10/9/09

Trần Chung Ngọc : Phật giáo, Khoa học và những Yếu tính ....

Phật giáo, Khoa học và những Yếu tính

của nền Thần học Độc thần giáo

Trần Chung Ngọc

08 tháng 8, 2009



Cách đây hơn 25 thế kỷ, vào khoảng 560 năm Trước Tây Lịch (TTL), còn được gọi là "thời đại hoang mang" (560 B(efore) C(onfusion): từ của LLoyd M. Graham trong cuốn Deceptions and Myths of the Bible), một nhân vật lịch sử với một tiểu sử rõ ràng đã sinh ra đời để mở đường cho chúng sinh thấy, giác ngộ và hội nhập cái biết và thấy của Phật (Khai, Thị, Ngộ, Nhập Phật tri kiến). Nhân vật lịch sử này chính là Thái Tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn ở miền Nam Népal ngày nay.

Khi sinh ra đời, về bản chất, con người của Thái Tử Tất Đạt Đa không khác gì con người của bất cứ ai trong chúng ta: nước mắt cùng mặn, máu cùng đỏ v..v.. Tuy nhiên, trước những cảnh khổ hiển nhiên của con người: sinh, lão, bệnh, tử, Thái tử Tất Đạt Đa, với một nghị lực phi thường, đã từ bỏ nơi quyền quý giàu sang vật chất, đi tìm con đường giải thoát cho chúng sinh qua một quá trình tu tập gian khổ kiên trì trong 6 năm, cuối cùng đã tìm ra chân lý và trở thành Phật, nghĩa là Bậc Giác Ngộ hay Bậc Tỉnh Thức: tổng hợp của một kiến thức siêu việt với một tâm từ bi vô lượng. Trong lịch sử loài người, chúng ta khó có thể thấy trên thế gian một khuôn mặt nào đặc biệt và cao cả như Đức Phật.

Đặc biệt và cao cả vì Đức Phật là vị Giáo Chủ tôn giáo duy nhất trên thế gian đưa ra một khẳng định tuyệt đối bình đẳng: "Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành", nghĩa là về bản chất, Giáo Chủ và tín đồ không có gì khác nhau. Đặc biệt và cao cả vì Đức Phật đã không hề bắt buộc bất cứ ai phải tin vào Phật hay những điều giảng dạy của Phật một cách mù quáng, không cần biết, không cần hiểu. Đặc biệt hơn cả là Đức Phật đã thấy rõ sự vận hành của vạn Pháp (Như Thực tri Kiến: to see things as they really are) và đã để lại cho hậu thế một giáo lý không có giáo lý nào hơn, không có giáo lý nào bằng. Đây không phải là nhận định vô căn cứ của một tín đồ Phật Giáo để khoa trương tán tụng tôn giáo của mình, mà là kết quả khảo sát tư tưởng, giáo lý Phật Giáo trong sự tiến hóa tư tưởng của nhân loại. Luận cứ này sẽ được chứng minh trong những phần sau. Trong phần chứng minh này, chúng ta sẽ thấy, giá trị của một tôn giáo không thể dựa trên số tín đồ của tôn giáo đó đông hay không đông, mà dựa trên những tư tưởng hoặc phúc lợi mà tôn giáo đó đã mang đến cho nhân loại.


Thường thì giới Phật tử thông thường chúng ta chỉ biết đến vài giáo lý căn bản của Phật Giáo xuyên qua các triết lý về Tam Độc, Tam Pháp Ấn (Vô Thường, Khổ, Vô Ngã), Tứ Diệu Đế, Tứ Niệm Xứ, Bát Chánh Đạo. Nếu chúng ta để tâm nghiên cứu và tìm hiểu về Phật Giáo thì chúng ta sẽ khám phá ra rằng, tư tưởng Phật Giáo và "tri kiến" của Đức Phật đã đi trước sự tiến hóa tư tưởng và sự hiểu biết của nhân loại khá lâu, và, tuy rằng với một tinh thần khoa học, Phật Giáo sẵn sàng chấp nhận những sai lầm, nếu có, nhưng cho tới ngày nay, Phật Giáo chưa từng phải xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những tiến bộ về tư tưởng cũng như những khám phá mới của khoa học.

Sau đây tôi sẽ đưa ra một số kiến thức Phật Giáo để quý độc giả thấy rõ tư tưởng Phật Giáo đã đi trước sự tiến hóa tư tưởng của nhân loại như thế nào. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ có thể liệt kê một số vấn đề điển hình một cách ngắn gọn chứ không thể khai triển để chứng minh vì mỗi vấn đề đòi hỏi một sự trình bày sâu xa và đầy đủ hơn. Tuy nhiên, trước hết, chúng ta cần biết một điều căn bản: Đức Phật không phải là một khoa học gia, Người không có theo các phương pháp khoa học như thu thập dữ kiện, đặt giả thuyết hay lý thuyết, rồi dựa vào những dụng cụ trong phòng thí nghiệm để kiểm nghiệm và thực chứng lý thuyết đó. Tất cả những hiểu biết của Người là từ Thiền quán.

Chúng ta đều biết rằng, khi xưa Đức Phật thường khuyên các đệ tử trước khi uống nước hãy niệm chú để phổ độ cho các vi chúng sinh có trong nước. Người còn khẳng định trong mỗi bát nước có tới 84000 sinh vật nhỏ nhoi mà mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy được. Chúng ta nên hiểu con số 84000 trong Phật Giáo có nhiều ý nghĩa và một trong những ý nghĩa này là tượng trưng cho một con số lớn chứ không phải là một con số chính xác. Hơn 22 thế kỷ sau, vào cuối thế kỷ 17, các khoa học gia đã phát minh ra cái kính hiển vi đầu tiên và nhờ đó đã có thể nhìn thấy trong một giọt nước có một số lớn các vi sinh vật.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo là trong đó có vô số những thế giới có hình dạng khác nhau với vô số chúng sinh khác nhau. Hơn 21 thế kỷ sau, vào cuối thế kỷ 16, Giordano Bruno cũng đưa ra quan niệm về một vũ trụ bao la vô cùng tận trong đó, ngoài thế giới của chúng ta, có thể còn có vô số các thế giới khác nhau với vô số dạng sống (life-forms) khác nhau. Chúng ta đã biết, quan điểm này trái với những lời gọi là “mạc khải” trong thánh kinh mà các tín đồ Ki Tô Giáo tin rằng không thể sai lầm của Thiên Chúa Ki Tô Giáo, một vị thần mà theo niềm tin của những tín đồ Ki Tô, là bậc Toàn Năng, nghĩa là làm gì cũng được, và Toàn Trí, nghĩa là cái gì cũng biết. Do đó, Bruno đã phải trả một giá rất đắt cho kiến thức rất đúng của mình. Ông ta bị định chế Công giáo trong đó có giáo hoàng, vị đại diện của Chúa trên trần, và các linh mục, những người được Chúa dạy là phải thương yêu kẻ thù [Bruno không phải là kẻ thù của Giáo hội] như chính mình, lên án và chính các linh mục đã đưa ông lên giàn hỏa để thiêu sống. Thế kỷ 16 mở đầu cho cuộc cách mạng khoa học. Sự phát minh ra kính thiên văn của Galileo Galilei ở đầu thế kỷ 17, và khoa vũ trụ học ngày nay đã chứng minh quan điểm của Phật Giáo về vũ trụ cũng như của Giordano Bruno 21 thế kỷ sau là đúng. Một trong 10 danh hiệu mà người đời tôn vinh Đức Phật khi Người còn tại thế : Thiên Nhân Sư (Teacher of Gods and men), bậc Thầy của các Thiên Chúa và của con người, không phải là không có giá trị thuyết phục.

Thuyết Duyên Sinh hay Duyên Khởi là thuyết căn bản nhất trong Phật Giáo. Giữa thế kỷ 19, Charles Darwin đưa ra thuyết Tiến Hóa, và ngày nay, càng ngày chúng ta càng thấy thuyết này rất phù hợp với thuyết Duyên Sinh. Vạn Pháp trong vũ trụ đều do đủ duyên mà thành, hết duyên thì diệt, và đây cũng là căn bản của thuyết Tiến Hóa, từ sự xuất hiện của các cây cỏ cho đến con người. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận viết trong cuốn “L'Infini Dans La Paume de la Main”: "Tiến hóa từ những cát bụi của những ngôi sao, chúng ta chia sẻ cùng một lịch sử vũ trụ với những con sư tử trong những vùng hoang mạc và những bông hoa tỏa mùi thơm" (Poussières d'étoiles, nous partageons la même histoire cosmique avec les lions des savanes et les fleurs de lavande). Tôi sẽ nói thêm về cuốn sách rất có giá trị này trong một đoạn sau.

Thuyết Vô Thường của Phật Giáo là một hệ luận của thuyết Duyên Sinh. Các tín đồ Ki Tô Giáo thường cho rằng Thiên Chúa của họ là bậc thường hằng (omnipresent), nghĩa là có mặt khắp nơi. Đây chỉ là một niềm tin tôn giáo chứ không phải là một sự hiểu biết dựa trên những sự thật bất khả phủ bác. Ngày nay, tuyệt đại đa số các khoa học gia đã gạt bỏ quan niệm về một Thiên Chúa sáng tạo ra muôn loài, cho rằng vai trò "sáng tạo" của Thiên Chúa không cần thiết, cũng như ngày xưa, khi hoàng đế Napoléon hỏi Pierre Simon de Laplace là sao trong tác phẩm nghiên cứu khoa học về Cơ Học Các Thiên Thể (Celestial Mechanics) của ông ta không thấy nói gì đến Thiên Chúa, Laplace đã trả lời: "Tôi không cần đến cái giả thuyết đó". Điều rõ ràng là trên thế giới và trong vũ trụ ngày nay, cái thường hằng, có mặt khắp nơi, chính là tính vô thường của vạn pháp. Từ một vi sinh vật nhỏ nhoi như một vi khuẩn cho đến con người, một ngôi sao, một thiên hà trong vũ trụ, không có gì có thể đi ra ngoài luật vô thường. Thiên Chúa của Ki Tô Giáo cũng không thoát khỏi luật vô thường, vì quan niệm về Thiên Chúa của Ki Tô Giáo đã thay đổi rất nhiều qua thời gian với những lý luận thần học khác nhau. Thật vậy, định luật “vô thường” có thể áp dụng cho chính Thiên Chúa của Ki Tô Giáo và có thể kiểm chứng qua nhiều lần than phiền của Giáo hoàng Benedict XVI, rằng: “Âu Châu [cái nôi của Thiên Chúa Giáo] ngày nay sống như là không có Thiên Chúa và cũng chẳng cần đến Chúa Giê-su nữa.” Ngoài ra, “Trong một Hội Nghị đặc biệt vào năm 1999, các Giám mục Âu Châu tuyên bố rằng các dân tộc trong toàn lục địa Âu Châu đã quyết định sống “như là Thiên Chúa không hề hiện hữu”. (JOHN CORNWELL, in Breaking Faith: The Pope, The People, and the Fate of Catholicism At a special synod in 1999, the bishops of Europe declared that the peoples of the entire continent had decided to live “as though God did not exist”.)

Phật Giáo đưa ra những thuyết Tương Duyên, Tương Tức, Dung Thông Vô Ngại, Một là Tất Cả v..v.., đặc biệt là trong Kinh Hoa Nghiêm. Khoa học ngày nay, nhất là khoa Vật Lý Nguyên Lượng (Quantum Physics), nghĩa là môn vật lý khảo sát thế giới của các hạt "Tiềm Nguyên Tử" (Subatomic particles) cũng đã chứng minh rằng mọi vật đều liên hệ tới nhau, không có cái gì có thể có tự tính, nghĩa là độc lập, không tùy thuộc bất cứ cái gì khác. Đây cũng là căn bản thuyết Vô Ngã của nhà Phật.

Chúng ta đều biết Phật Giáo là một tôn giáo trị liệu, nghĩa là một tôn giáo chữa những căn bệnh gốc của thế gian. Luận Tỳ Bà Đạt Ma cũng như Duy Thức Luận và nhiều Kinh Điển khác, tất cả đều có tính cách trị liệu. Không ai có thể phủ nhận Thiền là một phương pháp trị liệu tâm thần hữu hiệu mà ngày nay nhiều người Ki Tô Giáo, Do Thái Giáo v..v.. áp dụng. Tôi muốn nhắc lại lời của nhà phân tâm học nổi tiếng của Anh Quốc, Tiến sĩ Graham Howe: "Đọc một chút về Phật Giáo ta cũng có thể nhận thức được rằng: từ 2500 năm trước, các Phật tử đã biết những vấn đề hiện đại về tâm lý nhiều hơn là chúng ta thường đánh giá họ. Phật Giáo nghiên cứu những vấn đề này từ lâu và cũng đã tìm ra phương thức giải quyết chúng. Ngày nay chúng ta chỉ khám phá lại trí tuệ thông thái cổ xưa của Đông Phương" (To read a little Buddhism is to realize that the Buddhists knew, 2500 years ago, far more about modern problems of psychology than they have yet been given credit for. They studied these problems long ago and found answers too. We are now rediscovering the ancient wisdom of the East).

Chúng ta đã thấy, qua vài tư tưởng điển hình của Phật Giáo, cái biết của Phật Giáo đã đi trước cái biết của nhân loại như thế nào. Lẽ dĩ nhiên, các tư tưởng Phật Giáo không chỉ có vậy, mà còn vô số các điều khác nằm trong rừng Kinh Điển Phật Giáo. Nhưng hiển nhiên, trong khuôn khổ một bài viết, không ai có thể trình bày tất cả những tư tưởng của Phật Giáo cho đầy đủ.

Sau đây tôi xin trình bày một khía cạnh khác thuộc loại "đi trước thời gian" của Phật Giáo, đó là khía cạnh tôn giáo và xã hội.

Trong các tôn giáo lớn trên thế giới, chỉ có Phật Giáo là tôn giáo nhân bản và nhân chủ. Các tôn giáo khác như Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo, và Ki Tô Giáo đều là Thần giáo. Nhân bản là đặt căn bản trên con người, và nhân chủ là con người làm chủ chính mình, tự mình tu tập để đi đến giải thoát chứ không trông ngóng hay nương tựa ở bất cứ Thần quyền nào. Vì vậy, Phật Giáo quan tâm đến những chuyện thực tế của con người chứ không suy luận viển vông đến những vấn đề siêu hình không có ích lợi thiết thực cho con người ngay trong đời sống này. Từ bản chất nhân bản và nhân chủ, giáo lý Phật Giáo là, theo như một số học giả, một cuộc cách mạng tư tưởng. Tôi thấy danh từ cách mạng không đúng, vì cách mạng có nghĩa chống lại cái cũ thay bằng cái mới. Theo tôi, chúng ta phải nói rằng tư tưởng Phật Giáo rất đặc thù và trên thực tế đã mở đường cho những cải cách tư duy trong các Thần giáo cùng những khám phá khoa học về vũ trụ. Thật vậy, các học giả Tây phương nghiên cứu đứng đắn về Phật Giáo đều công nhận Phật Giáo là một tôn giáo thực nghiệm (empirical), khoa học (scientific), thực tế (pragmatic), và nhất là dân chủ (democratic). Những đặc tính này của Phật Giáo là những đặc tính mà chúng ta không thể thấy trong các Thần Giáo. Tại sao? Vì các Thần giáo đều phải dựa vào 4 đặc tính chung như sau để tồn tại: quyền lực; sự hiện hữu và quyền năng, ân huệ của một vị Thần hay Thiên Chúa; truyền thống tôn giáo; và những huyền bí và siêu nhiên trong tôn giáo.

Chúng ta hãy xét từng đặc tính một ở trên để xem quan điểm của Phật Giáo đối với các đặc tính trên như thế nào.

1. Vấn đề Quyền Lực.

Quyền Lực thường được tạo trên đám tín đồ kém hiểu biết. Trong các Thần Giáo, giới giáo sĩ, thí dụ Linh Mục trong Công Giáo, Mục Sư trong Tin Lành Giáo, các giáo sĩ trong Hồi Giáo, các Rabbi trong Do Thái Giáo, giai cấp Bà La Môn trong Ấn Độ Giáo, đều là những người tự cho mình là thông thái hơn đám tín đồ ở dưới, chỉ có họ mới đủ khả năng để hiểu và diễn giải Kinh Điển trong tôn giáo của họ. Từ điều này họ tạo thành một quyền lực trên đám tín đồ và tạo nên giáo điều "quên mình trong vâng phục" mà các tín đồ phải tin theo.

Cấu trúc toàn trị của Công Giáo là một thí dụ, dù rằng lịch sử đã chứng minh rằng sự hiểu biết và diễn giải Thánh Kinh của các giới lãnh đạo Công giáo, từ Giáo Hoàng trở xuống, nhiều khi rất sai lầm, luôn luôn ở trong tình trạng "sửa đâu sai đó". Bởi vậy cho nên nền thần học Ki Tô Giáo đã phải thay đổi rất nhiều qua thời gian. Lịch sử Ki Tô Giáo đã chứng tỏ những sai lầm thần học là nguyên nhân của những tác hại mà Ki Tô Giáo đã mang đến cho nhân loại trong gần 20 thế kỷ, điển hình là những cuộc Thánh Chiến, những Tòa Án Xử Dị Giáo, những cuộc săn lùng và thiêu sống phù thủy, những cuộc chiến tranh tôn giáo, những liên minh với thực dân để đi truyền đạo trong các nước kém mở mang v..v... Vụ xưng thú 7 núi tội lỗi của Công Giáo gần đây là một bằng chứng hiển nhiên nhất. Tuy vậy mà các tín đồ vẫn luôn luôn được dạy giáo hội Công giáo là giáo hội duy nhất, thánh thiện, tông truyền, và giáo hoàng là đại diện của Chúa trên trần, nên các tín đồ phải "quên mình trong vâng phục".

Quyền lực của Tin Lành nằm trong Thánh Kinh. Tin Lành chủ trương "Chỉ bằng vào Đức Tin vào Giê-su, con người sẽ được Thiên Chúa coi như người công chính và do đó được sống trên thiên đường vĩnh hằng trong Chúa Ki Tô” [Justification by faith = The just (justified, saved) shall live [have eternal life] by faith [in Christ]” (Rom 1: 17)] và Thánh Kinh là những lời mạc khải của Thiên Chúa nên không thể sai lầm. Trên thực tế Tin Lành đã áp dụng đức tin trên để “biện minh cho tất cả" những việc ác ở trên đời như săn lùng phù thủy, thiêu sống thổ dân Mỹ vì không chịu theo Tin Lành, gọi là để cứu vớt linh hồn họ. Vì tin rằng Thánh Kinh là những lời mạc khải của Thiên Chúa, nên không thể sai lầm, cho nên, đối với Tin Lành, nếu thực tế sai với Thánh Kinh thì phải loại bỏ thực tế, dù rằng ngày nay nhiều nhà nghiên cứu Thánh Kinh đã chứng minh rằng trong Thánh Kinh có vô số những điều sai lầm về Thần Học cũng như Khoa Học. Tin Lành không ngăn cấm tín đồ đọc và tìm hiểu Thánh Kinh Ki Tô Giáo nhưng chỉ được hiểu theo sự diễn giảng của giới Mục Sư. Cũng vì vậy mà cho đến tận ngày nay phái bảo thủ Tin Lành vẫn còn chống đối thuyết Tiến Hóa, phát minh ra những lý thuyết thần học quái gở như “khoa học sáng tạo” (creation science) và rồi “thiết kế thông minh” (intelligent design) để biện minh cho tác phẩm sáng tạo của Thiên Chúa của họ.

Địa vị và quyền lực của các giáo sĩ trong Hồi Giáo là một thí dụ khác. Chúng ta không còn lạ gì những đạo luật rất khắc nghiệt của Hồi Giáo đối với giới phụ nữ và đối với những vi phạm luân lý nhỏ nhoi không đáng kể trong những xã hội Tây phương.

Đức Phật đã đưa ra một giáo lý trong đó không có quyền lực. Từ hơn 25 thế kỷ về trước, Đức Phật đã đi tiên phong trong vấn đề bác bỏ quyền lực tôn giáo, không những quyền lực của cá nhân mà còn của cả Kinh Điển nữa. Trong mục 3, Vấn Đề Truyền Thống, tôi sẽ khai triển thêm điều này. 21 thế kỷ sau, Martin Luther của Ki Tô Giáo đã theo gót Đức Phật, bác bỏ quyền lực trong cấu trúc toàn trị của Công giáo để lập ra đạo Tin Lành. Nhưng thực tế là Tin Lành đã thay thế quyền lực của Giáo Hoàng Công giáo bằng quyền lực của Thánh Kinh. Cho nên, người ta bảo rằng các tín đồ Công giáo là nô lệ của giáo hoàng, còn các tín đồ Tin Lành là nô lệ của Thánh Kinh. Phật giáo quan niệm, dù nô lệ vật chất hay nô lệ tinh thần cũng đều là nô lệ, làm mất phẩm giá con người.

2. Vấn đề hiện hữu và quyền năng, ân huệ của một Thiên Chúa.

Mỗi Thần giáo đều có một quan niệm riêng về Thiên Chúa của mình. Về bản chất, những Thiên Chúa này không khác gì những Thần linh trong dân gian, thí dụ như thần cây đa, thần sông, thần núi của dân Việt Nam khi xưa, vì tất cả đều nằm trong niềm tin của con người chứ không phải là một thực thể. Những cuốn sách khảo cứu về quan niệm các Thiên Chúa trên thế gian, thí dụ như cuốn Một Lịch Sử Về Thiên Chúa (A History of God) của Nữ Tu Ca-Tô Karen Armstrong, cuốn Một Thế Giới Đầy Những Thiên Chúa (A World Full of Gods) của Keith Hopkins v..v.. đã chứng minh sự kiện này. Cho nên, quan niệm Thiên Chúa này hay Thiên Chúa kia là duy nhất, là toàn năng, là lòng lành vô cùng v..v.. là một quan niệm đã lỗi thời. Để thấy rõ vấn đề hơn, có lẽ chúng ta cũng nên biết quan niệm về Thiên Chúa quyền phép vô cùng từ đâu mà ra.

Chúng ta hãy đi ngược trở lại thời tiền sử. Khi đó con người cảm thấy yếu đuối và sợ hãi trước thiên nhiên, từ những cơn bão tố sấm sét, những cuộc động đất, lụt lội, những kỳ núi lửa phun ra nham thạch v..v.. những hiện tượng con người khi đó không thể giải thích vì chưa đủ trí tuệ để hiểu. Ngoài ra con người còn phải đối diện với trăm thứ bệnh tật, bất an trong cuộc đời. Cho nên, thật là dễ hiểu khi chúng ta thấy con người thời đó nghĩ rằng, chắc những thiên tai, bệnh tật kể trên phải có một nguyên nhân sâu xa nào đó nằm ngoài sự hiểu biết của họ, và họ đã qui mọi hiện tượng thiên nhiên cho hoạt động của những bậc siêu nhiên mà họ gọi là Thần (Gods) (Người Ki Tô giáo gọi Thần của họ (Christian God) là Thượng Đế hay Thiên Chúa). Thí dụ, sét được coi như là những lưỡi gươm của Thiên Chúa giáng xuống nhân loại, sấm được coi như là tiếng nói trong cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, những bệnh dịch tả, dịch hạch, vì có tính truyền nhiễm nên làm chết hại nhiều ngàn người vì chưa có thuốc phòng ngừa hay chữa chạy, cũng được coi như là họa của Thiên Chúa giáng xuống đầu con người để trừng phạt con người vì tội đã làm phật ý Thiên Chúa. Nhưng con người lại không chịu dậm chân tại chỗ, cho nên ngày nay, chúng ta đã hiểu, và hiểu rất rõ, bệnh tật từ đâu mà ra, tại sao có sấm, sét, và tiên đoán được khi nào có sấm, sét và có ở đâu v...v... Do đó, những quan niệm thuộc loại mê tín như Thiên Chúa có thể ban phúc, giáng họa cho nhân loại là những quan niệm đã lỗi thời, không phù hợp với những thực tế ở ngoài đời. Ngày nay, khi trời sấm sét, chó và mèo còn cúp đuôi chạy trốn, nhưng con người thì bình thản ngồi viết bài chống mê tín dị đoan, chống những chuyện hoang đường phản khoa học, phi lý trí.

Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao ngày nay vẫn còn nhiều người tin vào một Thiên Chúa toàn năng, toàn trí? Phật Giáo đã nhìn thấy rõ vấn đề này. Đức Phật đã thấy rõ chúng sinh thì vô lượng, nhưng căn trí thì bất đồng. Bởi vậy giáo lý của người là để khai sáng, chuyển hóa con người chứ không chống đối bất cứ niềm tin nào của con người. Vì căn trí bất đồng nên có người theo được con đường Bi, Trí, Dũng của Phật Giáo, tự mình bước đi những bước chân vững chãi trên con đường giải thoát, mở mang trí tuệ, tự tu, tự chứng. Và cũng có những người hoặc do truyền thống tôn giáo, gia đình, hoặc từ khi sinh ra đã sống trong môi trường khép kín về trí tuệ, tư duy, nên được nhào nặn để dựa trên một cặp nạng Thần quyền lê lết tạm bợ trên trường đời, chốn chim muông cầm thú, chờ ngày về quê thật với ông Thánh David (Charlie Nguyễn, Công Giáo Trên Bờ Vực Thẳm, trg. 73: "Xin Chúa làm cho tôi khinh dễ sự đời là chốn muông chim cầm thú, xin làm cho tôi đặng về quê thật hiệp làm một cùng vua David." (Trích dẫn từ Kinh Nhựt Khóa của Công Giáo)). Thật là tội nghiệp, những tín đồ Công giáo Việt Nam đầu óc mù mịt bị những ông linh mục xứ đầu óc cũng không hơn họ bao nhiêu, nhồi sọ từ nhỏ và chưa hề biết đến cuốn Thánh Kinh nên không biết rằng trong Thánh Kinh, David chẳng qua chỉ là một tên tướng cướp, đến khi lên làm Vua thì hoang dâm vô độ, vô đạo đức, cướp vợ của thuộc hạ v..v… Người Do Thái tôn vinh David vì hắn có công với Do Thái chứ chẳng liên quan gì đến dân Việt Nam. Tín đồ Công giáo Việt Nam được bề trên dạy sao thì tụng vậy, chứ có biết gì về David và tại sao lại phải về quê thật với một tên Vua Do Thái vô đạo đức, xuất thân từ một tên tướng cướp.

Chúng ta cũng nên biết, nền Thần Học Ki Tô Giáo, để theo kịp sự tiến hóa của nhân loại, đã phải giải thích lại nhiều lần quan niệm về một Thiên Chúa. Nhưng ngày nay những giải thích này đều bị bác bỏ, vì nền Thần Học Ki Tô Giáo đặt tiền đề trên sự hiện hữu của một Thiên Chúa toàn năng, toàn trí, toàn thiện rồi dùng lý luận thần học để thuyết phục con người là một Thiên Chúa với những thuộc tính như vậy hiện hữu. Nhưng nền thần học Ki Tô Giáo không thể thuyết phục được những người có đầu óc trong thời đại này vì nó chứa rất nhiều mâu thuẫn và phi lý. Nó chỉ còn hợp với những người mà đầu óc so với đầu óc của những người cách đây trên 2000 năm cũng chưa tiến bộ được bao nhiêu. Thật vậy, chúng ta đều biết đến lời phát biểu của vật lý gia nổi tiếng nhất thế kỷ 20 là Albert Einstein như sau:

Tôi không thể quan niệm được một Thiên Chúa thưởng phạt những tạo vật của mình.. Ý tưởng về một đấng can thiệp vào những sự việc xảy ra trong thế gian thì tuyệt đối không thể nào có.

(I cannot conceive of a God who rewards and punishes his creatures.. The idea of a being who interferes with the sequences of events in the world is absolutely impossible.)

Nhận định sau đây của James A. Haught trong cuốn 2000 years of Disbelief: Famous People with the Courage to Doubt, trang 324, có thể cho chúng ta thấy rõ vấn đề hơn:

Qua luận lý, chúng ta có thể thấy quan niệm của giáo hội về một Thiên Chúa ở trên trời với lòng thương yêu nhất mực không đứng vững. Nếu có một đấng thần linh sáng tạo ra muôn loài thì ông ta đã làm ra ung thư vú cho phái nữ, bệnh hoại huyết cho trẻ con, bệnh cùi, bệnh AIDS, bệnh mất trí nhớ (Alzheimer), và hội chứng Down (khuyết tật tinh thần). Ông ta ra lệnh cho những con cáo cắn xé nát những con thỏ ra từng mảnh, những con báo giết những hươu nai. Không có một con người nào độc ác đến độ hoạch định những sự khủng khiếp như vậy. Nếu một đấng siêu nhiên làm như vậy, ông ta là một con quỷ, không phải là một người cha nhất mực nhân từ.

(Through logic, you can see that the church concept of an all-loving heavenly creator doens't hold water. If a divine Maker fashioned everything that exists, he designed breast cancer for women, childhood leukemia, leprosy, AIDS, Alzheimer's disease, and Down's syndrome. He mandated foxes to rip rabbits apart and cheetahs ro slaughter fawns. No human would be cruel enough to plan such horrors. If a supernatural being did so, he's a monster, not an all-merciful father.)

Chúng ta hãy tự đặt một câu hỏi, trong thời đại này, chúng ta còn có thể tin được luận điệu thần học Ki Tô Giáo cho rằng, chỉ vì Adam và Eve cưỡng lời Thiên Chúa ăn một trái trên cây hiểu biết để có trí tuệ bằng Thiên Chúa nên cả nhân loại đều bị Thiên Chúa đày đọa? Điều hiển nhiên là trí tuệ loài người ngày nay đã vượt xa về hiểu biết cũng như về đạo đức của Thiên Chúa trong Thánh Kinh. Hơn nữa, người Việt Nam chúng ta có câu "Con hơn cha là nhà có phúc", nếu không như vậy thì thế giới làm gì có tiến bộ? Nếu cứ như ý định của Thiên Chúa thì loài người sẽ triền miên sống trong sự tối tăm, trí tuệ và đạo đức thấp kém. Bởi vậy, nếu chúng ta đọc những cuốn sách viết về cuộc chiến giữa khoa học và nền thần học Ki Tô Giáo trong hơn một thế kỷ nay thì chúng ta sẽ thấy nền thần học Ki Tô Giáo đã không còn chỗ đứng trong giới trí thức, ở trong cũng như ở ngoài Ki Tô Giáo, khoan kể đến tuyệt đại đa số các khoa học gia. Ngoài ra, nếu chúng ta đọc những cuốn nghiên cứu phê bình Thiên Chúa điển hình như cuốn Những Phê Bình về Thiên Chúa (Critiques of God), biên tập bởi Peter A. Angeles, trong đó có 16 tác giả phê bình về mọi lý luận thần học của Ki Tô Giáo; hoặc cuốn Thiên Chúa là Cái Gì? (What is God?), biên tập bởi Kenneth G. Lucey, trong đó có những bài khảo luận của Richard R. La Croix, thì chúng ta sẽ thấy mọi lý luận thần học về sự hiện hữu của một Thiên Chúa với những thuộc tính toàn năng, toàn trí, toàn thiện, thí dụ như của Thomas Aquinas, Augustine, Descartes v..v.. đều đã bị bác bỏ dứt khoát. Thật vậy, trong phần Tựa của cuốn Critiques of God, trang xiii, chúng ta có thể đọc đoạn sau đây:

Những niềm tin vào những đấng siêu nhiên đã biến khỏi nền văn hóa của chúng ta. Bất cứ niềm tin chắc đại cương nào về Thiên Chúa cũng đang trỏ thành mờ nhạt trong nền văn hóa của chúng ta. Thiên Chúa đã mất đi trụ xứ trong không gian như là một nước trên Thiên đàng. Ông ta cũng mất đi chỗ đứng trong vũ trụ như là đấng đã sáng tạo ra nó từ hư vô. Không phải là Thiên Chúa bị đẩy ra một vùng xa lắc xa lơ. Không phải vì ông ta trở thành một trừu tượng vô thân thể (không đực không cái). Mà vì chúng ta nhận thức ra rằng chẳng làm gì có Thiên Chúa để mà nói tới.

(Beliefs in supernatural beings have vanished from our culture. Any general serious belief in God is fading in our culture. God has lost his spatial location as a monarch in heaven. He has lost his temporal precedence to the universe as its Creator ex nihilo. It is not God is being relegated to a remote region. It is not that God has become a bodiless abstraction (a sexist It). It is te realization that there is no God to which to relate.)

Sau đây là một đoạn trong phần Dẫn Nhập trong cuốn A History of God của nữ tu Công giáo Karen Armstrong:

Thiên Chúa là một khuôn mặt khá mù mờ, được định nghĩa trong những trừu tượng trí thức thay vì những hình ảnh rõ ràng. Khi tôi mới lên chừng 8 tuổi, tôi phải nhớ câu trả lời theo giáo lý của câu hỏi, "Thiên Chúa là cái gì?: "Thiên Chúa là Thần Linh cao nhất, tự hiện hữu và vô cùng hoàn hảo trên mọi phương diện." Không lạ gì, lời giải thích trên chẳng có mấy ý nghĩa đối với tôi, và tôi phải nói rằng ngày nay định nghĩa trên cũng chẳng có gì hấp dẫn. Đó vẫn là một định nghĩa đơn thuần khô khan, huênh hoang, và kiêu căng. Tuy nhiên, từ khi tôi viết cuốn sách này, nay tôi đã tin rằng định nghĩa trên cũng còn sai lầm nữa.

(God…was a somewhat shadowy figure, defined in intellectual abstractions rather than images. When I was about eight years old, I had to memorize this catechism answer to the question, "What is God?": "God is the Supreme Spirit, Who alone exists of Himself and is infinite in all perfections." Not surprisingly, it meant little to me, and I am bound to say that it still leaves me cold. It has always seemed a singularly arid, pompous and arrogant definition. Since writng this book, however, I have come to believe that it is also incorrect.)

Và trong cuốn Sự Vô Tận Ở Trong Lòng Bàn Tay (L'infini Dans La Paume de la Main) của Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận (tôi sẽ trở lại 2 tác giả này trong đoạn kết), trang 51, Matthieu Ricard đưa ra nhận định:

Mọi tôn giáo (thần giáo) và mọi triết thuyết đều thất bại trên vấn đề sáng tạo...Khoa học đã loại bỏ sự sáng tạo bằng cách bỏ đi khái niệm về Thiên Chúa Sáng Tạo mà khoa học không cần đến và Phật Giáo cũng vậy, loại bỏ sự sáng tạo bằng cách bỏ đi khái niệm về một sự bắt đầu.

(Toutes les religions et les philosophies ont buté sur ce problème de la création. La science s'en est débarrassée en éliminant la notion de dieu créateur dont elle n'a pas besoin et le bouddhisme en éliminant la notion même d'un début.)

Như vậy, 25 thế kỷ sau thời Phật tại thế, con người mới dần dần đi đến sự nhận thức là chẳng làm gì có Thiên Chúa toàn năng toàn trí, sáng tạo ra muôn loài và có quyền thưởng phạt con người. Đức Phật đã nhận thức được như vậy, do đó Phật Giáo, từ hơn 2500 năm nay, là tôn giáo không chấp nhận thuyết sáng tạo cũng như thần quyền thưởng phạt hoang đường. Quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo là vô thỉ vô chung. Đức Phật cũng đã thấy rõ sự vận hành của thuyết Tiến Hóa. Người đã biết chúng sinh căn tính bất đồng cho nên Người đã đưa ra nhiều Pháp môn để dẫn dắt con người, tùy theo căn trí, tiến tới giác ngộ. Chúng ta thường nhắc đến con số 84000 Pháp môn, tượng trưng cho một con số lớn. Người đời thường cho Đức Phật là một vị lương y giỏi, tùy bệnh mà cho thuốc. Không có gì hoang đường và phản khoa học bằng quan niệm chỉ cần có một phương thuốc, bất kể nó tên là gì, "Đức Tin" hay "Cứu rỗi", là có thể chữa được mọi căn bệnh của chúng sinh với căn tính bất đồng.

3. Vấn đề truyền thống.

Truyền thống, nói một cách đại cương, là những gì thuộc trí tuệ, kinh nghiệm, nếp sống v..v.. mà con người trong một xã hội, một nền văn hóa, truyền lại từ đời này sang đời khác. Qua thời gian, do sự mở mang trí tuệ, do những sáng kiến mới của con người, truyền thống có thể thay đổi, cải tiến, để phù hợp với sự tiến hóa của nhân loại. Tuy nhiên, trong các thần giáo, truyền thống lại thường là những giây xích buộc chặt con người trong vòng "quên mình trong vâng phục" và do đó, thường có tác dụng ngăn chận sự tiến bộ của con người.

Truyền thống trong Công Giáo Rô-ma được tóm tắt trong câu (J. Sheatsley, The Pope's Catechism, p.80):

Tín đồ Ca-Tô phải tin tất cả những gì Thiên Chúa đã mạc khải và tất cả những gì Giáo hội Công giáo dạy, bất kể là những điều đó có hay không có trong Thánh Kinh.

Vì Truyền Thống Công giáo (nghĩa là những gì giáo hội dạy) và Thánh Kinh đều do Thiên Chúa mạc khải.

(A Catholic must believe all that God has revealed and the Catholic Church teaches, whether it is contained in Holy Scripture or not.

Because Catholic Tradition and Holy Scripture were alike revealed by God)

Bởi vậy mà khi giáo hội Công giáo dạy Đức Mẹ, sau khi sinh nở ít nhất là 7 lần, vẫn còn đồng trinh, hay Đức Mẹ cả hồn lẫn xác bay lên trời, hay giáo hoàng là đại diện của Chúa trên trần, nắm trong tay chìa khóa mở cửa thiên đường, không thể sai lầm v..v..thì giáo dân cũng bắt buộc phải tin, dù những điều này không hề có trong Thánh Kinh. Và, khi vào Việt Nam, giáo hội bắt giáo dân phải dẹp bàn thờ ông bà, tổ tiên trong hơn 400 năm, thì giáo dân cũng phải tin theo và làm đúng như vậy. Sau Công Đồng Vatican II, giáo hội "cho phép" thờ cúng tổ tiên để nhặt thêm tín đồ thì giáo dân cũng lác đác tin theo, vì vẫn có ông linh mục cho rằng cúng giỗ là "làm chay cúng ruồi".

Truyền thống trong Tin Lành là phải tuyệt đối tin rằng Thánh Kinh là những lời mạc khải của Thiên Chúa nên không thể sai lầm. Nếu khoa học mà phù hợp với Thánh Kinh thì đó là khoa học tốt (Good science). Nếu khoa học mà không phù hợp với Thánh Kinh thì đó là khoa học xấu (Bad science). Truyền thống trong Tin Lành cũng là phải tuyệt đối tin rằng con người sinh ra trong tội lỗi (born in sin) và do bản chất đó, con người không thể làm gì tốt (by nature, incapable of doing good), phải bị đày đoạ vĩnh viễn (To be a sinner is to be destined to eternal damnation), và cách duy nhất để được cứu rỗi là phải tin vào quyền năng của Giê-su (Justification by Faith). (Xin đọc Rubem Alves, Protestantism and Repression, p. 34)

Truyền thống trong Ấn Độ Giáo là phải tôn trọng sự phân chia giai cấp.

Truyền thống trong Hồi Giáo thì tôi xin miễn bàn.

Đức Phật đã thấy trước sự tai hại của các truyền thống tôn giáo như trên nên Người đã đưa ra một giáo lý trong đó không có truyền thống. Chúng ta hãy đọc "Kinh Nền Tảng Đức Tin" của Phật Giáo, thường được biết là Kinh Phật thuyết cho người dân Kalama (Tỳ Kheo Thích Nhật Từ, Kinh Tụng Hằng Ngày, Đạo Phật Ngày Nay, Phật Lịch 2546, trang 98-99):

...Này các thiện nam tín nữ Ka-la-ma, nhân đây Như Lai sẽ giảng giải về 10 nền tảng của đức tin chân chánh:

Một là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.

Hai là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.

Ba là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.

Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.

Năm là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.

Sáu là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.

Bảy là, chớ vội tin một điều gì, khi mà điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.

Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.

Chín là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.

Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.


Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm, chỉ khi nào, sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy: "Lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán, nếu sống và thực hiện lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay hiện tại và về lâu, về dài" thì lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo.

Với Kinh Nền Tảng Đức Tin này, người đời bảo rằng Phật Giáo là đạo của trí tuệ quả nhiên không sai. Vì đây mới chính là nền tảng đức tin mà theo tôi, tuyệt vời nhất trong mọi nền tảng đức tin khác, vì nền tảng này đã tôn trọng phẩm giá và trí tuệ của con người đúng nghĩa là một con người. Nếu con người từ bỏ thân phận làm người của mình để "cúi đầu trong vâng phục", "bảo sao nghe vậy", "chỉ đâu đi dó", "tin mà không cần biết, không cần hiểu", thì thực chất không khác gì một con cừu, rút cuộc cũng chỉ bị đưa vào lò sát sinh mà thôi.

Kinh Nền Tảng Đức Tin của Phật Giáo đã mở một chân trời mới cho người Tây phương. Bắt đầu từ đây, người Tây phương đã có thể, theo như Mục sư Harry Willson, tháo gỡ những ngón tay bóp chặt yết hầu họ, cất đi gánh nặng Thượng đế trên vai họ, để được hít thở bầu không khí trong sạch. Và cũng từ đây, tâm thức Tây phương đã mở để đón nhận một luồng gió tư tưởng mới từ Đông phương thổi tới. Luồng gió này chính là các tư tưởng từ bi hỉ xả, vị tha, nhân bản, rộng rãi, khoan dung, tiến bộ, và phù hợp với các suy lý khoa học của Phật Giáo.

Đến đây chúng ta đã hiểu tại sao trong quá trình truyền đạo của Phật Giáo không hề có một giọt máu đổ. Với Kinh Kalama như trên thì Phật Giáo không thể nào có những cuộc Thánh Chiến, những Tòa Án Xử Dị Giáo, những cuộc xâm lăng để cưỡng bách người ngoại đạo phải theo đạo, những vết nhơ không bao giờ có thể rửa sạch trong lịch sử loài người. Với Kinh Kalama như trên thì Phật Giáo không bao giờ có thể có được chế độ giáo hoàng, chế độ của các giáo sĩ Hồi giáo, Rabbi Do Thái Giáo, giai cấp Bà La Môn, hay quyền lực của Kinh điển.

Như trên đã nói, Phật Giáo dứt khoát phá đổ chế độ giai cấp trong các Thần Giáo, chế độ xây dựng trên niềm hoang tưởng, cho rằng giáo sĩ là giai cấp ở trên, thông thái, độc quyền diễn giải Kinh điển và do đó là giai cấp ngự trị, các tín đồ ở dưới chỉ có quyền vâng phục. Thật vậy, trong Kinh Duy Ma, Cư sĩ Duy Ma Cật là bậc có trí tuệ vượt hơn nhiều đệ tử xuất gia của Phật, và trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử đi cầu đạo đã gặp 53 vị Thiện-Tri-Thức, gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, và được dạy cho 53 Pháp môn tiến tới giải thoát khác nhau. Ngày nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy các Thần giáo cũng đang dần dần chuyển hóa đến tinh thần dân chủ trong Phật Giáo.

4. Vấn đề Huyền Bí và Siêu Nhiên.

Trong các Thần Giáo bao giờ chúng ta cũng thấy không ít thì nhiều những sắc thái thuộc loại huyền bí hay huyền nhiệm, nghĩa là những điều không thể giải thích được mà tín đồ chỉ có việc tin, không cần biết, không cần hiểu. 7 bí tích trong Công Giáo Rô-ma và 2 bí tích trong Tin Lành thuộc loại này. Ngoài ra còn những phép lạ hay tác dụng lạ lùng của những thánh tích, phần lớn là ngụy tạo, cũng thuộc loại này. Huston Smith, giáo sư triết tại đại học nổi tiếng MIT, đã đưa ra một nhận định sâu sắc trong cuốn The Religions of Man, trang 104, về tác dụng của những sự huyền bí trong tôn giáo. Giáo sư Smith cho rằng những cái gọi là huyền nhiệm và phép lạ đã biến tôn giáo trở thành "một kỹ thuật để phỉnh phờ hay ép buộc vô số những đứa trẻ ít hiểu biết trong vũ trụ làm những điều mà người ta muốn chúng làm" (a technique for cajoling or coercing innumerable cosmic bellhops to do what you wanted them to).

Chúng ta đều biết rằng Phật Giáo không coi trọng những chuyện huyền bí và siêu nhiên. Có 2 câu chuyện thú vị trong Phật Giáo chứng tỏ điều này. Câu chuyện thứ nhất là có một đệ tử trổ tài đi trên nước qua sông, cũng như gần 600 năm sau Chúa Giê-su trổ tài đi vài bước trên nước, hay Thánh Francois de Salle đi trên sóng. Đức Phật chỉ nhẹ nhàng nói: "Thật là tội nghiệp cho ngươi quá, mất công tập luyện nhiều năm chỉ để làm như vậy. Ta chỉ cần bỏ ra vài đồng tiền là ông lái đò có thể chở ta qua sông." Chuyện thứ hai là có một đệ tử trổ tài nhào lộn trên cây, Đức Phật bèn quở trách đệ tử đó. Trong cả hai chuyện, Đức Phật đã cho rằng những hành động siêu nhiên chẳng nói lên được điều gì, chẳng chứng tỏ được gì, và cũng chẳng có ích lợi gì cho việc tu tập trên con đường giải thoát, nhiều nhất chỉ là để mê hoặc những người trí tuệ thấp kém.

Giới giáo sĩ trong các Thần giáo thường dạy các tín đồ là kinh điển trong tôn giáo của họ chứa những điều huyền nhiệm mà chỉ có họ là hiểu được, và chỉ có họ là có thể diễn giảng đúng tinh thần của kinh điển. Và, để giữ độc quyền này, họ không muốn cho tín đồ tự mình đọc những kinh điển, sợ rằng tín đồ sẽ hiểu sai. Điều này rõ ràng nhất trong Công giáo Rô-ma. Lịch sử Công giáo cho biết, giáo hội cấm không cho dịch Thánh Kinh từ tiếng La-Tinh ra tiếng địa phương, và cấm luôn cả tín đồ không được tự mình đọc Thánh Kinh. Vi phạm điều này có thể bị tuyệt thông, hoặc tịch thu tài sản, hoặc bị xử tử. Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ cho rằng Giáo hội sợ tín đồ nhận ra những điều sai lầm và mâu thuẫn trong Thánh Kinh.

Phật Giáo trái hẳn lại. Đức Phật đã khuyên các đệ tử nên dùng ngôn ngữ, văn tự địa phương để truyền bá đạo Phật. Đi đến đâu, Kinh điển Phật Giáo cũng đều được dịch ra tiếng địa phương. Điển hình là ở Trung Hoa, Nhật Bản v..v.., ngay từ những thế kỷ đầu của thời đại này, các kinh điển Phật Giáo đã được dịch ra tiếng địa phương. Ở Âu Châu, đến thế kỷ 16, Martin Luther mới theo gót tinh thần khai phóng và dân chủ của Phật Giáo, chống lại chế độ giáo hoàng toàn trị của Công giáo và bắt đầu dịch Thánh Kinh sang tiếng Đức. Và từ đó, Ki-Tô giáo mới có những cuốn Thánh Kinh bằng tiếng địa phương, và cũng từ đó mà Ki Tô Giáo bắt đầu suy thoái vì đầu óc tiến bộ của con người không còn có thể chấp nhận những chuyện hoang đường ở trong Thánh Kinh không còn phù hợp với sự hiểu biết của nhân loại ngày nay.

Vài Lời Kết.

Viết bài này, tôi chỉ có mục đích duy nhất là trình bày cùng quý độc giả sự kiện là về các lãnh vực khoa học, tôn giáo và xã hội, nhiều tư tưởng Phật Giáo đã đi trước nhân loại khá xa. Bài viết này không có mục đích chống đối niềm tin của bất cứ ai trong bất cứ tôn giáo nào. Hiểu rõ là chúng sinh thì căn trí bất đồng nên tôi không có lý do gì để chống niềm tin của người khác mà tôi cho đó là quyền tuyệt đối của con người. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, trong thời đại này, chúng ta không thể tự cho phép quay trở về thời Trung Cổ, làm ngơ trước những tiến bộ tư tưởng của con người. Cho nên bài viết này chẳng qua chỉ là trình bày phần nào một khía cạnh tiến hóa của tư duy nhân loại, dựa trên những kết quả nghiên cứu đáng tin cậy của những bậc thức giả trong mọi tôn giáo và trong khoa học.

Thay vì có vài lời kết luận, tôi xin giới thiệu cùng quý độc giả một cuốn sách có giá trị cao, đó là cuốn Sự Vô Tận Nằm Trong Lòng Bàn Tay: Từ Big Bang đến sự Tỉnh Thức (L'Infini Dans La Paume De La Main: Du Big Bang à L'Éveil) của Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận, xuất bản năm 2000 tại Pháp. Cuốn sách này nay đã được dịch sang tiếng Anh với tên: Một Cuộc Hành Trình Tới Những Tận Cùng Kiến Thức Ở Đó Khoa Học và Phật Giáo Gặp Nhau: Nguyên Lượng và Hoa Sen (A Journey To The Frontiers Where Science and Buddhism Meet: The Quantum and the Lotus) với đôi chút thay đổi trong bố cục và văn tự, xuất bản tại Mỹ năm 2001. Tuy nhiên, tôi phải nói ngay rằng, giá trị của cuốn sách này tùy thuộc trình độ hiểu biết của người đọc trong cả hai lãnh vực: khoa học và tôn giáo, nhất là Phật Giáo. Matthieu Ricard là đồng tác giả với ông bố Jean-Francois Revel trong cuốn sách nổi tiếng Le Moine et le Philosophe xuất bản năm 1998 ở Pháp. Cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Việt: Tăng Sĩ và Triết Gia, và sang tiếng Anh: The Monk and the Philosopher. Matthieu là một khoa học gia trở thành một tăng sĩ Phật Giáo. Còn Trịnh Xuân Thuận, sinh trưởng trong một gia đình Phật Giáo, là giáo sư khoa học nghiên cứu các thiên thể (thiên văn học) , đại học Virginia. Nội dung cuốn L'Infini Dans La Paume de la Main là những trao đổi ý kiến giữa Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận về khoa học Tây phương và triết lý Phật Giáo. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cho rằng cuốn sách này là một đóng góp lớn lao cho sự hiểu biết rõ hơn bản chất thật của thế giới của chúng ta và đạo chúng ta sống trong đó.

Trong phần kết luận, khoa học gia Trịnh Xuân Thuận cho chúng ta biết rằng, tuy đã biết và đánh giá cao khía cạnh thực hành của Phật Giáo, giáo sư Thuận không tin rằng có thể có sự đối chiếu giữa khoa học và Phật Giáo, vì con đường thực nghiệm của khoa học và con đường quán chiếu nội tâm của Phật Giáo hoàn toàn khác nhau, cho nên Phật Giáo chẳng có gì mấy để nói về thế giới các hiện tượng, đối tượng nghiên cứu của khoa học. (Je n'étais donc pas du tout sur qu'une démarche consistant à confronter la science et le bouddhisme puisse avoir un sens. Je redoutais que le bouddhisme n'ait que peu à dire sur la nature du monde phénoménal, car ce n'est pas sa préoccupation principale, alors que c'est fondamentalement celle de la science.)

Tuy nhiên, sau khi trao đổi ý kiến với Matthieu Ricard, giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã thay đổi ý kiến và ông viết:

Trong cuộc trao đổi ý kiến của chúng tôi, tôi đã nhận ra rằng sự e ngại của tôi là vô căn cứ: không những Phật Giáo suy tư về bản chất của thế giới, mà còn suy tư một cách sâu sắc và đặc thù...

Điều chính mà tôi học được từ cuộc đối thoại này là, không còn nghi ngờ gì nữa, có một sự hội tụ và cộng hưởng giữa hai cách nhìn thực tại của Phật Giáo và của khoa học. Một vài khẳng định của Phật Giáo về thế giới các hiện tượng đã đem đến một cách kỳ lạ những ý tưởng tiềm ẩn trong khoa học vật lý hiện đại, đặc biệt là hai lý thuyết vĩ đại, cột trụ của vật lý hiện đại: cơ học nguyên lượng - khoa vật lý về những vật vô cùng nhỏ - (nguyên tử và các hạt tiềm nguyên tử như điện tử, quark v..v.. TCN) và thuyết tương đối - khoa vật lý về những vật vô cùng lớn (vũ trụ học: sao, thiên hà v..v... TCN).

(À mesure que nos conversations se sont poursuivies, je me suis rendu compte que mes craintes n'étaient pas fondées: non seulement le bouddhisme a réfléchi sur la nature du monde, mais il l'a fait de facon profonde et original..

L'enseignement principal que j'en ai retiré est qu'il existe une convergence et une résonace certaines entre les deux visions, bouddhiste et scientifique, du réel. Certains énoncés du bouddhisme à propos du monde des phénomènes évoquent de manière étonante telles ou telles idées sous-jacentes de la physique moderne, en particulier des deux grandes théories qui en constituent les piliers: la mécanique quantique - physique de l'infiniment petit -, et la relativité - physique de l'infini grand.)

Tôi nghĩ, có lẽ chúng ta cũng không nên quên rằng, những tư tưởng và hiểu biết của Phật Giáo về thế giới các hiện tượng đã có từ cách đây trên 25 thế kỷ, trong khi hai thuyết vĩ đại nhất trong vật lý hiện đại, thuyết nguyên lượng và thuyết tương đối, mới chỉ được trí tuệ Tây phương nghĩ ra trong thế kỷ 20.

Trên đây tôi đã trình bày những quan niệm của Phật Giáo về vũ trụ nhân sinh, cùng những tư tưởng khai phóng của Phật Giáo về tôn giáo, xã hội và chứng minh là nhiều tư tưởng của Phật Giáo đã đi trước tôn giáo và khoa học Tây phương như thế nào. Cho nên chúng ta không lấy làm lạ khi càng ngày thế giới, nhất là các xã hội văn minh tiến bộ Âu Mỹ, càng nhận ra chân giá trị của Phật Giáo. Một câu hỏi được đặt ra: Làm sao mà những tư tưởng Phật Giáo lại có thể đi trước khoa học Tây phương khi mà Phật Giáo không hề có và không hề dùng đến những dụng cụ đo lường khoa học? Làm sao mà Phật Giáo lại có thể đi trước những Thần Giáo trong đó có cả tôn giáo được thần linh mạc khải? Thật khó mà có thể trả lời nếu chúng ta không tin rằng do Thiền và Quán Chiếu nên Đức Phật đã nắm được bản chất, sự vận hành của vạn pháp, nghĩa là đã đạt đến mức "Như thực tri kiến". Đây là cách nhìn sự vật của Đức Phật mà mọi giáo lý Phật Giáo đều hướng đến mục đích dẫn dắt chúng ta đạt đến. "Như thực tri kiến" cũng là mục đích tối hậu của khoa học. Điểm hội tụ của Phật Giáo và Khoa Học chính là ở điểm này. Tuy nhiên, Phật Giáo còn đi xa hơn nữa, vì trong Phật Giáo, "Như thực tri kiến" không không đủ, mà chúng ta còn phải có một tâm từ bi vô lượng. Không có tâm từ bi thì không có Phật Giáo. Không có tâm từ bi thì Đức Phật đã không để lại cho chúng ta một giáo lý vô thượng vô đẳng. Từ là cho vui, và Bi là cứu khổ. Từ bi trong Phật Giáo tuyệt đối không có nghĩa là nếu người ta tát má này thì đưa má kia cho người ta tát thêm. Phật Giáo không có dạy chúng ta áp dụng từ bi để dung dưỡng bất công và bạo hành. Từ bi cũng không có nghĩa là hiểu sai "ái ngữ", nói lên những lời giả dối, sai sự thật, ve vuốt người khác với ảo tưởng là có thể gây sự hòa hợp một chiều. Một trong 5 giới căn bản của một Phật tử là không được nói sai sự thật. Đức Phật, sau khi giác ngộ, chẳng làm gì hơn là nói lên những sự thật liên hệ đến con người ngay trong đời sống này, giúp cho con người thấy được sự vật như chúng là như vậy, từ đó sẽ thoát khổ. Đây chính là cho vui và cứu khổ.

Viết bài này, tôi cũng không làm điều gì khác hơn là, trong phạm vi hiểu biết của tôi, cố gắng trình bày những điều mà tôi đã để tâm nghiên cứu và tin rằng ít ra chúng cũng không xa sự thật là bao.







--------------------------------------------------------------------------------


Source : Trang Trần Chung Ngọc

Trần Chung Ngọc :BA MƯƠI THÁNG TƯ VÀ TÔI...

BA MƯƠI THÁNG TƯ VÀ TÔI
TỪ KIẾN THỨC ĐẾN LẬP TRƯỜNG

Trần Chung Ngọc

“Nếu một người vẫn không thể quên thù hận, há chẳng ngu xuẩn lắm sao?”
[Cổ Long: Câu kết của truyện kiếm hiệp “Cửu Nguyệt Ưng Phi”]


Từ Kiến Thức:

Cho đến năm 2009, chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt 34 năm rồi, chiều dài của hơn một thế hệ. Tôi đồng ý với ông Cổ Long rằng đến bây giờ mà chúng ta không thể quên được thù hận thì quả thật là ngu xuẩn. Ở đây tôi muốn nói đến mối thù hận bất kể từ phía nào. Không thể quên thù hận đã là ngu xuẩn lắm rồi, nhưng ngu xuẩn hơn nữa nếu chúng ta lại truyền lại sự thù hận cho thế hệ sau để chúng tiếp nối sự thù hận mà chúng ta không thể quên được. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho bậc cha mẹ của một em bé, nhân danh “Người Việt tỵ nạn”, cầm tấm bảng chống “ca nhạc Trịnh Công Sơn”. Tại sao họ có thể làm ô nhiễm đầu óc con cái của mình đến độ như vậy?


Trước hết tôi cần phải nói chút ít về tôi, dù cái tôi thật đáng ghét. Cá nhân tôi là một sĩ quan, xuất thân từ Khóa I Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, đã phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong hơn 8 năm, đã cầm súng chống Cộng ở tiền tuyến, từ Quảng Bình (Tiểu đoàn 12) trước 1954, đến Qui Nhơn (Sư đoàn 22) và Kontum (Biệt khu 24) sau 1954. Và sau khi giải ngũ tôi cũng đã phục vụ trong ngành giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày chót. Vậy vào những thời đó, tất nhiên không ít thì nhiều tôi cũng đã chống Cộng, nhất là tôi đã đọc về những tội ác của Cộng sản đối với người dân, về cuộc cải cách ruộng đất, về Tết Mậu Thân v..v…trong những tài liệu của miền Nam và của Mỹ. Và tôi đã chạy trốn Cộng sản sang Mỹ vào cuối tháng Tư năm 1975. Nhưng kết cục của cuộc chiến đã đưa đến cho tôi một thắc mắc và ấm ức. Thắc mắc và ấm ức đó là:

“Miền Nam có hơn một triệu quân, một thời cộng với hơn nửa triệu quân Mỹ, với đầy đủ vũ khí, đạn dược, và có ưu thế tuyệt đối về máy bay chiến đấu, về B52 để trải thảm bom từ trên thượng tầng không khí, xe tăng, tàu chiến, trọng pháo, truyền tin và cả thuốc khai quang Agent Orange để cho Việt Cộng không còn chỗ ẩn núp v..v.. nhưng tại sao vẫn không thắng nổi đối phương để rồi Mỹ phải tìm cách Việt Nam hóa cuộc chiến, rồi “tháo chạy” [từ của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng], và cuối cùng, Việt Cộng vẫn “cưỡng chiếm” [từ của báo chí chống Cọng hải ngoại] được miền Nam? Vậy ngoài yếu tố quân sự, những yếu tố nào đã quyết định cuộc chiến? Phải chăng phe Quốc Gia của chúng ta có vấn đề về chính nghĩa, về chủ quyền? Phải chăng quân dân miền Nam không tích cực chống Cộng? Hay phải chăng yếu tố quyết định là truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam? Thực ra thì Quốc Gia và Cộng sản bên nào có Chính Nghĩa? Bên nào hợp lòng dân và được dân ủng hộ? Ý chí và khả năng chiến đấu của binh sĩ hai bên ra sao? Khả năng chỉ huy của các cấp lãnh đạo? Và còn những gì gì nữa?”

Tại sao chúng ta lại thua, đó là niềm ấm ức đã ám ảnh đầu óc tôi trong vài năm đầu sống ở Mỹ sau 1975. Trong thời gian này, vì phải bắt đầu lại cuộc sống từ số không nên không có thì giờ tìm hiểu, tôi vẫn không giải đáp được thắc mắc trên. Nhưng thắc mắc trên cứ ám ảnh đầu óc tôi, cho nên khi đời sống kinh tế gia đình đã ổn định, tôi đã để thì giờ tìm hiểu và đọc rất nhiều sách và tài liệu viết về cuộc chiến ở Việt Nam, phần lớn là sách Mỹ, sách Pháp, và vài ba cuốn sách Việt, thí dụ như “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi” của Đỗ Mậu; “9 Năm Máu Lửa Dưới Chính Quyền Ngô Đình Diệm” của Nguyệt Đam và Thần Phong; “Đảng Cần Lao” của Chu Bằng Lĩnh”; Luận Án Tiến Sĩ “Giáo Sĩ Thừa Sai Và Chính Sách Thuộc Địa Của Pháp Tại Việt Nam (1857-1914)” [Christianisme et Colonialisme au Viet Nam, 1857-1914], Đại Học Paris, 1969, của Cao Huy Thuần; “Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” của Hồ Sĩ Khuê v…v… Bài “Đầu Hàng” của Vân Xưa trong cuốn của Hồ Sĩ Khuê là bài tôi thích nhất. Xin đừng hiểu lầm tôi thích là vì VNCH “đầu hàng”, mà vì bài viết phân tích tình hình khá hay và đầy tình người. Lẽ dĩ nhiên tôi cũng có những kinh nghiệm bản thân về Cộng sản cũng như Quốc Gia trong thời chiến, vì tôi là Sĩ Quan “Tác Động Tinh Thần”, sau đổi thành “Chiến Tranh Tâm Lý”, của Tiểu Đoàn 12. Tôi cũng đã chứng kiến cuộc đảo chính hụt của Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông v..v… cũng như cuộc oanh tạc Dinh Độc Lập của hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử. Và sau cùng là cuộc đảo chánh năm 1963 của Dương Văn Minh v… v… Tôi cũng đã nhìn thấy những khuôn mặt sáng sủa, trẻ trung, đầy tương lai trong các lớp học tôi dạy, từ Trung Học đến Đại Học, nhưng khó mà có thể có tương lai vì trước sau gì các em cũng bị lôi cuốn vào cuộc chiến tương tàn.

Ngày nay, lịch sử đã rõ ràng. Với những kiến thức mới về cuộc chiến thì chúng ta đã rõ, cuộc chiến trước 1954 là cuộc chiến chống xâm lăng, xâm lăng của thực dân Pháp toan tính tái lập nền đô hộ trên đầu dân Việt Nam, với sự hỗ trợ về quân cụ, vũ khí rất đáng kể của đế quốc Mỹ. Ngày 14 tháng 8, 1945, Tổng Thống Pháp De Gaulle bổ nhiệm Tướng Leclerc làm Tổng Chỉ Huy lực lượng ở Đông Dương và chỉ định Thierry d’Argenlieu làm Cao Ủy để cắm lại lá cờ tam tài của chúng ta ở đó (pour y replanter notre drapeau). Và Mỹ đã giúp hơn 80% chiến phí cho Pháp trong mục đích thực dân này. Còn cuộc chiến hậu Geneva là cuộc chiến chống xâm lăng của Mỹ. Đây là kết luận của các học giả Tây phương, xét theo những sự kiện lịch sử chứ không xét theo cảm tính phe phái.

Thật vậy, Thứ Trưởng Ngoại Giao Mỹ, Walter Bedell Smith xác định trong bản Tuyên Ngôn tại Washington D.C. về Hiệp Định Geneva như sau:


“Trong trường hợp những quốc gia nay bị chia đôi ngoài ý muốn, chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp thống nhất qua bầu cử tự do, giám sát bởi Liên Hiệp Quốc để bảo đảm là bầu cử được thi hành nghiêm chỉnh” và “Hoa Kỳ sẽ tự kiềm chế, không đe dọa hay dùng võ lực để phá những sự Thỏa Hiệp”
(In the case of nations divided against their will, we shall continue to seek to achieve unity through free elections, supervised by the United Nations to ensure that they are conducted fairly... The US will refrain from the threat or the use of force to disturb them)
Xác định như vậy nhưng Mỹ đã nuốt lời hứa và dùng võ lực để can thiệp ngay vào nội bộ Việt Nam.., dùng tay sai Ngô Đình Diệm để phá sự thống nhất của đất nước qua bầu cử tự do, rồi chỉ đạo cuộc chiến và phạm rất nhiều tội ác ở Việt Nam. Trong cuốn The United States In Vietnam: An Analysis In Depth Of The History Of America’s Involvement In Vietnam, hai Giáo sư đại học Cornell, George McTurnan Kahin và John W. Lewis, viết ở trang 59:
“Tuy Hoa Kỳ nói rằng “sẽ tự kiềm chế, không đe dọa hay dùng võ lực để phá những sự Thỏa Hiệp” nhưng điều hiển nhiên chúng ta thấy ngay sau đó là Hoa Kỳ đã sửa soạn dùng mọi phương cách khác để ủng hộ chế độ Saigon [do Mỹ dựng lên] trong việc không tôn trọng những điều khoản trong Thỏa Hiệp”
(Though the US said it would “refrain from the threat or the use of force to disturb” the agreements, it soon become evident that it was prepared to use every other means to back up the Saigon regime in its departure from their central provisions).
Sự kiện là, Mỹ đã toa rập với Vatican đưa tam đại Việt gian Công giáo Ngô Đình Diệm về để chống Cộng cho Mỹ ở Nam Việt Nam, và đơn phương từ chối không thi hành khoản tổng tuyển cử tự do trên toàn đất nước vào năm 1956 trong Hiệp Định. Tại sao? Vì Tổng Thống Eisenhower của Mỹ đã nhận định, nếu có một cuộc tổng tuyển cử tự do vào năm 1956 thì ông Hồ Chí Minh sẽ được ít nhất là 80% số phiếu. Vào thời đó, với uy tín của ông Hồ và Việt Minh sau trận Điện Biên Phủ, Việt Minh không cần phải tổ chức một cuộc bầu cử gian lận như Ngô Đình Diệm đã làm ở miền Nam với số phiếu ở Saigon nhiều hơn số cử tri.
Tưởng chúng ta không nên quên là ngay từ sau Hiệp Định đình chiến 1954, Mỹ đã gửi Lansdale ra ngoài Bắc để phá hoại, tuyên truyền, và cổ võ giáo dân Công giáo di cư vào Nam với những khẩu hiệu như “Chúa đã vào Nam” và “Đức Mẹ đã di cư vào Nam” v..v.. để dụ đám linh mục và giáo dân thấp kém. Vì vậy khoảng 700 ngàn Giáo dân Công giáo đã cùng với các “Chúa thứ hai” của họ ào ào kéo vào Nam, không buồn để ý đến chuyện những khẩu hiệu lố bịch trên đã chứng tỏ là Ông Mác đã đuổi hai mẹ con Chúa chạy từ Bắc vào Nam, tuy rằng Chúa và Mẹ Chúa đều là những bậc toàn năng, toàn trí, quyền phép vô cùng, làm gì cũng được, cùng lúc chứng minh trình độ và ý thức tôn giáo của giáo dân Công giáo Việt Nam. Thật là quá tội nghiệp cho đầu óc của họ đi.
Còn nữa, trong cuốn Chiến Tranh Việt Nam Và Văn Hóa Mỹ (The Vietnam War and American Culture, Columbia University Press, New York, 1991), hai Giáo sư ở đại học Iowa, John Carlos Rowe và Rick Berg, viết, trang 28-29:

Tưởng cũng nên nhớ lại vài sự kiện. Mỹ đã dính sâu vào nỗ lực của Pháp để tái chiếm thuộc địa cũ của họ, biết rằng kẻ thù là phong trào quốc gia của Việt Nam. Số tử vong vào khoảng nửa triệu. Khi Pháp rút lui, Mỹ lập tức dấn thân vào việc phá hoại Hiệp Định Genève năm 1954, dựng lên ở miền Nam một chế độ khủng bố, cho đến năm 1961, giết có lẽ khoảng 70,000 “Việt Cộng”, gây nên phong trào kháng chiến mà từ 1959 được sự ủng hộ của nửa miền Bắc tạm thời chia đôi bởi Hiệp Định Genève mà Mỹ phá ngầm. Trong những năm 1961-62, Tổng thống Kennedy phát động cuộc tấn công thẳng vào vùng quê Nam Việt Nam với những cuộc thả bom trải rộng, thuốc khai quang trong một chương trình được thiết kế để lùa hàng triệu người dân vào những trại (ấp chiến lược?) nơi đây họ được bảo vệ bởi những lính gác, giây thép gai, khỏi quân du kích mà Mỹ thừa nhận rằng được dân ủng hộ. Mỹ khẳng định là đã được mời đến, nhưng như tờ London Economist đã nhận định chính xác, “một kẻ xâm lăng là một kẻ xâm lăng trừ phi được mời bởi một chính phủ hợp pháp.” Mỹ chưa bao giờ coi những chính phủ tay sai mình dựng lên là có quyền hợp pháp như vậy, và thật ra Mỹ thường thay đổi những chính phủ này khi họ không có đủ thích thú trước sự tấn công của Mỹ hay tìm kiếm một sự dàn xếp trung lập được mọi phía ủng hộ nhưng bị coi là nguy hiểm cho những kẻ xâm lăng, vì như vậy là phá ngầm căn bản cuộc chiến của Mỹ chống Nam Việt Nam. Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xâm lăng với nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại trên khắp Đông Dương.
(It is worth recalling a few facts. The US was deeply committed to the French effort to reconquer their former colony, recognizing throughout that the enemy was the nationalist movement of Vietnam. The death toll was about half a million. When France withdrew, the US dedicated itself at once to subverting the 1954 Geneva settlement, installing in the south a terrorist regime that killed perhaps 70000 “Viet Cong” by 1961, evoking resistance which, from 1959, was supported from the northern half of the country temporarily divided by the Geneva settlement that the US had undermined. In 1961-1962, President Kennedy launched a direct attack against rural South Vietnam with large-scale bombing and defoliation as part of a program designed to drive millions of people to camps where they would be “protected” by armed guards and barbed wire from the guerillas whom, the US conceded, they were willinggly supporting. The US maintained that it was invited in, but as the London Economist accurately observed, “an invader is an invader unless invited in by a government with a claim to legitimacy.” The US never regarded the clients it installed as having any such claim, and in fact it regularly replaced them when they failed to exhibit sufficient enthusiam for the American attack or sought to implement the neutralist settlement that was advocated on all sides and was considered the prime danger by the aggressors, since it would undermine the basis for their war against South Vietnam. In short, the US invaded South Vietnam, where it proceeded to compound the crime of aggression with numerous and quite appalling crimes against humanity throughout Indochina.)

Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt, vậy mà 27 năm sau, Daniel Ellsberg còn viết trong cuốn Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers, Viking, 2002, p.255:

“Theo tinh thần Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lăng của Mỹ”.
(In terms of the UN Charter and our own avowed ideals, it was a war of foreign agression, American aggression.)

Năm 2006, Bác Sĩ Allen Hassan, một Bác sĩ đã phục vụ tại Việt Nam, đã viết cuốn “Failure To Atone” mà bản dịch tiếng Việt của Nhà Xuất Bản Trẻ dịch là “Không Thể Chuộc Lỗi” (Đúng ra, dịch đúng nghĩa phải là “tội”, tội ác, chứ không phải “lỗi”, lỗi lầm) nói về những tội ác của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Sau đây là vài lời giới thiệu trong bản tiếng Việt của Nhà Xuất Bản Trẻ mà tôi mua được ở Việt Nam nhân chuyến cùng con cháu về thăm quê hương năm 2007:

Tại hội trường 8 Hội chợ sách Quốc tế Frankfurt ở Đức năm 2006, giữa các khu vự trưng bày sách rộng lờn và không khí giao dịch bản quyền náo nhiệt của các tập đoàn xuất bản hàng đầu thế giới là một gian hàng nhỏ với một điểm đặc biệt có một không hai: Gian hàng chỉ trưng bày và giao dịch bản quyền duy nhất một cuốn sách có tựa đề Failure To Atone – Không Thể Chuộc Lỗi (Tội) – với một poster lớn: “Nước Mỹ không thể chuộc lỗi về những gì đã gây ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam! Sự thật chưa từng được tiết lộ của một bác sĩ tình nguyện người Mỹ tại Việt Nam”…
Khi chúng tôi hỏi tại sao lại lấy tên là Không Thể Chuộc Lỗi đặt cho cuốn sách, đại diện bản quyền của bác sĩ Allen Hassan trả lời:
“Mục đích của bác sĩ Allen Hassan khi viết cuốn sách này là muốn những người lính đã từng tham chiến tại Việt Nam và chính quyền Mỹ thật sự hiểu rõ những gì mà nước Mỹ đã gây ra cho người dân Việt Nam và lớn hơn rất nhiều những gì mà người Mỹ từng nghĩ. Nước Mỹ nhớ rất kỹ những gì người khác gây cho họ nhưng lại quên rất nhanh những gì họ đã gây ra cho những người khác. Người chết không thể sống dậy, người tàn tật mãi mãi tàn tật, và nỗi đau mãi mãi là nỗi đau….Khi đọc xong cuốn sách này, mọi người sẽ hiểu bây giờ bất cứ làm việc gì, nước Mỹ cũng không thể chuộc lại lỗi của mình đối với người dân Việt Nam.”

Trong cuốn Không Thể Chuộc Lỗi, bác sĩ Hassan đã đề cập đến chất độc da cam, nhưng đặc biệt, trong ấn bản Việt ngữ, ông đã viết thêm một chương về những hậu quả và di chứng nặng nề của chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam. Mỹ đã sử dụng bao nhiêu chất độc da cam ở Việt Nam? Thượng Nghị Sĩ Mỹ Gaylor Nelson đã phát biều:

Nước Mỹ đã trút xuống Nam Việt Nam một lương hóa chất độc hại tương đương với mức trung bình cho mỗi đầu người, kể cả phụ nữ và trẻ em, là 6 pound (gần 3 kg).
(The US dropped down South Vietnam with a volume of toxic chemicals equivalent to average level up to 6 pound (nearly 3 kgs) per head, including the women and the children)

Di hại to lớn của chất độc da cam ở Việt Nam là điều hiển nhiên, không ai có thể chối cãi. Nhưng nước Mỹ đã muối mặt phủ nhận trách nhiệm. Đáng lẽ sau cuộc chiến, Việt Nam phải đưa Mỹ ra Tòa Án Quốc tế Xử Các Tội Phạm Chiến Tranh nhưng có lẽ tự biết thân phận của một nước nhỏ, có kiện cũng chỉ là “con kiến đi kiện củ khoai”.

Chúng ta hãy đọc thêm vài đoạn trong bài “ Chủ Nghĩa Khủng Bố Và Diệt Chủng Dân Tộc Việt Nam Của Mỹ 1945-1975” (American Terrorism and Genocide of the Vietnamese People, 1945-1974) http://www.intellnet.org/resources/american_terrorism/Vietnamesevictims.html. Bài này đã được đăng trên trang nhà Sách Hiếm: http://www.sachhiem.net/TCNts/TCNts25.php với nguyên bản bằng tiếng Anh.

Những tội phạm chiến tranh thuộc Thủy, Lục, Không quân Hoa Kỳ đã tàn sát 3 triệu người ở Việt Nam, trong rất nhiều nơi như Mỹ Lai. Hầu hết các nạn nhân là đàn bà và trẻ con.
CIA có ngay cả một chương trình khủng bố chính thức của quốc gia Mỹ ở Việt Nam, được biết là “Chiến Dịch Phụng Hoàng” hay “Kế Hoạch Phụng Hoàng”. [Kế hoạch Phụng Hoàng còn được biết dưới tên “Kế Hoạch Ám Sát” (Douglas Valentine, The Phoenix Program, p. 191: “Phoenix was labeled an Assassination Program”).] Qua Kế Hoạch Phụng Hoàng, nhiều trăm ngàn người đã bị tra tấn đến chết trong những “trung tâm thẩm vấn” trên khắp Nam Việt Nam. Những trung tâm tra tấn này được dựng lên bởi Mỹ rõ ràng cho mục đích đó. Phụ nữ luôn luôn bị hãm hiếp như là một phần của tra tấn trước khi bị giết. Khủng bố, hãm hiếp và giết người hàng loạt một cách đại qui mô trên khắp miền quê là chính sách của tập thể Lục Quân, Không Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Thủy Quân Hoa Kỳ. Cuộc tàn sát ở Mỹ Lai là một chiến dịch trong Kế Hoạch Phụng Hoàng.
Chính sách diệt chủng dân Việt Nam của Mỹ có nguồn gốc từ ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến.
Mỹ đã ủng hộ Pháp trong toan tính lấy lại quyền cai trị đẫm máu của thực dân Pháp ở Đông Nam Á.
John Kerry, Trung Úy Thủy Quân, lãnh tụ của những cựu quân nhân Mỹ ở Việt Nam chống chiến tranh, làm chứng trước Ủy Ban Ngoại Giao của Thượng Viện năm 1971: “Tôi muốn nói rằng vài tháng trước ở Detroit chúng tôi có một cuộc điều tra trong đó có 150 quân nhân đã được giải ngũ trong danh dự đã làm chứng cho những tội ác chiến tranh phạm ở Đông Nam Á. Họ nói những câu chuyện của thời đó là chính họ đã hãm hiếp, cắt tai, chặt đầu, kẹp giây điện từ những bộ máy truyền tin vào nhưng cơ quan sinh dục rồi quay điện, chặt chân tay, làm nổ tan xác, bắn chơi vào các thường dân, triệt hạ cả làng theo kiểu của Thành Cát Tư Hãn, bắn trâu bò, chó, làm trò chơi, đầu độc các kho lương thực và hầu như là tàn phá toàn diện miền quê Nam Việt Nam, ngoài sự tàn phá thông thường của chiến tranh và sự tàn phá thông thường và đặc biệt của những cuộc bỏ bom trên đất nước này.”
Quá nhiều “con em của chúng ta” đã phạm phải những tội ác cuồng dâm chống nhân loại. Lính Mỹ tra tấn tù binh. Lính Mỹ hiếp người qua đường hậu môn, hãm hiếp và bạo sát đàn bà và con gái. Lính Mỹ tàn sát toàn thể đàn ông, đàn bà, trẻ con trong nhiều làng – kể cả con nít - ở nhiều, nhiều nơi như Mỹ Lai và Thanh Phong.
[Thanh Phong là tên ngôi làng mà nguyên Thượng Nghị Sĩ Robert Kerrey (không phải là John Kerry) đã chỉ huy một toán SEALS 7 người vào tàn sát 21 người đàn ông, đàn bà và trẻ con trong làng vào tháng 2, 1969. Vào căn nhà lá đầu tiên, toán này đã cắt cổ một ông lão, vợ ông ta và 3 đứa cháu. ("Former US Senator Robert Kerrey, newly inaugurated as the president of the New School University, one of the most prestigious positions in American academia, has admitted participating in a death squad attack on a Vietnamese village [Thanh Phong] 32 years ago, in which he and six soldiers under his command killed 21 women, children and elderly men. "In the course of the nighttime assault, the American raiders [U.S. Navy SEALS] killed every Vietnamese they encountered — men, women, children. They used every weapon in their arsenal, from knives to rifles and grenades to light anti-tank weapons, expending more than 1,200 rounds of ammunition on a village where only a few dozen people lived. "...the SEALS slit the throats of an elderly man, his wife and three grandchildren in the first hut they encountered when they entered the village. The graves of these five victims, marked with a common date of death, can be seen in the village today." TCN]
Lực Lượng Đặc Biệt dạy binh sĩ của mình thi hành nhiệm vụ ở Việt Nam phải dùng tra tấn như thế nào là một phần trong sự thẩm vấn.
Chiến dịch Phụng Hoàng nổi tiếng, do CIA dựng lên để quét sạch hạ tầng cơ sở của Việt Cộng, đã tra tấn những người bị tình nghi như sau:
o Quay điện vào các bộ phận sinh dục của nam và nữ.
o Cắm vào tai một cái đũa gỗ dài 15 cm rồi đập dần đũa vào óc cho đến khi nạn nhân chết.
o Những người bị tình nghi cũng bị ném từ trên trực thăng xuống để làm gương cho những người tình nghi quan trọng khác phải khai, tuy đây có thể coi như là sát nhân đối với nạn nhân bị ném, nhưng cũng là một hình thức tra tấn đối với những người khác.
o Vi phạm Quy Ước Geneva, Mỹ trao tù binh cho đồng minh Nam Việt Nam của họ biết rõ rằng nhưng người này sẽ bị tra tấn, viên chức Mỹ thường có mặt trong cuộc tra tấn.
Cương quyết thi hành dịch vụ diệt chủng, Không Quân Mỹ phát động chiến dịch “Rolling Thunder” tấn công dân Việt Nam năm 1964. Riêng cuộc tấn công này đã thả xuống đất nước nhỏ bé nhiều bom hơn là toàn thể số bom dùng trong Đệ Nhị Thế Chiến.
Trong 5 năm tiếp theo, nhiều trăm ngàn người dân Việt Nam, đàn ông, đàn bà, trẻ con bị nghiền nát và thiêu sống bởi những phi hành đoàn của Không Quân Mỹ. Đất nước Việt Nam phải chịu đựng 22 tấn thuốc nổ cho mỗi 1.6 km vuông. Nghĩa là 660 kg chất nổ mạnh cho mỗi người, đàn ông, đàn bà và trẻ con.
Trong 13 năm chiến tranh ác ôn của Mỹ chống dân tộc Việt Nam, tổng cộng là 8 triệu tấn bom (bom Napalm và bom chùm) và chất độc khai quang màu Cam đã thả trên đất nước – và ít ra là 3 triệu người đã bị tàn sát.
Cùng với lò nướng thịt thổ dân Mỹ, lò nướng thịt người Việt Nam của Mỹ đã xếp Mỹ xuống đáy của địa ngục – cùng với những công ty nổi tiếng như Nazi của Đức, chính quyền Công Giáo Ustashi ở Croatia, quân lực Nhật Bản, quân lực Thổ Nhĩ Kỳ, những đoàn quân bạo dâm chiến thắng của Tây Ban Nha, những đoàn quân Mông Cổ, La Mã và những con quỷ diệt chủng như trên.
Trong khi đó thì những người Mỹ ái quốc, kỳ thị chủng tộc tiếp tục sống cái gọi là đời sống “bình thường”, hoàn toàn lãnh đạm với cuộc tàn sát đẫm máu được thi hành nhân danh họ, ăn nhậu trên những miếng thịt bò tái và xem TV, chơi “golf” và đi dự những “parties” trong khi những đứa trẻ Việt Nam bị thiêu sống trong làng mạc của chúng bởi những tên phi công trời đánh của chúng ta, và vô số phụ nữ thường dân Việt Nam bị hãm hiếp tàn bạo và toàn thể các gia đình bị bắn chết bằng súng liên thanh bởi những binh sĩ trời đánh của chúng ta.
Không chỉ những con quỷ Nazi Đức mới phạm tội diệt chủng. Chính quyền ác ôn và quân lực Mỹ của chúng ta cũng phạm tội diệt chủng. Hằng triệu người. Và tuyệt đại đa số nạn nhân là người dân thường không có ai bảo vệ. [Vậy mà có những người chống Cộng hải ngoại đòi đưa Cộng Sản ra Tòa Án Mỹ hay Quốc tế Xử Tội Phạm Chiến Tranh vì vụ Tết Mậu Thân ở Huế]
Hãy coi câu chuyện ở Mỹ Lai như là một thí dụ về người lính Mỹ anh hùng của chúng ta khi hành sự - tàn sát trẻ con và hãm hiếp con gái Việt Nam để làm cho thế giới yên ổn cho những công ty như Coca Cola và hãng dầu Standard.
Nhờ có sự kỳ thị chủng tộc kiêu căng, tự cho là công chính và không quan tâm của Mỹ mà người Việt Nam tiếp tục bị đau khổ. Năm 1985 người ta ước tính là một phần ba đất đai [Nam] Việt Nam bị nhiễm độc, vì Không Quân Mỹ đã dùng thuốc khai quang như Chất Độc Màu Cam. Điều này đã khiến cho Việt Nam nghèo nàn, đất đai bị ô nhiễm nặng và có đầy những trái bom chùm chưa nổ - và người dân bị khủng khoảng tâm lý. 30 năm chiến tranh diệt chủng được nối tiếp bởi gần 20 năm cấm vận của Mỹ. [Giáo sư Noam Chomsky cũng đã châm biếm, cho rằng Mỹ đã thắng một phần ở Việt Nam (A partial victory) vì đã thành công để lại cho Việt Nam một di sản tan hoang đất nước, khó có cơ hội phục hồi về xã hội và kinh tế… (Nhưng CS VN đã phục hồi được về xã hội và kinh tế, và còn tiến xa hơn trước)]
Trong những năm từ khi những binh sĩ Mỹ giết người, hãm hiếp, lực lượng SEALS [Sea, Air and Land Forces], của Thủy Quân bị đá ra khỏi Việt Nam một cách ô nhục, cái di sản ác ôn của Mỹ để lại vẫn tiếp tục có ảnh hưởng đến người dân. Chất độc Da Cam đã đưa đến nhiều vụ khuyết tật bẩm sinh trong những thế hệ người dân Việt Nam và nhiều trăm ngàn trường hợp chết về ung thư đã xẩy ra trong những người sống trong những vùng bị trải thuốc khai quang..
Những trái bom chùm chưa nổ đã tạo ra những bãi mìn không có họa đồ, làm cho mọi người sợ hãi không dám canh tác trong những cánh đồng có thể trồng trọt được và ruộng lúa. Những trái bom đó của Mỹ vẫn tiếp tục giết hại, làm chân tay tàn phế và bị tàn tật suốt đời cho nhiều ngàn trẻ con và người lớn Việt Nam.
“Thượng Nghị Sĩ Wayne Morse, (Đảng dân Chủ - Oregon), 1967: Theo sự phán xét của tôi, chúng ta sẽ trở thành kẻ có tội vì là sự đe dọa lớn nhất cho nền hòa bình thế giới. Đó là một sự thực xấu xa, và người Mỹ chúng ta không thích đối diện với nó. Tôi thật không muốn nghĩ rằng một trang sử của Mỹ sẽ được viết ra liên quan đến chính sách vô pháp của chúng ta ở Đông Nam Á.”
Nhưng tại sao Mỹ, với những tội ác rất nghiêm trọng phạm ở Việt Nam, lại không có cả một lời xin lỗi. Chúng ta có thể đọc những ý kiến sau đây của cựu Tổng Thống Bill Clinton trên Internet.
25 năm sau chiến tranh chấm dứt, khi được hỏi ông ta có nghĩ rằng Mỹ nợ Việt Nam một lời xin lỗi, ông Clinton đã trả lời, đơn giản là, “Không, tôi không nghĩ như vậy” [Tại sao?], Vì:
• Xin lỗi về những tội ác chống dân Việt Nam có nghĩa là thừa nhận những điều chúng ta nói với nhau về cách ứng xử của chúng ta trong thế giới – khi đó cũng như bây giờ - là điều nói láo.
• Xin lỗi là thừa nhận rằng trong khi chúng ta tuyên bố là bảo vệ dân chủ, chúng ta lại đi trật ra ngoài dân chủ. Trong khi chúng ta tuyên bố rằng chúng ta đang bảo vệ Nam Việt Nam, thì chúng ta lại tấn công người dân Nam Việt Nam.
• Chúng ta đã thả 6 triệu rưỡi tấn bom và 400 ngàn tấn Napalm trên dân tộc ở Đông Nam Á. Bỏ bom tràn trề những vùng dân sự, những chương trình chống khủng bố và ám sát chính trị, thường xuyên giết người dân thường và dùng gần 45 triệu lít chất độc da cam để phá hủy mùa màng và mầu mỡ đất đai – tất cả đều là một phần của cuộc chiến tranh khủng bố của Mỹ ở Việt Nam, cũng như ở Lào và Cambod.
[When asked if he thought the United States owed the people of Vietnam an apology, 25 years after the end of the war, Clinton said, simply, "No, I don't."
• [...] To apologize for crimes against the people of Vietnam would be to admit that the stories we tell ourselves about our conduct in the world -- then and now -- are a lie.
• […] To apologize would be to acknowledge that while we claimed to be defending democracy, we were derailing democracy. While we claimed to be defending South Vietnam, we were attacking the people of South Vietnam.
• [...] we dropped 6.5 million tons of bombs and 400,000 tons of napalm on the people of Southeast Asia. Saturation bombing of civilian areas, counterterrorism programs and political assassination, routine killings of civilians and 11.2 million gallons of Agent Orange to destroy crops and ground cover -- all were part of the U.S. terror war in Vietnam, as well as Laos and Cambodia.[/quote])]
Những tài liệu trên, cũng như hàng trăm tài liệu hiện hữu khác về chiến tranh Việt Nam của chính người Mỹ mà tác giả gồm các tướng lãnh, chính trị gia, giáo sư đại học v..v…, đã nói lên những sự thật về chiến tranh Việt Nam. Cuộc chiến đã chấm dứt cách đây hơn 34 năm rồi. Và ngày nay, dù những sự thật đó có mang lại nhiều cay đắng cho người Việt Quốc Gia chúng ta, với tất cả sự lương thiện trí thức, chúng ta phải chấp nhận chúng, vì đơn giản chúng chỉ là sự thật. Và từ đó, hi vọng mỗi người trong chúng ta, nếu còn nghĩ đến quê hương đất nước, sẽ tìm ra được một con đường hợp lý hơn để góp phần xây dựng đất nước. Nhưng có vẻ như một số người Việt ở hải ngoại, có đầu mà không có óc, vẫn dựa vào vài cái nghị quyết ruồi bu của Hạ Viện Mỹ, bám vào vài dân biểu cắc ké như Sanchez, Smith v..v.., những kẻ không biết ngượng trước những tội ác của chính quốc gia Mỹ của mình, để chống Cộng mà thực ra là chống quốc gia, theo kiểu Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống.
Như chúng ta đã biết, cuộc can thiệp của Mỹ, hay nói đúng hơn là cuộc xâm lăng của Mỹ, vào Việt Nam, đã gây nên một cuộc chiến tàn khốc trên khắp đất nước, phạm nhiều tội ác ở Việt Nam và di hại cho người dân Việt Nam không ít, thực chất là một sự sai lầm căn bản và phi luân. Một số nhỏ người Mỹ, và đa số người Việt thuộc chế độ cũ, vẫn cho rằng sự can thiệp của Mỹ bắt nguồn từ một ý định tốt. Nhưng tất cả những tài liệu mà chúng ta biết ngày nay, tài liệu của Ngũ Giác Đài cũng như của các bậc trí thức, các học giả, các bậc lãnh đạo tôn giáo có uy tín trên nước Mỹ đã chứng minh là điều này không thực. Ngay cả cựu bộ trưởng Quốc Phòng Robert McNamara cũng phải thừa nhận cuộc chiến Việt Nam là một sự sai lầm của Mỹ (một sự sai lầm cố ý, dựa trên bản chất đế quốc của Mỹ)..
Gần đến ngày 30 tháng Tư, ở hải ngoại chúng ta lại sắp sửa nghe những bài ca quen thuộc về những cái gọi là “CS cưỡng chiếm miền Nam” (sic), hay “ngày mất nước” (sic), hay “tháng Tư đen”, hay “ngày quốc hận” [sic] v.. v… phản ánh một sự hiểu biết rất sai lạc về cuộc chiến ở Việt Nam. Sự thật lịch sử là như thế nào? Không ai có thể phủ nhận ngày 30/4/1975 là một biến cố lịch sử có ảnh hưởng không ít không những chỉ trên khối người Việt lưu vong mà còn trên cả dân tộc Việt Nam. Và cũng không ai có thể phủ nhận ngày 30/4/75 là ngày Việt Nam lấy lại hoàn toàn nền độc lập và thống nhất của nước nhà sau gần một thế kỷ bị người Pháp đô hộ, và sau một cuộc chiến tranh bất đắc dĩ đầy bi thảm mà nguyên nhân chính là sự can thiệp dựa trên “cường quyền thắng công lý” của ngoại bang: sự liên kết giữa Vatican và Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về để chống Cộng, xóa bỏ hiệp định Genève trong đó có điều khoản qui định một cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, Đây cũng là những sự kiện lịch sử bất khả phủ bác. Nhưng hiển nhiên vì cảm tính cá nhân, không phải tất cả mọi người dân Việt đều có cùng một quan điểm về ngày 30/4/75.

Đến Lập Trường.
Từ những hiểu biết mới và sâu rộng hơn về lịch sử, về cuộc chiến ở Việt Nam, sự thay đổi quan niệm, suy tư của tôi là điều rất tự nhiên đối với con người, nó tỷ lệ thuận với trình độ hiểu biết. Với sự hiểu biết mới về cuộc chiến ở Việt Nam qua những tài liệu bất khả phủ bác trong những tác phẩm của giới học giả trí thức Âu Mỹ, nhiều tác phẩm thuộc loại phân tích nghiên cứu viết sau 1975, suy tư của tôi đã thay đổi và tôi không có cách nào còn có thể lên án cuộc chiến ở Việt Nam là do Cộng Sản theo lệnh của Nga, Tầu để bành trướng chủ nghĩa Cộng sản được. Tại sao? Vì có nhiều bằng chứng chứng tỏ ông Hồ là người có tinh thần quốc gia và mục tiêu duy nhất của ông ta là đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại chủ quyền cho Việt Nam. Chúng ta hãy đọc vài tài liệu của các trí thức Âu Mỹ, những người không liên hệ gì đến sự đối nghịch Quốc-Cộng và không có lý do gì để tự hạ uy tín của mình để đưa ra những khảo cứu không nghiêm túc trong giới khoa bảng. Nhất là những công cuộc khảo cứu này đều viết sau 1975 và sau ngay cả khi chủ nghĩa Cộng sản đã cáo chung vào năm 1989.

Trong tờ “Les Collections de L’Histoire”, số 23, Avril-Juin 2004, một tuyển tập về “Indochine Vietnam: Colonisation, Guerres et Communisme” có bài “Con Người Trở Thành Hồ Chí Minh” [L’Homme Qui Devint Ho Chi Minh] của Pierre Brocheux, Giáo sư Diễn Giảng Danh Dự tại Đại Học Denis-Diderot, Paris-VII. Chúng ta sẽ thấy trong đó có vài chi tiết chứng tỏ ngay cả Nga và Tàu cũng không tin tưởng ông Hồ Chí Minh là người Cộng Sản chính thống (orthodox communist). Giáo sư Brocheux viết, trang 33:
Đối với Quốc (Nguyễn Ái Quốc), chủ thuyết Mác Lênin đã đưa lên những phương tiện hành động, như là ông ta đã giảng giải nhiều năm sau: “Chúng ta phải hiểu rằng giật độc lập ra khỏi tay một cường quốc như Pháp là một nhiệm vụ rất khó khăn mà người ta không thể hoàn thành mà không có một sự ngoại viện, không cần thiết phải là một sự viện trợ vũ khí mà dưới dạng cố vấn và tiếp xúc. Chúng ta không lấy lại được độc lập bằng cách ném bom hay bằng những hành động tương tự. Đó là sự sai lầm của những nhà cách mạng lúc đầu đã phạm phải [Có lẽ ông Hồ muốn nói đến cuộc ám sát thất bại của Phạm Hồng Thái đối với Toàn Quyền Merlin]. Chúng ta lấy lại độc lập bằng sự tổ chức và tự khép mình vào kỷ luật. Chúng ta cũng còn cần đến một lòng tin, một phúc âm, một sự phân tích thực tiễn, có thể nói đến như là một thánh kinh. Chủ thuyết Mác-Lênin đã cung cấp cho tôi đường lối hành động này.” (Pour Quoc, le marxisme-léninisme offre des moyens d’action, comme il l’a expliqué des années plus tard: “Vous devez comprendre qu’arracher l’indépendance à une puissance comme la France est une tâche formidable qu’on ne peut accomplir sans une aide extérieure et pas nécessairement une aide en armes mais sous la forme de conseils et de contacts. On ne gagne pas l’indépendance en jetant des bombes et par des actes de ce type. Ce fut l’erreur que les premiers révolutinaires commirent. On gagne l’indépendance en s’organisant et en se diciplinant. On a aussi besoin d’une foi, d’un évangile, d’une analyse pratique, on peut même parler d’une bible. Le marxisme-léninisme m’a fourni cette panoplie.)
Thực ra thì có lẽ ông Hồ muốn nói đến Những Luận Đề Về Những Vấn Đề Quốc Gia Và Thuộc Địa (Theses on The National and The Colonial Questions) của Lê-nin đưa lên trong Đại Hội II Cộng Sản Quốc Tế (Second Congress of the Communist International) vào năm 1920 để nghị thảo mà ông biết đến trong Đệ Tam Quốc tế. Chúng ta đã biết, chính ông Hồ Chí Minh đã thành thực công nhận là mới đầu ông không hiểu hết những từ và ý tưởng chính trị khó khăn trong bản văn trên, nhưng rồi đọc đi đọc lại ông mới thấm và hiểu rõ, và ý thức được là những đề án này đã giúp cho ông ta thấy con đường thích hợp nhất để cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách thuộc địa, thực dân. Và ông Hồ đã thành công.
Chúng ta hãy đọc tiếp vài đoạn khác của Giáo sư Brocheux. Trước hết là một tài liệu trích dẫn từ một tài liệu trong văn khố của Nga Sô, mới được sử gia Alain Ruscio phổ biến năm 1990, trang 34-36:
“Năm 1934, Ông Hồ trở lại Moscou. Stalin đã củng cố quyền lực, và những cuộc thanh trừng lớn bắt đầu năm 1937. Có vẻ như con người Hồ Chí Minh tương lai là nạn nhân, vì từ ngày trở lại Moscou, ông ta không được tin cậy để giao phó cho một trách nhiệm nào. Không còn nghi ngờ gì nữa người ta đã trách cứ là ông ta ngả về tinh thần quốc gia trong cuộc chiến đấu chống thực dân thay vì tinh thần cách mạng vô sản quốc tế.” (En 1934, il est de retour à Moscou. Staline raffermit son pouvoir, les grandes purges vont débuter en 1937. Il apparait avec certitude que le futur Ho Chi Minh faillit en être victime car, depuis son retour, il ne s’est vu confier aucune responsabilité. Sans doute lui reproche-t’on de préférer le nationalisme qui sous-tend le combat anti-colonial à l’internationalisme de la révolution prolatérienne.)
“Về vấn đề này, ông Hồ đã bày tỏ quan điểm của mình từ năm 1924. Được huấn luyện về cách mạng và chủ thuyết Marx bởi Tây phương, tuy nhiên Quốc đã nhìn theo đặc tính Á Đông: “Cuộc đấu tranh giai cấp ở Đông phương không giống như ở Tây phương. Marx đã xây dựng lý thuyết của mình trên một căn bản triết lý nào đó của lịch sử. Nhưng là lịch sử nào? Đó là lịch sử Âu Châu. Nhưng Âu Châu là gì? Không phải là tất cả nhân loại.” (À ce sujet, il a expliqué son point de vue dès 1924… Éduqué par l’Occident à la révolution et au marxisme, Quoc est pourtant persuadé, de la spécifícité de l’Orient: “La lutte de classes ne se manifeste pas en Indochine comme en Occident.” ; Marx a bâti sa doctrine sur une certaine philosophie de l’histoire. Mais quelle histoire? Celle de l’Europe. Mais qu’est ce que l’Europe? Ce n’est pas toute l’humanité).
“Hồ Chí Minh có thực sự là mgười Mác-xít không? Hay ông ta chỉ là người Quốc Gia sau lớp sơn đỏ? như một thành viên Cộng Sản Quốc Tế, ông M. N. Roy, người Ấn Độ, đã nói. Vấn đề này đáng được đặt ra.. Nếu chắc chắn là ông ta đã đọc bản Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản, nếu đã nhiều lần ông ta nói là chịu ảnh hưởng trí thức và chính trị của Lê-nin, thì sự gắn bó của ông với chủ nghĩa Mác không bao giờ có tính cách giáo điều.“ (Ho Chi Minh était-il vraiment marxiste? Ou n’était-il qu’un “nationaliste peint en rouge”, comme l’a dit un membre du Komintern, l’Indien M.N. Roy? La question mérite d’être posée… S’il a certainement lu le Manifeste du Parti Communiste, s’il dit maintes reprises sa dette intellectuelle et politique envers Lénine, son adhésion au Marxisme ne fut, pour autant, jamais dogmatique.)
“Không có gì minh họa rõ hơn sự tương phản giữa Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo cộng sản là những trao đổi quan niệm của Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ với ông Hồ Chí Minh vào năm 1960. Ông Hồ đã tuyên bố rằng ngay cả việc giết kẻ thù cũng không được đạo đức; Mao đã trả lời ông ta: “Tưởng Giới Thạch giết, tôi giết, đó không phải là một vấn đề đạo đức. Và Lưu Thiếu Kỳ thêm vào là viện đến đạo đức khi ta phải đối phó với những tên tư bản chống cách mạng là không thích đáng .” (Rien n’illustre mieux le contraste entre Ho Chi Minh et d’autres dirigeants communistes que les propos que Mao Zedong et Liu Shaoqi tinrent à Ho Chi Minh en 1960. Ho avait déclaré qu’il n’était pas moral de tuer même ses adversaires; Mao lui répliqua: “Chiang Kaishek tue, je tue, ce n’est pas une question de morale.” Et Liu Shaoqi de renchérir qu’il n’était pas pertinent d’invoquer la morale lorsqu’on avait affaire aux contre-révolutionnaires capitalistes.)
Ngoài ra, trong cuốn “The Vietnam War Almanac, General Editor: John S. Bowman, Barnes & Noble Books, NY, 2005”, trang 493, cũng có viết:
“Ông Hồ ít quan tâm đến những chi tiết tế nhị của chủ thuyết CS, không như Mao và Lê-nin; thiên tài của ông ta là về hành động chính trị, và lý tưởng của ông ta có thể khá co dãn chừng nào mà nó đưa tới mục đích đã ám ảnh ông ta: nền độc lập và thống nhất của Việt Nam.” (Ho was less concerned with niceties of doctrine than Mao and Lenin; his genius was for political action, and his ideology was capable of considerable stretching as long as it tended toward the purpose that obsessed him: the independence and unification of Vietnam.)
Trong cuốn Cracks In The Empire, South End Press, Boston, 1981, Paul Joseph, Giáo sư xã hội học, đại học Tufts, viết, trang 83:
“Dù rằng thiếu bằng chứng, Washington tiếp tục cho rằng cuộc đấu tranh chống Pháp (ở Việt Nam) là do sự hứng khởi và chỉ đạo từ Liên Bang Sô Viết. Thí dụ, trong bức công điện gửi cho Thủ Tướng (Pháp) Ramadier, đại sứ Mỹ vẫn sai lầm cho rằng Việt Minh là một phong trào mà “triết lý và tổ chức chính trị đều phát khởi từ và bị kiểm soát bởi điện Kremlin. Tuy vậy, tình báo Mỹ đã cố gắng, và thất bại, để kiếm ra bằng chứng là có mối liên hệ kiểm soát giữa Moscou và Hồ Chí Minh. Một công điện của Bộ ngoại giao gửi cho đại sứ Mỹ ở Trung Quốc viết “Bộ không có bằng chứng nào về sự nối kết trực tiếp giữa ông Hồ và Moscou nhưng cứ cho rằng có.”
(Despite a lack of evidence,Washington continued to perceive the anti-French struggle (in Vietnam) as something inspired and directed from the Soviet Union. For example, in the cable to Premier Ramadier cited above, the American embassador falsely maintained that the Vietminh was a movement whose “philosophy and political organization emanated from and was controlled by the Kremlin.” Yet American intelligence had tried, and failed, to substantiate the existence of controlling ties between Moscou and Ho Chi Minh. A State Department cable to the US Ambassador in China read “the Department has no evidence of a direct link between Ho and Moscou but assumes it exists…)
Và Marilyn B. Young, trong cuốn The Vietnam Wars: 1945-1990, HarperPerennial, New York, 1991, viết, trang 4:
“Trong vài năm tới, những văn bản Hồ Chí Minh viết bị tố cáo vì những “mùi hôi quốc gia” trong đó, và sự ủng hộ của ông Hồ về một liên minh rộng rãi bao gồm cả các địa chủ cỡ nhỏ và trung bình, miễn là họ yêu nước, bị đả kích là kẻ xét lại và là kẻ hợp tác (với kẻ thù). Phải mười năm sau sự tranh luận đắng cay về mối liên hệ giữa cách mạng quốc gia và cách mạng xã hội mới được giải quyết, theo đường lối lúc đầu đưa ra bởi ông Hồ, sự thành lập Việt Minh (Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội.”
(Over the next few years, Ho Chi Minh’s writings were denounced for their “nationalist stench”, and his support for a broad alliance that could include even small and medium landowners, provided they were patriotic, was attacked as reformist and collaborationist. A decade would pass before this bitter debate on the relationship between national and social revolution was resolved, along the lines initially by Ho, in the formation of the Viet Minh.)
Đó là đại khái những gì mà chúng ta biết về ông Hồ qua những nghiên cứu của một số học giả Âu Mỹ. Chắc chắn là những người này có bằng cấp, địa vị, uy tín và hiểu biết trong giới khoa bảng Âu Mỹ, và địa vị của họ không cho phép họ viết bậy bạ, xuyên tạc sự thật. Vậy không hiểu là tôi nên tin vào khả năng chuyên môn của họ hay nên tin vào những kẻ chống Cộng vô tên tuổi như Minh Võ, Nhữ Văn Úy, Chu Tất Tiến v..v.. và tập đoàn những người “duy chống Cộng thị nghiệp” nhưng chẳng có mấy đầu óc và hiểu biết, chuyên dựng đứng những chuyện bịa đặt về lịch sử và cá nhân theo cảm tính cá nhân, và dùng những danh từ rất hạ cấp để mạ lị cá nhân trong những bài viết chẳng có mấy giá trị của mình, điều mà những người trí thức và hiểu biết không ai đi làm như vậy cả.
Chúng ta không nên quên là giữa Nga và Tàu đã có cuộc tranh chấp ở biên giới Nga-Hoa. Chúng ta cũng không nên quên là Việt Nam đã dẹp chế độ Cộng sản cực đoan của Pol Pot ở bên Cambod và đã kháng chiến chống Tàu năm 1979 ở biên giới phía Bắc. Những người Công giáo cuồng tín ở hải ngoại thường đưa ra luận điệu ngụy tạo cho rằng ông Hồ là tay sai, theo lệnh Nga Tàu để gây chiến ở Việt Nam. Nhưng những tài liệu trích dẫn ở trên đã chứng tỏ ngược lại. Họ quên rằng chính Công giáo mới là tổ chức tuyệt đối theo lệnh ngoại bang. Khi xưa Công giáo đã làm tay sai và lập công lớn với Pháp để đưa nước nhà vào vòng đô hộ của thực dân Pháp. Và gần đây, trong vụ Tòa Khâm Sứ, ông TGM “Ngô Quang Kiệt nhục nhã” đã líu ríu nghe lệnh của Hồng Y Bertone ở Vatican, cuốn gói cờ quạt, thánh giá, tượng Maria trở về nhà thờ, chấm dứt cuộc làm loạn bất chấp luật pháp quốc gia. Đây mới là sự nhục nhã thực sự của ông Ngô Quang Kiệt và con chiên, chứ không phải là sự nhục nhã mang hộ chiếu Việt Nam.
Tôi cũng không thể nào chấp nhận luận điệu cho rằng Cộng sản đã gây chiến ở Việt Nam, tiền Geneva hay hậu Geneva, những luận điệu phản ánh những cái đầu mà không có óc, hay của những con bò mộng Tây Ban Nha, chỉ thấy màu đỏ là húc càn. Làm sao có thể cho là Cộng sản gây chiến khi mà hai cuộc chiến ở Việt Nam đều có nguyên nhân là sự ngoại xâm của của thực dân Pháp và của đế quốc Mỹ mà những tài liệu của chính người Mỹ, người Pháp đã viết lên rất rõ ràng như tôi đã trích dẫn ở phần trên. Mặt khác, nghiên cứu kỹ về cuộc chiến ở Việt Nam tôi cảm thấy kéo dài chống Cộng với tâm cảnh Quốc-Cộng khi xưa là điều hết sức vô lý, và sự thù hận Cộng sản là sự thù hận một chiều và có nhiều phần phi lý. Nói như vậy không có nghĩa là tôi ủng hộ tình trạng tham nhũng, nền giáo dục xuống cấp, cơn sốt kinh tế, đặt tiền tài vật chất lên trên hết, kéo theo nhiều tệ đoan trong xã hội hiện nay ở Việt Nam. Những vấn nạn xã hội này cần phải giải quyết với sự đóng góp của toàn dân, với thiện chí và thức tỉnh trong tinh thần phục vụ người dân của chính quyền.
Đối với một thiểu số, phần lớn thuộc thế lực đen, những người như Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ thì ngày 30/4/75 là ngày “Quốc hận” trong khi từ chính xác nhất phải là ngày “Công giáo hận.” Tại sao? Vì Công Giáo đã mất đi quyền tự tung tự tác như dưới thời Diệm, Thiệu, và quyền làm Việt gian như trong quá khứ. Lẽ dĩ nhiên “Quốc” và “Công giáo” là hai từ hoàn toàn khác nhau, nếu không muốn nói là bất khả tương hợp nếu xét trên những sự kiện lịch sử từ ngày các thừa sai Công giáo đầu tiên đặt chân trên đất Việt và qua cuộc xâm lăng và đô hộ của thực dân Pháp cho đến các chính quyền Diệm, Thiệu, nhất là Diệm.. “Quốc” của Công giáo là ở trên trời, nơi Giê-su “ngồi lên trên” tay phải của Cha ông ta (sit on the right hand of God), nhưng thực ra là Vatican. Những người không có mấy đầu óc thường lấy cái hận của mình hay của tôn giáo mình làm cái hận của cả một quốc gia, không buồn để ý là nói như vậy chỉ tỏ rõ trình độ thấp kém của mình. Bày tỏ ý kiến cá nhân là quyền căn bản của con người, miễn là những ý kiến bày tỏ không thuộc loại khích động sự thù hận mà nước Mỹ quy vào một loại tội ác “hate crime”, nhưng không ai có quyền lấy ý kiến của mình làm ý kiến của cả cộng đồng, của cả dân tộc. Cho nên từ “Quốc hận” là một từ của những kẻ vô trí cưỡng đặt trên cả một quốc gia mối hận của những cá nhân hay tôn giáo họ.
Đối với một thiểu số khác thì ngày 30/4/1975 là ngày mà họ không ngớt lời lên án “Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam” làm như “miền Nam” là một nước của riêng những người sống ở miền Nam, mà không cần để ý đến miền Nam cũng là một phần đất của nước Việt Nam. Họ cũng quên đi tất cả những nguyên nhân, yếu tố nào đã đưa đến sự hình thành một miền Nam mà thực chất không nằm trong tay người miền Nam, nói khác đi, một miền Nam không có căn cước của một quốc gia độc lập, có đầy đủ chủ quyền..., vì hoàn toàn lệ thuộc Mỹ và bất lực, không hề có phản ứng trước những chính sách và hành động tàn bạo của người Mỹ đối với người dân miền Nam của mình nói riêng, người dân Việt Nam trên toàn quốc nói chung, như những tài liệu nêu trên của chính người Mỹ đã viết rõ. Nhưng tại sao Việt Cộng có thể “cưỡng chiếm” được miền Nam, nếu đồng minh không quá chán chê với cái miền Nam nên đành “tháo chạy”, nếu quân dân miền Nam không chán chường vì chiến tranh với tâm cảnh “cũng thế thôi” [Xin đọc bài “Đầu Hàng” của Vân Xưa, alias Hồ Sĩ Khuê].
Điều hiển nhiên là những quan điểm như “mất nước”, “Quốc hận”, “Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam” chỉ là những quan điểm cá nhân của một thiểu số được đưa lên những diễn đàn truyền thông hải ngoại làm như đó là những quan điểm của cả cộng đồng người Việt di cư gồm hơn 2 triệu người. Chỉ có điều những quan điểm như vậy phản ánh một trình độ rất thấp kém, vì không hiểu ngay cả những từ đơn giản như thế nào là “nước”, là “Quốc”, và “cưỡng chiếm”. Những quan điểm cá nhân thiển cận này thường chỉ là những “thùng rỗng kêu to”, hoàn toàn vô nghĩa và vô giá trị trước những quyền lợi lớn lao của cả toàn dân tộc.
Và bây giờ tôi xin sang đến phần bày tỏ quan niệm cá nhân của tôi. Chỉ có một điều khác biệt, quan niệm của tôi không dựa trên cảm tính cá nhân mà dựa trên trên lịch sử dân tộc Việt Nam, trên những mặt tích cực của đất nước.
Lẽ dĩ nhiên, từ những hiểu biết mới, quan niệm của tôi về ngày 30 tháng Tư năm 1975, cũng thay đổi. Nó không còn là “ngày mất nước”. Nước vẫn còn đó và càng ngày càng phát triển; nó không còn là “tháng tư đen” mà là tháng tư đánh dấu thêm một trang oai hùng trong chiều dài lịch sử chống xâm lăng của Việt Nam. Nó cũng không còn là ngày “quốc hận”, một từ mà người Công giáo dùng để thay cho “Công giáo hận”. Tại sao?

Chẳng có ai phủ nhận là CS Việt Nam trong quá khứ đã có những sai lầm về chính sách, về những biện pháp độc tài khắc nghiệt không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Chính sách Cải Cách Ruộng Đất không sai nhưng khi thi hành đã vấp phải những sai lầm không kiểm soát được. Điều đáng nói là chính quyền đã thẳng thắn công nhận sự sai lầm trước quốc dân và có những hành động đền bù. Tết Mậu Thân xẩy ra trong cuộc chiến và sự tàn bạo không chỉ ở một phía. Ngày nay có nhiều tài liệu có thể làm sáng tỏ phần nào về vụ Tết Mậu Thân ở Huế. [Xin đọc một số tài liệu về Tết Mậu Thân trên dongduongthoibao.net hoặc nhandanvietnam.org] Nói như vậy không có nghĩa là bênh vực hay biện hộ cho những hành động của CS trong các vụ trên là chính đáng, nhưng chúng ta khi viết về những biến cố trên không thể chỉ đưa ra luận điệu một chiều, nhiều khi chỉ có mục đích tuyên truyền qua những con số ngụy tạo, phóng đại của một phía mà phải có những nhận định tổng hợp từ mọi phía. Nhưng dù sao thì đa số người dân Việt Nam, Quốc cũng như Cộng, cũng không thể phủ nhận được những đóng góp to lớn của CSVN cho đất nước. To lớn như thế nào, điều này đã được David G. Marr viết trong Phần Dẫn Nhập của cuốn “Vietnamese Tradition On Trial 1920-1945”, trang 1. David G. Marr là Giáo sư nghiên cứu về Thái Bình Dương ở Đại Học Quốc Gia Úc.

Năm 1938, ít nhất là 18 triệu người Việt nằm trong vòng kiềm tỏa của chỉ có 27000 binh lính thuộc địa. Tuy vậy mà chỉ 16 năm sau, lực lượng thuộc địa tới 450,000 quân mà không thể tránh khỏi cuộc thảm bại về chiến thuật ở Điện Biên Phủ và bắt buộc phải di tản chiến lược xuống miền Nam vĩ tuyến 17. Sau cùng, trong những năm 1965-1975, nhiều tổ hợp của Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa, Nam Hàn, và các lực lượng quân sự đồng minh khác, tổng số lên tới 1.2 triệu người cũng bị thảm bại, và cuối cùng cũng bị đánh bại bởi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.
(In 1938 at least eighteen million Vietnamese were being kept in check by a mere 27,000 colonial troops. Yet a scant sixteen years later, colonial forces totalling 450,000 were unable to avoid tactical disaster at Dien Bien Phu and compulsory strategic evacuation south of the seventeenth parallel. Finally, in the years 1965-1975, various combinations of American, Republic of Vietnam, South Korean, and other allied armed forces totalling up to 1.2 million men were outfoxed, stalemated, and eventually vanquished by the National Liberation Front and the People’s Army of Vietnam.)

Đó có phải là một đóng góp to lớn cho dân tộc Việt Nam hay không bất kể là sau đó, CS đã suy thoái về lý tưởng ban đầu: giải phóng dân tộc, gồm có giải phóng đất nước và giải phóng người dân. Nếu chúng ta lại biết rằng, ngày 22-12-1944, ông Võ Nguyên Giáp mới bắt thành lập một Trung đội 34 người, và từ đội quân nhỏ nhoi này đã phát triển thành Quân Đội Nhân Dân Việt Nam trong vòng chưa đầy 10 năm để đưa đến thành tích chiến thắng ở Điện Biên Phủ, và sau đó với thành tích chiến thắng một đối phương có ưu thế tuyệt đối về quân sự và kinh tế, để đi đến thống nhất đất nước, thì đó có phải là điều đáng để cho chúng ta suy nghĩ và nhìn CS Việt Nam ngoài cái lăng kính nhỏ hẹp của hội chứng Quốc – Cộng không? Có bao giờ chúng ta đặt một câu hỏi cho chính chúng ta, những người quốc gia, là nếu những điều chúng ta viết ở hải ngoại trong những chiến dịch “tố Cộng” là đúng, thì làm sao CS có thể thắng trong cả hai cuộc chiến? Lẽ dĩ nhiên những thành tích trên là của toàn dân, nhưng nếu không có sự tổ chức và lãnh đạo của những người CS VN thì làm sao tự thân nhân dân có thể đạt được những thành tích như vậy.

Chúng ta nên nhớ là từ ngày Pháp lập nền đô hộ ở Việt Nam với công lớn của người Công giáo Việt Nam, đã có nhiều nhà ái quốc và tổ chức chính trị nổi lên để chống Pháp. Nhưng chỉ có Việt Minh là thành công. Những người chống Cộng đã đưa ra nhiều lý do nhưng chẳng có lý do nào có giá trị lịch sử, tất cả chỉ là những cảm tính cá nhân và cuồng tín tôn giáo. Tại sao chúng ta không thể đặt lên cán cân những sai lầm đáng tiếc của CS đối lại với những gì CS đã cống hiến cho đất nước Việt Nam? Có một số người khùng đến độ gọi Cộng Sản Việt Nam là “Việt Gian” và gọi những người ở hải ngoại mà họ cho là “thân Cộng” chỉ vì không hợp ý họ cũng là Việt gian. Cộng sản hay không, một lực lượng đã thành công đánh đuổi được thực dân, mang lại độc lập và thống nhất cho đất nước mà là “Việt Gian”, vậy thì tổ chức tôn giáo của những người Việt hoàn toàn lệ thuộc ngoại bang, đi làm tay sai cho thực dân Pháp để đưa nước nhà vào vòng nô lệ thì gọi là gì ? Là những người “yêu nước” hay sao? Điều đáng nói là trên một số diễn đàn truyền thông chống Cộng ở hải ngoại không thiếu gì những người khùng như vậy, và những người này phần lớn lại nằm trong một tập đoàn Việt gian như lịch sử đã ghi.

Với những sự hiểu biết mới và suy tư như trên, sau đây là những nhận định mới của tôi về ngày 30 tháng Tư.

Ngày 30/4/1975 không chỉ có nghĩa là ngày đất nước thống nhất, chủ quyền trở lại tay người Việt Nam, mà còn là ngày người dân Việt Nam, trừ những kẻ có tâm cảnh phi dân tộc hay tiếp tục nuôi dưỡng thù hận, bất kể thuộc chính kiến hay phe phái nào, đều có thể hãnh diện ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt kẻ đối thoại, bất kể là họ thuộc lớp người nào, ở địa vị nào, thuộc quốc gia nào. Tại sao, vì đó là ngày đánh dấu thêm một trang sử chống xâm lăng oai hùng của nhân dân Việt Nam. Tôi ở phe thua trận, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng như ngày 30/4/1975, đã mang đến cho tôi một niềm hãnh diện được làm một người Việt Nam, một người Việt Nam không Quốc Gia không Cộng Sản, không Nam không Bắc, một người Việt Nam không từ bỏ gốc gác tổ tiên, không từ bỏ lịch sử khi vinh khi nhục của quốc gia, và lẽ dĩ nhiên rất hãnh diện với lịch sử chống xâm lăng của dân tộc.

Ngày 30/4/1975 cũng là ngày hòa bình đã đến đất nước Việt Nam, không còn chiến tranh bom đạn chết chóc phi lý và một thế hệ mới đã có thể bắt tay vào việc xây dựng đất nước. Bất kể những hô hào chống đối của một thế lực đã nổi tiếng là phi dân tộc cũng như của một số người đã sống với những “hào quang” của quá khứ ở miền Nam, tình người Việt Nam đã tỏ rõ trong sự kiện hàng năm có nhiều trăm ngàn người Việt tha hương về thăm quê hương. Nhiều chuyên gia trong giới trẻ cũng đã góp phần xây dựng đất nước qua những kiến thức chuyên môn của mình, và không ai có thể phủ nhận là đất nước càng ngày càng phát triển, vượt xa chế độ miền Nam trước đây về đủ mọi mặt, kể cả về phương diện tự do và dân chủ tuy rằng còn có ít nhiều giới hạn để đối phó với những người lợi dụng tôn giáo hay dựa thế ngoại bang trong mưu toan làm loạn quốc gia, và đối phó với một số chính trị gia ấu trĩ vọng ngoại.
Ngày 30/4/1975 mở đầu cho một cuộc di dân vĩ đại chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Hơn hai triệu người, đi chính thức cũng như vượt biên, hiện đang sống ở nước ngoài. Ở ngoại quốc, người Việt Nam nổi tiếng là cần cù, chịu khó, con em học hành rất thành đạt và có thể nói là vượt trội nhiều sắc dân khác đã định cư ở hải ngoại lâu đời. Điều này không có nghĩa là con em Việt Nam ở ngoại quốc giỏi hơn hay thông minh hơn con em người dân ỡ trong nước. Và trong cộng đồng người Việt hải ngoại không phải là không có những băng đảng cướp của, giết người, tống tiền v..v.., hậu quả của sự đua đòi vật chất nhưng lại không có khả năng chuyên môn để kiếm sống; những sự gian lận của một số trí thức vô liêm sỉ trong các giới bác sĩ, luật sư; những hành động phi dân chủ, tự do nhân danh chính dân chủ và tự do của một số người thuộc loại chống Cộng chết bỏ, trong số này có cả một số tu sĩ Công giáo cũng như Phật Giáo, những kẻ đầu cơ chính trị v..v.. Ở đâu cũng vậy, đồng tiền và hư danh đã làm cho con người không còn lương tri, không còn liêm sỉ, không còn đạo đức, chỉ vơ vào bản thân bằng bất cứ phương tiện nào.

Riêng đối với cá nhân tôi, ngày 30/4/1975 là ngày tôi quyết định ly hương trước đó mấy ngày và cho đến bây giờ tôi vẫn không hối tiếc gì về quyết định này. Không được sống trên quê hương đất tổ, nhưng cả thế giới đã mở ra trước mắt tôi. Không gian như thu hẹp lại, và tôi có thể đi khắp thế giới, đến bất cứ nơi nào tôi muốn, để mở rộng tầm mắt. Thật vậy, nhờ “hồng ân thiên chúa” nên tôi đã có dịp đi tham quan, ngoài gần khắp nước Mỹ, khá nhiều nơi trên thế giới: Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Tây Âu, Đông Âu, Bắc Âu, Hi Lạp v..v… Vì sau ngày 30 tháng Tư 75 nước vẫn còn đó, không có mất đi đâu, nên ngày nay, tôi muốn về thăm quê hương khi nào cũng được. Và tôi đã thực hiện ba chuyến về thăm quê hương trong các năm 1996, 1998 và 2007. Tôi cũng còn dự định về xem lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vào năm tới, 2010.
Kể từ ngày tôi “tự cưỡng bách di tản” khỏi Saigon vào mấy ngày cuối tháng 4 năm 1975, nay đã hơn 34 năm sống trên đất Mỹ. Cuộc chiến Việt Nam đã đưa đẩy nhiều người đến những số phận không ai muốn (trừ những người “tị nạn” nhưng thật ra vì lý do kinh tế). Nhưng dù muốn hay không, với bản năng sinh tồn, con người vẫn phải tiếp tục sống. Đối với những mất mát về tinh thần và vật chất khi phải xa quê hương, nói rằng không có sự luyến tiếc chỉ là tự dối lòng. Nhưng điều bù đắp hơn hết là tôi có cơ hội đọc rất nhiều sách về chiến tranh Việt Nam, về Ki Tô Giáo cũng như về Phật Giáo. Điều này đã khiến tư duy của tôi thay đổi trên nhiều phương diện. Đối với tôi, sự mất mát trong một giai đoạn đã được đền bù bằng những món ăn tinh thần mà trước đây tôi không bao giờ nghĩ tới. Từ 1975, định cư ở Mỹ, tôi mới có cơ hội và phương tiện để tìm hiểu về Phật Giáo. Tôi cho đó là một hồng phúc của tổ tiên để lại. Ngoài ra, tôi cũng còn có cơ hội để tìm hiểu thực chất về các tôn giáo khác, đặc biệt là về Ki Tô Giáo nói chung, Công giáo Rô Ma (Roman Catholicism) nói riêng, cũng như về lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam mà tôi tin rằng nếu ở lại Việt Nam tôi không thể nào có phương tiện và cơ hội để có được những sự hiểu biết này. Qua những kiến thức mới thu thập được này, tôi đã từ một người “Quốc gia” trở thành một người “của Quốc Gia”, Quốc gia Việt Nam.
Về chiến tranh Việt Nam, chúng ta đã thua, và một thiểu số muốn tiếp tục cuộc thánh chiến chống Cộng ở hải ngoại, chống Cộng vì những mất mát cá nhân về quyền thế, về tôn giáo, hay tài sản, hay người thân v..v.., nói chung, với lý do chúng ta là “nạn nhân của Cộng Sản”. Nhưng trong chúng ta, có ai đặt câu hỏi: “Thế nạn nhân của Mỹ và của phía Quốc Gia thì sao?” Ai có can đảm trả lời trung thực câu hỏi này. Nên nhớ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã giết khoảng 300,000 người vô tội trong chính sách “tố Cộng”, cộng với những thảm bom trải từ B52, vùng oanh kích tự do, Bến Tre, chiến dịch Phụng Hoàng, Agent Orange, Mỹ Lai v..v.. Và sự thật là, trong cuộc chiến, số người chết, bị thương của miền Bắc gấp mấy lần của miền Nam. Khoan nói đến những sự tàn khốc của chiến tranh, những người chết và thân nhân gia đình họ ở phía bên kia có phải là người không, và những người còn sống có đau khổ trước những sự mất mát to lớn đã đến với họ không? Họ có quyền thù hận chúng ta không?
Vậy nếu họ cũng kéo dài thù hận như chúng ta, thì sự thù hận này bao giờ mới chấm dứt, oan oan tương báo. Nhưng trên thực tế, chúng ta chỉ thấy những thái độ thù hận một chiều, đúng ra là ngược chiều, từ phía những người quốc gia ở hải ngoại. Có vẻ như những người đi buôn thù hận này nghĩ rằng, những người bên phía CS không phải là người, không có cha mẹ, vợ chồng con cái, bạn bè thân thuộc v..v.. nên những mất mát tổn thất của họ không đáng kể, chỉ có những tổn thất của phía chúng ta mới đáng để thù hận. Những người chống Cộng chỉ đưa ra những luận điệu một chiều để chứng minh chỉ có CS là ác, còn QG hay Mỹ thì không. Họ cố tình lờ đi và không bao giờ nhắc đến những hành động đối với dân, với kẻ thù, của người lính Quốc Gia cũng như của người lính Mỹ mà CS cũng phải chào thua, như những tài liệu của chính người Mỹ như đã trình bày ở trên. Nhưng cũng may là sự thù hận này phần lớn chỉ có một chiều, tập trung trong một thiểu số ở hải ngoại mà đa số trong đó thuộc thế lực đen, một thế lực đã nổi tiếng trong dân gian, mà lịch sử đã ghi rõ, là “mất gốc”, là “tay sai ngoại bang” và “hễ đã phi dân tộc thì thể nào cũng phản dân tộc”, đang nắm những phương tiện truyền thông ở hải ngoại.
Ngày nay, thế giới Tây phương và tay sai tập trung vào chiến dịch hướng dẫn dư luận, thật ra là lạc dẫn [mislead] dư luận qua những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, thổi phồng tội ác của Cộng Sản, nhằm mục đích xóa tên Cộng sản trên chính trường thế giới để chạy tội cho chính mình. Sách lược chung của họ là chỉ đưa ra, và thường là thổi phồng, xuyên tạc mặt xấu của Cộng Sản mà không bao giờ nói đến cái lịch sử ô nhục của Tây phương về tôn giáo, về thực dân, cũng như không bao giờ nói đến những thành quả của Cộng Sản trên thế giới, kể cả ở Âu Châu. Riêng về Việt Nam, những người chống Cộng cực đoan hay chống Cộng cho Chúa thường quên đi hay xuyên tạc, hạ thấp những chiến công lừng lẫy của Cộng Sản trong công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp, cất bỏ được ách đô hộ của thực dân trên toàn thể dân tộc, và là tiền phong trong những cuộc cách mạng chống thực dân trên thế giới, và sau cùng thống nhất đất nước. Họ chỉ quan tâm đến vài con số ngụy tạo trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất ở Việt Nam. Trong cuộc chiến với Mỹ ở miền Nam, họ chỉ nhắc đến Tết Mậu Thân theo luận điệu tuyên truyền của Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ, mà quên đi bom đạn Mỹ và VNCH đã tàn phá Huế và Bến Tre như thế nào, đã làm bao nhiêu thường dân vô tội chết. Một tài liệu cho biết, cho tới cuối năm 1966, theo ước tính của CIA thì bom của Mỹ thả ở ngoài Bắc đã làm chết trên 35,000 người mà 80% là thường dân [Ronald H. Specter, After Tet, The Free Press, New York, 1993, p. 12: The bombing’s economic and military damage to North Vietnam was estimated by the CIA at about $130 million by the end of 1966, and more than 35000 North Vietnamese, 80 percent of them civilians, had been killed]. Họ cũng không bao giờ nhắc đến Mỹ Lai, chiến dịch Phụng Hoàng, vùng oanh kích tự do, thuốc khai quang, và những chính sách tàn bạo gấp bội, giết nhiều người gấp bội của Mỹ và tay sai, nhất là của chính quyền tôn giáo trị, gia đình trị của Ngô Đình Diệm với chính sách “tố Cộng” bừa bãi, với đoàn mật vụ miền Trung, với khu 9 hầm của Ngô Đình Cẩn v.v... Nhưng tài liệu về cuộc chiến ở Việt Nam ngày nay không thiếu, cho nên những luận điệu “tố Cộng” một chiều theo thiên kiến không còn giá trị thuyết phục, ít ra là đối với lớp người có đôi chút hiểu biết về lịch sử.
Có một điều khó ai có thể phủ nhận là cuộc cách mạng 1789 của Pháp, và sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản trong thế kỷ 20, đã phần nào làm sụp đổ ý thức hệ và quyền lực của Công giáo Rô-ma Âu Châu, hậu quả là tình trạng suy thoái thê thảm của Ki Tô Giáo ở Âu Châu ngày nay. Có thể nói, chủ nghĩa Cộng Sản là một toa thuốc đã thành công chữa vài căn bệnh thời đại đã giáng lên đầu nhân loại: bệnh nghiện thuốc phiện Thiên Chúa của Âu Châu mà người dân Âu Châu ngày nay đã cai từ từ, bệnh tư bản bóc lột giai cấp vô sản của cuộc cách mạng kỹ nghệ mà các xí nghiệp đã phải cho tổ chức những nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của công nhân, và bệnh thực dân bóc lột trà đạp những nước nhược tiểu, đã cáo chung sau chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam. Việt Nam nên hãnh diện vì đã đi tiên phong trong sứ mạng giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp, một ách nô lệ mà lịch sử đã ghi rõ, thực dân Pháp không thể áp đặt lên dân tộc Việt Nam nếu không có những sự hỗ trợ, hành động tay sai của tổ chức Công Giáo Rô-ma ở Việt Nam, như chính giám mục Puginier đã thú nhận. Cộng Sản Việt Nam đã mở đường chôn vùi chế độ thực dân trên thế giới, đồng thời đưa thế lực đen đã nổi tiếng là “hễ phi dân tộc thì thể nào cũng phản dân tộc” về nguyên vị là một thiểu số lệ thuộc ngoại bang trên đất nước, và mất đi những quyền lợi chỉ có thể có được nhờ thực dân và 2 chính quyền Công giáo ở miền Nam.. Đây là những sự kiện lịch sử không ai có thể phủ bác bất cứ dưới lý luận méo mó thiển cận nào, thí dụ như, cứ để yên rồi Pháp sẽ trả lại độc lập cho cũng như Mỹ đã trả lại độc lập cho Phi Luật Tân mà không biết rằng bao nhiêu ngàn người Phi Luật Tân đã chết vì chống Mỹ. Nhưng sau khi đánh đuổi được thực dân và thống nhất đất nước, chủ nghĩa Cộng Sản đã không còn thích hợp, vì vậy mà sớm hơn cuộc “cách mạng nhung 1989” tại Đông Âu, từ 1986, Việt Nam đã kịp thời chuyển hướng, từng bước tự mình đổi mới để vượt qua những khó khăn lúc đầu của tình trạng kiệt quệ sau cuộc chiến, vượt qua sự cấm vận trong 19 năm của Mỹ, và đưa quốc gia đến tình trạng phát triển về mọi mặt ngày nay. Chỉ có những con bò mộng Tây Ban Nha, đeo thêm cặp kính màu hồng, nhìn đâu cũng thấy màu đỏ và cắm đầu húc càn, mới không biết đến những điều này.
Tôi biết bài này sẽ làm cho một số người phát dị ứng, nhất là những người thuộc thế lực đen quốc tế [Từ của Linh mục Joseph McCabe: The Black International]. Nhưng trong lãnh vực học thuật thì đó là sự thật, chỉ là sự thật, không gì ngoài sự thật (the truth, the only truth, nothing but the truth). Ai cũng biết là từ trước tới nay lập trường của tôi là “không chống Cộng“, ít ra là không chống Cộng như những người chống Cộng ở hải ngoại, thí dụ như chống một nghị quyết, chống một ông thầy tu đi giảng đạo nước ngoài, chống một bức tranh, chống một bản nhạc, chống một cái bắt tay giữa ông Nguyễn Xuân Vinh và bà Madison Nguyễn, chống những người không đồng ý với mình và cho họ là Cộng sản v..v..... Hay chống Cộng như ông linh mục Đinh Xuân Minh, đòi chống Cộng theo gương David, mà theo chính Kinh Thánh thì là một tướng cướp sau lên làm Vua thì hoang dâm vô độ, mưu đồ giết thuộc hạ để cướp vợ của thuộc hạ v..v... Nhưng lý do chính đối với tôi rất đơn giản, Cộng ở đâu mà chống? Theo như những lời huênh hoang của Công giáo Mít thì “Đức thánh cha“ John Paul II của họ cùng với Gorbachev và Tổng thống Reagan đã dẹp tiệm Cộng sản từ năm 1989, vậy nếu bây giờ tôi cứ hùng hổ chống Cộng thì chẳng hóa ra là tôi ngu, đi chống một hồn ma hay sao. Trên diễn đàn hải ngoại, và có cả ông thầy tu trong nước, đòi “giải thể chủ nghĩa CS“ trong khi thực sự chẳng biết chủ nghĩa CS là cái gì, và hiện nay ở Việt Nam còn ai áp dụng chủ nghĩa CS hay không, chủ nghĩa như thế nào và áp dụng như thế nào. Đầu óc tôi tương đối vẫn chưa đến độ ngu như vậy, vẫn là đầu óc của con người, không phải là đầu óc của con chiên.
Có người chất vấn tôi: tại sao ông không chống Cộng mà lại đi chống Công giáo? Đây là một câu hỏi hàm ý muốn áp đặt khuynh hướng chính trị của mình lên người khác. Chống Cộng hay không và chống Công giáo hay không là quyền của tôi, không ai có quyền xía vào lập trường cá nhân của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng có một câu trả lời rất đơn giản: “Việt Nam, qua dòng lịch sử, rất trân quý nền độc lập và chủ quyền của nước nhà, và không ngại hi sinh để gìn giữ đất nước như lịch sử đã chứng minh. Nhưng lịch sử cho thấy, Công giáo “có công“ đưa nước nhà vào vòng nô lệ của thực dân Pháp và đào tạo được nhiều Việt gian như Trần Bá Lộc, Nguyễn Trường Tộ, Pétrus Ký, Nguyễn Thân, Nguyễn Bá Tòng, Trần Lục, Lê Hữu Từ, Hoàng Quỳnh, dòng họ Ngô Đình v..v...., còn Cộng sản thì có công đánh đuổi được thực dân Pháp và thống nhất đất nước. Hai cái “công“ này rất khác nhau, một là công đối với tổ tiên, đất nước; còn một là công đối với ngoại bang để xâm chiếm đất nước của tổ tiên, phản bôi dân tộc. Vậy thì, chúng ta nên chống Cộng hay chống Công giáo?“
Nhưng xét cho cùng thì tôi cũng chẳng phải là chống Công giáo, vì trước sự tiến bộ trí thức của thế giới, Công giáo tự nó phải suy thoái chứ có gì đáng đâu mà phải chống. Chính Công giáo đã chống Công giáo hơn ai hết chứ chẳng phải Cộng sản hay người ngoại đạo đã chống Công giáo. Chính vụ Giáo hoàng John Paul II cùng một số Hồng Y, Tổng Giám Mục xưng thú 7 núi tội ác của Công giáo trước thế giới đã chống Công giáo. Chính lịch sử các Giáo hoàng loạn luân, loạn dâm, sát nhân tàn bạo đã chống Công giáo. Chính sự phá sản tâm linh và đạo đức của giới chăn chiên qua những vụ như hơn 5000 linh mục bị truy tố về tội loạn dâm với trẻ phụ tế và nữ tín đồ, hay cưỡng bách tình dục các Sơ, chị em tâm linh của họ, trong 24 quốc gia đã chống Công giáo. Chính sự tàn nhẫn của một số Sơ đối với các trẻ mồ côi trong các viện mồ côi và một số cơ sở “từ thiện“ của Công giáo đã chống Công giáo. Chính lịch sử Công giáo Việt Nam làm tay sai cho thực dân Pháp để đưa nước nhà vào vòng nô lệ Pháp, như Giám Mục Puginier đã khẳng định, đã chống Công giáo hơn gì hết. Chính sự nô lệ Vatican của Công giáo Việt Nam đã chống Công giáo. Còn nhiều nữa nhưng tôi tưởng chừng đó cũng đủ để thấy rằng chính Công giáo đã chống Công giáo hơn ai hết. Tôi viết như trên không có nghĩa là tôi chống những người dân theo Công giáo, họ là nạn nhân của những sự mê hoặc tôn giáo. Cái mà tôi chống là cấu trúc tự tạo quyền lực của Công giáo để nhốt đầu óc tín đồ vào một ngục tù tâm linh bằng những điều huyễn hoặc hoang đường đã không còn giá trị trên thế giới ngày nay. Điều đáng trách là chính Giáo hội cũng đã biết như vậy, nhưng giới chăn chiên, để duy trì quyền lực vật chất cũng như tinh thần trước đám dân thấp kém, vẫn không có sự lương thiện trí thức để khai sáng đầu óc tín đồ.
Những người Công giáo lên án tôi là “chống Công giáo“ hãy dùng đầu óc để suy nghĩ xem những điều tôi viết về Công giáo có phải là những sự thật hay không, hay đó chỉ là những sự bịa đặt của ... Cộng sản (!) mà tôi dùng để “chống Công giáo“? Tôi chỉ đưa ra những sự thật về Công giáo, qua những tài liệu bất khả phủ bác của giới học giả Âu Mỹ, trong đó đa số lại là học giả Thiên Chúa giáo, với hi vọng giúp được phần nào tăng sự hiểu biết đúng đắn của người dân Việt Nam về bộ mặt thật của Công giáo. Có lý do gì để người dân Việt Nam không được quyền biết những sự thật này. Những tín đồ Công giáo có quyền tin những lời dạy của các bề trên, rằng Công giáo của họ là một “hội thánh, thiên khải, duy nhất, tông truyền“, quán quân về tinh thần bác ái v...v... Nhưng họ phải biết rằng, bất kể Giáo hội Công giáo dạy tín đồ của họ như thế nào, đối với những người hiểu biết ở ngoài đạo như tôi thì, trước hàng núi tài liệu khả tín về Công giáo của hàng trăm học giả ở trong cũng như ở ngoài giáo hội viết về Công giáo, Công giáo chẳng qua chỉ là một tổ chức thế tục ngụy trang đàng sau bộ mặt tôn giáo, có nhiều sắc thái của Mafia, Mafia tâm linh cũng như Mafia vật chất. Tôi không có viết chơi, một trong những cuốn sách viết về những sắc thái này là cuốn “The Vatican Mafia” của Đức Ông Tiến sĩ Rafael Rodriguez Guillen trong Giáo hội Công giáo. Đức ông Rafael Rodriguez Guillen chưa hề bị tuyệt thông và vẫn còn hành nghề hợp pháp [the person saying it is a Monsegñor and Vaticanist priest who has not been excommunicated and still has his Canonical licenses.] Đây là một tác phẩm kết quả của nhiều năm nghiên cứu khoa học về lịch sử, triết lý, thần học và thánh kinh [This is a work of many years of philosophical, biblical theological, scientifically and historical investigation]
Cuốn The Vatican Mafia gồm có 40 chương, trong đó chúng ta có thể đọc được những chương điển hình như sau:
3. Personages of the Sacred Mafia of the Vatican
4. The Vatican's Mafia in the Catholic Churches
5. The Gangsters or the Vatican's Sacrilegious Mafia
6. The connection of the Vatican in the Counterfeiting of Billions of Dollars
7. The Vatican and her Connections With the Crime Syndicate
8. The Archbishop Marcinkus and the Vatican's Mafia
9. The Vatican's murderous Mafia
11. The Vatican's Alliances with the International Mafia
12. The Holy Mafia
13. The Intellectual, Political and Sacred.....Mafia
14. The Sacred Mafia in the USA, Spain and Latin America
15. The Terrorist Mafia of the Vatican
16. The Vatican and her Roman Legions Connected with the Mafia
17. The Vatican Mafia's Efforts to Destroy Protestants
18. The Lie of the Catholic Ecumenical Movement Organized by the Vatican's Mafia
20. The Holy Mafia or the Opus Dei
21. Writers and Historians who Prove the Vatican's Mafia
22. Richard Hammer's Book "The Vatican Connection with the Mafia"
23. Vaticanist Historians not compromised with the Vatican's Mafia
31. The Vaticanist Author Rapporport Documents the Vatican's Mafia
34. The Mafia of the Vatican is Directed by the Antichrist 666
35. The Great Conflict between Christ and Antichrist or the Vatican's Mafia
38. Satanic Practices of the Mafia
Tôi đã trở thành một công dân Mỹ gốc Việt 29 năm nay rồi. Nhân danh là một công dân Mỹ, những gì tôi viết về Mỹ, chẳng phải là để chống Mỹ, mà chỉ là những sự thật về Mỹ, từ những tài liệu của chính người Mỹ. Cũng vậy, những gì tôi viết về Công giáo chẳng phải là tôi chống Công giáo, mà chỉ là những sự thật về Công giáo, từ những tài liệu nghiên cứu về Công giáo của các học giả Âu Mỹ, ở trong cũng như ở ngoài Công giáo. Không ở trong lãnh vực học thuật trí thức thì khó mà có thể hiểu được những điều này.
Kiến thức thu thập được từ những tài liệu có giá trị về cuộc chiến, về tôn giáo, tôi cho đây chính là sự đền bù lớn lao đối với tôi, về phương diện tri thức, để bù đắp lại sự mất mát do quyết định của tôi, tự bắt buộc phải rời quê hương mấy ngày trước ngày 30 tháng Tư, 1975.


Trần Chung Ngọc
4/2009