Barack Obama bị tố cáo gian lận bầu cử
28/03/2009 | 8:27 sáng |
Tác giả: Lê Diễn Đức
Chuyên mục: Thế giới
Vài lời về quyền được nói
Tìm hiểu về hệ thống chính trị thế giới, tuần báo uy tín của Anh quốc “The Economist” cho hay, trong số 167 nước thì có 82 quốc gia có thể chế dân chủ với các chỉ số (index) khác nhau.
Dân chủ hàng đầu thuộc về các nước Thuỵ Điển, Hà Lan, Na-Uy, Đan Mạch… Tàng tàng bậc trung thì có Thuỵ Sĩ, Đức, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ… Chưa hoàn mỹ (flawed democracy) có Singapore, Đài Loan, Nam Hàn, Ý, Ba Lan…
Số còn lại gồm 30 quốc gia có chế độ lai tạp (hybrid regime) và 55 quốc gia có chế độ chuyên chế (authoritarian regime), trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba còn lại từ khối xã hội chủ nghĩa.
Với các con số trên đây, các nước dân chủ và có (vẻ) hơi hướng dân chủ rõ ràng nặng ký hơn, với tỷ lệ 112/55. [1]
Cứ cho rằng, thể chế dân chủ chưa phải là mô hình hoàn hảo nhất mà nhân loại tìm ra, cho đến nay vẫn chưa có mô hình nào khả dĩ hơn.
Một trong những điều tôi thích nhất mà thể chế dân chủ bảo đảm cho công dân của mình là quyền được nói.
Tự do ngôn luận trong hệ thống dân chủ không có đất ưu đãi cho ai. Như câu nói bất hủ của nhà báo, nhà xã hội học Pháp Louis Terrenoir: “Báo chí phải được nói tất cả để một số người không được làm tất cả!”
Chuyện được nói ở Hoa Kỳ và ông Obama
Chuyện được nói và quyền tự do báo chí ở Hoa Kỳ làm khốn đốn nhiều người, kể cả tổng thống, ai cũng đã biết.
Liệu với Barack Obama, người giành thắng lợi tuyệt đối trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi tháng 11 năm ngoái sẽ nhận được nhân nhượng phần nào? Thưa không. Ít có có cử chỉ nào của ông lọt khỏi các con mắt tinh ranh của mấy tay nhà báo. Thậm chí vấn đề ăn vận của bà đệ nhất phu nhân cũng không nằm ngoài tầm ngắm.
Hơn hai tháng ở cương vị tổng thống, xem ra Barack Obama không dễ dàng thực hiện các cam kết tranh cử của mình. Những vụ trục trặc, “nhầm lẫn” từ lúc bổ nhiệm nhân sự cho nội các, đến vụ tiền thưởng của AIG ầm ĩ từ vài ngày nay, ít nhiều đã lấy đi một phần thiện cảm của công chúng Mỹ và thế giới đối với ông.
Chứng kiến các cuộc trò chuyện sau chuyến đi Mỹ mới đây, tôi cảm thấy người Mỹ bắt đầu đặt nghi vấn về những lời hứa của Barack Obama. Mặc dù đã dồn hết tâm huyết ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức để giành được sự ủng hộ bội chi ngân sách 1,7 ngàn tỷ đôla không tiền lệ cho chương trình kích hoạt kinh tế, ông Obama hiện đang gặp phải nhiều phản ứng bất lợi.
Người ta nói tới việc thâm hụt ngân sách cho năm 2009 sẽ kéo theo gánh nặng mà người đóng thuế phải chịu cho 10 năm tiếp theo. Theo K. Haskett, American Enterprise Institute (Shot Publication 6/03/2009) thì, thâm hụt cho thập kỷ sau sẽ tới 7 ngàn tỷ đôla!
Trong lúc phải tập trung mọi cố gắng và trí não cho lĩnh vực kinh tế và đối ngoại, ông Barack Obama lại phải đối đầu với dư luận cho rằng ông đã gian lận trong bầu cử.
Ngày 25-26/03/2009 Worlnetdaily.com cho hay, sĩ quan hưu trí của hải quân Mỹ Walter Fitzpatrick III, với thành tích 20 năm vận động công khai hoá các hành vi phạm pháp trong quân đội Hoa Kỳ, đã tố cáo đương kim tổng thống “phản bội”.
Trong đơn kiện ra toà, Walter Fitzpatrick viết về Barack Obama như sau:
“Ông đã vào được Nhà Trắng nhờ sử dụng sức mạnh, toan tính, che giấu sự thật, sự kiêu ngạo, lừa dối và thủ đoạn. Đóng vai tổng thống và tổng chỉ huy quân đội, ông đã loại bỏ kiểm soát dân sự đối với tổ chức quân sự”.
“… Tôi gọi ông và những người cộng tác của ông là những kẻ phản bội. Những hành động của ông đang tạo nên nguy hiểm. Ông đã thay đổi cơ bản hình thái chính phủ. Hiến pháp đang bị vi phạm”.
“Tôi xác định ông, một người sinh ra ở nước ngoài, là kẻ thù nội tâm của Hoa Kỳ”.
Sau khi nộp đơn tại toà án Tối cao Liên Bang, Walter Fitzpatrick đã được các cận vệ của tổng thống thuộc “Secret Service” dẫn độ về nhà. Qua cuộc trao đổi ngắn, thấy rằng Walter Fitzpatrick không có sự đe doạ nào với tổng thống họ đã ra về.
Trước đó, cũng theo Worlnetdaily.com, Alan Keyes, một chính khách, nhà ngoại giao Mỹ gốc Phi thuộc đảng Cộng Hoà, đã từng tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2008 tại California nói, rằng ”… Điều 2 Hiến pháp Hoa Kỳ quy định tổng thống Hoa Kỳ chỉ có thể là người được sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Thế nhưng rất nhiều người và các tổ chức công dân khẳng định Obama sinh ra tại Kenya và sang Hoa Kỳ với bố mẹ khi còn là trẻ sơ sinh”.
alankeyesobama“Rõ ràng là các hành động của Obama trong mục đích giành ghế tổng thống đã làm ngơ trước tất cả các câu hỏi về tiêu chuẩn bắt buộc khi tranh cử tổng thống (…) Chúng tôi sẽ làm tất cả để mọi người biết được sự thật. Nếu như Barack Obama không hội đủ các điều kiện pháp quy đối với tổng thống Hoa Kỳ thì tất các các văn bản mà ông ta ký sẽ không có hiệu lực pháp lý. Và như vậy, mọi quyết định của ông ta phải bị bãi bỏ” – Alan Keynes nói.
Nhận được rất nhiều đơn khiếu kiện của các cá nhân và tổ chức xã hội, trong ngày 25/03/2009, Toà án Tối cao và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã xác nhận chính thức trước công luận rằng, vấn đề nơi sinh của tổng thống Barack Obama sẽ được xem xét.
Một số tổ chức xã hội do Orly Taitz của “Defend Our Freedom” làm đại diện đòi toà phải công bố bản khai sinh gốc của Obama. Bản khai sinh gốc rất quan trọng từ góc độ hiến pháp của Hoa Kỳ. Cũng giống như ông Alan Keynes, nhiều người nói rằng, ông Obama không sinh ra tại Hawaii mà là Kenya.
Quyết định ngày 25/03 của Toà án Tối cao Hoa Kỳ mang tính bước ngoặt vì các vị thẩm phán trước đó không ai muốn thụ lý việc này.
Có lẽ các bạn cũng như tôi sẽ thích thú chờ hồi kết của một màn kịch hấp dẫn.
Nhưng dù gì đi nữa, không thể nào phủ nhận được quyền tự do được nói thứ thiệt của đất nước Cờ Hoa!●
——————————–
[1]: http://www.economist.com/media/