Wafa Sultan nói với thế giới Hồi giáo (1)
29/03/2009
Trần Ngọc Cư
Lời người dịch: Wafa Sultan là một trong những tiếng nói quyết liệt nhất, đấu tranh cho quyền bình đẳng giới tại các nước Hồi giáo. Bà được Tạp chí Time của Mĩ bầu chọn năm 2006 là một trong 100 nhân vật làm thay đổi thế giới. Sultan sinh ra trong một gia đình theo giáo phái Sunni và được đào tạo để trở thành một bác sĩ tâm thần tại Syria trước khi sang Mĩ định cư vào năm 1989. Sau biến cố 11-9-2001, bà được thế giới chú ý nhờ những bài tham luận bằng tiếng Á rập về tình trạng nhân quyền ở Trung Đông và nhờ những lần xuất hiện trên các kênh truyền hình của Al Jazeera và CNN. Đoạn văn mà chúng tôi trích dịch sau đây lấy từ 6 phút video do Viện nghiên cứu Báo đài Trung đông MEMRI (Middle East Media Research Institute), một tổ chức của người Do Thái, phổ biến rộng rãi trên mạng và được hàng triệu người xem.
Phát biểu của Wafa Sultan, ngày 21-2-2006, trong cuộc tranh luận với Faisal al-Qassem, người chủ trì chương trình The Opposite Direction đài Al Jazeera, và giáo sĩ Ibrahim Al-Khouli:
Sultan: Cuộc xung đột chúng ta đang chứng kiến khắp thế giới ngày nay không phải là một cuộc xung đột giữa các tôn giáo hay giữa các nền văn minh. Nhưng đó là cuộc chạm trán giữa hai lực xung khắc, giữa hai thời đại. Đó là cuộc xung đột giữa một não trạng thuộc Thời Trung cỗ và một não trạng thuộc Thế kỷ 21. Đó là cuộc xung đột giữa văn minh và lạc hậu, giữa người văn minh và người mọi rợ, giữa tính man dã và sự hợp lí. Đó là cuộc xung đột giữa tự do và áp bức, giữa dân chủ và độc tài. Đó là cuộc xung đột giữa một bên là quyền làm người và bên kia là sự vi phạm quyền làm người. Đó là cuộc xung đột giữa những kẻ coi phụ nữ như súc vật và những kẻ coi phụ nữ như con người. Những gì chúng ta chứng kiến hôm nay không phải là sự xung khắc giữa các nền văn minh. Các nền văn minh không đối đầu nhau, nhưng các nền văn minh thi đua nhau.
Faisal al-Qassem: Căn cứ vào điều bà vừa phát biểu, tôi hiểu là bà muốn nói rằng những gì đang xảy ra ngày nay chính là cuộc xung đột giữa văn hóa phương Tây và tính lạc hậu, mung muội của người Hồi giáo. Có phải bà muốn nói như vậy không?
Sultan: Vâng, đó chính là điều tôi muốn nói.
Faisal al-Qassem: Ai đã xướng xuất quan niệm rằng có sự xung đột giữa các nền văn minh? Phải chăng đó là quan niệm của Samuel Huntington? Nhất định không phải là của Bin Laden rồi. Tôi muốn tranh luận về đề tài này, nếu bà không ngại…
Sultan: Người Hồi giáo đã xướng xuất từ ngữ này. Người Hồi giáo đã khởi động cuộc xung đột giữa các nền văn minh. Đấng Tiên tri của Hồi giáo đã nói: “Ta được lệnh trừng trị thế gian cho đến khi nào thế gian này chịu tin vào Allah và vị Ngôn sứ của Ngài”. Khi người Hồi giáo chia thế gian này thành phe Hồi giáo và phe phi-Hồi giáo, đồng thời hô hào trừng trị người khác cho đến khi họ chịu tin vào những điều chính người Hồi giáo tin tưởng, thì người Hổi giáo đã khởi động cuộc xung đột này và châm ngòi cho cuộc chiến này. Để chặn đứng cuộc chiến này, họ phải duyệt xét lại kinh điển và các chương trình giáo lí của đạo Hồi, trong đó đầy dẫy các lời kêu gọi trừng trị kẻ bỏ đạo và chống lại người ngoại đạo. Người đối thoại với tôi hôm nay [giáo sĩ Ibrahim Al-Khouli] nói rằng ông không bao giờ xúc phạm tín ngưỡng của người khác. Nhưng có nền văn minh nào trên mặt trái đất này lại cho phép ông gọi người khác bằng những danh xưng mà họ không lựa chọn cho mình? Khi thì ông gọi họ là Al-Dhimma, bọn ngụ cư ngoại đạo, khi thì ông gọi họ là “Người theo Kinh thánh”, nhưng cũng có khi ông gọi họ là khỉ, là heo, hoặc có khi ông gọi người Ki-tô-giáo là “những kẻ làm Allah phẫn nộ”. Ai nói với ông họ chỉ biết có một cuốn sách là Kinh thánh? Họ không chỉ biết một cuốn sách mà thôi, họ có nhiều loại sách khác nhau. Tất cả những tư liệu khoa học mà ông thừa hưởng hôm nay là của họ, là thành quả tư duy tự do và sáng tạo của họ. Ai cho ông cái quyền gọi họ là “những kẻ làm Allah phẫn nộ” hay “những kẻ lầm đường lạc lối”, rồi đến đây rêu rao rằng tôn giáo của ông không cho phép ông xúc phạm đến tín ngưỡng người khác? Tôi không theo Ki-tô-giáo, không theo Hồi giáo hay Do Thái giáo. Tôi chỉ là một con người thế tục. Tôi không tin vào cõi siêu nhiên, nhưng tôi tôn trọng quyền của những ai tin vào cõi ấy.
Ibrahim Al-Khouli: Có phải bà là kẻ dị giáo không?
Sultan: Ông muốn nói gì thì nói. Tôi là một người thế tục, tôi không tin vào các đấng siêu nhiên…
Ibrahim Al-Khouli: Nếu bà là quân dị giáo, thì có khiển trách bà về tội phỉ báng Hồi giáo, phỉ báng Đấng Tiên tri và Kinh thánh Cô-ran…cũng vô ích thôi.
Sultan: Dị giáo hay không, đây là vấn đề cá nhân, không mắc mớ gì đến ông. Này hỡi ông anh, ông có quyền tin vào những hòn đá, miễn là ông đừng cầm những hòn đá ấy mà chọi vào mặt tôi. Ông có quyền thờ lạy ai thì thờ lạy, nhưng đức tin của kẻ khác không mắc mớ gì đến ông, dù người ta có tin Chúa Ki-tô, con của bà Ma-ri-a, là Đấng cứu thế hay chỉ là quỉ Xa-tăng. Hãy để cho người khác giữ lấy tín ngưỡng của họ. Người Do Thái thoát ra khỏi Cuộc thảm sát do bàn tay Đức quốc xã, đã làm cho thế giới khâm phục, không phải bằng con đường khủng bố, mà bằng chính sức làm việc của mình, chẳng hề la ó, kêu ca. Nhân loại mang ơn các nhà bác học Do Thái về hầu hết các phát kiến khoa học của Thế kỷ 19 và Thế kỷ 20. Mười lăm triệu con người, sống tản mác khắp thế giới, đã đoàn kết lại và giành quyền sống cho mình bằng chính sức cần lao và bằng kiến thức. Chúng ta chưa hề thấy một người Do Thái nào nổ bom tự sát trong một quán ăn Đức. Chúng ta chưa hề thấy một người Do Thái nào đốt phá nhà thờ. Chúng ta chưa hề thấy một người Do Thái nào phản đối một việc gì bằng cách giết người. Người Hồi giáo đã biến ba tượng Phật [ở Afghanistan] thành đá vụn. Chúng ta không hề thấy tín đồ Phật giáo thiêu hủy một thánh đường Hồi giáo nào, giết hại một tín đồ Hồi giáo nào hay đốt phá một sứ quán nào. Chỉ có người Hồi giáo bảo vệ đức tin của mình bằng cách đốt phá nhà thờ, giết người và phá hủy các sứ quán. Con đường hung bạo này sẽ không đi tới đâu. Người Hồi giáo phải tự hỏi họ có thể làm gì để đóng góp cho nhân loại trước khi họ đòi hỏi nhân loại phải kính nễ họ.
Nguồn: video Wafa_Sultan_Debating_Islamic_Clergic
Talawas 2009