18/6/09

BÀI KỆ LỤC NHƯ

Bài kệ Lục Như

BÀI KỆ LỤC NHƯ
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán
(Tất cả các pháp hữu vi
Như bóng, bọt nước có gì khác đâu
Như sương, như điện lóe mau
Hãy xem như giấc chiêm bao mơ màng.)


Trên đây là bài kệ nổi tiếng trong kinh Kim Cương, thường được gọi là bài kệ Lục Như. Bài kệ này nổi tiếng không phải chỉ vì diệu nghĩa, mà nổi tiếng cả vì văn từ. Trong kinh điển Phật giáo thuộc Hán tạng, có nhiều bài kệ tuy thâm huyền uyên áo nhưng lại quá khô khan vì thiếu chất văn, cũng như có nhiều bài thơ của các thiền sư làm khi chứng ngộ, do văn từ không đạt phần tinh nhã, nên lắm khi nghe như một bài kệ. Dịch kinh Phật mà đạt đến trình hạn như pháp sư Cưu Ma La Thập dịch bài kệ Lục Như quả là toàn bích. Cả bốn câu toàn vần trắc (pháp, ảnh, điện, quán), nhưng chúng ta có cảm tưởng như không phải đang đọc một bài kệ, mà là một bài thơ ngũ ngôn của Thi Phật Vương Duy.
Bài kệ Lục Như có thể được xem là bản tóm tắt tư tưởng của Phật giáo Đại thừa khi quán chiếu thế gian như huyễn mộng. Xem cõi đời như giấc mộng, như cơn gió thoảng qua, như giọt sương rơi chóng tan trên chiếc lá cũng là những hình tượng thường thấy trong văn hóa phương Đông, đặc biệt là nền văn học Ấn Độ và Trung Quốc.
Hãy quán chiếu thế gian Như Mộng
Nhà thơ Lý Bạch bảo : “Xử thế nhược đại mộng, Hồ lao vi kỳ sinh?” (Chuyện đời như mộng lớn. Việc gì phải nhọc lòng?). Đó là cõi-đời-mộng dưới mắt một thi tiên.
Nhà thơ Tô Đông Pha bảo : “Nhân tự thu hồng lai hữu tín; Sự như xuân mộng liễu vô ngân” (con người như chim hồng mùa thu bay đến mang theo tin tức; chuyện đời ngắn ngủi như giấc mộng đêm xuân, trôi qua mất mà chẳng để lại dấu vết nào). Đó là cõi-đời-mộng trong tiếng thở dài minh triết của con người tài hoa khoáng đạt nhưng lại nỗi chìm trong hoạn lộ.
Còn cõi mộng trong bài kệ Lục Như là cõi-đời-mộng dưới sự quán chiếu của một bậc đại giác.
Nhưng nếu đọc bài kệ trên mà chỉ để cảm nhận rằng trần gian là giấc mộng hư ảo, không có thật - như chúng ta thường hiểu- thì có lẽ chưa đúng với tinh thần của bài kệ. Quán tưởng được cuộc đời là mộng, là bào ảnh theo tinh thần bài kệ không phải là chuyện mà chúng ta cảm nhận một cách hời hợt, như những lúc chúng ta rơi vào tâm trạng chán chường, thất vọng vì đột nhiên chịu sự mất mát to lớn về tài sản hoặc tinh thần, để rồi cảm nhận ra sự phù du của cõi thế theo kiểu “Giấc Nam Kha khéo bất bình, Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không” (Cung oán ngâm khúc) mà ta thường thấy trong văn học Việt Nam và Trung Quốc.
Những sự chán nản tuyệt vọng đó, sự chán nản tuyệt vọng gây nên khi ta buộc phải đối mặt với những thảm họa bất ngờ, hoặc những mất mát lớn lao trong cuộc sống hoàn toàn không có liên quan gì đến sự quán chiếu thế gian là giấc mộng bằng tuệ giác, hoặc sự cảm nhận được cõi đời là cõi mộng bằng hồn thơ.
Có lẽ chúng ta ai cũng đã từng nằm mơ và luôn bị ám ảnh bởi những giấc mơ. Ai lại không từng băn khoăn tự hỏi biết đâu chúng ta lại chẳng đang tồn tại trong giấc mơ của một người nào đó? Sau khi ta tỉnh, giấc mơ tan về đâu? Mà cái tỉnh của ta chắc gì đã không là mộng? Ai dám chắc rằng những điều ta thấy trong giấc mơ đều là không thực, khi mà cõi đời tự bản chất đã là sắc sắc, không không?
Lý Bạch ôm trăng chết theo sông nước có gì là không thực? Trăng đó đâu phải là vầng trăng trên cõi không bao la, mà là vầng trăng trong cõi mộng của nhà thơ. Trong thiên Tề vật luận của Nam hoa kinh, Trang Chu kể lại chuyện ông nằm mơ thấy mình hóa bướm, vui thú bay lượn cùng cánh bướm, không còn biết mình là Chu nữa, khi tỉnh ra thì lại thấy mình rành rành là Chu, nên không biết là bướm hóa làm mình hay mình hóa làm bướm. Và ông gọi đó là “Vật hóa”.
Tinh thần Như Mộng đã giúp cánh bướm Trang Chu bay mãi trong cõi tư tưởng hơn mấy ngàn năm, và đem lại cho nền văn hóa phương Đông những đỉnh cao tuyệt diệu. Ta cũng có thể cảm nhận được cảnh giới của cõi mộng này qua nhà thơ Hàn Mặc Tử, người đã sống trọn vẹn trong cõi mộng để đem về cho cõi thực vô vàn châu ngọc của thơ ca. Hãy thử đọc cảnh giới mộng của ông trong bài tản văn “Chiêm bao với sự thực”:
“Như có ma lực vô song xô tôi đến bờ huyền diệu. Đêm nay là một đêm hào hoa nên mùa trăng bát ngát, giờ bốn phương thôi không cầu nguyện nữa mà lòng tôi rực lên cảm hứng.
…… Nhỡn tuyến đưa tới đâu, cũng gặp chói lói, cũng gặp hào quang. Nên trí tôi rất ngợp, miệng lưỡi tôi không phải bối rối nhưng tựa hồ như mới nếm xong khí vị thanh tao của muôn điệu nhạc,. …
Từ sự thực đi tới bào ảnh, từ bào ảnh đi tới huyền diệu, và từ huyền diệu đi tới chiêm bao. Mông lung đã trùm lên sự vật và cõi thực, bị ánh sáng của chiêm bao vây riết…
… Tôi cảm thấy sự khoái lạc vô biên cũng như tôi cảm thấy sự sợ hãi vô cùng …..
Tôi đang đi trên con đường sáng láng tìm lấy Chân lý ngàn năm, mà hào quang của tinh tú, của những ngọc ngà, châu báu, trời tuôn xuống không biết hằng hà sa số nào nữa… “
Cõi mộng của nhà thơ chan hòa ánh sáng thuần khiết và âm nhạc thanh tao, dễ làm ta liên tưởng đến cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà. Phải có một tâm hồn trong suốt như pha lê mới có thể cảm nhận được những rung động vô cùng vi tế dường kia. Trong không gian cực kỳ thanh khiết đó, nắng sẽ thơm, gió sẽ ngọt, trăng sẽ mênh mang, và con người sẽ mở rộng hồn ra để hòa nhập vào diệu cảnh. Một cành lá rung cũng vang thành giai điệu, một tiếng chim hót cũng biến thành diệu âm thuyết pháp, một ánh trăng sáng cũng hóa thành vô lượng quang trong cõi Tịnh độ.
Tôi tin rằng đó cũng là cảnh giới mà các Bồ Tát, khi soạn những kháng thư đại thừa thâm áo như kinh Lăng Già hay kinh Kim Cương, đều đã trải qua. Các Bồ Tát đều là những thi sĩ lớn nên dễ dàng để tâm hồn hòa điệu cùng những rung động cực kỳ vi tế trước những cảnh tượng kỳ diệu mà họ đã trực ngộ. Nếu nhà thơ cảm nhận được diệu cảnh trong cõi mộng bằng hồn thơ, thì các Bồ Tát đạt đến cảnh giới đó bằng cách quán chiếu thế gian bằng Diệu Quán sát trí, bằng nội lực của thiền quán và còn đạt đến trình hạn thâm huyền hơn nữa, vì quán chiếu thế gian như là mộng để đạt được trạng thái an lạc tâm linh, cũng là tinh thần của Phật giáo Đại thừa.
Minh họa cho ý tưởng này có lẽ không gì bằng phẩm mở đầu của kinh Lăng Già. Phẩm này không có trong bản dịch của Cầu Na Bạt Ða La vốn là bản cổ nhất còn giữ được. Tôi xin trích dịch theo bản tiếng Anh trong “Studies in the Lankavatra Sutra” của đại sư Suzuki.
Sau khi đức Phật hiện ra vô số cảnh giới thù thắng để thuyết pháp cho vua quỷ Rāvana về thánh trí tự chứng, đột nhiên Ngài biến mất cùng với tất cả Phật tử, để một mình vua quỷ Rāvana đứng trơ trọi giữa lâu đài và hoang mang suy tưởng về những cảnh tượng vừa diễn ra.
39. Rāvana suy tưởng :”Thế này là sao? Ðiều này có nghĩa gì? Ai đã thuyết pháp? Cảnh vừa hiện ra là gì? Và ai là người trông thấy? Thành phố ở đâu? Phật ở đâu?
40. “Cung điện đâu? Chư Phật, các đấng Thiện Thệ sáng ngời như châu ngọc đâu? [9] Mộng chăng? Ảo ảnh chăng? Hay là lầu các do các Gandharva dùng pháp thuật hóa ra chăng?
41. Những gì ta thấy đây có phải là do bụi vướng vào trong mắt chăng? Hay đó chỉ là đứa con của người đàn bà vô sinh chăng? Hay là khói của vòng xe [do đốm] lửa [tạo ra] chăng?
42. Rồi Rāvana lại suy tưởng, “Ðây là pháp tính (Dharmatā) cuả vạn pháp do tâm biến hiện; kẻ ngu không thể hiểu được điều này vì họ bị điên đảo trong vọng tưởng phân biệt.
43. Không có người thấy cũng không có vật bị thấy; không có người thuyết pháp cũng không có pháp được thuyết; tướng và dụng của các Phật sự cũng chỉ là vọng tưởng phân biệt.
44. Kẻ nào thấy mọi vật như đã thấy trước kia sẽ không thấy được Phật, không còn khởi vọng tưởng phân biệt thì mới thực sự thấy được Phật, Phật là đấng Toàn Giác; kẻ nào thấy được Phật là thấy trong cảnh giới vô tướng.
Vua thành Lăng Già hoát nhiên đại ngộ. Do có sự chuyển y (parāvritti) trong tâm và hiểu rằng thế gian không gì khác hơn là tự tâm của mình, nên ông ta an trụ trong cảnh giới vô phân biệt, hứng khởi từ kho công đức tich nhóm trong quá khứ, đạt được trí huệ thấu hiểu kinh điển, đạt được khả năng nhìn thấy vạn pháp y như thực, vô ngại tự tại, dùng trí huệ quán tưởng muôn vật, đạt được tri kiến vượt ngoài hí luận phân biện, vô ngại tự tại; trở thành bậc đại hành giả; có thể hóa thân thành mọi hình tướng; thông đạt mọi phương tiện thiện xảo, đạt được trí huệ về đặc tướng của từng địa, nhờ đó mà khéo vượt qua các địa; vui mừng quán sát tự tánh của Tâm (Citta), Ý (Manas), Ý thức (Manovijñāna), thoát ly được sự luân hồi trong ba cõi, đạt được trí tuệ bác bỏ tà kiến [10] của ngoại đạo, thấy hiểu được Như Lai tạng (Tathāgata-garba), các Phật địa, Tự ngã, an trụ trong Phật trí.”
Đạt đến cảnh giới tự chứng mới thực sự là mục đích của sự quán chiếu thế gian Như Mộng. Theo tinh thần Đại thừa, khi cả cõi thế hiện ra như giấc mộng thì toàn thể vạn hữu đều hòa nhập vào bản giao hưởng vô cùng huyền diệu của cảnh giới Hoa Nghiêm. Khi quán tưởng được thế gian là Như Mộng thì cõi đời sẽ hiện ra trong vẻ đẹp rực rỡ và bi tráng của cảnh giới vô tướng, để con người có thể mở rộng tâm thức mà chứng nhập được Như Huyễn tam muội. Có lẽ đó mới thực sự là ý nghĩa của chữ “Mộng” trong bài kệ Lục Như.
Trong Tam quốc chí diễn nghĩa có một đoạn có thể được xem như là phần minh họa cho cảnh giới được mô tả trong kinh Lăng Già, theo tinh thần của bài kệ Lục Như.
Sau khi thất thủ Kinh Châu, Quan Vân Trường bị vua Ngô là Tôn Quyền chém đầu. Linh hồn ông cứ cưỡi ngựa Xích Thố bay phiêu diêu khắp nơi, kêu gào “Trả đầu cho ta”. Khi đến núi Ngọc Tuyền, sư Phỗ Tĩnh nghe tiếng kêu trên không, liền bước ra khỏi am, cầm cây phất trần gõ vào cửa mà hỏi “Vân Trường an tại?” Câu hỏi đơn giản đó lại giống tiếng hét của Lâm Tế, cây gậy của Đức Sơn khiến hồn ông sực tỉnh, liền hạ ngựa xuống trươc am để nghe thuyết pháp và quy y cửa Phật. Câu này thường được dịch là “Vân Trường ở đâu?”, mà lẽ ra nên hiểu là “Vân Trường có chăng?” nghĩa là “Vân Trường có thực sự tồn tại chăng?” mới đúng tinh thần của sư Phổ Tĩnh muốn điểm hóa cho vị danh tướng huyền thoại này.
Nhà phê bình Mao Tôn Cương cho rằng chỉ một câu đó của sư Phổ Tĩnh cũng bao hàm cả diệu nghĩa của cuốn kinh Kim Cương. Nhận xét đó quả vô cùng sâu sắc. Chính tại sát na thù thắng mà vị danh tướng đó nhận ra diệu nghĩa của chữ Mộng, chữ Không, và tạo được sự chuyển y trong tâm thức. Lúc đó, ắt hẳn anh hồn Vân Trường, như vua quỷ Rāvana hoang mang trước cảnh tượng tất cả đều đột nhiên biến mất, cũng hoang mang trước câu hỏi “Vân Trường an tại?”. Đó là một công án giúp Quan Công hoát nhiên đốn ngộ “Quan Công anh hồn đốn ngộ”. Chuyện thành bại thị phi đáo cùng cũng chỉ là hư không mộng ảo. Kinh Châu chỉ là mộng. Thục cũng chỉ là mộng. Ngụy hay Ngô cũng chỉ là mộng. Tham vọng tranh bá đồ vương cũng chỉ là mộng. Mà cả đến bản thân của Vân Trường cũng là mộng nốt. Vân Trường an tại? Có nghĩa là “Nhất thiết Ngụy Ngô Thục, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”. Bởi vậy, sau khi nghe sư Phổ Tĩnh thuyết pháp, Quan Công mới đại ngộ rồi cúi đầu làm lễ quy y mà đi ”mang nhiên đại ngộ, khể thủ quy y nhi khứ” (Tam quốc chí diễn nghĩa, hồi 77).
Trong Tam quốc chí diễn nghĩa, đoạn văn tả cảnh trên chỉ ngắn ngủi có vài dòng, nhưng đó mới chính là chỗ mà ngọn bút của La Quán Trung đạt đến mức “đăng phong tháo cực, lô hỏa thuần thanh”, khiến người đọc liên tưởng đến bài kệ Lục Như.
Hãy quán chiếu thế gian Như Lộ
So sánh thế gian như hạt sương rơi cũng là hình ảnh thường thấy trong thi ca Thiền tông. Phật tử Việt Nam không mấy ai là không thuộc bài thơ nổi tiếng của Thiền sư Vạn Hạnh :
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.


Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời
Sá chi suy thịnh việc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành
(HT Thích Mật Thể dịch)
Câu thứ ba “Thịnh suy như lộ thảo đầu phô” là sự quán chiếu thế gian Như Lộ. Thịnh hay suy rồi cũng đều như hạt sương phô mình trên ngọn cỏ. Nắng lên nó sẽ tan. Sự tồn tại đó quá đỗi phù du. Phù du như cõi thế. Tất cả những thứ được coi là giá trị trong thế gian như của cải, danh lợi, kiến thức … chỉ là hạt sương long lanh trên ngọn cỏ trong đôi mắt của bậc chân nhân đạt ngộ. Nhưng khi những đôi mắt phàm phu nhìn vào thì những hạt sương kia lại biến thành những viên kim cương vô giá. Và cả thế gian trở thành cõi tranh chấp hỗn loạn để giành giật những viên kim cương ấy.
Trong tác phẩm “Buddhism and science” (Đạo Phật và khoa học), tác giả Paul Dahlke trình bày về điểm này bằng một đoạn văn lý thú:
«Khi nào tôi còn ngỡ hạt sương long lanh trên cỏ là viên kim cương thì tôi sẽ giành giật và liều mạng để cướp lấy nó cho bằng được. Nhưng đến khi tôi hiểu rằng : “À! Đó chỉ hạt sương lấp lánh dưới ánh nắng thôi mà”, thì tôi sẽ không tự làm khổ mình về điều đó nữa. Tôi biết : “Như một cơn gió thoảng, mọi thứ đều sẽ qua đi hết”.
Nhà tư tưởng chân chính cũng suy nghĩ như vậy khi đối mặt với thế giới và những giá trị của nó, cho dù các giá trị đó được gọi tên là vợ con, của cải, lợi danh, gia đình. Một nhãn quan thấu suốt, sắc bén sẽ có ý nghĩa nhiều hơn giá trị đó. Đối với một trí tuệ thấu suốt thì những cảnh khổ não vô thường bày ra ở khắp mọi nơi, và ông ta sẽ ngoảnh mặt đi – vì chúng chắng có giá trị gì! ».
Tinh thần Như Lộ của bài kệ Lục Như dạy ta quán chiếu vào thực tướng của vạn pháp để “Ưng tác Như Thị quán” rằng cái mà ta ngỡ là những viên kim cương trên thế gian thực ra chỉ là những hạt sương rơi trên lá cỏ. Những hạt sương đó vẫn đẹp và vẫn hoàn toàn có lý do để tồn tại, nhưng chúng chỉ đẹp khi ta ngắm nhìn chúng lấp lánh dưới ánh nắng ban mai bằng cái tâm thanh thản “vô bố úy” . Đó là sự quán chiếu thế gian theo tinh thần Như Lộ một cách chân chính.
Hãy quán chiếu thế gian Như Điện
Nhà thơ Tô Đông Pha, khi được một sư trụ trì ở chùa Cát Tường xin đặt tên cho một căn gác, đã làm bài thơ “Cát Tường tự tăng cầu các danh “ như sau :
Quá nhãn vinh khô điện dữ phong
Cửu trường na đắc tự hoa hồng
Thượng nhân yến tọa Quán Không các
Quán sắc quán không, sắc tức không.
(Tạm dịch : Chuyện thịnh suy thành bại lướt qua trước mắt nhanh như tia điện chớp hoặc như ngọn gió bay. Sự lâu bền của nó chẳng được như màu hồng của đóa hoa. Bậc thượng nhân ngồi yên lặng trên căn gác Quán Không; quán tưởng Sắc, quán tưởng Không rồi ngộ ra rằng Sắc chính là Không.)
Quán chiếu thế gian thoáng qua nhanh như tia điện chớp để hiểu rằng vạn pháp đang tồn tại trước mắt ta đều không thực hữu. Có đấy rồi lại mất đấy. Sắc mà lại Không!
Quán chiếu thế gian “Như Mộng” để thấy thế gian hiện ra trong tất cả vẻ đẹp rực rỡ bi tráng. Quán chiếu thế gian “Như Lộ” để thấy thế gian hiện ra trong tất cả vẻ đẹp diễm ảo long lanh. Quán chiếu thế gian “Như Điện” để thấy thế gian tồn tại nhưng không thực hữu; vạn pháp chỉ là bào ảnh, Sắc chính là Không, và giữa đại dương sinh tử, sự tồn tại của chúng ta chỉ là “Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh” (Cung oán ngâm khúc).
Kinh Kim Cương dạy chúng ta quán chiếu thế gian bằng tinh thần của bài kệ Lục Như là để “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy“ như Thiền sư Vạn Hạnh, và để đạt đến cảnh giới ”vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo, mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn” của Bát Nhã Tâm Kinh.
Mấy ngàn năm qua, tinh thần bài kệ Lục Như đã mở rộng tâm thức nhân gian ra với những chân trời bao la trong tư tưởng Phật giáo, và giúp chúng ta, trong những phút linh cầu, tìm được một chút giao tình với những tâm hồn tiêu dao thế ngoại, khi một mình tĩnh tâm nhìn lại thế gian trong ánh sáng của bài kệ Lục Như.
Mùa phật Đản 2553
HUYNH NGOC CHIEN

________________________________________
Suzuki, Studies in the Lankavatra Sutra, NXB Routledge & Kegan Paul Ltd., London, 1968. tr.72.

Paul Dahlke, Buddhism & Science, translated from the German by Bhikkhu Sllacara, Macmillan & Co., Limited, 1913, tr. 73,74.

14/6/09

Khalil Gibran - Ðịnh mệnh của thi sĩ

Khalil Gibran - Ðịnh mệnh của thi sĩ

14/06/2009 | 1:39 sáng |

Nguyễn Ước dịch

Tiếng nói của một thi sĩ

1.
Trong lòng tôi gieo rất sâu sức mạnh của hạt giống từ tâm; tôi gặt lúa, gom thành từng bó và đem cho người đang đói.
Linh hồn tôi cung cấp sự sống cho cành nho, tôi ép các chùm quả lấy nước cho người đang khát.
Ngọn đèn của tôi trời châm đầy dầu, tôi đặt nó nơi cửa sổ nhà mình để người lạ biết hướng đi qua bóng tối.
Hết thảy những điều đó tôi làm vì tôi sống trong chúng; nếu định mệnh trói đôi tay tôi, ngăn không để tôi làm như thế, lúc ấy nỗi khao khát độc nhất của tôi là cái chết. Vì tôi là thi sĩ, nếu chẳng thể cho đi, tôi sẽ không chịu nhận vào.
Loài người nổ bùng cơn thịnh nộ như bão tố, còn tôi, tôi im lặng thở dài vì tôi biết giông bão sẽ qua đi còn tiếng thở dài thấu tới Thượng đế.
Bản tính loài người là bám víu những điều tục lụy, còn tôi, tôi mải miết ôm ấp ngọn đuốc tình yêu để lửa của nó thanh tẩy tôi và để đốt sạch khỏi lòng tôi tính bất nhân.
Những điều thực tiễn trong cuộc đời làm con người lìm lịm chết không chút khổ sở, nhưng tình yêu đánh thức y trỗi dậy bằng những đau đớn bồi hồi.
Loài người phân chia thành dòng giống và bộ tộc, thành xứ sở và thị trấn, còn tôi, tôi thấy mình là người lạ đối với mọi cộng đoàn và tôi không thuộc về một chốn cư ngụ nào.
Vũ trụ là xứ sở tôi và gia đình loài người là bộ tộc tôi.
Loài người yếu ớt, và buồn biết mấy khi ngay giữa họ có phân rẽ. Thế giới này hẹp, và chẳng khôn chút nào khi chia cắt thành các vương quốc, đế quốc và nước này tỉnh nọ.
Bản tính loài người khiến họ tự hiệp nhất là chỉ để phá hủy các đền đài của linh hồn, và để nối tay nhau xây nên dinh thự cho các cơ quan trần thế. Còn tôi, tôi đứng cô đơn lắng nghe từ trong sâu thẳm lòng mình vọng lên tiếng nói: “Khi tình yêu bằng những đớn đau làm sống động trái tim nhân thế thì vô minh dạy cho con người sự am hiểu”. Ðớn đau và vô minh dẫn tới hoan lạc cao thượng và hiểu biết sâu xa, vì Ðấng tối cao chẳng tạo ra điều gì vô ích dưới ánh mặt trời.

2.
Lòng tôi ao ước nhiều điều cho xứ sở xinh đẹp của mình và hồn tôi yêu thương người dân quê hương vì những khốn cùng của họ. Nhưng nếu dân tôi vùng lên do lòng cướp bóc khích động và do cái gọi là “tinh thần yêu nước” thúc bách, để giết người và để xâm lăng xứ sở láng giềng, lúc ấy, vì tội ác độc dữ đối với con người đó, tôi sẽ căm ghét dân tôi cùng xứ sở tôi.
Tôi ca vang lời tán tụng nơi mình cư ngụ và khát khao thấy lại nơi mình chào đời; nhưng nếu hai nơi ấy không chịu làm chỗ trú ẩn và từ khước cung cấp lương thực cho người lữ thứ, tôi sẽ bằng tiếng nói trong lòng mình biến lời tán tụng ấy thành cơn căm giận và nỗi khát khao ấy thành niềm quên lãng. Tiếng lòng tôi sẽ vang lên: “Vì ngôi nhà này không làm mãn nguyện người đang cần tới, nên nó đáng bị hủy diệt”.
Tôi yêu làng quê trong tình tôi yêu đất nước, tôi yêu đất nước trong tình tôi yêu quả đất và mọi miền quả đất đều là xứ sở của tôi. Tôi yêu quả đất bằng những gì tôi có vì đó là nơi nương náu của loài người, tinh thần biểu thị của Thượng đế.
Loài người là tinh thần của Ðấng Tối cao nơi trần thế và loài người đang đứng giữa những điêu tàn không thể thấy, đang che giấu mọi trần truồng của nó đằng sau các miếng giẻ tả tơi, đang tuôn dòng nước mắt trên đôi má hóp, đang kêu gọi con cái bằng tiếng nói xót thương. Nhưng con cái của nó đang bận rộn hát quốc ca, đang bận rộn mài sắc lưỡi kiếm và chẳng thể nào nghe ra tiếng gào la của mẹ mình.
Loài người khẩn thiết van xin con dân của nó nhưng chúng chẳng lắng nghe. Nếu kẻ này nghe ra, ủi an và lau nước mắt cho mẹ mình, kẻ kia sẽ nói “Lòng nó yếu mềm bị tình cảm tác động”.
Loài người là tinh thần của Ðấng Tối ca nơi trần thế, và Ðấng Tối cao giảng dạy tình yêu cùng thiện chí. Nhưng dân chúng chế giễu lời rao giảng ấy. Giêsu Người Nadarét đã lắng nghe, và cuộc đóng đinh là phần số của ngài; Socrates đã lắng nghe và rồi cũng chịu thua hết thảy. Môn đệ của Người Nadarét và Socrates đều là những kẻ đi theo của Thượng đế, và vì dân chúng sẽ không giết họ, chỉ nhạo báng họ, nên có lời nói rằng: “Nhạo báng thì đắng cay hơn giết chết”.
Giêrusalem không giết nổi Người Nazareth, Athens cũng chẳng giết nổi Socrates: cả hai đang sống và sẽ sống mãi. Nhạo báng không thể chiến thắng những người đi theo Thượng đế vì họ vẫn sống và gia tăng lên mãi.

3.
Bạn là người anh em của tôi vì tôi thương yêu bạn; cả hai chúng ta đều là con của một Tinh thần độc nhất; chúng ta chẳng ai hơn ai và được làm thành bởi cùng một thứ đất.
Bạn ở đây làm người cùng tôi chung bước trên lối đi cuộc đời và bạn là kẻ giúp cho tôi am hiểu ý nghĩa của Chân lý ẩn mật. Bạn là con người, với tôi thực tế ấy là đủ, và tôi thương yêu bạn như người anh em của tôi. Bạn có thể nói về tôi bằng những lời do bạn chọn vì Ngày mai sẽ đem bạn đi mãi mãi và sẽ dùng lời luận bàn của bạn làm bằng chứng xét xử, và lúc đó bạn tiếp nhận công lý.
Bạn có thể lấy đi mọi thứ tôi sở hữu vì những của cải tích lũy ấy do bởi lòng tham xúi giục tôi, và bạn có quyền có tất cả những cái ấy của tôi nếu chúng sẽ làm mãn nguyện bạn.
Bạn có thể đối xử với tôi bằng mọi cách bạn muốn nhưng bạn chẳng thể nào chạm tới Chân lý của tôi.
Bạn có thể làm đổ máu tôi và thiêu rụi thể xác tôi nhưng bạn chẳng thể nào tiêu diệt hay làm tổn thương tinh thần tôi.
Bạn có thể xiềng tay tôi, cùm chân tôi và tống tôi vào nhà ngục tối tăm, nhưng bạn chẳng thể nào biến tư duy của tôi thành nô lệ vì nó tự do, tựa làn gió mát giữa trời cao rộng.
Bạn là người anh em của tôi và tôi thương yêu bạn. Tôi thương yêu bạn khi bạn dâng lễ trong nhà thờ, khi bạn bái lạy trong đền chùa, khi bạn nguyện cầu trong thánh đường Hồi giáo. Bạn và tôi đều là con cái của một tín ngưỡng vì mọi lối đi muôn hình muôn vẻ của tôn giáo chỉ là các ngón của bàn tay thương yêu Ðấng Tối cao xòe ra cho hết thảy sinh linh, cống hiến một tổng thể tinh thần cho hết thảy và khắc khoải nhận vào hết thảy.
Tôi thương yêu bạn vì Chân lý của bạn bắt nguồn từ am hiểu của bạn và vì sự ngu dốt của mình nên tôi không thể thấy Chân lý đó. Nhưng tôi tôn kính nó như một điều thiêng liêng do bởi nó là một hành động của tinh thần. Chân lý của bạn sẽ gặp Chân lý của tôi trong thế giới đang đến, rồi cùng nhau hòa lẫn như hương thơm của các đóa hoa, và trở thành Chân lý toàn bộ và miên viễn, thẩm thấu và sống động trong vĩnh cửu của Tình yêu và Cái đẹp.
Tôi thương yêu bạn vì bạn yếu đuối trước kẻ áp bức mạnh bạo, và bạn nghèo khó trước kẻ giàu có tham lam. Các nguyên cớ ấy làm tôi ứa nước mắt vỗ về bạn; và từ đằng sau những giọt lệ, tôi thấy cánh tay Công lý ôm ấp bạn và bạn đang nở nụ cười tha thứ kẻ áp bức mình. Bạn là người anh em của tôi và tôi thương yêu bạn.

4.
Bạn là người anh em của tôi nhưng cớ sao bạn tranh chấp với tôi, cớ sao bạn xâm lăng đất nước tôi và cớ sao bạn ra sức khuất phục tôi để làm vừa lòng kẻ đang tìm kiếm vinh quang và quyền lực?
Cớ sao bạn để lại vợ con mình, đi theo Thần chết tới vùng đất xa xăm vì kẻ mua vinh quang bằng máu của bạn và danh dự bằng nước mắt của mẹ bạn?
Có phải đối với con người, danh dự là giết chết người anh em của mình? Nếu cho rằng đó là danh dự, bạn hãy xem nó như một hành động lễ bái, và hãy dựng lên một đền thờ cho Cain, kẻ cuồng sát Abel em mình.
Có phải sự tự bảo tồn là định luật thứ nhất của thiên nhiên? Vậy cớ sao tham lam xúi giục bạn hiến thân chỉ để thành tựu mục đích của nó trong hành động làm thương tổn anh em mình? Người anh em của tôi ơi, hãy đề phòng kẻ lãnh đạo nào nói: “Tình yêu cuộc sinh tồn buộc chúng ta phải tước bỏ quyền của dân chúng!” Tôi chỉ nói với bạn rằng: bảo vệ quyền của người khác là hành động nhân tính cao nhã nhất và đẹp đẽ nhất; nếu cuộc sinh tồn đòi hỏi tôi phải giết kẻ khác, thế thì cái chết là vinh dự hơn cho tôi, và nếu tôi không tìm được ai đó giết tôi để tôi bảo vệ danh dự cho mình, lúc đó tôi sẽ không ngại ngần, bằng chính bàn tay tôi, lấy đi sự sống của mình vì Vĩnh cửu trước khi Vĩnh cửu đến.
Hỡi người anh em của tôi, tính ích kỷ là nguyên cớ của lòng tự tôn mù lòa, và lòng tự tôn tạo ra tinh thần phe đảng và tinh thần phe đảng tạo ra thẩm quyền, cái dẫn tới bất hòa và tranh giành quyền kiểm soát.
Linh hồn tin rằng quyền năng của am hiểu và công lý thì ở bên trên ngu dốt tối tăm; nó không chấp nhận thứ thẩm quyền cung cấp gươm đao để phòng ngự, để củng cố vô minh và áp bức - thứ thẩm quyền đã hủy diệt Babylon, lung lay nền móng Jerusalem và để cho La Mã điêu tàn. Chính thứ thẩm quyền đó khiến dân chúng gọi các tên tội phạm là vĩ nhân, khiến các nhà văn tôn trọng danh tính của chúng và khiến các sử gia kể lại các câu chuyện bất nhân của chúng bằng bút pháp tán tụng.
Thẩm quyền duy nhất tôi vâng phục chính là sự am hiểu, canh giữ và chấp nhận Ðịnh luật Tự nhiên của Công lý.
Thẩm quyền cho thấy công lý nào khi nó giết chết kẻ giết người? Khi nó bỏ tù kẻ cướp bóc? Khi nó tấn công đất nước láng giềng và giết người dân xứ ấy? Thẩm quyền nghĩ tới công lý nào khi kẻ sát nhân trừng phạt kẻ giết người và kẻ cắp kết án kẻ trộm?
Bạn là người anh em của tôi và tôi thương yêu bạn; và Tình yêu là công lý với đầy đủ cường độ và trọn vẹn phẩm cách của nó. Nếu công lý ấy chẳng tiếp tay cho tình tôi thương yêu bạn bất chấp bộ tộc và cộng đoàn của bạn, thì tôi chỉ là gã lừa đảo đang che giấu lòng xấu xa ích kỷ đằng sau lớp giả trang tình yêu thuần khiết bên ngoài.

Khúc kết
Linh hồn tôi là bạn của tôi, ủi an tôi trong cơn khốn khổ và ưu phiền của cuộc đời. Người không đối xử với linh hồn mình như bè bạn, sẽ là kẻ thù của loài người, và người không tìm kiếm sự hướng dẫn nhân tính từ nội tâm mình, sẽ bạt mạng tiêu vong. Sự sống xuất hiện từ chính bên trong và bạn ơi, đừng rút tỉa nó từ những chốn loanh quanh bên ngoài.
Tôi đến để nói một lời, và lúc này tôi sẽ nói. Nhưng nếu cái chết ngăn không cho tôi nói, lời ấy sẽ được nói Ngày mai vì Ngày mai không để lại bí mật nào trong cuốn sách Vĩnh cửu.
Tôi đến để sống trong vinh quang của Tình yêu và ánh sáng của Cái đẹp, là những phản ánh của Thượng đế. Tôi đang sống ở đây và người ta chẳng thể nào lưu đày tôi khỏi lãnh địa cuộc đời bởi họ biết rằng tôi sẽ sống trong cái chết. Nếu họ khoét đi mắt tôi, tôi sẽ lắng đôi tai nghe tiếng thầm thì của Tình yêu và những khúc ca của Cái đẹp.
Nếu người ta bịt kín tai tôi, tôi sẽ vui hưởng hơi gió đang chạm nhẹ thịt da mình mang theo mùi hương hòa quyện của Tình yêu và Cái đẹp.
Nếu người ta đặt tôi trong chân không, tôi sẽ sống chung với linh hồn tôi, đứa con của Tình yêu và Cái đẹp.
Tôi đến đây cho hết thảy và với hết thảy; và điều hôm nay tôi làm trong cô đơn Ngày mai sẽ vọng tới dân chúng.
Ðiều tôi nói hôm nay bằng con tim mình sẽ được nói ngày mai bằng nhiều con tim.

Thi sĩ
Y là mối liên kết giữa thế giới này và thế giới đang tới. Y là
Con suối tinh khiết mọi linh hồn đang khát có thể uống.

Y là cây tưới bằng nước của Dòng sông Cái đẹp, và
Sinh quả khiến tâm hồn đang đói thèm thuồng.
Y là chim họa mi vỗ về những tinh thần
Chán nản bằng giai điệu tuyệt vời
Y là mây trắng xuất hiện đằng chân trời,
Ðang bay lên giăng kín bầu trời và tỏa xuống
Xâm nhập các đóa hoa trên Cánh đồng Sự sống
Và khai mở cánh hoa để tiếp nhận ánh sáng.

Y là thiên thần do thần nữ sai đi
Rao giảng tin lành của Thượng đế;
Y là cây đèn chói lọi, bóng tối không thể khuất lấp
Và gió không thể thổi tắt. Y được châm đầy dầu
Bởi thần nữ tình yêu Ishtar và chiếu sáng bởi thần nam âm nhạc Apollon.

Y là nhân vật cô độc, khoác chiếc áo đơn sơ và
Tử tế; Y ngồi trên lòng của Thiên nhiên để lấy
Niềm cảm hứng, và trong im lặng trời đêm,
Y sẵn sàng chờ đợi sự giáng lâm của tinh thần.

Y là người đi gieo hạt giống con tim mình trên
Các cánh đồng yêu thương, và tới mùa
Loài người gặt về làm dưỡng chất.

Ðây là thi sĩ - kẻ bị dân chúng ngó lơ trong cuộc đời này,
Kẻ chỉ được thừa nhận sau khi đã nói lời vĩnh biệt
Thế gian và trở về chốn im mát trên trời.
Ðây là thi sĩ - kẻ đòi hỏi loài người
Chỉ một nụ cười.

Ðây là thi sĩ - kẻ tinh thần hướng lên cao và làm
Chan chứa bầu trời bằng những lời đẹp đẽ;
Cho dẫu dân chúng phủ định hào quang của y.
Cho tới khi dân chúng vẫn còn say ngủ?
Cho tới khi họ tiếp tục vinh danh
Các kẻ được tiếng vĩ nhân nhờ những khoảnh khắc lợi thế?
Còn bao lâu nữa họ ngó lơ những người làm cho họ
Có khả năng nhận thấy vẻ đẹp của tinh thần họ,
Biểu tượng của bình an và tình yêu?
Cho tới khi loài người vẫn vinh danh kẻ chết
Và lãng quên người sống đang trang trải
Cuộc đời khốn khổ bủa vây và tự hút cạn mình
Như những ngọn đèn đang cháy để soi lối
Cho những kẻ vô minh, dẫn họ vào con đường sự sáng?

Này thi sĩ, bạn là sự sống của cuộc đời, và bạn đang
Chiến thắng mọi thời đại bất chấp chúng khốc liệt.

Này thi sĩ, sẽ có ngày bạn cai trị các linh hồn và
Do đó vương quốc của bạn vô cùng tận.

Này thi sĩ, hãy xem thật kỹ mũ miện bằng gai ấy và bạn
Sẽ thấy ẩn giấu trong đó một vòng nguyệt quế đang ra hoa.

Thi sĩ cô đơn
Tôi người lạ trên thế giới, trong cuộc lưu đày này tôi hiu quạnh đớn đau và cô đơn trĩu nặng. Tôi một mình, trong đơn độc tôi trầm tưởng một xứ sở không tên có nhiều thú vị, và chiêm ngắm ấy làm đầy ắp các giấc mơ tôi với những bóng hình của một miền đất xa xôi diệu kỳ mắt tôi chưa từng trông thấy.
Tôi người lạ giữa dân tộc mình và chẳng có ai bầu bạn. Khi gặp một người, tôi thì thầm với tôi: “Kẻ này là ai và bằng cách nào tôi biết tới y, tại sao y lại ở đây và tôi cùng y qua lại với nhau theo phép tắc nào?”
Tôi người lạ với chính tôi. Khi nghe lưỡi tôi nói, đôi tai tôi kinh ngạc về tiếng nói của tôi; tôi thấy cái tôi bên trong tôi đang mỉm cười, đang la hét, đang can đảm và đang sợ hãi; cuộc sinh tồn của tôi kinh ngạc về thể chất tôi trong khi linh hồn tôi cật vấn tâm hồn tôi, nhưng tôi vẫn vô danh và chung quanh tôi vây phủ cơn im lặng dị kỳ.
Ý nghĩ tôi là người lạ với xác thân tôi, và khi đứng soi mình trước gương, tôi thấy trên khuôn mặt một nét vẻ mà linh hồn tôi không nhận biết, và tìm thấy trong đôi mắt một hình ảnh mà bên trong tôi không chứa đựng.
Khi tôi bước lơ đãng trên đường phố rộn rịp, trẻ con chạy theo và la lớn: “Này, người mù đây! Chúng ta hãy cho y chiếc gậy dò đường để y cảm nhận lối đi”.
Khi chạy trốn bọn trẻ, tôi gặp một đàn trinh nữ, họ níu ve áo tôi và nói: “Này, y điếc đặc như đá; chúng ta hãy rót đầy đôi tai y bằng âm nhạc của tình yêu”.
Khi tuông mình trốn khỏi các nàng, tôi tới gần những người trung niên nơi chợ búa, họ tập trung quanh tôi và thét lên: “Này, y câm như nấm mộ với chiếc lưỡi đang líu; chúng ta hãy kéo duỗi nó ra”.
Khi tôi chay thoát bọn họ, một đám đông người cao niên chỉ vào tôi bằng những ngón tay lẩy bẩy và nói: “Này, y là kẻ rồ dại, lạc mất tâm trí trong thế giới quỉ thần và ma cà rồng”.
Tôi người lạ trên thế giới này; tôi lang thang khắp vũ trụ, từ đầu này tới hết đầu kia nhưng không tìm được chỗ gối đầu; tôi chẳng biết người nào mình chạm trán, cũng chẳng biết cá nhân nào lắng nghe tâm trí của tôi.
Lúc rạng sáng, tôi mở đôi mắt không ngủ và thấy mình bị giam hãm trong hang động âm u, trên trần đeo lơ lửng lũ côn trùng và dưới sàn bò lúc nhúc bầy rắn độc.
Khi tôi bước ra ngoài để gặp ánh sáng, chiếc bóng thể xác tôi đi theo tôi còn chiếc bóng tinh thần tôi đi trước tôi, dẫn tới một nơi không thể biết trong cuộc tìm kiếm những điều vượt quá am hiểu của tôi và nắm bắt những đối tượng vô nghĩa đối với tôi.
Tới chiều hôm, tôi quay về chiếc giường của mình, làm bằng lông vũ mềm mại và lót bằng gai nhọn. Tôi nằm chiêm nghiệm, cảm giác những nỗi khát khao ray rứt và hạnh phúc cùng những niềm hi vọng đau thương và hoan hỉ.
Vào nửa đêm, bóng ma các thời đại quá khứ cùng thần linh của nền văn minh bị lãng quên lẻn qua kẻ nứt vách đá tới viếng thăm tôi… Tôi đăm đăm nhìn chúng và chúng chằm chặp ngó tôi; tôi nói với chúng và chúng cười trả lời tôi. Và tôi ra sức túm chặt chúng nhưng chúng lọt qua các ngón tay rồi tan biến như sương mù trên mặt hồ.
Tôi người lạ trên thế giới, chẳng một ai trong vũ trụ này hiểu ngôn ngữ của tôi. Trong tâm trí tôi bất chợt hình thành các kiểu mẫu của hồi ức kỳ quặc, và trong đôi mắt tôi phát sinh những hình ảnh dị thường và những bóng ma ảm đạm. Tôi đi trong cánh đồng bỏ hoang, ngó theo những con suối nhỏ chảy mau, và hướng mắt từ lũng sâu cao dần lên đỉnh núi. Tôi nhìn thật gần mấy hàng cây trần trụi nẩy lộc sinh quả và rụng lá trong cùng một khoảnh khắc, và thấy các cành rơi xuống biến thành bầy rắn lốm đốm. Và tôi thấy lũ chim bay lượn bên trên, hót líu lo và than khóc, rồi ngừng lại mở ra đôi cánh và biến thành đàn trinh nữ tóc dài không khoác áo choàng, nhìn tôi từ đằng sau đôi mắt sẫm màu mê đắm, mỉm cười với tôi bằng đôi môi đầy đặn đẫm mật và dang đôi tay ngan ngát hương ra mời mọc. Rồi đàn trinh nữ đi lên và biến khỏi tầm mắt tôi như những bóng ma, để lại bầu trời vang vọng lời các nàng chế nhạo cùng tiếng cười mai mỉa.
Tôi người lạ trên thế giới… tôi là thi sĩ gom thành thơ những gì cuộc đời viết ra văn xuôi và là kẻ viết ra văn xuôi những gì cuộc đời gom thành thơ.
Và vì thế tôi người lạ, và tôi vẫn là người lạ cho tới khi đôi cánh trắng muốt và thân thiện của Thần chết mang tôi trở về xứ sở tuyệt đẹp của tôi. Ở đó, nơi ánh sáng, bình an và am hiểu cùng cư ngụ, tôi sẽ sẵn sàng trông đợi những người lạ khác, những kẻ sẽ được giải cứu khỏi thế giới chật hẹp tối tăm này bằng chiếc bẫy thân thiện của thời gian.

Cái chết là sự sống của thi sĩ
Ðêm soãi những chiếc cánh tối tăm ôm ghì thành phố trên đó Thiên nhiên đã trải y trang tuyết trắng thuần khiết; và loài người rời mọi con đường, quay về nhà mình tìm hơi ấm, trong khi gió phương bắc trầm lặng thăm dò các công viên đang nằm hoang vắng. Nơi ngoại ô đứng một túp lều rất cũ trĩu nặng tuyết và đang bên bờ sụp đổ. Cuối căn nhà nhỏ âm u ấy, trên chiếc giường nghèo khó đang nằm hấp hối một thanh niên, đăm đăm nhìn ánh đèn leo lét, chập chờn mờ tỏ theo hơi gió lọt vào. Hắn, kẻ giữa mùa xuân sự sống, hoàn toàn biết trước đang nhanh chóng đến gần giờ phút bình yên giải thoát mình ra khỏi cuộc đời. Với lòng biết ơn, hắn sẵn sàng chờ đợi cuộc viếng thăm của Thần chết; trên bộ mặt xanh xao ấy rạng một bình minh hy vọng, trên đôi môi ấy nở nụ cười buồn bã, và trong đôi mắt ấy ánh lên sự bao dung.
Hắn là một thi sĩ đang lụi tàn vì đói trong một thành phố sống giàu có. Hắn được đặt vào đời để làm sôi nổi tâm hồn con người bằng những lời sâu sắc đẹp đẽ. Hắn là một linh hồn cao nhã, được Nữ thần Am hiểu sai đi, để vỗ về và làm tinh thần con người lắng dịu. Nhưng hỡi ơi! Hắn đang hân hoan nói lời vĩnh biệt trần gian lạnh lẽo mà không nhận được một nụ cười từ những cư dân xa lạ của nó.
Hắn đang thở hơi cuối cùng, và không ai ở bên giường để cứu lấy kẻ đồng hành duy nhất của hắn là ngọn đèn dầu kia và những trang bằng giấy bằng da hắn đã ghi khắc cảm xúc của trái tim mình. Vận dụng hết hơi sức cạn kiệt còn lại, hắn đưa hai tay lên trời và động đậy đôi mắt một cách vô vọng, như thể muốn nhìn thật sâu trần nhà để thấy các ngôi sao đang ẩn mình đằng sau tấm mạng mây trời mượt mà.
Và hắn nói, “Hãy đến, hỡi Thần chết xinh đẹp, linh hồn ta đang khát khao ngươi. Hãy đến kề bên ta, hãy tháo gỡ xiềng xích cuộc đời vì ta kéo lê chúng nay đã mệt. Hãy đến, hỡi Thần chết ngọt ngào, hãy giải thoát ta khỏi người bên cạnh, những kẻ ngó ta như thể một người lạ vì ta thông dịch cho họ ngôn ngữ của thiên thần. Nhanh lên, hỡi Thần chết bình an, hãy mang ta ra khỏi các đám đông này, những kẻ để ta trong góc âm u lãng quên vì ta không cướp bóc người yếu ớt như họ vẫn làm. Hãy đến, hỡi Thần chết dịu dàng, hãy ghì chặt ta dưới đôi cánh trắng của ngươi vì đồng bào ta chẳng cần tới ta. Hãy ôm ấp ta, hỡi Thần chết chan hòa tình yêu và thương xót, hãy để môi ngươi chạm vào đôi môi không bao giờ còn nếm trải chiếc hôn của người mẹ, không còn chạm vào đôi má của người chị và cũng chẳng còn mơn trớn các đầu ngón tay của người tình. Hãy đến và mang ta đi, hỡi thần chết yêu dấu của ta”.
Lúc ấy, bên chiếc giường của thi sĩ hấp hối hiện ra một nữ thiên thần với sắc đẹp siêu nhiên và thiêng liêng, cầm trên tay vòng hoa huệ trắng. Nàng ôm ấp hắn và khép đôi mắt hắn để hắn chỉ còn nhìn thấy với con mắt tinh thần. Nàng in dấu một chiếc hôn rất sâu và thật dài, rồi dịu dàng rời môi mình để lại trên đôi môi hắn một nụ cười toàn mãn vĩnh cửu. Kế đó, túp lều nhỏ biến thành chốn vắng, chẳng còn ai cóp nhặt các trang bằng giấy bằng da bị thi sĩ xem là đồ vô dụng và cay đắng rải chung quanh mình.
Hàng trăm năm sau, khi người dân thành phố trỗi dậy, ra khỏi cơn say ngủ vô minh bệnh hoạn và bắt gặp bình minh của am hiểu, họ dựng lên một đài tưởng niệm trong khu vườn đẹp nhất của mình, và cử hành lễ hội hằng năm để vinh danh thi sĩ ấy, người viết lên các tác phẩm giải phóng họ. Ôi, sự vô minh của con người tàn bạo biết mấy!
Nguồn: A Treasury of Khalil Gibran (Một kho tàng của Khalil Gibran), Anthony Rizcallah Ferrris dịch từ tiếng Arập, Martin L. Wolf biên tập, Nxb Citadel Press, New York, HK, 1951. Các bài: “A Poet’s Voice, tt. 3-8″; “The Poet”, tt. 253-54; “The Lonely Poet”, tt. 279-81; “A Poet’s Death Is His Life” tt. 354-55.

Bản tiếng Việt © 2009 Nguyễn Ước

Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog

8/6/09

Vẻ đẹp của Thiền

Vẻ đẹp của Thiền
Một Danna Chia sẻ với bạn bè ♦ 11 bình luận ♦ 14.05.2009



LTS: Đây là một nỗ lực của tác giả Một Danna, một phần do có sự đề nghị của BBT Da Màu, nhằm tổng hợp lại những quan niệm và khám phá về nghệ thuật của anh, mà anh đã trình bày lâu nay qua một loạt tác phẩm và những phát biểu rải rác ở nhiều nơi, bao gồm trên chính tạp chí của chúng ta trước đây. Hy vọng bài mở đầu cho loạt bài đang được dự tính của Một Danna sẽ được độc giả đón nhận và thảo luận tích cực.





Nói "vẻ đẹp của thiền" thì bản thân phát ngôn này đã là hàm chứa mâu thuẫn nội tại. Nói "thiền không có vẻ đẹp" cũng lại là một mệnh đề sai lẫn khác. Với thiền thì mọi phát ngôn, mọi kí tự nhằm miêu tả nó đều thiếu sót. Như thế, ta gọi là thiền! Tức, ngôn ngữ cũng có vai trò của chúng đối với thiền. Vì thế, cũng không có gì sai trái khi ta nói về mĩ học thiền.



Vô thường


Vô thường là một tính chất quan trọng của thiền, thể hiện sự biến đổi chuyển hoá liên tục của tâm thức. Thấu hiểu bản chất vô thường của thế giới là quả đầu tiên trên con đường tu học của thiền nhân. Nhìn thấy vẻ đẹp của vô thường có thể coi là bước đầu chạm tới nghệ thuật của thiền.

Hình thức nghệ thuật ngôn ngữ mang chất thiền nhiều nhất có thể kể đến haiku. Một haiku chỉ gói ghém đầy đủ trong khoảng 17 âm phải diễn tả được lý do, không gian và thời gian nảy sinh bài thơ nên nó thường chỉ diển tả một sự kiện xảy ra ngay lúc đó, ở thì hiện tại. Sự kiện này có thể liên kết hai ý nghĩ, hay hai ý tưởng khác nhau mà ít khi người ta nghĩ đến cùng một lúc. Đó chính là tính vô thường của tâm thức. Khi đọc haiku, ta cảm được vị trí đứng ở ngoài sự kiện của tác giả nhưng người đọc vẫn có thể nghiệm được tình cảm của tác giả, về niềm vui hay sự cô đơn, đôi khi cũng nêu ra điểm tác giả thắc mắc về cuộc sống ngắn ngủi, phù du. Các sự kiện trong haiku vừa như rời rạc vừa như liên kết theo một linh cảm nào đó. Người đọc như vừa nằm trong dòng suy tưởng, như vừa đứng ngoài chiêm nghiệm. Rõ ràng, với haiku chúng ta không thể nào xác định rõ ràng một cảm xúc hay một khái niệm nào, bởi nó là vô thường.

Ví dụ như một haiku của Kobayashi Issa:

Này cô ốc sên,
chậm rãi mải miết bò lên.
Trên đỉnh núi Phú Sĩ.

Hình ảnh con ốc sên bò lại liên hệ với núi Phú Sĩ làm chúng ta mơ hồ liên hệ nó bò lên đỉnh núi. Vậy nó bò lên đỉnh núi thật hay chỉ là ảo giác của tâm ta? Các hình ảnh rời rạc đó thể hiện bản chất vô thường bất định trong suy nghĩ của con người.

Trong các loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam thì ca trù thể hiện chất vô thường rõ hơn cả. Một bản ca trù không có cấu trúc giai điệu, hợp âm, nhịp độ… chặt chẽ thống nhất như nhạc châu Âu. Tác phẩm được biểu diễn khá tự do phóng khoáng, quan trọng là xử lí các điệu và phách cho nhuần nhuyễn. Một bài ca trù phải sử dụng nhiều kiểu gõ phách khác nhau, nhiều cách nhả âm khác nhau, nhiều điệu khác nhau… nghe rất ngẫu hứng, biến chuyển tinh tế, khác hẳn những bài tân nhạc đang phổ biến hiện nay vốn được xây dựng trên một cấu trúc cung bậc có sẵn và khép kín. Sự chuyển đổi phách, nhịp, âm trong một bài ca trù là một minh chứng khác cho vẻ đẹp của vô thường.



Phi hiện hữu


Thông thường chúng ta nhìn thế giới theo những gì hiện hữu mà chúng ta kiểm chứng và đánh giá được, tức ta suy nghĩ dựa vào những kinh nghiệm tri thức mà ta đã biết. Thiền thì chủ trương phá bỏ những kinh nghiệm đó, và vì thế thiền đặt vấn đề cho những thứ nằm ngoài kinh nghiệm ngôn ngữ đã hiện hữu. Nghệ thuật của thiền cũng là những thách đố cho chúng ta truy tìm những thứ chưa hiện hữu. Ví dụ như bức tranh “Thác nước” dưới đây của hoạ sĩ Nhật, Zeshin Shibata.



Tên bức tranh là "thác nước" mà không thấy thác nước ở đâu, chỉ thấy những tảng đá lởm chởm ẩn hiện tự do trên mặt tranh (thực ra vẫn còn vài nét mờ nhạt thể hiện nước lồng trong đá, nhưng xét bố cục trong tranh thì nó không có vai trò gì). Ta không thể nhìn thấy nước nhưng nhờ vào sự sắp xếp của các tảng đá và những khoảng trống trong bố cục mà ta cảm nhận thấy một thác nước đang ào ào trút xuống, bọt tung trắng xóa, rồi trắc trở luồn qua những khe đá. Quá trình xem bức tranh này là một quá trình truy tìm sự phi hiện hữu ẩn giấu trong các nét mực đã hiện hữu.

Quá trình tìm kiếm này ta cũng bắt gặp trong tuồng nô của Nhật với những khoảng lặng khá lâu để khán giả tìm kiếm những ý nghĩa ngoài lời thoại đã hiện hữu. Trong dòng nhạc thính phòng đương đại, tính chất phi hiện hữu này đã được nhạc sĩ John Cage áp dụng sau thời gian ông học thiền. Năm 1952 Cage giới thiệu tác phẩm "Composition entitled 4’33", một cú sốc với công chúng Mĩ. Đây là một tác phẩm có thể chơi bằng bất cứ loại nhạc cụ nào hoặc bằng một cái gì đó tương đương như nhạc cụ. Tổng phổ hoàn toàn là sự im lặng. Nó không hề có một nốt nhạc nào cả. Người biểu diễn ngồi im lặng trên sân khấu trong suốt thời gian của tác phẩm (4 phút 33 giây). Kết quả cuối cùng chính là âm thanh của tiếng máy điều hoà không khí của phòng hoà nhạc, tiếng ồn do người nghe mang tới, thí dụ như tiếng ho, tiếng cười và những âm thanh từ bên ngoài phòng hoà nhạc mang lại… Hệ thống âm nhạc cổ điển của phương Tây được tạo ra trên nghiên cứu về những âm thanh hiện hữu, về cấu trúc âm cho sự hài hòa thính giác. Âm nhạc của John Cage và âm nhạc của thiền thì đặt vấn đề ngược lại khi tìm sự biểu hiện trong cái phi âm thanh, phi cấu trúc, phi hài hòa. Truy tìm âm nhạc trong sự im lặng là một thách đố cho nhạc sĩ nào muốn theo con đường âm nhạc của thiền.

Thách đố về sự phi hiện hữu cũng dành cho kiến trúc sư. Ta hãy lấy vườn thiền Ryoan-ji làm ví dụ điển hình. Vườn thiền gồm 15 hòn đá xếp thành 5 nhóm tượng trưng cho những hòn đảo trên đại dương. Điều kì lạ là khi đi vòng quanh vườn bao giờ cũng bị khuất mất một hòn đá. Chỉ cần di chuyển một chút là ta thấy hòn đã bị khuất đó, nhưng khi đó một hòn đá khác lại bị khuất. Một tác phẩm kiến trúc được xây dựng từ yếu tố phi hiện hữu, điều đó chỉ có thể xảy ra trong không gian mĩ học của thiền.





Ngược


Suy nghĩ của con người thường xuyên được ngôn ngữ định hướng theo một chiều nào đấy, ví dụ như sự hướng thiện, yêu cái đẹp, thờ phụng Chúa, tôn vinh các bậc anh hùng… Thiền thì đoạn diệt các xu hướng bợ đỡ đó của tâm thức, đưa tâm thức về tới bản lai không bị giằng kéo, ham hướng. Một trong những cách để các bậc cao tăng giúp người khác nhận ra tính chất hướng theo một khái niệm ngôn ngữ nào đó của họ là sự chấp chước theo thói quen kinh nghiệm, là cách đặt vấn đề theo chiều ngược lại.

Trong tác phẩm "Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải" của Trúc Lâm Đầu Đà có đoạn:

"Có người hỏi Thượng Sĩ:
- Thế nào là pháp thân thanh tịnh?
Thầy đáp:
- Ra vào trong nước đái trâu
Chui rúc trong đống phân ngựa.
Lại nói:
- Thế ấy thì chứng nhập đi vậy.
Thầy bảo:
- Không niệm nhơ nhớp là thân thanh tịnh. Nghe tôi nói kệ:
Xưa nay không dơ sạch
Dơ sạch thảy tên suông.
Pháp thân không ngăn ngại
Nào sạch lại nào dơ."

Biết giải thích “pháp thân thanh tịnh” là gì? Người hỏi này vẫn bị chấp vào khái niệm “thanh tịnh”, muốn làm rõ nghĩa nó, muốn xác định nó, muốn hướng đến nó. Tuệ Trung dùng cách nói ngược để dội một gáo nước lạnh vào cái ham muốn thanh tịnh của người kia, rằng thanh tịnh chính là “nước đái trâu”, là “phân ngựa”, là những thứ cực kì ô uế bẩn thỉu. Ông nói như vậy không có nghĩa tìm cách xác định nghĩa của “thanh tịnh” mà muốn chỉ ra rằng không thể có sự thanh tịnh, không thể xác định khái niệm “thanh tịnh” vì nó chỉ có thể hiểu thông qua khái niệm “ô uế”. Từ đó chúng ta sẽ thóat ra khỏi những cản trở của ngôn ngữ trong việc tìm đạo, tức là: “pháp thân không ngăn ngại, nào sạch lại nào dơ”.

Cũng gần như cách đối đáp của Tuệ Trung Thượng Sĩ, Yosa Buson có bài haiku khá thú vị thế này:

Than hồng
trên đống cứt ngựa —
những cánh anh đào đỏ!

Đối với thiền, cứt cũng có vẻ đẹp của nó.

Sự đảo ngược vai trò của các nhân vật trong tuồng nô cũng là một thủ pháp thú vị và độc đáo của loại hình nghệ thuật này. Ví dụ trong vở tuồng nô "Eguchi" của Zeami vai trò của thiền sư và kĩ nữ đã đổi ngược cho nhau. Thông thường các bậc tôn sư khuyên bảo và giác ngộ gái giang hồ như Lã Động Tân hay Jesus Christ, còn ở đây gái giang hồ lại giúp kẻ tu hành đắc đạo. Vở tuồng kể về một thiền sư trên đường hành hương đến chùa Tennoji, ghé qua thôn Eguchi, chợt nhớ ra ngày xưa nơi đây thiền sư Saigyo đã bị một cô gái giang hồ từ chối không cho trọ qua đêm mưa bão. Theo cô ca kĩ đó, thiền sư là người xuất gia mà mình lại thuộc phường phấn hoa, không nên ở trọ cùng nhau. Khi Saigyo làm thơ trách móc cô gái thì nàng đáp lại bằng thơ rằng: “Người đã xuất gia từ bỏ cuộc đời (một nhà trọ lớn) sao còn bận tâm vì một chỗ trọ qua đêm (nhà trọ nhỏ)”.

Trong khi thiền sư đang trầm ngâm nghĩ về việc xưa, bỗng có một cô gái đẹp hiện ra khuyên ông chớ để lòng vướng mắc vì câu chuyện xảy ra cho Saigyo. Sư hỏi tên thì nàng xưng là hồn ma của Eguchi no Kimi (tên một nàng kĩ nữ có tiếng ở vùng Eguchi lúc trước) rồi tan biến trong màn đêm. Sư định cầu siêu cho linh hồn cô gái thì cô ta hiện ra giữa hai nàng kỹ nữ. Cả ba nàng chèo thuyền vui chơi trên sông Yodo dưới ánh trăng thanh, hát những bài ca than thở cho kiếp người trôi nổi vô thường, những phiền não gây ra bởi lòng tham ái dục. Thế rồi, nàng Eguchi no Kimi ấy bỗng nhiên hóa thành một vị Bồ Tát và chiếc thuyền hóa thành con voi trắng chở thiền sư lên mây về Tây phương cực lạc.




Chẳng hai


Pháp thiền, theo Lục Tổ Huệ Năng là pháp chẳng hai. Ngài giải thích : « Pháp Sư giảng kinh Niết Bàn, đã hiểu rõ Phật tính tức là Pháp Chẳng Hai của Phật Pháp vậy. Như Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch với Phật rằng: “Người phạm bốn điều trọng cấm, làm năm điều trọng tội, nghịch và chẳng tin Phật Pháp, thì thiện căn và Phật tính phải bị đoạn diệt chăng? Phật đáp rằng: “Thiện căn có hai thứ: Một là thường, hai là vô thường; Còn Phật tính chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, cho nên không đoạn diệt, ấy gọi là Pháp Chẳng Hai. Thiện căn lại có hai: Một là lành, hai là chẳng lành; Phật tính chẳng phải lành chẳng phải chẳng lành, ấy gọi là Pháp Chẳng Hai. Uẩn và Giới người phàm phu thấy có hai, chứ người trí thấu hiểu, biết tính của nó chẳng phải hai. Tánh Chẳng Hai tức là Phật Tánh vậy”.

Cô Tấm có thật sự hiền từ dễ thương không khi giết chết em gái mình một cách man rợ như vậy? Thậm chí cô ta còn lấy xác của em gái để làm mắm cho mẹ ghẻ ăn. Nếu như cho rằng cô Tấm hiền hậu, cô Cám độc ác thì đó là một nhận định sai lầm. Cám và Tấm chỉ là hai đại diện trong cấu trúc nhị nguyên, đấu tranh sinh tồn với nhau, chứ không hề có tính thiện ác gì cả. Còn nếu lí giải theo luật nhân quả thì « gieo hạt nào, nhận quả nấy », chứ không hề có chuyện « ác giả, ác báo ». Hạt và quả ở đây không hề có tự tính nào. Nếu nhìn câu truyện cổ này theo nhãn quan của pháp chẳng hai thì ta mới thấy vẻ đẹp của thiền trong nó.

Trong các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung ta cũng thấy nhiều ví dụ về thủ pháp "chẳng hai" giữa cái thiện và cái ác, cái chính và cái tà. Không phải vì Kim Dung lấp liếm nhập nhoè chúng vào nhau mà vì ông không lí giải các hành động nhân vật theo đạo đức, ông muốn hướng tới bản lai không còn bóng dáng của tri luận và đạo đức, cũng như Huệ Năng nói : «muốn biết chỗ yếu chỉ của tâm, thì đừng nghĩ tính đến cả thảy các điều thiện ác. Như thế, tự nhiên đặng vào cái tâm thể trong sạch, phẳng bằng vắng lặng, linh diệu vô cùng». Thật khó có thể giải thích rõ ràng khi những bậc tôn sư chính phái như Diệt Tuyệt sư thái của phái Nga Mi, lấy từ bi của Phật làm gốc, lại có thể hung hăng tàn sát mấy trăm đệ tử Ma giáo khi họ không thể chống cự ; hoặc Nhạc Bất Quần dùng mọi thủ đoạn hèn hạ để mong thống nhất Ngũ Nhạc kiếm phái, hòng trở thành anh hùng chính phái. Trong khi đó những nhân vật lúc đầu được tác giả khoác cho tấm áo tà phái như Tạ Tốn, Khúc Dương… lại dần trở nên dễ mến và đáng phục bởi tài năng và nhân phẩm của họ. Vậy đâu mới là tính cách thực sự của nhân vật ? Thiện hay ác, chính hay tà ? Một câu hỏi không có lời giải đáp!

Quan niệm mĩ học theo pháp chẳng hai cũng giúp ta lí giải vẻ đẹp trong nhiều bức tranh cổ điển Trung Hoa. Ví dụ bức "Mùa xuân trên sông" của Thạch Đào.



clip_image006



Tuy không khí se lạnh của sương mù trên sông bao trùm trong toàn bộ bức tranh nhưng cây lá vẫn tiềm ẩn sự sống mãnh liệt, đường nét của núi trập trùng khỏe khoắn. Bức tranh tuy vẽ cảnh mùa xuân nhưng núi vẫn còn dáng dấp trơ trụi của mùa đông, và sông vẫn đầy sương mù lạnh giá. Thật khó có thể xác định đây là cảnh mùa đông hay là cảnh mùa xuân. Người xem tranh không nên bị lệ thuộc vào ngôn ngữ về tên của bức tranh hay bức tranh muốn thể hiện cảnh sông vào thời điểm nào. Hãy phá chấp ngôn ngữ, khi đó ta sẽ thấy vẻ đẹp của bức tranh linh diệu vô cùng.



Tự nhiên


Trong nghệ thuật của thiền, điều quan trọng đối với một nghệ sĩ không phải là anh ta diễn tả thế giới mà là anh ta diễn tả chính bản thân mình với những cảm xúc chân thật nhất. Người nghệ sĩ nếu thể hiện cái nhìn của anh ta về thế giới thì đó là những kinh nghiệm luôn có xu hướng cứng nhắc và định hướng, còn nếu anh ta cứ tự nhiên thể hiện cảm xúc không cần để ý nguyên tắc nghề nghiệp thì đó mới là cái thăng hoa của nghệ thuật. Nhà soạn tuồng nô Zeami có nói về hana, tinh hoa của tuồng nô như sau:

“Về diễn xuất thì có người đạt được kỹ thuật cao nhưng có khi không hiểu gì về tinh thần của nô, ngược lại, có người không nắm kỹ thuật cho lắm nhưng lại cảm nhận rất tốt về nô. Khi diễn trước công chúng, người có kỹ thuật cao mà diễn không đạt là vì thiếu cảm nhận về nô. Vì thế, kẻ mới vào nghề mà đứng trước khán giả lại trổ được cái tinh hoa mà người diễn chuyên nghiệp không có.”

Kinh nghiệm của Zeami cho chúng ta biết rằng cái tinh thần của tuồng nô (và nghệ thuật nói chung) không phải là những qui tắc kĩ thuật biểu diễn với các động tác múa và cách nhả âm giọng mà nó nằm ở cái đam mê hưng phấn của kẻ mới vào nghề. Khi đó kẻ mới vào nghề chưa bị các thói quen diễn xuất hay chính là cái quyền lực của khái niệm ngôn từ chi phối, họ hành động tự do sáng tạo theo cảm nhận tự nhiên về vở diễn.

Tương tự như hana trong tuồng nô, hội hoạ cổ điển Trung Hoa rất đề cao cái thần, cái ý trong tranh. Khi hoạ sĩ cầm bút thì phải vẽ thật nhanh để cái thần ý của mình vẫn trong nét mực, không thể có thời gian suy tính bố cục hay đường nét hoàn hảo, như Tô Đông Pha từng nói: "Muốn vẽ trúc thì phải có trúc mọc từ trong ngực đã; đến lúc vẽ, định thần cho chăm chú sẽ thấy cái muốn vẽ. Rồi lập tức theo sát nó, dụng bút để đuổi theo hình ảnh vừa nhìn thấy, như con diều hâu nhào xuống con thỏ, ngập ngừng một chút là mất dấu".

Ví dụ bức tranh "Bình hoa" của Bát Đại Sơn Nhân dưới đây ta thấy một cách dụng bút rất tinh tế. Bức tranh tuy đơn giản nhưng rất đặc trưng cho hội hoạ thiền, một vẻ đẹp tự nhiên tinh khiết. Đường nét của bình hoa đơn giản mà vẫn đủ độ cong, đủ độ thẳng, đủ độ nhấn, đủ độ mờ. Vài mảng mực đậm tự do chồng lên nhau cũng đủ gợi lên hình ảnh một bông hoa tươi tắn, đang độ viên mãn. Một nét mực khuyết cũng đủ gợi lên một không gian bóng đổ phía sau…



clip_image008




Dấn thân


Bức thứ mười trong bộ tranh "Thập mục ngưu đồ" có tên là "Nhập triền thuỳ thủ", tức "Thõng tay vào chợ", tại sao vậy? Đó là vì ở bức thứ tám chỉ đạt đến cảnh giới "Người, trâu đều quên", tức sự đắc ngộ riêng cho bản thân. Thiền đi xa hơn những cảnh giới tự mình đạt được, là sự dấn thân vào hồng trần để giúp chúng sinh thoát khỏi bể khổ. Hiểu được triết lý đó của thiền ta sẽ hiểu được vẻ đẹp trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính".

Vẻ đẹp trong nhân vật Thị Kính chính là sự dấn thân và trải nghiệm về cái khổ, dù là do ngoại cảnh hay tự ý. Ta cũng biết rằng, vẻ đẹp về bi kịch đã được lí luận từ thời Hy Lạp cổ với quan điểm "catharsis" của Aristote, nhưng cái khổ trong kịch nghệ Phật giáo có một ý nghĩa khác hẳn. Nếu như catharsis là cảm giác trải nghiệm của người xem về một số phận đau thương; họ nhập tâm vào vở kịch, gán bản thân vào nhân vật; họ sợ hãi và đau đớn; để rồi kết thúc vở kịch thấy rằng đó chỉ là một câu chuyện; họ vui sướng thoải mái trở lại đời sống thực tại.

Còn vẻ đẹp bi kịch của thiền là sự dấn thân của nhân vật vào cái khổ, đồng thời khơi dậy cho người xem một cảm giác chia sẻ nỗi khổ. Rõ ràng Thị Kính có nhiều cách để giải oan nhưng nàng lại lựa chọn sự đau khổ, nàng đi tu, nàng chấp nhận tiếng xấu thông dâm, nàng chấp nhận cô đơn nuôi đứa trẻ hoang. Nếu không làm thế đứa trẻ và mẹ đứa trẻ chắc chắn sẽ bị các hủ tục giết chết. Sự dấn thân vào cái khổ chính là một cách để chúng ta thấy rằng cảm giác khổ do ảo tưởng của ta mang lại, một cảm giác bị động, còn khi ta chủ động nắm lấy cái khổ thì nó có một ý nghĩa khác: lòng từ bi bác ái.

Hoặc "Truyện thiền sư Kannon" cũng là một ví dụ khác về mĩ học của sự dấn thân, khi Kannon tình nguyện làm người tình của vị sư già nhằm mục đích giác ngộ ông ta. Truyện kể về một thiền sư già nhiều năm tu khắc khổ mà vẫn chưa đắc đạo. Một lần ông đến chùa Hasedera là nơi thiền sư Kannon trước đây đã tịch diệt. Một đêm, vị thiền sư già thấy một chú tiểu rất đẹp đang thổi sáo ở vườn chùa trong làn khói hương mờ ảo. Vị sư già rất yêu chú tiểu, lập tức kéo về làm đệ tử đồng thời làm người tình riêng cho mình. Sau ba năm yêu thương nồng ấm, chú tiểu ốm rồi qua đời, để lại nhà sư già với trái tim tan nát. Lúc đó Kannon hiện ra, tiết lộ rằng mình chính là chú tiểu và giảng cho nhà sư về tính phù hoa vô thường của vạn vật, về ảo ảnh của sắc dục. Vị thiền sư già chợt giác ngộ.



Cái chết


Người các dân tộc khác rất lấy làm ngạc nhiên tại sao ở Nhật Bản mỗi ngày đều có một vụ tự sát mà cũng lại là nơi có nhiều người sống lâu nhất thế giới, họ nghĩ ra rất nhiều phương pháp dưỡng sinh để kéo dài tuổi thọ. Như vậy, việc tự sát không phải hoàn toàn chứng tỏ người Nhật Bản chán sống, bi lụy, mà cái chết nó còn mang ý nghĩa về tôn giáo và mĩ học. Nếu chúng ta không hiểu mĩ học của cái chết thì ta sẽ không hiểu được không gian ngôn ngữ trong các tác phẩm văn học của Kawabata, Mishima, Murakami…, nơi mà cái chết mang vẻ đẹp phi thường, vẻ đẹp của sự hủy diệt. Ví dụ, người nước ngoài sẽ rất khó hiểu vẻ đẹp của đoạn văn sau trong truyện “Đẹp và buồn” của Kawabata:

“Mớ tóc rối trải ra trên gối, đen tuyền như còn đẫm nước. Môi hé mở để lộ hàm răng xinh đẹp. Hai cánh tay dưới chăn duỗi hai bên hông. Cô gái nằm đấy, đầu ngay ngắn trên gối, vẻ đẹp thơ ngây làm Otoko mủi lòng. Khuôn mặt Keiko xa vắng như đã vĩnh biệt cô giáo, vĩnh biệt cuộc sống.”

Trong truyện, Keiko là một cô học trò đồng tính của cô giáo dạy vẽ Otoko, đã dùng sắc đẹp của mình để trả thù cho cô giáo cũng là người tình của mình. Sau khi xong việc, Keiko đã tự sát với một niềm vui đã viên mãn. Còn Otoko thì vừa thương Keiko, vừa thưởng thức vẻ đẹp trong cái chết của người tình.

Hoặc sau đây là một đoạn văn tả cảnh một samurai mổ bụng tự sát trong thời kì Edo:

“Sau khi tắm rửa thật sạch sẽ, khoác vào chiếc áo choàng trắng tinh, chàng thong thả quỳ xuống chiếc tatami, ngước mắt âu yếm nhìn người vợ thân yêu đang quỳ bên cạnh, (người mà chốc nữa đây sẽ giúp sửa sang lại tư thế tử thi của chồng sao cho đàng hoàng nhất rồi cũng sẽ tự sát chết theo), rồi dùng dao đâm vào phần bụng trên, nhìn dòng máu đỏ nóng ấm của mình phụt ra, rồi ấn mạnh tay kéo rạch xuống phần bụng dưới… Chàng ngã xuống vũng máu, nơi dòng sinh lực cường tráng của mình tuôn chảy, ngã xuống với nụ cười thoả mãn…”

Ta cũng bắt gặp không ít các haiku đề cao vẻ đẹp của cái chết, ví dụ một haiku của Nagata Koi:

Cái chết đến —
thiên hạ cười ngất
dưới rặng anh đào

một haiku của Kobayashi Issa:

Nếu đã vậy
thì cớ chi ta không tập chết
dưới bóng hoa nhỉ?

một haiku của Ochi Etsujin:

Chìm đắm trong
giấc mơ hoa —
ta muốn chết ngay tức khắc!

một haiku khác của Kobayshi Issa:

Mi hãy chuẩn bị đón nhận cái chết
hãy chuẩn bị ngay đi nhé
xào xạc những cây anh đào!

Nếu chúng ta dùng ngôn ngữ để giải thích cho thiền thì ngàn năm vẫn không thể nào tóm được nó, vì sự hiện hữu của ngôn ngữ chỉ như các vật chất nhỏ bé trong vũ trụ, còn sự vô ngôn của thiền bao la như những lỗ đen. Thiết nghĩ, một bài luận nhỏ kiểu nhập môn này có thể dừng lại ở đây.





.
bài đã đăng của Một Danna

* Vẻ đẹp của Thiền - 14.05.2009
* Mỹ Học Pháp Kim Cương - 29.04.2009
* Trước tượng đài Brodsky - 06.06.2008
* Liên văn bản số 1 - 27.04.2008

11 bình luận »

* Trinh - Trung Lap viết:

Có một quan điểm khác về thiền ngày nay đang được đông đảo thiền sinh yêu thích và theo học tu tập trên toàn thế giới. Pháp thiền nay quan điểm như sau: Mọi người điều biết cách tọa thiền, và người ta đang thiền hằng ngày vào những việc khác nhau. Có người thiền về tiền bạc, về thức ăn. Có người thiền về bạn trai, bạn gái, có người thiền về business, affair nào đó, có người thiền về con cái, vợ chồng và sách vở. Có người thiền về danh lợi, địa vị, quyền lực. Có người thiền về Thượng đế khi tuyệt vọng… Có một lối thiền hoàn toàn khác với những mục tiêu thiền tôi vừa nêu trên đây, kể cả quan điểm “sự vô ngôn của thiền” theo quan điểm của tác giả bài viết trên.

Mấy ngàn năm qua, những cái tạm cho là “mỹ học thiền” mà tác giả đề cập đến như: vô thường, phi hiện hữu, ngược, chẳng hai, tự nhiên, dấn thân, cái chết, đã quá cao siêu và vi diệu và có khi rất khó cho tầng lớp dân chúng nghèo khổ áp dụng thực hành trên con đường đi tìm giải thoát cho khổ nạn đời.

“Hãy tìm Thiên quốc trước rồi tất cả sẽ được thêm vào.” Tất cả mọi phép lạ, sự mãn túc, mọi sự đáp ứng của ước muốn tại trần gian và trên Thượng giới điều đến từ Thiên quốc, từ sự nhận thức bên trong về sự hài hòa vĩnh cửu tối thượng của chúng ta. Nếu chúng ta không đạt được điều đó, chúng ta sẽ không bao giờ có được sự mãn túc ở thế giới này cho dù chúng ta có giàu có bao nhiêu đi nữa, địa vị quyền tước đến đâu và cuộc đời đang hiến dâng bao nhiêu vật chất phù du dưới chân chúng ta.

Linh hồn (theo tác giả là cái Bản lai đó) phải gắn liền với Thiên quốc, phải ở trong Thiên quốc, mà Thiên quốc thì lại ở ngay trong chúng ta, ngay trong tầm tay của chúng ta. Và khi đã gặp được Thiên quốc rồi thì chúng ta sẽ đến bến bờ viên mãn. Chính vì thế Đức Phật đã từ bỏ ngai vàng trần thế, Chúa Giesu đã khước từ làm vua của người Do thái, không phải chỉ để đi tìm vài cái tinh túy của thiền như tác giả đã đề cập trong bài viết trên.

Cuối chặng đường của Đức Giesu là cái chết của tình yêu.

Một số nhà phản biện chống Giáo hội công giáo cho rằng cái chết của Chúa Giesu là cái chết chính trị. Tôi cho rằng nhận định đó không hoàn toàn đúng nhưng cũng không hẳn là sai. Cái chết của Ngài hiện diện trong mọi khía cạnh của đời sống, chính trị, đạo đức, đối nhân, xử thế của loài người. Ngài dùng cái chết của mình để làm nên cái chân lý “yêu là chết cho người mình yêu.”

Còn gì tuyệt vời cho bằng! Tình yêu đôi lứa đã đành. Tình yêu tổ quốc cũng không kém nét đẹp. “Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương,” câu hát của người nhạc sĩ thật cảm động, nó đã đi vào lòng tuổi trẻ Việt Nam qua bao thế hệ, sẵn sàng đấu tranh chống cái bạo lực, bạo tàn. Câu hát đã làm nên danh tiếng một Việt Nam lẫy lừng 5 châu 4 bể.

Không như cái chết vô lý của người Nhật mà tác giả đề cập đến. Thiền học như thế không phải là cái đáng để học. Thử nghĩ một hòn đá nằm chơ vơ bên đường, không tham sân si, không ngôn ngữ, không cảm giác, nhưng hòn đá ấy có hạnh phúc không!?

Chắc chắn là không bao giờ. Tôi biết rằng hòn đá ấy khác với hòn đá trong máng cỏ hang lừa của đêm đông giá rét, khác với hòn đá bên hồ sen nơi Đức Phật 7 bước khai ngộ cho nhân loại. Hòn đá ấy mới là hạnh phúc.

Kẻ Thiền sư chân chính không bao giờ có thể hạ bút viết những ngôn từ sau đây: “…Suy nghĩ của con người thường xuyên được ngôn ngữ định hướng theo một chiều nào đấy, ví dụ như sự hướng thiện, yêu cái đẹp, thờ phụng Chúa, tôn vinh các bậc anh hùng… Thiền thì đoạn diệt các xu hướng bợ đỡ đó của tâm thức, đưa tâm thức về tới bản lai không bị giằng kéo, ham hướng…”

Thật là một nhận định rất sai lầm về vai trò của ngôn ngữ đối với tư duy và mục đích của Thiền chân.
- 14.05.2009 vào lúc 9:04 pm
* Trần Thiện Huy viết:

Ông Trịnh Trung Lập lâu nay hăng hái dùng nhiều cơ hội để giới thiệu nhãn quan Thiên Chúa giáo. Điều đó không có gì không đúng, lại hay nữa là khác. Tuy nhiên, Thiền, dù muốn dù không, cũng là một trường phái tư tưởng nhất định, có gốc gác, uyên nguyên cụ thể, nội hàm, ngôn ngữ riêng biệt. Nó không phải một thứ ngôn từ chung chung mà ta có thể dùng để gọi bất cứ cái gì ta thích.

Gọi lý tưởng Thiên Chúa giáo là “tư duy và mục đích thiền” đã là một sự nhập nhằng, lại còn cho đó là chuẩn mực chân xác để bác bỏ cái nhìn người khác, tôi e ông đã đi quá xa. Trong lịch sử Thiền, không thiếu gì những diễn ngôn nói ra nhằm phá giải chính những cái chấp trong tư tưởng mà ông vừa ca ngợi, chẳng hạn niềm tin và sự trông chờ vào cái tốt đẹp tối thượng, vĩnh cửu. Giữa hai cái nhìn, ai đúng, ai sai, tôi không có khả năng bàn luận thấu đáo ở đây, chỉ biết, ta đừng nên áp đặt vào Thiền những cái tự nó không phải.

Dù sao cũng rất đáng mừng việc ông mở ra một góc thảo luận mới cho đề tài này, và xin cảm ơn ông về việc đó.
- 14.05.2009 vào lúc 11:16 pm
* Trinh - Trung Lap viết:

Thưa Ông Trần Thiện Huy!

Xin cám ơn Ông về nhận xét đối với comment của tôi.

Trước hết, tôi phải đính chính ngay rằng:

- Tôi không hăng hái dùng nhiều cơ hội để giới thiệu nhãn quan Thiên Chúa giáo dù điều đó có hay đi chăng nữa. Tôi luôn tôn trọng chốn công luận, tuy nhiên một đôi khi không tránh khỏi phải dùng thế giới quan tôn giáo của tôi để giải quyết hoặc trình bày một quan điểm xã hội nào đó. Một lần nữa xin nhắc lại tôi không có ý truyền giáo ở đây.

- Quan điểm của Ông: “Thiền, dù muốn dù không, cũng là một trường phái tư tưởng nhất định, có gốc gác, uyên nguyên cụ thể, nội hàm, ngôn ngữ riêng biệt. Nó không phải một thứ ngôn từ chung chung mà ta có thể dùng để gọi bất cứ cái gì ta thích.”

Quan điểm của tôi: Thiền bàng bạc trong đời sống nhân gian, từ cổ xưa cho đến ngàn sau nữa. Tôi nhận thấy rằng trong ngôn ngữ quốc tế, người ta dùng từ tiếng Anh “to meditate” để chỉ hành động thiền, chiêm nghiệm, suy gẫm, tĩnh tâm…

Tây lịch và Phật lịch qua hơn 2000 năm! Một quãng thời gian quá dài cho những dịch phẩm như kinh thánh, kinh phẩm… luôn được chuyển ngữ, rồi tái bản, rồi bình luận, giảng dạy trong nhà chùa, nhà thờ, trong hội đoàn, v.v. Vì vậy tam sao thất bản là điều khó tránh khỏi. Huống gì hơn 2000 năm đã trôi qua, người ta ngược dòng tìm kiếm nguồn gốc của thiền, các hệ phái của thiền, nhưng người ta quên mất một thực tế rằng: Đối với Võ Thuật học chẳng hạn, Ông nghĩ sao về nguồn gốc của Võ thuật? Tôi thì cho rằng Võ thuật có nguồn gốc từ miếng ra đòn theo bản năng của hổ, của mèo, của chân hạc, cú lao thân cuốn mình của rắn. Võ thuật không bắt nguồn từ Thiếu lâm tự, hay bất kỳ một môn phái, một quốc gia nào cả.

Thiền cũng vậy. Giả thuyết của tôi là: Từ suy niệm là phản xạ tâm lý tự nhiên của loài người, con người đã tiến lên một bước Thiền học, làm cho nó trở thành một môn học có hệ thống.

- Cuối cùng tôi xin đính chính tôi không gọi lý tưởng Thiên Chúa giáo là “tư duy và mục đích thiền.” Tôi lại càng không cho đó là chuẩn mực chân xác để bác bỏ cái nhìn người khác. Tôi tôn trọng mọi ý kiến khác biệt. Có thể trong cách diễn đạt của tôi chưa làm cho người đọc hiểu chính xác. Nên tôi khẳng định lại rằng: tôi chỉ muốn thế hệ trẻ ngày hôm nay phải tìm lại chính mình. Đừng quá đam mê vào những thú vui nhất thời, những trò chơi vô bổ, danh vọng phù phiếm. Đừng quá lo lắng sợ hãi cho cuộc sống vật chất, job, thăng quan tiến chức… mà quên đi những giá trị tinh thần ắt có và đủ của đời sống văn minh.

Vừa mới đây tôi tìm hiểu trên mạng, không biết Ông có phải là ký giả, nhà văn Trần Thiện Huy (USA) hay không? Nếu đúng là Ông, tôi nghĩ sẽ dành thời gian đọc thêm về các tác phẩm của Ông để hiểu nhau hơn!

Xin kính chào Ông!
- 15.05.2009 vào lúc 1:28 am
* Trần Thiện Huy viết:

Thưa ông Trịnh Trung Lập,

Vâng, nói chung thì nhờ những dịp như thế này hai người lạ mới có cơ hội so sánh quan điểm với nhau. Tôi chỉ thêm một ý này vào những gì đã nói ở trên, cốt chỉ để giải thích một phát biểu không rõ, có thể gây ngộ nhận của mình.

Khi tôi nói “nhãn quan Thiên Chúa giáo,” không có nghĩa là tôi đang nói về sự truyền đạo. Căn bản thì tư tưởng, quan niệm của mỗi người đều ít nhiều xây dựng quanh một hệ thống, một căn nguyên nào đó. Ví dụ, có kẻ có nhãn quan Marxist, có kẻ nhãn quan hiện sinh, vân vân. Từ đó mà mỗi chúng ta chọn lựa một tư thế đối với đa số vấn đề cuộc sống, và chọn lựa ngôn ngữ để diễn đạt tư thế của chúng ta. Tôi nghĩ mình không đến nỗi sai lầm khi dùng cách gọi đó để tổng quát hoá cái nhìn của ông chứ ạ?

Và sau cùng, tôi cũng xin lỗi vì đã dùng cụm từ, ai đúng ai sai. Nó gợi ra ý niệm có thể có một cuộc đấu tranh để phân định vị trí hơn thua giữa những thế giới quan khác nhau, trong khi đối với một cuộc thảo luận bình đẳng và tự do, mọi người đều có lợi và mọi ý kiến đều có ích.

Trân trọng cảm ơn ông.
- 15.05.2009 vào lúc 9:56 pm
* Ngô Nguyên Dũng viết:

Một bài viết đẹp với nhiều hình ảnh bàng bạc thiền vị của Một Danna. Nhưng đọc tới trích đoạn về cái chết tự nguyện của kiếm sĩ Nhật, tôi bối rối. Tác giả không cho biết xuất xứ, nhưng tôi đoán, có lẽ trích từ truyện ngắn được dịch sang tiếng Việt mang tựa đề “Lòng ái quốc” của Yukio Mishima. Và như vậy, nhân vật trong truyện tự sát có mục đích rõ rệt: chết cho tinh thần quốc gia cao độ, nếu không nói là cực đoan, trong trường hợp trên là tinh thần hiệp sĩ đạo Nhật bản.

Tôi không nhận ra tính thiền vị nào trong cái chết đó, ngoài cái đẹp của văn chương. Cá nhân tôi cho đó là một cái chết xuẩn động. Chính Mishima cũng đã tự sát theo nghi lễ seppuku: mổ bụng và “được” người khác chặt đầu không lìa khỏi cổ.

Theo cách hiểu của cá nhân tôi, khi nghe nhắc tới “thiền”, hẳn là đa số, và có lẽ tất cả (?) người Tây phương đều nghĩ rằng, đó là một cách tu tập truyền thống của một tôn giáo ở đông phương. Phương tiện cũng như cứu cánh “tĩnh tâm” trong Thiên chúa giáo hoàn toàn không giống phương tiện và cứu cánh “thiền tập” trong Phật giáo. Tác giả Một Danna đã hé cho thấy qua câu: “Thiền thì đoạn diệt các xu hướng bợ đỡ đó của tâm thức, đưa tâm thức về tới bản lai không bị giằng kéo, ham hướng.”

Không phải là người tu hành, thay vì “tâm thức” tôi gọi đó là “ý thức”. Từ đó nẩy sinh ra “tiềm thức”. Và, cứ như vậy, kết thành một chuỗi liên tục, dai dẳng, chồng chất. Tôi nghĩ, mục tiêu rốt ráo của “thiền” theo truyền thống Phật giáo là tìm cách bứt lìa chuỗi ý thức cũng như tiềm thức để đạt tới “không tánh”…

Hình như tôi đã lan man nhiều lời. Xin được dừng ở đây và cám ơn tác giả Một Danna đã gợi ý qua một bài viết đậm đà thiền vị.
- 16.05.2009 vào lúc 2:07 am
* Trinh - Trung Lap viết:

-Về cái chết, tác giả trích dẫn vẻ đẹp của đoạn văn trong truyện “Đẹp và buồn” của Kawabata.

Thế nhưng tôi được biết rằng trong bài diễn văn đọc khi nhận giải Nobel Vvăn Chương, chính tác giả Kawabata đã lên án truyền thống tự vẫn, cách sống hay đúng hơn cách chết rất Nhật đã cướp đi nhiều bạn văn thân mến của ông.
Tuy nhiên, như những nhân vật của truyện ông với những u uẩn trăn trở và mâu thuẫn của họ, chính ông lại tự vẫn bằng hơi độc tại Zushi ngày 16 tháng 4 năm 1972. Ông chết bốn năm sau giải Nobel, và ba năm sau khi người bạn vong niên Mishima mổ bụng tự sát. Ông hưởng thọ 73 tuổi. Ông ra đi trong lúc sức khỏe đã suy sụp, và không để lại thư tuyệt mệnh. (Tôi cứ nghĩ một cách khôi hài rằng ở đây có yếu tố bệnh lý, một sự “vận” vào thân nào đó chăng? Vì thế không nên để con em mình đọc những cuốn sách này.)

Như vậy, nếu phân tích một chút ta sẽ thấy “chết cho quê hương” thì khác với “tự vẫn vì lòng ái quốc.” Một Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính quyền độc tài, đàn áp Phật giáo (chỉ là theo nhận định của riêng Ngài) là cái chết cho quê hương. Còn một kiếm sĩ Nhật tự vẫn trước khi giặc đến bắt mình chỉ là “chọn cái chết để giữ tròn khí khái.” Người làm chính trị phải hơn thế, phải biết chờ đợi thời cơ, thua keo này ta bày keo khác, không sợ tù đày, gông cùm, tra tấn mà quyết đương đầu với bạo tàn bạo lực để truyền lửa cho người khác vững tâm theo.

- Về thiền học, thuật ngữ “thiền” ngay cả theo tiếng Trung Quốc “chan” cũng có nghĩa là trầm tư, mặc định. Thiền học không phải là một tôn giáo mà là một triết lý, một nghệ thuật sống. Mà đã là một triết lý, một nghệ thuật sống thì tôn giáo nào cũng có cả. Và đương nhiên là mỗi tôn giáo có triết lý và nghệ thuật khác nhau, một pháp thiền khác nhau. Trong bất kỳ tự điển nào của nhân loại cũng phải kể đến từ vựng “thiền” theo một nghĩa chung, chứ không phải một danh từ riêng được in hoa. Ngay cả một số giáo phái (chưa phải là tôn giáo) cũng có “pháp thiền” của riêng họ. Theo tôi biết hiện nay ở Mỹ cũng có nhiều giáo phái như thế, khá rầm rộ. Ở Ấn độ thì từ lâu đã là cái nôi của nhiều pháp thiền rồi.

Riêng tôi cổ súy cho một pháp thiền mà mục đích là con người phải qua đó tìm lại được chính mình chứ không phải quên lãng mình. Lấy lại cái năng lượng để đoạn diệt những thú vui vô bổ, nô lệ vật chất, sợ hãi bạo lực, tìm lại cái “phật tánh” của mình chứ không phải là cái “không tánh.” Cái Phật tánh ấy để “độ” cho đời, giúp đưa con người diệt trừ cái bạo lực và bất công. Vì thế khi ta chọn một tôn giáo thì nên là một tôn giáo nhập thế chứ không phải một tôn giáo ở trên trời xa quá xa loài người. Và khi tôi suy niệm kinh kệ thì tất theo triết lý ấy của tôi.
- 16.05.2009 vào lúc 9:02 am
* bắc phong viết:

sau khi đọc một danna

định góp ý gì đó
nhưng chưa viết thì gió thổi bay
mất ngã kiến về thiền

bắc phong
- 16.05.2009 vào lúc 10:54 am
* Trinh - Trung Lap viết:

Xin nói thêm một chút về vai trò giữa ngôn ngữ và tư duy theo dẫn giải của Tác giả: “…Suy nghĩ của con người thường xuyên được ngôn ngữ định hướng theo một chiều nào đấy, ví dụ như sự hướng thiện, yêu cái đẹp, thờ phụng Chúa, tôn vinh các bậc anh hùng…”

Ai cũng biết Ngôn ngữ là phương tiện để giao tiếp và là công cụ của tư duy. Theo ý Tác giả ta chỉ bàn về cái lý thuyết: ngôn ngữ là công cụ của tư duy. Tác giả cho rằng ngôn ngữ thường xuyên định hướng cho tư duy (có nghĩa là ngôn ngữ dẫn dắt tư duy ?) Tôi thấy ý này rất lạ.

Sự hướng thiện, yêu cái đẹp đang còn là vấn dề tranh cãi. Trong một góp ý trước đây tôi có đề cập:

Nho giáo Khổng Mạnh thì cho rằng: Nhân chi sơ tính bổn thiện
Tuân tử cho: Nhân chi sơ tính bổn ác
Kẻ vô thần cho: Nhân chi sơ vô thiện vô ác
Có người cho: Nhân chi sơ cả thiện và ác

Còn Nhà Toán học, Triết gia Descartes đã dùng phép qui nạp để chứng minh có Thượng đế. Đại ý là cái thiện của con người phải do một lực lượng hoàn hảo (perfect) ban cho. Vì con người là bất toàn (imperfect), vậy thì suy ra Thượng đế phải tồn tại để làm điều đó.

Rõ ràng ngôn ngữ không định hướng cho sự hướng thiện và yêu cái đẹp. Vì thế khi chủ trương thiền để đoạn diệt các tâm thức sự thờ phụng Chúa, sự tôn vinh các bậc anh hùng là một kiểu thiền rất kỳ lạ. Cũng như khi nói khái niệm “vô ngôn” thì vẫn thực ra cũng chỉ là hữu ngôn mà thôi. Chẳng hạn: “I say nothing” thì vẫn là “say” nhưng là “say” cái “nothing.” Nghĩa là tư duy vẫn đang vận động để phản ánh một nhận thức “say nothing” theo chức năng của nó.

Tôi đồ rằng kiểu thiền đó còn có mục đích ngưng cả tư duy nữa chăng? Để đạt được điều gì? Chân thành rất muốn nghe ý kiến của Quý vị!
- 16.05.2009 vào lúc 5:03 pm
* Một Danna viết:

Trước hết Một Danna tôi xin cám ơn quý vị đã trao đổi, và cũng xin lỗi vì trong lúc vội gửi bài cho BBT Da Màu đã không chú thích các trích dẫn đầy đủ, đó là:

- Những lời nói của Lục Tổ Hụê Năng trích từ “Kinh pháp bảo đàn”
- Lí luận về tuồng nô trích từ cuốn “Fuushinkaden” của Zeami
- Lí luận về hội hoạ của Tô Đông Pha lấy từ cuốn “Hội hoạ Trung Hoa qua lời kể của các danh hoạ” của Lâm Ngữ Đường
- Các haiku lấy từ cuốn “Haiku: Anthologie du poème court japonais”
- Cảnh tả samurai tự sát lấy từ một bài viết trên trang talawas bộ cũ.

Thành thật xin lỗi quý vị vì sự thiếu sót này. Đây là một thiếu sót của người không chuyên như tôi.

Về cái “chuyển hoá của tâm thức” hay vô thường, đó là bản chất suy nghĩ của chúng ta, khi thực hành thiền thì ta phải chặn cái dòng ý thức này bằng sự đi vào hơi thở. Nhưng trước hết ta phải thấu hiểu nó, thấu hiểu sự vô thường của thế giới, rồi mới đưa nó vào trong nghệ thuật ngôn từ. Chắc quý vị khi đã đọc tiểu thuyết của Faulkner hay Joyce hoặc một số bài phê bình văn học hiên đại hẳn sẽ thấy khái niệm “dòng ý thức.” Đó là phát kiến quan trọng của các nhà văn hiện đại. Đó cũng chính là sự miêu tả tính vô thường của tâm thức, đã được thể hiện trong haiku từ lâu rồi. Tất nhiên, cách viết tiểu thuyết thì khác cách viết haiku nhưng bản chất về tâm thần học giống nhau.

Về cái chết, xin quý vị đừng hiểu tôi muốn lấy một hình ảnh người yêu nước tự sát để nhập nhèm với “tử vì đạo,” thậm chí hành động tự thiêu vì mục đích chính trị của Thích Quảng Đức trước đây cũng chẳng bao giờ được phong thánh, phong phật, và tôi thì không bao giờ thấy một vẻ đẹp nào từ cái chết như vậy, chỉ là đáng trân trọng thôi. Nó cũng như ta so sánh (dẫ là có khập khiễng) một bức tranh dân gian in hàng loạt với một bức tranh thuỷ mặc vẽ trong lúc hứng khởi. Phật giáo coi cái chết và cái sống là một dải toàn nguyên, nên cái chết không bao giờ là bi luỵ. Có thể điều đó ảnh hưởng tới nhân sinh quan giới võ sĩ Nhật hoặc có thể chúng vô tình trùng hợp nhau. Ý của tôi không phải là chết vì thiền, vì muốn đạt tới cái đẹp huy hoàng nhất mà là cái chết trong trạng thái tự nhiên sung sướng và viên mãn như thế được gọi là vẻ đẹp thiền. Còn nếu chết vì một mục đích thử nghiệm, hay chết vì gan lì không chịu khuất phục kẻ địch của các chiến sĩ, hay tự sát vì khí khái hay chán đời… thì nằm ngoài sự nghiên cứu của tôi, có thể nó cũng đẹp theo mĩ quan của ai đó, nhưng tôi thì không cho nó là đẹp kiểu thiền. Các haiku về cái chết ở cuối bài đẹp kiểu thiền, là vì sự chết tự nhiên bật ra từ nét đẹp của hoa anh đào, hoa anh đào đẹp đến nỗi chỉ có cái chết mới thưởng thức được một cách trọn vẹn. Trong trạng thái đó, con người không nghĩ gì đến sự sống chết, diệt bỏ khát vọng sống (hoặc khát vọng chết) thường thấy ở con người, họ nói về cái chết lúc đó như là một pháp ngược để huỷ bỏ sự ham hướng về cái sống.

Toàn bộ bài viết này tôi chỉ đơn thuần muốn nhấn mạnh cái đẹp của thiền trong nghệ thuật chứ không phải vẻ đẹp rộng lớn trong cuộc sống thực tại mưu sinh, nơi các thiền sư có thể làm chính trị và buôn bán.

Tôi cũng ghi nhận là bài viết này không nên để những người mới tìm hiểu về thiền đọc, nhất là đoạn nói về cái chết, nó có thể dẫn tới những cách hiểu sai lầm và lạm dụng. Tôi chợt nghĩ đến sự lạm dụng quá đáng lí luận của Osho về tinh dục hoặc lí luận tính không của Tổ Long Thọ bởi nhiều thiền sinh hiện nay. Nó thật nguy hiểm.
- 17.05.2009 vào lúc 7:21 am
* Trinh - Trung Lap viết:

Rất chân thành cám ơn Tác giả Một Danna đã giải đáp những thắc mắc của độc giả, trong đó có của riêng tôi. Tôi trân trọng việc Anh đã chịu khó giải thích thêm đến độc giả vì dường như việc đó cũng tương đối hiếm xảy ra, càng chứng tỏ tinh thần trách nhiệm của Anh rất cao và phong cách làm việc rất nghiêm túc.

Đúng như Ông Trần Thiện Huy đã nói : “…trong khi đối với một cuộc thảo luận bình đẳng và tự do, mọi người đều có lợi và mọi ý kiến đều có ích….”

Qua lời giải thích thêm này của Một Danna, tôi hiểu hơn “vẻ đẹp của cái chết” mà Anh đề cập đến qua đoạn viết : “…..Nó cũng như ta so sánh (dẫu là có khập khiễng) một bức tranh dân gian in hàng loạt với một bức tranh thuỷ mặc vẽ trong lúc hứng khởi.”
Tôi thì quan niệm thân xác, ngoài việc hy sinh cao cả vì tổ quốc và người thân yêu của mình (To die for one’s country is glorious), thì không có lý do gì để hủy bỏ sự sống cả. Trong tôn giáo của tôi đó là 1 trọng tội, nên tôi rất mừng vì Anh đã viết : “Tôi cũng ghi nhận là bài viết này không nên để những người mới tìm hiểu về thiền đọc, nhất là đoạn nói về cái chết, nó có thể dẫn tới những cách hiểu sai lầm và lạm dụng…”
Tôi thật sự thấy rùng rợn trước 1 sự tự mãn khi quyết định tự kết liễu đời sống 1 cách dã man đau đớn như thế !

Tôi cũng tưởng có thể dẫn dụ Một Danna viết 1 bài về thiền pháp trong cuộc sống mưu sinh và tranh đấu, vì điều đó rất cần cho chúng tôi những người đang phải kéo lê cái bánh xe trần thế nhọc nhằng hằng ngày ở đây nhưng rất tiếc Anh chỉ muốn đề cập đến cái đẹp của thiền trong nghệ thuật ! Vì tôi còn nhớ đã có lần đọc được 1 bài viết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ cho chung sinh cách thiền khi lái xe để giảm bớt gây tai nạn nữa cơ !
Và như thế, tôi cũng đượm buồn 1 chút khi Anh viết : “…thậm chí hành động tự thiêu vì mục đích chính trị của Thích Quảng Đức trước đây cũng chẳng bao giờ được phong thánh, phong phật, và tôi thì không bao giờ thấy một vẻ đẹp nào từ cái chết như vậy….”

Để tạm ngưng ở đây, thưa Anh ! Tôi xin trích riêng 1 nhận định của Thích Tâm Thiện lý giải sự ra đời của Tánh không luận như sau :

“..Một dấu hỏi lớn là tại sao các triết gia không đi thẳng vào giáo lý của Phật mà phải đặt ra những luận thuyết mới trên cơ sở của những khái niệm cũ ? Đấy là bởi những yếu tố của lịch sử tư tưởng và thời đại ; và quan trọng hơn hết là ánh sáng - tâm chứng của mỗi cá thể ngày càng lu mờ, nhường chỗ lại cho luận lý và tri thức - một con đường học thuật lê thê. Chân lý hay pháp (dharma) thay vì cần phải trực nhận (sanditthika), cần phải tự mình thể nghiệm (ehipassiko), cần phải tự mình chứng ngộ cho chính mình (paccattam veditabho vinnuhi) bây giờ lại được soi sáng bằng con đường nhận thức.
Có một điều cần ghi nhận rằng, trong cuộc sống thường nghiệm của con người, giá trị của nhận thức hầu như được tôn vinh lên hàng thượng đẳng ; vì chính nó mà con người nhận biết về sự hiện hữu của mình, cũng như của thế giới thực tại khách quan. Song, trên bình diện tôn giáo, mà ở đây xin nói rõ là Phật giáo, thì vai trò của nhận thức trở thành thứ yếu khi nó cùng tham dự vào tiến trình giác ngộ. Bởi lẽ, khả thể của nhận thức quá mong manh, nó không đủ sức mạnh để hủy diệt các dục vọng, tham cầu, và xa hơn nữa, là sự thủ trước về một bản ngã (ego) vốn là hiện thân của vô minh (avijjà), một đối thủ ở bên kia giới tuyến của giác ngộ (bodhi). Do đó, khi nhận thức càng trở nên quan trọng thì nó càng đẩy con người xa rời cảnh giới thực tại - như thực ; thực tế cho thấy rằng càng tư duy thì càng xa rời thực tại. Tất nhiên, khi đã nói như thế, thay vì buông xả tất cả để “lên thuyền sang sông”, nhận thức chính nó quay trở lại với những đối tượng trần duyên của nó, đó là thế giới biểu hiện của muôn ngàn bản sắc dị biệt đa thù, trông có vẻ như độc lập, cô liêu. Đây là bối cảnh thực tế của lịch sử-tư tưởng mà “Tánh Không luận” ra đời…..”

Qua đoạn nhận định trên, tôi muốn nói với Một Danna rằng thắc mắc của tôi không phải chỉ khi đọc bài của Một Danna mà đã có từ trước kia, qua những giải thích trên của Thich Tâm Thiện. Nên tôi thường đặt câu hỏi vì sao lại “tánh không” ? để làm gì ? Đức Phật ngày xưa đâu có luận đề đó đâu ? 1 sự phức tạp hóa vấn đề hay 1 sự thi thố về tư duy của các đệ tử ? v.v…
Cho nên tôi rất yêu thích những tư duy “hai lúa” 1 chút (hii…hiii) nhưng đi vào lòng người hơn, như các suy tư triết học của Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chẳng hạn : “tôi là ai mà còn khi dấu lệ ? tôi là ai mà còn trần gian thế ? tôi là ai mà yêu quá đời này ?
Trả lời tự vấn đó thế nào cũng được nhưng quan trọng là “cho đời chút ơn” mà thôi.

Cuối cùng, thành thật xin lỗi TG Một Danna nếu tôi trong lúc quá say luận mà hiểu lầm hoặc trách oan nhé ! Tôi đã học thêm được rất ở Anh nhiều qua topic này !

Thân ái,
- 17.05.2009 vào lúc 10:33 am
* Nguyễn thế Hùng viết:

Đọc qua bài viết và góp ý/bình luận của các vị TTL, TTH, NND, Một Danna; chợt nhớ câu nói của 1 thiền sư (không nhớ tên): Không nói thì ngu, mà nói thì sai. Cái gì? Nói mau!!

Theo thiển ý: Thiền không phải là cái để học/nói. Nói: “khẩu đầu thiền”.
- 17.05.2009 vào lúc 8:56 pm

Hồi tưởng của một bác sĩ Việt Nam sang Mỹ làm lại cuộc đời

Hồi tưởng của một bác sĩ Việt Nam sang Mỹ làm lại cuộc đời

07/06/2009 | 6:00 sáng |

Tác giả: Vũ Văn Dzi

Chuyên mục: Đời sống
Thẻ: Người Việt tại Mỹ

Sau đúng một năm “rửa tay gác kiếm, giã từ võ khí,” tôi mới có dịp nhìn lại những thời gian qua kể từ lúc ban đầu chập chững làm lại cuộc đời cho tới lúc hoàn tất nhiệm vụ và trở về với những điều ước mơ của thời xa xưa.

Một số anh em bác sĩ chúng tôi thuộc khóa tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn trong những năm 1967, 1968 và 1969 quyết định tổ chức họp mặt lần đầu tiên tại Bắc Mỹ. Con số gần 200 người tham dự chứng tỏ là nhu cầu gặp lại nhau để cùng chia sẻ những kinh nghiệm về cuộc sống tại hải ngoại rất lớn. Sau biến cố 1975, có thể nói là 95 phần trăm giới bác sĩ miền Nam đã tìm đường ra ngoại quốc để sinh sống. Ngoài một số rất nhỏ bạn bè cùng lớp với tôi chọn ở lại như Trần Đông A, Nguyễn Cường Nam, Hồ Tiêm, phần lớn đã làm lại cuộc đời. Có người tương đối thành công, có những người kém may mắn hơn, và cũng có một vài anh em đã mất tích cùng gia đình trên biển cả. Nói chung thì sau những gian nan ban đầu thì một số đã trở về với nghề cũ và một số cũng thành công trong những lãnh vực khác. Mỗi người một con đường khác nhau nhưng có một điểm chung là đại đa số thế hệ thứ hai đều đạt được những thành quả ngoài sự mong đợi của chúng tôi trước khi lên tàu vượt biển.

Khi bước chân tới nước Mỹ ngày 5 tháng 3 năm 1979, gia đình tôi được bảo trợ tới Minesota, nổi danh là “Cái tủ lạnh của nước Mỹ” nhưng lại được giới y học biết đến là nơi có Mayo Clinic nổi tiếng thế giới.

Lúc đầu, tôi cũng phấn khởi lắm. Tôi đã có ECFMG từ năm 1968, tuy văn bằng thì đã đem đi đốt khi được tin công an đến khám xét nhà. Tôi cảm thấy không vội vàng gì phải định cư hẳn ở Minesota, vì nghe tin thời trước các bậc đàn anh trong trường khi sang Mỹ du học đều được thụ giáo tại những trường nổi tiếng nhất: neurosurgery thì đi Yale, pediatrics thì Southwestern, pediatric surgery thì Northwestern, orthopedics thì Mayo Clinic, obstetrics thì Emory, public health thì Johns Hopkins, Harvard. Tôi nghĩ rằng với thân phận mới của một người tỵ nạn, có lẽ người bạn đồng minh Mỹ của mình cũng không đến nỗi nào mà không ban cho một chỗ định cư xứng đáng.

Sau khi nhận được bản sao ECFMG từ Philadelphia gủi về và tôi bắt đầu tìm hiểu việc đi tìm nơi định cư ở Mỹ, tôi nhận được một gáo nước lạnh đầu tiên đổ lên đầu. Theo khuyến cáo của Y sĩ đoàn Minnesota, không một chương trình nào muốn nhận một bác sĩ FMG từ Việt Nam. Trước đó có một vị, sau khi được một ngôi làng bỏ tiền hỗ trợ giúp định cư được một năm, đã cuốn gói đi Michigan để học tiếp thay vì về nông thôn “phục vụ nhân dân” để trả lại món nợ như đã cam kết.

Nản trí, nhưng tôi may mắn được một bác sĩ gia đình người Mỹ cho một tờ JAMA, trong đó có một vài nơi đang tuyển mộ resident tại Chicago, thành phố đất rộng, với hơn 8 triệu dân. Còn dĩ nhiên là Mayo Clinic thì đừng nên nghĩ tới!

Ngay từ bước đầu tôi đã “giác ngộ cách mạng,” chuyển ngành sang Internal Medicine hoặc Family Practice vì ở Mỹ nghề trị bệnh trẻ con không khá, dân Mỹ phá thai nhiều hơn là sinh đẻ và tại Mỹ dinh dưỡng ruợu thịt ê hề thì làm gì có bệnh trẻ con ốm đói gày còm như ở Việt Nam. Đi theo con đuờng Pediatrics thì đói là cái chắc, mặc dù tôi đã được thụ giáo với đại sư phụ Heinz Eichenwald của Southwestern Medical School trong vòng ba năm khi ngài sang gây dựng nền tảng về nhi khoa cho nước Việt Nam trong thời chiến.

Khởi đầu công việc “đáy biển mò kim,” tôi được Bệnh viện Grant mời đến phỏng vấn sau khi nộp xong đơn từ, bản sao lý lịch, thành tích phấn đấu tốt, các bài viết đã xuất bản. Quản giáo Charles Davis mời tôi vào phỏng vấn. Sau khi thăm hỏi qua loa, ông ta đặt ngay một câu hỏi: “What do you do with a chest pain?”

Dĩ nhiên là tôi ú ớ, chỉ biết nói qua loa về bệnh lao phổi, sưng phổi chứ không ai ngờ là trước một trường hợp chest pain (đau ngực) là phải nghĩ ngay đến heart attack (trụy tim), kẻ thù số một của nước Mỹ! Quản giáo lắc đầu bèn hỏi thêm một câu nữa: “What do you do with a case of fever of unknown origin (FUO)?” Tôi tưởng mình trúng tủ bèn sổ một tràng về bệnh sốt rét ngã nước và khoe kinh nghiệm đầy mình về căn bệnh này. Quản giáo thở dài và hẹn sẽ viết thư thông báo sau. Trước khi ra về thì quản giáo khuyên tôi một câu là nên cố gắng học tập thêm về y học của nước Mỹ và hãy quên đi những gì đã biết trước đây.

Sau khi giã từ trường y tại Việt Nam, tôi gia nhập quân đội VNCH với cấp bậc Ttrung uý và sau một năm tại Phú Quốc tôi được ân huệ về vùng đất lành chim đậu, mưa thuận gió hoà là Quân y Viện Long Xuyên, đất thiêng của Phật giáo Hòa Hảo được cả nước biết tiếng là chống cộng sản triệt để vì mối thù giết đức thày Huỳnh Phú Sổ. Anh Cao Xuân Sơn đã giúp tôi rất nhiều nhân dịp này và nhờ thế cuộc đời tôi đã chuyển sang một hướng khác.

Trong suốt 5 năm trời tại đây, công việc chuyên môn chẳng có gì đáng kể. Sáng thì “tả chấm” rồi tà tà đến QYV làm việc tại khu nội khoa. Trưa về nhà tả chấm tiếp, và đến chiều thì lại tiếp tục. Một ngày như mọi ngày, sáng xách ô đi tối xách về, tối rượu sâm banh sáng sữa bò, trong khi cuộc nội chiến Nam Bắc đang đi lần vào một thế trận mới có phần ác liệt hơn.

Nhờ tinh thần rộng rãi cởi mở của BS Trương Ngọc Tích nên các anh em đều làm ăn khấm khá, đời sống thoải mái, trong khi cả nước đều đang lên cơn sốt của thời kỳ “Mùa hè đỏ lửa”, thời kỳ chiến tranh sôi động nhất. Quân y viện Long Xuyên giữ vai trò yểm trợ cho chiến trường Chương Thiện, Thất Sơn, Cà Mâu và Giang Đoàn 26 có nhiệm vụ khai thông thủy lộ sang Cao Miên.

Những lúc rảnh rổi, anh Tích cùng các anh em chơi Domino. Nhưng kể từ khi tôi có cái “tội” đem theo một cỗ mạt chược, nhiều anh em “hủ hóa,” cứ chiều thứ Sáu là rủ nhau “koong” cho đến tận sáng hôm sau. Đôi khi sang cả ngày Chủ nhật phòng mạch bỏ bê. Cho đến cái năm 1975 bi đát đó.

Sau gần 3 năm cải tạo “học tập tốt, lao động tốt,” tôi được thả về làm việc tại Trường Trung học Y tế thành phố với một nhóm sinh viên điều dưỡng, nữ hộ sinh. Nhờ học tập tinh thần của Pavel trong thời gian ở trong trại nên tôi cũng phấn khởi lắm, tin tưởng lắm vào chính sách của Đảng và Nhà nước đối với giới chuyên viên “ngụy.”

Cũng vui. Vừa làm quản giáo vừa lên lớp nói truyện lăng nhăng, chẳng có mấy khi học tập về chuyên môn vì ban giám hiệu khuyến khích “không nên đọc sách nước ngoài.” Anh Năm Châu chính uỷ nhắc nhở là “các anh đều là một lũ cá mè một lứa cả, cách mạng không đem đi ‘cáp duồn’ là may lắm rồi.” Anh khoe du học ở Poznan (Ba Lan) và thỉnh thoảng cũng tỏ ra thân mật nói về đời sống cao đẹp của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Tôi nhẹ nhàng nói là Poznan có một chợ phiên Ba Lan nổi tiếng hàng năm, khiến anh hơi ngỡ ngàng tại sao một “thằng BS ngụy mới ở tù ra” lại biết điều này. Anh quên rằng tại Poznan vào năm 1956 đã có vụ khởi nghĩa đầu tiên chống lại cộng sản Nga đằng sau bức màn sắt. Vào dịp đó, một nhóm sinh viên chúng tôi đã tham gia biểu tình tại Sài Gòn để ủng hộ nhân dân Ba Lan và Hung Gia Lợi.

Bản tính tôi hay nói đùa nên trong một dịp lên lớp cho các nữ hộ sinh giảng về các chứng bệnh sinh lý, tôi quả quyết là ở bên châu Âu và Mỹ có hiện tượng đàn ông lấy đàn ông và đàn bà lấy đàn bà, khiến nhiều em nữ hộ sinh thắc mắc ngay là “đàn bà làm thế nào để giao hợp với nhau” và nhờ ban giám hiệu giải thích. Tôi được mời lên “làm việc” ngay với anh Năm Châu và từ đó cẩn thận hơn về cách ăn nói.

Tôi vượt biên cùng gia đình, đổ bộ lên Marang, bờ biển Mã Lai. Ngày 18 tháng 10 năm 1979 được cảnh sát Mã Lai đem đi giam tại Pulau Bidong, nằm chờ trên hòn đảo “buồn lâu bi đát” đúng bốn tháng rồi được máy bay của Cao Uỷ bốc đi đến cái xứ lạnh Minnesota, còn có tên là xứ Vạn Hồ.

Trong suốt khoảng thời gian mười năm ở Việt Nam sau khi ra trường, tôi gần như không rờ tới một cuốn sách hay tài liệu y học, hoàn toàn mù tịt về những thay đổi và tiến bộ to lớn của lãnh vực y tế trong suốt thập niên 70. Hậu quả hiển nhiên là khi được quản giáo Bệnh viện Grant hỏi về chest pain và FUO, tôi bị “á khẩu” và trật đường rầy ngay tại chỗ.

Tôi trở về nhà đứa cháu tại Chicago. Đang không biết làm gì cho hết thời giờ thì tôi được cháu tôi cho biết là ở Chicago có một bác sĩ Việt Nam rất hào hiệp và hay giúp đỡ mọi người. Đó là anh Phạm Gia Cổn. Anh thường tự xưng là “Cổn L.” Có thể nói là anh Cổn là một trong ba người đã đưa cuộc đời tôi sang một khúc quanh mới; hai người kia là anh Cao Xuân Sơn và anh Trần Quốc Toản. Tôi vừa gọi điện thoại là anh Cổn đã vui vẻ đến tận nơi nhà cháu tôi và đưa cho một tập giấy kết quả “matching program” và khuyên tôi nên dùng Yellow Pages gọi điện thoại ngay tới những nơi còn trống chỗ.

Vẫn dáng dấp của một nhà võ tướng, hào hùng vui vẻ, anh Cổn thực là một anh tài kiểu mẫu trong giới anh em chúng tôi và những thành quả anh đạt được sau này quả thực đáng kính nể.

Matching program là chương trình “tuyển lựa ca sĩ” giúp các chương trình định cư “match” với các sinh viên y khoa mới ra trường. Trung bình mỗi năm giữa con số bệnh viện cần resident và sinh viên y khoa Mỹ mới ra trường có một sự chênh lệch khoảng từ 7000 đến 10000 chỗ, nên “Đảng AMA” phải chiêu hồi thêm các bác sĩ nước ngoài vào làm việc. Sau 3 năm học tập, “cải tạo” tốt thì được cấp giấy đi thi Board, cái khuôn vàng thước ngọc để đánh giá một bác sĩ. Tại một vài tiểu bang cần người thì chỉ đòi một năm “cải tạo” hay đôi khi không cần gì cả mà chỉ đòi cái bằng FLEX mà thôi. Nhờ kẽ hở này nên các bác sĩ Ấn Độ, Đông Âu, Trung Đông và sau cùng là Á châu như Phi Luật Tân, Hàn Quốc, Hương Cảng và Việt Nam mới có dịp đổ vào Mỹ để kiếm sống và làm lại cuộc đời.

Các BS Ấn Độ đông đảo hơn cả. Cũng dễ hiểu vì tại Ấn Độ có hơn 200 đại học y khoa , con số đào tạo dư thừa đổ đi không hết, nhiều như “cát sông Hằng” và họ cũng học thực tập hoàn toàn bằng tiếng Anh, đọc sách tiếng Anh, nên sang Mỹ họ như cá gặp nước, hổ về rừng, thành công mau lẹ và cứ thế lớp đàn anh dẫn lối chỉ đường cho đàn em, khiến hiện nay con số bác sĩ Ấn Độ FMG tại Mỹ lên tới khoảng trên 70000 vị và nếu kể cả lớp con cháu tốt nghiệp ở Mỹ thì có thể lên tới 100000 người. Ấn Độ tuy có quốc ngữ là tiếng Hindi nhưng phe miền Nam không muốn dùng và chọn tiếng Anh làm gốc nên họ nói tiếng Anh rành rọt, đúng giọng Oxford, Cambridge. Vì cả nước có tới hơn 400 ngôn ngữ khác nhau nên người Ấn, Pakistan bắt buộc phải dùng tiếng Anh để giao thiệp. Và khi sang Mỹ, họ không hề có “communication problems,” trong khi đây là một vấn nạn đối với phe ta.

Khoảng thời gian sau ngày 15 tháng 3 (thời gian hoa anh đào nở ở Washington), là ngày công bố kết quả matching nên có một cuộc chạy đua vô cùng ác liệt giữa các FMG vào những chỗ unmatched. Chỉ trong vòng vài ngày là các chỗ này được các FMG nhảy dù vào chiếm cứ ngay. Nhiều FMG Ấn Độ khôn ngoan vào “nằm vùng” phục kích từ trước tại các thành phố lớn, làm việc tại những cơ sở research chờ đợi thời cơ.

Nếu không có tập tài liệu của anh Cổn thì có lẽ cuộc đời tôi đã đổi sang một chiếu hướng khác. Năm 1979 là một năm đặc biệt vì kỳ thi VQE ra đời và đã chặn lại các FMG nhưng khoan hồng cho những người thuộc diện “tỵ nạn” nên con số dư thừa unmatched khá nhiều, tôi chỉ cần ECFMG là được chiếu cố ngay. Tôi bèn ở nhà gọi điện thoại tới một số chương trình thì đều được mời gửi hồ sơ lý lịch để được xét cứu rồi hẹn đến cho quản giáo xem mặt.

Đến Chicago Medical School (CMS), tôi được “chính uỷ” của chief program là Harvey Cantor mời đến phỏng vấn ngay. Ông còn chỉ đường đi nước bước tới tận nơi tại North Chicago, và sau khi xem xét hồ sơ, thấy tôi có giấy giới thiệu của đại sư Eichenwald, mời tôi ký hợp đồng ngay tại chỗ, không hỏi han thêm gì cả! Dĩ nhiên là tôi ký cả hai tay, ra về thông báo cho vợ con để khăn gói sang Chicago, còn có tên là thành phố giông gió (Windy City), quê hương của Al Capone.

Về nhà, tôi bán tin bán nghi. Tại sao họ lại nhận mình quá dễ dàng mà không kiểm chứng tài năng võ nghệ gì cả? Nếu đem ra mổ xẻ thì quả thật sau mười năm gián đoạn, sự hiểu biết của tôi về y học chưa bằng một sinh viên y khoa Mỹ mới ra trường và dĩ nhiên tôi không thể nào so sánh được với một bác sĩ Ấn Độ trẻ trung mới ra trường, sinh lực dồi dào, Anh văn lưu loát, văn võ kiêm toàn.

Tôi đã mất đi những khoảng thời gian quý báu nhất của một đời người, khi mà trí óc sung sức nhất để khảo cứu, học tập. Tôi giống như một cây cam, cây quít đem trồng vào mùa Thu, mùa Đông thì làm sao có thể sinh ra được những bông trái ngon ngọt? Thời gian ở Quân y Viện thì giỏi koong mạt chược, còn trong trại cải tạo thì rành rẽ các thế cờ tướng hóc hiểm, nghiên cứu tử vi đẩu số, cầu cơ giáng bút, yoga ngoại cảm, xem chỉ tay. Trong khi đó thì ở bên ngoài y học đang có những bước tiến nhảy vọt. Tâm trạng cũng như sự hiểu biết của tôi giống như một người từ cung trăng trở về trái đất sau mười năm xa vắng.

Buổi giao ban đầu tiên tại bệnh viện, tôi đúng như “vịt nghe sấm” trong khi người PGY 1 Ấn Độ bạn tôi trình bày lưu loát như nước chảy mây trôi, hai tay không cần cầm giấy (đó là một hình thức chứng tỏ nắm vững vấn đề, vì khi giao ban có một quy luật là các PGY 1 không được cầm giấy đọc giống như kiểu thày Trần Vỹ dạy physiology). Nhìn qua nhìn lại thì tôi thấy từ năm thứ nhất, thứ hai cho đến năm thứ ba và các fellow cũng toàn là Ấn Độ hay Pakistan, Trung Đông, nên tôi nói đùa sau khi giao ban rằng “đây là Đại học Y khoa Bombay.” Nhưng hai năm sau, khi tôi giới thiệu được gần tám, chín anh em vào Chicago Medical School thì các anh bạn Ấn Độ của tôi lại nói kháy trở lại rẳng “đây là Đại học Y khoa Sài Gòn.”

Trong một dịp tâm tình với người chief resident Ấn Độ, tôi có dịp hỏi chương trình tại Chicago Medical School có tốt không và tại sao anh lại làm việc ở đây. Anh ta chậm rãi nói “nếu tốt thì nó đã không nhận tao và mày, nhưng thôi hãy cố gắng đi, xong đủ 3 năm thì mày tha hồ ra trường hành nghề không khó gì đâu. Những chương trình như Northwestern, Rush, họ không cho phép mày nộp đơn với cái thân phận FMG.”

Khi thực dân Anh chiếm vùng tô giới Thượng Hải, ngoài cửa câu lạc bộ dành riêng của họ có tấm bảng “Nơi này cấm chó và người Tàu.” Cũng như vậy, một số chương trình residency nổi tiếng ở Mỹ có lập trường “we do not take FMG”, thư gửi đến bị trả lại không thèm mở vì nơi này cấm chó và cấm FMG.

Tôi hiểu ngay là sau khi “nước Mỹ tháo chạy khỏi Việt Nam” thì chúng ta chỉ là những thành phần rơi rớt mà người Mỹ đồng hóa với một cuộc chiến mà họ đang muốn quên đi. Chúng ta không còn có một chỗ đứng như trước năm 75 của một người bạn đồng minh thân thiết. Dưới thời Eisenhower và Kennedy, nước Việt Nam được coi là tiền đồn chống cộng sản trên thế giới. Nước Mỹ theo truyền thống của Lord Palmerston, nhà ngoại giao Anh trong thế kỷ 18, là “không có bạn trăm năm và cũng không có kẻ thù truyền kiếp mà chỉ có quyền lợi vĩnh viễn mà thôi.” Sau khi phủi tay, cuốn cờ ra đi thì người Mỹ không còn đoái hoài gì đến thân phận một FMG Việt Nam.

Nhưng tôi bèn cãi lại anh bạn Ấn Độ, “thế thì thế hệ con cháu của chúng ta thì sao? Liệu có cái trò ba đời làm cách mạng mới được học lái phi cơ Mig không?”

Anh BS Ấn Độ gật gù nói: “Hãy yên tâm. Nếu con mày là một American graduate chính hiệu con nai thì ‘the sky is the limit’. Hãy cố gắng khuyến khích nó học đi, hãy dạy và nhắc nhở nó cái gương nhọc nhằn của đời cha, đời ông để rồi trả thù dân tộc. Không sao đâu, đời cha không được thì đời con phải được. Người Mỹ có gì hay ho đâu, còn chúng ta đã có những truyền thống văn hóa lâu đời từ cả chục ngàn năm về trước. Đừng ham làm giàu làm gì. Nghề bác sĩ ở Mỹ không bao giờ chết đói cả và y nghiệp Mỹ cũng không có cái truyền thống cứu nhân độ thế của chúng ta đâu, chỉ là một thứ business mà thôi. Còn danh vọng hả, không ai cho phép mày làm research hay làm quản giáo giảng dạy cho lũ sinh viên y khoa Mỹ bạc bẽo đâu! Người Mỹ chỉ quen nhìn chúng ta như những tên bác sĩ nghèo ăn nhờ ở đậu chứ không thích chúng ta lên làm thày của họ. Còn khảo cứu và báo cáo khoa học thì mấy bài viết trước đây của mày về sốt xuất huyết có giá trị gì đâu. Những bài như vậy bên này nhiều như rừng. Họ chỉ muốn chúng ta hãy giữ vai trò của thằng mọi Tonto đi hầu đằng sau the Lone Ranger phong lưu mã thượng trên lưng ngựa, hai tay hai súng. Hãy an phận thủ thường, nín thổ qua song để cho qua ngày đoạn tháng. Ngay như tao đây, sau khi có được một số vốn kha khá thì tao sẽ về Florida mở một vài cái motel cũng đủ sống thỏa thuê suốt đời.”

Quả thật ngày nay tôi thấy đa số các thế hệ thứ hai, thứ ba của các bạn tôi đều xuất thân từ những nơi như Mayo Clinic, Harvard, Dartmouth, Massachusetts Institute of Technology, Emory, Johns Hopkins, Stanford. Những anh tài trẻ trung Việt Nam ở Mỹ ngày nay nhiều như sao trên trời, ra đường ngoài ngõ đâu đâu cũng gặp anh hùng. Chúng ta không uổng công khi sang xứ Mỹ làm lại cuộc đời, dù rằng chỉ là những bậc thang lót đường cho các thế hệ mai sau.

© 2009 Vũ Văn Dzi

© 2009 talawas blog