Quốc hội chuyển cho tôi dự luật được cả hai đảng ủng hộ mang tên của Thượng nghị sĩ Orrin Hatch và của một người Mỹ chưa bao giờ ngừng hỏi ông có thể làm được gì cho tổ quốc của mình - đó là Thượng nghị sĩ Edward Kennedy.

Những chính sách giáo dục này sẽ mở ra những cánh cửa của cơ hội cho con em chúng ta. Tuy nhiên, những người có thể đảm bảo rằng các em sẽ đi qua những cánh cửa đó là chúng ta. Cuối cùng thì không một chương trình hay chính sách nào có thể thay thế được người cha hay người mẹ, những người sẽ tham dự các cuộc họp giữa phụ huynh và giáo viên, hay giúp con em làm bài tập ở nhà sau bữa cơm tối, hay tắt TV, cất đi các trò chơi video, và đọc sách cho con em họ. Tôi đang nói với quí vị không phải chỉ với tư cách là một Tổng thống, mà còn với tư cách một người cha khi tôi nói rằng trách nhiệm giáo dục con cái chúng ta trước hết phải bắt đầu từ gia đình.

Dĩ nhiên còn có một trách nhiệm khác mà chúng ta phải thực hiện đối với con cái. Và đó là trách nhiệm đảm bảo rằng chúng ta không để lại những khoản nợ nần mà chúng không thể trả nổi. Với khoản thâm hụt ngân sách mà chúng ta đã thừa hưởng, với cái giá của cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt, và với những thách thức lâu dài mà chúng ta phải khắc phục, thì điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta phải đảm bảo rằng trong khi nền kinh tế của chúng ta đang hồi phục, chúng ta phải làm mọi điều cần thiết để giảm thiểu sự thâm hụt này.

Tôi tự hào rằng chúng ta đã thông qua kế hoạch phục hồi kinh tế mà không có những khoản chi tiêu không cần thiết mà các thành viên quốc hội thường thêm vào dự luật chính. Và tôi muốn thông qua một ngân sách cho năm tới để có thể đảm bảo rằng mỗi một đô-la chúng ta chi tiêu là chi tiêu cho những ưu tiên quan trọng nhất của quốc gia chúng ta.


Tổng thống Obama cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống một nửa trong vòng 4 năm

Ngày hôm qua, tôi đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về tài chính; tại hội nghị đó, đó tôi đã cam kết cắt giảm khoản thâm hụt xuống còn một nửa trước cuối nhiệm kỳ đầu của tôi. Chính quyền của tôi đã bắt đầu kiểm tra từng dòng trong ngân sách liên bang để loại bỏ những chương trình có tính cách lãng phí và không hiệu quả. Như quí vị có thể thấy, đây là một quá trình đòi hỏi phải có thời gian để thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi đang bắt đầu với những khoản ngân sách lớn nhất. Chúng tôi đã xác định được 2 nghìn tỉ đô-la có thể tiết kiệm được trong 10 năm tới.

Trong ngân sách này, chúng tôi sẽ chấm dứt các chương trình giáo dục không hiệu quả và chấm dứt việc trợ cấp trực tiếp cho những công ty nông nghiệp không cần đến những khoản tiền đó. Chúng tôi sẽ loại bỏ các hợp đồng không qua đấu thầu đã gây lãng phí tốn hàng tỉ đô la ở Iraq, và sẽ cải cách ngân sách quốc phòng để chúng ta không phải trả tiền cho những hệ thống vũ khí từ thời Chiến tranh Lạnh mà chúng ta không sử dụng đến. Chúng tôi sẽ tìm kiếm để loại bỏ những khoản lãng phí, những vụ gian lận và lạm dụng trong chương trình chăm sóc y tế Medicare không giúp cho người cao tuổi khoẻ mạnh hơn chút nào, và chúng tôi sẽ phục hồi sự công bằng và cân đối trong luật lệ thuế khóa của chúng ta cuối cùng bằng cách chấm dứt biện pháp giảm thuế cho các công ty đưa việc làm của chúng ta ra nước ngoài.

Để con em chúng ta không phải gánh chịu những khoản nợ nần trong tương lai, chúng tôi cũng sẽ chấm dứt việc cắt giảm thuế cho 2% những người Mỹ giàu có nhất. Nhưng hãy để tôi nói thật rõ, bởi tôi biết là quí vị sẽ nghe thấy những lập luận cũ kỹ rằng việc loại bỏ những khoản giảm thuế này có nghĩa là sẽ có một sự tăng thuế ồ ạt đối với người dân Mỹ: nếu gia đình quí vị mỗi năm có thu nhập dưới 250,000 đô-la, quí vị sẽ không bị tăng thuế một xu nào. Tôi nhắc lại, thuế của quí vị sẽ không tăng một xu. Trên thực tế, kế hoạch phục hồi sẽ có khoản giảm thuế – đúng vậy, giảm thuế cho 95% các gia đình lao động. Và những chi phiếu hoàn thuế đang được gởi tới cho mọi người.

Để duy trì sự lành mạnh về mặt tài chánh về lâu về dài, chúng ta cũng phải giải quyết vấn đề chi phí của các chương trình chăm sóc y tế Medicare và An sinh Xã hội ngày càng gia tăng. Cải cách chăm sóc y tế toàn diện là cách tốt nhất để tăng cường chương trình Medicare cho nhiều năm tới. Và chúng ta cũng phải bắt đầu thảo luận về cách thức để đạt được mục tiêu như vậy đối với chương trình An sinh Xã hội, trong khi tạo ra những tài khoản tiết kiệm phổ cập không bị đánh thuế cho mọi người Mỹ.

Cuối cùng, bởi chúng ta cũng đang bị mất niềm tin, tôi cam kết sẽ phục hồi sự trung thực và ý thức trách nhiệm đối với ngân sách của chúng ta. Đó là lý do tại sao ngân sách này xem xét tới những vấn đề của 10 năm tới và giải thích những khoản chi tiêu bị bỏ sót theo những qui định cũ, và đây là lần đầu tiên, sự giải thích này bao gồm cả toàn bộ chi phí cho cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Chúng ta là đất nước có chiến tranh trong bảy năm qua. Chúng ta sẽ không che dấu cái giá phải trả cho các cuộc chiến đó nữa.

Giờ đây chúng ta sẽ cẩn thận duyệt xét các chính sách của mình đối với cả hai cuộc chiến, và trong nay mai tôi sẽ loan báo cách thức để tiến tới ở Iraq để trao lại nước này cho nhân dân Iraq và chấm dứt cuộc chiến này một cách có trách nhiệm.

Còn đối với bạn bè và đồng minh của chúng ta, chúng ta sẽ xây dựng một chiến lược toàn diện mới cho Afghanistan và Pakistan nhằm đánh bại al Qaida và chống lại chủ nghĩa cực đoan, bởi vì tôi sẽ không cho phép các phần tử khủng bố lập kế hoạch tấn công nhân dân Mỹ từ những nơi trú ẩn an toàn cách chúng ta nửa vòng trái đất.

Trong khi chúng ta gặp nhau ở đây, các quân nhân nam nữ của chúng ta đang canh gác ở nước ngoài và có thêm nhiều người đang chuẩn bị để được triển khai ở nước ngoài. Đối với tất cả những quân nhân này và đối với những gia đình đang âm thầm gánh chịu những gánh nặng của sự vắng mặt của họ, nhân dân Hoa Kỳ đồng tâm nhất trí đưa ra một thông điệp: chúng tôi vinh danh sự phục vụ của các bạn, chúng tôi được cổ vũ bởi sự hy sinh của các bạn, và chúng tôi trước sau như một ủng hộ các bạn. Để giảm bớt sự căng thẳng đối với các lực lượng của chúng ta, ngân sách của tôi gia tăng quân số của các ngành và số binh sĩ Thủy quân Lục chiến. Và để thực hiện sự giao ước thiêng liêng đối với những người phục vụ trong quân ngũ, chúng ta sẽ tăng lương cho họ và dành cho các cựu quân nhân những công tác chăm sóc sức khỏe được nới rộng và những phúc lợi mà họ xứng đáng được hưởng.

Để đánh bại chủ nghĩa cực đoan, chúng ta cũng phải cảnh giác trong việc giữ gìn những giá trị mà các binh sĩ của chúng ta đang bảo vệ – bởi vì không có sức mạnh nào trên thế giới mạnh hơn tấm gương của Hoa kỳ. Đó chính là lý do vì sao tôi đã ra lệnh đóng cửa trung tâm tạm giam ở Vịnh Guantanamo, và sẽ đưa những phần tử khủng bố bị bắt ra trước ánh sáng công lý một cách nhanh chóng và chắc chắn – bởi vì cách sống theo đúng những giá trị của chúng ta không làm cho chúng ta yếu hơn mà làm cho chúng ta an toàn hơn và mạnh mẽ hơn. Và đó là lý do tại sao tôi có thể đứng đây đêm nay và khẳng định một cách dứt khoát và rõ ràng rằng Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ không sử dụng tra tấn.

Trong lời nói và hành động, chúng ta đang chứng tỏ với thế giới rằng một thời đại giao tiếp mới đã bắt đầu, vì chúng ta biết rằng nước Mỹ không thể đơn độc đương đầu với những mối đe dọa của thế kỷ này, nhưng thế giới cũng không thể đương đầu với những mối đe dọa đó mà không có sự góp sức của Hoa kỳ. Chúng ta không thể né tránh đàm phán nhưng cũng không thể làm ngơ đối với những kẻ thù hoặc những thế lực có thể gây nguy hại cho chúng ta. Thay vào đó chúng ta cần phải tiến tới với lòng tự tin và sự thành thật theo đòi hỏi của những thời kỳ nghiêm trọng.

Để mưu tìm có tiến bộ trong việc xây dựng một nền hòa bình vững chắc và lâu bền giữa Israel với các nước láng giềng của quốc gia này, chúng ta đã bổ nhiệm một vị đặc sứ để duy trì nỗ lực của mình. Để đối phó với những thách thức của thế kỷ 21 – từ chủ nghĩa khủng bố tới nạn phổ biến hạt nhân, từ bệnh tật gây ra đại dịch cho tới những mối đe dọa trong không gian ảo cho tới nạn nghèo khó cùng cực, chúng ta sẽ tăng cường các mối quan hệ đồng minh cũ, xây dựng những mối quan hệ đồng minh mới, và sử dụng mọi yếu tố trong sức mạnh của đất nước chúng ta.

Và để đối phó với vụ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chúng ta đang làm việc với các nước trong khối G-20 để khôi phục niềm tin đối với hệ thống tài chánh của chúng ta, để tránh tình trạng những biện pháp bảo hộ mậu dịch có thể leo thang, và để thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa của Mỹ ở các thị trường trên khắp thế giới, bởi vì thế giới dựa vào chúng ta để có một nền kinh tế vững mạnh, cũng giống như kinh tế chúng ta tùy thuộc vào sự vững mạnh của kinh tế thế giới.

Trong khi chúng ta đang đứng trước ngã ba lịch sử, mọi người của mọi nước lại một lần nữa nhìn vào chúng ta, để xem chúng ta làm gì trong tình huống này và để chờ chúng ta nắm giữ vai trò lãnh đạo.

Tụ hội ở đây đêm nay, chúng ta là những người đã được yêu cầu cai trị trong thời đại bất thường. Đây là một gánh nặng khủng khiếp, nhưng cũng là một đặc quyền to lớn, một đặc quyền chỉ được trao cho một vài thế hệ người Mỹ. Như thế là vì nằm trong tay chúng ta là khả năng làm cho thế giới của mình tốt hơn hoặc xấu đi.

Tôi biết rằng chúng ta dễ quên sự thật này, để trở thành những người có tinh thần hoài nghi quá độ và bị cuốn hút vào những vấn đề nhỏ nhặt.

Nhưng trong đời tôi, tôi cũng đã học được là chúng ta có thể tìm thấy hy vọng từ những nơi tưởng như không còn hy vọng; là sự hứng khởi thường không đến từ những người có nhiều quyền lực nhất hay có tiếng tăm nhất mà đến từ những ước mơ và nguyện vọng của những người Mỹ bình thường.

Tôi nghĩ tới ông Leonard Abess, viên chủ tịch hội đồng quản trị của một ngân hàng ở Miami. Tin tức cho biết ông đã bán đi cổ phần của công ty của ông, nhận một khoản tiền thưởng 60 triệu đô la và mang khoản tiền này chia cho tất cả 339 người làm việc cho ông cùng với 72 người từng làm việc cho ông. Ông không nói cho ai biết về việc làm của ông, nhưng khi một tờ báo ở địa phương phát giác việc này, ông chỉ nói rằng 'Trong những người đó có một số người tôi đã quen biết từ khi lên 7. Tôi sẽ không yên lòng nếu tôi giữ lấy số tiền đó cho riêng mình'.

Tôi nghĩ tới Greensburg, Kansas, một thành phố nhỏ đã bị lốc xoáy phá hủy hoàn toàn, nhưng đang được cư dân xây dựng lại như một tấm gương để mọi người trên khắp thế giới thấy được cách thức mà năng lượng sạch có thể cung cấp điện cho cả một cộng đồng, cách thức mà năng lượng sạch có thể mang lại công ăn việc làm và cơ hội kinh doanh cho một nơi từng là một đống gạch vụn. Đó là một thảm kịch khủng khiếp, một người góp phần tái thiết thị trấn đó đã nói như vậy. Nhưng dân chúng ở đây biết rằng thảm kịch này cũng mang lại một cơ hội vô cùng to lớn.

Và tôi nghĩ tới Ty’Sheoma Bethea, một cô học sinh ở một ngôi trường mà tôi đã đến thăm ở Dillon, Tiểu bang South Carolina, ngôi trường mà trần bị dột, sơn bị tróc, và thầy cô phải ngưng dạy 6 lần mỗi ngày vì tiếng ồn của xe lửa chạy qua. Người ta nói với cô bé này là trường của cô không có hy vọng gì, nhưng một ngày nọ sau khi tan học cô ấy đã tới thư viện công và viết một lá thư cho các vị đang ngồi trong phòng hội này. Thậm chí cô bé này còn phải xin tiền của viên hiệu trưởng để mua tem. Lá thư đó yêu cầu chúng ta giúp đỡ, và trong thư có đoạn nói rằng 'Chúng cháu chỉ là những học sinh muốn trở thành những luật sư, những bác sĩ, những vị đại biểu Quốc hội như quí vị và một ngày nào đó có thể trở thành tổng thống, để chúng cháu có thể tạo ra một sự thay đổi không những cho Tiểu bang South Carolina mà còn cho cả thế giới. Chúng cháu không phải là những người chịu bỏ cuộc.'


Ông Obama nói 'Chúng ta không phải là những người chịu bỏ cuộc'
Chúng ta không phải là những người chịu bỏ cuộc.

Những chữ đó và những câu chuyện đó cho chúng ta thấy được tinh thần của những người đã phái chúng ta tới đây. Nó cho chúng ta thấy rằng ngay cả trong những thời kỳ gian nan nhất, trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, vẫn có một sự hào hiệp, một sự kiên trì, lòng tử tế và một quyết tâm không lay chuyển, một tinh thần sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm cho tương lai của mình và cho các thế hệ mai sau.

Quyết tâm của họ phải là nguồn cảm hứng cho chúng ta. Giải quyết những mối quan tâm của họ phải là sự nghiệp của chúng ta. Và chúng ta phải chứng tỏ với những người này và với mọi người dân của mình là chúng ta có khả năng đảm đương nhiệm vụ trước mắt.

Tôi biết rằng cho tới nay chúng ta chưa đồng ý với nhau về mọi vấn đề, và chắc chắn là trong tương lai sẽ có những lúc chúng ta theo đuổi những con đường khác nhau. Nhưng tôi cũng biết rằng mỗi người Mỹ ngồi đây hôm nay ai nấy đều yêu thương đất nước này và muốn cho đất nước thành công. Đó phải là điểm khởi đầu của mỗi cuộc tranh luận mà chúng ta sẽ thực hiện trong những ngày tháng tới đây, và là nơi mà chúng ta sẽ quay lại sau khi những cuộc tranh luận đó chấm dứt. Đó là nền tảng mà người dân nước Mỹ trông đợi chúng ta dựa vào để xây dựng sự đồng thuận.

Và nếu chúng ta làm được như vậy - nếu chúng ta bắt tay với nhau để đưa đất nước ra khỏi hố sâu của vụ khủng hoảng này; nếu chúng ta đưa dân chúng trở lại với công việc và khởi động lại động cơ của sự thịnh vượng của chúng ta; nếu chúng ta đương đầu với những thách thức của thời đại chúng ta một cách không sợ hãi và huy động tinh thần bền bỉ của một nước Mỹ không chịu bỏ cuộc, thì sẽ có một ngày nào đó trong những năm sau này con cái của chúng ta có thể nói với con cái của chúng rằng đây là lúc mà chúng ta đã làm được một điều gì đáng nhớ, như những hàng chữ được khắc chạm ngay trong phòng họp này đã nói.

Xin cám ơn quí vị. Xin Thượng đế ban phước lành cho quí vị, và xin Thượng đế ban phước lành cho Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.