25/1/10

Ngồi yên nhìn rõ quê hương

Ngồi yên nhìn rõ quê hương
Pháp thoại ngày 28 tháng 01 năm 2006, Xóm Mới Làng Mai Pháp

TS THÍCH NHẤT HẠNH


Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày 28 tháng 01 năm 2006, cũng là ngày ba mươi Tết. Chúng ta đang tập họp tại chùa Từ Nghiêm, Xóm Mới. Bài Pháp thoại hôm nay đang được truyền trực tiếp về Việt Nam bằng internet. Sáng hôm nay vào khoảng chín giờ, trời bắt đầu có tuyết rơi. Bây giờ, các thầy ở Xóm Thượng đã tới được Xóm Mới đông đủ, nhưng các sư cô ở Xóm Hạ vì đường trơn quá nên chưa tới được. Không biết xe của các sư cô còn bị kẹt ở giữa đường hay là đã quay về Xóm Hạ rồi?


Tập Ngồi Thật Yên


Chúng ta, những người trong thiền viện này, đều có cơ hội ngồi yên mỗi ngày nhiều lần. Đó là phước của những người tu. Trong xã hội hôm nay, những người có cơ hội và thì giờ để ngồi yên rất hiếm. Hôm nay là ngày cuối năm âm lịch, chúng ta cũng vẫn có cơ hội để ngồi yên với nhau. Cố nhiên là nhiều người trong chúng ta phải bận rộn lo Tết, nhưng cái đặc biệt là ở thiền viện chúng ta cũng vẫn có thì giờ để ngồi yên. Đó là một điều rất quý. Hơn nữa, thì giờ ngồi yên đêm ba mươi Tết có ý nghĩa hết sức đặc biệt: Chúng ta ý thức rằng một năm cũ sắp qua và một năm mới sẽ đến; trong giờ phút ngồi yên đó, chúng ta có thể nhìn thấy được nhiều điều. Chúng ta nên ý thức được rằng trong buổi pháp thoại cuối năm này các thầy, các sư chú, các Phật tử ở chùa Từ Hiếu - Huế cũng đang được nghe chung với các thầy, các sư cô, các Phật tử ở Làng Mai – Pháp quốc. Đồng thời các thầy, các sư cô và các Phật tử ở tại tu viện Bát Nhã – Bảo Lộc và chùa Pháp Vân – Sài Gòn cũng đang ngồi nghe với chúng ta.

Tôi vừa mới thỉnh ba tiếng chuông và tôi sẽ thỉnh thêm một tiếng nữa. Xin mời tất cả quý vị ngồi cho an. Chúng ta ngồi cho cha, cho mẹ. Chúng ta ngồi cho tổ tiên, chúng ta ngồi cho con cháu của chúng ta. Chúng ta biết rằng: khi chúng ta ngồi yên được thì cha mẹ trong ta cũng ngồi yên được, và tổ tiên của chúng ta trong ta cũng ngồi yên được. Đó là một món quà rất lớn mà chúng ta có thể hiến tặng cho cha, cho mẹ, cho tổ tiên và cho cả thế giới. Ngồi yên là một cái gì rất đặc biệt, rất quý hóa. Trong chúng ta, người nào có khả năng ngồi yên thì người đó có khả năng có hạnh phúc và có khả năng giúp cho cuộc đời bớt khổ.

Ngồi yên, ta sẽ thấy ta, sẽ thấy cha ta ở trong ta và cha ta đang ngồi với ta. Có thể là trong suốt cuộc đời, cha ta chưa bao giờ từng được ngồi yên như chúng ta đang ngồi yên hôm nay. Ta đang nối tiếp cha ta một cách đích thực, và khi ta ngồi yên thì cha ta cũng được ngồi yên. Hai cha con đang cùng ngồi trong một hình hài. Và khi ta ngồi yên, có sự thanh tịnh, có sự vững chãi, thì cha ta cũng có sự thanh tịnh, có sự vững chãi trong khi ngồi yên với ta. Đó là một điều hết sức mầu nhiệm, một điều hết sức đẹp mà chúng ta có thể làm được, có thể hiến tặng được.

Chúng ta có một người anh hay một người chị, một người em trai hay một người em gái. Chúng ta hãy nhìn vào người anh, người chị, người em trai hay người em gái đó. Ta sẽ thấy cha ta trong người ấy, cách nhìn đó, cách mỉm cười đó đích thực là cách nhìn của cha, cách mỉm miệng cười của cha. Mình thấy rằng cha mình đang được tiếp nối rất rõ ràng nơi con người của anh, của chị, của em mình. Khi ta nhìn vào người chị hay là người em gái của ta thì chúng ta cũng thấy được mẹ. Cái kiểu chị cười đó là cái kiểu của mẹ cười, không khác gì cả. Sự tiếp nối rất rõ ràng. Và chúng ta cũng biết rằng mẹ ta đang được tiếp nối nơi ta, mẹ ta đang cười trong ta, mẹ ta đang nhìn với con mắt của ta. Và khi chúng ta ngồi yên như thế này thì mẹ cũng được ngồi yên. Có thể là suốt đời mẹ tất tả xuôi ngược làm ăn, lo cho chồng, lo cho con, nên chưa bao giờ có cơ hội được ngồi yên, vậy thì bây giờ, mình ngồi yên cho mẹ, nhất là mình ngồi yên được trong những giờ cuối năm này.

Tổ tiên chúng ta từng trải qua những cơn đói và người nào trong chúng ta cũng tiếp nhận được hạt giống của sự lo lắng của tổ tiên. Lo rằng không biết có bị đói nữa hay không. Sợ không có cơm ăn, sợ chết đói. Đó là một nỗi lo, nỗi sợ rất lớn. Năm 1944, có hai triệu người chết vì bị đói ở miền Bắc Việt Nam. Buổi sáng nào thức dậy cũng có hàng ngàn thây chết ngoài đường. Và những hình ảnh ấy bám vào trong trí óc của mình. Có thể là ông bà cha mẹ chúng ta cũng đã từng trải qua những trận đói như vậy nên hễ khi nào có được một chút thì giờ thì lại nghĩ tới chuyện phải làm cái gì đó để tăng gia sản xuất, để dự trữ thức ăn. Vì vậy, chuyện ngồi yên không làm gì hết đã trở thành ra một món quà xa xỉ. Ngày xưa vì sợ đói mà cha ông chúng ta đã bận rộn suốt đời.

Bây giờ đây kinh tế phát triển, người ta có nhiều thực phẩm, có nhiều cơ hội để tiêu thụ, vậy mà người ta cũng vẫn bận rộn không khác gì ngày xưa, và có thể còn bận rộn hơn ngày xưa. Ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Huế người ta bận rộn vô cùng, cơ hội để ngồi yên không có. Khi đói thì bận rộn đã đành rồi, nhưng khi có nhiều thực phẩm, có nhiều hàng hóa, ta cũng vẫn tiếp tục bận rộn. Hàng hóa bây giờ chất lên như núi ở Hà Nội, ở Huế, ở Sài Gòn và ở các thành phố lớn, vậy mà chúng ta có thanh thản ngồi yên được đâu! Chúng ta có thể bận rộn gấp trăm lần ngày xưa. Chúng ta không có khả năng ngồi yên! Vì vậy, trong giờ phút cuối năm này mà chúng ta ngồi yên được, đó là một điều rất lạ. Chúng ta ngồi yên cho cha mẹ, cho tổ tiên, chúng ta ngồi yên cho con cháu, cho thế giới. Và chỉ khi nào chúng ta ngồi yên được, chúng ta mới biết được mình đang đi về đâu với tư cách một con người, một dân tộc, một quốc gia, và cả thế giới.

(xin mọi người nghe chuông)

Xin quý thầy, quý sư cô, quý Phật tử ngồi cho thật yên và tập trung tâm ý vào chuyện ngồi yên. Mình làm thế nào để hưởng được cái hạnh phúc của sự ngồi yên. Ngồi yên là một cơ hội rất lớn, một hạnh phúc rất lớn. Phần lớn chúng ta rất giỏi, chúng ta làm cái gì cũng được: chúng ta xây chùa, chúng ta lập hội, chúng ta giảng dạy, chúng ta tổ chức, chúng ta kinh doanh… Nhưng có một cái chúng ta không giỏi: đó là chúng ta không ngồi yên được. Khi chúng ta đi thì chúng ta đi như bị ma đuổi. Chúng ta không có thì giờ để sống đời sống hằng ngày của chúng ta một cách sâu sắc. Điều này có liên hệ tới nền văn minh của con người.


Nhìn Rõ Quê Hương


Trong chuyến về thăm quê hương đầu năm ngoái, cũng giờ này, mình đang ngồi ở tại chùa Pháp Vân. Tôi có nhìn thấy được một số điều.

Điều thứ nhất, một điều rất hay là giá trị của đạo đức đích thực: Khi có giới hạnh và tình thương đích thực, mình có thể chuyển hóa được con người và chuyển hóa được xã hội. Điều này làm tôi rất phấn khởi. Có những người rất khó chịu, những người rất ngang bướng, những người rất bạo động, những người không có tình nghĩa, những người đa nghi, những người đầy hận thù, vậy mà khi mình có giới hạnh, có tình thương, thì mình có thể chuyển hóa được họ. Chuyển hóa một cách từ từ hoặc một cách mau chóng. Đó là điều thứ nhất tôi nhận xét trong chuyến về Việt Nam đầu năm ngoái.

Điều thứ hai mà tôi nhận xét trong chuyến về là những người làm việc trong chính quyền và cả những người làm việc trong giáo hội, người nào hình như cũng có hai khuôn mặt. Khi “đi với Bụt thì mặc áo cà sa” mà khi “đi với ma thì mặc áo giấy”. Hình như bất cứ người nào làm việc ở trong đảng, trong chính quyền hay trong giáo hội đều có hai khuôn mặt như vậy hết. Rất lạ! Và tôi hỏi nếu mình ở Việt Nam thì mình có phải làm như vậy không? Mình phải có hai bộ mặt như thế hay không? Có mặt nạ để mang lên. Điều này tôi thấy rất rõ trong chuyến vừa qua, khi tiếp xúc với những người trong chính quyền, trong giáo hội: Người nào cũng có ít nhất là hai mặt, khi thì dùng cái mặt này, khi thì dùng cái mặt khác. Nếu không có hai cái mặt đó thì không sống được. Tôi không trách móc, nhưng tôi đặt câu hỏi: Nếu sống như vậy thì đó có đích thực là một nền văn minh hay không? Tại sao mình không có khả năng, không có cơ hội cho người kia thấy được con người thật của mình? Tại sao mình phải sống với một con người giả nếu mình muốn thành công, dù là thành công trong Phật sự?

Điều này làm tôi lo lắng rất nhiều. Chúng ta cần phải bao nhiêu năm mới vượt thoát tình trạng này? Chúng ta cần phải đeo mặt nạ tới bao giờ? Chính ngay trong khi làm việc Đạo, ta cũng phải đeo mặt nạ như vậy mới làm được hay sao? Điều này là điều làm cho mình rất đau xót. Không phải đứng về phương diện tôn giáo mà nói, mà là đứng về phương diện văn hóa. Phát triển kinh tế để làm gì, phát triển công nghiệp để làm gì, trong khi chúng ta không sống được với nhau như những con người chân thực? Vì vậy cho nên chỉ có một câu trả lời duy nhất thôi, đó là phải tu, phải có đạo đức chân thực. Có đạo đức chân thực, có tình thương chân thực thì mình và con cháu mình sẽ có khả năng sống thật, không cần phải đeo mặt nạ. Trong tình trạng hiện tại, không đeo mặt nạ thì không thể sống được.

Trong chuyến về Việt Nam đầu năm ngoái, tôi nhận thấy rằng tâm đạo của người Phật tử Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn, từ Bắc cho tới Nam. Tâm đạo đó là một nguồn năng lượng rất lớn và nếu chúng ta khai thác được thì chúng ta có thể xây dựng một nếp sống rất đẹp vì có tình người, có văn hóa và đạo đức. Nhưng trong cách thức hành đạo tôi nhận thấy ở Việt Nam, thì chúng ta chưa khai thác được nguồn năng lượng tâm đạo vĩ đại đó. Chúng ta chỉ khai thác được một phần nhỏ để xây dựng cơ sở, để tạo ra những hình thức sinh hoạt có tính cách bề ngoài. Chúng ta chưa sử dụng được năng lượng hùng hậu đó để xây dựng lại cơ cấu gia đình, để làm mới con người, hay để chữa lành những thương tích của chiến tranh, của nghi ngờ, của sợ hãi. Chúng ta đang bị cuốn theo một cơn lốc. Chúng ta quá bận rộn, không có thì giờ ngồi lại như những cá nhân, như những tập thể, để tìm ra những phương pháp giải cứu tình trạng khó khăn hiện nay. Tôi nhận thấy cách tổ chức tu tập, cách học, cách tu của chúng ta còn rất hình thức. Những sinh hoạt của chúng ta có thể xoa dịu một ít khổ đau trên bề mặt nhưng sự học và thực tập của chúng ta chưa có khả năng đào sâu để đi tới sự trị liệu và chuyển hóa.

Tôi xin thỉnh một tiếng chuông để quý vị cùng thở và cùng có ý thức rằng chúng ta đang có cơ hội ngồi yên với nhau. Chỉ còn một giờ đồng hồ nữa là hết năm cũ, sang năm mới.

(Chuông)

Trở về sau gần bốn mươi năm xa quê hương, tôi thấy tất cả đều thay đổi. Ngay cả chùa Tổ cũng thay đổi. Chùa Tổ bây giờ không còn là chùa Tổ ngày xưa. Tôi không còn cảm thấy thoải mái như ngày xưa. Sự thật là như vậy. Chùa Pháp Vân cũng vậy, hoàn toàn không giống ngày xưa. Thành phố đã xích tới quá gần. Nhưng có một cái gì đó khác nữa chứ không chỉ là chuyện bao quanh của thành phố. Các vị đã sinh ra và đã lớn lên trong thời gian tôi vắng mặt có thể đã không thấy được, tại vì quý vị chưa có kinh nghiệm của không khí chùa Tổ cách đây bốn mươi năm. Có một tin, mà tôi cho là tin mừng, đó là loa phát thanh ngoài xã bây giờ đã ngưng lại. Trong thời gian tôi ở chùa Tổ, một ngày ra rả hai, ba lần phát thanh nên chùa không có được sự thanh tịnh.
Chùa Pháp Vân ngày xưa rất thanh tịnh. Bây giờ chợ búa bao quanh, lại có trường trung học Trần Phú sát một bên nữa. Cố nhiên là sự vật vốn vô thường. Mình đòi hỏi quá đâu được. Cái gì cũng thay đổi, tâm người cũng thay đổi, sự vật cũng thay đổi. Nhưng có một cái hình như không thay đổi, đó là tâm đạo của người Phật tử Việt Nam. Tâm Đạo ấy vẫn còn y nguyên như xưa, vẫn có sự tha thiết thương yêu nền đạo đức tâm linh truyền thống.

Ngày xưa vào khoảng những năm một ngàn chín trăm ba mươi – bốn mươi (1930-1940), có nhiều thanh niên Việt Nam lìa bỏ gia đình để đi làm cách mạng. Trái tim của người thanh niên bỏ nhà ra đi vì cách mạng đó rất trong sáng. Bỏ cha bỏ mẹ, bỏ người yêu, lên đường cứu nước. Bản chất của cuộc cách mạng là giành độc lập cho đất nước, cho dân tộc, rất đẹp. Có biết bao nhiêu người trẻ đã ngã quỵ trên chiến trường. Nhưng tinh thần đó, trái tim đó, những cái đẹp đó năm ngoái về, tôi không còn thấy nữa. Không thấy trái tim thơm ngát và trong sáng đó nữa. Người thanh niên có thể hy sinh cuộc đời của mình cho một lý tưởng, không tiếc thân mạng của mình, với điều kiện họ có được một niềm tin vào tương lai của đất nước, của nhân loại, của dân tộc. Niềm tin đó đi đôi với văn hóa và đạo đức. Khi đã sinh ra chuyện nghi ngờ, tranh giành, loại trừ và tham nhũng thì niềm tin mất. Nên cái đẹp của cách mạng, cái đẹp của đạo đức không còn.

Người thanh niên, thiếu nữ mà bỏ nhà, bỏ cha mẹ, bỏ người yêu để đi xuất gia cũng có một trái tim đẹp như vậy. Tôi đã từng mang một trái tim đẹp như vậy đi vào cuộc đời. Khi xuất gia, mình đi theo con đường lý tưởng của Đức Thế Tôn ngày xưa. Đức Thế Tôn cũng có một gia đình, cũng có một địa vị lớn, cũng có người thân yêu. Thấy đất nước, nhân loại không có nẻo thoát, nên Người đã bỏ hết tất cả để đi tìm. Trái tim đó là Bồ Đề Tâm. Khi về năm ngoái, tôi thấy biết bao nhiêu là thanh niên tăng ni đã đánh mất Bồ Đề Tâm của mình, do những hư hỏng xảy ra trong xã hội, trong chính quyền, trong giáo hội của mình. Thấy rất tội nghiệp.

Chúng ta đã tổ chức một khóa tu tại chùa Hoằng Pháp, một khóa tu tại chùa Từ Hiếu, một khóa tu tại chùa Bồ Đề, rồi một khóa tu tại chùa Nguyên Thiều cho những người xuất gia. May mắn là chúng ta đã có được những khóa tu tổ chức cho người xuất gia trẻ. Nhờ những khóa tu như vậy mà rất nhiều thanh niên nam nữ xuất gia trẻ tìm ra được trái tim ngày xưa, thấy được con đường, thấy được lý tưởng mình trở lại. Nhưng mà liệu các vị đó có giữ được lâu bền cái mình vừa mới tìm lại được hay không? Nếu cứ tiếp tục sống trong môi trường đầy dẫy những sự tranh giành, loại trừ, hư hỏng và tham nhũng thì làm sao mà giữ được trái tim đó, niềm tin đó? Ước vọng, chí hướng của người thanh niên xuất gia cần được nuôi dưỡng. Những bậc trưởng thượng có lòng, muốn đứng ra để bảo hộ, nuôi dưỡng, đùm bọc rất là ít. Hiện tượng cạnh tranh, ganh tị, đi tìm địa vị quyền thế ở trong giáo hội rất nhiều. Phần lớn người ta đi tìm những chỗ đứng, những địa vị, những tiện nghi vật chất, những tiện nghi tình cảm. Người trẻ thấy được những cái đó, họ rất chán nản.


Vạch Một Con Đường


Cũng như Tết bên nhà, chúng ta họp nhau, ngồi chung với nhau, bày phẩm vật cúng dường lên bàn thờ tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh. Chúng ta tỏ bày niềm hiếu thảo của chúng ta đối với tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh. Chúng ta lạy, tiếp xúc với tổ tiên. Chúng ta ăn cơm với nhau, cười nói với nhau, trình diễn văn nghệ, đọc sớ táo quân... Nhưng không lý nào chúng ta chỉ làm những việc đó thôi? Chúng ta phải làm sao để có thì giờ ngồi xuống vạch cho nhau một con đường. Có một sự bế tắc rất lớn trong xã hội của chúng ta, trong truyền thống tâm linh của chúng ta. Chúng ta không thể nói rằng ta không có một sự bế tắc. Chúng ta không có được nẻo thoát cho chúng ta thì làm sao chúng ta có nẻo thoát cho xã hội, cho thế giới?


Cho nên điều quan trọng nhất của chúng ta là ngồi cho yên và tìm ra được một nẻo thoát cho tâm ta. Dù chúng ta là một người mới thọ giới Sa di, Sa di ni hay mới thọ năm giới thì chúng ta cũng phải có bổn phận làm chuyện đó. Tìm được nẻo thoát cho mình rồi, thì lúc đó mình mới có thể nắm tay nhau mở đường thoát cho cộng đồng, cho gia đình và cho xã hội của mình. Tôi thấy rằng nhiều bậc trưởng thượng cao cấp đang rất bí, các bậc hòa thượng cũng đang lúng túng. Tôi có niềm tin nơi người thanh niên. Ngày xưa đi tu lúc mười sáu tuổi, mình đã biết gì đâu. Con đường tu học lúc ấy không rõ ràng, nhưng mình biết rằng đất nước ngày xưa đã đi qua những giai đoạn khó khăn điêu linh, mà con đường tâm linh của đạo Phật mở lối được cho đất nước đã mấy lần rồi. Lúc ấy, tuy còn nhỏ, nhưng tôi có niềm tin hết sức vững chãi nơi con đường của Bụt. Cho nên lớn lên đi học, tìm đường, dù có gặp những khó khăn, những trở ngại, những ganh tị, những chống phá, tôi đã không nản lòng bỏ cuộc. Tôi mong rằng các thầy trẻ, các sư chú trẻ, các sư cô trẻ, những Phật tử trẻ ngày hôm nay nối tiếp được niềm tin đó, thao thức đó: thế nào mình cũng tìm ra được con đường thoát, tìm ra được một nền đạo đức như trước đây, mở lối thoát cho đất nước, cho dân tộc.


Không Gian Trước Mặt


Bây giờ, tu học được coi như một sinh hoạt mê tín. Những người xuất gia, đại diện cho cái nền văn minh đạo đức ngày xưa đó, được coi như là những người đang làm ăn, như đang có một “cái nghề”, nên cái tối đa họ làm được chỉ là những ngôi chùa lớn, hay một chức vụ nào đó trong giáo hội.

Trong đại giới đàn Cổ Pháp vừa rồi tại đạo tràng Mai Thôn, có nhiều vị xuất gia trẻ được tiếp nhận truyền đăng. Tôi rất hạnh phúc được trao đèn cho các vị giáo thọ trẻ đó. Có những thầy, những sư cô trẻ từ Việt Nam qua thực tập ở Làng Mai có nhiều hạnh phúc, và họ nói với tôi rằng pháp môn đã “cứu con ra khỏi tình trạng tuyệt vọng”. Các vị thấy được con đường xuất gia không uổng phí tuổi trẻ, vì các vị biết có thể làm được cái gì cho đất nước, cho nhân loại, cho tương lai. Thầy Trung Hải nói rằng “người thanh niên xuất gia sở dĩ hư hỏng là vì họ không thấy được không gian lớn ở trước mặt mình, không thấy được lý tưởng. Nên khi mình cho người thanh niên một không gian lớn, một lý tưởng ở trước mặt họ, thì tự nhiên những hư hỏng, những khó khăn ấy không còn nữa”. Sư cô Tín Nghiêm, người gốc Đại Hàn, trong khi tiếp nhận truyền đăng có nói rằng “nếu sau này sinh ra trở lại, con sẽ đi con đường này nữa, con sẽ xuất gia nữa”. Khi mà người thanh niên nói được như vậy, tức là người thanh niên ấy có một niềm tin ở nơi con đường của mình đang đi, thấy rằng con đường của mình đang đi có thể mở ra lối thoát cho nhân loại, cho con người ngay trong hiện tại. Và những lời nói đó có khả năng nuôi dưỡng mình và tăng thân mình rất nhiều.

Ở Làng Mai, như hòa thượng Giác Quang nói, cơ sở đâu có gì. Ngồi trên xe từ phi trường Bordeaux về tới Làng Mai, cứ tưởng tượng rằng Làng Mai đồ sộ thế này, đồ sộ thế kia. Rốt cuộc tới nơi không có một cái gì hết, chỉ có một số cây thông, cây sồi mà thôi. Những điều kiện sinh sống ở Làng Mai hết sức đơn giản. Tuy vậy, các thiền sinh trên thế giới về Làng rất đông. Mùa Hè năm ngoái có tới trên 4000 người từ gần 50 nước trên thế giới về tu học. Trong số đó, phần đông là người trẻ tuổi và người trí thức. Các thiền sinh về Làng Mai không giống như là các Phật tử ở Việt Nam đi lễ chùa, họ không mang theo nhang đèn, lễ vật để cúng kiếng, họ chỉ tới với hai tay không thôi. Tới Làng Mai không phải là để cầu nguyện, để cúng dường, mà là để tiếp xúc với tăng thân, để tiếp nhận những pháp môn tu tập cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng mình.


Hạnh Phúc Không Xa


Kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng con đường mà Đức Thế Tôn khơi mở cho chúng ta là một con đường tuyệt vời, rất đẹp. Khi nói những câu này, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ của thiền đường Trăng Rằm thấy tuyết vẫn còn tiếp tục rơi. Tôi thấy rõ ràng rằng giáo lý của Đức Thế Tôn không rắc rối như người ta tưởng. Giáo lý của Đức Thế Tôn đã bị người ta làm thành rắc rối, càng học càng rắc rối. Học năm năm thì rắc rối vừa, học mười năm thì rắc rối thêm, học hai mươi năm lại càng rắc rối thêm nữa. Tôi tìm ra rằng giáo lý của Đức Thế Tôn rất đơn giản. Nếu biết cách áp dụng, nó mang lại kết quả liền, đem lại hạnh phúc cho mình lập tức.

Nếu mình muốn nói một câu gì để lại cho đời, để đời nhớ mình, thì tôi sẽ nói rằng: Thực tập đạo Phật có hạnh phúc lắm. Không có gì hạnh phúc bằng khi biết áp dụng những lời Bụt dạy vào đời sống hàng ngày của mình. Khi đi, khi đứng, khi nói, khi cười, khi ăn cơm, khi rửa tay, khi làm việc. Áp dụng được thì rất hạnh phúc. Những hạnh phúc đó có thật. Nó có thể có được ngay trong giây phút hiện tại. Bài thuyết pháp quan trọng nhất của mình là đã về đã tới. Thông điệp hết sức đơn sơ. Đã về đã tới thì ai không hiểu? Ai mà không hiểu đã về đã tới là an trú trong hiện tại. Nhưng những người đã từng học Phật hai chục năm, hay bốn chục năm, vẫn không hiểu được điều đó. Hoặc nếu hiểu thì chỉ hiểu được cái ý của nó thôi, chứ mình không “nắm” được. Nhưng có điều rất lạ lùng là có những người chưa bao giờ học Phật, họ tới nghe, và trong vòng năm phút hoặc mười phút, họ làm được liền. Rất là hay. Trong khi có những vị đã học ba bốn chục năm rồi, cũng vẫn không nắm được. Đây là điều hết sức là lạ lùng. Có lẽ tại họ nghĩ đạo Phật rất là sâu, rất là thâm diệu, mà nếu nó không thâm diệu, không khó khăn thì nó không phải đạo Phật. Có lẽ vì nghĩ như vậy, cho nên mới không tiếp nhận được đạo Phật.


_____________________

(Pháp thoại mừng xuân Bính Tuất của Sư ông Làng Mai - 28.01.2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét