Hiển thị các bài đăng có nhãn Con đường sáng tạo (8). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Con đường sáng tạo (8). Hiển thị tất cả bài đăng

14/7/10

Con đường sáng tạo (8)

Con đường sáng tạo
(Tư tưởng và quan niệm về sáng tác của Nietzsche, Rimbaud, Henry Miller, Schopenhauer, William Faulkner, André Gide, Georges Simenon, Rainer Maria Rilke, Emerson, Thomas Wolfe)

Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu

William Faulkner

Sứ mệnh của nhà văn


Giới thiệu

1.

William Faulkner sinh năm 1897 tại New Albany, Mississipi. Ít lâu sau gia đình ông dọn tới Oxford, nơi cậu Falkner (không có “u”), dầu đọc sách rất rộng, thi trượt trung học. Năm 1918 ông gia nhập Không Quân Hoàng Gia Gia Nã Đại. Bị thương nhẹ, ông trở về đi học đại học lại rồi bỏ dở.

Được Sherwood Anderson khuyến khích, Faulkner viết Soldier’s Pay, (1926), cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông được nhiều người đọc là cuốn Sanctuary (1931), một cuốn sách kích động ông viết sau Mosquitoes (1927), Sartoris (1929), The Sound and the Fury (1929) và As I Lay Dying (1930). Một loạt tiểu thuyết kế tiếp tạo thành Yoknaptawpha huyền sử: Light in August (1932), Pylon (1935), Absalom, Absalom! (1936) The Unvanquished (1938), The Wild Palms (1939), The Hamlet (1940) và Go Down Moses (1941), Những tác phẩm quan trọng của ông sau Thế Chiến II là: Intruder in the Dust (1948), A Fable (1954) và The Town (1957). William Faulkner được giải thưởng Nobel văn chương năm 1949.

Tất cả những nhân vật của Faulkner đều cảm nghiệm sự quyến rũ của bất hạnh, của suy đồi hay của cái chết. Những nhân vật lớn của Faulkner đều có thái độ nhẫn nhục khôn ngoan của nhân vật Sophocle. Khuất lụy định mệnh, chấp nhận định mệnh khốc liệt một cách thầm lặng, gánh tất cả gánh nặng quá khứ, một cách gan góc. Can trường, rộng lượng, lương thiện, dịu dàng, đau khổ, nhẫn nại và kiêu hãnh vươn thẳng lên sau giông tố, là điều Faulkner muốn truyền đạt qua tác phẩm của ông. Vì lẽ đó ông ca ngợi những người da đen, những nông dân, những kẻ ngây dại, những trẻ em, những kẻ sống bằng bản năng, những kẻ nghèo khó, những kẻ tin vào cuộc đời, vào tình người, vào quá khứ. Bởi họ sẽ tồn tại như cỏ già trên sa mạc cằn khô.


2.

“Con người là tổng số của những nỗi bất hạnh của hắn. Người ta có thể nghĩ rằng nỗi bất hạnh một ngày kia sẽ kết liễu bằng cách mỏi mòn đi, nhưng lúc đó chính thời gian lại trở thành nỗi bất hạnh của ta” (a man is the sum of his misfortunes. One day you’d think misfortune would get tired, but then time is your misfortune…)

Tư tưởng thường được trích dẫn trên trong cuốn Âm thanh và cuồng nộ khiến người ta hiểu lầm Faulkner rất nhiều. Tiểu thuyết Faulkner không riêng gì cuốn Sanctuary chính là “sự thâm nhập của bi kịch Hy Lạp vào tiểu thuyết trinh thám” (l’intrusion de la tragédie grècque dans le roman policier) như nhận xét của Malraux. Có lẽ phải nói đó là một cuộc phục hồi và canh tân của Bi Kịch.


3.

Bàn về tác dụng của bi kịch, Aristote chỉ nói đúng một nửa khi nhận định rằng trong bi kịch đó có mầm kinh hoàng và bi thương, Schopenhauer cũng chỉ đúng bán phần khi cho rằng bi kịch dậy người ta nhẫn nhục. Không, bi kịch là một cái gì khác thế và hơn thế nữa. Nếu Aristote có lý thì bi kịch sẽ là một nghệ thuật tai hại cho cuộc đời; ta phải đề phòng chống lại nó như một nguy hại chung và như một nỗi ô nhục. Nghệ thuật thông thường là kích thích mãnh liệt của cuộc đời, một nỗi say sưa cuộc đời, một ý chí sống, trong trường hợp này lại phục vụ cho sự đồi bại, phục vụ cho bi quan chủ nghĩa nguy hại cho sức khỏe chung. [1] Nếu Schopenhauer có lý thì bi kịch lúc đó sẽ là một hiện tượng phân hóa, băng hoại. “Bi kịch sẽ là một triệu chứng suy đồi” (Sđd.)

Bi kịch, theo Nietzsche, trước hết là một phương thuốc phòng ngừa, “một cuộc chủng đậu chống lại định mệnh không thể tránh khỏi” (eine Inoculation des unvermeidlichen Schicksals). Từng chút, từng chút một, qua bi kịch, cảm xúc bi tráng được tiêm nhiễm, trồng độc vào trong chúng ta, để sửa soạn cho chúng ta sẵn sàng đón nhận những mối kinh hoàng thật có. [2] Và để chúng ta thấu hiểu định mệnh thê thảm bao la chung của con người mà trên đó những nỗi đau khổ của ta chỉ là một phần tử rất nhỏ, để chúng ta thấy rõ rằng tất cả những nỗi đau khổ của cuộc đời chúng ta chỉ triệt tiêu khi chúng gia tăng và bằng mẫu số chung, nghĩa là khi con người phóng lớn định mệnh riêng tư đến độ tương đồng trùng khít với định mệnh con người.

Vì hiểu mệnh là yêu mệnh
Amor fati
hiểu mệnh là giải mệnh
understanding destiny is its undoing [3]

Chuyến xe luân lạc chở người truân chuyên chỉ dừng lại khi người bạc mệnh bằng lòng nhận phận.


4.

Faulkner còn đi xa hơn nữa. Con người không những phải nhẫn nhục chấp nhận định mệnh, con người còn phải chiến thắng cả định mệnh nữa.

Và nâng đỡ con người và khuyến khích con người trong cuộc chiến đấu để sinh tồn và trường tồn ghê gớm này là chức vụ của nhà văn. Nhà văn không được chiều theo sự yếu đuối và sa đọa của con người. Không thể có một thứ nghệ thuật hư vô. Không thể có một thứ nghệ thuật đòi chết. Không thể có một thứ nghệ thuật bi quan. Nghệ thuật bao giờ cũng phải khẳng định.

It n’y a pas d’art pessimiste… L’art affirme.
Nietzsche, Volonté de Puissance, II 460.


5.

Như thế nghĩa là Nhà Văn không được nói về cô đơn; hắn phải nói về cô đơn và sức mạnh. Nhà văn không được nói về đau khổ; hắn phải nói về đau khổ và giải thoát. Nghĩa là hắn phải trình bầy “Cuộc Đời Toàn Diện”. Và hắn không được nói về trái cật thay vì trái tim Hắn phải nói về trái cật để bổ túc trái tim. Hắn không được nói về tình dục thay vì tình yêu. Hắn phải nói về tình dục để hỗ trợ tình yêu. Hắn không được nói về sa đọa thay vì thánh thiện. Hắn phải nói về sa đọa như một cám dỗ của thánh thiện và như một bước đầu của trưởng thành. Nghĩa là hắn phải nói về “Con Người Toàn Diện” vậy.


6.

Nghệ thuật là phải đến cùng, (L’art consiste à aller jusqu’à bout – Henry Miller). Nhà văn không được bỏ nhân vật của mình bơ vơ giữa mê lộ. Hắn phải đẩy con người tới tận cùng giới hạn của nó và cho thấy rằng ngoài vòm trời này còn có những vòm trời khác và tất cả mọi con đường, nếu được theo đuổi đến cùng kiệt, đều dẫn tới thiên đàng. Một thiên đàng thích hợp với ước vọng và kích thước của mỗi người.


7.

Chính trong thời gian đau ốm, chúng ta không được phép bi quan [4] . Cũng vậy chính trong thời đại bi thảm, chúng ta phải chấm dứt mọi triết lý bi đát. Đó là sự đề kháng cần thiết. Đoạn văn dưới đây không phải chỉ là đoạn mở đầu tầm thường của một cuốn “dâm thư” bị lên án nhiều lần ở đầu thời đại chúng ta. Nó phải được coi là một phương châm.

“Thời đại chúng ta cốt yếu là một thời đại bi thảm, bởi thế chúng ta từ chối coi nó một cách bi thảm. Cuộc đại biến động đã xẩy ra, chúng ta đang ở giữa những đổ nát, chúng ta bắt đầu xây dựng những nơi cư trú nhỏ bé mới, có những hy vọng nhỏ bé mới. Đó là công việc khó nhọc nhằn: bây giờ không có một con đường bằng phẳng nào dẫn tới tương lai: nhưng chúng ta đi vòng quanh hay bò qua những trở ngại. Chúng ta phải sống, thây kệ biết bao nhiêu bầu trời đã sụp.”

(Ours is essentially a tragic age, so we refuse to take it tragically. The cataclysm has happened, we are mong the ruins, we start to build up new little habitats, to have new little hopes. It is rather hard work: there is now no smooth road into the future; but we go round, of scramble over the obstacles. We’ve got to live, no matter how many skies have fallen.)
D.H. Lawrence, Lady Chatterley’s Lover, p.1.


8.

Khuyến khích con người rằng: Chúng ta phải sống, thây kệ biết bao nhiêu bầu trời đã sụp. (II faut bien que nous vivions, malgré la chute de tant de cieux.)

Là cứu cánh của nghệ thuật. Đó cũng là vinh quang, lao khổ và nhục nhằn của nhà văn, bởi trước ai hết, hắn phải cảm nghiệm sự phá sản của những giá trị mà thời đại hắn đang tôn sùng, xuống đến cùng đáy tuyệt vọng bởi sự sụp đổ của những bầu trời cũ, và cũng trước ai hết, hắn phải gợi lại những chân lý cổ xưa đồng thời sáng tạo những giá trị mới, tạo dựng những chân trời mới làm phương châm, làm hành trang, làm thực phẩm cho những thế hệ tương lai, giúp con người đủ sức chịu đựng và chiến thắng.

Đó chính là sứ mệnh cao cả của nhà văn.


*


Sứ mệnh

I feel that this award was not made to me as a man but to my work – a life’s work in the agony and sweat of the human spirit, not for glory and least of all for profit, but to create out of the materials of the human spirit something which did not exist there before. So this award is only mine in trust. It will not be difficult to find a dedication for the money part of it commensurate with the purpose and significance of its origin. But I would like to do the same with the acclaim too, by using this moment as a pinnacle from which I might be listened to by the young men and women already dedicated to the same anguish anh travail, among whom is already that one who will some day stand here where I am standing.

Our tragedy today is a general and universal physical fear so long sustained by now that we can even bear it. There are no longer problems of the spirit. There is only the question: When will I be blown up? Because of this, the young man or woman writing today has forgotten the problems of the human heart in conflict with itself which alone can make good writing because only that is worth writing about, worth the agony and the sweat.

He must learn them again. He must teach himself that the basest of all things is to be afraid; and, teaching himself that, forget it forever, leaving no room in his workshop for anything but the old verities, and truths of the heart, the old universal truths lacking which any story is ephemeral and doomed – love and honor and pity and pride and compassion and sacrifice. Until he does so he labors under a curse. He writes not of love but of lust, of defeats in which nobody loses anything of value, of victories without hope and, worst of all, without pity or compassion. His griefs grieve on no universal bones, leaving no scars. He writes not of the heart but of the glands.

Until he relearns these things he will write as though he stood among and watched the end of man. I decline to accept the end of man. It is easy enough to say that man is immortal simply because he will endure; that when the last ding-dong of doom has clanged and faded from the last worthless rock hanging tideless in the last red and dying evening, that even then there will still be one more sound: that of his puny inexhaustible voice, still talking. I refuse to accept this. I believe that man will not merely endure: he will prevail. He is immortal, not because he alone among creatures has an inexhaustible voice, but because he has a soul, a spirit capable of compassion and sacrifice and endurance. The poet’s, the writer’s duty is to write about these things. It is his privilege to help man endure by lifting his heart, by reminding him of the courage and honor and hope and pride and compassion and pity and sacrifice which have been the glory of his past. The poet’s voice need not merely be the record of man, it can be one of the props, the pillars to help him endure and prevail.


Sứ mệnh của nhà văn

Tôi cảm thấy rằng giải thưởng này không được trao cho tôi với tư cách một con người nhưng cho tác phẩm của tôi – tác phẩm một đời tạo tác trong khắc khoải và lao khổ của tinh thần con người, không phải vì lợi lộc mà là sáng tạo từ những chất liệu của tinh thần con người một cái gì chưa từng có đó trước kia. Bởi thế giải thưởng này chỉ là giải thưởng của tôi trong kỳ vọng. Tìm cách cung hiến số tiền trích từ giải thưởng này cho tương xứng với mục đích và ý nghĩa khởi nguyên của nó không phải là việc khó khăn. Nhưng tôi cũng muốn xử sự tương tự như vậy với lời hoan hô nồng nhiệt, bằng cách dùng giây phút này như một chóp đỉnh từ đó tôi có thể được lắng nghe bởi những thanh niên và phụ nữ đã sẵn sàng hiến mình cho sự khắc khoải và lao khổ tương tự, giữa những người đó chắc chắn đã sẵn có một người một ngày kia sẽ đứng nơi tôi đang đứng hôm nay đây.

Thảm kịch của chúng ta hôm nay là sự sợ hãi vật chất chung và phổ quát đến nay đã được chịu đựng quá lâu đến nỗi chúng ta vẫn còn có thể chịu đựng nổi. Không còn có những vấn đề tinh thần nữa. Chỉ còn có một vấn đề duy nhất: Chừng nào thì tôi sẽ bị nổ tung đây? Bởi lẽ đó, người thanh niên hay phụ nữ viết lách hôm nay đã quên mất những vấn đề của tâm hồn con người giao chiến với chính nó, điều duy nhất tạo nên tác phẩm hay bởi vì duy điều đó đáng viết, đáng khắc khoải và lao tâm khổ trí.

Hắn phải học lại những vấn đề ấy lần nữa. Hắn phải tự dậy hắn rằng điều đê tiện nhất trong hắn rằng, hãy quên nó đi mãi mãi, đừng để một khoảng trống nào trong phòng làm việc hắn cho bất cứ điều gì ngoài những chân lý và sự thực xưa cũ của tâm hồn, những sự thực phổ quát cổ điển mà thiếu chúng bất cứ câu chuyện nào cũng chỉ có tích cách phù phiếm và đáng trách bị - đó là tình yêu và danh dự và từ bi và kiêu hãnh và bác ái và hy sinh. Cho đến khi nào làm như vậy hắn tiếp tục làm việc quần quật dưới một lời nguyền rủa. Hắn không viết về tình yêu mà viết về tình dục, về những sự thất bại mà không ai mất mát mảy may gì có giá trị, về những cuộc chiến thắng không hy vọng và tệ hơn cả không từ bi hay bác ái. Những nỗi phiền muộn của hắn không hằn sâu trên một lóng xương nhân loại nào, không để lại một vết sẹo nào. Hắn không viết về trái tim mà viết về trái cật.

Cho đến khi nào hắn học lại những điều đó, hắn sẽ viết như thể hắn đứng giữa đám đông và ngắm nhìn sự tàn lụi của con người. Tôi từ chối không chấp nhận sự tàn lụi của con người. Thật khá dễ dàng khi nói rằng con người bất tử chỉ vì nó sẽ chịu đựng, rằng khi tiếng chuông tận thế cuối cùng vang rền và tiêu tan từ mỏm đá cheo leo vô giá trị không dòng nước muộn tới viếng trong ánh chiều tà le lói cuối cùng, rằng ngay cả khi đó nữa vẫn còn có một âm thanh; đó là tiếng nói mong manh không thể dập tắt hãy còn tiếp nối. Tôi khước từ không chấp nhận điều này. Tôi tin rằng con người không những chịu đựng; nó sẽ chiến thắng nữa. Nó bất tử, không phải vì giữa muôn sinh vât một mình nó có tiếng nói không thể dập tắt được mà bởi vì nó có một linh hồn, một tinh thần có khả năng bác ái và hy sinh và chịu đựng. Bổn phận của thi sĩ, của nhà văn, là viết về những điều này. Đặc ân của hắn là giúp con người chịu đựng bằng cách nâng cao tâm hồn con người, bằng cách nhắc nhở con người tới lòng can đảm và danh dự và hy vọng và kiêu hãnh và bác ái và từ bi và hy sinh đã là vinh quang huy hoàng của quá khứ nó. Tiếng nói của thi sĩ không cần chỉ là bia kỷ niệm ghi dấu con người, tiếng nói đó còn có thể là một trong những vật chống đỡ, những cột trụ giúp cho con người chịu đựng và chiến thắng nữa.


[1]Nietzsche, Der Wille zur Macht.
[2]Cf. Charles Andler; Nietszche, sa vie et sa pensés, t. I p. 45 f.f. Schiller
[3]Jean Pouillon, Time and Destiny in Faulkner.
[4]Nietzsche, Ecce Homo
Nguồn: Quế Sơn Võ Tánh ấn hành lần thứ nhất 1971, Hồng Hà ấn hành lần thứ hai 1973 tại Sài Gòn.