3
Độc thoại
Cô vọng ngôn chi cô thính chi
(Vương Ngư Dương)
15-9-1965
Thế rồi, tôi bắt gặp lại trong tôi một thoáng cảm giác, mảnh mai như đợt gió may, quen thuộc từ lâu mà cũng từ lâu xa vắng – cảm giác an lành: trời lạnh đắp chăn nhìn mưa bụi.
Tôi nhắm mắt lại, ngờ ngợ. Nhưng giấc ngũ loãng ra, tan dần. Gió lành đã thắng mây đen. Lắng nghe trong hoa và lá thế giới nhỏ bé của tôi: gió trời đã thôi là cơn gió lốc, da trời trở lại xanh thẳm, cao vời.
Tôi men lại bàn viết (câu này của Nguyễn Tuân, Nguyễn thêm: bàn thờ của trí thức). Bàn viết đã lên bụi. Khuỷu tay tì xuống có để lại hai khoảng hằn bóng loáng. Bụi tung lên nhảy múa trong ánh nắng ban mai. Khúc luân vũ có nhạc đệm của lời chim hót, động cơ nổ và chổi quét đường… bèn được tôi thầm gởi là khúc luân vũ của Tái Sinh.
Cùng một lúc hàng trăm danh từ khác nối đuôi đòi thể hiện. Cử chỉ tự nhiên của tôi là một cử chỉ khước từ. Tôi lắc đầu lùi lại quá khứ, cách đây không quá bốn ngày: và bắt gặp một người bạn thân giờ đây đã không còn nữa.
Đó là một người con trai gốc Do Thái, có một sức sống dạt dào như sức sống của những lời Kinh Cựu ước, có một tâm hồn trong sáng như những trang vô ký Đường Tam Tạng Tây du đem về đến đất Trung Hoa.
Tôi biết anh đã tới hơn 5 năm.
Từ chỗ bảo nhau pha phách một ly rượu mạnh đến chỗ kể lể tâm sự, chúng tôi trở nên những người bạn thân. Anh nghiễm nhiên tự nhận là em tôi. Tôi hồn nhiên đón nhận một tình huynh đệ Đào viên, người trong cuộc cảm thông đến độ chịu đựng tất cả tính xấu của nhau.
Anh biết rằng tôi là người chủ quan, độc đoán và hay to tiếng trong khi bàn luận. Anh cười:
“Thằng nhà văn nào mà chả chủ quan?”
Tôi biết rằng anh là người ngay thẳng, thực thà và rất ưa chi tiết. Tôi gật gù:
“Thằng nhà báo nào mà không thích chi tiết?”
Tôi biết rằng anh không thể có mặt ở bất kỳ một âm mưu nào mờ ám. Anh cũng biết rằng tôi không thể nào hoạt động ở chính trường.
Tôi còn biết thêm rằng người con trai gốc Do Thái là bạn tôi đó còn nuôi trong lòng âm ỉ một mối hận thù: Độc tài và một đam mê lớn: Tự do. Có lẽ cũng vì đam mê này và hận thù đó mà bỏ nhà từ năm 17 tuổi, từ Mỹ qua Âu tới Á, anh đã dừng lại ở Việt Nam.
Gần đây óc tôi tự nhiên vẩn lên một ám ảnh không đâu. Tôi nghĩ đến cơ thể quá lành mạnh của một nông dân quen sống giữa nơi đồng nội đầy gió của trời, một sáng bỗng phải vần vật chen chúc trong một xưởng máy ngập bụi và vi trùng đô thị. Tôi nhìn ra xã hội tôi đang sống. Tôi nghĩ rằng tâm hồn của bạn tôi lành mạnh quá. Ý nghĩ này tôi chưa kịp nói ra lời thì – cơ thể lành mạnh của người nông dân sụp ngã trước một đợt tiến lên của căn bệnh pthisie galopante – thì người con trai gốc Do Thái là bạn tôi đó đã đi vào lòng hư vô.
Ở đó chắc không còn một chế độ độc tài. Ở đó chắc lòng đam mê của bạn tôi sẽ toại nguyện. Anh đã chọn tự do tuyệt đối.
Đoàn danh từ nối đuôi nhau ngày một dịu đông đảo. Nghe như xôn xao sửa soạn một cuộc xuống đường. Nhạc đệm khúc luân vũ Tái Sinh mỗi phút mỗi quay cuồng thêm nhịp lạ. Tôi ngửa lòng bàn tay, vốc một vốc danh từ tung vội vào giữa hai bước xuống lên trầm bổng của đám bụi trời luân vũ. Như những viên kim cương. Như hằng hà sa số kim cương.
Tôi chấp nhận nhập cuộc.
25-9-1965
Tự đêm, mưa thôi xối nước xuống những mái dốc ngói nhỏ xanh rêu phường Hàng Bạc. Mưa nhỏ hạt rơi đều trên mặt Hồ Hoàn Kiếm. Miền núi rừng Tây Bắc thả từng đợt gió xuống đồng bằng đỏ màu phù sa con Hồng Hà, đẩy xuôi từng mảng mây đen cuồn cuộn về phía Đông Nam. Rạng sáng, tiếng rao quà vừa vang lên tự năm cửa ô, người Hà Nội trong tấm chăn đơn vừa cảm thấy mùa lạnh bắt đầu, thì bão ngoài trời đã rút ra khỏi lục địa, đã tan dần vào sóng biển Thái Bình.
Nhưng bão trong lòng người Hà Nội vẫn âm ỉ mới bắt đầu. Vì niềm tin miền Nam bắt đầu nổ súng chống Pháp – ngày 23 tháng 9 năm 1945 – chỉ mới được loan ra tự sáng hôm qua. Được loan ra và lan ra như một dòng thuốc súng bén lửa. Bão xoáy vào lòng người thanh niên miền Bắc. Gió đã lên. Bão xoáy vào lòng chúng tôi, chìm xuống bề sâu, lặng lẽ kết thành một tấn kịch, chúng tôi, những người làm văn học và nghệ thuật.
Tấn kịch đòi hỏi giải quyết lập tức, vấn kịch là: cầm bút hay cầm súng?
Còn nhớ trong một buổi họp mặt đêm Vạn Thái, Nguyễn Tuân, giữa hai tợp rượu đã ngậm ngùi đặt câu hỏi trên, với mình, với bạn. Cầm súng? Gọn lắm, nhưng còn cầm bút? Cầm bút? Hợp lý, nhưng sử dụng cán bút ra sao giữa cơn sốt rét của toàn thể nhân dân ấy?
Thế rồi, họ Nguyễn cầm bút lên đường.
5 năm sau, nghe một anh bạn nhắc lại lời phê bình của Nguyễn Sơn về Nguyễn Tuân:
“Khoảng cách cũng như thi bơi. Có người thi. Có người đứng trên bờ nhìn người thi. Còn Nguyễn Tuân…”
“Đứng trên bờ cổ võ?”
“Không, Nguyễn Tuân cũng nhảy xuống thi… nhưng mặc áo gấm để bơi.”
Hôm nay, 25-9-1965, nhớ lại lời phê bình trên. Nhớ lại tấn kịch cũ mà không mỉm cười. Hôm nay nhớ lại tất cả. Tai vẫn còn nghe thấy tiếng nổ. Và thấy rằng cần phải suy nghĩ thêm và nhiều về những sự kiện vừa xuất hiện trong ký ức.
Nguyễn Tuân mặc áo gấm để thi bơi. Nhắc lại lời phê bình này, tôi không mỉm cười. Và tôi chắc Nguyễn Sơn cũng vậy. Vì tôi nhận thấy đó là sự thực. Quả thực, Nguyễn Tuân đã mặc áo gấm để tham dự cuộc thi bơi 1946-1954. Nguyễn đã cố gắng vừa nhập cuộc vừa giữ chặt lấy cái “tôi” của mình. Nhưng rồi, từng sải một, Nguyễn đã mỗi lúc mỗi thấy thấm mệt, để rồi đến một ngả quặt nào đó, chợt nhận thấy rằng áo gấm tuy đẹp nhưng không tiện chút nào – mà lại có hại nữa – cho việc thi bơi. Nguyễn cởi phăng tấm áo gấm. Nhưng trở thành một thứ văn công.
Tôi nhớ lại một đoạn văn viết từ 1955. Một đoạn văn trong một thiên truyện kể lại sự tích Trương Chi. Xin phép ghi lại nơi đây.
“… Bắt đầu thì bao giờ cũng là những danh từ quyến rũ: Cách mạng, Lực lượng Đi lên… Ôi là cái chất ma tuý của những danh từ! Và trong cơn đam mê của tuổi hai mươi, ông đã vội vàng không thèm nghĩ mà nhận ngay cái vai trò đẹp nhất trong một tấn kịch mới mở màn đầu. Vai một hiệp sĩ phong lưu sảng khoái, cả đời chỉ chuyên vào công việc cứu khốn phò nguy. Trong mỗi con người, nhất là chúng ta, bao giờ mà chả tiềm tàng một Don Quichotte? Chúng ta đã lên yên. Chúng ta lại có thêm một ngọn giáo. Làm gì mà chúng ta chả lăn xả vào một cái cối xay! Nếu chỉ có thế cũng không sao. Nhưng ngọn giáo đã lao đi, chúng ta lại bị cái đà lý luận của họ mà lao theo ngọn giáo. Thế rồi, dần dà, từng bước, từng chặng đường, qua từng giai đoạn, chúng ta cứ theo đà mà bước, từ cuộc phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác. Để đến một hôm chợt thấy quãng đường còn dài mà chân đã mỏi, nhưng dừng bước là lùi, chúng ta vội vàng trút nốt cái phần nhân tính để lại ven đường, hòng lẽo đẽo chạy theo cho kịp những người đi trước. Từ địa vị một chàng hiệp sĩ phong lưu, chúng ta trở nên một con sĩ tốt, cúi đầu chịu lệnh một vị tướng vô hình…”.
Nhắc lại chuyện cũ, tôi không đặt vấn đề phê bình. Tôi chỉ ghi một hiện tượng. Hiện tượng lột xác.
Nhắc lại chuyện cũ, tôi nghĩ đến Nguyễn Sơn và Nguyễn Tuân. Một người cầm súng và một người cầm bút. Tôi liên tưởng đến những người cầm súng và những người cầm bút ở đây. Tôi có một số bạn thân trong đám người trên. Tôi lại thuộc về đám người dưới. Cho nên đã có nhiều dịp chúng tôi nói chuyện với nhau. Về nhiều vấn đề. Và dĩ nhiên, nhiều lần, khá nhiều lần, chúng tôi bất đồng ý kiến. Đại khái như sau.
Người cầm súng: “Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh. Huống hồ là các anh. Trong giai đoạn hiện tại, không ai là cần thiết – trừ người cầm súng – không việc nào là việc cần thiết, trừ việc cầm súng.”
Người cầm bút:
“Chiến tranh hiện tại là chiến tranh toàn diện. Giặc tấn công ta không chỉ ở chiến trường mà còn ở khắp mọi địa hạt – kinh tế, xã hội, văn hoá. Cầm súng không, chưa đủ.”
Người cầm súng: “Nói ngay các anh, những người làm văn học và nghệ thuật…”
Người cầm bút: “Nói ngay chúng tôi, những người làm văn học và nghệ thuật. Chúng tôi bắn đâu giỏi bằng các anh. Nhưng chúng tôi có thể làm những công việc mà các anh không thể ôm đồm. Chúng tôi đang xây dựng cái mà các anh đương bảo vệ: văn hoá của dân tộc. Chúng tôi giữ vững một thứ chiến tuyến dài vô tận, ngoắt ngoéo vô lường bởi nhiều khi ăn sâu cả tới chiều thứ ba của sự vật. Đó là chiến tuyến của văn học và nghệ thuật. Chúng tôi hằng ngày phải chống lại nhiều đợt tấn công của địch, những đợt tấn công mà phi cơ B-52, xe M-113, súng trường và súng ngắn của tất cả các nước đồng minh trong toàn thể mặt trận thế giới tự do cũng không thể giúp ích chống đỡ. Bởi những tấn công đó là những đợt tấn công bằng thơ, bằng nhạc. Bởi khí giới chống đỡ của chúng tôi là thơ, là nhạc.”
Những cuộc đối thoại tương tự vẫn thường diễn ra, đôi khi kéo dài tới giờ giới nghiêm kém năm. Cho mãi đến hôm nay.
28-9-1965
Lễ kỷ niệm một ông Tàu, người nước Lỗ, chết đã tới trên dưới 25 thế kỷ. Dân tộc Việt Nam xứng đáng là một dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến.
Ngồi dự lễ kỷ niệm Phu Tử, Khoan tôi chợt nhớ lại một câu chuyện cũ có liên quan tới đời tư Phu Tử. Câu chuyện tôi nghe được đã lâu, hồi còn đi học. Do một nhà nho kể lại – cái thứ nhà nho yêu Bồ Tùng Linh hơn Mạnh Tử, mê thơ nhà Đường hơn sách Luận ngữ. Ông ta kể lại như sau:
“Trong đời Phu Tử, có nhiều việc ngang trái. Có cái điều Phu Tử thường không lý tới. Duy có một việc… Phu Tử tuy không nói ra nhưng chắc vẫn lấy làm khổ tâm. Đó là việc tề gia. Bác nhớ Phu Tử có một người em lớn tuổi hơn ngài – vì là con người thiếp – người em, bác quên mất tên, không đẹp – mặt như mặt lừa, chân lại thọt – tính tình lông bông, thường hay nay đây mai đó. Thật khác xa Phu Tử, cái con người mà ngay từ nhỏ đã chỉ biết chơi những trò chơi nghiêm chỉnh! Cháu có biết Phu Tử chơi gì không? Phu Tử chơi trò tế lễ.
Còn người em thì lại chỉ thích ca thích hát, thích đàn và địch. Có điều hắn rất giỏi đàn, tiếng tơ trầm bổng tỉ tê đêm đêm thường lọt vào tai nhiều phụ nữ. Trong số đó, có vợ Phu Tử. Và rồi một đêm, nàng đã quên đạo lý chạy theo tiếng đàn bất chính. Phụ nhân nan hoá. Bác cũng quên không biế câu chuyện rồi sau ra sao. Nhưng bác chắc rằng có lẽ cũng một phần vì thế mà Phu Tử đã soạn lại kinh Nhạc."
Không biết chuyện trên có đúng hay không. Chỉ biết rằng gần đây, anh bạn Hiếu Chân khi trở lại Việt Nam sau một chuyến Tây du có kể lại rằng tôi nghe tương tự chuyện trên. Anh còn nói đến nhan đề một cuốn sách của một tác giả bên Âu châu. Le drame de Confucius. Theo anh thì “tấn kịch Phu Tử" là câu chuyện tôi vừa nhắc lại, chợt nghĩ tới, khi ngồi dự lễ kỷ niệm Phu Tử.
Và tôi thấy gần Phu Tử hơn – Khổng Khưu, một ông Tàu, người nước Lỗ, Khổng Khưu, một người, như tôi, như anh. Như Vũ Hoàng Chương hạ bút giữa cơn binh lửa vừa qua:
Phu Tử cũng bàng hoàng làm vậy
Huống hồ ta điên bái hề chi?
Nghĩa là đã từng đau khổ.
Và tôi hiểu rõ giá trị bài học kinh nghiệm bản thân. Và tôi hiểu rõ tại sao Phu Tử đã thành công, tại sao nhân loại đáng tồn tại.
Một đêm bỗng có heo may
Hà Nội rất Hà Nội vào những ngày này, khi gió rừng Tây Bắc còn ngập ngừng nơi biên giới đồi cỏ vùng Lim để nguỵ trang thành từng đợt heo may, khi mưa phùn chưa che kín ánh nắng trong lành những buổi mai khô lạnh. Hà Nội cuối thu. Hà Nội văn nghệ. Mùa kịch bắt đầu.
Người Hà Nội còn nhớ không, những chiều ngược đường Trường Thi, ven bờ Hoàn Kiếm, mặt hồ xa vắng, sương mỏng dâng lên. Tháp Rùa cô đơn, người Hà Nội – thiêu thân tiến lên, ngọn hải đăng là vùng ánh sáng Nhà Hát Lớn; người Hà Nội còn nhớ không, giọng một Văn Phú ném bút lên đường, giọng một Hoàng Cầm dâng tình Kiều Loan – những vạt áo nhung đỏ, những vạt áo nhung đen, ba ngấn cổ trắng ngần, hương ấm mùi rơm phơi khô nắng hanh đồng mùa; người Hà Nội còn nhớ không, khi còn là chàng trai Hà Nội tóc bồng bềnh xanh thẳm màu trời thu đêm xuống, chiếc cravate nửa ngày chọn màu, nửa giờ thắt nút, túi rỗng không mà chân bước, mà cổ vươn cao như kẻ triệu phú, giàu hơi thở căng lồng ngực, giàu hồn thơ, giàu tiếng “con trai Hà Nội”.
Người Hà Nội vùng Bàn Cờ, hẻm Nguyễn Tri Phương, ngã ba Cây Quéo, khu phố trệt Huyện Sĩ, Xóm Chiếu, đường 20… hôm nay đã thôi là con trai Hà Nội – đã tự ý thắt ruột vì hồn Hà Nội mà tạm lìa Hà Nội – còn nhớ không một vài danh từ quen thuộc, cũ kỹ – Cống Trắng, đêm Khâm Thiên, đầu Hàng Gai ngả Hàng Đào, hồ Thiền Khuông, đường Carrau cây rũ lá cành gầy chấm phá nền thiên thanh, đường Quan Thánh cổ và nền như một dòng quý tộc… và Chu Ngọc và Phan Tại, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Sĩ Ngọc, Nguyễn Tiến Chung. Còn gì nữa? Còn ai nữa?
Còn ai nữa? Đêm nay, Khoan tôi gọi hồn bạn cũ. Đêm miền Nam đủ lạnh để rượu miền Nam chóng lên men. Sao mọc trên trời Sài Gòn xem có gần hơn trên trời Hà Nội. Còn ai nữa, sau vụ Nhân văn, còn ai nữa?
Quán khách sầu ai đưa lá sang
Tha thiết tâm sự não can tràng
Sớm mưa đổ lạnh tình chăn gối
Chiều muộn chia xa chuyện đá vàng
Loạn lạc riêng gì nơi cát bụi
Phong trần chung cả chốn đài trang
Hỡi ơi, rằng nghiệp rằng duyên đó
Một giấc ly hoài nhạt phấn hương.
Bài thơ không hay, nhưng chờ người yêu trong quán vắng cho đến lúc biết rằng người yêu không thể tới, nhưng gió đã nổi ngoài trời, vó câu cuồng cẳng đập mạnh xuống mặt đường mà cương còn buộc chặt ngoài cổng trúc, nhưng đã đến lúc phải lên đường, để đi cho trọn một kiếp làm người, để chấm dứt một tấn bi kịch có chết chóc và chia ly, để tấm màn nhung đỏ sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội có thể buông xuống gọn và đẹp một đêm mở mùa kịch Hà Nội, bài thơ không hay, nhưng Văn Phú đã vạch vội từng nét thơ từng nét kiếm trên vách quán, nhưng giọng Văn Phú đã vang lên, đã dằn xuống, nét kiếm loang loáng, nét thơ vùng lên toả xuống, áp lực mạnh như áp lực một cơn bão gió tốc độ 300 cây số giờ, nhưng Văn Phú đã thôi là Văn Phú, và toàn bộ thính thị giác khác trường chỉ còn là xinh xắn vành tai ửng đỏ, đen láy sâu thẳm trong mắt một thiếu nữ đang yêu.
Giờ đây tấm màn nhung Nhà hát Lớn Hà Nội đã liệm đỏ mùa sân khấu Hà Nội. Kịch đã thôi là đối thoại để chỉ còn là độc thoại. Kịch nghiễm nhiên trở thành chỉ thị của Đảng. Hỡi ơi.
Vào giờ này Đoàn Phú Tứ làm gì? Cái cốt kịch “một anh chàng kiến trúc sư mù và mô hình một Hà Nội tương lai” cái cốt kịch mà Đoàn vẫn luôn luôn bị ám ảnh, mà họ Đoàn thường vẫn kể lể với bạn bè những lúc “tỉnh rượu tàn canh”, cái cốt kịch đó không biết có thành hình?
Những vai hề trên sân khấu thường thoát thai tự những tên hề trong cuộc sống. Với một điểm dị biệt: hề cuộc sống vô duyên. Âu cũng là một minh chứng cho một sự thực nhai đi nhai lại, rằng: văn nghệ phản ảnh cuộc sống. Ở ngoài kia, Đảng không mâu thuẫn, không đối thoại. Ở ngoài kia, kịch phải chết, đã chết.
Nhưng đó là bề mặt. Sân khấu thường mở ra một chiều sâu. Tôi tin chắc trong hậu trường Nhà hát Lớn Hà Nội, trong hậu trường nội bộ của Đảng, rất nhiều tấn kịch đang thành hình. Hài, bi và bi hài lẫn lộn. Và chỉ còn đợi bộ óc một kịch sĩ tự trọng. Và chỉ còn đợi bàn tay một nhà đạo diễn biết chỉ huy.
Tôi thấy yêu đời hơn khi chợt có ý nghĩ trên.
23-10-1965
Nhất Linh dừng lại, ngước nhìn bụi tre xào xạc trong gió đầu mùa. Ánh nắng trong xanh lọc qua hàng lá sắc và gọn, khuôn mặt xương xương như đẽo mạnh trong tảng gỗ già, lưỡng quyền, tròng mắt, đường môi là những nét vằn thớ gỗ, tất cả nhắc đến gió bụi Côn Minh và sương khí núi rừng dọc sông Thanh Thuỷ. Tôi buột miệng:
"Trời muốn trở rét!"
Anh quay lại nheo mắt nhìn tôi, cười, giơ tay chào rồi… lên đường. Tôi nghĩ “lên đường” tuy vẫn biết, giơ tay chào tôi, anh cũng chỉ đến về nhà ăn cơm trưa với vợ một cách rất lành. Nhưng dáng điệu Nhất Linh lúc đó, ánh nắng một buổi sớm mùa khô Sài Gòn, gió lùa bụi tre bỗng mang vị chất âm thanh của heo may bên đò Gió, dáng điệu tác giả Đôi bạn, vành mũ dạ đen cụp xuống một khuôn mặt Dũng, tất cả đã dẫn tôi nghĩ đến một sự lên đường.
Hồi đó, cách nay khoảng 5, 6 năm, Nhất Linh thường lại tìm tôi ở một căn nhà trong một hẻm giữa biên giới hai tỉnh Sài Gòn – Gia Định, thăm tôi và nhất là thăm cụm tre mọc trước cửa nhà, cành tre đôi khi che lấp cả lối ra vào, lá tre khô rơi đầy sân nhỏ. Hồi đó, trên 50 tuổi, Nhất Linh còn cố gắng giữ vững hình ảnh những Dũng và Trúc, tuy trong một vài khoảnh khắc yên lặng, tay nâng chén trà ngừng lại trước mặt, tầm mắt bõng xa ra, ánh mắt bỗng dịu lại, anh có để thấp thoáng xuất hiện lạnh-lùng-một-Thái-sắm-cái-áo-quan-thật-bền, một Tạo thấm mệt trước cuộc đời, hình-như-lúc-này-tôi-thấy-đất-mát-lắm, thấp thoáng một vài gợn ưu tư trên tảng trán mà hai nét xói thái dương như xói mãi tới cõi siêu hình. Những lúc đó, tôi giữ yên lặng. Tôi biết anh đang cố gắng giữ lại, ghi lại những thoáng gợn đó mà cả anh lẫn tôi, không nói với nhau, đều biết rằng Hành Động Cách Mạng không thể xoá nhoà, mà có lẽ chỉ có Tín Ngưỡng, mà chắc chắn chỉ còn Văn Nghệ là những con đường giải thoát.
Những lúc đó, anh thường nói:
"Bà cụ tôi hiện đang tu ở một ngôi chùa…"
Và thường tiếp:
"Mai tôi lên Đà Lạt.”
Hai lời nói, hai ý nghĩ tưởng như thiếu liên lạc mà lại rất liên lạc bởi bắt gặp nhau ở cùng một tâm trạng. Đối với anh, lên Đà Lạt, trở về với lan rừng và sỏi trắng long lanh đáy suối Đa Mê là một sự đi tu, là một thời gian rút về suy ngẫm, rút về yên lặng, rút về sáng tạo, rút về vô ký. Để rồi lại trở xuống Sài Gòn nhộn nhịp người và việc, quay cuồng với hành động.
Khoảng mùa mưa năm 1963, khi Thích Quảng Đức vừa lên giàn tự thiêu giữa ngã tư gặp gỡ hai ngả đường lấy tên hai vị danh nhân, một Phan Đình Phùng chống đối và một Lê Văn Duyệt trị an, khi lửa căm hờn bốc ngọn lan ra như một cơn cháy có gió Lào quạt thốc, khi lửa căm hờn bén đến cả lòng người thi sĩ mà dầu và bấc của cuộc sống nội tâm tưởng như đã khô, đã cạn, khi Lửa Từ Bi của Vũ Hoàng Chương được loan đi, truyền khẩu nhà nhà, khi tôi biết rằng dầu lười, dầu nhát, dầu mệt mỏi, cũng không thể dửng dưng, cũng không thể lùi, giữa lúc đó, một sớm – bẵng đi một thời gian vắng mặt khá lâu – Nhất Linh trở lại với tôi.
Bụi tre trước cửa lúc đó không còn nữa, nước bẩn đường cống mới đào làm thui chột, đã đánh ngã bụi tre. Không phải là Dũng, không phải là Trúc, mà là Thái mà là Tạo bước qua ngưỡng cửa nhà tôi. Tôi reo lên:
“Anh Nhất Linh!"
Và ngậm ngùi: Hình như lúc này tôi thấy đất mát lắm, giá nhắm mắt nằm xuống bốn bề đất mát mẻ, rồi chẳng biết gì nữa cũng hay hay.
Tôi liên tưởng đến Malraux khi còn là người bộ hành cô độc rừng Sieamrap len lỏi dãy hành lang đá xám hoang tàn Đế Thiên Đế Thích, khi còn là người chiến sĩ – hành động vì hành động – miền Quảng Châu lục địa Trung Hoa, khi còn là một nhà du kích quân đói khát xứ Tây Ban Nha nội loạn. Malraux đuổi theo một ý nghĩa cho cuộc sống, khi ý thức được rằng thôi hết rồi, thôi thế là xong, con người trong cuộc hành trình điên bái của mình, tới địa đầu thế kỷ XX, đã đánh rơi mất Thượng Đế, đã lạc đường Tuyệt Đối, đã trở nên cô độc, sống cô độc liệm trong cuộc sống cô độc, chết cô độc liệm trong cõi chết cô độc.
Nhưng Tehen-Malraux trong La Condition humaine đã thốt lên: Còn hành động. Vì hành động sẽ đem lại kiêu hãnh cho kẻ làm người. Con người hiên ngang nhìn thẳng vào Định Mệnh, giơ tay cào nát Lịch Sử để làm Lịch Sử, để lại trên mặt đất liền một vết thẹo dài. Cũng như Nhất Linh.
Bước vào cuộc đời, mới chớm 20, Nhất Linh đã tự hỏi: “Không muốn đau khổ mà cũng không ù lì mộc thạch… muốn có tư tưởng mà được thảnh thơi trong lòng…” làm sao bây giờ?
Cũng như Malraux, Phạm Đài – Nhất Linh trong Người quay tơ đã thốt lên: “Hành động, hành động cho đến kiệt lực, cho mãn chiều xế bóng…”.
Cả hai – Nhất Linh và Malraux – đã lên đường. Cuộc hành trình đẹp vô cùng. Nhưng một người mệt mỏi đã bỏ cuộc, đã ngồi xệp xuống vệ đường, đã ngồi yên trên một ghế bành Tổng thống, bụi miền nhiệt đới và gió núi Hoa Nam lạt dần trên một khuôn mặt mất hết nét phong sương: André Malraux.
Và một người đã tới đích: Nhất Linh.
25-10-1965
Gậy đạo diễn đập mạnh mặt sàn sân khấu. Ba tiếng. Khô, rắn chắc, gọn. Tấm màn nhung từ từ chia đôi. Đèn khán trường tắt dần và dắt theo là những tạp âm của cuộc đời thực tế. Khán trường sửa soạn nhập cuộc, toàn bộ sinh khí thu hút vào một trung tâm nhỏ bé đang tự hiến dâng. Một vũ trụ vừa khám phá, rộng mở ngời ngời cánh cửa vàng son.
Hãy vào đây chàng say ơi!
Cùng một lứa…
Một vũ trụ ánh đèn điện 500kw là trời bình minh vàng dợi, trăng Hàn Mặc Tử sóng soài cành liễu, nắng quái chiều điên tóc rối Kiều Loan, mây xám màu chì mưa bay lất phất giàn dưa. Một vũ trụ núi làm bằng giấy, sương lam vân mỏng thôn La, thành cao hào sâu là gỗ ván ép phết sơn xanh đỏ, cung điện nguy nga dựng lên trong chốc lát, bàn tay chuyên viên mầu nhiệm hơn cả cây gậy Chử Đồng Tử đóng khố ngày xưa. Một vũ trụ đôi khi thu gọn lại, giản dị đi, chỉ còn là “một khoảng không Lão Tử”, khán trường buộc phải nhìn thấy núi rừng bạt ngàn che lấp đèo heo hút gió, biển thẳm sóng vỗ đều nhịp sóng ngàn năm, sa mạc đông tây nam bắc chỉ là cát trắng.
Trong cái vũ trụ bàn tay con người xây dựng đó, khi ba tiếng gõ đạo diễn dằn xuống yên lặng khán trường, khi khán trường đã thu gọn lại để chỉ còn là một vành tai, chỉ còn là một căp mắt, thính và thị giác hướng cả về một phía – nơi tấm màn nhung đỏ đang tách đôi như một cuộc chia tay tạm biệt giữa ngoài kia, ồn ào cuộc sống thực tế và trong này, khán trường, sân khấu và hậu trường – khi mọi việc đã an bài, như quyết định bởi một bàn tay Định Mệnh, trong cái vũ trụ toả hào quang và hương lạ một thứ hoa nở vội để tàn, trong vài con người thật bằng xương bằng thịt như anh như chị tôi, xuất hiện, lấy ngay chính thân xác mình làm chất liệu – như hoạ sĩ sử dụng sắc màu, nhà thơ sử dụng ngôn ngữ, nhạc sĩ sử dụng âm thanh – đặt mình, toàn bộ con người, ngang hàng một hộp màu, những nốt nhạc, một chất vữa thạch cao, để mà cấu tạo một kiếp sống khác, một nhân vật, để rồi gượng nhẹ tự mình đẩy mình, tự mình hiến mình, sống, hành động, làm chồng, làm vợ, làm người yêu muôn thuở, làm vua, làm hề, yêu yêu ghét ghét khóc khóc cười cười.
Diễn viên: kẻ sáng tạo dấn thân vào lòng tác phẩm của mình.
Một cái không thể hơn giữa bề bộn bốn bề giả tạo. Hư hư thực thực. Mập mờ. Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.
Hamlet lang thang ven dãy hành lang lâu đài Elseneur đuổi theo bóng ma định mệnh. To be or not to be. Là Hamlet, ông Hoàng Đan Mạch hay Laurence Olivier, chồng cũ Vivien Leigh? Quan Vân Trường mặt đỏ râu dài tính tình cương trực sử dụng Thanh Long đao cưỡi con Xích thố, Đào viên kết nghĩa giữa thời ly loạn giặc Hoàng Cân với Lưu Hoàng Thúc cùng Trương Dực Đức. Một vài nét điển hình phác hoạ tự thế kỷ nào, mà như một hồn ma chết yểu chưa chịu đầu thai, lẩn thẩn tự nẻo Trường thành Vạn lý, men theo con Hoàng hà, lạc vào Ba Thục, xuôi xuống Hoa Nam, vượt biên giới Hoa Việt, như một hồn ma còn nhiều tâm sự ủ kín trong lòng, “những nét điển hình Quan Công” vẫn đêm đêm lang thang nơi hậu trường sân khấu chờ đợi một người đồng điệu mượn thân xác để mà thể hiện. Một vụ lên đồng kinh khủng bắt đầu. Quan Công ngập ngừng nơi hẻm nhỏ Huê Dung. Quan Công dưới trăng nghiền ngẫm binh thư. Quan Công quất con Xích thố, Thanh Long đao không vấy máu mà sáu cái đầu võ tướng đã rời khỏi cổ. Quan Công tử chiến Bàng Đức. Quan Công cầm đuốc trắng đêm soi sáng cho tấm lòng trinh tiết hai người vợ một ông anh kết nghĩa.
Quan Công hay cụ Tả Giang?
Nhân vật hay diễn viên?
Điêu Thuyền hay Bích Hợp?
Hãy diễn xuất như thực. Buồn thì khóc. Vui thì cười. Hãy sống trên sân khấu như vẫn thường sống ở cuộc đời. Hãy nhập vào nhân vật. Những diễn viên nào sống thực được một tâm trạng Kinh Kha bên bờ sông Dịch, không phải một đêm, mà liên tiếp ba mươi, có khi 365 đêm liên tiếp? Nếu giọt lệ Kim Cương đã xuất tự tâm thì Kim Cương liệu có thể khóc ròng như vậy mãi mãi được không?
Hãy giả vờ, hãy “đóng kịch”. Giọt lệ phải xuất tự não và mặc cho giọt lệ khán giả xuất tự nơi tâm. Diderot chủ trương như vậy. Hãy sáng suốt, tỉnh trí mà cấu tạo trọn vẹn tác phẩm – nhân vật của mình. Cụ Tả Giang phải hướng dẫn Quan Công. Bích Hợp phải coi chừng cô ả Điêu Thuyền. Quan Công rơi đầu ở cổng thành Kinh Châu nhưng cụ Tả Giang khi bộ râu xếp lại chắc chỉ còn nghĩ đến việc ra đường đứng đợi taxi. Điêu Thuyền nửa khóc nửa cười giữa Đổng Trác và Lã Bố nhưng Bích Hợp có thể vẫn đang bận tâm về một món điểm tâm buổi sáng ngày mai cạnh chồng và con. Phải vô tình. Càng vô tình càng sáng suốt. Càng sáng suốt, diễn xuất càng hay. Nhưng Jouvet, nhưng Bích Hợp, nhưng Thanh Nga chắc là không đồng ý. Không xúc động trước tiếng sáo Trương Lương thì làm sao mà lùa nổi cái chất bi tráng bùi ngùi bao trùm cả khán trường nghẹt thở khi nhân vật Hạng Võ ngùi ngùi cất tiếng:
Thời bất lợi hề truy bất thệ.
Vậy thì, vậy thì sao? Thực hay vờ? Hư hay thực?
“Thực” làm sao nổi khi phải “sống” trong một vũ trụ hoàn toàn giả tạo, rượu Whisky cất bằng nước vối? Mà hoàn toàn “hư” thì “hư” làm sao được khi giữa cái vũ trụ hoàn toàn giả tạo đó lại nổi bật lên một chất liệu hoàn toàn thực, hoàn toàn sống: con người bằng xương bằng thịt?
Tại sao không chấp nhận ngay cái “nửa hư nửa thực” đó, cái chất ambigu đó là tính căn bản của kịch nghệ?
26-10-1965
Chai rượu nghiêng nghiêng vơi dần. Ráng chiều theo dòng men rớt vào lòng ly. Cục nước đá chạm vào thuỷ tinh phát ra những tiếng ngân chuông chùa hoàng hôn Bắc Việt, chuông angélus đỉnh cô đơn nhà thờ say nắng giữa đồi trưa. Một chút tín ngưỡng theo rượu lẻn vào hồn tôi. Uống hết ly đầu, quãng giữa ly thứ hai, tôi bất chợt thấy rưng rưng trong lòng – lòng tôi và lòng ly. Tôi thấy thương lạ. Thương ánh chiều sắp tắt trên đống rác, thương một người đàn ông gò lưng trên chiếc xe đạp có lẽ đang lần về một nẻo ngoại ô, thương một người đàn bà đang lẩn thẩn đếm tiền bên cạnh một gánh hàng, thương một anh chàng trai đi cạnh một cô con gái, thương Thích Ca Mâu Ni và Jésus Christ.
Tôi biết trong tôi tình thương thường lẫn vào men chiều và men rượu. Tôi nghĩ đến những người bạn ở đây, ở xa và đã chết. Tôi đặt giả thuyết. Tôi tưởng tượng. Và đôi khi bất chợt thấy mình nghiến răng kèn kẹt. Có người nói đó là ảnh hưởng của nghề. Người viết kịch trường hay đặt mình vào những thế sống đặc biệt và vui, và buồn và tức, và cũng… nghiến răng kèn kẹt.
Ngoài kia, đêm đã xuống. Thành phố qua khung cửa hẹp Toà soạn Nghệ Thuật hiện ra với một bộ mặt lạ hoắc. Đường rộng nhà cao bắt đầu đi ngủ. Mặt trời néon mọc lên tự lòng hẻm nhỏ, nhộn nhịp khác thường, giọng quen bi bô tiếng lạ, dáng lạ nghiêng ngả dáng quen. Twist again, again, again.
Và đêm cũng xuống trong hồn tôi. Ly rượu thứ tư là ly rượu khó pha, khó uống. Đậm tay một chút thì đi đời cả một đêm. Mà nhẹ tay thì đêm lại loãng mất chất đêm. Thường thường vào quãng này, tôi hay xốc lại áo, vuốt lại tóc và đòi cho được một cái ly sạch. Ra cái điều bắt đầu. Do vậy ly rượu thứ tư thường hay dẫn câu chuyện về những dự phóng. Cả toà soạn nhao nhao lên tiếng. Đề nghị. Quyết nghị. Và xuống đường.
28-10-1965
Với tốc độ 300 cây số giờ, phi đạo Phú Bài chạy ào đến trước mắt tôi. Rồi dừng lại. Tôi bước xuống phi cơ và đi vào không khí mùa thu Huế sửa soạn mùa mưa. Con đường Phú Bài dẫn về thành phố là một bức tranh mộc bản kéo dài, hình thể thô vụng, màu sắc cổ sơ. Quán chợ thấp, thềm đất cao, mái nhà lẫn vào đống rơm vụn cạnh ngõ, tre trúc lơ thơ, cây cau cao ngất, câu đối đỏ từ xuân năm ngoái bạc màu, ông già áo màu xanh nhạt cố y, người con gái mỏng mảnh bài thơ trên nón. Tất cả nguệch ngoạc trên một nền xanh lơ của trời đang gom góp từng mảng mây xám ẩm hơi nước cửa Thuận An. Từng mảng tâm sự ứ đọng chỉ đợi người để kể lể.
Vườn hàng xóm thức dậy trong ánh nắng buổi mai, người con gái Huế làm nũng với bóng phản chiếu lung linh trên thau đồng nước mưa thơm hoa cau, ly cà-phê quánh đậm, điếu thuốc đầu tiên trong ngày, khói thuốc toả xanh, xanh mờ mất hút, mất hút theo là chán chường, là uể oải, là đêm đen dày đặc. Khi trời nhẹ hỏng, hít vào tan nhuyễn chất negie, loang loang chếnh choáng men Mai Quế Lộ.
Những con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn xuống sông Hương, lưng bóng nhẫy mồ hôi một người đàn ông lom khom trên luống rau xanh, những tà áo trắng, những chiếc nón nghiêng nghiêng, người cảnh sát chỉ đường cho ba cái xe đạp, và hai chiếc cyclo.
Cây cau thu gọn bóng. Có tiếng gà gáy buổi trưa lẻn vào một giọng ru ngọt dịu kéo dài. Mùi thuốc Cẩm Lệ ngát hương hoa lạ. Giấc ngủ trưa chập chờn như cánh bướm vàng nhẹ đập bụi vàng trên giàn thiên lý. Có ai giã gạo, tiếng chày đập nhẹ trong không.
Chiều bắt đầu toả sương trên thôn Vĩ Dạ. Chuông chùa trầm trầm từ phía sông đưa lại, nương khoai bãi vắng nhập thiền. Hàng cau, ngõ trúc, gốc hoàng lan, từng khoảng vườn đi vào yên lặng.
Câu chuyện giữa chúng tôi trong một quán rượu dựng ở lề đường có hai người yêu đang thủ thỉ nơi góc vắng – câu chuyện tự nhiên tắt ngấm trong tiếng chim hót muộn đâu đây.
Chất hăng của chè đã trôi theo từng hớp rượu trắng. Còn lại đầu lưỡi một chút cay, một chút đắng.
Tôi nhìn anh bạn Hiếu Chân đối diện mà nghĩ đến kiếp những ông đồ tha hương thuở trước. Và không hiểu sao lại chợt nhớ lại một bài thơ.
Hiếu Chân hỏi tôi, đột ngột:
“Cậu nghĩ gì?”
Tôi trả lời, nhè nhẹ:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khỏi mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Tất cả Huế, tất cả thơ, tất cả Hàn Mặc Tử:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Những nét Huế thoang thoáng vừa kịp khơi lên trong tôi, ngược về quá khứ, một vài mảnh chuyện xa xưa thì kiếp thầy đồ lang thang đây đó – cũng là kiếp của tôi – vội đã đưa tôi trở lại Phú Bài. Một trăm hai mươi phút men theo dãy Trường Sơn dằng dặc có sông xanh, có biển cả, có cát trắng rồi phi đạo Tân Sơn Nhất dâng lên trước mắt, cuộc sống Sài Gòn sửa soạn kỷ niệm cách mạng vội vã hút tôi vào nhịp quay tròn chóng mặt, mặt trời mọc giữa đêm, ngày nhật thực đen sạm bụi đường.
1-11-1965
Ngôn ngữ có đời sống của ngôn ngữ. Ra đời, khôn lớn, trưởng thành rồi có thể… chết. Cũng có loại ngôn ngữ bất tử, nghĩa là không chết mà cũng không sống. Ngôn ngữ thù tạc chẳng hạn.
Ông Tú Vị Xuyên, một sớm ngày Tết, chả đã phát bẳn lên về cái thứ ngôn ngữ này đấy sao?
Lẳng lặng mà nghe nó chúc con
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn
Phố phường chật hẹp người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non.
Có thứ ngôn ngữ ra đời, rồi cũng khôn lớn nhưng chưa kịp trưởng thành, đã chết. Lọ chẳng hạn. Học sinh Trường Bưởi khoảng thời gian bãi khoá để tang cụ Phan Chu Trinh, rất sính dùng tĩnh tự này để thân tặng nhau mỗi khi to tiếng. Nhưng chưa kịp bước vào tự điển thì một sớm, lọ bỗng im hơi lặng tiếng, giã từ hàng ngũ ngôn ngữ Việt Nam. Tôi rùng mình nghĩ đến số phận của cái ngôn ngữ hiện đang thường xuyên sinh hoạt trên cửa miệng thế hệ 20 hôm nay: quê một cục, cù lần…
Lại có loại ngôn ngữ ra đời với kèn và trống, lớn lên trong vóc và gấm, uy nghi lẫm liệt trưởng thành, rồi già đi, già cằn, già cỗi, thường thường chết ngạt trong khói thuốc súng. Trẫm, chẳng hạn.
Tôi nghĩ rằng phải có một thứ musée để xếp những loại ngôn ngữ đã chết. Cả những loại ngôn ngữ chết yểu. Để đỡ khổ cho những nhà ngữ học, những nhà khảo cổ, và nhất là những ông bố có con hay hỏi lẩm cẩm:
“Bố ơi, thế chỉnh lý nội bộ là cái gì hở bố?”
Ngôn ngữ cách mạng thuộc loại ngôn ngữ cất bằng men Sống. Rượu lạt giọng nếu hả hơi men. Cách mạng mất tiêu âm hưởng nếu cuộc sống cách mạng trì trệ, ngưng lại, ỳ ra, chết.
Kỷ niệm cách mạng đâu có đủ? Phải để cho hoa cách mạng nở trọn, tàn đi, phải để cho hoa cách mạng kết quả.
Ngôn ngữ là chất liệu làm nghệ thuật của chúng tôi. Chúng tôi không đùa với chữ. Riêng tôi, không bao giờ tôi đồng ý với anh bạn Lãng Nhân. Tại sao lại “chơi chữ”?
Chơi chữ cũng ví như chơi súng. Súng dùng để doạ người hoặc để bắn chết người, không phải dùng để chơi. Chữ sử dụng đến một độ điêu luyện nào đó, hiệu lực tác động cũng ngang với súng.
Hơn thế nữa, vì còn có hoà bình thì súng phải xếp lại. Súng không thể ca ngợi hoà bình. Trong khi đó chữ vẫn tiếp tục hành trình. Và ngay đến lúc Đạo lớn của Khổng Khưu thực hiện, những nét Đại đồng của thiên Lễ vận kinh Lễ thành hình, thì chữ vẫn cứ không thất nghiệp. Ngôn ngữ và văn tự khi đó sẽ dùng để ca tụng tình yêu.
10-11-1965
Một người mất hút vào một hẻm nhỏ. Một người huýt sáo kể lể một mối tình Tây Ban Nha, đêm mịn như nhung, con trai mắt đen hông nhỏ. Ròi đột ngột yên lặng. Ánh trăng trải xanh mặt đường. Building dựng lên hoang tàn Đế Thiên Đế Thích. Thành phố bắt đầu đi vào sa mạc giới nghiêm.
Tôi trở lại bàn viết, đầu bỗng trở thành một gian nhà trống, mỗi bước chân khám phá là một nốt nhạc đắp nền ý thức cô đơn, mỗi dấu hỏi phác hoạ chỉ gây đủ một âm vang dấu hỏi. Độc thoại nhắc lại hai lần.
Tôi vẽ một hình tròn trên trang giấy trắng toát, hết sức nắn nót. Hình tròn không tròn. Tôi nghĩ rằng vì tay cứng nhắc, vì quá chú ý. Đặt bút xuống bàn, nhồi thuốc vào tẩu, đánh diêm, hút, dáng điệu hết sức décontracté. Vô ích. Ngôn ngữ có hạn. Tôi bắt thèm một cuộc sống hành động, cuộc sống một Nhất Linh vượt biên giới Hoa Việt, cuộc sống một Alain Gerbault, một Lindberg. Lấy ngay thể xác của mình, mặc cả lấy một cuộc sống không lúc nào yên, không lúc nào ngừng, không lúc nào nghĩ, mà nhất cử nhất động đều gây vết tích vào cuộc sống chung quanh.
11-11-1965
Nhìn những con số 1 xếp hàng 4, tôi nghĩ đến một vận động tiến lên không tính toán. Trăm người, ngàn người, hàng triệu người tiến lên, tiến tới. Có thể có những khẩu liên thanh nhả đạn, mỗi viên đạn là một con người nằm xuống.
Nhưng nếu trong một khoảng sát-na im lặng giữa hai tiếng nổ, có một người tiến lên đúng lúc?
13-11-1965
Tôi đợi cho người sinh viên cuối cùng bước ra khỏi cửa rồi tắt đèn. Ánh sáng ngoài trời lọt qua kẽ cửa mờ mờ bao trùm khán trường không người. Từng hàng ghế cô đơn lặng lẽ giơ đôi tay ghế đón chào. Như những Đạm Tiên nhớ lại kiếp trước. Sân khấu, màn mở rộng, sâu hoắm đen ngòm, sân khấu hiện nguyên hình miệng một con quái vật còn sót lại từ thời tiền sử, sống bằng mồ hôi, xương, máu và chất não của những con người đã chọn cuộc sống phiêu lưu trong thế giới ảo ảnh.
Tôi nghĩ đến Jouvet, Pierre Brasseur, Gérard Philippe, Năm Châu, Tư Chơi, Năm Phỉ, Bảy Nhiêu, Chu Ngọc, Phạn Tại, Văn Phú, Hoàng Cầm, Lê Trọng Quỹ. Tôi nghĩ đến rất nhiều người, đã khuất hay còn sống, những thứ thiêu thân mỏi cánh bủa vây ánh đèn rìa sân khấu.
Nếu cần tìm một thứ kinh cầu nguyện thích hợp cho loài người này, thì đây:
Tôi nguyện hiến dâng tất cả – thể xác lẫn tinh thần – tất cả hiện kiếp đồng bằng nản mắt ba vạn sáu ngàn ngày dằng dặc của tôi, tôi chỉ xin sống trọn 150 phút mỗi đêm, sống thật sống – cô đọng ba hồi – sống không chỉ để ăn, để uống, để tồn tại, mà yêu đến huỷ diệt, mà đam mê tột độ, mà đau khổ đến cùng, ác như Tần Thuỷ Hoàng, đẹp như Bao Tự, thắc mắc như Hamlet, si tình như Tristan, như Yseut. Sống lôi vũ và chết bi kịch, mỗi đêm chết một lần.
Tôi bước ra đường, đi vào lòng thành phố, trời đầy sao, óc đầy sao, mang tâm trạng một tình nhân tất cả.
15-11-1965
Gặp Thái Tuấn. Tại ngay xưởng vẽ của anh. Anh nói:
“Vẽ tĩnh vật khó nhất. Nếu chỉ để ý đến đường nét dáng hình của vật, hoặc sự cân đối của từng mảng màu thì đó lại là chuyện khác. Làm sao, nói một cách rất sáo, làm sao cho một bức tĩnh vật có hồn. Theo ý tôi, đó là điều khó thực hiện trong một bức tĩnh vật.”
Tôi nghĩ tới một cái ghế trong một bức tranh của Van Gogh và tôi đồng ý với Thái Tuấn. Tôi nghĩ thêm rằng phải sống với đồ vật đó ít lâu, phải gây một liên lạc giữa mình và những đồ vật đó đã, rồi hãy đem những đồ vật đó vào tác phẩm.
Phải làm mất chất tĩnh trong một bức tĩnh vật.
Ao thu lạnh lẽo nước trong là tĩnh. Ao thu lạnh lẽo nước trong veo là động. Một chiếc thuyền câu bé là tĩnh. Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo là động.
Nghĩ như vậy, không biết có đúng không?
18-11-1965
Tôi nhắm mắt, cố gắng lùa hết ý nghĩ ra khỏi đầu. Tôi tưởng tượng như vẫn bảo lũ con tôi đi ngủ đi khuya rồi mai còn phải dậy sớm chứ. Tôi tự nhủ mày chả là gì cả, đừng lôi thôi rắc rối, ngủ đi, đến mai trời lại sáng mà.
Vô ích. Tôi vùng dậy, khoác áo ngồi vào bàn viết và trong đêm lạnh Đà Lạt, lắng nghe yên lặng ngoài trời, lắng chờ quá khứ lọc từng giọt kỷ niệm thánh thót trong đầu.
1950, tiếng súng nổ ran, tôi viết một bài ca chiến tranh, tôi chép lại ra đây.
Một bãi chiến trường đột dựng trên một khoảng âm thanh xanh ngát. Hàng triệu bàn chân dày xéo. Cỏ héo dần. Đất trơ màu đất kệch. Rồi một ngọn gió lốc chợt nổi. Hàng ngàn ngọn lốc nổi theo. Cát bụi cuốn mờ trời đất. Nhạc lần quanh cung Liu. Âm ba vươn lên đến mực khô cằn. Ý nhạc chuốt ra từng mũi nhọn. Giờ đây, ác liệt, sống mái, cuộc tàn sát được gợi đến độ cuối cùng của khả năng lời nhạc. Hàng triệu con người đã đứng trước mặt hàng triệu con người. Tiến lên. Mỗi yên lặng là một thế thủ. Xung phong. Nhạc vẳng lên là khởi cuộc tấn công. Tiếng hét. Tiếng thở hổn hển: Tiếng nghiến răng kèn kẹt. Hai lưỡi sắt cọ vào nhau. Những bắp vai cuồn cuộn nổi. Ý chí của mười đầu ngón chân đóng đinh xuống đất. Ý chí của mười đầu ngón tay xiết chặt nơi cổ. Mỗi âm thanh cấu tạo để tiềm tàng một mầm tương phản. Mỗi âm thanh là một thế trận đồ mà âm thanh kế tiếp phải phá đổ để rồi lại bày ra một thế trận đồ mới. Cung nhạc đang lên bủa vây cung trước mới thành hình. Vậy thành để chiếm. Chiếm thành để lại bị vây. Bao nhiêu xây dựng là bấy nhiêu cuộc tàn phá. Mỗi cố gắng la để diệt trừ một đồng loại. Tiết tấu xô lệch, ngả nghiêng.
Chợt một tiếng thở dài lẻn vào lời nhạc, bắt đầu còn ẩn hiện – một cơn gió thoảng, một nét chim bay, một loáng hoàng hôn – rồi dần dần thành hình. Lời nhạc vốn vô tư từ đầu, lời nhạc không hề than thở, lời nhạc chỉ kể lại. Đến đây nhạc bỗng nhiên tụt xuống tận đáy cung Hồ, cung Hồ thê thiết của một vực âm giai sâu ngắt. Tiếng thở dài ngân lên, ngân lên nữa. Âm thanh bớt phần sắc, thôi phần nhọn. Một vài bắp vai thấy như trùn lại. Dây cung đã bớt căng thẳng. Tay nơi đốc kiếm đã thấy mỏi ngón tay.
Nhạc bắt đầu lê thê than thở, kể lể nỗi niềm. Từ bốn phương hàng vạn cung Hồ phụ hoạ, cao thấp khác nhau. Hàng vạn tiếng nức nở, hối thương của hàng hà sa số kiếp người chơi một sáng ý thức được cái phi lý của một cuộc đấu tranh mà ý nghĩa đã dần dà thay đổi: đấu tranh không còn là một phương tiện. Đấu tranh trở thành một cứu cánh. Thế rồi hàng vạn cung Hồ hợp lại. Cho đến khi tất cả ý nhạc chỉ còn là một tiếng thở dài thì bài ca chuyển dần sang một hướng mới.
Ý nhạc đầu hướng mới tiếp nối tiếng thở dài. Thất tình căng thẳng. Tâm sự chập chững thấp cao. Cung Ố đã qua, cung Nộ chỉ là một cơn mơ hoảng hãi hùng, con người thức tỉnh, phảng phất cung Ai. Rồi âm thanh dồn dập quanh cung Hỉ, cung Lạc. Những bàn tay lần đến những bàn tay, vụng về vì xúc cảm vô biên, nồng nàn bởi cung Ái đã chuốt thành ý nhạc. Âm thanh ríu rít, âm thanh dìu đỡ âm thanh. Tiếng sẻ gọi đàn, bồ câu kết bạn. Men rượu cúc đúc đi đúc lại ba lần, loang tràn một quãng âm thanh chếnh choáng nồng tình. Âm thanh cấu tạo trên cung Dục. Cung Dục trở thành cung chính của bản ca. Đã vượt khỏi rồi, cái dục vọng vẩn bùn khi bảy dây tình còn xúc động lẫn nhau. Giờ đây loài người đang dồn hết cả dục vọng của loài người thành một ý chí xây dựng vĩ đại và hiểm trở, vĩ đại bởi hiểm trở, hiểm trở bởi chưa từng bao giờ có, bởi xây dựng sau một cơn tàn phá vĩ đại. Giờ đây, âm điệu uốn mình theo đà lên xuống của bảy dây tình lên xuống, hỗ trợ dìu nhau lên xuống. Cung Dục thánh thót thăng hoa. Thánh thót, có giọt nước rơi nhè nhẹ. Là mưa, hay nước mắt hay nguồn suối rưng rưng từ khe đá tối om. Ý nhạc rưng rưng. Cung Dục tắm mình trong ý niệm rưng rưng. Cung Dục chuốt dáng đến độ cuối của một âm giai chót vót, súc tích mà tinh khiết, cao rộng mà tinh vi. Có hương hoa lẻn vào ý nhạc. Người trinh nữ tắm gội lên đàn.
Lời ca dừng trong khoảnh khắc – vừa đủ cho sự thay đổi trong nhạc điệu không quá đột ngột. Vì âm giai hạ xuống một tầng. Thời suy tưởng đã qua. Loài người bắt tay vào việc. Xương máu của thời chinh chiến đã trở về cát bụi. Xương máu từ giã hình hài, hiện nguyên bản thể, từ nay góp phần xây dựng đất màu. Luống cày đầu tiên nào mà thẳng tắp? Nhưng bàn tay vụng về của loài người đã biết nắm chặt gốc cây. Lòng đất tràn trề nhựa sống, rướn mình chờ đợi, ngượng ngùng ghì chặt mầm non. Trời và đất rung cùng một nhịp, cái nhịp đời đời của sự phối hợp điều hoà giữa âm và dương quấn quít không thôi.
24-11-1965
Tôi biết người con trai hai mươi ngồi đối diện muốn nói gì, muốn nói nhiều. Nhưng từ lúc câu chuyện dời bỏ địa hạt nắng mưa để chớm vào lý do cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi hai người – đúng hơn, lý do nó đến gặp tôi – thì nó thủ thế yên lặng. Nó không giống những đứa con trai khác cùng lứa tuổi, chắc thế. Trang phục gọn và sạch. Mắt to và đen, không phải mặt hồ phẳng lặng mà là giếng khơi, cuộc sống không phản ảnh mà chìm sâu vào đáy mắt, mất tăm.
Cuộc sống của nó: những cuốn sách đọc đến nát nhàu; những giờ học giọng giáo sư sang sảng, lời giáo sư như đinh đóng cột Thông-minh-nhất-nam-tử-yếu-vi-thiên-hạ-kỳ-nhân-sinh-tự-cổ-thuỳ-vô-tử-Nguyễn-Huệ-Trần-Hưng-Đạo-Lê-Lợi-Phan-Bội-Châu, đời giáo sư củ mỉ cù mì góp hụi hàng tháng, dẫn vợ đi xem ciné hàng tuần, phiếm luận anh em Nhất Dương Chỉ, báo hằng ngày đọc kỹ tin tức động viên. Cuộc sống của nó: những đường cong thân xác con gái ngày một chán mắt, bởi ngày một mất khêu gợi, bởi ngày một phô bày như qua tấm kính ánh néon hàng hoá một cửa tiệm tạp hoá Hồng Kông. Cuộc sống của nó: vài thằng bạn sửa soạn đi Tây, đi Mỹ, đi Úc, vài thằng bạn nói chuyện xuống đường, một thằng bạn làm-văn-nghệ-buồn-nôn. Cuộc sống của nó: những bữa ăn sáng vội vã, những bữa ăn trưa ông bố cằn-nhằn-tiêu-gì-mà-hết-mẹ-nó-cả-tiền, những bữa ăn chiều uống tí la-để ông bố nói chuyện tinh nghịch đời xưa. Cuộc sống của nó: một khung cửa sổ, đôi khi sao đậu chênh vệnh cành gầy trứng cá. Cuộc sống của nó chả có gì nhưng lộn xộn, nhưng lọt vào chất não rồi tự phân loại rồi đặt vấn đề.
Đó là lý do nó đến gặp tôi. Nhưng nó vẫn giữ yên lặng. Tôi biết nó muốn kể lể với tôi rất nhiều.
Nhưng tôi không hiểu tại sao thằng con trai đối diện tôi – tôi, già hơn nó cả một thế hệ – tôi không hiểu tại sao nó vẫn giữ yên lặng.
Tại sao?
25, 26, 27-11-1965
Những ngày sống trong mưa và rét của Huế để nhớ lại cái rét và mưa của Hà Nội thuở nào. Thuở nào, mưa bụi giăng mờ đường cong mờ màu son nhạt lãng đãng trong sương, đền Ngọc Sơn rút về vị trí một cù lao khói sóng cửa Thần Phù bao quanh hiểm trở, liễu ven bờ lướt thướt, gót chân ai đài các giờ đây giẫm bụi phương nào, công trường nào.
Những ngày sống trong mưa và rét, cạn cả một vò rượu sâm của bạn, mà chưa cạn nổi trong muôn một cái tâm sự bi-bi-hài-hài của bạn, nguyện ăn cơm rau của Hiện tại để mơ xây dựng một thế Tương lai cùng Thiên hạ cùng ăn cơm gà, cá gỏi.
29-11-1965
Trở lại Sài Gòn. Hình ảnh người-con-trai-hai-mươi-tuổi-yên-lặng-đặt-vấn-đề lại lảng vảng nơi đầu óc. Đêm nay không biết có ngủ được không?
4-12-1965 Đà Lạt
Đất sỏi loáng ánh trăng, tôi kéo lê chân nặng trịch dõi theo con đường dốc thoải sương mù bềnh bệnh, dấu thập vươn lên dáng một thiếu phụ xiêm y trắng toát lãng đãng trên không. Tấm cửa sắt rít lên, tôi đối diện một khoảng sân mênh mang vắng lặng và một dãy hành lang dằng dặc như những kiếp sống luân hồi nặng nghiệp.
Tôi đứng sững nghe gió. Gió rít lên như một ngàn lẻ người đàn bà đứng tuổi nghiến răng. Gió hú Les-Hauts-de-Hurlevent. Gió dằn vặt từng gốc thông quằn quại. Gió tập trung bi chất tự những vĩ tuyến xa xôi, lùa từng cơn xoáy lốc vào từng khoảng trống. Ngoài trời và trong tôi. Trong tôi men rượu loãng dần, trơ lại còn tôi. Trong một khoảnh khắc, tôi chợt thấy tôi nổi giận. Tất cả đang bủa vây tôi – ánh trăng, gió núi, sương trời, khoảng sân vắng lặng, những kiếp sống luân hồi nặng nghiệp, dáng người thiếu phụ trên không. Tôi tự nhiên trở thành quan trọng. Tôi thấy được tôi – trong khoảnh khắc – bằng sự bủa vây đó. Cảm giác này chưa kịp lan ra, chưa kịp vỡ bờ, chưa kịp tràn ngập toàn thể tế bào tôi, cảm giác vụt biến. Tất cả đã trở nên rời rạc: ánh trăng là ánh trăng suông; gió núi là một đam mê vô nghĩa; sương trời giữ nguyên vẻ mặt lạnh lùng, khoảng sân vắng lặng lại càng trở nên vắng lặng; những kiếp sống luân hồi nặng nghiệp chỉ là một con đường thui thủi một mình, độc đạo, độc hành trong mãi mãi ngày đêm kế tiếp không thôi; dáng người thiếu phụ trên không giơ tay phân bua với chính mình, kêu lên tiếng kêu bất lực, không một âm hưởng vọng theo
Tôi-cô-độc. Nhưng tôi biết rằng tôi cô độc. Và tôi hiểu tại sao tôi làm nghệ thuật.
Tự nhiên, nhớ lại cuốn thơ của Thanh Tâm Tuyền. Tôi-không-còn-cô-độc. Cười lặng trong lòng mà thương cho một kiếp làm người. Mà thương cho mình. Và ngủ thiếp đi với tình thương đó.
6-12-1965 Sài Gòn
Ngồi trông cho một nhóm kịch sinh tập diễn Les mains sales. Thỉnh thoảng được biến thành khán giả và cảm thấy tất cả cái ấm áp của một lời đối thoại “vượt được khỏi rìa sân khấu”, một cử chỉ cân nhắc đúng mức, một nét mặt, một giọng cười, một dáng đi hợp tình, hợp cảnh, hợp lý. Ấm áp vì người khán giả tự nhiên nhận thấy trong trường hợp đó, cũng phải nói như vậy, cười như vậy, đi như vậy… và yêu và chết như vậy.
Gần khuya 6-12-1965
Tất cả yên giấc: vợ, con, hàng xóm láng giềng. Xe tuần tiễu đen ngòm họng súng. Tiếng động cơ dai dẳng trên không. Một vài tiếng nổ xa xa. Đèn nhỏ sáng ấm góc bàn viết. Giờ này là giờ của những người đàn ông.
7-12-1965
Có giấc ngủ co quắp, trong kinh hoàng, mình nhìn mình nhầy nhụa giữa lòng cống cái Đô Thành, mồm há hốc nghẹn tiếng kêu cấp cứu. Có giấc ngủ chập chờn ông cụ bảy mươi, nhỏ khêu ngọn đèn hạt đậu, đêm đen thơm nức thuốc lào hoa sói. Có giấc ngủ của lũ con tôi, nhìn sao cầu nguyện trước khi đi vào giấc ngủ. Có giấc ngủ của tôi, đêm qua, vào giấc nhẹ nhàng như thuyền dời bến, tỉnh giấc chợt nhớ mà thèm không khí một sân vận động sương đêm còn vướng cỏ non.
Sáu giờ sáng. Nhìn cà-phê nhỏ giọt, con chim lạ truyền cành, sao mờ trên nền trời xanh thẳm, nặng nghe thành phố tỉnh giấc, thành phố xuống đường, tôi thấy máu chảy nhanh hơn trong huyết quản, lồng ngực dư thêm chỗ cho không khí ngon lành ra vào thong thả, giấy là đẹp, bút là đẹp đời đáng sống.
Tôi viết Sống. Tôi viết Đẹp. Tôi viết Yêu.
10-12-1965
Gió. Bão. Gạo. Thịt. Chết. Taxi. Cyclo. Rượu. Chính phủ. Noel. Tết. Rồi câu chuyện giữa chúng tôi bỗng trở nên đậm đà. Câu chuyện xoay quanh một vấn đề cũ rích, một vấn đề mà tất cả chúng tôi đều nhận thấy rằng phải giải quyết, rằng ai cũng muốn giải quyết, kể cả những người đã và đang ở trong chính quyền, rằng rất dễ giải quyết, rằng không hiểu sao đến nay vẫn chưa giải quyết.
Vấn đề là: Làm kịch.
Chúng tôi: Vi Huyền Bắc, Năm Châu, Hoàng Trọng Miên và tôi.
Hoàng Trọng Miên cầm ngược chiếc tẩu đánh nhịp từng lời nói:
"Có kịch bản, có diễn viên, có sân khấu, có khán giả…"
Năm Châu chặn lời:
"Chưa đủ."
Và nheo mắt cười. Và vuốt nhẹ mái tóc bạc phơ. Vi Huyền Đắc rất hiểu nhanh:
"Tôi thấy rằng không cần nhiều lắm…"
Năm Châu thao thao bất tuyệt đưa ra những con số. Những con số mà chúng tôi đều đồng ý rằng góp lợi tức cả bốn chúng tôi trong một năm, trong hai năm, trong mười năm cũng vẫn chưa tới. Những con số mà chúng tôi đều đồng ý rằng, tuy nhiên, chẳng thấm vào đâu, so với giá một biệt thự thường vẫn được những tay giàu lỏi dựng lên ở những nơi nghỉ mát.
Thế rồi câu chuyện trở nên rời rạc. Hoàng Trọng Miên nhồi thuốc vào tẩu. Năm Châu rút khăn tay đưa lên miệng giữ kịp một cơn ho. Hình như Vi Huyền Đắc có nói đến sự mầu nhiệm của cơm gạo lức, mỗi miếng nhai đúng 25 lần. Những con số vẫn quay cuồng trong óc tôi, biến thành năm, thành tháng, thành ngày. Tôi tự hỏi anh Đắc không biết bao nhiêu tuổi, anh Năm không biết đã bao nhiêu.
Trong im lặng, không biết ai đã nói:
"Thôi, đi về."
Tôi ra đường, thầm mong bắt được một chiếc taxi vắng khách. Một chiếc taxi? Một chiếc cyclo cũng được.
12-12-1965
Nghĩ về Nguyễn Công Trứ. Nhớ lại một câu chuyện xảy ra ở giữa một nơi vui vẻ, giữa thi sĩ và một người kỹ nữ, câu chuyện còn ghi vết tích hai câu lục bát truyền tụng cho tới bây giờ.
Giang sơn một gánh giữa đồng
Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ không?
Đẹp hay không đẹp, xấu hay tốt, tác phong đó của Nguyễn Công Trứ? Tôi tưởng tượng một thi sĩ hôm nay lâm vào một trường hợp tương tự. Bắn bỏ?
Thiện và Ác. Xấu và Tốt. Thiên Đường và Địa Ngục. Cũng chẳng biết nghĩ ra sao bây giờ. Có thể đó chỉ là những thứ đèn xanh đèn đỏ dựng lên ở mọi ngã tư thành phố cuộc đời, những ước lệ đặt ra để nhân loại lưu thông thuận tiện trên đường tiến hoá. Mà cũng có thể đích thực là những chân lý bất di bất dịch. Cuộc sống có thể đơn giản, rất đơn giản. Như một vở hạt bộ, chẳng hạn. Mặt đỏ là trung. Mặt trắng bệch lông mày xuôi nét là nịnh, là gian. Mở màn, trung có thể thua gian, có thể bị nghi ngờ, đày ải. Nhưng màn buông xuống là gian phải chết, là trung sẽ được vinh quang mũ áo hồi trào, lấy vợ đẹp, đẻ con khôn thằng Long, thằng Hổ, thằng Bưu, thằng Báo.
Nếu có Thượng Đế, nếu Thượng Đế quả thực là một tâm hồn sáng tạo giàu tưởng tượng. Thượng Đế chắc cũng không dám bày ra quá nhiều trò rắc rối. Bởi bận. Hoặc…lười như tôi chẳng hạn.
13-12-1965
Đọc Cô gái Đồ Long, chắc không ai nghĩ đến việc tra vấn tâm sự Kim Dung. Chuyện ly kỳ, quyền biến thành chưởng, chưởng biến thành trảo, trảo biến thành chỉ, giọng người kể chuyện có duyên. Thế thôi. Thế là đủ để độc giả mê man vùi đầu vào truyện. Cuộc độc thoại có thể kéo dài dằng dặc. Trắng đêm, không tâm sự.
Không ai, một hơi, đọc hết ba ngàn câu thơ Đoạn trường tân thanh. Hơn một lần, chúng ta đặt sách xuống bàn. Dán lớn Nguyễn Du lưng lửng phía sau tác phẩm. Chúng ta nhiều lúc nghẹn ngào đôi khi nổi giận. Đạm Tiên theo dõi từng bước Thuý Kiều. Nguyễn Du trở thành một ám ảnh. Thuý Kiều chuồi mình theo sông Tiền Đường, chúng ta rơi ngược hướng nhìn vào giữa lòng mình, rồi phân tích, rồi giải phẫu, dò hỏi, điều tra. Cuộc thẩm vấn đơn chiếc dẫu chúng ta từ vết tích tâm tư này đến vết tích tâm tư khác, dìu chúng ta vươn lên khỏi lớp lớp hưng vong triều đại, bắt chúng ta vững con sào độc mộc, ngược đà cuồn cuộn của sông Thời gian vốn bắt nguồn tự Trời mãi mãi chảy xuôi xuống mé Đại dương xuống mé vô cùng tận. Đến đó, đến chặng cuối của cuộc độc hành, đến trang cuối của hồ sơ thẩm vấn, đến lúc sửa mình đối chất hai lần cuối với nhân chứng cuối cùng, chúng ta bỗng bàng hoàng, - chúng ta là một đam mê vô ích – chúng ta cúi đầu: nhân chứng cuối cùng phải đối chất lại chính là lầm lì dáng lớn Nguyễn Du.
Tận cùng sâu thẳm lớp sóng Tiền Đường vẳng lên một khúc đàn quen thuộc. Khúc bạc mệnh. Nhưng nơi ruộng lam ánh mặt trời lại đã le lói. Thuý Kiều rẽ sóng lên bờ. Thuý Kiều chấp nhận làm người.
18-12-1965
Mưa và gió bất thường nổi lên tự đâu đâu, tự đêm qua, rớt về Đà Lạt. Bài học Hạnh Phúc giảng giữa cơn tương tự của Trời và Đất. Nhớ lại một vần thơ của Nguyễn Bính.
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Tôi nói về hạnh phúc đã tìm thấy trong đời sống mộc mạc của người nông dân lúc nào cũng chỉ biết có Trời.
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy chén cơm
Lấy rơm đun bếp
Tôi nói đến cuộc độc hành mạo hiểm của Nietzsche vạn dặm dò theo hạnh phúc, vạn dặm kinh hoàng, một sớm bỗng tới. Tôi nói đến cảm giác rợn người của kẻ phiêu lưu trên dặm cuối cùng của cuộc hành trình, dặm cuối cùng dẫn đến một xác chết: Thượng Đế. Tôi cố gắng mô tả nỗi bâng khuâng của người cô-độc-và-tự-do ấy khi phải lên tiếng cáo phó, khi hai tay ôm lấy cả cái gia tài khổng lồ Thượng Đế để lại, khi phải bắt đầu từ chỗ bắt đầu, đặt nền cho một ngôi đền tín ngưỡng mới, Đấng Tối Cao điêu khắc theo hình tượng con người.
Trở về gian phòng tu viện, mưa và gió vẫn chưa ngớt trên đồi Đà Lạt, thông giữ chặt gốc, đào gắng ôm nụ trong lòng, tôi nghĩ trong tôi, thầm lặng, về tôi. Tôi nghĩ rằng đây là lần đầu tiên trong cuộc sống của tôi, cũng không phải là không sóng gió, cũng không phải là không thắc mắc, đây là lần đầu tiên tôi nghĩ đến Hạnh Phúc.
19-12-1965
Nhớ lại ngày này tháng này 19 năm xưa, súng mọi cỡ 20 giờ khai hoả ngang dọc 36 phố phường, họng súng khạc hoa đăng, lòng người lớp lớp mở hội nhạc quân hành và dân hành, có năm cửa ô bắt nhịp, có sóng sông Hồng, sông Mã gầm lên lời điệp khúc.
Lời điệp khúc là vui là giết thực dân.
Nhớ lại mà bùi ngùi. Còn gì? Một dư vị chua chua chát chát. Một geule de bois.
21, 22-12-1965
Đọc lại một vài đoạn độc thoại, đôi lúc giật mình vì qua những dòng tạp ký, chợt nhận thấy chập chờn bóng dáng một cái “tôi” xa lạ, một cái “tôi” hoảng hốt đang trưởng thành, đang muốn chọn tự do, đang muốn được khai sanh thành một nhân vật.
Tôi đâu muốn như vậy. Tôi đã tự hứa hết sức chân thành, hết sức trung thực với chính mình, ngay từ buổi đầu cầm bút ghi lời độc thoại. Tôi biết rằng chỉ với điều kiện đó, lời độc thoại mới giữ nguyên giá trị một phát biểu trực tiếp của tâm sự bất bình.
Nhưng, từ tôi phút ấy sang tôi phút này, một nhân vật bỗng ngang nhiên xuất hiện. Là tôi-tiềm-thức, là tôi-vô-thức? Mà cũng suy tư, hành động, cũng yêu yêu ghét ghét. Và đòi quyền sống. Và đòi đất sống.
Tôi đâu muốn viết tiểu thuyết? Tôi đâu muốn ăn gian?
24-12-1965
Nhìn qua cửa sổ từng thứ ba xuống một ngã tư Sài Gòn, chóng mặt vì xe cộ và đám đông lúc nhúc đủ giống người: Mỹ, Việt, Ấn, Pháp, Đại Hàn, Trung Hoa… mà bắt thương cho Chúa Kitô vào giờ này đang sửa soạn nhập nhục, giáng sinh để cứu vãn loài người. Tôi có cảm tưởng loài người dưới kia đâu có cần cứu vãn? Loài người mua hoa, mua rượu, kỳ cọ, chải đầu, giết nhau, nghênh ngang, yêu nhau, ghét nhau, loài người chắc không còn nghĩ đến một Ađam không rốn, một Eve tham ăn trái chín và một con rắn xui nguyên giục bị.
Nhìn đám đông nhầy nhụa, tôi nghĩ rằng trên bình diện hình nhi thượng phải có bảy lần hồng thuỷ và trên bình diện nhi hạ, riêng cho nước Việt Nam cả Nam lẫn Bắc, phải có tới 365 Robespierre làm việc ngày đêm đủ 365 ngày. Có như vậy may ra dạo lớn người nước Lỗ mới mong thực hiện và thầy Tăng Điểm mới có cơ hội mặc áo mùa xuân đi tắm sông Nghi.
30-12-1965
Một mình trong gian phòng có một bàn, một ghế, một giường, lặng nghe gió Đà Lạt thổi một chiều, trằn trọc suốt một đêm vừa tan cơn sốt. Đọc lại vài trang Camus.
Có hai chặng đường trên hành trình cô độc của Camus. Chặng đường đầu là chặng đường phi lý: chả có gì cả, đời là ngẫu nhiên, hành động đều là hành động vô cớ, vô nghĩa, vô lý, tất cả là những dòng suối nhỏ góp lại thành một con sông từ từ chảy mất hút vào lòng biển cả. Chặng thứ hai và cũng là chặt quyết định bắt đầu một câu hỏi tại sao đặt ra một sớm nó khiến con người bừng tỉnh, như bừng tỉnh một cơn ác mộng, mồ hôi lạnh rợn người nơi gáy. Con người đối diện một thực tại: sự phi lý. Nhưng Camus bắt con người tiếp tục hành trình. Cuộc sống không ở đây. Cuộc sống ở bên kia, ở bên kia bờ tuyệt vọng.
Tôi hiểu tại sao người ta không mê Camus. Và tôi hiểu tại sao người ta mến Camus.
Nắng quái thiếp vàng mái cũ thành nội, sương quyện gốc cây cam, sương xoá nhoà nương khoai thôn Vĩ, và lạnh bỗng dâng lên đột ngột như một nỗi buồn vô cớ, lạnh thấm đôi bàn chân, lạnh ôm đôi vai: Huế đi vào mùa đông chờ Nguyên Đán.
Tôi dìu nhẹ hồn tôi xuôi vào quá khứ đời tôi.
Tôi nhủ tôi phải hưởng trọn vẹn những phút giây lạc hiện tại vì tôi đã hiểu sau đó sẽ là cái bàng hoàng những phút giây trở về hiện tại. Tôi thấy tôi trở lại đam mê, gió núi Trường Sơn quạt bừng máu nóng chạy rộn cơ thể, gió bãi Cửa Tùng, gió bãi Sầm Sơn săn bắp thịt da đồng đen mặn nồng tuổi hai mươi. Tôi nhớ lại những mối tình bạn trai, sạch và khoẻ, cũng thương, cũng nhớ, cũng có thư gửi, cũng có ảnh trao. Tôi phác hoạ lại trong tôi hình ảnh những người con gái xa xưa. Những cuộc gặp gỡ tình cờ. Những khéo mát trao trên không rồi xa cách hẳn. Những mối tình có thể manh nha. Những bài thơ có thể thành lời. Những bản nhạc vang lên trong yên lặng.
Tôi thường hình dung quá khứ như một vùng bát ngát, có sông rộng, núi cao, có rừng, có biển, có đường đô thị thênh thang, hẻm tối và ngõ cụt, một khoảng không gian mà người bộ hành dầu có đủng đỉnh đến mấy, cũng không thể dừng bước, cũng mới vội đi qua có một lần. Trên hành trình vội vã của một cuộc sống tiến về phía trước, nhiều lần tôi đã tự hứa sẽ quay trở lại, một ngày nào, một chiều nào đó, dầu chỉ để mà tiếc, mà hối, mà thương, dầu chỉ để ngùi ngùi.
Nhưng tôi vốn ngại quá khứ: tôi biết rằng cái khoảng không gian đó của đời tôi, có nhiều dòng sông lạ, bờ sông lau lách đìu hiu, có quán nhỏ cạnh nhịp cầu dài như lòng sầu người con gái tương tự – nghĩa là có nhiều vị trí mang tên người, đã khuất còn sống, nó sẽ buộc tôi dừng lại quá lâu, lạc vào quá nhiều ngõ ngách tâm tư, mãi mãi phiêu lưu mãi mãi, để từng giây từng phút xa vời hiện tại, như thuyền ngư phủ lực trong sương mất tiêu ánh lóe hải đăng. Tôi sợ quá khứ vì sợ cái giờ phút hoảng hốt, người ngư phủ muốn trở về bến cũ, tôi muốn, tôi phải trở về hiện tại.
Nhưng tôi đang lạc vào đêm của Huế, mà mưa bụi bắt đầu, đang sửa soạn cho tôi một chuyến viễn hành trở lại nhiều mùa mưa bụi cũ năm xưa.
15-1-1966
Có lẽ từ nay tôi không đọc lại những gì tôi viết. Những mẫu tự Latinh ngoằn ngoèo nhiều dấu, ghép lại thành vần, ghép nữa thành tiếng, ấy thế mà nhiều khi cũng tự gây được ma lực một trận đồ quái đản đá tảng xếp từng chồng theo công thức bát quái của một Gia Cát Lượng. Độc giả – tôi chẳng hạn, nhất là tôi – bị cuốn vào trong, cát bụi tung mờ trời đất, tôi trở thành một thứ Lục Tốn nhưng không duyên hạnh ngộ bố vợ Khổng Minh. Giữa trận đồ, bỗng hiện lên một khuôn mặt, quen quen, lạ lạ, ngơ ngơ, ngác ngác, hoảng hoảng, hốt hốt. Lại hiện lên, thì đúng hơn. Vì đã xuất hiện hơn một lần: tôi. Tôi?
16-1-1966
3 giờ khuya, chắc thế, vì ngoài đường đã yên xe cộ. Tôi vừa sực tỉnh một cơn mơ hoảng. Tôi ghi lại nơi đây. Để xem sao. Vì có người cho rằng mơ mới là thật.
Tôi thấy tôi lạc vào một hang tối, chắc là sâu, chắc là dài. Tôi giơ hai tay trước mặt để dò đường đầu mười ngón tay bỗng rờn rợn những bộ lông ướt át. Chuột. Lúc nhúc hằng hà sa số. Tôi co người lại, sởn gai ốc khắp cơ thể. Nhưng tôi vẫn bị đẩy về phía trước, cố cưỡng lại cũng vô ích. Cả người tôi, thân xác với tinh thần, chỉ còn thu lại một cảm giác kinh tởm đến tột độ, cảm giác tự đầu ngón tay lan qua vai đến gáy lành lạnh chảy suốt dọc xương sống. Chuột chen vào tôi, chân chuột trèo lên mình, mõm chuột rúc vào cổ, đuôi chuột ngọ nguậy nơi mũi, nơi miệng, tiếng chuột rúc rích, chí chóe nơi tai.
Một lát sau, chân tôi thoát khỏi đám chuột lầy nhầy, đất rắn chắc đón chắc bàn chân, đá tai mèo nhọn hoắt đâm vào gan bàn chân: tôi không thấy đau mà sung sướng như người bệnh giơ tay đón mũi tiêm thuốc bổ. Tôi nhìn lên trên. Tít trên không, qua một khe hở nhỏ là ánh mặt trời và một khoảng trời xanh. Tôi nhìn lên, nhớ lại những giờ phút quá khứ tắm nắng mùa thu, ngao ngán như nhớ lại một thiên đường vừa dời bỏ. Tôi cảm thấy hành trình chưa chấm dứt, vẫn phải dấn bước tiến sâu vào lòng đất, lòng mang một mối đinh ninh rằng cứ phải đi, cứ phải bước tới, rằng sẽ đến, thế nào cũng gặp. Đến đâu và gặp gì? Tôi không biết, tôi không lý luận, tôi lai dấn bước, đều đều. Hang nhỏ hẹp dần, sâu hoắm. Khoảng nắng lành ngoài kia đã tắt. Khoảng trời xanh đã trở thành bàng bạc màu xám lạnh nhưng vẫn đủ rọi sáng lòng hang.
Cứ như thế, lâu lắm. Rồi bỗng dưng tôi dừng lại. Tôi biết rằng sắp đến. Chỉ một bước nữa là đến, là gặp.
Và tôi tỉnh dậy.
Những ngày chờ Tết
Sống thoải mái. Sống không nghĩ. Sống như lũ con tôi, sửa soạn ăn Tết.
Một đêm mất ngủ
Tôi thường nghĩ một điều tối kỵ của sinh hoạt trí thức, nhất là sinh hoạt văn nghệ, là sự câu nệ cố chấp, là sự dừng lại ở những nếp sống, nếp nghĩ coi như những công thức bất di bất dịch. Kịch nghệ Pháp ở thế kỷ XVII là một thí dụ. Người sáng tác có cảm tưởng như đi trong thành phố Sài Gòn hôm nay, đường sá chỉ được sử dụng một chiều, người cảnh sát công lộ Boileau lăm lăm cuốn sổ phạt trên tay, ghi đen trang giấy những lõi phạm quy: nào là luật lệ nhất trí về không gian, nào là luật lệ nhất trí về thời gian… Đường một chiều có thể lợi cho loại xe tự động. Xa một chút, quanh co một chút có là gì, khi xe có thể chạy tới 80 cây số giờ (trong thành phố). Xe tự động Racine lấy chất đam mê làm nhiên liệu, tiến lên vùn vụt, hầu như bất chấp luật đi đường, hầu như không để ý đến đèn xanh đèn đỏ, mà lại rất thoải mái trong những quy tắc nhất trí. Nhưng đường một chiều nhiều khi đã kéo dài mỏi mệt cho một chiếc xe có dùng đến nhân lực để chuyển vận. Và nhiều lần, quả thật, chiếc xe đạp Corneille và đã phải ì ạch, làm xiếc, trong bộ luật khắt khe của kịch nghệ cổ điển. Tôi tự hỏi nếu Corneille có được cái phóng khoáng của một Shakespeare, nếu Corneille có được cái phóng khoáng của một Shakespeare, nếu Corneille sinh vào thời kỳ Hugo?
Vấn đề đặt ra là có nên luôn luôn phá bỏ những công thức coi như bất di dịch? Người làm nghệ thuật hôm nay hầu như nghiêng về một thái độ quyết liệt: lên án những cái gì đã qua, ngay cả cái đang hiện hữu. Hẳn muốn tiến tới, bước những bước mạnh dạn về phía trước mặt, luôn luôn về phía trước mặt. Phải dứt khoát với dĩ vãng, dầu sáng ngời vàng son, phải coi hiện tại là cái thế chông chênh vươn tới tương lai manh nha trong hiện tại. Công thức? Nếp sống, nếp nghĩ, nếp viết? Phải vượt qua như một lực sí vượt hàng rào trong một cuộc chạy thi 110 thước.
Nhưng tôi nghĩ rằng thái độ đó cũng lại là một cố chấp. Và cố chấp đả phá cũng sẽ trở thành một nếp sống, một nếp nghĩ, một nếp viết, dẫn đến những công thức. Tôi cho rằng một thái độ trí thức, một thái độ văn nghệ, phải là một thái độ phi công thức. Tôi chắc rằng trong khi cầm bút, Racine đã không hề nghĩ đến những quy tắc nhất trí và Đỗ Phủ cũng chẳng bận tâm đến niêm luật Đường Thi.
Người làm văn nghệ hôm nay hoài nghi khi đề cập tới một vài giá trị tinh thần. Họ hoài nghi tính cách vững bền của những giá trị đó. Chẳng hạn tình yêu. Văn thơ hôm nay đề cập tới tình yêu bằng một giọng không dám thú nhận những ý nghĩ thật.
Người con trai 1965 vẫn thèm yêu, khao khát tình yêu. Nhưng khi nói đến đàn bà thì lập tức nó sẽ nhìn trước nhìn sau, e dè (sợ người khác cười nếu ta nói là ta yêu, là ta cũng thèm yêu, là ta sợ người ta không yêu ta), lập tức nó trở nên cynique, một thái độ ẩn nhiều mặc cảm. Bước vào tác phẩm, nó sẽ trở thành một nhân vật được yêu mà chả thèm yêu, hất hủi đàn bà, có những phản ứng bất ngờ, phi lý (?) trước những lời mời chào của một người con gái. Một người con gái rất đẹp, dĩ nhiên.
Tôi có thể hiểu thái độ đó. Nhưng tôi cho đó cũng là một công thức.
Nếu tôi có một thứ Nathanael để mà thủ thỉ, tôi sẽ hát cho nó nghe một bài ca chân thành.
Nathanael, Nathanael… nếu mở mắt ra mà thấy ánh vàng mặt trời mọc trải vàng cỏ xanh, nếu thấy vui lâng lâng dâng lên tự những tế bào thân xác, tự những vi ti huyết quản chằng chịt con tim, nếu lắng tai nghe mà thấy tiếng con sơn ca vang lừng chất trong đầu, nếu thấy đồi xa là mộng, nắng vàng sao mà nhớ nhung, nếu thấy rằng nhiều khi hạnh phúc chỉ là một sát-na no tròn ý hướng sống, thì, hỡi Nathanael, tại sao lại nỡ đăm chiêu, và trong hộp phấn màu cuộc sống, để vẽ cuộc sống, tại sao lại nỡ chỉ chọn riêng một màu xám lạnh?
11-2-1966
Câu chuyện tàn dần.
Chúng tôi ngồi vây bủa bởi đêm thâu.
Ngoài kia, sương toả mặt nước Xuân Hương hồ Đà Lạt, dãy đèn ven bờ bên kia sao mà đơn chiếc – tâm sự đồng trinh với nhau kể lể một mình. Giọng Thanh Thuý – ánh mắt sâu thẳm đêm Hương Giang bồng bềnh sông tóc chảy dài đen thẳm – giọng Thanh Thuý đầy ắp quán rượu dựng trên mặt nước có cửa kính đóng kín, người ngồi bên trong nhìn, ấm cúng, gió lạnh 12 độ ngoài trời.
Giọng Thanh Thuý, lời ngây ngô của bài ca – có anh có em, có đêm chia ly, mặt trăng và dứt áo lên đường trong lành lạnh bình minh – tất cả âm thanh, còn gió thổi lên tự phía xa, tự miền Ankroet, tự hồ Than Thở, còn thông trên đỉnh những ngọn đồi bủa vây Đà Lạt; tất cả ánh sáng, đường hằn sâu hoắm khuôn mặt người nào nơi góc quán, mảng trắng toát đồ khâm liệm bức tường quầy hàng và nhất là tấm kính chấm phá những nét phản ánh ấm vàng gần gụi của đèn gắn trên thường quán rượu lẫn lộn với nhiều nét kỷ hà néon lạnh tài xa vời dốc chợ; tất cả mùi vị, mùi gợi vị, tanh tanh, lạnh lẽo, bánh đúc chợ chiều; cái tên quán rượu, La Grenouillère; tất cả tự kết hợp để tự hoàn thành một tác phẩm siêu thực.
Chúng tôi lặng lẽ, mỗi người một ngả, đi vào cõi mơ của mình, của riêng mình.
Anh bạn, tóc anh đã hoa râm, thân xác anh nghe như đã bắt đầu nứt rạn – căn nhà nước sình đã thấm chân tường -, tôi biết hành trình kiếp sống của anh, đã tới đỉnh đồi cuộc sống. Dốc leo hết rồi – đá tai mèo lởm chởm, gan bàn chân rướm máu nhưng mồ hôi lành nở hoa trên khoảng trán không nhăn -; đã qua rồi những nẻo đường mờ sương rừng, tưởng như vô cùng tận ngộp thở, tưởng như vô cùng tận nhớ về một hút chân trời; và cũng đã qua tự lâu, những lối ngoặt thước thợ, mắt nhìn chỉ thấy trời xanh, chỉ thấy vực thẳm. Anh bạn, anh đã tin, đã yêu, hơn một lần đã bị phản bội, đã sung sướng, đã đau khổ, giờ đây – trời Đà Lạt càng về khuya càng lạnh, càng heo hút bề sâu, càng nở thêm sao -, tôi biết anh đang muốn quên, anh đang quên, quên dần cho đến hết. Để tìm gặp tôi.
Anh vừa mới nhìn tôi. Trong ánh mắt bỗng thơ ngây, tôi đọc một câu hỏi không đợi trả lời:
“Anh nghĩ gì, anh bạn?”
Thì cũng như anh, tôi đâu có nghĩ. Trong tôi, trong anh, đã lên đường, đã mất hút, có lẽ đã chết hẳn rồi, cả Khổng Tử lẫn Karl Marx, cả Thích Ca Mâu Ni và Chúa Kitô. Từ lúc nãy, đã lâu rồi, anh có nhớ không, khi trên một phương trời anh và tôi đều lười không định hướng, bỗng kéo dài một vệt sao rơi.
Một dòng men lạ chảy ấm trong tôi và cả trong anh. Đêm Đà Lạt nửa khuya, tôi không nghĩ, tôi đang chỉ là anh.
12-2-1966
Tôi muốn nói với anh bạn trẻ định làm văn nghệ rằng thành thực, anh có thích làm văn nghệ hay không, thành thực anh có cảm thấy cái nhu cầu rạo rực muốn biểu hiện một cái gì trong anh bằng lời, bằng âm thanh, bằng màu sắc, mê tiếng và chỉ vì tiếng, âm thanh vì âm thanh và màu sắc vì màu sắc; anh có luôn luôn hừng hực một đam mê trong lòng trước trước, cỏ và hoa và mây và gió của thiên nhiên và cuộc sống muôn hình vạn trạng của con người; anh có sẵn sàng luôn luôn mang tâm trạng người tình của tất cả – yêu không phải chỉ là sung sướng, mà còn là haòi nghi đau khổ dằn vặt xao xuyến ghen tuông nghẹn ngào tủi hổ; anh có dám sống, sống trọn vẹn, không hối tiếc, sống nguy hiểm, bất chấp dư luận – vì tin rằng mọi hành động của mình đều hướng thiện nghĩa là đẹp -, sống phi công thức – vì tin rằng luôn luôn phải sáng tạo, tin rằng công thức chỉ là một thứ quan tài khâm liệm vĩnh viễn sáng tạo?
Tôi muốn nói anh bạn trẻ định làm văn nghệ rằng, nếu không, thì tại sao lại tự hành hạ mà nuôi ý hướng làm văn nghệ? Ai bảo làm văn nghệ là sướng? Ai bảo làm văn nghệ là khổ? Không, làm văn nghệ chỉ vì không thể không làm văn nghệ.
Sài Gòn Huế Hà Nội và tôi
Một thoáng hiện hốt nhiên bất chợt nơi một lối ngoặt, một ngã tư, một hè đường, một chút nắng đan trên mặt lộ, một thoáng hiện như một sự kiện đã xảy ra, như rớt tự một dĩ vãng đâu đây, chỉ có thế, hơn nữa, khởi lên trong giây lát để rồi tan đi như bọt xà phòng, nhưng bởi đã thấm nhận diện là quen thuộc, mà người trong cuộc – tuy đang sống vội giữa lòng sinh hoạt phồn tạp đô thị vô tính – chợt sững người, chợt nhớ lại, chợt thấy dấy lên tự sâu thẳm ký ức, một vài nét kỷ hà đường ngang lối dọc, một vài khối hình lùm cây, nóc phố, để, từng mảnh vụn chắp nối, một bối cảnh thành hình, một địa danh được gọi lên và một thành phố được khai quật. (Một thành phố dời bỏ đã từ lâu, tưởng đã trọn vẹn vùi lấp trong đất và đá của một vụ chấn động tâm tư nào đó mà sức tàn phá một cơn địa chấn thời hoang vu, cả một lục địa một sớm vụt trở thành bốn bể).
Cái hiện tượng bất giác bị đẩy lùi về dĩ vãng đó, tôi vẫn cứ thấy giống như một khai quật nhớ thương hướng về một người. Một người đàn bà.
Một thành phố như vóc dáng một người đàn bà. Cũng thờ ơ, lãnh đạm, vô tình, vô duyên, cũng quyến rũ, yêu, nhớ, dứt áo ra đi, trở về đột ngột. Sống, ở đó, là thôi suy nghĩ về đó, như với một người đàn bà, dấn thân vào hành trình một cơn đam mê, là dọn mình để chấp nhận tất cả: tiếng động của xe cộ, phiền toái của luật lưu thông đèn xanh đèn đỏ, bụi bặm của một khung trời chật hẹp, rác rưởi của đầu đường xó chợ, sình lầy của ngõ hẻm, bất ngờ của điện và nước, và thỉnh thoảng, những buổi sáng sinh động, những buổi trưa tĩnh vật, những buổi chiều tay muốn nắm tay, những đêm xuống thân xác tìm thân xác. Sống, ở đó, là… sống ở đó. Không đặt vấn đề. Không thẩm định giá trị. Cho nên… Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi là ngớ ngẩn, là sai lầm. Vì Sài Gòn không thể đẹp, không thể xấu đối với người Sài Gòn. Trước khi yêu, người ta có thể bình tĩnh phân tích, ngắm nghía, so sánh. Yêu rồi là thôi tính toán, là chuồi theo, là hết. Hình như toà buildgin Caravelle có xây nghiêng mấy độ, người Sài Gòn vẫn thản nhiên tản bộ đường Tự Do. Sài Gòn bị pháo kích, người Sài Gòn lầm lũi lo sợ nhưng nếu có chạy thì cũng vẫn quanh quẩn đường nọ tản cư sang đường kia, khu phố này xê dịch sang khu phố khác. Rút cuộc người Sài Gòn vẫn ở lại Sài Gòn.
“Sài Gòn là đất bồi, là bến nước, là bốn mùa luân chuyển trong một ngày, là mưa là nắng dứt khoát hai vụ gió mùa, là đam mê, là sống vội hôm nay, không có hôm qua, bất chấp ngày mai”: có thể là như vậy. Nhưng đó là tự Paris Cần Thơ Sóc Trăng Hà Nội Bắc Kinh, đó là những người làm văn làm thơ, những người nghiên cứu địa lý xã hội… đó là những người khác luận về, ca tụng, viết về, bàn tới Sài Gòn. Người Sài Gòn tại Sài Gòn gắn liền với định mệnh của riêng mình vào định mệnh chung của Sài Gòn và không có ý kiến về Sài Gòn.
Không biết xa Sài Gòn, người ta có nhớ Sài Gòn, nhưng có những nơi người ta đang định cư, đang lạc nghiệp, chưa hề dời nửa bước ra khỏi đường ranh, mà nhớ nhung vẫn hiện hữu, vẫn giăng mắc đâu đây – ở mọi ngả đường, đầu phố, ngã ba, ngã tư – ngay trong sinh hoạt hằng ngày. Hầu như nhớ nhung ở những nơi đó đã trở thành một thứ hạ tầng cơ sở mà lầu ngang phố dọc, chợ búa, bát úp nhà phường, tàn cây, lối cỏ xây dựng lên trên chỉ là những kiến thiết thượng tầng. Huế chẳng hạn. Huế là dĩ vãng, luôn luôn là cái đã qua đè nặng lên cái bây giờ và rọi bóng âm thầm lên dự phóng những buổi sáng ngày mai. Huế là mối tình phảng phất màu bệnh tật, người đàn bà thường kỵ ánh sáng mặt trời. Huế là mờ mờ nhân ảnh dọc một dãy hành lang Đại Nội, là tinh tuý chất đen láy của một ánh mắt có đuôi trộn với chút lệ ma Hời, là lãng đãng khói sương bên kia bờ con Hương Giang có hoa bắp lay lắt từng đợt gió Lào, là thấp thoáng vô tình mà hữu ý bóng ai qua những xen kẽ thưa mau một bức giậu tre ngăn đôi hai căn nhà cổ rêu mát leo chân tường miền Vĩ Dạ. Tự lòng kiến trúc, Huế ôm chặt lấy dĩ vãng của mình, bởi những con đường thương mại chạy dọc Hương Giang không làm được tròn nhiệm vụ hoà giải giữa cung miếu triều xưa và những xây dựng nấm mang ý hướng noi theo tiến hoá. Tự chất liệu, hình thành, tự đất, nước và đá. Huế thoả mãn, tự kiêu với niềm hoài cổ, đá núi Ngự sừng sững bế quan toả cảng, nước sông Hương đẩy hiện tại ra bể Thái Bình. Huế là trăng, sinh hoạt ban đêm, là mối tình ê chề, luôn luôn chờ đợi một tiếng gà gáy lẻ để nhớ về một mối nhân duyên gắn bó “vợ con chuyện nhà”, muốn dứt đấy mà những buổi chiều “nắng chia nửa bãi’ lại vẫn thấy ngậm ngùi, chân quen lối cũ, đường cỏ xuyên qua nương sắn lại mòn thêm một lần nhón bước, một lần nữa… (thôi hỉ!).
Tôi hiện đang sống giữa Sài Gòn. Tôi đã hơn một lần dừng chân ở Huế. Nhưng tôi sinh trưởng ở xa hơn nữa, giữa lòng Hà Nội. Và vào lúc này, nghĩ về Hà Nội, tôi không biết viết gì ngoài một lá thư. Một lá thư bình dị. Của một đứa con gửi một người mẹ. Một người mẹ đã mất. Và tôi nhận thấy ngay một cần thiết giải thích.
Số là… nghĩ về Hà Nội thì trong cái mông lung rối bời mờ mờ hiện hiện, tôi chỉ còn thấy hiện lên những con đường. Xa vời hồi tưởng là con đường rầy và những đoàn tàu phanh rít rợn thần kinh rầm rộ băng qua mặt đường Sinh Từ, phong ba di chuyển rúng động toàn thể căn nhà nhỏ bé tôi sinh trưởng nằm sát bóp ghi, lừng lững đi vào sân ga Hà Nội. Quái dị, chập chờn, ôi, những sực tỉnh nửa khuya từ tấm bé – chuyến xe tốc hành đến tự Hải Phòng 12 giờ đêm kìm bớt đà trớn từ từ đi vào đầu ghi: giữa giấc ngủ nồng hơi mẹ, bỗng lẻn vào hương vị của than Tân ước, tiếng gọi của cò tàu và ma lực quyến rũ của ý hướng mang mang một rời bỏ và những lên đường. Tôi rời lòng ấm của mẹ tôi để đi vào những giấc mơ đại dương trời xa và rộng chỉ còn là một con đường cong chấm dứt chân trời. Những giấc mơ đó thường kéo dài mất hút vào những giấc mơ lớn khác và thường kết liễu, đột ngột, khi mẹ tôi từ từ ngồi dậy – khí lạnh đêm tàn lẻn nhẹ vào chiếc mền nâu – khi giơ tay ra ôm và yên trí là mẹ thì bỗng sững sờ bởi chỉ bắt gặp một khoảng không buốt ngắt, một chiếc gối cứng ngắc đượm hơi sương sớm ngoài trời.
Con đường nào cũng để xa nhà. Nghĩa là xa mẹ. Con đường chạy quanh bãi đá bóng Cột Cờ, đi tự sớm để tranh chỗ tốt, về thật chậm, chân giẫm lên sương của cỏ, bước chân ngần ngừ trước ngưỡng cửa nhà, lòng hoang mang sửa soạn đối phó với ánh mắt đợi chờ bữa cơm chiều của mẹ. Con Đường đôi dẫn lên Quan Thánh dẫn đến Trường Bưởi, chuông xe điện lanh canh, bước chân rộn vội bước theo chân bạn. Con đường Carrau, cây mọc vút cao hy-vọng-sinh-viên, cành cây nhung nhúc lộc non lồng ngực sinh viên dầy dưỡng khí của những ngày mai. Con đường ngoằn ngoèo làng Láng, Voi Phục, Cổ Ngư, nhịp bước dài và mạnh hơn bước của ai, tay nắm tay ai run rẽ chiêm chiếp chiếc chim non. Con đường… còn rất nhiều con đường. 9-3-1945. 19-8-1945. 19-12-1946. Và… con đường xuyên Việt Hà Nội Huế Sài Gòn 1954.
Con đường nào cũng để dẫn đi xa. Xa lòng mẹ.
Nhưng tôi lại nghĩ thêm rằng con đường nào nếu đã dẫn được đi xa tất cũng có thể dẫn về, dẫn trở lại. Và cũng bằng những con đường cũ, hơn một lần, tôi đã trở về để mong ước rất viễn vông, để giả tưởng rất hão huyền rằng… nếu mẹ tôi chưa mất… Để được viết một lá thư. Rất bình dị. Lá thư tất nhiên phải kết luận như sau:
Thưa mẹ… con, chúng con xin kính chúc mẹ đôi chữ bình an. Còn về phần con, còn về phần chúng con, thì nhờ Trời, nhờ Phật… vẫn được như thường. Nay kính thư.
Và ở dưới, dĩ nhiên là phải ký tên. Rất rõ: Khoan con.
Thu muộn
Gió bờ lau hiu hắt đậu nhẹ vào lòng bàn tay kỹ nữ, gió thổi về theo triền nước Tầm Dương, gió đổ xuống làn phách chót vừa buông: tiếng đàn ngừng bặt. Bản hành họ Bạch tuy đã chấm dứt mà âm hưởng tiếng tơ tiếng trúc vẫn còn vương vất trong một khoảng tâm thức nghe như đã dậy hồn Đỗ Phủ, nghe như đang lất phất những nét mưa nhỏ giàn dưa. Khi chuyển mùa quạnh gian phòng có cánh song hé mở vào một mảnh trời xanh thẳm, sương ôm gốc chuối vườn hoang.
Người gảy đàn bám lấy cây đàn, trông mắt dại đờ, vừa dứt một cuộc giao hoan với gái Liêu Trai. Dây tơ thôi thế là đã tròn nhiệm vụ, hoàn tất một cuộc đồng hành – tiếng đàn tiếng hát dìu nhau đã tới trạm chót hành trình một tâm sự một gái giang hồ nhớ về dĩ vãng, một ông Tư Mã nuôi sầu nơi đất trích – dây tơ đã thôi làm rộn bàn tay vuốt nắn mà từng đốt, từng ngón đang buông thả dần tất cả cái tê buốt nhói đến tâm can, cái tê buốt khởi lên từ bài hành đi vào khổ dựng.
Từ xa kinh khuyết…
Thôi hết rồi gió phách với mưa đàn. Đâu đây, vương vất, chỉ còn là gió và mưa của trời và đất. Lòng đàn trở lại hoang vu. Lòng người trở lại cái trống không yên lặng của bạt ngàn thế giới tiếng tơ tiếng trúc, tất cả cái trống không bình sinh của những kiếp cầm ca.
Ta hát chơi mà khách cũng nghe chơi.
Người hát nhìn người nghe hát, đuôi mắt kéo dài. Ước gì, vạt áo ai kia cũng ướt đầm nước mắt của ai nhỉ? Duyên đã khởi rồi đó, nhân nhân quả quả trùng trùng, tình bắt nhịp tự xênh và phách chắc là phải gây sóng gió, chắc là phải tạo phong ba không biết tới bao giờ. Ngoài kia trời xanh thẳm. Nơi đây cũng là đất trích. Nơi nào có ấm êm? Lạnh nghe đã nặng vai gầy, nghe như đã thấm vào đến tận đáy lòng của cây và cỏ. Áo kép năm xưa cất kín đáy rương, chắc là phải hóng đến ba buổi gió sớm mới phai được mùi mốc ẩm. Giếng khơi nơi quê cũ vào tiết này chắc là trong vắt. Hoa súng nở tím bờ ao lạnh. Bèo giạt. Mưa sô giàn mướp đắng.
Từ xa kinh khuyết, hỡi ơi!
Người nghe hát là một gã trọc đầu, bình sinh chỉ có một nguyện: nhất định tìm đường tắt để tới Niết Bàn. Hắn nghiêng nghiêng nâng roi thi lễ. Rồi roi đặt bên tang trống, trong nửa khuya của mùa chuyển tiếp, bỗng dưng bất chợt một tiếng gà gáy lẻ vọng lại tự thôn xa. Bèn nghĩ rằng cái âm thanh cô độc đó gieo lên thật là đắc địa, thật đáng là một nét nhạc chấm dứt cái không khí bến Tầm Dương đón đưa khách lạ. Lại nghĩ rằng vẫn thiếu một chút gì nữa, nếu không thì hoá ra tất cả chỉ là dư. Một chút xạc xào chăng? Một thoáng se da chăng? Một chút gì. Một đợt gió. Đúng.
Và người nghe hát ngẩng đầu, toét miệng mà cười. Vì tự đâu đâu, tự những kiếp nào chẳng rõ, bổng thổi về một đợt nhỏ heo may.
Cười xong, xoa đầu mình mà nghĩ thêm rằng nếu cuộc sống cứ luôn luôn là những giây phút tương tự giây phút vừa qua, thì cuộc sống vẫn cứ là được. Thì sống là tới vậy.
Bạt
Thuở ấy, khi rượu nho ủ kín tự mùa thu bắt đầu cựa quậy lên men; khi vùng trời Địa Trung Hải vừa rũ sạch bụi xám mây cuối mùa đông để trở về máu thiên thanh nguyên thuỷ; khi con trai và con gái thành Athènes nhìn nhau để chọn màu áo, nắm tay nhau nhịp bước ra khỏi cổng thành, má au hồng mà nghe mùa xuân rạo rực từ lòng huyết quản; khi đồi, núi, sông biển và lộc cành nho, tất cả tự động quay cuồng trong một CƠN BAY mênh mông vô tận; thì tự ngàn xưa, hồn hoang thần Dionysos cũng tự lòng đất bước ra khỏi cõi u minh thần thoại, thơ thẩn đầu ngọn cỏ, vương vất nơi cành cây thầm ước tái sinh, đợi giờ, nhập thể. Trong CƠN SAY đó, nghệ thuật thành hình.
K.
Chị Nguyễn kính,
… Chưa hết. Người ta lại vừa nêu thêm lên một thuyết nữa. Thuyết cơ cấu. Và những danh từ riêng Lévi–Strauss, Roland Barthes, Starobinski… cộng với những danh từ chung mang một âm hưởng ỡm ờ khoa học degré zéro de l’écriture, texte limite, signifiant, signifié, habitat ennuchoide, viriloide… tất cả đã đồng loã lập thành một thứ ngôn ngữ thời thượng. Tôi có cảm tưởng, tựu trung, người ta không tiến không lui, người ta vẫn đứng nguyên vị ở cái ngã tư bế tắc mà cả hai đường phải trái đã tự lâu đều cắm cao tấm bảng một chiều. Một chiều Marx và một chiều Frend. Lucien Goldman và Charles Mauron. Tựu trung, cái mà người ta muốn khám phá trong tác phẩm nghệ thuật, tôi nghĩ rằng cái đó vẫn ở đó, vẫn như thế, người đạt tới vụt đến, vụt đi, đến đó, đi đó. Như lai.
… Tôi nghĩ rằng lũ chúng ta chỉ là một lũ người tuy gần sạch nghiệp nhưng vẫn còn bị ám ảnh bởi một cái gì – một cảm giác mơ hồ về mọi hành-động-đã-lỡ, một gợn tâm tư, một hình-như-kỷ-niệm Ở ngay hôm nay nảy mầm trong yên lặng, ở một kiếp nào dây dưa đến mãi hôm nay. Hình như, hình như tận cùng sâu thẳm tâm thức chúng ta, một vài mảnh hồn hoang vẫn còn ẩn náu, bởi còn quyến luyến hương và vị cuộc sống mà chưa chịu đầu thai. Có những đêm, tròng mắt muốn khép kín bưng mà vẫn mở rộng, hút dán vào cái hình thù quái đản một đôi thạch sùng quấn quít, ta bỗng thấy bồng bềnh lạc vào một bến nước lạ, lạ đấy mà lại như quen. Có những nửa khuya, bỗng dưng lọt kịp được vào cái nhịp xao xuyến tâm thức chúng ta, để trong một sát-na ngỡ ngàng, ta ngẩn ngơ thấy ta không còn hẳn là ta, ta hình như đã là một cái gì, ta rồi ra hình như sẽ phải là một cái gì. Ta tưởng ta là Đường Minh Hoàng.
Đó. Chị thấy không? Cái đó… chính là cái đó. Và đó cũng là cái khổ của chúng ta. Chúng ta bị ma làm. Chúng ta bị tà ốp.
Quên? Giơ cao bàn tay mặt để tuyên thệ suốt đời lẽo đẽo tuân theo một nếp kỷ luật, khoác một chiếc áo đen, xuống một mớ tóc, đẩy một con sào cho bên này chồng chềnh nối tiếp bến khác, để luôn luôn núi sông người và cây cỏ biến áo trước đôi mắt lúc nào cũng muốn ngơ ngơ ngác ngác, ngồi xuống theo một thế kiết già để lọt được vào cái trống rỗng của thiền, hay yêu, hay thù, hoặc ngập lặn trong nhầy nhụa của truỵ lạc – chị Nguyễn ạ, có lúc nào con người xao lãng cái công cuộc khám phá phương cách để quên? Nhưng tôi nghĩ rằng quên chỉ là thoả hiệp, quên không dứt khoát, quên không giải quyết. Vấn đề sẽ còn nguyên vẹn – nỗi tấm tức những mảnh hồn hoang lẩn thẩn trong ta -, vấn đề sẽ lại đặt ra, ở một giây phút nào đó ngay trong hiện kiếp, ở một kiếp nào đó, nghiêm trọng hơn nhiều. Phải giải quyết, nghĩa là thanh toán cái đám u hồn tà ma ám ảnh chúng ta. Chúng ta có thể làm được việc đó, chính chúng ta, hình như chỉ chúng ta. Bằng viết. Viết như một truy kích tà ma. Viết như một vận dụng quyền uy phù thuỷ mà âm binh là những ngôn từ. Tôi biết rằng đã có những phù thuỷ vì non tay mà bị vật ngã bởi chính âm binh của mình. Một người phù thuỷ tự trọng phải có gan dấn thân vào một hành trình không thường (bắt buộc, vì trong trường hợp chúng ta, phù thuỷ với con bệnh lại chỉ là một) nơi xuất phát là vùng ý thức sáng rực mặt trời manh nha tự cái riêng biệt của hiện tại hực sôi thế sự, (hẻm sâu tiềm thức đặc quạnh ẩn ức chỉ là trạm nghỉ chân), nơi tới chính là trung tâm cơn lốc xoáy trôn ốc của mênh mang vô thức nguyên thuỷ mà hấp lực – cường độ tương xứng nhịp rung động tâm thức chúng ta – hấp lực có thể nghiền nát tất cả quá khứ lẫn vị lai, bóp vụn tất cả hình hài của vạn vật sinh sinh hoá hoá. Người phù thuỷ giữ vững tay quyết, mở ngỏ sáu giác của mình, chiêu dụ cơn lốc nhập vào thân xác, choáng váng đảo đồng, trở thành cơn lốc, để rồi giữa cơn “tuý luý càn khôn”, đánh vần từng tiếng, xếp lại thành câu, kiến trúc những thế giới rất thực mà lạ hoắc, xây dựng những vũ trụ hoang đường nhưng quen thuộc, nhào nặn những nhân vật tuy quái đản mà lại rất người, bố trí những thế sống vừa đặc biệt lại vừa thường nhật. Để hình thành cái mà người đời thường gọi là tác phẩm.
Tôi không cười khi nghĩ rằng chúng ta là một lũ Thượng đế. Bởi chúng ta sáng tạo.
Tôi không cười khi nghĩ rằng sau đó, chúng ta trở thành một lũ A-la-hán. Bởi chúng ta đã vượt ra khỏi cái vòng kiềm toả của nhân duyên bám rễ tự những hằng hà sa số kiếp nào. Bởi những u hồn lẩn quất trong ta, như những con trùng vi ti gặp sức đối kháng trụ sinh, khi con-đồng-phù-thuỷ đã tỉnh cơn say choáng váng, bút say dừng lại, tác phẩm thành hình, những u hồn đó sẽ ôm nhau than khóc, sẽ bồng bế rủ nhau đi khỏi thân xác chúng ta.
… Như vậy, trước hết và ở ngay ý hướng bắt đầu, ngay nơi căn bản, viết chỉ là vì mình. Nhưng nếu người đọc cũng thấy ngây ngất lây men tuý bút, nếu đọc có thể trở thành một nhận diện tà ma ở ngay nơi thân xác người đọc, thì… đó không phải là lỗi mà cùng không phải là công của người viết. Có phải không, chị Nguyễn?
… Tôi chắc bây giờ thì chị đã hiểu tại sao tôi lại dùng danh từ tuý bút. Tuý chứ không tuỳ. Chị thấy không, tôi đâu có lập dị?
1-1971
Vũ Khắc Khoan sinh năm 1917 tại Hà Nội. Tốt nghiệp đại học. Giáo sư tại các trường trung học Nguyễn Trãi (Hà Nội) và Chu Văn An. Viết văn, soạn kịch, dựng kịch, làm báo. Cùng với một số bạn hữu, thành lập nhóm văn hoá Quan Điểm, xây dựng ý thức hệ tiểu tư sản trí thức. Hiện là giáo sư tại các Đại học Vạn Hạnh, Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Văn khoa Đà Lạt, Đại học Sư phạm, Trưởng ngành Kịch nghệ tại Trường Quốc gia Kịch nghệ và Âm nhạc, chủ biên nguyệt san Vấn Đề. Mơ Hương Cảng, tác phẩm thứ tám đã xuất bản của ông, là một tuyển lọc những ý tưởng trọng yếu ông nghiền ngẫm đọc hai mươi năm về thế sống và nghệ thuật – hai mặt cạnh mật thiết liên quan của một toàn khối là đời sống.
Tác phẩm của Vũ Khắc Khoan:
Đã in:
* Thằng Cuội ngồi gốc cây đa, lộng ngôn
* Giao thừa, kịch
* Hậu trường, kịch
* Thần Tháp Rùa, truyện
* Thành Cát Tư Hãn, kịch
* Vở chèo Quan Âm Thị Kính, khảo luận
* Ngộ nhận, lộng ngôn
* Mơ Hương Cảng, tùy bút
Sẽ in:
* Những người không chịu chết, kịch
Nguồn: Vũ Khắc Khoan. Mơ Hương Cảng. Tùy bút. Kẻ Sĩ xuất bản lần thứ nhất 1971, ngoài những bản thường còn in thêm 50 cuốn trên giấy trắng dày, những bản này không bán đều man dấu son Bất Bình Tắc Minh và chữ ký của tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét