thư viện Thích Nhất Hạnh
www.thuvien-thichnhathanh.org
.Pháp thoại theo chủ đề
Sự kết hợp kỳ diệu giữa thờ cúng tổ tiên của người Việt với tuệ giác của đạo Phật
2005-03-17: Sự kết hợp kỳ diệu giữa thờ cúng tổ tiên của người Việt với tuệ giác của đạo Phật
Chỉ mục bài viết
2005-03-17: Sự kết hợp kỳ diệu giữa thờ cúng tổ tiên của người Việt với tuệ giác của đạo Phật
Lời khai mạc của giám đốc trung tâm
Thiền sư Nhất Hạnh thuyết giảng
Nhìn bằng con mắt vô tướng.
Tiếp xúc với tổ tiên và các thế hệ tương lai
Chuyển rác thành hoa
Chiều hướng tâm linh đạo đức
Tưới tẩm hạt giống của thương yêu
Mình là sự tiếp nối của cha mẹ
Thực tập lắng nghe và ái ngữ
Vấn Đáp
Phát biểu của một thành viên Hội Đồng Tư Vấn Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc
Chú thích
Tất cả các trang
Sự kết hợp kỳ diệu giữa thờ cúng tổ tiên của người Việt với tuệ giác của đạo Phật
Pháp thoại của thiền sư Nhất Hạnh ngày 17.03.2005
tại học viện Quốc Gia Chính Trị HCM Hà Nội
Lời chào mừng của một vị trong ban tổ chức
Kính thưa thiền sư Thích Nhất Hạnh, thưa quý khách.
Hôm nay tới đây dự buổi thuyết trình và trao đổi với Thiền Sư về những vấn đề Phật học, chúng tôi ghi nhận sự có mặt của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, một số đơn vị nghiên cứu và giảng dạy tại học viện Quốc Gia Chính Trị Hồ Chí Minh và hai phân viện Hà Nội về báo chí tuyên truyền cũng thuộc học viện Quốc Gia Chính Trị Hồ Chí Minh. Hôm nay cũng có mặt các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học quản lý hiện đang công tác ở một số cơ quan Khoa Học Quản Lý và học viện Phật Giáo tại Hà Nội, vốn là cộng tác viên của trung tâm Khoa Học về Tín Ngưỡng và Tôn Giáo. Hiện diện tại đây còn có các nhà khoa học vốn đã gắn bó lâu với trung tâm trong quá trình nghiên cứu về tôn giáo .
Lời khai mạc của giám đốc trung tâm
Kính thưa Thiền sư Thích Nhất Hạnh,
Kính thưa quý đoàn tăng thân Làng Mai,
Kính thưa các nhà khoa học và các vị đại biểu.
Vào dịp cuối năm 2004, được tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng đoàn tăng thân Làng Mai của nước cộng hòa Pháp nhận lời mời của ban Phật giáo quốc tế thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam về thăm quê hương sau bốn mươi năm xa cách. Trung tâm Khoa Học về Tín Ngưỡng Tôn Giáo ngỏ lời mời và được Thiền sư nhận lời thuyết trình tại trung tâm. Chúng tôi rất vui mừng và vinh hạnh được đón tiếp Thiền sư đến tọa đàm và nói chuyện về vấn đề tôn giáo đang được nhiều người quan tâm. Mục đích của hai buổi thuyết trình và tọa đàm là thông tin và trao đổi một cách cởi mở trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề trong lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo. Thành phần của buổi tọa đàm này chủ yếu là các nhà khoa học thuộc các ngành Khoa học, Xã hội, Nhân văn trong và ngoài trung tâm.
Thưa các nhà khoa học và quý vị đại biểu,
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, pháp danh Trừng Quang, quê ở Thừa Thiên Huế, xuất gia tu hành từ thời niên thiếu, với tám mươi tuổi đời và hơn sáu mươi năm tu hành. Trong và ngoài nước, Thiền sư không chỉ là một bậc cao tăng mà còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, có trên một trăm tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Thiền sư từng thuyết giảng ở nhiều nơi, ở nhiều nước và có đệ tử ở các dân tộc khác nhau. Thiền sư đã từng tiếp kiến với nhiều chính khách và nguyên thủ một số quốc gia để trao đổi những vấn đề lớn về tôn giáo và thời đại. Hơn hai tháng qua thiền sư đã cùng đoàn đi thăm các di tích lịch sử, văn hóa, cơ sở thờ tự, danh lam thắng cảnh của đất nước và đã có nhiều buổi nói chuyện với tăng ni, Phật tử cùng những giới trí thức ở các địa phương, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế. Đến đâu, thiền sư và đoàn đều được tiếp đón long trọng và tình cảm. Thiền sư đã đem đến cho nhiều vị tăng ni, phật tử một không khí tốt lành của những ngày đầu năm với truyền thống của Phật giáo, cởi mở, khoan dung và góp phần làm cho quốc thái dân an.
Nhân dân Việt Nam và Phật tử nước nhà luôn mong muốn giữ gìn và vun đắp tư tưởng khoan dung, hòa đồng, gắn bó với dân tộc của Phật giáo Việt Nam suốt hai mươi thế kỷ qua. Tôn chỉ, mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng một cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui, no ấm như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói. Thiền Sư cũng đã từng được hòa mình vào không khí tưng bừng của người dân đất Việt đón mừng Xuân Ất Dậu. Chúng tôi rất vui mừng đón Thiền sư và quý đoàn trong dịp đầu xuân này.
Thưa Thiền sư Thích Nhất Hạnh và quý đoàn. Trung tâm Khoa Học về Tín Ngưỡng và Tôn Giáo thuộc học viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh đã qua mười năm hình thành và phát triển, với đội ngũ cán bộ gồm mười hai giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ. Trung tâm có nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy về tôn giáo. Chúng tôi cho rằng việc giữ gìn và phát huy giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với tổ quốc và nhân dân và những giá trị tích cực về đạo đức và văn hóa của tôn giáo là rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Đó cũng là nội dung mà chúng tôi muốn nghe tọa đàm của Thiền sư qua cuộc gặp gỡ này.
Tham dự buổi thuyết trình và tọa đàm hôm nay không chỉ có những nhà khoa học thuộc chuyên ngành tôn giáo, mà còn có nhiều các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác trong đó có các vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ sử học, văn hóa học, chính trị học, tâm lý học, xã hội học, v.v... và các nhà khoa học và các vị đại biểu rất quan tâm đến các chủ đề thuyết trình của thiền sư, mọi người đón chờ và hy vọng qua các cuộc gặp gỡ này sẽ đem đến không khí cởi mở, chân tình, nguồn thông tin đa chiều và là cơ duyên để Tthiền sư bộc lộ suy tư bấy lâu về những vấn đề liên quan đến tôn giáo và thời đại. Là một đơn vị nghiên cứu khoa học và giảng dạy vấn đề tôn giáo, chúng tôi tin rằng sẽ nhận được từ Thiền sư những thông tin và tri thức bổ ích.
Thay mặt cho trung tâm Khoa Học về Tín Ngưỡng Tôn Giáo thuộc viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh xin chúc Thiền sư và đoàn tăng thân Làng Mai, mạnh khỏe, an khang. Chúc chuyến đi về Việt Nam của Thiền sư và đoàn lần này đạt kết quả như ý.
Thiền sư Nhất Hạnh thuyết giảng
Kính mời quý Thầy, quý Sư cô Làng Mai lên tụng bài Tán Quan Âm và niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm trước khi buổi nói chuyện bắt đầu.
Thưa quý vị, khi chúng ta có được khả năng nhìn cho thật sâu và nghe cho thật kỹ, chúng ta sẽ có được một cái thấy thông suốt, gọi là tuệ giác, có công năng làm phát sinh tình thương lớn. Tuệ giác với tình thương sẽ làm cho chúng ta có được tự do lớn. Đó là ý nghĩa của Avalokiteśvara. Avalokiteśvara 1* có nghĩa là người quán sát rất sâu sắc. Avalokita là quán hay là lắng nghe một cách sâu sắc. Eśvara tức là con người tự do. Quán Thế Âm đôi khi còn được dịch ra là Quán Tự Tại. Nhờ quán chiếu, nhờ lắng nghe và đạt đến tự do lớn nên làm chủ được mình và hoàn cảnh xung quanh mình vì thế Quán Thế Âm cũng là Quán Tự Tại. Chúng tôi mời quý vị tham dự buổi tọa đàm này với phương pháp lắng nghe.
Khi có mặt trong giây phút hiện tại và biết buông thư, năng lượng của Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ đi vào trong cơ thể chúng ta. Nếu trong cơ thể chúng ta có sự đau nhức, có sự căng thẳng, năng lượng này sẽ làm tiêu tán sự căng thẳng và đau nhức đó. Nếu chúng ta biết cách có mặt thật sự trong giây phút hiện tại, đừng bị quá khứ lôi kéo, đừng bị tương lai lôi kéo. Nếu chúng ta có những nỗi khổ, niềm đau ở trong lòng, chúng ta cũng có thể mở trái tim ra, năng lượng Bồ Tát sẽ đi vào, ôm ấp, chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau đó. Nếu chúng ta có một người thân đang bệnh ở nhà, muốn chuyển năng lượng này về, chúng ta chỉ cần nghĩ đến người đó, hình dung người đó, hoặc gọi tên người đó một cách im lặng, năng lượng này sẽ được chuyển về rất là mau chóng cho người đó.
Avalokiteśvara là tình thương, là sự hiểu biết. Yếu tố này, năng lượng này, không phải chỉ có mặt ở ngoài ta mà còn có mặt trong từng tế bào của cơ thể ta. Khi chúng ta thật sự có mặt, chúng ta khơi dậy và đáp ứng lại được năng lượng đó bằng năng lượng của chính chúng ta.
Tăng thân Làng Mai cùng xướng tụng bài tán Quan Âm:
Đầu cành dương liễu vương cam lộ
Một giọt mười phương rưới cũng đầy
Bao nhiêu trần lụy tiêu tan hết
Đàn tràng thanh tịnh ở ngay đây
Nam Mô Bồ Tát Thanh Lương Địa
Trí tuệ bừng lên đóa biện tài
Đứng yên trên sóng sạch trần ai
Cam lộ chữa lành cơn khổ bệnh
Hào quang quét sạch buổi nguy tai
Liễu biếc phất bày muôn thế giới
Sen hồng nở hé vạn lâu đài
Cúi đầu ca ngợi dâng hương thỉnh
Xin nguyện từ bi ứng hiện ngay
Nam Mô Bồ Tát Quan Thế Âm.
Nhìn bằng con mắt vô tướng.
Ai trong chúng ta cũng có con mắt vô tướng. Quý vị ở đây cũng đều có con mắt đó. Nếu chúng ta sử dụng được con mắt vô tướng, chúng ta có thể thấy được những cái mà người khác không thấy. Vô tướng là animitta 2*. Khi nhìn một đám mây, nhờ tướng trạng của đám mây, chúng ta nhận diện ra được sự có mặt của đám mây. Như vậy, nhận thức, tri giác của chúng ta căn cứ vào hình tướng đám mây. Khi đám mây đã trở thành mưa rồi thì hình tướng đám mây không còn nữa. Lúc đó, chúng ta phải sử dụng con mắt vô tướng mới nhận diện ra được sự có mặt của đám mây trong cơn mưa. Đám mây không thể nào chết, đám mây chỉ có thể trở thành mưa, thành tuyết hoặc thành nước đá. Chết trong tư duy của chúng ta có nghĩa là từ có mà trở thành không. Một đám mây không bao giờ có thể từ có mà trở thành không được.
Đạo Phật hay nói đến tính vô sinh và bất diệt của mọi sự vật. Đám mây là vô sinh vì nó không thể từ không mà trở thành có. Trước khi là một đám mây, nó đã là một cái gì khác rồi như nước ao hồ, nước sông, nước biển và sức nóng của mặt trời. Khi những điều kiện ấy đến với nhau là có sự biểu hiện của đám mây. Chúng ta có thể thấy được tiền thân của đám mây bằng con mắt vô tướng. Tiền thân của đám mây là nước sông, nước hồ, nước ao, nước biển và sức nóng của mặt trời. Chúng ta cứ tiếp tục nhìn đám mây bằng con mắt vô tướng cũng có thể thấy được hậu thân của đám mây, tức là sự tiếp nối của đám mây qua những hình thái khác như những lọn tuyết, những tảng băng, những cơn mưa hay một dòng sông. Khi uống trà, nếu tôi thật sự có mặt trong giây phút hiện tại thì tôi có thể tiếp xúc được với trà một cách sâu sắc và tôi thấy được sự có mặt của đám mây trong chén trà. Trà là hậu thân của đám mây. Tôi uống trà, có nghĩa là tôi đang uống mây. Quý vị không cần phải là thi sĩ mới thấy được như vậy. Chúng ta có thể uống trà bằng con mắt vô tướng. Chúng ta thấy rằng chúng ta cũng đang uống mây vì trà là sự tiếp nối của mây.
Chúng ta có ý niệm về sinh và về diệt. Sinh đối với chúng ta là từ không mà trở thành có. Nếu quan sát thật kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng không có vật nào từ không mà có thể trở thành có được. Đám mây cũng vậy, cây bắp cũng vậy. Cây bắp không thể từ không mà thành có, cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp và hạt bắp là sự tiếp nối của cây bắp. Nếu chúng ta thấy được đám mây trong cơn mưa, đám mây trong những bông tuyết, đang nhìn mây bằng cái nhìn vô tướng thì chúng ta có thể đạt được, thấy được, tiếp xúc được với tính vô sinh của vạn vật.
Nhà khoa học Lavoisier 3* của Pháp có nói một câu giống hệt một câu trong Tâm Kinh Bát Nhã: Rien ne se perd, rien ne se crée (không có gì sinh ra và không có gì diệt). Ông ta đã không đứng ở khía cạnh của một nhà tâm linh học hay một nhà tôn giáo học mà nói. Điều đó ông đã khám phá ra từ sự quan sát sự vật mà thôi. Ông đã đi tới một kết luận giống hệt tuệ giác của Tâm Kinh Bát Nhã: Thị chư pháp không tướng bất sinh bất diệt.
Nếu chịu luyện tập thì chúng ta cũng có thể có con mắt vô tướng. Có con mắt vô tướng, chúng ta có thể thấy được tính bất sinh bất diệt của chính chúng ta, của đám mây, của nhiều sự kiện chung quanh ta. Nhờ thế, ta sẽ vượt thắng sợ hãi. Sợ hãi cái gì? Sợ hãi cái chết, sợ hãi hư vô. Ở trong đạo Phật, vô tướng là một cánh cửa giải thoát. Ba cánh cửa giải thoát là tam giải thoát môn. Cánh cửa giải thoát thứ nhất là không, cánh cửa thứ hai là vô tướng, cánh cửa thứ ba là vô tác. Ở đây chúng ta nói đến cánh cửa thứ hai là cánh cửa vô tướng. Nếu chúng ta luyện tập, chúng ta có thể sử dụng con mắt vô tướng trong đời sống hằng ngày và có thể vượt thoát được mọi sợ hãi, kỳ thị, giận hờn. Khi nhìn vào người con với con mắt vô tướng, ta có thể thấy được người cha, chắc chắn là như vậy tại vì người con là tiếp nối của người cha. Cũng như cơn mưa là sự tiếp nối của đám mây.
Khi chúng ta gieo một hạt bắp xuống đất, hạt bắp sẽ nẩy mầm và sẽ trở thành một cây bắp con. Khi nhìn vào cây bắp con, chúng ta không thấy hạt bắp nữa, không còn thấy cái tướng của hạt bắp nữa nên chúng ta nói: Hạt bắp đã chết và bây giờ chỉ có cây bắp thôi. Nói như thế là chúng ta không có con mắt vô tướng. Nhìn vào cây bắp non với con mắt vô tướng, ta thấy rằng cây bắp non là sự tiếp nối của hạt bắp, hạt bắp vẫn còn đó, hạt bắp chưa chết, chưa bao giờ chết, hạt bắp đang được tiếp nối bằng cây bắp. Nhìn vào cây bắp bây giờ ta thấy được hạt bắp, hạt bắp của tháng trước. Nhìn vào đứa con ta thấy được người cha tại vì đứa con là sự tiếp nối của người cha.
Có một hôm tôi đi trên thành phố London, nhìn vào một tiệm sách, tôi thấy có một cuốn sách với nhan đề là: My mother, my self, nghĩa là: Mẹ tôi, chính là tôi đó. Tôi nghĩ người viết cuốn sách này đã có tuệ giác và tôi có cảm tưởng đã biết người ta đã viết gì trong đó rồi. Có những người con giận cha, giận mẹ và nghĩ rằng mình không muốn có liên hệ gì nữa với ông đó, với bà ấy. Mình không thấy được sự thật, một sự thật rất khoa học, mình chính là cha mình, mình chính là mẹ mình. Giận cha, giận mẹ tức là mình giận chính bản thân mình. Mời quý vị nghe chuông và thực tập:
Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
Thở vào tôi biết rằng tôi đang có mặt cho sự sống
Thở ra tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi
Tiếp xúc với tổ tiên và các thế hệ tương lai
Ở Tây phương cũng như ở Á đông, có những người đang có khó khăn với con cái mình. Họ muốn từ con, họ tuyên bố: Mày không phải là con của tao, con của tao không thể như mày, tao không công nhận mày là con của tao! Có những đứa con giận bố cũng tuyên bố dại dột như thế: Tôi không muốn có liên hệ gì hết với ông ấy nữa! Khi người ta giận, người ta không còn trí tuệ nên người ta mới tuyên bố những điều trái với sự thật như thế. Cha mình đã trao truyền cho mình toàn thể thân tâm của ông. Đứng về phương diện di truyền học mà nói thì cha mẹ đã trao truyền tất cả các di sản di truyền của cha mẹ, trao truyền cả di sản huyết thống, di sản tâm linh của tổ tiên và dòng họ cho con. Trong mỗi tế bào của cơ thể mình, có sự có mặt đầy đủ toàn diện của tổ tiên, của cha mẹ. Mình không thể nào lấy tổ tiên và cha mẹ ra khỏi cơ thể của mình vì mỗi tế bào cơ thể đều có chứa đựng sự có mặt của tất cả các thế hệ của tổ tiên và cha mẹ. Lấy người cha ra khỏi mình, lấy người mẹ ra khỏi, đấy là chuyện không tưởng vì mình chính là cha mình, là mẹ mình, mình là sự tiếp nối của cha mình, của mẹ mình. Giận cha, giận mẹ tức là mình tự giận mình mà giận con cũng là tự giận mình vì đứa con là sự tiếp nối rất cụ thể của cha và của mẹ.
Chúng ta sẽ bí lối, chúng ta sẽ không có nẻo thoát, nếu chúng ta không có tuệ giác ấy. Tuệ giác nào? Con mình chính là sự tiếp nối của mình và con mình đang mang mình đi về tương lai. Muốn được tiếp nối đẹp đẽ, mình phải tìm đủ mọi cách để trao truyền cho con những gì đẹp nhất mà mình có thể chế tác được bằng cuộc đời của chính mình. Nếu giữa hai cha con không có được sự truyền thông, trước hết đó là sự thất bại của người cha. Người cha đã từng tiếp nhận được những gì ưu việt, những gì mầu nhiệm của tổ tiên. Nếu người cha không truyền thông được với người con thì không thể trao truyền cho con gia tài tốt đẹp đó qua tư duy, lời nói và hành động của mình. Nếu cha con không truyền thông được với nhau thì đó là sự thất bại của hai cha con. Chính vì những chướng ngại đó, đứa con không tiếp xúc được với các thế hệ tổ tiên, người cha cũng không thể tiếp xúc được với các thế hệ tương lai. Nhờ đứa con mà người cha được đi về tương lai vô cùng, nhờ người cha mà đứa con tiếp xúc được với tất cả các thế hệ tổ tiên về trước.
Hai cha con là hai khâu rất cần nhau, một bên tiếp xúc được với tổ tiên quá khứ là nhờ cha, một bên tiếp xúc được với các thế hệ tương lai là nhờ con cho nên liên hệ cha con không thể nào để cho thất bại. Cha con phải thiết lập lại truyền thông với nhau. Khi nhìn vào bản thân, người con thấy được cha mẹ, tổ tiên và thấy rằng mình là sự tiếp nối của cha mẹ, của tổ tiên. Khi nhìn vào người con, người cha cũng thấy rằng đứa con là sự tiếp nối của mình và đứa con đang mang mình đi về tương lai.
Có thể người cha đã không có cơ hội học hỏi và tu tập cho nên người cha đã không có khả năng nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau. Ông đã trở thành ra nạn nhân của đau khổ của chính ông ta. Khi ông đau khổ như vậy, ông làm vung vãi những khổ đau ấy lên những đứa con của mình. Đó là tình trạng của nhiều gia đình. Trong những gia đình ấy, chồng không truyền thông được với vợ. Vợ chồng làm khổ nhau và tạo ra những vết thương trong trái tim của người con. Đứa con không có niềm tin về hạnh phúc gia đình, đứa con đi tìm sự lãng quên bên ngoài và do đó sa vào hầm hố của ma tuý, của sắc dục, của tội ác, của băng đảng. Trong đạo Phật có tuệ giác có thể giúp cho ta thấy được sự thật, tái lập được truyền thông và đem lại hạnh phúc giữa mình và cha mẹ mình hay con cái mình.
Bậc cha mẹ, khi giận con, thường hay có khuynh hướng muốn từ khước con: Mày không phải là con của tao, con của tao không thể nào như thế này được, con của tao nó không thể có những yếu kém như thế! Nhưng nếu nhìn cho kỹ, mình sẽ thấy rằng tổ tiên mình tuy có những bậc đức hạnh rất cao, tài năng rất xuất chúng nhưng cũng có những vị yếu kém. Nếu chúng ta có Lý Thường Kiệt, chúng ta cũng có Trần Ích Tắc. Khi biết nhìn bằng con mắt của tuệ giác thì ta vẫn có thể chấp nhận được.
Chúng ta thấy tội nghiệp cho những người cha hoặc mẹ còn yếu kém. Những người đó đã không có cơ hội được hiểu, được thương và tiếp nhận được những phương pháp thực tập để có thể chuyển hóa những yếu kém của mình. Khi nhìn các con, chúng ta thấy có những đứa con mà chúng ta rất bằng lòng nhưng cũng có một hoặc hai đứa con mà chúng ta không bằng lòng. Nếu trong tổ tiên chúng ta có những người yếu kém và ngay chính chúng ta cũng có yếu kém thì thử hỏi, chúng ta là ai mà không chấp nhận yếu kém của con cháu chúng ta? Chúng ta phải làm đủ mọi cách để có thể giúp cho những đứa con yếu kém đó có cơ hội nhận diện và chuyển hóa được những yếu kém đó. Nhờ thế, những giận hờn, những buồn tủi trong ta sẽ tan biến và sẽ được thay thế bằng tình thương. Đối với những đứa con giỏi thì chúng ta không cần phải để nhiều thì giờ và năng lực, còn đối với những đứa con còn yếu kém, với nhận thức đó, với tình thương đó, chúng ta sẽ có thể để nhiều thì giờ và năng lực ra mà giúp đỡ.
Chuyển rác thành hoa
Đạo Phật có phần tôn giáo, có nói đến hy vọng, có nói đến niềm tin, đến sự cầu nguyện nhưng đạo Phật còn có những nguồn tuệ giác lớn, có những phương pháp tu tập rất cụ thể để giúp mình tháo gỡ những khó khăn, bức xúc, chuyển hoá được những khổ đau, thiết lập lại truyền thông với những người khác, đem lại hạnh phúc cho mình và mọi người. Đạo Phật cung cấp cho chúng ta những giáo lý và những phương pháp thực tập, giúp chúng ta nhận diện được khổ đau, thấy được gốc rễ của những khổ đau đó và thấy được con đường để có thể chuyển hóa những khổ đau đó.
Những phương pháp như thực tập hơi thở có ý thức, thực tập bước chân có ý thức, có mục đích chế tác năng lượng chánh niệm. Với năng lượng chánh niệm: Ta nhận diện được những nỗi khổ niềm đau đang dâng lên, có thể ôm ấp được những nỗi khổ niềm đau đó và làm cho chúng êm dịu lại, có khả năng nhìn sâu vào để thấy được những nguồn gốc gần xa của những nỗi khổ niềm đau của mình, có thể chiếu rọi ánh sáng của tuệ giác vào và chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau đó.
Trong đạo Phật, chúng tôi nói đến tính chất hữu cơ của tuệ giác, của tình thương và của Phiền Não. Trong chúng ta có cái giận, cái buồn, cái lo nhưng trong chúng ta, cũng có sự yêu thương và sự hiểu biết. Con người chúng ta như một vườn hoa và hoa để lâu ngày thì thành rác mà nếu chúng ta biết phương pháp ủ rác thì chúng ta có thể nuôi hoa. Hoa và rác đều có tính chất hữu cơ, hoa có thể biến thành rác và rác có thể biến thành hoa trở lại. Ở trong chúng ta có những nỗi khổ, niềm đau, buồn phiền, tuyệt vọng, ganh tỵ, kỳ thị, tất cả những cái đó đều là những phần rác ở trong ta nhưng ở trong ta cũng có phần hoa, gồm có hiểu biết, tha thứ, yêu thương, bao dung và hy sinh. Cả hai phần đều có tính hữu cơ.
Trong đạo Bụt, có nguyên tắc Phiền Não tức Bồ Đề 4*. Phiền Não tức là những đau khổ, chướng ngại. Bồ Đề tức là giải thoát, hạnh phúc. Chúng ta có thể chế biến rác thành phân xanh để nuôi hoa thì những Phiền Não kia nếu chúng ta biết cách ôm ấp, quán chiếu, chuyển hóa, chúng ta cũng có thể biến nó thành trí tuệ, thành hạnh phúc, thành tình thương được. Cái nhìn của đạo Phật là cái nhìn bất nhị vì đạo Phật thấy Phiền Não, Bồ Đề đều có tính hữu cơ. Phiền Não có thể biến thành Bồ Đề, Bồ Đề nếu không biết chăm sóc sẽ biến thành Phiền Não. Vì vậy chúng ta không sợ hãi khi thấy trong vườn ta có rác. Chúng ta biết phương pháp, chúng ta có khả năng biến rác trở thành hoa.
Một cặp vợ chồng khi mới cưới, có rất nhiều hạnh phúc, có rất nhiều hy vọng và nghĩ rằng tình yêu lớn đó sẽ nuôi mình suốt đời nhưng nếu không biết cách tu tập, không có thức ăn thích hợp cho tình yêu thì tình yêu đó sẽ chết, sẽ biến thành hận thù. Phật nói rằng: Không có gì có thể sống còn được nếu không có thức ăn. Đau khổ cũng không thể tiếp tục được nếu không có thức ăn. Hạnh phúc cũng vậy, nếu không có thức ăn thì hạnh phúc sẽ chết. Tình yêu cũng vậy, nếu mỗi ngày không được nuôi dưỡng bằng thực phẩm thích hợp thì tình yêu sẽ chết. Nếu cặp vợ chồng mới cưới kia không biết chế tác thực phẩm thích hợp cho tình yêu thì trong vòng nửa năm hay một năm, tình yêu đó sẽ biến thành hận thù và hoa sẽ biến thành rác. Chúng ta phải học phương pháp nuôi tình thương, nuôi trí tuệ và sử dụng những khổ đau, những Phiền Não, những khó khăn để biến ra thành những chất liệu nuôi dưỡng được trí tuệ, nuôi dưỡng được tình thương. Biết được tính cách hữu cơ của khổ đau và hạnh phúc thì chúng ta không sợ hãi, không kỳ thị khổ đau nữa, tại vì chúng ta biết rằng khổ đau có thể là chất liệu để làm ra hạnh phúc.
Khi một người cha không có hạnh phúc, người cha gây khổ đau cho chính mình, gây khổ đau cho người mẹ và cố nhiên sẽ gây khổ đau cho người con. Nếu người con có cơ hội quán chiếu, nhìn cho thật sâu, lắng nghe để hiểu thì sẽ thấy ra rằng, cha mình là nạn nhân khổ đau của chính ông ta. Có thể trong thời thơ ấu, ông đã chưa bao giờ có cơ hội được chăm sóc và được thương yêu, ông đã bị nhiều vết thương và khi lớn lên, ông đã không có người giúp, không có một bậc thầy, không có được một người bạn chỉ cho ông ta cách nhận diện, chuyển hóa những khổ đau đó cho nên, lớn lên ông đã truyền tất cả những khổ đau của ông cho đứa con. Những đau khổ của người cha hiện giờ, nó đang có mặt trong từng tế bào cơ thể của người con, chúng ta giận cha và chúng ta nói: Tại vì cha đã nói như thế, đã làm như thế, đã tư duy như thế, đã hành xử như thế và chúng ta cương quyết khi lớn lên, chúng ta sẽ không nói như thế, không làm như thế, không tư duy như thế. Nhưng nếu không tu tập thì khi lớn lên chúng ta sẽ hành sử giống y như cha đã từng làm, tại vì chúng ta là sự tiếp nối của cha chúng ta.
Sự can thiệp của một nếp sống tâm linh đạo đức vào đời sống chúng ta rất là quan trọng. Chúng ta nói tới cha, chúng ta nói tới thầy trong bộ ba: Quân, sư, phụ. Phụ là người cha đã sinh ra hình hài của mình. Sư là vị thầy, người sinh ra nếp sống tinh thần, đạo đức, văn minh của mình. Cha, thầy là người trao truyền cho chúng ta. Mỗi người trong chúng ta có hai gia đình, một gia đình huyết thống và một gia đình tâm linh. Chúng ta được tiếp nhận được từ cả hai gia đình sự trao truyền đó. Nếu chúng ta không có sự trao truyền của gia đình tâm linh thì làm sao chúng ta có được những phương tiện để nhận diện được niềm đau nỗi khổ đó? Nếu không biết những phương pháp để quản lý, chuyển hóa được những niềm đau, nỗi khổ thì chúng ta sẽ trao truyền nguyên khối những khổ đau đó cho con chúng ta. Vì vậy, sự can thiệp của một chiều hướng tâm linh và đạo đức rất quan trọng cho mỗi đời người.
Chiều hướng tâm linh đạo đức
Quý vị có nhớ hồi vua Trần Thái Tông 5* hai mươi tuổi, đã bắt đầu có rất nhiều khổ đau rồi. Hoàng hậu Chiêu Thánh mới mười chín tuổi thôi đã bị chê già quá vì chưa có con. Thái sư Trần Thủ Độ rất là nôn nóng, mong cho Lý Chiêu Hoàng có con, để bảo đảm sự tiếp nối của nhà Trần cho nên ông đã buộc vua Trần Thái Tông phải bỏ hoàng hậu Chiêu Hoàng để cưới người chị của hoàng hậu là Thuận Thiên công chúa, vốn đã được gả cho người anh là Trần Liễu. Bắt buộc phải bỏ người yêu để cưới vợ của anh mình đã có mang, Thái Tông rất là đau khổ. Thái Tông bỏ ngôi vua, lên núi Yên Tử, gặp quốc sư Viên Chứng 6* trên đó.Viên Chứng thiền sư dạy Thái Tông là mình vừa có thể vừa làm nhà chính trị mà vừa có thể tu tập được. Nhờ lời dạy đó, Trần Thái Tông trở về làm vua và tìm cách đem nếp sống tâm linh vào trong đời sống hàng mgày của mình.
Trần Thái Tông ngồi thiền, bái sám, tu học từ năm hai mươi tuổi và nhờ vậy đã có khả năng vượt thắng được những khổ đau, những khó khăn của một nhà chính trị và trở thành một ông vua lớn của nhà Trần. Cũng nhờ sự tu tập đó, nhà vua đã cảm hóa được ba đứa con của người anh An Sinh Vương Trần Liễu: Tuệ Trung Thượng Sĩ (một nhà đạo học thâm uyên, một vị thiền sư cư sĩ lỗi lạc, trước đó đã có công giúp triều đình trong việc chống ngoại xâm), Trần Hưng Đạo (em ruột của Tuệ Trung Thượng Sĩ, có công rất lớn trong việc chiến thắng quân Nguyên) và Nguyên Thánh Thiên Cảm (em gái của Tuệ Trung Thượng Sĩ, hoàng hậu của vua Trần Thánh Tông). Sự tu học, đời sống tâm linh của vua Trần Thái Tông đã có thể chuyển hoá được tất cả gia đình và tạo nên sự đoàn kết lớn trong gia đình để thành công như một triều đại lớn trong lịch sử. Nếu không có sự can thiệp của một chiều hướng tâm linh, một chiều hướng đạo đức thì vua Trần Thái Tông đã không có được những yếu tố để thành công như một nhà chính trị lớn.
Chúng ta tiếp nhận cái hình hài này của cha mẹ, đồng thời chúng ta cũng tiếp nhận nếp sống tâm linh đạo đức của một bậc thầy, của một vị huynh trưởng. Mỗi người trong chúng ta nếu muốn có một nếp sống vững chãi về cả hai phương diện thì chúng ta phải có hai gia đình: một gia đình tâm linh và một gia đình huyết thống.
Tưới tẩm hạt giống của thương yêu
Chúng ta đã tiếp nhận những gia tài di truyền của cả hai gia đình tâm linh và huyết thống. Trong đạo Phật chúng ta nghe nói đến những chủng tử, những hạt giống ở trong A lại da thức. Trong đạo Phật, người ta nói đến tâm thức. Tâm thức có nhiều tầng lớp khác nhau, nhưng nói đơn giản thì trong tâm thức có hai phần: phần trên gọi là Ý thức và phần dưới, phần căn bản gọi là Tàng thức 7* hoặc A lại da thức 8* (cất chứa tất cả những hạt giống mà chúng ta tiếp thu được từ các thế hệ trước). Hạt giống, tiếng phạn gọi là Bija 9*, chúng ta có thể nói, tương đương với những cái gen 10* mà chúng ta được tiếp nhận từ các thế hệ trước. Nếu những hạt giống đó có hoàn cảnh thuận tiện thì có cơ hội được phát hiện. Ví dụ như chúng ta có hạt giống của tài năng, như tài năng của một thi sĩ nhưng nếu chúng ta bị đặt vào một hoàn cảnh không thuận lợi thì hạt giống thi sĩ trong ta không có cơ duyên phát hiện được. Trái lại nếu chúng ta được đặt trong hoàn cảnh thuận lợi thì hạt giống của nghệ thuật, của thi ca sẽ được phát hiện và ta có thể trở thành một thi sĩ lớn. Cái đầu gọi là tiên thiên, cái thứ hai gọi là hậu thiên. Tây phương bây giờ họ dùng chữ nature là thiên nhiên, nurture 11* là hoàn cảnh.
Chúng ta có những hạt giống tốt được tổ tiên trao truyền. Chúng ta cũng có những hạt giống xấu cũng của tổ tiên trao truyền lại. Chúng ta có hạt giống của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo nhưng mà chúng ta cũng có hạt giống của Trần Ích Tắc. Nếu chúng ta ở vào trong môi trường xấu thì hạt giống của Trần Ích Tắc sẽ được tưới tẩm và chúng ta sẽ trở thành người bất trung. Nếu chúng ta được đặt vào trong một hoàn cảnh thuận tiện thì hạt giống của Trần hưng Đạo sẽ được tưới tẩm và chúng ta sẽ trở thành một bậc trung thần, một vị tướng giỏi. Cho nên hoàn cảnh rất quan trọng. Theo tuệ giác này, nếu chúng ta muốn những hạt giống đẹp đẽ nhất, quý giá nhất của tổ tiên mà chúng ta có trong từng tế bào, có cơ duyên để phát hiện thì chúng ta phải cho chúng ta một hoàn cảnh tốt, chúng ta phải cho các con chúng ta một hoàn cảnh tốt. Một kết luận rất khoa học. Nếu con chúng ta đi theo băng đảng, đi vào mê hồn trận của ma túy, sắc dục là tại vì hoàn cảnh đã tưới tẩm những hạt giống tiêu cực trong tế bào cơ thể của chúng nó. Vì vậy vấn đề hoàn cảnh, vấn đề môi trường sinh hoạt rất quan trọng.
Trong một gia đình, nếu cha biết lắng nghe mẹ, mẹ biết làm hạnh phúc cho cha, cha biết chăm sóc mẹ thì em bé lớn lên sẽ học được rất nhiều và những hạt giống của thương yêu sẽ được tưới tẩm. Cha mẹ không nói mình là giáo sư dạy về thương yêu nhưng đích thực là giáo sư dạy về thương yêu. Nhưng nếu trong gia đình, cha làm khổ mẹ, mẹ làm khổ cha và cha mẹ làm khổ con thì những đứa trẻ lớn lên không có niềm tin vào hạnh phúc gia đình và không tin vào tổ tiên. Vì vậy làm thế nào thiết lập lại truyền thông giữa cha với mẹ, làm thế nào để cha mẹ có thể có hạnh phúc với nhau là một công tác căn bản để xây dựng xã hội. Chúng tôi đã từng nói chuyện với người trẻ và họ đồng ý với nhau rằng: Gia tài quý giá nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con cháu chính là hạnh phúc của cha và của mẹ. Cha mẹ biết thương nhau, biết làm hạnh phúc cho nhau đó là gia tài lớn nhất mà mình có thể tiếp thu được và tiếng nói đó chúng ta nghe rất rõ từ người trẻ.
Mình là sự tiếp nối của cha mẹ
Quý vị có nhớ hồi chúng ta còn bé, ba tuổi, năm tuổi, thỉnh thoảng chúng ta bị sốt, chúng ta thấy khô cổ, chúng ta thấy khó chịu nhưng khi mẹ đi vào trong phòng và để bàn tay của bà lên trán ta thì chúng ta cảm thấy rất là êm dịu như bàn tay của một bà tiên. Khi lớn lên, mẹ mất rồi, chúng ta có thể có những cơn sốt rất nặng và chúng ta ước ao có được bàn tay của mẹ để lên trán như ngày xưa thì hạnh phúc biết bao nhiêu mà kể. Trong tuệ giác của đạo Phật thì bàn tay của mẹ vẫn còn, tại vì bàn tay của chúng ta là sự tiếp nối của bàn tay mẹ. Trong bàn tay ta, tất cả các tế bào đều chứa đựng mẹ và cố nhiên bàn tay này tuy gọi là bàn tay của ta mà cũng là sự tiếp nối của bàn tay mẹ, cũng là bàn tay mẹ. Nếu có tuệ giác đó thì khi đưa bàn tay lên, chúng ta có ý thức rằng bàn tay này cũng là bàn tay mẹ. Chúng ta đặt bàn tay lên trán và chúng ta thấy rõ ràng là bàn tay mẹ vẫn còn. Mẹ không bao giờ mất là tại vì chúng ta còn đó.
Triết gia Descartes từng nói một câu: Tôi tư duy. Như vậy chứng tỏ là tôi đang có mặt 12*. Đứng về phương diện này tôi thấy rằng câu của tôi nó hợp lý hơn: Mẹ ơi, con biết là mẹ đang còn đó tại vì con đang còn đây. Một sự thật rất khoa học. Mình đang có mặt tức là mẹ đang có mặt tại vì mình là sự tiếp nối của mẹ mình, là sự tiếp nối của cha mình. Bàn tay này, ban đầu mình tưởng là bàn tay của mình, chỉ là bàn tay của mình nhưng nếu quán chiếu cho sâu sắc thì đây cũng là bàn tay của mẹ.
Có một bà mẹ không biết đọc, không biết viết, hôm đứa con qua Hoa Kỳ để gầy dựng sự nghiệp thì bà mẹ có nói một câu. Người con đó đã trở thành một họa sĩ nổi tiếng ở bên Mỹ và chính anh ta đã kể lại câu chuyện cho tôi nghe. Đêm hôm anh ta sắp rời nhà, dưới ngọn đèn dầu lạc mù mờ, hai mẹ con khóc, rồi bà mẹ đã nói như vầy: Này con, khi mà con sang bên đấy, mỗi khi mà con nhớ mẹ, con đưa bàn tay con lên con nhìn thì con sẽ đỡ nhớ mẹ. Bà mẹ quê này chưa bao giờ được học triết học, chưa bao giờ được học khoa học nhưng đã có tuệ giác của tổ tiên ở trong bà, biết rằng con mình là sự tiếp nối của mình và mỗi tế bào của con mình đều chứa đựng mình ở trong đó.
Trong bốn mươi năm giảng dạy đạo Phật ở Tây phương, chúng tôi đã có cơ hội khai thị cho những người trẻ, những người trí thức ở Tây phương thấy được điều đó. Khi giận cha, giận mẹ, tức là mình không thấy được sự thật mình là sự tiếp nối của cha, của mẹ, mình chính là cha, mình chính là mẹ. Nếu quán chiếu cho thật sâu sắc thì mình thấy rằng sở dĩ cha làm như vậy, mẹ làm như vậy, tại vì cha và mẹ đã không có cơ hội gặp được thầy, gặp được bạn để có thể tiếp thu được những giáo lý, những phương pháp, để có thể chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau của mình và do đó đã làm vung vãi những nỗi khổ niềm đau đó xung quanh và trong đó có mình.
Thấy được như vậy rồi thì tự nhiên người con sẽ tha thứ được cho bố, tha thứ được cho mẹ và hết lòng thực tập để có thể chuyển hoá được những nỗi khổ niềm đau ở trong lòng, sau đó sẽ trở về giúp cho bố, giúp cho mẹ. Chúng tôi đã giúp cho hàng ngàn, hàng chục ngàn thanh niên Âu châu và Mỹ châu làm được chuyện đó. Chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau trong họ, những nỗi khổ niềm đau đã được cha mẹ trao truyền và sau đó hòa giải được với cha với mẹ ở trong lòng mình trước khi trở về hòa giải được với cha với mẹ ở bên ngoài. Chuyện đó là chuyện có thể làm được vì có những phương pháp thực tập rất là cụ thể.
Thực tập lắng nghe và ái ngữ.
Trong đạo Phật có hai pháp môn rất là mầu nhiệm là pháp môn Lắng Nghe và pháp môn Ái Ngữ. Khi người con muốn tập đến với người cha bằng phương pháp lắng nghe, người con sẽ nói như thế này: Bố ơi! Con biết là trong những năm qua, bố đã có rất nhiều khó khăn, bố có nhiều bức xúc, có nhiều khổ đau, con đã không giúp được bố mà con lại làm cho tình trạng trở nên tệ hơn. Con xin bố thương con mà đừng buồn. Bây giờ con rất mong được bố nói cho con nghe tất cả những khó khăn, những bức xúc, những tuyệt vọng của bố để con có thể hiểu. Một khi con hiểu rồi, con sẽ không dại dột nói và làm những điều gây đau khổ cho bố. Bố ơi! Bố giúp con đi, con đâu muốn làn cho bố khổ, nhưng tại vì con dại dột, con không biết được những nỗi khổ niềm đau và những khó khăn của bố, vì thế con đã làm cho tình trạng đó tệ hại hơn. Bố giúp con đi! Nói được như vậy gọi là nói bằng lời ái ngữ và khi mình mở được trái tim của người bố thì bố mới bắt đầu chịu nói cho mình nghe những khó khăn, những khổ đau, bức xúc của bố. Trong khi bố nói, mình phải thực tập phương pháp thứ hai là Đế Thính, tức là lắng nghe. Đó là hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Bồ Tát Quán Thế Âm là một người biết lắng nghe. Khi người kia sử dụng ngôn từ có tính cách lên án buộc tội, chua chát và đầy những tri giác sai lầm mà mình vẫn có khả năng lắng nghe thì mình mới là một vị Bồ Tát. Mình lắng nghe với một mục đích duy nhất là cho người kia một cơ hội, để người kia có thể nói ra được tất cả những nỗi khổ niềm đau của họ và đó chính là sự thực tập của Bồ Tát Quán Thế Âm. Dù người kia nói bằng giọng trách móc, chua chát, đầy dẫy những lời buộc tội mà mình vẫn lắng nghe, mình lắng nghe bằng tâm từ bi. Lắng nghe với một mục đích duy nhất là để cho người kia có một cơ hội nói ra tất cả cho nhẹ bớt những niềm đau, nỗi khổ. Đó gọi là Bi Thính, nghe bằng lòng từ bi, nghe để giúp cho người bớt khổ. Hai phương pháp Lắng Nghe và Ái Ngữ là hai phương pháp rất quan trọng. Ái ngữ là khi nói, mình sử dụng ngôn từ như thế nào để mình có thể nói hết được những điều trong trái tim mình, nói mà người kia có thể nghe được, có thể chấp nhận được. Lắng nghe là nghe với tâm từ bi.
Trong những khóa tu mà chúng tôi tổ chức cho những người Tây phương tại các thiền viện Tây phương ở Âu châu hay Mỹ châu thì tất cả mọi người đều phải thực tập, học nắm cho vững những phương pháp đó. Nhờ thế chúng tôi đã giúp cho vô số những cặp cha con, những cặp vợ chồng hòa giải được với nhau bằng những phương pháp thực tập rất cụ thể. Trước hết là luyện tập để chế tác năng lượng của niệm và của định để có thể nhận diện, ôm ấp những nỗi khổ niềm đau của mình. Nhìn sâu vào để thấy những gốc rễ xa gần của những nỗi khổ niềm đau đó. Với tuệ giác không sinh, không diệt, không một không khác thì mình có thể chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau đó. Mình có thể trở về giúp người kia, người kia có thể là chồng mình, vợ mình, cha mình hay là con của mình.
Với phương pháp thực tập ái ngữ và lắng nghe mình thiết lập lại được truyền thông. Sự truyền thông được thiết lập thì cái hiểu và cái thương có thể thiết lập lại được. Chúng tôi mong rằng, nền giáo dục trong tương lai con em chúng ta có được những phương pháp thực tập cụ thể đó. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, thiết lập lại được truyền thông, đem lại hạnh phúc cho gia đình là những chuyện chúng ta có thể làm được. Nó không thuộc về phạm vi của tín ngưỡng, cầu nguyện mà thuộc về phạm vi của tuệ giác, của sự thực tập.
Vấn Đáp
Hỏi: Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển hết sức mạnh mẽ. Nhận thức của con người về các quá trình tự nhiên và xã hội ngày càng sâu sắc, ngày càng đầy đủ và ngày càng mang tính phổ biến hơn. Vậy trong thời kỳ đó, theo Thiền sư, niềm tin tôn giáo vì thế có giảm đi hay không và nếu không thì vì sao? Cũng xin ý kiến của Thiền sư về xu hướng phát triển của tôn giáo trong tương lai sẽ như thế nào khi nhân loại ngày càng bước sâu hơn vào nền văn minh?
Thiền sư Nhất Hạnh: Sự hành trì đó là mê tín hay không mê tín, tùy theo cách mà chúng ta thực tập. Trong nhà của chúng ta, thường thiết lập bàn thờ tổ tiên vào vị trí trung ương vì chúng ta muốn tôn vinh tổ tiên. Dù cho nhà của chúng ta là nhà tranh vách nứa thì chúng ta cũng đặt bàn thờ tổ tiên vào vị trí trung ương. Điều đó chứng tỏ rằng chúng có niềm tin nơi tổ tiên, giai đoạn này rất là quan trọng. Sự kiện thiết lập một bàn thờ tổ tiên trong nhà là một hành động giáo dục rồi. Có thể coi như là một cái gì rất khoa học mà không phải mê tín.
Nếu mình công nhận rằng cây có cội, nước có nguồn thì đó là một niềm tin rất khoa học. Có gì là mê tín đâu? Vì bàn thờ tổ tiên biểu trưng cho niềm tin đó. Chúng ta có gốc, có nguồn và chúng ta đã tiếp nhận được những giá trị lớn lao từ gốc, từ nguồn của chúng ta. Sự có mặt của bàn thờ tổ tiên trong nhà không phải là dấu hiệu mê tín gì hết. Những người không hề theo đạo Phật, những người Cơ đốc giáo hoặc những người cộng sản cũng có thể làm như vậy. Trong nhà của mình mà có một bàn thờ tổ tiên thì điều đó chứng tỏ rằng mình có gốc, có nguồn và mình luôn luôn hướng về cội nguồn của mình. Điều này rất đẹp, đó là văn hóa chứ không phải là tôn giáo, không phải là mê tín.
Mỗi ngày mình tới bàn thờ tổ tiên, lấy miếng vải để lau bụi, hay là đốt một cây hương để cắm vào lư hương, hành động đó có người cho là mê tín nhưng theo tôi, rất là khoa học, tại vì trong thời gian đốt cây hương thì mình có cơ hội tiếp xúc được với tổ tiên trong từng tế bào cơ thể mình. Nếu chúng ta tin rằng tổ tiên đang ngồi trên bàn thờ và đợi chúng ta đốt một cây hương cho quý ngài thì đó là mê tín nhưng chúng ta biết rằng tổ tiên không ngồi trên bàn thờ. Bàn thờ chỉ là một biểu tượng cũng như một lá cờ, lá cờ không phải là đất nước, chỉ là biểu tượng thôi. Bàn thờ cũng vậy, trong khi chúng ta đốt một cây hương, chúng ta phải sử dụng năng lượng của niệm của định và của tuệ thì hành động đốt hương đó mới có giá trị. Đó là giá trị tâm linh và rất khoa học.
Thầy tôi dạy rằng: Mỗi khi con đốt một cây hương, con phải đem hết cả sự thành tâm vào trong việc đốt hương. Làm thế nào trong khi đốt hương có năng lượng của niệm, của định, của tuệ. Niệm là năng lượng của sự có mặt hoàn toàn của thân và tâm. Khi mà thân và tâm của mình về lại với nhau, mình thật sự có mặt trong giây phút hiện tại thì đó gọi là năng lượng của niệm. Khi mình có sự chuyên chú vào hành động đó mà không suy nghĩ về quá khứ, không suy nghĩ về tương lai, không suy nghĩ về bất cứ một cái gì khác nữa thì đó là năng lượng của định.
Trong khi đốt một cây hương chúng ta làm thế nào đốt cây hương để năng lượng của niệm và của định có mặt, nghĩa là chúng ta có mặt, thân và tâm phải có mặt đích thực trong giây phút hiện tại và ta phải chuyên chú vào việc đốt hương thì đó là điều kiện để có sự truyền thông. Trong thời gian đốt hương và cắm cây hương lên bàn thờ thì ta có niệm và có định, chính cái niệm và định đó giúp ta tiếp xúc được với tổ tiên hiện đang có mặt trong từng tế bào cơ thể. Theo tôi đó là một hành động rất khoa học, nó không có cái gì mê tín hết.
Cũng như khi chúng ta chào một lá cờ. Có mê tín gì đâu? Lá cờ đó tuy chỉ là một miếng vải thôi nhưng biểu trưng cho đất nước. Nếu nói là thắp cây hương mê tín thì chào cờ cũng là mê tín. Vì vậy tùy theo nhận thức của chúng ta mà thôi. Như tôi đã nói, tôn giáo có phần hy vọng, có phần cầu nguyện nhưng đạo Phật không phải chỉ là một tôn giáo, đạo Phật là tuệ giác và tuệ giác đó có thể đem lại hạnh phúc cho chúng ta ngay trong giây phút hiện tại.
Như phương pháp thiền hành, gọi là thiền đi, chúng tôi thực tập mỗi ngày. Khi chúng tôi đem tâm về với thân, có mặt thật sự trong giây phút hiện tại thì chúng tôi tiếp xúc được ngay với bao nhiêu là mầu nhiệm của sự sống đang có mặt: Trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở... Tất cả những cái mầu nhiệm đó của sự sống có mặt trong giây phút hiện tại và ta phải trở về giây phút hiện tại mới có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm đó của sự sống. Những mầu nhiệm đó sẽ nuôi dưỡng ta và làm cho chúng ta thấy rằng sự sống là một cái gì hết sức mầu nhiệm. Đi thiền hành (walking meditation) là đem tâm thân về với nhau, mỗi bước chân đưa ta trở về với giây phút hiện tại để ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm sự sống. Mỗi bước chân đem lại vững chãi, thảnh thơi, hạnh phúc và chúng ta bước như là đang bước ở cõi Tịnh Độ hay là ở cõi Thiên Đường.
Tôn giáo hay diễn giải rằng Thiên Quốc hay Thiên Đường chỉ nằm ở tương lai và nằm ở chỗ khác. Nhưng mà theo tuệ giác của đạo Phật thì cõi gọi là Tịnh Độ, gọi là Niết Bàn có mặt ngay trong giờ phút hiện tại với tất cả những mầu nhiệm của nó. Khi mình đem tâm trở về với thân và mình có mặt đích thực trong giây phút hiện tại thì mình tiếp xúc được với tất cả những mầu nhiệm của Niết Bàn, của Tịnh Độ và mỗi bước chân mình đặt vào Tịnh Độ (mà không đặt ra ngoài). Vì vậy thiền hành nghĩa là thực tập sống hạnh phúc, sống vững chãi, sống thảnh thơi và sống tự do trong giây phút hiện tại. Phần lớn chúng ta đều tin rằng hạnh phúc chỉ có thể có được trong tương lai cho nên ai cũng bương bã đi tìm hạnh phúc trong tương lai. Chúng ta nghĩ rằng những điều kiện hạnh phúc chưa đủ, chúng ta cần một vài điều kiện nữa và những điều kiện đó chúng ta phải đi tìm ở tương lai. Hầu hết chúng ta đều hy sinh giây phút hiện tại để đi tìm hạnh phúc trong tương lai. Đó là lầm lỗi căn bản.
Đức Phật nói rằng chúng ta có thể sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, đó gọi là Hiện Pháp Lạc Trú. Hiện pháp tức là giây phút hiện tại, lạc trú là sống hạnh phúc. Đem tâm trở về với thân và có mặt thật sự trong giây phút hiện tại, khi đó ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại. Ta sẽ thấy rằng những điều kiện hạnh phúc ta đang có, dư sức để có thể có hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Ví dụ như quý vị thực tập thế này:
Thở vào tôi có đôi mắt sáng,
Thở ra tôi mỉm cười vì hai con mắt sáng của tôi.
Hai con mắt sáng là điều kiện rất lớn của hạnh phúc vì chỉ cần mở mắt ra là ta thấy trời xanh mây trắng, thấy rõ cái khuôn mặt dễ thương của đứa con mình. Tôi cũng có thể ý thức là mình đang có một trái tim còn tốt, nó đang hoạt động bình thường. Bởi vì có những người có trái tim không bình thường và họ đang mong ước có trái tim bình thường như chúng ta. Chúng ta có rất nhiều điều kiện của hạnh phúc, nếu chúng ta trở về giây phút hiện tại, tiếp xúc với điều kiện của hạnh phúc thì chúng ta hạnh phúc liền lập tức và chúng ta không cần đi tìm cầu những điều kiện khác của hạnh phúc.
Tôi xin đề nghị, quý vị lấy một tờ giấy, viết xuống những điều kiện may mắn mà quý đang có, điều kiện hạnh phúc mà quý vị đang có, quý vị sẽ thấy rằng hai trang giấy không đủ để quý vị ghi xuống những điều kiện hạnh phúc mà quý vị đang có. Vì vậy phương pháp của Đức Phật rất nhiệm mầu: đừng nuối tiếc quá khứ, đừng tưởng tới tương lai, quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới. Đó là lời của Đức Thế Tôn. Người thức giả trở về giây phút hiện tại, nhận diện được rằng, trong giây phút hiện tại mình có quá nhiều những điều kiện hạnh phúc và mình có thể có hạnh phúc được liền lập tức.
Niết Bàn cũng như Tịnh Độ, mình có thể tiếp xúc được ngay trong giây phút hiện tại. Tại sao phải đợi chờ nữa? Hầu hết chúng ta đều mê tín rằng trong giây phút hiện tại chúng ta chưa hạnh phúc được. Hạnh phúc là phải đi kiếm ở tương lai một vài điều kiện nữa cho nên chúng ta phải hy sinh giây phút hiện tại. Theo tuệ giác của đức Thế Tôn thì sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại: Quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới, muốn ước hẹn với sự sống phải trở về với giây phút hiện tại. Một hơi thở có ý thức, một bước chân có ý thức, giúp cho chúng ta đem tâm trở về với thân và có mặt đích thực trong giây phút hiện tại. Đó là sự thật đầu tiên của những người giác ngộ mà tất cả quý vị đều có thể làm được. Không có tuệ giác, có thể cho đó là mê tín nhưng khi có tuệ giác rồi thì đó là một sự thật rất khoa học. Chúng ta đừng bị hình tướng bên ngoài đánh lừa. Trong Kinh Kim Cương có nói rằng: Chỗ nào có hình tướng là chỗ đó có sự đánh lừa 13*. Chỉ có tuệ giác mới giúp chúng ta được tự do và giúp chúng ta không bị đánh lừa bởi hình tướng đó.
Nhà bác học Einstein có nói rằng: Nếu có một tôn giáo nó có thể đi đôi được với khoa học thì tôn giáo đó là Phật giáo. Chúng tôi thấy rằng khi chúng ta học khoa học cho đến nơi đến chốn thì chúng ta có thể hiểu Phật giáo sâu sắc hơn. Ví dụ như khi đọc Kinh Hoa Nghiêm, quý vị sẽ thấy quan điểm: Một là tất cả, tất cả là một (nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất) 14*. Bây giờ chúng ta nhìn vào khoa sinh vật học chúng ta thấy khoa học bây giờ có khả năng lấy một tế bào trong cơ thể và làm ra một cơ thể khác y hệt như tế bào cha, đó gọi là cloning. Trong cơ thể chúng ta có hai loại tế bào, tế bào mầm và tế bào sinh dưỡng. Chúng ta lấy bất cứ một tế bào sinh dưỡng nào, rồi ta bỏ đói nó chừng hai ba ngày thì nó sẽ trở thành một tế bào mầm và khi đó chúng ta lấy một cái trứng trong buồng trứng của một phụ nữ, nạo hết cái nội dung ra, rồi chúng ta đặt tế bào mầm này vào trong cái vỏ trứng đó và chúng ta cho một luồng điện đi ngang qua thì nó khép lại. Chúng ta gửi cái trứng đó vào trong tử cung của một người phụ nữ để nuôi, sau chín tháng thì đứa con được sinh ra, nó là một bản sao y hệt của tế bào cha.
Sinh sản như thế gọi là sinh sản theo dòng vô tính. Nếu chúng ta lấy ra một ngàn tế bào thì chúng ta có thể làm ra một ngàn đứa bé. Gia tài di truyền đó đồng nhất với gia tài di truyền của người gốc. Chúng ta thấy rất rõ mỗi tế bào của cơ thể nó chứa đựng tất cả những tế bào khác, chỉ cần bất cứ một tế bào nào trong cơ thể thì chúng ta có thể làm một con người toàn vẹn. Điều đó chứng minh: Cái một chứa đựng cái tất cả. Chúng ta đã từng nghe rằng, mỗi tế bào của chúng ta chứa đựng tất cả những dữ kiện, tất cả những gia sản di truyền của tất cả các thế hệ cha ông của chúng ta. Nếu có một máy đọc tinh vi chúng ta có thể có đủ những dữ kiện về các thế hệ của tổ tiên chúng ta, tất cả những dữ kiện đó chỉ cần nhìn trong một tế bào. Vì vậy giáo lý Hoa Nghiêm gọi cái một chứa đựng tất cả, nó đã được khoa học hiện giờ chứng minh, xác định được. Điều đó cho ta thấy tôn giáo không có nghĩa là trái, chống với khoa học kỷ thuật.
Tôi đã từng giảng dạy trong những đại hội của người Cơ đốc giáo và tôi đã khuyến cáo, đã khuyên những nhà thần học nên hiện đại hóa cách giảng dạy và cách thực tập. Tôi nói rằng: Cái mà quý vị gọi là Thiên Quốc, có thể có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Đó là tôi căn cứ trên truyền thống đạo Phật. Những mầu nhiệm của sự sống chúng ta có thể tiếp xúc được trong giây phút hiện tại. Tôi có nói rằng, anh không cần phải chết đi mới đi vào Thiên Quốc được mà theo nguyên tắc, anh sống anh mới có thể đi vào trong Thiên Quốc. Với năng lượng của niệm, của định, anh bước một bước, anh có thể đi vào trong Thiên Quốc ngay trong giây phút hiện tại. Các nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo nếu muốn cho người thanh niên, những người trẻ không bỏ nhà thờ đi như họ đã và đang làm thì phải cung cấp giáo lý và sự thực tập nào đó để giúp cho người đương thời có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại để có được Thiên Quốc ngay bây giờ và ở đây thì thanh niên họ mới không đi tìm hạnh phúc ở chiều hướng của ma túy, của danh lợi, của quyền hành, của sắc dục.
Ở trong thánh kinh có nói về một câu chuyện của một người nông dân khám phá ra được một kho tàng trong một thửa ruộng, rồi về bán hết tất cả mọi thứ khác của mình để mua cho được cái thửa ruộng đó, tại vì anh thấy thửa ruộng đó là quý giá nhất. Ở đây cũng vậy, khi khám phá ra tất cả những mầu nhiệm của sự sống, khám phá ra Tịnh Độ và Niết Bàn là những gì có mặt ngay trong phút hiện tại thì mình có thể buông bỏ tất cả những cái khác như danh vọng, sắc dục và uy quyền. Nếu chúng ta có thể cung cấp được những giáo lý và phương pháp thực tập giúp cho con người sống được hạnh phúc trong giây phút hiện tại, có cơ hội chế tác trí tuệ và tình thương, khi đó hạnh phúc lớn lắm thì mình có thể buông bỏ được tất cả những đối tượng của tham đắm, của quyền hành và của dục vọng. Có những vị lãnh đạo của Cơ Đốc giáo thấy được giá trị của sự thực tập đó và họ đã đi theo.
Tôi nghĩ, nó tùy thuộc theo cách mình thấy mà thôi, cái đó có thể là tôn giáo, là mê tín nhưng nếu mình có thể có một nhận thức sâu sắc hơn nhờ có tuệ giác thì mình biết đó là một thực tại hiện thực và rất khoa học. Cũng như là khi tôi nói với những người Tây phương về bàn thờ ông Địa ở Việt Nam. Mỗi khi chúng ta đến đất mới chúng ta phải cúng đất đai. Tôi giải thích cho các bạn Tây phương rằng trong văn hoá Việt Nam khi đến một vùng đất mới, chúng tôi phải chứng tỏ sự cung kính, muốn hòa bình với vùng đất đó thì chúng tôi thiết lập bàn thờ ông Địa và cam kết rằng mình sẽ sống như thế nào để tôn trọng, để bảo tồn được đất và nước ở vùng đó. Bàn thờ ông Địa này không phải là mê tín mà là một hành động cam kết sẽ tôn trọng sinh môi, sẽ không để cho vùng này bị ô nhiễm, bị phá hoại.
Người Tây phương và thế hệ trẻ ngày nay họ chấp nhận một cách rất trân quý việc thiết lập bàn thờ ông Địa. Ban đầu quý vị có thể nói rằng thờ ông Địa là một hành động mê tín nhưng nếu chúng ta chuyển hướng nhận thức của chúng ta thì thờ ông Địa là một hành động rất hiện đại, một lối sống rất đẹp đẽ và rất ý nghĩa. Vậy ông Địa là gì? Là sự có mặt của tinh thần trách nhiệm, là sự tôn trọng sinh môi, hoàn cảnh mà chúng ta đang sống. Đời nay, phần đông chúng ta đang đi ngược lại lối sống đẹp đẽ đó, chúng ta đang phá hoại môi sinh của chúng ta, đang làm ô nhiễm môi sinh của chúng ta và như vậy chúng ta đang không thờ ông Địa.
Thờ ông Địa là phải kính trọng đất nước và hoàn cảnh trong đó mình sống. Mình phá rừng, mình làm cho ô nhiễm sông hồ tức là mình không có niềm kính trọng đó. Tổ tiên chúng ta thiết lập bàn thờ ông Địa nghĩa là tổ tiên chúng ta đã có ý muốn tôn trọng sinh môi, muốn giữ gìn vùng đất, nước và những khu rừng này. Thành ra tùy theo cách mình nhìn, cái đó là cái gì rất mê tín hay là cái gì rất khoa học, tất cả đều do tâm của mình, tất cả đều do nhận thức của mình hết.
Hỏi: Khi nói đến đạo Phật là nói đến sự giác ngộ, đến tuệ giác, đến trí tuệ. Điều ấy có nghĩa là đạo Phật không chấp nhận những vấn đề mê tín dị đoan. Vậy thì theo Thiền sư hiện nay chúng ta có cách nào tốt nhất để khắc phục hiện tượng mê tín dị đoan trong chùa, trong lễ hội và kể cả trong thờ cúng tổ tiên.
Thiền sư Nhất Hạnh: Câu hỏi này quan trọng lắm, thuộc về vấn đề giáo dục. Cái mê tín hôm nay có thể trở thành cái không mê tín của ngày mai. Trước hết, khi đi vào chùa thấy tượng Phật, mình thắp hương, mình vái, mình xá tượng Phật, đó cũng có thể là mê tín rồi. Theo tuệ giác của đạo Phật, Phật tức là khả năng hiểu và thương, đại từ, đại trí, đại bi, còn cái tượng kia đâu phải là Phật mà chỉ là một biểu tượng, một cái gì bằng đồng thôi. Thường những người mới bắt đầu thực tập nghĩ rằng Phật ở ngoài mình nhưng nếu thực tập cho giỏi và có người hướng dẫn đàng hoàng thì trong một thời gian ngắn sẽ thấy Phật nằm ở trong tâm. Nhưng mà luôn luôn phải bắt đầu, bằng chỗ mới bắt đầu. Ban đầu thấy Phật ở ngoài, ở trên bàn thờ, rồi sau đó mới thấy Phật ở trong tâm thì đối với những người kia cũng vậy.
Chúng ta biết rằng khi mà chúng ta có bàn thờ tổ tiên, chúng ta phải thắp hương và thắp hương như vậy không có nghĩa là tổ tiên ngồi trên bàn thờ. Khi chúng ta thắp hương như vậy, chúng ta có cơ hội tiếp xúc với tổ tiên ở trong từng tế bào của cơ thể. Cái đó rất khoa học nhưng người ta nhìn vào có thể thấy đó như là mê tín. Chúng ta biết rằng theo truyền thống văn hóa chúng ta thì tổ tiên chúng ta có quyền biết được những gì đang xẩy ra cho con cháu. Khi gả con gái cho một anh chàng ở bên làng bên thì chúng ta phải cáo với tổ tiên, làm mâm cúng hoặc trái cây hoặc cái gì đó. Chúng ta phải thắp hương và khấn: Xin cáo với tổ tiên là chúng con mới vừa hứa gả con gái cho cái anh chàng ở bên làng bên. Theo truyền thống, tổ tiên phải được biết điều đó. Khi khấn như vậy tức là chúng ta nói với tổ tiên ở trong tế bào cơ thể, chứ không phải tổ tiên đang ngồi trên bàn thờ như là một thực tại ở ngoài. Ở ngoài hay trong là tùy theo trình độ, kiến thức, tuệ giác của từng người mà thôi. Có những người họ chưa đạt tới cái thấy như vậy, chúng ta phải tìm cách để đưa họ đi từ từ, từ chỗ thấp đến chỗ cao, chứ đừng vội nói với họ cái đó là mê tín.
Ví dụ như tục đốt vàng mã, áo quần bằng giấy cho người chết, chúng ta có thể nói đó là mê tín, vì làm thế nào để đốt cái áo đó rồi gởi xuống một cõi khác mà người ta có thể mặc được? Nhưng chúng ta phải thấy giá trị văn hóa ở trong hành động đó. Chúng ta phải thấy rằng niềm tiếc thương của mình đối với người chết, đối với người đã khuất khiến mình biểu lộ tình thương đó dưới những hình thức này hay hình thức kia, trong đó có hình thức cúng tiền giấy và cúng áo quần giấy. Tôi có viết đoản văn Bông Hồng Cài Áo, nói về tình mẹ, tình cha. Tôi nói với những người trẻ rằng: Đến ngày rằm tháng bảy, mình có thể in tập này ra và tổ chức những buổi lễ Bông Hồng Cài Áo.
Những buổi lễ Bông Hồng Cài Áo của chúng tôi tổ chức như thế này: Người nào còn mẹ được cài bông hoa màu hồng còn những người nào mất mẹ được cài một bông hoa màu trắng. Khi được cài một bông hoa màu hồng thì mình rất hãnh diện vì mình còn có mẹ và hạnh phúc của mình rất lớn. Còn khi được cài một bông hoa màu trắng thì mình ý thức rằng tuy mẹ của mình đã mất rồi nhưng mình có cơ hội để nhớ mẹ. Buổi lễ đó gọi là lễ Bông Hồng Cài Áo, phát xuất từ một đoản văn của chúng tôi viết tại Princeton năm 1962 và đã thành một truyền thống rồi. Hiện giờ ở các nước, nhất là ở Việt Nam đang thực tập lễ đó. Khi thực tập như vậy, chúng ta có cách thức biểu lộ tình thương của chúng ta một cách hiện đại hơn mà chúng ta khỏi phải đi mua giấy tiền vàng bạc gì cả. Cả hai đều có giá trị văn hóa là tưởng nhớ đến người thương. Một bên tổ chức cái lễ rất là trẻ, rất là văn nghệ, rất là hay còn bên kia phải đi mua giấy vàng bạc, mướn người làm áo quần bằng giấy để đốt. Chúng ta phải nhớ rằng cả hai đều có giá trị văn hóa. Nếu chưa tìm ra được những phương tiện khác để biểu lộ được tình cảm đó thì chúng ta chớ vội chấm dứt cái kia. Khi tổ chức được lễ Bông Hồng Cài Áo rồi thì chúng ta có thể khuyên rằng thay vì đốt tiền giấy với vàng mã, chúng ta làm cái lễ này. Nhưng các bạn nên nhớ, khi chưa cống hiến được cho họ những phương tiện để biểu lộ thứ tình cảm cao đẹp đó thì chúng ta đừng chấm dứt những cái kia. Chính những cái kia nuôi dưỡng được tình nghĩa, tuy là mê tín nhưng có giá trị văn hóa ở trong đó. Chúng ta phải rất cẩn thận mới được, nếu không, chúng ta chấm dứt truyền thống ân nghĩa của chúng ta thì đó là một thiệt thòi lớn. Nói đến vấn đề giáo dục quần chúng cho khéo thì chúng ta phải giúp cho người ta đi từ chỗ thấp đến chỗ cao từ từ.
Nhân đây tôi xin nói một câu chuyện vui là, trong thiền học có câu như thế này: Trước khi tôi tu thiền thì tôi thấy núi là núi, sông là sông. Trong khi tôi tu thiền, tôi thấy núi không là núi nữa, sông không là sông nữa. Sau khi tôi tu đã tạm vững rồi, tôi thấy núi lại là núi, sông lại là sông 15*. Câu nói đó rất là ngộ nghĩnh, nó là biện chứng pháp của Phật học, của thiền học. Vì sao? Khi nhìn vào đứa con và mình nói đây là đứa con tức là mình chưa thấy được đứa con. Nếu nhìn vào đứa con, mình thấy người cha trong đứa con thì lúc đó mình bắt đầu thấy được đứa con. Cũng như khi nhìn vào đám mây mà chỉ thấy mây là đám mây thôi thì chưa chắc mình đã thấy được đám mây. Nhìn vào đám mây, phải thấy được nước sông, nước hồ và sức nóng của mặt trời thì mới bắt đầu thấy được đám mây. Nhìn vào đám mây, thấy được cơn mưa, lúc đó mình mới thấy được đám mây sâu sắc hơn vì mình đã nhìn bằng con mắt vô tướng. Ở trong Kinh Kim Cương có những câu không thể hiểu được, nếu không đặt câu đó dưới ánh sáng của biện chứng pháp Phật giáo: Cái mà tôi gọi là vị Bồ Tát, đó không phải là vị Bồ Tát thì mới thật sự là một vị Bồ Tát. Khi nhìn vào sông, thấy núi ở trong đó mới thấy sông một cách đích thực. Khi nhìn vào núi thấy sông ở trong núi, lúc đó mới thấy núi một cách đích thực. Khi nhìn vào đứa con mà thấy người cha trong đó, lúc đó mới thấy đứa con được rõ ràng và thấy được cái tự tính của đứa con.
Khi nhìn vào kẻ thù mà thấy được người bạn, một người bạn tương lai vì trong kẻ thù đó có thể có hạt giống của người bạn và nếu mình có thể tưới tẩm hạt giống người bạn ở trong người kẻ thù kia, kẻ thù kia sẽ tan biến để mình có một người bạn. Cái đó rất là mầu nhiệm. Một đứa con hư thường mình chỉ thấy cái hư của nó thôi chớ không thấy được cái tốt của đứa con nhưng nếu mình biết cách tưới tẩm hạt giống tốt trong nó thì từ một đứa con hư sẽ trở thành một đứa con tốt.
Vì vậy nguyên tắc đồng nhất 16* là trở ngại rất lớn cho nhận thức của chúng ta. Khi chúng ta đưa ra một nhận xét, nhận xét đó có thể gọi là chính đề. Chúng ta nhìn cho kỹ thì có sự mâu thuẫn trong chính đề đó, tức là phản đề. Chính phản đề đó giúp cho chúng ta thấy chính đề rõ ràng hơn trong hình thái tổng hợp đề đó, cứ như vậy, chúng ta càng thấy được sâu hơn trong bản chất của sự thật. Mâu thuẫn dẫn đạo sự đi tới là như vậy. Trong cái A có thể thấy được cái phi A, cho nên chúng ta thấy được chiều sâu của cái A, chúng ta không có bị kẹt vào cái tướng. Con mắt vô tướng là như vậy.
Hỏi: Xin hỏi về hai khái niệm của Phật giáo, khái niệm thứ nhất về vô thường, khái niệm thứ hai là vô ngã trong câu nói: Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã. Mong thiền sư giải đáp dùm.
Thiền sư Nhất Hạnh: Vô thường, vô ngã hai cái là một. Đứng về phương diện thời gian mà nhìn thì đó là vô thường. Đứng về phương diện không gian mà nhìn thì đó là vô ngã. Khi nhìn đứa con, mình nghĩ đứa con là một thực tại độc lập đối với người cha, đứa con là khác, người cha là khác thì mình chưa thấy được tính vô ngã của đứa con. Khi nhìn người cha mà không thấy đứa con là mình thì chưa thấy được tính vô ngã của người cha, mình bị kẹt vào ý niệm, đứa con là một thực tại hoàn toàn riêng biệt.
Mình biết rất rõ, theo khoa học, đứa con là sự tiếp nối của người cha, đứa con không là một thực tại riêng biệt đối với người cha, đó là vô ngã mà vô ngã là vô thường. Cũng như hạt bắp biến chuyển thành ra cây bắp. Người cha tiếp tục biến chuyển thành ra đứa con và đứa con mang người cha đi tới. Thành ra nhìn vào đứa con mình thấy được vô thường, thấy được vô ngã. Ngã tức là một thực tại bất biến, độc lập. Trong khi quan sát, chúng ta không thấy một cái gì có một cái ngã, có một thực tại bất biến độc lập. Cho nên nếu ta nói hạt bắp năm xưa với cây bắp bây giờ là hai thực tại độc lập, hoàn toàn riêng biệt là chúng ta chưa thấy tính vô ngã của hạt bắp, của cả cây bắp. Vì vậy vô ngã là một sự thật. Đứng về phương diện vật lý cũng như đứng về phương diện tâm lý, vô ngã, tại vì nó vô thường, vì vô thường cho nên nó vô ngã. tia chun sat5u
Phát biểu của một thành viên Hội Đồng Tư Vấn Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc
Tôi nghiên cứu về triết học nói chung và đặc biệt về triết học Mác xít. Hôm nay sau lúc nghe Thiền Sư trình bày một số vấn đề, tôi rất là thú vị và tôi mong ước: Ở trong xã hội Việt Nam chúng ta, làm sao cho những vấn đề thuộc về mặt thế giới quan, nhân sinh quan, chúng ta có thể thiết lập được một sự đối thoại thoải mái, bình đẳng, tin cậy nhau giữa những người Mác xít và những người có niềm tin tôn giáo, ví dụ như là Phật giáo. Thiền sư cũng thừa nhận rằng trong Phật giáo cũng có phần tôn giáo, đồng thời nói về mặt triết lý, nói về mặt nhân sinh có rất nhiều nhận thức sâu sắc mà Thiền sư đã trình bày. Tôi thấy cần tạo điều kiện để tổ chức những cuộc đối thoại như hôm nay bởi vì chính Thiền sư trong lúc trình bày cũng không phải chỉ nói đơn thuần về những điều trong Phật giáo, Thiền sư cũng đã vận dụng cả những kiến thức văn hóa Tây phương ví dụ như thiền sư nói đến những là Lavoisier, Descartes và nói đến những thành tựu rất mới, rất hiện đại của sự phát triển khoa học hiện nay. Có điều thú vị là nhiều môn khoa học hiện nay chứng minh rằng những cái thấy của thời đại rất là xa xưa, những cái thấy đó mình cho là rất lý thuyết. Nhưng lạ thay với khoa học thực tiển mà chúng ta đang sống, chính nó đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng chúng ta không thể xem thường những giá trị đã định hướng cho sự nhận thức những lý thuyết xa xưa.
Hiện nay, tôi cũng vẫn tiếp tục giữ niềm tin Mác xít của mình và theo tôi nghiên cứu về chúng trong lịch sử phát triển của học thuyết Marx, không phải lúc nào Marx cũng đúng, không phải là Marx không có những cái sai lầm. Vì vậy, bây giờ tuy tôi giữ rất vững niềm tin Mác xít của tôi, tôi vẫn nói, chúng tôi, những người Mác xít Việt theo thời đại mới này và theo quan điểm của Đảng Cộng Sản Việt Nam, những người Mác xít Việt Nam đang làm một cuộc nhận thức lại, một cuộc đổi mới trong đó có phần đổi mới tư duy của mình. Trong cái đổi mới tư duy đó, có phần đổi mới tư duy về vấn đề tôn giáo. Bởi vì, tôi nói một cách thẳng thắn, những người Mác xít đã từng có lúc hiểu rất sai về tôn giáo và vì thế mà người Mác xít, vốn vẫn tự cho mình là chủ nghĩa vô thần, chiến đấu một cách sai lầm chống tôn giáo. Những điều đó đã đưa đến hậu quả không phải là ít đâu. Chúng tôi phải công khai thừa nhận. Bây giờ nói với các tôn giáo, chúng tôi không còn nói nó có nhiều mặt tiêu cực, mặt vô bổ. Chúng tôi phải nói, nó có những mặt tích cực, có giá trị quý báu, trong đó, ví dụ như những cái mà hôm nay thiền sư trình bày. Thiền sư nói nhiều về tuệ giác, nhận thức quý báu về văn hóa và về đạo đức. Đường lối của đảng Cộng Sản Việt Nam bây giờ đã khẳng định những giá trị ấy về tôn giáo và muốn làm sao xây dựng cái nền văn hóa Việt Nam mới trong đó phải bao gồm tất cả những yếu tố tinh hoa tích cực trong bất cứ những trào lưu tư tưởng hay lý thuyết nào đã từng có trong lịch sử. Đó là một điều rất thú vị. Tôi mong rằng, có nhiều cuộc đối thoại như thế nầy trên tinh thần cởi mở như hôm nay, tin cậy thẳng thắn như hôm nay vì sự nghiệp của đất nước và vì hạnh phúc dân tộc của chúng ta. Điều đó nếu được hiểu biết đúng đắn, cởi mở và khoan dung. Khoan dung theo tôi hiểu, không phải là ai đấy đứng bên trên và nói là tôi khoan dung với anh đâu! Khoan dung đây tức là tôn trọng nhau, bình đẳng lắng nghe nhau để có thể nói chuyện được với nhau. Nếu được như vậy thì rất bổ ích.
Điều thứ hai tôi cũng muốn nêu với Thiền sư như thế nầy, chúng ta bây giờ là đang tọa đàm, tôi thấy nói về tuệ giác như thiền sư nói đó, chủ yếu là nói những vấn đề nhận thức về cái tâm của mình. Các cái đó thì cực kỳ quan trọng, cái sức mạnh ấy ghê gớm lắm. Nhưng vốn là một người Mác xít, tôi thấy như thế này, có thể nếu nói như Thiền sư, có phải là ta đang tuyệt đối hóa vai trò của nội tâm và vai trò của tu dưỡng, sức mạnh bên trong của mình chăng? Theo người Mác xít và theo kinh nghiệm của tôi, tôi thấy như thế này: Sức mạnh tâm linh, sức mạnh của tinh thần là sức mạnh có một giá trị không thể tưởng tượng, không thể lường được, có thể nói chúng ta đánh thắng Pháp, thắng Mỹ là nhờ cái sức mạnh tinh thần ấy. Ta không thể nói chủ yếu là từ yếu tố vật chất. Đành rằng vật chất cũng phải có nhưng mà sức mạnh tinh thần là cái sức mạnh đầu tiên, đó là sức mạnh vô địch của dân tộc chúng ta. Nhưng mà mặt khác, tôi nghĩ như thế này, cũng không thể chỉ tuyệt đối hóa cái yếu tố ấy. Chúng ta phải nhận thức cái nội tâm của chúng ta nhưng chúng ta cũng phải nhận thức cái thế giới bên ngoài. Cho nên vấn đề mà ta gọi nôm na như thế này, vấn đề trời và đất, vấn đề đạo và đời, vấn đề bản thân chúng ta và hoàn cảnh khách quan, những chuyện đó là những chuyện nó cần một quan điểm như thế nào cho toàn diện và tổng thể hơn. Mà thực ra quan niệm tổng thể như vậy, trong cách trình bầy của Thiền sư về tuệ giác nó cũng bao gồm chuyện đó. Có thể nói là Thiền sư đã nói về có và không, ví dụ như Thiền sư nói trong con có cha mẹ cái đó nó cũng phù hợp với cái ở bên Mác xít gọi là phép biện chứng. Phép biện chứng nói đến sự bất tận không bao giờ có sự bắt đầu, không bao giờ có cái chỗ kết thúc. Nhưng mà đồng thời tôi muốn nói đến cái sức mạnh tâm linh.
Trước đây, tôi là một người Mác xít, chỉ nói đến duy tâm duy vật một cách rất là thô thiển. Nhưng mà bây giờ tôi nói thế này, tôi là một người Mác xít vẫn khẳng định giải quyết vấn đề cơ bản là vấn đề duy tâm và duy vật, nhưng đồng thời tôi là một người Mác xít thừa nhận có cái thế giới tâm linh. Thế giới tâm linh có cái giá trị cao đẹp của nó và nó hiện diện tự nhiên ở trong từng con người. Đó là những cái mà trước đây những người Mác xít theo quan điểm thô thiển, đã từng xem thường nó, đã từng có cái thấy lệch lạc về nó. Nhưng mà tôi muốn gợi ý với Thiền sư như thế này: Nói đến cái tuệ giác, nói đến thế giới bên trong và toàn thiện, cái thế giới của chúng ta, nói đến vai trò của giáo dục nhưng mà đồng thời, theo tôi nghĩ, chủ nghĩa Marx nói đúng khi nói rằng muốn cải tạo thế giới, phải cải tạo nó bằng thực tiển, thay đổi hoàn cảnh khách quan là một điều cực kỳ quan trọng và có thể quyết định để thúc đẩy thế giới tiến tới, trong đó kể cả vấn đề tạo ra điều kiện tốt nhất để hoàn thiện thế giới bên trong của chúng ta.
Tôi xin cảm nhận và nói ra một số vấn đề và mong về sau này giữa Phật giáo mà theo quan điểm tuệ giác của Thiền sư và quan điểm của chúng tôi có gì cùng trao đổi.
Thiền sư Nhất Hạnh: (tiếp lời) Theo tôi thì Karl Marx có một đời sống tâm linh rất sâu sắc, có một chiều hướng tâm linh trong cuộc sống rất là sâu, Marx có cái nhu yếu tâm linh thâm sâu. Tôi nghĩ rằng là những người Phật tử là những người nối tiếp Phật Thích Ca, phải tiếp tục khai triển cái tuệ giác của Bụt, để tuệ giác đó có thể cung cấp, thỏa mãn được nhu yếu của con người hiện đại. Trong thời đại của đức Thích Ca, dầu là ở một thời xa xưa, đã làm được công việc đó. Những thế hệ Phật tử đi sau đức Thích Ca, phải tiếp tục đưa tuệ giác đó khai mở thêm, để nó có thể tiếp tục làm thỏa mãn những nhu yếu của thời đại.
Tôi nghĩ rằng bên truyền thống của Mác xít cũng vậy, quý vị là những người tiếp nối của Marx, quý vị phải tiếp tục sự nghiệp của Marx, phải khai mở, phải phát triển không ngừng. Điều đó là điều dĩ nhiên, nếu không truyền thống đó nó sẽ bị ứ đọng, nó sẽ chết. Điều này đúng với tất cả các truyền thống chứ không phải chỉ đối với đạo Phật hoặc là truyền thống Mác xít mà thôi. Điều tôi muốn nói là bây giờ trong ngành khoa học thần kinh não, họ tìm ra những hoạt động bé nhất đối với não bộ, nó có tính cách khách quan mà thỉnh thoảng nó lại trở thành ý thức chủ quan.
Câu hỏi căn bản mà bây giờ họ đặt ra là: Làm sao những hoạt động vi tính vốn là một hiện thể khách quan của não bộ mà trở thành ra ý thức chủ quan được? Tại sao một cái từ khách quan mà trở thành ra chủ quan? Tại sao vật lại trở thành tâm? Tôi thấy cái kẹt của những nhà khoa học là ở quan điểm lưỡng nguyên của họ về tâm và về vật. Có rất nhiều người trong chúng ta cũng bị kẹt vào cái quan điểm lưỡng nguyên giữa tâm và vật. Trong khi đó, khoa y học có từ psychosomatic để chỉ chung tâm vật, có khi gọi là thân tâm. Psycho là tâm, soma là thân, psychosoma là thân tâm.
Trong đạo Phật thì có danh từ nàma-rupa, nàma là tâm, rupa là thân và nó được đi đôi với nhau. Có khi mình thấy cái thực tại, nó hiện ra như là một thực tại vật chất, nhưng cũng có khi cũng là cái thực tại đó, nó hiện ra với đặc tính của tinh thần. Trong giới khoa học nguyên tử bây giờ, đơn vị nhỏ nhất của vật chất gọi là chất điểm (particle). Khi các nhà khoa học vật lý nghiên cứu thì thấy có khi chất điểm hiện ra dưới một hình thái của một đợt sóng (wave) nhưng cũng có khi khác, cái đợt sóng đó lại hiện ra với hình thái của một hạt (particle). Cũng cái đó mà có khi nó biểu hiện như hạt, có khi nó biểu hiện như sóng. Thế thì kết luận như thế nào đây? Nó là hạt hay là nó sóng? Vì thế các nhà khoa học bây giờ phải đồng ý đặt ra một tên gọi nó là sóng hạt (wavicle) 17*. Họ phải làm như vậy vì trước đó họ kẹt vào quan niệm lưỡng nguyên: hạt và sóng là hai cái khác nhau.
Người ta đã vượt được quan điểm lưỡng nguyên đó, người ta chấp nhận hạt và sóng là một. Quan niệm tâm và vật cũng vậy, mình có thể bắt đầu nghĩ rằng tâm là cái không phải là vật, vật là một cái khác ở ngoài tâm. Nhưng trong lĩnh vực y khoa, người ta thấy rằng những cái gì xẩy ra cho tâm, nó ảnh hưởng tới thân. Những cái gì xẩy ra cho thân, nó ảnh hưởng đến tâm, cho nên danh từ psychosomatic cho chúng ta thấy rằng nói là tâm chưa chắc nó là tâm, nói là thân nhưng chưa chắc nó là thân. Thực tại con người chúng ta cũng thế. Ta nên tập nhìn thân tâm như hai mặt của một thực tại con người mình. Trong đạo Phật hay nói đến danh-sắc. Danh tức là nàma, sắc tức là Rupa. Nàma là tinh thần, rupa là vật chất. Hai cái đó mình tưởng là hai cái riêng biệt, kỳ thực nó là một và như vậy mình siêu việt được quan niệm lưỡng nguyên về vật chất và tinh thần, về tâm và về vật, về thân và về tâm.
Trước hết mình nói rằng nếu tôi thấy được hoa hồng này là vì tôi lấy cái tâm để thấy hoa hồng. Hoa hồng là đối tượng cái thấy của tôi. Quan điểm đó hoàn toàn đúng, tại vì khi mình nói tôi thấy hoa hồng tức hình ảnh một đóa hoa nó hiện trong đầu mình. Hình ảnh đó còn được gọi là tri giác của mình về đóa hoa, tiếng Pháp gọi là perception. Thấy bao giờ cũng phải là thấy một cái gì, không thể nào có chủ thể thấy tồn tại độc lập ra ngoài đối tượng thấy được. Thấy, phải thấy cái hoa, cái cây hay cái nhà. Chứ không có cái thấy tồn tại riêng một mình nó. Ý thức bao giờ cũng là thức về một cái gì, thấy tức là phải thấy cái gì hay tri giác phải luôn luôn tri giác về một cái gì. Khi có một cái thấy, cái tri giác về bông hồng, tôi nói rằng, đối tượng của tri giác là bông hồng, đối lại với cái chủ thể của tri giác, tức là cái thấy của tôi. Hai cái đó (chủ thể và đối tượng) không thể tồn tại độc lập được, chủ thể tri giác và đối tượng tri giác, phải có cùng một lần, cái sujet (subject) và cái objet (object), phải phát sinh cùng một lúc. Cho nên bông hồng trước hết là đối tượng của tri giác, mà đối tượng tri giác là một phần của tri giác, vì vậy khi ta nói đến tri giác, ta có thể hỏi: Tri giác đó là tâm hay là vật?
Nhờ nhìn kỹ như thế nên chúng ta có thể vượt thẳng được quan điểm lưỡng nguyên. Chúng ta sẽ tiết kiệm được không biết bao nhiêu là nước bọt, không biết bao nhiêu là giấy mực khi chúng ta vượt thắng được quan điểm lưỡng nguyên, giữa thân và tâm, giữa tâm và vật. Điều nầy rất hứng thú vì đạo Phật trình bày tinh thần bất nhị, tinh thần vượt thắng lưỡng nguyên này rất rõ. Xin mời các nhà Mác xít, xin mời những nhà y học khám phá. Chúng tôi thấy rằng trên con đường y khoa người ta đã khám phá ra điều đó. Ngay cả con đường vật lý nguyên tử, người ta cũng đã bắt đầu khám phá ra điều đó. Cái mà ta gọi là nguyên tử đó, điện tử đó, nó không phải là vật mà nó cũng không phải là tâm. Có khi nó biểu hiện với đặc tính của tâm, có khi nó là biểu hiện với đặc tính của vật. Rất mầu nhiệm, rất hay, rất hứng thú. Như giáo sư đã nói, cuộc đối thoại đó đã bắt đầu rồi, rất là vui. Nếu chúng ta bắt đầu được hôm nay, tại sao ngày mai chúng ta không tiếp tục? Rất là hứng thú! Xin cám ơn quý vị.
Giáo sư trưởng ban tổ chức
Cám ơn Thiền sư và tất cả quý vị trong tăng thân Làng Mai. Xin cám ơn tất cả quý vị đại biểu. Như đã tuyên bố chương trình từ trước, ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục tại đây và quý vị sẽ đặt ra nhiều câu hỏi hứng thú hấp dẫn hơn, để Thiền sư trao đổi, xin cám ơn.
Chú thích
1* Avalokiteśhvara (Sanskrit) hay Avalokiteśvara Bodhisattva. Avalokita có nghĩa là quán chiếu hay nhìn thâm sâu. Có hai cách hiểu về nguyên nghĩa danh xưng ngài:
a. Chữ Eśvara là một đấng tôn kính, nam phái (tiếng Anh - Lord). Vị này quán chiếu hay nhìn thâm sâu thế giới. Cách hiểu này đưa đến danh xưng Quán Tự Tại Bồ Tát.
b. Nhưng tại Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên – ngài là Phật Bà Quan Âm (Trung Hoa: Kuan-Yin, Nhật: Kwannon) hay Quan Thế Âm Bồ Tát (觀 世 音); vị Bồ Tát lắng nghe mọi tiếng kêu của thế gian. Eśvara được hiểu và dịch như Huyền Trang là âm thanh.
c. Dân Tây Tạng xem ngài là cha đẻ của dân tộc mình và các đức Đạt Lai Lạt Ma đều được coi là hiện thân của ngài.
2* Animitta (無相): Pali - Vô tướng, ngược lại là tướng (nimitta) - thí dụ Animitta-Nibbana = Vô tướng Niết Bàn. Sự vô tướng, tính Không (Sunyata) của tất cả các Pháp (Dharma) là dấu hiệu của tuyệt đối không phân biệt.
3* Antoine-Laurent Lavoisier (1743–1794) : « Rien ne se perd, rien ne se crée, tout se transforme - Không gì mất đi, không gì sinh ra, tất cả (chỉ là sự) chuyển tướng dạng.
4* “Thanh tịnh trong ô nhiễm" = "Phiền Não tức Bồ-đề”, “sanh tử tức Niết-bàn" (Đại thừa Trang Nghiêm kinh luận, q. 6 phẩm Tùy tự, hay Đại Trí độ luận, q. 6).
5* Trần Thái Tông (tên thật là Trần Cảnh; 17 tháng 7, 1218 – 4 tháng 5, 1277) là nhà vua đầu tiên của nhà Trần, ở ngôi hơn 32 năm (1225-1258), làm Thái Thượng Hoàng 19 năm. Ông được vợ là Lý Chiêu Hoàng, vị công chúa cuối cùng của triều đại nhà Lý nên được vua nhà Lý nhường ngôi cho và lập ra triều đại nhà Trần. Trần Thái Tông đã thành công trong việc lãnh đạo Đại Việt chống lại cuộc xâm lược của quân Nguyên.
6* Viên Chứng: Tổ thứ hai của thiền phái Yên Tử, thiền sư Ðạo Viên (hay Viên Chứng) ngày xưa đã được ban hiệu là Trúc Lâm quốc sư. VNPGSL-Nguyễn Lang.
7* Thiền sư Nhất Hạnh giải thích ở chỗ khác: Tàng thức: Tâm lý học đạo Bụt rất phong phú. Duy Thức Tông của đạo Bụt nói tới tám thức: năm thức cảm giác, ý thức, mạt na thức và tàng thức. Mạt na là năng lượng bám víu vào ý tưởng có một cái ta riêng biệt độc lập và thường tại, đối lập với những cái không ta. Tàng thức (Alaya) là phần sâu thẳm nhất của tâm thức, chứa đựng tất cả những hạt giống (chủng tử, Phạn: Bija) của tất cả các tâm hành như buồn, vui, giận ghét, v.v.. Những hạt giống này khi được tưới tẩm hoặc tiếp xúc thì phát hiện lên ý thức thành những vùng năng lượng. Tàng thức giống như một mảnh vườn chứa đủ các loại hạt giống, còn ý thức thì giống như người làm vườn. Trong công phu thiền tập, ý thức làm việc nhưng tàng thức cũng làm việc âm thầm ngày đêm. Vô thức của tâm lý học Tây phương chỉ là một phần của tàng thức. Nhận diện và chuyển hóa những kiết sử nằm sâu trong tàng thức đưa tới sự giải thoát và trị liệu. Đó gọi là chuyển y (asrayaparavritti) nghĩa là sự chuyển hóa được thực hiện ngay ở cơ sở hạ tầng của tâm thức. (Thiền, chất liệu nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa – Làng Mai).
8* A lại da thức (Alaya) = Tàng thức.
9* Bija từ Bija Mantra (Sanskrit): chủng tử.
10* A gen là đơn vị của sinh học di truyền, trong gene có chromosome với DNA, DNA chứa đựng các tín hiệu di truyền, từ thế hệ trước xuống thế hệ sau, đóng vai trò quyết định về thể chất lẫn tính tình ở thế hệ sau.
11* Nature / Nurture : thiên bẩm do tự nhiên mà có / tập thành do hoàn cảnh, môi trường sống (trong đó có văn hóa) mà có.
12* René Descartes (1596 - 1650) – Nhà toán học, triết gia Pháp. - Cogito ergo sum. - Je pense, donc je suis - I think, therefore I am. – (vì ) Tôi (là đang là chủ thể của sự) suy nghĩ (nên ) tôi có thực.
13* Kinh Kim Cang,- "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng" - phàm cái gì có hình tướng đều là hư dối. Nguyên câu: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai".
14* Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất - Có thể nói, đây là mệnh đề tóm tắt toàn bộ yếu nghĩa kinh Hoa Nghiêm. Yếu nghĩa ấy nói về sự tương quan tương duyên chằng chịt của tất cả mọi sự vật trong vũ trụ. Sự vật này tức là sự vật kia, sự vật kia tức là sự vật này; một sự vật có mặt trong tất cả mọi sự vật, tất cả mọi sự vật có mặt trong một sự vật; một sự vật tức là tất cả các sự vật, tất cả các sự vật tức là một sự vật. Nguyên lý duyên khởi cho ta thấy rằng, một sự vật không thể tự nó có mặt, mà đã do vô số các sự vật khác, không phải là nó, hợp lại cấu thành Sự kết hợp kỳ diệu giữa thờ cúng tổ tiên của người Việt với tuệ giác đạo Phật
15* Thiền sư Thanh Nguyên Duy Tín (Trung Hoa) – Sau khi ngộ đạo đã tuyên bố: Lúc chưa tu ông thấy núi chỉ là núi, sông chỉ là sông. Sau ông nhập đạo tu hành: ông thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Nhưng đến khi giác ngộ: ông lại thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông.
16* Nguyên tắc đồng nhất trong logic cổ điển Tây Phương (logic Aristotle), the principle of identify – Phát biểu như sau: “cho tất cả x, x = x”. Tạm diễn dịch: Mọi sự vật luôn luôn đồng nhất với nó. A là A chứ không thể là cái gì khác-A.
17* Wavicle: Trong vật lý quantum, hạt (particles) và sóng (waves) là mặt đôi (twin facets) của tất cả chất thể (entities). Sóng có thể phản ứng như hạt và hạt có thể phản ứng như sóng. Để nhắc nhở rằng ý niệm sóng và hạt vốn từ thế giới cực lớn (macro) nay được dùng để giải thích các hiện tượng trong thế giới cực nhỏ của các phân tử (world of atomic-scale henomena), từ “wavicle” được các nhà vật lý như George Gamow dùng để mô tả các chất thể trong vật lý quantum. Dùng ý niệm đôi sóng/hạt nên quantum có thể giải thích các phản ứng của các hạt nguyên tử, chất điểm và ánh sáng (atoms, particles, photon).
26/1/10
25/1/10
Pháp thoại- Cây ngô đồng chùa Vân Cư
Pháp thoại đêm giao thừa Ngày 19 tháng 1 năm 2007
Cây ngô đồng chùa Vân Cư
TS THÍCH NHẤT HẠNH
Dưới đây là một bài thơ Đường nói về cây ngô đồng ở chùa Vân Cư. Tác giả là Bạch Cư Dị. Tới chùa Vân Cư ta thấy có một cây ngô đồng rất già, rất vững, đứng thẳng và đọt lấp trong mây xanh. Như vậy mà cây còn muốn mọc cao hơn nữa. Trong chùa có một vị hòa thượng 90 tuổi, rất quắc thước, mạnh như cây ngô đồng. Hỏi ngài thì ngài nói chính ngài ngày xưa đã gieo cái hạt cây ngô đồng ấy. Ngài nói hạt cây ngô đồng đó ngày xưa nhỏ xíu và xanh lè mà bây giờ trở thành một cây ngô đồng lớn vững như vậy. Đây là nguyên văn chữ Hán:
Nhất châu thanh ngọc lập
Thiên diệp lục vân ủy
Cao ý do vị dĩ.
Sơn tăng niên cửu thập
Thanh tịnh lão bất tử
Tự vân thủ chủng thì
Nhất khỏa thanh đồng tử.
Trực tùng manh nhe bạt,
Cao tự hào mạt thỉ
Tứ diên vô phụ chi
tâm hữu thông lý.
Ký ngôn lập thân giả
Công trực đường như thử.
Và dưới đây là bản dịch của cụ Trần Trọng Kim:
Cứng cỏi một cây đứng
Mây xanh nghìn lá nở
Ngất nghểu năm trượng thừa
Ý còn muốn cao nữa
Sơn tăng chín mươi tuổi
Thanh tịnh già không chết
Nói rằng thuở tay gieo
Một hạt đồng xanh lét
Thẳng ở trong mầm nhú
Cao từ lúc nhỏ bé
Bốn mặt không cần nương
Giữa ruột có thông lý
Nhắn gửi người lập thân
Cô trực phải như thế.
Ý nói những người nào muốn thành tựu sự nghiệp thì cũng phải một mình, cũng phải đứng thẳng, phải vươn lên cao, phải cắm rễ, phải mỗi ngày lớn lên như vậy. Xin vị tri chung thỉnh vài tiếng chuông để đại chúng ngồi cho yên. Xin đại chúng ngồi cho thoải mái, lưng cho thẳng. Con đang ngồi cho mẹ, con biết là mẹ đang có mặt trong con và con biết rằng nếu con ngồi yên thì mẹ cũng được ngồi yên. Có thể là mẹ chưa từng bao giờ được ngồi yên, tại vì mẹ đã sống một cuộc đời quá bận rộn, vừa lo cho cha vừa lo cho các con. Và vì vậy cho nên có thể mẹ chưa bao giờ có cơ hội để ngồi yên. Vậy thì hôm nay con ngồi yên cho mẹ. Con ngồi yên thì con có sự buông thư, con có sự tươi mát. Và nếu con có sự buông thư và sự tươi mát thì mẹ cũng được ngồi yên. Con hiến dâng cho mẹ sự tươi mát của con, con hiến dâng sự yên vui của con cho mẹ. Con ngồi cho ba, con biết là cuộc đời của ba rất là bận rộn. Và có thể ba chưa bao giờ có cơ hội được ngồi một lần cho yên. Ở trên Xóm Thượng có một cái thất gọi là thất Ngồi Yên. Và ngồi yên đem lại sự thoải mái, sự nghỉ ngơi, sự tươi mát, sự vững chãi. Và con đang ngồi cho ba, con đang ngồi để con có sự vững chãi. Con dừng lại được. Và khi con dừng lại được thì ba trong con cũng dừng lại được. Khi con dừng lại được thì con có thể thấy được trời xanh mây trắng, ánh sáng đang nhảy múa trên cành tre. Và khi con thấy được trời xanh mây trắng và ánh sáng đang nhảy nhót trên những đọt tre thì ba cũng thấy được trời xanh mây trắng và ánh sáng đang nhảy nhót trên những chiếc lá tre. Con đang ngồi cho thầy, có thể thầy trong những năm vừa qua đã bận rộn lo việc chùa, lo việc giáo hội, thầy cũng không có thì giờ để ngồi như thầy mong muốn. Và con có cơ hội được ngồi mỗi ngày nhiều lần. Nếu thầy ít có cơ hội để ngồi thì con sẽ ngồi cho thầy. Nếu Sư bà bận rộn lo việc Phật sự quá nhiều, lo công việc từ thiện, lo công việc của tăng thân quá nhiều mà không có cơ hội ngồi thì con ngồi cho Sư bà. Tại vì Sư bà là thầy của con. Con ngồi cho Sư ông, có thể là Sư ông bị công việc của giáo hội kéo đi, trăm chuyện, ngàn chuyện và Sư ông không có cơ hội để ngồi yên, tội nghiệp cho Sư ông. Vậy thì con ngồi cho Sư ông. Tại vì con muốn làm một đứa con có hiếu. Cái mà chúng ta có thể hiến tặng cho nhau là sự tươi mát, sự vững chãi, nụ cười, tình thương. Và khi chúng ta thương yêu thì chúng ta muốn hiến tặng cho người thương cái gì đẹp và quý nhất. Con thương bố, thương mẹ vì vậy con muốn tặng cho bố, cho mẹ sự tươi mát và thảnh thơi của con. Con thương thầy cho nên con muốn tặng cho thầy sự tươi mát và sự vững chãi của con. Con thương Sư bà, vì vậy cho nên con hiến tặng sự vững chãi, thảnh thơi và tươi mát của con cho Sư bà. Và con biết rằng bên này cũng như bên kia, chúng ta có quá nhiều công việc. Xã hội này là một xã hội bận rộn và rất ít người có được cơ hội ngồi yên để trở thành tươi mát và vững chãi.
Xã hội chúng ta là một xã hội bận rộn, tất cả mọi người đều bận rộn: các nhà chính trị bận rộn, các nhà thương gia bận rộn, các nhà giáo bận rộn, những người cha bận rộn, những người mẹ bận rộn và những người con cũng bận rộn. Chúng ta không có thì giờ để thở, không có thì giờ để ngồi yên, chúng ta không có thì giờ để nhìn mặt nhau, để nhận diện sự có mặt của người thương.
Trong giờ cuối năm, chúng ta hãy ngồi cho yên, chúng ta hãy cảm thấy sự có mặt của người thương của chúng ta. Đây là sư anh của mình, đây là sư chị của mình, đây là sư em của mình, đây là thầy của mình, đây là đệ tử của mình. Đối phó lại với cuộc sống bận rộn, chúng ta phải có khả năng đối kháng. Nếu chúng ta không kháng cự lại thì chúng ta sẽ bị cuốn theo cái đà bận rộn của tất cả xã hội. Mà bận rộn như vậy thì chúng ta tự đánh mất mình, chúng ta không còn gì quý báu để hiến tặng cho những người thương, không có thì giờ, không có sự thảnh thơi, không có sự tươi mát. Và vì vậy cho nên chúng ta phải kháng cự lại cái khuynh hướng bận rộn và đánh mất mình. Đây là một thái độ, không phải là một thái độ chính trị mà là một thái độ văn minh, thái độ văn hóa. Chúng ta phải mở ra cho các thế hệ tương lai một nền văn hóa mới, trong đó con người không quá bận rộn. Chúng ta muốn thành đạt, chúng ta muốn thành công, chúng ta muốn xây dựng một sự nghiệp và chúng ta nao nức để thực hiện những điều đó. Nhưng chúng ta cũng biết rằng khi nào chúng ta đã thành đạt một cái gì thì chúng ta chưa vừa lòng, chúng ta lập tức mở ra một chương trình mới, một dự án mới. Và như vậy chúng ta theo đuổi từ dự án này tới dự án khác cho đến trọn đời. Và không bao giờ chúng ta có được một cuộc picnic, trừ khi chúng ta nằm xuống lần cuối cùng, đi tới chỗ an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang. Vì vậy cuối năm, chúng ta ngồi lại với nhau, chúng ta phải buông bỏ hết. Chúng ta hãy nhìn vào mặt nhau để thấy rằng đây là thầy của mình, đây là sư đệ của mình, đây là sư huynh của mình, đây là sư tỷ của mình. Chúng ta là con một nhà và sự thực tập của chúng ta là chống lại cái khuynh hướng bận rộn, đánh mất chính mình. Điều này rất quan trọng, đây là một chủ đề rất căn bản cho nền văn hóa hiện tại. Có thể chúng ta có khả năng tiêu thụ nhiều nhưng chúng ta không có hạnh phúc. Chúng ta không có khả năng thương yêu và không có cơ hội để tiếp nhận sự thương yêu. Người kia quá bận rộn, làm gì họ có thời giờ để thương yêu. Thương yêu tức là nhìn nhận sự có mặt của người mình thương yêu; người đó quá bận rộn, họ không có cơ hội để nhận diện sự có mặt, trân quý sự có mặt của người mình thương. Không nhận diện được chồng mình, không nhận diện được vợ mình, không nhận diện được con mình, không nhận diện được thầy mình, không nhận diện được cha mình, mẹ mình. Và như vậy không phải là một nền văn minh. Trong một thiền viện, trong một trung tâm thực tập như Làng Mai, chúng ta bắt buộc phải đi từng bước thảnh thơi. Chúng ta bị bắt buộc đối kháng với khuynh hướng chạy, khuynh hướng bận rộn. Chúng tôi rất may mắn được làm như vậy, chúng tôi tự nguyện làm như vậy. Nhờ có uy nghi, có giới luật và pháp môn chung, nên mọi người trong mỗi bước chân có thể dừng lại, có thể buông thư, có thể thảnh thơi. Ở một trung tâm thực tập, mọi người có cơ hội để ngồi nhiều lần trong ngày. Và trong những lần ngồi như vậy thì chúng ta có cơ hội chấm dứt được sự bận rộn. Ngồi, trước hết là để chấm dứt sự bận rộn; thở và mỉm cười đưa lại sự lắng dịu của thân tâm. Vì vậy trong thiền viện, chúng ta có rất nhiều cơ hội và có nhiều khí giới để đối kháng với khuynh hướng tự đánh mất mình trong sự bận rộn. Và chúng ta phải làm, phải tìm cách để chia sẻ những phương pháp trong thiền viện để giúp cho người đời cũng có thể làm được một phần nào những cái mà chúng ta có thể làm được ở trung tâm thực tập.
Năm nay, tiết Tiểu hàn bắt đầu từ ngày 06 tháng giêng năm 2007. Tiểu hàn tức là cái lạnh nhỏ và tiết Đại hàn bắt đầu từ ngày 20 tháng giêng 2007. Tiết Lập xuân bắt đầu ngày 04 tháng hai 2007 và chúng ta đang ở vào tiết Lập xuân. Ngày Lập xuân là ngày 17 tháng chạp (ngày 04 tháng hai dương lịch) mà hôm nay chúng ta đã là ngày 30 tháng chạp. Lập xuân có nghĩa là sự bắt đầu của mùa xuân. Mùa đông còn đó nhưng đang bắt đầu rút lui, mùa xuân chưa tới, chưa biểu hiện một cách rõ ràng, nhưng mùa xuân đã bắt đầu. Vì vậy khi chúng ta đọc bài Lệnh của Xuân Diệu trong tác phẩm Xuân Diệu Trường Ca, thì lệnh này được ban bố vào tiết Lập xuân. Ban đầu có chúa xuân ra lệnh để cho mùa đông từ từ rút lui và để cho mùa xuân bắt đầu lớn dậy. Trong Xuân Diệu Trường Ca có một bài thơ bằng văn xuôi tên là Lệnh. Và lệnh truyền cho ai? Lệnh truyền cho tứ đại là đất, nước, lửa và gió, để bốn vị tướng tài đó bắt đầu hoạt động để đem mùa xuân trở về. Xuân Diệu Trường Ca được sáng tác năm Xuân Diệu 28 tuổi. Chúng ta đang đón xuân, vì vậy chúng ta đọc bài Lệnh của Xuân Diệu. Nhưng trước khi các thầy, các sư cô đọc bài thơ văn xuôi Lệnh của Xuân Diệu, tôi muốn nói tới một bài kệ của vua Trần Thái Tông. Vua Trần Thái Tông có sáng tác 43 công án Thiền và đã viết niêm và tụng cho những công án đó. Công án tức là những đề tài thiền tập. Trần Thái Tông đã thừa hưởng được đạo Bụt của tông phái Lâm tế. Người đã đem giáo lý phái Lâm Tế cho vua là quốc sư Đại Đăng. Trần Thái Tông đã biết tu học từ năm 20 tuổi, đã sáng tác những tác phẩm Phật học nổi tiếng trong đó có sách Khóa Hư. Trong sách Khóa Hư, chúng ta thấy 43 công án mà Trần Thái Tông đã sáng tác và đã sử dụng như là những đề tài thiền quán.
Cách đây 30 năm, tôi đã có cơ hội phiên dịch 43 công án này từ chữ Hán ra tiếng Việt, nhưng chưa giờ có dịp đem in. Có thể mai mốt, mình sẽ đưa lên trang nhà của Làng Mai. Và đây là công án thứ mười sáu có liên hệ tới Lệnh của mùa xuân. Tổ sư Lâm Tế của chúng ta có một phương pháp gọi là hét. Mỗi khi thấy một vị du tăng lấp ló ngoài cửa muốn xin vào thì chuyện đầu tiên ngài làm là hét. Và tiếng hét của thiền sư Lâm Tế giống như là tiếng gầm của sư tử lớn, giúp cho vị thiền giả kia chấm dứt được những suy tư của người đó. Người kia có một cơ hội mở ra một mùa xuân của trí tuệ và giác ngộ. Người đó đang sống trong một mùa đông lạnh giá kéo dài của u mê, của cố chấp, hận thù, thành kiến và của tập khí. Người đó nghĩ rằng họ có đường hướng, có phương pháp; người đó nghĩ rằng mình đang đi trên con đường chánh đạo. Nhưng tiếng hét của thiền sư Lâm Tế có nghĩa rằng anh đang đi trong một mùa đông giá lạnh kéo dài, anh phải để cho mùa đông đó chấm dứt để cho mùa xuân đạo lý, mùa xuân của giác ngộ, của chuyển hóa đi tới. Và vì vậy tiếng hét đó là lệnh đưa ra cho mùa đông rút lui và ra lệnh cho mùa xuân bắt đầu. Vua Trần Thái Tông đã bày cái tiếng hét của thiền sư Lâm Tế là tiếng lệnh. Tiếng lệnh ra hiệu cho mùa đông phải chấm dứt từ từ và mùa xuân phải bắt đầu chớm dậy. Đây là nguyên văn của bài kệ:
Nhập môn tiện hát dục hà hành?
Dẫn đắc nhi tôn túy lý tinh
Bất thị xuân lôi thanh nhất chấn
Tranh giao hàm giáp tận khai manh.
Vua Thái Tông viết: “Thiền sư Lâm Tế khi bắt đầu ra giảng dạy đã sử dụng cây gậy và tiếng hét. Hễ khi có một vị tăng đi vào cửa thì lập tức hét lớn”.
Vừa tới cửa ngoài nghe tiếng hét
Tỉnh giấc hôn trầm lũ cháu con
Một tiếng sấm xuân vừa chấn động
Khắp nơi cây cối nẩy mầm non.
Đó là cách vua Trần Thái Tông diển tả tiếng hét của thiền sư Lâm Tế. Đó là tiếng sấm xuân, ra lệnh cho tất cả cây cối phải bắt đầu chuẩn bị đâm chồi nẩy lộc. Ta đọc bài Lệnh ở trong Trường Ca Xuân Diệu để thấy lệnh đó được ban ra như thế nào và ban ra cho ai. Bây giờ mời sư cô Khiết Nghiêm, thầy Pháp Độ và sư chú Pháp Cầu đọc bài thơ này. Xin mời quý vị nghe Xuân Diệu Trường Ca, bài thơ Lệnh viết bằng văn xuôi của Xuân Diệu sáng tác năm thi sĩ mới 28 tuổi.
Lệnh Truyền
Lệnh đã truyền ra,
đất vâng trước đất.
Suốt một đêm trường
đất không sao ngủ được.
Cả mình sấm chuyển
cái ngực của đất phồng lên không muốn ngủ.
Mà ngủ làm chi
Đất cựa mình vì xốn xang trong da thịt
Lệnh đã truyền
ngày mai đây
tháng sau đây
biết có xong công trình hay chăng?
Thật tấm lòng của đất dạt dào
tính toán ngay từ phút đông vừa bớt lạnh
Đất mẹ đã nghe muôn con đòi nở
muốn vượt chồi lên trên đất, thở ánh sáng trời
Hàng triệu mầm hé ra khép vào
đầu hướng lên chân mạch căng thẳng
ngửa cả mình đất
Vi trùng sáng tạo lên men dưới da
từ đáy sâu đưa lên bao sức lực để đỡ nâng
Đất mẹ sung sướng
đất mẹ lo âu
đất mẹ nằm sinh và làm việc
mẹ bao la chạy chia nghìn ngả
này núi này rừng này đồng này ruộng
lại còn linh tinh muôn vạn núi đồi nữa
làm sao đủ sữa căng lên
Lệnh đã truyền
đất lãnh lấy công đầu
đất ngàn năm đất triệu năm
đậm đà chắc chắn
càng già càng dai
Máu cũ biến mới
sục sục quang tuyến
mạch chạy đầm đìa
máu đen kế máu đỏ
nhựa nâu đến ngã ba cùng với nhựa xanh.
Những con đường xéo lẫn nhau
chở chất chua chất ngọt chất mát chất nồng
theo rễ muôn cây lên cho mặt trời hòa hợp
Trên mặt đất vẫn chưa lộ gì cả
nhưng dưới nhà hầm biết bao là vội vàng
Thì giờ trễ rồi
thời gian tính từng phút một
ngón tay nghiêm nghị không bao giờ đếm nhầm
cho nên đất mẹ làm việc không nghỉ
không lẽ năm nay lại trễ hơn mọi năm?
Ánh sáng vâng lệnh thứ hai
có cô em sức nóng đi kèm
nàng tiên quyền cao phép cả chẳng ai dám đương
khi hứng thú nồng nàn ánh sáng lấn áp cả không gian
ôm chầm vũ trụ, đè bẹp bóng tối dưới triệu móng chân
mi của ánh sáng thật dài, tia của ánh sáng thật đượm
ánh sáng bắn tin truyền hình đưa lệnh khắp hang cùng núi hẻm
bảo rằng sắp sửa tin vui.
Ánh sáng nhún nhảy tươi cười không chút lo lắng
tài lực của nàng nhiệm mầu nhanh chóng
nàng có thể giấu mình suốt tháng vờ như không hay gì cả
nhưng mánh khóe tinh anh sao
nàng làm việc ngấm ngầm
chỉ một ngày một sáng mai nàng đến
là cả bầu không đã treo ngọc giăng tơ
cả mặt đất đã trãi vóc gấm thêu thùa trong gió lăng líu qua cây.
Ánh sáng đứng một chỗ
mà ở khắp nơi con mắt điện quang thấu suốt muôn trùng
trông nom từng nụ mầm non từng vọt sâu bọ
nàng ôm những thân cây giá lạnh
sưởi những luống đất ẩm hiu
Nàng lách vào những kẽ lá
cho màu xanh non biến thành màu lục đậm
cho nên những cội tùng già yếu
nàng cũng gõ mãi ngoài vỏ
đến nỗi một ngày kia bật ra mầm xanh
và ánh sáng ngồi kéo muôn triệu chỉ vàng
tiếp theo muôn triệu chỉ vàng cuộn tròn vào bánh xe hay mắc ngang khung cửi
dấu giếm khắp nơi để đến lúc cần dùng sợi ngày vàng sẽ lộ ra chi chít.
Nước nhận lấy phần
nước đi theo ánh sáng
làm thành cặp uyên ương kỳ dị
rẽ nhau một lần là đồng khô cỏ cháy
Nước mát êm cho nắng tựa vào
nước cũng chảy chia nghìn ngã
chạy vào làm máu cho đất
chạy ra làm lời cho suối
độn thổ đằng vân.
Ánh sáng loảng xoảng trong mình
âm điệu róc rách giữa lòng
nước lấy ôn nhu vỗ về loảng xoảng trong mình
âm điệu róc rách giữa lòng
nước lấy ôn nhu vỗ về nuôi nấng cho muôn vật phát sinh
mà cái liếc mắt đưa dài nghìn lý
Nàng chen vào búp hoa này lẫn vào nhánh cây kia
trái uống nàng vào bụng
mây giữ nàng trong mình
nụ hút nàng vào tim
cây kiếm nàng làm nhựa
ôi nước ngọt ngào mát mẻ thảnh thơi.
Không ai tranh
nên về phần gió
phải xem dáng điệu nàng thu gọn
mới biết nàng khéo dấu sức phá hoại của mình
chỉ còn là một làn phớt qua
áo nàng tha thiết phiêu phiêu
hồn nàng phất trần
Nàng lên tinh tú gió bay gió lượn
gió phất phơ như hơi thở ân tình
gió đưa duyên bướm
gió làm mối lái cho hoa
gió múa điệu lẳng lơ
nói lời cợt ghẹo
vạn vật nghe gió mà rợn tình.
Gió phẩy móng tay búng muôn đầu lá
gió rào rào rúng động ngàn cây
âm nhạc theo nàng mà vào không gian
nàng là những sợi dây sắt cầm lượn bay
Không khí tự xoay vang tiếng tơ đồng
miền xa lại gần gió mới tỏ tình
hương đà theo hút
gió có cần vội vã đâu
chỉ thoáng lên xe đi thúc giục các chồi các nụ
đến hôm ấy gió chỉ việc dịu dàng bay chơi
là cuốn theo muôn lòng đắm say.
Lệnh được vâng
tất cả đều làm việc
tất cả giao hòa giúp sức lẫn nhau
tất cả cũng đều một niềm yêu thương quảng đại
tất cả cùng đồng một ý trau chuốt điểm trang.
Ngày ấy Lệnh đốt tiếng pháo đầu
muôn tiên đã núp sau màn
chim chóc cũng lên đầy cổ họng
mắt trời xé màn suơng mỏng
xé màn mơ mộng còn ủ ấp non sông
nhạc vang reo hương nồng tỏa.
Công chúa xuân nương hiện hình
sương đeo một triệu hoa tai cho nàng
nàng cười một nghìn điệu hoa
nàng mặc chín triệu lá non
má nàng điểm đôi chút sương hồng
tóc nàng gió xuân lỏa tỏa
muôn lời của vũ trụ
đồng tấm tắc khen nàng công chúa con chung.
Xuân nương xuân nương hội mừng nàng
hội của nàng sẽ lâu chín mươi ngày
góp thêm chín mươi đêm vui suốt sáng
Nàng ra đời nàng lại về
nàng không mỏi tái sinh
trời ơi Xuân nương cười
trông thấy công chúa phụ hoàng đôi mắt sáng ngời
đáp lại bằng nụ cười thái dương
âm nhạc khởi lên chín mươi ngày đêm
bắt đầu bằng một buổi sớm.
Xuân Diệu sinh năm 1917 và Xuân Diệu Trường Ca được xuất bản năm 1945, năm thi sĩ 28 tuổi. Vũ Hoàng Chương sinh trước Xuân Diệu một năm, vào năm 1916. Và 24 tuổi thì xuất bản Thơ Say, năm 38 tuổi làm Bài Ca Siêu Thoát. Và năm 1952, trước đó hai năm, thì làm được bài Thoát Hình mà chúng ta sẽ được nghe bình bây giờ. Sư cô Thuần Tiến sẽ ngâm tám câu đầu. Bài này cũng nói về mùa xuân, nhưng đi sâu hơn Xuân Diệu. Bài thơ này cho ta thấy được cái nghiệp sinh diệt và liên hệ giữa nhân và quả.
Rào rạt trong cây nhựa trắng ngần
Đã nghe dồn cả tới đài xuân
Đã nghe rào rạt từng cơn gió
Về mách tin hương với cõi trần
Vườn đây rừng đấy cùng xao xuyến
Này phút hồn hoa sắp hiện thân
Nụ đã trên cành đau đớn cựa
Giờ thiêng hấp hối đã nghe gần.
Trong bài Thoát Hình , Vũ Hoàng Chương nói tới sự xuất hiện của một bông hoa. Và sự biểu hiện của một bông hoa, giờ phút sinh ra của một bông hoa. Nhưng sự sinh nở của bông hoa đi kèm theo những khổ đau, những lo lắng, những cái chết, những gì đã đưa tới bông hoa ấy. Và trong những câu đầu mình cũng thấy lệnh đã đưa ra và nhựa trong cây bắt đầu dồn tới để đem lại mùa xuân, để làm cho đóa hoa xuân nở. Rào rạt trong cây nhựa trắng ngần: nhựa trong cây bắt đầu rào rạt vì lệnh đã ban truyền.
Rào rạt trong cây nhựa trắng ngần
Đã nghe dồn cả tới đài xuân
Mình có thì giờ, có lỗ tai, có chánh niệm thì có thể nghe được sức sống lưu chuyển trong vũ trụ, trong lòng đất, trong thân cây để đưa tới một mùa xuân, để đưa tới sự thoát hình của một bông hoa, sự có mặt của một bông hoa:
Đã nghe rào rạt từng cơn gió
Về mách tin hương với cõi trần.
Ở đây ta cũng thấy lại hình ảnh của tứ đại: đất, nước, gió và lửa. “Đã nghe rào rạt từng cơn gió. Về mách tin hương với cõi trần” có nghĩa là lệnh đã truyền ra thì khi tiếp nhận được lệnh mình phải truyền lại cho tất cả mọi người. Cũng như khi sư anh trụ trì nhận được lệnh phải có một khóa tu tháng sáu thì truyền lại cho tất cả các sư em để chuẩn bị cho khóa tu tháng sáu thành công. Và khóa tu tháng sáu là một đóa hoa. Nhựa phải lưu chuyển trong hình hài của tăng thân lâu ngày thì mình mới có được khóa tu tháng sáu. Tin hương là một cái tin rất thơm, tin nói rằng sẽ có một bông hoa nở, bông hoa đó là mùa xuân.
Bây giờ, đọc báo ta chỉ nghe những tin không thơm lắm, mỗi ngày bao nhiêu người chết, bao nhiêu bom nổ. Nhưng cái tin mùa xuân đang về là một cái tin thơm. Tại vì mùa xuân về đưa lại cho chúng ta biết bao nhiêu nụ hoa kỳ diệu.
Vườn đây rừng đấy cùng xao xuyến
Này phút hồn hoa sắp hiện thân
Nụ đã trên cành đau đớn cựa
Giờ thiêng hấp hối đã nghe gần.
Giây phút của sự sinh nở không phải là một giây phút tầm thường, nó bao gồm cả sự đau đớn. Khi sắp sanh mình, mẹ đau đớn lắm; khi sắp hạ sinh mùa xuân, đất cũng đau đớn lắm. Và có một cái gì giống như là cái chết đang xảy ra trong khi chuẩn bị cho cái sống thành hình. Vũ Hoàng Chương hồi đó chưa nghiên cứu Phật giáo sâu sắc, nhưng đã có một linh tính, đã có một tuệ giác. Vũ Hoàng Chương thấy được cái sống dựa vào cái chết, nếu không có cái chết thì không có cái sống. Khi một hạt cây nứt ra để cho mầm cây trở thành một cây con thì đó là cái chết của hạt cây. Thánh kinh có nói là nếu cái hạt không chết thì làm sao cái mầm sinh ra được. Vũ Hoàng Chương thấy được điều đó. Và vì vậy khi mẹ sinh mình, mẹ có chết ở trong lòng một ít. Khi đất sinh ra mùa xuân, đất cũng chết ở trong lòng một ít. Khi thầy sinh ra mình, thầy cũng chết ở trong lòng một ít. Và cái chết đó không phải là cái chết, đó là sự trao truyền tất cả những sức sống của mẹ cho thai nhi, cho đứa con. Đất mẹ truyền tất cả sức sống cho mùa xuân và khi thầy sinh ra mình, thầy cũng truyền sức sống của thầy vào trong mình. Đó cũng là một hình thái chết, nhưng đây không phải là một cái chết đau buồn mà là một cái chết rất đẹp. Chúng ta phải học chết như vậy để sự sống càng ngày càng xinh đẹp. Vườn đây rừng đấy cùng xao xuyến : cả rừng cả vườn khi nhận được lệnh đều xao xuyến cả. Tại vì máu chảy trong huyết quản, nhựa chảy trong lòng cây. Vườn đây rừng đấy cùng xao xuyến , tại vì sao? Này phút hồn hoa sắp hiện thân : đã tới cái giây phút mà bông hoa của mùa xuân nở. Nụ đã trên cành đau đớn cựa : có sự đau đớn của sự sinh nở.
Nụ đã trên cành đau đớn cựa
Giờ thiêng hấp hối đã nghe gần .
Cái chết biến thành sự sống, cái sống không thể nào có được nếu không có cái chết. Và cái chết này là sự tiếp nối của sự sống. Và sự sống này là sự tiếp nối của sự chết. Sống và chết tương tức, không thể nào lấy cái này ra khỏi cái kia được.
Muôn vạn tế bào đang hủy thể. Hủy thể tức là đang chết. Và chết như vậy để cho sự sống có thể xảy ra được. Trong hình hài của mình, mỗi giây phút có hàng ngàn tế bào hủy thể. Và nếu những tế bào trong mình không hủy thể thì không thể nào sinh ra được những tế bào mới. Khi nhìn vào lớp da ngoài của hình hài, mình biết rằng lớp da ngoài của mình gồm có những tế bào khô, những tế bào chết. Và mỗi khi mình gãi thì có hàng ngàn tế bào chết ấy rơi xuống. Cái chết và cái sống tương tức. Nhìn cái chết dưới ánh sáng của tương tức thì mình không còn đau buồn nữa.
Muôn vạn tế bào đang hủy thể
Vâng theo ý lớn nhịp xoay vần.
Ý lớn ở đây tức là cái nguyên lý của vũ trụ: có sinh thì có diệt, cái diệt làm bằng cái sinh, cái sinh làm bằng cái diệt. Ý lớn là ý trời, ý trời ở đây tức là ý của thiên nhiên, ý của sự sống và phá hủy là để thành tựu chứ không phải phá hủy chỉ để phá hủy. Chính vì phải thành tựu cho nên phải có sự hủy thể. Phá cho thành đấy, sinh là diệt . Nhà thơ 36 tuổi đã thấy được tính tương tức của sinh và diệt. Mười một năm sau, Vũ Hoàng Chương viết bài Lửa Từ Bi, nhưng Lửa Từ Bi là một đóa hoa nở trên cái xác của bài Thoát Hình. Bài Thoát Hình là một bước và Lửa Từ Bi là một bước khác nữa. Nếu không có bài Thoát Hình thì sẽ không có bài Lửa Từ Bi. Và càng ngày Vũ Hoàng Chương càng trở nên một thi sĩ có tuệ giác Phật giáo. Muôn vạn tế bào đang hủy thể : đây không phải là một cái gì đau buồn, tại vì đây là sự chuẩn bị cho sinh nở, cho sự sống. Muôn vạn tế bào đang hủy thể , vâng theo ý lớn nhịp xoay vần : ý lớn nhịp xoay vần, đó là sự vận hành của vũ trụ.
Phá cho thành đấy sinh là diệt
Đời quả lên từ mỗi xác nhân.
Cái nhân sung sức nhưng khi sinh ra quả thì tự trở thành một cái xác, gọi là xác nhân. Khi hạt giống nứt mầm để cho ra một cây mới thì cái hạt giống đó chết. Nó chết nhưng không phải là nó chết, nó chỉ thoát hình.
Cái xác này thật ra không phải là một cái xác, nó chẳng qua chỉ là cái da mà mình lột ra thôi, như con rắn lột da. Khi một hạt cây biến thành mầm non thì hạt cây thành ra mầm non. Mình gọi nó là cái xác nhân, nhưng kỳ thực nó là cái mầm quả, cái xác nhân trở thành cái mầm quả.
Kìa mảnh da ngà đang nứt rạn
Cho tròn một kiếp chẳng phân vân.
Mảnh da này là một mảnh da của thân cây, nó phải nứt ra thì mới có thể sinh ra một cái mầm non được. Lệnh đã truyền thì thế nào nhựa cây cũng phải lưu chuyển cho mạnh. Và sự hoạt động đó, sức mạnh đó, năng lượng đó sẽ làm cho vỏ cây nứt ra. Và hễ có sự nứt ra là có sự đau đớn.
Kìa mảnh da ngà đang nứt rạn
Cho tròn một kiếp chẳng phân vân
Lòng cây mấy thuở ai người biết
Từng khóc từng reo đã mấy lần?
Người nào đã từng làm mẹ, làm cha, hoặc làm thầy, người nào đã từng làm sư chị hay sư anh cũng thấy được điều đó. Đây là lòng của người mẹ, đây là lòng của đất mẹ đã khóc, đã cười, đã reo vì đứa con mà mình đang thai nghén, vì đứa con mà mình sắp cho ra đời. Bốn câu này là để nói về lòng cây, lòng cây đây tức là lòng mẹ, lòng đất đang chuẩn bị để đưa ra một mùa xuân. Kìa mảnh da ngà đang nứt rạn. Cho tròn một kiếp chẳng phân vân. Lòng cây mấy thuở ai người biết. Có ai biết cho không? Có ai biết cho niềm đau, những tiếng khóc và tiếng reo trong lòng của bà mẹ, trong lòng của người cha, trong lòng của trái đất.
Nhựa ứ càng cao niềm giục giã : càng ngày thì giục giã càng lớn và nhựa càng lưu chuyển mạnh.
Nhựa ứ càng cao niềm giục giã
Đất trời mong mỏi nức hương lân.
Cả trời cả đất đang chờ đợi cái giây phút mầu nhiệm của bông hoa hé nở và tỏa hương thơm ngát cả đất trời. Đất trời mong mỏi nức hương lân : nức là thơm ngát, hương lân tức là mùi thơm trong cả một vùng.
Cánh hoa sắp hé, phô kiều diễm
Nụ thoát hình trong phút nhập thần.
Giây phút sinh nở là một giây phút rất trọng đại, cần phải có sự tập trung rất lớn.
Ôi đã then sương cài lỏng lẻo
Buồng thơm rạo rực ý thanh tân.
Then ở đây là cái then cửa và bây giờ nó đã lỏng lẻo ra rồi và ta có thể mở cửa cho mùa xuân thoát hình một cách rất dễ dàng.
Có một sự trông chờ, có một sự mong đợi. Tất cả đều đã chuẩn bị; bây giờ đây mình chỉ cần đưa ngón tay rút cái then cửa, mở cửa ra là mùa xuân tới.
Có ai tha thiết ngoài mây nước
Chờ lối Đào nguyên tự mở dần.
Ngày xưa, có Lưu Thần và Nguyễn Triệu đi thơ thẩn ở Đào nguyên và lạc vào cõi tiên. Thì bây giờ chúng ta cũng đang tha thiết ở ngoài chốn mây nước để cửa động Đào nguyên bắt đầu mở ra cho chúng ta đi vào mùa xuân.
Hồi đó chiến tranh đã bắt đầu khốc liệt ở miền Bắc và cái chết đã xảy ra. Có bạo động, có hận thù, có chiến tranh, có hư hỏng, có tuyệt vọng. Nhưng thi sĩ đã tìm cách giữ cho lòng mình an tĩnh. Trong một hoàn cảnh biến động, trong khi khổ đau phát hiện đầy dẫy, trong khi tham đắm, giận hờn và hận thù tràn lan, nếu không biết tu tập và giữ lấy thân thì ta cũng sẽ bị cuốn theo tất cả những cái đó. Và vì vậy cho nên nhà thơ cũng thấy được như người tu là phải làm thế nào để trong đêm ba mươi mình tiếp xúc lại được với tấm lòng trong trắng nguyên vẹn của chính mình. Hồi đó Vũ Hoàng Chương chưa biết đến danh từ Bồ Đề Tâm, chỉ cho trái tim trong sáng, cho Phật tánh của mình. Và thi sĩ đã dùng danh từ trang lòng . Và trang lòng này là trang lòng còn nguyên vẹn, chưa hề bị hoen ố bởi hận thù, bởi tuyệt vọng, bởi sự tranh chấp. Và nếu mình sống sót được, đó là nhờ mình còn giữ được sự nguyên vẹn ấy trong trái tim. Và đêm ba mươi ngồi im lại để tìm cách tiếp xúc được với cái tâm trong trắng đó của mình để đừng đánh mất mình trong tuyệt vọng, trong hận thù. Đó là sự thực tập của người thi sĩ.
Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi
Tin rằng mình vẫn còn có một trang lòng nguyên vẹn. Cũng như người tu chúng ta biết rằng ta có Phật tánh, ta có bồ đề tâm, chúng ta luôn luôn có thể trở về nương tựa nơi Phật tánh đó, nơi bồ đề tâm đó, để ta đừng bị cuốn đi theo những tuyệt vọng những khổ đau của xã hội ngày hôm nay.
Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi
Chưa từng hoen ố vết trầm luân
Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi , đó là niềm tin mà mình cần phải có: “Dù thế giới có tan tành thì nụ cười của bông hoa cũng không bao giờ tan biến” . Mình phải tin vào Phật tánh nơi mình, mình phải tin vào cái thiên lương nơi mình, mình phải tin vào tâm bồ đề nơi mình. Đó là chỗ mình trú ẩn, là cái pháo đài để mình không đánh mất mình. Thi sĩ đã nói lên được điều đó. Không bằng ngôn từ Phật giáo mà bằng ngôn từ của riêng ông: Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi. Chưa từng hoen ố vết trầm luân. Và đây là một lời cầu nguyện để kết thúc bài thơ.
Đêm nay xuống một bài thơ trắng
Một bài thơ trinh nguyên, như một người đang cầu cơ, như một người đang ngồi thiền, mở trái tim ra để cho Phật tánh bừng nở. Cũng như người cầu cơ để cho Đức Thế Tôn, để cho Thượng đế, để cho cái tinh hoa của vũ trụ giáng xuống dưới hình thức một bài thơ mới, một bài thơ có khả năng làm mới lại cuộc đời của mình.
Đêm nay xuống một bài thơ trắng
Cầu nguyện cho đời nở ái ân
Hai câu chót này là một lời cầu nguyện. Cầu nguyện với cái gì? Với trái tim của chúng ta. Nếu trái tim của chúng ta đầy dẫy những tuyệt vọng, đầy dẫy những đau buồn và hận thù thì làm sao chúng ta cầu nguyện được? Chúng ta phải có một cái gì đó mới có thể tiếp xúc được với cái tinh hoa của vũ trụ, với Trời với Phật. Vì vậy nên phải mở trang lòng nguyên vẹn ra, đây là tâm bồ đề của mình, đây là cái thiên lương của mình. Đêm nay xuống một bài thơ trắng , phải ngồi yên, ngồi rất yên, phải trải tấm lòng thanh tịnh của mình ra. Không thù hận, không tuyệt vọng thì mới mong rằng cái bài thơ trắng đó, cái bài thơ trinh nguyên đó giáng xuống được. Như là người cầu cơ, phải rất thanh tịnh, phải rất chí thành. Niềm tin đó, sự giác ngộ đó, phương thuốc trị liệu đó sẽ có cơ hội đi vào trong trái tim của mình được. Cho nên trong thời gian chiến tranh, người làm thơ ngồi thật yên lặng, đem tâm trong sáng của mình ra để chờ đợi phút linh cầu cho cái đó giáng về. Đêm nay xuống một bài thơ trắng. Cầu nguyện cho đời nở ái ân . Tại vì trong cuộc đời chỉ có hận thù, chỉ có bạo động, chỉ có tuyệt vọng. Cuộc đời cần có sự thương yêu. Cho nên lời cầu nguyện duy nhất của thi sĩ trong đêm ba mươi không phải là làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái, đầu năm sinh con trai cuối năm sinh con gái, mà là cầu nguyện cho tình thương giáng sinh trong trái tim của mình và trong trái tim của con người. Bài thơ này cũng là một bài thơ đạo.
Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi
Chưa từng hoen ố vết trầm luân
Đêm nay xuống một bài thơ trắng
Cầu nguyện cho đời nở ái ân
Ái đây tức là bác ái, tức là lòng thương của Bụt, của Chúa, là Từ Bi và Ân đây tức là ân nghĩa, ân tình của con người đối với nhau. Chữ ái ân đây thực sự có nghĩa là tình thương, là lòng từ bi. Và có gì đẹp hơn khi mình cầu nguyện cho tình thương, cho lòng từ bi giáng sinh trong trái tim của mình. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng có làm một bài nhạc với tựa đề Khi Tình Yêu Giáng Sinh. Làm thế nào để tình yêu giáng sinh? Ta phải có sự trầm tĩnh, sự lắng đọng. Ta phải đem cái trang lòng nguyên vẹn của mình ra thì ta mới cầu được cho tình yêu giáng sinh.
Xin chúc quý thầy, quý sư cô và quý Phật tử bên nhà một năm mới có nhiều hạnh phúc và nhất là có nhiều thì giờ để ngồi chơi, để có thể thấy được mặt nhau, đừng có bận rộn quá dầu là bận rộn chuẩn bị cho sư ông về cũng vậy. Ở bên này, phái đoàn Làng Mai chuẩn bị về Việt Nam cũng bận rộn lắm. Nhưng mọi người vẫn phải tập ngồi, phải cười, phải thở, phải đi từng bước thong thả. Tại vì nếu về Việt Nam mà không có sự tươi mát thì đâu có gì để hiến tặng cho các thầy, các sư cô và các Phật tử bên ấy. Xin đọc lại bài Thoát Hình của Vũ Hoàng Chương trước khi chấm dứt buổi bình thơ này.
Rào rạt trong cây nhựa trắng ngần
Đã nghe dồn cả tới đài xuân
Đã nghe rào rạt từng cơn gió
Về mách tin hương với cõi trần
Vườn đây rừng đấy cùng xao xuyến
Này phút hồn hoa sắp hiện thân
Nụ đã trên cành đau đớn cựa
Giờ thiêng hấp hối đã nghe gần.
Muôn vạn tế bào đang hủy thể
Vâng theo ý lớn nhịp xoay vần
Phá cho thành đấy sinh là diệt
Đời quả lên từ mỗi xác nhân
Kìa mảnh da ngà đang nứt rạn
Cho tròn một kiếp chẳng phân vân
Lòng cây mấy thuở ai người biết
Từng khóc từng reo đã mấy lần?
Nhựa ứ càng cao niềm giục giã
Đất trời mong mỏi nức hương lân.
Cánh hoa sắp hé phô kiều diễm
Nụ thoát hình trong phút nhập thần.
Ôi đã then sương cài lỏng lẻo
Buồng thơm rạo rực ý thanh tân
Có ai tha thiết ngoài mây nước
Chờ lối đào nguyên tự mở dần?
Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi
Chưa từng hoen ố vết trầm luân
Đêm nay xuống một bài thơ trắng
Cầu nguyện cho đời nở ái ân.
Cây ngô đồng chùa Vân Cư
TS THÍCH NHẤT HẠNH
Dưới đây là một bài thơ Đường nói về cây ngô đồng ở chùa Vân Cư. Tác giả là Bạch Cư Dị. Tới chùa Vân Cư ta thấy có một cây ngô đồng rất già, rất vững, đứng thẳng và đọt lấp trong mây xanh. Như vậy mà cây còn muốn mọc cao hơn nữa. Trong chùa có một vị hòa thượng 90 tuổi, rất quắc thước, mạnh như cây ngô đồng. Hỏi ngài thì ngài nói chính ngài ngày xưa đã gieo cái hạt cây ngô đồng ấy. Ngài nói hạt cây ngô đồng đó ngày xưa nhỏ xíu và xanh lè mà bây giờ trở thành một cây ngô đồng lớn vững như vậy. Đây là nguyên văn chữ Hán:
Nhất châu thanh ngọc lập
Thiên diệp lục vân ủy
Cao ý do vị dĩ.
Sơn tăng niên cửu thập
Thanh tịnh lão bất tử
Tự vân thủ chủng thì
Nhất khỏa thanh đồng tử.
Trực tùng manh nhe bạt,
Cao tự hào mạt thỉ
Tứ diên vô phụ chi
tâm hữu thông lý.
Ký ngôn lập thân giả
Công trực đường như thử.
Và dưới đây là bản dịch của cụ Trần Trọng Kim:
Cứng cỏi một cây đứng
Mây xanh nghìn lá nở
Ngất nghểu năm trượng thừa
Ý còn muốn cao nữa
Sơn tăng chín mươi tuổi
Thanh tịnh già không chết
Nói rằng thuở tay gieo
Một hạt đồng xanh lét
Thẳng ở trong mầm nhú
Cao từ lúc nhỏ bé
Bốn mặt không cần nương
Giữa ruột có thông lý
Nhắn gửi người lập thân
Cô trực phải như thế.
Ý nói những người nào muốn thành tựu sự nghiệp thì cũng phải một mình, cũng phải đứng thẳng, phải vươn lên cao, phải cắm rễ, phải mỗi ngày lớn lên như vậy. Xin vị tri chung thỉnh vài tiếng chuông để đại chúng ngồi cho yên. Xin đại chúng ngồi cho thoải mái, lưng cho thẳng. Con đang ngồi cho mẹ, con biết là mẹ đang có mặt trong con và con biết rằng nếu con ngồi yên thì mẹ cũng được ngồi yên. Có thể là mẹ chưa từng bao giờ được ngồi yên, tại vì mẹ đã sống một cuộc đời quá bận rộn, vừa lo cho cha vừa lo cho các con. Và vì vậy cho nên có thể mẹ chưa bao giờ có cơ hội để ngồi yên. Vậy thì hôm nay con ngồi yên cho mẹ. Con ngồi yên thì con có sự buông thư, con có sự tươi mát. Và nếu con có sự buông thư và sự tươi mát thì mẹ cũng được ngồi yên. Con hiến dâng cho mẹ sự tươi mát của con, con hiến dâng sự yên vui của con cho mẹ. Con ngồi cho ba, con biết là cuộc đời của ba rất là bận rộn. Và có thể ba chưa bao giờ có cơ hội được ngồi một lần cho yên. Ở trên Xóm Thượng có một cái thất gọi là thất Ngồi Yên. Và ngồi yên đem lại sự thoải mái, sự nghỉ ngơi, sự tươi mát, sự vững chãi. Và con đang ngồi cho ba, con đang ngồi để con có sự vững chãi. Con dừng lại được. Và khi con dừng lại được thì ba trong con cũng dừng lại được. Khi con dừng lại được thì con có thể thấy được trời xanh mây trắng, ánh sáng đang nhảy múa trên cành tre. Và khi con thấy được trời xanh mây trắng và ánh sáng đang nhảy nhót trên những đọt tre thì ba cũng thấy được trời xanh mây trắng và ánh sáng đang nhảy nhót trên những chiếc lá tre. Con đang ngồi cho thầy, có thể thầy trong những năm vừa qua đã bận rộn lo việc chùa, lo việc giáo hội, thầy cũng không có thì giờ để ngồi như thầy mong muốn. Và con có cơ hội được ngồi mỗi ngày nhiều lần. Nếu thầy ít có cơ hội để ngồi thì con sẽ ngồi cho thầy. Nếu Sư bà bận rộn lo việc Phật sự quá nhiều, lo công việc từ thiện, lo công việc của tăng thân quá nhiều mà không có cơ hội ngồi thì con ngồi cho Sư bà. Tại vì Sư bà là thầy của con. Con ngồi cho Sư ông, có thể là Sư ông bị công việc của giáo hội kéo đi, trăm chuyện, ngàn chuyện và Sư ông không có cơ hội để ngồi yên, tội nghiệp cho Sư ông. Vậy thì con ngồi cho Sư ông. Tại vì con muốn làm một đứa con có hiếu. Cái mà chúng ta có thể hiến tặng cho nhau là sự tươi mát, sự vững chãi, nụ cười, tình thương. Và khi chúng ta thương yêu thì chúng ta muốn hiến tặng cho người thương cái gì đẹp và quý nhất. Con thương bố, thương mẹ vì vậy con muốn tặng cho bố, cho mẹ sự tươi mát và thảnh thơi của con. Con thương thầy cho nên con muốn tặng cho thầy sự tươi mát và sự vững chãi của con. Con thương Sư bà, vì vậy cho nên con hiến tặng sự vững chãi, thảnh thơi và tươi mát của con cho Sư bà. Và con biết rằng bên này cũng như bên kia, chúng ta có quá nhiều công việc. Xã hội này là một xã hội bận rộn và rất ít người có được cơ hội ngồi yên để trở thành tươi mát và vững chãi.
Xã hội chúng ta là một xã hội bận rộn, tất cả mọi người đều bận rộn: các nhà chính trị bận rộn, các nhà thương gia bận rộn, các nhà giáo bận rộn, những người cha bận rộn, những người mẹ bận rộn và những người con cũng bận rộn. Chúng ta không có thì giờ để thở, không có thì giờ để ngồi yên, chúng ta không có thì giờ để nhìn mặt nhau, để nhận diện sự có mặt của người thương.
Trong giờ cuối năm, chúng ta hãy ngồi cho yên, chúng ta hãy cảm thấy sự có mặt của người thương của chúng ta. Đây là sư anh của mình, đây là sư chị của mình, đây là sư em của mình, đây là thầy của mình, đây là đệ tử của mình. Đối phó lại với cuộc sống bận rộn, chúng ta phải có khả năng đối kháng. Nếu chúng ta không kháng cự lại thì chúng ta sẽ bị cuốn theo cái đà bận rộn của tất cả xã hội. Mà bận rộn như vậy thì chúng ta tự đánh mất mình, chúng ta không còn gì quý báu để hiến tặng cho những người thương, không có thì giờ, không có sự thảnh thơi, không có sự tươi mát. Và vì vậy cho nên chúng ta phải kháng cự lại cái khuynh hướng bận rộn và đánh mất mình. Đây là một thái độ, không phải là một thái độ chính trị mà là một thái độ văn minh, thái độ văn hóa. Chúng ta phải mở ra cho các thế hệ tương lai một nền văn hóa mới, trong đó con người không quá bận rộn. Chúng ta muốn thành đạt, chúng ta muốn thành công, chúng ta muốn xây dựng một sự nghiệp và chúng ta nao nức để thực hiện những điều đó. Nhưng chúng ta cũng biết rằng khi nào chúng ta đã thành đạt một cái gì thì chúng ta chưa vừa lòng, chúng ta lập tức mở ra một chương trình mới, một dự án mới. Và như vậy chúng ta theo đuổi từ dự án này tới dự án khác cho đến trọn đời. Và không bao giờ chúng ta có được một cuộc picnic, trừ khi chúng ta nằm xuống lần cuối cùng, đi tới chỗ an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang. Vì vậy cuối năm, chúng ta ngồi lại với nhau, chúng ta phải buông bỏ hết. Chúng ta hãy nhìn vào mặt nhau để thấy rằng đây là thầy của mình, đây là sư đệ của mình, đây là sư huynh của mình, đây là sư tỷ của mình. Chúng ta là con một nhà và sự thực tập của chúng ta là chống lại cái khuynh hướng bận rộn, đánh mất chính mình. Điều này rất quan trọng, đây là một chủ đề rất căn bản cho nền văn hóa hiện tại. Có thể chúng ta có khả năng tiêu thụ nhiều nhưng chúng ta không có hạnh phúc. Chúng ta không có khả năng thương yêu và không có cơ hội để tiếp nhận sự thương yêu. Người kia quá bận rộn, làm gì họ có thời giờ để thương yêu. Thương yêu tức là nhìn nhận sự có mặt của người mình thương yêu; người đó quá bận rộn, họ không có cơ hội để nhận diện sự có mặt, trân quý sự có mặt của người mình thương. Không nhận diện được chồng mình, không nhận diện được vợ mình, không nhận diện được con mình, không nhận diện được thầy mình, không nhận diện được cha mình, mẹ mình. Và như vậy không phải là một nền văn minh. Trong một thiền viện, trong một trung tâm thực tập như Làng Mai, chúng ta bắt buộc phải đi từng bước thảnh thơi. Chúng ta bị bắt buộc đối kháng với khuynh hướng chạy, khuynh hướng bận rộn. Chúng tôi rất may mắn được làm như vậy, chúng tôi tự nguyện làm như vậy. Nhờ có uy nghi, có giới luật và pháp môn chung, nên mọi người trong mỗi bước chân có thể dừng lại, có thể buông thư, có thể thảnh thơi. Ở một trung tâm thực tập, mọi người có cơ hội để ngồi nhiều lần trong ngày. Và trong những lần ngồi như vậy thì chúng ta có cơ hội chấm dứt được sự bận rộn. Ngồi, trước hết là để chấm dứt sự bận rộn; thở và mỉm cười đưa lại sự lắng dịu của thân tâm. Vì vậy trong thiền viện, chúng ta có rất nhiều cơ hội và có nhiều khí giới để đối kháng với khuynh hướng tự đánh mất mình trong sự bận rộn. Và chúng ta phải làm, phải tìm cách để chia sẻ những phương pháp trong thiền viện để giúp cho người đời cũng có thể làm được một phần nào những cái mà chúng ta có thể làm được ở trung tâm thực tập.
Năm nay, tiết Tiểu hàn bắt đầu từ ngày 06 tháng giêng năm 2007. Tiểu hàn tức là cái lạnh nhỏ và tiết Đại hàn bắt đầu từ ngày 20 tháng giêng 2007. Tiết Lập xuân bắt đầu ngày 04 tháng hai 2007 và chúng ta đang ở vào tiết Lập xuân. Ngày Lập xuân là ngày 17 tháng chạp (ngày 04 tháng hai dương lịch) mà hôm nay chúng ta đã là ngày 30 tháng chạp. Lập xuân có nghĩa là sự bắt đầu của mùa xuân. Mùa đông còn đó nhưng đang bắt đầu rút lui, mùa xuân chưa tới, chưa biểu hiện một cách rõ ràng, nhưng mùa xuân đã bắt đầu. Vì vậy khi chúng ta đọc bài Lệnh của Xuân Diệu trong tác phẩm Xuân Diệu Trường Ca, thì lệnh này được ban bố vào tiết Lập xuân. Ban đầu có chúa xuân ra lệnh để cho mùa đông từ từ rút lui và để cho mùa xuân bắt đầu lớn dậy. Trong Xuân Diệu Trường Ca có một bài thơ bằng văn xuôi tên là Lệnh. Và lệnh truyền cho ai? Lệnh truyền cho tứ đại là đất, nước, lửa và gió, để bốn vị tướng tài đó bắt đầu hoạt động để đem mùa xuân trở về. Xuân Diệu Trường Ca được sáng tác năm Xuân Diệu 28 tuổi. Chúng ta đang đón xuân, vì vậy chúng ta đọc bài Lệnh của Xuân Diệu. Nhưng trước khi các thầy, các sư cô đọc bài thơ văn xuôi Lệnh của Xuân Diệu, tôi muốn nói tới một bài kệ của vua Trần Thái Tông. Vua Trần Thái Tông có sáng tác 43 công án Thiền và đã viết niêm và tụng cho những công án đó. Công án tức là những đề tài thiền tập. Trần Thái Tông đã thừa hưởng được đạo Bụt của tông phái Lâm tế. Người đã đem giáo lý phái Lâm Tế cho vua là quốc sư Đại Đăng. Trần Thái Tông đã biết tu học từ năm 20 tuổi, đã sáng tác những tác phẩm Phật học nổi tiếng trong đó có sách Khóa Hư. Trong sách Khóa Hư, chúng ta thấy 43 công án mà Trần Thái Tông đã sáng tác và đã sử dụng như là những đề tài thiền quán.
Cách đây 30 năm, tôi đã có cơ hội phiên dịch 43 công án này từ chữ Hán ra tiếng Việt, nhưng chưa giờ có dịp đem in. Có thể mai mốt, mình sẽ đưa lên trang nhà của Làng Mai. Và đây là công án thứ mười sáu có liên hệ tới Lệnh của mùa xuân. Tổ sư Lâm Tế của chúng ta có một phương pháp gọi là hét. Mỗi khi thấy một vị du tăng lấp ló ngoài cửa muốn xin vào thì chuyện đầu tiên ngài làm là hét. Và tiếng hét của thiền sư Lâm Tế giống như là tiếng gầm của sư tử lớn, giúp cho vị thiền giả kia chấm dứt được những suy tư của người đó. Người kia có một cơ hội mở ra một mùa xuân của trí tuệ và giác ngộ. Người đó đang sống trong một mùa đông lạnh giá kéo dài của u mê, của cố chấp, hận thù, thành kiến và của tập khí. Người đó nghĩ rằng họ có đường hướng, có phương pháp; người đó nghĩ rằng mình đang đi trên con đường chánh đạo. Nhưng tiếng hét của thiền sư Lâm Tế có nghĩa rằng anh đang đi trong một mùa đông giá lạnh kéo dài, anh phải để cho mùa đông đó chấm dứt để cho mùa xuân đạo lý, mùa xuân của giác ngộ, của chuyển hóa đi tới. Và vì vậy tiếng hét đó là lệnh đưa ra cho mùa đông rút lui và ra lệnh cho mùa xuân bắt đầu. Vua Trần Thái Tông đã bày cái tiếng hét của thiền sư Lâm Tế là tiếng lệnh. Tiếng lệnh ra hiệu cho mùa đông phải chấm dứt từ từ và mùa xuân phải bắt đầu chớm dậy. Đây là nguyên văn của bài kệ:
Nhập môn tiện hát dục hà hành?
Dẫn đắc nhi tôn túy lý tinh
Bất thị xuân lôi thanh nhất chấn
Tranh giao hàm giáp tận khai manh.
Vua Thái Tông viết: “Thiền sư Lâm Tế khi bắt đầu ra giảng dạy đã sử dụng cây gậy và tiếng hét. Hễ khi có một vị tăng đi vào cửa thì lập tức hét lớn”.
Vừa tới cửa ngoài nghe tiếng hét
Tỉnh giấc hôn trầm lũ cháu con
Một tiếng sấm xuân vừa chấn động
Khắp nơi cây cối nẩy mầm non.
Đó là cách vua Trần Thái Tông diển tả tiếng hét của thiền sư Lâm Tế. Đó là tiếng sấm xuân, ra lệnh cho tất cả cây cối phải bắt đầu chuẩn bị đâm chồi nẩy lộc. Ta đọc bài Lệnh ở trong Trường Ca Xuân Diệu để thấy lệnh đó được ban ra như thế nào và ban ra cho ai. Bây giờ mời sư cô Khiết Nghiêm, thầy Pháp Độ và sư chú Pháp Cầu đọc bài thơ này. Xin mời quý vị nghe Xuân Diệu Trường Ca, bài thơ Lệnh viết bằng văn xuôi của Xuân Diệu sáng tác năm thi sĩ mới 28 tuổi.
Lệnh Truyền
Lệnh đã truyền ra,
đất vâng trước đất.
Suốt một đêm trường
đất không sao ngủ được.
Cả mình sấm chuyển
cái ngực của đất phồng lên không muốn ngủ.
Mà ngủ làm chi
Đất cựa mình vì xốn xang trong da thịt
Lệnh đã truyền
ngày mai đây
tháng sau đây
biết có xong công trình hay chăng?
Thật tấm lòng của đất dạt dào
tính toán ngay từ phút đông vừa bớt lạnh
Đất mẹ đã nghe muôn con đòi nở
muốn vượt chồi lên trên đất, thở ánh sáng trời
Hàng triệu mầm hé ra khép vào
đầu hướng lên chân mạch căng thẳng
ngửa cả mình đất
Vi trùng sáng tạo lên men dưới da
từ đáy sâu đưa lên bao sức lực để đỡ nâng
Đất mẹ sung sướng
đất mẹ lo âu
đất mẹ nằm sinh và làm việc
mẹ bao la chạy chia nghìn ngả
này núi này rừng này đồng này ruộng
lại còn linh tinh muôn vạn núi đồi nữa
làm sao đủ sữa căng lên
Lệnh đã truyền
đất lãnh lấy công đầu
đất ngàn năm đất triệu năm
đậm đà chắc chắn
càng già càng dai
Máu cũ biến mới
sục sục quang tuyến
mạch chạy đầm đìa
máu đen kế máu đỏ
nhựa nâu đến ngã ba cùng với nhựa xanh.
Những con đường xéo lẫn nhau
chở chất chua chất ngọt chất mát chất nồng
theo rễ muôn cây lên cho mặt trời hòa hợp
Trên mặt đất vẫn chưa lộ gì cả
nhưng dưới nhà hầm biết bao là vội vàng
Thì giờ trễ rồi
thời gian tính từng phút một
ngón tay nghiêm nghị không bao giờ đếm nhầm
cho nên đất mẹ làm việc không nghỉ
không lẽ năm nay lại trễ hơn mọi năm?
Ánh sáng vâng lệnh thứ hai
có cô em sức nóng đi kèm
nàng tiên quyền cao phép cả chẳng ai dám đương
khi hứng thú nồng nàn ánh sáng lấn áp cả không gian
ôm chầm vũ trụ, đè bẹp bóng tối dưới triệu móng chân
mi của ánh sáng thật dài, tia của ánh sáng thật đượm
ánh sáng bắn tin truyền hình đưa lệnh khắp hang cùng núi hẻm
bảo rằng sắp sửa tin vui.
Ánh sáng nhún nhảy tươi cười không chút lo lắng
tài lực của nàng nhiệm mầu nhanh chóng
nàng có thể giấu mình suốt tháng vờ như không hay gì cả
nhưng mánh khóe tinh anh sao
nàng làm việc ngấm ngầm
chỉ một ngày một sáng mai nàng đến
là cả bầu không đã treo ngọc giăng tơ
cả mặt đất đã trãi vóc gấm thêu thùa trong gió lăng líu qua cây.
Ánh sáng đứng một chỗ
mà ở khắp nơi con mắt điện quang thấu suốt muôn trùng
trông nom từng nụ mầm non từng vọt sâu bọ
nàng ôm những thân cây giá lạnh
sưởi những luống đất ẩm hiu
Nàng lách vào những kẽ lá
cho màu xanh non biến thành màu lục đậm
cho nên những cội tùng già yếu
nàng cũng gõ mãi ngoài vỏ
đến nỗi một ngày kia bật ra mầm xanh
và ánh sáng ngồi kéo muôn triệu chỉ vàng
tiếp theo muôn triệu chỉ vàng cuộn tròn vào bánh xe hay mắc ngang khung cửi
dấu giếm khắp nơi để đến lúc cần dùng sợi ngày vàng sẽ lộ ra chi chít.
Nước nhận lấy phần
nước đi theo ánh sáng
làm thành cặp uyên ương kỳ dị
rẽ nhau một lần là đồng khô cỏ cháy
Nước mát êm cho nắng tựa vào
nước cũng chảy chia nghìn ngã
chạy vào làm máu cho đất
chạy ra làm lời cho suối
độn thổ đằng vân.
Ánh sáng loảng xoảng trong mình
âm điệu róc rách giữa lòng
nước lấy ôn nhu vỗ về loảng xoảng trong mình
âm điệu róc rách giữa lòng
nước lấy ôn nhu vỗ về nuôi nấng cho muôn vật phát sinh
mà cái liếc mắt đưa dài nghìn lý
Nàng chen vào búp hoa này lẫn vào nhánh cây kia
trái uống nàng vào bụng
mây giữ nàng trong mình
nụ hút nàng vào tim
cây kiếm nàng làm nhựa
ôi nước ngọt ngào mát mẻ thảnh thơi.
Không ai tranh
nên về phần gió
phải xem dáng điệu nàng thu gọn
mới biết nàng khéo dấu sức phá hoại của mình
chỉ còn là một làn phớt qua
áo nàng tha thiết phiêu phiêu
hồn nàng phất trần
Nàng lên tinh tú gió bay gió lượn
gió phất phơ như hơi thở ân tình
gió đưa duyên bướm
gió làm mối lái cho hoa
gió múa điệu lẳng lơ
nói lời cợt ghẹo
vạn vật nghe gió mà rợn tình.
Gió phẩy móng tay búng muôn đầu lá
gió rào rào rúng động ngàn cây
âm nhạc theo nàng mà vào không gian
nàng là những sợi dây sắt cầm lượn bay
Không khí tự xoay vang tiếng tơ đồng
miền xa lại gần gió mới tỏ tình
hương đà theo hút
gió có cần vội vã đâu
chỉ thoáng lên xe đi thúc giục các chồi các nụ
đến hôm ấy gió chỉ việc dịu dàng bay chơi
là cuốn theo muôn lòng đắm say.
Lệnh được vâng
tất cả đều làm việc
tất cả giao hòa giúp sức lẫn nhau
tất cả cũng đều một niềm yêu thương quảng đại
tất cả cùng đồng một ý trau chuốt điểm trang.
Ngày ấy Lệnh đốt tiếng pháo đầu
muôn tiên đã núp sau màn
chim chóc cũng lên đầy cổ họng
mắt trời xé màn suơng mỏng
xé màn mơ mộng còn ủ ấp non sông
nhạc vang reo hương nồng tỏa.
Công chúa xuân nương hiện hình
sương đeo một triệu hoa tai cho nàng
nàng cười một nghìn điệu hoa
nàng mặc chín triệu lá non
má nàng điểm đôi chút sương hồng
tóc nàng gió xuân lỏa tỏa
muôn lời của vũ trụ
đồng tấm tắc khen nàng công chúa con chung.
Xuân nương xuân nương hội mừng nàng
hội của nàng sẽ lâu chín mươi ngày
góp thêm chín mươi đêm vui suốt sáng
Nàng ra đời nàng lại về
nàng không mỏi tái sinh
trời ơi Xuân nương cười
trông thấy công chúa phụ hoàng đôi mắt sáng ngời
đáp lại bằng nụ cười thái dương
âm nhạc khởi lên chín mươi ngày đêm
bắt đầu bằng một buổi sớm.
Xuân Diệu sinh năm 1917 và Xuân Diệu Trường Ca được xuất bản năm 1945, năm thi sĩ 28 tuổi. Vũ Hoàng Chương sinh trước Xuân Diệu một năm, vào năm 1916. Và 24 tuổi thì xuất bản Thơ Say, năm 38 tuổi làm Bài Ca Siêu Thoát. Và năm 1952, trước đó hai năm, thì làm được bài Thoát Hình mà chúng ta sẽ được nghe bình bây giờ. Sư cô Thuần Tiến sẽ ngâm tám câu đầu. Bài này cũng nói về mùa xuân, nhưng đi sâu hơn Xuân Diệu. Bài thơ này cho ta thấy được cái nghiệp sinh diệt và liên hệ giữa nhân và quả.
Rào rạt trong cây nhựa trắng ngần
Đã nghe dồn cả tới đài xuân
Đã nghe rào rạt từng cơn gió
Về mách tin hương với cõi trần
Vườn đây rừng đấy cùng xao xuyến
Này phút hồn hoa sắp hiện thân
Nụ đã trên cành đau đớn cựa
Giờ thiêng hấp hối đã nghe gần.
Trong bài Thoát Hình , Vũ Hoàng Chương nói tới sự xuất hiện của một bông hoa. Và sự biểu hiện của một bông hoa, giờ phút sinh ra của một bông hoa. Nhưng sự sinh nở của bông hoa đi kèm theo những khổ đau, những lo lắng, những cái chết, những gì đã đưa tới bông hoa ấy. Và trong những câu đầu mình cũng thấy lệnh đã đưa ra và nhựa trong cây bắt đầu dồn tới để đem lại mùa xuân, để làm cho đóa hoa xuân nở. Rào rạt trong cây nhựa trắng ngần: nhựa trong cây bắt đầu rào rạt vì lệnh đã ban truyền.
Rào rạt trong cây nhựa trắng ngần
Đã nghe dồn cả tới đài xuân
Mình có thì giờ, có lỗ tai, có chánh niệm thì có thể nghe được sức sống lưu chuyển trong vũ trụ, trong lòng đất, trong thân cây để đưa tới một mùa xuân, để đưa tới sự thoát hình của một bông hoa, sự có mặt của một bông hoa:
Đã nghe rào rạt từng cơn gió
Về mách tin hương với cõi trần.
Ở đây ta cũng thấy lại hình ảnh của tứ đại: đất, nước, gió và lửa. “Đã nghe rào rạt từng cơn gió. Về mách tin hương với cõi trần” có nghĩa là lệnh đã truyền ra thì khi tiếp nhận được lệnh mình phải truyền lại cho tất cả mọi người. Cũng như khi sư anh trụ trì nhận được lệnh phải có một khóa tu tháng sáu thì truyền lại cho tất cả các sư em để chuẩn bị cho khóa tu tháng sáu thành công. Và khóa tu tháng sáu là một đóa hoa. Nhựa phải lưu chuyển trong hình hài của tăng thân lâu ngày thì mình mới có được khóa tu tháng sáu. Tin hương là một cái tin rất thơm, tin nói rằng sẽ có một bông hoa nở, bông hoa đó là mùa xuân.
Bây giờ, đọc báo ta chỉ nghe những tin không thơm lắm, mỗi ngày bao nhiêu người chết, bao nhiêu bom nổ. Nhưng cái tin mùa xuân đang về là một cái tin thơm. Tại vì mùa xuân về đưa lại cho chúng ta biết bao nhiêu nụ hoa kỳ diệu.
Vườn đây rừng đấy cùng xao xuyến
Này phút hồn hoa sắp hiện thân
Nụ đã trên cành đau đớn cựa
Giờ thiêng hấp hối đã nghe gần.
Giây phút của sự sinh nở không phải là một giây phút tầm thường, nó bao gồm cả sự đau đớn. Khi sắp sanh mình, mẹ đau đớn lắm; khi sắp hạ sinh mùa xuân, đất cũng đau đớn lắm. Và có một cái gì giống như là cái chết đang xảy ra trong khi chuẩn bị cho cái sống thành hình. Vũ Hoàng Chương hồi đó chưa nghiên cứu Phật giáo sâu sắc, nhưng đã có một linh tính, đã có một tuệ giác. Vũ Hoàng Chương thấy được cái sống dựa vào cái chết, nếu không có cái chết thì không có cái sống. Khi một hạt cây nứt ra để cho mầm cây trở thành một cây con thì đó là cái chết của hạt cây. Thánh kinh có nói là nếu cái hạt không chết thì làm sao cái mầm sinh ra được. Vũ Hoàng Chương thấy được điều đó. Và vì vậy khi mẹ sinh mình, mẹ có chết ở trong lòng một ít. Khi đất sinh ra mùa xuân, đất cũng chết ở trong lòng một ít. Khi thầy sinh ra mình, thầy cũng chết ở trong lòng một ít. Và cái chết đó không phải là cái chết, đó là sự trao truyền tất cả những sức sống của mẹ cho thai nhi, cho đứa con. Đất mẹ truyền tất cả sức sống cho mùa xuân và khi thầy sinh ra mình, thầy cũng truyền sức sống của thầy vào trong mình. Đó cũng là một hình thái chết, nhưng đây không phải là một cái chết đau buồn mà là một cái chết rất đẹp. Chúng ta phải học chết như vậy để sự sống càng ngày càng xinh đẹp. Vườn đây rừng đấy cùng xao xuyến : cả rừng cả vườn khi nhận được lệnh đều xao xuyến cả. Tại vì máu chảy trong huyết quản, nhựa chảy trong lòng cây. Vườn đây rừng đấy cùng xao xuyến , tại vì sao? Này phút hồn hoa sắp hiện thân : đã tới cái giây phút mà bông hoa của mùa xuân nở. Nụ đã trên cành đau đớn cựa : có sự đau đớn của sự sinh nở.
Nụ đã trên cành đau đớn cựa
Giờ thiêng hấp hối đã nghe gần .
Cái chết biến thành sự sống, cái sống không thể nào có được nếu không có cái chết. Và cái chết này là sự tiếp nối của sự sống. Và sự sống này là sự tiếp nối của sự chết. Sống và chết tương tức, không thể nào lấy cái này ra khỏi cái kia được.
Muôn vạn tế bào đang hủy thể. Hủy thể tức là đang chết. Và chết như vậy để cho sự sống có thể xảy ra được. Trong hình hài của mình, mỗi giây phút có hàng ngàn tế bào hủy thể. Và nếu những tế bào trong mình không hủy thể thì không thể nào sinh ra được những tế bào mới. Khi nhìn vào lớp da ngoài của hình hài, mình biết rằng lớp da ngoài của mình gồm có những tế bào khô, những tế bào chết. Và mỗi khi mình gãi thì có hàng ngàn tế bào chết ấy rơi xuống. Cái chết và cái sống tương tức. Nhìn cái chết dưới ánh sáng của tương tức thì mình không còn đau buồn nữa.
Muôn vạn tế bào đang hủy thể
Vâng theo ý lớn nhịp xoay vần.
Ý lớn ở đây tức là cái nguyên lý của vũ trụ: có sinh thì có diệt, cái diệt làm bằng cái sinh, cái sinh làm bằng cái diệt. Ý lớn là ý trời, ý trời ở đây tức là ý của thiên nhiên, ý của sự sống và phá hủy là để thành tựu chứ không phải phá hủy chỉ để phá hủy. Chính vì phải thành tựu cho nên phải có sự hủy thể. Phá cho thành đấy, sinh là diệt . Nhà thơ 36 tuổi đã thấy được tính tương tức của sinh và diệt. Mười một năm sau, Vũ Hoàng Chương viết bài Lửa Từ Bi, nhưng Lửa Từ Bi là một đóa hoa nở trên cái xác của bài Thoát Hình. Bài Thoát Hình là một bước và Lửa Từ Bi là một bước khác nữa. Nếu không có bài Thoát Hình thì sẽ không có bài Lửa Từ Bi. Và càng ngày Vũ Hoàng Chương càng trở nên một thi sĩ có tuệ giác Phật giáo. Muôn vạn tế bào đang hủy thể : đây không phải là một cái gì đau buồn, tại vì đây là sự chuẩn bị cho sinh nở, cho sự sống. Muôn vạn tế bào đang hủy thể , vâng theo ý lớn nhịp xoay vần : ý lớn nhịp xoay vần, đó là sự vận hành của vũ trụ.
Phá cho thành đấy sinh là diệt
Đời quả lên từ mỗi xác nhân.
Cái nhân sung sức nhưng khi sinh ra quả thì tự trở thành một cái xác, gọi là xác nhân. Khi hạt giống nứt mầm để cho ra một cây mới thì cái hạt giống đó chết. Nó chết nhưng không phải là nó chết, nó chỉ thoát hình.
Cái xác này thật ra không phải là một cái xác, nó chẳng qua chỉ là cái da mà mình lột ra thôi, như con rắn lột da. Khi một hạt cây biến thành mầm non thì hạt cây thành ra mầm non. Mình gọi nó là cái xác nhân, nhưng kỳ thực nó là cái mầm quả, cái xác nhân trở thành cái mầm quả.
Kìa mảnh da ngà đang nứt rạn
Cho tròn một kiếp chẳng phân vân.
Mảnh da này là một mảnh da của thân cây, nó phải nứt ra thì mới có thể sinh ra một cái mầm non được. Lệnh đã truyền thì thế nào nhựa cây cũng phải lưu chuyển cho mạnh. Và sự hoạt động đó, sức mạnh đó, năng lượng đó sẽ làm cho vỏ cây nứt ra. Và hễ có sự nứt ra là có sự đau đớn.
Kìa mảnh da ngà đang nứt rạn
Cho tròn một kiếp chẳng phân vân
Lòng cây mấy thuở ai người biết
Từng khóc từng reo đã mấy lần?
Người nào đã từng làm mẹ, làm cha, hoặc làm thầy, người nào đã từng làm sư chị hay sư anh cũng thấy được điều đó. Đây là lòng của người mẹ, đây là lòng của đất mẹ đã khóc, đã cười, đã reo vì đứa con mà mình đang thai nghén, vì đứa con mà mình sắp cho ra đời. Bốn câu này là để nói về lòng cây, lòng cây đây tức là lòng mẹ, lòng đất đang chuẩn bị để đưa ra một mùa xuân. Kìa mảnh da ngà đang nứt rạn. Cho tròn một kiếp chẳng phân vân. Lòng cây mấy thuở ai người biết. Có ai biết cho không? Có ai biết cho niềm đau, những tiếng khóc và tiếng reo trong lòng của bà mẹ, trong lòng của người cha, trong lòng của trái đất.
Nhựa ứ càng cao niềm giục giã : càng ngày thì giục giã càng lớn và nhựa càng lưu chuyển mạnh.
Nhựa ứ càng cao niềm giục giã
Đất trời mong mỏi nức hương lân.
Cả trời cả đất đang chờ đợi cái giây phút mầu nhiệm của bông hoa hé nở và tỏa hương thơm ngát cả đất trời. Đất trời mong mỏi nức hương lân : nức là thơm ngát, hương lân tức là mùi thơm trong cả một vùng.
Cánh hoa sắp hé, phô kiều diễm
Nụ thoát hình trong phút nhập thần.
Giây phút sinh nở là một giây phút rất trọng đại, cần phải có sự tập trung rất lớn.
Ôi đã then sương cài lỏng lẻo
Buồng thơm rạo rực ý thanh tân.
Then ở đây là cái then cửa và bây giờ nó đã lỏng lẻo ra rồi và ta có thể mở cửa cho mùa xuân thoát hình một cách rất dễ dàng.
Có một sự trông chờ, có một sự mong đợi. Tất cả đều đã chuẩn bị; bây giờ đây mình chỉ cần đưa ngón tay rút cái then cửa, mở cửa ra là mùa xuân tới.
Có ai tha thiết ngoài mây nước
Chờ lối Đào nguyên tự mở dần.
Ngày xưa, có Lưu Thần và Nguyễn Triệu đi thơ thẩn ở Đào nguyên và lạc vào cõi tiên. Thì bây giờ chúng ta cũng đang tha thiết ở ngoài chốn mây nước để cửa động Đào nguyên bắt đầu mở ra cho chúng ta đi vào mùa xuân.
Hồi đó chiến tranh đã bắt đầu khốc liệt ở miền Bắc và cái chết đã xảy ra. Có bạo động, có hận thù, có chiến tranh, có hư hỏng, có tuyệt vọng. Nhưng thi sĩ đã tìm cách giữ cho lòng mình an tĩnh. Trong một hoàn cảnh biến động, trong khi khổ đau phát hiện đầy dẫy, trong khi tham đắm, giận hờn và hận thù tràn lan, nếu không biết tu tập và giữ lấy thân thì ta cũng sẽ bị cuốn theo tất cả những cái đó. Và vì vậy cho nên nhà thơ cũng thấy được như người tu là phải làm thế nào để trong đêm ba mươi mình tiếp xúc lại được với tấm lòng trong trắng nguyên vẹn của chính mình. Hồi đó Vũ Hoàng Chương chưa biết đến danh từ Bồ Đề Tâm, chỉ cho trái tim trong sáng, cho Phật tánh của mình. Và thi sĩ đã dùng danh từ trang lòng . Và trang lòng này là trang lòng còn nguyên vẹn, chưa hề bị hoen ố bởi hận thù, bởi tuyệt vọng, bởi sự tranh chấp. Và nếu mình sống sót được, đó là nhờ mình còn giữ được sự nguyên vẹn ấy trong trái tim. Và đêm ba mươi ngồi im lại để tìm cách tiếp xúc được với cái tâm trong trắng đó của mình để đừng đánh mất mình trong tuyệt vọng, trong hận thù. Đó là sự thực tập của người thi sĩ.
Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi
Tin rằng mình vẫn còn có một trang lòng nguyên vẹn. Cũng như người tu chúng ta biết rằng ta có Phật tánh, ta có bồ đề tâm, chúng ta luôn luôn có thể trở về nương tựa nơi Phật tánh đó, nơi bồ đề tâm đó, để ta đừng bị cuốn đi theo những tuyệt vọng những khổ đau của xã hội ngày hôm nay.
Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi
Chưa từng hoen ố vết trầm luân
Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi , đó là niềm tin mà mình cần phải có: “Dù thế giới có tan tành thì nụ cười của bông hoa cũng không bao giờ tan biến” . Mình phải tin vào Phật tánh nơi mình, mình phải tin vào cái thiên lương nơi mình, mình phải tin vào tâm bồ đề nơi mình. Đó là chỗ mình trú ẩn, là cái pháo đài để mình không đánh mất mình. Thi sĩ đã nói lên được điều đó. Không bằng ngôn từ Phật giáo mà bằng ngôn từ của riêng ông: Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi. Chưa từng hoen ố vết trầm luân. Và đây là một lời cầu nguyện để kết thúc bài thơ.
Đêm nay xuống một bài thơ trắng
Một bài thơ trinh nguyên, như một người đang cầu cơ, như một người đang ngồi thiền, mở trái tim ra để cho Phật tánh bừng nở. Cũng như người cầu cơ để cho Đức Thế Tôn, để cho Thượng đế, để cho cái tinh hoa của vũ trụ giáng xuống dưới hình thức một bài thơ mới, một bài thơ có khả năng làm mới lại cuộc đời của mình.
Đêm nay xuống một bài thơ trắng
Cầu nguyện cho đời nở ái ân
Hai câu chót này là một lời cầu nguyện. Cầu nguyện với cái gì? Với trái tim của chúng ta. Nếu trái tim của chúng ta đầy dẫy những tuyệt vọng, đầy dẫy những đau buồn và hận thù thì làm sao chúng ta cầu nguyện được? Chúng ta phải có một cái gì đó mới có thể tiếp xúc được với cái tinh hoa của vũ trụ, với Trời với Phật. Vì vậy nên phải mở trang lòng nguyên vẹn ra, đây là tâm bồ đề của mình, đây là cái thiên lương của mình. Đêm nay xuống một bài thơ trắng , phải ngồi yên, ngồi rất yên, phải trải tấm lòng thanh tịnh của mình ra. Không thù hận, không tuyệt vọng thì mới mong rằng cái bài thơ trắng đó, cái bài thơ trinh nguyên đó giáng xuống được. Như là người cầu cơ, phải rất thanh tịnh, phải rất chí thành. Niềm tin đó, sự giác ngộ đó, phương thuốc trị liệu đó sẽ có cơ hội đi vào trong trái tim của mình được. Cho nên trong thời gian chiến tranh, người làm thơ ngồi thật yên lặng, đem tâm trong sáng của mình ra để chờ đợi phút linh cầu cho cái đó giáng về. Đêm nay xuống một bài thơ trắng. Cầu nguyện cho đời nở ái ân . Tại vì trong cuộc đời chỉ có hận thù, chỉ có bạo động, chỉ có tuyệt vọng. Cuộc đời cần có sự thương yêu. Cho nên lời cầu nguyện duy nhất của thi sĩ trong đêm ba mươi không phải là làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái, đầu năm sinh con trai cuối năm sinh con gái, mà là cầu nguyện cho tình thương giáng sinh trong trái tim của mình và trong trái tim của con người. Bài thơ này cũng là một bài thơ đạo.
Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi
Chưa từng hoen ố vết trầm luân
Đêm nay xuống một bài thơ trắng
Cầu nguyện cho đời nở ái ân
Ái đây tức là bác ái, tức là lòng thương của Bụt, của Chúa, là Từ Bi và Ân đây tức là ân nghĩa, ân tình của con người đối với nhau. Chữ ái ân đây thực sự có nghĩa là tình thương, là lòng từ bi. Và có gì đẹp hơn khi mình cầu nguyện cho tình thương, cho lòng từ bi giáng sinh trong trái tim của mình. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng có làm một bài nhạc với tựa đề Khi Tình Yêu Giáng Sinh. Làm thế nào để tình yêu giáng sinh? Ta phải có sự trầm tĩnh, sự lắng đọng. Ta phải đem cái trang lòng nguyên vẹn của mình ra thì ta mới cầu được cho tình yêu giáng sinh.
Xin chúc quý thầy, quý sư cô và quý Phật tử bên nhà một năm mới có nhiều hạnh phúc và nhất là có nhiều thì giờ để ngồi chơi, để có thể thấy được mặt nhau, đừng có bận rộn quá dầu là bận rộn chuẩn bị cho sư ông về cũng vậy. Ở bên này, phái đoàn Làng Mai chuẩn bị về Việt Nam cũng bận rộn lắm. Nhưng mọi người vẫn phải tập ngồi, phải cười, phải thở, phải đi từng bước thong thả. Tại vì nếu về Việt Nam mà không có sự tươi mát thì đâu có gì để hiến tặng cho các thầy, các sư cô và các Phật tử bên ấy. Xin đọc lại bài Thoát Hình của Vũ Hoàng Chương trước khi chấm dứt buổi bình thơ này.
Rào rạt trong cây nhựa trắng ngần
Đã nghe dồn cả tới đài xuân
Đã nghe rào rạt từng cơn gió
Về mách tin hương với cõi trần
Vườn đây rừng đấy cùng xao xuyến
Này phút hồn hoa sắp hiện thân
Nụ đã trên cành đau đớn cựa
Giờ thiêng hấp hối đã nghe gần.
Muôn vạn tế bào đang hủy thể
Vâng theo ý lớn nhịp xoay vần
Phá cho thành đấy sinh là diệt
Đời quả lên từ mỗi xác nhân
Kìa mảnh da ngà đang nứt rạn
Cho tròn một kiếp chẳng phân vân
Lòng cây mấy thuở ai người biết
Từng khóc từng reo đã mấy lần?
Nhựa ứ càng cao niềm giục giã
Đất trời mong mỏi nức hương lân.
Cánh hoa sắp hé phô kiều diễm
Nụ thoát hình trong phút nhập thần.
Ôi đã then sương cài lỏng lẻo
Buồng thơm rạo rực ý thanh tân
Có ai tha thiết ngoài mây nước
Chờ lối đào nguyên tự mở dần?
Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi
Chưa từng hoen ố vết trầm luân
Đêm nay xuống một bài thơ trắng
Cầu nguyện cho đời nở ái ân.
Ngồi yên nhìn rõ quê hương
Ngồi yên nhìn rõ quê hương
Pháp thoại ngày 28 tháng 01 năm 2006, Xóm Mới Làng Mai Pháp
TS THÍCH NHẤT HẠNH
Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày 28 tháng 01 năm 2006, cũng là ngày ba mươi Tết. Chúng ta đang tập họp tại chùa Từ Nghiêm, Xóm Mới. Bài Pháp thoại hôm nay đang được truyền trực tiếp về Việt Nam bằng internet. Sáng hôm nay vào khoảng chín giờ, trời bắt đầu có tuyết rơi. Bây giờ, các thầy ở Xóm Thượng đã tới được Xóm Mới đông đủ, nhưng các sư cô ở Xóm Hạ vì đường trơn quá nên chưa tới được. Không biết xe của các sư cô còn bị kẹt ở giữa đường hay là đã quay về Xóm Hạ rồi?
Tập Ngồi Thật Yên
Chúng ta, những người trong thiền viện này, đều có cơ hội ngồi yên mỗi ngày nhiều lần. Đó là phước của những người tu. Trong xã hội hôm nay, những người có cơ hội và thì giờ để ngồi yên rất hiếm. Hôm nay là ngày cuối năm âm lịch, chúng ta cũng vẫn có cơ hội để ngồi yên với nhau. Cố nhiên là nhiều người trong chúng ta phải bận rộn lo Tết, nhưng cái đặc biệt là ở thiền viện chúng ta cũng vẫn có thì giờ để ngồi yên. Đó là một điều rất quý. Hơn nữa, thì giờ ngồi yên đêm ba mươi Tết có ý nghĩa hết sức đặc biệt: Chúng ta ý thức rằng một năm cũ sắp qua và một năm mới sẽ đến; trong giờ phút ngồi yên đó, chúng ta có thể nhìn thấy được nhiều điều. Chúng ta nên ý thức được rằng trong buổi pháp thoại cuối năm này các thầy, các sư chú, các Phật tử ở chùa Từ Hiếu - Huế cũng đang được nghe chung với các thầy, các sư cô, các Phật tử ở Làng Mai – Pháp quốc. Đồng thời các thầy, các sư cô và các Phật tử ở tại tu viện Bát Nhã – Bảo Lộc và chùa Pháp Vân – Sài Gòn cũng đang ngồi nghe với chúng ta.
Tôi vừa mới thỉnh ba tiếng chuông và tôi sẽ thỉnh thêm một tiếng nữa. Xin mời tất cả quý vị ngồi cho an. Chúng ta ngồi cho cha, cho mẹ. Chúng ta ngồi cho tổ tiên, chúng ta ngồi cho con cháu của chúng ta. Chúng ta biết rằng: khi chúng ta ngồi yên được thì cha mẹ trong ta cũng ngồi yên được, và tổ tiên của chúng ta trong ta cũng ngồi yên được. Đó là một món quà rất lớn mà chúng ta có thể hiến tặng cho cha, cho mẹ, cho tổ tiên và cho cả thế giới. Ngồi yên là một cái gì rất đặc biệt, rất quý hóa. Trong chúng ta, người nào có khả năng ngồi yên thì người đó có khả năng có hạnh phúc và có khả năng giúp cho cuộc đời bớt khổ.
Ngồi yên, ta sẽ thấy ta, sẽ thấy cha ta ở trong ta và cha ta đang ngồi với ta. Có thể là trong suốt cuộc đời, cha ta chưa bao giờ từng được ngồi yên như chúng ta đang ngồi yên hôm nay. Ta đang nối tiếp cha ta một cách đích thực, và khi ta ngồi yên thì cha ta cũng được ngồi yên. Hai cha con đang cùng ngồi trong một hình hài. Và khi ta ngồi yên, có sự thanh tịnh, có sự vững chãi, thì cha ta cũng có sự thanh tịnh, có sự vững chãi trong khi ngồi yên với ta. Đó là một điều hết sức mầu nhiệm, một điều hết sức đẹp mà chúng ta có thể làm được, có thể hiến tặng được.
Chúng ta có một người anh hay một người chị, một người em trai hay một người em gái. Chúng ta hãy nhìn vào người anh, người chị, người em trai hay người em gái đó. Ta sẽ thấy cha ta trong người ấy, cách nhìn đó, cách mỉm cười đó đích thực là cách nhìn của cha, cách mỉm miệng cười của cha. Mình thấy rằng cha mình đang được tiếp nối rất rõ ràng nơi con người của anh, của chị, của em mình. Khi ta nhìn vào người chị hay là người em gái của ta thì chúng ta cũng thấy được mẹ. Cái kiểu chị cười đó là cái kiểu của mẹ cười, không khác gì cả. Sự tiếp nối rất rõ ràng. Và chúng ta cũng biết rằng mẹ ta đang được tiếp nối nơi ta, mẹ ta đang cười trong ta, mẹ ta đang nhìn với con mắt của ta. Và khi chúng ta ngồi yên như thế này thì mẹ cũng được ngồi yên. Có thể là suốt đời mẹ tất tả xuôi ngược làm ăn, lo cho chồng, lo cho con, nên chưa bao giờ có cơ hội được ngồi yên, vậy thì bây giờ, mình ngồi yên cho mẹ, nhất là mình ngồi yên được trong những giờ cuối năm này.
Tổ tiên chúng ta từng trải qua những cơn đói và người nào trong chúng ta cũng tiếp nhận được hạt giống của sự lo lắng của tổ tiên. Lo rằng không biết có bị đói nữa hay không. Sợ không có cơm ăn, sợ chết đói. Đó là một nỗi lo, nỗi sợ rất lớn. Năm 1944, có hai triệu người chết vì bị đói ở miền Bắc Việt Nam. Buổi sáng nào thức dậy cũng có hàng ngàn thây chết ngoài đường. Và những hình ảnh ấy bám vào trong trí óc của mình. Có thể là ông bà cha mẹ chúng ta cũng đã từng trải qua những trận đói như vậy nên hễ khi nào có được một chút thì giờ thì lại nghĩ tới chuyện phải làm cái gì đó để tăng gia sản xuất, để dự trữ thức ăn. Vì vậy, chuyện ngồi yên không làm gì hết đã trở thành ra một món quà xa xỉ. Ngày xưa vì sợ đói mà cha ông chúng ta đã bận rộn suốt đời.
Bây giờ đây kinh tế phát triển, người ta có nhiều thực phẩm, có nhiều cơ hội để tiêu thụ, vậy mà người ta cũng vẫn bận rộn không khác gì ngày xưa, và có thể còn bận rộn hơn ngày xưa. Ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Huế người ta bận rộn vô cùng, cơ hội để ngồi yên không có. Khi đói thì bận rộn đã đành rồi, nhưng khi có nhiều thực phẩm, có nhiều hàng hóa, ta cũng vẫn tiếp tục bận rộn. Hàng hóa bây giờ chất lên như núi ở Hà Nội, ở Huế, ở Sài Gòn và ở các thành phố lớn, vậy mà chúng ta có thanh thản ngồi yên được đâu! Chúng ta có thể bận rộn gấp trăm lần ngày xưa. Chúng ta không có khả năng ngồi yên! Vì vậy, trong giờ phút cuối năm này mà chúng ta ngồi yên được, đó là một điều rất lạ. Chúng ta ngồi yên cho cha mẹ, cho tổ tiên, chúng ta ngồi yên cho con cháu, cho thế giới. Và chỉ khi nào chúng ta ngồi yên được, chúng ta mới biết được mình đang đi về đâu với tư cách một con người, một dân tộc, một quốc gia, và cả thế giới.
(xin mọi người nghe chuông)
Xin quý thầy, quý sư cô, quý Phật tử ngồi cho thật yên và tập trung tâm ý vào chuyện ngồi yên. Mình làm thế nào để hưởng được cái hạnh phúc của sự ngồi yên. Ngồi yên là một cơ hội rất lớn, một hạnh phúc rất lớn. Phần lớn chúng ta rất giỏi, chúng ta làm cái gì cũng được: chúng ta xây chùa, chúng ta lập hội, chúng ta giảng dạy, chúng ta tổ chức, chúng ta kinh doanh… Nhưng có một cái chúng ta không giỏi: đó là chúng ta không ngồi yên được. Khi chúng ta đi thì chúng ta đi như bị ma đuổi. Chúng ta không có thì giờ để sống đời sống hằng ngày của chúng ta một cách sâu sắc. Điều này có liên hệ tới nền văn minh của con người.
Nhìn Rõ Quê Hương
Trong chuyến về thăm quê hương đầu năm ngoái, cũng giờ này, mình đang ngồi ở tại chùa Pháp Vân. Tôi có nhìn thấy được một số điều.
Điều thứ nhất, một điều rất hay là giá trị của đạo đức đích thực: Khi có giới hạnh và tình thương đích thực, mình có thể chuyển hóa được con người và chuyển hóa được xã hội. Điều này làm tôi rất phấn khởi. Có những người rất khó chịu, những người rất ngang bướng, những người rất bạo động, những người không có tình nghĩa, những người đa nghi, những người đầy hận thù, vậy mà khi mình có giới hạnh, có tình thương, thì mình có thể chuyển hóa được họ. Chuyển hóa một cách từ từ hoặc một cách mau chóng. Đó là điều thứ nhất tôi nhận xét trong chuyến về Việt Nam đầu năm ngoái.
Điều thứ hai mà tôi nhận xét trong chuyến về là những người làm việc trong chính quyền và cả những người làm việc trong giáo hội, người nào hình như cũng có hai khuôn mặt. Khi “đi với Bụt thì mặc áo cà sa” mà khi “đi với ma thì mặc áo giấy”. Hình như bất cứ người nào làm việc ở trong đảng, trong chính quyền hay trong giáo hội đều có hai khuôn mặt như vậy hết. Rất lạ! Và tôi hỏi nếu mình ở Việt Nam thì mình có phải làm như vậy không? Mình phải có hai bộ mặt như thế hay không? Có mặt nạ để mang lên. Điều này tôi thấy rất rõ trong chuyến vừa qua, khi tiếp xúc với những người trong chính quyền, trong giáo hội: Người nào cũng có ít nhất là hai mặt, khi thì dùng cái mặt này, khi thì dùng cái mặt khác. Nếu không có hai cái mặt đó thì không sống được. Tôi không trách móc, nhưng tôi đặt câu hỏi: Nếu sống như vậy thì đó có đích thực là một nền văn minh hay không? Tại sao mình không có khả năng, không có cơ hội cho người kia thấy được con người thật của mình? Tại sao mình phải sống với một con người giả nếu mình muốn thành công, dù là thành công trong Phật sự?
Điều này làm tôi lo lắng rất nhiều. Chúng ta cần phải bao nhiêu năm mới vượt thoát tình trạng này? Chúng ta cần phải đeo mặt nạ tới bao giờ? Chính ngay trong khi làm việc Đạo, ta cũng phải đeo mặt nạ như vậy mới làm được hay sao? Điều này là điều làm cho mình rất đau xót. Không phải đứng về phương diện tôn giáo mà nói, mà là đứng về phương diện văn hóa. Phát triển kinh tế để làm gì, phát triển công nghiệp để làm gì, trong khi chúng ta không sống được với nhau như những con người chân thực? Vì vậy cho nên chỉ có một câu trả lời duy nhất thôi, đó là phải tu, phải có đạo đức chân thực. Có đạo đức chân thực, có tình thương chân thực thì mình và con cháu mình sẽ có khả năng sống thật, không cần phải đeo mặt nạ. Trong tình trạng hiện tại, không đeo mặt nạ thì không thể sống được.
Trong chuyến về Việt Nam đầu năm ngoái, tôi nhận thấy rằng tâm đạo của người Phật tử Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn, từ Bắc cho tới Nam. Tâm đạo đó là một nguồn năng lượng rất lớn và nếu chúng ta khai thác được thì chúng ta có thể xây dựng một nếp sống rất đẹp vì có tình người, có văn hóa và đạo đức. Nhưng trong cách thức hành đạo tôi nhận thấy ở Việt Nam, thì chúng ta chưa khai thác được nguồn năng lượng tâm đạo vĩ đại đó. Chúng ta chỉ khai thác được một phần nhỏ để xây dựng cơ sở, để tạo ra những hình thức sinh hoạt có tính cách bề ngoài. Chúng ta chưa sử dụng được năng lượng hùng hậu đó để xây dựng lại cơ cấu gia đình, để làm mới con người, hay để chữa lành những thương tích của chiến tranh, của nghi ngờ, của sợ hãi. Chúng ta đang bị cuốn theo một cơn lốc. Chúng ta quá bận rộn, không có thì giờ ngồi lại như những cá nhân, như những tập thể, để tìm ra những phương pháp giải cứu tình trạng khó khăn hiện nay. Tôi nhận thấy cách tổ chức tu tập, cách học, cách tu của chúng ta còn rất hình thức. Những sinh hoạt của chúng ta có thể xoa dịu một ít khổ đau trên bề mặt nhưng sự học và thực tập của chúng ta chưa có khả năng đào sâu để đi tới sự trị liệu và chuyển hóa.
Tôi xin thỉnh một tiếng chuông để quý vị cùng thở và cùng có ý thức rằng chúng ta đang có cơ hội ngồi yên với nhau. Chỉ còn một giờ đồng hồ nữa là hết năm cũ, sang năm mới.
(Chuông)
Trở về sau gần bốn mươi năm xa quê hương, tôi thấy tất cả đều thay đổi. Ngay cả chùa Tổ cũng thay đổi. Chùa Tổ bây giờ không còn là chùa Tổ ngày xưa. Tôi không còn cảm thấy thoải mái như ngày xưa. Sự thật là như vậy. Chùa Pháp Vân cũng vậy, hoàn toàn không giống ngày xưa. Thành phố đã xích tới quá gần. Nhưng có một cái gì đó khác nữa chứ không chỉ là chuyện bao quanh của thành phố. Các vị đã sinh ra và đã lớn lên trong thời gian tôi vắng mặt có thể đã không thấy được, tại vì quý vị chưa có kinh nghiệm của không khí chùa Tổ cách đây bốn mươi năm. Có một tin, mà tôi cho là tin mừng, đó là loa phát thanh ngoài xã bây giờ đã ngưng lại. Trong thời gian tôi ở chùa Tổ, một ngày ra rả hai, ba lần phát thanh nên chùa không có được sự thanh tịnh.
Chùa Pháp Vân ngày xưa rất thanh tịnh. Bây giờ chợ búa bao quanh, lại có trường trung học Trần Phú sát một bên nữa. Cố nhiên là sự vật vốn vô thường. Mình đòi hỏi quá đâu được. Cái gì cũng thay đổi, tâm người cũng thay đổi, sự vật cũng thay đổi. Nhưng có một cái hình như không thay đổi, đó là tâm đạo của người Phật tử Việt Nam. Tâm Đạo ấy vẫn còn y nguyên như xưa, vẫn có sự tha thiết thương yêu nền đạo đức tâm linh truyền thống.
Ngày xưa vào khoảng những năm một ngàn chín trăm ba mươi – bốn mươi (1930-1940), có nhiều thanh niên Việt Nam lìa bỏ gia đình để đi làm cách mạng. Trái tim của người thanh niên bỏ nhà ra đi vì cách mạng đó rất trong sáng. Bỏ cha bỏ mẹ, bỏ người yêu, lên đường cứu nước. Bản chất của cuộc cách mạng là giành độc lập cho đất nước, cho dân tộc, rất đẹp. Có biết bao nhiêu người trẻ đã ngã quỵ trên chiến trường. Nhưng tinh thần đó, trái tim đó, những cái đẹp đó năm ngoái về, tôi không còn thấy nữa. Không thấy trái tim thơm ngát và trong sáng đó nữa. Người thanh niên có thể hy sinh cuộc đời của mình cho một lý tưởng, không tiếc thân mạng của mình, với điều kiện họ có được một niềm tin vào tương lai của đất nước, của nhân loại, của dân tộc. Niềm tin đó đi đôi với văn hóa và đạo đức. Khi đã sinh ra chuyện nghi ngờ, tranh giành, loại trừ và tham nhũng thì niềm tin mất. Nên cái đẹp của cách mạng, cái đẹp của đạo đức không còn.
Người thanh niên, thiếu nữ mà bỏ nhà, bỏ cha mẹ, bỏ người yêu để đi xuất gia cũng có một trái tim đẹp như vậy. Tôi đã từng mang một trái tim đẹp như vậy đi vào cuộc đời. Khi xuất gia, mình đi theo con đường lý tưởng của Đức Thế Tôn ngày xưa. Đức Thế Tôn cũng có một gia đình, cũng có một địa vị lớn, cũng có người thân yêu. Thấy đất nước, nhân loại không có nẻo thoát, nên Người đã bỏ hết tất cả để đi tìm. Trái tim đó là Bồ Đề Tâm. Khi về năm ngoái, tôi thấy biết bao nhiêu là thanh niên tăng ni đã đánh mất Bồ Đề Tâm của mình, do những hư hỏng xảy ra trong xã hội, trong chính quyền, trong giáo hội của mình. Thấy rất tội nghiệp.
Chúng ta đã tổ chức một khóa tu tại chùa Hoằng Pháp, một khóa tu tại chùa Từ Hiếu, một khóa tu tại chùa Bồ Đề, rồi một khóa tu tại chùa Nguyên Thiều cho những người xuất gia. May mắn là chúng ta đã có được những khóa tu tổ chức cho người xuất gia trẻ. Nhờ những khóa tu như vậy mà rất nhiều thanh niên nam nữ xuất gia trẻ tìm ra được trái tim ngày xưa, thấy được con đường, thấy được lý tưởng mình trở lại. Nhưng mà liệu các vị đó có giữ được lâu bền cái mình vừa mới tìm lại được hay không? Nếu cứ tiếp tục sống trong môi trường đầy dẫy những sự tranh giành, loại trừ, hư hỏng và tham nhũng thì làm sao mà giữ được trái tim đó, niềm tin đó? Ước vọng, chí hướng của người thanh niên xuất gia cần được nuôi dưỡng. Những bậc trưởng thượng có lòng, muốn đứng ra để bảo hộ, nuôi dưỡng, đùm bọc rất là ít. Hiện tượng cạnh tranh, ganh tị, đi tìm địa vị quyền thế ở trong giáo hội rất nhiều. Phần lớn người ta đi tìm những chỗ đứng, những địa vị, những tiện nghi vật chất, những tiện nghi tình cảm. Người trẻ thấy được những cái đó, họ rất chán nản.
Vạch Một Con Đường
Cũng như Tết bên nhà, chúng ta họp nhau, ngồi chung với nhau, bày phẩm vật cúng dường lên bàn thờ tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh. Chúng ta tỏ bày niềm hiếu thảo của chúng ta đối với tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh. Chúng ta lạy, tiếp xúc với tổ tiên. Chúng ta ăn cơm với nhau, cười nói với nhau, trình diễn văn nghệ, đọc sớ táo quân... Nhưng không lý nào chúng ta chỉ làm những việc đó thôi? Chúng ta phải làm sao để có thì giờ ngồi xuống vạch cho nhau một con đường. Có một sự bế tắc rất lớn trong xã hội của chúng ta, trong truyền thống tâm linh của chúng ta. Chúng ta không thể nói rằng ta không có một sự bế tắc. Chúng ta không có được nẻo thoát cho chúng ta thì làm sao chúng ta có nẻo thoát cho xã hội, cho thế giới?
Cho nên điều quan trọng nhất của chúng ta là ngồi cho yên và tìm ra được một nẻo thoát cho tâm ta. Dù chúng ta là một người mới thọ giới Sa di, Sa di ni hay mới thọ năm giới thì chúng ta cũng phải có bổn phận làm chuyện đó. Tìm được nẻo thoát cho mình rồi, thì lúc đó mình mới có thể nắm tay nhau mở đường thoát cho cộng đồng, cho gia đình và cho xã hội của mình. Tôi thấy rằng nhiều bậc trưởng thượng cao cấp đang rất bí, các bậc hòa thượng cũng đang lúng túng. Tôi có niềm tin nơi người thanh niên. Ngày xưa đi tu lúc mười sáu tuổi, mình đã biết gì đâu. Con đường tu học lúc ấy không rõ ràng, nhưng mình biết rằng đất nước ngày xưa đã đi qua những giai đoạn khó khăn điêu linh, mà con đường tâm linh của đạo Phật mở lối được cho đất nước đã mấy lần rồi. Lúc ấy, tuy còn nhỏ, nhưng tôi có niềm tin hết sức vững chãi nơi con đường của Bụt. Cho nên lớn lên đi học, tìm đường, dù có gặp những khó khăn, những trở ngại, những ganh tị, những chống phá, tôi đã không nản lòng bỏ cuộc. Tôi mong rằng các thầy trẻ, các sư chú trẻ, các sư cô trẻ, những Phật tử trẻ ngày hôm nay nối tiếp được niềm tin đó, thao thức đó: thế nào mình cũng tìm ra được con đường thoát, tìm ra được một nền đạo đức như trước đây, mở lối thoát cho đất nước, cho dân tộc.
Không Gian Trước Mặt
Bây giờ, tu học được coi như một sinh hoạt mê tín. Những người xuất gia, đại diện cho cái nền văn minh đạo đức ngày xưa đó, được coi như là những người đang làm ăn, như đang có một “cái nghề”, nên cái tối đa họ làm được chỉ là những ngôi chùa lớn, hay một chức vụ nào đó trong giáo hội.
Trong đại giới đàn Cổ Pháp vừa rồi tại đạo tràng Mai Thôn, có nhiều vị xuất gia trẻ được tiếp nhận truyền đăng. Tôi rất hạnh phúc được trao đèn cho các vị giáo thọ trẻ đó. Có những thầy, những sư cô trẻ từ Việt Nam qua thực tập ở Làng Mai có nhiều hạnh phúc, và họ nói với tôi rằng pháp môn đã “cứu con ra khỏi tình trạng tuyệt vọng”. Các vị thấy được con đường xuất gia không uổng phí tuổi trẻ, vì các vị biết có thể làm được cái gì cho đất nước, cho nhân loại, cho tương lai. Thầy Trung Hải nói rằng “người thanh niên xuất gia sở dĩ hư hỏng là vì họ không thấy được không gian lớn ở trước mặt mình, không thấy được lý tưởng. Nên khi mình cho người thanh niên một không gian lớn, một lý tưởng ở trước mặt họ, thì tự nhiên những hư hỏng, những khó khăn ấy không còn nữa”. Sư cô Tín Nghiêm, người gốc Đại Hàn, trong khi tiếp nhận truyền đăng có nói rằng “nếu sau này sinh ra trở lại, con sẽ đi con đường này nữa, con sẽ xuất gia nữa”. Khi mà người thanh niên nói được như vậy, tức là người thanh niên ấy có một niềm tin ở nơi con đường của mình đang đi, thấy rằng con đường của mình đang đi có thể mở ra lối thoát cho nhân loại, cho con người ngay trong hiện tại. Và những lời nói đó có khả năng nuôi dưỡng mình và tăng thân mình rất nhiều.
Ở Làng Mai, như hòa thượng Giác Quang nói, cơ sở đâu có gì. Ngồi trên xe từ phi trường Bordeaux về tới Làng Mai, cứ tưởng tượng rằng Làng Mai đồ sộ thế này, đồ sộ thế kia. Rốt cuộc tới nơi không có một cái gì hết, chỉ có một số cây thông, cây sồi mà thôi. Những điều kiện sinh sống ở Làng Mai hết sức đơn giản. Tuy vậy, các thiền sinh trên thế giới về Làng rất đông. Mùa Hè năm ngoái có tới trên 4000 người từ gần 50 nước trên thế giới về tu học. Trong số đó, phần đông là người trẻ tuổi và người trí thức. Các thiền sinh về Làng Mai không giống như là các Phật tử ở Việt Nam đi lễ chùa, họ không mang theo nhang đèn, lễ vật để cúng kiếng, họ chỉ tới với hai tay không thôi. Tới Làng Mai không phải là để cầu nguyện, để cúng dường, mà là để tiếp xúc với tăng thân, để tiếp nhận những pháp môn tu tập cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng mình.
Hạnh Phúc Không Xa
Kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng con đường mà Đức Thế Tôn khơi mở cho chúng ta là một con đường tuyệt vời, rất đẹp. Khi nói những câu này, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ của thiền đường Trăng Rằm thấy tuyết vẫn còn tiếp tục rơi. Tôi thấy rõ ràng rằng giáo lý của Đức Thế Tôn không rắc rối như người ta tưởng. Giáo lý của Đức Thế Tôn đã bị người ta làm thành rắc rối, càng học càng rắc rối. Học năm năm thì rắc rối vừa, học mười năm thì rắc rối thêm, học hai mươi năm lại càng rắc rối thêm nữa. Tôi tìm ra rằng giáo lý của Đức Thế Tôn rất đơn giản. Nếu biết cách áp dụng, nó mang lại kết quả liền, đem lại hạnh phúc cho mình lập tức.
Nếu mình muốn nói một câu gì để lại cho đời, để đời nhớ mình, thì tôi sẽ nói rằng: Thực tập đạo Phật có hạnh phúc lắm. Không có gì hạnh phúc bằng khi biết áp dụng những lời Bụt dạy vào đời sống hàng ngày của mình. Khi đi, khi đứng, khi nói, khi cười, khi ăn cơm, khi rửa tay, khi làm việc. Áp dụng được thì rất hạnh phúc. Những hạnh phúc đó có thật. Nó có thể có được ngay trong giây phút hiện tại. Bài thuyết pháp quan trọng nhất của mình là đã về đã tới. Thông điệp hết sức đơn sơ. Đã về đã tới thì ai không hiểu? Ai mà không hiểu đã về đã tới là an trú trong hiện tại. Nhưng những người đã từng học Phật hai chục năm, hay bốn chục năm, vẫn không hiểu được điều đó. Hoặc nếu hiểu thì chỉ hiểu được cái ý của nó thôi, chứ mình không “nắm” được. Nhưng có điều rất lạ lùng là có những người chưa bao giờ học Phật, họ tới nghe, và trong vòng năm phút hoặc mười phút, họ làm được liền. Rất là hay. Trong khi có những vị đã học ba bốn chục năm rồi, cũng vẫn không nắm được. Đây là điều hết sức là lạ lùng. Có lẽ tại họ nghĩ đạo Phật rất là sâu, rất là thâm diệu, mà nếu nó không thâm diệu, không khó khăn thì nó không phải đạo Phật. Có lẽ vì nghĩ như vậy, cho nên mới không tiếp nhận được đạo Phật.
_____________________
(Pháp thoại mừng xuân Bính Tuất của Sư ông Làng Mai - 28.01.2006)
Pháp thoại ngày 28 tháng 01 năm 2006, Xóm Mới Làng Mai Pháp
TS THÍCH NHẤT HẠNH
Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày 28 tháng 01 năm 2006, cũng là ngày ba mươi Tết. Chúng ta đang tập họp tại chùa Từ Nghiêm, Xóm Mới. Bài Pháp thoại hôm nay đang được truyền trực tiếp về Việt Nam bằng internet. Sáng hôm nay vào khoảng chín giờ, trời bắt đầu có tuyết rơi. Bây giờ, các thầy ở Xóm Thượng đã tới được Xóm Mới đông đủ, nhưng các sư cô ở Xóm Hạ vì đường trơn quá nên chưa tới được. Không biết xe của các sư cô còn bị kẹt ở giữa đường hay là đã quay về Xóm Hạ rồi?
Tập Ngồi Thật Yên
Chúng ta, những người trong thiền viện này, đều có cơ hội ngồi yên mỗi ngày nhiều lần. Đó là phước của những người tu. Trong xã hội hôm nay, những người có cơ hội và thì giờ để ngồi yên rất hiếm. Hôm nay là ngày cuối năm âm lịch, chúng ta cũng vẫn có cơ hội để ngồi yên với nhau. Cố nhiên là nhiều người trong chúng ta phải bận rộn lo Tết, nhưng cái đặc biệt là ở thiền viện chúng ta cũng vẫn có thì giờ để ngồi yên. Đó là một điều rất quý. Hơn nữa, thì giờ ngồi yên đêm ba mươi Tết có ý nghĩa hết sức đặc biệt: Chúng ta ý thức rằng một năm cũ sắp qua và một năm mới sẽ đến; trong giờ phút ngồi yên đó, chúng ta có thể nhìn thấy được nhiều điều. Chúng ta nên ý thức được rằng trong buổi pháp thoại cuối năm này các thầy, các sư chú, các Phật tử ở chùa Từ Hiếu - Huế cũng đang được nghe chung với các thầy, các sư cô, các Phật tử ở Làng Mai – Pháp quốc. Đồng thời các thầy, các sư cô và các Phật tử ở tại tu viện Bát Nhã – Bảo Lộc và chùa Pháp Vân – Sài Gòn cũng đang ngồi nghe với chúng ta.
Tôi vừa mới thỉnh ba tiếng chuông và tôi sẽ thỉnh thêm một tiếng nữa. Xin mời tất cả quý vị ngồi cho an. Chúng ta ngồi cho cha, cho mẹ. Chúng ta ngồi cho tổ tiên, chúng ta ngồi cho con cháu của chúng ta. Chúng ta biết rằng: khi chúng ta ngồi yên được thì cha mẹ trong ta cũng ngồi yên được, và tổ tiên của chúng ta trong ta cũng ngồi yên được. Đó là một món quà rất lớn mà chúng ta có thể hiến tặng cho cha, cho mẹ, cho tổ tiên và cho cả thế giới. Ngồi yên là một cái gì rất đặc biệt, rất quý hóa. Trong chúng ta, người nào có khả năng ngồi yên thì người đó có khả năng có hạnh phúc và có khả năng giúp cho cuộc đời bớt khổ.
Ngồi yên, ta sẽ thấy ta, sẽ thấy cha ta ở trong ta và cha ta đang ngồi với ta. Có thể là trong suốt cuộc đời, cha ta chưa bao giờ từng được ngồi yên như chúng ta đang ngồi yên hôm nay. Ta đang nối tiếp cha ta một cách đích thực, và khi ta ngồi yên thì cha ta cũng được ngồi yên. Hai cha con đang cùng ngồi trong một hình hài. Và khi ta ngồi yên, có sự thanh tịnh, có sự vững chãi, thì cha ta cũng có sự thanh tịnh, có sự vững chãi trong khi ngồi yên với ta. Đó là một điều hết sức mầu nhiệm, một điều hết sức đẹp mà chúng ta có thể làm được, có thể hiến tặng được.
Chúng ta có một người anh hay một người chị, một người em trai hay một người em gái. Chúng ta hãy nhìn vào người anh, người chị, người em trai hay người em gái đó. Ta sẽ thấy cha ta trong người ấy, cách nhìn đó, cách mỉm cười đó đích thực là cách nhìn của cha, cách mỉm miệng cười của cha. Mình thấy rằng cha mình đang được tiếp nối rất rõ ràng nơi con người của anh, của chị, của em mình. Khi ta nhìn vào người chị hay là người em gái của ta thì chúng ta cũng thấy được mẹ. Cái kiểu chị cười đó là cái kiểu của mẹ cười, không khác gì cả. Sự tiếp nối rất rõ ràng. Và chúng ta cũng biết rằng mẹ ta đang được tiếp nối nơi ta, mẹ ta đang cười trong ta, mẹ ta đang nhìn với con mắt của ta. Và khi chúng ta ngồi yên như thế này thì mẹ cũng được ngồi yên. Có thể là suốt đời mẹ tất tả xuôi ngược làm ăn, lo cho chồng, lo cho con, nên chưa bao giờ có cơ hội được ngồi yên, vậy thì bây giờ, mình ngồi yên cho mẹ, nhất là mình ngồi yên được trong những giờ cuối năm này.
Tổ tiên chúng ta từng trải qua những cơn đói và người nào trong chúng ta cũng tiếp nhận được hạt giống của sự lo lắng của tổ tiên. Lo rằng không biết có bị đói nữa hay không. Sợ không có cơm ăn, sợ chết đói. Đó là một nỗi lo, nỗi sợ rất lớn. Năm 1944, có hai triệu người chết vì bị đói ở miền Bắc Việt Nam. Buổi sáng nào thức dậy cũng có hàng ngàn thây chết ngoài đường. Và những hình ảnh ấy bám vào trong trí óc của mình. Có thể là ông bà cha mẹ chúng ta cũng đã từng trải qua những trận đói như vậy nên hễ khi nào có được một chút thì giờ thì lại nghĩ tới chuyện phải làm cái gì đó để tăng gia sản xuất, để dự trữ thức ăn. Vì vậy, chuyện ngồi yên không làm gì hết đã trở thành ra một món quà xa xỉ. Ngày xưa vì sợ đói mà cha ông chúng ta đã bận rộn suốt đời.
Bây giờ đây kinh tế phát triển, người ta có nhiều thực phẩm, có nhiều cơ hội để tiêu thụ, vậy mà người ta cũng vẫn bận rộn không khác gì ngày xưa, và có thể còn bận rộn hơn ngày xưa. Ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Huế người ta bận rộn vô cùng, cơ hội để ngồi yên không có. Khi đói thì bận rộn đã đành rồi, nhưng khi có nhiều thực phẩm, có nhiều hàng hóa, ta cũng vẫn tiếp tục bận rộn. Hàng hóa bây giờ chất lên như núi ở Hà Nội, ở Huế, ở Sài Gòn và ở các thành phố lớn, vậy mà chúng ta có thanh thản ngồi yên được đâu! Chúng ta có thể bận rộn gấp trăm lần ngày xưa. Chúng ta không có khả năng ngồi yên! Vì vậy, trong giờ phút cuối năm này mà chúng ta ngồi yên được, đó là một điều rất lạ. Chúng ta ngồi yên cho cha mẹ, cho tổ tiên, chúng ta ngồi yên cho con cháu, cho thế giới. Và chỉ khi nào chúng ta ngồi yên được, chúng ta mới biết được mình đang đi về đâu với tư cách một con người, một dân tộc, một quốc gia, và cả thế giới.
(xin mọi người nghe chuông)
Xin quý thầy, quý sư cô, quý Phật tử ngồi cho thật yên và tập trung tâm ý vào chuyện ngồi yên. Mình làm thế nào để hưởng được cái hạnh phúc của sự ngồi yên. Ngồi yên là một cơ hội rất lớn, một hạnh phúc rất lớn. Phần lớn chúng ta rất giỏi, chúng ta làm cái gì cũng được: chúng ta xây chùa, chúng ta lập hội, chúng ta giảng dạy, chúng ta tổ chức, chúng ta kinh doanh… Nhưng có một cái chúng ta không giỏi: đó là chúng ta không ngồi yên được. Khi chúng ta đi thì chúng ta đi như bị ma đuổi. Chúng ta không có thì giờ để sống đời sống hằng ngày của chúng ta một cách sâu sắc. Điều này có liên hệ tới nền văn minh của con người.
Nhìn Rõ Quê Hương
Trong chuyến về thăm quê hương đầu năm ngoái, cũng giờ này, mình đang ngồi ở tại chùa Pháp Vân. Tôi có nhìn thấy được một số điều.
Điều thứ nhất, một điều rất hay là giá trị của đạo đức đích thực: Khi có giới hạnh và tình thương đích thực, mình có thể chuyển hóa được con người và chuyển hóa được xã hội. Điều này làm tôi rất phấn khởi. Có những người rất khó chịu, những người rất ngang bướng, những người rất bạo động, những người không có tình nghĩa, những người đa nghi, những người đầy hận thù, vậy mà khi mình có giới hạnh, có tình thương, thì mình có thể chuyển hóa được họ. Chuyển hóa một cách từ từ hoặc một cách mau chóng. Đó là điều thứ nhất tôi nhận xét trong chuyến về Việt Nam đầu năm ngoái.
Điều thứ hai mà tôi nhận xét trong chuyến về là những người làm việc trong chính quyền và cả những người làm việc trong giáo hội, người nào hình như cũng có hai khuôn mặt. Khi “đi với Bụt thì mặc áo cà sa” mà khi “đi với ma thì mặc áo giấy”. Hình như bất cứ người nào làm việc ở trong đảng, trong chính quyền hay trong giáo hội đều có hai khuôn mặt như vậy hết. Rất lạ! Và tôi hỏi nếu mình ở Việt Nam thì mình có phải làm như vậy không? Mình phải có hai bộ mặt như thế hay không? Có mặt nạ để mang lên. Điều này tôi thấy rất rõ trong chuyến vừa qua, khi tiếp xúc với những người trong chính quyền, trong giáo hội: Người nào cũng có ít nhất là hai mặt, khi thì dùng cái mặt này, khi thì dùng cái mặt khác. Nếu không có hai cái mặt đó thì không sống được. Tôi không trách móc, nhưng tôi đặt câu hỏi: Nếu sống như vậy thì đó có đích thực là một nền văn minh hay không? Tại sao mình không có khả năng, không có cơ hội cho người kia thấy được con người thật của mình? Tại sao mình phải sống với một con người giả nếu mình muốn thành công, dù là thành công trong Phật sự?
Điều này làm tôi lo lắng rất nhiều. Chúng ta cần phải bao nhiêu năm mới vượt thoát tình trạng này? Chúng ta cần phải đeo mặt nạ tới bao giờ? Chính ngay trong khi làm việc Đạo, ta cũng phải đeo mặt nạ như vậy mới làm được hay sao? Điều này là điều làm cho mình rất đau xót. Không phải đứng về phương diện tôn giáo mà nói, mà là đứng về phương diện văn hóa. Phát triển kinh tế để làm gì, phát triển công nghiệp để làm gì, trong khi chúng ta không sống được với nhau như những con người chân thực? Vì vậy cho nên chỉ có một câu trả lời duy nhất thôi, đó là phải tu, phải có đạo đức chân thực. Có đạo đức chân thực, có tình thương chân thực thì mình và con cháu mình sẽ có khả năng sống thật, không cần phải đeo mặt nạ. Trong tình trạng hiện tại, không đeo mặt nạ thì không thể sống được.
Trong chuyến về Việt Nam đầu năm ngoái, tôi nhận thấy rằng tâm đạo của người Phật tử Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn, từ Bắc cho tới Nam. Tâm đạo đó là một nguồn năng lượng rất lớn và nếu chúng ta khai thác được thì chúng ta có thể xây dựng một nếp sống rất đẹp vì có tình người, có văn hóa và đạo đức. Nhưng trong cách thức hành đạo tôi nhận thấy ở Việt Nam, thì chúng ta chưa khai thác được nguồn năng lượng tâm đạo vĩ đại đó. Chúng ta chỉ khai thác được một phần nhỏ để xây dựng cơ sở, để tạo ra những hình thức sinh hoạt có tính cách bề ngoài. Chúng ta chưa sử dụng được năng lượng hùng hậu đó để xây dựng lại cơ cấu gia đình, để làm mới con người, hay để chữa lành những thương tích của chiến tranh, của nghi ngờ, của sợ hãi. Chúng ta đang bị cuốn theo một cơn lốc. Chúng ta quá bận rộn, không có thì giờ ngồi lại như những cá nhân, như những tập thể, để tìm ra những phương pháp giải cứu tình trạng khó khăn hiện nay. Tôi nhận thấy cách tổ chức tu tập, cách học, cách tu của chúng ta còn rất hình thức. Những sinh hoạt của chúng ta có thể xoa dịu một ít khổ đau trên bề mặt nhưng sự học và thực tập của chúng ta chưa có khả năng đào sâu để đi tới sự trị liệu và chuyển hóa.
Tôi xin thỉnh một tiếng chuông để quý vị cùng thở và cùng có ý thức rằng chúng ta đang có cơ hội ngồi yên với nhau. Chỉ còn một giờ đồng hồ nữa là hết năm cũ, sang năm mới.
(Chuông)
Trở về sau gần bốn mươi năm xa quê hương, tôi thấy tất cả đều thay đổi. Ngay cả chùa Tổ cũng thay đổi. Chùa Tổ bây giờ không còn là chùa Tổ ngày xưa. Tôi không còn cảm thấy thoải mái như ngày xưa. Sự thật là như vậy. Chùa Pháp Vân cũng vậy, hoàn toàn không giống ngày xưa. Thành phố đã xích tới quá gần. Nhưng có một cái gì đó khác nữa chứ không chỉ là chuyện bao quanh của thành phố. Các vị đã sinh ra và đã lớn lên trong thời gian tôi vắng mặt có thể đã không thấy được, tại vì quý vị chưa có kinh nghiệm của không khí chùa Tổ cách đây bốn mươi năm. Có một tin, mà tôi cho là tin mừng, đó là loa phát thanh ngoài xã bây giờ đã ngưng lại. Trong thời gian tôi ở chùa Tổ, một ngày ra rả hai, ba lần phát thanh nên chùa không có được sự thanh tịnh.
Chùa Pháp Vân ngày xưa rất thanh tịnh. Bây giờ chợ búa bao quanh, lại có trường trung học Trần Phú sát một bên nữa. Cố nhiên là sự vật vốn vô thường. Mình đòi hỏi quá đâu được. Cái gì cũng thay đổi, tâm người cũng thay đổi, sự vật cũng thay đổi. Nhưng có một cái hình như không thay đổi, đó là tâm đạo của người Phật tử Việt Nam. Tâm Đạo ấy vẫn còn y nguyên như xưa, vẫn có sự tha thiết thương yêu nền đạo đức tâm linh truyền thống.
Ngày xưa vào khoảng những năm một ngàn chín trăm ba mươi – bốn mươi (1930-1940), có nhiều thanh niên Việt Nam lìa bỏ gia đình để đi làm cách mạng. Trái tim của người thanh niên bỏ nhà ra đi vì cách mạng đó rất trong sáng. Bỏ cha bỏ mẹ, bỏ người yêu, lên đường cứu nước. Bản chất của cuộc cách mạng là giành độc lập cho đất nước, cho dân tộc, rất đẹp. Có biết bao nhiêu người trẻ đã ngã quỵ trên chiến trường. Nhưng tinh thần đó, trái tim đó, những cái đẹp đó năm ngoái về, tôi không còn thấy nữa. Không thấy trái tim thơm ngát và trong sáng đó nữa. Người thanh niên có thể hy sinh cuộc đời của mình cho một lý tưởng, không tiếc thân mạng của mình, với điều kiện họ có được một niềm tin vào tương lai của đất nước, của nhân loại, của dân tộc. Niềm tin đó đi đôi với văn hóa và đạo đức. Khi đã sinh ra chuyện nghi ngờ, tranh giành, loại trừ và tham nhũng thì niềm tin mất. Nên cái đẹp của cách mạng, cái đẹp của đạo đức không còn.
Người thanh niên, thiếu nữ mà bỏ nhà, bỏ cha mẹ, bỏ người yêu để đi xuất gia cũng có một trái tim đẹp như vậy. Tôi đã từng mang một trái tim đẹp như vậy đi vào cuộc đời. Khi xuất gia, mình đi theo con đường lý tưởng của Đức Thế Tôn ngày xưa. Đức Thế Tôn cũng có một gia đình, cũng có một địa vị lớn, cũng có người thân yêu. Thấy đất nước, nhân loại không có nẻo thoát, nên Người đã bỏ hết tất cả để đi tìm. Trái tim đó là Bồ Đề Tâm. Khi về năm ngoái, tôi thấy biết bao nhiêu là thanh niên tăng ni đã đánh mất Bồ Đề Tâm của mình, do những hư hỏng xảy ra trong xã hội, trong chính quyền, trong giáo hội của mình. Thấy rất tội nghiệp.
Chúng ta đã tổ chức một khóa tu tại chùa Hoằng Pháp, một khóa tu tại chùa Từ Hiếu, một khóa tu tại chùa Bồ Đề, rồi một khóa tu tại chùa Nguyên Thiều cho những người xuất gia. May mắn là chúng ta đã có được những khóa tu tổ chức cho người xuất gia trẻ. Nhờ những khóa tu như vậy mà rất nhiều thanh niên nam nữ xuất gia trẻ tìm ra được trái tim ngày xưa, thấy được con đường, thấy được lý tưởng mình trở lại. Nhưng mà liệu các vị đó có giữ được lâu bền cái mình vừa mới tìm lại được hay không? Nếu cứ tiếp tục sống trong môi trường đầy dẫy những sự tranh giành, loại trừ, hư hỏng và tham nhũng thì làm sao mà giữ được trái tim đó, niềm tin đó? Ước vọng, chí hướng của người thanh niên xuất gia cần được nuôi dưỡng. Những bậc trưởng thượng có lòng, muốn đứng ra để bảo hộ, nuôi dưỡng, đùm bọc rất là ít. Hiện tượng cạnh tranh, ganh tị, đi tìm địa vị quyền thế ở trong giáo hội rất nhiều. Phần lớn người ta đi tìm những chỗ đứng, những địa vị, những tiện nghi vật chất, những tiện nghi tình cảm. Người trẻ thấy được những cái đó, họ rất chán nản.
Vạch Một Con Đường
Cũng như Tết bên nhà, chúng ta họp nhau, ngồi chung với nhau, bày phẩm vật cúng dường lên bàn thờ tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh. Chúng ta tỏ bày niềm hiếu thảo của chúng ta đối với tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh. Chúng ta lạy, tiếp xúc với tổ tiên. Chúng ta ăn cơm với nhau, cười nói với nhau, trình diễn văn nghệ, đọc sớ táo quân... Nhưng không lý nào chúng ta chỉ làm những việc đó thôi? Chúng ta phải làm sao để có thì giờ ngồi xuống vạch cho nhau một con đường. Có một sự bế tắc rất lớn trong xã hội của chúng ta, trong truyền thống tâm linh của chúng ta. Chúng ta không thể nói rằng ta không có một sự bế tắc. Chúng ta không có được nẻo thoát cho chúng ta thì làm sao chúng ta có nẻo thoát cho xã hội, cho thế giới?
Cho nên điều quan trọng nhất của chúng ta là ngồi cho yên và tìm ra được một nẻo thoát cho tâm ta. Dù chúng ta là một người mới thọ giới Sa di, Sa di ni hay mới thọ năm giới thì chúng ta cũng phải có bổn phận làm chuyện đó. Tìm được nẻo thoát cho mình rồi, thì lúc đó mình mới có thể nắm tay nhau mở đường thoát cho cộng đồng, cho gia đình và cho xã hội của mình. Tôi thấy rằng nhiều bậc trưởng thượng cao cấp đang rất bí, các bậc hòa thượng cũng đang lúng túng. Tôi có niềm tin nơi người thanh niên. Ngày xưa đi tu lúc mười sáu tuổi, mình đã biết gì đâu. Con đường tu học lúc ấy không rõ ràng, nhưng mình biết rằng đất nước ngày xưa đã đi qua những giai đoạn khó khăn điêu linh, mà con đường tâm linh của đạo Phật mở lối được cho đất nước đã mấy lần rồi. Lúc ấy, tuy còn nhỏ, nhưng tôi có niềm tin hết sức vững chãi nơi con đường của Bụt. Cho nên lớn lên đi học, tìm đường, dù có gặp những khó khăn, những trở ngại, những ganh tị, những chống phá, tôi đã không nản lòng bỏ cuộc. Tôi mong rằng các thầy trẻ, các sư chú trẻ, các sư cô trẻ, những Phật tử trẻ ngày hôm nay nối tiếp được niềm tin đó, thao thức đó: thế nào mình cũng tìm ra được con đường thoát, tìm ra được một nền đạo đức như trước đây, mở lối thoát cho đất nước, cho dân tộc.
Không Gian Trước Mặt
Bây giờ, tu học được coi như một sinh hoạt mê tín. Những người xuất gia, đại diện cho cái nền văn minh đạo đức ngày xưa đó, được coi như là những người đang làm ăn, như đang có một “cái nghề”, nên cái tối đa họ làm được chỉ là những ngôi chùa lớn, hay một chức vụ nào đó trong giáo hội.
Trong đại giới đàn Cổ Pháp vừa rồi tại đạo tràng Mai Thôn, có nhiều vị xuất gia trẻ được tiếp nhận truyền đăng. Tôi rất hạnh phúc được trao đèn cho các vị giáo thọ trẻ đó. Có những thầy, những sư cô trẻ từ Việt Nam qua thực tập ở Làng Mai có nhiều hạnh phúc, và họ nói với tôi rằng pháp môn đã “cứu con ra khỏi tình trạng tuyệt vọng”. Các vị thấy được con đường xuất gia không uổng phí tuổi trẻ, vì các vị biết có thể làm được cái gì cho đất nước, cho nhân loại, cho tương lai. Thầy Trung Hải nói rằng “người thanh niên xuất gia sở dĩ hư hỏng là vì họ không thấy được không gian lớn ở trước mặt mình, không thấy được lý tưởng. Nên khi mình cho người thanh niên một không gian lớn, một lý tưởng ở trước mặt họ, thì tự nhiên những hư hỏng, những khó khăn ấy không còn nữa”. Sư cô Tín Nghiêm, người gốc Đại Hàn, trong khi tiếp nhận truyền đăng có nói rằng “nếu sau này sinh ra trở lại, con sẽ đi con đường này nữa, con sẽ xuất gia nữa”. Khi mà người thanh niên nói được như vậy, tức là người thanh niên ấy có một niềm tin ở nơi con đường của mình đang đi, thấy rằng con đường của mình đang đi có thể mở ra lối thoát cho nhân loại, cho con người ngay trong hiện tại. Và những lời nói đó có khả năng nuôi dưỡng mình và tăng thân mình rất nhiều.
Ở Làng Mai, như hòa thượng Giác Quang nói, cơ sở đâu có gì. Ngồi trên xe từ phi trường Bordeaux về tới Làng Mai, cứ tưởng tượng rằng Làng Mai đồ sộ thế này, đồ sộ thế kia. Rốt cuộc tới nơi không có một cái gì hết, chỉ có một số cây thông, cây sồi mà thôi. Những điều kiện sinh sống ở Làng Mai hết sức đơn giản. Tuy vậy, các thiền sinh trên thế giới về Làng rất đông. Mùa Hè năm ngoái có tới trên 4000 người từ gần 50 nước trên thế giới về tu học. Trong số đó, phần đông là người trẻ tuổi và người trí thức. Các thiền sinh về Làng Mai không giống như là các Phật tử ở Việt Nam đi lễ chùa, họ không mang theo nhang đèn, lễ vật để cúng kiếng, họ chỉ tới với hai tay không thôi. Tới Làng Mai không phải là để cầu nguyện, để cúng dường, mà là để tiếp xúc với tăng thân, để tiếp nhận những pháp môn tu tập cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng mình.
Hạnh Phúc Không Xa
Kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng con đường mà Đức Thế Tôn khơi mở cho chúng ta là một con đường tuyệt vời, rất đẹp. Khi nói những câu này, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ của thiền đường Trăng Rằm thấy tuyết vẫn còn tiếp tục rơi. Tôi thấy rõ ràng rằng giáo lý của Đức Thế Tôn không rắc rối như người ta tưởng. Giáo lý của Đức Thế Tôn đã bị người ta làm thành rắc rối, càng học càng rắc rối. Học năm năm thì rắc rối vừa, học mười năm thì rắc rối thêm, học hai mươi năm lại càng rắc rối thêm nữa. Tôi tìm ra rằng giáo lý của Đức Thế Tôn rất đơn giản. Nếu biết cách áp dụng, nó mang lại kết quả liền, đem lại hạnh phúc cho mình lập tức.
Nếu mình muốn nói một câu gì để lại cho đời, để đời nhớ mình, thì tôi sẽ nói rằng: Thực tập đạo Phật có hạnh phúc lắm. Không có gì hạnh phúc bằng khi biết áp dụng những lời Bụt dạy vào đời sống hàng ngày của mình. Khi đi, khi đứng, khi nói, khi cười, khi ăn cơm, khi rửa tay, khi làm việc. Áp dụng được thì rất hạnh phúc. Những hạnh phúc đó có thật. Nó có thể có được ngay trong giây phút hiện tại. Bài thuyết pháp quan trọng nhất của mình là đã về đã tới. Thông điệp hết sức đơn sơ. Đã về đã tới thì ai không hiểu? Ai mà không hiểu đã về đã tới là an trú trong hiện tại. Nhưng những người đã từng học Phật hai chục năm, hay bốn chục năm, vẫn không hiểu được điều đó. Hoặc nếu hiểu thì chỉ hiểu được cái ý của nó thôi, chứ mình không “nắm” được. Nhưng có điều rất lạ lùng là có những người chưa bao giờ học Phật, họ tới nghe, và trong vòng năm phút hoặc mười phút, họ làm được liền. Rất là hay. Trong khi có những vị đã học ba bốn chục năm rồi, cũng vẫn không nắm được. Đây là điều hết sức là lạ lùng. Có lẽ tại họ nghĩ đạo Phật rất là sâu, rất là thâm diệu, mà nếu nó không thâm diệu, không khó khăn thì nó không phải đạo Phật. Có lẽ vì nghĩ như vậy, cho nên mới không tiếp nhận được đạo Phật.
_____________________
(Pháp thoại mừng xuân Bính Tuất của Sư ông Làng Mai - 28.01.2006)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)