Quà Giáng Sinh
Mục sư Lữ Thành Kiến
24.12.2009 .
LTS: Đây là bài giảng Giáng Sinh mà Mục Sư Lữ Thành Kiến (tức nhà thơ Trần Nguyên Đán) đã giảng vào ngày Chúa Nhật (ngày 20 tháng 12) tại một Hội Thánh Báp Tít ở thành phố Atlanta và sẽ giảng cho Hội Thánh nhà ở Fort Worth, Dallas tối ngày 24 tháng 12. Vì tin rằng chủ trương Da Màu là văn chương không biên giới, Mục Sư đưa ý kiến rằng bài giảng “cũng là một thể loại mới cống hiến cho văn chương Da Màu, góp phần làm cho văn chưong Da Màu đa dạng hơn. Lâu lâu cũng nên cho độc giả Da Màu biết các ông Mục sư… giảng gì trong nhà thờ Tin lành.”
Nên bây giờ còn có ba điều này: đức tin, hy vọng, tình yêu thương. Nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương. I Cô rinh tô 13:13
Biểu tượng của Ba Món Quà trong Thiên Chúa Giáo: Thánh Giá (Đức Tin), Mỏ Neo (Hy Vọng), và Trái Tim (Tình Yêu)
Giảng cho Giáng Sinh không dễ, vì người ta nghe quá nhiều rồi. Nhất là giảng cho một cử tọa không mấy ai đọc và tin Kinh Thánh. Thôi hãy nói một điều gì đó làm cho người ta vui và thích. Tôi nghĩ rằng sẽ đem đến đây cái gì mà người ta vui và thích.
Thích, nhưng thích cái gì? Tôi lại suy nghĩ, người ta thích cái gì trong đêm Giáng Sinh? Tôi đoán chắc người ta thích quà, người ta có thể không thích cái này cái kia, nhưng chắc không có ai không thích quà. Nếu người ta không thích quà, chắc mấy cửa hiệu của Mỹ phải khai bankrupcy hết. Cho nên tôi quyết định đem quà đến tặng cho mọi người.
Quà thì tốt, nhưng quà gì. Điều đó cũng làm tôi suy nghĩ. Cái gì ở Mỹ cũng dư thừa, nhất là hai món ăn mặc, ăn cả năm đủ thứ món, ăn nữa làm mập thêm. Còn mặc, áo quần chất đầy trong tủ, đủ mầu đủ kiểu. Cái gì vừa ngon vừa bổ vừa rẻ. Không có cái nào như vậy. Bổ và ngon thì nó phải mắc, làm sao rẻ được. Tôi sẽ kể một câu chuyện quà giáng sinh mà tôi rất thích. Một đứa bé muốn tặng quà giáng sinh cho những người thân, nhưng không có tiền, bèn nghĩ ra một cách. Nó lấy kéo cắt những cái thiệp màu mè rất đẹp và ghi vào đó những lời hứa. Với ba nó thì nó hứa suốt năm sẽ pha nước chanh cho Ba khi Ba đi làm về. Với mẹ nó hứa sẽ rửa chén sau khi ăn một năm. Với em gái nó hứa sẽ chỉ giúp Toán cho em mà không la mắng trọn năm….. Những người nhận được quà của nó đều rất vui vẻ, đó là món quà họ thích. Mà cũng tốt cho đứa bé, trong suốt năm, nó là một đứa con ngoan, một người chị tốt, học trò tốt, cháu nội tốt. Món quà tốt cho cả hai bên.
Tôi sẽ mang đến đây những món quà ngon bổ, mắc, rất mắc nhưng rất đặc biệt là hoàn toàn free. Nghe đến đây sẽ có người nghi ngờ. Có cái gì free là tốt? Mà cũng đâu có cái gì free? Người Mỹ hay nói free cái này cái kia nhưng thật ra chẳng có cái gì free. Quý vị nói đúng đấy. Gọi điện thoại số 1800 người ta nói free thật ra không phải, người gọi free thôi chứ người nhận phải trả tiền, chúng ta thấy có những cái bì thư gửi kèm cho mình không phải dán tem, thật ra người nhận phải trả.
Tôi có ba món quà đem từ Texas đến tặng cho quý vị. Ba món quà này là ba món quà rất giá trị, giá trị nhất, giá trị lớn đến nỗi Kinh Thánh đã nhắc đến trong một câu: Nên bây giờ còn có ba điều này: đức tin, hy vọng, tình yêu. Nhưng điều quan trọng hơn là tình yêu. Khi Chúa Jesus giáng sinh xuống trần gian Ngài đã mang đến cho thế gian ba món quà vô giá này. Điều kỳ diệu nhất của ba món quà này là free. Cho không.
MÓN QUÀ SỐ 1: NIỀM TIN
Đây là món quà thứ nhất có tên niềm tin, có thể gọi là đức tin. Chữ này là một chữ không lạ gì với con người. Từ trong nguyên tri, sự hiểu biết ban đầu của con người, thì thế giới có một cái gì khác hơn chỉ là con người, cái khác đó là một thế lực vô hình. Người ta tin rằng ngoài con người hữu hình còn có một ảnh hưởng vô hình nữa, là thần linh, là ma quỷ, những đấng này có quyền năng lớn hơn con người, có thể chi phối con người, trừng phạt con người, hành hạ con người. Ngày xưa khi con người chưa sống đông đúc có đoàn thể như hôm nay, còn sống riêng lẻ trong các bộ tộc, trong rừng núi, người ta rất sợ hãi thiên nhiên, và bất cứ một tác động nào của thiên nhiên cũng là một cái gì đó rất thiêng liêng phải tôn thờ, người ta thờ rất nhiều thần, thần sấm thần sét thần mưa thần gió, thần núi thần sông thần biển, thờ các vị này, như Việt Nam có tục thờ hà bá, là thần sông, bên Tàu ngày xưa còn có lệ mỗi năm phải đem một người con gái còn trinh tiết đến làm lễ tế hà bá rồi xô xuống sông. Người dân quê Việt Nam còn có thần cây đa, có miếu thờ thần cây đa, thậm chí cây cối cũng trở thành thần. Người ta tin rằng hễ người chết là thiêng liêng, dù có thể là lúc còn sống chẳng ai coi ra gì, như tại một làng kia có đền thờ thần ăn trộm (có thật), chẳng qua là vì có một tên ăn trộm bị dân làng đánh chết, mà lại chết vào giờ thiêng, nên thành thần, không biết ông thần này có dạy lại nghề ăn trộm không. Cũng như vậy, cha mẹ khi còn sống bị con cái hất hủi, đưa vô nhà dưỡng lão cả mấy tháng không thèm ghé thăm nhưng khi cha mẹ qua đời thì làm giỗ to, khi cần làm ăn buôn bán thì vái cha mẹ sống khôn thác thiêng về phù hộ cho con buôn may bán đắt. Người ta thậm chí thờ những con vật, Ấn độ thờ bò cái, Việt Nam làm nghề chài lưới còn có thờ cá voi nữa. Người ta tin những chuyện không ai biết như coi bói. Bà thầy phán tốt thì về ăn ngon ngủ yên bà thầy phán xấu thì về mất ăn mất ngủ, nhiều khi thầy lợi dụng thân chủ yếu bóng vía phải làm cái này cái kia, bỏ tiền ra cúng bái cho thầy này nọ thì tai qua nạn khỏi. Ngay cả những người này cũng có biết gì về chính họ trong tương lai đâu, phải vậy không? Niềm tin phát triển đến độ thành mê tín, cất nhà phải coi ngày tháng tốt, cưới cũng coi ngày tháng tốt (bên Mỹ không có ngày nào tốt cho đám cưới hơn là ngày thứ bảy), nhiều người bây giờ còn tin việc xuất hành đầu năm ra ngõ gặp gái là xui, các vị đàn ông trên 40 rồi ra ngõ gặp gái trở thành hên đấy, cầu cho có mà gặp, không gặp lại kêu xui, cũng tùy người thôi. Nếu người ta không tin những điều này nữa thì các thầy bói, thầy cúng thầy địa lý… thảy đều bị laid off hết (tôi xin lỗi nếu ở đây có người làm nghề đó) Ngày xưa chính người dân Việt Nam mình cũng cười cợt những điều này kia mà: hòn đất mà biết nói năng, thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn (bị vả miệng rụng răng) Một thầy bói phán: nhà cô không giàu thì nghèo, ba mươi tết có thịt treo trong nhà, nhà cô có mẹ có cha, mẹ cô đàn bà cha cô đàn ông, số cô có vợ có chồng sanh con đầu lòng chẳng gái thì trai. Toàn nói chuyện huề vốn.
Trong khi đó có một điều đáng tin, thì người ta lại không tin. Đêm 24/12 hàng năm đã trở thành một đêm vĩ đại nhất trên toàn thế giới, không phải chỉ tại Mỹ là quốc gia theo Chúa, ngay cả các nước vô thần cộng sản, hãy xem, ngày nay Trung Quốc tổ chức lễ Giáng Sinh còn lớn hơn nhiều quốc gia theo Chúa khác. Còn Việt Nam, có vô thần không, không, ngày nay Giáng Sinh đã trở thành một lễ hội lớn. Các quốc gia theo Hồi giáo, thậm chí những quốc gia mà người ta khi nghe đều lắc đầu sợ hãi như Iran, Iraq, Afganistan, Indonesia cũng đều tổ chức Giáng Sinh rầm rộ. Mà Giáng Sinh là cái gì, nói đơn giản, đó là ngày sinh ra đời của một người có tên là Jesus. Kinh Thánh ghi lại sự kiện Giáng Sinh của Ngài.
Chúa Jesus nói rằng Ngài là đường đi chân lý và sự sống… Ba chữ này là một bản tóm tắt nói lên hết ý nghĩa của sự giáng sinh của Chúa. Chúa là chân lý, chân lý là một điều xác thực hoàn toàn đúng đắn. Chúa Jesus đã đem đến cho con người một chân lý hoàn toàn đúng đắn để người ta có thể dựa vào chân lý đó để sống. Ngài là đường đi, được hiểu nhiều nghĩa, một nghĩa là con đường mà chúng ta phải đi mỗi ngày, phải đi cho đúng, là một mục đích con người cần có, để khỏi đi lạc, sự sống có nghĩa là trong Chúa có một sự sống ý nghĩa, sống thật, sống khỏe, sống vui, sống đời đời.
Không ai trên cuộc đời này sống mà không có một niềm tin nào cả. Dù cho người ta nói mình không tin cái gì, người ta vẫn có cái để tin, chẳng hạn như người cộng sản nói là họ vô thần, không tin thần thánh, thì chính họ cũng có thần thánh để tôn thờ đó thôi, chính là những lãnh tụ mà họ tôn thờ, những lãnh tụ này khi còn thời thì được tung hô, khi hết thời thì bị hạ bệ, như Lê nin của Nga bây giờ đã bị người ta đem ra khỏi lăng mộ mà chôn cách bình thường, còn Saddam Hussen một thời … Vấn đề là người ta có tin đúng hay không.
Đời sống con người thật ra có mục đích rõ ràng mà Trời đã định, nhưng chẳng mấy ai chịu nghe lời Trời dạy để sống cho đúng. Con người sống như kiểu sống qua ngày, survive, sống sót, ăn, rồi ngủ, ngủ dậy thì ăn, rồi đi làm, gọi là đi cày (tại vì khổ quá, người ta cũng biết là khổ). Mua nhà cho lớn trả không nổi bị kéo, mua xe cho xịn tối ngày cứ trùm mền chiếc xe không dám lái, có tiền không dám xài cất dưới gối bị ăn trộm nó lấy mất hết. Già sanh bệnh bị con hất hủi thì than thân trách phận, nói chung là khổ. Bởi vì chúng ta không có mục đích sống rõ ràng, không biết sống đúng mục đích rõ ràng. Tôi muốn tặng cho quý vị món quà niềm tin này, tin vào Chúa Jesus, đời sống quý vị sẽ có mục đích rõ ràng, sống đúng sống vui sống khoẻ sống ý nghĩa.
Chúa Jesus có thể đáp ứng tất cả những nhu cầu đó của con người. Điều kiện để nhận món quà này rất đơn giản, nhận biết mình có nhu cầu, cần nhu cầu, và chỉ có Chúa Jesus mới giải quyết được những nhu cầu đó, bằng đức tin, tiếp nhận Chúa làm Chúa của mình, bằng cách cầu nguyện mời Ngài vào lòng, như lời Ngài nói: ai tin ta thì ta sẽ ban cho quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời
MÓN QUÀ SỐ 2: HY VỌNG
Món quà số 2 có tên là Hy Vọng. Người ta định nghĩa chữ Hy Vọng một cách văn chương là: Hy Vọng là điều giúp chúng ta không chết khi chúng ta Tuyệt Vọng. Hy Vọng giúp chúng ta sống vui vẻ hơn là khi chúng ta không có một hy vọng nào cả. Đây là một ly nước. Quý vị thấy ly nước này thế nào. Người sẽ nói có nửa ly nước thôi sao, người sẽ nói ồ có được nửa ly nước rồi. Hai lời nói rất khác nhau. Người nói câu thứ nhất cho thấy là một người thất vọng, tôi muốn một ly đầy, mà chỉ có nửa ly thôi hả. Người thứ hai là một người hy vọng, tôi chỉ mong có nước uống, nửa ly nước là tốt, có còn hơn không. Hai lời nói này cũng sẽ ảnh hưởng trên cách sống của người đó, một người quạu quọ không bằng lòng, một người vui vẻ cởi mở hài lòng. Khuôn mặt hai người cũng khác nhau. Một khuôn mặt nhăn nhó dĩ nhiên là xấu, một khuôn mặt tươi cười dĩ nhiên là đẹp. Cười là đẹp. Nhăn là xấu, đó là quan niệm của tôi. Không ai muốn mình nhăn, không ai thích mình xấu, ai cũng muốn mình vui, ai cũng muốn mình đẹp, dù là đẹp lão. Người Việt Nam có một chữ rất hay là còn nước còn tát.
Cách đây khoảng 30 năm, khi những người dân Việt Nam lìa bỏ quê hương trên những chiếc tàu, thậm chí những chiếc ghe mong manh chỉ dùng để đánh cá ven biển, chưa bao giờ ra khơi xa, nhiều người kể lại họ đã lênh đênh trên biển nhiều ngày, thậm chí cả tháng, hầu như hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng người lái tàu vẫn bám víu hy vọng, cầu nguyện một Đấng tối cao giúp đỡ, cố gắng hết sức mình giữ con thuyền cho đến khi cập đất liền hay gặp tàu vớt. Tình trạng vượt biên cũng chia lìa gia đình, chồng vợ, cha mẹ, con cái, nhưng họ nuôi một hy vọng là ngày nào đó sẽ đoàn tụ. Hy vọng đó giúp họ sống chờ đợi.
Những người đau yếu bệnh tật nặng nề, có khi nằm trong nhà thương, bác sĩ y tá mỗi ngày đến thuốc men, nhưng cũng có khi nói những lời an ủi khích lệ giúp cho bệnh nhân có hy vọng chờ đợi, chẳng hạn những câu nói you will be all right, you will be fine thật ra nhiều khi chỉ là lời nói an ủi, nhưng ít ra cũng nhen nhúm chút hy vọng nào đó cho bệnh nhân để họ còn chiến đấu với căn bệnh. Buông xuôi là chết sớm. Tôi có đọc một câu chuyện cảm động đã lâu rồi nhưng muốn kể lại cho quý vị nghe. Có hai bệnh nhân bệnh nặng nằm chung nhau trong một phòng bệnh viện, nặng đến nỗi không di chuyển được, chỉ nằm thôi, người nằm gần cửa sổ, người kia không, ngăn cách nhau bởi một tấm màn. Mỗi buổi sáng, người nằm gần cửa sổ hay kể cho người kia nghe về những gì ông ta thấy được qua khung cửa sổ, nào là trời mây, chim bay, cây cối, con người qua lại. Những chuyện kể rất sinh động, vui thú làm cho hai bệnh nhân thấy phấn khởi vui vẻ hơn, thấy đời đáng sống hơn, và cố gắng chống chọi với căn bệnh nan y của mình. Ngày kia người bệnh nhân nằm gần cửa sổ qua đời. Người kia cảm thấy rất buồn, ông xin y tá cho ông di chuyển qua cái giường người kia nằm, gần cửa sổ, có một bức màn. Ngay buổi sáng đầu tiên, người bệnh háo hức yêu cầu y tá vén bức màn cửa sổ ra để có thể nhìn thấy mọi vật bên ngoài. Người y tá ngạc nhiên nói: đâu có cửa sổ nào đâu, chỉ là một bức vách kín mít thôi mà. Thì ra….
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đối đầu với biết bao lo lắng. Nhất là trong thời kỳ kinh tế suy sụp hiện nay, nhiều người bị mất việc làm, mất việc làm kéo theo việc mất nhà, việc mất nhà có thể kéo theo việc mất vợ. Mất nhiều điều quan trọng trong cuộc đời mình. Nhiều người mất nhiều quá chịu không nổi thì tự tử luôn. Từ lúc kinh tế suy sụp đến giờ có nhiều người tự tử rồi. Mọi người nhìn cuộc sống bằng đôi mắt bi quan, lo lắng, hay than thở (vừa quạt than vừa thở nghe ngột ngạt quá), đem những cái mỏ than ở Việt Nam qua đến Mỹ, mặt lúc nào cũng buồn, mặt buồn quá thì ảnh hưởng bao tử bên trong, bệnh bao tử là bệnh của sự lo âu quá đáng. Bệnh bao tử nếu để lâu không chữa sẽ bị loét. từ loét đến ung thư là rất gần. Chỉ vì kinh tế suy sụp mà tôi bị ung thư bao tử chăng. Có ai trong quý vị đến đây hôm nay mà vẫn cảm thấy lo lắng, bi quan, mặt mũi u sầu chăng. Đừng lo, tôi sẽ tặng cho quý vị một món quà, một loại thuốc chữa bệnh lo lắng đau bao tử, món quà tên là Hy Vọng.
Thật ra món quà này không phải của tôi, của một người nhờ tôi mang đến, người đó tên là Jesus, đã giáng sinh cách đây hơn 2000 năm, và đã đem Hy Vọng đến cho hàng tỉ người trên thế giới giúp họ sống khỏe sống vui sống mạnh dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi Chúa Jesus giáng sinh, các thiên sứ đã làm hai điều, thứ nhất là nói với những người chăn chiên: này ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân, ấy là hôm nay tại thành Đa vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa. Điều thứ hai là hát, bài hát mà ngày nay ai cũng biết: vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thành tâm. Sự giáng sinh của Chúa Jesus đã đem lại cho con người một niềm hy vọng lớn lao, đó là sự bình an. Chính Chúa Jesus sau này đã xác nhận lại lời hát đó bằng câu nói: ta để sự bình an lại cho các ngươi, ta ban sự bình an ta cho các ngươi, ta ban cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho, lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi. Sự bình an ta như Chúa nói đó là một sự bình an vượt qua những hoàn cảnh khó khăn, ngay trong lúc bệnh tật, kinh tế suy sụp, mất nhà cửa, không tiền ăn, vẫn bình an. Quý vị có tin là có môt sự bình an thật sự giống như thế không. Sự bình an ấy có thật, là món quà này, có ai muốn nhận không?
MÓN QUÀ SỐ 3: TÌNH YÊU
Hai món quà đó là quá …đã rồi, phải không, nhưng Kinh Thánh nói rằng nếu đem so với món quà này thì vẫn còn thua, món thứ ba này là gì mà quan trọng dữ vậy. Vì nó quá quan trọng nên sẽ xuất hiện sau cùng: món quà đó có tên là Tình Yêu. Nói đến quà này thì chắc là không ai phản đối cả, đúng không? Vì có ai dám nói rằng mình chưa bao giờ yêu và sẽ không bao giờ yêu. Yêu là một nhu cầu lớn lao của nhân loại, thiếu cái gì thì được, thiếu yêu là không được. Biết yêu là khổ, nhưng không yêu là lỗ mà, chẳng ai muốn khổ, nhưng cũng chẳng ai muốn lỗ.
Đứa bé mới sinh ra đã có nhu cầu về yêu thương, nó la khóc, nó quậy quọ, nó này nọ, vì nó muốn được người khác quan tâm, nhất là cha mẹ ông bà, gia đình. Lớn hơn nữa thì có nhu cầu yêu thương…người khác phái, người dưng khác họ đem lòng nhớ thương, yêu nhau đến nỗi cởi áo, cởi nón, cởi nhẫn cho nhau, rồi về nhà dối mẹ qua cầu đánh rơi hay là gió bay, nói dối cỡ đó mà cha mẹ vẫn tin hay sao? Yêu nhau mà được đáp trả thì vui vẻ, hạnh phúc, yêu đơn phương thì vò võ héo sầu, bệnh tương tư, gọi là bệnh silent killer, giết người không gươm dao, nhớ có bài hát cô hàng cà phê, anh chàng lãng tử yêu một cô bán hàng cà phê, yêu cô mà cô cứ dửng dưng, yêu đến nỗi bệnh nặng, gần chết, nằm nhà mong mỏi cô đến thăm, khi anh gần chết thì cô mới sực nhớ ra (đoảng chưa) đem thuốc đến cho anh và lúc đó cô mới biết yêu anh. Bài hát có lời như vầy: thương thay lữ khách bên đàng, anh mua chuốc lấy ưu phiền, ngờ đâu con người biết bao hiên ngang, lim dim khóe mắt hoe vàng, anh đi sắp đến thiên đàng (gần chết), vừa lúc cô nàng biết yêu. Khổ thật.
Dẫu vậy, anh chàng này vẫn còn số hên, vì rốt cuộc cũng lấy được người mình yêu qua bao nhiêu gian khổ. Biết bao nhiêu người muốn yêu, mà không được yêu, thèm có một người yêu mà không bao giờ có, như Susan Boyle, người phụ nữ 47 tuổi nổi tiếng có giọng hát hay nhưng có một khuôn mặt và thân hình không đẹp, tâm sự: chưa có ai hôn, nghe buồn quá, bây giờ cô nổi tiếng rồi, nhiều tiền rồi, bán mấy trăm ngàn CD thì có cả khối chàng xông vào xin hôn mà không biết nàng có chịu không. Nhiều mục tìm bạn bốn phương mở ra cũng với nhu cầu tìm người yêu, đặt tên như vậy cho … tế nhị một chút, chứ chẳng lẽ nói Tìm Người Yêu, hay Tìm Chồng, Tìm Vợ một cách trắng trợn hay sao. Ngay cả trong Chúa cũng mở mục Tìm Bạn Trong Chúa để giúp giải quyết tình trạng hàng tồn kho quá lâu. Cha mẹ già cần tình yêu trong nursing home, người homeless cần một tình yêu, một mái ấm trong đêm giá lạnh. Nhiều người bị lường gạt tình yêu, như các chàng chắt mót tiền bạc về Việt Nam lấy vợ, đem qua Mỹ rồi hát bài Lầm một cách đau khổ bởi vì có một số nàng kết hôn diện này khi qua đến nơi, hiểu biết chút ít rồi, hội nhập chút ít rồi, thì say good bye anh chồng đáng thương, gọi chính xác là bị vợ bỏ. Nói chung, người ta vui vì yêu cũng nhiều, mà đau khổ vì yêu cũng nhiều. Dạng đau khổ nhiều hơn dạng vui. Có mấy thi sĩ nhạc sĩ sáng tác các bài hát bài thơ vui vẻ đâu, toàn là bài buồn, đau khổ, thất tình, than thở, trách móc, giết người ở ngoài không được, bèn đành giết người trong mộng thôi.
Bạn ơi, cho dù bạn đang vui hay đang buồn vì yêu, hay là bạn không có ai yêu thì cũng nên nghe tin hấp dẫn này, có một người yêu bạn. I am sure. Người này có một tình yêu rất rộng rãi, trái tim rất lớn, yêu cả thế giới, như chính người đó tự nói: vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Giăng (John) 3:16. Nhưng không phải vì yêu quá nhiều như vậy mà không thể yêu riêng tư đâu. Ngài nói với một nhóm người: Như Cha đã yêu thương ta thể nào, ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy. Hãy cứ ở trong sự yêu thương ta. Giăng 15:9. Ngài cũng nói với một người: ngươi yêu ta chăng. Giăng 21:16. Ngài không chỉ yêu những người giàu có, hay có địa vị trong xã hội, Ngài còn yêu những người tội lỗi, những thành phần bị xã hội ruồng bỏ, lãng quên: ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội. Mathiơ 9:13. Bạn có thể tin rằng Chúa Jesus yêu cả thế giới (một tình yêu đại đồng) nhưng Ngài cũng yêu bạn (một tình yêu cá nhân, riêng tư, không kém phần tha thiết đâu).
Chúng ta, tất cả mọi người đều ở trong danh sách “kẻ có tội” đó, và đều được yêu. Yêu như nhau, yêu đầy đủ, yêu chu đáo, hoàn toàn công bình, không hề thiên vị. Yêu vô bờ bến, yêu không thể tả nổi, yêu đến nỗi chấp nhận hy sinh bản thân, một “bản thân” quý trọng hơn hết các “bản thân” khác trong cuộc đời, sự hy sinh đó là gì: điều răn của ta đây này, các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi. Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình. Phó sự sống bằng cách để người ta đóng đinh mình trên cây thập tự, một hình phạt không chỉ đau đớn về thể xác mà còn sỉ nhục về tinh thần. Kinh Thánh nói rằng Chúa Jesus đã chịu chết như vậy, để thay thế cho tội lỗi của con người, và nếu ai bằng lòng tin Ngài, đến với Ngài, thì sẽ được tha thứ tội lỗi, không còn bị hình phạt nữa, mà được yêu thương.
Khi bạn đến với Chúa Jesus, bạn sẽ được cứu. Có nhiều chữ cứu, người ta hay nói cứu đói, cứu nạn, cứu trợ, cứu cấp, đều là những sự cứu về thể xác, người ta đói thì cứu gọi là cứu đói người ta gặp nạn thì cứu gọi là cứu nạn, người ta cần dùng thì cứu gọi là cứu trợ, còn cứu cấp thì nghĩa là cứu gấp (cứu cấp tốc), đưa ai vô phòng cứu cấp thì có nghĩa là người này đang nguy hiểm cần cứu gấp lên, cứu cấp tiếng Mỹ gọi là emergency, ai cũng biết, chưa vô phòng emergency nhưng cũng nhiều khi nghe xe emergency chạy hú còi inh ỏi ngoài đường, suy ra cho cùng thì cũng chỉ là những nhu cầu trong cuộc đời. Còn một sự cứu nữa mà ít ai biết, đó là cứu rỗi. Cứu rỗi là gì, Lu ca 2: 21b chép: vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội. Chúng ta ai cũng biết điều này, ít nhất là biết rằng con người có hai phần thể xác và linh hồn. Điều này thì không phải con người ta tự biết, mà Chúa nói, Chúa kể lại câu chuyện đó trong Kinh Thánh sách Sáng thế 2:7: Giê hô va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên một loài sanh linh. Thấy chưa, cái phần bụi đất nắn nên hình người đó là cái thân thể này đây, còn cái phần hà sinh khí vào lỗ mũi chính là cái linh hồn. Con người ta tồn tại là nhờ có hai phần đó dính liền nhau, không có một trong hai thì không thể có con người, nếu có hồn mà không có xác thì gọi là ma, có xác mà không có hồn thì gọi là thây ma. Nếu thể xác ai ngồi trong nhà thờ mà hồn bay ra ngoài shopping center thì gọi là thây ma (hic).
Thể xác là cái phần chúng ta thấy đây, học môn cách trí ngày xưa thầy dạy thân thể người ta có 3 phần đầu mình và tay chân, là cái phần chúng ta đi đứng nằm ngồi ăn nói mà chúng ta làm đủ cách cho nó đẹp: tập thể dục, giải phẫu thẩm mỹ, uống thuốc eo thon (vì cái eo nay đã thành eo ơi rồi). Ai khen mình trẻ mình đẹp (khen lịch sự thôi) thì dù có ghét cách mấy cũng thấy thương, cái thể xác mà chúng ta lo ngày lo đêm lo cuống cuồng lo nhảy dựng lên, làm sao ngày phải có ba bữa, có cái nhà để tấm thân nương náu, có cái xe để đôi chân bớt mỏi, có cái điện thoại để nói cho bớt …stress, rồi nhu cầu sinh sản tăng trưởng thêm ra, nói gần chưa đủ phải nói xa, nói xa tận Việt Nam, điện thoại nhà gọi hoài bị cằn nhằn phải có cell phone, cell phone gọi direct rất tốn tiền, thì mua thẻ, có thẻ V247, thẻ 3 miền, thẻ ông địa, đủ thứ thẻ, hết tiền mua mấy thẻ này thì cà thẻ credit card, hết cà thẻ thì cà răng (nhịn đói) nói chung chúng ta cung phụng lo lắng cho cái thân thể này nhiều lắm. Lo cho một cái này nhiều thì quên mất cái kia, Chúa có nói vậy. Kinh Thánh sách Mat 6:24 chép: chẳng ai được làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét người này mà yêu người kia. Có người nói làm trai hai vợ phải thương cho đồng, làm sao thương cho đồng được, thế nào cũng thương người này nhiều người kia ít, như Gia cốp có hai vợ là Lê a và Ra chên, thương bà Ra chên hơn. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương của Việt Nam làm thơ chém cha cái kiếp lấy chồng chung, kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng. Không thể nào công bằng được. Khi chúng ta lo cho thể xác nhiều quá, chúng ta sẽ bỏ quên linh hồn mình. Như vậy là không công bình, người Mỹ gọi là unfair.
Nhưng thật ra, unfair cũng không phải là điều quan trọng. Cuộc sống này có quá nhiều thứ unfair, thêm một cái unfair nữa cũng chẳng sao. Vấn đề là, một ngày nào đó, ngày ấy sẽ đến, chắc chắn đến, đó là ngày chúng ta đứng trước tòa án trắng của Thiên Chúa, Chúa sẽ chỉ hỏi một câu mà thôi, và câu trả lời quyết định sự đời đời của mình: ngươi có tin ta không?
Tôi khuyên bạn nên tin, tin bằng cách đến nhận 3 món quà Giáng Sinh hôm nay, nhận Chúa Jesus làm Chúa của đời sống mình. Merry Christmas bạn. Đây là quà của bạn.
Mục sư Lữ Thành Kiến
■Quà Giáng Sinh - 24.12.2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét