4/7/11

Nguyễn Thị Hoàng -Cho những mùa xuân phai (3)

Nguyễn Thị Hoàng
Cho những mùa xuân phai
(Tập truyện)
3

Dấu chân bãi cát

Cảm giác chìm nổi bồng bềnh trong dòng sông đen đặc quánh, Hiệp bàng hoàng đọc lại không biết lần thứ mấy khoản tin tức bất ngờ trên báo, trong khi buổi chiều đâu đó đã chập choạng buông màn xuống vùng không gian im vắng mê man. Niềm xót xa lâng lâng lúc đầu dần dần biến thành một đau đớn gậm nhấm nhức nhối trong tâm hồn, xô đẩy Hiệp vào giữa vùng bất định giằng co của ý muốn đi thăm Nga, xin cho Nga trở về với mình, hay mặc Nga với màng lưới đen tăm tối đã phủ xuống đời sống nàng đang bình yên, vĩnh viễn. Hiệp nghĩ mỗi người chỉ có thể tự cứu lấy mình, trong bất cứ trường hợp nào, nhất là khi rắc rối vì một lý do tinh thần hay tình cảm. Nhưng với người đàn bà thì không thể tự cứu lấy mình. Nhất là người đàn bà đã liên hệ sâu xa với mình, dù một năm một tháng một ngày nào đó gối chăn. Cho nên Hiệp phân vân. Phân vân và khổ sở giữa hai ý muốn đồng thời và đối lập là đi tìm Nga, đưa nàng về hay làm ngơ, bỏ mặc. Cho đáng kiếp. Có lẽ là Nga sẽ khóc. Nhưng nước mắt đàn bà chỉ là những hạt nước mưa trên ngọn lá môn. Rồi Nga sẽ tủi nhục một thời gian, và sau đó, quên hết để bắt đầu một trường hợp khác, tương tự, thản nhiên như ra chợ chọn một xấp hàng may áo. Một cái áo. Rồi những cái áo. Nhưng mà không thể như thế được. Vì Nga đã là của Hiệp. Của Hiệp trong đời sống, trong những ý nghĩ thiên thần trong sáng về một người con gái ngày xưa. Bây giờ Nga đến thế. Tại sao? Có phải vì chàng? Vì những nguyên nhân không ngăn ngừa đề phòng, và Nga bây giờ như thế. Với một người đàn ông nào Hiệp chưa từng biết, cùng bị bắt, ở một căn phòng trên cao thành phố, nhờ sự tố cáo của một người đàn bà khác. Hiệp chết điếng với bài báo đó. Phản bội có nghĩa là mất mát. Cho nên niềm tức giận cũng là nỗi xót xa. Và đến khi mất rồi, Hiệp mới khám phá ra giá trị của một báu vật. Nga và tình yêu cho chàng. Những ngày với nhau quên trời đất. Vùng không gian diễm ảo không bóng hình kẻ thứ ba. Bây giờ đã hết. Và có tìm đưa Nga về cũng chỉ như lần đầu tiên cuối cùng khâm liệm một phần đời sống mình thôi. Nhưng Hiệp không thể không đi. Bài báo mô tả đời sống bẩn thỉu nhục nhằn của nhà giam bọn đàn bà con gái nhơ nhuốc đó. Nga đã bị lầm tưởng, đã bị đưa vào đó, và bây giờ, cúi mặt xuống vùng bóng tối, Nga đang mong mỏi tuyệt vọng chàng tìm đến, như một biện minh với cuộc đời và tình yêu còn rơi rớt lại trong tận cùng đáy lòng đã héo hon tủi nhục buồn phiền.

Hiệp mặc áo và ra đường. Đêm đã xuống. Con đường lập loà ánh đèn và bóng lá trôi dần vào miền tối tăm vắng ngắt phía trước. Bóng Hiệp đổ dài trên mặt nhựa đen, chàng đã tan biến trong một cơn gió lạ lùng nào, chỉ còn chiếc bóng này lang thang trôi dạt về cuối đường thăm thẳm. Chàng chờ và gọi một chiếc xe hơi đến vùng trại giam bọn đàn bà bất hạnh. Không một xe nào bằng lòng đưa chàng đi. Chàng trả với bất cứ giá nào, tất cả đều từ chối. Ý muốn đi tìm Nga bây giờ mãnh liệt nung nấu trong lòng chàng, nhưng Hiệp không thể nào đi bộ trong đêm, hàng chục cây số. Đột nhiên, ở mỗi gốc cây bên đường, Hiệp choáng váng nhìn thấy một bóng đàn bà tha thướt, người đàn bà cười khanh khách với người đàn ông. Những cặp tình nhân đều giống nhau. Vì họ là Nga, với người đàn ông lạ. Hiệp sững sờ vùng chạy. Những cặp tình nhân dời gốc cây lên xe. Mũi xe hướng về phía chàng. Ánh đèn pha sáng rực gần mãi, gần mãi lại. Hiệp té sấp xuống đường. Chiếc xe lao lên mình Hiệp, nhưng chàng bỗng có cảm giác êm ái khối nặng của chiếc xe tưởng đã nghiền nát thân thể chàng thành một đống thịt bầy nhầy lao vút qua khỏi người chàng, và Hiệp vùng tỉnh dậy. Có tiếng la hoảng hốt của một thằng bé con. Hiệp quờ tay lên vớ được chân thằng bé. Nó vùng vằng cầu cứu một người nào ở đàng xa.

"Mày làm cái gì đấy?"

"Tôi… không có làm cái gì đâu".

"Thế mày rình gì tao?" Hiệp vặn xoắn tay thằng bé.

"Tôi đổ nước".

Hiệp sờ tay lên cổ rồi nhổm người lên tát cái bốp vào mặt thằng bé:

"Ơ, thế mày đổ nước lên đầu lên cổ tao đấy".

Đứa bé ấp úng muốn khóc:

"Tôi có đổ nước lên ông đâu, vào bụi ấy mà, tại ông nằm trong bụi, không nhúc nhích, trời tối, tôi có nhìn thấy ông đâu".

Hiệp buông thõng tay thằng bé. Có tiếng chân nhẹ nhàng rón rén đi đến sau Hiệp, rồi tiếng đàn bà trong vắt:

"Gì đó, con?"

"Ông này khi không tát tai con".

Hiệp gắt; không nhìn người đàn bà vừa đi đến:

"Nó đổ nước lên người ta, còn bảo khi không sao được?"

Người đàn bà kéo tay thằng bé ra rồi cúi xuống phía Hiệp:

"Ấy chết, cháu nó lỡ ra, tôi xin lỗi ông".

Giọng nói bây giờ bỗng trầm xuống, như lời dỗ dành dịu dàng, lôi cuốn Hiệp vào một hồi tưởng đột ngột, và chàng bỗng cảm thấy âm thanh quen thuộc này như tiếng gọi của một quãng đời chìm ngập đã xa mờ trong ký ức và thời gian. Ánh đèn đường bỗng dạt qua một tàn lá dừa xao động gió đêm và Hiệp nhận ra, trong vùng tranh tối tranh sáng của bờ biển, khuôn mặt mơ màng của Diễm Châu một ngày nồng nàn tháng hạ năm nào.

"Trời ơi, anh đấy ư?"

"Phải, anh chứ không một người nào khác, thằng con em nó đã chọn đúng chỗ để đổ nước".

"Em đã xin lỗi anh. Và cũng tại anh nằm trong chỗ khuất thế này này".

"Nhưng nếu bố nó nằm cũng chỗ này thì nó chắc chắn không làm vậy đâu".

"Anh Hiệp, anh giận em điều gì sao?"

"Châu dẫn thằng bé ra với bố nó đi, để cho tôi yên".

"Không có bố thằng bé ở đây. Mà sao phải ra với bố nó?"

Hiệp ngờ ngợ, Châu đã cười khúc khích:

"Nó không phải con em đâu, em chưa lấy chồng".

"Thế người đàn ông trên máy bay hôm nọ với em?"

"Vâng, em đi với hắn, nhưng không phải là chồng. Mình vào trong kia nói chuyện dài hơn, nghe anh".

"Vào đâu?"

"Trong khách sạn".

"Em ở một mình trong khách sạn sao?"

"Vâng, còn biết thế nào hơn".

Giọng Châu chán chường buông xuôi nhói lên trong lòng Hiệp chút bùi ngùi thương cảm.

Ngày mai hay ngày kia anh sẽ đến thăm Châu. Ngọn lửa đêm xưa đã tắt trong lòng người đàn ông, Châu nghĩ giọng nói ơ hờ và thái độ chừng mực của Hiệp, và mình níu kéo vô ích. Mỗi ngọn lửa chỉ cháy một lần. Và sau đó chỉ là những ánh hồng le lói gượng gạo không còn đủ sưởi ấm một đêm dài băng giá.

"Hình như anh cần một mình, hôm khác chúng mình lại gặp nhau, em không xin anh, nhưng tưởng tượng nếu chúng mình gặp lại nhau một lần, chỉ một lần thôi".

Bước chân Châu đi im lìm không âm vang trên bãi cát. Trong bóng đêm, Hiệp nhìn thấy lờ mờ trên dải cát mênh mông từng dấu chân nhỏ của người đàn bà rẽ đường vào hiu quạnh.


*


Lên hết cầu thang xoắn ốc, Hiệp tần ngần dừng lại. Thật ra Hiệp không hề muốn đến. Không có một cảm giác hay ý nghĩ nào đủ lôi cuốn chàng tới vùng bóng tối đèn mờ trên kia. Nhưng Hiệp đã ra đường, đã đi đến, và phút này đến nơi, Hiệp bỗng muốn trở về tức khắc, để giữ lại kịp trước khi đánh vỡ thêm lần nữa cảm tưởng bình yên thanh thoát về những ngày hiện tại. Hiệp không muốn xao động, không muốn thay đổi, không muốn làm gì hơn hay kém cho cuộc đời mình đã như thế. Mấy hôm trước Hiệp nghĩ điều đó chỉ vì mình. Nhưng bây giờ đứng trên tận cùng thang lầu xoắn ốc của một khách sạn xa lạ, Hiệp chợt nghĩ đến Nga, nghĩ đến Nga và muốn trở về. Ích gì một phút giây lạc loài trên vùng đèn mờ ảo đó. Chàng sẽ không cảm thấy gì hết. Với Châu hay bất cứ một người nào khác. Tất cả thật đã nguội lạnh từ lúc có Nga, và với sự hiện diện thường trực của Nga trong đời. Hiệp chịu đựng thường xuyên một niềm ray rứt về thân phận và cuộc đời Nga. Hiệp đã cố gắng nghĩ là đời Nga kể như bắt đầu từ khi có Hiệp. Nhưng đời sống là một chuỗi dài quá khứ hiện tại tương lai, không thể tách rời, không thể cắt bỏ một phần thời gian đổ nát ném khỏi thực tại của đời sống. Những nỗi ray rứt lâu ngày dựng lên trong tình yêu cho Nga một vạn lý trường thành cách ngăn điệp điệp trùng trùng. Mà bây giờ, trong một lung linh nhớ nhung, tất cả bỗng sụp đổ xuống, và Hiệp hối hận đã rời bỏ vùng bóng đêm thanh bình dưới đó để lên đây với một người đã vô tri trong kỷ niệm và cuộc đời chàng vĩnh viễn.

Cửa phòng mở nhẹ nhàng và khuôn mặt Châu diễm ảo trong đèn hồng nồng nàn. Hiệp đi vào và Châu khép cửa lại. Hiệp ngồi xuống ghế trong lúc Châu đứng im bên khung cửa sổ mở lên vòm trời sao lờ mờ. Một lúc, Hiệp nghe có tiếng rào rào dưới vườn cây.

"Gì thế Châu?"

"Hình như trời sắp mưa lớn".

"Anh phải về trước cơn mưa".

Châu đóng chặt cửa kính:

"Anh ngồi lại cho qua cơn mưa, ít ra, anh hãy cứu vớt em một lần. Chỉ một lần này".

"Có gì là cứu vớt?"

"Anh đến, và ngồi như thế. Cho em cảm tưởng mình hãy còn như xưa".

"Đáng lẽ anh phải an ủi Châu. Nhưng anh chẳng còn lời lẽ để tự nói với mình. Đêm rồi qua đi, ích gì khi tìm kiếm chút ảo tưởng mong manh trong bóng tối này. Ngày sẽ soi rõ tất cả và sẽ xô đẩy mình vào nỗi đắng cay thường trực".

Gió phả cơn mưa bất ngờ dữ dội xuống vườn cây. Châu kéo kín các màn cửa và đặt trước mặt Hiệp cốc rượu nồng. Hiệp nâng ly rượu lên rồi để xuống.

"Rồi một ngày, bỗng dưng anh không còn đến với em nữa".

"Anh đã gặp lại Châu nhiều lần, nhưng lơ đi. Không làm gì được cho Châu, thà như vậy là hơn".

"Em không đòi hỏi gì hơn là thỉnh thoảng được nhìn thấy anh một lần, để níu kéo chút liên hệ cuối cùng và độc nhất giữa em với cuộc đời. Nhưng rồi nỗi mong ước đó cũng tan hoang".

"Em ở đây một mình?"

"Vâng, chỉ ghé qua đây vài hôm rồi đi".

"Đi đâu?"

"Em không biết".

Lòng Hiệp chùng xuống một thoáng xót xa lắt lay. Dù sao có một ngày nào xưa, với Châu chàng đã qua một lần đằm thắm nồng nàn. Bây giờ người con gái làm củi rêu lênh đênh trên nước lũ. Và Hiệp chỉ là người trên đường hờ hững đi qua, như Hiệp đã hờ hững đi qua trên cuộc đời và thân phận chính mình, không còn một nỗ lực nhỏ nhoi nào để níu lại sự thăng bằng cho tâm hồn, cho sự sống tàn héo dần dần trong công việc, hành vi ngôn ngữ ý nghĩ lặp lại hằng ngày một điệp khúc bình yên.

Hiệp nâng ly rượu lên môi uống cạn. Một lúc cảm giác cồn cào xoáy xuống ruột gan, mí mắt căng căng niềm mỏi mệt bơ phờ, hai tay buông xuôi trong tay Châu, chàng nằm xuống nệm giường như thả trôi xuống dòng nước chảy. Trong mắt Hiệp nóng bừng khép kín, ánh đèn hồng bỗng như lu mờ hẳn lại, và tiếng Châu lẫn vào trong tiếng mưa chìm chìm rơi.

Một lúc Hiệp tỉnh dậy và lạnh toát người với ý nghĩ đi đến chỉ là bước lên những dấu chân vừa để lại đàng sau, đi hết vòng tròn đời sống chỉ là trở về thời điểm và mỗi một người không thể thanh toán dứt khoát với quá khứ mình để thản nhiên buổi chiều lại cuộc đời nên thường xuyên nặng trĩu trên vai hành trang khô héo của những tháng năm nào không còn nữa. Ngày mai mỗi người vẫn ở nguyên vị trí mình hôm nay, không xê dịch khỏi vòng vây mệnh số, và mong chờ tuyệt vọng một đổi thay tốt đẹp không bao giờ tới. Cho nên đi xa hơn trong tình cảm và không gian chỉ để làm rõ cảm giác lạc loài. Như Châu rồi sẽ cô đơn bên cạnh những người xa lạ mới. Như Hiệp bây giờ phiêu du giờ phút với Châu, bỗng chênh vênh nỗi nhớ về nguồn là Nga chờ đợi ở nhà thầm lặng.

Hiệp đứng lên, không nhìn Nga, không nói một lời, cúi đầu đi xuống cầu thang trong cơn mưa vừa dứt dưới vườn cây ngủ. Bãi cát ướt dưới lưng, vòm trời đen như một cái nắp tròn trên mặt, Hiệp nằm nhìn mông lung ra khơi. Trên những hòn đảo xa, đèn của quân đội Mỹ chiếm đóng kết từng vành tròn thoai thoải cong xuống gần mặt biển đưa mơ mộng Hiệp đến những vành lược óng ả trên mái tóc đàn bà Nhật Bản. Tiếng sóng mỗi lúc một gần dưới chân, như tiếng rào rào mơ hồ của một bánh xe khổng lồ sắp nghiến lên thân thể Hiệp. Chàng có cảm tưởng sắp bị vùi chồng, và hoảng hốt muốn níu lấy bàn tay Nga đã buông rời theo năm tháng.


*


Giấc ngủ như còn chập chờn trên rèm mi cong loáng thoáng chiêm bao, Nga thong thả đi ngang qua vùng nhà thờ, với ý nghĩ mơ hồ là mong mỏi một nhân chứng vô hình thiêng liêng nào đón tiếp những phút giây thênh thang của chuỗi ngày cô quạnh lại bắt đầu. Sáng Chủ nhật. Nắng hé dải một lụa vàng hanh phơn phớt trên hàng cây còn ngây ngất hương mưa đêm. Tiếng chuông lễ sớm trong giáo đường thánh thót. Những tà áo màu rực rỡ trong không khí phảng phất mùi thơm của gió sớm và lá cây. Tiếng guốc reo vui trên khoảng lề đường sạch bóng. Còi xe gởi tiếng cười gặp gỡ hồn nhiên xuống ngả tư đường nao nức. Và cuồn cuộn như nước chảy, những bánh xe lăn rào rào trên mặt nhựa ngọt ngào nhẵn bóng của buổi sáng cuối tuần rộn ràng thường lệ của Sài Gòn. Một bóng con gái áo trắng đi ngược chiều thoảng lại mùi thơm dìu dịu của những tràng hoa nhài vừa nở. Mùi hương và hình ảnh ứa trào trong lòng Nga kỷ niệm xót xa của một thời con gái bình minh. Bây giờ buổi chiều cuộc đời đã xuống trong buổi mai huy hoàng thành phố, và tôi không còn chút liên hệ nào, chút quyền hạn nào với sự sống vời vợi dâng như thủy triều xung quanh. Cho ốc đảo đìu hiu ngậm ngùi thân phận lạc loài. Tôi đã tự ý tách rời, từ khước đám đông cũng có nghĩa một phần nào là lảng tránh. Tôi không có quyền cũng vì thế đồng nghĩa với tôi không chấp nhận xung quanh, để không còn một tương quan nào nữa giữa tôi và ngày qua, giữa tôi và khung cảnh bao giờ cũng nhắc nhở cũng vang rền hình ảnh thanh âm tôi không còn muốn nhớ. Bởi như vậy là hết. Tôi từ bỏ tất cả chỉ được Hiệp. Và bây giờ Hiệp cũng không còn thuộc về tôi, hay, đúng hơn là Hiệp vẫn mãi mãi là của tôi nhưng trong sâu xa của tình yêu tôi linh cảm thấy điều gì không ổn, và bây giờ Hiệp cũng bỏ đi rồi, không nói rõ lý do hoặc không có một lý do xác đáng nào để nói. Cho nên tôi lơ lửng không trông cậy vào đâu và không thuộc về đâu cả. Buổi sáng Chủ nhật gọi Nga ra khỏi nhà bằng khung cửa sổ chắn một vuông trời trong vắt. Trong khung trời vuông xanh nhạt sợi mây dài như tóc thu đã bềnh bồng trôi qua khoé mắt Nga khép hờ thao thức. Một ngày nào đó những ấn tượng bồi hồi của mỗi người cưu mang nuôi nấng rồi cũng lê thê và đứt quãng như dải mây trôi. Và Nga đã mặc chiếc áo màu buồn buông xuôi thể xác tâm hồn xuống phố.

Nhìn và không thấy gì trên hè phố bây giờ bắt đầu tấp nập, Nga mê man đi hết quãng đường, đẩy cửa kính dày của một nhà hàng ăn uống giải khát, bước vào ngẩn ngơ, ngồi xuống một chiếc ghế gần cửa kính, e dè như sợ động vỡ. Thoáng hình ảnh xao xuyến bỗng nhói lên trong lòng khi đi qua khung cửa, Nga thoáng thấy bóng mình trong gương soi. Cái thoáng hình ảnh như cơn gió lạnh đầu mùa đánh thức trong lòng người con gái những cơn rùng mình ớn lạnh cho một quãng thời gian đánh mất suốt đời, cùng với những cơ hội nao nức, những ước hẹn mông lung, những đợi chờ vô vọng, những dang dở ngậm ngùi, và những lời thề nguyền trên trang thư xanh màu thương nhớ xa khơi.

Cô dùng gì, người bồi hỏi từ thế giới của người đời xa lạ. Cho một trà đường. Có bánh ngọt không. Có, cho hai cái, Nga nói lửng lơ với nhánh lá xanh vươn lên trên mặt cửa kính trong suốt. Người bồi mang bình nước đến, với một cái chén, một cái muỗng, rồi một cái đĩa, và khay bánh. Không, dọn hai phần kia mà, sao lại chỉ có một đĩa, Nga hỏi. À, hai người, người bồi ngạc nhiên trả lời và đi lấy thêm một phần chén đĩa.

Đối diện với tách trà vương khói của người vắng mặt bên kia, Nga nâng chén trà mình uống từng ngụm nhỏ tiếng nhạc trầm trầm xoáy lên từ góc phòng. Anh, Nga gọi thầm, cho tiếng nhạc bây giờ đắng chát. Đã mười năm rồi có phải không anh. Mười năm em đã quên, không nhớ lại, không nghĩ đến một lần nào. Mà bỗng trong chiêm bao anh về lãng đãng đêm qua. Khi tôi nhận ra mình đi lạc đường, bóng chiều đã xuống thấp. Con đường dài sâu trũng ngoằn ngoèo giữa hai bờ cây cỏ hoang vu dần dần sẫm màu, và bóng tối như một vầng khói đen khổng lồ từ trời cao xoáy lốc ào ạt đổ xuống, lượn vòng từ đàng xa, xô dạt mỗi lúc một nhiều và một nhanh về phía tôi. Bốn bề vắng ngắt, không một mái nhà, không một bóng người, không dấu vết nhỏ nhoi nào của đời sống. Khối bóng tối bây giờ đã sụp xuống trên đầu tôi, nhưng tôi không cảm thấy gì ngoài ý nghĩ tuyệt vọng là từ giây phút này, vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy vòm trời trong suốt bao la ngoài kia nữa. Một lúc, cái màn tối tăm đen đặc bỗng mỏng đi, và tôi nhìn thấy, như từ trời cao đổ xuống, dòng thác trắng cuồn cuộn đổ xuôi xuống một vườn núi tím. Loáng thoáng bên kia, xa tít tắp, hình ảnh nhạt mờ của một chòi lá chênh vênh bên chiếc cầu ván nhỏ. Rồi giữa những màu sắc âm u của buổi chiều xám ngắt đó, tôi tìm thấy vết áo trắng hiện hiện chìm chìm, bồng bềnh như một cánh chim trên sườn tôi, gần chiếc cầu nhỏ. Tôi đi vương mắc trong màn bóng tối đến bên kia bờ đất hoang, hai chân nâng bổng với cảm giác bàng hoàng nao nức. Cảnh vật bỗng quay tít một vòng, vòm trời chợt sáng lên một giây, và tôi bay ở bên một bờ suối, với tiếng cười đùa ríu rít của con gái con trai, tiếng đổ rào rào của thác nước, và giữa những âm thanh lạ hoắc nổi trôi, tôi bỗng nhận ra tiếng nói của Hoài. Tiếng nói quen thuộc của Hoài một ngày mùa hè ấu thơ xa lắc. Tôi đi vòng qua một vòm cây. Và Hoài đó. Hoài đứng với một người đàn bà. Tôi muốn kêu lên cho lời mình vọng vang qua suốt thời gian mười năm trôi mê mải. Nhưng Hoài nhìn tôi như nhìn một kẻ không quen, trong khi người đàn bà xa lạ mỉm cười giới thiệu người đàn ông là chồng. Hoài mỉm cười, nửa ngờ vực, nửa châm biếm xót xa. Tôi nói với người đàn bà chị làm ơn chỉ hộ tôi đường về miền biển. Người đàn bà nói chị cứ đi dọc theo bờ suối, qua bên kia cái thác, đến một vùng đất cao hoang vu, đi xuống một sườn đồi thoai thoải, qua chuyến đò, đi về miền nam là đến nơi. Tôi lạc đường xa quá rồi, tôi nói. Rất tiếc là chúng tôi đi ngược đường với chị, nếu không, chúng mình cùng đi, nàng tươi cười. Tôi bảo, cùng đi thế nào được, chị đi thì tôi không đi và chị không đi thì tôi đi, chúng mình không thể đi chung một con đường. Chị đi đúng đường, còn tôi thì sai lạc từ đầu nhưng không biết. Hay là nhà tôi đưa chị sang bên kia thác rồi trở về đây đón tôi, nàng hỏi. Không được đâu, tôi đi một mình còn hơn đi vì lòng tử tế, chị phải đứng một mình, tôi nói với chính mình và nhìn lên vùng bóng tối lan dài trên đỉnh núi. Ngọn thác trắng đã chìm trong bóng tối, chỉ còn nghe tiếng chảy rì rào triền miên, điệp khúc không nguôi ngoai của tháng ngày. Chị đi một mình qua núi nên mặc thêm áo ấm, tôi lấy áo tôi cho chị mượn, người đàn bà nói và đi thoăn thoắt qua bên kia bờ cây. Trên đầu hai người, vòm lá lao xao reo bay. Tôi nghe mơ hồ tiếng thở dài u uất của Hoài trong hơi gió núi chiều hôm.

"Mười năm nay, anh vẫn nghĩ đến em, em biết không Nga?" Tôi đứng cách xa Hoài thêm một bước.

"Vâng, nghĩ đến một người và sống với một người khác".

"Ngày mai em về biển phải không?" Hoài hỏi bùi ngùi.

Tôi bỗng dưng muốn khóc cho những tờ thư xanh Hoài gửi đến không bao giờ được hồi âm một mùa hè mười năm trước:

"Vâng, em từ biển mà đi, giờ em lại trở về với biển".

"Nếu ngày xưa Nga trả lời thư anh, cuộc đời mình bây giờ đã khác thế này".

"Vâng, và em đêm nay sẽ không phải một mình băng vời qua bên kia núi".

Hoài tiến lên một bước. Áo Hoài chạm vào vai tôi mơ hồ như chỉ là một ảo tưởng. Lòng tôi bỗng rưng rức đớn đau.

"Cho đến khi em bỗng muốn trả lời thư anh thì mọi chuyện đã lỡ làng rồi". Tôi nói câu cuối cùng với Hoài và bỏ chạy trước khi người đàn bà mang áo đến.

Trong đáy nước lung linh, giọt nước mắt Nga âm thầm nhỏ xuống, nàng pha trà vào tách, một muỗng đường quậy nhẹ cho tan tành trong đáy nước những hình ảnh cuối cùng của giấc chiêm bao đêm qua. Vị trà bây giờ ngọt lịm trên môi, Nga đứng lên, tiến về phía máy điện thoại. Nàng quay số, thật chậm rãi, muộn màng…

"Tôi không ngờ, không bao giờ có thể ngờ người đến lại là Nga".

"Cũng như tôi không ngờ người tôi tìm đến hôm nay lại là anh".

"Nga đã nghĩ thế từ mười năm về trước".

"Van anh, thôi đừng nhắc ngày xưa đó".

"Nga chết vì ngày xưa nhưng tôi chỉ sống vì ngày xưa".

"Lẽ ra tôi phải biết sống nhờ ngày xưa đó. Nhưng tôi dại khờ, lạc lối cho đến bây giờ, và đôi khi tự hỏi vì sao ngày đó không một lần trả lời thư anh".

"Nga còn nhớ những bức thư tôi ngày cũ đó sao?"

"Trong mười năm, thật ra không bao giờ em nghĩ đến. Nhưng đêm qua…"

"Thế nào, việc gì đã đến trong đêm qua?"

"Giấc chiêm bao".

"Giấc chiêm bao thì nhắc nhở được gì đến những ngày hoang đường xa lắc đó?"

"Vâng, có nghĩa lý gì giấc chiêm bao. Nhưng trong giấc chiêm bao, tôi bỗng thấy mình bé bỏng lại như mười năm về trước, như ngày đầu tiên anh đến thăm và lạ lùng là tôi bỗng cảm thấy yêu, yêu và tiếc xót xa… Thôi tôi đi về. Tôi đến đột ngột, liều lĩnh thế này chắc anh sẽ khinh, anh tha lỗi cho. Tôi chỉ cầu mong tìm thấy anh lại một lần; để biết anh là người thật hay chỉ là hình ảnh chiêm bao, và mười năm xưa đã đến, hay chỉ là ảo tưởng lu mờ".

"Sao Nga biết số điện thoại tôi?"

"Biết chứ, như biết nơi anh làm việc, con đường anh ở và mỗi lần đi mỗi lần về của anh. Nhưng anh đừng lầm tưởng, những điều đẹp nhất chỉ là ảo tưởng và chiêm bao. Ngoài đời sống thật thì chẳng có gì. Tôi biết chỉ vì tò mò, không gì khác hơn. Tâm hồn tôi bây giờ nhẵn bóng, trơn tru một hòn cuội trắng. Nhưng đêm qua giấc chiêm bao đánh lừa tôi. Tôi đến anh vì muốn biết chiêm bao phỉnh phờ mình hay là…"

"Bây giờ xin em ngồi lại, giây lát thôi, uống với tôi tách trà buổi tối, và hãy kể cho tôi nghe giấc chiêm bao đêm qua".

"Không được".

"Vì sao vậy?"

"Anh có thấy, những đám bèo đang trôi?"

Hoài ra đứng bên cửa sổ nhìn xuống. Con nước lừ đừ loang loáng bóng chiều sẫm màu dâng đầy trên sông, cuốn theo những đám bèo bồng bềnh, và thỉnh thoảng giữa những đám lá đen bỗng vươn lên như một cánh tay giã từ nhỏ bé, bông hoa bèo tím nhạt lênh đênh. Mỗi ngày bèo vẫn trôi lênh đênh trên sông từ cửa sổ phòng chàng mà Hoài chưa một lần nhìn thấy, và bây giờ thì bông hoa tím nhạt đã khuất xa dưới kia chân cầu tràn ngập bóng đêm…

"Vâng, bèo trôi…"

"Thôi bây giờ Nga đi về".

"Nga ở một mình?"

"Không, cũng như anh vậy, nhưng không bằng anh, hoặc là hơn anh. Không có đời sống nào bằng nhau và giống nhau".

"Hãy ngồi lại uống tách trà với anh, từ lúc đến Nga chưa ngồi xuống, như kẻ đi đòi nợ".

"Đúng là đòi nợ, hãy trả cho em tách trà mười năm về trước đã pha cho anh. Rồi giữa chúng mình như thế là nhẹ lòng".

Nga chớp mau mắt nhìn ra khung cửa sổ tìm một cánh bèo nhưng bóng tối đã xoá nhoà con sông tội nghiệp. Rồi nàng ngồi xuống chiếc ghế da màu cặn rượu đối diện Hoài. Hai người yên lặng nhìn nhau một giây. Người làm bưng khay trà lên rón rén đặt trước mặt mỗi người một tách trà thơm ngát. Nâng chén lên môi, hai người bàng hoàng nhìn nhau nhấp một ngụm trà. Đột nhiên, Nga bỗng mong mỏi thiết tha, thành khẩn là Hoài sẽ nói một câu gì, phác một cử chỉ nào liều lĩnh với mình để chắp nối lại, dù giây phút, dù mong manh thời gian hiện tại với ngày nào mười năm về trước. Hiệp bỗng đứng lên. Chàng đi vòng sang chỗ Nga ngồi, và dừng lại, trầm ngâm với chén trà trên tay. Trong một thoáng, Ngà bỗng sợ hãi chính điều mong muốn vừa rồi, sợ hãi đến xót xa ngây ngất với niềm đau đớn lâng lâng.

Hoài đưa Nga ra khỏi phòng khách, xuống lầu, qua sân. Khi Hoài đưa tay mở cổng, Nga đứng lùi lại dưới cánh tay nhấc cao của Hoài. Nàng ngẩn ngơ không tìm thấy nổi xúc động dạt dào của đêm qua khi đứng bên Hoài trong giấc chiêm bao.


*


Trời nóng bức khô khan nao nức đợi chờ cơn mưa cuối cùng của buổi chiều. Tiếng sấm động mơ hồ trong chân mây. Không gian thu nhỏ cho hai người gặp nhau trong gian phòng âm u kín cửa. Hiệp hỏi làm thế nào lúc nãy em vào đón anh tận trong phi trường. Nga cười cho hương hơi quen thuộc phả xuống tóc môi Hiệp cảm giác buồn buồn rưng rức, em mua hẳn một vé máy bay, và đi theo xe hành khách. Buổi chiều, căn phòng, khuôn mặt người đối diện, hơi thở nồng nàn và cánh tay ôm quanh lưng, tất cả bỗng mới mẻ, và dịu dàng như lần đầu tiên họ đến với nhau. Tiếng sấm càng lúc càng rõ và gần bên ngoài. Không gian bỗng lắng xuống mát dịu với hơi gió bắt đầu ẩm ướt. Em cảm tưởng không phải là anh mà chính em vừa đi đâu xa về, và từ đây không bao giờ đi nữa, Nga thoáng ăn năn. Hiệp dúi cái tàn thuốc đang cháy dở trên bàn, chúng mình đã trở về. Cơn mưa rào rào chạy nhanh trên những mái nhà cằn khô và cuối cùng dừng lại giăng màn mờ mờ trong mắt Nga hình ảnh căn phòng quay tít, dâng cao và cảm giác bay bổng nhẹ tênh xoá mờ trong tiềm thức tối tăm những mảnh vụn chiêm bao cuối cùng. Em nghĩ gì đó Nga. Không, không có gì cả. Trời đã mưa và chúng mình đã trở về.

Nguyễn Thị Hoàng - Cho những mùa xuân phai (2)

Nguyễn Thị Hoàng
Cho những mùa xuân phai
(Tập truyện)
2

Thành luỹ hư vô

Tôi nốc ba ngụm bia thong thả, đắm đuối. Một ngụm cho cô đơn. Một cho tình yêu. Một cho sự chết. Và cầu khẩn được một trong ba điều. Nhưng chẳng điều nào đến, hoặc chỉ đến thoáng qua một lần nào đó xa vời, và mất hút vĩnh viễn. Còn lâu lắm một trong những điều ấy mới trở lại, có lẽ là điều cuối cùng, có thể là điều thứ nhất. không bao giờ điều thứ hai, không bao giờ là tình yêu. Nói vậy chắc chắn không ai tin, tình yêu đã chẳng bao giờ đến trong suốt nửa đời bồng bềnh vô định. Tôi nhìn thẳng vào gương, tìm uống ánh mắt mình trong đó cùng với cảm giác lâng lâng ngọt ngào của hơi bia lạnh ngắt đầu môi, và thấy điều đó thật vô lý. Tôi đẹp, tôi biết, ai cũng biết. Là thằng con trai đẹp, và bây giờ, gã đàn ông đẹp, thật ngang tàng, phảng phất một thoáng lãng mạn âm thầm ở mái tóc, vầng trán, và nhất là hai con mắt. Hai con mắt vốn liếng của tình yêu, của cô đơn, và đến một lúc nào đó, rồi là của sự chết. Hai con mắt đưa tôi đến gần tôi và nhìn thấy rõ chính mình. Đàn ông soi gương nhiều thật là hài hước. Nhưng sau mỗi chuyến bay xa về, tôi vẫn cố kiếm tìm lại hai con mắt đen mở lớn của mình, bất cứ nơi đâu, trong khung gương lớn của nhà hàng ăn, trong phòng rửa mặt của rạp chiếu bóng, trong kính chiếu hậu của một xe nào bên cạnh thoáng qua. Không có dấu hiệu gì thay đổi. Vẫn nỗi buồn đong đưa. Vẫn nỗi ngạc nhiên sờ sững. Vẫn một tìm kiếm xa xăm không nguôi. Chúng nó cứ bảo là tôi diễn xuất. Có ai đâu mà diễn xuất. Chán ngấy, như phải ăn mãi một món xúp tủy bò, những em chiêu đãi viên óng ả, lượn lờ như rắn đêm. Không còn ai nữa. Thỉnh thoảng là một bóng dáng hành khách mơ hồ. Họ đến và họ đi, với những người khác, thuộc về những chân trời khác. Đôi mắt tôi mất hiệu lực từ ngày lấy vợ. Vì sao không biết. Trước kia nhìn là một dấu hiệu bắt buộc họ dừng lại, ngã gục trong thuốc mê đằm thắm của hồn tôi. Bây giờ họ lạnh lẽo bỏ đi. Tôi biết là cái nhìn đã trở nên mỏi mệt. Có riêng gì đường bay xa, nhìn mãi những chân mây hun hút nên hai mắt lơ đãng ưu phiền không còn linh động. Tôi chỉ dối trá vô ích với mình. Tất cả chỉ vì Loan. Vâng, người đàn bà là vợ. Loan không có một khuyết điểm nào, không làm mất lòng tôi bao giờ, nhưng chính điều đó làm ta dửng dưng, khô cạn. Phải cảm thấy người kia sắp sửa bỏ đi để ta tìm kiếm, phản bội để ta giận hờn, xua đuổi để ta đớn đau, buông rời để ta níu kéo, xấu xa để ta khinh bỉ, và tất cả tạo thành một khát khao, một đeo đuổi, một phấn đấu âm thầm nào đó. Loan lại hoàn toàn quá cho nên tôi cảm thấy nhẹ nhõm trống không. Mà tôi thì mong đuổi bắt, như ngày trước, tôi cũng phải đuổi bắt hụt hơi để được Loan. Lần nào trở về cũng thấy Loan bồng con đứng đón ngoài sân bay chói nắng hay dầm dề mưa phủ. Vẫn những âu yếm nâng niu, những níu kéo vòi vĩnh đó. Nhiều thứ quá nên tôi không thiết tha đến cái gì nữa. Lỗi của Loan là làm tràn ngập đời sống tôi, trong khi chính tôi lại muốn trùm phủ hết đời sống và tâm hồn vợ. Nhưng tại sao vẫn không cảm thấy cô đơn, cô đơn dịu dàng thân thuộc của những ngày phiêu bồng thuở trước. Đôi mắt tôi trong gương bỗng rưng rức tủi buồn. Tôi cố nghĩ triền miên để tìm quên đây. Quên đi. Không quên được. Cái gì vặn xoắn trong lòng, nóng bỏng thịt xương, ngây ngất mặt mày. Đừng nhìn về phía đó nữa, đừng. Cố nghĩ tiếp tục cái gì nữa đi. Không thể nghĩ đến điều gì khác. Bồi, cho thêm một băm ba. Hết rồi à. Sao vậy? À hãng đình công. Thôi một bia hộp. Gì cũng được. Hamm’s đi. Phải hộp xanh. Cám ơn. Một ngụm hai ngụm ba ngụm, nốc hết, nốc hết một lần tất cả cô đơn, tình yêu và sự chết, tất cả đến dần dần rồi đây. Cái gì, say à, còn lâu, rồng la-ve mà say, còn lâu. Nhưng sao chong chóng màu đen quay tít. Quay tít những vòng tròn hun hút, dịu dàng. Bão lốc khô khan ùn ùn thổi tới. Hai mắt tôi khép kín, hai mắt tôi mở ra. Và vẫn nhìn về phía ấy. Áo xanh, trời ơi, áo xanh sao?

Đó, người ta ngồi đó. Áo xanh xoã tóc qua bờ má đỏ. Áo xanh chống bàn tay ngón nhỏ lên cằm. Áo xanh chớp hàng mi nhẹ, và áo xanh mỉm cười với khoảng không trước mặt bâng quơ. Có phải khoảng không hay có ai ngồi trước mặt. Hàng cột che khuất mất chỗ tôi muốn lao mắt nhìn tới. Áo xanh rời bàn tay khỏi cằm, nâng ly nốc một ngụm, cũng bia, cũng Hamm’s xanh, và cười, ơi khéo môi tôi không thể nhầm lẫn với một khoé môi nào khác, đúng là người, đúng là em, phải không người năm năm nhìn thấy lại chiều nay.

Có nên đứng dậy và đi đến không? Tôi đốt một điếu thuốc và thở khói, tự hẹn sẽ quyết định khi hút xong điếu thuốc. Điếu thuốc tàn bao giờ. Em lung linh bên kia bàn, cách tôi một lối đi nhỏ, những dãy ghế chông chênh trống lốc. Tôi đứng dậy và ngồi xuống. Vẫn nhìn qua bên ấy. Làm sao tôi biết tên người để gọi chiều nay, gọi cuồng điên cho năm năm tìm kiếm mịt mù tăm tích. Cho tôi nói. Cho tôi kể. Và cho tôi xin mười ngón tay người rẽ lối tóc đêm. Không bao giờ như thế đâu. Nhưng cho tôi mê mù ao ước. Hãy ngồi lại, đừng xê dịch, đừng bước đi, cho hồn tôi lại tỉnh trở về. Áo xanh đứng dậy, và rồi cũng như tôi áo xanh ngồi xuống. Và nhìn ra. Cơn đau đớn bàng hoàng êm dịu phủ trùm xuống người tôi như một ngọn sóng thầm lặng lẽ. Chúng mình nhìn ra nhau rồi phải không em? Nhìn ra nhau, vì đã đi tìm nhau thầm kín phải không? Thành phố ngoài kia im tiếng. Những tiếng xe chìm xuống hư vô. Buổi chiều phủ phục lặng ngắt trên những hàng cây trọi lá. Nhạc chết ngất trong đáy ly này, và ào ào vô vàn những mảnh vỡ tới tấp rơi bay của thời gian. Cho năm năm qua không còn. Cho hôm nay là ngày ấy. Và tôi lùi về đêm tối nào xưa tìm áo xanh người.


*


Đến một ngã tư đèn xanh, tôi vẫn dừng xe lại, hơi lâu và khác thường. Con đường vắng ngắt phía trước. Gió đêm quạt những chiếc lá lìa cành qua kính xe. Rượu nồng và gió lạnh bốc lên tâm trí tôi những ám ảnh vừa buồn rầu vừa nao nức. Người đàn bà hỏi, sao dừng ở đây. Tôi cố ghìm đầu thật thẳng để đừng xoay lại đằng sau, hình như xe có gì trục trặc, để tôi xem lại. Tôi nói và mở cửa nhảy xuống. Giọng bà ta trong vắt, xe ông nhà vừa mới mua đã hư rồi sao. Tôi nói, xe này của chú tôi, tôi chỉ quen lái xe tôi. Hình như bà ta nói trong nhà nhiều xe thế. Rồi im. Lúc tôi xem xong đầu máy mở cửa bước vào xe, bà ta ngồi lặng ngắt như một xác chết. Hai con mắt mở trừng trừng nhìn lên vòm lá đêm xôn xao trên kia vũng tối, tay khoanh trước ngực phập phồng, bà ta hỏi, con đường này đi đâu. Tôi cảm thấy nước mắt mọng đầy như nước mưa căng trong không khí ẩm ướt ở giọng nói người đàn bà.

"Về nhà bà, chú tôi bảo đưa bà về nhà".

"Lúc nãy, anh biết nhà tôi đi đâu?"

"Đi với chú tôi".

"Anh dối, không phải vậy đâu, tôi biết, và muốn người khác cũng san sẻ điều đó, anh nói cho tôi nghe đi".

Tôi định nói thẳng thắn là đi theo cô ca sĩ, nhưng cảm thấy điều đó bẩn thỉu hạ cấp, không xứng đáng để trả lời người đàn bà, tôi nói khác đi:

"Bà cũng quan tâm đến thế sao?"

"Tất nhiên, vì quan tâm đến việc nhà tôi là quan tâm đến tôi, tôi cảm thấy bị xúc phạm, thế thôi. Tôi chỉ đau đớn khi bị xúc phạm, ngoài ra, mọi điều không có nghĩa gì hết".

"Không đáng cho bà quan tâm?"

"Định khuyên tôi hay sao?"

"Không dám, nhưng tôi không muốn thấy bà như vậy".

"Chịu đựng là tình trạng của buổi tối này".

"Vậy ra cũng có người biết tôi sao?"

"Nhưng không phải tất cả đâu, chỉ mới một phần, một phần nhỏ thôi".

Tôi nhìn người đàn bà. Hai con mắt trong bóng tối bỗng nhìn lên tôi thảng thốt nín câm. Và đôi con ngươi dịu dàng lắng xuống, chìm đắm trong một nỗi bồi hồi nao nức. Tôi bỗng nói, hình như tôi có gặp bà ở nơi đâu một lần rồi. Bà ta nói, tôi không nhớ, nhưng hình như vậy. trong nụ cười, đúng là người đàn bà đã nhớ ra như tôi đã nhớ ra ngày đi chơi đập nước ở ngoại ô. Tôi đến tìm thằng em đang làm việc tại đó. Ai vậy, tôi hỏi thằng em. À, nữ hoạ sĩ làm trong ban kế hoạch, nó nói, ghê gớm lắm, không được đâu anh. Tôi hỏi cái gì mà ghê gớm, nó bảo em thì chịu thua rồi, thành thử không dám nhìn bà ta nữa. Tôi vỗ vai thằng em, vậy thì chú kém quá. Nhưng chính tôi cũng kém quá. Bởi sau đó tôi mất hồn, mất bình tĩnh, đi qua đi lại trong phòng trống không biết mấy lần để nhìn nàng, nhưng không còn thấy đâu nữa. Cho đến khi đi ra cửa tôi cảm thấy bị nhìn, nhìn xoáy lốc theo một cơn gió thơm. Tôi đứng lại và không nhận ra nàng ở phía nào trong xưởng đang xây cất. Xe chạy qua con đường mòn, tôi nhìn thấy nàng đứng sau hàng cột lớn trông theo, hai con mắt đăm đăm. Tôi quay xe trở lại, thẳng về phía nàng. Qua lớp bụi hồng ngun ngút của công trường, hai con mắt của người đàn bà sững sờ mở lớn, nhắn gửi câm lặng của một nỗi gì nao nức bất ngờ. Chúng tôi nhìn nhau lâu, thật lâu. Và tôi lái xe đi ngay, không hiểu sao. Hai con mắt người đàn bà ám ảnh tôi đi qua sau đó. Đôi mắt đã tìm thấy một điều gì đó lạ lùng kinh ngạc sững sờ, và đồng thời, tuyệt vọng vì điều đó ở trong một khoảng cách vô biên. Hai con mắt nồng nàn và đau đớn. Những chuyến bay xô đẩy tôi xa thành phố, và đêm nay đôi mắt mở lớn âm thầm trong xe tôi.

"Tôi đã nhận ra bà".

"Tôi cũng vậy".

"Bà ra ngồi đằng trước này".

"Không, nhất định không".

Chống đối với chính mình đấy phải không, tôi định hỏi, nhưng người đàn bà đã yên lặng mở cửa xe, ngồi đằng trước, bên cạnh tôi. Tôi mở máy xe, quày trở lại con đường tối vắng cũ.

"Hãy đưa tôi về!"

"Vâng, nhưng trước đó, nên đi một vòng cho mát".

"Ích gì đâu, hoặc trở về, hoặc đi thật xa không bao giờ trở về, cả hai đều không ổn. Nhưng phải rồi, nên đi trước khi trở về, dù chỉ là một đoạn đường".

"Sao hôm đó bà nhìn tôi?"

"Anh giúp tôi nhìn rõ đời sống tôi".

"Không dám".

"Thật đấy mà, tôi nhìn thấy anh và nhận ra mình đi lạc đường, bao lâu nay. Người nào cũng có một lúc cảm thấy thế. Dù sao tôi cũng xin lỗi, nhưng tôi quá nặng lòng với ngày cũ, và anh đánh thức ngày cũ của tôi, anh biết không? Anh còn nhớ con đường đầy hoa ăng-ti-gôn trắng, và tiếng hát trong đêm trắng… tiếng động sau vòm lá".

"Đúng là bà phải không?"

"Tôi đến ở cạnh nhà anh từ lâu, dạo ấy, mà không biết, anh đàn cho cô gái kia hát".

"Bà theo dõi tôi hồi đó?"

"Tôi chẳng có quyền đó sao?"

"Nhìn trộm kẻ khác?"

"Tôi không nhìn trộm, ngang nhiên là khác, nhưng anh không thấy, vì nhìn đi nơi nào, thế thôi".

"Vậy ra chúng mình là người quen?"

"Phải, những người quen rất xa lạ, và cách biệt bây giờ".

Con đường đi đến đâu rồi tôi không biết. Phía trước chỉ còn một vùng sáng tròn lờ mờ của đèn xe. Tôi tắt đèn.

"Tự nhiên tôi ghét tôi lạ lùng".

"Nghĩ bậy".

Hai tiếng buông ra không suy nghĩ lựa lời gieo vào chúng tôi âm thanh thân mật đến bàng hoàng rợn người. Mùi thơm ngây ngất của mái tóc người đàn bà trong vòm xe tối phả lên tâm trí tôi phiêu bồng lãng đãng cảm giác ray rứt xôn xao không tên. Tôi cảm thấy người đàn bà nhìn tôi, đằm thắm và nồng nàn trong bóng tối, như choáng ngợp trước một trời pháo bông và rực sáng. Tôi chỉ cảm thấy và không nhìn lại. Cảm thấy do một linh giác nhạy bén, đến nỗi trong đám đông, mỗi lúc bị nhìn, tôi có thể quay lại và tìm ra phương hướng của đôi mắt đăm đăm nào đó. Nhưng phút giây tôi tiêu tan, tiêu tan hoàn toàn, chỉ nghe một vầng mây ấm lan dần, bủa vây thân thể, và tất cả những hơi rượu nồng của bữa tiệc vừa tàn buổi tối xông lên bát ngát trong đầu tôi hừng hực nóng. Và tôi nghiêng người qua bên cạnh. Tiếng người đàn bà mơ hồ xa tắp.

"Chúng mình đi đâu đây?"

"Cuối cùng của một con đường tưởng tượng".

"Sau kia mút đường là gì?"

"Hoả ngục hay thiên thai".

"Chúng mình đến đâu?"

"Nếu tìm đến thiên thai sẽ rơi vào hoả ngục, và nếu chịu đựng hoả ngục sẽ tìm thấy đường về thiên thai".

"Tôi chọn đường thứ hai. Hoả ngục ở đâu?"

"Ở đây".

Tôi nghiêng mặt xuống vũng tối lờ mờ không phiêu bạt ảnh hình màu sắc trong tầm mắt ngất ngây mờ mịt. Ngón tay tôi vẫn vờn quanh đôi môi nóng bỏng của người đàn bà. Hơi thở nàng thơm như sương khuya toả ngát từ cành ngọc lan trắng nõn. Tôi không biết tên anh, muốn gọi, nhưng hãy đừng nói cho biết. Hình ảnh là hình ảnh, chắc không tên nào đúng là tên anh. Còn bà, tôi hỏi. Tôi cũng vậy, hãy quên tên, những danh từ riêng vô nghĩa, không diễn tả được gì. Vậy bà mặc áo gì? Anh không thấy màu áo tôi sao? Không, tôi chỉ thấy màu con mắt bà. Áo xanh. Áo xanh như buổi chiều ở công trường đó sao? Vâng, dấu hiệu để anh nhìn thấy tôi. Gió khuya thả vầng tóc nhung của người đàn bà xuống bờ vai tôi nặng nề ám ảnh về Loan.

"Xin đưa tôi trở về, trở về thật nhanh".

Tôi lao vút xe vào khoảng đường tăm tối cũ. Tôi rã rời nghĩ đến chuyến bay ngày mai. Đến Loan đêm nay ở nhà. Đến người đàn ông chờ người đàn bà trong căn phòng quen thuộc nào đó. Đến những ảo tưởng mong manh của đời người nổi trôi vô nghĩa. Đến những đuổi bắt không đâu. Những xót xa kiên tâm. Những thao thức nhớ mong. Đến tất cả những vẻ đẹp bất ngờ chợt đến chợt đi không báo trước. Rồi sẽ chán ngấy hơn khi trở về cuộc đời, trở về nhìn hai con mắt tôi, sau mỗi chuyến bay, sau mỗi đổi thay, mỗi tình cờ gặp gỡ. Tại sao băn khoăn. Tại sao xếp đặt cho thật đẹp, tất cả, tất cả. Tại sao không liều lĩnh, không phá phách, như lệ thường. Tôi đang mất thăng bằng hay tìm lại thăng bằng cho đời sống từ buổi tối nay. Chúng tôi, tôi và người lặng câm ăn năn vô lý bên cạnh chỉ là những kẻ đói khát hạnh phúc, những kẻ tìm kiếm rất cô đơn. Tôi tìm ra em. Và em cũng tìm ra tôi, nhưng sao ta xa cách nhau thăm thẳm nghìn trùng. Tại sao? Tại sao? Trong câu hỏi vẫn bao hàm muôn nghìn câu hỏi. Tôi chỉ có thể giải đáp nếu phút giây ảo ảnh vừa rồi, tôi ghé xuống môi em, ghé xuống đời em. Nhưng chúng ta đã thả trôi giây phút thiên thu đó. Như thả một chiếc lá theo dòng chảy xiết, gieo một giọt nước vào biển cả vô cùng. Tất cả đã đến, chỉ một lần, và đã chìm tan. Động lực làm mỗi chúng ta phải loay hoay khổ sở tuyệt vọng kiếm tìm cái ngoài đời ta hiện có. Tôi hiểu vì tôi quắt quay vì hiểu tại sao em tìm kiếm hai con mắt tôi buổi chiều nắng cát công trường. Vì sao buổi tối em gục đầu chống hai tay giữa tưng bừng yến tiệc. Vì sao em bỗng vui bỗng buồn. Cũng như tôi hiểu từng nỗi niềm riêng tư thầm kín của mỗi người ở đó. Hiểu vì mỗi một người đều phải đi qua đường đời mình với chừng ấy cảm tình, tâm trạng đau khổ hay sướng vui. Tôi đã đi qua rồi, đi qua khắp cùng rồi nên tôi hiểu đó em. Hiểu là người đàn ông yêu em nhưng vẫn kiếm tìm một cái gì thấp kém và xa lạ để đổi thay cảm giác, đúng hơn là không khí ngục tù hôn mê của đời sống đã quá cũ mòn. Hiểu là ông linh mục trang nghiêm điềm tĩnh mỉm cười bao dung nhìn đám thực khách, nhưng trong lòng cuồng điên nấu nung muốn chết, muốn chết chỉ bởi ý tưởng nọc độc là đời sống quá tội nghiệp đáng thương đã dung chứa những con người nông nổi, tầm thường, hưởng thụ ngu ngơ và sung sướng ngốc nghếch, bởi thấy mọi sự ngay cả hy sinh, khổ hạnh, tất cả mọi hành vi cứu rỗi đều chỉ là hạt muối thả vào lòng biển sâu, những bài kinh không làm nguôi dịu những tâm hồn điêu đứng. Và chân lý mặt trời cũng không sáng tỏ bằng một miếng ăn ngon, hay một nụ cười chuôi chuốt của gái đêm. Mọi sự thực tình đã đảo lộn hết ngôi vị và tính chất rồi. Những nếp nhăn, những vết thương xâu xé sau vầng trán căng đầy của ông linh mục, không ai biết không ai thấy. Bởi ông ta là kẻ xa lạ trong đời, luôn luôn là kẻ lạ cô đơn nhưng chưa bao giờ đồng, và ông ta, cũng như mỗi người trong chúng ta, đều có hai con người riêng biệt chống đối và quay lưng nhau vừa thoả hiệp bắt tay nhau, một cho riêng mình, và một cho cuộc đời đối diện, cho những hiện tượng bên ngoài. Hiểu là tên nhà văn nhăn nhó, vừa khinh bỉ bám víu lấy và lệch lạc khó coi của bữa tiệc đời quá muộn. Hắn muốn bỏ đi mà không thể dứt lìa những hệ lụy xung quanh. Hắn muốn chửi rủa nhưng phải tươi cười chúc tụng. Cho nên hắn chịu đựng thường xuyên một bi kịch phức tạp trong lòng. Hiểu là ông bộ trưởng cố tìm những câu hài hước để lấp đầy khoảng trống không trong lòng và trong đời. Khoảng trống tạo ra bởi một tình yêu biến mất và một xác chết vùi chôn. Ông ta đớn đau thường trực nên phải tươi cười không dứt để gượng gạo với đời. Ông ta móc nối vô vọng bằng sự hài hước và tiếng cười ung dung của mình, những người đối lập xa cách với nhau, và dẫn lối chính mình về với đám đông rạc rời ngao ngán. Hiểu là người con gái mê tình nhân và đồng thời cũng có thể thổn thức vì một kẻ hào hoa nào khác. Cho nên khi rót rượu vào cốc của người tình, nó vẫn không quên chạm nhẹ tay mình vào vai áo của người kia. Tất cả là một thảm kịch, và em lạc loài trong thảm kịch đó, suốt một buổi tối suốt một đời còn. Tôi xa lạ, tôi bên ngoài, và hai con mắt em đã viết chúc thư vào hai con mắt tôi trao gởi hết tâm hồn cô quạnh. Cho nên tôi đã tìm cách đưa em về. Tìm cách đưa em đi, tách rời trong khoảnh khắc khối không gian đặc quánh của ưu phiền quen thuộc đến không còn nhận ra, để nhìn thấy tôi, nhìn thấy em một lần, trước khi ta có thể nghĩ, vĩnh viễn từ đây, trong tâm hồn, tôi có em và em có tôi. Đó là hạnh phúc mỏng manh, là niềm an ủi thầm lặng cuối cùng ta không thể phá cho tan hoang những ngày còn lại, cho nên trong một khoảng cách hoả ngục dày vò, môi anh đã ngừng trên bóng môi em. Nếu không sau đó, bờ đê sẽ vỡ, con lụt sẽ tràn, và đồng bằng ngày tháng ngày mai sẽ không còn xanh thắm nữa. Nhưng như thế là anh đã buông tay. Mai anh đi rồi. Đi thật xa và không biết bao giờ về. Sẽ phải bỏ máy bay một thời gian. Đi vì không thể sống mãi với Loan, và vì vậy, cũng không bao giờ còn gặp lại em. Rồi em sẽ trở về đời sống đó. Đời sống sẽ dàn bày đầy đủ trong bữa tiệc buồn đêm nay.

"Mai tôi đi xa".

"Sao lại mai mà không là một ngày khác?"

"Mọi chuyện đã sắp đặt như thế, tôi cũng không định".

"Thế cũng may…"

"Nếu mai tôi chưa đi, bà cho phép tôi gặp lại không?"

"Không. Tôi không cho tôi gặp lại anh đâu".

"Bà chọn đường đi từ hoả ngục đến thiên đường?"

"Không chọn, nhưng đành vậy, như thế này biết đâu là thiên đường đến hoả ngục. Ngày mai chẳng phải là hoả ngục sao? Sắp đến nhà tôi rồi, anh cho quẹo trái, đấy, cách ngã tư một quãng. Anh nghĩ gì nãy giờ?"

"Bữa tiệc, và bà trong bữa tiệc".

"Tôi sao?"

"Bà lạc lõng, kiếm tìm, và tìm thấy".

"Tìm thấy ở đâu anh?"

Tôi ngừng xe dưới một bóng cây không có đèn đường canh giữ, buông tay lái, níu lấy bờ vai quấn vầng tóc thơm. Đêm im ru ngủ môi tôi trên môi nàng mặn nồng nước mắt thầm trôi.


*


Bỗng bùng cháy lên trong tôi một ngọn lửa kỳ dị giây phút đó, khi tôi nhìn thấy anh ở bàn bên kia. Tôi cố nghĩ không phải anh đâu, một người khác, bởi bao nhiêu năm nay tôi chỉ sợ hãi mỗi một điều là còn nhìn thấy lại anh một lần đâu đó. Bởi chỉ cần nhìn thoáng thấy anh thôi là tất cả sẽ phục hồi trong tôi, và tôi sẽ phải chọn lựa, dứt khoát chọn lựa. Hoặc ở lại đời sống này hoặc bỏ đi. Bởi vì anh là gương trong phản chiếu cho tôi nhìn thấy những sự thật buồn rầu tương phản. Xin lỗi tôi đã tìm đến làm phiền và khuấy động yên lặng chúng mình đã ngấm ngầm thoả thuận giữ gìn, kéo dài. Nhưng tôi không thể ngừng lại được nữa khi ngọn lửa kỳ dị đã cháy lên. Nhưng tôi chỉ đến thăm rồi lại về, tôi không chọn lựa, không bỏ đi đâu cả. Đời sống đã mọc rễ trong hoàn cảnh cố định, và tôi sẽ cố gắng hoàn thành những ngày còn lại, như một kẻ tu hành phân vân giữa thế tục và đức tin, đã chọn lựa phần khổ hạnh.

Buổi chiều mùa xuân phả nắng hồng non lên bờ cây đường phố. Tôi ngồi yên nghe người đàn bà nói, nói một mình. Những âm thanh trơn tuột ra khỏi chú ý tôi. Lại nỗi mỏi mệt không đâu ùn ùn như một tảng mây đen kéo đến phủ trùm. Sự mệt mỏi khước từ tất cả những hình thức phức tạp và những vấn đề rắc rối của đời sống. Người đàn bà ở trên bờ vực, sắp sửa buông tay, như tôi ở trong lòng trời ngày hôm trước, không hiểu vì sao cũng đã muốn buông tay. Nhưng rồi cả nàng, cả tôi, cả mọi người đều biết dừng lại đúng lúc. Và vì thế mà lẩn thẩn, vô nghĩa. Người đàn bà đã tìm đến, sau buổi chiều nhìn thấy tôi ở nhà hàng. Tôi đã cuồng điên muốn kiếm tìm cho thấy áo xanh. Nhưng khi nàng tìm đến, tôi không còn cảm thấy gì hết, ở người đàn bà, ngọn lửa rơi xuống trong tâm hồn bình yên những tàn tro lả tả. Khoảng không gian cách trở chẳng còn, chúng tôi đã nối liền và vì vậy người ta mất nhau, đúng hơn là không còn cảm thấy thích nhau. Ở mắt nàng nhìn tôi, và tôi nhìn nàng đã tố cáo điều đó. Không còn ánh sáng rực rỡ của sửng sốt ngạc nhiên và nồng nàn của xôn xao rung cảm. Sự quen biết, và tệ hơn, sự gần gũi cố ý đã giết chết ảo tưởng mong manh về người đối diện suốt nhiều năm đeo đuổi không ngừng. Nàng đòi ra phố ngồi với tôi, thật ngang nhiên để thử tìm lại xem cảm giác bồi hồi trong ngăn cách nhìn thấy nhau hôm nào ở nhà hàng còn không. Bây giờ chúng tôi dửng dưng nhìn nhau. Con mắt không còn gì hơn là hàng mi đen dài vây quanh một khối tròn màu đen màu trắng ướt át. Tiếng động bàng hoàng, tiếng kêu thất thanh trong xương tủy đã chìm lắng xuống dần dần. Và chúng tôi đã trở lại là những người lạ, những kẻ phủi tay vô ơn đi ngược chiều nhau xuống con dốc đời bây giờ lạnh lẽo không cùng.

Mùa xuân trở về hấp tấp trên những tà áo mới của hè phố đông Chủ nhật. Nhôn nhao những bọn người nao nức kiếm tìm niềm vui, hẹn hò, rủi may, bất ngờ, tình yêu, hạnh phúc. Họ tìm thấy ở nơi đâu không. Họ đi như vội vàng sợ đến trễ một cuộc lễ tưng bừng độc nhất trong đời ở cuối con đường, như chúng tôi cũng đi và cuối đường không có gì hết. Nhưng họ say mê đi tới, say mê mù quáng đến tội nghiệp. Mỗi người giành giật lấy hạnh phúc tối thiểu trên hè phố. Đứa con gái diêm dúa kẹp tay hí hởn một người lính đồng minh. Thằng nhóc con cúi đầu bờm xờm xuống má hai con nhóc con tán tỉnh liên hồi. Mụ đàn bà quá tuổi phấn son lòe loẹt cố gò lấy một dáng đi dịu dàng. Tên đàn ông hấp tấp nhào lên xe hơi cửa mở đeo đuổi một áp-phe. Người vợ mang thai mỏi mệt đi cạnh người chồng áo quần lệch lạc nhuốm đầy bụi đất. Bọn sinh viên sĩ quan hối hả qua lại, muốn mua thật nhiều với số tiền thật ít, muốn hưởng thật đầy phần thời giờ mong manh, để có thể mang về quân trường tất cả phố phường reo vui chiều Chủ nhật. Để cuối cùng những chiều Chủ nhật như thế là bãi chiến trường… Và tôi, và em ngồi đây nhìn sự sống chênh vênh dàn trải bên ngoài trong chiều dần dần xuống, khoả lấp những hy vọng cuối cùng, và một ngày khác sẽ mọc lên, như một nấm mồ mới. Tất cả những thứ ấy, giả tạo, mong manh, thương tâm, kỳ cục, sống sượng, hài hước đang diễn hành qua hè phố đó em, như tất cả những trạng thái đó đã chảy trôi qua tâm hồn qua bao nhiêu năm nay, từ khi con mắt em nồng nàn kêu gọi lòng anh, để dù sao cũng đã xây đắp nên thành luỹ hư vô cho đời sống buồn rầu.

Nguyễn Thị Hoàng - Cho những mùa xuân phai (1)

Sách xuất bản tại miền Nam trước 1975

Nguyễn Thị Hoàng
Cho những mùa xuân phai
(Tập truyện)

1

Lời mở

Trong hoàn cảnh hoàn toàn bế tắc của ngành xuất bản, tháng 1 năm 1966, Cơ sở Văn mạnh dạn tung ra thị trường chữ nghĩa một Tủ sách Phổ thông với tôn chỉ: sách hay, in đẹp, bán giá hạ.

Việc làm có tính cách mở đường của Văn đã thâu hoạch được một số kết quả tốt – đủ tốt để các nhà xuất bản bạn vững tin mà mở rộng ngành hoạt động của mình, đủ tốt để các nhà xuất bản mới được thành lập khá nhiều trong hai năm 1966-1967.

Sang năm 1968, chúng tôi dự tính sẽ tạm ngưng ấn hành sách phổ thông vì tự coi như nhiệm vụ mở đường đã hoàn tất. Nhưng, biến cố đầu Xuân Mậu Thân đã lại đẩy ngành xuất bản vào một ngõ tắc. Phần lớn, nếu không muốn nói là hầu hết, các nhà xuất bản đều tạm ngưng hoạt động, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Trước viễn ảnh đen tối đè nặng lên ngành xuất bản, chúng tôi lại cảm thấy cần phải tiếp tục công việc đã làm đều đặn từ hai năm qua.

Tiếp tục với một hình thức mới, để thích ứng với tình thế mới.

Và Nguyệt san Văn Uyển được khai sinh.

Từ nay, tháng tháng Văn Uyển sẽ gửi tới bạn đọc những sáng tác chọn lọc của những tác giả danh tiếng trong và ngoài nước.

Ước mong bạn đọc sẽ tiếp tục dành cho Văn Uyển mối cảm tình nồng nhiệt mà quý vị đã dành cho Tủ sách Phổ thông do cơ sở Văn chủ trương từ mấy năm qua…

Giờ đây, Văn Uyển số ra mắt xin giới thiệu tuyển tập đoản thiên mới nhất của Nguyễn Thị Hoàng: Cho những mùa xuân phai. Trân trọng mời bạn đọc hãy nhập vào thế giới tràn đầy tình cảm của nhà văn phái nữ đang nổi tiếng nhất, có sách bán chạy nhất hiện nay…
Văn Uyển
Cho những mùa xuân phai

Mélanie, đã ba hôm nay con chong đèn không ngủ, buổi sáng năm giờ không lên nhà nguyện, tám giờ không đi phát thuốc cho các trại, buổi chiều không sang phòng họp công tác, và buổi tối, trong giờ cầu kinh, con lơ đễnh nghĩ ngợi đâu đâu đọc nhầm cả lời lẽ, sai nhịp với các soeur, con làm sao vậy, còn đúng một tuần nữa là lễ phát nguyện của con rồi, con có nhớ như vậy không. Buổi sáng nay con không phải đi phát thuốc nữa, phần việc con sẽ nhường lại cho soeur Albertine, nhưng hãy ra đẩy xe rác xuống vườn, và trong lúc đi ngang qua những vùng đất bẩn sau trại, con phải suy nghĩ lại, một lần cuối cùng, tự hỏi chính mình về sự lựa chọn, và sau đó, mẹ khoan hồng cho con tìm lấy một cơ hội nào đó để thử thách lại.

Một tuần, chỉ còn một tuần nữa là dứt khoát, là bắt buộc tôi phải can đảm và thành thật chọn lựa quyết liệt thôi sao, một tuần nữa để tìm cho ra đời sống đích thực mình giữa ngã ba ngã tư chằng chịt những ảo giác bồng bềnh, những sắc màu hỗn loạn, những tiếng gọi kêu bất ngờ vang vang trỗi dậy khắp cùng bốn phía tâm hồn tôi sao. Tôi muốn nói, đúng hơn là thú tội, những ý nghĩ thầm kín nẩy mầm như đậu trong trí tôi từ ba hôm nay, từ buổi chiều Chủ nhật ở hàng hoa, nhưng tôi không thể cúi đầu nói ra những điều đó, cũng như tôi không còn can đảm ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào hai mắt màu xám trong vắt của Mẹ Nhất lúc này. Tôi biết dù có kể ra những xao xuyến, thao thức đó, dù rằng đối với ba năm ở nhà tập, như thế là tội lỗi chăng nữa, bà vẫn tha thứ, vẫn dỗ dành để tôi lại trở về ngoan ngoãn cúi đầu bước vào cửa hẹp sáng láng của bà. Nhưng tôi không nói ra. Bởi tôi tiếc, tôi không muốn nói ra với bất cứ người nào, những điều tôi chỉ âm thầm nói để mình nghe, với một nụ cười ẩn bóng trong gương soi, với tia nắng lay lắt trong khung cửa chiều trên cao lầu chuông ấy, với những tiếng gọi mơ hồ thầm kín ở đầu. Như vậy mới chính là tội lỗi mơ hồ, xa lạ vừa đủ để đánh thức mùa xuân yên ngủ trong tôi, vừa đủ cho tôi bỗng bàng hoàng sợ hãi nhận ra tôi vừa đắm mê, vừa chạy trốn cuộc đời bên ngoài những bờ tường cao đóng kín. Cuộc đời ngoài kia, tôi rưng rưng trong lòng một tiếng khóc tủi mừng khi nghĩ đến những con đường, những hàng cây lá bay, những tiếng còi xe reo vui lảnh lót, những người qua lại, và phố phường tấp nập, những cửa hàng sáng rỡ, những bông hoa, và khuôn mặt dịu dàng của một mùa xuân quá khứ. Tiếng pháo ran ran đâu đó những bông hoa mai vàng, những màu áo mới. Tất cả thật đã vô cùng rộn rã, vô cùng xa xôi, mùa xuân, cuộc đời, những bóng hình thân yêu ngày cũ.

Tôi đặt khay thuốc xuống mặt bàn và lẳng lặng đi ra. Mẹ Nhất bỗng gọi lại và vô tình hai mắt tôi chạm vào mắt bà, và bước lên một bước, tôi bỗng cảm thấy nhẹ bỗng thênh thang cả tâm hồn thể phách trong hai cánh tay bà êm dịu vây phủ bờ vai tôi ba hôm rồi bỗng dưng lạnh lẽo. Tôi nói ấp úng, thưa, con sẽ cố gắng. Bà đặt nhẹ ngón tay cái trên trán tôi như thường lệ, làm dấu thánh giá thong thả như muốn khắc vào tâm hồn tôi vết sẹo muôn đời của đức tin không phai mờ, và bà dịu giọng, thôi con đi đi. Tôi bỗng dưng muốn làm nũng với bà, nhưng thật ra là với một người nào đó không bao giờ có trong đời tôi, mẹ cho con xuống thăm phòng số bốn trước khi ra bãi rác.

Cái mụt ở cánh tay bà phòng số bốn đã căng phồng như tôi dự đoán. Tôi xoa cánh tay trần bà ta, không đau đâu, chỉ ba hôm là khỏi hẳn, muốn lành thì phải chịu đựng một thời gian đau đớn chứ, cái mụt đã cương lên, không làm cho nó vỡ ra, xẹp xuống, sẽ kéo dài nhức nhối lâu hơn. Người đàn bà xắn cao tay áo cho tôi, vâng, tôi cũng muốn cho xong cái mụt để còn về ăn Tết. Bà về đâu, tôi hỏi, không biết nữa, nhưng ra khỏi đây là tìm thấy chỗ của mình rồi, đâu mà chẳng được, bà ta trả lời giọng cao lên nao nức. Tôi nhúng cái tăm quấn bông gòn vào chai alcool iodée ém cho khô bớt rồi nâng cánh tay tròn lẳn của người đàn bà thoa nhè nhẹ quanh mụt một vòng tròn thuốc vàng nâu, đắp lên một miếng gòn kẹp vải gaze thưa và dán vào da bằng hai đường chéo băng keo.

Thế này rồi làm sao nữa, bà ta hỏi. Khoảng ngày mai là cái mụt sẽ chín, cương mủ lên dồn cả vào chính giữa, tôi chích mũi kim vào đó, ém cho mủ và máu độc ra thật hết, cần nhất là cho lớp máu độc đen tím ra hết cho đến khi thấy tươm máu đỏ là coi như sạch hẳn, rắc bột poudre dagénan vào miệng mụt, băng lại, và hôm sau nữa là mụt khô, và tay bà lại liền như cũ, tôi giải thích tỉ mỉ cho bà ta, nhưng thật ra là cho chính tôi, cho chính cái mụt trong tâm hồn không ai chữa khỏi, không bao giờ lành, phải từ buổi chiều Chủ nhật tôi biết là không bao giờ lành. Như vậy thì có gì đau đớn, bà ta ngạc nhiên hỏi. Có chứ, đau ngấm ngầm, khi cái mụt cương mủ mà không có một chất thuốc nào nóng bỏng để dồn tất cả chất độc về một chỗ làm cho mụt bung vỡ ra một lần. Tôi biết là lợi dụng bà ta để nói với mình quá nhiều nên buông cánh tay bà ta, đi thoắt thoắt xuống hành lang qua bãi rác.

Trong sân, bọn lao công đã tụ tập đông đủ như thường lệ để chờ đi theo một soeur lấy rác, gồm những máu mủ dính trong từng đống bông băng, những chất nhầy không tên vung vãi giữa sàn nhà được chùi vào trong miếng giẻ rách, cùng tất cả những rác rê và các thức ăn, đồ dùng phế thải của nhà thương, và hốt lên chiếc xe đẩy nhỏ xíu hai bánh, có tay cầm, đẩy ra bãi rác. Thấy tôi có người hỏi sao soeur Albertine không ra, tôi nói tôi thay thế hôm nay cho bà ấy, nhưng để tôi làm một mình được rồi mấy người nghỉ đi. Họ nói hơn mười xe rác, nhiều lắm không làm nổi một mình đâu. Tôi định nói là hãy để cho tôi, tôi cần làm như vậy, nhưng yên lặng gạt mấy người phu đàn bà đi thẳng vào nhà bệnh. Bác sĩ đi tạt ngang qua bảo tôi, cô mang băng miệng vào đi, dãy này bệnh nặng, tôi nói không sao đâu, tôi cũng bệnh nặng mà, bác sĩ trố mắt nhìn tôi, và tôi tinh nghịch nhìn đăm đăm ông thầy thuốc trẻ cố quên ba năm nhà tập, ông cũng bệnh nặng lắm mà không biết đấy.

Bỗng dưng tôi choáng váng trong một cơn vui bất ngờ, huyên náo và cúi rạp mình xuống những gậm giường, những ngõ ngách hôi hám tanh tưởi của nhà bệnh, lùa hết tất cả những thứ dơ bẩn trong thùng, bê ra xe, đẩy phăng phăng qua khoảng sân la liệt những người què quặt, nheo nhóc, những lũ trẻ ngồi chờ phát thực phẩm, qua nhà xác, ra bãi rác lúc nhúc những ruồi xanh, trùn và sâu đất. Mùi hôi thối xông lên ngạt thở đến buồn nôn. Tôi giơ cao càng xe để trút tất cả những mảng rác bẩn ghê rợn xuống cỏ ướt. Một vài miếng gòn nhăn nhúm dính thuốc và máu bầm còn vướng lại trong xe. Tôi xắn tay áo nhặt những thứ ghê gớm đó vứt ra bãi rác, và trong phút giây tôi bỗng lặng người nhớ đến khuôn mặt rỡ ràng của Trí buổi chiều Chủ nhật vừa qua, đến những ngày cần mẩn thử thách ở nhà tập, nhớ đến sự kiên nhẫn lặng thinh những lần các bà phước bắt ra sân nhổ cỏ cú, trồng lại cho ngay hàng, nhổ đi và trồng lại bốn năm lần trong một ngày dưới nắng. Mồ hôi vã xuống má xuống cổ tôi. Mặt trời nồng nàn chiếu xuống, những vách tường vôi trắng cao ngất quanh nhà trại sáng lên bỡ ngỡ. Và trời, trời như một ngày nào trẻ thơ có Trí cao vút mênh mông trên đầu tôi, như một trang trải tuyệt vời của mộng mơ và tình tự. Tôi buông xe, đứng ngẩn người nhìn trời, mỗi lúc một choáng váng say ngây trong sóng nắng lớp lớp dâng lên ngập lụt người tôi và Trí lại trở về, cùng với tiếng về râm ẩn mùa hạ nào xa lắc, bến sông im trong buổi chiều tím, và những bông hoa huệ trắng nõn trong vườn đêm về quê thăm Trí. Tôi không muốn nhắc những ngày xưa cũ đó. Những ngày đã qua, những ngày đã chết. Trí đã qua, và Trí cũng đã chết trong đời tôi. Nhưng tôi đã tình cờ gặp lại Trí, gặp lại tôi, gặp lại nỗi xôn xao trong sáng đầu đời. Chúng tôi cách nhau một hàng dài những vòng hoa đã kết lấp lánh từng quả bóng xanh đỏ. Hình như có một thứ váng sáp đóng cứng trên khuôn mặt tôi trong khoảnh khắc tình cờ đầu tiên, và cái váng sáp một lúc lâu nứt nẻ, vỡ ra, rơi xuống và cũng đến đó, Trí nhìn thấy tôi, nhìn thấy Phượng của những ngày chung học ở quê nhà. Trí. Tiếng gọi bật lên đầu môi, và âm vang của tiếng gọi ngân dài trong lòng tôi những ngày có Trí xa rồi.

"Bây giờ Phượng ra sao?" Trí hỏi.

"Ra sao là ra sao?"

"Nghĩa là mình muốn hỏi về tình trạng hiện tại của Phượng, giữa chúng mình như có một khoảng cách thật mênh mông và mình khó dùng ngôn ngữ thế giới mình để hỏi thăm chuyện trong thế giới Phượng mà khỏi phiền lòng Phượng. Nhưng có một điều mình muốn hỏi Phượng là vì sao năm ngoái mình trông thấy Phượng trên xe hàng, Phượng giấu mặt đi không cho mình nhìn thấy".

Tôi lặng người. Chuyến xe hàng đi Biên Hoà buổi đó. Hai con mắt Trí đăm đăm trên kia vành nón tôi nghiêng che cái cổ áo vải thô, cái áo tôi đã cố hoá trang cho bình thường khi đi thăm một người bà con dưới ấy đau nặng. Tôi lẩn tránh Trí, lẩn tránh thật trôi về trên bờ tim dào dạt thủy triều, là bởi tôi không chắc chắn gì con đường đi và chính những bước chân mình ngập ngừng trên đó. Tôi chỉ có thể đến đích nếu dứt lìa, xa cách hẳn mọi tương giao, không bao giờ thấy một le lói ánh sáng nào của đời sống. Nhưng mọi sự chỉ là một thử thách cay nghiệt, và tôi chỉ là một con chim sâu trên một bờ rào vướng vít tơ hồng, hót và sợ mình nghe thấy tiếng, sẵn sàng lao vút vào khoảng không, sẵn sàng sa xuống một cửa lồng son êm ái. Tôi nói sao với Trí. Tôi tránh Tố Như bởi vì tôi muốn nhìn thấy Trí. Chỉ vậy thôi.

"Phượng mua hoa cho ai?" Trí hỏi.

"Cho một bà phước mới chết".

"Mình muốn mua hoa cho Phượng".

"Ở đây làm gì có hoa lilas".

"Phượng vẫn còn thích hoa lilas?"

"Nhắc vậy thôi, mình không còn quyền thích cái gì cả. Không biết ở nhà bây giờ lilas còn nở thơm không. Câu hát nào dội lên trong lòng tôi đông giá ba năm trời, tay trong tay chúng ta về quê hương cũ… Tôi đã từng nghĩ vậy ngày xưa, lần đầu tiên hai đứa không còn cách nhau bên này bên kia hàng rào vườn cây, mà hai phương trời chia lìa, mỗi đứa theo học một phương, cùng mong một ngày đưa nhau về nhà cũ. Mọi ước mong thật đã xa mù xa tắp rồi, và Trí đã khác, tôi đã khác, cuộc đời cũng đã khác xưa. Bỗng dưng tôi lạnh ở hai vai, lạnh khắp châu thân, bỏ Trí đứng ngẩn ngơ, băng mình qua đường, băng mình qua biển lớn lòng tôi dạt dào sóng dội và khắp trời chiều Chủ nhật tôi chỉ còn nhìn thấy bóng dáng tôi áo đen, như một cánh dơi khổng lồ sa xuống thấp, thấp mãi trên những ghềnh đá cheo leo, thấp xuống mãi trên những bến sương mù vọng ngân tiếng chuông nhà thờ đổ dồn thúc bách, và tiếng chuông dứt nối rạc rời của buổi lễ cầu hồn ru tôi trong giấc ngủ nghìn thu lạnh lẽo. Trí ơi, Trí ơi, tôi gọi tuổi nhỏ xa xanh trôi xuôi thời gian trùng điệp, Trí ơi, Trí ơi.


*


Lại tiếng kêu gào inh ỏi dưới bếp. Mụ điên lại thọc tay bẩn vào các nồi thức ăn của người khác. Ngày nào cũng đúng ba lần như thế. Nếu mụ ta điên thật để tôi góp nhặt bằng cớ đưa lên bà Nhất thì mọi chuyện đã trở nên dễ dàng. Nhưng không điên, mụ ta còn làm kẻ khác điên đầu hơn bị một người điên chính cống quấy rầy, và theo những lời báo cáo, có hôm bà Nhất, giám đốc cơ sở từ thiện này đã đến thăm, nhưng trước mặt bà, mụ điên khôn ngoan tỏ ra bình thường lễ phép. Tôi điên đầu hơn ai cả, bởi mọi chuyện ở đây, tôi đều phải giải quyết, thay mặt bà Nhất, và mọi người trong nhà bất cứ xảy ra chuyện gì cũng níu lấy tôi đòi xử kiện. Hàng trăm thứ để xử kiện trong một ngày. Nào người nọ giặt áo quần ngay trong phòng. Nào người kia đến phiên không làm vệ sinh. Nào kẻ khác ăn cắp xà phòng và than đỏ trong lò của người bên cạnh. Nhưng phiền phức nhất là những vấn đề xung quanh mụ điên. Suốt ngày mụ ta ngồi lê lết ngoài sân, ngay cửa ra vào, nói lảm nhảm không ngừng nghỉ, chờ có ai đi vào đi ra là níu lấy ống quần kéo xuống doạ dẫm, cho tao tiền đi, không tao kéo. Không có ai bị kéo, mặc dù không ai nạp tiền mãi lộ cho mụ, nhưng đều lo nơm nớp. Nhưng đến ai ăn cái gì thì mụ ta không tha. Nếu không cho, thế nào mụ ta cũng đánh đổ. Cho không đủ cũng vậy. Nhưng ai cũng ghét vì mụ quá tham lam và không ai muốn cho. Nên mỗi bữa ăn, mụ ta rình thế nào cho được để quậy cả bàn tay bám đầy cáu ghét và mũi dãi vào trong phần ăn của người khác. Cứ thế và rồi cả nhà này cùng đói. Và người ta quật mụ điên xuống. Mụ chống chọi kịch liệt. Cả nhà huyên náo lên. Tôi so sánh những giờ cầu kinh, những đêm lặng lẽ ở viện với sinh hoạt trong nhà này, và phân vân, bên tám lượng bên nửa cân, tôi không biết cho bên nào hơn cả. Dù sao thì tôi vẫn còn một triển hạn ngắn ngủi để thử thách một lần cuối cùng, theo chỉ thị của bà Nhất, ở lại nhà này trông coi đám người ở trọ nghèo nàn này và trong thời gian còn lại phải dứt khoát chọn lựa con đường sẽ tới. Sau một ngày thắng mình, thắng đám đông ồn ào trong nhà, tôi kiệt sức buổi tối, trở nên ích kỷ và hèn nhát, trốn tất cả mọi người, đuổi tất cả đi chơi, một mình chiếm hết căn nhà rộng có khung cửa sổ lớn mở ra vườn đêm ngát mùi trái chín và nhang thơm của nhà láng giềng. Có một cái gì kéo tôi lại cửa sổ, đứng lại ở đó hàng giờ không biết mỏi. Ban đêm, nhìn xuyên qua bóng tối của vườn cây, tôi thấy nhấp nháy một ánh đèn của một khung cửa mở xa lắc bên kia. Mãi rồi một buổi sáng tôi nhìn sang và thấy hắn, đứa con trai. Trong khoảng cách cố định đó, tôi bỗng dưng cảm thấy, trong một phút giây nào đó, hắn có mái tóc giống Trí. Cũng trẻ và vui như Trí năm năm về trước. Thật tình tôi chú ý đến hắn chỉ vì vậy, thật chỉ vì vậy thôi. Dần dần, hắn trở thành một con dã nhơn ngộ nghĩnh trong chuồng sở thú, và tôi một kẻ ở ngoài, nhìn qua để giải buồn vơ vẩn. Một hôm tôi thấy hắn cười, vô nghĩa. Tôi bỗng cảm thấy như bị trêu chọc, mạ lị, và bực tức quay vào, khép cửa. Nhưng rồi tôi hối hận đã cho nó thấy tôi đóng cửa, tức là thấy hắn và tỏ thái độ với hắn. Tôi đi trở ra, mở bung cửa. Hắn vẫn còn đó, nhăn răng cười, tay cầm một khúc bánh mì. Hắn gật đầu và đưa bánh lên miệng. Tôi tức lộn ruột nhưng đồng thời, cảm thấy một thoáng gió mát luồn vào trong tóc. Nắng buổi trưa đầu mùa khô sáng lóng lánh trên những tàng lá dày xanh sậm. Cây đào ở cuối vườn nhú lên từng chòm trái non. Bóng dáng mùa xuân phất phơ trong hơi thơm nồng nàn của nắng lá. Tôi cảm thấy mình chớp nhẹ hai hàng mi, và trên môi tôi, đứa con gái ngày xưa trở về, cười rạng rỡ. Tôi dúi đầu vào song cửa, tôi gọi, Trí, Trí ơi, Trí.

Buổi chiều tôi chạy trốn tiếng ồn ào dưới bếp, bỏ đám người đánh lộn quật nhau túi bụi tôi đi ra đường, không biết đi đâu, lòng hoang mang và trí bất định. Bỗng muốn có một người nào trói chặt chân tay mình lại đánh cho một trận nhừ tử. Rồi sau đó tôi sẽ tỉnh hẳn, sẽ dứt khoát mọi điều. Nhưng không ai đánh đập tôi, không ai biết đến tôi đang chơ vơ lạc lõng như thế này cả. Và tôi đã nương nhờ đám đông lặng lẽ bằng cách lên xe buýt ngoài đường. Cái đám đông lặng lẽ và di chuyển, tôi nghĩ an ủi và ngồi xuống chỗ trống sau cùng. Xe chạy một quãng tôi bỗng cảm thấy có người chạy theo xe và bám vào cửa, nhảy vào trong, và một chiếc lá rơi vào trong tay tôi. Một chiếc lá xanh, với hàng chữ lờ mờ ghi vội, ra gặp tôi không, ở cửa rạp Eden, người cầm chiếc lá. Hắn biến mất ở đàng mũi xe và nhảy xuống ở một trạm gần. Tôi choáng người sợ hãi nhìn hai bên. Không ai nhìn tôi cả. Nhưng tôi thấy rõ như đang đối diện, hai con mắt trong veo của bà Nhất, với cảm giác của dấu tay bà quệt nét thánh giá lên trán tôi hôm nào. Xe ra đến phố. Tôi cuống quít, tôi dở gương soi. Tôi đưa năm ngón tay run cào mớ tóc. Rồi như kẻ mất hồn, tôi nhảy xuống một trạm ngừng, đi ngược đường, cố nghĩ là không đi tới đâu, nhưng tôi đang đi ngược từ chợ Sài Gòn lên Lê Lợi, quẹo qua Tự Do. Và tôi hoảng kinh thấy mình đi về phía rạp Eden.

Tôi dừng lại rất lâu trước một cửa hàng lớn và nhìn bóng mình lờ mờ in vào tủ kính. Không hiểu vì sao tôi đã đến. Một cách thành thực, không vì một lý do nào thúc đẩy cả, ngay một chút tò mò cũng không. Trong những lúc đứng nhìn qua khu vườn cây từ khung cửa sổ, tôi tự hỏi nếu mình quen hắn, hắn sẽ là cái dây nối tôi với cuộc đời bấy lâu cách xa ngoài đó. Nhưng rồi tôi sẽ cảm thấy gì. Điều quan trọng là tôi có thực tâm cảm thấy gì không. Hay con người tôi đã là một tử tế bào vô ích trước tất cả các cuộc thử thách, thí nghiệm. Mơ hồ, tôi nghĩ đến Trí. Hay là tôi đến đây là vì nghĩ đến Trí. Trí ở đâu xa rồi, mất rồi và hắn thì giống Trí. Tôi đang tìm đến tôi hay đang chạy trốn khỏi tôi khi bước chân tới nơi người cầm chiếc lá đợi chờ.

Tôi hạ tầm mắt để không phải nhìn một khuôn mặt nào cả đến hắn. Tôi muốn tưởng tượng hắn theo cách tôi nghĩ và gạt hắn thật xa ra khỏi tầm tay tôi, như Trí, như những người chưa bao giờ tới trong đời con gái tôi. Tôi nhận ra chiếc lá ở một bàn tay buông thõng, gần chỗ lấy vé.

Giọng người lạ:

"Trông cô khác hẳn người trong khung cửa sổ. Tôi cứ tưởng là cô khinh bỉ và hiểu lầm tôi, không đến đây bao giờ. Điều tôi sợ nhất là bị cô nghĩ lầm về ý định của tôi. Thật ra tôi, tôi… tôi không có một chỗ nào thiêng liêng yên tĩnh và ngôn ngữ nào thích hợp để nói với cô những điều muốn nói. Đáng lẽ tôi không nên xin gặp cô như thế, tôi muốn nuôi một vẻ đẹp nào đó hơn là… nhưng mà tự nhiên khi thấy cô đi ra tôi bỗng tung cửa chạy theo. Mong cô hiểu là tôi không cố ý xếp đặt như thế này. Và thật ra thì tôi cũng không đủ can đảm mời cô vào trong ấy, nhưng thật không có một chỗ nào yên tĩnh để nói chuyện cho bằng rạp hát cả".

Những ý nghĩ trước đó một phút về hắn của tôi tiêu tan đi hết, nhường chỗ cho một cảm xúc dễ dàng bình tĩnh.

"Cô thường đi xem hát không?"

"Không, đã hơn ba năm nay".

"Hơn ba năm mà không vào rạp chiếu bóng một lần nào cả sao?"

"Anh không biết gì về tôi cả sao?"

"Một hôm tôi bỗng nhìn thấy cô nơi khung cửa sổ".

"Tôi tập đi tu, bị phạt đến săn sóc đám người đó, vì đã xao lãng bổn phận".

"Tôi không tin".

"Cái gì làm anh không tin?"

"Nụ cười của cô".
"Tôi cười, tôi có cười thật sao?"

"Tôi vẫn thấy cô cười với Trời ở khung cửa sổ".

Tôi nhắm hai mắt choáng váng trong cơn say không tên mênh mang hai con mắt màu xám của bà Nhất xoá nhoà mờ mịt.

Như trong chiêm bao, tôi theo hắn lên những bậc cầu thang, đi lên cảm giác bồng bềnh xa lạ chưa một lần tìm thấy. Ánh sáng hồng vừa tắt trong rạp khi tôi tìm thấy chỗ ngồi mình.

"Chiều nay cô đi đâu vậy?" Hắn hỏi.

"Đi tìm xem tôi như thế nào".

"Cô thế nào bây giờ?"

"Nếu bây giờ không chỉ có nghĩa là phút giây này mà thời gian thường trực, thì tôi nửa thiên thần nửa quái vật".

Tôi thoáng thấy hắn mỉm cười trong bóng tối, và những ngón tay hắn bứt rứt xoa xoa trên thành ghế.

Tôi không muốn nữa điều tôi vừa chợt muốn. Tôi biết là tôi thành thật, nhưng nói ra, tôi tiếc, thật tiếc, với hắn hay bất kỳ ai cũng vậy. Tại sao ta cứ làm hoen ố tâm hồn mình bằng những lời nói ra với những con người không bao giờ, không bao giờ cùng chung với ta một bờ đất sống. Bây giờ hắn biến thành một người khác, một đứa con trai mời một người con gái. Hoặc tệ hơn, tìm cách rủ rê một đứa con gái vào rạp chiếu bóng. Điều làm cho tôi có thể xao động, không phải hắn, không phải chiếc lá hắn gửi vào tay mà khuôn mặt con người ở hắn tôi nhìn qua một khoảng vườn cây. Hắn hiện hình là đời sống trong lúc tôi trong này cửa hẹp bỗng dưng nhớ nhung đời sống thênh thang bên ngoài, đặt cho mình dấu hỏi đầu tiên và cuối cùng để dứt khoát. Bây giờ bóng tối gờn gợn xung quanh, cùng với hơi thở nồng, nhạt thơm mùi không tên của máy lạnh, vì cuộc biến động âm thầm cho mỗi đời người chỉ gần gũi tấc gang. Nhưng tôi nhìn thấy tôi rồi. Dửng dưng, ráo hoảnh. Tất cả những lung lay xao xuyến trong đáy lòng một phút trước chỉ là ảo giác, như một bóng ma lây lất để thử thách can đảm tôi giữa bóng tối mênh mang đời sống. Tưởng tượng nếu tôi nghiêng người qua bên kia một thoáng tích tắc đồng hồ thôi. Tưởng tượng không có một ý nghĩ, một phán xét nào ngăn cản cả, tôi tự do và dứt khoát hẳn với tất cả mọi ràng buộc, tôi sẽ đi tìm gì cho tôi. Gian phòng bít kín. Những con đường thành phố rộn ràng. Những con mắt phù thủy nhìn nhau. Và những mong muốn âm thầm. Tôi không cảm thấy gì hết, chẳng phải là chai đá, nhưng tất cả đối với tôi lạ lùng và cách biệt đến ghê tởm. Nhưng tôi đã đến. Mẹ Nhất đã chẳng cho tôi tự chọn một lần thử thách dứt khoát với con đường mình sao? Cánh tay hắn trên bành ghế trong bóng tối lờ mờ bỗng vờn lên hình ảnh của bức tường hành lang nhà nguyện. Tôi ngơ ngác không biết tôi-ở-đó bây giờ đi đâu. Tôi nhớ tôi. Ý nghĩ bỗng vươn lên như một mầm đậu non đã đến ngày quấn đọt mềm vào cành khô gần gũi. Tất cả thật đã quen thuộc, như từng hình ảnh, từng cử chỉ nhỏ ở đó đã mọc rễ vào tâm hồn, số kiếp tôi, đến nỗi, dù nhọc nhằn, dù héo hon, dù bỏ quên đi tất cả những mùa xuân con gái, nhưng xa đi, tách rời, hay nghĩ rằng rồi để dứt khoát với đời sống đó, tôi rùng mình lạnh giá hai vai. Tôi đã đi từ một bức tượng thần linh vào nhập lốt của một con quái vật. Tôi đang đi tìm mũi nhọn để đâm chết con quái vật, thoát xa khỏi nó để trở về dâng hiến linh hồn cho bức tượng thần linh đây. Hắn là gì bên cạnh tôi? Có phi con người không? Không. Chẳng ai là con người cả. Ngồi mãi đây rồi tôi cũng như những kẻ xung quanh. Hình như ngoài kia chiều dần xuống. Tôi nghe vang vang trong hồn tiếng chuông nhà thờ đổ khúc ăn năn. Tôi đứng lên đột ngột khi phim bắt đầu. Lúc này tôi không thể biết tiếng chuông ăn năn vì ánh mắt xanh xám của bà Nhất hay môi Trí cười buổi chiều Chủ nhật nào đã xa.

Nghĩ là đám con trai đã tản ra nhường lối cho tôi bước tới. Nhưng không, chúng nó càng tụ lại gần nhau thành một khối di chuyển theo tôi ở mỗi bước chân ngập ngừng. Tôi nóng bừng cả mặt nhìn xuống màu áo mình xanh nhạt, cái áo cũ từ bốn năm nay bỏ quên trong đáy va-li gởi ở nhà một người bà con, may bằng thứ hàng láng và mỏng, bây giờ đã lỗi thời, nhìn xuống mũi giày màu bạc óng ánh lấp ló dưới ống quần xa-tanh cũng láng mướt, mọi thứ diễn tả một sự đỏm dáng khác thường gượng gạo trơ trẽn, diễn tả đúng quảng đời ngắn ngủi nửa vời tôi bước tới hôm nay. Và tôi lạnh người nhận ra danh từ xác định đúng tình trạng của mình hiện tại: tu xuất. Tu xuất. Là danh từ ngày xưa đi học tụi bạn thường tinh nghịch tàn nhẫn gọi và trêu chọc những đứa nào trong lớp có vẻ khờ khao, thật thà đến đờ đẫn, quê mùa. Bây giờ tôi đúng là tu xuất, một con tu xuất. Và con tu xuất đang mặc áo quần chải chuốt, mặt mày trang điểm tỉ mỉ, đi tìm nhà một người con trai. Thật như thế sao? Con đường tôi đang đi đây đưa tới một người con trai sao? Cái đám đông tinh quái chờ cho tôi đến thật gần, không còn lối thoát mới dạt sang hai bên, chỉ chừa một lối nhỏ cho tôi qua lọt. Tiếng nói chúng rát bỏng hai bên má. Chắc đi tìm đứa nào, dám là thằng Trí. Tiếng một đứa khác, bồ thằng Trí đâu mà bệt quá vậy, thằng đó chỉ toàn những em ca-nhe ca sĩ đến thăm. Tôi nhắm mắt đi qua khỏi những lời rắn độc của chúng, Trí chúng nó nói không phải là Trí của mình. Tôi an ủi, nhưng đồng thời, hình ảnh buổi chiều ở rạp chiếu bóng đi ra, sau khi chạy trốn người con trai hò hẹn, buổi chiều lá me bay dưới trời gió trở, ào trên vỉa hè bỗng tới tấp bay và Trí đi qua bên kia bờ đường trong cơn gió lốc hồn tôi, với một người con gái đẹp. Tôi vò nát tờ giấy chương trình rạp chiếu bóng trong tay, hai mắt mịt mờ như nhìn vào khói toả, nghiêng người đi lảng sang bờ đường bên kia. Một thoáng tôi nghe có tiếng người con gái hỏi, xin lỗi, chị có phải là chị Phượng, anh Trí muốn gặp chị. Tôi sững người, lòng đau quắt một giây và hỏi ngớ ngẩn, Trí đi với cô, sao còn gặp tôi làm gì. Người con gái nói, tôi chỉ là bạn qua đường vậy thôi, nếu chị buồn tôi sẵn sàng nhường lại Trí, tôi thì không thiếu gì bạn, chị đừng lo cho tôi. Người con gái định bỏ đi, nhưng Trí đã đến và níu cánh tay người con gái. Hai người thoáng nhìn nhau. Tôi đọc thấy trong đáy mắt hai người lời hẹn hò lâu dài thầm kín và nóng bỏng. Như họ đã qua gần gũi quen thuộc, chỉ cần một khoé mắt nhìn cũng đủ sống trọn vẹn những khắc giây đắm đuối của đời người. Trí hỏi, bây giờ Phượng trở về đời rồi sao. Tôi ấp úng với dòng nước mắt trong lòng, không biết nữa, nhưng chiều nay thì trở về đời. Câu nói tôi vang ngân lên một niềm xót xa thương tiếc nào đó làm cho nét mặt Trí bỗng buồn hẳn đi, mình đã tìm Phượng bao nhiêu lần trong những năm qua nhưng không gặp được nhau. Tôi định nói, phải tìm không gặp nên chi Trí đã bỏ cuộc. Nhưng tôi đã cảm nhận ra mình hoàn toàn vô lý, sự vô lý đáng thương của kẻ thua cuộc thiệt thòi. Trí nhìn người con gái rồi nhìn tôi bối rối, Phượng đi chơi với bọn mình không. Tôi nói dối để giúp cho Trí lối thoát, bằng một giọng cao như kiêu hãnh mà thật ra để trám kín nỗi nghẹn ngào, không được đâu, mình có hẹn, hai người đi chơi cho trọn buổi chiều đi. Bỗng Trí đưa tay ra bắt tôi, từ biệt. Tôi choáng người trong cơn đau đớn bất ngờ, tức tủi lẫn với một nỗi xao xuyến thương đau không cùng tưởng ngập lụt bầu trời cao xa trên ấy. Bàn tay tôi chết ngất phút giây trong tay Trí. Cơn chết ngất ru hồn về những mùa tàn thu cũ, con đường ẩm ướt bờ sương và hàng cây long não lá xanh ngời giao nhau trên trời mờ đục. Cuộc rước đuốc tưng bừng nửa đêm và Trí đến thăm bất ngờ cùng với cơn gió lạnh sắt se tuổi học trò mười sáu bâng khuâng. Lúc ra về Trí cũng đã bắt tay tôi, tay tôi cũng đã từng chết ngất trong tay Trí cùng với nỗi rung động thanh khiết thơ ngây đầu đời. Bây giờ tay Trí lạnh băng. Như giữa chúng tôi đã xây lên một bức tường thép đúc. Và bức tường xua đuổi chúng tôi ra xa nhau, mỗi người một nơi, tuyệt mù tăm tích từ đây. Tôi buông tay Trí đi mau qua bên kia đường, nhưng qua bên kia đường tôi vẫn còn quay lại nhà Trí. Tay Trí vòng qua lưng người con gái. Và bóng họ chìm trong sóng người của phố chiều chập choạng đèn giăng.

Tôi nằm lì ở xó nhà người bà con từ buổi ấy nung nấu với ý nghĩ đi tìm gặp Trí. Bởi tôi nghĩ nếu gặp nhau riêng tư, Trí sẽ trở về là Trí ngày xưa. Và Trí của buổi chiều ngoài phố chỉ là nhân vật của một màn kịch ngắn. Màn đã hạ xuống và tôi sẽ tìm thấy Trí, vẫn là của tôi sau hậu trường. Cho nên bây giờ mình đi tìm Trí đây Trí ơi. Tôi dừng chân trước một căn nhà có cây trứng cá đọc bảng số. Không phải số nhà Trí. Bỗng nhiên tôi cầu khẩn con đường còn dài ra mãi, dài mãi cho tôi nuôi dưỡng dài lâu ảo tưởng bồng bềnh về mối liên lạc mơ hồ giữa Trí và tôi. nhưng một lũ trẻ con ló đầu ra khỏi khung cửa xanh và tôi nhận ra trên từng nét mặt tươi cười dấu hiệu quen thuộc của Trí. Tôi hỏi một đứa, phải nhà Trí đây không em. Nó chạy tuốt vào trong, chú Trí ơi người ta hỏi kìa. Tôi cắn môi ngăn một tiếng khóc không hiểu nguyên do bỗng bật lên. Nhưng rồi Trí đó, Trí trong khung cửa xanh của những mùa xuân con gái tôi bây giờ tìm đến viếng thăm.

"A Phượng!"

Ơi tiếng reo vui của những ngày đi học ngày xưa mỗi lần đến thăm nhau. Ơi tiếng reo vui của những mùa hè hoa lilas tím ngát sau vườn khói. Ơi tiếng reo vui bây giờ đã thật sự tan chìm như bọt sóng trên bờ thời gian mịt mù hai đứa nhìn nhau.

"Tưởng là Phượng giận mình và không bao giờ còn gặp nhau".

Trong chữ nhau ngọt ngào, tôi nghe lại từng mùa xuân pháo đỏ ngập đường, những ngày khai giảng nhìn nhau bên này bên kia khung sân trường biển rộng mênh mông, những đêm họp bạn lửa cháy bập bùng, và chúng tôi đi với nhau, một quãng đường mong manh từ sân cỏ ra cửa thường, đủ thắp sáng mộng mơ trong tâm hồn và bâng khuâng trong trái tim. Tôi mỉm cười. Mỉm cười lại từ bao nhiêu năm nay hon héo môi khô. Và bằng lòng mình đã đến. "Vào trong này đi Phượng", Trí nói. Tôi bước qua khung cửa xanh, vào phòng khách rộng trải thảm màu vàng cam và ngồi xuống một ghế nệm nhung cũng màu cam. Chúng tôi cách nhau một mặt bàn vuông phủ ren trắng, với một khóm oeillet trắng nõn trong lọ thủy tinh thấp. Trí giới thiệu khung cảnh, nhà này của anh chị mình đó, mình ở nhờ, cũng định đi chỗ khác thích hơn. Tôi nói Trí sắp đi ở riêng sao. Trí nghịch ngợm, ở riêng với ma. Tôi nhìn ánh nắng xuyên qua khung cửa nhỏ, và bóng tàng cây trứng cá rung rinh in hình vào bức tường trắng trước mặt, nói vẩn vơ, hôm nay trời thật đẹp, như trời tháng ba ở ngoài Huế. Câu nói bỗng tròng trành trong lòng tôi chuyến đò sương buổi chiều tan học, khung trời tím trên đầu, và nỗi vui xôn xao vừa nhìn thấy Trí thoáng qua bên kia bờ đường học trò tấp nập. Trí nói, có lẽ mình nên đi chơi một vòng để tìm lại trời Huế ngày xưa. Tôi cúi đầu chớp mắt. Bỗng Trí hỏi, năm nay Phượng bao nhiêu tuổi rồi. Tôi đáp nhỏ hai mươi mốt. Trí nói, như vậy chúng mình đều còn quá nhiều thời giờ để bắt đầu lại. Tôi cười buồn, chỉ mình mới bắt đầu lại, còn Trí thì việc gì đâu, chỉ là tiếp tục. Trí bỗng thoáng nhìn tôi, rồi nhìn lâu, trong hai mắt trong sáng của người con trai, tôi tìm thấy những năm tháng bỏ quên của nằm chết lạnh lùng.

Chúng tôi đi ra đường bằng một lối khác con đường tôi tìm đến. Ánh sáng bây giờ lên cao, và ai bên đường, những cây trứng cá tỉa những tàng bóng mát xuống bước chân đi chúng tôi ngập ngừng tìm kiếm thời gian đã mất.

"Bây giờ mình đi đâu Trí?"

"Tìm một chỗ nào không có người quen, không có không khí của Sài Gòn".

Ngồi bên Trí trong xe tắc-xi, cảm giác lạ lùng bỡ ngỡ trở về, như lúc ngồi trong rạp hát với đứa con trai lạ. Bây giờ tôi muốn nhìn thấy lòng sông, bóng cây xanh trên bờ, khung trời ngói nâu, buổi chiều tan học. Muốn nhìn thấy Trí, muốn nhìn thấy tôi, thấy Trí đúng hình ảnh và suy nghĩ ngày xưa. Nhưng tôi lạ tôi, Trí lạ tôi, trên nụ cười như nở thắm cho những niềm vui xa lạ nào khác, trên hai gò má bây giờ chớm hốc hác hình ảnh của những đêm đen nào tối tăm lầy lụa. Một thoáng, tôi thấy lờ mờ qua hàng dây thép giăng trên cao cắt trời thành những tảng xanh dài gầy gò song song thẳng tắp hai con mắt xanh xám của bà Nhất, và cái nhìn buồn bã bây giờ lặng lẽ oán trách, lẫn với một thoáng kêu gọi não nùng. Bỗng tôi nhớ không khí trang nghiêm quen thuộc của nhà nguyện lúc năm giờ sáng, ánh đèn vàng lặng lẽ lan trải trên những bờ vai áo trắng im lìm như tượng đá, và tiếng cầu kinh thanh thoát, đều đều như một điệp khúc xa xăm hư ảo. Tôi bỗng muốn biết những gì đã xảy ra từ ngày tôi bỏ đi. Muốn biết bà Nhất dành cho tôi những hình phạt nào. Tiếng Trí nóng bỏng như hơi ấm của lò sưởi gần:

"Phượng nghĩ gì vậy?"

"Đến nhà tu và bỗng muốn trở về".

"Nhưng sao lại còn đến thăm mình?"

"Không biết, mình muốn nhìn lại Trí lần cuối cùng".

"Làm như sắp chết đi".

"Biết đâu. Chết đi ở đời này để sống trở lại ở một đời khác".

Ngoài kia, con đường nhựa thênh thang thẳng tắp kéo dài về một chân trời hồng thắm. Xe qua những quãng phố xá đông đảo, những cửa hàng rực rỡ màu sắc. Lác đác một vài tiếng nổ bất ngờ, khô và ngắn. Gì vậy Trí? Tôi hỏi. Trí nghiêng vai qua tôi nhìn ra mũi xe, pháo trẻ con đốt sớm đây, sắp Tết rồi, làm thế nào để Tết này chúng mình cùng đi chơi thật vui với nhau. Tôi cười buồn trong gương chiếu hậu, đối với mình hôm nay đã là Tết, ngày Tết cuối cùng.

Hình như xe dừng gần một ngã tư đèn đỏ, tiếng Trí bảo dừng xe, và tôi đi trong chiêm bao theo Trí xuống bờ đường rực nắng. Ánh sáng chói chang của ngày gần đứng bóng làm tôi cảm thấy cách xa cả cuộc đời, Trí, con đường và cả chính tôi. Chúng tôi đi mải miết, từ đường này qua sang đường khác, và khi Trí nắm tay tôi, dẫn qua một con đường rộng, tôi bắt đầu ngà ngà say, và tôi nói với Trí chúng mình nên trở về ngay thành phố.

Tôi đi thẳng xuống hàng hoa, tần ngần đứng lại nơi hôm nào gặp lại Trí lần đầu. Tôi cố hình dung lại hình ảnh lung linh ngọt ngào của ngày đó đã chết im lìm dưới đáy thời gian. Bây giờ chỉ còn lại dư vang buồn bã của một ngày lang thang trong nắng mùa xuân rạng ngời với Trí và cảm giác lờ mờ xót xa của khắc giây mong manh và muôn trùng trong rạp hát tối mờ, lạnh lẽo, khi tay Trí ngập ngừng tìm bàn tay tôi, áo Trí phảng phất mùi thơm nồng nàn ảo diệu của hoa huệ trắng đêm trăng nào trong vườn xưa, hương thơm hay chỉ là ảo giác của một đời xót thương quá khứ, hơi thở Trí ấm áp lạ lùng, rộn rã, và cuối cùng của một quãng đời con gái trắng trong là đôi môi ngọt ngào của Trí xuống mặt tôi nước mắt không tên lặng lẽ chảy dài. Tôi nói với Trí, cám ơn Trí về buổi sáng, về buổi chiều, về cả ngày hôm nay, bây giờ thì để cho mình về. Trí buồn lại giọng, mình biết thế nào rồi Phượng cũng trở về đó.

Tôi thong thả đi bộ ra trạm đón xe buýt chạy ngược ra xa thành phố. Chiều xuống thấp trên những đỉnh cây bắt đầu nhoà sương. Trời thoang thoảng lạnh phủ trùm xuống vai áo tôi gầy gò mỏng mảnh. Khi về đến cửa nhà nguyện trời tối hẳn. Tôi len lén ra ngả sau, vào phòng tối, trút bỏ tất cả áo quần của một ngày lang thang, mặc trở lại quần áo vải thô, rồi hấp tấp đi trở lên phòng bà Nhất. Tấm màn đen phủ xuống im lìm. Tôi lẩm nhẩm một bài kinh quen thuộc trong lúc chờ lệnh bà Nhất gọi vào cho lòng lắng dịu xuống. Nhưng sau lưng tôi, một bàn tay êm dịu nào đã phủ xuống, như là sóng đêm tẩy xoá vết bẩn trên mặt cát chiều hôm, và giọng bà Nhất đằm thắm dỗ dành, mẹ biết rồi con sẽ trở về.

"Nhưng con đã cắt ngắn mớ tóc rồi".

"Tóc con sẽ dài trở lại".

"Và lòng con cũng đã hoen ố rồi".

"Tiếng cầu kinh sẽ gột rửa cho con".

"Con không xứng đáng".

"Con tự biết là xứng đáng nên mới trở về. Bây giờ con hãy ra ngoài sân cỏ, mẹ vẫn để dành cho con tặng phẩm cuối cùng, mẹ đã cho đem phơi sương, vì biết là con sẽ trở về lúc trời tối".

Tôi thoăn thoắt ra hành lang, xuống thềm, ra sân. Ánh đèn từ bên kia dãy nhà nguyện hắt xuống sân cỏ một vệt trắng mờ hư ảo. Và trong vệt sáng lờ mờ tưởng như một dòng Ngân hà xa thẳm đi không bao giờ tới nơi, tôi trông thấy tấm áo chùng trắng trải thênh thang, hình ảnh tôi sấp mình chuộc lỗi dưới trời, và xung quanh, những tấm áo lót vải thô trắng nõn, những chiếc tất dài, cái mũ cùng tất cả những hành trang cần thiết tiễn đưa tôi lên cuộc đời sáng láng trên cao. Không phải là tôi trở về trong đêm nay đâu. Tôi ra đi. Vâng, mình sắp ra đi, đi thật xa để đừng bao giờ thấy nhau nữa Trí.

Nguồn: Cho những mùa xuân phai, tập truyện Nguyễn Thị Hoàng, bìa Nguyễn Trung, nguyệt san Văn Uyển xuất bản lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của Văn Uyển, xong ngày 28 tháng 5 năm 1968. Ngoài ấn bản thường, có in riêng 50 cuốn trên giấy trắng mịn, dành riêng cho tác giả và nhà xuất bản. Tác giả giữ bản quyền.

Phạm Thành Sơn - Cần sớm thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế -

Cần sớm thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế -
Tác giả: Phạm Thành Sơn

Bài đã được xuất bản.: 03/07/2011

Đang lúc chúng ta phải đối phó với những âm mưu của Trung Quốc trên biển Đông qua các hành vi bắt giữ tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, xâm phạm chủ quyền lãnh hải nước ta và những đòi hỏi vô lý trong tranh chấp, thì cũng đừng quên một áp lực khác mà chúng ta đang phải gánh chịu, đó là sự lệ thuộc quá nhiều trong làm ăn với Trung Quốc.

Biểu hiện cụ thể là tình hình nhập siêu ngày càng nặng nề với nước láng giềng này đang là bài toán khó.

Nhập siêu của Việt Nam và Trung Quốc đã tăng liên tục kể từ khi hiệp định tự do mậu dịch ASEAN-Trung Quốc có hiệu lực ngày 1/7/2005. Những năm gần đây mức nhập siêu này đã tăng rất nhanh từ 2,67 tỉ USD năm 2005 vọt lên tới 12,7 tỉ USD năm 2010, tức là gần gấp năm lần. Con số này khiến chúng ta bức xúc hơn khi 10 năm trước, tức vào năm 2000, thặng dư thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 130 triệu USD.

Theo các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, chỉ trong năm tháng đầu năm 2011 mức nhập siêu của Việt Nam đã lên tới khoảng 6,5 tỉ USD mà trong đó phần lớn vẫn là nhập siêu từ Trung Quốc (nhưng đáng tiếc là không thấy cơ quan này công bố số liệu cụ thể).

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong một báo cáo công bố gần đây đã cho rằng, mức độ thâm nhập kinh tế của Trung Quốc vào nước ta đang ngày càng tăng trong đa số các sản phẩm, từ máy móc, thiết bị đến hàng tiêu dùng. Theo đó các ngành sản xuất Trung Quốc thâm nhập nhiều nhất hiện nay tập trung vào một số lĩnh vực như điện lực, dầu khí, cơ khí, luyện kim, khai khoáng, hóa chất.

Góp phần lớn nhất vào tình hình này xuất phát từ hàng loạt gói thầu các công ty Trung Quốc giành được với rất nhiều hợp đồng EPC (Engineering, procurement and construction - Thiết kế, mua sắm và xây dựng). Loại hợp đồng nói trên thường được thực hiện trong lĩnh vực xây dựng các nhà máy điện (của Tập đoàn Điện lực VN), mỏ (như bauxit Tân Rai, Nhân Cơ, đồng của Tập đoàn Than Khoáng sản VN-TKV), hóa chất (phân đạm Hà Bắc), giao thông (như xây dựng, cải tạo đường sá ở TP. Hồ Chí Minh, đường sắt trên cao ở Hà Nội)..., qua đó các công ty Trung Quốc nhập từ máy móc, thiết bị, vật liệu, đến sắt thép và thậm chí cả nhân công vào VN. Điều này càng bộc lộ sự yếu kém của các tập đoàn kinh tế nhà nước trong vai trò chủ đạo nhưng thường buông bỏ trận địa chính mà đầu tư vào lĩnh vực ngoài ngành nghề.


Đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc trên thị trường. Ảnh T.T.D

Theo phân tích của VEPR thì chính sách thương mại và công nghiệp của Việt Nam chưa phát huy được tác dụng trước làn sóng hàng Trung Quốc đa dạng và giá rẻ. Việt Nam cũng thiếu vắng những hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Không những thế, Trung Quốc lại biết tận dụng lợi thế của các thỏa thuận thương mại khu vực.

Trong khi đó, hàng hóa của Việt Nam không có khả năng cạnh tranh về giá cả lẫn chất lượng nên khó thâm nhập thị trường Trung Quốc. Lâu nay, nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc là khoáng sản và nông lâm thủy sản với số lượng nhỏ, giá cả bấp bênh và tình hình này hiện vẫn chưa có gì thay đổi.

Có thể thấy nguyên nhân sâu xa của căn bệnh nhập siêu lớn với Trung Quốc là từ chính sách phát triển và cơ cấu nền kinh tế, cho nên việc giảm nhập siêu với Trung Quốc là vấn đề nan giải mà chủ yếu vẫn là phải sớm thay đổi cơ cấu nền kinh tế, cải tổ hoạt động của khu vực quốc doanh nói riêng để nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Bài toán nhập siêu từ Trung Quốc, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, cần có các giải pháp đồng bộ không chỉ về chính sách thương mại mà cả về chính sách đầu tư, chính sách công nghiệp trong cơ chế chọn nhà thầu.

Ai cũng biết nhập khẩu công nghệ, thiết bị là nhằm phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng. Muốn thỏa mãn yêu cầu này thì chúng ta phải nhập khẩu đủ lượng nguyên phụ liệu sản xuất tương ứng. Và trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất thì Việt Nam nhập nhiều từ Trung Quốc vì giá cả, chất lượng nguyên liệu của Trung Quốc tương đối hợp lý, chưa kể Trung Quốc cũng là thị trường gần, chi phí vận tải thấp. Thế nhưng thực tế cho thấy, nhập siêu từ nước láng giềng đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập siêu của Việt Nam đã đến mức báo động.

Trong năm nhóm hàng mà Việt Nam nhập nhiều nhất gồm thiết bị máy móc phụ tùng, xăng dầu, sắt thép, phân bón, nguyên phụ liệu dệt may thì Trung Quốc đều có tên ở năm vị trí đầu. Các số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2010 chúng ta nhập từ Trung Quốc tới 56% sắt thép, 40% phân bón, 70% nguyên phụ liệu dệt may, 37% vải, 17,7% xăng dầu, 27% phụ tùng, máy móc, thiết bị, 28% máy tính, linh kiện...

Nếu nguồn cung này biến động theo chiều hướng xấu thì ngay lập tức không chỉ thị trường nội địa mà cả kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường Mỹ và EU cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2010 Việt Nam nhập từ Trung Quốc 20,02 tỉ USD hàng hóa, trong đó các mặt hàng chính gồm: máy móc thiết bị, phụ tùng (22,37%); bông, vải, sợi, nguyên phụ liệu dệt may, da giày (15,64%); sắt thép, sản phẩm từ sắt thép, kim loại (11,39%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (8,41%); xăng dầu, khí hóa lỏng, sản phẩm từ dầu mỏ (6,97%); hóa chất, sản phẩm hóa chất (4,56%); chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm (2,9%); phân bón, thuốc trừ sâu (2,25%).

Nhập khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm để tiêu thụ hay sản xuất các mặt hàng tiêu thụ trong nước (thay thế hàng nhập khẩu) cũng chiếm tỷ lệ đáng kể (điện tử, máy tính, xăng, phân bón, thuốc trừ sâu).

Rõ ràng danh mục hàng hóa mà Việt Nam phụ thuộc Trung Quốc ngày càng trở nên nhạy cảm hơn và có mối ràng buộc sâu sắc tới huyết mạch của kinh tế.

Báo chí trong nước trích lời tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam đóng vai trò chuyên trách cung cấp nguyên, nhiên liệu và nông sản thô cho Trung Quốc, còn Trung Quốc thì xuất khẩu sản phẩm công nghiệp công nghệ thấp và trung bình cho Việt Nam với khối lượng lớn vượt trội.

Với cục diện như vậy, nếu không có sự quyết liệt và cải cách chiến lược xuất nhập khẩu sớm, chúng ta không những lún sâu vào nhập siêu với Trung Quốc mà còn phải trả giá đắt nếu nhập siêu đó là không an toàn, không chất lượng.

Để giảm nhập siêu từ Trung Quốc trong thời gian tới, ý kiến được đưa ra trong nhiều cuộc hội thảo cho rằng có hai hướng giải pháp cần thiết. Thứ nhất, phải tăng cường xuất khẩu với tốc độ xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng của nhập khẩu để dần thu hẹp nhập siêu. Thứ hai, cần phải đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ và sản xuất nguyên liệu hỗ trợ. Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ phê duyệt đề án khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu, trong đó, Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp ở nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản... đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Nhưng quan trọng hơn cả là Chính phủ cần có chủ trương ở tầm vĩ mô trong bối cảnh địa chính trị hiện nay để đưa nền kinh tế giảm bớt sự lệ thuộc vào người láng giềng phương Bắc. Kinh nghiệm của nhiều nước đã và đang lệ thuộc từ đồng vốn đến kỹ thuật của Trung Quốc là bài học đáng cho chúng ta suy ngẫm. Sẽ khó khăn giữ được độc lập về chính trị khi không có được độc lập về kinh tế. Chính vì vậy việc sớm thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế phải được đặt ra ngay từ bây giờ, dù quá muộn còn hơn không.

- Giai đoạn 1996-2000, tỷ trọng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 5,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

- Giai đoạn 2001-2005, tỷ trọng này đã tăng lên 13,4%.

- Năm 2008 tỷ trọng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 19,8% tổng kim ngạch.

- Năm 2009 tỷ trọng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên 25%.

- Năm 2010, Việt Nam chi 19,1 tỉ USD để mua hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi xuất khẩu đối ứng 6,4 tỉ USD.

- Năm 2000, Việt Nam đạt thặng dư thương mại với Trung Quốc 135 triệu USD.

- Năm 2001, thâm hụt trong cán cân thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc 200 triệu USD.

- Năm 2007, nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam là 9,145 tỉ USD.

- Năm 2008, con số này là 11,16 tỉ USD.

- Năm 2009, tăng lên 11,532 tỉ USD.

- Năm 2010, nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 12,7 tỉ USD.

- Năm 2011 dự kiến tăng lên 17 tỉ USD.

Nguồn: Thống kê tổng hợp

-----------------------------
Source : TUANVIETNAM.NET

www.tuanvietnam.net

Trần Vinh Dự - Bản chất kinh tế của xung đột

Biển Đông – Kinh tế và Xung đột (tiếp theo và hết)

Trần Vinh Dự

Bản chất kinh tế của xung đột

Mặc dù có nhiều lý do khác nhau dẫn tới câu chuyện các bên trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông đều muốn giành vùng biển đảo này về cho mình, lý do trực tiếp nhất có lẽ đến từ lý do kinh tế, mà cụ thể hơn là dầu mỏ.

Nhu cầu sử dụng dầu lửa của Trung Quốc đã liên tục tăng từ giữa những năm 80 tới nay với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Năm 2010 Trung Quốc trở thành nước tiêu dùng nhiên liệu nhiều nhất trên thế giới. Riêng về dầu lửa, Trung Quốc tiêu dùng hơn 9 triệu thùng/ngày vào năm ngoái và năm nay có thể lên tới trên 10 triệu thùng/ngày.

Theo một nghiên cứu hồi năm 2006 của Xuecheng Liu thuộc Quỹ Stanley Foundation, Trung Quốc dựa chủ yếu vào sản xuất trong nước để đáp ứng nhu cầu về dầu lửa. Số liệu của ông Liu dẫn ra vào năm này cho thấy 90% nhu cầu tiêu dùng về dầu lửa của Trung Quốc được đáp ứng từ sản xuất trong nước. Theo ông Liu, chiến lược dài hạn về an ninh kinh tế là chiến lược 3 chữ E, bao gồm Economic Growth (tăng trưởng kinh tế), Energy Security (an ninh năng lượng), và Environmental Protection (bảo vệ môi trường). Để đảm bảo được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh như giai đoạn vừa rồi, vấn đề an ninh năng lượng ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng.

Chính vì chiến lược an ninh năng lượng như vậy mà mặc dù Trung Quốc vẫn dựa một phần vào nhập khẩu dầu từ Trung Đông, họ đặc biệt coi trọng việc tìm kiếm và khai thác các nguồn dầu khí của riêng mình. Mặc dù về nguyên tắc, Trung Quốc có thể khai thác trữ lượng dầu mỏ hùng hậu trên đại lục nhưng do chiến lược khai thác dài hạn, đa số các mỏ dầu này còn chưa được đụng đến. Thay vào đó, Trung Quốc đang tích cực hướng tới việc đầu tư khai thác ở nước ngoài và lấn chiếm các vùng dầu mỏ trong vùng tranh chấp với láng giềng. Theo Zhou Dadi, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Năng lượng thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, cho biết biển Hoa Đông và Biển Đông là hai khu vực có tiềm năng về khai thác dầu khí biển sâu và sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc cung cấp và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Cuộc tranh chấp ở Biển Đông với Việt Nam và các nước ASEAN khác được đặt trong bối cảnh chung về chiến lược năng lượng này. Từ những năm 90, các cuộc va chạm giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển chủ yếu xoay quanh vấn đề tìm kiếm và khai thác dầu khí:

- Năm 1992, Trung Quốc đã ký hợp đồng cho phép Crestone, một công ty dầu mỏ của Mỹ, tiến hành thăm dò ở Trường Sa và Việt Nam đã ngay lập tức phản đối.

- Năm 1994, Trung Quốc lại cho Crestone thăm dò ở vùng Từ Chính, thuộc block 133, 134, và 135 của Việt Nam mà họ gọi là block Wan Bei-21 (WAB-21). Khi đó, hải quân của hai nước đã có cuộc chạm chán. Tàu hải quân của Việt Nam đã buộc tàu thăm dò của Trung Quốc rời khỏi vùng biển này.

- Tháng 3 năm 1997, Trung Quốc dự định thực hiện khoan dầu ở mỏ dầu Kantan-3 gần Trường Sa. Việt Nam phản đối và cuối cùng Trung quốc nhượng bộ hủy bỏ dự án này. Cùng năm, Vào tháng 12, Việt Nam phản đối tàu thăm dò Trung Quốc và hai tàu tiếp vận của họ đi vào vùng biển thuộc chủ quyền VN. Cả 3 tàu này đều được tàu chiến VN áp tải ra khỏi khu vực.

- Tháng 9 năm 1998, Việt Nam phản đối sau khi Trung Quốc ra báo cáo nói rằng Crestone và Trung Quốc sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí ở vùng Từ Chính. Tranh chấp này được giải quyết qua thương lượng vào tháng 12 năm 2000.

Cho tới đầu năm nay, Trung Quốc không có công nghệ thích hợp để khai thác dầu khí ở vùng nước sâu. Vì thế họ đã phải dựa vào các công ty nước ngoài như Crestone. Việc dựa vào các công ty nước ngoài để thực hiện thăm dò trong các vùng biển có tranh chấp thường không hiệu quả vì lý do chính các công ty nước ngoài này cũng không muốn liên can đến các cuộc xung đột vì việc này làm vấn đề quản lý rủi ro của họ thêm phức tạp. Có lẽ vì thế mà các nỗ lực trước đây của Trung Quốc không mấy thành công dưới sức ép của Việt Nam.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã cho hạ thủy giàn khoan dầu lớn và hiện đại nhất của họ mang tên Dầu khí Hải Dương 981. Đây là giàn khoan nửa chìm nửa nổi hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 mét, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000 mét, thuộc thế hệ thứ sáu trên thế giới và là giàn khoan cấp siêu sâu đầu tiên do Trung Quốc sản xuất. Với giàn khoan này, Trung Quốc có thể bắt đầu tự thực hiện chiến lược khai thác dầu ở Biển Đông mà không cần phải nhờ đến các công ty nước ngoài.

Để dọn đường cho hoạt động khai thác trong vùng nước sâu ở Biển Đông, gần đây Trung Quốc đã tích cực xúc tiến các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền trên thực tế của họ ở vùng biển này. Ngoài việc duy trì một lực lượng hải quân hùng hậu ở đảo Hải Nam, Trung Quốc còn sử dụng các lực lượng dân sự trá hình xâm nhập sâu vào các vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các nước Việt Nam và Phillipines. Chiến lược này trên thực chất là tạo ra các xung đột giả để Việt Nam và Phillipines bị cuốn theo và không tập trung được vào cuộc giành giật tài nguyên ở vùng nước sâu thuộc Trường Sa.

Bảo vệ quyền lợi kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông

Việt Nam chưa có công nghệ khai thác dầu khí ở vùng nước sâu. Cũng giống như Trung Quốc hồi thập kỷ trước, Việt Nam không mấy thành công trong việc liên kết với các công ty nước ngoài để tiến hành thăm dò khai thác ở các vùng biển có tranh chấp. Tuy nhiên, Biển Đông không chỉ quan trọng đối với Việt Nam về dầu mỏ. Ngoài dầu lửa và khí đốt, còn có các lợi ích chiến lược khác về lãnh hải và địa chính trị như đã nêu ở trên mà chúng ta không thể nhượng bộ.

Kinh tế biển sẽ ngày càng quan trọng đối với Việt Nam khi mà các nguồn tài nguyên trên đất liền đang cạn dần. Việt Nam sẽ ngày càng phải dựa nhiều vào các nguồn tài nguyên của biển. Việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp trên các vùng biển đảo của Việt Nam, vì thế, phải là vấn đề cốt lõi trong chiến lược quốc phòng của đất nước. Bảo vệ biển đảo tức là bảo vệ tương lai, nguồn sống, và sức phát triển của dân tộc.

Để bảo vệ quyền lợi của mình thì không nhất thiết phải sử dụng đến bạo lực. Nói như TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, thì “nếu họ tiếp tục phá, ta phải có cách ngăn cản theo đúng thủ tục pháp lý. Ví dụ trong trường hợp Viking II thì các lực lượng của Việt Nam hoàn toàn có quyền bắt giữ tàu cá, dẫn độ vào bờ, làm đúng thủ tục và đưa ra xét xử tại tòa án. Công ước Luật biển 1982 đã nói rõ điều đó.” Vừa cương quyết, duy lý, hành động dựa trên pháp luật, vừa tránh sử dụng các biện pháp bạo lực có lẽ là chìa khóa để Việt Nam bảo vệ thành công chủ quyền hợp pháp của mình trên biển.

Tham khảo

Rowan J.P., 2005: “The U.S-Japan Security Alliance, Asean, and the South China Sea Dispute,” Asian Survey, Vol. XLV, p.p. 414-436

Xuecheng Liu, 2006: “China’s Energy Security and Its Grand Strategy,” Policy Analysis Brief, The Stanley Foundation

Bộ Năng lượng Hoa Kỳ http://ei-01.eia.doe.gov/emeu/cabs/South_China_Sea/TablesMaps.html

China Daily, 2011: “China to Build another Offshore Rig,” http://www.ciooe.com.cn/en/html/content_296.html

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự



Tìm bài viết này tại:
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/du/bien-dong-kinh-te-xung-dot-2-06-30-2011-124798309.html