đàm thoại với nhà văn Trần Doãn Nho
Lương Thư Trung
16 February 2011
LTT:
Anh Trần Doãn Nho thân mến,
Nhớ lần đầu gặp anh cách nay 13 năm, nhơn tôi đi dự buổi ra mắt thi tập Thơ Tuyển của thi sĩ Tô Thùy Yên tổ chức tại Boston (Massachusetts), năm1998, lúc bấy giờ nhà văn Trần Hoài Thư giới thiệu anh, trước năm 1975 có viết trên tạp chí Văn ở Sài Gòn. Vậy xin anh có thể chia sẻ một chút là anh có bài đăng trên Văn từ lúc nào và ngoài tạp chí Văn, lúc bấy giờ anh còn cộng tác thêm với tạp chí văn học nào nữa không, thưa anh?
TDN:
Mến chào anh Lương Thư Trung,
Bài đầu tiên đăng trên Văn là một bài thơ, vào mùa hè năm 1967, trong một số chuyên về thơ, đặc biệt giới thiệu nhà thơ Nga Eugène Evtouchenko. Truyện ngắn đầu tiên đăng trên Văn là vào đầu năm 1969 và sau đó thêm vài truyện nữa. Ngoài truyện, tôi cũng có viết tiểu luận văn chương và điểm sách cho Văn và Tân Văn (cũng do Trần Phong Giao chủ trương).Ngoài ra, tôi có truyện in trên Vấn Đề ( Mai Thảo chủ bút), Bách Khoa, tiểu luận và thơ trên Khởi Hành (Viên Linh chủ bút) và một số bài thơ và truyện trên Đối Diện.
LTT:
Thưa anh,
Tôi có đọc truyện ngắn Con mắt thủy tinh trên Văn số 132 ngày 15-6-1969 có chủ đề "Phượng trong thành nội" với nhân vật chính là Trang với đoạn văn mở đầu: "Khi lật đến bản nhạc "Tình Khúc Thứ Nhất", Trang bổng đột ngột nhớ đến Quyền, cô nữ y tá Tổng-Y-Viện Cộng Hoà . Dáng cô bé nhỏ nhắn như quá lỏng lẻo đàng sau cái "blouse" rộng thùng thình. Trang gọi đùa cô bé là con mèo. Cô bé cười, mắt nhấp nháy nửa muốn cười nửa trông thật buồn…" ; để rồi anh kết sau hơn 12 trang báo in với những dòng cuối quả là buồn: "Trang hoảng hốt. Chưa bao giờ Trang thấy khuôn mặt mình quái đản như vậy. Đột nhiên, Trang có cảm tưởng nó không phải của mình, nó xa lạ, kỳ dị. Trang hấp tấp gắn mảnh thủy tinh vào lỗ hổng con mắt, rồi đi nằm. Suốt đêm, Trang bị ám ảnh bởi khuôn mặt của mình, không ngủ được."
Thưa anh, anh có còn nhớ anh viết truyện này trong hoàn cảnh nào không?
(VĂN số 132, ngày 15-6-1969 do nhà văn Trần Hoài Thư sưu tầm và Thư Quán Bản Thảo in lại, không bán, dành để tặng thân hữu)
TDN:
Thân gửi anh Trung,
Nhân vật trong truyện là một người ở chung phòng trọ hồi tôi vào học ở Sài Gòn. Anh ấy là một thương binh, được giải ngũ. Trong hoàn cảnh chiến tranh vào thời kỳ cao điểm (1968,1969), trở thành thương binh, được giải ngũ và được lãnh tiền lương hàng tháng, trong điều kiện toàn thân lành lặn, chỉ có mất một con mắt, anh ấy, theo tôi, là quá may mắn. Tuy nhiên, theo như lời anh ta tâm sự, anh không cảm thấy may mắn như tôi nghĩ. Đó là bối cảnh của câu truyện. Anh bạn này, sau khi đọc xong truyện, kết luận một câu (mà tôi còn nhớ mãi): mấy nhà văn thường hay khai thác nỗi đau khổ của người khác để nổi tiếng!
LTT:
Thưa anh,
Là một tác giả viết văn lâu năm, anh nghĩ sao về lời kết luận của anh bạn này? Có phải nhà văn muốn khai thác nỗi đau của người khác hay chỉ vì cảm thông với nỗi đau của người khác mà viết nên những dòng chữ chan chứa nỗi đau?
TDN:
Anh LTT,
Anh hỏi, mà thực ra là anh đã trả lời thay cho người viết. "Nỗi đau" riêng của người khác, cũng như nỗi đau của chính mình, nói cho cùng, đều là là chất liệu, là kinh nghiệm nhân sinh mà người viết cần có để chế biến thành tác phẩm. Sáng tác, hiểu theo một nghĩa nào đó, là một nỗ lực biến nỗi đau riêng thành nỗi đau chung.
Nói cho cùng, nếu không có những nỗi đau, có lẽ cũng không có văn chương.
Tuy nhiên, riêng tôi, tôi cảm thông được tâm trạng của anh bạn chung phòng. “Con mắt thủy tinh”, dù chỉ sử dụng một số chi tiết điển hình từ anh ấy, cũng chạm đến nỗi đau riêng của anh. Chạm đến nỗi đau riêng đôi khi tạo ra một nỗi đau khác.
LTT:
Thưa anh,
Như anh viết : "Chạm đến nỗi đau riêng đôi khi tạo ra một nỗi đau khác", anh làm tôi nhớ tới phần tiểu thuyết tâm lý với tiểu thuyết gia Marivaux (1688-1763) thuộc thế kỷ XVIII, qua hai tác phẩm La vie de Marianne và Le Paysan parvenu, mặc dù ông không thoát được ảnh hưởng các tiểu thuyết gia thế kỷ trước, nhưng ông đã đưa ra được khía cạnh mới là đi sâu vào việc tìm hiểu tâm lý nhân vật với các khía cạnh phức tạp trong tâm tình của mỗi nhân vật ấy; tất cả nó có liên đới với nhau giống như khi người ta ném một hòn đá xuống một hồ nước, gây nên những gợn nước làm thành vô số vòng tròn đồng tâm, và tâm lý nhân vật khi gặp một sự thể nào đó thì nó cũng phản ứng liên tục vào tâm trạng của họ như vậy. Anh có thể nói thêm một chút về "những nỗi đau khác" ấy được không, thưa anh?
TDN:
Anh Trung,
Nỗi đau khác đây không phải ở nhân vật tiểu thuyết. Tôi đề cập đến tâm lý thông thường của người đời. Từa tựa như "khơi lại vết thương lòng". Khơi lại một nỗi đau có thể không làm người ta đau lại cùng một nỗi đau, nhưng tạo nên một nỗi đau mới, "nỗi đau của nỗi đau". Cách hiểu của tôi có lẽ không khác lắm với hiệu ứng vòng tròn đồng tâm trên mặt nước khi có một vật thể chạm vào, của Marivaux.
Trở lại với trường hợp người bạn chung phòng. Anh ta tên Trang và tôi đã sử dụng tên thật của anh trong truyện. Anh ta có hỏi tôi, giọng tỏ ra bực bội: Sao không dùng một tên khác mà lại dùng ngay tên tôi? Tôi đáp cho qua chuyện: tôi thích tên Trang. Thực ra, dùng ngay chính tên của anh giúp tôi dễ tưởng tượng hơn. Nghĩa là tạo ra một liên hệ giữa nhân vật thực và nhân vật ảo. Đây là một kinh nghiệm riêng: khi sử dụng chất liệu của một ai đó ngoài đời, nếu ta dùng ngay tên người đó, tôi cảm thấy dễ viết hơn. Có lẽ do ta có một "cái gì đó" để bám víu trong khi đầu óc mình đang phiêu diêu vào cõi hư cấu chăng?
LTT:
Thưa anh,
Đó là chuyện văn, bây giờ thử đề cập đến chuyện thơ. Tình cờ tôi đọc được bài thơ “Lịch sử” của anh trên tạp chí Đối Diện (1968) với hai đoạn cuối, anh viết:
……
nhưng lỡ tim em bị thủng
em hãy cố mở mắt ra nhìn ánh mặt trời
hay nhìn một vì sao
hãy nhớ đến vài người thân yêu nhất
hãy nhớ nụ cười thần thánh của tình nhân
nếu còn sức thì nhớ thêm vài thằng bạn
rồi nhắm mắt ngủ yên như cỏ như cây
em cứ yên trí đi
vì những người còn lại sẽ ghi lên giấy
em là một anh hùng
một anh hùng vô danh trong những anh hùng vô danh
của lịch sử đó em”.
(Đối Diện, 1968)
Và một bài nữa, cũng trên Đối Diện cùng năm, “Những đứa con của Chúa” mà anh dùng ba câu mở đầu bài thơ làm ba câu kết bài thơ:
lạy Chúa, nếu quả thật có Chúa trên trần gian
xin Chúa hãy ban cho loài người một nụ cười
và đừng bao giờ thêm một lời phán xét
……..
lạy Chúa, nếu quả thật có Chúa trên trần gian
xin Chúa hãy ban cho loài người một nụ cười
và đừng bao giờ phán xét.
(Đối Diện, 1968)
Nhưng có lẽ bài thơ “Cuồng ngâm” (ký tên Trần Hữu Thục) trên tạp chí Văn năm 1967, kỷ niệm Đệ Tứ Chu Niên xin ghi lại dưới đây; ở đó có chút gì khơi gợi lại lớp thanh niên trai trẻ nơi thành thị lúc bấy giờ luôn băn khoăn trăn trở về thân phận của chính họ giữa những mùa chinh chiến ngập tràn:
Cuồng ngâm
Có một lần ta nhìn sao rụng xuống
Ta ngỡ ngàng nghe thân thể vỡ tan
Ta cúi xuống và không tìm ra ta nữa
Không có ta không có ta cả đến nghìn năm
Ôi lịch sử, ta đã là lịch sử
lịch sử trên tay ta lịch sử trên tóc ta
nghìn năm sau và một nghìn năm trước
có ta rồi và cũng chẳng có ta
cho ta làm tất cả những người đã chết
cho ta làm bóng tối cho ta làm cây xanh
cho ta chết để không bao giờ chết nữa
chỉ có ta một mình chỉ có ta một mình
cho đập vỡ muôn ngàn ngôi cổ mộ
đập vỡ đền đài đập vỡ cả trời mây
để ta nghe một mình con dế mèn ca hát
một mình con chim đập cánh tung bay
có một lần nhìn trời sao ta khóc
ta thẩn thờ đi tìm một khoảng không gian
một khoảng không gian không buồn không tủi
không đau thương không giận không hờn
cho ta đừng bao giờ còn bộ óc
đừng giận đừng vui đừng khóc đừng cười
cho ta ngủ yên dù ở một nơi nào trên mặt đất
ta ru cây cỏ ta ru loài người
đừng nhắc ta về một dòng sông sầu thảm
đừng nhắc ta một lần lập quốc một thuở xâm lăng
đừng nhắc ta một lần thua một lần chiến thăng
gì là nhục nhã gì là oai hùng!
lịch sử ơi lịch sử buồn như bóng tối
nào có gì để bớt có gì để thêm
lịch sử ơi ta đã là lịch sử
lịch sử buồn ôi lịch sử không tim.
(VĂN, 1967)
Hình bìa ngoài và mục lục tạp chí Văn số 97 do Trần Hoài Thư chụp 2/2011)
Vào những năm tháng ấy, dường như học sinh, sinh viên phần lớn đều có đọc cuốn “Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học” của Phạm Công Thiện, cũng như quyển “Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng” của Krishnamurti do Phạm Công Thiện dịch mà nội dung cuốn sách thứ hai này bao gồm nhiều vấn đề liên quan đến kiến thức, nỗi cô đơn, nỗi đau khổ, về chiến tranh, về tín ngưỡng nơi Thượng Đế, về Thượng Đế, về tình yêu, về thời gian, về sự chết và nhiều lắm những chủ đề có liên quan đến con người cùng hoàn cảnh chung quanh vây bọc lấy con người… Xin anh vui lòng cho hỏi thêm một chút là các bài thơ vừa trích của anh đuợc anh sáng tác trong hoàn cảnh nào? Và anh có chịu ảnh hưởng phần nào bởi các tác phẩm vừa nêu của Phạm Công Thiện, của Krishnamurti hoặc của các triết gia nào khác vào những năm 1960-1970 không, thưa anh?
Tự do đầu tiên và cuối cùng của Krishnamurti, Phạm Công Thiện dịch, An Tiêm xuất bản lần thứ nhứt, Sài Gòn, năm 1968 (với trang đầu tôi ghi mua tại Long Xuyên ngày 01-12-1968, tính ra cũng đã 43 năm rồi)
TDN:
Chắc chắn là có anh Trung à. Nhưng không phải chỉ Phạm Công Thiện hay Krishnamurti, mà của nhiều luồng tư tưởng khác nhau: hiện sinh, thiền, phân tâm, tính dục…Không những đọc sách báo ở ngoài mà còn được học qua trong trường. Lúc đó, tôi đang học triết.
Nhưng tác động lớn nhất là hiện thực chiến tranh. Anh biết, năm 1967 là năm cao điểm của cuộc chiến Việt Nam với sự hiện diện của gần nửa triệu quân Mỹ. Nhiều và rất nhiều trận đánh ác liệt diễn ra trên khắp miền đất nước để rồi đầu năm 1968, chiến tranh diễn ra ngay ở thành phố với trận Mậu Thân. Suốt 26 ngày ở Huế đầu năm Mậu Thân, tôi sống trong và sống với chiến tranh. Bom đạn và chết chóc diễn ra ngay trước mắt, ở quanh nhà, trên đường phố…Nếu không may mắn, có lẽ tôi cũng đã trở thành nạn nhân chiến tranh. Tuy được hoãn dịch (học vấn) nhưng chung quanh tôi, bạn bè, bà con, hàng xóm láng giềng đều lần lượt đi vào quân đội. Cuộc tử sinh không còn là vấn nạn triết lý và là vấn nạn của đời sống. Nếu “Cuồng ngâm” chứa đựng một thứ tuyệt vọng siêu hình (và có vẻ làm dáng) thì hai bài kia làm sau Mậu Thân, là tâm trạng thảng thốt thực sự. Mọi lạc quan về một đất nước hòa bình gần như đổ vỡ. Không chỉ thơ mà hầu hết các truyện ngắn tôi viết trong thời gian này đâu đó trên các tạp chí đều phảng phất tâm trạng đó. Và không phải chỉ mình tôi, mà hầu hết sáng tác của “những cây bút trẻ” (cụm từ mà tờ Văn gọi những người viết mới chúng tôi) đều như thế. Nhất là những cây bút vừa cầm súng vừa viết như Y Uyên, Trần Hoài Thư, Lê Bá Lăng, Lê Văn Thiện…Khác với tôi là dân thành phố nhìn chiến tranh với cái nhìn (y như) của một kẻ đứng ngoài, truyện của họ hừng hực khói lửa, đầy máu và nước mắt. Họ viết về hiện thực và chẳng cần bất cứ một triết lý nào, anh Trung ạ. Đọc lại thơ và truyện sáng tác thời đó (qua mấy tập thơ, văn miền Nam do Thư Ấn Quán tái bản gần đây), ta thấy rõ điều này.
Theo tôi, đó thực sự là một nền văn học chiến tranh với tất cả những hiện thực sống động của nó. Bi thảm nhưng tràn đầy nhân bản. Hoàn toàn khác hẳn với nền văn học tuyên truyền của miền Bắc.
LTT:
Thưa anh Trần Doãn Nho,
Với nhà thơ Âu Thị Phục An, trong bài trò chuyện vừa qua trên Da Màu chị cho biết, chị có truyện đăng trên Văn lần đầu nhưng sau này chị lại làm thơ nhiều; còn anh thì ngược lại, có thơ đăng lần đầu trên Văn nhưng sau này anh lại chuyên viết truyện. Theo anh, đây chỉ vì sở thích hay cái nghiệp của mỗi người ?
TDN:
Nói “nghiệp” nghe nặng nề quá. Viết lách nói chung, theo tôi, chỉ là một cái thú, thú bịa chuyện. Viết văn thì có nhiều điều để bịa hơn thơ. Thành thử, tôi thích viết văn hơn làm thơ. Nói thiệt với anh, tôi đã gửi năm, ba truyện ngắn cho Văn trước đó, nhưng không được chọn đăng. Không những ở Văn, tôi còn gửi cho vài ba tạp chí văn học khác như Văn Học hay Nghệ Thuật nhưng cũng đều bị từ chối. Chán nản quá, tôi gửi thử bài thơ. Và được chọn đăng. Một thời gian sau đó, ước ao của tôi mới được thỏa: truyện ngắn “Ngày tháng cằn” được đăng ở Văn số 121, kỷ niệm Đệ Ngũ Chu Niên. Cũng phải trải qua đôi chút “gian nan”, như tôi đã có dịp ghi lại trong “ Một chút Trần Phong Giao” trên Da Màu. Mà nghĩ cũng lạ, hồi đó, chỉ khi nào có bài được in ở Văn, thì mới cảm thấy mình là…nhà văn! Nhân tiện, tôi cũng khoe với anh, trước khi có bài in ở Văn, tôi đã từng có một bài thơ (lục bát cua gái) được đăng ở… Phụ Nữ Diễn Đàn và hai truyện ngắn và vài bài thơ được đăng ở tạp chí Xây Dựng do Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Quốc Gia Vũng Tàu, vào khoảng những năm 1960,1961, với một bút hiệu nghe rất học trò: Hạnh Băng.
LTT:
Mà sao lại là “Hạnh Băng” thưa anh? Anh có còn nhớ bài thơ ấy không?
TDN:
Hạnh là một cô bé tên Hạnh. Còn Băng là …Băng.
Bài thơ có 18 hay 20 câu có tựa đề là “Nhớ mong”, nói về một cô gái học lớp Đệ Lục(bây giờ là lớp 7), ngày nào cũng đạp xe đi học ngang qua nhà tôi (tôi học Đệ Tứ). Sáng nào, tôi cũng đứng ở góc vườn đợi nhìn cô đạp xe đi ngang trước khi đi học. Có lúc cũng đạp theo sau lưng cô, nhưng vừa đạp vừa run. Tôi còn nhớ bài thơ được đăng ở một góc nhỏ xíu, bên cạnh một ô quảng cáo dầu Nhị Thiên Đường chiếm gần cả trang. Lâu quá, tôi chỉ nhớ lỏm bỏm ít câu, xin ghi lại cho vui:
Em đi xe đạp ngang nhà
Góc vườn tôi đứng trông ra bồi hồi
Buổi chiều nhìn áng mây trôi
Nhớ em tôi viết mấy lời vu vơ
… Sáng nay không thấy em qua
Góc vuờn tôi đứng rất là nhớ mong ….
Trời ơi, mới đó mà 50 chục năm đã trôi qua rồi, anh Trung à.
LTT:
Kính chào anh Trần Doãn Nho,
Thời gian lúc nào cũng vậy, thưa anh, có dừng lại bao giờ! Mới đó mà cũng đã năm mươi năm rồi những “nhớ mong” ngày nào! Nhơn những ngày đầu năm âm lịch, anh có thể chia sẻ một chút về việc tác giả giải thích về tác phẩm của mình, nó có mang một giá trị nào về mặt xác định tính chất hay hoặc dở của tác phẩm không, thưa anh?
TDN:
Mến chào anh Lương Thư Trung,
Như tôi có trình bày trong bài viết về cái gọi là “tác giả” (chắc anh cũng đã đọc qua trên Da Màu hay ở Hợp Lưu, bài “Tác giả, cuộc thăng trầm”), một khi tác phẩm đã ra đời rồi, ý kiến của tác giả giải thích về tác phẩm của mình cũng chỉ là ý kiến như bao ý kiến khác, không có một ưu tiên nào và không chắc đã đúng và có giá trị. Trước đây, ta thường cho rằng tác phẩm chính là tác giả, hay nếu không thì tác phẩm cũng mang nặng dấu ấn của tác giả. Hiểu được ý tác giả nói gì qua tác phẩm là xem như xong. Thực ra, sau này, người ta cho rằng không chỉ có tác giả, mà độc giả cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành ý nghĩa của tác phẩm. Ý nghĩa của tác phẩm là một liên kết tác giả-tác phẩm-độc giả. Ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm là một chuyện; ý nghĩa mà độc giả tìm ra khi đọc là một chuyện khác, có khi hoàn toàn khác. Chẳng lạ gì, có trường hợp, trong lúc tác giả tự cho rằng mình đã mang hết tinh túy của đời sống trải ra trên trang giấy thì độc giả lại không tìm thấy gì trên đó cả. Thậm chí, ngược lại. Dở và hay, theo tôi, không nằm trong thẩm quyền của tác giả.
LTT:
Thưa anh Trần Doãn Nho,
Như anh biết, khuynh hướng tả chân cổ điển diễn tả sự thật đúng như thật, nó luôn luôn chú trọng đến những phần xấu xa và hèn kém của con người. Nhơn nhắc đến khuynh hướng tả chân, tôi còn nhớ dường như người ta cần nhận định rõ là nên tả chân đến giới hạn nào? Chú trọng đến hạng người nào trong xã hội và cần nói lên những điều gì và bỏ qua những điểm nào không nên nói; rồi hướng về đâu trong kết cấu câu truyện và cách giải quyết câu truyện như thế nào… Từ những phân chia ra các khác biệt như vậy mà khuynh hướng tả chân ngày xưa thường được phân chia ra cá thảy chín, hoặc mười loại khác nhau …
Dường như trong các tác phẩm của anh mà tôi đã đọc như “Vết xước đầu đời”, “Căn phòng thao thức” và truyện dài “Dặm trường”, chúng nặng về tả chân, mà nhất là tả chân theo khuynh hướng cổ điển vừa nêu. Anh nghĩ sao về nhận xét này, thưa anh?
TDN:
Thú thật với anh, khi viết là viết, chứ tôi không hề tự buộc mình một khuynh hướng nào hết. Tuy nhiên, ám ảnh lớn nhất của tôi là phản ảnh được một phần nào đó diện mạo của hiện thực, của những gì mình đã từng trải nghiệm trong cuộc sống. Thì là tả chân đó thôi. Thú thật, tôi không rạch ròi chọn cách tả chân nào trong số những loại mà anh đã đề cập. Khác với một số truyện ngắn, dù là tả chân, nhưng chỉ là những nét chấm phá, trong “Dặm trường”, tôi đẩy tả chân đến độ đậm đặc. Thay vì khái quát hóa, tôi sự- kiện- hóa, chi tiết hóa hiện thực. Trong một lá thư gửi riêng, ông Võ Phiến bảo là “Dặm trường” “chật ních” sự kiện.
Chọn cách viết này một phần nào là do cách nhìn của tôi về diện mạo của cái xã hội lạ lùng sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam. Theo tôi, đó là xã hội của những sự kiện. Sự kiện tiếp nối sự kiện và bản thân con người cũng trở thành sự kiện. Nhìn quanh cuộc sống, ta chỉ thấy toàn là nhu cầu và những nhu cầu. Không có siêu hình, không triết lý, không lãng mạn… (Anh đọc lại một trích đoạn từ “Dặm trường” có tựa đề “Quen” đã đi trên Da Màu vào dịp 30/4/2010). Chỉ có con người và nhu cầu, con người và sự vật. Mọi người chấp nhận mọi thứ chỉ để được tồn tại. Giành giật, láo lường, phản bội. Mọi giá trị lộn tùng phèo. Những nhân vật trong “Dặm trường” sống trong một thế giới của sự kiện. Cách hay nhất là để cho sự kiện tự chúng nói lên ý nghĩa (facts speak for themselves). Do đó, thay vì đưa vào những cảm nghĩ và lý luận hay quan điểm (qua miệng của nhân vật hay ý nghĩ), tôi diễn tả sự kiện, dùng cử chỉ và những đối thoại thông thường. Nhân vật của tôi thường rất ít triêt lý mà chỉ “hành động”. Thay vì bày tỏ trực tiếp một thái độ, một nhận định, tôi đi lòng vòng quanh các sự kiện, mô tả chúng, vừa để dẫn người đọc hòa nhập được vào tình huống và tự tìm ra một “điều gì đó” trong cái mớ bề bộn các sự kiện.
LTT:
Thưa anh TDN,
Về cái nét trong các nhân vật của anh, như trong bài viết “Thử đọc lại vài trang sách của Trần Doãn Nho”trên Da Màu, tôi có ghi nhận là nhân vật của anh dù nam hay nữ, dù hèn hay sang, họ có chung cái nét là khá thông minh. Thông minh trong ý tưởng, trong suy nghĩ, trong đối đáp và nhật là thông minh trong cách giải quyết những khúc quanh của cuộc đời. Họ không buông xuôi theo một định mệnh mang tính tắc trách nào. Họ lao vào đời và chấp nhận thân phận mình bằng tất cả trách nhiệm của một người trong cuộc. Phải chăng đó là tính cách đáng trân quý của những nhân vật tiểu thuyết hay là của những con người có thật trong dòng đời với biết bao biến thiên dâu bể một thời kỳ mà đất nước và con người bị xô đẩy vào con đường không còn một tia sáng le lói nào ! Xin anh chia sẻ thêm một chút về cách tạo nhân vật cùng tính cách của các nhân vật ấy trong các truyện của anh được không, thưa anh?
TDN:
Anh LTT mến,
Anh cho rằng các nhân vật của tôi “Thông minh trong ý tưởng, trong suy nghĩ, trong đối đáp và nhất là thông minh trong cách giải quyết những khúc quanh của cuộc đời. Họ không buông xuôi theo một định mệnh mang tính tắc trách nào. Họ lao vào đời và chấp nhận thân phận mình bằng tất cả trách nhiệm của một người trong cuộc.”
Thực ra, nhân vật của tôi hầu hết đều là những nhân vật “lai”, anh Trung ạ. Tôi không hề có ý định tạo ra những nhân vật “chính diện” – hiểu như là cái gì đối nghịch với “phản diện”, với cái “không tà”. Nhân vật của tôi thường chênh vênh, tiêu cực, nửa chính nửa tà, luôn luôn tưởng mình làm chủ được các hành động của mình và các biến cố, trong lúc thực ra, họ bị cuộc sống lôi kéo đi… ngoài ý muốn. Đó là những con người thất bại, không những trong cuộc sống mà ngay trong chính ý định của mình mà không biết, vẫn cứ tưởng mình vẫn là mình, thậm chí vẫn tưởng mình ..thành công. Trong các hành động của họ và ngay trong tâm tưởng của họ, biên giới giữa cái đúng và cái sai rất nhập nhòe, mờ nhạt . Đó là ý tưởng chủ đạo khi xây dựng nên các nhân vật trong các truyện ngắn, và đặc biệt là nhân vật Hạnh trong “Dặm trường”.
LTT:
Thưa anh,
Về “tính dục” trong truyện anh là một hiển nhiên. Cũng như trong các trang sách của Lâm Chương, trong văn anh lác đác những cảnh mật thiết giữa hai nhân vật nam và nữ là một cái gì đó nếu mà thiếu nó thì Trần Doãn Nho và Lâm Chương sẽ là hai nhà tu, không còn là hai nhà văn nữa rồi. Tôi thấy trong Dặm trường, cảnh hai nhân vật nam và nữ, họ gặp nhau sau những tháng ngày xa cách giữa cảnh rừng trầm mặc và những chiếc lá rụng thành một lớp dày rung chuyển dưới thân thể nóng bỏng của hai người đã làm cho Dặm trường mang đầy cái hương liệu tiểu thuyết của nó…
TDN:
Anh LTT thân mến,
Như anh nhận xét, yếu tố tình dục trong các sáng tác của tôi khá đậm.
Tình dục trong văn chương không phải là điều gì mới mẻ. Nó đã có mặt trong nhiều tác phẩm văn chương cổ điển Trung Hoa. Ở Việt Nam, truyện Kiều cũng phảng phất tình dục. Thơ Hồ Xuân Hương cũng thế. Ở miền Nam trước 1975, tình dục cũng đã có mặt trang văn chương, dù không được phổ biến. Chẳng hạn như “Tình cao thượng” của Nguyễn Mạnh Côn, một vài truyện ngắn khác của Võ Phiến hay trong truyện của Thế Uyên, Túy Hồng hay Nguyễn Thị Thụy Vũ… Nhưng nói chung trong một hoàn cảnh xã hội như xã hội miền Nam thời đó, tình dục trong văn chương vẫn còn là thứ tình dục “ấp úng”, chưa nhà văn nào can đảm khai thác đến nơi đến chốn. Sau 1975, ra nước ngoài, với một môi trường mới mẻ, cởi mở và được tiếp cận với văn chương thế giới, nơi mà chuyện tình dục chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”, tình dục trong văn chương Việt Nam Hải Ngoại dần dần cũng đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện.” Ở trong nước cũng thế. Không những trong văn mà còn ở trong thơ. Thực tình mà nói, đối với người sáng tác, tình dục là cuộc sống, là một chất liệu như các chất liệu khác cho sáng tác văn chương. Dẫu vậy, do nhiều nguyên nhân tâm lý cũng như xã hội, sử dụng yếu tố tình dục đòi hỏi sự đắn đo, thận trọng.
Với tôi, tình dục trong sáng tác cần phải có. Nó như một thứ gia vị, hay nói như anh,” một thứ hương liệu tiểu thuyết”. Văn chương, ngoài cái thơ mộng, dí dỏm, nhân bản…cũng phải có thêm cái gì đăng đắng, cay cay, mằn mặn, bùi bùi… để có thể vượt qua. Nói hơi quá, theo tôi, khuớc từ (hay lên án) đưa tình dục vào văn chương cũng là một… sự kỳ thị, kỳ thị với cuộc sống (cuộc sống vốn đâu có tội tình gì!), anh Trung à. Riêng cá nhân tôi, đưa tình dục vào một số sáng tác cũng có phần “méo mó nghề nghiệp”. Trước 1975, tôi có dịp nghiên cứu ít nhiều về phân tâm học, nên chịu ảnh hưởng. Với phân tâm học, như anh biết, tình dục đóng một vai trò khá quan trọng trong việc hình thành cá tính, quan điểm sống cũng như quan hệ với xã hội. Nó là một sức mạnh vô thức, phần nào chi phối các hành vi, cử chỉ và thái độ của con người.
LTT:
Thưa anh,
Như anh vừa nêu:” Với phân tâm học, tính dục đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành cá tính, quan điểm sống cũng như quan hệ với xã hội”. Xin anh nói rõ thêm một chút về quan điểm này và có gì làm bằng chứng cụ thể không, thưa anh ?
TDN:
Phân tâm học là một lý thuyết tâm lý đưa đến nhiều thay đổi về tư tưởng trong thế kỷ 20, khó có thể giải thích qua chỉ vài giòng hay một bài viết ngắn, anh Trung à. Như tôi đã nói, tôi bị “méo mó nghề nghiệp”, nghĩa là bị ảnh hưởng, nên tìm cách xây dựng nhân vật dựa trên một vài quan điểm mà thực sự đến nay vẫn còn là đề tài tranh cãi. Thành thử nếu anh hỏi bằng chứng thì tôi …đành chịu.
LTT:
Theo ý tôi, khi sáng tác, có thể người ta dựa trên sự thật, có thể hoàn toàn là hư cấu; nhưng hư cấu hay sự thật, cả hai đều không quan trọng bằng những tiếng động, những lời thì thầm, những gì đã xảy ra có hợp với tâm trạng và cảnh ngộ của hai nhân vật vào một khoảnh khắc ngàn vàng đó hay không mới là điều quan trọng. Và sự việc xảy ra mà không làm trục trặc dòng suy nghĩ của người đọc, không phải đặt lại những câu hỏi tại sao họ gặp nhau ở giữa rừng và tại sao họ lại hiến thân cho nhau, vân… vân và vân … vân…. Điều đó cho thấy dù là hư cấu hay có thật, tác giả đã làm xong phần viết truyện của mình một cách hoàn bị rồi. Còn truyện có được khen hay chê, nhân vật có còn được ai nhớ và nhắc hay không, lại là phần khác, không phải do nơi tác giả nữa. Anh nghĩ sao về nhận xét thiển cận này?
TDN:
Chắc là anh đề cập đến đoạn cuối của “Dặm trường”, là đoạn mô tả cảnh gặp gỡ bất ngờ giữa rừng trong trại cải tạo giữa nhân vật chồng và nhân vật vợ, hai người ân ái với nhau sau đó mới nhận ra nhau. Phải không anh Trung?
LTT:
Phải, anh Nho à.
TDN:
Cũng như anh, nhiều độc giả thắc mắc, không phải vì cảnh ân ái, mà cảnh vợ chồng gặp nhau mà không nhận ra nhau. Cảnh đó hoàn toàn phi lý và nói như anh, có gì “trục trặc”. Vâng, không những trục trặc mà hoàn toàn trục trặc. Thực ra, đó là một trục trặc cố ý. Thay vì để cho độc giả khép sách lại và …đi chơi, tôi muốn để lại trong đầu độc giả một dấu hỏi, nghĩa là một trục trặc. Kể ra như thế là có phần “gian”.
Thông thường thì dù là chấp nhận hư cấu, người ta thích mọi sự đều diễn ra hợp tình, hợp lý và không quá xa sự thật. Kết thúc của “Dặm trường”, nếu có thể gọi là một “kết thúc”, đều nằm ngoài cả ba cái đó. Tôi chọn kiểu kết thúc này như một giả thiết. Anh để ý mà xem, trong suốt truyện, tôi đã đưa vào bao nhiều điều vô lý tưởng chừng như không thể nào có trong cuộc sống, ấy thế mà chúng lại là sự thật, chẳng hạn như cả chuyến tàu đều bị tuôn hết hàng hóa, hoặc chuyện đổi tiền năm 1985 hay chuyện “xây dựng xã hội chủ nghĩa”…Hay gần đây hơn, biến cố 11/9 ở Hoa Kỳ. Thực mà như ảo và còn hơn cả ảo. Ảo mà lại như thực. Biên giới giữa thực và ảo không lúc nào mỏng manh như lúc này. Có điều, nếu độc giả lưu ý cách đối thoại và khung cảnh mà tôi cố ý tạo ra, thì đó một cảnh giả. Tất cả chỉ là do lòng “tơ tưởng” đi đến độ hoang tưởng của anh chàng tù nhân Lục vắng đàn bà lâu ngày mà sinh ra. (cảnh trong rừng này là cảnh tôi đã kinh qua vô số lần khi ở trong trại tù khi đi tìm bổi, giang, lồ ô…). Khi viết chương này, tôi nghĩ đến cái thời hồng hoang, thời của Adam và Eva. Tôi cũng nghĩ đến Hạnh như một bóng ma, có thể lúc đó đang bị chìm tàu trong một chuyến vượt biên nào đó ngoài khơi Thái Bình Dương. Tóm lại, là giả thiết. Bằng cách bắt chước cái gọi là “hiện thực thần kỳ”, từ chỗ rất hiện thực, tôi đột ngột đẩy tất cả vào hoang đường. Từ thực, tôi đẩy đến ảo. Như là một lối thoát ra khỏi không khí chất chứa toàn là sự kiện trong suốt truyện.
Nhà văn Phạm Xuân Đài (trong bài “Đọc Dặm trường”, thế Kỷ 21, số 150, tháng 10/2001) phần nào chia xẻ tâm tư của tác giả, khi ông nhận xét: “chương cuối là một chương mang không khí siêu thực. Sự việc diễn ra như một tượng trưng, một cô kết thoát khỏi mọi thực tế tàn nhẫn của cả một bi kịch dài (…) Ngay đối thoại của họ sau đó cũng như những lời vang vọng từ đâu đó của hoang dã”.
Nhiều độc giả khác không chia xẻ cái nhìn đó.
Riêng anh, anh nhận xét: “Điều đó cho thấy dù là hư cấu hay có thật, tác giả đã làm xong phần viết truyện của mình một cách hoàn bị rồi. Còn truyện có được khen hay chê, nhân vật có còn được ai nhớ và nhắc hay không, lại là phần khác, không phải do nơi tác giả nữa.”
Đúng như thế, anh Trung à. Công việc của tác giả là: hoàn tất tác phẩm. Và chỉ như thế mà thôi.Theo tôi, thái độ hay nhất của tác giả là: đừng nên hoang tưởng về tác phẩm đã ra đời của mình.
Riêng tôi, khi viết xong mấy trăm trang chữ của “Dặm trường”, đọc đi đọc lại, sửa lên sửa xuống, thêm đoạn này bỏ đoạn kia, lòng phân vân không biết số phận nó như thế nào, tôi nghĩ đến người phụ nữ mang nặng đẻ đau, bèn viết ở trang cuối cùng: “Viết rồi, đọc lại, muốn viết lại từ đầu, nhưng quá muộn. Nó đã chào đời.” Và tôi quyết định cho nó ra đời, lòng bỗng dưng nhẹ nhõm. Hơn mười năm sau, đọc lại, cảm giác cũng không mấy khác. Vâng, với tôi, “Dặm trường” chứa đựng nhiều nhược điểm điển hình của một truyện dài đầu tay. Không những chỉ “Dặm trường”, mà đọc lại những gì mình viết, bao giờ tôi cũng có cảm giác thất vọng. Nếu xem mỗi tác phẩm là một đứa con thì đứa con nào dường như đều có khuyết tật. Thế mà lạ, tôi vẫn tiếp tục viết. Và rồi lại thất vọng. Tôi nhận ra một điều, anh Trung à: cái lạ của văn chương là không phải cứ thích viết hay là nó hay và thích… viết dở là nó dở. Văn chương cũng không hẳn là sở học. Không hẳn là tay nghề. Văn chương không phải là thứ người ta có thể cưỡng cầu. Văn chương hình như chỉ là …văn chương. Thích viết ư, mời cầm bút lên mà viết. Bằng tấm lòng. Hay ư, dở ư….
Nhưng tôi vẫn có cảm giác tự hào: sự có mặt. Đối với những gì tôi đã viết ra, tôi không “cưng” chúng, nhưng thành thật quý chúng. Văn chương, nghĩ cho cùng, là sự có mặt. Với tôi, viết là một cách thế hiện diện. Hơn thế, một thách đố với những thất vọng về chính mình. Trong một hy vọng vượt qua khỏi mình. Chừng đó là
đã quá lớn cho một giấc mơ rồi, anh Trung à!
LTT:
Thưa anh TDN,
Lâu này, tôi thấy anh cũng viết lai rai, nhưng không đều đặn như thời gian đầu khi mới qua định cư. Lâu quá mới đọc được tùy bút “T(uy)ết trắng” của anh trên Da Màu vào ngày mùng một Tết Tân Mão này. Thời gian sau này, hình như cách viết của anh có khác. Anh có còn viết thêm truyện nào mang đậm chất tính dục nữa không? Và với anh nhơn Tết này, ở khía cạnh viết lách, anh mê gì nhứt trong những ngày sắp tới, thưa anh ?
TDN:
Anh LTT mến,
Hiện nay, đề tài tính dục không còn (hay ít) ám ảnh tôi nữa. Sau một số thử nghiệm, tôi có cảm giác mình vượt qua được nó rồi. Có lẽ vì trong xã hội Mỹ (và xã hội VN hiện nay), yếu tố tính dục không còn bị húy kỵ như xưa, nên vấn đề chuyển sang phía khác. Tôi lại bị ám ảnh bởi một yếu tố khác: chữ. Chữ/ nghĩa là động lực gây ra vô vàn điều xấu trên thế gian. Chữ và nghĩa, hai vấn nạn lớn của con người trong thời đại truyền thông. Chung quanh ta toàn là chữ và chữ. Số chữ thì giới hạn mà nghĩa thì vô cùng. Chúng ta bị chữ vây bủa và uốn nắn mà vẫn cứ tưởng mình làm chủ được mình. Tôi đang tìm hiểu về “Ký hiệu học” (Semiotics) là môn nghiên cứu về các ký hiệu (signs), đặc biệt là chữ và vấn đề ẩn dụ (cũng liên quan đến chữ) và dự định viết một tiểu luận về vấn đề này. Và cũng đang sáng tác một truyện ngắn liên quan đến “chữ”. Ngoài ra, trong năm này, tôi sẽ in tiếp một tập truyện ngắn gồm có những truyện và tùy bút tôi đã viết trong thời gian trước đây.
LTT:
Ngoài ra, được biết anh còn ký bút hiệu Thế Quân trong mục "Tin Văn" trên tạp chí Văn Học ở California do nhà văn Nguyễn Mộng Giác làm chủ bút. Với công việc này chắc anh phải đọc báo văn học ngoại quốc nhiều, dĩ nhiên mất nhiều thì giờ. Anh có thể chia sẻ một chút về công việc đúc kết các trang tin văn này và những trở ngại cùng lợi ích của công việc đúc kết này trong sáng tác của anh có nhiều lắm không, thưa anh?
TDN:
Cám ơn anh nhắc đến Thế Quân. Vâng, với bút hiệu này, tôi đã phụ trách phần “Tin Văn” cho tờ Văn Học trong gần 4 năm, từ số 179 (tháng 3/2001) cho đến số 222 (tháng 11&12 /2004, khi Văn Học được chuyển giao cho nhà văn Cao Xuân Huy. Trong những lần ghé quận Cam (California), thăm anh Nguyễn Mộng Giác, chứng kiến anh một mình một chợ dành rất nhiều thời gian để chăm lo cho tờ Văn Học, với tấm lòng muốn duy trì tiếng nói văn chương của người Việt hải ngoại, thấy anh Giác gần như hy sinh công việc sáng tác, tôi nhận lời tiếp tay anh bằng cách phụ trách hẳn phần Tin Văn. Một mặt, để phổ biến tin tức và văn học thế giới đến độc giả Việt Nam, mặt khác, để lấp đầy một số trang, đỡ đi một phần nào nỗi lo lắng bài vở mà người chủ biên nào cũng đêm ngày lo lắng. Với trung bình khoảng 10 trang tin văn cho một số báo, tôi cũng khá bận bịu. Ngày nào cũng phải đọc nhiều tờ báo văn học khác nhau, tìm tin, lựa tin rồi tra cứu về tác giả và tác phẩm. Đọc và dịch. Với ý định để cho độc giả nắm vững ngọn nguồn, nói là tin, thực ra, không chỉ là đưa tin, bản tin nào tôi cũng cố gắng viết như một bài viết và có khi viết hẳn thành một tiểu luận.
Lúc đầu là do muốn đóng góp, đến khi quen, tôi đâm ra thích thú với công việc. Vì nhờ đó, mà tôi có dịp đi sâu vào sinh hoạt văn chương thế giới, có dịp tiếp cận được cái phong phú, cái đa dạng của văn chương nhiều nước. Càng biết, càng học hỏi mới càng thấy mình nhỏ bé và càng thấy cái cộng hòa văn chương Việt Nam mình còn chật chội, còn thiếu thốn, còn khiêm tốn quá.
Tôi xem thời gian phụ trách Tin Văn cho tờ Văn Học là thời gian nghiên cứu và học hỏi. Cuốn “Tác giả, tác phẩm và sự kiện” là thành quả của thời gian làm Tin Văn.
LTT:
Anh Trần Doãn Nho thân mến,
Xin chân thành cảm ơn anh đã chia sẻ vài chi tiết về cách viết truyện của anh, giúp tôi lãnh hội thêm phần nào tâm lý các nhân vật mà anh dựng nên với nhiều dụng ý. Nhơn dịp đầu năm mới Tân Mão, kính chúc anh và gia đình nhiều sức khoẻ, vạn an. Và lúc nào tôi cũng hy vọng đọc được thêm nhiều các sáng tác mới của anh trong những ngày sắp tới.
TDN:
Anh Lương Thư Trung thân mến,
Vai hàng chia xẻ cùng anh. Như là một kỷ niệm.
Rất bạn bè và rất văn chương.
Cho tôi gửi lời thăm chị và các cháu cùng cháu ngoại và cháu nội.
Thân,
Trần Doãn Nho
LTT:
Anh Trần Doãn Nho,
Một lần nữa xin cảm ơn anh rất nhiều.
Trân trọng kính chào anh.
Houston, Ngày Mùng Sáu Tết Tân Mão, nhằm ngày 09-02-2011
Lương Thư Trung
----------------------------------------------------------------------------
5 Comments To "đàm thoại với nhà văn Trần Doãn Nho"
#1 Comment By Vũ Thất On 16 February 2011 @ 10:34 am
Trần Doãn Nho là một nhà văn đa tài. Tôi đọc hầu hết các tác phẩm, các bài viết đa dạng của anh. Nhiều năm trước đây, đọc truyện dài Dặm Trường, tôi đã rất hài lòng với lối diễn đạt sắc nét về những mảng đời thê thảm của dân… ngụy. Hôm nay đọc “Đàm thoại với nhà văn Trần Doãn Nho” của Lương Thư Trung, tôi thấy cần phải đọc lại tác phẩm này và quyển ” Viết Và Đọc” để học hỏi thêm về nghệ thuật viết tiểu thuyết.
#2 Comment By black raccoon On 16 February 2011 @ 10:42 am
Với tôi, tình dục trong sáng tác cần phải có.(TDN)
Không hiểu sao, tui thích 2 chữ tình dục hơn là tính dục. Cũng như, thích cảm tình – tình cảm hơn là cảm tính. Tui không hiểu , khi phân tích thì tình dục có khác tính dục hay không? Chỉ đơn giản là thích. Thích tình.
Có lần tui nói chuyện vui với bạn bè, tui cho rằng biểu con mèo có cảm tính thì đúng. Nó cạ chưn cạ tay mình khi đi đâu đó về nhà. Nói con mèo có cảm tình xem. Không được.
Hay nói theo cách của nhà văn Trần Doãn Nho. Tình dục, cũng là muốn vượt qua “sự kiện” nhu cầu tính dục, hay chăng?
Cám ơn hai nhà văn LTT và TDN
ngẩn ngơ
em mặc lại
chiếc áo ngày xưa
lụa hồng bông trắng
khăn xếp nhụy vàng
quần tinh nhung
mỏng tươm
còn thơm
thơm hương nếp mới
những ngón tay
phượng hoàng
chao nghiêng
bay chấp hồng hoang
dấu son cũ
giờ hoa mãn khai
em mặc lại
áo hồng bông trắng
khăn xếp nhụy vàng
quần mỏng nhung
nầy lý tang tình
ai dòm ngó
cho tình anh ngẩn ngơ
br
2/8th/2011
http://www.youtube.com/watch?v=io6k4UhcUVo
#3 Comment By namdao On 21 February 2011 @ 10:17 am
Mượn lời Đỗ Phủ, gửi Trần quân:
Văn chương thiên cổ sự
Thất đắc thốn tâm tri
tạm ( và phóng) dịch: Xưa nay chuyện văn chương, Hay dở tại lòng mình.
Chữ và nghĩa: thời cận đại này ( văn hoá thị trường có định hướng các loại chủ nghĩa!), trong vc Việt Nam, chữ nhiều mà nghĩa thì lại ” nghèo ” đi ?
#4 Comment By Trần Doãn Nho On 22 February 2011 @ 5:37 pm
Kính anh Vũ Thất: Rất mừng vì được anh khen, nhưng tiểu đệ thành thật không dám nhận. Mong có cơ duyên được gặp lại anh ở đâu đó, Boston hay Washington DC.
Chào bạn black raccoon: Theo tôi, qua cách dùng thông thường mà đã trở thành thói quen thì tình dục khác tính dục. Tình dục thì dục đi với tình/ tình có kèm theo dục, nên tình dục nghe mặn mòi, nghe “tình” hơn. Còn tính dục để chỉ động tác thuần ân ái, sử dụng trong sinh lý học. Người ta gọi là “giáo dục tính dục” chứ không “giáo dục tình dục”. “Tính” cũng được dùng trong “phái tính”, “nữ tính”.
Nhân bạn đề cập, tôi cũng tò mò đi tra từ điển Anh-Hán và Hán-Anh online (http://www.mdbg.net/chindict/chindict.php), thì thấy:
– Chữ “sex” hay “sexuality” được dịch ra là “tính” (性), không kèm theo chữ dục (欲), nghĩa là trong chữ “tính” đã bao hàm nghĩa “tính dục”.
- Có chữ 性 事 (tính sự), cũng chỉ “sex”.
- Chữ tính (性) được chuyển qua tiếng Anh, ngoài sex hay sexuality, còn là gender hay nature, character…
- Còn chữ love tiếng Anh được dịch ra Hán là 爱 (ái) hay 爱情 (ái tình); và khi tra chữ tình (情) từ Hán qua Anh thì là emotion, feeling.
- Ngoài ra, chữ Hán cũng có tính dục (性欲) và tình dục (情欲) đều được chuyển qua tiếng Anh là “sexual desire” (ham muốn tình dục).
Như thế thì tuy dựa theo chữ Hán, nhưng hai chữ “tình dục” và “tính dục” được người Việt dùng với một nghĩa tương đối khác với chữ Hán.
Cám ơn bạn đã quan tâm đến ý kiến của tôi và xin góp ý vài giòng để gọi là “làm quen”.
Thân gửi Nguyễn quân: Xin ghi nhận lời nhắn gửi của Nguyễn quân. Rảnh, thân mời Nguyễn quân ghé lại Boston (vài) lần nữa. NTKhôi và CPhương và tôi khi nào cũng sẵn sàng thù tiếp.
#5 Comment By black raccoon On 22 February 2011 @ 7:51 pm
Chào nhà văn Trần Doãn Nho
Rất là vui khi được làm quen và trò chuyện với ông . Ông nói đúng , dùng “giáo dục tính dục” thì chính xác hơn là “giáo dục tình dục”. Vì chữ tình dĩ nhiên quá bao la hơn chữ tính.
Tui nhớ , ngày trước ở miền Nam hay dùng “giáo dục sinh lý” cũng hay hay. Có một phim theo kiểu tài liệu giáo dục của chánh phủ, phim “sinh lý sinh dục”. Phần đầu , là các câu chuyện về sinh lý giới tính nam nữ. Phần sau liên quan đến sinh dục ,gồm các vấn đề thụ thai sanh nở.
Bác sĩ Trương Ngọc Hơn có viết 2 cuốn sách : ” người con trai cần nên biết về các vấn đề nam nữ ” và ” người con gái…”. Các vấn đề nam nữ mà bs đề cập chính là các vấn đề “tính dục”. Cái tựa sách hơi “văn nghệ” phải không ? Dẫu sao , tính dục cũng làm giàu thêm kho từ vựng về các vấn đề thuộc sexuality.
Một lần nữa xin cám ơn nhà văn Trần Doãn Nho.
Thân chào.
--------------------------
http://damau.org
23/6/11
Thanh Tâm Tuyền -Resurrection / Phục sinh
Resurrection / Phục sinh
Thanh Tâm Tuyền
I itch for crying like I itch for nausea
on the street
crystalline sun rays
my name I call to slake the longing
thanh tâm tuyền
in the evening when stars shatter into church bells
I ask for a secret kneeling place
for the child of my soul
which fears the fierce dog
the hungry one devoid of colors
I itch for dying like I itch for sleep
though I’m standing on a river bank
the deep opaque water stirs in sleeplessness
I scream my name to deaden the fury
thanh tâm tuyền
night founders onto a realm of murmuring sins
O little red riding hood
here comes a wolf
the wandering kind
I crave to kill myself
the eternal murderer
I wail out my name in anguish
thanh tâm tuyền
I throttle my neck ’til collapsing
in order for me to resurrect
through chains and chains of continuous life
humankind never can forgive homicide
headsmen collapse on their knees
at the time of resurrection
utterances are prayers
in centuries of longing
I crave to live like I crave to die
amidst intertwining breaths
my chest ablaze
softly I call out
dear,
open your heart
my soul has been reborn into a child
pristine as the truth one time
Phục sinh
tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không màu
tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng bên bờ sông
nước đen sâu thao thức
tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền
đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi
em bé quàng khăn đỏ ơi
này một con chó sói
thứ chó sói lang thang
tôi thèm giết tôi
loài sát nhân muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
thanh tâm tuyền
bóp cổ tôi chết gục
để tôi được phục sinh
từng chuỗi cuộc đời tiếp nối
nhân loại không tha thứ tội giết người
bọn đao phủ quỳ gối
giờ phục sinh
tiếng kêu là kinh cầu
những thế kỷ chờ đợi
tôi thèm sống như thèm chết
giữa hơi thở giao thoa
ngực cháy lửa
tôi gọi khẽ
em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật.
Thanh Tâm Tuyền
I itch for crying like I itch for nausea
on the street
crystalline sun rays
my name I call to slake the longing
thanh tâm tuyền
in the evening when stars shatter into church bells
I ask for a secret kneeling place
for the child of my soul
which fears the fierce dog
the hungry one devoid of colors
I itch for dying like I itch for sleep
though I’m standing on a river bank
the deep opaque water stirs in sleeplessness
I scream my name to deaden the fury
thanh tâm tuyền
night founders onto a realm of murmuring sins
O little red riding hood
here comes a wolf
the wandering kind
I crave to kill myself
the eternal murderer
I wail out my name in anguish
thanh tâm tuyền
I throttle my neck ’til collapsing
in order for me to resurrect
through chains and chains of continuous life
humankind never can forgive homicide
headsmen collapse on their knees
at the time of resurrection
utterances are prayers
in centuries of longing
I crave to live like I crave to die
amidst intertwining breaths
my chest ablaze
softly I call out
dear,
open your heart
my soul has been reborn into a child
pristine as the truth one time
Phục sinh
tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không màu
tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng bên bờ sông
nước đen sâu thao thức
tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền
đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi
em bé quàng khăn đỏ ơi
này một con chó sói
thứ chó sói lang thang
tôi thèm giết tôi
loài sát nhân muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
thanh tâm tuyền
bóp cổ tôi chết gục
để tôi được phục sinh
từng chuỗi cuộc đời tiếp nối
nhân loại không tha thứ tội giết người
bọn đao phủ quỳ gối
giờ phục sinh
tiếng kêu là kinh cầu
những thế kỷ chờ đợi
tôi thèm sống như thèm chết
giữa hơi thở giao thoa
ngực cháy lửa
tôi gọi khẽ
em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật.
Hai Trầu - Thăm hỏi nhà thơ Trần Phù Thế
Thăm hỏi nhà thơ Trần Phù Thế
Hai Trầu
11 January 2011
(Source : DA MAU )
HT:
Mến chào anh Trần Phù Thế,
Được biết anh có quê quán Sốc Trăng, nhưng quê anh thuộc làng nào và có gần Kế Sách hoặc Đại Ngãi không thưa anh ?
TPT :
Mến chào anh Hai,
Quê tôi làng Hậu Thạnh nhưng lúc bốn tuổi gia đình dọn ra Đại Ngãi. Năm 1968 dọn nhà về Cần Thơ. Chúc anh mạnh giỏi.
HT:
Thưa anh,
Anh có thể kể cho nghe một chút về làng Hậu Thạnh và Đại Ngãi nhe! (Năm 1968, tôi cũng đang ở Cần Thơ, gần chùa Cây Bàng; sau Tết Mậu Thân lại dời qua hẻm số 2 đường Nguyễn Trãi; vậy anh ở đường nào?
Lúc bấy giờ anh đã làm thơ chưa hay anh làm thơ từ hồi còn dưới Đại Ngãi (Sốc Trăng), thưa anh?
Ngoài ra, vào những năm trước 1975, theo chỗ tôi biết, ở Cần Thơ có thi văn đoàn Về Nguồn (1964-1975), tạp chí Văn Nghệ Miền Tây do Ngũ Lang làm chủ bút (1967-1968), tạp chí Miền Tây Thăng Hoa do nhà sưu khảo Nguyễn Bá Thế chủ trương (1972-1975, như vậy, vào những ngày anh dọn nhà về Cần Thơ anh còn thấy những tạp chí văn chương nào khác nữa không?
TPT:
Thưa anh Hai Trầu,
Làng Hậu Thạnh thuộc quận Long Phú, tỉnh Sốc Trăng nằm trên trục lộ từ Sốc Trăng đi Đại Ngãi. Đó là nơi tôi chào đời năm 1943. Ba tôi làm ruộng và Má tôi buôn hàng xén tại nhà.Khi lớn lên nghe Ba tôi kể lại Năm 1945 người Miên từ xã Văn Cơ ” Nổi Dậy “. Họ uống rượu say, mắt đỏ ngầu, tay cầm Mã Tấu gặp người Việt lá chém liền. Họ đi đến đâu là cướp của, đốt nhà. Ba tôi là nạn nhân của chúng. Nhưng may mắn chạy thoát được với vết thương trí mạng trên lưng vai trái. Sau đó Ba Má tôi dọn nhà ra chợ Đại Ngãi ( nằm trên ngã ba sông Bassac và sông Đại Ngãi) cách Hậu Thạnh ba cây số. Thời đó, chợ Đại Ngãi rất trù phú,đông dân, trên bến dưới thuyền, là nơi tụ hội của giới thương hồ từ Long Phú, cù lao Dung lên, Cầu Quan, Trà Ôn qua và Kế Sách xuống.Khi gia đình sinh sống ở Đại Ngãi lúc đó tôi đã chín tuổi mới được đi học. Học xong Tiểu Học tôi vào Sốc Trăng cùng thằng bạn cất cái nhà lá nhỏ ( đường vào mã Quách Sên ) đi học và tự nấu ăn. Năm học Đệ Tam năm 1962 ( học trò gọi là năm ăn chơi). Trần Phù Thế (Mặc Huyền Thương) cùng với Lâm Hảo Dũng (lúc đó bút hiệu Mây Viễn Xứ ), Lưu Vân ( Tăng Quang Duyên), Triệu Ngọc (Trần Hữu Hạnh) thành lập nhóm thơ “Cung Thương Miền Nam”. Thời gian sau có thêm Nguyễn Lệ Tuân (Nguyễn Minh Y) và Trần Biên Thùy (La Phước Hùng) . Trước đó Thị xã Khánh Hưng đã có thi đoàn Hoa Hậu Giang của Lệ Trường Giang hoạt đông. Năm sau thi văn đoàn Hồn Trẻ 20 ra đời với Vũ Ngọc Đức, Phù Sa Lộc, Lâm Hảo Khôi ( Trần Tử Lan )…Ngoài ra ở Sốc Trăng còn có nhà giáo, nhà thơ Trần Như Liên Phượng nổi tiếng từ năm 1960 ( phục vụ SĐ21/BB) đã tử trận năm 1965 tại Chương Thiện. Tôi đi lính K25/TĐ năm 1967. Sau Tết Mậu Thân (1968 gia đình dọn về Cần thơ đưòng Trương Định. Lúc đó tôi đã ra trường TĐ và đơn vị tôi đang bận hành quân. Mãi tới cuối năm 1968 tôi mới được về phép. Tuy mang tiếng nhà ở Cần Thơ nhưng vì phục vụ TK/Gia Định mỗi năm về phép mấy ngày nên tôi như là khách trọ qua đường.
HT:
Thưa anh Trần Phù Thế,
Theo như anh kể, năm 1962, anh với bút hiệu Mặc Huyền Thương cùng với Lâm Hảo Dũng ( lúc đó bút hiệu Mây Viễn Xứ ), Lưu Vân (Tăng Quang Duyên), Triệu Ngọc ( Trần Hữu Hạnh ) thành lập nhóm thơ “Cung Thương Miền Nam“. Sao lại là “Cung Thương” và xin anh có thể nói thêm một chút về sinh hoạt của nhóm thơ “Cung Thương Miền Nam ” lúc ấy, thưa anh?
TPT:
Anh Hai à,
Chuyện là như thế nầy. Cung Thương là hai trong ngũ âm của nhạc cổ điển Trung Quốc (Cung, Thương, Chủy, Giốc, Vũ):
cung thương làu bậc ngũ âm
nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương
(Kiều)
Sở dĩ chọn hai chữ Cung Thương là vì tất cả thành viên trong nhóm đều tự tin vào tác phẩm của mình sẽ được độc giả chấp nhận. Thời đó những tay viế trẻ đều mong muốn thơ hoặc văn mình được tạp chí VĂN ( thời Trần Phong Giao thơ ký tòa soạn ) đăng một bài ( dù chỉ một bài ) thì lập tức cả giới văn nghệ như tụi tôi đều biết tên. Tạp chí VĂN biểu tượng Đẳng Cấp của những cây viết trẻ thời đó. Chỉ một năm hoạt động đã có ba thành viên có bài đăng trên VĂN: Lâm Hảo Dũng, Lưu Vân và Mặc Huyền Thương. Dù đã bốn mươi bảy năm qua, nhưng khi cầm tạp chí VĂN trên tay. Có đăng bài thơ ” Nhạc Trăng” của mình một cách trang trọng. Tôi sung sướng phát khóc. Đứa con yêu quí của tôi nằm phơi phới nguyên một trang. Hình như hai chữ Nhạc Trăng đang mỉm cười với tôi, lại còn nheo mắt, như thầm nói: Đã chưa bạn?
trăng nhập vào trăng lạnh tiếng đàn
nghe giòn sao vỡ thủy tinh tan
chơi vơi tiếng hát cao trừng vọng
ta gởi hồn qua giấc hỗn mang
rỉ máu lên từng giọt ngón tay
ta thương hồn chết đã bao ngày
trăng mơ chảy mượt từng chân tóc
ta uống trăng vàng giọt giọt say
trăng hát miên man buồn chậm chậm
mây đời che khuất bóng trăng tan
hồn ta treo cổ vầng trăng khuyết
và chết vào đêm bóng nguyệt tàn.
(Nhạc Trăng)
HT:
Anh Trần Phù Thế thân,
Nghe anh kể bài thơ Nhạc Trăng được đăng trên tạp chí Văn vào thời ấy là biết mê rồi. Hồi thời đó ai viết văn làm thơ mà được các tạp chí văn học ở Sài Gòn chọn đăng thì, nói theo cách nói dân miền Tây mình, “dù hèn cũng thể, dù bể cũng còn kêu cạch cạch”. Theo anh có phải vậy không ?
Tôi thấy có cái này nữa, muốn biết mà không biết hỏi ai. Đó là vào những năm 1960-1970, nhiều tác giả hay lấy bút hiệu ba chữ, như anh là Mặc Huyền Thương; Lâm Hảo Dũng có bút hiệu Mây Viễn Xứ; rồì Lê Mai Lĩnh thì Sương Biên Thùy; Lê Cần Thơ thì nào là Kiều Hương Trinh, Trương Yến Linh, Huyền Vân Thanh, Lê Hoàng Viện; ở thị xã Khánh Hưng (Ba Xuyên) còn có Phù Sa Lộc như anh kể. Đặc biệt nhứt là vào những năm ấy sao người ta hay lấy mây, sao, sương, cát làm bút hiệu quá vậy anh Trần Phù Thế? Phải chăng đó là một phong trào chọn tên cho hợp với trời trăng mây nước chăng?
TPT:
Thưa anh Hai,
Thập niên 60-70 tuổi học trò lứa tuổi anh em mình phần lớn đều thích thơ văn. Tôi nhớ, hồi ở trung học. Hôm nào, thầy trả bài luận văn, bài nào hay nhất, thầy cho một bạn có giọng tốt đọc lên cả lớp cùng nghe. Trò nào được tuyên dương là đỏ mặt, tía tai sung sướng. Bạn bè đều hướng mắt nhìn ngưỡng mộ. Huống chi, thị xã Sốc Trăng nhỏ xíu, một học trò có thơ văn đăng báo là niềm hãnh diện chẳng những cho cá nhân mà còn cho cả lớp, cả trường. Cho nên nói theo cách nói dân miền Tây mình: “dù hèn cũng thể, dù bể cũng còn kêu cạch cạch ” là đúng vậy.
Nhiều tác giả, những năm 1960-1970 hay lấy bút hiệu ba chữ thì tôi chịu thua không thể giải thích được. Trừ trường hợp tác giả tự giải nghĩa về bút hiệu của mình. Tuy nhiên giải nghĩa chơi chơi bút hiệu các bạn thơ quen thì tạm được. Như Mây Viễn Xứ. Từ nhỏ Lâm Hảo Dũng sinh ở Cao Miên rồi gia đình dời nhà về Bố Thảo (Sốc Trăng ), học ở Khánh Hưng, học Nông Lâm Súc ở Cần Thơ và đi lính lang thang khắp vùng Ba, vùng Bốn chiến thuật. Như vậy thì không “Mây Xa Nhà” là gì. Còn tên Tăng Quang Duyên bút hiệu Lưu Vân cũng là lưu linh thiên địa. Hắn thích uống rượu và như mây bay lang thang. Cuối cùng tôi có thể nghĩ đó cũng là một phong trào đặt bút hiệu cho sướng mà thôi.
LTT:
Còn Mặc Huyền Thương là do đâu, thưa anh?
TPT:
Anh Hai Trầu ơi,
Với tôi, Mặc là im lặng không nói (hay không dám nói). Chuyện nầy nói ra thiệt là mắc cở quá chừng. Lúc mà ta mười lăm đã lòng say bậu rồi …. Tôi khoái một cô bé tên Thương Huyền. Gia đình cô bé rất giàu có, nên cô ấy vô cùng kiêu ngạo. Hơn nữa ba cô bé mặt lạnh như tiền. Tôi đành nhốt hình bóng kiều diễm của bé vào trái tim. Tôi bắt đầu làm thơ. Nghĩ tới nghĩ lui cả tháng không tìm được bút hiệu nào vừa ý. Trực nhớ tới Thương Huyền. Tôi đi tới đi lui trong phòng. Miệng lẩm bẩm đọc tên nàng ngược xuôi, xuôi ngược như lên đồng: Thương Huyền… Huyền Thương…Thương Huyền… Huyền Thương… Cuối cùng tôi quyết định chọn tên Huyền Thương để tránh nàng hiểu lầm là tôi mê nàng. Tôi đọc lần nữa thấy chỉ cần thông minh một chút là khám phá ra ý đồ của tên cà chớn liền. Tôi lại đi tìm cuốn từ điển tiếng Việt, coi đồng nghĩa với im lặng là gì. Bắt gặp chữ” Mặc “. Tôi mừng như bắt được vàng. Tôi đọc to lên: Mặc Huyền Thương… Mặc Huyền Thương nghe cũng êm tai ra phết.
Khi tôi vào lính. Tôi lấy tên thật và họ thật chỉ thay chữ lót để trở thành bút hiệu bây giờ.
HT:
Anh Trần Phù Thế ơi,
Cảm ơn anh đã chia sẻ bút hiệu Mặc Huyền Thương rất lãng mạn. Hồi đó bút nhóm “Cung Thương Miền Nam” của anh ngoài gởi bài đăng báo, các anh có ra đặc san, bích báo hoặc phổ biến thơ bằng cách nào nữa, thưa anh?
Bút nhóm “Cung Thương Miền Nam” mãi tới năm nào thì ngừng sinh hoạt?
Anh có thể kể sơ qua một chút về tác giả Phù Sa Lộc, ngày nay ông còn làm thơ nữa không hay đã nghỉ hưu rồi ?
TPT:
Thưa Anh Hai Trầu,
Nhóm Thơ ” Cung Thưong Miền Nam ” bắt đầu hoạt động cuối năm 1962. Anh em trong nhóm chủ trương phổ biến tác phẩm rộng rãi trên Nhật Báo, Tuần Báo, Bán Nguyệt San, Nguyệt San, phát hành ở Sàigòn. Như vậy, sẽ có nhiều đọc giả hơn là Bích báo, Đặc san chỉ hạn chế tại địa phương. Nhóm Thơ “Cung Thương Miền Nam ” chỉ hoạt động có ba năm. Đến cuối năm 1965 các thành viên trong nhóm đồng ý không sử dụng tên CTMN nữa. Mỗi cá nhân tự mình gởi tác phẩm cho các báo đăng tải. Tuy nhóm CTMN chánh thức hoạt động có ba năm, nhưng cũng gây được chút ít tiếng vang và chú ý của độc giả cả Miền Nam lúc bấy giờ.
Thưa anh,
Trường hợp nhà thơ Phù Sa Lộc, chào đời tại thành phố Cần Thơ. Hiện nay nhà thơ đã về hưu, cũng vẫn còn làm thơ, cùng gia đình sinh sống tại ngôi nhà tại công viên Đồ Chiểu Cần Thơ mà năm mươi năm trước PSL đã ở. Hai tháng trước, nghe tin PSL bị bệnh sơ gan. Một số bạn thơ trước năm bảy lăm : HTS, LHK, LTN,TTT, TPT có chung góp chút tiền gởi về cho PSL tri bệnh. Cũng cần nói thêm một chi tiết đặc biệt. Phù Sa Lộc (trong nhóm Hồn Trẻ Hai Mươi) chánh hiệu con nai là người Tàu, nhưng hắn làm thơ tiếng Việt rất là hay.
HT:
Anh Trần Phù Thế,
Còn các anh trong nhóm Cung Thương Miền Nam của anh hiện nay thì sao, thưa anh ?
TPT:
Thưa anh,
Lưu Vân hiện sống ở Bình Dương, Hắn vẫn còn viết lai rai kiếm tiền để sống. Trần Biên Thùy bán tạp hóa tại xã Khánh An (biên giới Việt Miên). Triệu Ngọc ở Cần Thơ là thầy giáo. Bây giờ đã về hưu không viết lách gì. Lâm Hảo Dũng định cư tại Canađa (Chủ nhiệm bán nguyệt san Tự Do thành phố Vancouver). Riêng Nguyễn Lệ Tuân đã mất tại Sàigòn.
HT:
Anh Trần Phù Thế ơi,
Phải chăng bài thơ “Bậu về” dưới đây, in trong thi phẩm “Gọi Khan Giọng Tình” là nỗi niềm của cậu bé 15 biết yêu cô gái Huyền Thương ngày ấy? Bài thơ như một lời ca dao rặt miền Tây Nam Phần với sông nước Hậu Giang ngọt mát bốn mùa. Tài tình nhất là các chữ dùng rặt miền quê mà ngập tràn thương mến, hình ảnh rất đơn sơ mà làm nên nỗi nhớ cả một đời, nào là “chùm me“, “xoài tượng”, “nước mắm”, “chút đường”,”mình ên”, “kẹp tóc”… Phải chăng Trần Phù Thế làm thơ tình không giống ai và không có ai làm thơ tình giống Trần Phù Thế nổi ? Anh nghĩ sao ? Nếu có thể được, xin anh vui lòng kể cho nghe về hoàn cảnh ra đời bài thơ này.
Bậu về
bậu về liếc mắt đong đưa
gió Xuân đầy mặt
như vừa chín cây
bậu về má đỏ hây hây
ta mười lăm đã lòng say bậu rồi
bậu còn
chơi ác nói cười
những câu dí dỏm
chết đời ta chưa
bậu về nhớ nắng thương mưa
hình như cây cỏ cũng ưa bậu về
như là có chút nắng hè
như là có cả
chùm me chua lừng
như là xoài tượng thơm giòn
thêm vào nước mắm chút đường khó quên.
bậu về
Đại Ngãi mình ên
bỏ quên kẹp tóc
bắt đền tội ta
bậu quên là tại bậu mà
tại sao bậu bắt đền ta một đời
tội này không chịu bậu ơi !
TPT:
Thưa anh,
Năm 2004. Võ Đức Trung của nhóm Văn Hóa Pháp Việt tại Paris, có mời tôi góp mặt trong tuyển tập thơ Một Phần Tư Thế Kỷ Thi ca Việt Nam Hải Ngoại 3. Sách phát hành một tháng sau. Tôi nhận được một phong thư gởi từ nước Germany trời Âu. Tôi ngỡ ngàng khi hai chữ Thương Huyền nằm trên góc trái bìa thư đập nào mắt tôi. Dễ chừng hơn bốn mươi năm không gặp nàng. Bây giờ bỗng nhiên xuất hiện. Tôi vội vàng xé phong bì với niềm xúc động. Tội đọc ngấu nghiến, những con chữ như nhảy múa dưới mắt tôi. Thì ra con sáo nhỏ của tôi ngày xưa (dù nàng chưa bao giờ biết tôi mê nàng ), bây giờ đã con đàn cháu đống.
Gia đình nàng vượt biên năm 1980 và hiện định cư tại Đức. Nàng cho biết ngày xưa có biết tôi làm thơ và đã từng thích thơ MHT nhưng không biết là bút hiệu của tôi. Trời ạ, trời hại tôi rồi. Nếu lúc đó tôi học thuộc hai chữ “can đảm,” bây gìờ có thể nàng là bà Nội, bà Ngoại của đàn cháu tôi rồi . Nàng cho biết đã đọc bài thơ “Tuổi Thơ Đại Ngãi” trong tuyển tập của Nhóm Văn Hóa Pháp Việt và bần thần suốt ngày. Những kỷ niệm thời thơ ấu như sống lại, hiển hiện trước mắt. Nàng bèn liên lạc với Võ Đức Trung xin địa chỉ tôi và đã viết thư cho tôi với lời cám ơn. Anh Hai biết không. Đọc thư xong, niềm cảm khái dâng trào, tôi ngồi vào bàn viết và viết trong bốn mươi lăm phút là hoàn tất bài thơ “Bậu về”. Tối hôm đó, tôi đọc lại bài thơ vừa sáng tác “Bậu về” cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó. Thế là tôi viết luôn bài thơ “Tình Bậu Nhẹ Hều,” ý trách nàng một chút, để xoa dịu lòng nhát gan của mình:
rất nhẹ nhàng
hình như không lay động
bậu nhẹ về
như hơi thở dòng sông
ta ngây ngất
thèm đôi môi đỏ mộng
bởi mê tình nên nuôi mãi tình không
bậu biết đó
tình nào không mê mệt
những thiết tha
cùng nhịp đập con tim
nên một bữa
dạt dào tình dậy sóng
khi tóc thơm phảng phất một mùi quen
như bữa đó
bậu về trong cơn gió
gió thênh thang
bay khắp nẻo vô chừng
bậu lại nữa lượn lờ không biết mỏi
chỉ riêng ta khan tiếng gọi người dưng
mong đêm nay
bậu về trong giấc ngủ
trong mùi thơm
hoa sứ trước hiên nhà
con bướm nhỏ quạt hoài chùm hoa sứ
cũng như ta đuổi mệt tình càng xa
ta rất nhẹ nâng niu tình hai đứa
cất trong tim
không dám chạm vào tim
ta chỉ sợ một giây hai phút nữa
tình biệt luôn trốn mất biết đâu tìm
bậu coi nhẹ, nhẹ hều tình hai đứa
ta nặng tình, dẫu chết chẳng hề quên.
(tình bậu nhẹ hều)
HT:
Anh Trần Phù Thế,
Xin cảm ơn anh đã kể cho nghe về hoàn cảnh ra đời của hai bài thơ “Bậu về” và “Tình bậu nhẹ hều” với mối tình lúc mới mười lăm mà mãi tới nay vẫn còn man mác nhớ và trách hờn ấy. Nghe tác giả kể, đọc mấy vần thơ trên càng thấy thấm thía thêm.
Trong các sách vở khi định nghĩa “Bậu”: chữ nôm, nghĩa em, mầy như chữ em bậu, bậu bạn (bạn hữu chung cùng; đi theo nhau, hôm sớm có nhau), qua bậu (Tao mầy (tiếng nói thân thiết) như lớn nói với nhỏ, chồng nói với vợ)(1); “Bậu chỉ người nói chuyện với mình khác phái, có ý thương mến, thân mật”(2) hoặc “Bậu chữ được dùng như tiếng “em”, tiếng gọi vợ, hoặc nhân tình, hay em bạn”(3). Bậu (danh từ) (xưa): tiếng thân kêu vợ mình.(4)
Theo tôi, trong cả bốn định nghĩa ấy đều không có trách móc, giận hờn, nhưng sao ca dao mỗi khi nhắc đến “bậu” lại dường như chữ “bậu” được dùng để gọi nhau khi lúc dỗi hờn, lúc cơm không lành canh không ngọt như trong các câu ca dao hoặc trong các bài hát dỗ em, tôi còn nhớ dưới đây:
“Chẳng đánh bậu, để bậu luông tuồng,
Dang tay đánh bậu, thì bu ồn dạ anh.”
….
Ví dầu tình bậu muốn thôi,
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra .”
……
Bần gie đóm đậu sáng ngời,
Lỡ duyên tại bậu, trách trời sao nên.”
……
Bậu nói với qua, bậu không bẻ lựu hái đào,
Chớ đào đâu bậu bọc, lựu nào bậu cầm tay .”
Hoặc như trong bài thơ “Bậu về”, “ Tình bậu nhẹ hều” ít nhiều cũng là một lời trách khéo. Anh nghĩ sao?
TPT:
Thưa anh Hai Trầu,
Phần lớn trong ca dao ” Bậu ” được chiếu cố rất tận tình. Nào là: trách khéo, giận hờn, ghen tuông… Thậm chí dùng từ rất nặng như: phụ phàng, phản bội…Nhưng theo tôi ngôi thứ nhất xử dụng những từ ấy với ” Bậu ” cũng chỉ vì yêu mà thôi. Tôi thấy điều đó rất bất công với “Bậu”. Như tôi là một tên si tình rất mê ” Bậu “. Nên khi “Bậu” của tôi qua đời, tôi đã khóc “Bậu” bằng một bài thơ đấy thống thiết. Đến nỗi hai nhà thơ Hạ Đình Thao và Lê Văn Trung phải thốt lên “không có bài thơ khóc vợ nào tự cổ chí kim mà hay hơn được (*) “:
bậu đi biệt dạng hôm nào
ta trông mút mắt nhớ đau từng hồi
nhớ từ giọng nói tiếng cười
nhớ se tóc bạc cột đời hai ta
bậu đi hình như hôm qua
mà sao ta tưởng như là nhiều năm
bậu đi lạnh gối ta nằm
hình như cái lạnh, lạnh ngầm trong xương
bước qua ngưỡng cửa âm dương
bậu đi mình bậu chẳng vương vấn gì
còn ta ở lại sống lì
một thân , một bóng cu-ky một mình
bậu ơi, sao bậu làm thinh
nén nhang, cơm lạt bóng hình là đây
phất phơ hồn gió theo mây
mỗi đêm giỡn bóng trăng gầy tàn đêm
bậu về ta thấy lòng êm
như trăng thuở nọ bên thềm thanh xuân
như là tiếng hát bậu ngân
xuống câu vọng cổ tình quân phụ phàng
bậu về trăng sáng ngút làng
hương thơm dậy đất bàng hoàng hồn ta
ngất ngây ôm chặt trăng, và
tưởng đâu ôm bậu thịt da vẫn nồng
bậu đi hồn có về không
nhắn tin theo gió cho lòng ta yên
dầu cho bậu ở cõi trên
hay đang cõi dưới trong miền u-minh
một mai ta đã dọn mình
qưyết theo chân bậu lênh đênh cõi nào
dầu cho đất thấp trời cao
tử sinh là mới bắt đầu cuộc chơi
ngày mai bậu trở lại đời
và ta trở lại làm người bậu ưng
giọt mừng nước mắt rưng rưng
hai tay ôm bậu mà rung dậy tình.”
( bậu đi)
(*) Trích bài viết “BẬU Trong Thơ Trần Phù Thế.” (Lê văn Trung)
Trong tập san ” Thư Quán Bản Thảo” số 38
tháng – 2009. (HK).
HT:
Vâng thưa anh, đúng thế! Dường như trong văn chương truyền khẩu có sự bất công với chữ “bậu” hơi nhiều. Trong thơ văn ngày nay, tôi nghĩ chưa ai dám dùng chữ “bậu” trong thơ như anh và có lẽ chí có một Trần Phù Thế rất “mê” chữ “bậu” này như anh vừa kể và với những bài thơ trách bậu, thương nhớ bậu quá tha thiết mà anh vừa dẫn đủ để nói lên cái nét đặc thù trong thơ Trần Phù Thế . Và tôi nghĩ chữ “bậu” ngày nay ít người còn dùng nhưng chắc hồn chữ nghĩa của nó sẽ rất vui với tấm lòng ưu ái của anh dành cho “bậu” vậy !
Giờ xin trở lại bài thơ Nhạc Trăng đăng trên báo Văn lần đầu được anh viết vào hoàn cảnh nào và thơ đăng báo có được trả tiền nhuận bút không?
Nếu có, tiền nhuận bút một bài thơ so với tiền nhuận bút một truyện ngắn lúc bấy giờ có bằng nhau không, thưa anh?
TPT:
Thưa anh,
Tôi yêu trăng, tôi say đắm trăng từ thuở nhỏ. Mỗi đêm trăng sáng. Nhất là đêm mười bốn hoặc đêm rằm. Hồi đó (1954), Gia đình tôi từ làng Hậu Thạnh dời ra chợ Đại Ngãi. Ba má mua ngôi nhà sàn nằm trên bờ sông Đại Ngãi, cách chợ khoảng năm chục mét. Trước nhà là con lộ trải đất nung màu gạch tôm chạy dài từ chợ vô nhà máy xay lúa Lợi Dân rồi đi tuốt vô xóm Bầu Mương Điều. Phòng tôi ngủ và học hành ở cuối nhà . Mỗi lần mở cửa sổ là tôi nhìn rõ ngã ba sông Đại Ngãi- Hậu Giang mênh mông sông nước. Mỗi đêm trăng sáng vằng vặc , học bài xong, mở cửa sổ phòng tôi nhìn trăng mà mơ làm thằng Cuội được giỡn với Hằng Nga. Hồi đó, năm tôi mười hai tuổi, Ba tôi làm mấy công ruộng ở làng Phụng Tường cách Đại Ngãi một cây số. Gần Tết, lúa đập xong chưa kịp mang về nhà nên ba tôi và tôi phải ngủ giữ lúa, Không canh giữ lúa, ăn trộm sẽ mượn đở. Coi như năm đó khỏi ăn Tết luôn. Khi được lịnh đi ngủ giữ lúa là tôi khoái lắm. Bởi, thường chiều nào má tôi cũng không nấu chè thì cháo vịt. Hai cha con tôi chỉ có mỗi cái nóp bằng đệm, nên phải ngủ chung nằm tréo trả ngược đầu. Lúc đầu chun vô nóp thật là khó chịu, nhưng khi tôi ôm hai chưn của ba tôi. Mùi đất, mùi phèn trộn lẫn mùi nắng khét tạo nên một mùi thân thương khó tả. Cho mãi đến bây giờ đầu hai thứ tóc. Mỗi khi nhớ lại kỷ niệm đó lòng tôi vẫn còn bồi hồi không nguôi. Nằm trên đống rơm thơm ngát vừa đập xong phảng phất mùi hương lúa chín. Đầu gối trên hai cánh tay, ngắm trăng tháng chạp treo lơ lững trên bầu trời trong vắt không gợn mây. Muôn ngàn tia sáng xanh dịu mát tỏa khắp không gian cánh đồng lúa vừa gặt xong bao la tận chân trời. Trong khoảng khắc đó cỏ cây cũng xúc động ngẩn ngơ huống chi với tâm hồn đa cảm như tôi, thử hỏi làm sao không động tình. Tôi yêu trăng từ thuở đó.Riêng bài thơ Nhạc Trăng tôi làm rằm tháng tám năm 1962 trong một đêm thưởng thức trăng cùng với Lâm Hảo Dũng, Lưu Vân và Đặng Bá Hộ tại thềm nhà mồ, mã Quách Sên ( thị xã Khánh Hưng, Ba Xuyên ). Về nhà, đêm đó trằn trọc hoài không ngủ được, tôi bật dậy gần sáng thì viết xong bài thơ.
Thưa anh,
Tôi suốt đời làm thơ đăng báo không có cắc nào. Trái lại, trước năm 1975 có thơ đăng báo lại là niềm vui. Riêng các bạn làm thơ cùng thời,bạn nào thơ đăng báo có tiền nhuận bút trước năm bảy lăm xin chia vui ?? Theo tôi biết về truyện ngắn thì có nhuận bút đáng hoàng. Còn bao nhiêu tiền thì tùy theo vật giá thời điểm đó.
HT:
Anh Trần Phù Thế,
Như anh kể cảnh đi ngủ giữ lúa vào mùa cắt gặt, mình thấy thương Tía Má mình hoài phải không anh? Tôi cũng đã từng ngủ giữ lúa cùng với Tía tôi dưới ánh trăng sáng vằng vặc như vậy nhiều năm anh à, từ những lúc còn học trường làng. Rồi sau này khi lớn lên, Tía tôi mất, tôi phải về quê làm ruộng một mình và rồi cũng nhiều năm ngủ ngoài đồng dưới những đêm trăng sáng ấy …. Trăng những ngày mùa ấy là trăng vui, vui ngoài trời và vui cả trong lòng nữa. Nhân nhắc đến những đ êm trăng ngủ giữ lúa trên đồng, lớp tuổi anh em mình thời thập niên 1950 dường như ai ai cũng mê bài Trăng Phương Nam của nhạc sĩ Anh Hoa với lời ca êm đềm của những ngày miền Nam thanh bình, sung túc biết bao:
“Đây phương Nam, đây ruộng Cà Mau no lành
Với tiếng hát êm đềm trong suốt đêm thanh
Quê hương anh lúa rợp khắp bờ ruộng xanh
Lúa về báo nhiêu tin lành
Từ khắp quê cùng kinh thành …
Đây phương Nam, đây tỉnh Cần Thơ êm đềm
Có lúa tốt quanh vùng nuôi sức dân thêm
Quê hương em bóng dừa ấp ủ dịu êm
Những chiều trăng rọi bên thềm
Và những tiếng cười vui hiền …
Quê hương đôi ta, đồng xanh xanh bao la
Tình thương như song cả, một niềm… mặn mà …
Quê hương đôi ta, gần nhau đây không xa
Kìa trông bao mái nhà, ở cùng … làng … ta …
(Điệp khúc)
Ai vô Nam, ngơ ngẫn vì muôn câu hò
Những tiếng đó khơi nguồn nơi sống ấm no
Trăng phương Nam sáng tỏa khắp bờ Cửu Long
Nước chảy bóng thuyền xuôi dòng
Vọng tiếng khoan hò ấm lòng…
(Điệp khúc)
Trăng phương Nam sáng tỏa khắp bờ Cửu Long
Nước chảy bóng thuyền xuôi dòng
Vọng tiếng khoan hò ấm lòng…”
(Hát lại 3 lần)
Thưa anh,
Với bài hát Trăng Phương Nam, trăng rất vui; nhưng sao trong thơ văn từ thời xa xưa như Trương Nhược Hư với bài Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ (Đêm bên trăng và hoa ven bờ sông Xuân), Lý Bạch với bài Nguyệt Hạ Độc Chước (Uống rượu một mình dưới trăng) và nhiều thi nhân khác nữa kể cả của Việt Nam, mỗi khi nhắc đến trăng thường thường là trăng buồn nhiều hơn vui?
TPT:
Anh Hai Trầu,
Tôi nghĩ, đời sống của con người và nhất là hoàn cảnh chính trị, xã hội thời họ đang sống. Tác động rất nhiều đến nhân sinh quan của họ và còn những tác động cảnh vật thiên nhiên, Núi, rùng sông, biển…. Vì thế, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ hay họa sĩ đều bị chi phối bởi những nhân tố vừa nói trên. Nhạc sĩ Anh Hoa rất may mắn là khi ông sáng tác bài nhạc Trăng Phương Nam, ông cũng đang sống ” những ngày miền Nam thanh bình, sung túc biết bao” như anh đã nói. Riêng mấy ông thi sĩ Trung Hoa như Trương Nhược Hư với bài thơ “Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ” và Lý Bạch với bài thơ “Nguyệt Dạ Độc Chước”. Lúc họ viết, tôi cạn nghĩ cũng mang một trời tâm sự buồn, nên nội dung bài thơ làm sao mà vui cho được. Những nhà thơ Việt Nam khi làm thơ về trăng, như Hàn Mặc Tử, Quách Thoại… đều mang trong người bệnh nan y. Lẽ đương nhiên là họ làm sao mà chẳng buồn. Riêng cá nhân tôi thì “Cái vui thì qua thật mau/còn cái buồn thì dai dẳng theo sau chân mình.” Cho nên khi buồn, tôi làm thơ dễ dàng hơn khi vui.
HT:
Anh Trần Phù Thế thân,
Được biết vào năm 2003 anh có cho chào đời thi tập Giỡn Bóng Chiêm Bao (5):
Hình bìa tập thơ Giỡn Bóng Chiêm Bao do Thư Ấn Quán tái bản lần thứ nhứt, năm 2008
và năm 2009 lại có thêm tập thơ mới Gọi Khan Giọng Tình (6),
Hình bìa tập thơ Gọi Khan Giọng Tình do Thư Ấn Quán tái bản lần thứ nhứt, năm 2009
vậy trước 1975, anh có cho in tác phẩm nào không, thưa anh?
TPT:
Thưa anh,
Đầu năm 1967 tôi định in tập thơ” Thầm Yêu Trộm Nhớ”, nhưng lần lựa mãi. Tháng tư thì có lệnh gọi nhập ngũ. Vào lính mệt quá nên quên luôn chuyện xuất bản tập thơ. Tám năm cầm súng tôi có viết lai rai cho các tạp chí ở Sàigòn. Sau năm 1975 gia đình đã tự thiêu bản thảo tâp thơ cùng với hơn 200 sách báo của tủ sách gia đình. Khi tôi định cư tại Hoa Kỳ năm 1992 lo đi cày mờ mắt, đâu có gìờ rảnh mà văn với thơ. Mãi tới năm 1998, tôi mới viết lại và cộng tác với các tạp chí: Khởi Hành, Văn Hóa Việt Nam, Thư Quán Bản Thảo.
HT:
Thưa anh,
Được biết hiện nay anh đang phụ trách trang Thơ của Tuần báo TRẺ trên Dallas (Texas, Hoa Kỳ) do Nhật Hoàng chủ biên. Công việc này có thú vị không anh? Thường thường anh dựa vào những tiêu chuẩn nào cho một bài thơ được chọn?
TPT:
Thưa anh Hai Trầu,
Thơ đối với tôi là hơi thở, là chổ dựa tinh thần. Mỗi khi gặp giông bão trong cuộc đời. Tôi thường làm thơ để quên đi tất cả những ưu phiền, nhứt là sau năm 1975. Trong lúc thân trong vòng lao lý. Tôi đã coi thơ là người tình chung thủy là người bạn thủy chung, thơ không bao giờ phản bội, vì thế, trong tù CS, sau một ngày lao động khổ sai. Buổi tối vào mùng, trước khi ngủ , tôi nhắm mắt làm bồn câu thơ lục bát và đọc thầm vài lần cho thuộc. Giấc ngủ tự nhiên đến một cách êm đềm. Cuối năm 2008, nhân chuyến đi tham dự đại hội ” Cựu Tù Nhân Chính Trị” do bà Khúc Minh Thơ tổ chức tại Dallas, do sự giới thiệu của nhà thơ Phan Xuân Sinh. Tôi quen anh em nhóm chủ trương tuần báo TRẺ. Vài tháng sau Nhật Hoàng gọi điện thoại đề nghị tôi phụ trách trang thơ giới thiệu tác giả và tác phẩm hiện nay chưa có người.Tôi rất vui nhận lời giới phụ trách trang thơ: “mục đích giới thiệu đến bạn đọc yêu thơ những nhà thơ, những bài thơ hay nhưng chưa được phổ biến….”(LTS). Thật không có niềm hạnh phúc nào bằng khi được làm công việc mà mình say mê. Tôi nghĩ, bây giờ tôi rất hạnh phúc và thú vị vô cùng.
Thưa anh,
Thường thì tôi đọc rất kỹ tác phẩm của những nhà thơ mà tôi sẽ giới thiệu vào số báo tới. Nhiều khi đọc nhiều lần. Xong, tôi chọn số lượng thơ; sáu, bảy, tám, hoặc nhiều hơn nữa sao cho phù hợp hai trang báo ấn định. Đối với tôi, một nhà thơ nổi tiếng hay một tác giả chưa thành danh không quan trọng. Cái cần là bài thơ đó có gây được xúc động, thích thú cho người đọc hay không. Đó mới là điều quan trọng. Vì thế, bất cứ bài thơ nào tôi ” cảm ” được thì tôi cho là bài thơ hay.
HT:
Anh Trần Phù Thế,
Ngoài chữ “bậu” ra, tôi thấy anh dạo sau này có làm những bài thơ lục bát thật ngắn chỉ vỏn vẹn hai hoặc ba câu, như:
TRÔI
*gởi thiếukhanh
mênh mông
mênh mông
hồn ta mênh mông
trôi hoài
trôi hoài
hư không
niềm đau thốn tận trong lòng buốt đau!
GIỌT NƯỚC
thử nhìn
giọt nước
chia hai sao đành
hồn chìm vào cõi mong manh
nghe cơn hồng thủy
âm thanh mỏi mòn.
TỚI ĐÂU
chợt
thèm
hạt muối
cắn đôi
để nghe vị mặn
cuộc đời
tới
đâu …
TẠI VÌ…
hình như
cái nhớ nó phiền
bần thần trong dạ
không yên
tại vì…
Trong bài viết về thơ Nguyên Sa trên trang VOA, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng có đưa ra nhận xét “ Hình như những bài thơ đơn giản nhất bao giờ cũng là những bài thơ khó viết nhất, và kỳ lạ thay đó thường là những bài thơ tới nhất, hay nhất, dễ đi vào trái tim và trí nhớ chúng ta nhất.”(7) Anh có thấy khó lắm không khi viết ra những bài thơ lục bát thật ngắn này và xin anh vui lòng chia sẻ thêm một chút về những cách làm mới các câu lục bát vừa dẫn, thưa anh ?
TPT:
Thưa anh Hai Trầu,
Tôi rất mê thơ lục bát, vì vậy trong tập thơ ” Gọi Khan Giọng Tình” tái bản năm 2009, tổng số có 68 bài thơ thì thơ lục bát đã chiếm hết 52 bài. Đọc nhiều lục bát và làm nhiều lục bát, tôi đã tìm cách cô đọng lại; một bài chỉ còn hai hoặc ba câu. Như vậy, người đọc dễ dàng nhớ và cảm nhận. Ba năm trở lại đậy, tôi đã thử nghiệm cách làm mới lục bát đó. Anh biết không, cái khó nhất là làm sao, một bài thơ ngắn , khi đọc, người thường thức hiểu tác giả muốn nói gì. Tất cả những nhà thơ đều biết lục bát dễ làm nhưng khó hay, không khéo sẽ thành vè. Xin thưa, đây chỉ là thử nghiệm. Xin mượn lời của nhà thơ Thiếu Khanh viết về sự thử nghiệm này qua bài ” Thơ Lục Bát Mới Của Trần Phù Thế” để chia sẻ cùng anh:
“Dường như những thể nghiệm đó cho thấy hình thức sáu chữ, tám chữ không hề là cái khuôn cứng ngắc gò bó trói buộc câu thơ, trái lại, trong giới hạn câu chữ đó tài năng của nhà thơ vẫn có thể làm cho thể thơ càng thêm uyển chuyển và giàu tính biến hóa khiến mỗi bài thơ có vẽ phá vỡ và thóat ra khỏi hình thức câu chữ của nó, hóa giải ranh giới ràng buộc của số câu số chữ, làm tăng thêm sự phong phú của âm điệu, nhạc điệu. Có lẽ thời gian sẽ giúp khẳng định giá trị của sự tìm tòi sáng tạo của anh, ít nhất là về cách xếp đặt mới cho thể thơ truyền thống quen thuộc nầy mà nhiều nhà thơ từng ngậm ngùi nhận xét: thơ lục bát dễ làm mà khó hay!”
HT:
Thưa anh,
Nhớ có lần tôi có nhận xét về chữ dùng trong thơ anh như sau:
“Trong thơ Trần Phù Thế còn một đặc điểm nữa là các chữ dùng rất rặt miền Tây vùng đất Nam Phần và thể thơ lục bát được tác giả dùng nhiều như dòng nước êm đềm trôi man mác, làm người đọc miên man trôi theo cùng tứ thơ của tác giả. Những chữ như “hết hơi”, “hết biết”, “tuốt luốt”, “chín muồi”, “làm sao vậy cà”, “lừng khừng” trong những câu thơ lục bát trích dưới đây được tác giả cho vào thơ rất tự nhiên mà trau chuốt, rất giản dị mà thâm trầm, tôi tin rất khó tìm ở những áng thơ văn của nhiều tác giả khác ngày nay:
“Hai con trống mái giận nhau
Hai con chim sáo làm sao vậy cà.”
….
“Một con đứng hót ngập ngừng
Con kia đứng lẻ lừng khừng bụi tre.”
…..
“Lỡ lầm phủi bụi áo em
Bụi bay đâu mất anh tìm hết hơi.”
….
“Gai đời đâm lủng trái tim
Nỗi đau hết biết nhận chìm lòng tin.”
….
“Mấy lần bước xuống con đò
Mà quên tuốt luốt thăm dò cạn sâu.”
…..
“Một hôm đời bỗng chin muồi
Anh ngồi ngủ gục bên dời vô danh.”
(Lục bát không đề, GKGT, trang 116, 117, 118, 119, 121)”
Anh nghĩ sao về nhận xét này?
TPT:
Thưa anh,
Tiếng địa phưong miền Nam từ trước tới nay có rất nhiều nhà văn sử dụng như Hồ Biểu Chánh, Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên … Nhưng về thơ thì tôi biết có cụ Đồ Chiểu. Trong khi đó, sau năm 1975 trong nước không ai thấy bóng dáng những đặc ngữ miền Nam đâu. Nhất là trên báo chí, sách vở, đều sử dụng rặt ròng từ miền Bắc cả văn lẫn thơ. Sau nhiều năm tôi không cầm bút. Vào năm 1992, tôi và gia đình định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1998 tôi bắt đầu viết lại. May quá, tôi đã bắt gặp hai cây viết đồng hành đưa đặc ngữ miền Nam vào thơ. Đó là hai nhà thơ Đạm Thạch và Phương Triều. Cả hai nhà thơ đều sử dụng một cách tài tình đặc ngữ Phương Nam theo cách riêng của mình. Anh cũng biết, ngôn ngữ miền Nam nhất là những phương ngữ khi đưa vào thơ rất khó. Không khéo sẽ làm hỏng cả bài thơ, mà còn làm trò cười cho người đọc. Có người quan niệm những phương ngữ miền Nam không thể đưa vào thơ được. Tôi muốn chứng minh quan niệm đó không đúng. Bởi lẽ, những phương ngữ miền Nam đã ăn sâu vào máu thịt, vào thói quen nếp sống hàng ngày của người miền Nam. Khi sử dụng là tự nhiên những từ đặc ngữ Phương Nam tự nó sẽ nhuần nhuyễn như cơm ăn và nước uống vậy.
HT:
Rất cảm ơn anh đã giải thích cặn kẽ về cách dùng rặt các chữ địa phương miền Tây Nam Phần trong thơ của anh, và tôi nghĩ đây cũng là câu giải đáp xin được gởi đến nhà văn Nam Dao, có lần đã hỏi tôi về điểm này, mà tôi đành chịu chết :
“Tui nhân đây hỏi anh Hai một câu nghen: văn phong Nam Bộ rõ là đặc biệt, văn xuôi thiệt hay (nếu hay), nhưng sao hổng thấy ai làm thơ với văn phong đó hà (trừ cụ Đồ Chiểu xa xưa)? Cứ thơ thì rặt giọng Bắc, cả người miền Trung cũng giọng Bắc, nghe hoài bắt ớn, anh Hai à!”(Nam Dao, Thư hồi âm Hai Trầu, tháng 7-2007)
(Ở đây xin được mở một dấu ngoặc đơn là, thưa cùng nhà văn Nam Dao, bấy lâu nay tui có cảm tưởng như mắc ông anh một món nợ mà chưa trả được; và nay nhờ có anh Trần Phù Thế giúp trả lời ông anh câu hỏi khó mà tui chịu trận hơn ba năm qua rồi; vậy là tui với ông anh huề nhe, hổng thiếu đủ gì nữa nhe ông anh !)
Nhơn nhắc đến thơ anh, và một người nữa cũng cùng quê Sốc Trăng với anh, cùng lập ra bút nhóm Cung Thương Miền Nam với anh những năm 1962-1965, đó là nhà thơ Lâm Hảo Dũng, với tập bản thảo “Cho Tôi Hoài Ở Tuổi Năm Mươi” mà tôi đã được anh giới thiệu, tôi có nhận xét về thơ Lâm Hảo Dũng như sau:
“Hồn thơ của Lâm Hảo Dũng chính là ngọn gió nồm nam vùng Bố Thảo (Sốc Trăng) mãi hoài mang hương đồng cỏ nội vùng sông nước Hậu Giang thổi mãi tận cuối trời … Chính vì thơ anh là ngọn gió nồm nam vùng Bố Thảo ấy nên cái nét đặc sắc của nó là mát và ngọt. Cái mát của gió và cái ngọt của sông nước Hậu Giang, của những mảnh vườn ngào ngạt hương hoa, của những cánh đồng lúa vàng bông trĩu ngọn làm thành những câu thơ chuyên chở được cái hương nội cỏ đồng dù quê mùa đó nhưng êm đềm; dù nghèo khó đó mà thơm tho, thanh bạch; dù giản dị đó mà thâm thuý vô cùng. Cái nét đặc thù ở thơ Lâm Hảo Dũng là do cái tinh chất của gió, của nước, của ruộng rẫy, của vườn quê làm nên những câu thơ mang phong cách rất riêng và rất trữ tình của vùng châu thổ miền Tây Nam nước Việt vậy !”
Và với thơ Trần Phù Thế thì:
“Thơ Trần Phù Thế mang lại cho người đọc cái lâng lâng của hồn thơ giàu chất lãng mạn, trữ tình; cái buồn buồn của nhân tình thế thái; cái cay cay của những dâu bể tang thương và cái thâm thúy của cách nhìn đời qua nhiều bất trắc. Và với riêng tâm hồn nhà quê như tôi, lớn lên cùng thế hệ với anh, tôi nghe như hồn thơ Trần Phù Thế là tiếng kêu thảng thốt của một loài chim kêu chiều của vùng quê Đại Ngãi, Sốc Trăng, Hậu Thạnh, Vàm Tấn, Chùa Dơi, mãi hoài vang vang trên những bến bờ sông nước cũ ngày nào, bất tận …”
Anh nghĩ sao về hai cảm nhận rất chủ qua này?
TPT:
Anh Hai Trầu ơi,
Được biết anh đọc thơ của Lâm Hảo Dũng và tôi, ngoài chữ nghĩa, vầ n điệu, anh còn cảm thơ bằng cả tấm lòng của một người sinh ra và lớn lên từ những làng quê, ruộng lúa bạt ngàn miền Tây Nam Phần, nên hai cảm nhận của anh về thơ Lâm Hảo Dũng và thơ Trần Phù Thế đối với tôi đó là cả một tấm chân tình của một người nhà quê mà anh đã dành cho những vần thơ ít nhiều mang bóng hình quê hương Sốc Trăng của chúng tôi qua những năm tháng dài xa xứ ….
HT:
Thưa anh Trần Phù Thế,
Được biết anh rất bận vì còn phải vật lộn với công việc hằng ngày và cũng rất bận cho việc chọn thơ của Tuần báo TRẺ, nhưng anh đã nhín chút thi giờ chia sẻ cùng bạn đọc về những năm tháng anh đã vui chơi với thơ có tới gần 50 năm qua và đặc biệt về những năm còn học lớp Đệ Tam tại trường Hoàng Diệu (Sốc Trăng) mà các anh đã thành lập được bút nhóm “Cung Thương Miền Nam” cùng với các bút nhóm khác làm thành nét đặc thù của sinh hoạt văn học nghệ thuật tại Sốc Trăng lúc bấy giờ; dù chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi với ba bốn năm ấy, nếu không được nghe anh kể chắc ít người còn nhớ tới một thời kỳ văn thơ ấy. Và đặc biệt, cũng chính nhờ hỏi thăm anh mà tôi có được câu trả lời dành cho nhà văn Nam Dao đã hỏi tôi hơn ba năm về trước với “văn phong Nam Bộ rõ là đặc biệt, văn xuôi thiệt hay (nếu hay), nhưng sao hổng thấy ai làm thơ với văn phong đó hà (trừ cụ Đồ Chiểu xa xưa)?”
Xin chân thành cảm ơn anh và nhân dịp lễ Giáng Sinh và Năm Mới 2011, xin được kính chúc anh nhiều sức khoẻ và mãi hoài vui thú với thơ văn trong những ngày sắp tới .
TPT:
Anh Hai Trầu thân mến,
Cám ơn anh đã tốn nhiều công sức và thời gian để hoàn thành cuộc nói chuyện lý thú trong hai tuần qua. Nhân mùa Giáng Sinh và Năm Mới 2011. Kính chúc anh chị và gia đình vui vẻ, nhiều may mắn an lành.
Mùa Giáng Sinh, 24-12-2010
Phụ chú:
1/ Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, nhà xuất bản Rey, Curiol&Cie, Sài gòn, 1895; nhà Văn Hữu, Sài gòn, tái bản năm 1974
2/Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, nhà xuất bản Khai Trí, Sài gòn, năm 1970, quyển thượng.
3/Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Việt Nam, năm 2007
4/ Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị, nhà xuất bản Thời Thế, Sài gòn, năm 1951.
5/ Giỡng Bóng Chiêm Bao của Trần Phù Thế, Thư Ấn Quán ấn hành lần đầu, Hoa Kỳ, năm 2003; tái bản lần thứ nhứt năm 2008
6/Gọi Khan Giọng Tình của Trần Phù Thế, Thư Ấn Quán ấn hành lần đầu, Hoa Kỳ, năm 2007; tái bản lần thứ nhứt năm 2009.
7/Nguyên Sa, Thơ tình không tuổi tác của Nguyễn Xuân Hoàng, trang VOA ngày 04-12-2010
---------------------
Hai Trầu
22 Comments (Open | Close)
22 Comments To "Thăm hỏi nhà thơ Trần Phù Thế"
#1 Comment By PHỤC AN On 12 January 2011 @ 2:14 am
Đọc bài trao đổi, cũng là phỏng vấn, cũng là tư liệu của ông Hai Trầu và nhà thơ Trần Phù Thế với giọng văn miền Tây Nam Bộ, hỏi đáp với nhau, chợt khơi gợi lại trong tôi hình ảnh, con người, tâm hồn chân chất của người dân quê hương tôi : Rạch Giá.
Tâm tình đơn phương mà sâu nặng, sống chí nghĩa chí tình …
Vào cái thời mà các nhóm thơ, các thi văn đoàn mọc lên như nấm, nói cho vui, lúc đó tôi mê mệt Tuổi Ngọc của Duyên Anh, thời đó, cái hay của văn nhân thi sĩ miền Nam là dù sống cận kề với bối cảnh chiến tranh hàng ngày nhưng tâm hồn người miền Nam hầu như không hề có hận thù . Ngay cả thơ văn người lính cũng vô cùng lãng mạn.
Bài phỏng vấn giúp cho tuổi trẻ bây giờ có thêm một cái nhìn thân thiện và hiểu biết hơn về một thời văn chương của miền Tây ngày xưa, còn đối với chúng ta, có khi tất cả đã hóa thành cổ tích.
#2 Comment By hai trầu On 12 January 2011 @ 9:03 am
Kính chào chị Phục An,
Xin phép được gọi là chị vì tui nghĩ chắc tên nguyên vẹn của chị là “Âu Thị Phục An”, và từ khi đọc chị cứ nghĩ chị là cư dân Sài Gòn, nay lại được biết chị gốc gác Rạch Giá nên rất mừng là có thêm một người phụ nữ vùng Tây Nam Nam phần viết văn làm thơ và mê Tuổi Ngọc từ lúc còn đi học.
Nhắc đến quê Rạch Giá của chị, hồi nhỏ tui từ Long Xuyên hay theo người lớn vô thăm bà con trong Rạch Giá bằng ghe theo đường sông Long Xuyên-Núi Sập-Rạch Giá và suýt chút nữa tui theo học trường trung học Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá) năm tui thi rớt Tú Tài 2 khóa 1, nhưng may sao, khóa 2 tui đậu, nên hổng vô Rạch Giá học được ngày nào. Rạch Giá của chị có cái nét đặc biệt là lúa gạo rất ngon, toàn là những giống lúa được chọn giống rất kỹ như nàng hương,móng chim,nàng ngọc,nàng quen,nàng quốc, tà núc và nhiều giống lúa có hột dài, gạo ngon cơm . Ngoài ra, Rạch Giá về bánh trái rất khéo và ngon, đứng nhứt nhì vùng, hổng thua gì các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Long Xuyên. Hồii xưa,ở ngoài Long Xuyên tui, ai mà muốn cưới vợ khéo về bánh mứt, thường thường nhờ mai mối làm quen với các gia đình có con gái Rạch Giá là hết sẩy.
Xin chân thành cảm on chị đã đọc bài “Thăm hỏi nhà thơ TPT” và đã ghi lại vài nhận xét đầy khích lệ.
Kính chúc chị nhiều sức khoẻ và làm thơ nhiều thêm, nhứt là thơ về quê Rạch Giá của chị cho lớp người đọc già như tui đọc để nhớ về những ngày tháng vô chơi Rạch Giá lúc nào cũng nhìn đăm đăm những cánh đồng lúa thơm chín vàng rực một màu vàng sung túc của những ngày mùa cách nay có đến sáu bảy chục năm dư …
Kính thư,
hai trầu
#3 Comment By namdao On 12 January 2011 @ 11:00 am
K/g quí anh Hai Trầu và Trần Phù Thế
Anh Hai thời tui có quen biết, nhưng anh TPThế chưa, nên xin chào anh, và thiệt tình cà lăm là tui cũng thích hai bài thơ về Bậu, hay hết biết, anh Thế à. Thơ tình vậy mới là bực nhứt giang hồ, chớ cứ ca lòng anh thế này, lòng em thế kia, rồi rắc lá vàng tùm lum, hoặc cho đò sang ngang trồi sóng, chim bay ngang trời xa vút, và vân vân thời…lại cái ảnh hưởng thi phong rất Đàng Ngoài…
Tui bắt chuyện với anh Hai nghe ( Ý, bữa qua phản ứng, phản biện tớí 2 trang, rồi máy tui nó làm phản, quăng hết vào hư vô, nay mới sửa được ). Cái câu tui hỏi anh Hai 3 năm trước , anh còn nhớ thiệt tui vui, tâm tình Quốc Văn giáo khoa thư còn mặn chất người mình lắm, xin cho tui cảm ơn.
Dà, anh Hai sẽ hỏi cái chi là thi-văn phong Đàng Ngoài ( tui tránh chữ miền Bắc, ngán gây ra tị hiềm phân hóa Bắc-Nam) ?
Quyết không phải là Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu có Vân Tiên cõng mẹ chạy ra, hay mài sừng cho lắm cũng là trâu của Học Lạc thời quốc ngữ du nhập vào văn học Việt Nam. Cũng quyết không phải là Thầy Lazaro Phiền hay những trang tiểu thuyết tràng giang của Hồ Biểu Chánh, Tùng Long…Không phải vì những văn bản này có những phương ngữ kiểu đi vô mà không đi vào? Ru thì ầu ơ mà không à ơi? Hay Ví dầu mà không Nếu mà? Anh Hai à, tui nghĩ, phương ngữ không thôi không đủ để xác định thi-văn phong Đàng Trong. Cái điều tui cho là quan trọng là phần hồn của những con người được diễn dựng qua không chỉ ngôn ngữ mà cảm xúc và hành động, tức tính cách làm người. Phần hồn đó hun đúc từ lịch sử, địa chí… những yếu tố mà tác phẩm Lục Châu học của ông Nguyễn Văn Trung có đề cập. Trước tiên, qua khỏi đèo Hải Vân, người Đàng Trong là những người chân đất đi đầu trong cuộc Nam tiến. Truy lùng một tương lai khác với điều kiện đất chật dân đông thiên nhiên ngặt nghèo ở Đàng Ngoài, lại làm một cuộc “xâm lăng“ những sắc tộc Chăm, Chân Lạp…họ buộc phải không chỉ cương mãnh mà còn bao dung để hòa đồng với con người và văn hoá những nơi họ đặt chân tới, buộc phải biết đoàn kết để bảo vệ nhau, buộc đối mặt với một tương lai lạ lẫm nên phải hồn nhiên, lạc quan trước thử thách…Cái chất người Đàng Trong nếu đôi khi đậm mầu trong tiểu thuyết thì lại chưa đủ thanh sắc trong thơ. Trong khi đó, cứ lắng nghe những câu hò dân giã, có những nét rất hiện đại, bất ngờ, và đầy tính thơ. Ví dụ : “ tưởng giếng sâu ta nối sợi dây dài. Ai ngờ giếng cạn ta tiếc hoài sợi dây’’.
Thế văn-thi phong Đàng Ngoài là cái chi chi? Đầy rẫy, nhất là sau Tự Lực Văn Đoàn công lao trời biển ‘’ chuẩn hóa’’ văn chương quốc ngữ từ những năm 30 khi Hà Nội là kinh đô văn học ròng rã cho tới 1954 ( dĩ nhiên có những nhân vật và địa phương khác, nhưng giành chức vụ tấn phong văn tước thì HN “to tiếng“ nhất). Rồi thời di cư vào Nam, những Sáng Tạo, Bách Khoa… nếu có khác về chủ đề thì vẫn rập theo khuôn mẫu diễn ngôn văn học của Tự Lực Văn Đoàn và truyền thừa ( sự thất bại với chừng mực nhất định cuả Văn Hóa Ngày Nay dính đến chủ đề văn học và hoạt động chính trị của Nhất Linh), tiếp tục chi phối mạnh mẽ văn học miền Nam cho đến khi được ( giời ơi) “giải phóng“. Nhà thơ tài hoa Tô Thùy Yên người miền Nam đấy, nhưng đọc Trường Sa hành, hay sau đó tuyệt phẩm Ta Về, thì chí ít người đọc cũng tưởng ông là Bắc Kỳ di cư ‘’ ăn cá rô cây, ông trời trả báo…’’. Hay đọc Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, hay…Kể bắt mệt, anh Hai à!
Bữa qua, trong cái bài gõ rồi nó tuột luốt hư vô, tui có nhắc tính quan phương và tính ông Nghè của thơ-văn Đàng Ngoài, là nơi phong kiến hùng cứ cả ngàn năm, với cái “mô hình“ văn hoá-chính trị của người bạn “bốn tốt“. Và nhắc cụ Ức Trai, nhà thơ quốc âm đầu tiên, nhà văn hoá lỗi lạc, nhà chính trị sâu sắc …chống Bành Trướng phương Bắc nên buộc phải dùng mô hình tập trung quân chủ Tống-Nho, và phải sống (và chết) trong cái mâu thuẫn kinh hoàng giữa văn hóa ta và chính trị người cho đến nay bàn dân Ziao Chỉ mình vẫn chưa thoát nổi. Đó là, cho tui quảng cáo chút, cái chủ đề trong tiểu thuyết Đất Trời của tui, anh Hai ( và anh TP Thế) chắc chưa đọc.
Tui dài dòng rồi, nay kết nhé, bằng lời tán dương lục bát hai câu của anh TP Thế. Hai câu, nói nhiều, truyền cảm hơn cả trăm câu khúc mắc, ngọng nghịu, gẫy đổ, nói hai mà một, chín bỏ làm mười hai, sex mồm sex mũi, lại cái làm duyên, thiền tính dài dòng… Nhưng thi phong lục bát hai câu thì sao lại nhợt nhạt tính Đàng Trong cà? Cho tui hai câu ( chớ không sáu câu) như vầy:
tưởng giếng sâu
thả sợi dây
biết đâu giếng cạn tiếc dây nẫu lòng
Thôi,loăng quoăng hoài làm chi. Hẹn nhau nhậu một bữa, hay hơn.
Nam Dao cẩn bút ( ai dùng bút bây chừ?)
#4 Comment By black raccoon On 12 January 2011 @ 1:22 pm
Kính chào quý ông Hai Trầu, ông Trần Phù Thế, bà Phục An, ông Nam Dao. Dù không phải là người trong làng văn nghệ, nhưng mà tui yêu văn nghệ. Tui đọc văn chương. Vậy, xin quý vị cho tui góp tiếng với nghen.
Tui cũng sanh trong Nam. Miền Tây Nam phần có cá linh bông súng với mùa nước nỗi. Hồi còn đi học, tui cũng có đọc Tuổi Ngọc, Văn, Văn Học, Thời Nay v.v…Mà cũng có thời, tui là đoàn viên cúa Thi Văn Đoàn Hoa Súng nửa đó đa. Vậy thôi. Rồi dzô lính.
Tui vốn mê nhạc. Qua Mỹ, nghe nhạc country, tui thấy ngộ ngộ. Mùi mùi.Ướt ướt. Tui bèn liên tưởng tới vọng cổ trữ tình của mình. Hổng biết có đúng không?
Dưới đây là một bài “thơ” tui vừa mới mần, nhân cảm đề từ một bản nhạc. Xin gởi đến quý vị coi chơi cho vui.
Kính.
Ps.
Ông Hai Trầu, mà có còn nhai trầu không?
country boy
xcuse me ma’am
I saw you walkin’
I turned around,
I’m not a stalker
where you going?
maybe I can help you
my tank is full,
and I’d be obliged
to take you
cause I’m a country boy !
I’ve got a 4-wheel drive
climb in my bed,
I’ll take you for a ride
up city streets
down country roads
I can get you
where you need to go
cause I’m a country boy !
you sure look good
sittin’ in my right seat
buckle up, I’ll take you
through the five speeds
wind it up, or
I can slow it way down
In the woods or right uptown
cause I’m a country boy !
http://www.youtube.com/watch?v=JnX2BoZE9w4
xin lỗi tiểu thư
nàng đi về đâu
có thể nào
anh sẽ đưa em
một đoạn đường nhỏ
xin nàng đừng có ngờ oan
tội nghiệp
em biết không
con trai nhà quê mà em !
xe anh chạy chiến
xăng đầy bình
nệm êm như nhung
em muốn đi đâu cũng được
xuống miền phố thị
hay về nẽo quê hương
con trai nhà quê mà em !
nào người đẹp ơi
bước lên đi mà
ngồi kế bên anh há
nhớ seat belt cẩn thận
rồi chưa
à, sẽ tóc bay tung gió
mình xuyên con rừng
vào miền phố thị chơi
con trai nhà quê mà em !
#5 Comment By PHỤC AN On 13 January 2011 @ 1:51 am
Kính anh Hai Trầu,
Kính anh bạn black raccoon,
Dạ, Phục An chính là Âu Thị Phục An đó anh ạ.
Cảm ơn anh Hai Trầu rất nhiều đã có đôi dòng đầy cảm xúc nhắc nhớ về Rach Giá với những ưu điểm của nó làm cho PA chợt nhớ cái câu ” Rạch Giá đi dễ khó về ” mà đa số các chàng trai xứ lạ nào “lỡ” lạc chân đến hình như đều vướng phải (như ông xã PA từ Huế vô chơi đã kẹt chân luôn không về nổi).
PA là học trò của trường trung học Nguyễn Trung Trực cho đến năm đệ tam (1970) thì lên Đà Lạt học, rồi từ đó tha hương ít khi về quê. Những bài thơ viết về quê hương của PA phần nhiều góp mặt ở Đặc San của trường NTT xuất bản ở Cali anh ạ. Anh Hai Trầu biết không? mỗi lần về quê, xe tới bắc Vàm Cống “là đã nghe mùi của biển”, vâng, mùi của biển quê mình đâu đó nồng mặn đến nao lòng. Xe về tới Lộ Tẻ (ngã ba rẽ về Cần Thơ, Long xuyên, Rạch Giá) đã thấy bát ngát gió, bát ngát những cánh đồng lúa vàng ươm, và thế là tình quê hương sự nhớ thương quê nhà bỗng sống dậy đến rơi nước mắt…
Rất thích bài thơ ” nhà quê” chân quê của anh bạn con trai nhà quê đúng điệu dân miền tây của black raccoon.
Phục An xin cảm ơn hai anh đã chia sẻ nỗi niềm. Khi nào có dịp cùng ăn cá linh kho lạt, kèm với dưa bông điên điển thì ăn hết cả nồi cơm, cạy hết cả cơm cháy nhé.
Thân kính,
atpa
#6 Comment By hai trầu On 13 January 2011 @ 5:35 am
Kính chào nhà văn Nam Dao,
Dù biết ông anh còn phải dạy học, viết văn và mần thơ, nhưng đã bỏ thời giờ đọc bài thăm hỏi này và nêu lên các nét chính về “văn phong đàng Ngoài, đàng Trong” giúp cho tôi hiểu rõ thêm chữ dùng chỉ là chiếc áo, còn phần hồn nữa mới làm nên phong cách của văn cách mỗi miền:”tui nghĩ, phương ngữ không thôi không đủ để xác định thi-văn phong Đàng Trong. Cái điều tui cho là quan trọng là phần hồn của những con người được diễn dựng qua không chỉ ngôn ngữ mà cảm xúc và hành động, tức tính cách làm người.”
Thưa ông anh,
Nhơn ông anh có nhắc “cái chủ đề trong tiểu thuyết Đất Trời của tui, anh Hai (và anh TP Thế) chắc chưa đọc.”, tui sẽ tìm đọc cuốn tiểu thuyết này, và tui chợt nhớ lại chuyện “trời đất” trong một đoạn của Tô Đông Pha, do Phan Kế Bính dịch, tui xin chép ra đây cho ông anh xem lại chơi cho vui:
“Vậy thế bác có biết nước và mặt trăng không? Nước chảy thế kia mà chưa từng đi bao giờ; mặt trăng khi tròn khi khuyết mà chưa từng thêm bớt bao giờ. Bởi vì ta tự ở nơi biến đổi mà xem ra thì cuộc trời đất cũng chỉ ở trong một cái chớp mắt; mà nếu tự ở nơi không biến đổi mà xem ra thì muôn vật với ta đều không bao giờ hết cả; cần gì phải khen đâu! Vả lại ở trong trời đất, vật nào có chủ ấy, nếu không phải là của ta thì dẫu một li ta cũng không lấy. Chỉ có ngọn gió mát ở trên sông cùng vừng trăng sáng ở trên núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ hết, đó là kho vô tận của tạo hóa và là cái chung của bác và tôi”.(Tiền Xích Bích phú của Tô Đông Pha đoạn “khách diệc bất tri phù …” tới “ngô dữ tử chi sở cộng thích”
Xin chân thành cảm ơn ông anh nhiều lắm về việc đọc và góp ý rất vui vẻ này.
Kính thư,
hai trầu
Mến chào bạn Black raccoon,
Được biêt bạn dân miền Tây là tui mừng rồi, giống như tui nghe chị Phục An ở Rạch Giá là tui nhớ những ngày ấu thơ ngoài Kinh xáng Bốn Tổng tụi nhỏ lớp tui mê vô Rạch Giá mấy lúc nghỉ hè thăm bà con dưới Rạch Sỏi, Tắc Cậu. Rất cảm ơn bạn mần và dịch giùm bài thơ “con trai nhà quê”, nếu không có bản dịch ra tiếng Việt tui đành chịu chết, hổng biết đường mò. Bản tiếng Việt nghe hồn nhiên chơn chất, nhưng chàng trai này cũng đa tình dữ à nhe.
Trầu cau gì nữa bạn ơi ! Nhà văn Nam Dao còn than “Nam Dao cẩn bút (ai dùng bút bây chừ?)”, tui làm gì còn răng mà nhai trầu, thưa bạn!
Thân mến,
hai trầu
#7 Comment By hai trầu On 13 January 2011 @ 7:40 am
Kính chào BBT/Da Màu,
Xin quý vị vui lòng cho bổ túc thêm phần hồi đáp ý kiến của nhà văn Nam Dao với bài thơ của tác giả mà tôi đọc được: “Chuyện cùng sẻ nhỏ”,để cho vui.
Xin chân thành cảm ơn quý vị nhiều lắm.
Trân trọng,
hai trầu
=======================================
Kính chào nhà văn Nam Dao,
Dù biết ông anh còn phải dạy học, viết văn và mần thơ, nhưng đã bỏ thời giờ đọc bài thăm hỏi này và nêu lên các nét chính về “văn phong đàng Ngoài, đàng Trong” giúp cho tôi hiểu rõ thêm chữ dùng chỉ là chiếc áo, còn phần hồn nữa mới làm nên phong cách của văn cách mỗi miền:”tui nghĩ, phương ngữ không thôi không đủ để xác định thi-văn phong Đàng Trong. Cái điều tui cho là quan trọng là phần hồn của những con người được diễn dựng qua không chỉ ngôn ngữ mà cảm xúc và hành động, tức tính cách làm người.”
Thưa ông anh,
Nhơn ông anh có nhắc “cái chủ đề trong tiểu thuyết Đất Trời” của ông anh, tui sẽ tìm đọc cuốn tiểu thuyết này, và tui chợt nhớ lại chuyện “trời đất” trong một đoạn của Tô Đông Pha, do Phan Kế Bính dịch, tui xin chép ra đây cho ông anh xem lại chơi cho vui:
“Vậy thế bác có biết nước và mặt trăng không? Nước chảy thế kia mà chưa từng đi bao giờ; mặt trăng khi tròn khi khuyết mà chưa từng thêm bớt bao giờ. Bởi vì ta tự ở nơi biến đổi mà xem ra thì cuộc trời đất cũng chỉ ở trong một cái chớp mắt; mà nếu tự ở nơi không biến đổi mà xem ra thì muôn vật với ta đều không bao giờ hết cả; cần gì phải khen đâu! Vả lại ở trong trời đất, vật nào có chủ ấy, nếu không phải là của ta thì dẫu một li ta cũng không lấy. Chỉ có ngọn gió mát ở trên sông cùng vừng trăng sáng ở trên núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ hết, đó là kho vô tận của tạo hóa và là cái chung của bác và tôi”.(Tiền Xích Bích phú của Tô Đông Pha đoạn “khách diệc bất tri phù …” tới “ngô dữ tử chi sở cộng thích”
Ngoài ra, nhơn có nhắc ông anh mần thơ, tui rất thích bài thơ “Chuyện cùng sẻ nhỏ” của ông anh mới mần mà tui đọc trộm được:
“Chuyện cùng sẻ nhỏ
( thơ gửi một người, và những ngày đông bắt đầu lộng gió)
Người thủy thủ già tóc chớm màu muối
tay vân vê chuỗi mộng một đời
tai bỗng nghe…
giữa gió lộng trùng khơi
một tiếng chim
rất nhỏ
*
tiếng chim lạ mơ hồ trong gió
tiếng chim yếu ớt
mong manh
như một lời kêu cứu
dẫu trên đầu,
trời xanh
dẫu dưới chân,
biển xanh
*
người thủy thủ già ngơ ngẩn
một con sẻ nhỏ loanh quoanh
trên boong tàu nép mình trốn gió
- Này, chim đất liền!
Sao lại lạc trên đại dương chập chùng sóng gió?
- Tôi đi kiếm ăn
quên mất giờ về tổ
tàu ra khơi
và tôi lạc ra khơi
*
người thủy thủ già thảng thốt gọi
em ơi!
rồi bật khóc như đứa trẻ bơ vơ lạc lối
tay giang ra
nhưng tay nào đủ rộng
mang đến cho em chút hơi ấm tình người
*
Biển vô tận
sóng dềnh
bọt sủi
lăn tăn xa đi chớm tóc bạc thời gian
gió cứ thế đẩy đưa hy vọng
trôi về đâu những kiếp cơ hàn ?
*
Giữa hai cột buồm
những sợi cáp giăng ngang
bỗng từ đâu hàng trăm chim sẻ
bay về đậu thành hàng
Sao sẻ nhỏ kia vẫn lạc lõng trên boong
cắm cúi tìm gì?
có phải là những mẩu bánh mì vãi vụn ?
*
- Này sẻ nhỏ, hãy bay lên tìm đàn
để bớt cô đơn và quên đi phiền muộn
quên gió sáng hoang vu
quên mây chiều hoang vu
quên những trôi xa, quên kiếp không nhà
quên để nhớ bước về bờ bến cũ
*
- Ô, thủy thủ, hẳn mắt chắc lòa
sợi cáp treo trên đầu chẳng có lấy một bóng chim
chỉ ó biển, mỏ dài móng sắc
bay trên cao
lơ lửng, rập rình
*
người thủy thủ chợt nghĩ về mình
suốt một đời tất bật
gió rám cháy da , tay sần nứt nẻ
hả miệng
ngửa mặt hát
Hát rằng:
‘’ Ô hay, ta đã làm chi đời ta? ‘’ *
*
Câu thơ lạnh cắt da
người thủy thủ xòe tay phủ mặt
che hoang tưởng đời mình
Con chim sẻ thình lình
đậu lên vai người, nhỏ nhẹ:
- Ta cho nhau một chút an bình!
*
Quơ tay lau nước mắt
người thủy thủ
hồi sinh
nghe trong tim máu trào như sóng biển
theo ánh bình minh
cùng mặt trời xuống núi
*
Thì ra
Sự Sống
ta viết hoa
muôn đời,
vẫn vùng lên từ những tro than
vẫy đôi cánh tình yêu lừng lững.
*
Cảm ơn em, sẻ nhỏ
đã nhắc ta
Sự Sống
chan hòa
Nam Dao
___
*
Thơ Vũ Hoàng Chương
Xin chân thành cảm ơn ông anh nhiều lắm về việc đọc và góp ý rất vui vẻ này.
Kính thư,
hai trầu
Mến chào bạn Black raccoon,
Được biêt bạn dân miền Tây là tui mừng rồi, giống như tui nghe chị Phục An ở Rạch Giá là tui nhớ những ngày ấu thơ ngoài Kinh xáng Bốn Tổng tụi nhỏ lớp tui mê vô Rạch Giá mấy lúc nghỉ hè thăm bà con dưới Rạch Sỏi, Tắc Cậu. Rất cảm ơn bạn mần và dịch giùm bài thơ “con trai nhà quê”, nếu không có bản dịch ra tiếng Việt tui đành chịu chết, hổng biết đường mò. Bản tiếng Việt nghe hồn nhiên chơn chất, nhưng chàng trai này cũng đa tình dữ à nhe.
Trầu cau gì nữa bạn ơi ! Nhà văn Nam Dao còn than “Nam Dao cẩn bút (ai dùng bút bây chừ?)”, tui làm gì còn răng mà nhai trầu, thưa bạn!
Thân mến,
hai trầu
#8 Comment By black raccoon On 13 January 2011 @ 1:54 pm
Mèng,thật là vạn hạnh. Được những hai “cao thủ võ lâm” ghé mắt xanh khuyến khích. Cám ơn ông Hai Trầu và bà nữ sĩ Phục An rất nhiều.
*Thưa bà Phục An,
Tui có xem lại tác phẩm của bà đã đăng trên Da Màu và Triết Văn. Nhiều bài thật thích. Thì ra bà là dân Văn Khoa xưa hả. Văn Khoa, tui cũng có duyên với nó. Mặc dù tui chưa phải là dân chánh qui lắm đâu. Tui biết nhiều anh chị Văn Khoa thật đáng mến. Tui đọc nhiều sách cúa các vị thầy VK khả kính. Sách của cố Giáo Sư Kim Định tui đọc khá nhiều. Nói nào ngay, nhờ trang web của dunglac.org của các sư huynh bên Công Giáo. Trang này có lưu giữ hầu hết sách của thầy Kim Định và nhiều văn nhân học giả khác.
Mong được xem nhiều sáng tác mới của bà.
*Thưa ông Hai Trầu,
Ông Hai ơi, tui hiền khô. Coi hùm hổ vậy chứ mà bị má xấp nhỏ la woài hà, ông ơi. À, thì tui có hơi đa đa chút chút cho dzui thôi.
Mấy bài phỏng vấn của ông Hai tài thiệt heng. Mà sao ít vậy? Đề tài này hay đó ông.
Nhân dịp xuân về, chúc quý vị khỏe và vui nhiều. Hẹn tái ngộ.
Kính chào hai vị.
br_______________
http://www.youtube.com/watch?v=P-8Ite38vFg
#9 Comment By trầnphùthế On 13 January 2011 @ 4:01 pm
Kính gởi cô Phục An,
Qua lời một người bạn, tôi đoán Phục An nhỏ tuổi hơn tôi. Vậy xin phép gọi cô cho nó trẻ trung( nếu đoán trật ) xin bỏ qua.Cám ơn cô đã dành nhiều tình cảm cho bài” Thăm Hỏi Nhà Thơ Trầnphùthế” cùa nhà văn Lương Thư Trung.Cô viết:” Tâm tình đơn phương mà sâu nặng, sống chí nghĩa chí tình “. Câu nói ngắn gọn nhưng bao hàm dầy đủ bản chất phóng khoáng trượng nghĩa khinh tài của người dân miền Tây Nam Phần.Một lần nữa cám ơn những lời tốt đẹp của cô. Chúc Phục An càng viết càng hay.
Kính thư,
trầnphùthế
Thưa anh Nam Dao,
” Thơ tình như vậy mới là bực nhứt giang hồ “.
Anh Nam Dao ơi,
Anh phán một câu đúng là xanh dờn. Dù anh nói chơi hay nói thịệt,trầnphùthế rất cám ơn
nhiều.Để bù lại lòng yêu mến của anh, mời anh đọc mười bài thơ lục bát hai hoặc ba câu
mới làm sẽ đăng trên DM ( nếu được đăng ). Chúc anh mạnh giỏi.
Kính,
trầnphùthế.
Kính chào Bạn Black Raccơon,
Với tôi bài thơ ” Country Boy ” bạn xứng đáng là một nhà thơ. Bởi,bài thơ của một người nhà quê làm nhưng không quê chút nào.Tôi hy vọng sẽ còn được đọc nhiều bài thơ như vậy. Chúc bạn nằm mơ được thưởng thức lẫu canh chua cá linh bông súng. Thức dậy,
hưong vị ngọt ngọt, chua chua vẫn còn đọng trên đầu lưỡi.Chúc bạn một ngày vui.
Kinh thư,
trầnphùthế.
#10 Comment By PHỤC AN On 14 January 2011 @ 3:41 am
* Kính gởi anh Trần Phù Thế,
Phục An rất cám ơn anh đã khuyến khích.
Thiệt tình khi đọc bài phỏng vấn rất hay của anh Hai Trầu, chạy theo những giòng tâm sự của anh, cũng như khi đọc được thơ anh, em đã xốn xang trong lòng và thích thú khi thấy anh xài những từ rặt miền tây mình, nó không “quê” chút nào mà lại gợi lên trong em nhiều thương nhớ lắm. Rồi sau đó còn thấy mình như có ” tội” với quê hương chân chất của mình khi đã lâu rồi, hầu như mình đã quên hẳn nó trong thế giới văn chương hiện đại.
Bài thơ khóc BẬU của anh quá tuyệt vời!
Kính chúc anh sức khỏe và sáng tác đều.
atpa
* Kính anh bạn black raccoon,
Rất cảm động khi anh bạn có lòng đọc qua các tác phẩm của PA. PA cũng bắt chước anh Hai Trầu mà nói với anh bạn rằng , nếu anh bạn không dịch bài thơ ” country boy” ra tiếng việt thì PA cũng hết biết luôn đó. Bài thơ dễ thương, thiệt tình giống hịt tính cách dân miền tây mình.
PA hồi nhỏ có dịp sống ở Long Xuyên, rất sợ khi mùa nước nổi mênh mông là nước, cứ thấy nước dâng cao là run, nhưng lại mê chết mệt mấy cái nhà sàn hay hay của xứ Long Xuyên..
Chúc anh bạn năm mới an khang .
atpa
#11 Comment By Quan Dương On 14 January 2011 @ 5:33 pm
Hai anh Lương Thư Trung và Trần Phù Thế ơi
Rất thú vị khi theo dỏi buổi nói chuyện của hai anh nhân bàn luận về thơ . QD rất thích cung cách nói chuyện đặc sệt miền Nam của hai anh . Thân tình . Chợt phát giác ra lâu quá mấy anh em mình chưa có dịp ngồi lại cùng nhau. Rất mong một ngày nào đó, tháng nào đó, năm nào đó, có một cơ duyên nào đó , hay một biến cố gì đó đun đẩy được gặp lại hai anh cho thỏa chí
Quan Dương
New Orleans
#12 Comment By trầnphùthế On 15 January 2011 @ 11:07 am
Quan Dương ơi,
Bao năm rồi bạn im re. Làm hại những đọc giả yêu mến thơ bạn ( trong đó có tpt )ngóng cổ mỏi quá chừng.Chúng ta được gặp gỡ nhau bù khú thì quá đã. Nhưng nếu chưa có cơ duyên nào đó (như bạn nói ) thì chịu khó chờ vậy. Nhưng tpt nghĩ nếu được đọc sáng tác của nhau thì
cũng như gặp mặt hàm thụ rồi.Tôi và bạn quyết định như vậy nhe.
Cám ơn bạn đã thú vị với bài ” Thăm hỏi cà kê dê ngổng của anh LTT và TPT”.Chúc bạn và bà xã QD năm mới nhiều sức khỏe và nhiều may mắn. tpt.
#13 Comment By hoàng-xuân sơn On 15 January 2011 @ 12:31 pm
Cám ơn quý anh Lương Thư Trung/Trần Phù Thế! Văn chương nam bộ cũng tỉ như con giao long quẫy mình vào chỗ khinh khoái nhất của văn học Việt. Không chừng cái chơn chất bộc trực của đàng trong đã lấn lướt cái khuôn rỗng, sáo và trùng lặp của đàng ngoài mất rồi! Nhắn ai đã có chất nam bộ trong người rồi thì rằng là ngọc quý đấy. Chớ có mà đứng núi này trông núi nọ .
Vài lời. Thân quý !
HXS
#14 Comment By haitrầu On 15 January 2011 @ 5:14 pm
Thăm anh Quan Dương,
Nhắc đến Quang Dương là nhớ về Ninh Hòa, Nha Trang. Từ Nha Trang leo dốc đèo Rù Rì dài chừng một cây số là qua làng chài lưới Lương Sơn với hàng dừa êm soi mình dưới bãi biển rì rào gió thổi… Đi thêm một đổi nữa là tói đèo Rọ Tượng với bãi bùn chạy dài lác đác vài lùm cây thấp nhưng chứa đầy những chàng cua biển mập mạp vào những đêm tối trời. Những ngày tháng xa xôi ấy, đoạn đường vắng này, trưa nào cũng có những em bé cầm trên tay những chùm cua vừa mới bắt được dưới bãi bùn đứng chờ khách qua lại hy vọng bán được năm ba chùm cua kiếm chút tiền về giúp gia đình. Hình ảnh những em bé nhà quê vùng biển mặn Ninh Hòa làm tôi nhớ hoài một thời lưu lạc. Ra khỏi đèo Rọ Tượng năm mười cây số nữa là đến quận lỵ Ninh Hòa của anh. Phố sá không lớn nhưng đủ để làm nên một thị trấn sung túc với nước dừa tươi, với nem, với chả lụa làm thành những món ăn tiêu biểu của Ninh Hòa ngày ấy và có lẽ mãi tới hôm nay mà mỗi lần có ai nhắc đến Ninh hòa của anh không thể không nhắc đến các món nem, món chả, món nước dừa đặc thù ấy . Phải thế không anh ?
May sao, sau này tôi có anh chị thông gia gốc Ninh Hòa và Diên Khánh, nên Ninh Hòa của anh càng thân thiết với tôi hơn. Hy vọng có dịp gặp lại anh nói chuyện xưa chơi cho vui. Thăm anh chị mạnh và anh tiếp tục mần thơ nhiều như ngày nào nhe, đặc biệt là những chữ dùng rất mới và lạ của anh !
Thân mến,
hai trầu
#15 Comment By haitrầu On 17 January 2011 @ 6:12 am
Kính chào anh Hoàng Xuân Sơn,
Rất cảm ơn anh với lời nhắn nhủ chí tình. Vì cảm cái ý của anh, tui xin chép tặng anh bài thơ “Mùa mưa nhớ bạn nghèo” mà tui mần cách nay mười lăm năm cho một người bạn ngheo giăng câu, giăng lưới với tui những năm tui làm ruộng, và nay người bạn này cũng ra người thiên cổ rồi, nhưng câu thơ vẫn còn ở lại trong lòng…:
“Mưa đã dìa rồi nơi quê tôi
Dòng sông nước đổ dậy bờ rồi
Cá tôm theo nước tràn lên ruộng
Đồng rộng nước đầy như biển khơi.
Văng vẳng xa đưa tiếng trích rừng,
Kìa bầy nhạn đất gọi tưng bừng
Chim ơi, đâu nữa mùa đẻ trứng!
Những luống cày sâu,khô cánh đồng…
Bạn ơi, bạn có còn giăng lưới?
Chiếc xuồng câu cũ mục rong rêu!
Cá ơi, cá có còn ụp móng?
Mang đến niềm vui một kiếp nghèo …
Điên điển vàng bông, trời cũng vàng,
Bạn tôi áo rách lòng không than.
Bông ơi, cho dẫu bông đồng nội,
Làm đẹp đất trời, bông điểm trang…
Xa quê giờ đã mấy mùa mưa,
Lòng vẫn miên man nhớ chốn xưa.
Nhớ bạn giăng câu từ dạo ấy,
Chiếc xuồng, con cá, một bài thơ …”
Thân quý,
hai trầu
#16 Comment By Quan Dương On 17 January 2011 @ 6:15 pm
Anh Trần Phù Thế mến
Tôi có blog riêng bỏ thơ của mình trong này nè anh : http://my.opera.com/quanduong-weblog/blog/
Mời anh và anh Hai Trầu ghé thăm và cho tôi xin số phone của anh, có vài chuyện cần thảo luận qua phone. Đây là địa chỉ e mail của tôi quancduong@yahoo.com . Anh bỏ số phone vô đó để khỏi bị lộ … he he he
Anh Hai Trầu ơi !! Anh có trí nhớ thật dai . Anh nhắc đến hình ảnh những đứa bé lấm lem tay cầm xâu cua đứng dọc chân đèo Rọ Tượng làm tôi nhớ đến những khốn đốn một thời của nơi tôi được sinh ra và nhớ nhà quá sức , nhất là tết sắp đến .
Sẳn dịp có anh Hoàng Xuân Sơn ở đây , QD say Hello luôn nhen anh HXS . Anh HXS ơi , thơ anh đúng là trẻ mãi không già , QD này rất khoái . Cũng mong ngày nào đó, tháng nào đó có một buổi ” tao ngộ chiến ” giống như đêm ” Đứng dưới trời đổ nát ” của Phan Xuân Sinh tại Boston anh nhén
Xin chúc sức khoẻ đến mọi người
Quan Dương
#17 Comment By Thiếu Khanh On 17 January 2011 @ 9:25 pm
Thưa các anh Lương Thư Trung, Nam Dao, Trần Phù Thế…
Tôi cùng một bụng với anh Lương Thư Trung khi anh nhận xét: “Thơ Trần Phù Thế mang lại cho người đọc cái lâng lâng của hồn thơ giàu chất lãng mạn, trữ tình; cái buồn buồn của nhân tình thế thái; cái cay cay của những dâu bể tang thương và cái thâm thúy của cách nhìn đời qua nhiều bất trắc”. (Lương Thư Trung: “Trần Phù Thế, tiếng chim kêu chiều từ một miền sông nước cũ”). Ngoài những thứ đó ra, cái nổi bật trong thơ Trần Phù Thế mà ai đọc thơ anh cũng nhận ra là “các chữ dùng rất rặt miền Tây vùng đất Nam Phần” (Lương Thư Trung, như trên)hoặc nói một cách cảm động như chị Phục An: “những từ rặt miền tây mình”, “dân miền Tây mình.”
Những từ của “dân miền Tây mình” trong thơ Trần Phù Thế càng quý hơn nữa khi chúng mang theo cả cái hồn rất “rặt miền Tây mình”, chớ không chỉ là những xác chữ, vì thế mà đọc lên nghe “khinh khoái” (chữ của Hoàng Xuân Sơn) và… rất đã.
Tuy nhiên, nói như HXS: “Không chừng cái chơn chất bộc trực của đàng trong đã lấn lướt cái khuôn rỗng, sáo và trùng lặp của đàng ngoài mất rồi!” thì e là… sớm quá.
Mặc dù văn học “Đàng Trong đã sớm có những Học Lạc, Đồ Chiểu và sau đó là Hồ Biểu Chánh với giọng văn “rặt ri Nam Bộ”, nhưng ngôn ngữ Đàng Ngoài cũng đã kịp có mặt trong văn học Đàng Trong sớm như thế. (Trong truyện ngắn “Truyền Thầy Lazaro Phiền” xuất bản khoảng năm 1887, tác giả Nguyễn Trọng Quản đã viết “thật” (mười lần) thay vì “thiệt” theo cách nói của người miền Nam. Dù sao một phần rất lờn “dân Đàng Trong” vốn là gốc di dân từ Đàng Ngoài từ những thế kỷ trước.
Có lẽ do đặc tính của di dân (miền Nam)ít màng chuyện văn học, và do các điều kiện lịch sử, ngôn ngữ và văn phong “Bắc Hà” đã áp đặt ưu thế của nó trên cả miền Nam VN – như anh Nam Dao đã thấy. Ngày nay, ngôn ngữ miền Bắc gần như mặc nhiên được coi là… đồng phục của “ngôn ngữ văn học” cả nước.
Có lẽ do trở ngại nào đó về kỹ thuật, bài viết “Thơ lục bát mới của Trần Phù Thế” của TK in trong tập thơ “Gọi Khan Giọng Tình” đã bỏ sót tất cả các ghi chú, trong đó có ghi chú này:
[Trích]:
“Trong sách báo ở Việt Nam, ngoài những “thuật ngữ cách mạng” mới phổ biến từ sau năm 1975 như “sự cố”, tranh thủ,” triển khai,” “thí điểm, “quá trình”, “phấn đấu”, “thủ trưởng,” vân vân, và nhiều nữa, ta có thể thấy những từ được dùng bình thường khác như “thuyền” (thay cho ghe, xuồng), “hoa” (thay bông) “quả” (đôi khi cũng viết trái), “vỡ” (thay cho bể), “chứ” (thay chớ), “đánh rơi” (thay cho làm rớt) v.v…. Những sự “thay thế” đó hoàn toàn không phải là điều ngẫu nhiên. Dường như có một chủ trường cho tiếng miền Bắc là ngôn ngữ văn học chính thức. Cho nên, tác phẩm của tất cả nhà văn hay dịch giả người miền Nam đều cùng dùng chung những từ miền Bắc. Sở dĩ như thế là vì trước khi được in ra, tất cả tác phẩm (không riêng văn học) đều qua tay chỉnh sửa của các biên tập viên (editor) được huấn luyện cùng một sách.
Không riêng gì sách báo, ngay trong ngâm thơ và ca hát, người ta cũng nghe các ca sĩ và ngâm sĩ người miền Nam hát và ngâm toàn giọng miền Bắc, không có ngoại trừ. Gần mười năm trước, Bé Xuân Mai gốc gác Sai Gòn cứ hát “Bay lên bay lên Zồng Zống Tiến Zồng!” Trước đó nữa có ca sĩ sau khi hát xong đã “Cám ơn bà con cô bát!”
Nhưng đừng tưởng chỉ sau năm 1975 mới có tình trạng đó. Trước năm ’75, hầu hết ca sĩ miền Nam cũng hát giọng Bắc đó chớ! Trong một “sô” trò chuyện trên TV ở Sài Gòn mới đây, ca sĩ Phương Dung kể lại, khi chị học hát hơn năm mươi năm trước, thầy dạy hát của chị buộc chị phải tập hát đúng giọng Bắc. Có lẽ đó là lý do mà ca sĩ Nhật Trường ngày trước, người đồng hương Bình Thuận thân mến của tôi từng hát “Za về men ziệu đắng hồn cay…!” Các ca sĩ khác cũng thế. Có điều sách báo miền Nam thời đó không phải qua “khâu biên tập” (từ ngữ sau 75 đó!) như bây giờ nên các tác giả có thể giữ được sắc thái ngôn ngữ riêng và tiếng địa phương của mình trong tác phẩm. Và cụ Vương Hồng Sểnh giữ được cái giọng ề à rất đặc trưng của cụ. Sau này khi cuốn Sài Gòn Năm Xưa của cụ được tái bản, một biên tập viên đã bào chuốc nó nhẵn nhụi “theo đúng tiêu chuẩn” khiến cụ phải phẫn nộ.”
[Hết trích]
Do “mặc định” ngôn ngữ mặc đồng phục cho nên ngôn ngữ đặc trưng của nhiều vùng miền trong nước đều bị đồng hóa theo một dạng “chuẩn” trên mặt bằng tác phẩm văn học. (Tôi là người Bình Thuận, gọi con heo là… con heo, như tất cả người miên Nam khác. Nhưng khi dịch tác phẩm “Henderson the Rain King” của Saul Bellow – nhà Văn học và Nhã Nam xuất bản cuối năm 2010 – trong đó nhân vật có nuôi heo, tôi phải gọi con heo là “con lợn” – nếu cứ viết “con heo” thì biên tập viên sẽ cảm thấy phiền lòng vì phải mất công sửa lại thành con lợn cho đúng “chuẩn”.)
Ở trên cái nền “đồng phục” như vậy, ngôn ngữ miền Nam nói chung, miền tây Nam Phần nói riêng trong thơ Trần Phù Thế đã nổi bật nét đặc thù mà không những “dân miền Tây mình” mà người dân miền Nam nói chung đọc cũng thấy… đã và cảm động.
Nhân đây nói riêng với anh TPT: Trong đoạn văn sau đây trong bài viết của tôi có sót mất một dòng (tôi đặt trong ngoặc vuông[ ])nên mất nghĩa:
“Tâm hồn người Việt Nam nói chung ưa chuộng sự thủy chung, dịu dàng và tròn trịa. Câu thơ lục bát, một thể thơ độc đáo của dân tộc dường như phản ảnh tính cách dễ thương đó. Cả hai câu thơ lục và bát đều đi đến vần bằng ở cuối câu một cách êm ái như một câu chuyện kể có hậu. Và nếu âm thanh trong thơ cũng có vị, thì vị của câu thơ lục bát [là ngọt ngào. Nó khác với các thể thơ cổ của Tàu] mà nhiều người Việt quen thuộc, có câu dừng lại với một vần trắc gập ghềnh và chói gắt.”
Kính chúc tất cả quí anh và chị Phục An một năm mới an lành và thịnh vượng.
Thiếu Khanh
#18 Comment By black raccoon On 18 January 2011 @ 12:48 pm
Kính quí ông Trần Phù Thế , ông Quan Dương, ông Hoàng Xuân Sơn, ông Thiếu Khanh.
Nghe thêm quý vị tâm tình qua lại trong tiếng nói. Đặc biệt là tiếng Miền Tây Nam Phần , khiến cho một đọc giả như tui không khỏi bồi hồi cảm động. Tui thấy bồn chồn trong mình. Cho tui nói nửa.
Theo tui nghĩ, ngôn ngữ tiếng nói VN sẽ phát triển và khởi sắc trong một điều kiện và môi trường tự do , cộng với bình đẳng.
Cá nhân tui, tui chẳng thấy có gì xa lánh trong văn chương văn học 3 miền Nam Trung Bắc.
Trong Nam có làng Đại Ngãi. Ngoài Trung cũng có Quãng Ngãi. Mà, tui nghe trong một câu ca Quan Họ Lý Giao Duyên xưa cũng có “…cái ngãi chung tình… “. Ngãi là Nghĩa. Cả 3 miền đều nói chung là Ngãi.
Sè sè nắm đất bên đàng
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
Rằng sao trong tiết thanh minh
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?
Vương Quan mới dẫn gần xa
Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi
Nổi danh tài sắc một thì
Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh
(Truyện Kiều, ND)
Anh đương viết liễn trong đình
nghe em chồng hỏi giựt mình quăng nghiên
Lòng thương chị bán thịt heo
Hai vai gánh nặng còn đèo móc cân
Biết đâu mà đợi mà chờ
Tấm thân liễu yếu đào tơ gió lồng
(Tên các con bài tám Quăn, tứ Móc, bảy Liễu của thơ văn hô Bài Chòi vùng Nam Ngãi Bình Phú)
Mấy đoạn thi văn trên, theo tui, cũng đầy nhóc “hơi” miền Nam.
Tui nhớ, nhà văn Thanh Tâm Tuyền gốc Bắc Kỳ, nhưng ông có mấy truyện ngắn
đặc sệt giọng miền Nam. Đặc sệt luôn. Đó là các truyện”Dọc Đường” và “Tư”.
Người vận quần áo kaki đỏ mặt cãi với ông già. Người vận áo lá quần xà lỏn nói:
“Ăn chung gì. Giờ mình chơi hết các thứ xe đi”.
“Đâu có được mày. Mắt tao nhìn không rõ. Xe ben chạy cà rề cà rề tao còn ngó thấy. Chớ bọn xe đò, xe nhà chạy giờ này nó chạy trối chết làm sao tao trông kịp”.
“Ai ăn lận tía mà tía sợ”.
Ông già lắc đầu:
“Tao không chơi nữa”.
(Trích DĐ, TTT)
Hình như còn nhiều lắm. Mà đề tài này thiệt rộng lớn. Mong quý vị văn nhân , học giả , thức giả có thêm nhiều bài khai triển nửa , thì hay vô cùng.
Thân chào. Kính chúc tất cả quý vị năm mới bình an và vui vẻ.
Kính bút
Ps.
Tui cũng đồng ý với tất cả quý vị về thơ của thi sĩ Trần Phù Thế. Bắt chước ông Nam Dao : ” Thơ tình như dzậy mới là bực nhứt giang hồ ! “. Hẹn gặp lại.
br……….
19 Comment By namdao
On 19 January 2011 @ 12:55 pm
Chèng đét ui, zui thiệt, mấy ông văn thi sĩ nhảy zô chiện âm ngữ nào thì là zăn, là thơ, thôi thì có miền Tây, rồi hằn phải có miền Đông, rồi Quảng Nơm, Quảng Ngỡi…Đó lờ âm chuyển qua chữ viết( viét trên giấy, trên màn hình), làm như thể ” nói” thì…chưa là zăn là thơ!
Có chệch vấn dề thơ-văn không cà?
Tui thấy chị Nguyễn Ngọc Tư viết thiệt hay, đọc cái biết liền nữ zăn sĩ không phải người Hà N(L)ội, chữ chị dùng Nam có Bắc có, nhưng có phải chỉ vì thế là zăn chị mất phong cách Nam bộ ?
Phong cách Nam bộ chắc phản ánh con người Nam bộ, lớn lên trên ruộng cò bay thẳng cánh, sông nước minh mông, nhậu thằng cánh cười hể hả, ĐM một cái rồi quên liền, chiện tình nghĩa giang hồ coi trọng, dăm cái vật chất coi khinh, và, thưa quí zị, không biết bao nhiêu đặc thù tui kể đến hết biết.
” Chuẩn hóa” một nền văn chương có phải là chu di ba đời phương ngữ ( cách xử dụng ngôn ngữ địa phương) không? Nếu zậy, tui sẽ chống, và kiện lên toà quấc tế đang tìm cách bảo vệ đa văn hoá ( cultural diversity), ai cùng lòng thì cho biết, mình đâm đơn ” khiếu kiện đông người” cho zui.
À, anh Hai Trầu à, tui viết Vu Quy mà anh đọc rồi góp ý thì zăn tui là Nam hay Bắc cà? Tui viết mà nào đâu có ý định ban đầu ( a priori) nào đâu. Nhưng con người đó, cảnh vật đó, lịch sữ đó… nó buộc vào văn mình những giới hạn ngôn ngữ mà mình ( lơ mơ) nhận biết, qua trực giác chớ có ngồi lý luận gì đâu!
Tui nói quàng, chư vị hảo hán bò qua nghe, thiệt thà như người Kinh Bổn Tổng (?)
#20 Comment By hồ đình nghiêm On 20 January 2011 @ 5:29 am
Cám ơn nhà văn Nam Dao. Nếu sa đà quá, vô tình chúng ta đi vào vuông sân cục bộ, mang nặng tính chất địa phương. Cái mà văn chương cần, nó thông thoáng hơn, nó biết xé rào,
lang thang qua 3 miền và có thể chu du hải ngoại.
Đọc thơ Trần Vàng Sao, biết tỏng cha này người Ghuế.
Nghe ca từ Trịnh Công Sơn, nhận ngay cảnh sắc xứ Thần kinh nằm đầy trong đó. Mặc dù hai vị ấy chẳng ra công mô tê răng rứa. Và quan trọng: Nó hay (dễ sợ).
Một tiếng nói trọ trẹ từ miền Trung khô cằn sỏi đá, mong các vị miền Nam ruộng lúa cò bay thẳng cánh niệm tình thứ tha.
#21 Comment By haitrầu On 20 January 2011 @ 8:26 am
Kính chào BBT/Da Màu,
Tui rất ngại là phải nêu lên ý kiến hoài trên bài này; nhưng khổ nỗi là nếu mình hổng hồi đáp các anh thì lại mang tội thất lễ . Thành ra, xin phép quý vị cho tui thêm chút ý kiến này cùng nhà văn Thiếu Khanh và nhà văn Nam Dao .
Trước hết, xin chân thành cảm ơn nhà văn Thiếu Khanh có cùng một bụng với tui về thơ Trần Phú Thế qua mấy hàng anh trích. Và sau đây xin trả lời câu hỏi của ông anh Nam Dao khi đọc Vu Quy, lời văn của ông anh là một pha trộn giữa miền Tây và Sài Gòn, tui hổng dám nói Bắc Nam gì ông anh à ! Giữa chợ búa và thôn quê có hai cách nói đã khác nhau nhiều rồi, nói gì Bắc với Nam. Phải thế hông, thưa ông anh ?
Ngoài ra, về văn Nguyễn Ngọc Tư, nhớ có lần tui cũng có nêu lên trên Talawas (Diễn Đàn 2001-2008), xin copy lại mời các anh chị đọc vài nhận xét rất chủ quan và nông cạn này :
24.7.2007
Hai Trầu
Đọc vài bài viết của Nguyễn Ngọc Tư
Nguyễn Ngọc Tư viết nhiều và cũng được giới thiệu nhiềụ. Tôi thì chỉ đọc đây đó vài bài, không có cơ hội đọc nhiều. Nên xin có vài ba ý kiến về cách viết của Nguyễn Ngọc Tư với cái nhìn của một người từng có những năm tháng làm ruộng và nuôi vịt chạy đồng.
Trước nhứt, văn Nguyễn Ngọc Tư có giọng kể lể. Tác giả kể về những nỗi nhớ mênh mông về một thời mới hôm nào, chưa lâu lắm nhưng đủ để làm nên nỗi nhớ dằng dặc trong con ngườị. “Dòng nhớ”, “Hiu hiu gió bấc”, “Lỡ mùa”, “Chuyện của Điệp”, “Nửa mùa”, “Huệ lấy chồng”, “Bến đò xóm Miễu”, “Nhà cổ”, “Nhớ sông”… trong Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư [1] là những mảnh hồn nhớ tưởng miên man ấy… Nỗi nhớ nào cũng làm cho lòng người trong cuộc thấy buồn, đôi lúc buồn đứt ruột.
Những trang sách của Nguyễn Ngọc Tư thật ra không lấy gì làm mới, nhất là với những người làm ruộng và nuôi vịt như tôị. Nhưng văn Nguyễn Ngọc Tư mau đến với người đọc là do tác giả viết ra những điều vô cùng gần gũi với mọi người mà các tác giả khác vô tình bỏ quên hay cố ý chê, cho rằng những đề tài như vậy hổng lấy gì làm cao siêu, trí thức. Biết dùng cái kho báu đồng quê để mô tả về đồng quê là nét chính trong văn Nguyễn Ngọc Tư.
Thứ đến, chữ dùng trong văn Nguyễn Ngọc Tư mà tôi đọc được là những từ ngữ của lối nói thường ngày của cư dân vùng sông nước miền Tây. Chính vì vậy, văn Nguyễn Ngọc Tư mộc mạc, dễ cảm người đọc. Ai đã đọc Nguyễn Ngọc tư chắc có cùng cảm nhận như vậy.
Nói thế không có nghĩa chữ dùng Nguyễn Ngọc Tư chỉ thuần nhà quê; đôi lúc tác giả vẫn pha trộn nhiều từ ngữ lạ, làm cho câu văn trúc trắc, khó đọc, khiến cho người đọc đang đọc ngon trớn phải khựng lại nghĩ ngợi, và có cảm tưởng như bắt gặp cô gái nhà quê đang đi guốc cao gót giữa đường làng.
Những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư không có ý khoe khoang kiến thức, cũng không triết lý cao siêu gì. Ở đó chung qui chỉ là những câu chuyện được kể lại của một người trẻ nói giùm những người già đã qua rồi cái thời không còn trẻ trung gì, và cũng không có cách gì ghi chép lại được, vì vốn họ không biết chữ hoặc có biết nhưng chỉ biết chút ít. Tôi cảm thấy Nguyễn Ngọc Tư kể chuyện hơn là sáng tác, viết truyện. Những chuyện kể của tác giả gần gũi với người thường, đời thường… Nét vẽ của Nguyễn Ngọc Tư trong những truyện của mình là nét vẽ chân phương về những mảnh đời với những tâm hồn vốn rất chân chất, bình dị.
Thêm vào đó, Nguyễn Ngọc Tư có lối kết truyện rất đặc biệt, nó tạo được văn phong của Nguyễn Ngọc Tự. Những câu kết như những dấu hỏi được bỏ lửng để người đọc tìm lấy câu trả lời cho những nỗi niềm của người trong cuộc.
Sau cùng, không biết do tác giả hay nhà xuất bản, những truyện đã in sách này rồi lại in lại trong sách kia. Chẳng hạn “Hiu hiu gió bấc”, “Huệ lấy chồng”, “Nhà cổ”, “Nhớ sống”, “Biển người mênh mông”… trong cuốn Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư do nhà xuất bản Văn hoá Sài Gòn ấn hành tháng 3 năm 2006, lại được in lại trong cuốn “Cánh đồng bất tận” do nhà xuất bản Trẻ phát hành vào tháng 6 năm 2006. Điều này khiến người mua sách như tôi giống như bị gạt vì cứ tưởng mỗi tựa sách đều có những nội dung khác nhau, đâu ngờ có sự pha trộn như vậy?
Nguyễn Ngọc Tư ngày nay viết quá nhiều rồi, và theo thiển ý của tôi, cứ đưa Nguyễn Ngọc Tư lên mây quá, tôi e một ngày nào đó, Nguyễn Ngọc Tư nhận ra “người ta quây rào tre giữ lại một đám lục bình đang trổ bông, cũng đẹp…” nhưng “lục bình mà bị cầm tù”, cho dù cầm tù bằng những lời khen quá mức, “thì còn gì là lục bình nữa…” [2]
Ngày 19 tháng 7 năm 2007
——————————————————————————–
[1]Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, nhà xuất bản Văn hoá, Sài Gòn, năm 2006
[2]Sống chậm thời @, tản văn, viết chung với Lê Thiếu Nhơn, nhà xuất bản Thanh Niên, năm 2006, trang 5
———————-
Xin chân thành cảm ơn BBT/Da Màu và tất cả các anh chị với lời chúc một Năm Mới Tân Mão” vạn sự như ý .
Nay thư,
hai trâu
#22 Comment By Thiếu Khanh On 22 January 2011 @ 6:54 am
Thưa anh Black Raccoon, anh Hồ Đình Nghiêm, anh Hai Trầu, và anh Nam Dao,
Điều mà anh Black Raccoon nói là đúng ý tui rồi. Cái miền Nam “của tui” là “miền Nam lịch sử” (hay miền Nam… chính trị) chớ không phải “miền Nam địa lý”. (Tui là dân Bình Thuận, bắc Trung Phần, mà cũng nói mình là người miền Nam là vì vậy). Thế nên, không những vùng Nam Ngãi Bình Phú mà cả Bình Trị Thiên trở vào cũng là “miền Nam” trong đó, như chúng ta đã biết, trước năm 1975 nhiều tiéng địa phương vùng miền có cơ hội gần như bằng nhau xuất hiện trong văn học – về mặt văn bản (mình chưa nói chuyện văn phong). Dùng văn phong hay ngôn ngữ một vùng miền cụ thế nào như một chuẩn chung cho cả nước thì sẽ giông như điều anh Hai Trầu nói: “quây rào tre giữ lại một đám lục bình đang trổ bông”. Chính vì cứ để lục bình trôi tự do cho nên chúng ta nghe được cái chất Huế trong thơ Trần Vàng Sao, trong lời hát Trịnh Cong Sơn, như anh Hồ Đình Nghiêm nhận thấy, và cà Thanh Tâm Tuyện “nói” tiếng miền Nam trong tác phẩm của ông, như anh Black Raccoon nói. Nếu nhất mực dùng từ ngữ miền Bắc làm “chuẩn” (như chúng ta thấy một phần lớn trong văn học trong nước hiện nay) thì không những là áp đặt sự cục bộ hóa ngôn ngữ một miền mà còn không khác gì “tru di ba đời phương ngữ” (lời anh Nam Dao) khiến vốn ngôn ngữ dân tộc nghèo đi do sự mai một dần của nhiều phương ngữ.
Chúng ta bàn những chuyện này chỉ là một cách trân trọng với những tiếng đặc trưng và thân thiết của miền Nam, và riêng miền Tây Nam Phần, trong thơ của nhà thơ Trần Phù Thế. Có lẽ đặc tính ngôn ngữ đó là một trong những yếu tố khiến chúng ta xúc động khi đọc thơ anh, và lời comment của nhà văn Nam Dao không phải là không có căn cứ: ” Thơ tình như dzậy mới là bực nhứt giang hồ ! “. (Đúng là anh ấy nói “bực nhứt” đó – chớ không phải “bậc nhất” đâu.)
Thiếu Khanh.
--------------------------------------------------------------------------------
Article printed from Tạp chí Da Màu – Văn Chương Không Biên Giới: http://damau.org
URL to article: http://damau.org/archives/17918
Click here to print.
© 2008 damau.org - Damau Literary Portal. All rights reserved.
Hai Trầu
11 January 2011
(Source : DA MAU )
HT:
Mến chào anh Trần Phù Thế,
Được biết anh có quê quán Sốc Trăng, nhưng quê anh thuộc làng nào và có gần Kế Sách hoặc Đại Ngãi không thưa anh ?
TPT :
Mến chào anh Hai,
Quê tôi làng Hậu Thạnh nhưng lúc bốn tuổi gia đình dọn ra Đại Ngãi. Năm 1968 dọn nhà về Cần Thơ. Chúc anh mạnh giỏi.
HT:
Thưa anh,
Anh có thể kể cho nghe một chút về làng Hậu Thạnh và Đại Ngãi nhe! (Năm 1968, tôi cũng đang ở Cần Thơ, gần chùa Cây Bàng; sau Tết Mậu Thân lại dời qua hẻm số 2 đường Nguyễn Trãi; vậy anh ở đường nào?
Lúc bấy giờ anh đã làm thơ chưa hay anh làm thơ từ hồi còn dưới Đại Ngãi (Sốc Trăng), thưa anh?
Ngoài ra, vào những năm trước 1975, theo chỗ tôi biết, ở Cần Thơ có thi văn đoàn Về Nguồn (1964-1975), tạp chí Văn Nghệ Miền Tây do Ngũ Lang làm chủ bút (1967-1968), tạp chí Miền Tây Thăng Hoa do nhà sưu khảo Nguyễn Bá Thế chủ trương (1972-1975, như vậy, vào những ngày anh dọn nhà về Cần Thơ anh còn thấy những tạp chí văn chương nào khác nữa không?
TPT:
Thưa anh Hai Trầu,
Làng Hậu Thạnh thuộc quận Long Phú, tỉnh Sốc Trăng nằm trên trục lộ từ Sốc Trăng đi Đại Ngãi. Đó là nơi tôi chào đời năm 1943. Ba tôi làm ruộng và Má tôi buôn hàng xén tại nhà.Khi lớn lên nghe Ba tôi kể lại Năm 1945 người Miên từ xã Văn Cơ ” Nổi Dậy “. Họ uống rượu say, mắt đỏ ngầu, tay cầm Mã Tấu gặp người Việt lá chém liền. Họ đi đến đâu là cướp của, đốt nhà. Ba tôi là nạn nhân của chúng. Nhưng may mắn chạy thoát được với vết thương trí mạng trên lưng vai trái. Sau đó Ba Má tôi dọn nhà ra chợ Đại Ngãi ( nằm trên ngã ba sông Bassac và sông Đại Ngãi) cách Hậu Thạnh ba cây số. Thời đó, chợ Đại Ngãi rất trù phú,đông dân, trên bến dưới thuyền, là nơi tụ hội của giới thương hồ từ Long Phú, cù lao Dung lên, Cầu Quan, Trà Ôn qua và Kế Sách xuống.Khi gia đình sinh sống ở Đại Ngãi lúc đó tôi đã chín tuổi mới được đi học. Học xong Tiểu Học tôi vào Sốc Trăng cùng thằng bạn cất cái nhà lá nhỏ ( đường vào mã Quách Sên ) đi học và tự nấu ăn. Năm học Đệ Tam năm 1962 ( học trò gọi là năm ăn chơi). Trần Phù Thế (Mặc Huyền Thương) cùng với Lâm Hảo Dũng (lúc đó bút hiệu Mây Viễn Xứ ), Lưu Vân ( Tăng Quang Duyên), Triệu Ngọc (Trần Hữu Hạnh) thành lập nhóm thơ “Cung Thương Miền Nam”. Thời gian sau có thêm Nguyễn Lệ Tuân (Nguyễn Minh Y) và Trần Biên Thùy (La Phước Hùng) . Trước đó Thị xã Khánh Hưng đã có thi đoàn Hoa Hậu Giang của Lệ Trường Giang hoạt đông. Năm sau thi văn đoàn Hồn Trẻ 20 ra đời với Vũ Ngọc Đức, Phù Sa Lộc, Lâm Hảo Khôi ( Trần Tử Lan )…Ngoài ra ở Sốc Trăng còn có nhà giáo, nhà thơ Trần Như Liên Phượng nổi tiếng từ năm 1960 ( phục vụ SĐ21/BB) đã tử trận năm 1965 tại Chương Thiện. Tôi đi lính K25/TĐ năm 1967. Sau Tết Mậu Thân (1968 gia đình dọn về Cần thơ đưòng Trương Định. Lúc đó tôi đã ra trường TĐ và đơn vị tôi đang bận hành quân. Mãi tới cuối năm 1968 tôi mới được về phép. Tuy mang tiếng nhà ở Cần Thơ nhưng vì phục vụ TK/Gia Định mỗi năm về phép mấy ngày nên tôi như là khách trọ qua đường.
HT:
Thưa anh Trần Phù Thế,
Theo như anh kể, năm 1962, anh với bút hiệu Mặc Huyền Thương cùng với Lâm Hảo Dũng ( lúc đó bút hiệu Mây Viễn Xứ ), Lưu Vân (Tăng Quang Duyên), Triệu Ngọc ( Trần Hữu Hạnh ) thành lập nhóm thơ “Cung Thương Miền Nam“. Sao lại là “Cung Thương” và xin anh có thể nói thêm một chút về sinh hoạt của nhóm thơ “Cung Thương Miền Nam ” lúc ấy, thưa anh?
TPT:
Anh Hai à,
Chuyện là như thế nầy. Cung Thương là hai trong ngũ âm của nhạc cổ điển Trung Quốc (Cung, Thương, Chủy, Giốc, Vũ):
cung thương làu bậc ngũ âm
nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương
(Kiều)
Sở dĩ chọn hai chữ Cung Thương là vì tất cả thành viên trong nhóm đều tự tin vào tác phẩm của mình sẽ được độc giả chấp nhận. Thời đó những tay viế trẻ đều mong muốn thơ hoặc văn mình được tạp chí VĂN ( thời Trần Phong Giao thơ ký tòa soạn ) đăng một bài ( dù chỉ một bài ) thì lập tức cả giới văn nghệ như tụi tôi đều biết tên. Tạp chí VĂN biểu tượng Đẳng Cấp của những cây viết trẻ thời đó. Chỉ một năm hoạt động đã có ba thành viên có bài đăng trên VĂN: Lâm Hảo Dũng, Lưu Vân và Mặc Huyền Thương. Dù đã bốn mươi bảy năm qua, nhưng khi cầm tạp chí VĂN trên tay. Có đăng bài thơ ” Nhạc Trăng” của mình một cách trang trọng. Tôi sung sướng phát khóc. Đứa con yêu quí của tôi nằm phơi phới nguyên một trang. Hình như hai chữ Nhạc Trăng đang mỉm cười với tôi, lại còn nheo mắt, như thầm nói: Đã chưa bạn?
trăng nhập vào trăng lạnh tiếng đàn
nghe giòn sao vỡ thủy tinh tan
chơi vơi tiếng hát cao trừng vọng
ta gởi hồn qua giấc hỗn mang
rỉ máu lên từng giọt ngón tay
ta thương hồn chết đã bao ngày
trăng mơ chảy mượt từng chân tóc
ta uống trăng vàng giọt giọt say
trăng hát miên man buồn chậm chậm
mây đời che khuất bóng trăng tan
hồn ta treo cổ vầng trăng khuyết
và chết vào đêm bóng nguyệt tàn.
(Nhạc Trăng)
HT:
Anh Trần Phù Thế thân,
Nghe anh kể bài thơ Nhạc Trăng được đăng trên tạp chí Văn vào thời ấy là biết mê rồi. Hồi thời đó ai viết văn làm thơ mà được các tạp chí văn học ở Sài Gòn chọn đăng thì, nói theo cách nói dân miền Tây mình, “dù hèn cũng thể, dù bể cũng còn kêu cạch cạch”. Theo anh có phải vậy không ?
Tôi thấy có cái này nữa, muốn biết mà không biết hỏi ai. Đó là vào những năm 1960-1970, nhiều tác giả hay lấy bút hiệu ba chữ, như anh là Mặc Huyền Thương; Lâm Hảo Dũng có bút hiệu Mây Viễn Xứ; rồì Lê Mai Lĩnh thì Sương Biên Thùy; Lê Cần Thơ thì nào là Kiều Hương Trinh, Trương Yến Linh, Huyền Vân Thanh, Lê Hoàng Viện; ở thị xã Khánh Hưng (Ba Xuyên) còn có Phù Sa Lộc như anh kể. Đặc biệt nhứt là vào những năm ấy sao người ta hay lấy mây, sao, sương, cát làm bút hiệu quá vậy anh Trần Phù Thế? Phải chăng đó là một phong trào chọn tên cho hợp với trời trăng mây nước chăng?
TPT:
Thưa anh Hai,
Thập niên 60-70 tuổi học trò lứa tuổi anh em mình phần lớn đều thích thơ văn. Tôi nhớ, hồi ở trung học. Hôm nào, thầy trả bài luận văn, bài nào hay nhất, thầy cho một bạn có giọng tốt đọc lên cả lớp cùng nghe. Trò nào được tuyên dương là đỏ mặt, tía tai sung sướng. Bạn bè đều hướng mắt nhìn ngưỡng mộ. Huống chi, thị xã Sốc Trăng nhỏ xíu, một học trò có thơ văn đăng báo là niềm hãnh diện chẳng những cho cá nhân mà còn cho cả lớp, cả trường. Cho nên nói theo cách nói dân miền Tây mình: “dù hèn cũng thể, dù bể cũng còn kêu cạch cạch ” là đúng vậy.
Nhiều tác giả, những năm 1960-1970 hay lấy bút hiệu ba chữ thì tôi chịu thua không thể giải thích được. Trừ trường hợp tác giả tự giải nghĩa về bút hiệu của mình. Tuy nhiên giải nghĩa chơi chơi bút hiệu các bạn thơ quen thì tạm được. Như Mây Viễn Xứ. Từ nhỏ Lâm Hảo Dũng sinh ở Cao Miên rồi gia đình dời nhà về Bố Thảo (Sốc Trăng ), học ở Khánh Hưng, học Nông Lâm Súc ở Cần Thơ và đi lính lang thang khắp vùng Ba, vùng Bốn chiến thuật. Như vậy thì không “Mây Xa Nhà” là gì. Còn tên Tăng Quang Duyên bút hiệu Lưu Vân cũng là lưu linh thiên địa. Hắn thích uống rượu và như mây bay lang thang. Cuối cùng tôi có thể nghĩ đó cũng là một phong trào đặt bút hiệu cho sướng mà thôi.
LTT:
Còn Mặc Huyền Thương là do đâu, thưa anh?
TPT:
Anh Hai Trầu ơi,
Với tôi, Mặc là im lặng không nói (hay không dám nói). Chuyện nầy nói ra thiệt là mắc cở quá chừng. Lúc mà ta mười lăm đã lòng say bậu rồi …. Tôi khoái một cô bé tên Thương Huyền. Gia đình cô bé rất giàu có, nên cô ấy vô cùng kiêu ngạo. Hơn nữa ba cô bé mặt lạnh như tiền. Tôi đành nhốt hình bóng kiều diễm của bé vào trái tim. Tôi bắt đầu làm thơ. Nghĩ tới nghĩ lui cả tháng không tìm được bút hiệu nào vừa ý. Trực nhớ tới Thương Huyền. Tôi đi tới đi lui trong phòng. Miệng lẩm bẩm đọc tên nàng ngược xuôi, xuôi ngược như lên đồng: Thương Huyền… Huyền Thương…Thương Huyền… Huyền Thương… Cuối cùng tôi quyết định chọn tên Huyền Thương để tránh nàng hiểu lầm là tôi mê nàng. Tôi đọc lần nữa thấy chỉ cần thông minh một chút là khám phá ra ý đồ của tên cà chớn liền. Tôi lại đi tìm cuốn từ điển tiếng Việt, coi đồng nghĩa với im lặng là gì. Bắt gặp chữ” Mặc “. Tôi mừng như bắt được vàng. Tôi đọc to lên: Mặc Huyền Thương… Mặc Huyền Thương nghe cũng êm tai ra phết.
Khi tôi vào lính. Tôi lấy tên thật và họ thật chỉ thay chữ lót để trở thành bút hiệu bây giờ.
HT:
Anh Trần Phù Thế ơi,
Cảm ơn anh đã chia sẻ bút hiệu Mặc Huyền Thương rất lãng mạn. Hồi đó bút nhóm “Cung Thương Miền Nam” của anh ngoài gởi bài đăng báo, các anh có ra đặc san, bích báo hoặc phổ biến thơ bằng cách nào nữa, thưa anh?
Bút nhóm “Cung Thương Miền Nam” mãi tới năm nào thì ngừng sinh hoạt?
Anh có thể kể sơ qua một chút về tác giả Phù Sa Lộc, ngày nay ông còn làm thơ nữa không hay đã nghỉ hưu rồi ?
TPT:
Thưa Anh Hai Trầu,
Nhóm Thơ ” Cung Thưong Miền Nam ” bắt đầu hoạt động cuối năm 1962. Anh em trong nhóm chủ trương phổ biến tác phẩm rộng rãi trên Nhật Báo, Tuần Báo, Bán Nguyệt San, Nguyệt San, phát hành ở Sàigòn. Như vậy, sẽ có nhiều đọc giả hơn là Bích báo, Đặc san chỉ hạn chế tại địa phương. Nhóm Thơ “Cung Thương Miền Nam ” chỉ hoạt động có ba năm. Đến cuối năm 1965 các thành viên trong nhóm đồng ý không sử dụng tên CTMN nữa. Mỗi cá nhân tự mình gởi tác phẩm cho các báo đăng tải. Tuy nhóm CTMN chánh thức hoạt động có ba năm, nhưng cũng gây được chút ít tiếng vang và chú ý của độc giả cả Miền Nam lúc bấy giờ.
Thưa anh,
Trường hợp nhà thơ Phù Sa Lộc, chào đời tại thành phố Cần Thơ. Hiện nay nhà thơ đã về hưu, cũng vẫn còn làm thơ, cùng gia đình sinh sống tại ngôi nhà tại công viên Đồ Chiểu Cần Thơ mà năm mươi năm trước PSL đã ở. Hai tháng trước, nghe tin PSL bị bệnh sơ gan. Một số bạn thơ trước năm bảy lăm : HTS, LHK, LTN,TTT, TPT có chung góp chút tiền gởi về cho PSL tri bệnh. Cũng cần nói thêm một chi tiết đặc biệt. Phù Sa Lộc (trong nhóm Hồn Trẻ Hai Mươi) chánh hiệu con nai là người Tàu, nhưng hắn làm thơ tiếng Việt rất là hay.
HT:
Anh Trần Phù Thế,
Còn các anh trong nhóm Cung Thương Miền Nam của anh hiện nay thì sao, thưa anh ?
TPT:
Thưa anh,
Lưu Vân hiện sống ở Bình Dương, Hắn vẫn còn viết lai rai kiếm tiền để sống. Trần Biên Thùy bán tạp hóa tại xã Khánh An (biên giới Việt Miên). Triệu Ngọc ở Cần Thơ là thầy giáo. Bây giờ đã về hưu không viết lách gì. Lâm Hảo Dũng định cư tại Canađa (Chủ nhiệm bán nguyệt san Tự Do thành phố Vancouver). Riêng Nguyễn Lệ Tuân đã mất tại Sàigòn.
HT:
Anh Trần Phù Thế ơi,
Phải chăng bài thơ “Bậu về” dưới đây, in trong thi phẩm “Gọi Khan Giọng Tình” là nỗi niềm của cậu bé 15 biết yêu cô gái Huyền Thương ngày ấy? Bài thơ như một lời ca dao rặt miền Tây Nam Phần với sông nước Hậu Giang ngọt mát bốn mùa. Tài tình nhất là các chữ dùng rặt miền quê mà ngập tràn thương mến, hình ảnh rất đơn sơ mà làm nên nỗi nhớ cả một đời, nào là “chùm me“, “xoài tượng”, “nước mắm”, “chút đường”,”mình ên”, “kẹp tóc”… Phải chăng Trần Phù Thế làm thơ tình không giống ai và không có ai làm thơ tình giống Trần Phù Thế nổi ? Anh nghĩ sao ? Nếu có thể được, xin anh vui lòng kể cho nghe về hoàn cảnh ra đời bài thơ này.
Bậu về
bậu về liếc mắt đong đưa
gió Xuân đầy mặt
như vừa chín cây
bậu về má đỏ hây hây
ta mười lăm đã lòng say bậu rồi
bậu còn
chơi ác nói cười
những câu dí dỏm
chết đời ta chưa
bậu về nhớ nắng thương mưa
hình như cây cỏ cũng ưa bậu về
như là có chút nắng hè
như là có cả
chùm me chua lừng
như là xoài tượng thơm giòn
thêm vào nước mắm chút đường khó quên.
bậu về
Đại Ngãi mình ên
bỏ quên kẹp tóc
bắt đền tội ta
bậu quên là tại bậu mà
tại sao bậu bắt đền ta một đời
tội này không chịu bậu ơi !
TPT:
Thưa anh,
Năm 2004. Võ Đức Trung của nhóm Văn Hóa Pháp Việt tại Paris, có mời tôi góp mặt trong tuyển tập thơ Một Phần Tư Thế Kỷ Thi ca Việt Nam Hải Ngoại 3. Sách phát hành một tháng sau. Tôi nhận được một phong thư gởi từ nước Germany trời Âu. Tôi ngỡ ngàng khi hai chữ Thương Huyền nằm trên góc trái bìa thư đập nào mắt tôi. Dễ chừng hơn bốn mươi năm không gặp nàng. Bây giờ bỗng nhiên xuất hiện. Tôi vội vàng xé phong bì với niềm xúc động. Tội đọc ngấu nghiến, những con chữ như nhảy múa dưới mắt tôi. Thì ra con sáo nhỏ của tôi ngày xưa (dù nàng chưa bao giờ biết tôi mê nàng ), bây giờ đã con đàn cháu đống.
Gia đình nàng vượt biên năm 1980 và hiện định cư tại Đức. Nàng cho biết ngày xưa có biết tôi làm thơ và đã từng thích thơ MHT nhưng không biết là bút hiệu của tôi. Trời ạ, trời hại tôi rồi. Nếu lúc đó tôi học thuộc hai chữ “can đảm,” bây gìờ có thể nàng là bà Nội, bà Ngoại của đàn cháu tôi rồi . Nàng cho biết đã đọc bài thơ “Tuổi Thơ Đại Ngãi” trong tuyển tập của Nhóm Văn Hóa Pháp Việt và bần thần suốt ngày. Những kỷ niệm thời thơ ấu như sống lại, hiển hiện trước mắt. Nàng bèn liên lạc với Võ Đức Trung xin địa chỉ tôi và đã viết thư cho tôi với lời cám ơn. Anh Hai biết không. Đọc thư xong, niềm cảm khái dâng trào, tôi ngồi vào bàn viết và viết trong bốn mươi lăm phút là hoàn tất bài thơ “Bậu về”. Tối hôm đó, tôi đọc lại bài thơ vừa sáng tác “Bậu về” cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó. Thế là tôi viết luôn bài thơ “Tình Bậu Nhẹ Hều,” ý trách nàng một chút, để xoa dịu lòng nhát gan của mình:
rất nhẹ nhàng
hình như không lay động
bậu nhẹ về
như hơi thở dòng sông
ta ngây ngất
thèm đôi môi đỏ mộng
bởi mê tình nên nuôi mãi tình không
bậu biết đó
tình nào không mê mệt
những thiết tha
cùng nhịp đập con tim
nên một bữa
dạt dào tình dậy sóng
khi tóc thơm phảng phất một mùi quen
như bữa đó
bậu về trong cơn gió
gió thênh thang
bay khắp nẻo vô chừng
bậu lại nữa lượn lờ không biết mỏi
chỉ riêng ta khan tiếng gọi người dưng
mong đêm nay
bậu về trong giấc ngủ
trong mùi thơm
hoa sứ trước hiên nhà
con bướm nhỏ quạt hoài chùm hoa sứ
cũng như ta đuổi mệt tình càng xa
ta rất nhẹ nâng niu tình hai đứa
cất trong tim
không dám chạm vào tim
ta chỉ sợ một giây hai phút nữa
tình biệt luôn trốn mất biết đâu tìm
bậu coi nhẹ, nhẹ hều tình hai đứa
ta nặng tình, dẫu chết chẳng hề quên.
(tình bậu nhẹ hều)
HT:
Anh Trần Phù Thế,
Xin cảm ơn anh đã kể cho nghe về hoàn cảnh ra đời của hai bài thơ “Bậu về” và “Tình bậu nhẹ hều” với mối tình lúc mới mười lăm mà mãi tới nay vẫn còn man mác nhớ và trách hờn ấy. Nghe tác giả kể, đọc mấy vần thơ trên càng thấy thấm thía thêm.
Trong các sách vở khi định nghĩa “Bậu”: chữ nôm, nghĩa em, mầy như chữ em bậu, bậu bạn (bạn hữu chung cùng; đi theo nhau, hôm sớm có nhau), qua bậu (Tao mầy (tiếng nói thân thiết) như lớn nói với nhỏ, chồng nói với vợ)(1); “Bậu chỉ người nói chuyện với mình khác phái, có ý thương mến, thân mật”(2) hoặc “Bậu chữ được dùng như tiếng “em”, tiếng gọi vợ, hoặc nhân tình, hay em bạn”(3). Bậu (danh từ) (xưa): tiếng thân kêu vợ mình.(4)
Theo tôi, trong cả bốn định nghĩa ấy đều không có trách móc, giận hờn, nhưng sao ca dao mỗi khi nhắc đến “bậu” lại dường như chữ “bậu” được dùng để gọi nhau khi lúc dỗi hờn, lúc cơm không lành canh không ngọt như trong các câu ca dao hoặc trong các bài hát dỗ em, tôi còn nhớ dưới đây:
“Chẳng đánh bậu, để bậu luông tuồng,
Dang tay đánh bậu, thì bu ồn dạ anh.”
….
Ví dầu tình bậu muốn thôi,
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra .”
……
Bần gie đóm đậu sáng ngời,
Lỡ duyên tại bậu, trách trời sao nên.”
……
Bậu nói với qua, bậu không bẻ lựu hái đào,
Chớ đào đâu bậu bọc, lựu nào bậu cầm tay .”
Hoặc như trong bài thơ “Bậu về”, “ Tình bậu nhẹ hều” ít nhiều cũng là một lời trách khéo. Anh nghĩ sao?
TPT:
Thưa anh Hai Trầu,
Phần lớn trong ca dao ” Bậu ” được chiếu cố rất tận tình. Nào là: trách khéo, giận hờn, ghen tuông… Thậm chí dùng từ rất nặng như: phụ phàng, phản bội…Nhưng theo tôi ngôi thứ nhất xử dụng những từ ấy với ” Bậu ” cũng chỉ vì yêu mà thôi. Tôi thấy điều đó rất bất công với “Bậu”. Như tôi là một tên si tình rất mê ” Bậu “. Nên khi “Bậu” của tôi qua đời, tôi đã khóc “Bậu” bằng một bài thơ đấy thống thiết. Đến nỗi hai nhà thơ Hạ Đình Thao và Lê Văn Trung phải thốt lên “không có bài thơ khóc vợ nào tự cổ chí kim mà hay hơn được (*) “:
bậu đi biệt dạng hôm nào
ta trông mút mắt nhớ đau từng hồi
nhớ từ giọng nói tiếng cười
nhớ se tóc bạc cột đời hai ta
bậu đi hình như hôm qua
mà sao ta tưởng như là nhiều năm
bậu đi lạnh gối ta nằm
hình như cái lạnh, lạnh ngầm trong xương
bước qua ngưỡng cửa âm dương
bậu đi mình bậu chẳng vương vấn gì
còn ta ở lại sống lì
một thân , một bóng cu-ky một mình
bậu ơi, sao bậu làm thinh
nén nhang, cơm lạt bóng hình là đây
phất phơ hồn gió theo mây
mỗi đêm giỡn bóng trăng gầy tàn đêm
bậu về ta thấy lòng êm
như trăng thuở nọ bên thềm thanh xuân
như là tiếng hát bậu ngân
xuống câu vọng cổ tình quân phụ phàng
bậu về trăng sáng ngút làng
hương thơm dậy đất bàng hoàng hồn ta
ngất ngây ôm chặt trăng, và
tưởng đâu ôm bậu thịt da vẫn nồng
bậu đi hồn có về không
nhắn tin theo gió cho lòng ta yên
dầu cho bậu ở cõi trên
hay đang cõi dưới trong miền u-minh
một mai ta đã dọn mình
qưyết theo chân bậu lênh đênh cõi nào
dầu cho đất thấp trời cao
tử sinh là mới bắt đầu cuộc chơi
ngày mai bậu trở lại đời
và ta trở lại làm người bậu ưng
giọt mừng nước mắt rưng rưng
hai tay ôm bậu mà rung dậy tình.”
( bậu đi)
(*) Trích bài viết “BẬU Trong Thơ Trần Phù Thế.” (Lê văn Trung)
Trong tập san ” Thư Quán Bản Thảo” số 38
tháng – 2009. (HK).
HT:
Vâng thưa anh, đúng thế! Dường như trong văn chương truyền khẩu có sự bất công với chữ “bậu” hơi nhiều. Trong thơ văn ngày nay, tôi nghĩ chưa ai dám dùng chữ “bậu” trong thơ như anh và có lẽ chí có một Trần Phù Thế rất “mê” chữ “bậu” này như anh vừa kể và với những bài thơ trách bậu, thương nhớ bậu quá tha thiết mà anh vừa dẫn đủ để nói lên cái nét đặc thù trong thơ Trần Phù Thế . Và tôi nghĩ chữ “bậu” ngày nay ít người còn dùng nhưng chắc hồn chữ nghĩa của nó sẽ rất vui với tấm lòng ưu ái của anh dành cho “bậu” vậy !
Giờ xin trở lại bài thơ Nhạc Trăng đăng trên báo Văn lần đầu được anh viết vào hoàn cảnh nào và thơ đăng báo có được trả tiền nhuận bút không?
Nếu có, tiền nhuận bút một bài thơ so với tiền nhuận bút một truyện ngắn lúc bấy giờ có bằng nhau không, thưa anh?
TPT:
Thưa anh,
Tôi yêu trăng, tôi say đắm trăng từ thuở nhỏ. Mỗi đêm trăng sáng. Nhất là đêm mười bốn hoặc đêm rằm. Hồi đó (1954), Gia đình tôi từ làng Hậu Thạnh dời ra chợ Đại Ngãi. Ba má mua ngôi nhà sàn nằm trên bờ sông Đại Ngãi, cách chợ khoảng năm chục mét. Trước nhà là con lộ trải đất nung màu gạch tôm chạy dài từ chợ vô nhà máy xay lúa Lợi Dân rồi đi tuốt vô xóm Bầu Mương Điều. Phòng tôi ngủ và học hành ở cuối nhà . Mỗi lần mở cửa sổ là tôi nhìn rõ ngã ba sông Đại Ngãi- Hậu Giang mênh mông sông nước. Mỗi đêm trăng sáng vằng vặc , học bài xong, mở cửa sổ phòng tôi nhìn trăng mà mơ làm thằng Cuội được giỡn với Hằng Nga. Hồi đó, năm tôi mười hai tuổi, Ba tôi làm mấy công ruộng ở làng Phụng Tường cách Đại Ngãi một cây số. Gần Tết, lúa đập xong chưa kịp mang về nhà nên ba tôi và tôi phải ngủ giữ lúa, Không canh giữ lúa, ăn trộm sẽ mượn đở. Coi như năm đó khỏi ăn Tết luôn. Khi được lịnh đi ngủ giữ lúa là tôi khoái lắm. Bởi, thường chiều nào má tôi cũng không nấu chè thì cháo vịt. Hai cha con tôi chỉ có mỗi cái nóp bằng đệm, nên phải ngủ chung nằm tréo trả ngược đầu. Lúc đầu chun vô nóp thật là khó chịu, nhưng khi tôi ôm hai chưn của ba tôi. Mùi đất, mùi phèn trộn lẫn mùi nắng khét tạo nên một mùi thân thương khó tả. Cho mãi đến bây giờ đầu hai thứ tóc. Mỗi khi nhớ lại kỷ niệm đó lòng tôi vẫn còn bồi hồi không nguôi. Nằm trên đống rơm thơm ngát vừa đập xong phảng phất mùi hương lúa chín. Đầu gối trên hai cánh tay, ngắm trăng tháng chạp treo lơ lững trên bầu trời trong vắt không gợn mây. Muôn ngàn tia sáng xanh dịu mát tỏa khắp không gian cánh đồng lúa vừa gặt xong bao la tận chân trời. Trong khoảng khắc đó cỏ cây cũng xúc động ngẩn ngơ huống chi với tâm hồn đa cảm như tôi, thử hỏi làm sao không động tình. Tôi yêu trăng từ thuở đó.Riêng bài thơ Nhạc Trăng tôi làm rằm tháng tám năm 1962 trong một đêm thưởng thức trăng cùng với Lâm Hảo Dũng, Lưu Vân và Đặng Bá Hộ tại thềm nhà mồ, mã Quách Sên ( thị xã Khánh Hưng, Ba Xuyên ). Về nhà, đêm đó trằn trọc hoài không ngủ được, tôi bật dậy gần sáng thì viết xong bài thơ.
Thưa anh,
Tôi suốt đời làm thơ đăng báo không có cắc nào. Trái lại, trước năm 1975 có thơ đăng báo lại là niềm vui. Riêng các bạn làm thơ cùng thời,bạn nào thơ đăng báo có tiền nhuận bút trước năm bảy lăm xin chia vui ?? Theo tôi biết về truyện ngắn thì có nhuận bút đáng hoàng. Còn bao nhiêu tiền thì tùy theo vật giá thời điểm đó.
HT:
Anh Trần Phù Thế,
Như anh kể cảnh đi ngủ giữ lúa vào mùa cắt gặt, mình thấy thương Tía Má mình hoài phải không anh? Tôi cũng đã từng ngủ giữ lúa cùng với Tía tôi dưới ánh trăng sáng vằng vặc như vậy nhiều năm anh à, từ những lúc còn học trường làng. Rồi sau này khi lớn lên, Tía tôi mất, tôi phải về quê làm ruộng một mình và rồi cũng nhiều năm ngủ ngoài đồng dưới những đêm trăng sáng ấy …. Trăng những ngày mùa ấy là trăng vui, vui ngoài trời và vui cả trong lòng nữa. Nhân nhắc đến những đ êm trăng ngủ giữ lúa trên đồng, lớp tuổi anh em mình thời thập niên 1950 dường như ai ai cũng mê bài Trăng Phương Nam của nhạc sĩ Anh Hoa với lời ca êm đềm của những ngày miền Nam thanh bình, sung túc biết bao:
“Đây phương Nam, đây ruộng Cà Mau no lành
Với tiếng hát êm đềm trong suốt đêm thanh
Quê hương anh lúa rợp khắp bờ ruộng xanh
Lúa về báo nhiêu tin lành
Từ khắp quê cùng kinh thành …
Đây phương Nam, đây tỉnh Cần Thơ êm đềm
Có lúa tốt quanh vùng nuôi sức dân thêm
Quê hương em bóng dừa ấp ủ dịu êm
Những chiều trăng rọi bên thềm
Và những tiếng cười vui hiền …
Quê hương đôi ta, đồng xanh xanh bao la
Tình thương như song cả, một niềm… mặn mà …
Quê hương đôi ta, gần nhau đây không xa
Kìa trông bao mái nhà, ở cùng … làng … ta …
(Điệp khúc)
Ai vô Nam, ngơ ngẫn vì muôn câu hò
Những tiếng đó khơi nguồn nơi sống ấm no
Trăng phương Nam sáng tỏa khắp bờ Cửu Long
Nước chảy bóng thuyền xuôi dòng
Vọng tiếng khoan hò ấm lòng…
(Điệp khúc)
Trăng phương Nam sáng tỏa khắp bờ Cửu Long
Nước chảy bóng thuyền xuôi dòng
Vọng tiếng khoan hò ấm lòng…”
(Hát lại 3 lần)
Thưa anh,
Với bài hát Trăng Phương Nam, trăng rất vui; nhưng sao trong thơ văn từ thời xa xưa như Trương Nhược Hư với bài Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ (Đêm bên trăng và hoa ven bờ sông Xuân), Lý Bạch với bài Nguyệt Hạ Độc Chước (Uống rượu một mình dưới trăng) và nhiều thi nhân khác nữa kể cả của Việt Nam, mỗi khi nhắc đến trăng thường thường là trăng buồn nhiều hơn vui?
TPT:
Anh Hai Trầu,
Tôi nghĩ, đời sống của con người và nhất là hoàn cảnh chính trị, xã hội thời họ đang sống. Tác động rất nhiều đến nhân sinh quan của họ và còn những tác động cảnh vật thiên nhiên, Núi, rùng sông, biển…. Vì thế, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ hay họa sĩ đều bị chi phối bởi những nhân tố vừa nói trên. Nhạc sĩ Anh Hoa rất may mắn là khi ông sáng tác bài nhạc Trăng Phương Nam, ông cũng đang sống ” những ngày miền Nam thanh bình, sung túc biết bao” như anh đã nói. Riêng mấy ông thi sĩ Trung Hoa như Trương Nhược Hư với bài thơ “Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ” và Lý Bạch với bài thơ “Nguyệt Dạ Độc Chước”. Lúc họ viết, tôi cạn nghĩ cũng mang một trời tâm sự buồn, nên nội dung bài thơ làm sao mà vui cho được. Những nhà thơ Việt Nam khi làm thơ về trăng, như Hàn Mặc Tử, Quách Thoại… đều mang trong người bệnh nan y. Lẽ đương nhiên là họ làm sao mà chẳng buồn. Riêng cá nhân tôi thì “Cái vui thì qua thật mau/còn cái buồn thì dai dẳng theo sau chân mình.” Cho nên khi buồn, tôi làm thơ dễ dàng hơn khi vui.
HT:
Anh Trần Phù Thế thân,
Được biết vào năm 2003 anh có cho chào đời thi tập Giỡn Bóng Chiêm Bao (5):
Hình bìa tập thơ Giỡn Bóng Chiêm Bao do Thư Ấn Quán tái bản lần thứ nhứt, năm 2008
và năm 2009 lại có thêm tập thơ mới Gọi Khan Giọng Tình (6),
Hình bìa tập thơ Gọi Khan Giọng Tình do Thư Ấn Quán tái bản lần thứ nhứt, năm 2009
vậy trước 1975, anh có cho in tác phẩm nào không, thưa anh?
TPT:
Thưa anh,
Đầu năm 1967 tôi định in tập thơ” Thầm Yêu Trộm Nhớ”, nhưng lần lựa mãi. Tháng tư thì có lệnh gọi nhập ngũ. Vào lính mệt quá nên quên luôn chuyện xuất bản tập thơ. Tám năm cầm súng tôi có viết lai rai cho các tạp chí ở Sàigòn. Sau năm 1975 gia đình đã tự thiêu bản thảo tâp thơ cùng với hơn 200 sách báo của tủ sách gia đình. Khi tôi định cư tại Hoa Kỳ năm 1992 lo đi cày mờ mắt, đâu có gìờ rảnh mà văn với thơ. Mãi tới năm 1998, tôi mới viết lại và cộng tác với các tạp chí: Khởi Hành, Văn Hóa Việt Nam, Thư Quán Bản Thảo.
HT:
Thưa anh,
Được biết hiện nay anh đang phụ trách trang Thơ của Tuần báo TRẺ trên Dallas (Texas, Hoa Kỳ) do Nhật Hoàng chủ biên. Công việc này có thú vị không anh? Thường thường anh dựa vào những tiêu chuẩn nào cho một bài thơ được chọn?
TPT:
Thưa anh Hai Trầu,
Thơ đối với tôi là hơi thở, là chổ dựa tinh thần. Mỗi khi gặp giông bão trong cuộc đời. Tôi thường làm thơ để quên đi tất cả những ưu phiền, nhứt là sau năm 1975. Trong lúc thân trong vòng lao lý. Tôi đã coi thơ là người tình chung thủy là người bạn thủy chung, thơ không bao giờ phản bội, vì thế, trong tù CS, sau một ngày lao động khổ sai. Buổi tối vào mùng, trước khi ngủ , tôi nhắm mắt làm bồn câu thơ lục bát và đọc thầm vài lần cho thuộc. Giấc ngủ tự nhiên đến một cách êm đềm. Cuối năm 2008, nhân chuyến đi tham dự đại hội ” Cựu Tù Nhân Chính Trị” do bà Khúc Minh Thơ tổ chức tại Dallas, do sự giới thiệu của nhà thơ Phan Xuân Sinh. Tôi quen anh em nhóm chủ trương tuần báo TRẺ. Vài tháng sau Nhật Hoàng gọi điện thoại đề nghị tôi phụ trách trang thơ giới thiệu tác giả và tác phẩm hiện nay chưa có người.Tôi rất vui nhận lời giới phụ trách trang thơ: “mục đích giới thiệu đến bạn đọc yêu thơ những nhà thơ, những bài thơ hay nhưng chưa được phổ biến….”(LTS). Thật không có niềm hạnh phúc nào bằng khi được làm công việc mà mình say mê. Tôi nghĩ, bây giờ tôi rất hạnh phúc và thú vị vô cùng.
Thưa anh,
Thường thì tôi đọc rất kỹ tác phẩm của những nhà thơ mà tôi sẽ giới thiệu vào số báo tới. Nhiều khi đọc nhiều lần. Xong, tôi chọn số lượng thơ; sáu, bảy, tám, hoặc nhiều hơn nữa sao cho phù hợp hai trang báo ấn định. Đối với tôi, một nhà thơ nổi tiếng hay một tác giả chưa thành danh không quan trọng. Cái cần là bài thơ đó có gây được xúc động, thích thú cho người đọc hay không. Đó mới là điều quan trọng. Vì thế, bất cứ bài thơ nào tôi ” cảm ” được thì tôi cho là bài thơ hay.
HT:
Anh Trần Phù Thế,
Ngoài chữ “bậu” ra, tôi thấy anh dạo sau này có làm những bài thơ lục bát thật ngắn chỉ vỏn vẹn hai hoặc ba câu, như:
TRÔI
*gởi thiếukhanh
mênh mông
mênh mông
hồn ta mênh mông
trôi hoài
trôi hoài
hư không
niềm đau thốn tận trong lòng buốt đau!
GIỌT NƯỚC
thử nhìn
giọt nước
chia hai sao đành
hồn chìm vào cõi mong manh
nghe cơn hồng thủy
âm thanh mỏi mòn.
TỚI ĐÂU
chợt
thèm
hạt muối
cắn đôi
để nghe vị mặn
cuộc đời
tới
đâu …
TẠI VÌ…
hình như
cái nhớ nó phiền
bần thần trong dạ
không yên
tại vì…
Trong bài viết về thơ Nguyên Sa trên trang VOA, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng có đưa ra nhận xét “ Hình như những bài thơ đơn giản nhất bao giờ cũng là những bài thơ khó viết nhất, và kỳ lạ thay đó thường là những bài thơ tới nhất, hay nhất, dễ đi vào trái tim và trí nhớ chúng ta nhất.”(7) Anh có thấy khó lắm không khi viết ra những bài thơ lục bát thật ngắn này và xin anh vui lòng chia sẻ thêm một chút về những cách làm mới các câu lục bát vừa dẫn, thưa anh ?
TPT:
Thưa anh Hai Trầu,
Tôi rất mê thơ lục bát, vì vậy trong tập thơ ” Gọi Khan Giọng Tình” tái bản năm 2009, tổng số có 68 bài thơ thì thơ lục bát đã chiếm hết 52 bài. Đọc nhiều lục bát và làm nhiều lục bát, tôi đã tìm cách cô đọng lại; một bài chỉ còn hai hoặc ba câu. Như vậy, người đọc dễ dàng nhớ và cảm nhận. Ba năm trở lại đậy, tôi đã thử nghiệm cách làm mới lục bát đó. Anh biết không, cái khó nhất là làm sao, một bài thơ ngắn , khi đọc, người thường thức hiểu tác giả muốn nói gì. Tất cả những nhà thơ đều biết lục bát dễ làm nhưng khó hay, không khéo sẽ thành vè. Xin thưa, đây chỉ là thử nghiệm. Xin mượn lời của nhà thơ Thiếu Khanh viết về sự thử nghiệm này qua bài ” Thơ Lục Bát Mới Của Trần Phù Thế” để chia sẻ cùng anh:
“Dường như những thể nghiệm đó cho thấy hình thức sáu chữ, tám chữ không hề là cái khuôn cứng ngắc gò bó trói buộc câu thơ, trái lại, trong giới hạn câu chữ đó tài năng của nhà thơ vẫn có thể làm cho thể thơ càng thêm uyển chuyển và giàu tính biến hóa khiến mỗi bài thơ có vẽ phá vỡ và thóat ra khỏi hình thức câu chữ của nó, hóa giải ranh giới ràng buộc của số câu số chữ, làm tăng thêm sự phong phú của âm điệu, nhạc điệu. Có lẽ thời gian sẽ giúp khẳng định giá trị của sự tìm tòi sáng tạo của anh, ít nhất là về cách xếp đặt mới cho thể thơ truyền thống quen thuộc nầy mà nhiều nhà thơ từng ngậm ngùi nhận xét: thơ lục bát dễ làm mà khó hay!”
HT:
Thưa anh,
Nhớ có lần tôi có nhận xét về chữ dùng trong thơ anh như sau:
“Trong thơ Trần Phù Thế còn một đặc điểm nữa là các chữ dùng rất rặt miền Tây vùng đất Nam Phần và thể thơ lục bát được tác giả dùng nhiều như dòng nước êm đềm trôi man mác, làm người đọc miên man trôi theo cùng tứ thơ của tác giả. Những chữ như “hết hơi”, “hết biết”, “tuốt luốt”, “chín muồi”, “làm sao vậy cà”, “lừng khừng” trong những câu thơ lục bát trích dưới đây được tác giả cho vào thơ rất tự nhiên mà trau chuốt, rất giản dị mà thâm trầm, tôi tin rất khó tìm ở những áng thơ văn của nhiều tác giả khác ngày nay:
“Hai con trống mái giận nhau
Hai con chim sáo làm sao vậy cà.”
….
“Một con đứng hót ngập ngừng
Con kia đứng lẻ lừng khừng bụi tre.”
…..
“Lỡ lầm phủi bụi áo em
Bụi bay đâu mất anh tìm hết hơi.”
….
“Gai đời đâm lủng trái tim
Nỗi đau hết biết nhận chìm lòng tin.”
….
“Mấy lần bước xuống con đò
Mà quên tuốt luốt thăm dò cạn sâu.”
…..
“Một hôm đời bỗng chin muồi
Anh ngồi ngủ gục bên dời vô danh.”
(Lục bát không đề, GKGT, trang 116, 117, 118, 119, 121)”
Anh nghĩ sao về nhận xét này?
TPT:
Thưa anh,
Tiếng địa phưong miền Nam từ trước tới nay có rất nhiều nhà văn sử dụng như Hồ Biểu Chánh, Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên … Nhưng về thơ thì tôi biết có cụ Đồ Chiểu. Trong khi đó, sau năm 1975 trong nước không ai thấy bóng dáng những đặc ngữ miền Nam đâu. Nhất là trên báo chí, sách vở, đều sử dụng rặt ròng từ miền Bắc cả văn lẫn thơ. Sau nhiều năm tôi không cầm bút. Vào năm 1992, tôi và gia đình định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1998 tôi bắt đầu viết lại. May quá, tôi đã bắt gặp hai cây viết đồng hành đưa đặc ngữ miền Nam vào thơ. Đó là hai nhà thơ Đạm Thạch và Phương Triều. Cả hai nhà thơ đều sử dụng một cách tài tình đặc ngữ Phương Nam theo cách riêng của mình. Anh cũng biết, ngôn ngữ miền Nam nhất là những phương ngữ khi đưa vào thơ rất khó. Không khéo sẽ làm hỏng cả bài thơ, mà còn làm trò cười cho người đọc. Có người quan niệm những phương ngữ miền Nam không thể đưa vào thơ được. Tôi muốn chứng minh quan niệm đó không đúng. Bởi lẽ, những phương ngữ miền Nam đã ăn sâu vào máu thịt, vào thói quen nếp sống hàng ngày của người miền Nam. Khi sử dụng là tự nhiên những từ đặc ngữ Phương Nam tự nó sẽ nhuần nhuyễn như cơm ăn và nước uống vậy.
HT:
Rất cảm ơn anh đã giải thích cặn kẽ về cách dùng rặt các chữ địa phương miền Tây Nam Phần trong thơ của anh, và tôi nghĩ đây cũng là câu giải đáp xin được gởi đến nhà văn Nam Dao, có lần đã hỏi tôi về điểm này, mà tôi đành chịu chết :
“Tui nhân đây hỏi anh Hai một câu nghen: văn phong Nam Bộ rõ là đặc biệt, văn xuôi thiệt hay (nếu hay), nhưng sao hổng thấy ai làm thơ với văn phong đó hà (trừ cụ Đồ Chiểu xa xưa)? Cứ thơ thì rặt giọng Bắc, cả người miền Trung cũng giọng Bắc, nghe hoài bắt ớn, anh Hai à!”(Nam Dao, Thư hồi âm Hai Trầu, tháng 7-2007)
(Ở đây xin được mở một dấu ngoặc đơn là, thưa cùng nhà văn Nam Dao, bấy lâu nay tui có cảm tưởng như mắc ông anh một món nợ mà chưa trả được; và nay nhờ có anh Trần Phù Thế giúp trả lời ông anh câu hỏi khó mà tui chịu trận hơn ba năm qua rồi; vậy là tui với ông anh huề nhe, hổng thiếu đủ gì nữa nhe ông anh !)
Nhơn nhắc đến thơ anh, và một người nữa cũng cùng quê Sốc Trăng với anh, cùng lập ra bút nhóm Cung Thương Miền Nam với anh những năm 1962-1965, đó là nhà thơ Lâm Hảo Dũng, với tập bản thảo “Cho Tôi Hoài Ở Tuổi Năm Mươi” mà tôi đã được anh giới thiệu, tôi có nhận xét về thơ Lâm Hảo Dũng như sau:
“Hồn thơ của Lâm Hảo Dũng chính là ngọn gió nồm nam vùng Bố Thảo (Sốc Trăng) mãi hoài mang hương đồng cỏ nội vùng sông nước Hậu Giang thổi mãi tận cuối trời … Chính vì thơ anh là ngọn gió nồm nam vùng Bố Thảo ấy nên cái nét đặc sắc của nó là mát và ngọt. Cái mát của gió và cái ngọt của sông nước Hậu Giang, của những mảnh vườn ngào ngạt hương hoa, của những cánh đồng lúa vàng bông trĩu ngọn làm thành những câu thơ chuyên chở được cái hương nội cỏ đồng dù quê mùa đó nhưng êm đềm; dù nghèo khó đó mà thơm tho, thanh bạch; dù giản dị đó mà thâm thuý vô cùng. Cái nét đặc thù ở thơ Lâm Hảo Dũng là do cái tinh chất của gió, của nước, của ruộng rẫy, của vườn quê làm nên những câu thơ mang phong cách rất riêng và rất trữ tình của vùng châu thổ miền Tây Nam nước Việt vậy !”
Và với thơ Trần Phù Thế thì:
“Thơ Trần Phù Thế mang lại cho người đọc cái lâng lâng của hồn thơ giàu chất lãng mạn, trữ tình; cái buồn buồn của nhân tình thế thái; cái cay cay của những dâu bể tang thương và cái thâm thúy của cách nhìn đời qua nhiều bất trắc. Và với riêng tâm hồn nhà quê như tôi, lớn lên cùng thế hệ với anh, tôi nghe như hồn thơ Trần Phù Thế là tiếng kêu thảng thốt của một loài chim kêu chiều của vùng quê Đại Ngãi, Sốc Trăng, Hậu Thạnh, Vàm Tấn, Chùa Dơi, mãi hoài vang vang trên những bến bờ sông nước cũ ngày nào, bất tận …”
Anh nghĩ sao về hai cảm nhận rất chủ qua này?
TPT:
Anh Hai Trầu ơi,
Được biết anh đọc thơ của Lâm Hảo Dũng và tôi, ngoài chữ nghĩa, vầ n điệu, anh còn cảm thơ bằng cả tấm lòng của một người sinh ra và lớn lên từ những làng quê, ruộng lúa bạt ngàn miền Tây Nam Phần, nên hai cảm nhận của anh về thơ Lâm Hảo Dũng và thơ Trần Phù Thế đối với tôi đó là cả một tấm chân tình của một người nhà quê mà anh đã dành cho những vần thơ ít nhiều mang bóng hình quê hương Sốc Trăng của chúng tôi qua những năm tháng dài xa xứ ….
HT:
Thưa anh Trần Phù Thế,
Được biết anh rất bận vì còn phải vật lộn với công việc hằng ngày và cũng rất bận cho việc chọn thơ của Tuần báo TRẺ, nhưng anh đã nhín chút thi giờ chia sẻ cùng bạn đọc về những năm tháng anh đã vui chơi với thơ có tới gần 50 năm qua và đặc biệt về những năm còn học lớp Đệ Tam tại trường Hoàng Diệu (Sốc Trăng) mà các anh đã thành lập được bút nhóm “Cung Thương Miền Nam” cùng với các bút nhóm khác làm thành nét đặc thù của sinh hoạt văn học nghệ thuật tại Sốc Trăng lúc bấy giờ; dù chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi với ba bốn năm ấy, nếu không được nghe anh kể chắc ít người còn nhớ tới một thời kỳ văn thơ ấy. Và đặc biệt, cũng chính nhờ hỏi thăm anh mà tôi có được câu trả lời dành cho nhà văn Nam Dao đã hỏi tôi hơn ba năm về trước với “văn phong Nam Bộ rõ là đặc biệt, văn xuôi thiệt hay (nếu hay), nhưng sao hổng thấy ai làm thơ với văn phong đó hà (trừ cụ Đồ Chiểu xa xưa)?”
Xin chân thành cảm ơn anh và nhân dịp lễ Giáng Sinh và Năm Mới 2011, xin được kính chúc anh nhiều sức khoẻ và mãi hoài vui thú với thơ văn trong những ngày sắp tới .
TPT:
Anh Hai Trầu thân mến,
Cám ơn anh đã tốn nhiều công sức và thời gian để hoàn thành cuộc nói chuyện lý thú trong hai tuần qua. Nhân mùa Giáng Sinh và Năm Mới 2011. Kính chúc anh chị và gia đình vui vẻ, nhiều may mắn an lành.
Mùa Giáng Sinh, 24-12-2010
Phụ chú:
1/ Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, nhà xuất bản Rey, Curiol&Cie, Sài gòn, 1895; nhà Văn Hữu, Sài gòn, tái bản năm 1974
2/Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, nhà xuất bản Khai Trí, Sài gòn, năm 1970, quyển thượng.
3/Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Việt Nam, năm 2007
4/ Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị, nhà xuất bản Thời Thế, Sài gòn, năm 1951.
5/ Giỡng Bóng Chiêm Bao của Trần Phù Thế, Thư Ấn Quán ấn hành lần đầu, Hoa Kỳ, năm 2003; tái bản lần thứ nhứt năm 2008
6/Gọi Khan Giọng Tình của Trần Phù Thế, Thư Ấn Quán ấn hành lần đầu, Hoa Kỳ, năm 2007; tái bản lần thứ nhứt năm 2009.
7/Nguyên Sa, Thơ tình không tuổi tác của Nguyễn Xuân Hoàng, trang VOA ngày 04-12-2010
---------------------
Hai Trầu
22 Comments (Open | Close)
22 Comments To "Thăm hỏi nhà thơ Trần Phù Thế"
#1 Comment By PHỤC AN On 12 January 2011 @ 2:14 am
Đọc bài trao đổi, cũng là phỏng vấn, cũng là tư liệu của ông Hai Trầu và nhà thơ Trần Phù Thế với giọng văn miền Tây Nam Bộ, hỏi đáp với nhau, chợt khơi gợi lại trong tôi hình ảnh, con người, tâm hồn chân chất của người dân quê hương tôi : Rạch Giá.
Tâm tình đơn phương mà sâu nặng, sống chí nghĩa chí tình …
Vào cái thời mà các nhóm thơ, các thi văn đoàn mọc lên như nấm, nói cho vui, lúc đó tôi mê mệt Tuổi Ngọc của Duyên Anh, thời đó, cái hay của văn nhân thi sĩ miền Nam là dù sống cận kề với bối cảnh chiến tranh hàng ngày nhưng tâm hồn người miền Nam hầu như không hề có hận thù . Ngay cả thơ văn người lính cũng vô cùng lãng mạn.
Bài phỏng vấn giúp cho tuổi trẻ bây giờ có thêm một cái nhìn thân thiện và hiểu biết hơn về một thời văn chương của miền Tây ngày xưa, còn đối với chúng ta, có khi tất cả đã hóa thành cổ tích.
#2 Comment By hai trầu On 12 January 2011 @ 9:03 am
Kính chào chị Phục An,
Xin phép được gọi là chị vì tui nghĩ chắc tên nguyên vẹn của chị là “Âu Thị Phục An”, và từ khi đọc chị cứ nghĩ chị là cư dân Sài Gòn, nay lại được biết chị gốc gác Rạch Giá nên rất mừng là có thêm một người phụ nữ vùng Tây Nam Nam phần viết văn làm thơ và mê Tuổi Ngọc từ lúc còn đi học.
Nhắc đến quê Rạch Giá của chị, hồi nhỏ tui từ Long Xuyên hay theo người lớn vô thăm bà con trong Rạch Giá bằng ghe theo đường sông Long Xuyên-Núi Sập-Rạch Giá và suýt chút nữa tui theo học trường trung học Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá) năm tui thi rớt Tú Tài 2 khóa 1, nhưng may sao, khóa 2 tui đậu, nên hổng vô Rạch Giá học được ngày nào. Rạch Giá của chị có cái nét đặc biệt là lúa gạo rất ngon, toàn là những giống lúa được chọn giống rất kỹ như nàng hương,móng chim,nàng ngọc,nàng quen,nàng quốc, tà núc và nhiều giống lúa có hột dài, gạo ngon cơm . Ngoài ra, Rạch Giá về bánh trái rất khéo và ngon, đứng nhứt nhì vùng, hổng thua gì các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Long Xuyên. Hồii xưa,ở ngoài Long Xuyên tui, ai mà muốn cưới vợ khéo về bánh mứt, thường thường nhờ mai mối làm quen với các gia đình có con gái Rạch Giá là hết sẩy.
Xin chân thành cảm on chị đã đọc bài “Thăm hỏi nhà thơ TPT” và đã ghi lại vài nhận xét đầy khích lệ.
Kính chúc chị nhiều sức khoẻ và làm thơ nhiều thêm, nhứt là thơ về quê Rạch Giá của chị cho lớp người đọc già như tui đọc để nhớ về những ngày tháng vô chơi Rạch Giá lúc nào cũng nhìn đăm đăm những cánh đồng lúa thơm chín vàng rực một màu vàng sung túc của những ngày mùa cách nay có đến sáu bảy chục năm dư …
Kính thư,
hai trầu
#3 Comment By namdao On 12 January 2011 @ 11:00 am
K/g quí anh Hai Trầu và Trần Phù Thế
Anh Hai thời tui có quen biết, nhưng anh TPThế chưa, nên xin chào anh, và thiệt tình cà lăm là tui cũng thích hai bài thơ về Bậu, hay hết biết, anh Thế à. Thơ tình vậy mới là bực nhứt giang hồ, chớ cứ ca lòng anh thế này, lòng em thế kia, rồi rắc lá vàng tùm lum, hoặc cho đò sang ngang trồi sóng, chim bay ngang trời xa vút, và vân vân thời…lại cái ảnh hưởng thi phong rất Đàng Ngoài…
Tui bắt chuyện với anh Hai nghe ( Ý, bữa qua phản ứng, phản biện tớí 2 trang, rồi máy tui nó làm phản, quăng hết vào hư vô, nay mới sửa được ). Cái câu tui hỏi anh Hai 3 năm trước , anh còn nhớ thiệt tui vui, tâm tình Quốc Văn giáo khoa thư còn mặn chất người mình lắm, xin cho tui cảm ơn.
Dà, anh Hai sẽ hỏi cái chi là thi-văn phong Đàng Ngoài ( tui tránh chữ miền Bắc, ngán gây ra tị hiềm phân hóa Bắc-Nam) ?
Quyết không phải là Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu có Vân Tiên cõng mẹ chạy ra, hay mài sừng cho lắm cũng là trâu của Học Lạc thời quốc ngữ du nhập vào văn học Việt Nam. Cũng quyết không phải là Thầy Lazaro Phiền hay những trang tiểu thuyết tràng giang của Hồ Biểu Chánh, Tùng Long…Không phải vì những văn bản này có những phương ngữ kiểu đi vô mà không đi vào? Ru thì ầu ơ mà không à ơi? Hay Ví dầu mà không Nếu mà? Anh Hai à, tui nghĩ, phương ngữ không thôi không đủ để xác định thi-văn phong Đàng Trong. Cái điều tui cho là quan trọng là phần hồn của những con người được diễn dựng qua không chỉ ngôn ngữ mà cảm xúc và hành động, tức tính cách làm người. Phần hồn đó hun đúc từ lịch sử, địa chí… những yếu tố mà tác phẩm Lục Châu học của ông Nguyễn Văn Trung có đề cập. Trước tiên, qua khỏi đèo Hải Vân, người Đàng Trong là những người chân đất đi đầu trong cuộc Nam tiến. Truy lùng một tương lai khác với điều kiện đất chật dân đông thiên nhiên ngặt nghèo ở Đàng Ngoài, lại làm một cuộc “xâm lăng“ những sắc tộc Chăm, Chân Lạp…họ buộc phải không chỉ cương mãnh mà còn bao dung để hòa đồng với con người và văn hoá những nơi họ đặt chân tới, buộc phải biết đoàn kết để bảo vệ nhau, buộc đối mặt với một tương lai lạ lẫm nên phải hồn nhiên, lạc quan trước thử thách…Cái chất người Đàng Trong nếu đôi khi đậm mầu trong tiểu thuyết thì lại chưa đủ thanh sắc trong thơ. Trong khi đó, cứ lắng nghe những câu hò dân giã, có những nét rất hiện đại, bất ngờ, và đầy tính thơ. Ví dụ : “ tưởng giếng sâu ta nối sợi dây dài. Ai ngờ giếng cạn ta tiếc hoài sợi dây’’.
Thế văn-thi phong Đàng Ngoài là cái chi chi? Đầy rẫy, nhất là sau Tự Lực Văn Đoàn công lao trời biển ‘’ chuẩn hóa’’ văn chương quốc ngữ từ những năm 30 khi Hà Nội là kinh đô văn học ròng rã cho tới 1954 ( dĩ nhiên có những nhân vật và địa phương khác, nhưng giành chức vụ tấn phong văn tước thì HN “to tiếng“ nhất). Rồi thời di cư vào Nam, những Sáng Tạo, Bách Khoa… nếu có khác về chủ đề thì vẫn rập theo khuôn mẫu diễn ngôn văn học của Tự Lực Văn Đoàn và truyền thừa ( sự thất bại với chừng mực nhất định cuả Văn Hóa Ngày Nay dính đến chủ đề văn học và hoạt động chính trị của Nhất Linh), tiếp tục chi phối mạnh mẽ văn học miền Nam cho đến khi được ( giời ơi) “giải phóng“. Nhà thơ tài hoa Tô Thùy Yên người miền Nam đấy, nhưng đọc Trường Sa hành, hay sau đó tuyệt phẩm Ta Về, thì chí ít người đọc cũng tưởng ông là Bắc Kỳ di cư ‘’ ăn cá rô cây, ông trời trả báo…’’. Hay đọc Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, hay…Kể bắt mệt, anh Hai à!
Bữa qua, trong cái bài gõ rồi nó tuột luốt hư vô, tui có nhắc tính quan phương và tính ông Nghè của thơ-văn Đàng Ngoài, là nơi phong kiến hùng cứ cả ngàn năm, với cái “mô hình“ văn hoá-chính trị của người bạn “bốn tốt“. Và nhắc cụ Ức Trai, nhà thơ quốc âm đầu tiên, nhà văn hoá lỗi lạc, nhà chính trị sâu sắc …chống Bành Trướng phương Bắc nên buộc phải dùng mô hình tập trung quân chủ Tống-Nho, và phải sống (và chết) trong cái mâu thuẫn kinh hoàng giữa văn hóa ta và chính trị người cho đến nay bàn dân Ziao Chỉ mình vẫn chưa thoát nổi. Đó là, cho tui quảng cáo chút, cái chủ đề trong tiểu thuyết Đất Trời của tui, anh Hai ( và anh TP Thế) chắc chưa đọc.
Tui dài dòng rồi, nay kết nhé, bằng lời tán dương lục bát hai câu của anh TP Thế. Hai câu, nói nhiều, truyền cảm hơn cả trăm câu khúc mắc, ngọng nghịu, gẫy đổ, nói hai mà một, chín bỏ làm mười hai, sex mồm sex mũi, lại cái làm duyên, thiền tính dài dòng… Nhưng thi phong lục bát hai câu thì sao lại nhợt nhạt tính Đàng Trong cà? Cho tui hai câu ( chớ không sáu câu) như vầy:
tưởng giếng sâu
thả sợi dây
biết đâu giếng cạn tiếc dây nẫu lòng
Thôi,loăng quoăng hoài làm chi. Hẹn nhau nhậu một bữa, hay hơn.
Nam Dao cẩn bút ( ai dùng bút bây chừ?)
#4 Comment By black raccoon On 12 January 2011 @ 1:22 pm
Kính chào quý ông Hai Trầu, ông Trần Phù Thế, bà Phục An, ông Nam Dao. Dù không phải là người trong làng văn nghệ, nhưng mà tui yêu văn nghệ. Tui đọc văn chương. Vậy, xin quý vị cho tui góp tiếng với nghen.
Tui cũng sanh trong Nam. Miền Tây Nam phần có cá linh bông súng với mùa nước nỗi. Hồi còn đi học, tui cũng có đọc Tuổi Ngọc, Văn, Văn Học, Thời Nay v.v…Mà cũng có thời, tui là đoàn viên cúa Thi Văn Đoàn Hoa Súng nửa đó đa. Vậy thôi. Rồi dzô lính.
Tui vốn mê nhạc. Qua Mỹ, nghe nhạc country, tui thấy ngộ ngộ. Mùi mùi.Ướt ướt. Tui bèn liên tưởng tới vọng cổ trữ tình của mình. Hổng biết có đúng không?
Dưới đây là một bài “thơ” tui vừa mới mần, nhân cảm đề từ một bản nhạc. Xin gởi đến quý vị coi chơi cho vui.
Kính.
Ps.
Ông Hai Trầu, mà có còn nhai trầu không?
country boy
xcuse me ma’am
I saw you walkin’
I turned around,
I’m not a stalker
where you going?
maybe I can help you
my tank is full,
and I’d be obliged
to take you
cause I’m a country boy !
I’ve got a 4-wheel drive
climb in my bed,
I’ll take you for a ride
up city streets
down country roads
I can get you
where you need to go
cause I’m a country boy !
you sure look good
sittin’ in my right seat
buckle up, I’ll take you
through the five speeds
wind it up, or
I can slow it way down
In the woods or right uptown
cause I’m a country boy !
http://www.youtube.com/watch?v=JnX2BoZE9w4
xin lỗi tiểu thư
nàng đi về đâu
có thể nào
anh sẽ đưa em
một đoạn đường nhỏ
xin nàng đừng có ngờ oan
tội nghiệp
em biết không
con trai nhà quê mà em !
xe anh chạy chiến
xăng đầy bình
nệm êm như nhung
em muốn đi đâu cũng được
xuống miền phố thị
hay về nẽo quê hương
con trai nhà quê mà em !
nào người đẹp ơi
bước lên đi mà
ngồi kế bên anh há
nhớ seat belt cẩn thận
rồi chưa
à, sẽ tóc bay tung gió
mình xuyên con rừng
vào miền phố thị chơi
con trai nhà quê mà em !
#5 Comment By PHỤC AN On 13 January 2011 @ 1:51 am
Kính anh Hai Trầu,
Kính anh bạn black raccoon,
Dạ, Phục An chính là Âu Thị Phục An đó anh ạ.
Cảm ơn anh Hai Trầu rất nhiều đã có đôi dòng đầy cảm xúc nhắc nhớ về Rach Giá với những ưu điểm của nó làm cho PA chợt nhớ cái câu ” Rạch Giá đi dễ khó về ” mà đa số các chàng trai xứ lạ nào “lỡ” lạc chân đến hình như đều vướng phải (như ông xã PA từ Huế vô chơi đã kẹt chân luôn không về nổi).
PA là học trò của trường trung học Nguyễn Trung Trực cho đến năm đệ tam (1970) thì lên Đà Lạt học, rồi từ đó tha hương ít khi về quê. Những bài thơ viết về quê hương của PA phần nhiều góp mặt ở Đặc San của trường NTT xuất bản ở Cali anh ạ. Anh Hai Trầu biết không? mỗi lần về quê, xe tới bắc Vàm Cống “là đã nghe mùi của biển”, vâng, mùi của biển quê mình đâu đó nồng mặn đến nao lòng. Xe về tới Lộ Tẻ (ngã ba rẽ về Cần Thơ, Long xuyên, Rạch Giá) đã thấy bát ngát gió, bát ngát những cánh đồng lúa vàng ươm, và thế là tình quê hương sự nhớ thương quê nhà bỗng sống dậy đến rơi nước mắt…
Rất thích bài thơ ” nhà quê” chân quê của anh bạn con trai nhà quê đúng điệu dân miền tây của black raccoon.
Phục An xin cảm ơn hai anh đã chia sẻ nỗi niềm. Khi nào có dịp cùng ăn cá linh kho lạt, kèm với dưa bông điên điển thì ăn hết cả nồi cơm, cạy hết cả cơm cháy nhé.
Thân kính,
atpa
#6 Comment By hai trầu On 13 January 2011 @ 5:35 am
Kính chào nhà văn Nam Dao,
Dù biết ông anh còn phải dạy học, viết văn và mần thơ, nhưng đã bỏ thời giờ đọc bài thăm hỏi này và nêu lên các nét chính về “văn phong đàng Ngoài, đàng Trong” giúp cho tôi hiểu rõ thêm chữ dùng chỉ là chiếc áo, còn phần hồn nữa mới làm nên phong cách của văn cách mỗi miền:”tui nghĩ, phương ngữ không thôi không đủ để xác định thi-văn phong Đàng Trong. Cái điều tui cho là quan trọng là phần hồn của những con người được diễn dựng qua không chỉ ngôn ngữ mà cảm xúc và hành động, tức tính cách làm người.”
Thưa ông anh,
Nhơn ông anh có nhắc “cái chủ đề trong tiểu thuyết Đất Trời của tui, anh Hai (và anh TP Thế) chắc chưa đọc.”, tui sẽ tìm đọc cuốn tiểu thuyết này, và tui chợt nhớ lại chuyện “trời đất” trong một đoạn của Tô Đông Pha, do Phan Kế Bính dịch, tui xin chép ra đây cho ông anh xem lại chơi cho vui:
“Vậy thế bác có biết nước và mặt trăng không? Nước chảy thế kia mà chưa từng đi bao giờ; mặt trăng khi tròn khi khuyết mà chưa từng thêm bớt bao giờ. Bởi vì ta tự ở nơi biến đổi mà xem ra thì cuộc trời đất cũng chỉ ở trong một cái chớp mắt; mà nếu tự ở nơi không biến đổi mà xem ra thì muôn vật với ta đều không bao giờ hết cả; cần gì phải khen đâu! Vả lại ở trong trời đất, vật nào có chủ ấy, nếu không phải là của ta thì dẫu một li ta cũng không lấy. Chỉ có ngọn gió mát ở trên sông cùng vừng trăng sáng ở trên núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ hết, đó là kho vô tận của tạo hóa và là cái chung của bác và tôi”.(Tiền Xích Bích phú của Tô Đông Pha đoạn “khách diệc bất tri phù …” tới “ngô dữ tử chi sở cộng thích”
Xin chân thành cảm ơn ông anh nhiều lắm về việc đọc và góp ý rất vui vẻ này.
Kính thư,
hai trầu
Mến chào bạn Black raccoon,
Được biêt bạn dân miền Tây là tui mừng rồi, giống như tui nghe chị Phục An ở Rạch Giá là tui nhớ những ngày ấu thơ ngoài Kinh xáng Bốn Tổng tụi nhỏ lớp tui mê vô Rạch Giá mấy lúc nghỉ hè thăm bà con dưới Rạch Sỏi, Tắc Cậu. Rất cảm ơn bạn mần và dịch giùm bài thơ “con trai nhà quê”, nếu không có bản dịch ra tiếng Việt tui đành chịu chết, hổng biết đường mò. Bản tiếng Việt nghe hồn nhiên chơn chất, nhưng chàng trai này cũng đa tình dữ à nhe.
Trầu cau gì nữa bạn ơi ! Nhà văn Nam Dao còn than “Nam Dao cẩn bút (ai dùng bút bây chừ?)”, tui làm gì còn răng mà nhai trầu, thưa bạn!
Thân mến,
hai trầu
#7 Comment By hai trầu On 13 January 2011 @ 7:40 am
Kính chào BBT/Da Màu,
Xin quý vị vui lòng cho bổ túc thêm phần hồi đáp ý kiến của nhà văn Nam Dao với bài thơ của tác giả mà tôi đọc được: “Chuyện cùng sẻ nhỏ”,để cho vui.
Xin chân thành cảm ơn quý vị nhiều lắm.
Trân trọng,
hai trầu
=======================================
Kính chào nhà văn Nam Dao,
Dù biết ông anh còn phải dạy học, viết văn và mần thơ, nhưng đã bỏ thời giờ đọc bài thăm hỏi này và nêu lên các nét chính về “văn phong đàng Ngoài, đàng Trong” giúp cho tôi hiểu rõ thêm chữ dùng chỉ là chiếc áo, còn phần hồn nữa mới làm nên phong cách của văn cách mỗi miền:”tui nghĩ, phương ngữ không thôi không đủ để xác định thi-văn phong Đàng Trong. Cái điều tui cho là quan trọng là phần hồn của những con người được diễn dựng qua không chỉ ngôn ngữ mà cảm xúc và hành động, tức tính cách làm người.”
Thưa ông anh,
Nhơn ông anh có nhắc “cái chủ đề trong tiểu thuyết Đất Trời” của ông anh, tui sẽ tìm đọc cuốn tiểu thuyết này, và tui chợt nhớ lại chuyện “trời đất” trong một đoạn của Tô Đông Pha, do Phan Kế Bính dịch, tui xin chép ra đây cho ông anh xem lại chơi cho vui:
“Vậy thế bác có biết nước và mặt trăng không? Nước chảy thế kia mà chưa từng đi bao giờ; mặt trăng khi tròn khi khuyết mà chưa từng thêm bớt bao giờ. Bởi vì ta tự ở nơi biến đổi mà xem ra thì cuộc trời đất cũng chỉ ở trong một cái chớp mắt; mà nếu tự ở nơi không biến đổi mà xem ra thì muôn vật với ta đều không bao giờ hết cả; cần gì phải khen đâu! Vả lại ở trong trời đất, vật nào có chủ ấy, nếu không phải là của ta thì dẫu một li ta cũng không lấy. Chỉ có ngọn gió mát ở trên sông cùng vừng trăng sáng ở trên núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ hết, đó là kho vô tận của tạo hóa và là cái chung của bác và tôi”.(Tiền Xích Bích phú của Tô Đông Pha đoạn “khách diệc bất tri phù …” tới “ngô dữ tử chi sở cộng thích”
Ngoài ra, nhơn có nhắc ông anh mần thơ, tui rất thích bài thơ “Chuyện cùng sẻ nhỏ” của ông anh mới mần mà tui đọc trộm được:
“Chuyện cùng sẻ nhỏ
( thơ gửi một người, và những ngày đông bắt đầu lộng gió)
Người thủy thủ già tóc chớm màu muối
tay vân vê chuỗi mộng một đời
tai bỗng nghe…
giữa gió lộng trùng khơi
một tiếng chim
rất nhỏ
*
tiếng chim lạ mơ hồ trong gió
tiếng chim yếu ớt
mong manh
như một lời kêu cứu
dẫu trên đầu,
trời xanh
dẫu dưới chân,
biển xanh
*
người thủy thủ già ngơ ngẩn
một con sẻ nhỏ loanh quoanh
trên boong tàu nép mình trốn gió
- Này, chim đất liền!
Sao lại lạc trên đại dương chập chùng sóng gió?
- Tôi đi kiếm ăn
quên mất giờ về tổ
tàu ra khơi
và tôi lạc ra khơi
*
người thủy thủ già thảng thốt gọi
em ơi!
rồi bật khóc như đứa trẻ bơ vơ lạc lối
tay giang ra
nhưng tay nào đủ rộng
mang đến cho em chút hơi ấm tình người
*
Biển vô tận
sóng dềnh
bọt sủi
lăn tăn xa đi chớm tóc bạc thời gian
gió cứ thế đẩy đưa hy vọng
trôi về đâu những kiếp cơ hàn ?
*
Giữa hai cột buồm
những sợi cáp giăng ngang
bỗng từ đâu hàng trăm chim sẻ
bay về đậu thành hàng
Sao sẻ nhỏ kia vẫn lạc lõng trên boong
cắm cúi tìm gì?
có phải là những mẩu bánh mì vãi vụn ?
*
- Này sẻ nhỏ, hãy bay lên tìm đàn
để bớt cô đơn và quên đi phiền muộn
quên gió sáng hoang vu
quên mây chiều hoang vu
quên những trôi xa, quên kiếp không nhà
quên để nhớ bước về bờ bến cũ
*
- Ô, thủy thủ, hẳn mắt chắc lòa
sợi cáp treo trên đầu chẳng có lấy một bóng chim
chỉ ó biển, mỏ dài móng sắc
bay trên cao
lơ lửng, rập rình
*
người thủy thủ chợt nghĩ về mình
suốt một đời tất bật
gió rám cháy da , tay sần nứt nẻ
hả miệng
ngửa mặt hát
Hát rằng:
‘’ Ô hay, ta đã làm chi đời ta? ‘’ *
*
Câu thơ lạnh cắt da
người thủy thủ xòe tay phủ mặt
che hoang tưởng đời mình
Con chim sẻ thình lình
đậu lên vai người, nhỏ nhẹ:
- Ta cho nhau một chút an bình!
*
Quơ tay lau nước mắt
người thủy thủ
hồi sinh
nghe trong tim máu trào như sóng biển
theo ánh bình minh
cùng mặt trời xuống núi
*
Thì ra
Sự Sống
ta viết hoa
muôn đời,
vẫn vùng lên từ những tro than
vẫy đôi cánh tình yêu lừng lững.
*
Cảm ơn em, sẻ nhỏ
đã nhắc ta
Sự Sống
chan hòa
Nam Dao
___
*
Thơ Vũ Hoàng Chương
Xin chân thành cảm ơn ông anh nhiều lắm về việc đọc và góp ý rất vui vẻ này.
Kính thư,
hai trầu
Mến chào bạn Black raccoon,
Được biêt bạn dân miền Tây là tui mừng rồi, giống như tui nghe chị Phục An ở Rạch Giá là tui nhớ những ngày ấu thơ ngoài Kinh xáng Bốn Tổng tụi nhỏ lớp tui mê vô Rạch Giá mấy lúc nghỉ hè thăm bà con dưới Rạch Sỏi, Tắc Cậu. Rất cảm ơn bạn mần và dịch giùm bài thơ “con trai nhà quê”, nếu không có bản dịch ra tiếng Việt tui đành chịu chết, hổng biết đường mò. Bản tiếng Việt nghe hồn nhiên chơn chất, nhưng chàng trai này cũng đa tình dữ à nhe.
Trầu cau gì nữa bạn ơi ! Nhà văn Nam Dao còn than “Nam Dao cẩn bút (ai dùng bút bây chừ?)”, tui làm gì còn răng mà nhai trầu, thưa bạn!
Thân mến,
hai trầu
#8 Comment By black raccoon On 13 January 2011 @ 1:54 pm
Mèng,thật là vạn hạnh. Được những hai “cao thủ võ lâm” ghé mắt xanh khuyến khích. Cám ơn ông Hai Trầu và bà nữ sĩ Phục An rất nhiều.
*Thưa bà Phục An,
Tui có xem lại tác phẩm của bà đã đăng trên Da Màu và Triết Văn. Nhiều bài thật thích. Thì ra bà là dân Văn Khoa xưa hả. Văn Khoa, tui cũng có duyên với nó. Mặc dù tui chưa phải là dân chánh qui lắm đâu. Tui biết nhiều anh chị Văn Khoa thật đáng mến. Tui đọc nhiều sách cúa các vị thầy VK khả kính. Sách của cố Giáo Sư Kim Định tui đọc khá nhiều. Nói nào ngay, nhờ trang web của dunglac.org của các sư huynh bên Công Giáo. Trang này có lưu giữ hầu hết sách của thầy Kim Định và nhiều văn nhân học giả khác.
Mong được xem nhiều sáng tác mới của bà.
*Thưa ông Hai Trầu,
Ông Hai ơi, tui hiền khô. Coi hùm hổ vậy chứ mà bị má xấp nhỏ la woài hà, ông ơi. À, thì tui có hơi đa đa chút chút cho dzui thôi.
Mấy bài phỏng vấn của ông Hai tài thiệt heng. Mà sao ít vậy? Đề tài này hay đó ông.
Nhân dịp xuân về, chúc quý vị khỏe và vui nhiều. Hẹn tái ngộ.
Kính chào hai vị.
br_______________
http://www.youtube.com/watch?v=P-8Ite38vFg
#9 Comment By trầnphùthế On 13 January 2011 @ 4:01 pm
Kính gởi cô Phục An,
Qua lời một người bạn, tôi đoán Phục An nhỏ tuổi hơn tôi. Vậy xin phép gọi cô cho nó trẻ trung( nếu đoán trật ) xin bỏ qua.Cám ơn cô đã dành nhiều tình cảm cho bài” Thăm Hỏi Nhà Thơ Trầnphùthế” cùa nhà văn Lương Thư Trung.Cô viết:” Tâm tình đơn phương mà sâu nặng, sống chí nghĩa chí tình “. Câu nói ngắn gọn nhưng bao hàm dầy đủ bản chất phóng khoáng trượng nghĩa khinh tài của người dân miền Tây Nam Phần.Một lần nữa cám ơn những lời tốt đẹp của cô. Chúc Phục An càng viết càng hay.
Kính thư,
trầnphùthế
Thưa anh Nam Dao,
” Thơ tình như vậy mới là bực nhứt giang hồ “.
Anh Nam Dao ơi,
Anh phán một câu đúng là xanh dờn. Dù anh nói chơi hay nói thịệt,trầnphùthế rất cám ơn
nhiều.Để bù lại lòng yêu mến của anh, mời anh đọc mười bài thơ lục bát hai hoặc ba câu
mới làm sẽ đăng trên DM ( nếu được đăng ). Chúc anh mạnh giỏi.
Kính,
trầnphùthế.
Kính chào Bạn Black Raccơon,
Với tôi bài thơ ” Country Boy ” bạn xứng đáng là một nhà thơ. Bởi,bài thơ của một người nhà quê làm nhưng không quê chút nào.Tôi hy vọng sẽ còn được đọc nhiều bài thơ như vậy. Chúc bạn nằm mơ được thưởng thức lẫu canh chua cá linh bông súng. Thức dậy,
hưong vị ngọt ngọt, chua chua vẫn còn đọng trên đầu lưỡi.Chúc bạn một ngày vui.
Kinh thư,
trầnphùthế.
#10 Comment By PHỤC AN On 14 January 2011 @ 3:41 am
* Kính gởi anh Trần Phù Thế,
Phục An rất cám ơn anh đã khuyến khích.
Thiệt tình khi đọc bài phỏng vấn rất hay của anh Hai Trầu, chạy theo những giòng tâm sự của anh, cũng như khi đọc được thơ anh, em đã xốn xang trong lòng và thích thú khi thấy anh xài những từ rặt miền tây mình, nó không “quê” chút nào mà lại gợi lên trong em nhiều thương nhớ lắm. Rồi sau đó còn thấy mình như có ” tội” với quê hương chân chất của mình khi đã lâu rồi, hầu như mình đã quên hẳn nó trong thế giới văn chương hiện đại.
Bài thơ khóc BẬU của anh quá tuyệt vời!
Kính chúc anh sức khỏe và sáng tác đều.
atpa
* Kính anh bạn black raccoon,
Rất cảm động khi anh bạn có lòng đọc qua các tác phẩm của PA. PA cũng bắt chước anh Hai Trầu mà nói với anh bạn rằng , nếu anh bạn không dịch bài thơ ” country boy” ra tiếng việt thì PA cũng hết biết luôn đó. Bài thơ dễ thương, thiệt tình giống hịt tính cách dân miền tây mình.
PA hồi nhỏ có dịp sống ở Long Xuyên, rất sợ khi mùa nước nổi mênh mông là nước, cứ thấy nước dâng cao là run, nhưng lại mê chết mệt mấy cái nhà sàn hay hay của xứ Long Xuyên..
Chúc anh bạn năm mới an khang .
atpa
#11 Comment By Quan Dương On 14 January 2011 @ 5:33 pm
Hai anh Lương Thư Trung và Trần Phù Thế ơi
Rất thú vị khi theo dỏi buổi nói chuyện của hai anh nhân bàn luận về thơ . QD rất thích cung cách nói chuyện đặc sệt miền Nam của hai anh . Thân tình . Chợt phát giác ra lâu quá mấy anh em mình chưa có dịp ngồi lại cùng nhau. Rất mong một ngày nào đó, tháng nào đó, năm nào đó, có một cơ duyên nào đó , hay một biến cố gì đó đun đẩy được gặp lại hai anh cho thỏa chí
Quan Dương
New Orleans
#12 Comment By trầnphùthế On 15 January 2011 @ 11:07 am
Quan Dương ơi,
Bao năm rồi bạn im re. Làm hại những đọc giả yêu mến thơ bạn ( trong đó có tpt )ngóng cổ mỏi quá chừng.Chúng ta được gặp gỡ nhau bù khú thì quá đã. Nhưng nếu chưa có cơ duyên nào đó (như bạn nói ) thì chịu khó chờ vậy. Nhưng tpt nghĩ nếu được đọc sáng tác của nhau thì
cũng như gặp mặt hàm thụ rồi.Tôi và bạn quyết định như vậy nhe.
Cám ơn bạn đã thú vị với bài ” Thăm hỏi cà kê dê ngổng của anh LTT và TPT”.Chúc bạn và bà xã QD năm mới nhiều sức khỏe và nhiều may mắn. tpt.
#13 Comment By hoàng-xuân sơn On 15 January 2011 @ 12:31 pm
Cám ơn quý anh Lương Thư Trung/Trần Phù Thế! Văn chương nam bộ cũng tỉ như con giao long quẫy mình vào chỗ khinh khoái nhất của văn học Việt. Không chừng cái chơn chất bộc trực của đàng trong đã lấn lướt cái khuôn rỗng, sáo và trùng lặp của đàng ngoài mất rồi! Nhắn ai đã có chất nam bộ trong người rồi thì rằng là ngọc quý đấy. Chớ có mà đứng núi này trông núi nọ .
Vài lời. Thân quý !
HXS
#14 Comment By haitrầu On 15 January 2011 @ 5:14 pm
Thăm anh Quan Dương,
Nhắc đến Quang Dương là nhớ về Ninh Hòa, Nha Trang. Từ Nha Trang leo dốc đèo Rù Rì dài chừng một cây số là qua làng chài lưới Lương Sơn với hàng dừa êm soi mình dưới bãi biển rì rào gió thổi… Đi thêm một đổi nữa là tói đèo Rọ Tượng với bãi bùn chạy dài lác đác vài lùm cây thấp nhưng chứa đầy những chàng cua biển mập mạp vào những đêm tối trời. Những ngày tháng xa xôi ấy, đoạn đường vắng này, trưa nào cũng có những em bé cầm trên tay những chùm cua vừa mới bắt được dưới bãi bùn đứng chờ khách qua lại hy vọng bán được năm ba chùm cua kiếm chút tiền về giúp gia đình. Hình ảnh những em bé nhà quê vùng biển mặn Ninh Hòa làm tôi nhớ hoài một thời lưu lạc. Ra khỏi đèo Rọ Tượng năm mười cây số nữa là đến quận lỵ Ninh Hòa của anh. Phố sá không lớn nhưng đủ để làm nên một thị trấn sung túc với nước dừa tươi, với nem, với chả lụa làm thành những món ăn tiêu biểu của Ninh Hòa ngày ấy và có lẽ mãi tới hôm nay mà mỗi lần có ai nhắc đến Ninh hòa của anh không thể không nhắc đến các món nem, món chả, món nước dừa đặc thù ấy . Phải thế không anh ?
May sao, sau này tôi có anh chị thông gia gốc Ninh Hòa và Diên Khánh, nên Ninh Hòa của anh càng thân thiết với tôi hơn. Hy vọng có dịp gặp lại anh nói chuyện xưa chơi cho vui. Thăm anh chị mạnh và anh tiếp tục mần thơ nhiều như ngày nào nhe, đặc biệt là những chữ dùng rất mới và lạ của anh !
Thân mến,
hai trầu
#15 Comment By haitrầu On 17 January 2011 @ 6:12 am
Kính chào anh Hoàng Xuân Sơn,
Rất cảm ơn anh với lời nhắn nhủ chí tình. Vì cảm cái ý của anh, tui xin chép tặng anh bài thơ “Mùa mưa nhớ bạn nghèo” mà tui mần cách nay mười lăm năm cho một người bạn ngheo giăng câu, giăng lưới với tui những năm tui làm ruộng, và nay người bạn này cũng ra người thiên cổ rồi, nhưng câu thơ vẫn còn ở lại trong lòng…:
“Mưa đã dìa rồi nơi quê tôi
Dòng sông nước đổ dậy bờ rồi
Cá tôm theo nước tràn lên ruộng
Đồng rộng nước đầy như biển khơi.
Văng vẳng xa đưa tiếng trích rừng,
Kìa bầy nhạn đất gọi tưng bừng
Chim ơi, đâu nữa mùa đẻ trứng!
Những luống cày sâu,khô cánh đồng…
Bạn ơi, bạn có còn giăng lưới?
Chiếc xuồng câu cũ mục rong rêu!
Cá ơi, cá có còn ụp móng?
Mang đến niềm vui một kiếp nghèo …
Điên điển vàng bông, trời cũng vàng,
Bạn tôi áo rách lòng không than.
Bông ơi, cho dẫu bông đồng nội,
Làm đẹp đất trời, bông điểm trang…
Xa quê giờ đã mấy mùa mưa,
Lòng vẫn miên man nhớ chốn xưa.
Nhớ bạn giăng câu từ dạo ấy,
Chiếc xuồng, con cá, một bài thơ …”
Thân quý,
hai trầu
#16 Comment By Quan Dương On 17 January 2011 @ 6:15 pm
Anh Trần Phù Thế mến
Tôi có blog riêng bỏ thơ của mình trong này nè anh : http://my.opera.com/quanduong-weblog/blog/
Mời anh và anh Hai Trầu ghé thăm và cho tôi xin số phone của anh, có vài chuyện cần thảo luận qua phone. Đây là địa chỉ e mail của tôi quancduong@yahoo.com . Anh bỏ số phone vô đó để khỏi bị lộ … he he he
Anh Hai Trầu ơi !! Anh có trí nhớ thật dai . Anh nhắc đến hình ảnh những đứa bé lấm lem tay cầm xâu cua đứng dọc chân đèo Rọ Tượng làm tôi nhớ đến những khốn đốn một thời của nơi tôi được sinh ra và nhớ nhà quá sức , nhất là tết sắp đến .
Sẳn dịp có anh Hoàng Xuân Sơn ở đây , QD say Hello luôn nhen anh HXS . Anh HXS ơi , thơ anh đúng là trẻ mãi không già , QD này rất khoái . Cũng mong ngày nào đó, tháng nào đó có một buổi ” tao ngộ chiến ” giống như đêm ” Đứng dưới trời đổ nát ” của Phan Xuân Sinh tại Boston anh nhén
Xin chúc sức khoẻ đến mọi người
Quan Dương
#17 Comment By Thiếu Khanh On 17 January 2011 @ 9:25 pm
Thưa các anh Lương Thư Trung, Nam Dao, Trần Phù Thế…
Tôi cùng một bụng với anh Lương Thư Trung khi anh nhận xét: “Thơ Trần Phù Thế mang lại cho người đọc cái lâng lâng của hồn thơ giàu chất lãng mạn, trữ tình; cái buồn buồn của nhân tình thế thái; cái cay cay của những dâu bể tang thương và cái thâm thúy của cách nhìn đời qua nhiều bất trắc”. (Lương Thư Trung: “Trần Phù Thế, tiếng chim kêu chiều từ một miền sông nước cũ”). Ngoài những thứ đó ra, cái nổi bật trong thơ Trần Phù Thế mà ai đọc thơ anh cũng nhận ra là “các chữ dùng rất rặt miền Tây vùng đất Nam Phần” (Lương Thư Trung, như trên)hoặc nói một cách cảm động như chị Phục An: “những từ rặt miền tây mình”, “dân miền Tây mình.”
Những từ của “dân miền Tây mình” trong thơ Trần Phù Thế càng quý hơn nữa khi chúng mang theo cả cái hồn rất “rặt miền Tây mình”, chớ không chỉ là những xác chữ, vì thế mà đọc lên nghe “khinh khoái” (chữ của Hoàng Xuân Sơn) và… rất đã.
Tuy nhiên, nói như HXS: “Không chừng cái chơn chất bộc trực của đàng trong đã lấn lướt cái khuôn rỗng, sáo và trùng lặp của đàng ngoài mất rồi!” thì e là… sớm quá.
Mặc dù văn học “Đàng Trong đã sớm có những Học Lạc, Đồ Chiểu và sau đó là Hồ Biểu Chánh với giọng văn “rặt ri Nam Bộ”, nhưng ngôn ngữ Đàng Ngoài cũng đã kịp có mặt trong văn học Đàng Trong sớm như thế. (Trong truyện ngắn “Truyền Thầy Lazaro Phiền” xuất bản khoảng năm 1887, tác giả Nguyễn Trọng Quản đã viết “thật” (mười lần) thay vì “thiệt” theo cách nói của người miền Nam. Dù sao một phần rất lờn “dân Đàng Trong” vốn là gốc di dân từ Đàng Ngoài từ những thế kỷ trước.
Có lẽ do đặc tính của di dân (miền Nam)ít màng chuyện văn học, và do các điều kiện lịch sử, ngôn ngữ và văn phong “Bắc Hà” đã áp đặt ưu thế của nó trên cả miền Nam VN – như anh Nam Dao đã thấy. Ngày nay, ngôn ngữ miền Bắc gần như mặc nhiên được coi là… đồng phục của “ngôn ngữ văn học” cả nước.
Có lẽ do trở ngại nào đó về kỹ thuật, bài viết “Thơ lục bát mới của Trần Phù Thế” của TK in trong tập thơ “Gọi Khan Giọng Tình” đã bỏ sót tất cả các ghi chú, trong đó có ghi chú này:
[Trích]:
“Trong sách báo ở Việt Nam, ngoài những “thuật ngữ cách mạng” mới phổ biến từ sau năm 1975 như “sự cố”, tranh thủ,” triển khai,” “thí điểm, “quá trình”, “phấn đấu”, “thủ trưởng,” vân vân, và nhiều nữa, ta có thể thấy những từ được dùng bình thường khác như “thuyền” (thay cho ghe, xuồng), “hoa” (thay bông) “quả” (đôi khi cũng viết trái), “vỡ” (thay cho bể), “chứ” (thay chớ), “đánh rơi” (thay cho làm rớt) v.v…. Những sự “thay thế” đó hoàn toàn không phải là điều ngẫu nhiên. Dường như có một chủ trường cho tiếng miền Bắc là ngôn ngữ văn học chính thức. Cho nên, tác phẩm của tất cả nhà văn hay dịch giả người miền Nam đều cùng dùng chung những từ miền Bắc. Sở dĩ như thế là vì trước khi được in ra, tất cả tác phẩm (không riêng văn học) đều qua tay chỉnh sửa của các biên tập viên (editor) được huấn luyện cùng một sách.
Không riêng gì sách báo, ngay trong ngâm thơ và ca hát, người ta cũng nghe các ca sĩ và ngâm sĩ người miền Nam hát và ngâm toàn giọng miền Bắc, không có ngoại trừ. Gần mười năm trước, Bé Xuân Mai gốc gác Sai Gòn cứ hát “Bay lên bay lên Zồng Zống Tiến Zồng!” Trước đó nữa có ca sĩ sau khi hát xong đã “Cám ơn bà con cô bát!”
Nhưng đừng tưởng chỉ sau năm 1975 mới có tình trạng đó. Trước năm ’75, hầu hết ca sĩ miền Nam cũng hát giọng Bắc đó chớ! Trong một “sô” trò chuyện trên TV ở Sài Gòn mới đây, ca sĩ Phương Dung kể lại, khi chị học hát hơn năm mươi năm trước, thầy dạy hát của chị buộc chị phải tập hát đúng giọng Bắc. Có lẽ đó là lý do mà ca sĩ Nhật Trường ngày trước, người đồng hương Bình Thuận thân mến của tôi từng hát “Za về men ziệu đắng hồn cay…!” Các ca sĩ khác cũng thế. Có điều sách báo miền Nam thời đó không phải qua “khâu biên tập” (từ ngữ sau 75 đó!) như bây giờ nên các tác giả có thể giữ được sắc thái ngôn ngữ riêng và tiếng địa phương của mình trong tác phẩm. Và cụ Vương Hồng Sểnh giữ được cái giọng ề à rất đặc trưng của cụ. Sau này khi cuốn Sài Gòn Năm Xưa của cụ được tái bản, một biên tập viên đã bào chuốc nó nhẵn nhụi “theo đúng tiêu chuẩn” khiến cụ phải phẫn nộ.”
[Hết trích]
Do “mặc định” ngôn ngữ mặc đồng phục cho nên ngôn ngữ đặc trưng của nhiều vùng miền trong nước đều bị đồng hóa theo một dạng “chuẩn” trên mặt bằng tác phẩm văn học. (Tôi là người Bình Thuận, gọi con heo là… con heo, như tất cả người miên Nam khác. Nhưng khi dịch tác phẩm “Henderson the Rain King” của Saul Bellow – nhà Văn học và Nhã Nam xuất bản cuối năm 2010 – trong đó nhân vật có nuôi heo, tôi phải gọi con heo là “con lợn” – nếu cứ viết “con heo” thì biên tập viên sẽ cảm thấy phiền lòng vì phải mất công sửa lại thành con lợn cho đúng “chuẩn”.)
Ở trên cái nền “đồng phục” như vậy, ngôn ngữ miền Nam nói chung, miền tây Nam Phần nói riêng trong thơ Trần Phù Thế đã nổi bật nét đặc thù mà không những “dân miền Tây mình” mà người dân miền Nam nói chung đọc cũng thấy… đã và cảm động.
Nhân đây nói riêng với anh TPT: Trong đoạn văn sau đây trong bài viết của tôi có sót mất một dòng (tôi đặt trong ngoặc vuông[ ])nên mất nghĩa:
“Tâm hồn người Việt Nam nói chung ưa chuộng sự thủy chung, dịu dàng và tròn trịa. Câu thơ lục bát, một thể thơ độc đáo của dân tộc dường như phản ảnh tính cách dễ thương đó. Cả hai câu thơ lục và bát đều đi đến vần bằng ở cuối câu một cách êm ái như một câu chuyện kể có hậu. Và nếu âm thanh trong thơ cũng có vị, thì vị của câu thơ lục bát [là ngọt ngào. Nó khác với các thể thơ cổ của Tàu] mà nhiều người Việt quen thuộc, có câu dừng lại với một vần trắc gập ghềnh và chói gắt.”
Kính chúc tất cả quí anh và chị Phục An một năm mới an lành và thịnh vượng.
Thiếu Khanh
#18 Comment By black raccoon On 18 January 2011 @ 12:48 pm
Kính quí ông Trần Phù Thế , ông Quan Dương, ông Hoàng Xuân Sơn, ông Thiếu Khanh.
Nghe thêm quý vị tâm tình qua lại trong tiếng nói. Đặc biệt là tiếng Miền Tây Nam Phần , khiến cho một đọc giả như tui không khỏi bồi hồi cảm động. Tui thấy bồn chồn trong mình. Cho tui nói nửa.
Theo tui nghĩ, ngôn ngữ tiếng nói VN sẽ phát triển và khởi sắc trong một điều kiện và môi trường tự do , cộng với bình đẳng.
Cá nhân tui, tui chẳng thấy có gì xa lánh trong văn chương văn học 3 miền Nam Trung Bắc.
Trong Nam có làng Đại Ngãi. Ngoài Trung cũng có Quãng Ngãi. Mà, tui nghe trong một câu ca Quan Họ Lý Giao Duyên xưa cũng có “…cái ngãi chung tình… “. Ngãi là Nghĩa. Cả 3 miền đều nói chung là Ngãi.
Sè sè nắm đất bên đàng
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
Rằng sao trong tiết thanh minh
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?
Vương Quan mới dẫn gần xa
Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi
Nổi danh tài sắc một thì
Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh
(Truyện Kiều, ND)
Anh đương viết liễn trong đình
nghe em chồng hỏi giựt mình quăng nghiên
Lòng thương chị bán thịt heo
Hai vai gánh nặng còn đèo móc cân
Biết đâu mà đợi mà chờ
Tấm thân liễu yếu đào tơ gió lồng
(Tên các con bài tám Quăn, tứ Móc, bảy Liễu của thơ văn hô Bài Chòi vùng Nam Ngãi Bình Phú)
Mấy đoạn thi văn trên, theo tui, cũng đầy nhóc “hơi” miền Nam.
Tui nhớ, nhà văn Thanh Tâm Tuyền gốc Bắc Kỳ, nhưng ông có mấy truyện ngắn
đặc sệt giọng miền Nam. Đặc sệt luôn. Đó là các truyện”Dọc Đường” và “Tư”.
Người vận quần áo kaki đỏ mặt cãi với ông già. Người vận áo lá quần xà lỏn nói:
“Ăn chung gì. Giờ mình chơi hết các thứ xe đi”.
“Đâu có được mày. Mắt tao nhìn không rõ. Xe ben chạy cà rề cà rề tao còn ngó thấy. Chớ bọn xe đò, xe nhà chạy giờ này nó chạy trối chết làm sao tao trông kịp”.
“Ai ăn lận tía mà tía sợ”.
Ông già lắc đầu:
“Tao không chơi nữa”.
(Trích DĐ, TTT)
Hình như còn nhiều lắm. Mà đề tài này thiệt rộng lớn. Mong quý vị văn nhân , học giả , thức giả có thêm nhiều bài khai triển nửa , thì hay vô cùng.
Thân chào. Kính chúc tất cả quý vị năm mới bình an và vui vẻ.
Kính bút
Ps.
Tui cũng đồng ý với tất cả quý vị về thơ của thi sĩ Trần Phù Thế. Bắt chước ông Nam Dao : ” Thơ tình như dzậy mới là bực nhứt giang hồ ! “. Hẹn gặp lại.
br……….
19 Comment By namdao
On 19 January 2011 @ 12:55 pm
Chèng đét ui, zui thiệt, mấy ông văn thi sĩ nhảy zô chiện âm ngữ nào thì là zăn, là thơ, thôi thì có miền Tây, rồi hằn phải có miền Đông, rồi Quảng Nơm, Quảng Ngỡi…Đó lờ âm chuyển qua chữ viết( viét trên giấy, trên màn hình), làm như thể ” nói” thì…chưa là zăn là thơ!
Có chệch vấn dề thơ-văn không cà?
Tui thấy chị Nguyễn Ngọc Tư viết thiệt hay, đọc cái biết liền nữ zăn sĩ không phải người Hà N(L)ội, chữ chị dùng Nam có Bắc có, nhưng có phải chỉ vì thế là zăn chị mất phong cách Nam bộ ?
Phong cách Nam bộ chắc phản ánh con người Nam bộ, lớn lên trên ruộng cò bay thẳng cánh, sông nước minh mông, nhậu thằng cánh cười hể hả, ĐM một cái rồi quên liền, chiện tình nghĩa giang hồ coi trọng, dăm cái vật chất coi khinh, và, thưa quí zị, không biết bao nhiêu đặc thù tui kể đến hết biết.
” Chuẩn hóa” một nền văn chương có phải là chu di ba đời phương ngữ ( cách xử dụng ngôn ngữ địa phương) không? Nếu zậy, tui sẽ chống, và kiện lên toà quấc tế đang tìm cách bảo vệ đa văn hoá ( cultural diversity), ai cùng lòng thì cho biết, mình đâm đơn ” khiếu kiện đông người” cho zui.
À, anh Hai Trầu à, tui viết Vu Quy mà anh đọc rồi góp ý thì zăn tui là Nam hay Bắc cà? Tui viết mà nào đâu có ý định ban đầu ( a priori) nào đâu. Nhưng con người đó, cảnh vật đó, lịch sữ đó… nó buộc vào văn mình những giới hạn ngôn ngữ mà mình ( lơ mơ) nhận biết, qua trực giác chớ có ngồi lý luận gì đâu!
Tui nói quàng, chư vị hảo hán bò qua nghe, thiệt thà như người Kinh Bổn Tổng (?)
#20 Comment By hồ đình nghiêm On 20 January 2011 @ 5:29 am
Cám ơn nhà văn Nam Dao. Nếu sa đà quá, vô tình chúng ta đi vào vuông sân cục bộ, mang nặng tính chất địa phương. Cái mà văn chương cần, nó thông thoáng hơn, nó biết xé rào,
lang thang qua 3 miền và có thể chu du hải ngoại.
Đọc thơ Trần Vàng Sao, biết tỏng cha này người Ghuế.
Nghe ca từ Trịnh Công Sơn, nhận ngay cảnh sắc xứ Thần kinh nằm đầy trong đó. Mặc dù hai vị ấy chẳng ra công mô tê răng rứa. Và quan trọng: Nó hay (dễ sợ).
Một tiếng nói trọ trẹ từ miền Trung khô cằn sỏi đá, mong các vị miền Nam ruộng lúa cò bay thẳng cánh niệm tình thứ tha.
#21 Comment By haitrầu On 20 January 2011 @ 8:26 am
Kính chào BBT/Da Màu,
Tui rất ngại là phải nêu lên ý kiến hoài trên bài này; nhưng khổ nỗi là nếu mình hổng hồi đáp các anh thì lại mang tội thất lễ . Thành ra, xin phép quý vị cho tui thêm chút ý kiến này cùng nhà văn Thiếu Khanh và nhà văn Nam Dao .
Trước hết, xin chân thành cảm ơn nhà văn Thiếu Khanh có cùng một bụng với tui về thơ Trần Phú Thế qua mấy hàng anh trích. Và sau đây xin trả lời câu hỏi của ông anh Nam Dao khi đọc Vu Quy, lời văn của ông anh là một pha trộn giữa miền Tây và Sài Gòn, tui hổng dám nói Bắc Nam gì ông anh à ! Giữa chợ búa và thôn quê có hai cách nói đã khác nhau nhiều rồi, nói gì Bắc với Nam. Phải thế hông, thưa ông anh ?
Ngoài ra, về văn Nguyễn Ngọc Tư, nhớ có lần tui cũng có nêu lên trên Talawas (Diễn Đàn 2001-2008), xin copy lại mời các anh chị đọc vài nhận xét rất chủ quan và nông cạn này :
24.7.2007
Hai Trầu
Đọc vài bài viết của Nguyễn Ngọc Tư
Nguyễn Ngọc Tư viết nhiều và cũng được giới thiệu nhiềụ. Tôi thì chỉ đọc đây đó vài bài, không có cơ hội đọc nhiều. Nên xin có vài ba ý kiến về cách viết của Nguyễn Ngọc Tư với cái nhìn của một người từng có những năm tháng làm ruộng và nuôi vịt chạy đồng.
Trước nhứt, văn Nguyễn Ngọc Tư có giọng kể lể. Tác giả kể về những nỗi nhớ mênh mông về một thời mới hôm nào, chưa lâu lắm nhưng đủ để làm nên nỗi nhớ dằng dặc trong con ngườị. “Dòng nhớ”, “Hiu hiu gió bấc”, “Lỡ mùa”, “Chuyện của Điệp”, “Nửa mùa”, “Huệ lấy chồng”, “Bến đò xóm Miễu”, “Nhà cổ”, “Nhớ sông”… trong Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư [1] là những mảnh hồn nhớ tưởng miên man ấy… Nỗi nhớ nào cũng làm cho lòng người trong cuộc thấy buồn, đôi lúc buồn đứt ruột.
Những trang sách của Nguyễn Ngọc Tư thật ra không lấy gì làm mới, nhất là với những người làm ruộng và nuôi vịt như tôị. Nhưng văn Nguyễn Ngọc Tư mau đến với người đọc là do tác giả viết ra những điều vô cùng gần gũi với mọi người mà các tác giả khác vô tình bỏ quên hay cố ý chê, cho rằng những đề tài như vậy hổng lấy gì làm cao siêu, trí thức. Biết dùng cái kho báu đồng quê để mô tả về đồng quê là nét chính trong văn Nguyễn Ngọc Tư.
Thứ đến, chữ dùng trong văn Nguyễn Ngọc Tư mà tôi đọc được là những từ ngữ của lối nói thường ngày của cư dân vùng sông nước miền Tây. Chính vì vậy, văn Nguyễn Ngọc Tư mộc mạc, dễ cảm người đọc. Ai đã đọc Nguyễn Ngọc tư chắc có cùng cảm nhận như vậy.
Nói thế không có nghĩa chữ dùng Nguyễn Ngọc Tư chỉ thuần nhà quê; đôi lúc tác giả vẫn pha trộn nhiều từ ngữ lạ, làm cho câu văn trúc trắc, khó đọc, khiến cho người đọc đang đọc ngon trớn phải khựng lại nghĩ ngợi, và có cảm tưởng như bắt gặp cô gái nhà quê đang đi guốc cao gót giữa đường làng.
Những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư không có ý khoe khoang kiến thức, cũng không triết lý cao siêu gì. Ở đó chung qui chỉ là những câu chuyện được kể lại của một người trẻ nói giùm những người già đã qua rồi cái thời không còn trẻ trung gì, và cũng không có cách gì ghi chép lại được, vì vốn họ không biết chữ hoặc có biết nhưng chỉ biết chút ít. Tôi cảm thấy Nguyễn Ngọc Tư kể chuyện hơn là sáng tác, viết truyện. Những chuyện kể của tác giả gần gũi với người thường, đời thường… Nét vẽ của Nguyễn Ngọc Tư trong những truyện của mình là nét vẽ chân phương về những mảnh đời với những tâm hồn vốn rất chân chất, bình dị.
Thêm vào đó, Nguyễn Ngọc Tư có lối kết truyện rất đặc biệt, nó tạo được văn phong của Nguyễn Ngọc Tự. Những câu kết như những dấu hỏi được bỏ lửng để người đọc tìm lấy câu trả lời cho những nỗi niềm của người trong cuộc.
Sau cùng, không biết do tác giả hay nhà xuất bản, những truyện đã in sách này rồi lại in lại trong sách kia. Chẳng hạn “Hiu hiu gió bấc”, “Huệ lấy chồng”, “Nhà cổ”, “Nhớ sống”, “Biển người mênh mông”… trong cuốn Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư do nhà xuất bản Văn hoá Sài Gòn ấn hành tháng 3 năm 2006, lại được in lại trong cuốn “Cánh đồng bất tận” do nhà xuất bản Trẻ phát hành vào tháng 6 năm 2006. Điều này khiến người mua sách như tôi giống như bị gạt vì cứ tưởng mỗi tựa sách đều có những nội dung khác nhau, đâu ngờ có sự pha trộn như vậy?
Nguyễn Ngọc Tư ngày nay viết quá nhiều rồi, và theo thiển ý của tôi, cứ đưa Nguyễn Ngọc Tư lên mây quá, tôi e một ngày nào đó, Nguyễn Ngọc Tư nhận ra “người ta quây rào tre giữ lại một đám lục bình đang trổ bông, cũng đẹp…” nhưng “lục bình mà bị cầm tù”, cho dù cầm tù bằng những lời khen quá mức, “thì còn gì là lục bình nữa…” [2]
Ngày 19 tháng 7 năm 2007
——————————————————————————–
[1]Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, nhà xuất bản Văn hoá, Sài Gòn, năm 2006
[2]Sống chậm thời @, tản văn, viết chung với Lê Thiếu Nhơn, nhà xuất bản Thanh Niên, năm 2006, trang 5
———————-
Xin chân thành cảm ơn BBT/Da Màu và tất cả các anh chị với lời chúc một Năm Mới Tân Mão” vạn sự như ý .
Nay thư,
hai trâu
#22 Comment By Thiếu Khanh On 22 January 2011 @ 6:54 am
Thưa anh Black Raccoon, anh Hồ Đình Nghiêm, anh Hai Trầu, và anh Nam Dao,
Điều mà anh Black Raccoon nói là đúng ý tui rồi. Cái miền Nam “của tui” là “miền Nam lịch sử” (hay miền Nam… chính trị) chớ không phải “miền Nam địa lý”. (Tui là dân Bình Thuận, bắc Trung Phần, mà cũng nói mình là người miền Nam là vì vậy). Thế nên, không những vùng Nam Ngãi Bình Phú mà cả Bình Trị Thiên trở vào cũng là “miền Nam” trong đó, như chúng ta đã biết, trước năm 1975 nhiều tiéng địa phương vùng miền có cơ hội gần như bằng nhau xuất hiện trong văn học – về mặt văn bản (mình chưa nói chuyện văn phong). Dùng văn phong hay ngôn ngữ một vùng miền cụ thế nào như một chuẩn chung cho cả nước thì sẽ giông như điều anh Hai Trầu nói: “quây rào tre giữ lại một đám lục bình đang trổ bông”. Chính vì cứ để lục bình trôi tự do cho nên chúng ta nghe được cái chất Huế trong thơ Trần Vàng Sao, trong lời hát Trịnh Cong Sơn, như anh Hồ Đình Nghiêm nhận thấy, và cà Thanh Tâm Tuyện “nói” tiếng miền Nam trong tác phẩm của ông, như anh Black Raccoon nói. Nếu nhất mực dùng từ ngữ miền Bắc làm “chuẩn” (như chúng ta thấy một phần lớn trong văn học trong nước hiện nay) thì không những là áp đặt sự cục bộ hóa ngôn ngữ một miền mà còn không khác gì “tru di ba đời phương ngữ” (lời anh Nam Dao) khiến vốn ngôn ngữ dân tộc nghèo đi do sự mai một dần của nhiều phương ngữ.
Chúng ta bàn những chuyện này chỉ là một cách trân trọng với những tiếng đặc trưng và thân thiết của miền Nam, và riêng miền Tây Nam Phần, trong thơ của nhà thơ Trần Phù Thế. Có lẽ đặc tính ngôn ngữ đó là một trong những yếu tố khiến chúng ta xúc động khi đọc thơ anh, và lời comment của nhà văn Nam Dao không phải là không có căn cứ: ” Thơ tình như dzậy mới là bực nhứt giang hồ ! “. (Đúng là anh ấy nói “bực nhứt” đó – chớ không phải “bậc nhất” đâu.)
Thiếu Khanh.
--------------------------------------------------------------------------------
Article printed from Tạp chí Da Màu – Văn Chương Không Biên Giới: http://damau.org
URL to article: http://damau.org/archives/17918
Click here to print.
© 2008 damau.org - Damau Literary Portal. All rights reserved.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)