30/9/09

Huỳnh Ngọc Chiến : MÊNH MÔNG TRỐNG VỌNG BIỂN DÂU

MÊNH MÔNG TRỐNG VỌNG BIỂN DÂU
Huỳnh Ngọc Chiến

Con người sinh ra đời ai cũng phải chết. Cõi thế vốn vô thường, không ai có thể thoát khỏi qui luật tử sinh. Triết gia hiện sinh M. Heidegger cho rằng con người là loại Être-pour-la-mort (Hữu tính qui tử). Triết học Phật giáo cho rằng đời là bể khổ, điều đó không có nghĩa đơn thuần là khổ đau về vật chất, mà đúng ra nó có một ý nghĩa lớn hơn: đó là sự đấu tranh giữa cái tất yếu và khát vọng tự do. Cái chết là một điều tất yếu, nhưng ý chí con người lại khao khát đến sự vĩnh cửu trường tồn, muốn kéo sinh mệnh dài đến vô hạn như trời đất. Các học thuyết tôn giáo Đông Tây hầu như đều bắt đầu từ cái ý chí khao khát tự do đó. Tại Trung Quốc, tham vọng trường sinh bất lão được cụ thể hoá bằng thuyết thần tiên luyện đan mà Cát Hồng được xem như là ông Tổ. Người ta tin rằng uống linh đan luyện bằng hoàng kim và bạch ngọc sẽ giúp con người được trường tồn bất hoại như chính dược liệu dùng để luyện đan!

Trong một thời gian dài, cái thuyết luyện đan tưởng chừng như hoang đường hư đản đó lại quyến rũ không biết bao nhiêu văn nhân, nghệ sĩ và các bậc vua chúa. Hai vị vua trong lịch sử Trung Hoa nổi tiếng về lòng hâm mộ thuyết thần tiên là Tần Thuỷ Hoàng và Hán Vũ Đế. Một người dùng ý chí sắt đá và âm mưu thâm hiểm để thống nhất Trung Quốc bằng máu lửa. Một người đem hùng tài đại lược trùng hưng lại cả giang sơn nhà Hán, đưa đất nước Trung Quốc đến buổi hoàng kim. Ý chí hùng bá – một loại volonté de puissance – của cả hai đều ghi những dấu ấn đậm nét lên dòng lịch sử Trung Hoa. Và cả hai đều cực kì hâm mộ thuyết thần tiên cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ ngạo khí kiêu hùng của bậc đế vương tài năng quán thế, uy vũ trùm đời không dễ gì chấp nhận cái giới hạn ngắn ngủi của 100 năm. Thuyết thần tiên hấp dẫn cả những tâm hồn minh triết như Lí Bạch, Tô Đông Pha. Cả hai ngôi sao Bắc đẩu trên thi đàn Trung quốc này cũng đã bỏ nhiều thời gian tìm tòi nghiên cứu thuyết luyện đan. Nhà thơ đời Đường là Lý Hạ (791-817) tuy còn trẻ nhưng cũng đủ thông tuệ để công kích cái thuyết hoang đường kia. Ông sáng tác nhiều bài về chủ đề này.

Vũ đế ái thần tiên
Thiêu kim đắc tử yên
Cứu trung giai nhục mã
Bất đắc thướng thanh thiên

( Mã Thi )

Vũ đế thích thần tiên
Khói tím luyện hoàng kim
Trong chuồng toàn ngựa thịt
Lên sao được thanh thiên?

Hoặc:

Hà vi phục hoàng kim. thôn bạch ngọc
Thùy thị Nhậm công tử
Vân trung kị bạch lư
Lưu Triệt Mậu lăng đa trệ cốt
Doanh Chính tử quan phí bảo ngư

( Khổ trú đoản )

Cần gì uống hoàng kim, nuốt bạch ngọc?
Ai như Nhậm công tử
Cởi lừa giữa mây trôi
Lưu Triệt Mậu lăng xương mục nát
Quan tài Doanh Chính lẫn cá ôi

Lưu Triệt tức Hán Vũ đế. Doanh Chính tức Tần Thủy Hoàng. Theo Sử kí Tư Mã Thiên thì Tần Thuỷ Hoàng, khi đi tuần thú, đột ngột mất ở Sa khâu. Thừa tướng Lí Tư sợ thiên hạ sinh biến bèn không cho phát tang, đưa xe về cung. Dọc đường Lí Tư sai lính gánh cá thối đi kèm theo xe để lẫn lộn với mùi người chết. Các quan vẫn hằng ngày tham kiến trước xe như khi còn sống! Bức tranh đầy mỉa mai và vô cùng bi thảm về tham vọng của bực đế vương. Hán Vũ đế sai dựng một tượng tiên nhân bằng đồng, hai tay bưng một mâm vàng hứng sương khuya từ mặt trăng rơi xuống để luyện thuốc trường sinh bất lão. Khi Vũ đế qua đời, người ta vẫn hằng đêm nghe tiếng ngựa hí nơi nấm mộ của ông ở Mậu Lăng, sáng ra không còn dấu vết. Đến năm Thanh long nguyên niên (233), Ngụy Minh đế Tào Toàn – người kế nghiệp Tào Phi – hạ chiếu cho người kéo tượng đồng về đặt trước cung điện mình. Khi quân kéo tượng đi, bỗng nhiên pho tượng ngâm ngùi nhỏ lệ. Lý Hạ cảm thán, làm bài Kim đồng Tiên nhân từ Hán ca được truyền tụng thiên cổ.

Nhưng có lẽ bài Quan nhai cổ gây được cho người đọc cảm giác bồi hồi sâu lắng nhất. Tôi xin trích toàn bài :

QUAN NHAI CỔ

Hiểu thanh long long thôi chuyển nhật
Mộ thanh long long thôi nguyệt xuất
Hán thành hoàng liễu ánh tân liêm
Bá lăng Phi Yến mai hương cốt
Chùy toái thiên niên nhật trường bạch
Hiếu Võ, Tần Hoàng thính bất đắc
Tòng quân thúy phát lô hoa sắc
Độc cộng nam sơn thủ Trung Quốc
Kỷ hồi thiên thượng táng thần tiên
Lậu thanh tương tương vô đoạn tuyệt



官街鼓

曉聲隆隆催轉日

暮聲隆隆催月出

漢城黃柳映新簾

柏陵飛燕埋香骨

捶碎千年日長白

孝武秦皇聽不得

從君翠發蘆花色

獨共南山守中國

幾回天上葬神仙

漏聲相將無斷絕

Đây là một trong những bài thơ thường được truyền tụng của Lý Hạ. Trống quan nhai là loại trống được đặt ở nơi công cộng, dùng để điểm canh và nhắc giờ đóng, mở cổng thành. Ngày ngày, tiếng trống ban mai vẫn không ngừng vang dội lên cùng mặt trời dịch chuyển, tiếng trống chiều hôm vẫn thúc dục ánh trăng trôi, như muốn diễu cợt cái tham vọng bất tử của con người. Nhật nguyệt vẫn vận hành, thời gian vẫn cứ trôi qua mãi mãi. Những bậc đế vương ôm giấc mơ trường thọ, giờ đây đã nát tan cùng cây cỏ, làm sao có thể nghe được tiếng trống từng ngày vang lên từ tay một lính lệ tầm thường? Lý Hạ thích dùng các chữ hiểm quái để tạo nên cái sức mạnh trong thơ. Thế nhưng câu “Hán Vũ, Tần Hoàng thính bất đắc” thì người xưa đều phẩm bình cho rằng hồn nhiên mà lão luyện. Câu này đọc lên nghe sao chua chát và buồn đến vậy!

Cõi thế vô thường nhưng có biết bao nhiêu bậc đế vương lại nuôi ước vọng hão huyền là muốn trường tồn mãi cùng trời đất. Muốn một mình cùng sống lâu như ngọn Nam sơn mà giữ lấy Trung Quốc. Tần Thuỷ hoàng sai phương sĩ ra khơi để tìm cho được thần dược bất tử, nuôi hoài bão gầy dựng đế chế ngàn năm, rốt cuộc tấm thân vạn thặng lại phải lẫn cùng cá thối ở Sa Khâu! Bao nhiêu hùng tâm tráng chí, biết bao ngạo khí của kẻ hùng tài đại lược đều bị cơn lốc vô thường của cõi thế cuốn bạt đi tất cả, chỉ còn để lại những mảnh xương thơm của một người nổi tiếng dung nhan tuyệt đại một thời. Bá lăng Phi Yến mai hương cốt !

Con người nuôi giấc mộng trường thọ cùng thần tiên mà không biết rằng chính thần tiên cũng phải chết, và trên cõi trời kia đã bao lần chôn cất các vị thần tiên ấy!

Kỉ hồi thiên thượng táng thần tiên!

Thế thì cái thuyết thần tiên cũng chỉ hư ảo hoang đường. Ngay cả Bành Tổ là tổ tiên của loài người và Vu Hàm là môt vị thần cũng phải bao lần chết

Bành Tổ, Vu Hàm kỉ hồi tử

( Hạo ca)

Bài thơ ngụ ý phúng thích, chế nhạo những người mơ thuyết thần tiên, nhưng lời thơ nghe sao vẫn man mác điệu buồn. Tiếng trống hàng ngàn năm vẫn đều đặn vang lên, gõ nhịp cho dòng thời gian trôi. Như một thoáng ngậm ngùi cho cảnh đời phế hưng dâu bể.

Tiếng trống quan nhai của Lý Hạ hơn một ngàn năm sau lại như muốn khơi dậy trong hồn người đọc nỗi buồn của tiếng trống chầu vang động giữa một buổi chiều xưa trong hồn thơ Huy Cận:

Bờ tre rung động trống chầu
Tưởng chừng còn vọng trên lầu ải quan
Đêm mơ lay ánh trăng tàn
Hồn xưa gởi tiếng thời gian trống dồn

Hồn xưa nào gởi vào tiếng thời gian? Tiếng trống nào vang lên cho ngày hết? Tiếng trống nào vang lên cho trăng tàn? Những linh hồn xưa có đi về trong cõi thế để gởi chút tâm sự hận sầu vào tiếng trống hay không, mà sao tiếng trống vọng lên nghe buồn đến vậy?

Hai lời thơ tựu thành trên hai cung bậc khác nhau, cách nhau hơn một thiên niên kỉ, xa nhau hơn vạn dặm đường, nhưng dường như vẫn có chung một nỗi ngậm ngùi man mác của tiếng trống buồn mênh mang vọng giữa biển dâu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét