24/11/13

Kinh tế Việt Nam và nguồn tư bản chết


NOVEMBER 24, 2013

Với quyền sở hữu – quyền sử dụng đất được hiến định như hiện nay, không những chúng ta tự nguyện thu nhỏ và làm hẹp nguồn tư bản sẵn có trong nền kinh tế mà quan trọng hơn là tự tách biệt nguồn tư bản này với những nền kinh tế và thị trường vốn quốc tế.

Tác giả: Lê Trọng Nhi – Người Đô Thị (22/11/2013)
Tư bản chết và tư bản sống. Cái cản trở và cái thúc đẩy. Rất rõ ràng và rất thật. Việt Nam chọn gì? Tôi tin rằng đa số đang và sẽ chọn tư bản sống và cái thúc đẩy.


Đói vốn tư bản kinh niên

“Suốt năm năm qua, tôi và hàng trăm đồng nghiệp từ sáu quốc gia khác nhau đã gấp sách, mở to mắt, đi đến các ngóc ngách đường phố và các vùng thôn quê của bốn lục địa để đếm xem các khu vực nghèo nhất của xã hội đã dành dụm được bao nhiêu. Số lượng là khổng lồ. Nhưng hầu hết là tư bản chết!”

Kinh tế gia Hernando De Soto, người Peru, đã viết như trên trong chương mở đầu cuốn sách “Sự bí ẩn của Tư bản- Mystery of The Capital” của ông đã xuất bản năm 2000. Cuối mùa thu năm 2000, tôi tiếp cận nội dung “Sự bí ẩn của tư bản” và câu chuyện “tư bản chết” với không ít ngỡ ngàng nhưng cũng đã giúp tôi thêm vài cách nhìn khác, tỏ tường hơn về nguồn và những khoản “tư bản chết” trong xã hội và nền kinh tế Việt Nam. Tôi chuyển tựa sách này cho một người khả kính tại Hà Nội, ông đã dịch sang phiên bản tiếng Việt vào năm 2003.

Tư bản chết- tư bản mà De Soto đề cập đó là vốn- tức tiền- bị chết chứ không phải cái chết của những con người tư bản (capitalist) hoặc hệ thống kinh tế chủ nghĩa tư bản (Capitalism). Vấn đề và những câu hỏi nhức nhối cốt lõi mà De Soto muốn làm rõ là tại sao trong xã hội Peru của ông cũng như trong xã hội của các nền kinh tế khác bị đói vốn tư bản kinh niên, luôn phải cầu cạnh những khoản viện trợ ODA từ các nền kinh tế giàu có để phát triển.

Trong khi, chính ngay trong những nền kinh tế này đang sẵn có nhiều khoản tư bản lớn hơn nhiều lần các khoản viện trợ ODA và đầu tư nước ngoài cộng lại, nhưng đó lại là tư bản chết và bị chết.

Tư bản chết- đó là vì tính hợp pháp của quyền sở hữu đất đai và tài sản trên đất đai không được hệ thống pháp lý- chính trị của nền kinh tế đó ghi nhận và công nhận. Không được ghi nhận và công nhận hợp pháp thì khó có thể quy chuyển thành tư bản một cách nhanh chóng để đầu tư- tái đầu tư tạo ra những giá trị thặng dư khác. Tư bản chết của De Soto là thế.

Có tư bản nhưng không là tư bản- là tư bản nhưng không hẳn có giá trị tư bản, đó là vấn nạn, là nghịch lý và là bi kịch. De Soto đã dùng hình ảnh “cái chuông thủy tinh – Bell Jar” của sử gia người Pháp, Fernand Braudel để nói các nguồn vốn tư bản bị tách ra, bị giam hãm trong đó và được dành riêng cho một thiểu số người trong nền kinh tế. De Soto muốn góp phần lý giải và giải quyết những nghịch lý và bi kịch của “tư bản chết” trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

Vì sao chủ nghĩa tư bản thành công ở phương Tây nhưng thất bại ở mọi nơi? De Soto lấy câu hỏi nóng bỏng và gai góc này làm cơ sở cho công trình nghiên cứu của mình. Ông đã chỉ ra được những yếu tố, lập luận, chứng cứ khoa học mà qua đó đã có tác động, ảnh hưởng đến cách nhận thức và những thay đổi về vốn tư bản và tư bản chết trong các nền kinh tế chậm phát triển cũng như giao thời.

Theo tiêu chí nghiên cứu của De Soto thì Việt Nam là một trong những xã hội- nền kinh tế chứa đựng nhiều nguồn và khoản tư bản chết- có tư bản nhưng không hẳn là tư bản- là tư bản nhưng không hẳn có giá trị tư bản. Nói một cách khác, nền kinh tế và xã hội Việt Nam hiện nay vẫn loay hoay với “Sự bí ẩn của tư bản” và chần chừ thoát ly với “tư bản chết”.


Kinh tế Việt Nam và tư bản chết

Tư bản chết trong nền kinh tế Việt Nam là gì, đang bị giam hãm và ẩn ở đâu? Hoặc hỏi theo cách của De Soto: Cái chuông thủy tinh đang giam hãm nguồn tư bản sẵn có trong nền kinh tế Việt Nam là gì và đang ở đâu?

Ngày 5.1.2013, trong buổi thảo luận tại Quốc hội về việc sửa đổi Hiến pháp, đại biểu, luật sư Trương Trọng Nghĩa đã đề cập đến luật Đất đai. Đây là vấn đề nóng bỏng và hệ trọng có liên hệ mật thiết với “sự bí ẩn của tư bản” và “tư bản chết”. Ông cho rằng đó một trong ba nội dung lớn của “giải pháp của mọi giải pháp” và nội hàm ba nội dung này có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến phát triển kinh tế-xã hội.

Cái thúc đẩy hoặc cái cản trở sự phát triển (kinh tế-xã hội) dân tộc được ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh đó, chính là “cái chuông thủy tinh” đang chứa đựng (giam hãm) quyền sở hữu đất đai mà Hiến pháp hiện nay chưa tách bạch và chưa công nhận. Quyền sở hữu đất đai chính là nguồn vốn tư bản lớn và sẵn có trong nền kinh tế nhưng chưa và không được thể hiện đầy đủ và hợp pháp – hợp lý theo vận hành của các nền kinh tế thị trường – tiền tệ.

Nói một cách khác, với quyền sở hữu – quyền sử dụng đất được hiến định như hiện nay, không những chúng ta tự nguyện thu nhỏ và làm hẹp nguồn tư bản sẵn có trong nền kinh tế mà quan trọng hơn là tự tách biệt nguồn tư bản này với những nền kinh tế và thị trường vốn quốc tế. Đây là hàng rào ngăn cách, cánh cửa đóng, sự kiềm hãm sức bật và là “cái cản trở” mà ông Trương Trọng Nghĩa đã kiến nghị Quốc hội xem xét và thay đổi.


Tư bản sống- kinh tế thật và sống

Một trong những kết luận của De Soto về “sự bí ẩn của tư bản” và “tư bản chết” là nhiều nền kinh tế đang tự giam hãm và bóp nghẹt nguồn tư bản sống của chính mình. Tư bản sống đã trở thành tư bản chết.

Không thể có sự phát triển kinh tế thật và kinh tế sống với tư bản chết. Tư bản sống của De Soto cũng phải được nhìn và hiểu ở nghĩa rộng nhất: tư bản sống không chỉ thuần túy chỉ là vốn tư bản mà còn là vốn tri thức – vốn xã hội.

“Sự bí ẩn của tư bản” đã được nhiều kinh tế gia thế hệ trước và sau De Soto giải mã và là mẫu số chung lớn trong tất cả nền kinh tế thị trường – tiền tệ. Nền kinh tế Việt Nam đang bị nhùng nhằn với nhiều khó khăn và nhất thiết phải có những sự thay đổi lớn.

Source : GOC NHIN ALAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét