Bitcoin: thông minh nhưng vô dụng?


Hầu hết mọi người, kể cả những “kẻ thù” của Bitcoin, đều phải công nhận Bitcoin là một sản phẩm của trí tuệ đặc biệt thông minh. Bitcoin là gì? Nói nôm na, Bitcoin có thể hiểu là một loại tiền điện tử do một số cá nhân tạo ra, không liên quan đến bất cứ chính phủ nào.

Trên nguyên tắc, ai nếu muốn cũng có thể tạo ra một loại tiền điện tử, vấn đề là nó có được người khác chấp nhận hay không. Trước Bitcoin cũng có nhiều loại tiền điện tử, ngay cả Facebook cũng tạo ra một loại tiền điện tử là Facebook Credits, tuy nhiên đều không thành công. Bitcoin là đồng tiền điện tử đầu tiên thành công ở góc độ nó hấp dẫn một lượng lớn số người khắp nơi trên thế giới.

Nó hơn gì các loại tiền điện tử khác? Và tại sao nó lại được coi là thông minh? Nếu xem lại khởi thuỷ của ý tưởng này, từ sách trắng của Satoshi Nakamoto(người sáng lập Bitcoin) được đưa lên mạng năm 2008, có thể thấy mục tiêu ban đầu của Satoshi không phải là tạo ra một hệ thống tiền tệ mới thay thế các hệ thống tiền tệ truyền thống (như nhiều đệ tử nhiệt thành của Bitcoin vẫn hay ca tụng). Satoshi chỉ muốn tạo ra một hệ thống thanh toán, chuyển tiền online an toàn, rẻ, và không cần đến các định chế tài chính can thiệp vào, và hướng đến các giao dịch online có giá trị nhỏ.

Đứng trên góc độ này, dễ thấy việc chuyển tiền, nhất là chuyển từ nước này sang nước khác, và giữa các hệ thống ngân hàng khác nhau, khá tốn kém. Các “bên thứ ba” như các ngân hàng, các công ty tín dụng (Visa, Master Card, American Express…) hay các công ty chuyển tiền (như Western Union) đều tính phí cao và mất nhiều thời gian. Một hệ thống như Satoshi đề xuất sẽ làm cho mức phí này giảm đến mức tối thiểu (thậm chí miễn phí) và thời gian chuyển tiền nhanh hơn rất nhiều. Vì thế, trên nguyên tắc nếu triển khai thành công thì nó là một sự đóng góp có ý nghĩa cho xã hội.

Thực ra ý tưởng của Satoshi về hệ thống thanh toán online trực tiếp (không qua các trung gian định chế tài chính) trên thực tế không cần phải tạo ra một loại tiền mới. Nó có thể vận hành với một loại tiền có sẵn (thí dụ USD). Tuy nhiên, Satoshi đã thành lập Bitcoin, và tạo ra một loại tiền mới.

Hệ thống Bitcoin vận hành như thế nào?

Thử tưởng tượng vào thời điểm đầu, khi các lập trình viên đầu tiên của Bitcoin tạo ra hệ thống này, mỗi người có trong tay một số lượng Bitcoin nhất định. Giao dịch đầu tiên của hệ thống này diễn ra giữa Laszlo Hanyecz, một lập trình viên của nhóm, và một tình nguyện viên lập trình ở Anh. Laszlo gửi cho người tình nguyện viên này 10 nghìn Bitcoin qua hệ thống, người tình nguyện viên này sau đó đã mua cho Laszlo 2 chiếc pizza từ tiệm Papa Johns trị giá 25 USD. Như vậy, tại thời điểm khởi nguồn, 400 Bitcoin đổi được 1 USD. Hai chiếc pizza do Laszlo mua hồi năm 2009 nếu tính theo giá trị của Bitcoin tại thời điểm cao nhất lên tới … 12 triệu USD.

Để hệ thống này vận hành, phải có người chuyển tiền, người nhận tiền, và một hệ thống các đầu mối (nodes) với vai trò xác thực giao dịch. Người nhận tiền và người chuyển tiền thì dễ hiểu, nhưng tại sao lại cần người xác thực giao dịch?

Trong một giao dịch tiền tệ thông thường, ngân hàng đóng vai trò trung gian. Ngân hàng khấu trừ tiền trong tài khoản của người gửi và cộng tiền vào tài khoản của người nhận. Trong hệ thống Bitcoin, không có ai đóng vai trò trung gian của ngân hàng.

Vì thế, để xác thực giao dịch, hệ thống Bitcoin phải dựa trên toàn bộ các giao dịch đã được xác thực trên Bitcoin tính từ điểm khởi đầu của hệ thống. Lịch sử đầy đủ của các giao dịch đã được xác thực tại một thời điểm sẽ cho biết chính xác người chuyển Bitcoin có đủ số Bitcoin muốn chuyển hay không. Nhưng việc này cũng chưa đủ.

Lý do là, giả sử Nam muốn chuyển một nghìn Bitcoin cho Việt để mua một sản phẩm từ Việt (thí dụ một chiếc Ferrari đời mới). Nam sẽ làm một lệnh. Nhưng nếu Nam muốn ăn gian, Nam có thể làm 2 hoặc nhiều lệnh. Nam làm một lệnh chuyển một nghìn Bitcoin cho Việt, và ngay sau đó làm một lệnh chuyển một nghìn Bitcoin cho chính Nam. Hệ thống phải ghi nhận được giao dịch nào là giao dịch được thực hiện trước và ghi nhận giao dịch đó là giao dịch được xác thực. Nhưng vì không có một trung gian duy nhất như ngân hàng đóng vai trò ghi nhận, “hệ thống” đó là gì, và làm thế nào để ghi nhận giao dịch?

Các node (đầu mối) sẽ đóng vai trò này. Hệ thống Bitcoin phải cần rất nhiều node để không có node nào có thể đóng vai trò trung gian như ngân hàng. Lý do là bất kỳ ai cũng có thể trở thành một node chỉ bằng cách mua một dàn máy tính có cấu hình mạnh, tải và chạy chương trình của Bitcoin. Nếu một vài node có thể chi phối hệ thống, các node này sẽ có khả năng can thiệp và giúp cho việc xác thực giao dịch một cách gian lận. Thí dụ, node này có thể xác thực Nam chuyển cho Việt một nghìn Bitcoin để Việt chuyển hàng cho Nam, sau đó node này lại đảo ngược quy trình và xác nhận Việt chuyển cho Việt một nghìn Bitcoin trước khiến cho lệnh Nam chuyển cho Việt trở nên vô giá trị (và như thế Việt mất một nghìn Bitcoin và bị lừa).

Satoshi Nakamoto nghĩ ra một phương pháp độc đáo tước đi khả năng can thiệp của bất kỳ node nào vào hệ thống. Mỗi khi một lệnh được phát đi, nó phát tới tất cả các node. Mỗi node sẽ tổng hợp tất cả các lệnh gửi trong một khoảng thời gian nhất định thành một khối lệnh (block). Để khối lệnh này được toàn bộ hệ thống Bitcoin công nhận là khối lệnh được xác thực, node này phải giải một bài toán do hệ thống Bitcoin tạo ra. Bài toán này khó đến nỗi nếu một node tự giải nó sẽ mất nhiều năm. Vì có hàng trăm nghìn nodes tham gia giải, thời gian này được giảm xuống còn 10 phút. Khi có một node tìm được lời giải cho bài toán, block đó sẽ được công nhận là đã được xác thực.

Do có hàng trăm nghìn node tham gia giải bài toán, cuộc chơi của họ giống như chơi xổ số với thường là chỉ một người trúng giải (giải được bài toán). Sẽ không có node nào biết được block mà mình tạo ra có được xác thực hay không, vì thế khả năng can thiệp của một node vào hệ thống là gần như bằng không.

Sau khi một block được xác thực, tất cả các lệnh chuyển tiền trong block đó sẽ được xác thực và cập nhật vào lịch sử các giao dịch đã được xác thựcvà các lệnh chuyển tiền sau đó phải dựa trên lịch sử các giao dịch đã được xác thực đã được cập nhật này.

Với một hệ thống vận hành như vậy, Việt sẽ chờ đến khi lệnh chuyển tiền từ Nam được xác thực thì Việt mới biết chắc là Nam mới chuyển tiền cho mình, và mới chuyển hàng cho Nam. Để lừa đảo, Nam sẽ phải can thiệp được vào hệ thống, và đảo ngược lại quy trình trên, một điều bất khả thi trừ phi Nam có một hệ thống máy tính mạnh đến nỗi khả năng tính toán của nó bằng khả năng tính toán của toàn bộ các node khác cộng lại. Tức là Nam phải chiếm tới 50% khả năng tính toán của toàn bộ hệ thống các node của Bitcoin, một điều mà từ trước tới giờ chưa bao giờ xảy ra.

Do đó, động cơ lừa đảo của Nam bị triệt tiêu. Khi Nam chuyển tiền cho Việt, Nam phải thực sự vẫn còn một nghìn Bitcoin và chuyển một nghìn Bitcoin này đi và không bao giờ có hi vọng lấy lại được. Đây là giá trị cốt lõi của giải pháp do Satoshi nghĩ ra.

Và vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Bitcoin được mọi người ca ngợi là một sáng tạo hết sức thông minh. Thế nhưng tại sao lại vô dụng? Để tìm hiểu vấn đề này tôi sẽ quay lại vào một bài viết khác trong thời gian tới.

Source : VOA