24/11/15

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Thượng Đế Phù Hộ

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 151123
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"


Những yêu cầu của một chiến lược mới

 * Một thế giới hết cần Thượng Đế? *


Khi nhân loại bước vào thế kỷ 21, Hoa Kỳ có Tổng thống thứ 43 vừa nhậm chức ngày 20 Tháng Giêng năm 2001, là George W. Bush. Tháng Tư năm đó, việc một phi cơ trinh sát Mỹ bị không quân Trung Cộng uy hiếp và phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam khiến Chính quyền Bush 43 rà soát lại chiến lược của Hoa Kỳ với Trung Quốc tại Đông Á. Nhưng vụ khủng bố 9-11 vào Tháng Chín năm đó lại đảo lộn ưu tiên của nước Mỹ. Hoa kỳ tạm gác chuyện Đông Á sang một bên và mở ra một thời kỳ mới với hai chiến dịch chống khủng bố Hồi giáo toàn cầu tại Afghanistan rồi Iraq. Cuối nhiệm kỳ hai của ông Bush, vụ khủng hoảng tài chánh vào Tháng Chín năm 2008 dẫn đến nạn Tổng suy trầm 2008-2009 và đảo lộn tình hình kinh tế toàn cầu cho tới ngày nay.

Ngần ấy biến cố đều là bất ngờ, không dự đoán trước trong cái gọi là chiến lược quốc gia của nước Mỹ được công bố vào Tháng Sáu. Sau đấy, nếu các chính trị gia có nương vào tâm lý người dân khi đó – giận dữ, yêu nước hay thất vọng – mà trách cứ và đổ lỗi cho nhau thì cũng là sự thường. Nền dân chủ là nơi mà người dân bầu lên lãnh đạo và giới lãnh đạo phải chiều ý dân vào lúc đó.

Vụ khủng bố tại Paris ngày 13 và sự hỗn loạn nối tiếp của Âu Châu cũng là biến cố bất ngờ và gây tranh luận trên chính trường Mỹ về chánh sách tiếp nhận dân tỵ nạn đến từ Syria. Nhìn từ bên ngoài, người ta có thể tự hỏi rằng Hoa Kỳ có cần một chiến lược mới để đối phó với bài toán khủng bố chăng. Nếu cần thì chiến lược ấy nên là gì, và nên tránh những sai lầm nào?

Khi theo dõi các cuộc tranh luận chính trị, nhất là ở vòng sơ bộ của hai đảng trong cuộc tranh cử Tổng thống năm tới, ta thường thấy các phe phái liên tục đả kích chủ trương và kế hoạch ứng phó của đối phương. Họ gọi đó là chiến lược sai lầm. Điều sai lầm thật ra là họ lẫn lộn kế hoạch với chiến lược, là hai khái niệm khác biệt.

Mọi chính quyền mới đều nhận lãnh di sản của chính quyền tiền nhiệm và thường phải bỏ kế hoạch cũ mà lập ra một kế hoạch mới. Kế hoạch là cách tổ chức bộ máy và phương tiện giải quyết một bài toán cụ thể trước mắt, chẳng hạn như về kinh tế hay an ninh. Vì vậy, quốc gia có thể thi hành nhiều kế hoạch để giải quyết nhiều bài toán cùng xuất hiện một lúc.

Ngược lại, chiến lược là cái gì đó khác hẳn. Nó là một chuỗi lý luận và hành động bao gồm nhiều thành phần, phải linh động biến hóa, có khi để phá vỡ các kế hoạch của đối phương. Hoa Kỳ thời Chính quyền Bush có thể lập ra kế hoạch phát triển tối đa quyền lợi đối ngoại và giải quyết nhiều bài toán kinh tế và xã hội ở bên trong. Các biến cố bất ngờ nói trên đã đảo lộn kế hoạch này.

Ngày nay cũng thế.

Nếu nhìn lại sự thể như vậy, chúng ta nên kết luận rằng đối phương tấn công nơi mình ít phòng bị nhất và bản chất của mọi cuộc xung đột đều là bất ngờ. Năm xưa, các nước Âu Châu, nhất là Pháp, có thể phê bình Hoa Kỳ là dại dột mở ra một cuộc chiến chống khủng bố mà chẳng hiểu khủng bố là gì. Đấy chỉ là một phương pháp của kẻ thù nhằm phá vỡ kế hoạch của Chính quyền Bush 43.

Tuần qua, Chính quyền François Hollande thuộc đảng Xã Hội Pháp, xưa nay có ý hướng chủ hòa, đã huy động cả nước và muốn tu chính Hiến pháp để mở ra một cuộc chiến chống khủng bố. Hầu hết chúng ta đều thông cảm với quyết định ấy. Chính quyền Hollande có phản ứng y như Chính quyền Bush 43. Việc Pháp không tập các căn cứ cuả lực lượng ISIL tại Raqqa có vẻ chính đáng, cũng tương tự như việc Mỹ tấn công Kabul hay Baghdad.

Nhưng đấy không phải là một chiến lược.

Nhắc lại chuyên xưa và chuyện xa, ta nên hỏi rằng Hoa Kỳ cần một chiến lược gì chống nạn khủng bố, lần này thực sự là toàn cầu, từ ISIL tại Syria và Iraq đang lan vào Âu Châu cho tới một chi nhánh của Al-Qaeda vừa ra tay tại Mali. Biết đâu chừng Bali của Indonesia cũng bị nạn như đã từng bị.

Chiến lược mới phải hội đủ những nguyên tắc nào?

Thứ nhất, Hoa Kỳ cần đồng minh và phải xây dựng một mạng lưới quan hệ với nhiều quốc gia khác nhau, kể cả các quốc gia Hồi giáo. Khi ấy, chiến lược phải giải đáp được một câu hỏi then chố: Liên bang Nga, Iran hay Trung Cộng có là đồng minh chăng? Nhu cầu bảo vệ tự do có thể biện minh cho việc bắt tay với chế độ độc tài? Các cuộc tranh luận trên chính trường Mỹ - Tổng thống Vladimir Putin là bạn hay thù, hoặc có nên giúp Bắc Kinh giải trừ “khủng bố” tại Tân Cương không – cho thấy Hoa Kỳ chưa có chiến lược dứt khoát.

Thứ hai, chiến lược mới đòi hỏi việc thay đổi luật chơi là hệ thống hiến chế, thuật lý (technology) và cả triết lý chínhtrị để phát huy sức mạnh của nước Mỹ. Xuất phát từ hệ phái Sunni, ISIL có mục tiêu không khác Iran theo hệ phái Shia: cả hai đều muốn xóa bỏ luật chơi hay trật tự Tây phương không chỉ tại Trung Đông mà trên toàn cầu. Mục đích sau cùng là tiêu diệt nền văn minh Thiên Chúa giáo, gồm cả Công giáo, Tin lành, hay Chính thống giáo và các hệ phái khác. Hoa Kỳ có sẵn sàng cải sửa từ tổ chức đến tinh thần để đối phó hay không?

Thứ ba là chiến lược phải hội nhập được cả xã hội và huy động mọi người cùng nhìn về một hướng. Khủng bố là hành động tàn sát thường dân để làm đối thủ thay đổi cách sống và suy nghĩ. Nhưng nếu Hoa Kỳ phải thay đổi thì mắc mưu khủng bố sao? Thật ra, Hoa Kỳ cần thay đổi, các xã hội Âu Châu cũng vậy, không chỉ vì nạn khủng bố. Thí dụ như lý tưởng tự do phóng túng của nước Mỹ hoặc luật lệ tự do vận chuyển hàng hóa và nhân lực tại Âu Châu. Lý tưởng hội nhập hài hòa là một giá trị tinh thần của Tây phương nhưng khi người dân mất dần đức tin tôn giáo và còn nghĩ rằng kinh tế thị trường giải quyết được mọi bài toán thì chính nền văn minh Thiên Chúa giáo mới bị đe dọa, từ bên trong.

Và một lực lượng phi quốc gia như Al-Qaeda, đang có lãnh thổ như ISIL, hoặc một quốc gia thần quyền đang xúi giục khủng bố như Iran, đều cùng nhắm vào nền văn minh ấy của Tây phương.

Trong cuộc tranh luận về chiến lược hiện nay của Hoa Kỳ, thành phần đề cao tinh thần thực tiễn đang nêu câu hỏi: khủng bố có đe dọa quyền lợi của nước Mỹ bằng một cường quốc bá quyền như Trung Cộng không? Hoặc khủng bố có phá vỡ liên minh Âu-Mỹ hay chăng? Họ có lý một phần. Nhưng từ 15 năm qua, nếu Hoa Kỳ không giải quyết được bài toán khủng bố thì làm sao lãnh đạo các nước để đối phó với nguy cơ Trung Quốc sau này?

Bài viết mở đầu với Thế kỷ 21, nhưng nếu nhìn trong viễn ảnh trường kỳ thì 500 năm sau nhiều chuyển động từ Âu Châu đã dẫn tới sự hình thành của các quốc gia (có biên cương, hiến pháp và sức mạnh bảo vệ lãnh thổ lẫn quyền lợi ngoại giao và kinh tế) chính khái niệm quốc gia này mới bị đe dọa. Nhiều động lực tôn giáo hay sắc tộc đang làm rung chuyển nền móng quốc gia của Tây phương trong khi những người quay lưng với khủng bố tiếp tục đề cao một thế giới tự do, toàn cầu hóa, hết còn biên cương mà cũng chẳng cần Thượng Đế.


Giới lãnh đạo Mỹ đều kết thúc các bài diễn văn quan trọng bằng lời nguyện: xin Thượng Đế phù hộ Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. God Bless America. Khi nhiều người thấy trái tai với lời nguyện đó, họ đi vào một con dốc nguy hiểm. Bên dưới là cái vực có kẻ cuồng tín chờ đợi với võ khí tự sát vì tin vào sự phù hộ của đấng Tiên Tri. Những kẻ này là thiểu thiểu số của khối Hồi giáo, nhưng chỉ một phần ngàn của người theo đạo Hồi mà dám thì nhân gian cũng có triệu tay khủng bố!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét