Chân dung Luân Hoán trong bóng chữ
Nguyễn Lệ Uyên On 20 June 2011
Luân Hoán xuất hiện trên văn đàn miền Nam khá sớm. Theo như tự sự của ông thì “năm 11 tuổi đã bắt đầu tập làm thơ do thân phụ ông hướng dẫn”. Ba năm sau, Luân Hoán có thơ đăng trên Tuổi Xanh; sau đó lần lượt đăng trên các tạp chí Gió Mới, Mai ở tuổi 15, 16. Cũng theo ông, thì Ngàn Khơi và Tiểu Thuyết Thứ Bảy đăng thơ thời niên thiếu của ông nhiều nhất . Đến nửa thập niên 60, ông có chân trong Ban Biên Tập tạp chí Văn Học (sau khi nhà văn Dương Kiền chuyển giao Chủ bút cho ông Phan Kim Thịnh). Từ đó thơ ông xuất hiện đều đặn trên Bách Khoa, Phổ Thông, Văn Học, Văn…
Thơ Luân Hoán hướng về đề tài chiến tranh, tình yêu, thân phận tuổi trẻ … như nhiều nhà thơ khác cùng thời (Hẳn nhiên, mỗi người đều có cách nhìn khác nhau về đề tài mình chọn lựa). Sau khi gửi lại một chân nơi chiến trường Mộ Đức 1969, Luân Hoán vẫn tiếp tục làm thơ, như một cái nghiệp trói chặt cuộc đời ông. Có người nói: Luân Hoán đã đứng dậy và làm thơ hay hơn xưa bởi bên cạnh có người vợ hiền, để, tới nay ông đã có trên 10 tập thơ được xuất bản trong và ngoài nước.
Tập đầu tay, Về Trời do Văn Học (?) ấn hành khoảng đầu năm 64. Tập thứ hai Trôi Sông cũng do Văn Học ấn hành. Và tập thứ 3, thứ 4… khốn thay, bây giờ không có mặt trong tủ sách gia đình. Điều này cũng dễ hiểu sau cái ngày đen tối 30.4, thời điểm của phần thư, biếm trích!
Chính vì những điều này, nên tôi chỉ dám nhìn dòng thơ ông như một kẻ cỡi ngựa xem hoa. Âu cũng là vạn bất đắc dĩ, không thể khác được.Tuy nhiên, với hơn 10 tập thơ xuất bản trước sau, thì không thể không nhắc đến thời kỳ ông ở trong quân ngũ.
Cũng chính là người trực tiếp tham dự vào “trò chơi súng đạn” do những tên giảo hoạt dựng lên, nên ít nhiều dòng thơ ông đã xới động lòng người đọc nhiều nhất, buộc ta phải nhăn mặt, phì cười hoặc quặn thắt, đau theo từng câu thơ ông viết từ trái tim, nước mắt và máu.
Tâm trạng của những “chàng tuổi trẻ” nơi chốn sa trường lúc này, khi bật ra thành lời hay giữ kín trong lòng đều khiến người đọc phải thông cảm: Bởi bản thân họ vốn dĩ không mấy “lành lặn” về tâm hồn. Cái sự không “lành lặn” kia, thế tất sẽ dẫn đến sự cẩu thả với ngay chính thân thể mình cũng không có gì khó hiểu. Đó là những anh chàng “Râu lởm chởm tóc rễ tre lộn xộn/ Má hóp môi chì da xếp nhô xương”là hình ảnh chân thật của những chàng Luân Hoán thời chiến. Có thể coi đây như là biểu tượng của những chiến binh trong những năm tháng dài ngoài trận mạc được chăng? Rõ ràng, những nét phác hoạ sơ sài về ngoại hình, vừa là tâm thế của những anh lính trận thuở trước, phần nào cho người đọc thấy rõ hơn về sự nhếch nhác của cuộc chiến tương tàn: 50 con trên núi đánh nhau với 50 con dưới biển, theo sự điều khiển của ngoại bang! Tuy “tóc tai, người ngợm” của Luân Hoán không có vẻ khinh bạc như Nguyễn Bắc Sơn khi kêu lên “Cắt tóc cạo râu là chuyện nhỏ/Ba ngàn thế giới cũng không to,” ngẫm lại, nó lại là nguyên mẫu của người lính chiến từ thời Vương Duy đến Quang Dũng, hay Cao Xuân Huy, Trang Châu… sau này.
Hẳn nhiên, người lính trận thì chẳng có gì gọi là thong dong; trận mạc chẳng phải là nơi đầy hương thơm, cỏ lạ, là nơi chốn bình yên để rong chơi!
Những địa danh ghi lại qua những cuộc hành quân dài ngắn, khác với những nhà thơ cùng thời, là đạn bay, là khói lửa, nhớ nhung về người yêu ở hậu phương, Luân Hoán bắt ở một nhịp khác, rất thật, rất trần trụi, rất có thể không làm hài lòng các bậc túc nho còn sót lại khi ông đưa tính dục vào thơ. Ban đầu, mới chỉ là sự liên tưởng vu vơ, (trong bài Ở ngã tư Ba La) như sự trổi dậy của bản năng gốc, chợt “thức giấc” sau những đêm dài đi kích:
Đêm ngã tư Ba La
Ngào ngạt hương thịt da
Nằm nghe lũ ếch nhái
Vừa làm tình vừa ca.
Cái hiện thực trên kia, Luân Hoán vừa phơi ra có thể giải thích theo Freud từ những ẩn ức thuộc về nhu cầu bình thường của con người bình thường nhất. Nó không xa lạ, không buông thả hay tệ hơn như một thứ nhục dục thấp kém.
Đêm luẩn quẩn đi tuần
Ngày dạo quanh Quán Lát
Trí não bỗng lừng khừng
Buồn nghêu ngao nằm hát
Tám tuần chưa làm tình
Tám tuần chưa hớt tóc
(“Dừng quân ở núi Dẹp”)
Có thật nó trần trụi lắm không khi mà nhà thơ đã phơi trần sự thật không cần phải che đậy? Và liệu như thế thì chất thơ sẽ có giảm di chăng? Điều này xin nhường cho các nhà phê bình văn học phân tích. Riêng tôi, người đã từng đọc nghiến ngấu tập đầu tay Về Trời, thì Luân Hoán không nhân danh một sứ mệnh cao cả nào, như những người lính Bắc phương, mà đơn giản ông nói được điều ông suy nghĩ, ông cảm rồi cuồn cuộn dâng lên, không thể kềm giữ lại. Đó là sự thật.
Vả lại chất “chiến binh” trong hầu hết các nhà thơ miền Nam là sự trong sáng, hồn nhiên đầy ắp trong tâm trí họ, khi nhìn thấy mọi sự vật diễn ra chung quanh mình. Họ hồn nhiên đến nỗi đi hành quân mà tưởng đi picnic như NBS, hay nổi máu giang hồ hảo hán để gật đầu ra lệnh thả mỹ nhân như Linh Phương khi nhìn thấy em VC xinh đẹp như con gái Sài Gòn. Ở Luân Hoán chưa thấy những gò bó, một chiều thẳng đuột đi đúng lề đúng cách như các nhà thơ Bắc phương. Ví như mấy câu sau đây:
Hai mươi tháng Chạp đi lùng giặc
Mộ Đức, Nghĩa Hành lội nhởn nhơ
Súng lận lưng quần cho có chuyện
Mắt đầy cỏ lá, hồn đầy thơ
(“Đệ nhất thiêng liêng là giờ nhớ em”)
Trong khi đi hành quân mà mang cỏ lá vào mắt, mang thơ đầy ắp hồn và súng đạn thì “lận lưng quần cho có chuyện” chỉ có thể có trong cung cách người lính miền Nam, trong thơ ca miền Nam. Đó cũng chính là chất hồn nhiên của Luân Hoán và của tất cả các nhà thơ cùng thời. Ngay cả khi đoàn quân đang tiến chiếm mục tiêu, nhà thơ cũng có những nỗi nhớ bâng khuâng mắt em đưa đẩy hai đầu võng/ ta ngủ giữa lòng em với thơ. Chưa hết, khi mưa đã tạnh, cuộc hành quân vẫn đang tiếp diễn, thay vì làm nhiệm vụ truy kích hay dàn chiến thuật tiến chiếm mục tiêu thì Luân Hoán lại đưa người đọc đến thật gần với hoa với cỏ, làm như đó là cuộc đi dạo, và trước mắt, trong những lùm bụi kia là những người bạn trẻ đang chơi trò cút bắt chứ không phải quân địch?
Hiển linh thay đóa hoa vạn thọ
Một thoáng ta đang ở tại nhà
Bát ngát trời thơm hương sắc xuân
Bỗng quên đang lặn lội hành quân
Ta ngồi huýt sáo mừng cây cỏ
Hứng giọt mưa trong thể rượu mừng
(“Hiên ngang một đóa hoa vạn thọ”)
Trong khi Vũ Hữu Định “thấy cơm sôi chợt nhớ nhà” là cái nhớ của kẻ “giang hồ vặt” như ông đã từng thú nhận, thì Luân Hoán lại có những ý nghĩ rằng mình đang ở quê nhà, khi nhìn thấy đoá hoa vạn thọ, là biểu tượng của mùa xuân trong dân gian nông thôn, là nhìn thấy sự bình yên để quên rằng mình “đang hành quân” . Phải chăng hương sắc xuân là sắc màu mơ ước của Luân Hoán về một chút thanh bình đang giữa mùa chinh chiến?
Phàm chiến tranh thì phải có mất mát, đau thương. Và một lần trong đời của thế hệ chúng tôi, dường như không ai tránh khỏi cảnh chia lìa oan nghiệt với người thân, bạn bè… Số phận ấy cũng không rời Luân Hoán, khi bạn ông, Thiếu uý Nguyễn Nam ngã xuống. Đó là nỗi đau của ông. Và cái cách để tẩy rửa nỗi đau kia không phải là những lời lẽ hằn học, mà là một hành động rất “trẻ thơ”, rất “hồn nhiên tuổi ngọc” (chữ của nhà văn Võ Hồng) đến chảy nước mắt. Thay vì kêu gào trả thù, mà không biết trả thù ai, thì bắn bừa vào chiếc lu sành, như thể chiếc lu kia là kẻ khốn nạn giết chết người bạn thân của mình.
Ta trở lại đồn qua xóm cũ
Rút colt bắn lẫy cái lu sành
Nước tràn, lu vỡ, trời, ta khóc
Bóng bạn chập chờn đóm lệ xanh
…
Ngày mai nhổ trại lùng Đức Phụng
Đến lượt ta hay đứa nào đây?
(“Bàn giao cho bạn…)
(Mở ngoặc để xin được chắp tay vái Luân Hoán, như lời thơ Quách Thoại ta sụp lạy cúi đầu trong bài Thược Dược, khi ông dùng từ lẫy trong bắn lẫy. Ông đã đưa ngôn ngữ nói của giới bình dân vào hoàn cảnh này là quá xuất thần: bắn lẫy cái lu sành!)
Cuối cùng cái ngày đen tối nhất cũng đã đến với, không chỉ có những chiến binh cầm súng đối đầu, mà còn cả nửa đất nước. Mọi nhân phẩm, giá trị đạo đức làm người tối thiểu nhất bị chà đạp, lăn nhục. Chỉ có kẻ chiến thắng và người thua cuộc. Không có máu mủ, nghĩa đồng bào, tình tự dân tộc nào được xưng tụng, tôn vinh. Chỉ còn lại sự giả trá, hằn học. Và tất cả phải gánh chịu khổ nạn này như một định mệnh tiên thiên:
Các anh là súc vật
Nhân dân hằng căm hờn
(“Trình diện”)
Những ai đã từng ra trình diện trong những ngày đầu quân quản hẳn đã nghe câu nói này của các cán binh. Nó trở thành câu cửa miệng, được tuyên truyền dạy dỗ cẩn thận trước khi tiếp quản. Luân Hoán đã mang cả ngôn ngữ nói đưa vào thơ, không đánh bóng, xi mạ dùng nguyên xi thứ khẩu ngữ thường sử dụng, khiến người đọc càng cảm thấy đau xót khi đọc hai câu thơ trên và nhớ lại những ngày tủi nhục xa xưa kia. Chỉ một câu nói được lặp lại bằng ngôn ngữ thơ làm chúng ta phải chạnh lòng, như tiếng thở dài sau khi xếp lại tập Animal Farm1:
Chúng tôi là súc vật
Hôm nay học làm người
(“Trình diện”)
Đây là giai đoạn mà tất cả mọi người đều phải gánh chịu số phận bi thảm nhất một đời người: Bị tập trung giam giữ trong những trại tù khổng lồ không có bản án, đến 10 năm 20 năm… Nhiều người đã bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc. May mắn trở về thì cũng chỉ là những thân cây còi cọc biết di động, để sau đó lại hứng tiếp cuộc sống đầy nhóc nỗi nhục nhằn. Luân Hoán cũng trở về, và ông ghi lại, một cách nguyệch ngoạc cuộc sống lúc đó:
Ngủ ngồi trên gác tối
Bụng rỗng như bình hoa
Cắm cành cây hy vọng
Xanh sắc nỗi xót xa
(“Gác chiều”)
Và những hy vọng ấy là thực tế phơi bày trước mắt ông:
Chữ thánh hiền không lẽ cũng mang gông
… Càng vùng vẫy ta càng bất lực
Dao ai kề sau cổ, chợt rùng mình
(“Vết thương”)
Rồi ông tự vỗ về, an ủi:
Tuổi chưa lớn nhưng đớn đau quá lớn
Không các con chắc ba đã đầu hàng
(“Theo vết xe lăn”)
Hẳn nhiên đó chỉ là cách ta thán trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Bởi vì sau đó, ông vẫn sống, đứng lên. Đứng lên và sống hết lòng với đời, với thơ, với những khốn luỵ nơi xứ người.
Thêm một ngày, ngày nữa
Lang thang như đi chơi
Cúi đầu chợt nhìn thấy
Bóng ta trên đất người
(“Mỏi chân ngồi bên đường Saint Denis”)
Ông đi đâu đến mỏi chân phải ngồi bên vệ đường xứ người? Hoá ra, trong bài sau, ông cho biết “đi làm cu li” một cách rất yêu đời, vì “ngẫm ra ta cũng ngon/chưa hoàn toàn vô dụng”.
Mấy câu sau mới đọc nghe dung dị, như nói chơi với bạn. Nhưng càng đọc càng thấm, càng đau, càng cảm thông cảnh ngộ với những ai đã bỏ nước ra đi:
Xin được chân cu li
Tại hãng Aronoff
Ngày ngày ta ra đi
Như cán bộ đi họp
Sáng đi như đuổi ma
Chiều về như ma đuổi
(“Đi làm cu li ở đường Iberville”)
Viết tới đây tôi chợt nhớ lại thiên tiểu thuyết Giờ thứ hai lăm của nhà văn Roumanie, C. Virgil Georghiu viết từ năm 1949, mô tả lại cảnh sống tù ngục, đoạ đày của người dân Roumanie, phải bỏ tổ quốc ra xứ người. Nhưng cái thiên đường tự do kia cũng không khá hơn như lòng mong đợi của họ. Hệ quả là những thất vọng, buồn chán… về thân phận của kẻ lưu vong.
Dẫn ra chi tiết này để chúng ta có thể nhận ra rằng, trong cuộc sống nơi xứ người, Luân Hoán và những người như Luân Hoán, vốn dĩ có tâm hồn nhạy cảm, có lẽ cũng cảm thấy thừa thãi, đau đớn bởi sự cách ly về mặt văn hoá, tập quán; những khó khăn nhất định để hoà nhập như một tiền đề khiến tất cả đều cảm thấy cô đơn, lạc lõng:
Hát lên đi hỡi thằng ta
Bài lưu vong đã xót xa chín muồi
…Ngoài trời tuyết tả tơi bay
Trong ta trống rỗng mà quay quắt buồn
…Bia tan dần bọt trong ly
Uống như uống bóng nắng chiều quê hương
Rùng mình mặt chạm mù sương
Bặm môi khói thuốc như vương màu buồn
(“Ngồi lê”)
Cũng có lúc ông tự dằn vặt lương tâm bất định:
Bỗng tưởng chừng như máu tim ta
Đỏ hơn thời tù tội quê nhà
Phải chăng chớm nở mầm vong bản
Nhục nước phai vì bã vinh hoa
(“Nghêu ngao giữa lòng Montréal”)
Tới đây lại có thêm sự liên tưởng khác: Không biết đọc đâu đó một bài thơ của Xuyên Sơn, cũng có tâm trạng giống như Luân Hoán, xin dẫn ra để thấy hết nỗi nhục nhằn, thân phận lưu đày của những người phải bất đắc dĩ bỏ nước ra đi:
Anh có ở lại đây một trăm năm,
Ăn gà tây, uống coca, cũng không thành Mỹ trắng.
Anh có ở lại đây một ngàn năm
Cắt cỏ dang nắng, cũng không thành Mỹ đen.
Tiếng Anh tiếng U nay chắc anh nói cũng đã quen,
Nhưng đến bao giờ mới phai mùi nước mắm.
Anh có muốn ở lại suốt đời ?
Để mỗi lần đi cày về anh tắm,
Chỉ tắm dưới vòi sen?
Những người đồng hương anh vừa quen hôm qua,
Ngày mai có thể trở thành kẻ lạ.
Những người thường làm mặt lạ,
Lại có thể bá cổ hôn anh,
Nếu anh lên nhanh, nếu anh trúng số.
Ôi cái xứ sở xô bồ,
Lắm người qua hơn hai mươi năm
Vẫn còn bị hố.
Hàng xóm, láng giềng, nhà nhà lố nhố,
Nhưng chẳng ai thèm biết tên ai.
Xe của ai nấy đi,
Nhà của ai nấy đóng kín mít….
Tết tây tết ta, lễ tạ ơn tạ nghĩa,
Chẳng hề qua lại hỏi thăm nhau.
Thỉnh thoảng gặp nhau trên đường đi,
Cũng đặt bày làm người lịch sự,
Mấp máy nói hai nói ba, chào nhau,
Như chào cái cột cờ di động.
Đường phố, phi trường, núi rừng, ruộng đồng quá rộng,
Mà lòng con người đa phần tôi gặp,
Lại nhỏ bé đến li ti,
Nhỏ bé đến dị kỳ,
Nhỏ bé còn hơn những gì nhỏ nhất!
…
Vì sao? Vì sao?
Tâm trạng rã rời chán ngát. Cõi lòng nát tan vì bị xổ đẩy tới nơi chốn tận cùng không ai muốn đến. Đó là những gì Luân Hoán phơi bày, một phần rất nhỏ trong những bài thơ ông sáng tác nơi xứ người.
Đọc ông để chia sẻ chút ngậm ngùi cùng ông, quay quắt cùng ông, đau đớn với ông.
(tháng 6/2011)
1/ George Orwell viết tác phẩm Animal Farm (Trại Súc Vật) từ tháng 11 năm 1943- tháng 2 1944. Bản in đầu tiên phát hành tại Anh ngày 17 tháng 8 năm 1945, được dịch ra 68 thứ tiếng, ấn hành hàng triệu bản trên thế giới.
Nguyễn Lệ Uyên
damau.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét