Hiển thị các bài đăng có nhãn A KHUÊ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn A KHUÊ. Hiển thị tất cả bài đăng

30/4/09

Hoàng Quý - Bụi, và cát, và hương quyến rũ

BÀI VIẾT VỀ NHÀ THƠ , NHẠC SĨ A KHUÊ



Bụi, và cát,
và hương quyến rũ


Hoàng Quý


LTS: Bạn đọc đã biết Hoàng Quý qua các tập thơ: “Giấc phì nhiêu” (NXB Văn học, 1996), “Đi bên mùa lá rụng” (NXB Văn học, 2000), “Ngang qua cánh đồng” (NXB Hội Nhà văn, 2002 - tái bản 2004), “Giả trang” (NXB Văn học, 2007) với giọng thơ rất riêng, nhiều độc đáo, ngôn ngữ sống động, sức thơ vạm vỡ nhưng trầm tư và sâu sắc. Tuy nhiên, chúng ta còn chưa biết tới Hoàng Quý trong một thể loại văn học khác - thể loại chân dung và phê bình. Thật bất ngờ, ngay trong những năm nghỉ hưu đầu tiên nhà thơ đã và đang dành thời gian viết tập sách về những nhà văn, nhà thơ và những nghệ sĩ anh quý trọng hoặc phát hiện trong quá trình đi và viết của mình. Chúng ta bắt gặp một giọng văn giàu tình cảm, giàu chất thơ, những khám phá mới mẻ trước những tài năng văn học nghệ thuật sáng giá bị che phủ vô tình trong dòng sống nhiều biến động.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết về nhà thơ - nhạc sĩ A Khuê (Bài viết đã được Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam in trong số 38 ngày 20.9. 2008).

1. Vào một đêm mùa đông cuối tháng chạp năm 2001, trong một khách sạn nhỏ ở Hà Nội, tôi, hoạ sĩ - nhà thơ Nguyễn Trần Thái và thi sĩ Trần Quốc Thực tề tựu trò chuyện. Ba chúng tôi thân quý nhau nên mỗi trước khi tôi trở về Nam là các anh lại đến như ngầm quyến luyến chia tay. Khi có dịp gặp, chúng tôi thường nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, những chuyện chợt đến bất kỳ, tất nhiên chủ yếu vẫn là chuyện văn chương. Nhưng, cũng có khi chỉ để im lặng ngắm nhau uống rượu và nghe “rượu nói” cũng đủ sướng !
Cái đêm cuối chạp kể trên thì khác. Tôi nhớ rằng, đêm ấy rét như cả năm dồn tụ và vón cục những tê buốt lại. Chỉ Nguyễn Trần Thái là đã ngà ngà, lơ mơ ngủ và vùi gần kín đầu trong chiếc chăn bông không lấy gì làm dày dặn. Anh Trần Quốc Thực đêm ấy uống rất ít. So ro và chậm rãi, anh đọc cho tôi nghe vài bài thơ trong tập Tháp Cúc, tập thơ in sau đó ít năm. Đang đọc mạch lạc, bỗng anh thoắt dừng, bất ngờ hỏi: Hoàng Quý có đọc nhiều thơ của những tác giả miền Nam viết trước 1975 không ? Mình được đọc ít quá. Sách rất thiếu. Sách của những nhà thơ miền Nam trước 1975 rất khó kiếm. Tôi nói với anh rằng cũng đọc nhưng không nhiều lắm. Anh thở dài, và bảo: Phải cố tìm mà đọc. Nhiều bài thơ, nhiều tác phẩm cả văn xuôi và thơ rất có giá trị văn học. Mình làm biên tập ở báo Văn nghệ, công việc tuy không quá bận nhưng sức khoẻ kém lắm rồi, dạo này phổi rất tệ, đọc ít dần, như thế thực không hay lắm đâu …

Anh nhìn đăm đắm bầu trời nhớp nhoá mưa bấc phía ngoài cửa sổ hẹp, bỗng thở dài, bỗng đọc:

“Đồi trăng một cụm tóc phơi
Thưa em uống rượu tả tơi một mình
Đồi trăng một cụm phơi mình
Thưa anh tầm thể đã nghìn xuân qua
Đồi trăng u uất chưa bưa
Bữa qua tôi uống thêm mùa uất u
Đồi trăng không ngớt vi vu
Bữa nay tôi ngậm sương mù thở than
Đồi trăng mỏng diệu diệu vàng
Hồn bay, bay giữa hai hàng hoa lê
Lên đồi khăn áo lê thê
Áo trăng quá lạnh tôi về giết trăng”

Nguyễn Trần Thái tung chăn choàng tỉnh, bật dậy, la: Thơ ai hay quá vậy ? Lên đồi khăn áo lê thê / Áo trăng quá lạnh tôi về giết trăng là hai câu thơ hay dựng tóc; còn hai câu kế trên đẹp như một tác phẩm hội hoạ của một danh hoạ tài ba ! Anh Thực ho húng hắng, rồi cười buồn: Hay quá phải không ? Mình nghe người ta đọc một lần, người đọc cũng không biết thơ của ai. Mình dò hỏi nhiều nguồn vẫn chưa biết ai là tác giả. Lúc đầu, mình đã nghĩ thơ của người này có cái gì đó giống thơ Hàn Mặc Tử, lại có cái gì đó rất Bùi Giáng. Nhưng, đọc kỹ nhiều lần thì càng thấy rằng không phải vậy. Tất nhiên là chỉ bài này, hoặc là 12 câu mà mình biết chứ những bài khác thì đâu đã biết. Người thơ này phải là một nhà thơ có tài. Mà cũng không rõ bài thơ chỉ bấy nhiêu thôi, hay còn nữa mà người đọc cho mình nghe cũng không nhớ. Nếu bài thơ kết ở đó thì đã rất hay rồi …khí thơ nghe lạnh mà vẫn trong, các ông ạ !
Đêm đó, chúng tôi thức trắng. Trần Quốc Thực còn đọc khá nhiều thơ của Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền và vài nhà thơ miền Nam khác mà anh yêu thích. Riêng tôi, 12 câu thơ của tác giả “bí mật” nọ cứ ám ảnh, và ám ảnh rất thường khi sau này. Khi thi sĩ Trần Quốc Thực đã bỏ bạn bè về một trời khác, thì ngoài thơ của anh mỗi lần tôi đọc lại, tôi lại nhớ tới 12 câu thơ anh đã đọc cho tôi và Nguyễn Trần Thái nghe đêm nào. Cũng như anh, tôi đã cố công dò tìm cho ra ngọn nguồn mà đành chịu.




2. Đầu tháng bảy năm nay, nhà nghiên cứu lịch sử kiêm phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Phước Phan Văn Dõng điện thoại xuống Vũng Tàu hỏi tôi:
- Anh có thu xếp đi một chuyến Bình Phước được không ? Giữa tháng này chúng tôi mở Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật lần thứ II. Cố mà gác mọi việc lên với tụi mình. Ở trên này có A Khuê và Trung Đức biết anh đấy !
Và thế là tôi có điều kiện cho một chuyến đi mới, bổ ích và rất đặc biệt.
Anh Dõng bố trí cho tôi và nhạc sỹ A Khuê ở chung một phòng, phòng 406 của khách sạn Mỹ Lệ, một khách sạn đẹp nhất của thị xã Phước Long - mà cũng có lẽ là đẹp nhất của Bình Phước. Tôi và nhạc sỹ A Khuê luôn luôn ngồi kề cận nhau dù trên xe, hay trong các bữa ăn của đoàn. Hằng đêm, khi về đến khách sạn thì thôi rồi, thức, đọc thơ, hát, chụm đầu không ít lần xuống những khuông nhạc. Chúng tôi thường nói tếu: Rồi sẽ đến lúc được ngủ mãi. Vì thế có dịp ở với nhau sướng thế này cứ phải thức cái đã ! Đến Điểu Đức - anh bạn nhạc sỹ rất trẻ người S’tiêng nhập đoàn sau, ở cùng phòng 406 theo đề nghị của tôi cũng được một phen bội thực thơ, bội thực thức và bội thực chuyện ...tào lao.
Đêm cuối của chuyến đi, nhạc sỹ A Khuê bỗng hỏi: - Em đã đọc thơ thằng này chưa …Rồi anh đọc Em Pleiku má đỏ môi hồng / Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông. Tôi reo lên: Thơ Vũ Hữu Định ! Rồi đọc nối luôn Nên mắt em ướt và tóc em ướt / Da em mềm như mây chiều trong.
Như chạm mạch, tôi say xưa đọc thêm mấy câu khác:
“Chiều khó thở ngồi bên quán xép
Một miếng khô, một xị rượu nồng
Nhai là nói với đời lận đận
Uống là nghe sầu chảy long đong”
(Thơ Vũ Hữu Định)

A Khuê khoái quá, cười sang sảng, rồi bảo: Em thuộc cả thơ thằng Định, thằng bạn tri kỷ của anh là anh sướng quá. Vũ Hữu Định lận đận lắm. Nó chết buồn quá, khi tuổi mới vừa 40, chết vào tháng giêng, tháng vừa xuân năm Tân Dậu (1981) ngay bên bờ sông Hàn của thành phố Đà Nẵng, cái thành phố mà thuở bé nó và anh đi đâu cũng có nhau. Anh kể cho tôi nghe rất nhiều những năm tháng trôi vô định cùng Vũ Hữu Định. Anh còn kể và đọc thơ của một người bạn rất thân nữa là Phạm Phú Hải (tác giả tập thơ Gánh Nước Tưới Sông). Anh khen Trần Quang Lộc - bạn cùng nhóm các anh ngày nào, rằng Trần Quang Lộc là một nhạc sỹ tài hoa. Nhưng tôi không thấy anh nhắc lời về cái hành vi “lờ ca từ” từ thơ của anh mà dư luận đã một dạo rất phản ứng. Khi tôi cố tình động chút ít vào sự kiện ấy, anh chỉ buồn buồn, rồi bảo: Cả thơ mình, ca từ mình viết cũng có ít nhất không dưới 13 lần trong nhạc Trần Quang Lộc chứ có riêng gì “Về đây nghe em” đâu. Nhưng thôi, chuyện đã qua rồi, mình cũng muốn gặp lại nó vì gì thì gì nó cũng đã từng là bạn của tụi mình …

Sang đầu tháng 8, tôi trở lại Bình Phước một lần nữa. Sáng hôm tiễn tôi ở bến xe khách thị xã Đồng Xoài, nhạc sỹ A Khuê đưa cho tôi một tập thơ mà anh photo từ những tờ bản thảo anh còn giữ được. Anh bảo:
- Hồi trẻ, anh làm nhiều thơ lắm. Chả biết hồi ấy chữ ở đâu mà lắm thế. Viết cứ như một thằng mộng mị…Em mang những bài thơ cũ này của anh về và đọc xem thế nào ! Năm 1999, cũng nhờ bạn hữu, Nhà Xuất bản Trẻ in cho anh tập thơ “Lùa bò trong sương”, còn tập “Vàng bay” do Nhà Xuất bản Da Vàng ở Đà Nẵng in năm 1970 thì anh chả còn tập nào trong tay nữa.
Tôi cảm động cất những bản photo anh đưa vào đáy chiếc ba lô và hứa sẽ đọc.
Và, tôi đã đọc đi đọc lại như bị ma ám suốt mấy đêm liên tiếp. A Khuê không chỉ là một nhạc sỹ có tài mà tôi đã biết. A Khuê còn là một nhà thơ, đúng hơn, là một thi sỹ - nhạc sỹ tài hoa, dấn thân cho cả nhạc lẫn thơ với ý nghĩa đúng đắn nhất của những từ này !
3. Thơ A Khuê là một thứ thơ được sinh ra trong lòng của người thi sỹ luôn luôn biết cách “uống chữ, uống đời rồi nhả tơ vàng” để rồi tự chuốc ngất say ngư hơn cả uống rượu. Và, cũng chỉ sinh ra ở “loài thi sỹ” bị mắc một căn bệnh trầm kha rất đỗi đáng yêu là bệnh “viêm xê dịch mãn tính”. Bởi thế, họ không ở đâu cho yên. Bởi thế họ rất biết cách tự vui thích và biết cách tự trào; rất biết gửi hồn mình, ẩn hồn mình trong mê trận chữ, biết “điều” chữ “đi” uyên náo cả lòng người.


Đây nhé:
Ra đi hồn không áo
Ngỡ dòng sống là đây
Con ngươi tôi trâng tráo
Chẳng có một bóng mây
Soi mặt dòng nước biếc
Tôi là tôi đó ư
Hay bắt đầu là hết
Và sau cùng thiên thu
(Sầu riêng - Trong: Bụi cát ra hương)

Đây nữa:
Rồi khi không ta dẫn hồn đi trốn
Chân trên cỏ chân lẫn cỏ sương bay
…Tóc tơi tả hồn tơi tả rong chơi
Tay phủi bụi tay bấu đời thơm ngát
Chìm vào cuộc loi ngoi ngát ngát
…Ta bơi qua tả ngạn mây chiều
(Long lanh hương - Trong: Bụi cát ra hương)

Và, đi đến độ:
Bỏ xứ con đi
Đường trời xa lạ
…Con ngươi của mẹ
Nhấp nháy mặt trời
Con đi trong nắng
Máu rờn rợn trôi
(Mẹ tàn phai - Trong: Bụi cát ra hương)

Thật là một cuộc đi nhiều kinh hoàng, mang nỗi buồn cuộc đi cũng rờn rợn kinh hoàng ! Con đi trong nắng / Máu rờn rợn trôi là những câu thơ viết về một sự đi trong cái kiếp nạn của đời người, của chính anh rất hay và rất gợi, không bình được. Đọc và đọc, và không nên bình. Tôi nghĩ thế !
Nhưng, liệu có phải người thi sỹ này đi chỉ nhằm cho một cuộc rong chơi bất cần đời ? Không đâu ! Ta có thể gặp anh lòng nhiều trĩu nặng khi thác lời những người hành khất để cất lên một điệu ca buồn, buồn đến nhức nhói, buồn đến tái tê: Tóc dài phất phới / Để tang đời ư / …Áo quần bẩn thỉu / Ta thù đời ư / Bao lời xua đuổi / Ta thương người ư / Ngồi nói một mình / Ta cao ngạo ư / Nằm ngủ trần truồng / Ta điên khùng ư (Khất hành ca - Trong: Lùa bò trong sương). Ở lời mà anh nói thác cho những kiếp hành khất là một loạt các câu hỏi gấp gáp mà nào có dễ trả lời ! Thương những kiếp mỏng ở cõi người, nhưng anh cũng biết rằng lòng anh dẫu có như Hồ nguyệt đọng cũng chỉ có thể Ném hòn sỏi đơn sơ và bất lực.
Trong bụi, cát tơi bời của cuộc đi, sự vật lộn, sự dằn vặt trong tâm hồn chính nhà thơ đã không dưới một lần anh buộc phải kêu to rôi tự thán: Ta là không bóng không hình nàng ơi / Sao ta đày ải cuộc đời trăm nơi / Ta còn đây hay ta mất hút / Trong nhà lớn bao la cuộc đời (Thiên thần không bóng không hình -Trong: Lùa bò trong sương). Phải chăng, mỗi khi như thế, mỗi khi lòng anh cô quạnh và nhiều bất lực, anh lại tự để cho lệ mình rơi rớt đầm đìa:
Buồn trên sông khóc trên sông
Cũng không đủ lệ một dòng cho ai
…Nằm bên cỏ dại thầm thì
Thương chưa hề yêu chưa hề thương yêu
Sao đâu sao đâu đìu hiu
Áo trăng ta lạc giữa chiều rồi chăng
(Lẻ loi - Trong: Lùa bò trong sương)

Rồi anh chia sẻ:
Dù rằng máu vẫn nguôi ngoai
Đêm đêm tiếng thở lạnh dài hư vô
…Tay cầm nguyệt đã tinh khôi
Vàng - một - phím - vàng - hai - rơi - ngõ - vàng
(Nỗi lòng chia sẻ - Trong: Lùa bò trong sương)

Cố thi sỹ - nhà phê bình văn học Trịnh Thanh Sơn có lần tâm sự với tôi rằng: Thơ hay hình như phần nhiều bật lên trên miệng vực của những nỗi buồn. Có lẽ đây cũng không chỉ riêng là nhận định của cố thi sỹ họ Trịnh. Tôi đồng tình rằng, cái có thể là “quy luật” sinh ra thơ hay mà cố thi sỹ đúc rút, tâm sự với tôi bởi ông đã trải và nghiệm khi đọc hàng núi sách và trò chuyện với rất nhiều thi bá, thi hữu ông gặp trong mấy mươi năm sống, đọc và viết. Khi đọc thơ A Khuê, càng đọc tôi càng sửng sốt thấy các bài thơ hay của thi sỹ luôn luôn đi ra từ những nỗi buồn. Ví dụ, khi A Khuê tạ ơn tháng ngày ân huệ mà cuộc sống ban tặng, anh viết ra một thứ thơ đẹp và buồn tráng lệ đến thế này:
Hồn như vĩ cầm lệ
Kêu réo qua từng ngày
Từng ngày bao ân huệ
Như tháng tháng mây bay
(Không ngờ - Trong: Bụi cát ra hương)
Hoặc cả ngay khi A Khuê gửi lời, gửi lòng anh cho một người con gái dù là gái giang hồ thì câu chữ tài tình anh viết vẫn luôn bật lên từ thẳm sâu buồn:
Người em gái tóc giang hồ bạc phếch
Ta và em đôi mắt thở rất gần
Hồn xơ xác nằm im trong bụi trúc
Nghe xa xăm tiếng thở của vô cùng
(Người con gái giang hồ - Trong: Bụi cát ra hương)
Tôi đã đọc rất kỹ 80 trang photo mà nhạc sỹ - thi sỹ A Khuê đưa cho tôi hôm anh tiễn tôi ở bến xe thị xã Đồng Xoài. Chỉ mới 80 trang anh đưa, với 60 bài thơ (có lẽ là chưa đầy đủ - thuộc hai tập thơ khác nhau: Tập “Lùa bò trong sương” và tập “Bụi cát ra hương” anh đang viết dở dang rồi có thể mất hứng, có thể vì một lý do nào đó không viết thêm nữa) trải dài gần 40 năm chuyên chú với thơ trước khi bị bảy nốt ma mị của âm nhạc lôi kéo. Ở bất cứ bài thơ nào của anh cũng có thể tìm được những câu thơ bậc thi sỹ ! Tuy nhiên, quan trọng hơn là thơ A Khuê luôn mang một thi tâm rất nhất quán. Thơ anh buồn mà trong, khi vui cũng không vì thế quá tưng bừng, và khi chất chứa những cay đắng (người mà không có đôi khi cay đắng thì mới là cái giống lạ !) thơ anh cũng không rơi vào lối nói nhiều gào thét. Trái lại, bất kể thế nào, bất kể hoàn cảnh nào anh cũng luôn luôn giữ cho tư thế “đi” trong bụi và cát của đời thơ và có khi là đời anh một tư thế, một hồn chữ luôn luôn sang trọng, điềm tĩnh. Đó cũng là một phẩm cấp thi sỹ chăng ?
Nhà thơ tình của thế kỷ XX Xuân Diệu đã từng nói đại ý: Anh nói rằng anh bình thơ rất giỏi ư ? Tôi chưa tin ! Hãy trích dẫn dẫu chỉ một câu thơ hay tôi sẽ tin và tin hơn cả những lời bình !
Thơ A Khuê thật nhiều câu hay. Chữ trong thơ anh nhiều khi loé sáng và rất lạ, rất bất ngờ. Có những chữ cứ như thể ta đang đi đến một góc khuất bất kỳ thì thình lình hiện ra một bất ngờ nào đó làm ta phải giật mình. Có nhiều câu thơ của anh tôi chỉ đọc một lần là găm vào trí nhớ. Hình ảnh trong thơ anh cũng chuyển động khác thường. Ví dụ, khi viết về lòng yêu nhân loại, anh viết theo một giọng điệu rất A khuê, thế này:
Mắt đã nhỏ lệ
Ôi lệ ôi
Yêu thương nhân loại tơi bời trái tim
(Mổ ngực trăng - Trong: Bụi cát ra hương)

Yêu đến Tơi bời trái tim là còn hơn cả yêu tan nát. Chữ chọn dùng hay không bình được ! Hoặc là khi anh diễn tả cái sự anh yêu một cô gái đến mức:

Bình minh đỏ rực lên rồi
Môi cô hạt máu
Khóc lời tôi chăng
Thì xin cô hãy nhớ rằng
Trong tôi dòng máu vẫn hằng chảy ra
(Nón cỏ theo người - Trong lùa bò trong sương)

Hoặc là cái cách anh diễn đạt “cái sự bay” lay thức hồn anh cũng thật khác thường, cái sự bay không tới cao sang mà lại tới một bày cò con thì càng bất ngờ làm sao:
Nếu ta mọc cánh mà bay
Thì ta bay tới một bày cò con
Bay tàn phai bay héo hon
Bay đi tứ xứ tìm hồn duyên xưa
(Nỗi lòng chia sẻ - Trong: Lùa bò trong sương)
Và cũng để chứng minh rằng trong thơ A Khuê lao động chữ luôn cật lực nhằm tìm ra cách diễn đạt thật sống, thật mới mẻ có thể thấm vào tâm cảm người đọc. Ví dụ, trong bài “Tỳ bà xanh” anh tả các ngón tay lảy dây bấm phím như dốc tất thảy tim gan phổi óc ngỡ cháy thành khói thiêng mộng mị, ảo diệu đến thế này:
…Má hồng
Cô bé tỳ bà câm
Chặt năm ngón tay
Chặt năm ngón tay đốt trầm
Đàn khói lộng
Tan tành tình trăm năm

Giời ạ ! Đàn đến độ như đã Chặt năm ngón tay đốt trầm thì câu chữ thế còn biết tìm khác thế nào cho hay hơn nữa đây !

Tuy nhiên, cũng có thể thấy dù đã rất thành công, nhiều ấn tượng từ nhiều câu thơ, bài thơ độc đáo như một đặc sản A Khuê, cũng không phải không có những bài (trong số bài anh photo tặng tôi) anh viết quá gần Hàn Mặc Tử ở ảnh hình, quá gần Bùi Giáng ở cách nói. Cũng tất nhiên như một lẽ thường thôi mà, nhiều thi sỹ tài hoa vẫn ít nhiều ảnh hưởng những ngọn nguồn, những trào lưu, những giọng điệu tương hợp với sở ý mình. Ví như: Các em phải hiểu cho nhiều / Đời ta bụi gió đã nhiều lất lây / …Dạ thưa trời đất vốn là / Bụi bay cát chạy vốn là bụi bay cũng chừng hơi hơi tí ti Bùi Giáng phải không, anh A Khuê ?

4. Đêm nay, tôi ngồi đọc lại 60 bài thơ trong 80 trang photo mà thi sỹ - nhạc sỹ A Khuê tin cậy trao cho. Tôi mang một cảm giác nhiều tiếc nuối vì người thi sỹ tài hoa này bây giờ làm thơ ít quá. Hay anh bỏ thơ mà đi ? Hay ngược lại ? Như thế liệu có thiệt cho thơ Việt chúng ta chăng khi mỗi năm có đến hàng ngàn tập thơ in la liệt. Trong số đó thơ thứ thiệt, thơ đặc sản như cỡ A Khuê và một số thi tài khác đốt đuốc giữa ban ngày cũng chỉ lác đác. Chao ôi ! Cái sự mọi ai đều thích in thơ chưa hẳn đã là điều dở - tất nhiên ! Có chăng, cái thứ phẩm của món “thơ giả thơ” (chữ của nhà thơ Inrasara) mới làm cho mâm tiệc thanh cao và uyên ảo của Thơ (viết hoa) là phải chịu “hầm bà làng”. Điều này lại phải cậy nhờ mấy ông xuất bản và kêu gọi cả sự tỉnh ra của các ông các bà nhiều ngộ tưởng.

Nhưng, tôi có thêm một niềm vui bất chợt trong đêm nay. Ở cái khe bàn tôi ngồi viết lấp ló một tờ rơi. Tôi nhặt lên, không tin vào mắt mình nữa. Đây này, anh Thực ơi ! Đây này, cái bài thơ anh đọc cho em và Nguyễn Trần Thái nghe vào đêm đông cuối chạp năm nào chính là thơ của thi sỹ - nhạc sỹ A Khuê mà em đang có trong tay. Nó chính là bài thơ thứ 61 em cẩu thả để gió cuốn vào khe bàn. Anh Thực có biết không, cái người thơ mà chúng ta tìm có một đời sống vui chậm, buồn trước. A Khuê từng là một tay chăn bò thuê thứ thiệt nhiều năm trên núi đồi miệt Long Khánh. A Khuê cũng từng cùng vợ và tám đứa con nheo nhóc thử kiếp “thuần nông” trên các cánh đồng cò bay cò sã cánh tít hút Sóc Trăng. A Khuê có tới chừng 10 năm cấy lúa nhưng gặt rạ gặt rơm vì thất mùa nhiều gấp ba lần được. A Khuê vật vã thợ hồ, đốn củi, đốt than nuôi một đàn con đang sức tằm ăn rỗi. Bụi thế, cát thế mà thơ cứ ăm ắp mộng mị, cứ bay hương, bay những hương mê quyến rũ như chưa hề buồn chán bao giờ. Bài thơ có 12 câu anh đọc vào đêm đông ngày ấy chính là bài Đồi Trăng Uống Rượu anh Thực ạ. Cũng đúng là bài thơ chưa dừng ở câu Áo trăng quá lạnh tôi về giết trăng. Nó còn những sáu câu trong khổ kết. Sáu câu còn lại của bài thơ trọn vẹn Đồi Trăng Uống Rượu là khúc vĩ thanh rất nhiều tươi sáng. Trần Quốc Thực ơi ! Dù ở tận trời nào thì cũng hãy về quanh đây cho em được đọc nốt sáu câu kết mà anh dự cảm rằng có thể bài thơ chưa kết thúc. Nó thế này:
Giết trăng tôi lại lên đồi
Ngơ ngơ ngác ngác tôi ngồi nhớ trăng
Đồi trăng đỏ tôi mê man
Ôi tôi biết cõi phai tàn sau lưng
Đồi trăng uống rượu vô cùng
Xin thưa trời đất tôi mừng tôi say

Bài thơ đã hết thật rồi !
Tôi đốt một nén trầm rồi ba lần đọc to những câu thơ A Khuê như thể vẫn còn bên tôi một Trần Quốc Thực gan ruột với thơ giữa buốt rét đêm nào Hà Nội …

Thành phố Vũng Tàu
Đêm 13 rạng ngày 14.08.2008
H.Q