Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 140718
Trách nhiệm không thuộc về Kerry hay Clinton
* Bây giờ mới tập Thái Cực Đạo!.... *
Lãnh đạo là tiên liệu. Người ta thường nói như vậy, và khi tiên liệu còn có cả việc dự đoán điều bất ngờ.
Khi lên lãnh đạo Hoa Kỳ từ đầu năm 2009, Tổng thống Barack Obama có trù tính một số việc. Trước hết là lần lượt triệt thoái khỏi hai chiến trường nóng là Iraq và Afghanistan, và quan niệm lại đối sách Hoa Kỳ với thế giới Hồi giáo theo khảo hướng mới, được ông trình bày trong hai bài diễn văn tại Cairo của xứ Egypt (Ai Cập) và Ankarra của Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ). Với Liên bang Nga, ông Obama cũng muốn cải thiện quan hệ (chuyện "reset the button") để sẽ cùng Vladimir Putin, (khi đó còn là Thủ tướng) giải quyết nhiều hồ sơ nóng của thế giới, trong đó có kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm của Iran.
Quan trọng nhất, và ý thức được nhược điểm của hai nhiệm kỳ Bush là quá tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo và vào hồ sơ Trung Đông, ông Obama nói đến việc "chuyển trục" về Đông Á.
Là Ngoại trưởng của Obama trong nhiệm kỳ đầu, bà Hillary Clinton đã trước tiên thăm viếng Á Châu ngay từ Tháng Hai năm 2009. Qua năm sau, bà tuyên bố tại Hà Nội một quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh và rằng ưu tiên ngoại giao của Hoa Kỳ là giải quyết tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Tháng 10 năm 2011, một tháng trước khi Tổng thống Obama công du Châu Á, bà đã (cùng Phụ tá Đặc trách Đông Á và Thái bình dương Kurt Campbell) có bài tiểu luận gần sáu ngàn chữ trên tạp chí Foreign Policy trình bày khái niệm "chuyển trục". Hoa Kỳ là một cường quốc Á Châu, có quyền lợi gắn bó với khu vực này....
Tuy nhiên, trong toàn bộ chủ trương và chánh sách của Barack Obama, ưu tiên vẫn là đối nội để cải tạo xã hội Hoa Kỳ, với nhiều công sức dành cho việc cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế.
Chuyện bất ngờ của một chính quyền thiếu tiên liệu là những trục trặc liên miên sau khi Đạo luật Y tế Obamacare được ban hành. Bất ngờ hơn nữa là Tổng thống Mỹ đã hai lần hủy bỏ thượng đỉnh Á Châu và việc thăm viếng nhiều đồng minh trong khu vực chỉ vì bận đối phó với trận đấu về ngân sách ở nhà.
Tuần tới, Barack Obama lại có chuyến công du Châu Á - để chính thức thăm viếng Nhật Bản, Nam Hàn, Mã Lai Á (Malaysia) và Phi Luật Tân (Philippines) - thì gặp chuyện bất ngờ khác từ một người ông đặt nhiều kỳ vọng là Vladimir Putin: vụ khủng hoảng Ukraine.
Vụ Ukraine sẽ còn kéo dài nên ớm bóng lên chuyến Á du vào mùa Thu tới đây, khi Tổng thống Mỹ qua thăm Trung Quốc, Miến Điện và Dúc Đại Lợi (Australia). Việc chuyển trục về Đông Á của Barack Obama gặp sự bất ngờ - mà ai cũng có thể đoán trước – là trở thành chuyện hão.
Ai cũng có thể đoán trước, trừ Chính quyền Obama. Vì sao như vậy?
***
Câu hỏi đầu tiên, rất Mỹ, vẫn là tiền đâu?
Tuần qua, Thượng viện trong tay đảng Dân Chủ vừa công bố một phúc trình của Ủy ban Đối ngoại do Nghị sĩ Robert Mendendez làm Chủ tịch, với một nhận định có màu sắc... Cộng Hoà: "Những diễn văn hay tuyên bố chính trị không dựa trên khả năng thực hiện chỉ gây ra khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và thực tế". Khả năng thực hiện – hard deliverables – dễ hiểu là ngân sách của bộ Ngoại giao.
Trong dự chi ngân sách của tài khóa 2015, Hoa Kỳ dành 300 triệu (0,3 tỷ) Mỹ kim cho khu vực Đông Á Thái bình dương, nơi sinh sống của hai tỷ 300 triệu dân và sản xuất ra 31% sản lượng toàn cầu. So với một tỷ sáu dành cho khu vực Trung Đông, nơi chỉ có 400 triệu dân và sản xuất ra 5% sản lượng, thì đòn bẩy của Mỹ tại Đông Á có kích thước của một cái que.
Nói về thực chất và ấn tượng thì đấy là que diêm.
Một cách đếm khác là ngân sách ngoại viện: Hoa Kỳ dành 4% ngân sách viện trợ cho khu vực chiến lược này!
Không có ngoại viện thì ta có thể dùng đòn bẩy ngoại thương. Nhưng Chính quyền Obama lại bị nội thương khi đảng Dân Chủ bị áp lực của các nghiệp đoàn trong một năm có bầu cử nên gây khó cho việc thương thuyết hiệp ước tự do mậu dịch với 12 nước trong vùng Á châu Thái bình dương. Sáng kiến xây dựng Đối tác Chiến lược Xuyên Thái bình dương TPP coi như bị đình đoạn, sau khi đã lỡ cuộc hẹn 2013, tiêu chí của Obama.
Thế rồi sau khi Hoa Kỳ tuyên bố từ nay đến năm 2020 sẽ đưa 60% chiến cụ của Hải quân và Không quân về Châu Á Thái bình dương, Bộ Quốc phòng nói tới việc cắt giảm ngân sách.
Hậu quả nhãn tiền là năm qua, Trung Quốc mở rộng vùng kiểm soát phòng không ADIZ tại Đông Á và quan hệ Hàn-Nhật, hai đồng minh chiến lược của Mỹ, trôi vào khoảng trũng nhất kể từ sau Thế chiến II. Và tháng tới, Putin sẽ qua Bắc Kinh nói về hợp tác năng lượng: Nga có thể bán khí đốt cho Trung Quốc để tìm lối thoát nếu bị mất khách Âu Châu do vụ khủng hoảng Ukraine. Còn giải pháp xuất cảng năng lượng của Mỹ để hóa giải áp lực của Putin với Âu Châu thì chưa đi tới đâu!
Rõ ràng là Hoa Kỳ chuyển trục vào cõi vô định. Hình ảnh bắt mắt và dễ hiểu hơn, là "quay như chong chóng"!
***
Nhiều người lạc quan, hay nhân nhượng, thì nói đến sự khác biệt hay thoái bộ của Chính quyền Obama trong nhiệm kỳ hai.
Khi Hillary Clinton làm Ngoại trưởng thì ít ra Hoa Kỳ có bày tỏ ý chí chuyển trục, mà rồi để lỡ vì chuyện bất ngờ. Khi John Kerry làm Ngoại trưởng thì chánh sách đối ngoại của nước Mỹ tuột dốc. Lạc quan hay nhân nhượng, ta có thể quy ra trách nhiệm của người thi hành chánh sách. Của John Kerry. Hoặc gián tiếp đề cao nhân vật sau này sẽ ra tranh cử Tổng thống bên đảng Dân Chủ, là Hillary.
Nhưng sự thật lại chẳng vuông tròn như vậy.
Quả thật là trong nhiệm kỳ hai, Chính quyền Obama đã dám lấy nhiều rủi ro có tính toán khi mở cuộc thương thuyết với Iran, hoặc bán cái cho Putin giải quyết chuyện Syria, để nước Mỹ khỏi phải động binh như trong nhiệm kỳ một tại Libya (với hậu quả là bốn cái tang tại Benghazi khiến hào quang của Hillary bị ố). John Kerry cũng tích cực giải quyết hồ sơ Palestine với Chính quyền Israel.
Tuy nhiên, kết quả vẫn là sự đáng buồn: dự án Palestine tan vỡ, chế độ độc tài đa sát của Bashar al Assad vẫn tồn tại, Iran chưa hề nhượng bộ và Putin lại nhấn tới và sau khi thôn tính bán đảo Crimea lại còn thọc sâu hơn nữa vào miền Đông xứ Ukraine.
Thật ra, trong nhiệm kỳ hai, ngoài John Kerry, một người tự khoe là Tây nhất, ban tham mưu đối ngoại của Obama cũng có các nhân vật Âu Tây nhất, như Cố vấn An ninh Quốc gia Suzan Rice và Đại sứ tại Liên hiệp quốc là Samantha Power. Đây là những người thấm nhuần lý tưởng Âu Châu là đề cao nhân quyền và bảo vệ giá trị tinh thần của nền dân chủ - miễn là khỏi động binh.
Kết cuộc thì nhân quyền bị đạn ở Syria và nền dân chủ non yếu của Ukraine đang nằm trong tầm nhắm của Putin. Và chế độ chưa mấy dân chủ của các tướng lãnh tại Ai Cập thì thất vọng với nước Mỹ trước sự o bế của Liên bang Nga. Trong khi Trung Quốc vẫn lừng lững bước tới.
Ngần ấy chuyện xảy ra không vì John Kerry bất tài. Sự bất tài của ông ta được minh chứng từ lâu, chứ không đợi tới trận đối đầu với Ngoại trưởng Nga hay việc thuyết phục Âu Châu về một đối sách chung tại Ukraine. Ngần ấy chuyện xảy ra là do nhận thức của chính Barack Obama về thiên hạ sự.
Ông ta cứ tưởng thiên hạ cũng như cử tri Mỹ, rất dễ mềm lòng vì thuật hùng biện của mình. Cho nên, chẳng ai nên ngạc nhiên về kết quả hội nghị bốn phe về chuyện Ukraine vào Thứ Năm 17 vừa qua tại Geneva, giữa Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Ukraine và Liên hiệp Âu Châu.
Liên Âu không đầu thì có mấy mảnh chưa thống nhất về những biện pháp ứng xử với Putin nên núp sau Hoa Kỳ. Nước Mỹ thì hùng dũng quân viện cho Ukraine bằng cách đưa thêm khẩu phần cho lính cầm hơi. Chứ súng đạn là phạm vào đức hiếu sinh của kẻ văn minh. Còn Liên bang Nga đòi Ukraine cải tổ hiến pháp để công nhận dân quyền của người thiểu số, dĩ nhiên là Nga, rồi mới nói chuyện xuống thang....
Và lãnh đạo Ukraine thì đứng giữa chợ đời để ca bài dở khóc dở cười. Họ nói chữ "buồn thiệt" mà người Mỹ tưởng như tiếng "bull shit" đầy thô tục. Xin đợi 2017 thôi....