2/4/09

Edward Celeson-Chủ nghĩa tư bản và nền tảng luân lý (1)

Edward Celeson-Chủ nghĩa tư bản và nền tảng luân lý (1)

Vitduc (www.x-cafevn.org) dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính


“Nền kinh tế thị trường, tức chủ nghĩa tư bản, hiện đang bị khinh ghét hơn bất cứ thứ gì khác. Trong điều kiện xã hội hiện tại, khi gặp những gì không hài lòng, người ta thường đỗ lỗi cho chủ nghĩa tư bản.” Ludwig von Mises viết như thế vào tháng Giêng năm 1947(1). Thật ra, chủ nghĩa tư bản đã mang tiếng xấu từ trườc đó rất lâu. John Ruskin từng phỉ báng Adam Smith là “… một gã Xcốtlen nửa người nửa ngợm đang cố tình rao giảng những lời báng bổ thánh thần: nào là ‘Hãy căm thù thượng đế, chúa tể của các ngươi, kệ xác những luật lệ của ông ta, và hãy luôn ngắm nghé tài sản của bọn láng giềng’”(2). Cứ như thế, từ nhiều năm qua, những người theo chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội Fabian đã tạo ra một kho tư liệu tuyên truyền khổng lồ chống lại chủ nghĩa tư bản.

Trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế, chủ nghĩa tư bản phải đương đầu với sự chống đối còn kinh khủng hơn thế nữa. Trong cuộc Đại Khủng Hoảng [giai đoạn 1929-1932 – ND] một quyển sách do nhiều tác giả Cơ Đốc giáo có viết như sau: “Tương lai của các cộng đồng Thiên chúa giáo tùy thuộc hoàn toàn vào việc Thiên chúa giáo, hay đúng ra là những tín đồ Thiên chúa giáo, có quyết tâm chấm dứt ủng hộ chủ nghĩa tư bản và bất công xã hội hay không” (3). Những tuyên bố như thế vào thời đó không phải là ít. Trong quá khứ không xa, mọi người đều có cảm nhận rằng có vẻ như những người càng có khuynh hướng Phúc Âm chính thống (orthodox and evangelical wing) thì càng ủng hộ chủ nghĩa tư bản, và điều này đã được xác nhận qua dữ liệu thống kê. Nhưng ngày nay, một nhóm những người có ảnh hưởng rộng lớn trong giáo phái Phúc Âm đã thẳng thừng phủ nhận quan điểm bảo thủ về kinh tế và chính trị này và cho đó là phi Thiên chúa giáo.

Theo tôi, có lẽ một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất của chúng ta hiện nay là tìm hiểu vì sao một số trí thức quan tâm đến những vấn đề xã hội, trong đó có cả những tín đồ Thiên chúa giáo, lại căm thù chủ nghĩa tư bản đến thế. Cũng không loại trừ những thành phần đối kháng theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa chỉ muốn hủy diệt chủ nghĩa tư bản cũng như quốc gia của chúng ta [nước Mỹ - ND] nhằm phục vụ cho quyền lợi của họ. Thế nhưng vẫn còn nhiều người tử tế và có thiện chí khác vẫn cứ phản đối nền kinh tế thị trường chỉ vì họ không hiểu được nó là gì.

Không tồn tại xã hội Utopia thời Tiền-Công-Nghiệp

Xét về mặt thời gian, điều ngụy biện đầu tiên cần phải phá bỏ là khái niệm tiền-tư- bản-chủ-nghĩa của xã hội loài người. Người ta rất dễ dàng thêu dệt ra một giai đoạn bình dị như thiên đàng mà ở đó người nông dân có một cuộc sống an lành hoàn toàn gần gũi với thiên nhiên, giống như đem “người man khai lương thiện” (Noble savage) trong thiên đường thời nguyên thủy mà Jean Jacques Rousseau hình dung đến sống trong thời trung cổ vậy. Thomas Hobbes (1588–679) lập luận có cơ sở hơn khi cho rằng cuộc sống hoang dã ngày xưa rất “tồi tệ, tàn bạo và ngắn ngủi”. Adam Smith (1723-1790) còn ghi nhận rằng trong thời kỳ của ông, “người ta thường gặp trên vùng cao nguyên ở Xcốtlen những người mẹ sinh đến 20 con nhưng chưa đến hai trong số đó có thể sống sót” (4). Nên nhớ rằng đây là chuyện xảy ra chỉ mới hai thế kỷ trước. Có nhà văn còn viết rằng tử suất của thị dân thời trung cổ cao hơn cả sinh suất, vì thế các thành phố, nếu muốn tồn tại, phải liên tục chiêu mộ dân nhập cư từ những vùng thôn quê (5). Những trận đói nghiêm trọng cũng thường xảy ra vào thời kỳ này. Gần đây hơn, E.A. Wrigley cho rằng cách đây gần ba thế kỷ, ở một số họ đạo mà ông nghiên cứu, tử suất tỉ lệ thuận với giá lúa mì vào thời đó (6). Ngoài ra còn phải kể đến nạn ô nhiễm môi trường ở mức độ khủng khiếp do mọi thứ rác rưởi đều được thải ra đường. Như vậy, cuộc sống vào cái gọi là thời kỳ tiền công nghiệp không có gì là tuyệt vời cả, thậm chí là tốc độ cải thiện đời sống trong thời kỳ đó chậm hơn nhiều khi so sánh với giai đoạn hiện đại ngày nay. Vì thế, rõ ràng là không có cơ sở lịch sử khi cho rằng mọi thứ đều hoàn hảo trước khi con rắn tư bản chủ nghĩa xuất hiện làm băng hoại cái thiên đàng hạ giới của loài người.

Một quan niệm khác cho rằng sinh hoạt xã hội và chính trị của loài người tương đối đơn giản trong thời kỳ tiền tư bản. Suy diễn đó được hình thành như sau: cuộc sống vào thập niên 1890 đơn giản hơn ngày nay, suy ra nó càng đơn giản hơn vào thập niên 1690 hay 1590 chẳng hạn. Lại sai nữa. Theo như lời kể của một số vị cao niên còn sống, đời sống con người, chỉ có ở giai đoạn sau cùng của thời kỳ Victorian, là tương đối đơn giản mà thôi; còn lại thì cuộc sống ở cuối thế kỷ 17 hay thời kỳ tiền công nghiệp cũng đều không khác mấy với cuộc sống ngày nay. Chẳng hạn như ở Pháp, “những quy định cho nghề dệt trong thời kỳ từ 1666 đến 1730 dài đến 2000 trang giấy in” (7). Hình phạt cho những ai vi phạm những quy định này cũng rất nghiêm khắc. Vô số người bị xử tử vì những vi phạm kinh tế mà lẽ ra không đáng để gán tội hình sự. Và cũng nên nhớ rằng những chuyện như vậy đã diễn ra ngay cả trước khi cuộc sống bị cuộc Cách Mạng Công Nghiệp làm cho rối ren, hay ít ra là như người ta vẫn kể. Rõ ràng không phải vì nhu cầu thực tiễn của cuộc sống mà những quy định cho nghề dệt vào thời kỳ đó lại phức tạp đến vậy - với một ngành dệt thủ công thì việc gì phải cần đến hàng ngàn trang luật lệ như thế - mà chính là do quan điểm cai trị của nhà cầm quyền. Điều này có nghĩa là con người vào thời đó “đã có một lòng tin vững chắc vào nhà nước trong việc sử dụng luật pháp như là một phương tiện hiệu quả để đạt được tất cả cũng như bất kỳ mục tiêu nào mà họ muốn” (8). Quả là hiện đại!

Adam Smith và nguyên tắc pháp trị

Adam Smith thường bị xem là một kẻ vô chính phủ. Thời nay nếu ai tin vào tự do thương mại, người đó hẳn cũng chấp nhận sự hiện hữu tất yếu của nhà nước. Dù là ngày càng có nhiều người theo khuynh hướng vô chính phủ - cũng có thể đó là phản ứng chống lại sự thái quá của chủ nghĩa nhà nước (statism) – nhưng điều này không có nghĩa là mô hình vô chính phủ là một mô hình tất yếu để thay thế cho mô hình nhà nước toàn trị. Smith phân biệt rất rõ ràng khái niệm “luật pháp vì công lý” và những mưu toan lố bịch của những kẻ muốn gây áp lực lên nhà nước để thao túng thị trường nhằm thu lợi cho riêng mình (9). Theo Smith, nhiệm vụ của nhà nước là thực thi công lý chứ không phải quản lý công việc của từng người dân. Ông còn quan niệm rằng nhà nước phải có nhiệm vụ chống ngoại xâm để bảo vệ quốc gia, duy trì “một số công trình công cộng và một số định chế công cộng” vì lợi ích chung của toàn dân, chẳng hạn như những dịch vụ mà nhà nước rất khó thu phí sử dụng từ dân như việc sử dụng hải đăng, lòng đường và lề đường trước nhà của người dân. Rõ ràng là Smith vẫn còn tin vào vai trò của nhà nước, tuy nhiên, cũng như Thomas Jefferson, ông cho rằng “hoạt động của nhà nước nên đơn giản và tiết kiệm.” Ngày nay có nhiều người đang nghiên cứu trở lại hai tác phẩm kinh điển ấn hành năm 1776, The Wealth of Nations [Của cải của các Quốc gia] và “Bản tuyên ngôn độc lập.” Hy vọng mô hình nhà nước hạn chế (limited government) sẽ lại được ưa chuộng trong thời gian sắp tới.

Chủ nghĩa tư bản và lòng tham

Một ngụy biện khác nữa cho rằng Adam Smith là kẻ tôn thờ lòng tham, rằng chấp nhận sự tàn bạo của tự do kinh doanh - “ai cũng giành giật cho mình, khôn sống mống chết.” Xin nhắc lại, đây là nhận định chung của nhiều người, cả phe tư bản lẫn xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên Smith không có ý như thế khi nói về chủ nghĩa tư bản. So với những lên án khác chống lại tự do kinh doanh thì sự ngộ nhận này gây thiệt hại nhiều hơn cả: cả hai phe Cơ Đốc giáo và nhân đạo chủ nghĩa đều lên án tự do kinh doanh là xấu xa và đồi bại. Henry Thomas Buckle, một sử gia người Anh vào thế kỷ 19, đã có một nhận xét đáng chú ý về vấn đề này. Trong tác phẩm The Theory of Moral Sentiments [Lý thuyết về những tình cảm luân lý], Smith nhấn mạnh sự thương cảm, thế nhưng 17 năm sau, tác phẩm The Wealth of Nations lại được viết dựa trên chủ đề “… một động lực phát triển lớn của toàn nhân loại, của mọi lợi ích, giai cấp, ở mọi thời đại, mọi quốc gia, là tính ích kỷ.” Thế là mọi người đều dựa vào đó mà cho rằng Adam Smith chỉ biết sùng bái lòng tham, chớ ít ai hiểu được rằng trước đó Smith cũng đã từng sùng bái tình thương người như thế nào. Buckle mô tả sự thay đổi quan điểm đột ngột của Smith như sau:

“Như thế Adam Smith đã thay đổi hoàn toàn những tiền đề mà ông đã dùng cho những nghiên cứu trước đây. Trước đây, ông cho rằng con người vốn có tính thông cảm, nay thì lại cho rằng con người vốn ích kỷ, luôn làm giàu vì những mục tiêu hèn hạ và bẩn thỉu. Có vẻ như lòng nhân từ và những cảm xúc con người không còn ảnh hưởng gì đến hành động của chúng ta. Quả thực Adam Smith hầu như không hề thừa nhận có lòng nhân đạo trong lý thuyết về động lực phát triển của ông (10).”

Có lẽ vì Buckle quá hâm mộ tác phẩm The Wealth of Nations, thậm chí còn đề cao nó như là “một tác phẩm quan trọng nhất từ trước đến nay”, nên ông không hề có định kiến gì về Adam Smith. Do đó, để giải thích cho sự thay đổi đột ngột trong cơ sở lý luận của Smith, ông cho rằng Smith cố gắng tìm hiểu cả hai mặt của vấn đề, rằng hai tác phẩm này “bổ sung cho nhau chớ không đối chọi”, rằng trong mỗi chúng ta đều có chút vị tha và ích kỷ. Cho dù ý đồ thật sự của Smith là như thế nào thì cái hình ảnh về lòng tham mà ông mô tả trong tác phẩm The Wealth of Nations cũng đã đi vào tiềm thức của quần chúng. Chỉ có điều là tôi không rõ có bao nhiêu người lớn tiếng nhất lên án vấn đề này đã từng đọc qua tác phẩm đó.

Một trong những tác giả cùng thời với chúng ta, Richard C. Cornuelle, cũng đã từng cố gắng giải quyết cái dilemma (song đề trái ngược) này. Ông ta lấy dẫn chứng từ tác phẩm quen thuộc Fable of the Bees [Chuyện Ngụ Ngôn của loài Ong], do Mandeville xuất bản năm 1705, một câu chuyện châm biếm, mà ngay ở tiêu đề của quyển sách này đã chỉ rõ, nhằm chứng tỏ rằng “Thói xấu cá nhân làm lợi cho cộng đồng.” Vấn đề đáng bàn ở đây là liệu lòng tham của một cá nhân có giúp tạo ra phúc lợi xã hội hay không bằng cách kích thích hoạt động kinh tế và từ đó nâng cao mức sống cho mọi người. Quan niệm trước đây thì cho rằng không ai có thể thu lợi ngoại trừ có ai đó chịu thiệt thòi, rằng chúng ta chỉ có thể làm giàu bằng cách bần cùng hóa kẻ khác. Cornuelle viết:

“Mandeville chỉ đơn thuần đưa ra cái dilemma ‘thói xấu cá nhân - lợi ích cộng đồng’. Chính Adam Smith mới là người đi tìm lời giải cho nó. Trong tác phẩm bất hủ The Wealth of Nations, ông đã giải thích một cách rõ ràng và đầy đủ cho cả thế giới nguyên nhân thành công của hoạt động thương mại. Giọng văn của ông chứa đầy sự ngạc nhiên, cứ như là ngay cả ông cũng không thể tin nổi vào những phát hiện của chính mình… (11)”

Smith vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra rằng lợi ích lâu dài thật sự của từng cá thể cũng chính là lợi ích chung của mọi người, rằng điều gì tốt cho một người cũng chính là điều tốt nhất cho tất cả. Nếu thật sự là thế thì có vẻ như không hề có mâu thuẫn gì trong hệ thống tư tưởng trước đấy của Adam Smith dựa trên sự cảm thông hay là dựa trên lòng tham lam như ông đã viết trong tác phẩm The Wealth of Nations sau này. Smith cho rằng người buôn bán trong khi tìm cách kiếm lời, dưới sự điều khiển của một “bàn tay vô hình”, đã vô tình tạo ra phúc lợi xã hội, một kết quả mà anh ta không hề nghĩ đến (12). Ý tưởng này thật thú vị: như vậy, cái gì tốt cho nhà nông thì đều tốt cho người tiêu dùng, cái gì tốt cho công nhân thì cũng tốt cho người quản lý, cái gì tốt cho nước Nga, Trung Hoa Cộng Sản, Cuba, và những quốc gia láng giềng thân thiện hơn thì cũng tốt cho Hoa Kỳ và ngược lại. Nghe thì hay đấy, nhưng liệu có thật như thế không?

Nếu chúng ta cho rằng cái gì tốt cho mỗi người đều sẽ tốt cho mọi người, thì câu hỏi tiếp theo là liệu chúng ta có tự động nhận ra những điều đúng đắn để mà làm hay không. Dĩ nhiên chúng ta cần phải phân biệt giữa sự tham lam mù quáng và sự theo đuổi quyền lợi cá nhân có suy xét. Tuy nhiên ngay cả khi có sự phân biệt đó, lịch sử cũng có rất ít bằng chứng cho thấy con người lúc nào cũng có đủ sáng suốt để làm những điều đúng. Thật đáng tiếc là sau khi tác phẩm này được phát hành, người ta có khuynh hướng tin rằng nếu người kinh doanh hành động một cách “tự nhiên” theo bản năng thì kết quả sẽ chắc chắn có lợi cho xã hội.

Cũng nên nhớ rằng Adam Smith sinh ra vào thời mà Newton đang làm cho cả thế giới chú ý đến “lý thuyết hợp nhất vật lý học và thiên văn học” nổi tiếng của ông, lý thuyết đưa ra giải pháp cho bài toán vũ trụ bí ẩn mà những công trình nghiên cứu của Copernicus, Kepler và Galileo đã đặt ra cho ngành thiên văn và vật lý học từ 1543. Hậu quả công trình đó là làm cho người ta bắt đầu có thói quen đi tìm các qui luật cơ học cho tất cả mọi thứ, từ cách hành vi của con người, cho tới các hành vi của xã hội, của nhà nước, đến tất cả mọi phương diện của cuộc sống. Cứ như con người là một cái máy vậy. Điển hình là bài tiểu luận nổi tiếng vào năm 1798 của Malthus, trong đó ông cảnh báo rằng dân số của loài người sẽ không ngừng tăng và đến một lúc nào đó sẽ vượt quá mọi khả năng cung ứng thực phẩm, khiến cho việc cải thiện đời sống con người trở thành bất khả. Không trách vì sao ông và người bạn tốt của mình là Ricardo đã làm cho ngành kinh tế học phải mang một cái tên nữa là “ngành khoa học sầu bi” (dismal science.)

(còn nữa)

Nguồn: Capitalism and Morality by Edward Celeson

Chú thích:

(1) Ludwig von Mises, Planned Chaos, p. 17.

(2) Robert B. Downs, Books that Changed the World, p. 43.

(3) Christian Message for the World Today. E. Stanley Jones and nine other churchmen are listed as the authors. The quotation from Chapter II, page 45, was apparently written by Basil Mathews.

(4) Adam Smith, The Wealth of Nations (Modern Library edition), p. 79.

(5) Warren S. Thompson, Population Problems, p. 73.

(6) E. A. Wrigley, Population and History, p. 66.

(7) John Chamberlain, The Roots of Capitalism, p. 20.

(8) John M. Ferguson, Landmarks of Economic Thought, p. 36.

(9) Smith, p. 651.

(10) Henry Thomas Buckle, History of Civilization in England, Vol. II, pp. 340-354.

(11) Richard C. Cornuelle, Reclaiming the American Dream, pp. 47-48.

(12) Smith, p. 423.
© talawas 2009

THƠ : CUỐI NĂM

Cuối năm

Trần Hồ Dũng


Cuối năm ngồi nhớ dăm thằng bạn
Đứa tận chân trời ,đứa ẩn cư
Đứa cúi rạp mình tìm danh lợi
đứa bỏ trần gian chật hẹp,buồn

Mình ta còn lại như sương khói
Sót chút quê hương cũng nhạt nhòa
Một đời gió tạt sầu trăm hướng
Một tiếng lòng trôi dạt xứ người


Cuối năm cơn gió phương nào lại
Thổi buốt hồn ta ,kẻ viễn phương
nửa đời xiêu tán chưa về xứ
Còn mãi " đê đầu tư cố hương "

Lòng ta ,bãi vắng trên sông lạnh
Như cây khô mục nhớ cành xuân
Như ly rượu đắng đêm trừ tịch
Rót tặng càn khôn trận khóc cười !

tranhodung . saigon . tháng Chạp, Mậu Tý

THƠ : DẠ CA

DẠ CA

Trần Hồ Dũng


Đêm tàn lay mộng chưa về
Chờ chi cho úa lời thề trăm năm
Buồn chi lệ ướt chỗ nằm
sầu chi héo hắt cho bầm gan nhau

Này em , xin hé niềm đau
Tỏ bày đi nhé , cỏ lau tôi chờ
Thưa rằng ,hồn rất bơ vơ
Đợi em từ thuở ơ thờ nắng phai

Đợi em từ thuở dấu hài
In lên cỏ tiếng thở dài vào đêm
kể từ nguyệt vỡ bên thềm
hồn tôi rét mướt ,môi mềm , đợi em

tranhodung. saigon 2008 .

1/4/09

Cầm quyền cầm ly và cầm bút

Cầm quyền cầm ly và cầm bút

31/03/2009 | 12:00 chiều |

Tác giả: Tưởng Năng Tiến

Chuyên mục: Tạp văn

Ông Phạm Xuân Nguyên - qua một cuộc phỏng vấn thực hiện bởi talawas, vào ngày 24 tháng 4 năm 2005 - tuyên bố “ở Viện văn chỉ có bà bán nước và tôi là không tiến sĩ.” Tôi cũng thế, cũng thuộc loại “không tiến sĩ,” mẹ tôi cũng bán trà đá - và cũng chả có bằng cấp gì ráo trọi - nên không dưng mà đâm ra thấy gần gũi, yêu mến cái ông họ Phạm này quá xá!

Mối hảo cảm này - tiếc thay - tôi đã không giữ được luôn, và cũng chả giữ được lâu. Chả bao lâu sau, vào ngày 17 tháng 10 năm 2008, trên mạng của Hội Nhà văn Việt Nam, xuất hiện bài viết về “Cái hèn” của người cầm bút của ông Phạm Xuân Nguyên . Đọc xong (cái) tôi… bị quê ngang, và mất gần hết tình cảm (chứa chan) đã dành cho đương sự.

Ông ấy nói, rành rành, thế này đây:

“Cái hèn này, gần đây, đã được một số người nói đến khi nhìn lại một giai đoạn văn học vừa qua. Nhưng tôi có cảm tưởng các tác giả đó chỉ mới đủ dũng cảm để dám nói về ‘cái hèn’ của mình do từ bên ngoài mình đưa tới mà thôi. Nghĩa là hoàn cảnh, không khí của một thời không thuận lợi cho người cầm bút, buộc họ luôn phải sợ hãi, nơm nớp cho số phận mình, phải dè dặt, canh chừng cho ngòi bút mình, từ đó đưa đến ‘cái hèn’ của nhân cách người viết. Người khác làm cho mình sợ mà trở nên hèn! Hoàn cảnh của đời sống văn học trước đây bị phê phán chính từ phía này. Điều đó đúng nhưng không đủ. Và sẽ là thiếu sót, sẽ là không toàn diện, nếu các bài viết quá khứ chỉ bằng lòng dừng lại ở mức độ phê phán cái bên ngoài, hoàn cảnh bên ngoài như vậy… Nói đến tình trạng kém phát triển của văn học ta giai đoạn trước không thể không đụng chạm đến chính ngay sự kém cỏi của người cầm bút. Sự kém cỏi đây tôi muốn nói là ‘cái hèn’ do chính người cầm bút tạo nên cho mình. Mình tự làm hèn mình!”

Nói cách khác, và nói tóm lại, cứ theo như ông Phạm Xuân Nguyên thì dù lâm vào hoản cảnh nào cũng mặc, người ta vẫn cứ nên sống cho nó thật đàng hoàng (hoặc ít ra thì cũng phải “đàng hoàng chút đỉnh”) chớ không vì lý do gì để có thể trở nên bệ rạc, bết bát, bê tha, bê bối và …hèn nhát quá!

Quan niệm như vậy, tất nhiên, không trật. Tuy thế, khi nhìn kỹ vào bối cảnh xã hội đã gây ra “tình trạng kém phát triển của văn học ta giai đoạn trước,” tôi e rằng ông ấy (có phần) hơi khe khắt với kết luận rằng “cái hèn do chính người cầm bút tạo nên cho mình. Mình tự làm hèn mình!”

Coi: ở cái gọi là “giai đoạn trước” đó, thực phẩm hoàn toàn đều do Đảng CSVN độc quyền quản lý. Và chính nó đã treo bút, cũng như treo niêu, không ít người cầm viết:

“Có một ý kiến (hay chỉ thị) không thành văn nhưng mạnh hơn văn bản mà tất cả các báo, các nhà xuất bản đều thực hiện rất triệt để và nghiêm chỉnh là không in bài của Mặc Lân, Lê Bầu. Nếu hạn hữu có in cũng không được ký tên hai người… không được in đã hẳn, nhuận bút cũng không có nốt.

Túng thiếu. Mà phải có tiền. Phải sống. Đang loay hoay với kế mưu sinh thì Dương Tường đến. Nào ai ngờ được chính anh chàng lơ ngơ này lại là người giải quyết cho Mặc Lân vấn đề cực kì khó khăn ấy: Đi bán máu…

Lân mừng như người chết đuối vớ được cọc… Tiền tính theo cc còn tem phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít màu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu. Cho nên những ngày đi bán máu rất vui…

Bán máu êm ả là thế mà nhiều lúc vẫn giật mình. Ví như đang ngồi nhìn cả vào người y tá chờ gọi tên mình thì người ấy bỗng bật ra những cái tên bất ngờ nhất:

Chính Yên!

Phan Kế Bảo!

…..

Phương Nam!

Toàn những người quen. Toàn những trí thức. Ngượng nghịu nhìn nhau. Rồi cũng quen dần. Lương thiện thì rõ ràng là lương thiện rồi. Nhưng nó tố cáo bước đường cùng.” (Bùi Ngọc Tấn. “Thời gian gấp ruổi“. Viết về bè bạn. Virginia: Tiếng Quê Hương, 2006. 65 - 67)

Và đến “bước đường cùng” thì mới thấm thía hương vị của một tô phở. Nó có thể làm cho khách qua đường phải ứa nước miếng, và (đôi khi)… nước mắt:

“Ngày ấy từ quê ra đèo nhau qua hiệu phở, ngửi mùi thơm ngào ngạt, quyến rũ, hai vợ chồng cùng thấy đói, thấy thèm và bảo nhau vào ăn phở. Nhưng khi lục túi chỉ còn ba trăm. Đúng một bát phở chín. Không hơn. Ai ăn? Bà bảo ông ăn vì trông ông gầy quá. Ông bảo bà ăn. Bà bảo thế thì không ai ăn cả. Cùng về. Nhưng ông biết bà đã nhịn thèm nhịn nhạt, nhường chồng con bao nhiêu năm rồi. Ông quát lên khe khẽ, bắt bà phải ăn. Bà vâng lời ông. Ông còn dặn bà: Nửa bát đầu cứ thế ăn, nửa bát sau hãy cho chanh ớt. Như vậy em được ăn hai thứ phở.” (Bùi Ngọc Tấn. Vũ trụ không cùng. Virginia: Tiếng Quê Hương, 2007. 32).

Nói tóm lại là… nghèo, túng, và đói. Nghèo đói, thiếu hụt - tất nhiên - phát sinh ra rất nhiều hệ lụy: nghèo khốn, nghèo khó, nghèo khổ, nghèo hèn… Cái nghèo (cùng với những thuộc tính thổ tả của nó) khiến cho người ta phải sống (thường trực) trong một tình trạng hoang mang và bất ổn - theo như nhận xét của bà Phạm Thị Hoài:

“Bởi vì ngoài cái nghèo và lạc hậu, thì đến đầu thế kỷ 21 này xã hội Việt Nam còn là chỗ hội tụ của những dịch bệnh dường như vô phương cứu chữa khác mà bao trùm lên tất cả là một khái niệm, tôi đặt tên khái niệm đó là sự bất an… Người ta có thể nghèo, nhưng nếu người ta có được một cảm giác an toàn nhất định, điều đó quan trọng hơn. Nếu không có cảm giác ấy thì người ta chỉ có thể miễn cưỡng sống tạm cuộc đời của mình và đương nhiên không có một động cơ nào đủ mạnh để sống tiếp cuộc đời của những thế hệ trước, sống trước cuộc đời của những thế hệ sau và sống chung cuộc đời của những kẻ cùng thời. Nói như thế thì xã hội Việt Nam là một tập hợp tạm bợ, rời rạc và hoàn toàn không hữu cơ của những cá nhân hoang mang và bất ổn.”

Sau đây là một hoạt cảnh (tương đối) đỡ “hoang mang” nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, vào “giai đoạn trước” đó, qua ngòi bút của Tô Hoài:

“Hội Nhà văn Đức tặng Hội Nhà văn Việt Nam 200 cái xe đạp Diamant mới cứng. Nguyên Hồng được điện khẩn mời xuống công tác. Ấy là việc dắt chiếc xe đạp đứng vườn hoa Cửa Nam trò chuyện với người qua đường. Vô tuyến truyền hình của Việt, của Đức quay giới thiệu nhà văn với tặng phẩm hữu nghị quốc tế.

Nguyên Hồng hồi ấy mới để râu, rõ ra phong thái học giả phương Đông. Tuyên truyền thế thôi, cả hội chẳng được sờ vào vành bánh chiếc xe nào. Hai trăm cái xe lăn cả vào kho Bộ Thương nghiệp. Nguyễn Tuân hỏi mắng Nguyên Hồng:

- Đóng trò xong rồi, dắt mẹ nó cái xe ấy đi, đứa nào làm gì được!

Nguyên Hồng cười vuốt râu, đánh trống lảng…” (Tô Hoài. Cát bụi chân ai. Hà Nội: Hội Nhà văn, 1992)

Dù túng thiếu, nghèo đói, bất ổn, hoang mang đến thế, “các ông mỗi người đã ghánh cây thập ác đi trọn đường trần ai của mình.

Không vứt xuống

Không chạy trốn.

Không ngã gục.

Không dừng bước

Và dẫu không là Chúa, các ông đã được phục sinh“

(Phạm Xuân Nguyên. “Một kiếp bên Trời“. Viết về bè bạn. Ed. Bùi Ngọc Tấn. NXB Hải Phòng, 2003. 296).

Nhưng sức Chúa, cũng như sức người, đều có hạn thôi chớ bộ! Thỉnh thoảng cũng vấp ngã (chút xíu) thì đã sao cơ chứ?

Đã thế, người ta còn phải ngụp lặn trong một bối cảnh xã hội mà “không có nhân cách người ta vẫn sống. Thậm chí còn sống béo tốt hơn” (Hà Sĩ Phu. “Chia tay ý thức hệ“. Tuyển Tập Hà Sĩ Phu. California: Thế Kỷ 21, 1966. 207).

Thời phải thế. Thế thời phải thế. Sĩ mãi để cho chết à. Mà muốn không hèn, không sợ, bộ dễ chắc?

..........

Nói tóm lại sợ là tình trạng chung của cả nước, không loại trừ ai - dù là cầm rìu, cầm rựa, cầm liềm, cầm cầy, cầm quốc, cầm dùi, cầm phấn hay… cầm súng!

Ủa, cầm súng mà còn (phải) sợ gì ai nữa - cha nội ? Tưởng vậy thôi chớ không phải vậy đâu. Tưởng vậy là tưởng năng thối. Cỡ người hùng Điện Biên đang cầm quân mà chúng bắt cầm quần, cũng phải lật đật… cầm liền (và cầm chắc) mà!

Vậy chớ dân cầm ly thì sao?

Sao cái con cặc gì! Đ… mẹ, tụi tui say chớ đâu có điên mà không biết sợ - mấy cha?

Vụ này, ông bạn đồng nghiệp (cầm chai) của tôi - Bùi Minh Quốc - cũng đã thú nhận lâu rồi. Tụi này là dân nhậu, chớ có phải dân biểu (quốc hội) đâu mà phải giấu diếm hay lấp liếm mọi chuyện:

“Bao nghẹn uất Nguyệt Nga xé trời kêu chẳng thấu

Giữa chợ đời biệt dạng Lục Vân Tiên

Hảo hớn bận giang hồ quán nhậu

Thi nhau bốc phét để quên hèn.”

Mà Nguyệt Nga, nói tình ngay, dù sao cũng là một cô gái đã trưởng thành. Còn biết bao nhiêu đứa bé thơ Việt Nam khác, đang bị dầy vò ở khắp mọi nơi trên thế giới - cũng đau đớn “xé trời kêu chẳng thấu” - nhưng có thấy ông (hay bà) tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ, tu sĩ, nhân sĩ, ca sĩ, chiến sĩ … nào lên tiếng thắc mắc hoặc khiếu nại gì đâu.

Nói tóm lại (lần nữa) thì hèn - “ở giai đoạn trước” - là một cơ hội đồng đều (equal opportunity) không phân biệt giới tính, tuổi tác, tôn giáo, sắc tộc, hay thành phần xã hội. Như thế, cớ sao ông Phạm Xuân Nguyên chỉ lườm nguýt cái đám cầm viết mà lại không nói một lời nào với bọn cầm quyền.

Cái được gọi là “giai đoạn trước” đã qua. Cái thời mà chúng ta phải đổ lỗi cho nạn nhân thay vì chỉ tay vào mặt thủ phạm (tưởng) cũng qua luôn rồi chớ?

© 2009 Tưởng Năng Tiến
Create PDF

Phản hồi

1 phản hồi (bài “Cầm quyền cầm ly và cầm bút”)

1.
Trần Văn Tích nói:
31/03/2009 lúc 3:00 chiều

Sợ là một phản ứng tự vệ, một phản xạ sinh tồn. Sartre từng bảo: “Tất cả mọi người đều sợ hãi, tất cả. Người không biết sợ vốn không bình thường. Điều đó chẳng ăn nhằm gì đến sự can đảm.” Không phải chỉ “giai đoạn trước” mới tạo nên chứng sợ nơi người cầm bút. Thơ chữ Hán Nguyễn Du cũng nói nhiều đến sợ. Nhưng trong giai đoạn phong kiến phản động và lạc hậu, Nguyễn Du sợ một cách bình thường, Nguyễn Du sợ một cách rất người; còn trong “giai đoạn trước” cách mạng và tiến bộ thì người ta sợ một cách bệnh hoạn, người ta sợ một cách rất gì cũng không biết nữa. Nhưng có khi đó cũng là một cái… may cho dân tộc. Vì theo đông y, khủng thương thận, sợ hãi quá mức háo thương thận khí, khiến tinh khí bị nén xuống không nâng lên được, cho nên dân gian mới nói sợ đến vãi đái, sợ đến són đái. Vì sợ quá thì thận khí suy nên dân ta… bớt được nạn nhân mãn. Âu đó cũng là một thành công trong rất nhiều thành công, đại thành công khác.

source : talawas 2009

30/3/09

Phạm Quang Tuấn : Giải pháp Biển Đông của Dương Danh Huy và Quỹ Nghiên cứu Biển Đông

Giải pháp Biển Đông của Dương Danh Huy và Quỹ Nghiên cứu Biển Đông

31/03/2009 | 3:06 sáng |

Tác giả: Phạm Quang Tuấn

Chuyên mục: Quan hệ Việt – Trung, Vấn đề Biển Đông

Trong một loạt bài viết trên các diễn đàn, kể cả BBC tiếng Việt, đăng lại trong một số báo tiếng Anh (ở Phillippines, Nhật) và báo trong nước, ông Dương Danh Huy (một Việt kiều ở Anh, sáng lập viên nhóm Quỹ Nghiên cứu Biển Đông) đưa ra một số đề nghị để giải quyết vấn đề Biển Đông [1-4]. Mới đây, ông Trương Nhân Tuấn đã kịch liệt công kích đề nghị của Dương Danh Huy, thậm chí bảo ông này là tay sai của chính quyền, sửa soạn dư luận để đem Trường Sa và Hoàng Sa cúng cho Trung Quốc.

Để có sự công bằng ta cần đánh giá đề nghị của nhóm Dương Danh Huy một cách khách quan và nghiêm túc. Trước hết xin tóm tắt lại những đề nghị này:

1. TẠM THỜI gác việc tranh giành các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa sang một bên để bàn về việc phân chia các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (continental shelf) ở Biển Đông.

2. Thương lượng với các nước chung quanh Biển Đông (Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Brunei, Phillippines) để chia Biển Đông ra thành những vùng kinh tế của mỗi nước, theo đúng luật biển UNCLOS (United Nations Law of the Sea) [5] và tiền lệ quốc tế, tức là:

(a) Mỗi nước được 1 vùng EEZ 200 hải lý (370 km) tính từ “đường cơ sở” (bờ)

(b) Phía nam Biển Đông có một thềm lục địa rất lớn tên là Sunda Shelf, theo UNCLOS thì các nước quanh đó (kể cả Việt Nam) được tính thêm ra tối đa 350 hải lý.

(c) Khi khu kinh tế hay thềm lục địa của hai nước trùng nhau, thì chia hai theo nguyên tắc vẽ một đường trung tuyến từ ranh giới trên đất liền.

(d) Các đảo (Hoàng Sa, Trường Sa) là đảo nhỏ, không nuôi sống được người, nên không được tính EEZ mà chỉ cho tối đa một lãnh hải (territorial sea) 12 hải lý; tức là, các đảo đó không ảnh hưởng đến việc phân chia EEZ và thềm lục địa.

Xin để ý là nhóm Dương Danh Huy không hề nói là đem Hoàng Sa, Trường Sa “dâng” cho Trung Quốc hay ai khác cả như Trương Nhân Tuấn đã viết. Trái lại, họ luôn luôn nhấn mạnh là Việt Nam vẫn phải bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa, Hoàng Sa [1], chỉ nói là việc phân chia Biển Đông cần làm trước hoặc làm song song.

Đề nghị trên có lợi ở chỗ nào? Trước hết, ta phải nhìn vào cán cân lực lượng của các nước ở Biển Đông và thế giới. Chỉ trong vòng 30 năm nữa, Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường, kể cả trên mặt biển. Muốn thành cường quốc trên biển, phải có sức mạnh kinh tế, khoa học kỹ thuật, phải có tàu lớn và khí giới tối tân và ngân quỹ hàng trăm tỷ đô la. Đánh nhau trên biển không phải như trên đất liền mà có thể dùng “tiêu thổ kháng chiến”, “du kích chiến”, “đường mòn Hồ Chí Minh”, “địa đạo Củ Chi”, “bẫy cọp” hay chỉ dựa vào lòng yêu nước và can đảm hy sinh, như ta đã thấy trong hai trận hải chiến ở Hoàng Sa và Trường Sa. Trong hai trận đó, Việt Nam đã cay đắng thảm bại trước một Trung Quốc chưa là cường quốc, thậm chí còn tụt hậu, huống chi bây giờ và trong tương lai. 30 năm nữa, ngay cả Mỹ cũng sẽ không còn đủ sức và nhất là đủ ý chí để đè nén tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vì vậy, dùng sức mạnh đối với Trung Quốc hay ỷ vào sức mạnh của Mỹ để đòi lại Hoàng Sa và chiếm lại hết Trường Sa là điều hoàn toàn không tưởng đối với Việt Nam, và mỗi năm lại càng thêm không tưởng. Việt Nam chỉ có thể dùng luật pháp và ngoại giao, và đó là giải pháp của Dương Danh Huy đề nghị.

Về luật pháp thì như đã thấy, đề nghị này dựa trên Luật Biển quốc tế 1982 (UNCLOS) mà chính Trung Quốc đã ký kết, cũng như các nước khác quanh Biển Đông. Còn về ngoại giao thì sao? Hiện các nước Đông Nam Á đang xâu xé nhau về vụ tranh giành Trường Sa, mà như vậy thì chỉ Trung Quốc hưởng lợi theo kiểu ngư ông và nghêu sò. Nếu tạm để Hoàng Sa và Trường Sa sang một bên để giải quyết sau, thì sẽ đỡ được nguồn tranh chấp đó, các nước nhỏ sẽ có cơ đoàn kết với nhau để hợp sức chống lại kẻ thù chung là Trung Quốc. Bởi vì, không như các nước khác quanh Biển Đông, Trung Quốc không chỉ bằng lòng với EEZ 200 hải lý, mà đòi TẤT CẢ Biển Đông, đi dọc suốt gần bờ Việt Nam, thòng xuống phía Nam tận sát bờ Indonesia và Malaysia, và phía Đông thì sát bờ Phillippines! Cái đòi hỏi vô lý và bất hợp pháp này (chẳng hạn xem [6, 7]) được vẽ trên nhiều bản đồ của Trung Quốc. Họ gọi nó là “nine-dotted line” và chúng ta gọi đó là đòi hỏi “vùng biển lưỡi bò”.

Dĩ nhiên, khi phân chia Biển Đông theo đề nghị của Dương Danh Huy thì cái lưỡi bò đó sẽ “tiêu”, sẽ thành petfood, do đó các nước sẽ chia ngay làm hai phe: một bên là Trung Quốc đòi bảo vệ lưỡi bò, bên kia là các nước khác, chắc chắn là với sự ủng hộ của Mỹ và quốc tế (vì không ai có thể chấp nhận cái lưỡi đầy rớt rãi khó ngửi của Tàu). Tình hình sẽ rất thuận lợi cho Việt Nam, ít ra là thuận lợi hơn bây giờ! Dù Trung Quốc có trở thành siêu cường nhưng chắc là sẽ bớt hống hách hơn khi thấy nguyên một khối Đông Nam Á nửa tỉ dân đồng lòng chống mình.

Còn về các đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì sao? Đề nghị của Dương Danh Huy không nói gì về việc này mà chỉ bảo là tạm gác đó. Tuy nhiên, một khi Biển Đông đã chia thành hai phe rõ ràng (Trung Quốc chống the rest) thì lối giải quyết tập thể đó có khả năng được liên minh Việt-Mã-Phi-Brunei đòi áp dụng cho các đảo. Tức là, nếu Trung Quốc và các nước khác đồng ý, có thể ta sẽ mất một số đảo, nhưng sự mất mát đó không quan trọng lắm vì những đảo đó chỉ còn một lãnh hải tối đa 12 hải lý ở quanh mỗi hòn. Dĩ nhiên, sẽ nhiều người quan niệm “tấc đất tấc vàng”, không chấp nhận được sự mất mát đó. Họ muốn Việt Nam phải đòi hết, đòi đến cùng. Như ta đã thấy, thái độ đó sẽ dẫn đến việc mất hết: không những mất hết các đảo, mà còn mất các khu đặc quyền kinh tế, khi mà Trung Quốc trở thành siêu cường trên Biển Đông và các siêu hạm Trịnh Hòa 11, Trịnh Hòa 12 v.v. thường trực tuần tra cái lưỡi bò của họ. Còn, nếu các nước không đồng ý giải quyết theo cách này, thì sẽ lại tiếp tục tranh chấp tiếp như bây giờ, nghĩa là tình hình vẫn như cũ.

Trương Nhân Tuấn và Dương Danh Huy không đồng ý với nhau về việc các hòn đảo của Trường Sa có thực sự là “đảo” không hay chỉ là “cồn đá” (rock), và do đó có được hưởng EEZ 200 hải lý quanh mỗi đảo không. Điều 121/3 của UNCLOS viết: “Rocks which cannot sustain human habitation or economic life of their own shall have no exclusive economic zone or continental shelf” (những cồn đá không thể có người sống hay đời sống kinh tế riêng thì không được hưởng EEZ hay thềm lục địa). Điều này mập mờ và UNCLOS không giải thích thêm gì cả. Dương Danh Huy cho là các đảo quá nhỏ để được EEZ, Trương Nhân Tuấn không tin như thế. Nên để ý rằng đảo lớn nhất của Trường Sa là đảo Ba Bình (Itu Aba), hiện bị Đài Loan chiếm, diện tích chỉ có 0.4 km vuông, bằng 1/10 cái tiêu chuẩn 1 hải lý vuông để được coi là đảo mà Trương Nhân Tuấn bảo là ai đó đang kiến nghị. Theo một số luật gia thì khi luật pháp không nói rõ, các nước liên hệ phải thương thuyết với nhau. Nếu theo phương cách thương thuyết này thì các nước nhỏ như Việt Nam lại càng cần liên minh để có thế khi tranh cãi với Trung Quốc.

Cuối cùng, ta cũng nên tự hỏi tại sao Trương Nhân Tuấn đả kích kịch liệt Dương Danh Huy và gọi ông này là tay sai cộng sản, dọn đường dư luận cho chính quyền để dâng Hoàng Sa - Trường Sa cho Trung Quốc, mặc dầu Dương Danh Huy đã viết: “Song song với việc thực hiện những mục đích này, Việt Nam vẫn phải tiếp tục cố gắng bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông một cách triệt để”[1]. Lẽ ra khi mà hai người đều lưu tâm về chủ quyền đất nước, họ phải đối xử với nhau như là “đồng chí”, hay ít ra là tranh luận một cách lịch sự tương kính chứ.

Theo tôi, đó là vì khi viết, Dương Danh Huy có một “target audience” rõ ràng là chính quyền, không những chính quyền Việt Nam mà cả chính quyền Philippines, Indonesia, v.v… Do đó, Dương Danh Huy thường viết với một giọng khách quan, không gay gắt, không “nhập đề”, “kết luận” hay “thân bài” bằng cách đay nghiến cái công hàm của Phạm Văn Đồng hay rủa xả nhà nước Việt Nam, vì làm như vậy sẽ phản tác dụng. Khác hẳn lối viết của Trương Nhân Tuấn (ông này nhắc đến Phạm Văn Đồng ít nhất là TÁM lần trong bài và câu kết thúc cũng là nói về cái công hàm “mắc dịch” đó, dường như mối lo chính của ông là sợ người đọc quên cái tội của Phạm Văn Đồng). Có những người có thể coi lối viết của Dương Danh Huy là một kiểu “lập lờ”, ủng hộ cộng sản, không thể tha thứ được.

Theo tôi, nếu quả thật Dương Danh Huy và nhóm Nghiên cứu Biển Đông là cái “loa” của chính quyền Việt Nam như Trương Nhân Tuấn nói, thì ta phải lấy làm mừng rằng chính quyền Việt Nam đã có một chính sách quá hay để giải quyết vấn đề Biển Đông theo chiều hướng thuận lợi nhất có thể được. Chỉ e rằng không được thế!

Những người quen thuộc với UNCLOS và tình hình Biển Đông cũng sẽ thấy ngay một số điểm sai quan trọng trong những luận cứ của Trương Nhân Tuấn. Chẳng hạn, ông Tuấn nói rằng Exxon Mobil rời bỏ Việt Nam vì áp lực của Trung Quốc, một việc chưa hề xảy ra (Exxon Mobil quả đã bị áp lực trong năm 2008 nhưng đã tuyên bố là không rời bỏ hợp đồng khai thác với Việt Nam). Về tiền lệ, ông nói rằng “Anh vẫn giữ nguyên tuyên bố 200 hải lý quyền khai thác” chung quanh hòn đá “Rock All”, trong khi thực ra Anh đã chính thức rút lại đòi hỏi này từ năm 1997 để tuân thủ Luật Biển. (Thực ra là hòn Rockall chứ không phải Rock All, như Trương Nhân Tuấn đã viết sai hai lần!) Vậy tiền lệ này ủng hộ quan điểm của Dương Danh Huy chứ không ủng hộ quan điểm của Trương Nhân Tuấn!

Trương Nhân Tuấn còn viết rằng “nước nào có chủ quyền ở [Trường Sa] (và Hoàng Sa) đương nhiên chiếm lĩnh cả Biển Đông, vì biển giữa quần đảo được coi là nội hải”. Hoàn toàn sai, 100%! Thực ra, điều khoản “nội hải” này của UNCLOS chỉ áp dụng cho các quốc gia quần đảo (archipelagic states) như Philippines, Indonesia, chứ không áp dụng cho những quần đảo không phải là quốc gia, như Trường Sa. Tôi cho rằng đây là một sự cố ý ngụy biện chứ không phải là không biết, vì ngay sau đó thì Trương Nhân Tuấn đã viết nguyên si thành ngữ “quốc gia quần đảo” trong UNCLOS: “Theo Luật Biển 1982: Quốc gia quần đảo có chủ quyền với vùng nước, vùng trời và vùng đáy và lòng đất tương ứng cũng như tài nguyên ở đó”. Trương Nhân Tuấn đã đưa ra những lý lẽ ngụy biện, “luật rừng” mà Trung Quốc dùng để bảo vệ lưỡi bò của mình, và bảo đó là luật biển quốc tế!

Còn nhiều chi tiết sai bậy hay thổi phồng khác, như: “Hầu hết các Atlas nước ngoài đều ghi nhận công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng đã công nhận HS và TS thuộc chủ quyền của Tàu”. Atlas thường đâu có ghi nhận những công hàm như vậy? Trương Nhân Tuấn đưa ra được đúng… một ví dụ để chứng minh chữ “hầu hết”. “Trước dư luận quốc tế, HS và TS đã là của Trung Quốc”: có thật không vậy? Hầu hết báo chí cũng như giới nghiên cứu quốc tế đều nói rằng những đảo này, nhất là Trường Sa, đang tranh chấp chủ quyền. Chỉ cần xem Wikipedia là biết. “Trường hợp tranh cãi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về chiếc tàu Impeccable là một thí dụ. Đây là một trong nhiều kẽ hở của Luật Biển 1982″: hoàn toàn sai. UNCLOS (điều 58) nói rõ ràng là ngoài việc khai thác kinh tế, EEZ phải được coi là biển khơi, tàu các nước tự do qua lại.

Tôi nghĩ rằng, ở tư thế một nước yếu phải bảo vệ quyền lợi của mình, người Việt cần có thái độ hợp tác và xây dựng hơn trong những vấn đề có liên quan đến lãnh thổ quốc gia. Dùng thủ đoạn công kích chụp mũ như ông Trương Nhân Tuấn đã làm không ích lợi gì cho quốc gia dân tộc, mà chỉ là tung hỏa mù cho chính mình khi đang tranh đấu trước kẻ thù chung.

Tài liệu

[1] Dương Danh Huy - Phạm Thu Xuân - Nguyễn Thái Linh - Lê Vĩnh Trương - Lê Minh Phiếu, Tranh chấp Biển Đông và vai trò của Liên hiệp quốc: http://tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/6378/index.aspx

[2] BBC (21/1/2008) Philippines đăng thư ngỏ về Biển Đông: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/11/081121_manilatimes_asean_sea.shtml

[3] Dương Danh Huy, Bức thư ngỏ trên tờ Manila Times: http://www.minhbien.org/?p=493

[4] Lê Minh Phiếu - Dương Danh Huy, Việt Nam trước chủ trương của Trung Quốc đối với Biển Đông: http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/5831/index.aspx. Ghi chú: bản đồ ở bài này có sửa đổi vài chi tiết trong đề nghị phân chia biển Đông cho hợp luật quốc tế hơn, so với bản đồ trước ở BBC.

[5] United Nations Law of the Sea (UNCLOS): http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/convention_overview_convention.htm

[6] Li Jinming, Li Dexia, The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea: A Note, Ocean Development & International Law, 34:287-295, 2003: http://www.southchinasea.org/docs/Li%20and%20Li-The%20Dotted%20Line%20on%20the%20Map.pdf

[7] Official Chinese map of the South China Sea with the nine-dotted line, 1999: http://www.southchinasea.org/9-dotted%20map/map_small.gif

© 2009 Phạm Quang Tuấn

© 2009 talawas blog
Create PDF

Phản hồi

2 phản hồi (bài “Giải pháp Biển Đông của Dương Danh Huy và Quỹ Nghiên cứu Biển Đông”)

1.
Hà Minh nói:
31/03/2009 lúc 5:03 sáng

Ý dân thì năm bè bẩy mối, ý lãnh đạo thì đã có khuôn vàng thước ngọc 16 chữ vàng chỉ đường dẫn lối,…thì tóm lại là trước sau gì cũng mất, mất quyền khai thác khoáng sản, mất quyền đánh bắt cá, giao thông vận tải phải xin phép, nhưng dù sao những thảo luận công khai vẫn có giá trị, ít nhất cho người dân biết cái gì đang đến và sẽ đến.
2.
Nghiêm Quang nói:
31/03/2009 lúc 4:09 sáng

Cám ơn bài viết rành mạch của Phạm Quang Tuấn. Hy vọng qua chừng đó ý kiến, ông Trương Nhân Tuấn có thể hiểu lý do tôi và mấy quý vị khác cho rằng ông đã để định kiến/màu sắc/tình cảm chánh trị chi phối ở một số luận điểm, thay vì trưng ra bằng cớ xác đáng/thuyết phục.

Lý giải vì sao 1000 ký tự không thể nào đủ cho các phản hồi độc giả của ông Trương Nhân Tuấn, lại chỉ có thể thấy do ông đặt rất nhiều tình cảm vào những mục nầy:
- vừa bao dung trưởng thượng (”… nhưng không sao”,”nay mai, nếu còn dịp, tôi sẽ gởi lên một vài bài nghiên cứu của tôi để ông Nghiêm Quang phê bình”),
- vừa ỏn ẻn giận lẫy (”Như trong bài đã viết, mà có người nói tôi lặp lại ít ra hai lần, công hàm của ông Đồng…”, “Phía VN nghĩ sao thì nghĩ, tôi chỉ đưa ra một dữ kiện”),
- vừa tranh thủ nói móc (”Về bạn Đông A, xin chào cố nhân. Bạn đã thành công trong việc «sa thải» ban biên tập báo Du Lịch chưa ? Hy vọng là chưa để bầu trời Việt Nam còn màu xanh hy vọng.”).

© talawas 2009

Trả lời phỏng vấn về quảng bá văn học Việt Nam ở nước ngoài ...

Trả lời phỏng vấn về quảng bá văn học Việt Nam ở nước ngoài và về thơ Việt Nam đương đại

31/03/2009 | 6:35 sáng |

Tác giả: Hoàng Hưng

Tháng 12 năm 2008, phóng viên một tờ báo có tên tuổi ở Việt Nam xin phỏng vấn tôi một số vấn đề văn chương Việt Nam (quốc nội), chủ yếu về tình trạng phổ biến của nó ở nước ngoài và về thơ. Rất lâu sau đó, không thấy công bố, hỏi thì được trả lời: “Bài của chú đã được duyệt, đang chờ săp xếp để lên”. Mới đây nhất (sau khi cuộc phỏng vấn được thực hiện hơn 3 tháng), lại hỏi, thì câu trả lời là “Ban biên tập đợi lấy ý kiến thêm của những nhà văn khác rồi đi một thể”. Liền đó nhà báo cho biết nếu tôi muốn công bố bàu này ở đâu khác thì cũng không có vấn đề gì. Vậy thì tôi xin đưa lên Talablog với vài bổ sung rất nhỏ. Xin lưu ý rằng: vì thiện chí với người phỏng vấn và với tờ báo nọ, khi trả lời phỏng vấn tôi cũng cố “giữ mồm giữ miệng” để công việc của họ trôi chảy, thế mà… hình như vẫn không được việc!

Hỏi: Là nhà văn có nhiều chuyến xuất ngoại, ông thấy người Việt ở nước ngoài có quan tâm đến đời sống văn học Việt Nam không? Ông đánh giá thế nào về sự quan tâm ấy?

- Tôi chỉ có một ít kinh nghiệm với người Việt ở các nước Pháp, Mỹ, Đức là những nơi tôi có dịp qua không chỉ một lần và có thời gian ở lâu. Tôi nhận thấy thực sự quan tâm đến đời sống văn học Việt Nam (trong nước) là những trí thức rất tâm huyết với công cuộc đổi mới đất nước, trong đó số đông là những người liên quan ít nhiều đến cái nghiệp viết lách. Và sự đọc bây giờ chủ yếu là qua các mạng văn chương như Tiền Vệ, Da Màu, Talawas, Ăn mày văn chương… Một số ít tác giả, tác phẩm có tiếng vang rộng hơn trong cộng đồng có thể coi là những trường hợp ngoại lệ: Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, Nguyễn Huy Thiệp với một số tập truyện ngắn của anh, Dương Thu Hương với vài cuốn tiểu thuyết của chị, Vũ Thư Hiên với Đêm giữa ban ngày, Bùi Ngọc Tấn với Chuyện kể năm hai ngàn, Phạm Thị Hoài với một số tập truyện ngắn và tiểu thuyết (Thiên sứ, Mari sến…), gần đây nhất là Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận. Những tác giả tác phẩm trên có được sự quan tâm nhất định của cộng đồng chủ yếu do sức mạnh phơi bày hiện thực xã hội với tình cảm nhân bản khá sâu sắc, vấn đề đặt ra có tầm bao quát đời sống, thể hiện bản lĩnh thực sự của ngòi bút độc lập: không né tránh những gai góc của cuộc đời, dám viết đúng như mình cảm nghĩ. Một sự thật đáng buồn là thế hệ thứ hai của người Việt ở nước ngoài không còn quan tâm gì đến văn học Việt Nam, đơn giản vì họ sử dụng tiếng nước bản xứ như là “tiếng mẹ đẻ” mất rồi. Trong bối cảnh ấy, tôi rất trân trọng những cố gắng của một số nhà nghiên cứu, nhà giáo người Việt và người Pháp, Mỹ dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam ở một vài trường đại học mà tôi có dịp đến nói chuyện như Đại học Paris VII ở Paris (có nhà nghiên cứu phê bình thơ Đặng Tiến và những người khác), Đại học Berkeley ở San Francisco (có vợ chồng nhà giáo kiêm dịch giả Peter Zinoman và Nguyễn Nguyệt Cầm). Những việc làm ấy sẽ góp phần làm cho văn học Việt Nam không đến nỗi trơ thành “vô tăm tích” trong lòng những người có gốc Việt ở bốn phương thế giới mai sau.

Hỏi: Người nước ngoài biết đến văn học Việt Nam nói chung và thơ Việt Nam nói riêng ở mức nào? Là người có nhiều buổi trực tiếp đọc thơ cho công chúng nước ngoài, ông thấy thực sự tác động của thơ Việt Nam đến với họ ra sao?

- Theo quan sát riêng, cho đến nay, những tác giả tác phẩm được người nước ngoài biết đến chỉ đếm trên đầu ngón tay: cổ thì có Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, cận đại là Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), đương đại là Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài. Cũng gây được ấn tượng gần đây là tuyển tập văn xuôi đương đại Tình yêu sau chiến tranh (Love After War) do Hồ Anh Thái và Wayne Karlin chủ biên (xuât bản ở Mỹ năm 2003), giới thiệu 45 tác giả từ Tô Hoài đến Nguyễn Ngọc Tư. Thơ đương đại Việt Nam lần đầu tiên được bán rộng rãi ở Mỹ là tuyển tập mang tên Black Dog, Black Night (Chó đen và đêm) vào đầu năm nay (2008) do Nguyễn Đỗ và Paul Hoover chủ biên, giới thiệu 21 nhà thơ từ Hữu Loan đến Vi Thùy Linh. Cũng gần đây nổi lên những công trình nghiên cứu và dịch thuật văn chương Việt Nam đương đại của chị Đoàn Cầm Thi ở Pháp.

Người nước ngoài chỉ biết đến văn học Việt Nam qua bản dịch. Đọc văn xuôi còn khả dĩ (tuy chưa mấy bản dịch được coi là thực sự thành công), chứ đọc thơ qua bản dịch thì tất nhiên rất hạn chế. Tuy nhiên, qua những buổi đọc thơ trước công chúng, chủ yếu là giới đại học và văn nghệ sĩ, tôi thấy họ thật sự chia sẻ xúc cảm của những bài thơ mang tính nhân bản, gần gũi với mọi con người không phân biệt chủng tộc. Đúng như cảm tưởng của nhà thơ Paul Hoover, một tên tuổi trong làng thơ Mỹ, trong bài bạt của tập thơ đương đại Việt Nam: “Có thể thấy rõ ngay tấn kịch nhân sinh của bài thơ nằm sẵn đó hiển nhiên bên dưới cái mặt nạ của sự khác biệt văn hoá”. Sau khi nghe bản tiếng Anh hay Pháp, họ thường yêu cầu được nghe nguyên bản để hình dung âm thanh tiếng Việt, việc đó bao giờ cũng gây ấn tượng thú vị trong các buổi đọc thơ.

Hỏi: Là một dịch giả từng giới thiệu thơ Việt Nam ra nước ngoài, vậy yếu tố nào để ông quyết định chọn nhà thơ, bài thơ được dịch?

- Tôi chỉ có chút kinh nghiệm trong việc giới thiệu một số tác giả thơ Việt Nam với công chúng văn học Pháp, Mỹ, và cũng chủ yếu làm công việc chọn lựa tác giả, tác phẩm và tổ chức việc dịch, chứ không trực tiếp dịch bao nhiêu. Cụ thể là năm 2002, tôi giới thiệu 4 nhà thơ Việt Nam cho tạp chí Europe là tạp chí văn học uy tín của Pháp (Dương Tường, Hoàng Hưng, Ý Nhi, Vi Thùy Linh); năm 2003 tôi giới thiệu 2 nhà thơ Việt Nam đầu tiên đi dự Liên hoan Thơ Quốc tế ở Val-de-Marne (Thanh Thảo, Vi Thùy Linh), sau đó tôi giới thiệu 12 nhà thơ cho tạp chí Action Poétique, một tạp chí chuyên về thơ nổi tiếng ở Pháp. Việc làm của tôi có sự cộng tác nhiệt tình của các dịch giả trong nước và ở Pháp như Dương Tường, Trần Thiện Đạo, Châu Diên, Nguyễn Ngọc Giao, Trương Quang Đệ, Từ Huy, Hồ Thị Hoà… Tôi chọn chủ yếu những nhà thơ đương đại có khuynh hướng mới, những bài thơ có tinh thần và bút pháp hiện đại, nội dung nhân bản. Tất nhiên do nhạc tính độc đáo của tiếng Việt, nên không thể chọn dịch những bài thơ hay ở âm điệu nhiều hơn là ý tưởng. Ngay những kiệt tác kinh điển như Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương mà đọc qua bản dịch thì… chẳng còn thấy hay bao nhiêu, vì cái hay nằm ở phần “chữ” quá lớn (làm sao dịch được “nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”, “trái gió cho nên phải lộn lèo”). Thơ hiện đại có đỡ hơn vì ăn vào phần ý tưởng. Tuy thế, bản dịch cũng chỉ chuyển được chủ yếu là tinh thần và ý tưởng, tức là chỉ được cỡ 60% nguyên tác.

Với công chúng Mỹ, ngoài việc tự dịch thơ của bản thân cho một số tạp chí văn học, tôi cũng tập trung vào việc giới thiệu khuynh hướng hiện đại hoá trong thơ Việt qua những buổi đọc thơ và nói chuyện, và một tiểu luận (có lẽ là đầu tiên về đề tài này ở Mỹ) in trên tạp chí văn học New American Writing năm 2003. Tuyển tập thơ Việt Nam mới xuất bản ở Mỹ cũng chọn lựa tác giả tác phẩm theo một tinh thần tương tự, vì hai người đồng chủ biên là bạn thân của tôi, chúng tôi có nhiều điểm giống nhau về cách nhìn đối với thơ (và chính tôi cũng là người “làm mai” cho họ đến với nhau).

Một điều phải khẳng định là việc dịch thơ Việt Nam phải có sự cộng tác của nhà thơ người Việt thạo tiếng nước ngoài với một nhà thơ nước ngoài chính hiệu mới mong có chất lượng (ít ra cũng như trong trường hợp của tuyển Black Dog, Black Night ở Mỹ vừa rồi).

Hỏi: Ông là một trong số những nhà thơ quan tâm đến vấn đề cách tân thơ. Vậy sự cách tân thơ của các nước ông từng biết có gì khác và giống với các nhà thơ Việt Nam cách tân không?

- Cách tân của thơ Việt Nam kể từ thế kỷ XX đến nay luôn luôn theo sau thơ Âu Mỹ (chủ yếu là thơ Pháp, có lúc có phần theo Nga và mới đây là Mỹ), nhưng chỉ tiếp thu một vài yếu tố chứ không bao giờ hình thành một trường phái, một chủ nghĩa hẳn hoi như ở nơi chính gốc. Trước 1945, đó là lãng mạn pha chút tượng trưng, sau 1945 là vài tác giả thơ tự do không vần ở vùng kháng chiến, sau 1954 là vài tác giả “dòng chữ” ở miền Bắc, vài tác giả siêu thực và hiện sinh ở miền Nam. Hiện nay, một số yếu tố “hậu hiện đại” có mặt trong thơ của một số nhà thơ trẻ (phá vỡ tuyến tính, đứt gãy, từ bỏ “đại tự sự”, cắt dán, “tục hoá” và giễu nhại, “ráp hoá”…). Chuyện chạy theo đằng sau là tất nhiên mà sự chắp vá, manh mún, thiếu hệ thống trong ảnh hưởng cũng là tất nhiên, vì bước đi của lịch sử, hoàn cảnh xã hội và truyền thống văn hoá quá khác biệt. Riêng sự khác biệt văn hoá khiến cho ngay cả ở các nước phát triển nhất cũng chỉ có một số cây bút “tiên phong” trong giới thơ người Việt là theo được tinh thần thơ đương đại của quốc gia ấy. Nhưng dẫu sao, tôi thấy mừng vì sau một thời gian quá dài dậm chân tại chỗ, tinh thần cách tân bây giờ đã trở thành động lực của thơ Việt.

Hỏi: Thời gian gần đây một số nhà thơ ra nước ngoài đọc thơ, một số nhà văn phát hành sách của mình, bạn bè thân quen, hay một nhóm nhỏ… Nhưng tất cả những việc làm đó chỉ mới mang tính cá nhân, ở một mức độ hẹp nên chưa đưa ra cái nhìn tổng quan về Văn học Việt Nam cho bạn bè thế giới biết. Liệu chúng ta có nên hy vọng những việc làm này trong hoàn cảnh hiện nay không? Có thể tồn tại lâu dài được không hay nhất thiết phải có một tổ chức chuyên nghiệp?

- Đúng là những quan hệ cá nhân như chị nói chỉ có thể giúp đưa vài nét chấm phá của văn học Việt Nam ra thế giới. Một tổ chức chuyên nghiệp là điều ai cũng dễ mong muốn, kiểu như NXB Thế giới đã làm ít nhiều với phần văn học cổ điển. Nhưng với văn học đương đại, vấn đề nằm ở chỗ: cách nhìn nhận và hành xử ở nước ta khác về cơ bản với các nước tiên tiến. Ở ta, chắc hẳn là nhà nước hay tổ chức do nhà nước chỉ đạo sẽ quyết định công việc này (thí dụ: Bộ Văn hoá, Hội Nhà văn). Ta có bao giờ tự hỏi là cách làm ấy liệu có hiệu quả trong việc chinh phục công chúng nước ngoài? Liệu một tổ chức như thế sẽ đưa ra những cái mình muốn hay những gì người đọc muốn - những “gì” mà cho đến nay, chỉ có các NXB nước ngoài mới nắm được? Thí dụ, để quyết định in 5000 bản đầu tiên của quyển thơ Việt Nam vừa rồi, NXB Milkweed, một NXB có uy tín ở Mỹ, phải để một năm gửi bản thảo thăm dò thị trường, sau khi nhận được sự ủng hộ của các trường đại học, các nhà phát hành hàng đầu như Barnes and Noble, Border, Amazon.com, họ mới dám chơi. Cho nên nếu thực sự quan tâm đến việc quảng bá văn học Việt Nam ra ngoài, phương án tốt nhất có lẽ là ủng hộ những cá nhân, những nhóm có đề án tốt, có năng lực thật sự, hiểu biết tâm lý đọc của công chúng nước ngoài và có quan hệ tốt với các NXB nước ngoài (một kiểu liên doanh liên kết?). Vì chưa có cơ chế này nên vừa rồi, hai dịch giả đã thành công với tuyển thơ Việt Nam ở Mỹ gõ cửa nhiều nơi trong nước xin tài trợ dịch Thơ Nguyễn Trãi đã chẳng được ai ngó ngàng đến (may sao phút chót NXB Văn hoá Sài Gòn lấy một phần bản dịch của họ đưa vào một cuốn sách sắp in. Và tin mới nhất (nhận ngày 17//3/2009): NXB Counterpath Press ở Mỹ đã nhận in tuyển tập này).

Hỏi: Được biết hình thức “Trình diễn thơ (đuơng đại)” ở Việt Nam được du nhập từ nước ngoài vào. Và thực tế ở ta mới chỉ là những bước đi đầu còn mang tính thử nghiệm, có người thích, có người chưa. Nhưng trong năm vừa qua, chúng ta có một số nhà thơ ra nước ngoài “trình diễn thơ”. Ông thấy có ngược không?

- Theo tôi biết, đến nay mới có 2 nhà thơ trẻ Việt Nam “trình diễn” thơ ở nước ngoài (nếu coi “trình diễn” nghĩa là phải kết hợp đọc thơ với sử dụng những yếu tố nghệ thuật khác): Ly Hoàng Ly từ đầu thập niên 2000, gần nhất và có tổ chức qui mô nhất (nằm trong chương trình của Hội đồng Anh) là Dạ Thảo Phương. Theo tôi đó là chuyện rất hay, vì đó là con đường hiệu quả nhất để giới thiệu thơ Việt Nam trong thời đại nghe-nhìn lấn át đọc. Nếu cho là “ngược” thì nó cũng chỉ “ngược” như đưa phim Việt Nam, thời trang Việt Nam, hội họa Việt Nam… ra nước ngoài mà thôi, vì tất cả những thứ đó ta cũng đều mới “du nhập” chưa đến một thế kỷ mà. Thêm nữa, đó cũng là con đường ngắn để học tập kinh nghiệm quốc tế nhắm nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của nghệ thuật trình diễn Việt Nam.

Hỏi: Ông dự báo gì về Thơ – trình diễn ở Việt Nam trong những năm tới?

- Một điều tôi đã nói không chỉ một lần ở các diễn đàn thơ, nay xin nhắc lại: Cần phân biệt “trình diễn thơ” (poetry performance) - một cách thức đưa thơ đến công chúng - với “thơ trình diễn” (performance poetry) - một loại hình nghệ thuật mới, là sự cộng sinh của hai hay nhiều bộ môn nghệ thuật trong đó có thơ. Nếu là “thơ trình diễn” thì ở ta cho đến nay mới có 1 tác phẩm duy nhất của Nguyễn Thúy Hằng hồi đầu năm 2007 ở Ly’s Café (Hà Nội). Loại hình này chắc còn lâu mới có chỗ đứng trong đời sống văn học Việt Nam vì nó còn quá xa lạ với truyền thống văn học của ta. Còn về “trình diễn thơ”? Tôi đồng ý với Dạ Thảo Phương sau chuyến đi Anh vừa rồi của chị: nhà thơ Việt Nam có tố chất rất tốt cho nghệ thuật này (ngoài ra còn nhờ âm điệu trầm bổng của tiếng Việt rất dễ tạo hiệu quả âm nhạc cho bài thơ được trình diễn). Không sớm thì muộn “trình diễn thơ” sẽ phát triển, vì trước tiên đó là nhu cầu ngày càng tăng của bản thân các nhà thơ trẻ muốn tìm đường đến với công chúng hôm nay. Khởi đầu với những ngày hội thơ, hình thức này sẽ dần dần lan ra những lễ hội quần chúng. Và rải rác, sẽ được tiến hành trong các buổi ra mắt tập thơ mới, triển lãm, giao lưu nghệ thuật… Vấn đề còn lại là tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà tổ chức.

Hỏi: Trên văn đàn thế giới chưa có thương hiệu văn học Việt Nam, theo ông đâu là nguyên nhân chủ yếu và chúng ta có thể thay đổi tình hình này được không?

- Phải nói thật rằng cho đến nay người nước ngoài quan tâm đến văn học Việt Nam chủ yếu là giới trí thức mà công việc có liên quan đến nước ta, và chủ yếu là họ tìm hiểu xã hội, con người Việt Nam thông qua văn học như một phương tiện, chứ chưa phải bản thân văn học Việt Nam với tư cách công trình nghệ thuật để thưởng thức. Những chương trình giới thiệu văn học đương đại Việt Nam tích cực nhất đã được thực hiện bởi Trung tâm Williams Joiner ở Đại học MIT là một trung tâm nghiên cứu hậu quả chiến tranh của Mỹ, cho ta thấy rõ điều đó, cũng như có thể lý giải vì sao Nỗi buồn chiến tranh (The Sorrow of War) vẫn gần như là tác phẩm duy nhất được nhắc đến khi mình hỏi người nước ngoài biết gì về văn học Việt Nam.

Thương hiệu cho văn học Việt Nam chỉ có được một khi có những tên tuổi đủ sức chinh phục công chúng thế giới. Mà muốn chinh phục thế giới, trước nhất phải độc đáo - sự độc đáo ở tận mức cá nhân chứ không chỉ là “đậm đà bản sắc dân tộc” nói chung. Nhưng sự độc đáo ấy phải thể hiện một văn hoá, một tư tưởng nhân văn cao sâu ở tầm nhân loại. Liệu văn học Việt Nam tương lai có nổi một tư cách như thế không? Gần đây tôi thường nghĩ đến một hiện tượng văn hoá Việt Nam có sức mạnh chinh phục người phương Tây: đó là những ý niệm và thực hành Phật gíao đang được hiện đại hoá theo phong cách rất Việt Nam. Tư tưởng Phật giáo là một tư tưởng phổ quát đã thấm nhuần sâu xa và được Việt Nam hoá tích cực nhất trong lịch sử dân tộc. Việc hiện đại hoá thành công Phật giáo theo kiểu Việt Nam của Thiền sư Nhất Hạnh (cũng là một nhà văn) gợi cho tôi nghĩ đến con đuờng của văn học. Một đóng góp thực sự vào văn học thế giới phải là sản phẩm “3 trong 1” (cá nhân – dân tộc – nhân loại) như thế.

Cảm ơn và chúc nhà thơ dồi dào sức khoẻ cũng như sức sáng tạo

© talawas 2009