Đỗ Long Vân
Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương
6.
Cho nên chữ khéo trong Hồ Xuân Hương thường có một nghĩa mỉa mai. Nó tố giác một sự bày đặt không có căn bản nào trong mọi vật. Khi mọi vật có lòng thì cái vỏ chúng xù xì. Nó không khéo, không có ai đẽo, không có ai tạc. Sự cục mịch của nó, một đằng có thể gọi là điêu trác, một đằng khác, cũng giống như một sự thật thà. Nó thô và chất phác. Và thoạt trông người ta đã biết rằng ở sau nó có một cái lòng đầy. Mà thật thế, nó chỉ là sự đông lại của một chất ở trong mọi vật tiết ra. Vừa giam lòng mọi vật nó vừa làm chứng rằng mọi vật có lòng. Nhưng cái lòng ấy mất trong bạo động thì người ta có độc những thể khéo tạc. Ấy là những thể tuyệt đối giả tạo. Và nghèo và nguệch ngoạc và xương xẩu. Như tất cả thế giới từ trong ra ngoài đã chết cứng. Thì trên thế giới ấy sự sống cũng chỉ là một sự sống vờ. Của cỏ gà và của rêu nham nhở. Ngay cả thông nữa mới ở lòng đất vọt ra đã lắt lẻo như không có rễ. Và tất cả đều xộc xệch và chênh vênh và lộn phèo [1] . Lẽ dĩ nhiên không phải Hồ Xuân Hương thấy chúng như thế. Nhưng nàng vặn cổ mọi vật, xô lệch chúng, làm chúng mất quân bình như để bắt chúng phải bỏ cái chỗ thường ngày của chúng để tự xưng. Khổ là chúng không có gì để xưng nữa. Và Hồ Xuân Hương đi phá cảnh chỉ làm cho cảnh bị sái. Mà bị sái là không có căn bản nào trong thực thể. Nhưng thể của cảnh chỉ là những thể không đâu. Không cái nguồn chung nào làm chúng thuận nhau. Thì cái cảnh thường, khi người ta tưởng là thuận, cũng là một cảnh vốn đã sái rồi. Nhưng có làm sái cảnh thì người ta mới biết là cảnh vốn sái. Hoá ra sái cảnh cũng là một cách khác để tả cảnh. Cảnh nào cũng là cảnh của sự tương nghịch thì làm sái cảnh, thơ Hồ Xuân Hương chỉ nhại những thể của cảnh như một nghịch hoạ và, như một nghịch hoạ nó nhại ngay chính nó.
Và thế là cái thời đã hết của thơ như một ngôn ngữ đầy. Thế giới khi ấy yên nghỉ trong sự sung mãn ấy, là sự sung mãn ấy nên lời. Người làm thơ nói thay lời mọi vật. Và những chữ của nàng đều giản dị và tầm thường, nhưng chữ nào cũng đậm, tại trong chữ nào cũng vẩn một chiều sâu nồng nàn. Nhưng chiều sâu ấy mất thì những chữ cũng như thiếu mật độ. Chữ trắng như không đủ trắng nữa. Và để nói cho thực trắng, để trắng không chỉ là một màu mà còn là một chất, người ta có một cách là thêm chữ. Oái oăm của từ chương là, càng ngờ ngôn ngữ không nói thực thì, để nói thực, người ta càng nói nhiều và, lấy ngôn ngữ để thực hiện mọi vật, rốt cuộc, người ta chỉ gây một ngôn ngữ quá đáng. Nhưng vừa tỏ ý muốn thực hiện mọi vật, ngôn ngữ quá đáng của Hồ Xuân Hương vừa làm chứng rằng sự thực hiện ấy đã thất bại. Càng làm cho thực, người ta càng xảo tác, và càng thêm chữ thì ngôn ngữ lại càng như nói ngọng và làm mọi vật càng nguệch ngoạc và thêm trơ. Trắng xoá chẳng hạn, trắng hơn là trắng, nhưng màu trắng ấy như trát lên trên và trâng tráo, và những chữ thêm vào những tĩnh tự tả màu của Hồ Xuân Hương chỉ làm cho màu thêm lòe loẹt, sặc sỡ, nhố nhăng. Ấy không là những màu có sẵn trong chất nở ra nhưng là những màu bôi xấu. Và Hồ Xuân Hương bôi xấu mọi vật cũng như nàng vẽ chúng nguệch ngoạc để tố giác một thế giới chỉ có mặt ngoài. Hình-thể-sai-lệch, đường nét gẫy khúc, âm thanh xô xát, màu sắc chửi nhau. Ở chỗ nào người ta cũng chỉ gặp một sự tương nghịch. Thì dù những chữ như đỏ lòm, chín mõm mòm có làm người ta tưởng thế giới đang thối nghĩa là có một sự sống ở trong thì sự sống thối ấy cũng chỉ làm người ta nực cười. Cũng như xanh om không là xanh thẫm nhưng là cái rỗng nực cười của màu xanh. Và của chữ xanh. Những chữ của Hồ Xuân Hương, trong sự quá đáng của chúng, tự thú là những chữ rỗng, và ngay khi, trong những câu như:
Gió thổi cành thông rung lắc cắc
Sóng dồn mặt nước vỗ tông tông
Người ta thấy chúng tượng thanh như thể bắt chước cho thật đúng những sự chúng tả thì chúng cũng chỉ nhại những sự ấy và những công cốc của chúng để thành một ngôn ngữ thực. Những tượng thanh ấy chỉ là những nghịch thanh! Và cái ngôn ngữ người ta tưởng là thực không thực hơn là cái ngôn ngữ ấy ái uông của những người nó ngọng. Ấy chỉ là hai kiểu nói ngọng khác nhau. Ngôn ngữ thực không có. Và thơ như một nghệ thuật ngôn ngữ chỉ là một chuyện không đâu. Mà càng ý thức được sự không đâu của nó thì thơ càng cầu kỳ. Cái khó của Đường luật không đủ. Hồ Xuân Hương còn thêm vào cái khó của những vần oái oăm, của những chữ vặn méo và những câu lưỡng ý. Ngần ấy cái khó tuy nhiên, không dựa trên một lý do tự nhiên nào, chỉ là ngần ấy cái khéo. Thì ngược lại ngần ấy cái khéo lại tố giác rằng thơ chỉ là một trò chơi. Và kinh nghiệm thơ Hồ Xuân Hương rốt cuộc chỉ để lại cái chân không của những thể tinh xảo.
Người ta bảo nàng tài! Nhưng cái tài khi người ta và thế giới thuận nhau là làm sao giấu được cái tài đi. Cho tất cả những gì người ta nói đều có vẻ tự nhiên. Ấy là hạnh phúc của từ-chương-cổ-điển. Nhưng khi trong Hồ Xuân Hương người ta chỉ thấy tài thôi thì nàng là người đầu tiên cười tài nàng là hão. Mà có gì nàng không cười đâu? Nàng cười cái hão của tất cả. Của đêm rỗng, của ngày không có ruột và của thơ. Thơ nàng lấy cả cái chết làm trò cười. Thì hẳn tiếng cười ấy không phải chỉ để mua vui người thiên hạ. Nó là tất cả gì còn lại cho một người đã một lần chọn không bao giờ khóc nữa. Và khi nàng khuyên người vợ goá rằng nín đi kẻo thẹn với non sông thì không nói, ai cũng biết là nàng đã khuyên mình. Sông thì bạc, non thì trơ. Nghĩa là thế giới nhạo cái sầu của người ta. Thì ai khóc làm gì cho tốn nước mắt! Khóc là để tỏ lòng. Nhưng không có ai nhận những giọt nước mắt ấy chẳng nham nhở lắm sao? Tỏ lòng, khi thế giới và người ta đối nghịch nhau chỉ làm cho lòng sa đoạ. Và người ta hiểu tại sao trong Hồ Xuân Hương tất cả những gì ở trong mọc ra như thông, như rêu, như cỏ, như nước của đá đều có một vẻ đốn mạt và khả nghi. Cũng như thế người thi sĩ ấy coi rẻ nước mắt. Thành ra không thể khóc mà cũng không thể nhịn nghĩa không thể nén sầu trong mình, Hồ Xuân Hương chỉ có một cách là, coi cái sầu ấy như không có để, trong một tiếng cười riễu cợt trả lời một thế giới đã hết ân tình. Lẽ dĩ nhiên khi có sầu tự nhiên dậy. Nhưng ngay khi ấy, ngay khi:
Mõ thảm không khua mà cũng cốc
Trống sầu chẳng đánh cũng kêu om
Nghĩa là mọi vật cũng như sầu theo người thì, cái sầu ấy, nàng cũng không thể cười!
Mới nghe cũng nghĩ rằng là thực
Sau ngẫm mà xem một tiếng bòm
Ấy là hai câu thơ để tóm tắt kinh nghiệm và thế giới của nàng. Kinh nghiệm của một tình yêu đời bị tẽn tò. Thế giới của những vật rỗng. Như mõ, như trống, như chuông và chúng oang oang như đều kêu lên rằng tất cả đều hão. Nhưng nếu ngay cái sầu của người ta trước cái hão của tất cả cũng hão nữa thì còn gì? Sẽ đến một thời Hồ Xuân Hương nhận cái hão ấy để không chờ gì ở cái thế giới nữa, xây dựng một đạo lý giống như sự thản nhiên. Nhưng giờ thơ nàng ở một giai đoạn tố giác. Nàng công kích. Nàng nhạo báng. Nàng thoá mạ. Như nàng không muốn để một ảo tưởng nào cám dỗ nữa. Và nhất là ảo tưởng rằng sau đời này còn có một đời sau! Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Xuân Hương vừa thích viếng những cảnh chùa vừa lấy chúng để riễu. Nàng không có cái tín ngưỡng của những thầy tu, nhưng, một đằng khác, như những thầy tu, nàng cũng ở trên con đường tuyệt thế. Nàng nhạo trong cảnh chùa một tôn giáo nàng cho là ảo tưởng, nhưng trong cảnh chùa, nàng tự nhắc mình là ảo tưởng có ở khắp trên đời. Con người ấy đã lồng đi tìm thâm tình của thế giới để tìm hết cách giết trong thế giới tất cả những gì nghe như một thâm tình. A! Có làm rỗng thế giới thì người ta mới khỏi bị thế giới cám dỗ! Thất bại của Hồ Xuân Hương đã trở nên một cố gắng để thực hiện thất bại. Và nghệ thuật nghịch hoạ của nàng, giờ, để tóm tắt, người ta có thể nói là nó có hơn một tầng nghĩa.
1. Qua cái nghệ thuật ấy, thoạt tiên, tất cả đều bị sái. Và như thế thì nó không là một nghệ thuật để ca ngợi cái mặt ngoài của cảnh. Nó có một chủ ý phá. Hay nói một cách khác thì nó là một bạo động.
2. Nhưng bạo động mà chỉ làm sái cảnh thôi, nghĩa là giữ cảnh chết đứng trong những thể tương nghịch thì nó cũng tự thú nhận là một bạo động không có ngày mai. Những đồ tuyến nguệch ngoạc của nó tố giác cảnh là đã chết khô và cứng. Cứng, tại trong bạo động cảnh và người ta đã trở nên đối nghịch nhau. Và khô, tại đã mất lòng, cảnh chỉ còn là một cái vỏ cằn cỗi. Lòng của cảnh có xuất hiện thì, trong sự đối nghịch nhau giữa cảnh và người, sự xuất hiện ấy cũng chỉ làm cho cái mặt ngoài của cảnh thêm những màu sặc sỡ và sự nham nhở của cỏ, của nước, của rêu.
3. Tất cả xảy ra như lòng của cảnh không có. Và nghệ thuật của Hồ Xuân Hương, chủ ngoại và dựng trên sự tương nghịch, là một cách nhại những thể đã chết cứng của một thế giới không có lòng. Hay nói đúng hơn thì không thể để lòng thế giới ẩn mà cũng không thể để nó xuất hiện mà không làm nó sa đoạ, Hồ Xuân Hương, để tránh hai tai hoạ ấy, đã tươngnghịch hoá thế giới trong những thể chết cứng, để thủ tiêu lòng thế giới đến cùng cũng như những tiếng gọi của nó và cả giấc mộng đào nguyên giờ chỉ còn là một ảo mộng. Không phải ngẫu nhiên mà nàng đã chọn những thể nghiêm khắc của Đường luật để phá cảnh. Nhưng nàng muốn sự phá cảnh ấy chỉ là một trò cười… Người ta thấy nàng nói quá thì người ta tưởng nàng cố nói cho thật đúng. Nhưng thật ra thì sự nói quá của nàng chỉ để nói ngọng và làm ngôn ngữ trơ ra vỏ và xương. Và qua ngôn ngữ ấy, thế giới cũng trơ ra xương và vỏ. Hoá ra ngần ấy câu nguệch ngoạc, nham nhở và sặc sỡ của nàng là ngần ấy cách diệt dục! Và ngay cả cái phần người ta gọi là tục trong thơ nàng…
Nửa tục nửa thanh, tất cả trong Hồ Xuân Hương qua một ngôn ngữ lưỡng ý, đều có một thể nước đôi. Song tuy nhiên sự nước đôi ấy có một nghĩa khác. Vừa trông thấy như một quả mít chẳng hạn cái vật ấy vừa trông như một thục nữ khiêu dâm. Trông như thế nào tuy nhiên thì nó cũng hứa là ở trong nó vẫn đầy. Sự nước đôi của nó chỉ có ngoài mặt. Và cả đôi nước đều gọi người ta vượt những mâu thuẫn của mặt ngoài ấy để mở cái ngọt ngào ở trong. Ấy là nơi tất cả những mâu thuẫn đều được giải quyết. Thì những mâu thuẫn ấy đâu là những mâu thuẫn nữa! Nghĩa là khi mọi vật có lòng thì những gì người ta tưởng mâu thuẫn nhau thực ra trợ lực nhau. Cái mặt tục của mọi vật và của ngôn ngữ không chửi cái mặt thanh của chúng. Nó làm cái mặt thanh ấy thêm đậm và sâu và càng rõ nghĩa và giầu. Và ngược lại và cả hai đều nói lên một nguyện vọng sống đầy. Mà Hồ Xuân Hương đã thành thực chờ nhục tình thực hiện. Hay nói đúng hơn thì cực lạc thực hiện trong nhục tình nàng cũng chờ được thực hiện trong tương quan với tất cả mọi vật. Thì có gì lạ nếu mọi vật trong thơ nàng cũng như mọi cử chỉ đều có một nghĩa nhục tình. Người ta bảo thơ nàng tục. “Tục” tuy nhiên có một nghĩa lương thiện quá. Ai giữa những người lương thiện đã chẳng có lần cao hứng nói tục chơi? Họ nói tục để tự giải toả. Và nói tục cho sướng rồi thì họ lại tiếp tục cái việc chính đáng là duy trì cái trật tự xã hội và xây dựng gia tài. Nhưng Hồ Xuân Hương nói tục thường xuyên. Nàng để tất cả tài ba ra để nói tục. Thì làm sao sự nói tục ấy có thể lương thiện như chữ tục có thể làm người ta tưởng lầm? Nếu người ta không thẹn chữ thì tôi có thể nói rằng thơ Hồ Xuân Hương dâm. Nhưng dâm tính ấy không diễn tả một xu hướng nào có sẵn trong cơ thể nàng. Nó thiết lập một quan điểm sống. Và lẽ dĩ nhiên trong quan niệm ấy tự do nhục tình là một yêu sách cốt yếu. Lạ rằng thơ Hồ Xuân Hương tuy thế vẫn được truyền tụng ! Hình như xưa người ta không cho thế là trái đạo lý. Có lẽ tại người ta xưa không đặt đạo lý ở chỗ tôi tưởng. Nhưng cuộc đời này đã làm cho người ta méo óc! Ở chỗ nào người ta cũng thấy có tội. Mà tội gì ở nhục tình? Chỉ những thời đại suy vong khi trên thì đầy túi dưới thì đói khổ, trật tự xã hội không còn chính đáng và tất cả xảy ra như, ngoài kẻ thống trị, không ai có quyền sống nữa thì người ta mới thấy, trong một ngôn ngữ đã trở nên vô liêm sỉ, những kẻ làm đĩ miệng đứng lên đổ nhục tình cái tội làm đốn mạt cuộc đời. Hay lưu manh hơn, giả danh khoa học, kết án những lới ca nhục tình là triệu chứng của một tâm hồn mang bệnh. Thơ Hồ Xuân Hương không bệnh. Nó cũng lành mạnh như người ta có thể nghĩ ngược lại. Lành mạnh là con người thượng lưu trí thức ăn to và nói tục, ngoài cái tài chuyên nghiệp lại có tài chửi đổng để hết giải quyết sinh lý lại uống rượu làm thơ, chơi đàn, đánh bạc, thể thao và lúc nào cũng sống tự nhiên. Cái tự nhiên ấy có một tên khác đẹp hơn. Là đặc quyền. Và như tất cả những đặc quyền, nó đòi sự duy trì của cái trật tự xã hội đã cho phép nó có. Cho nên người ta không thể nhịn cười khi thấy những chính quyền đương thời thi nhau nghi ngờ trí thức. Trí thức vốn ngoan. Có đốt thì đốt Hồ Xuân Hương trước đã. Trật tự nào nàng cũng cho là không có lý và gọi phá. Như nàng nghĩ rằng cực lạ chỉ thực hiện được trong sự bạo động. Và bạo động đã bắt đầu ngay khi vặn méo mọi vật, nàng bắt chúng đeo một cái mặt nhục tình chúng vốn không có.
Nhục tình và bạo động trong Hồ Xuân Hương đi liền nhau. Cho nên sự thất bại của bạo động cũng đổi nhục tình ra một kinh nghiệm điêu trác. Và Hồ Xuân Hương đành nhận rằng ngay nhục tình không thể cho nàng sự sung mãn nàng đòi. Nó chỉ để lại cảm giác của một sự thiếu lớn và, như thi sĩ nói trong một ngôn ngữ nước đôi, cọc nhổ đi rồi lỗ để không. Ấy là một cái lỗ nông toen toẻn nhưng không thể nào đầy. Và người ta càng chen chân xọc thì người ta càng tưng hửng như người ta bước hụt. Có một người con gái trên cây đang ngửa ngửa lòng như mời mọc, nhưng người ta vừa đu lại thì nàng lại đu đi và ngọc của đôi chân song song ruỗi thẳng nhắc người ta rằng thế giới đã hoá đá. Như thế giới chỉ gợi tình để nhạo cái tình của người ta. Cái người ta tưởng một âm đạo thật ra cứng như một hốc đá. Nhưng hốc đá ấy trông như một âm đạo, còn thực là một hốc đá không? Vẫn sự lưỡng cách ấy của mọi vật và của ngôn ngữ! Nhưng hai mặt của chúng giờ chửi nhau. Mặt thanh làm mặt tục đâm ra giả tạo. Và ngược lại và không có chiều sâu nào để giải quyết những mâu thuẫn của chúng thì cũng không có mặt nào là thực. Thực là cái chân không ở dưới và sự tưng hửng của người ta trước những vật lai căng, vừa trông như thế này lại vừa trông như thế khác, nhưng không thực là cái gì cả và trong lưỡng cách của chúng, chỉ để tự định nghĩa như một sự thiếu nhân đôi. Thanh không ra thanh. Tục không ra tục. Hay nói đúng hơn thì giờ tục có có một nghĩa phản nhục tình. Nhục tình có mặt trong những vật ấy như một sự không có thể. Như trong nhân vật của những thầy tu, những ông quan hoạn, những người ái nam.
Ấy là những nhân vật Hồ Xuân Hương thường lấy để riễu. Nàng không riễu họ tuy nhiên, như người ta tưởng, tại họ không như tất cả mọi người. Con người theo nàng có gì đáng tự hào đâu! Nó không tròn. Nó không thẳng. Sự lom khom của nó là một sự nửa chừng. Thì nó có khác gì họ? Và họ cũng như tất cả mọi người. Hơn ai hết, Hồ Xuân Hương biết rằng tất cả mọi người, cũng như mọi vật trong một thế giới đã mất nguồn, dưới một cái tên nghe tưởng rất xứng đáng, thật ra cũng đều như họ là những đồ dơ danh. Nghĩa là đều thiếu thực chất, thiếu thực tình, và không thể thực định nghĩa. Hay nói đúng hơn thì người ta chỉ có thể địh nghĩa họ một cách tiêu cực như một cái gì chẳng phải ngô mà chẳng phải ta. Người ta không thể gọi họ là gì cho đúng. Họ chỉ “trông như”. Nhưng trông như thế nào thì trong sự trông ấy cũng có điều làm họ không thể là cái họ trông như:
Tựa khách nhưng mà không có bím
Giống sư nhưng lại hãy còn râu
Họ là những nhân vật thiếu. Nhưng sự thiếu của cái âm đạo đá là ở cảnh tự tương nghịch của một thể lưỡng cách. Của những nhân vật ấy thì, giờ, sự lưỡng cách chỉ còn là một sự nhỡ nhàng. Như những mâu thuẫn của ngoại thể đã đổi dấu. Những thể méo, lai căng và xung đột nhau, nhường chỗ cho sự nhẵn nhụi chẳng hạn, của những cái đầu không có tóc. Tóc cũng như là làm chứng cho một năng lực ẩn. Thì không có tóc nghĩa là đã chết ở trong rồi. Nhẵn nhụi và khô cạn, những nhân vật ấy của Hồ Xuân Hương là những nhân vật lạnh, nhạt nhẽo và thờ ơ. Họ có sự trừu tượng của cái chết. Thể nào họ không có thể. Và đặc tính của họ là không có tính. Sự nhẵn nhụi của họ dẫn người ta vào cảnh mênh mông của một cơn ác mộng trắng, không thấy đâu là giới hạn, không lấy gì làm cứ điểm, nhưng cứ vào là thất lạc và, như thi sĩ nói:
Nào ai biết được bông hay củi
Nọ kẻ phân ra cuối với đầu.
Chỗ nào của họ cũng như chỗ nào. Họ là những tượng thân của sự vắng mặt cũng như cảnh đá cheo leo ấy là chân không đặc lại để lúc nào cũng muốn sụp xuống chân không. Sự phiếm định trong họ là những thể khuyết tâm mà vừa nhạo Hồ Xuân Hương vừ lấy để nhạo tri giác của người ta. Nàng nhạo ngôn ngữ là bất lực, những ý niệm sẵn có là giả tạo, cái lẽ thường là thiếu thốn. Và khi nàng chơi chữ cũng thế. Người ta khen nàng khéo dùng những thành ngữ. Hẳn không tại, như người ta nói, nàng có ý làm thơ bình dân! Nhưng tại những thành ngữ, với một nghĩa đen và một nghĩa thường là những chữ càng dễ chơi. Nghĩa là càng dễ dùng sái nghĩa, xa cái nghĩa người ta đợi và một nghĩa nước đôi. Tất cả là để đánh lạc cái lẽ thường, làm nó mất những toạ độ của nó và từng thấy là nó sai. Mà làm sao không thấy là nó sai được? Cái ngôn ngữ của nó không ngừng tự phản bội. Và qua cái ngôn ngữ ấy là cả thế giới bị hoá ra nơi của tất cả những lừa đảo. Nhưng đối lại những lừa đảo ấy, giờ, có thể có một cái biết thực nào không? Không những thơ Hồ Xuân Hương tố giác tất cả cái biết sẵn có là sai mà thơ nàng, như người ta đã thấy, trong nghệ thuật chủ ngoại cúa nó, là một cố gắng để tiêu diệt cái ảo tưởng rằng, cái biết sai ấy còn có giấu một cái gì khác ở đằng sau. Có thì nó cũng ở ngoài tầm người ta. Người ta có vào trong thế giới thì thế giới vẫn để người ta ra ngoài. Và thế giới có lòng đi chăng nữa thì cái lòng ấy có cũng không. Tất cả xảy ra như giữ tạo là cơ cấu của đời, thế giới chỉ là vỏ và nó rỗng. Nhưng thế thì tất cả ở đâu ra? Hư tính của tất cả cũng đổi tất cả ra một bí mật tuyệt đối và như thi sĩ nói:
Không có nhưng mà có mới ngoan.
Tương quan nhân quả của cái lẽ thường không có nữa. Và người ta vào cái thời gian của sự đột nhiên. A! Những ngày đã hết của những quả mít chín cây! Mít chỉ chín lẽ dĩ nhiên trong một thời gian có liên tục như nhịp của nhựa từ lòng đất trào lên, súc tích và hoá chất dần dần. Sự đột nhiên trái lại là của một thời gian đã sụp đổ. Không phải là nhhững quãng cách giữa sau và trước đã được xoá bỏ trong cực lạc của một cuộc sống trực nhiên, như cảnh chan hoà của cái bánh trôi chẳng hạn, để chỉ còn lại một hiện tại bát ngát và vô cùng. Thời gian sụp đổ của Hồ Xuân Hương là một thời gian đứt khúc. Không có quá khứ, không có tương lai, nghĩa là không có một liên tục sống nào giữa sau và trước, nhưng một chuỗi hiện tại gián đoạn và nhì nhằng chắp nối nhau. Mọi vật đều như tự dưng trồi lên:
Duyên thiên chửa thấy nhô đầu mọc
Phận liễu sao đà nẩy nét ngang.
Hai câu thơ ấy tuy nhiên không chỉ kể chuyện một người con gái chửa hoang. Không chồng mà chửa thì có gì lạ? Lạ ở chỗ đứa con nàng mang trong bụng là một đứa con của điêu trác. Nghĩa là của chân không. Hoá ra chân không, cũng sinh, cũng nở, cũng mọc, cũng gây sự sống. Nhưng sự sống ấy ở chân không ra, có gì là thực? Ngay chữ “nẩy” thôi cũng đủ cho người ta thấy, trong sự sống ấy, tất cả tính cách máy móc của một di động tĩnh vật. Như sự sống ấy là một sự sống giả tạo. Cỏ vẫn rậm rạp. Nước vẫn lam nham. Rêu vẫn lún phún. Nhưng ấy chỉ là những sản phẩm của đá, những chất nham nhở rỉ ra từ những đồ vật chết, nghĩa là những quái thai. Và người ta hiểu tại sao trong Hồ Xuân Hương chúng đều có một cái gì ương và dở và gở và rất khả nghi. Những di tích sinh lý ấy là những nghịch hoạ của sinh lý. Sự nhỡ nhàng của chúng như điệu múa chết đứng, trên một mặt đất cằn, của ba trạc thế cây hình uốn éo, vừa ghẹo vừa thách đố người ta vừa tố giác một thế giới đã hoá kháng. Cái nguồn sống đã mất. Thế giới rỗng. Nghĩa là nó đặc. Và người ta chỉ là những kẻ đứng ngoài, sống ngẩn ngơ và lạc, trước một thế giới không làm cho người ta. Thì làm sao người ta hiểu?
Cán cân tạo hoá rơi đâu mất?
Miệng túi càn không thắt lại rồi.
Cán cân tạo hoá đã gẫy, thế giới mất quân bình, và tất cả những gì xảy ra như không theo một quy luật nào cả. Sự thiếu quy luật ấy tuy nhiên không có nghĩa là tự do. Nó chỉ là cách xuất hiện, như ảnh tượng của cái túi càn khôn cho người ta thấy, của một thế giới đóng. Cho nên những thể nhố nhăng của thế giới ấy, trong sự thiếu vắng quy luật của chúng, chỉ là những thể cứng và nhỡ nhàng của cái chết. Và chúng nhại một tự do thực không thể có cũng như, ở đằng khác, những nhịp đứt khúc, giật giọng, trục trặc nhưng tẻ đều một điệu của đời. Cá thì đầu ngơ ngác, chim thì cổ gật gù và người ta cũng quỳ hai gối xuống gật lom xom. Như chầy máy, như con cò mấp máy suốt đêm thâu, như máy móc là đặc tính của tất cả những cử chỉ. Khom khom cật, ngửa ngửa lòng, nâng nâng nhấc, thích thích mau là ngần ấy từ ngữ để bắt chước, ngay trong cách láy âm thanh của chúng, những nhịp máy móc ấy của một cuộc sống không có hồn. Cái nguồn sống đã mất. Thì cuộc sống thực không thể có. Những cảnh của Hồ Xuân Hương, ngay trong sự sặc sỡ giả tạo của chúng, đều là những cảnh buồn và rất vắng. Và giữa những cảnh bỏ hoang ấy, đôi khi, người ta gặp những bà vãi lần tràng, hết đếm lại đeo, sống nghìn năm theo một tác động đã mất nghĩa. Hoá ra thời gian của sự đột nhiên cũng là thời gian của sự nhai lại. Thế giới loạn thể của Hồ Xuân Hương, rốt cuộc, chạy theo độc một chiều. Và sự thiếu quy luật của nó lại giam người ta vào những nhịp cứng và máy móc nhất. Hai mặt ấy tuy nhiên không mâu thuẫn nhau. Ấy là hai mặt của cùng một cuộc sống xa nguồn. Một mặt thì tất cả đều như vô lý và đứt quãng. Và mặt khác, cái túi càn khôn cứ khép lại, người ta sống như những tử tù của một định mệnh [2] càng ngày càng cưỡng bách. Một định mệnh người ta chịu, nhưng người ta không hiểu, và đến chết, không thể làm thế nào thoát khỏi. Và những thầy tu cũng như tất cả mọi người:
Thuyền từ cũng muốn sang Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo.
Ấy không chỉ là những câu thơ để riễu, như người ta nói, một xã hội tôn giáo suy vong và thối nát. Nếu thế thì chẳng tiếc lắm sao! Tiếc Hồ Xuân Hương không sống ở xứ Lào để người ta mời nàng ra lành mạnh hoá xã hội, chấn hưng đạo đức và được thể làm tiền. Nhưng Hồ Xuân Hương không nghĩ đến tiền và đạo đức. Qua những thầy tu nàng riễu là cả cái giải thoát siêu hình của tôn giáo đã bị nàng từ chối và coi là điêu trác. Cực lạc nếu có thì, theo nàng, nó không thể nào có người cõi tục. Và người ta biết rằng nàng đặt nó ở chỗ tục nhất của cõi tục ấy là ở lòng thế giới. Nhưng lòng thế giới không có thì, như những thầy tu, nàng không chờ gì nữa ở đời sau. Nhất là ở một đời sau người ta tính lấy những “bồ phúc đức” để mua. Và sỗ sàng nàng hỏi ông thầy tu:
Phúc đức nhà ngươi được mấy bồ?
Chừng mấy bồ thì được giải thoát? Nhưng người ta hiểu tại sao sự kế toán ấy không thể cám dỗ được một người vẫn tin rằng cực lạc là được thả mình xuôi một dòng nước đại lượng và rạt rào. Hơn nữa có ai ngồi đếm những bồ phúc đức ấy cho người ta đâu! Thế giới vẫn trơ mặt đá. Và người đá Hồ Xuân Hương chỉ thấy có chân không. Sự tuyệt vọng của nàng là của người duy vật. Huyền bí cũng như thiện và ác trong thơ nàng không có. Mà nàng cũng không có oán trách ai. Oán trách gì những đồ vô tri giác! Con người duy vật trong ấy vật thể chỉ thấy một chút chân không đọng lại và trong vật lý chỉ thấy một sự vô lý không cùng. Lý của vật không phải lý của người. Những quy luật của nó, nếu nó, cũng chỉ là những quy luật mù. Người ta chỉ có việc chịu. Tất cả những gì ở trong tay người ta xuyên tạc một lần nữa cái mặt ngoài của thế giới vốn đã là một xuyên tạc rồi. Nghĩa là người ta có toàn quyền gây thêm những thể nhố nhăng, cứng và chết. Và thế người ta gọi là sáng tác. Ai ngờ đâu đi tìm thiên đường của thực thể Hồ Xuân Hương lại lâm vào cái hoạ của một tự do múa rối! Cái tự do ấy đâu có đổi được gì! Và tất cả những gì xảy ra vẫn xảy ra một cách trêu người như người ta không có. Con người có nghĩa gì đâu trước cái nhịp muôn đời của thế giới! Cái chợ người sẽ hết. Nhưng cái chợ Trời vẫn tiếp tục:
Buổi sớm gió đưa, trưa nắng đứng
Ban chiều mây họp, tối trăng chơi
Thế giới chỉ có một sự thật là sự vô nhân đạo của nó. Và như con ong châm phải đầu sư, người ta là những kẻ bé cái lầm, chạy theo cực lạc ở chỗ nó không có. Thì sao người ta không tưng hửng, không tẽn tò, không “hố”? Không những cái lẽ thường của người ta thất thế, mà làm gì thì những tác động của người ta cũng cứ bị tráo nghĩa giữa đường. Từ thất bại này sang thất bại khác, người ta là trò chơi của một định mệnh oái oăm. Lấy chồng thì chồng chết, theo trai thì trai bỏ, đưa khách qua sông thì khách phụ. Con người của Hồ Xuân Hương đi thì nhỡ bước [3] , lập kế thì sa ngay khi đã chịu thua, chịu thiệt, chịu “hố”, người ta, đón định mệnh, chọn trước cái phần đê tiện nhất của đời cho thì ngay khi ấy, tưởng là đã yên thân, người ta vẫn chưa yên. Như trong một cái hố nào của đời cũng sắn có một cái hố sâu hơn nữa chờ người ta và như thi sĩ nói:
Cổ đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Kết luận là không có chỗ nào trên đời, dù là một chỗ tủi nhục, có thể bảo là làm cho người ta và người ta có thể ở. Người ta còn chờ gì ở thế giới thì người ta còn mắc lừa. Và tuyệt vọng là tất cả những gì còn lại.
[1]Xộc xệch cũng như lắt lẻo tả một sự mất gốc. Và chênh vênh và cheo leo là những gì nhô ra trên một nền chân không. Người ta hiểu rằng trong khoảng không có gì ấy tất cả đều lộn vèo và bấp bênh nghĩa là không ngừng nhỡ bước.
[2]Ảnh tượng của cái diều một đằng thì lộn lèo theo những di động loạn xạ, một đằng vẫn bị tù trong giới hạn của một quãng giây cũng chỉ có cái nghĩa ấy.
[3]Sự nhỡ bước ấy cần được hiểu theo nghĩa cụ thể của một sự bước hụt. Người ta đi và thấy “đất” chợt thiếu dưới chân mình. Ấy là một thứ “đất” lỏng như không có người và ta lộn lèo theo một cuộc sống bấp bênh như lúc nào cũng có thể nhào xuống một khoảng trống lớn. Vẫn cuộc đời không có căn bản ấy! Và chân không là chỗ đến của tất cả những tác động người.
Nguồn: Nxb Trình Bầy. Ban chủ trương: Diễm Châu, Trịnh Viết Đức, Lê Văn Hảo, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Khắc Ngữ, Thế Nguyên, Trần Tuấn Nhậm, Nguyễn Văn Trung, Thảo Trường, Đỗ Long Vân. Thư từ và tác phẩm xin gửi cho: Ô. Thế Nguyên , 80/80 Trần Quang Diệu, Sài Gòn. Phát hành tại: Quán sách số 34 (Trước cửa Pharmacie Diệu Tâm), 117, Lê Lợi, Sài Gòn. In xong ngày 15-12-1966 tại nhà in riêng của Nxb Trình Bầy. Giấy phép xuất bản số: 3839/BTTCH/BC3/XB ngày 7-12-1966. Copyright by Đỗ Long Vân, 1966.