Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Hoàng Chương - Ta đã làm chi đời ta (3). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Hoàng Chương - Ta đã làm chi đời ta (3). Hiển thị tất cả bài đăng

19/7/10

Vũ Hoàng Chương - Ta đã làm chi đời ta (3)

Vũ Hoàng Chương
Ta đã làm chi đời ta
Bút ký

Mây xuống... gió lên...

Ngay từ cuối 1942, anh em trong văn giới đã có vẻ nóng ruột đợi cuốn thơ Mây của Hoàng. Kể cả một số không thân thiết lắm và, do đó, cũng không “lêu têu” chút nào.

Như chàng Huy chẳng hạn.

Chứng cớ là một hôm hai gã Huy, Hoàng đụng nhau ở Cống Chéo Hàng Lược… Chả biết ông Xuân đề tựa cho Huy tán ma tán mãnh thế nào về cái sầu biển lớn sông dài của bạn nối khố, chứ thật ra chàng Huy cười luôn miệng, yêu đời quanh năm. Dĩ nhiên gặp Hoàng, Huy cũng tay bắt mặt mừng cười cứ tít cả mắt. Lại còn nổi hứng ngâm liền hai câu thơ:


Đã lâu gặp lại Chàng Say
Lửa Thiêng xin đốt chờ Mây xuống trần.


Hoàng vừa nghe xong đã suy luận rất nhanh: Có lửa tất phải có khói. Và ngâm tiếp hai câu rằng:


Mây kia chẳng chịu xuống trần
Lửa ơi, theo khói lên gần với Mây!


Huy lấy làm thú quá; lôi ngay Hoàng vào hiệu phở đầu phố Hàng Đồng, khăng khăng đòi đãi Hoàng một chầu kỳ no thì thôi.

Ngoài đường gió lạnh buốt, ngồi nhìn bát phở đang được bưng tới bàn, khói bốc lên nghi ngút, ai mà chẳng cảm thấy ấm lòng! Riêng Hoàng, óc hãy còn lưởng vưởng nơi câu thơ vừa sáng tác nóng hổi, nên đã nảy ra một ý nghĩ hơi buồn: “Khói phở thì thơm thật, nhiều thi vị không chừng; nhưng theo nó để lên gần với mây, e chẳng sao đạt được mục đích. Không lẽ mình đề nghị Huy đi tìm khói huyền! Chàng Huy chứ đâu phải tác giả Cây đàn muôn điệu mà mình đưa đề nghị đó!”.



*


Tuy nhiên, Mây chẳng chịu ngồi xuống trần là chỉ “chẳng chịu” lúc bấy giờ thôi. Chưa đứng đầu đứng số thì chưa xuống được! Sang đến mùa thu năm sau, tức là năm Quý Mùi, Tây lịch 1943, nó đã xuống tà tà, theo lời gọi âm binh của họa sĩ phù thủy Tô Ngọc Vân. Mây với Vân có duyên với nhau từ cái thời xa xưa chữ Nho gặp tiếng Việt. Cho nên lời gọi phát xuất từ cây bút của nhà danh họa kia đã được đám mây giang hồ hưởng ứng, bằng lòng tự thu nhỏ lại trong một cái bầu rượu, xuống nằm bất tử ngay trên bìa sách của Hoàng. Bầu rượu và đám mây đều màu nâu, bìa sách thì màu vàng rực rỡ, trong khi những chữ nhà in sắp tên tác giả và tác phẩm thì in bằng mực đen trên một cái nền nhỏ hình vuông, cũng màu nâu đặt ở khoảng trên, bốn phía lại đóng khung đen, giống như khung ảnh.

Chiếc bầu rượu này, chẳng hiểu có phải Tô Ngọc Vân đã chiêm bao nhặt được ở tận Đông Hải, do Lý Thiết Quài đại tiên bỏ quên hay không. Chỉ biết hình thù nó mập tròn, nét vẽ đậm, và đặt chênh chếch tưởng đâu sắp té ngửa đến nơi, và té ra ngoài… bìa sách. Nó nghênh ngang quá, chướng quá, mà cái chứa của nó lại là đám mây, nên càng chướng, càng nghênh ngang; át hẳn Con Phượng, huy hiệu của nhà xuất bản Đời Nay đặt về phía tay trái, đối diện với nó. Thật vậy, Con Phượng đã bị in chìm vào máu nâu, cánh và mình gầy rơi gầy rụng, và quá nhỏ mọn, quá khiêm nhường chứ không oai vệ như trên những cuốn sách khác của nhà xuất bản. Đã thế, hai chữ Đời Nay cũng bị in chìm, nét rất mảnh, nơi phía dưới Con Phượng, phải dùng đến kính hiển vi mới đọc xong. Ngay trên đầu Con Phượng thì in chếch hai chữ Đời Nay do Khái Hưng viết bằng bút lông, và dĩ nhiên in mực đen. Hai chữ tuyệt quá! Nét sương kính, trang nhã vô hạn. Khái Hưng viết đẹp ghê! Nhưng trời hỡi! Đó là chữ Nôm – nghĩa là thứ chữ Quốc ngữ của các ông Lê Thánh Tôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, chứ đâu phải chữ Quốc ngữ gần đây ông Nguyễn Văn Vĩnh đề cao, ông Tản Đà tán tụng – hỏi mấy ai còn đọc nổi khi mà thế kỷ hai mươi đã vượt qua tuổi “Bất hoặc” rồi.

Tóm lại, cứ nhìn cái bìa tập thơ Mây của Hoàng, chẳng ai biết nhà nào đứng ra xuất bản. Căn cứ vào tầm quan trọng của cái bầu rượu – nét thật đậm và nổi bật lên – có người xuyên tạc rằng đó là nhà xuất bản Hồ Lô. Ý chừng muốn giễu Hoàng cũng một phường với bọn Xuân Thu Nhã Tập, bọn trí thức lãng mạn lúc bấy giờ đang chủ trương lối “thơ hũ nút”.

Chả là Hoàng rất thân với ông Đoàn, tác giả vở kịch Ghen đã từng làm say mê Hà Nội thanh lịch, đồng thời cũng nổi danh thi sĩ, có tên trong cuốn Thi nhân Việt Nam hẳn hoi, mà nổi danh nhờ vào độc một bài thơ, bài Màu thời gian, đứa-con-có-vần duy nhất của tác giả. Đã thân với ông Đoàn, tất cũng gần gũi thời thường với tứ trụ của nhóm này: Ông Xuân Sanh – hỗn danh là Hũ – ông Hạnh – hỗn danh là Chóe – và nhạc sĩ Khoát, giáo sư Lương Ngọc. Bởi lẽ ông Đoàn đi đâu cũng khoe thơ Hũ nút và khẳng định ông Hũ – thư sinh kiểu Tô Hoài – là thiên tài, là thi-sĩ-có-bề-sâu nhất thiên hạ, v.v. nên Hoàng gọi luôn ông ta là “Chủ Hũ”. Còn bài thơ để làm ghi:


Chủ Hũ bảo. Ô! Trời đẹp quá!
Chúng ta vào ông Bá đi thôi!
Theo liền Hũ Chóe một đôi,
Giáo sư, nhạc sĩ, năm người đủ năm,
Xuân thu cả gánh vào “nằm”…
Ô! Trời đẹp quá!... Phải dăm “cối” liền,
Để cho “người đứng… hồn lên”.


Nhà ông Bá chả là chỗ “nằm” hàng tuần của gánh Xuân Thu mà! Còn như “Người đứng hồn lên một bể mơ” cũng là câu thơ của ông Xuân Sanh được Đoàn quân nhắc nhở luôn miệng…




*


Trở về với việc in tập thơ Mây, Hoàng phải nói ngay rằng Hoàng đã bị vất vả đến mấy tháng. Gần trọn mùa thu cũng nên. Nhà Đời Nay quyết định “in nhà-in-nhà” tức là in tại ấn quán Ngày Nay, số 80 đường Quan Thánh, Hà Nội. Sách in cỡ lớn máy in được dành cho lại là thứ nhỏ nhất – máy Minerve – “Phải thứ máy đó mới thực hiện được hết những khía cạnh tế nhị của tập thơ do họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ vời!”, ông Miễn, quản lý ấn quán bảo thế. Cho nên mỗi khuôn chỉ hoàn tất được hai trang. Cứ cái nhịp “hai trang” chậm như rùa ấy, thì chốc chốc lại xuống khuôn, rồi lại sửa “mo rát”, lại lên khuôn, lại sửa lần chót để chạy máy, v.v. Quần quật suốt ngày mệt quá! Ấy là tác giả muốn sự mua dây buộc mình, chứ có ai bắt đâu! Giá cứ phó mặc cho ông Miễn cũng được vậy.

Thành ra con đường xe điện Bạch Mai – Quan Thánh đã thêm một hành khách mỗi ngày hai buổi đi về, chăm chỉ y như một công chức đứng đắn.

Bạch Mai? Vâng! Lúc này Hoàng đã cư ngụ ở một ngõ hẻm trên con đường hữu danh này, cùng với hai người bạn mới: Thục Oanh, Hoài Điệp. Hoài Điệp – cũng gọi là Đinh Thứ lang – chẳng phải ai xa lạ; chính người đã “tu mi đội lốt quần thoa” lên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội đêm 12-12-1942, thủ vai Vân Muội trong vở kịch thơ đầu tay của Hoàng. Thứ lang đẹp trai có tiếng, làm cho thiên hạ liên tưởng đến Hoàng Phủ Thiếu Hoa của truyện Tái sinh duyên. Và như vậy, Thục Oanh nghiễm nhiên trở thành hiện thân của Hoàng phủ Trưởng Hoa rồi.

Con đường Bạch Mai thuộc vùng ngoại thành của Hà Nội, ô Cầu Rền, một trong năm cửa ô của Thăng Long đế đô oanh liệt xưa. Nơi đây có chỗ tránh xe điện; và đối diện ngay với chỗ tránh này, ở phía bên kia đường, là lối vào ngõ. Hoàng đặt tên cho ngõ của mình là Hoàng Ngưu Hạng; nếu dịch chữ nào nghĩa nấy thì đó là “Ngõ Trâu Vàng”. Nhưng thật ra thiên hạ, từ đời nào không biết, vẫn gọi là “Ngõ Bò”. Bò với trâu sắc vàng, kể về thực chất, đâu có khác; vậy cứ cho nó là “Ngõ Trâu Vàng” đi!

Ngõ này tuy hẹp nhưng lát gạch chỉnh đốn. Ngôi nhà do Thục Oanh và Thứ lang Đinh Hoài Điệp thuê được từ đầu năm 1943, tọa lạc khá sâu vào bên trong. Có cổng, có tường cao, sân gạch rộng; khang trang lắm. Nhà năm gian lợp ngói, cửa bức bàn, hiên rộng tới ba thước có thể trải chiếu ngồi nhìn ra cây ổi và giàn hoa ngoài sân; nếu hội họp để uống rượu ngâm thơ thì hai mươi người ngồi vẫn còn thừa chỗ. Chỉ phải cái nhà hơi tối, vì chẳng có một cửa sổ nào; lại ở vào một ngõ không được hưởng tiện nghi điện lực, nên ban ngày cũng mờ mịt hư ảo như một thạch động thời tiền sử. Bạch lạp, hồng lạp thắp cứ linh tinh; đôi khi lại cả đèn dầu lạc nữa, mà người kia nhìn người nọ vẫn “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”.

Thục Oanh và Thứ lang bất chấp, Hoàng đến nhập tịch cũng bất chấp luôn.

Ấy thế mà chẳng mấy lúc nhà vắng bạn lui tới. Nào Đỗ quân mới từ Quảng Châu đổi về, thấy yên tĩnh và chủ khách đồng tâm đồng điệu, cũng ở lại chơi cả tuần, rồi cả tháng sau cứ lấy đấy làm chỗ nghỉ trưa, mặc dầu từ Sở Khí tượng về Bạch Mai chẳng gần gì cho lắm. Nào Chu Ngọc, Vũ Trọng Can, Lê Văn Trương, v.v. Nguyễn Bính thì đi đâu một dạo – hình như vào Sài-gòn – lúc phản hồi “Kinh đô Văn Nghệ” là đóng đô ngay nằm lỳ Ngõ Trâu Vàng đến một tháng là ít.

Phải chịu Thục Oanh là một người thản nhiên có một. Bạn của Thứ lang, hay của Hoàng đến, Oanh đối đãi rất thật tình. Có khi cơm gà cá gỏi, rượu thịt ê hề; có khi ăn khoai trừ bữa, hay ăn cháo trắng thay cơm. Rất có thể một hôm nào đó mỗi người – chủ cũng như khách – chỉ được thưởng thức một chén cơm rang, hay một củ khoai, hoặc vừa đúng ba thìa cháo.

Nhưng mâm bát vẫn sạch sẽ đàng hoàng, đũa son liễn sứ sang trọng. Mà cơm rang mềm dẻo, khoai luộc nhừ, cháo thơm phức; nghi ngút khói bay, gặp trường hợp đó, Hoàng ưa nhắc lại câu nói của Lê Trọng Quỹ, người thủ vai Vương sinh trong vở Vân muội:

“Ăn ít mới ngon!”

Còn như nếu mọi thứ đều hết – kể cả ngô khoai, mắm muối, than củi – thì toàn gia lại được một bữa thịnh soạn, hơn cả yến tiệc trong cái trò chơi “Nhất dạ đế vương” của Áo Môn, Hương Cảng nữa kia.

Khó gì đâu chứ! Oanh chỉ việc lấy bút giấy viết mấy chữ, sai “hề đồng” ra hiệu phở đầu ngõ, một hiệu lớn, quen bán chịu cho Oanh. Mà người ta lại ưa được Oanh mua chịu.

Vì trong vòng hai tuần lễ, thế nào Oanh cũng thanh toán sòng phẳng, nhất là không quên trả lãi hai mươi lăm phần trăm.

Thật ra, Oanh đâu có giàu, hay cất đi sẵn một số vàng bạc nữ trang làm vốn riêng đâu! Nên hễ thấy những bữa thịnh soạn như thế kéo dài đến ngày thứ hai là Hoàng với Thứ lang, chẳng ai bảo ai, phải “hạ sơn” ngay tức khắc. Trong vòng mười hai tiếng đồng hồ tìm cho kỳ được một nhà báo hay nhà xuất bản nộp tiền “mãi lộ” mới thôi. Nói là tiền “mãi văn” cho đúng chữ nghĩa!

Thường thường chia quân hai ngả; Hoàng không biết Thứ lang đã “bán” những bài thơ, bài tùy bút nào, nhưng về phía Hoàng thì đã “đi đứt” vở kịch thơ Trương Chi, rồi đến vở Hồng Điệp. Cũng đi luôn cả một phần tác quyền tập thơ Mây.

Kể ra văn chương lúc đó cũng còn có giá. Thí dụ số tiền một trăm đồng lấy trước của nhà xuất bản Lượm Lúa Vàng về vở Trương Chi, là đủ cho Oanh trang trải hàng mấy chục “bữa tiệc biên bông” theo kiểu này. Với điều kiện nhân số giới hạn, năm người: Oanh, Hoàng, Thứ lang, Hề đồng… Và một quý-khách-tốt-số, chỉ một thôi!

Mong manh biết được nếp sống kỳ quái và nguy hiểm trên, một số bạn tri kỷ đã có phản ứng kịp lúc: Hễ xuống đến Ngõ Trâu Vàng, thấy đầy mâm những phở xào, thịt bò xào, thịt bò tái, gà luộc, chả giò, canh nấm hương, v.v. là ngồi ngay vào mâm tự rót lấy một chén mai quế lộ hay rượu Con Hươu, rượu trắng – tùy sở thích – nhắm nhót một vài miếng, rồi… rồi khẽ gọi Hề đồng:

“Xin phép chị Oanh cho thằng nhỏ ra đầu phố mua giùm gói thuốc lá”.

Vậy là Hề đồng hiểu ý mang tờ giấy hai mươi đồng hay một trăm đồng của ông khách, ra hiệu phở quen trả luôn số tiền bữa tiệc vừa đặt mua lúc nãy. Còn gói thuốc lá của khách, đâu có thành vấn đề! Chỉ phải nhớ trả số tiền dư lại cho ông khách là được.

Tuy nhiên, nếu “bạn tri kỷ” lại cùng đến với một “tục khách” thì Oanh trả lời ngay:

“Nhà có sẵn thuốc lá rồi; để tôi bảo thằng nhỏ nó lấy!

Hoàng phụ họa luôn:

“Ờ… ờ…! Tôi cũng có thuốc lá trong túi đây, mà quên khuấy đi, chẳng lấy ra mời khách. Đãng trí thế chứ lại!”

Thứ lang thì ngồi bất động, cặp mắt nhìn vu vơ ra sân, vừa mơ mộng vừa… dễ sợ!




*


Công việc ấn loát của “Nhà-in-nhà” vẫn tiến hành đều. Mây đã sắp có một hình thể cố định và sửa soạn giáng trần. Bỗng một buổi chiều kia, Hoàng từ ấn quán về, chưa bước chân vào khỏi cổng đã nghe véo với nhau:


… Tay tiên rót chén rượu đào… ừ… ư…
Đổ đi thì tiếc… ừ … ư … mà … uống vào thì say.


… Lại có cả tiếng cười khúc khích chen vào tiếng hát. Lạ thật!

Vào đến sân, Hoàng mới vỡ lẽ. Kìa, đủ cả tam kiều của làng Dương Ổ: Cô Tạ – phòng nhì của Lê quân – và hai em: cô Càn, cô Kéo.

Cô nào cũng áo tứ thân nhuộm nâu, thắt lưng màu xanh da bát, và… buông thật thấp chiếc váy đen. Nhớ đến câu thơ:

“Sóng lụa thâm phần phật đổ bên thềm”, Hoàng càng thấy anh chàng họ Lê nhận xét đúng.

Cái dáng điệu rất đặc biệt của Lê khi ngồi ở làng Dương Ổ đầu tháng Tư năm ngoái như đột ngột sống lại trong ký ức Hoàng.

Và cũng thừa cơ hội, khuôn trăng đầy đặn của nàng Mây từ từ mọc lên ở chân trời kỷ niệm đã bắt đầu bị sương khói làm phai nhòa.

Thấm thoắt vậy mà hơn một năm rồi. Lửa say mê tắt hẳn: nhưng quên người cũ thì Hoàng chưa quên. Trai lãng tử và gái đồng quê, ngồi bên nhau đêm đó, nhìn ngắm nhau nhiều hơn là nói chuyện hay nghe chuyện của nhau: quên sao được!

Mỗi câu Hoàng nói – dầu chỉ nói thật khẽ vào tai Mây – Hoàng cũng thấy đập trở về thính giác của mình, rõ từng mạch lạc, từng âm hưởng, khiến cho chính Hoàng vô cùng ngạc nhiên. Mình có những dự định như thế thật ư? Mình dám hứa hẹn để rồi hành động như thế? Trời ơi! Có ai tin được không? Còn gì phi lý hơn không?

Chẳng là Hoàng nói nhất định cưới Mây làm vợ – chính thất chứ không phải đệ nhị phòng – bất chấp gia đình Mây đã gả chồng cho Mây rồi, và Mây đang sống lơ lửng giữa khoảng cách “Ngày cưới” với “Đêm cưới”. Nghĩa là bất chấp luôn sự can gián của cô Tạ và của Lê quân.

Tục lệ ở đây kỳ lắm. Chỉ cần có miếng trầu chạm ngõ, hai gia đình ưng thuận là cưới luôn. Cô dâu chú rể, thường thường còn bé dại, không dự gì vào quyết định này. Nhà trai phải biện đủ lễ vật, tư trang, và một số bạc mặt; đám cưới được cử hành long trọng, cả làng đến góp vui, những vạt áo mới cùng những câu hát lưu truyền tự ngàn xưa quyện lấy nhau khắng khít, tung bay theo hương lúa dịu, tiết trời êm.

Nhưng – điều này hết sức quan trọng – cô dâu chỉ ở lại nhà chồng vừa đủ khoảng thời gian thực hiện các nghi lễ. Rồi, chậm nhất là khi mặt trời lặn, phải theo các bạn phù dâu trở về nhà cha mẹ mình. Sáng hôm sau, cơm nước xong, chú rể phải đơn thương độc mã sang nhà vợ, xem có việc gì thì làm – như người trong nhà – để đến tối thì liệu rút cho kịp. Ở đâu mới “dâu con rể khách” chứ không phải ở đây!

Và cứ thế, một vài tháng, một vài năm… Có khi hàng chục năm. Thế nào cặp vợ chồng chẳng có lúc nói chuyện với nhau. Nếu còn nhỏ quá thì vui đùa với nhau, cãi nhau, đánh nhau cũng nên! Nhưng cô dâu nào lớn dần lên cũng biết e thẹn và chú rể – dầu ngu ngốc hay ngang tàng cách mấy – cũng biết chiều vợ, nên cái mục “đánh nhau” ít khi lắm mới xảy ra.

Ở thôn quê, bất cứ giàu hay nghèo, nhà ai mà chẳng sẵn công việc! Tham công tiếc việc lại là đặc tính của nông dân. Huống hồ làng này, ngoài nông nghiệp ra, lại còn có nghề dệt lụa, nghề làm giấy. Trai cũng như gái, chẳng lúc nào ngơi tay ngơi chân; không tát nước thì giã vỏ dò, không nhổ cỏ thì seo giấy, ươm tơ, v.v.

Nghĩa là chú rể cứ “cơm nhà vác ngà voi” cho đến một hôm đẹp trời nào thuyết phục được cô dâu theo mình về; đêm đấy mới thật sự là “đêm cưới”. Và từ ấy cô dâu phải ở lại nhà chồng vĩnh viễn, để gánh vác giang sơn, chính thức lên ngôi “vợ” và thường thường chỉ một năm sau là thăng chức “mẹ nó” hoặc “bu nó” ngay.

Có người thắc mắc: Giả dụ như chú rể không thuyết phục nổi cô dâu thì sao? Chẳng lẽ cứ già đời sớm đi tối về, làm việc không công cho cha mẹ vợ? Đâu dễ dàng xảy ra chuyện ấy được! Lửa gần rơm lâu ngày thế nào chẳng bén! Mà nếu hãn hữu xảy ra – nghĩa là cô dâu “chê chồng” – thì nhà gái phải bồi thường đầy đủ cho nhà trai; nghi thức này gọi là “trả của”. Tuy vậy, còn sự khuyên bảo của gia đình, còn dư luận của bạn bè, làng xóm nữa chứ! Một cô dâu phải gan là sắt mới dám kéo dài quyết định “chê chồng” đến giai đoạn cha mẹ mình bị dồn vào ngõ cụt “trả của”. Thật thế, đã “trả của” thì khó còn gả con gái cho ai. Thử hỏi, ai lại đi cưới cho con trai mình một người con gái đã cưới rồi? Cô ấy mà có nhiều em gái thì lũ em này cũng mắc vạ lây, hồng nhan hay chẳng hồng nhan cũng cứ là bạc mệnh.

Nhưng, Mây ơi! Sao mà Mây chịu để cho người ta cưới sớm thế? Mười hai tuổi đã thành cô dâu. Đã vậy, chú rể đâu có ra hồn chú rể! Một đứa trẻ nít thua Mây đến năm tuổi. Nghĩa là hiện tại Mây vừa tuổi trăng tròn thì nó mới lên mười thôi; hãy còn đánh khăng đánh đáo, suốt ngày tính chuyện thả diều bắt bướm, nghịch đất nghịch cát, chứ có giúp được gì cho gia đình Mây đâu. Thiên hạ khen: “Cậu tốt số, lấy được vợ đẹp quá!” nhưng thật tình nó đâu có hiểu “vợ” nghĩa là gì và lấy được vợ đẹp thì sao lại tốt số!

Mây ơi! Mây ơi! Nhất định em phải trả-của, nhất định em phải trả-của.

Và Hoàng sẽ trả cho em. Bao nhiêu cũng trả, Mây ơi!...

Điệp khúc này, Hoàng nhắc đi nhắc lại hàng chục lần, hàng trăm lần.

Chẳng những một đêm ấy, mà còn bao nhiêu đêm khác Hoàng cất lên sang Dương Ổ, giấu cả Lê quân.

Nhưng lần nào Mây cũng chỉ ngồi khóc. Hỏi có giận không?

Giận đến uất lên nữa là. Cô Tạ còn bảo:

“Nói thật ông anh chớ buồn. Không đời nào Mây nó dám đem chuyện “trả của” hé môi ra với cha mẹ nó đâu. Ông anh nên liệu thu xếp…”

“Nhưng Mây yêu tôi”.

“Đành thế. Em cũng biết cả. Tuy nhiên nó còn trẻ lắm kia. Ông bàn với nó thì cũng “như chuyện ấy” thôi: em nói ông đừng giận”.

Mà… Hoàng nghĩ lại thấy Mây trẻ con thật. Hỏi: Có nhớ anh không? Trả lời: Có. Rất khẽ như hơi thở của một loài hoa nào giữa đêm khuya. Bảo: Anh sẽ tặng em một tấm ảnh nhé! Gật đầu, cười, rồi bất chợt ngước nhìn lên, ngơ ngác hỏi lại: Nhưng em biết treo vào chỗ nào trong nhà được?...

Trời hỡi! Thì ra Mây cứ tưởng đã là ảnh thì phải lớn, mỗi bề cả mấy gang tay, và phải đóng khung treo như ảnh ông nội treo ở bàn thờ. Nguy quá!

Khổ một nỗi Mây hát rất hay, nói chuyện về hội hè đình đám trong làng thì duyên vô hạn. Cười tươi lắm, mắt cứ long lanh. Ấy thế mà hễ nhắc đến “trả của” là lại… khóc.

Đã có lần cô Tạ cật vấn Hoàng:

“Ông anh bảo nó “trả của”; nhưng rồi sau đấy thì sao?”

“Tôi cưới Mây chứ còn sao nữa?”

“Nghĩa là ông anh sang đây làm đám cưới và sẽ ở hẳn làng chúng tôi?”

“Nhập tịch làng Ó là một hân hạnh cho tôi. Nhưng đâu hoàn cảnh có cho phép. Tôi là con trưởng mà! Nàng dâu trưởng phải lo việc cỗ bàn giỗ tết, và vợ chồng tôi – nếu may mắn tôi cưới được Mây làm vợ – thế tất phải chung vai gánh vác một đại gia đình”.

“Thế nghĩa là…”

“Vâng, chồng đâu vợ đó! Chúng tôi sẽ đem nhau về sinh sống ở thành phố Nam Định”.

“Ấy đấy! Em đã thưa với ông anh từ đầu kia mà! Chúng em không thể dời khỏi làng xóm được; Mây nó lại càng nhút nhát lắm. Yêu ông đến chừng nào đi nữa, nó cũng không dám bỏ làng đâu! Và mặc dầu em rất tin ở lòng thành thật của ông – thành thật chứ không thớ lợ như nhiều công tử Hà Nội khác em cũng xin ông đừng bắt em phải làm “bà mối” nữa. Ông giận thì em chịu, chứ từ nay em không dám rủ Mây sang đây nữa đâu. Ông liệu thu xếp cách nào thì thu xếp”.

Mất sự giúp đỡ của cô Tạ là tôi và Mây như “quân vô tướng, hổ vô đầu”, lạc lõng bơ vơ đến thảm hại. Có lần tôi bắt anh bạn Mạnh Phú Tư phải đi xe kéo sang Dương Ổ cùng với tôi cho vui; xe kéo chậm như rùa, đi từ Hà Nội lúc chập tối, mãi mười giờ đêm mới vào lọt trong làng.

Khổ công đến thế mà câu chuyện vẫn cứ lằng nhằng. Nghĩa là Mây chỉ biết có khóc. Tưởng như muốn biến thành mưa trên vai áo Hoàng.

Những chuyến đi liều lĩnh này đưa đến một kết quả tai hại: người ta ngờ rằng Hoàng mưu tính rủ Mây đi trốn; và dại dột như Mây thì rất có thể bỏ làng đi theo “công tử Hà thành”. Một biện pháp độc tài và quyết liệt đã được áp dụng ngay, theo tục lệ: Cha mẹ “cô dâu” bất chấp ý kiến của con gái mình, ra lệnh cho “cô dâu” phải về nhà chồng ngay lập tức, cô dâu xấu hổ đó chính là Mây của Hoàng, trời ơi!

Điên đảo suốt mấy tháng hè, cho đến khi Hoàng lại phải xuống Hải Phòng dạy học thì chuyện Mây đã thành ảo mộng. Cuối năm, Hoàng viết vở kịch thơ Vân Muội, tự mình đưa lên sân khấu và thủ vai chính, rồi sang năm nay Hoàng cho xuất bản thi tập Mây… lòng sầu hận đã vơi đi gần hết… thì, ô hay! Gái Dương Ổ còn tìm sang đây làm chi? Có “biến” chắc?...




*


Nhưng không! Đầu đuôi câu chuyện rất giản dị và tầm thường. Thục Oanh đã nói rõ cho Hoàng biết:
“Ông Quỹ (tức Lê quân) vừa đến đây lúc nãy với cô Tạ, “dì nó” của ông ta – không cốt tìm anh đâu, đừng vội mừng! – chỉ cốt gặp Oanh để gửi gắm…”

“Chết! Sao lại gửi Oanh? Thế còn cô Cán, cô Kéo?”

“Thì hãy thong thả. Hai cô này một lúc sau mới đến, cô thì gánh gạo, cô thì gánh những thứ lặt vặt”.

“Ô hay! Bọn họ định đóng đô ở đây sao?”

“Cũng gần như vậy. Nhưng tạm thời thôi; chừng già nửa tháng hay cùng lắm là một tháng. Nguyên do các cô ấy rủ nhau sang làng bên có việc – làng Nội Duệ thì phải – loạng quạng thế nào bị chó nhà ông Lý cắn vào bắp chân. Cũng nhẹ ấy mà! Nhưng nhiều người nghi là chó dại và khuyên các cô xuống Hà Nội tiêm thuốc ngăn ngừa… Ông Quỹ cũng có ở Dương Ổ lúc ấy liền tán thành ngay và lãnh trọng trách đưa cả bọn đi tức khắc”.

“Thì ông ấy chắc có sẵn nơi này mà! Vừa gần chỗ hằng ngày đi tiêm, vừa tiện việc ăn ở: gì Thứ lang cũng thân với ông ấy chẳng kém gì Hoàng; mà Thục Oanh thì hiếu khách đệ nhất”.

“Bạn gái với nhau cả, càng vui. Em đã bảo các cô ấy cứ nghỉ ngơi cho khỏe, lúc nào cao hứng thì hát cho cả nhà nghe. Còn việc cơm nước, em đảm nhận hết. Gạo sẵn đấy, các cô ăn còn dư thì gánh về”.

“Oanh tính đâu ra đấy lắm!”

Tuy nhiên, Hoàng còn bận sửa “mo-rát” trên nhà in, cũng ít khi ngồi tiếp chuyện các cô. Vả lại đã có Thục Oanh đóng vai chủ nhân chu tất mọi việc là được. Xem ra tương đắc với nhau quá, chủ với khách cứ chuyện như pháo ran suốt cả ngày. Thứ lang, ngày thường ít nói, vậy mà cũng góp chuyện luôn luôn. Bữa ăn nào cũng đầm ấm vui nhộn. Chỉ riêng Hoàng tâm trí cứ để tận đâu, khiến cho cô Tạ phải khó nghĩ, rồi lân la gợi chuyện:

“Bác Hoàng – bác chứ không còn là ông anh như trước – hãy còn giận em đấy à?”

“Sao lại giận cô? Ông Quỹ ông ấy giận lại thì khốn! À… mà… tôi nói thật đấy, tôi vẫn nhớ mãi tấm lòng thành thật đáng quý của hai cụ và các cô bên làng ta, nhất là cô. Mang ơn thì có chứ giận thế nào được?”

“Thật chứ bác? Vậy từ giờ đến cuối năm, có rảnh, bác đưa bác Oanh sang chơi với chúng em nhé. Cả bác Thứ lang nữa. Chẳng cứ phải ông Quỹ, chúng em đủ rồi. Ông ấy bận đi buôn bán lúc thì bảo ra Hải Phòng, lúc thì bảo vào tận Sè-goòng; bận quanh năm, bác ạ”.

Cô Cân, cô Kéo phụ họa với chị, reo lên:

“Thật nhé, bác Hoàng? Chúng em đợi… cả ba bác đó! Bác Hoàng biết tính thật thà của chúng em rồi, chúng em không mời lấy lệ đâu!”




*


Trời trở rét thì Mây cũng vừa in xong. Theo hợp đồng ký với Khái Hưng – đại diện cho nhà xuất bản – Hoàng sẽ được chia đôi số lời với nhà xuất bản (giả dụ như có lời!). Nhưng trên thực tế, Hoàng đã ký “bông” nhiều lần, và chính tay Hoàng Đạo đã phải nhiều phen mở “két” đếm giấy bạc. Thành ra khi sách in xong, cũng chỉ lấy thêm đâu được vài trăm nữa.

Lúc này chị em cô Tạ đã trở về làng, Nguyễn Bính thì đi Sài-gòn lâu rồi, trước cả khi bọn “Dương Ổ tam Kiều” đến tá túc. Còn nhớ hôm tiễn đưa Bính tại nhà ông Bá, đủ mặt chư hùng; Bính có vẻ sầu hận ghê lắm. Sầu thế sự và hận thế nhân đó thôi chứ đâu phải anh em với nhau có điều gì xích mích. Đúng vậy, năm ngoái Bính đã vào Nam, đầu năm nay trở ra, những tưởng cố gắng ở lại với Hà Nội được, với anh em được; ai ngờ cái số “vẫn tha hương”, và mùa xuân tới đây, dầu muốn dầu không, Bính cũng sẽ phải ngâm câu “Xuân lại tha hương” giữa cái nắng ghê gớm của Sài thành và sẽ phải tái ngộ trong những đêm dở cười dở khóc với các em bên Phú Nhuận – anh Dưa Khú [1] , các em còn nhớ mà!.

Bính càng sầu hận càng rền rĩ ngâm thơ. Đến nửa đêm, chư hào kiệt rút lui gần hết, chỉ còn Thứ lang và Hoàng ở lại với Bính thôi. Bộ ba thức thâu canh, nằm ăn vạ nhà ông Bá, chờ đến sáng, cơm rượu xong là “Kinh kha vào Tần”. Bính ngậm ngùi chép lại cho Hoàng bài thơ vừa sáng tác, và cũng bắt Hoàng phải chép cho Bính bài trường ca nhan đề “Bài ca tận túy”; bài này Bính thích lắm [2] , nhất là câu:


Con chim bằng vỗ cánh, hề, dời sang Nam minh.


Bính đi rồi, buồn quá! Chị em cô Tạ qua chơi ít lâu sau cũng chỉ vui nhộn được vài ba tuần. Thế rồi thời cuộc bỗng nổi cơn sóng gió. Máy bay của phe Đồng minh tấn công quân đội Thiên Hoàng trên đất Đông Dương; Hà Nội bị oanh tạc một vài nơi, số nạn nhân bị thương vong ở Chợ Hàng Da lên đến hàng trăm, dân chúng của ba mươi sáu phố phường hốt hoảng, nhiều người trù tính áp dụng cái chước thứ “ba-mươi-sáu”. Không có việc gì ở Hà Nội lúc này hãy tạm lánh về các miền quê, đằng nào cũng đỡ nguy hơn chứ!

Một hôm, Thứ lang đi đâu về, ngồi trầm ngâm một lúc, rồi cố lấy giọng bình tĩnh:

“Hoàng ạ, nên “giang hồ vặt” chuyến nữa đi! Hà Nội chưa chắc đã yên ngay được”.

“Cùng đi tất cả?”

“Không! Tôi vừa nhận giúp cho một tuần báo. Thời buổi này, báo quán cũng “lêu têu”, gặp đâu đóng lại đó; mặc dầu chỉ quanh quẩn mấy vùng ngoại ô thôi; Yên Phụ, Thái Hà chẳng hạn. Cho nên tôi không thể đi xa được. Hoàng đưa chị Oanh lánh chỗ bom đạn này một thời gian, chừng đến Tết hay qua Giêng hãy tính”.

“Thế còn cái nhà này?” Oanh vội hỏi.

“Vẫn giữ chứ! Tôi sẽ đi đi về về, lo gì!”

“Nhưng… “Hoàng ngần ngừ – lên đường theo ngả nàng bây giờ đây? Xuống Nam Định chưa tiện.
“Chẳng Nam thì Bắc! À… mà cô Tạ bên Dương Ổ đang chờ bọn mình. Sang đó yên ổn lắm.

Oanh đồng ý ngay. Chỉ có Hoàng là bối rối. Nguy quá! Lại Bắc du thật sao?

Nhưng gẫm cho kỹ, Thứ lang nói cũng phải. Nên xa Hà Nội ít lâu cho nhẹ bớt phần nào những cát bụi phồn hoa. Về quê! Về quê? Ừ thì về quê. Bất chấp đó là quê mình hay quê người khác. Cứ nói tới hai chữ “về quê”, mình đã nghe như phần phật gió lên rồi.

Mà gió lên thật, mới chết chứ! Ông Hòe chủ báo Thanh nghị hôm nọ vừa ứng trước một trăm đồng để lấy vở kịch thơ Hồng Điệp in vào số Tết. Hôm đó Hoàng đang viết giở màn thứ hai, nay viết xong rồi, chỉ việc nhắn ông ta xuống lấy kịch và trao nốt số tiền. Nhà xuất bản Anh Hoa ở đầu phố Hàng Than lại xin ấn hành cả ba vở kịch thơ: Vân Muội, Trương Chi và Hồng Điệp, vào một tập. Vân Muội, Trương Chi đã sẵn rồi, bây giờ có Hồng Điệp là ký giao kèo được quá. Nghĩ đến đây Hoàng cao hứng, quên phắt ngay những liên hệ rắc rối bên làng Ó từ tháng Tư năm ngoái, quên luôn cả một vài ràng buộc ở Hà đô, nhất là mối ràng buộc với nhà ông Bá, mong manh như sương khói mà dai dẳng vô cùng.

Thế là Oanh thu xếp hành trang, cùng đi với Hoàng sang Kinh Bắc…

Còn nhớ, ngay từ buổi gặp Oanh lần thứ nhất, Hoàng đã cảm thấy bằng giác quan thứ sáu rằng đây là người sẽ giúp mình đi cho hết cuộc đời, làm cho trọn cái nghiệp thi sĩ; chứ không như những thiếu nữ khác chỉ lướt qua, chỉ hiện đến theo kiểu “bóng giai nhân” trên sân khấu. Hoàng đã xúc động, ghi lại bằng bốn chữ “thiên đường lại mở”; để rồi mấy tuần sau hoàn tất bài thơ lấy bốn chữ này làm nhan đề:


Vườn tưởng trọn mùa hoang phế
Còn thơm một nụ Quỳnh hoa
Lịch tưởng trọn giòng hoen lệ
Còn tươi một ánh dương hòa
Chừ đây xuân thắm lòng tang
Dưới gót chân em bừng nở
Từ nay đời ấm từng trang
Dưới búp tay em lần giở
Em ơi! Một sớm trao tình
Đã nhẹ sầu thương nửa kiếp
Thuyền Thơ buộc khóe thu xinh
Kìa xứ hoa nồng bướm đẹp
Ánh trăng hiền hậu bao nhiêu
Ngọc sáng mười phương tinh tú
Là đây bờ cõi Tình yêu
Nàng cặp môi đào hé nụ
Lòng em còn ngát hương duyên
Đỏ thắm như lòng Trái Đất
Tình ta còn mới y nguyên
Như buổi Thiên đường chưa mất
Lắng nghe em niềm mong nhớ
Dâng ngời sóng mắt đê mê
Em ạ Thiên Đường lại mở
Chờ ta chắp cánh bay về [3] .





*


Thế là hai người lên đường. Khởi điểm: Đầu cầu Dốc Gạch – cũng gọi văn vẻ là cầu Long Biên. Lý do: Từ nhà xuất bản Anh Hoa, cuối Hàng Than, quặt ra Hàng Đậu, đi thêm mấy bước là đến đầu Cầu ngay; gần lắm! Nhưng Oanh và Hoàng bàn nhau, quyết định dùng xe kéo làm phương tiện du lịch chứ không nhờ xe lửa mà Hoàng vẫn đùa gọi là “xe của nhà”. Lẽ thứ nhất: bây giờ đã nhọ mặt người, mặt trời lặn hẳn rồi, còn chuyến xe lửa nào lên Bắc nữa đâu! Lẽ thứ hai: nhiều hành lý quá; vác lên xe xuống xe thì cũng gắng được; nhưng xuống ga Chùa Lim rồi còn phải cuốc bộ hàng cây số kia mà! Lại đường làng mấp mô, trăng sao như hư như thật; vác nặng e hơi khó, và nhất định chẳng nên thơ chút nào. Chi bằng lấy hai cái xe kéo là thượng sách. Ờ! Không biết Oanh mang đi những gì mà lắm thế! Quần áo thay đổi này, áo chấn thủ, áo “pu-lơ-vơ” này, áo ngự hàn này… đủ thứ! Riêng Hoàng, vừa Âu phục vừa quốc phục cũng đã phiền toái lắm rồi. Lại còn cả chăn, gối, màn, nệm, và cả ấm chén bát đĩa. Y như dọn nhà ấy thôi! Phải xe kéo mới đến được tận nơi chứ! Mà nếu phải hạ xa ngay từ đầu làng thì đã có các bác xa phu khuân vác hộ. Trả giá cao là các bác ấy bằng lòng, khó gì đâu! Vả chăng, Hoàng đã từng kinh nghiệm mấy phen rồi, lần thì đi một mình, lần thì đem cả Mạnh Phú Tư ngồi chung xe cho vui – như trên đã ghi chép – quãng đường này Hoàng quá quen thuộc, kể cả đường sắt, đường đá chạy dài sóng đôi nhau. Xe kéo tiện lợi thật!

Dầu sao, chuyến đi này cũng khác hẳn những chuyến trước. Không ai nóng lòng sốt ruột cả. Hai bác phu xe cứ việc thong thả, kéo đi bước một cũng chẳng sao. Chốc chốc lại nghỉ, đỗ xe và xuống xe cùng vào quán bên đường uống nước chè tươi, hút thuốc lào, và… ăn các thứ bánh: bánh giò, bánh dày, bánh rán, bánh gai, v.v. Đói thật sự thì ăn cơm, lúc nào và quán nào cũng sẵn sàng cả.

Thỉnh thoảng Oanh và Hoàng lại rủ nhau đi bộ một quãng cho đỡ tê chân, mặc dầu càng về khuya cái gió cuối-tháng-Một càng lạnh dữ.

Quanh quẩn thế nào mãi quá trống hai mới tới được cổng làng. Thiên hạ đã ngủ hết rồi thì phải. May rằng Hoàng là người quen, nên mọi sự trôi chảy êm đẹp. Trẻ con mắt nhắm mắt mở kéo nhau ra xem, rồi ùa cả đi thông báo với gia đình cô Tạ.

Cứ tíu tít cả lên. Nắm tay nhau mừng mừng rỡ rỡ, cô ấy hỏi dồn dập đến cả chục câu, Oanh không sao trả lời kịp. Thế rồi cô Cân đi thắp đèn “măng-xông”; cô Kéo xuống bếp làm cơm đãi khách. Hoàng bảo đã ăn no rồi, nhưng đời nào họ chịu nghe. Khách đến nhà bất cứ lúc nào, việc đầu tiên của chủ nhân phải là mời khách ăn cơm uống rượu. Phong tục ở đây mà! Khách từ chối đâu có được!

“Quý hóa quá!” – lời cô Tạ – “bác Oanh với bác Hoàng vẫn chưa quên chúng em”.

“Chỉ sợ làm phiền hai cụ và các cô thì có!”

Vừa lúc ấy, ông thân của các cô từ gian nhà ngang đi lên. Ông này đã từng sang Hà Nội và tới Hoàng ngưu hạng đón con, nên Hoàng với Oanh chẳng cần khách sáo nữa. Chủ nhân bảo: Hai bác cứ tự nhiên, coi như ở nhà. Khách cũng bảo nhau: Mình cứ tự nhiên…

Nghĩa là ăn uống thật tình. Rồi xếp hành lý vào một góc, mai hãy hay. Nửa đêm rồi còn gì nữa. Trăng hạ tuần vừa nhô khỏi bụi tre.

Hoàng uống có ba chén rượu “Con Hươu” mà thấy chuếnh choáng. Mắt cứ díp lại. Chẳng hiểu Oanh với cô Tạ nằm ở phòng trong kể cho nhau nghe những câu chuyện gì thú vị đến nỗi không giữ được tiếng cười khúc khích vang ra tận nhà ngoài. Hoàng ngủ lịm đi theo con dốc êm đềm của cơn say và những gợn sóng âm thanh hồn hậu trong trẻo đó.

Nhưng chỉ được hai hôm. Sang đến ngày thứ ba thì chẳng còn gì cầm giữ được khách “giang-hồ-vặt” ở lại Dương Ổ nữa. Thăm đình, thăm chợ cũng thăm rồi; xem các cô làm giấy Bản, giấy Dó cũng xem chán mắt rồi. Lúc chưa ra đi, cứ tưởng đâu Thứ lang hữu lý: ở quê yên ổn tĩnh mịch, nhất là quê của người quen, thì ở cả tháng cũng được, ăn Tết với họ nữa càng vui. Ai ngờ sự thật trái ngược hẳn. Buồn quá! Oanh và Hoàng bảo nhau: “Cả ba chị em nhà này đều thực thà tử tế; ông cụ bà cụ lại hiền lành, chiều khách; nhưng buồn không thể chịu nổi. Chúng ta đành phụ lòng họ mất thôi. Chứ họ định giữ mình lại đến qua Giêng thì mình đến chết vì buồn mất”.

Vả lại, riêng phần Hoàng, được các cô cho biết từ khi Mây về nhà chồng, nàng không phải làm lụng vất vả như trước; gia đình nhà chồng giàu có hơn gia đình Mây nhiều, giàu vào bậc nhất nhì trong vùng. Do đó Mây dạo này tươi lắm kia!

Và… cũng do đó, Hoàng càng muốn lên đường ngay đi khỏi làng Dương Ổ tức khắc.




*


Ghé vào tỉnh lỵ Bắc Ninh có một hôm, Oanh và Hoàng thẳng đường đến Bắc Giang bằng xe lửa. Được cái bao hành lý cồng kềnh đã gửi hết ở Dương Ổ, vì còn hẹn trở về đấy du xuân, dự các hội hè đình đám kia mà! Lên mạn trên có việc, chỉ đến Tết hay ngoài giêng mấy thôi, mang nhiều thứ đi làm gì, phiền phức lắm.

Ấy là nói thế chứ cả Oanh và Hoàng, nào ai có việc gì cần phải lên “mạn trên” đâu. Tiện chỗ thì ghé, hết hứng thì lại ra đi. Từ Bắc Ninh ngược cho mãi tới Lạng Sơn, Đồng Đăng, Na Sầm, Cao Bằng, thiếu gì nơi nghỉ bước. Và cũng thiếu gì phong cảnh đẹp, bạn bè thân! Chẳng lẽ không phiêu lưu được nổi vài tháng hay sao chứ?

Yên trí nhất ở chỗ Oanh không bao giờ đòi về. Đi đâu cũng được, càng xa càng hay. Mọi chuyện lặt vặt đã có Hoàng lo liệu. Tiền trong túi còn đến bạc trăm. Tiêu hết ngay thế nào được! Xê dịch thì hoặc đi bộ, hoặc đi “xe lửa của nhà”, chẳng tốn kém gì hết. Chỉ phải mua quà bánh cho người quen, nhưng xét ra các bạn của Hoàng chẳng ai thiết quà bánh. Cứ đề tặng một cuốn Mây là họ thích thú nhất rồi. Cho nên gói sách cứ phải đem theo chứ không gửi lại Dương Ổ. May một điều Mây in bằng giấy bản, nhẹ cứ như không ấy thôi!

Xuống Bắc Giang ngao du quanh quẩn đến bốn ngày. Gia đình của Nguyễn Đức Chính, bút hiệu Phiêu Linh, ở đầu tỉnh thì phải; mà đủ cả vườn tược ao chuôm, tha hồ rộng. Anh chàng Phiêu Linh chả biết phiêu bạt đi tận đâu, chỉ có ông thân và hai em ở nhà. Tuy nhiên, điều đó không can hệ. Gia đình này biết Oanh và Hoàng quá rồi. Phiêu Linh, trước tiên là bạn của Thứ lang, hồi 1938 đã cùng viết cho nhà xuất bản Tân Việt; sau trở thành bạn của Hoàng, khi anh ta làm quản lý cho nhà xuất bản Lượm Lúa Vàng, giao thiệp với các văn hữu chỉnh đốn lắm. Còn nhớ lúc in tập Tóc chị Hoài của Nguyễn Tuân, trà đình ca quán lu bù… Rồi cao hứng định in luôn cả kịch thơ Trương Chi của Hoàng nữa. Mặc dầu về sau vốn cạn, không in được, nhưng tiền tác giả vẫn chu tất xong xuôi. Chẳng trách nhà Lượm Lúa Vàng chỉ hoạt động được nửa năm là vỡ nợ! Đâu có vững như nhà Tân Dân, nhà Đời Nay!

Mất điểm tựa, Phiêu Linh lại phải chạy ngược chạy xuôi đi tìm một “ông chủ nhà xuất bản” khác, hay nói cho đúng hơn, đi tìm một người sẵn tiền sẵn bạc để đưa lên chức vị này. Hai em của Phiêu Linh tạm thời xuống tá túc Hoàng ngưu hạng. Cậu em trai – cậu Chỉnh – nhanh nhẹn dễ thương, mê thơ văn như điếu đổ, suốt ngày cứ tập diễn kịch thơ một mình. Cô em gái – cô Lũy – mới mười bốn tuổi, cũng ngoan ghê! Oanh từ chối mọi sự giúp đỡ của Lũy về phương diện bếp nước; chỉ trao độc có một nhiệm vụ: tối tối đọc chuyện Chinh đông hay Thất kiếm thập tam hiệp cho cả nhà nghe. Chuyện thuê ở ngoài đầu ngõ, thiếu gì! Hình như đọc được đến cả chục bộ; qua bộ Bồng lai hiệp khách, đang dở dang thì ông thân từ Bắc Giang xuống đón hai anh em về. Kết quả là cho đến bây giờ – hai mươi tám năm sau – Hoàng cũng không biết rằng Kim Hồ Điệp có lấy được Ngọc Kỳ Lân hay không, và “ân oán giang hồ” liệu có trang trải như ý độc giả!

Tái ngộ với Hoàng và Oanh ngay tại tỉnh nhà, cậu Chỉnh, cô Lũy mừng lắm. Dẫn đi khắp tỉnh để khoe. Vào cả rạp hát tuồng để Hoàng tìm nữ kịch sĩ Lệ Thanh, người đã từng hợp tác với Ban Kịch Hà Nội trong vở kịch Cái tủ chè của Vũ Trọng Can, và nghe nói lúc bấy giờ đang chung sống với một nghệ sĩ chuyên sắm vai Lã Bố, nổi tiếng vùng này. Cũng vào cả “lầu thơ” của nữ sĩ tác giả Bức tranh quê. Hôm đó hình như có cuộc họp thơ, nữ chủ nhân cho trải chiếu ra sân để các thi hữu ngồi uống trà, tiếng ngâm thánh thót vang ra đến tận cổng. Đúng điệu lắm! Vui lắm! Nhưng Hoàng chẳng còn giữ được kỷ niệm nào. Có lẽ vì ngoài nữ chủ nhân, Hoàng chẳng nhận được mặt nào quen trong buổi họp.

Ra ga Phủ Lạng Thương (phủ sở tại của tỉnh Bắc Giang là Lạng Giang, nhưng vì kế cận sông Thương nên ga này mới được đặt tên như vậy), Oanh và Hoàng bịn rịn mãi mới chia tay được cùng anh em cô Lũy để lên xe lửa đi ngược hướng Bắc. Giữa trưa thì đến ga Kép; “xếp ga” chẳng phải ai khác hơn nhà thơ họ Đào, tác giả tập Mấy nét mơ ấn hành vào khoảng 1936-1937. Đào quen thân với Hoàng từ lúc cả hai còn theo bậc trung học; rồi sau lại trở thành đồng nghiệp, kể cả nghiệp thơ và nghiệp hỏa xa. Gặp nhau ở Kép sự vui mừng khó bút nào tả xiết, một phần cũng bởi từ khi Đào quân lập gia đình, chưa lần nào có dịp để ông ta giới thiệu “tân giai nhân” với Hoàng cả. Nay có dịp thì “giai nhân” đã tay bồng tay mang; ông ta càng hãnh diện đem ra khoe với bạn cũ.

Thế là Hoàng có bạn và cô Oanh cũng có bạn. Nằm lỳ cả tháng ở đây được rồi. Lúc nào buồn Hoàng sẽ lấy cờ “xếp ga” ra phất, còi “xếp ga” ra thổi.

Có lần Hoàng rủ Oanh lấy một chuyến tàu buổi chiều, ngược tít mãi tới ga Đồng Mỏ mới nhảy sang chuyến tàu xuôi quay về. Bên ngoài toa xe quạnh vắng, sương khói mơ hồ chạy theo một vầng trăng vàng ửng giống như một trái cam Bố Hạ đang rụng về đâu không biết nữa, ngoài Trái Đất, hẳn rồi!

Và Hoàng ngâm lên tám câu thơ vừa nghĩ được – chẳng những cho Oanh nghe mà thôi! – đó là tám câu Đường luật:


Đôi lứa ban đầu mất Lạc viên
Cho ta ngàn kiếp nhớ thiên duyên.
Chiều nay mộng thắm vừa tơ nối
Vườn cũ ngôi vùng lại gió lên
Mây nước dâng cao hồn chắp cánh
Trần ai rũ sạch nẻo về tiên.
Bao la trăng động niềm ân ái
Giọng hót chim trời líu ríu men.


Thấm thoát đã ngày ông Táo lên chầu Trời. Nghĩa là ở Kép đến già nửa tháng; chưa Tết mà ngày nào cũng vui như Tết. Đào Quân tìm đủ mọi cách giết thời giờ: gieo cá ngựa, đấu ping-pong [4] , v.v. Cũng giết khá nhiều gà vịt nữa. Tráng miệng thì sẵn cam Bố Hạ ngọt lịm, chất đầy mấy gầm giường. Thế rồi ngao du các đồi núi chung quanh. Chẳng cần chủ nhân phải hướng dẫn, khách cứ tự tiện rong chơi, quý hồ không được đi đâu lâu tới ba ngày và bắt buộc phải lưu lại ăn Tết ở Kép.

Cho nên sau ngày hai mươi ba tháng Chạp, Hoàng gửi Oanh cho chị Dung – nội tướng của Đào quân – xuống Hà Nội định thăm nhà nữa. Nam Định vẫn yên, lão mẫu vẫn khỏe mạnh; thế là Hoàng chẳng phải lo gì. Còn Hà Nội và Thứ lang? Cũng không hoặc chưa có gì đáng ngại. Nhân dịp ghé tòa soạn tạp chí Thanh Nghị để lấy số Tết vừa in xong, Hoàng lại được thêm 20 đồng về “Bài ca Dị hỏa” đăng ở số này, cùng với vở kịch Hồng Điệp. Hoàng tự nhủ: Thôi, tiền này để dành làm vốn đánh Tam cúc trong mấy ngày Tết, thua nhẵn cũng không sao!

Trở lại Kép thì ai nấy đã sửa soạn đón năm mới. Chừng như gió bớt lạnh, và mặc dầu xa Hà Nội, xa Nam Định, Hoàng vẫn cảm thấy không bơ vơ chút nào. Nhất định Hoàng còn tốt số hơn Nguyễn Bính!

Đào Quân lại cho biết rằng có một vị chủ đồn điền ở bến Mỏi tên là Phúc thấy nói Hoàng ở Kép đã nhắn tin mời Hoàng vào chơi. Hoàng được tin chỉ muốn đi ngay, nhưng Đào Quân không chịu, bắt phải ăn Tết đâu đây đã, rồi có đi hãy đi.

Thế là trưa mồng Hai, cơm nước xong, Hoàng diện quốc phục, Oanh mang đủ áo ấm, cả hai dắt tay nhau tiến vào đồn điền. Sự thật Hoàng cũng chưa rõ bến Mỏi là đâu, và cũng chưa được ký ức trả lời cho rằng Phúc là ai nữa. Phúc nào ấy nhỉ? Mà lại có đồn điền ở đây? Bạn học chăng? Hay bạn thơ bạn kịch? Theo thường lệ mỗi khi Hoàng gặp bí, nhớ không ra một điều gì, là Hoàng cầu cứu đến Oanh. Nhưng lần này Oanh cũng chịu.

Đành cứ hỏi thăm đường vào bến Mỏi đã. Rồi gặp Phúc, thế nào cũng nhận ra. Chẳng lẽ không quen nhau mà họ lại mời mình: vô lý!

Thiên hạ nhanh nhảu mách đường: cứ đường cái mà đi, chừng ba cây số, quặt vào con đường đất phía tay mặt, qua bến Chăm là đến bến Mỏi ngay. Gần thôi!

Nhưng xét ra chỉ gần đối với dân sở tại, và nhất là dân quê. Đối với mình, phải cứ cho rằng hơi xa đi. Nghĩ thế, Hoàng rủ Oanh vào phố Kép ngồi uống nước, đợi một cái xe chở rơm tiến về hướng đó, xin cho ngồi nhờ. Mừng tuổi ông chủ xe một đồng bạc, ông ấy mừng rỡ, thu xếp ngay chỗ để mình lên xe. Mồng hai Tết, được người mở hàng một cách bất ngờ như vậy, ai chẳng mừng? Chỉ có con trâu là chịu thiệt, bỗng dưng phải kéo nặng thêm ít ra cũng cả trăm cân. Nhưng không sao! Nặng thì nó có quyền đi chậm lại, Hoàng chấp nhận kia mà! Vận tốc nào cũng được, cứ đến nơi thì thôi.

Tuy vậy, chỉ ngự “ngưu xa” được đến bến Chăm là phải xuống “bộ hành chơi xuân”, vì từ đây cho tới bến Mỏi đường quá hẹp, lại nhiều quãng lên dốc. May rằng cả hai đều tay không, và nắng vừa đủ ấm.

“Hoàng nhỉ! Bến Chăm với bến Mỏi, ai đặt tên mà ngộ quá? Chẳng rõ hai bến có liên hệ gì với nhau không?”

“Oanh thử nghĩ xem, chăm chỉ mãi rỗi phải mỏi mệt chứ! Và mỏi mệt tức là phải nghỉ ngơi. Điềm tốt đó”.

“Bến nó nghỉ hay mình nghỉ”.

“Bến cũng là mình; mình cũng là bến! Còn phân biệt thế là chưa “đạt”, Oanh biết không?”

Triết lý vớ vẩn mấy câu mà đến nơi lúc nào! Bến có vẻ hoang liêu, nhưng đồn điền thì ấm cúng nhất định. Kìa, hàng ngàn hàng vạn gốc cam, đẹp mắt chưa? Cái ông Phúc nào đó tốt phúc thật!

Hoàng ngâm liền bốn câu tức cảnh:


Chờ ai Bến Mỏi nghiêng nằm?
Thương ai lưu lạc sông trầm tiếng reo?
Nhà ai khói biếc lưng đèo?
Vườn ai cam ngủ bóng chiều thảnh thơi?


Đến khi vượt qua cổng, tới một cái sân rộng mông mênh thì trong đám người lố nhố đi ra, có một người đứng tuổi và gầy guộc bỗng reo lên:

“Hoàng! Có thế chứ. Đợi mãi từ hôm trong năm”.

Phúc Hàng Nón đấy hả? Trời đất ơi, mình cứ nghĩ mãi chẳng nhớ ra là Phúc nào!




*


Mà Hoàng không nhớ ra ngay cũng phải. Ừ, Phúc có là người trong văn giới đâu. Có làm thơ viết kịch bao giờ đâu. Chỉ là một công tử “Hà thành”, nhà giàu nhưng học không giỏi, hơn Hoàng đến mười mấy tuổi, quen la cà khắp tửu điếm vũ trường những từ thời Phong Hóa tuần báo đang oanh liệt. Dĩ nhiên là quen khá thân với Thế Lữ, Khái Hưng; và hình như Hoàng gặp lần thứ nhất ở nhà in Ngày Nay, do Khái Hưng giới thiệu.

Nay chàng công tử đã quay về khai thác đồn điền do cha mẹ để lại. Đồn điền cả trăm mẫu gồm cả ruộng vườn, cả đồi núi, linh tinh. Cho nên cũng trồng đủ thứ: lúa, cam, khoai, mía. Lại nuôi tằm dệt lụa nữa! Đúng là nghiệp “nông tang”.

Gia đình có vẻ hạnh phúc lắm! Vợ đảm, con ngoan. Gái lớn nhất đã 18 tuổi, đang theo học trường Hàng Bài; hiện diện ở đồn điền chỉ có cô gái thứ, tuổi chừng mười ba; và một lũ em trai của cô ấy. Người làm trong đồn điền lên đến bốn hay năm chục, dựng nhà ở rải rác quanh vùng Bến Mỏi, Bến Chăm. Thành ra khách đến vùng này, cứ hỏi ông Phúc là ai cũng biết.

Chỗ “chơi được” của ông chủ đồn điền này là y rất ít tham vọng, chẳng tính chuyện làm nghị viên như một nhân vật nổi danh của Vũ Trọng Phụng, cũng chẳng tính chuyện làm cách mạng xã hội như anh chàng Duy trong truyện Con đường sáng của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Đáng kể nữa là y chỉ mến trọng các thi văn họa sĩ chứ không hề nghĩ tới chuyện cầm bút bao giờ. Y thật tình lắm. Với tác giả Mây, y lại còn đồng điệu, ở điểm dùng “khói” làm phương tiện giải thoát tâm tư, đêm đêm tấu nhạc vang cả đồn điền, ru hàng vạn gốc cam Bố Hạ vào giấc mơ kết trái ngọt cho thế nhân, đồng thời kết thêm oan trái cho kẻ vương lấy nghiệp.

Sinh hoạt đồn điền rộn rã suốt ngày, kể cả ngày Tết. Hoàng và Oanh lên chơi, được giữ lại vô hạn định; vì lũ trẻ cứ quấn quít lấy Oanh, còn Hoàng thì nói chuyện Hà Nội với Phúc bên ngọn đèn thần, đói ăn nhọc ngủ, chẳng cần phân biệt ngày đêm.

Chuyện Hà Nội, y biết tường tận lắm. Cả chuyện riêng trong tuổi học trò của Hoàng, cũng kể ra vanh vách, cứ như người trong cuộc ấy thôi! Con gái y lại hóm hỉnh không thua gì bố. Một hôm Hoàng hỏi:

“Cháu có biết mười năm trước, cô nào là hoa khôi trường Hàng Cót không?”

“Cháu biết thế nào được, vì lúc bấy giờ cháu mới lên ba. Nhưng chị cháu bảo hồi đó chị cháu đã vào học lớp bét ở trường này. Và chức hoa khôi, toàn trường bầu cho chị Trâm [5] , đang học lớp nhất”.

“Thế sau Trâm là ai?”

“Là chị Phẩm [6] “.

“Thế sau Phẩm?”

“Bác tự hỏi bác ấy chứ sao lại còn hỏi cháu!”

Câu trả lời đột ngột khiến Hoàng vừa ngạc nhiên vừa bồi hồi; một phút sau mới lấy lại được bình tĩnh, và cười, đánh trống lảng:

“Con gái ông Phúc Hàng Nón có khác!...”




*


Mồng bảy Tết, nhà cúng đốt vàng tiễn ông vải. Nhân dịp Phúc tổ chức một canh bạc theo đúng nghĩa của từ ngữ này. Nghĩa là, bắt đầu từ trống hai, mọi người trong đồn điền tới quây quần ở bốn chiếc chiếu hoa trải nối vuông trên nền gạch. Phúc ngồi “làm cái”, lắc bốn đồng tiền kêu giòn tan. Canh “sóc đĩa” vui nhộn vô cùng. Đặt năm xu, một hào cũng được mà đặt một đồng, năm đồng cũng cân ngay. Nhà cái tuyên bố “chơi cạn láng” và nhất định không “cho về” một nước bạc nào. Mà phải ngồi mãn canh mãn võ; cấm “ăn non”!

Cháu Yến – con gái Phúc – canh ty với “bác Oanh”, lơ mơ thế nào, thắng luôn mười tiếng bạc; tha hồ cặp lệch hay khuôn rền, cứ đặt là trúng. Hoàng lúc mới nhập cuộc cũng đỏ như gấc, nhưng từ nửa đêm trở đi, sao mà đen thế! Rốt cuộc, khi trống điểm tan canh từ khắp các chòi gác của đồn điền, Oanh với Hoàng bù đi kéo lại vẫn thua. Phúc nói mỉa:

“Vậy là từ nay ông may mắn trên tình trường rồi. Không đen như trước nữa đâu. Lên gác lễ tạ “Thần đăng” đi chứ!...”

Nghe loáng thoáng hai chữ “lễ tạ”, Oanh nghĩ ngay tới chuyện lễ bái thật sự và… ngôi đền Bắc Lệ, nơi từng theo bà thân đi hành hương từ bảy, tám năm về trước, Oanh mới nhỉnh hơn cháu Yến bây giờ một chút, nhà họ Đinh vẫn còn đông vui.

Thế là Oanh giục Hoàng nổi gió đi Bắc Lệ.

Chia tay với cha con Phúc, Hoàng còn ngơ ngẩn tiếc vườn cam Bố Hạ; viết một bài thơ trao lại, mà đoạn nhập đề chính là bốn câu tức cảnh đã sẵn rồi:


Chờ ai Bến Mỏi nghiêng nằm
Thương ai lưu lạc sông trầm tiếng reo
Nhà ai khói biếc lưng đèo
Vườn ai cam ngủ bóng chiều thảnh thơi.
Tằm ai nõn lá dâu mời
Trâu ai kéo mặt nghe trời bình yên?...
Đất: quê thơm! Bạn: người hiền!
Nhựa say tâm sự đêm huyền hoặc nâu.
Ngắm hoa đèn, hiểu ý nhau:
Quên ngày quên tháng quên sầu nhân sinh.
Ra đi lòng nặng cảm tình
Trông về gió bụi riêng mình ngẩn ngơ.
Mong ai ngọt mía vàng tơ
Vườn cam đỏ trĩu giấc mơ vẹn tuyền.
Trao tay nét bút làm duyên.,
Năm sau quả chín đừng quên Vũ Hoàng!





*


Ga Bắc Lệ ở phía trên Ga Kép chừng bốn chục cây số. Đằng nào cũng phải về Kép đã rồi mới lấy xe lửa đi ngược lên. Cuộc hành hương này có phần vất vả, Hoàng và Oanh xuống ga Bắc Lệ, hỏi lối vào đền, sắm sanh lễ vật, lòng thành chẳng thua một “con công đệ tử” nào. Quanh quẩn vùng sơn cước này đến hôm thứ ba thì chẳng ai bảo ai mà Oanh với Hoàng cùng cảm thấy nhớ Hà Nội quá, chịu không nổi, có lẽ đành bỏ cuộc. Hôm thứ tư, Hoàng viết Bài ca thời loạn [7] càng nhớ nhung hồ Kiếm sông Hồng; đành hẹn với ải Nam quan một dịp khác thôi.

Rằm tháng Giêng đến nơi rồi còn gì! Phải ngắm trăng Nguyên Tiêu ở Hà Nội chứ! Đi thì đi cho được; về cũng về cho được; lạ thay! Cho nên xuống ga Kép lấy hành lý, ăn một bữa thịnh soạn rồi cáo biệt vợ chồng Đào Quân, lên chuyến xe lửa trót trong ngày để xuôi Hà Nội.

Tới Bắc Ninh, chuyến xuôi gặp chuyến ngược, Hoàng xuống sân ga nói chuyện với một vài người quen, bỗng nghe tiếng gọi giật giọng:

“Hoàng, đi đâu đấy?”

Trông lên thì chuyến xe lửa ngược Phủ Lạng Thương đã bắt đầu chuyển bánh; Nguyễn Tuân đứng ở toa cuối, bắc loa tay nói lớn:

“Ở Hà Nội người ta sắp diễn kịch của ông đấy”.

Hoàng không có thời giờ hỏi thêm, vì chuyến xe của mình cũng đang “xình… xịch, xình… xịch” mở máy rồi. Nhảy lên vừa kịp, Hoàng hỏi Oanh:

“Có nhận ra ai vừa gọi Hoàng không?”

“Nhận ra chứ! Nhưng chuyện gì vậy?”

“Quái thật! Ai diễn kịch của mình ở Hà Nội mà mình chẳng biết gì kìa!”

“Thì về khắc biết. Chẳng lẽ mình còn toan xuống ga Chùa Lim để vào Dương Ổ nữa sao?”
“Không! Chúng ta đã đồng ý cứ gửi tạm các thứ bên đó, lúc nào tiện thì sang lấy sau. Bây giờ về thẳng ga Hàng Cỏ chứ xuống Chùa Lim thế nào được!”

Oanh cười, ranh mãnh… Vì Oanh thừa biết rằng giờ phút này có họa trăng mọc phía Tây mới ngăn nổi “cơn gió về xuôi” của Hoàng.


Phụ lục 1

Bài ca Tận Túy
(Trích trong thi tập Rừng phong)

Mặt khói chơi vơi, hề, ngọn đèn chênh vênh
Kìa núi tà dương đỏ dậy
Lam mờ bể nguyệt lung linh.
Đã mở cánh huyền vi, hề, sau rèm hiển hiện
Còn nguyên khối hỗn mang về Vũ-trụ-sơ-sinh.
Hồn mê loạn áo trần ai vụt biến
Lộ Đài thiêng trong một phút hoa quỳnh…

Chiếc bướm phân thân, hề, ba nghìn thế giới
Đầu cuối Thời gian, hề, chớp mắt Trang sinh.
Bắc Hải muôn trùng thăm thẳm
Sóng cao dâng vạn trượng, hề, quẫy đuôi kình
Đám mây, đám mây, hề, chín dặm
Con chim bằng vỗ cánh, hề, dời sang Nam minh.

Ta thấy trước đời ta rồi đêm nào tận túy
Thanh sắc chiêm bao về một hội phù sinh.
Bào ảnh vọng lên từng dị điệu
Khuê Ngưu tỏa xuống khúc ân tình.
Hán Nguyễn hưng suy, hề, màu trôi hoạt họa
Gió ngủ trăng bay, hề, nét đứng u minh!...

Thúy Kiều ơi! Đêm Giác ngộ tương lai vào mộng huyễn
Nẻo hồi dương vang ngợp tiếng Thần linh!

Đêm nay ngọc đỏ
Khói nơi này tơ xanh.
Ta ơi, hề, ta ơi!
Kìa thoáng Chân thân vừa hiện đó
Nụ cười Say hoan lạc đến vô tình!


Phụ lục 2

Bài ca thời loạn
(Trích trong thi tập Rừng phong)

Một vầng trăng huyết
Rụng đỏ Kinh kỳ,
Rượu thơ dừng gót lưu ly…

Sớm, nổi mây thành cố quận
Chiều, lên khỏi ải biên thùy
Nửa giấc chiêm bao tuổi vàng Nghiêu Thuấn
Ta nằm nghe đời xuống bước suy vi.

Hồn kiếp trước riêng đầy sầu xứ mãi
Khóc luân hồi chưa ráo lệ tang thương
Đêm Xuân sang giữa vùng hoa cỏ dại
Gối lên thơ còn mộng núi thiên đường.
Muôn trùng tuyệt nẻo Đế hương
Mờ xóa vết xe Thời đại
Phong trần héo mặt tà dương
Tinh tú lạnh màu quan tái
Nhịp Tiêu vong từng phút thê lương
Huyệt thẳm Hư vô đợi cuối đường…

Trời ơi!... Giấc ngủ biên cương
Hỗn độn thanh âm tàn phá
Bể Bắc non Tây đầy trời binh hỏa
Vó ngựa Đông đô liền cánh quạ Nam phương!

Gió thét oan hồn đêm giợn bóng
Mây đùn sát khí nguyệt mờ gương
Say thành bại nhân gian cuồng vọng
Riêng mình ta vạn kiếp bi thương.

Đã sa ngôi cũng Hoàng Vương
Còn toan đổ máu phơi xương làm gì?...

Đoái trông về thuở Loạn ly:
Sớm, nổi mây thành cố quận
Chiều, lên khói ải biên thùy…

Được, thua, còn, mất… ai vui? giận?
Mình ta cười ta khóc nỗi suy vi!



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Hỗn danh này do các ả đào ở xóm hát Phú Nhuận đã đặt cho Nguyễn Bính .
[2]Bài ca Tận túy có in trong tập Rừng phong (Sài Gòn 1954). Xem phần Phụ lục.
[3]Bài Thiên đường lại mở cũng có trong tập Rừng phong.
[4]Trong số các bạn ping-pong (bóng bàn), có cả thi sĩ Bàng Lân, vì ông này cũng ở phố Kép và cũng là bạn thơ của Đào Quân.
[5]Thường gọi là: Trâm Hàng Bồ.
[6]Thường gọi là: Phẩm Cầu Gổ.
[7]Bài này có in trong tập Rừng phong. Xem phần Phụ lục.
Nguồn: Cơ sở xuất bản Trương Vĩnh Ký, in tại Sài Gòn ấn quán, 35 Nguyễn Đình Chiểu, Sài Gòn, Việt Nam. In 5.000 cuốn, xong ngày 20-3-1974 – Nạp bổn tháng 3-1974. Giấy phép PTUDV số 278-74 – KSALP – TP – ngày 21-1-1974. Phát hành: 25-3-1974 – Số đăng ký tại Nhà xuất bản: I-A.