12/7/11

Phỏng vấn Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung và “Nghịch Lưu Của Tuổi”

Phỏng vấn Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung và “Nghịch Lưu Của Tuổi” (phần 1/2)

Hai Trầu
12.07.2011 .




Hai Trầu (HT):

Mến chào nhà thơ Nguyễn Hàn Chung,
Như bìa sau thi phẩm Nghịch Lưu Của Tuổi (NLCT), anh có ghi:

Nguyễn Hàn Chung
Sinh quán Điện Bàn (Quảng Nam)
Tác phẩm đã xuất bản:
Tìm tôi trong bóng (thơ) 1999
Nói hộ phù du (thơ) 2002
Nghịch lưu của tuổi (thơ) 2011

Anh bắt đầu mê thơ từ lúc nào và anh có thể kể cho nghe về hai thi phẩm "Tìm Tôi Trong Bóng" (1999) và "Nói Hộ Phù Du" (2002), nội dung cùng sự ra đời của nó, thưa anh?


Nguyễn Hàn Chung (NHC):

Rất cám ơn sự quan hoài của anh Hai Trầu khi đọc NLCT. Nguyễn Hàn Chung đến với cõi thơ từ khoảng đệ thất, đệ lục (khoảng đầu thập niên sáu mươi) lúc bắt đầu trổ mòi ”Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư” .Bắt chước các bậc đàn anh xứ Quảng như Hoàng Thị Bích Ni, Đynh Trầm Ca, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Nho Nhượn, NHC cũng vần vè đôi bài cỡ như "Thuở nhỏ ôm một cây hùng khí-Bây giờ nghĩ lại thấy ương ương-Đời loạn mà không mần tráng sĩ- Cũng chả xài đến gã văn chương -Thì thôi vỗ bung mà ca hát …Say khước nằm lăn…” Thế thôi, ca vung hào sảng cho vui có nghĩ cái nghiệp thơ nó ám miết âm hồn bất tán vào mình cả đời đâu. Thôi kệ rứa mà vui mà có bạn bầu tứ xứ.


Tập thơ đầu tay “Tìm tôi trong bóng” (1999) tập hợp những bài thơ viết sau 1975 chất chứa nhiều trăn trở tìm sâu bản lai chân diện mục của mình với những nghịch âm,nghịch cảm trong cuộc Đánh cờ một mình. Tập thơ thứ hai ‘’Nói hộ phù du’’ (2002) lại mở ra một hướng khác: Nói hộ cho những nỗi đời bà mẹ núi, ông lão bị lũ con cướp đất, người phu xe thổ mộ ngơ ngác giữa phố,anh kép diễn hài trong lúc cha đang hấp hối …. Nói chung nói về thơ mình thì hơi khó.


HT:

Anh Nguyễn Hàn Chung,

Theo giới thiệu của anh về bài viết "Nói hộ phù du – Cảm thức tro bụi và ý thức bền bỉ về tính hữu hạn tồn sinh" của Liêu Thái, tôi thấy tác giả lưu ý đến khía cạnh cách tân trong thơ anh, nguyên văn: “Dường như đến đây, ý thức cách tân về hình thức lẫn nội dung trong thơ Nguyễn Hàn Chung đã bắt đầu hé lộ – một sự hé lộ hàm ẩn nhiều hệ lụy cho kẻ trót đa man với con chữ, dự báo một nỗi cô đơn rình rập…" Và tác giả kết:"Anh đã để lại cho bạn đọc quê nhà một hình ảnh đẹp về người nghệ sĩ – nhà giáo tóc muối tiêu có đôi mắt sâu thẳm, ánh nhìn tinh nghịch và nhân hậu luôn quắt quay thoát khỏi những ràng buộc của sáo mòn để tìm đến không gian mới của sáng tạo.”

Điều đó có thật vậy không? Và nếu có, anh có thể chia sẻ một chút về việc "cách tân" trong thơ anh?

NHC:

Có thật không hả anh Hai? Thì nó cũng hàm hỗn như thơ vậy, thật mà hư, hư mà thật,cũng chả có cách tân cách cổ gì ghê gớm đâu chỉ là đổi mới tư thế làm…thơ cho nó sướng lên thôi chứ cứ bưởi bòng rạ rơm vần vần vè vè đàng điệu nó có vẻ giả giả thế nào ấy . Chính bản thân người viết đã chán ngấy thơ mình huống hồ …Cũng phải nói thêm điều này một chút. Cách đây chừng hơn hai mươi năm lúc NHC còn chưa bỏ xứ viết cái gì cũng sợ bị quy chụp như cái đận bài thơ Đánh cờ một mình bị truy tung đến điêu đứng nên sau này phải ẩn điều muốn hiển lộ dười tầng tầng bóng chữ kiểu ai hiểu chết liền nếu có kêu lên gọi xuống hạch hỏi còn có cái để đốp chát: Bây giờ các cây bút hậu hiện đại cách tân đên mút chỉ làm NHC cảm thấy thơ mình còn quê một cục chẳng qua Liêu Thái dùng lối nói khoa trương cho NHC uống đường ăn mật đó thôi.…

HT:

Anh Nguyễn Hàn Chung,

Không có lửa làm sao có khói, phải không anh? Và có "cách tân" hay không ở thơ anh như Liêu Thái nhận định chắc người đọc cũng đã thấy rồi, nhưng có điều này, anh còn nhớ những bài thơ cũ một thời của anh không? Hy vọng anh cho bạn đọc nghe lại chút hương xưa một thời qua những vần thơ cũ ấy, anh Nguyễn Hàn Chung?

NHC:

Kính anh Hai Trầu!

Vâng,thưa anh. Có bạn văn khi đọc NLCT có comment với tác giả là trong tập thơ hầu như không có thơ tình. Quả vậy NHC cũng không biết tại làm sao mình không thể .…Thôi thì nhân anh nhắc, NHC chép lại một vài đoạn thơ tình tang tình gửi tặng anh cùng bạn đọc gọi là bổ sung vào phần khiếm khuyết:

Nhà vắng lục tìm sách cũ
Lạc vào một cõi em xưa
Những lá thư vàng ố chữ
Lời yêu khi tỏ khi mờ …

Cổng trường Văn khoa quá chật
Anh đi kiếm lá mỏi mòn
Mối tình đầu như đốm lửa
Mỗi khi lòng không củi nhen…

Và nhớ những ngày mưa Huế
Thu lu quán xếp bên trường
Sóng sóng trăm tà áo trắng
Anh vẫn nhìn ra mắt em.…

Tiếng vợ nựng con bên cửa
Anh biết giấu em vào đâu
Nào bướm nào hoa nào tóc
Anh còn nâng níu trên tay…
(“Ký ức đầu”)

Nửa đi là mất nữa rồi
Nửa vể, câm, một nửa vùi trong đau
Nửa trời cho dễ nữa đâu
Nửa rưng rức sóng chân cầu nửa em

Nửa chiều nửa sáng nửa đêm
Nửa xanh biếc rụng nửa mềm môi khô
Anh còn có nửa chi mô
Nửa em giàn giụa tan bờ nửa anh
(“Nửa”)

Biết rồi sẽ chuốc đa đoan
Mà không ngăn nổi quáng quàng đường say
Lâu rồi cứ tưởng,ô hay
Trái tim ta cũng bàn tay ai cầm
Mây bời bời cỏ rối câm
Thời gian vò sợi tóc xanh trắng mù
Hôn liều lên chúm chím thu
Bờ môi như sóng nhiễm từ xa xăm

Giá trời bỏ quách tháng năm
Tôi hao khuyết hết trăng rằm cho em
(“Tuổi tình”)

Những đoạn trích trên từ hai tập thơ ”Tìm tôi trong bóng” và ”Nói hộ phù du." Anh thấy có ”mềm ”hơn thơ trong NLCT không anh?

HT:

Anh Nguyễn Hàn Chung,

Giờ xin bắt đầu với "Nghịch Lưu Của Tuổi" của anh. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 1, trang 172: "Mùa đông, tháng 11, Lý Nguyên Gia thấy trước cửa thành có nước chảy ngược, sợ trong châu nhiều người sinh lòng làm phản, vì thế dời đóng ở thành ngày nay (Bấy giờ Nguyên Gia dời phủ trị đến sông Tô Lịch, mới đấp thành nhỏ thôi, có người thầy xem đất bảo rằng: Sức ông không đắp nổi thành lớn, độ năm mươi năm nữa về sau tất có người họ Cao đến đây đóng đô dựng phủ …"(*) Như vậy "nước chảy ngược", theo anh có phải là "nghịch lưu" không? Và sao anh lại chọn bốn chữ "Nghịch Lưu Của Tuổi" làm cái tựa cho thi phẩm lần này, thưa anh?

————–

(*) Toàn Thư theo An Nam kỷ yếu. Lý Nguyên Gia sở dĩ xin dời phủ thành là vì thấy ở phía trước cửa thành có nước chảy ngược – tức là nước sông Tô Lịch, bấy giờ còn là phân lưu của sông Hồng, nên nước chảy từ sông Hồng ngược lên.

NHC:

Lương tiên sinh quả thật là đại hành gia trong lĩnh vực truy nguyên nhưng NHC không thể trả lời câu hỏi nầy của anh Hai được đâu.Trúng thì không sao chứ sai thì chết bỏ xừ.Có điều khi chọn bốn chữ Nghịch lưu của tuổi làm tiêu đề cho tập thơ NHC cũng có chút hàm ý. Thông thường theo hành trạng xuất xử của người xưa ”Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi-Hương âm vô cải mấn mao tồi -Tạm dịch: Lúc trẻ bỏ xứ ra đi lúc già mới trở về -Tóc râu đều bac cả mà giọng quê không đổi (Hạ Tri Chương). NHC đi ngược với cái trình tự kinh điển ấy. Gần sáu mươi năm quẩn quanh đi học rồi làm nghề gõ đầu trẻ ở một xó xỉnh quê nhà Quảng Nam -Đà Nẵng bây giờ già khèn trí cùn lực đoản ”bách niên đa bệnh độc đăng đài” còn bán mạng ly gia hành cu li đất khách phải quên cái hương âm uốn môi, uốn lợi học tiếng nước người nên liều mạng đặt tên tập thơ để đánh dấu một chặng cuối đường lưu lạc. Thế thôi chẳng có ý tứ mới lạ gì đâu anh ạ!

HT:

Anh Nguyền Hàn Chung,

Cảm ơn anh. Vừa rồi anh có nhắc "hành cu li,” tôi tò mò tìm trong tập bản thảo bài "hành cu li ca” nơi trang 10, làm tại Louisiana với tứ thơ mang nhiều chua xót, đắng cay; mỗi chặng dừng chân của Nguyễn Hàn Chung là mỗi vết cắt dù qua lâu rồi nhưng vẫn còn ê ẩm, khó lành. Nhưng câu cuối "Mây nước trùng trùng thề không trắng tay…," lại là dấu hiệu của một quyết chí. Có phải Louisiana lại là một bến bờ nào nữa mà anh đã dừng lại trên dòng đời lưu lạc này? Và nay, anh có thêm được gì trong tay sau bao năm mải miết trong dòng đời này hay chỉ mới là "Nghịch Lưu Của Tuổi" không thôi, thưa anh?

NHC:

Anh Hai ơi!

Phải nói Ông Hai Trầu và gã ‘’trai già Quảng Nam’’nầy có mối ‘’đồng thị thiên nhai‘’ sao đó nên trong cả tập hơn bảy chục bài mà anh lại tò mò đọc hơi bị kỹ bài “hành cu li ca” lại đặc biệt chú ý tới câu cuối cùng “Mây nước trùng trùng thề không trắng tay’’ tiếp theo là địa danh Louisiana không ngày tháng. Con mắt ‘’thấu thị xuyên tầng’’ của anh Hai chiếu như muốn thấu tâm can tỳ phế tác giả.Thật ra không có thề thốt gì lắm đâu anh . Anh biết bài hành cu li ca NHC sáng tác trong hoàn cảnh nào không?Trên chiếc tàu casino ở Louisiana đó. Nướng hết chút tiền còm dành dụm trong trò đen đỏ rồi ra đứng trước boong tàu nhìn mây trắng sóng xanh đất khách tự thề với mình hành cu li kiếm sống để viết cái gì đó cho mai hậu chứ không phải để lao vào cái trò bác thằng bần như bao bậc tiền nhân tán gia bại sản trên đất Mỹ nầy.Thế thôi anh ạ!


Còn anh hỏi ngoài NLCT, NHC còn có những gì sau bao năm mải miết không? Còn chứ anh, NHC còn viết một tập cảm, bình từ những ngày còn ở trong nước khoảng 40 bài thơ theo chủ quan tác giả là sướng ,là tới bởi có cái để mà ngẫm ngợi .Các tác giả bị NHC chọn là bất kỳ không nhất thiết phải là nhà thơ có tên tuổi.Chỉ khoái là chọn là bình thôi.Hy vọng trong năm 2012 NHC sẽ trình làng tập bình có cái tiêu đề ‘’Thầm thức cùng thơ ‘’ sau khi khoái thêm vài mươi bài nửa.


HT:

Thưa anh Nguyễn Hàn Chung,

Bài thơ “Bí ẩn tháng Giêng”(*) mở đầu thi tập NLCT với đoạn thứ nhì:


Tháng Giêng tàng trữ mầm xanh lao lực trong
bụi bặm
ẩn nhẫn chờ đợi một ngày ấm áp
giống như chu kỳ của người đàn bà hoài thai
cánh đồng
tháng giêng tạm trú vào đàn bướm tơ sắp đến
kỳ sinh nở
mặc những cơn gió ganh tị chỉ chực len vào cội hoa ức hiếp …
(NLCT, trang 5 và 6)

Trong một bài viết của nhà thơ Quỳnh Thi về tập thơ này với tựa đề: “Một số suy nghĩ về thi tập Nghịch Lưu Của Tuổi” đăng trên báo mạng Đàn Chim Việt, ngày 11 tháng 10 năm 2010, tác giả viết:

“Bài “Bí mật tháng Giêng” có những câu “Bí ẩn của tháng Giêng cũng là bí ẩn của những điều không thể nói ra,” “Mặc những cơn gió ganh tỵ chỉ chực len vào cội hoa ức hiếp.” Trong câu thơ trên, chúng ta thấy Nguyễn Hàn Chung dùng nhóm chữ “Những cơn gió ganh tỵ” một cách tài tình. Chẳng rõ “cơn gió ganh tỵ” là cơn gió gì; liệu đó có phải là một ám chỉ cho “Bí mật tháng Giêng” không? (*) Rồi còn “Con bướm khấp khởi đôi cánh mỏng – nương nhờ chiếc lá khô chờ hơi xuân hé”. Chiếc lá khô là của mùa Đông. Con bướm nương nhờ mùa Đông lúc còn nằm trong cái kén! Thật thâm thúy. Đó cũng là phong cách dùng chữ để diễn tả ý tưởng riêng biệt của thơ Nguyễn Hàn Chung vậy.”

Là tác giả làm ra những câu thơ “bí ẩn” này, anh nghĩ sao về nhận định của tác giả Quỳnh Thi?

(*) Bài thơ này trong bài viết của nhà thơ Quỳnh Thi ghi tựa là “Bí mật tháng Giêng.”

NHC:

Thưa anh Hai!
Kim Thánh Thán trong lời đề tựa Tây sương ký của Vương Thực Phủ đời Nguyên có viết "Chỗ mà lòng tới rồi bút bất tất phải nói nữa." Anh Quỳnh Thi có những cảm nhận của riêng anh ấy về bài thơ “Bí ẩn tháng Giêng,” NHC không thể chuyển sự phản ánh cảm tính của mình thành khái quát của tư duy được. Hơn nữa dù NHC là tác giả chăng nữa cũng chỉ là người đứng sau cánh gà sân khấu hình tượng.Và thưa anh, NHC nghĩ rằng hình tượng ngôn từ thường tạo ra ảo giác cho nên bất khả tạo ra độ sáng rõ,độ phân giải như ở các loại hình nghệ thuật khác. Chính vì muốn phá vỡ những hình thức khô cứng đã quen được thừa nhận về mùa xuân và muốn đi sâu vào những vận động bí ẩn của tâm hồn mà NHC viết Bí ẩn tháng Giêng.

HT:

Anh Nguyễn Hàn Chung,

Trong trả lời cho câu trước, anh có nói: “Còn chứ anh, NHC còn viết một tập cảm, bình từ những ngày còn ở trong nước khoảng 40 bài thơ theo chủ quan tác giả là sướng ,là tới bởi có cái để mà ngẫm ngợi .Các tác giả bị NHC chọn là bất kỳ không nhất thiết phải là nhà thơ có tên tuổi. Chỉ khoái là chọn là bình thôi.Hy vọng trong năm 2012 NHC sẽ trình làng tập bình có cái tiêu đề ‘’Thầm thức cùng thơ‘’ sau khi khoái thêm vài mươi bài nữa.”

Qua những điều anh vừa chia sẻ làm tôi tò mò tìm đọc trang nhà “Sông Thơ,” và đọc được bài bình thơ sau đây của anh :” “Bốn mươi năm mang mang hồi ức” với bài thơ “Xa Cách” của Châu Liêm mà anh dùng làm nền cho bài bình thơ này. Bài thơ theo anh ghi lại qua trí nhớ như dưới đây:

Xa cách
Hai dặm cát vàng duyên nối tiếp
Đôi bờ sông rộng mặc ai đưa
Tôi đâu dám bảo Trường giang hẹp
Chỉ hận nghìn năm với bến bờ
Đêm ấy người đi sương xuống lạnh
Trăng mùa tiễn biệt sáng mông lung
Tôi đâu dám hẹn ngày tương ngộ
Người khóc đêm nào người nhớ không?
Tuổi mới hai mươi đời xế nửa
Từ nay đâu dám hẹn tương phùng!
Ai tiễn ta qua vài bến nước
Với hai sào gió bốn sào trăng
Ai tiễn ta rơi vài giọt lệ
Lệ chảy đầy trong đôi mắt trong
Quấn bàn tay lạnh trong tà áo
Từ nay xa cách mấy con sông

-Châu Liêm

Sau khi giới thiệu tác giả Châu Liêm ngày xa xưa ấy chính là nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp hôm nay hiện đang ở gần đâu đây và anh có lời bình như sau:

“Tôi nghĩ không ra làm sao một cậu bé học lớp đệ nhị mới mười sáu tuổi ( *) lại có thể sử dụng từ ngữ điêu luyện dường ấy.Phải chăng đó là của trời cho và tác giả với tư cách là người sáng tạo vẫn nằm ngoài hệ thống với các mối liên hệ nghệ thuật : Người chủ xướng và người đọc cũng chỉ đóng vai trò tham dự mà thôi .

“Có những bài thơ tác giả là những nhà thơ lớn, ngôn ngữ thơ hàm súc đặc dị,chứng tỏ tác giả uyên bác và trí tuệ cao nhưng sao người đời lại không nhớ mà kỳ lạ bài thơ Xa cách của Châu Liêm tuy không có nhiều sáng tạo về mặt thi pháp nhưng chiều sâu của tiếp nhận thẩm mỹ được vượt qua được một độ lùi của thời gian chiếm lĩnh và tái tạo hình tượng ngôn từ trở thành hình tượng tâm tư trong lòng người đọc gây hiệu ứng tiếp nhận bền vững trong lòng tôi và bè bạn một thời, một đời…

Cái cực sướng nào rồi cũng nhanh chóng qua đi, tại sao cái cực sướng văn chương cứ đeo dai đeo dính chúng ta đến mãn đời là vậy.”

(Sông thơ, ngày 02 tháng 11 năm 2009)

Theo như anh vừa nhận định qua lời bình mà tôi vừa trích, vậy bài thơ “Xa Cách” này quả là một bài thơ hay hoặc rất hay, ít nữa đối với riêng anh, từ đó nên mới có “Bốn mươi năm mang mang hồi ức.” Do vậy, tôi mới nghĩ thơ cũ đâu phải bài nào cũng dở, phải không anh? Về phương diện thơ hay và thơ giá trị, là một người làm thơ rất lâu và với kinh nghiệm giảng dạy môn Việt văn hơn ba mươi lăm năm như anh cho biết cùng trong bài bình thơ này, xin anh chia sẻ thêm chi tiết nhỏ này mà tôi thắc mắc hoài nhưng không biết hỏi ai; đó là, theo anh thì khi nào bài thơ được gọi là hay và khi nào bài thơ được coi là có giá trị? Giữa bài thơ hay và bài thơ giá trị nó là một hay là hai bài thơ đó hoàn toàn khác nhau, thưa anh?

NHC:

Anh Hai Trầu quý mến!
Cái chi tiết nhỏ mà anh muốn được kiến giải không nhỏ một chút nào nếu không nói là vượt quá tầm suy nghĩ của những người cầm bút làng nhàng cỡ NHC. Nó đi vào định nghĩa cõi thơ của các bậc hàn lâm về mỹ học,thi pháp học ,về thời gian, không gian nghệ thuật, tính thời đại văn học, văn hóa một dân tộc các biện pháp nghệ thuật các trào lưu văn học,trường phái văn học khác nhau. Theo thiển ý của NHC thì thơ hay là thơ làm rung động lòng người bất kể nó được viết với phong cách nào. Có điều nó phụ thuộc vào từng thế hệ đối tượng với các khuynh hướng thưởng thức chứ không thể cào bằng mọi đối tượng tiếp nhận được.Vì thế mỗi trào lưu văn học đều có những đối tượng tiếp nhận thẩm mỹ khác nhau.




Source : DA MAU

11/7/11

Trần Doãn Nho - Ngơ ngác và trẻ thơ

Nhờ một ít kinh nghiệm về sách vở khi còn ở Việt Nam, chàng được nhận vào làm việc tại một thư viện trường trung học khi đến định cư ở Hoa Kỳ. Mê sách, mê đọc, lại cần cù và chịu khó đi học, sau đó, chàng được tuyển dụng vào một thư viện đại học, phụ trách phân loại,và sắp xếp sách báo lên giá (shelver) và trông coi phần sách báo tiếng Việt. Đó là một tòa nhà tám tầng, lưu trữ sách báo khoa học nhân văn, nằm trong một hệ thống gồm nhiều thư viện khác nhau. Từ thư viện trường thu gọn trong một phòng học chứa vài ngàn đầu sách (mà chàng gần như thuộc lòng), vừa đến đây, chàng cảm thấy mình như bị ném vào một vùng biển lớn. Cũng là cao ốc như mọi cao ốc khác, nhưng nhìn từ bên trong, mọi sức nặng của nó nằm trong các kệ sách dài có đến hàng trăm, thậm chí cả ngàn cây số, đủ để chứa hàng triệu cuốn sách. Phục vụ cho nó là cả một “đạo quân”: không chỉ là một bộ sậu quản lý điều hành và các nhân viên thư viện mà còn gồm cả những kế toán viên, những sinh viên làm bán thời gian, những nhân viên phụ trách máy vi tính rồi nhân viên an ninh, thợ mộc, đầu bếp…

Ngày hai buổi, chàng chẳng biết gì ngoài những gáy, những bìa, những tựa, những năm tháng, những ngôn ngữ, những loại, hạng, những tên, những tấm thẻ. Ghi, chép, phân loại, bê lên giá, bỏ xuống kho. Chỉ toàn là sách và sách. Rốt cuộc, chàng đồng hóa với sách. Làm việc thấy sách đã đành, ăn chàng cũng thấy sách, ngủ cũng thấy sách, đi chơi cũng thấy sách. Chả thế mà chỉ một thời gian ngắn sau, chàng thực thụ trở thành “anh chàng sách” – a book guy -, tục danh mà tay trưởng phòng gán cho bức The Librarian[1] của Giuseppe Arcimboldo. Không xương không thịt, không tóc tai, máu huyết. Sách. Sách. Sách. Đầu sách, tay sách, bụng sách, ngực sách, mắt sách, tóc sách. Sách lớn sách nhỏ sách vừa sách dày sách mỏng. Bìa sách nào trông cũng cứng cát, khỏe mạnh và vững chải y như để bảo vệ một cách nghiêm túc những gì chứa trong đó. Hàng ngày, nhìn bức The Librarian phóng lớn treo ngay trước phòng nhân viên, chàng cảm thấy nó chẳng khác gì tấm gương soi chính mình.

Đi lui đi tới trên những tấm đá hoa cương mòn nhẵn vết chân người, đi lên đi xuống những cầu thang xoáy vào lòng của cao ốc, đi ngang qua hàng hàng lớp lớp những khối giấy bất động, chàng có cảm giác rằng mọi điều hiện hữu ở bên ngoài đều được phản ảnh vào trong những vật thể vô tri vô giác này. Bất cứ nơi đâu, bất cứ thời đại nào, bất cứ chuyện gì, dù hay dù dở, dù đáng đọc hay đáng vứt vào sọt rác, tất cả đều được quyền có mặt ở đây một cách bình đẳng. Nào là hàng ngàn tiểu thuyết được in ở Butan năm 1983, nào là hàng trăm tạp chí xuất bản ở Trung Hoa năm 1949, nào là hàng chục sách trẻ em được in ở Iran năm 1981, nào là vài thi tập được ra mắt ở Ghana năm 1958. Thú vị nhất là có khá nhiều sách báo Việt Nam. Không những tài liệu bằng chữ quốc ngữ mà còn tài liệu chữ Hán, và cả những tài liệu viết bằng chữ Nôm. Chàng thấy gần nguyên cả bộ Nam Phong tạp chí, xuất bản từ đầu thế kỷ 20, tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, bản “photocopy” các số tạp chí Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn. Rồi sách báo của hai miền Nam Bắc. Từ nhật báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, tạp chí Cộng Sản, tạp chí Học Tập, Nhân Văn giai phẩm… cho đến công báo Việt Nam Cộng Hòa, các tạp chí Bách Khoa, Văn, Quê Hương, lại có cả một số các nhật báo như Sóng Thần, Chính Luận, Điện Tín. Chàng ngạc nhiên khi nhìn thấy những ấn bản đầu tiên của tạp chí Mùa Lúa Mới, xuất bản ở miền Trung vào năm 1956. Và cà những tờ nội san của đại học Đà Lạt hay là một Bản Tin của Viện Đại Học Huế, ngày tháng đề từ năm 1958.

Hình thể sách báo thì hao hao, cuốn nào cũng như cuốn nào, nhưng những gì chứa đựng lại hoàn toàn khác nhau. Mỗi cuốn là một thế giới. Chúng xa lạ nhau, đôi khi tương phản nhau và phủ định lẫn nhau. Ấy thế mà chúng nằm bên nhau, chung sống hòa bình. Một hòa bình lặng lẽ và an phận. Người ta thu gom tất cả những gì được viết ra bằng bất cứ ngôn ngữ nào mà dường như không cần biết sẽ có ai sờ đến chúng không. Tất cả đều được trang trọng xếp lên giá, chễm chệ nằm yên đó, chờ đợi…

Ông mê sách như người mê đồ cổ. Nghe ở đâu có sách quý là ông tìm tới dù có phải tốn kém tàu xe và phải bỏ ra cả một món tiền lớn để “rước” người có nhan như ngọc đó về, ông cũng dám chơi một phen cho thỏa chí. Như cuốn Tự vị của Paulus Của, nghe đâu như là ấn bản đầu tiên của một ông cụ nào đó bắc bực làm cao đến tận giời, ông tôi đã phải lặn lội vào tận xứ Thủ Dầu Một xa lắc xa lơ để mua cho bằng được. Công cuộc mua quyển sách đó, chẳng những khiến ông mất đến mấy chỉ vàng, mà còn ốm một trận thừa sống thiếu chết.

Cuốn sách cũ đến nỗi như đã ngàn năm tuổi. Còn hơn một người chơi đồ cổ, ông tôi lại phải tốn thêm một món tiền và nhất là tốn rất nhiều thì giờ để nài nỉ và kiên nhẫn ngồi chờ anh thợ đóng sách đóng lại giùm. Lúc này quyển sách đối với ông như một con bệnh thập tử nhất sinh và anh thợ đóng sách cứ như một bác sĩ. Khi anh thợ tháo bung sách ra, ông đau nhói như thể gan ruột của mình cũng bị lôi ra như thế. Ông hồi hộp theo dõi từng mũi chỉ khâu, nín thở xem anh ta cắt xén, làm bìa. Cho đến khi sách được làm mới một cách khỏe mạnh, xinh đẹp, ông ôm quyển sách trước ngực như một người mẹ ôm đứa con bé bỏng vừa được bác sĩ cứu sống. Ông hết lời cảm ơn anh ta, đưa cho anh một tờ tiền lớn và hào phóng không nhận tiền thối lại. Đem quyển sách về nhà, ông lại mất cả buổi ngồi ngắm đến nỗi quên cả bữa cơm khiến bà tôi phải giục.[2]

Số lượng sách tuôn vào thư viện không hề ngưng. Và mỗi ngày mỗi nhiều. Chàng nghĩ: có lẽ nhu cầu sách báo của nhân loại là vô giới hạn. Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ mỗi ngày nhập vào hàng ngàn cuốn sách mới, thêm vào hàng trăm triệu cuốn có sẵn nằm trên những giá sách dài đến gần vài trăm dặm. Đó là chưa kể bao nhiêu tài liệu tích trữ trong máy vi tính, rồi máy fax, máy sao chép và hàng tỷ trang trên mạng lưới điện toán toàn cầu. Thư viện chàng làm nhỏ bé hơn, nhưng không có ngày nào là không có đầu sách hay tờ báo mới. Không đủ giá thì xây thêm hoặc chất vào kho lưu trữ. Có vào và có ra. Sách vào sách ra như những đợt thủy triều, lúc lên lúc xuống. Có người ví von các đợt sách vào sách ra ở đây như hơi thở của thư viện. Cứ vào đầu mỗi kỳ, thư viện thở ra sách như những đám mây vần vũ, đến cuối kỳ, nó lại hít sách vào. Ngày xưa, vào thế kỷ 18, một người làm thư viện, như một nhân vật trong “Old Librarian’s Almanack”[3], trong khi chùi bụi cho những kệ sách mà anh ta phụ trách, đã giành thời gian để đọc hết từng cuốn sách một. Đến cuốn sách cuối, anh ta lại đọc lại từ đầu. Ngày nay thì nội số sách báo nhập vào hàng ngày, đọc cả tháng, không chừng cả năm, chưa hết.

Ngoài giá sách là kho chứa. Đó là một thế giới khác. Sách trên giá là sách thức, sách trong kho là sách ngủ. Chúng chất chứa vô số những tài liệu thuộc về nhà nước, nơi ta có thể tìm thấy những văn kiện được ban hành cách đây cả mấy thế kỷ hay các tài liệu thống kê dân số ghi rõ có bao nhiêu nhà của thổ dân làm bằng bùn và rạ ở tiểu bang Maryland, hay có bao nhiêu người thợ đan rổ hay thợ thuộc da trong mỗi một ngôi làng ở đâu đó ở một tiểu bang miền Nam. Có kho chứa hàng đống tài liệu kịch nghệ với khổ to một cách lạ thường hay những thùng đựng các tài liệu viết tay đâu hồi thế kỷ 18. Lại cũng có tài liệu bất ngờ như những tạp chí thân Đức Quốc Xã xuất bản ở Hoa Kỳ trước và ngay trong Đệ Nhị Thế Chiến, tuyên truyền chống di dân, chống Do Thái. Tóm lại, đó là những gì đã đi vào quên lãng. Nhưng nó không có quyền mất. Thiếu chúng là nhân loại thiếu đất đứng. Vì thế, chúng phải hiện hữu, dù là một hiện hữu vô tích sự.

Có lần, chàng đi xuống kho chứa, lục tìm tài liệu cho một học giả đến từ Ấn Độ. Nhìn thấy tài liệu, chàng ngẩn ngơ. Đó là cuốn “Polyanthea” của Nani Mirabelli, xuất bản từ năm 1503 ở Savona nước Ý, lược ghi các tác giả thời trước đó. Đây là một trong những cuốn sách in đầu tiên, sau khi Gutenberg sáng tạo ra máy in vào năm 1452. Sách được in ra từng trang rời, có ghi ký hiệu để phân biệt số thứ tự. Người mua mua từng trang in rồi đến người thợ đóng để đóng lại thành tập, dày mỏng hay đẹp xấu tùy theo sở thích và túi tiền của khách. Các sinh viên thì không đóng sách, mà chia nhau giữ từng trang để giảm bớt chi phí, rồi trao đổi nhau.[4] Những cuốn sách như thế chỉ để nhìn. Chẳng ai dám mạnh tay cầm giữ. Làm thiệt hại nó là làm thiệt hại lịch sử. Vì nó chính là lịch sử.

Những lúc rảnh rỗi khá hiếm hoi, chàng đi dọc theo các lối đi, giữa hai hàng giá sách, lắng nghe sự im lặng, lắng nghe mùi bụi, mùi giấy, có khi là mùi mốc và cả mùi… lịch sử. Chao ơi, những chiếc gáy sách, cái dày cái mỏng, cái chữ vàng cái chữ đen, rất nhiều gáy sách chữ đã mờ, không thể đứng mà đọc được, nằm kề nhau, ôm ấp nhau, dựa nhau, gắn bó với nhau, kệ trên kệ dưới y như thế số phận chúng mãi mãi là như thế! Có những bộ tự điển bách khoa chiếm hết nguyên một dãy kệ dài. Kia là Lenin toàn tập, nọ là là tự điển chữ Phạn và những kinh sách viết bằng Phạn ngữ, cuốn nào cuốn nấy dày cộm. Mở chúng ra, chữ nghĩa loăn quăn, chi chít. Biết bao là công trình tim óc, biết bao là tri thức tích chứa! Dở ra mà nhìn là đã thấy hoa mắt, nói gì đến chuyện viết, chuyện đọc. Chàng bần thần nghĩ đến những con người đã cống hiến hết đời mình để chúng ra đời và tồn tại và hiện diện ở đây y như thể chúng có một đời sống riêng, chẳng dính líu gì đến họ. Sức nặng của chúng không phải sức nặng của một khối vật chất mà là sức nặng của một thứ chẳng có chút trọng lượng nào: chữ.

Đôi khi cầm một một cuốn sách trên tay, chàng phân vân không biết là đang cầm một vật thể hay cầm một phi vật thể. Là sinh vật hay tử vật.

Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỷ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn Cao mà treo là có một vật báu trên đời. Viên quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ. Không can đảm giáp lại mặt một người cách xa y hàng bao nhiêu thế kỷ tài học, y chỉ lo mai mốt đây, ông Huấn bị hành hình thì cái thèm muốn kia chỉ là một cái mộng…

(…) Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột và gián. Trong một không khí khói tỏa như đám cháy, ánh sáng đỏ ngòm của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ (…) Một tên tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Tên tử tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực.[5]

Hôm đó, không ngủ được, chàng thức dậy sớm. Tháng năm, chưa tới năm giờ mà trời đã sáng tưng. Mắt nhắm mắt mở, vừa phóc xuống giường là bật ngay computer. Màn hình trắng xóa, không có gì. Lại có vấn đề? Không sao. Vào phòng tắm, rửa vội mặt mày. Trở lại phòng. Màn hình vẫn trắng. Tắt, mở lại. Vẫn thế. Chàng lầm bầm, bực bội. Cái vật thể chiếm chỉ một góc nhỏ của chiếc bàn đó, nó cho ta đủ thứ trên đời. Lúc nào nó có vấn đề là y như ta đánh mất cả thế giới.

Đang loay hoay dây nhợ, nút bấm để tìm xem nó hỏng hóc ở đâu thì tiếng bà vợ đâu đó ở phòng bên léo nhéo anh ơi anh ơi, qua đây nhanh lên, nhanh lên, xem cái gì thế này. Chàng chạy vội qua. Vợ chàng đưa cho chàng một chiếc hộp nhỏ:

- Anh xem nè, chiếc hộp chẳng còn một chữ nào cả. Kỳ cục không. Chính em vừa mới mua nó hồi khuya. Cái hộp phấn này, anh xem, toàn giấy. Không có chỉ dẫn cách dùng thì sao mà dùng đây.

Chàng cầm chiếc hộp lên xoay quanh, người bỗng rợn tóc gáy. Chiếc hộp chỉ toàn là những giải màu. Tuyệt không có một chữ nào.

- Em lấy những chiếc hộp khác cho anh.

Nàng chạy tới tủ thuốc.

- Sao kỳ cục thế này, nàng la lên, sửng sốt.

Chàng chạy lại. Lôi hết hộp thuốc này đến hộp thuộc khác, lớn, nhỏ, vuông, tròn, cao thấp, tất cả đều trống không. Không có chữ. Chàng ném từng hộp xuống sàn nhà. Chạy về phòng, mở computer lên. Mà hình vẫn trống không, chỉ là một tấm kính vòng cầu đầy những hạt li ti nhảy nhót loạn xạ. Chàng đến tủ sách, lật tung chồng báo, xô hết sách xuống. Cũng như những chiếc hộp, tất cả sách, báo bây giờ chỉ là giấy. Chàng lật hết cuốn này đến cuốn khác. Trống không. Không có chữ. Nhìn quanh phòng. Nhừng tờ giấy dán trên đó cũng trống không.

Chàng gọi điện thoại đến thư viện, gọi người này người nọ. Chàng gọi lung tung. Cũng như chàng, mọi người đều không tìm thấy chữ.

Chữ đâu rồi? Chữ đâu rồ? Chữ đâu rồi? Chàng la lên với chính mình, giọng vô cùng kích động. Chữ, ký hiệu bình thường và thân quen biết bao! Những chữ cái, chữ in hoa, chữ in thường, những câu, những đoạn, những dòng, những trang, những dấu chấm phẩy, những hỏi, ngã…Đi đâu chàng cũng thấy chúng, nhìn đâu chàng cũng gặp chúng, cầm cái gì lên, chàng cũng đọc chúng. Nhìn và đọc, đôi khi đọc chỉ để mà đọc, đọc rồi quên. Chữ như một thứ hàng hóa thừa mứa không ai dùng, để rơi vãi khắp nơi. Bây giờ, những ký hiệu lúc nhúc đó bỗng nhiên không còn nữa. Những tờ giấy vẫn còn đó. Màn hình vẫn còn đó. Tủ sách vẫn nằm đó. Những bảng chỉ đường vẫn còn đó. Những tấm bảng quảng cáo vẫn còn đó. Các hình vẽ vẫn còn đó. Đường sá, nhà cửa, ngã ba ngã tư nhà cao tầng nhà trệt…vẫn còn đó. Sạp báo, tiệm sách vẫn còn đó. Cả cái thế giới quen thuộc vẫn quen thuộc, không có gì thay đổi. Nhưng nhìn quanh nhìn quất nhìn tới nhìn lui, chàng cảm thấy ngỡ ngàng và hoảng hốt. Và mất phương hướng. Chàng không thể tìm thấy số điện thoại hay tên của những khách hàng, những người quen. Ra đường, không biết đường nào là đường nào. Chỗ nào là nơi bán bánh mì, chỗ nào là sạp báo. Chỗ nào là trường học. Chỗ nào là bệnh viện. Các chữ STOP trên các ngã ba, ngã tư cũng biến mất, chỉ còn trơ lại những tấm sắt hình tròn hay hình tam giác ngơ ngác.

Thiệu phân phát xong rồi, Quách Ðồ tiến lên nói:

- Nay Minh công lấy đại nghĩa mà đánh Tào Tháo. Vậy phải làm hịch loan truyền trong nhân dân, hài tội của Tháo, làm cho rõ cái lẽ khiến ta khởi binh, để cho danh chánh ngôn thuận thì mới có thêm uy lực.
Thiệu nghe lời, sai viên thư ký Trần Lâm thảo tờ hịch.

“…Hiện nay nhà Hán suy vi, cương duy lỏng lẻo, Thánh triều không có một người nào giúp, tay chân như bị trói, không thể nào vùng vẫy được. Ỷ đất trực thuộc triều đình, những vị giản luyện đều phải cúi đầu xếp cánh, không thể trông cậy vào ai. Tuy có kẻ sĩ trung nghĩa, nhưng bị loạn thần bạo ngược hiếp chế, thì còn phát triển khí tiết của mình làm sao? Hơn nữa, Tháo nó sai hơn bảy trăm tinh binh tay chân ngày đêm vây kín cung khuyết, ngoài mặt giả làm quân túc vệ, kỳ thực là giam cầm nhà Vua.
Mạc phủ sợ rằng cái mầm phản nghịch từ đó mỗi lúc một nẩy nở thêm, lúc này là lúc kẻ trung thần phải đem gan óc báo đền, là cơ hội để các liệt sĩ lập công báo quốc. Há chẳng nên cùng hết sức ru? Tháo nó lại hay giả thác chiếu Vua, sai đi gọi binh các nơi tiếp viện. Sợ rằng các châu quận ở xa không rõ mưu gian, lại tưởng rằng lệnh Thiên Tử thực mà giúp lầm kẻ nghịch, thì hóa ra theo giặc phản Vua, mất hẳn danh nghĩa, để tiếng cười cho thiên hạ sau này. Vậy mà những bậc khôn ngoan ắt không làm như thế! Nay mai quân Tinh, U, Thanh, Ký, bốn châu cùng tiến. Thư đưa tới Kinh Châu mời cùng ra binh với Kiến Trung tướng quân hợp làm thanh thế. Các châu quận hãy chấn chỉnh nghĩa binh, liên lạc với nhau nơi cảnh giới, thị vũ dương uy, cùng khuông phò xã tắc, thế là cái công phi thường đã rõ rồi vậy. Ai lấy được thủ cấp Tào Tháo sẽ được phong Hầu năm mươi vạn hộ, thưởng tiền năm mươi vạn. Những Thiên, Tỳ, Tướng, Hiệu và ai đem quân đến hàng, đều không bị hỏi han gì cả. Ta sẵn sàng mở rộng đường ân tín, ban thưởng tuyên dương cho ngay. Nay làm tờ hịch này bố cáo khắp thiên hạ, để bốn phương biết rằng Thánh triều đang bị cái nạn câu thúc nguy cấp!”
Tờ hịch truyền lan tới Hứa Ðô, bấy giờ Tào Tháo đang bị cảm gió nhức đầu, nằm trên giường dưỡng bệnh. Tả hữu đem vào trình, Tháo xem xong, rợn tóc rùng mình, mồ hôi ra như tắm, bất giác thấy hết nhức đầu, ngồi phắt dậy, nhảy xuống đất…[6]

Chưa hết.

Gần trưa, trong lúc đang ngồi ăn, bỗng nghe tiếng vợ chàng gọi thất thanh từ trên lầu hai:

- Anh, lên đây, lên mau.

Chàng bỏ chén bát chạy vội lên lầu. Vợ chàng đang cầm cây viết nguyên tử, chỉ mảnh giấy trắng:

- Em muốn viết mấy dòng gửi đi mà không thể viết được.

Chàng giật lấy cây bút trên tay nàng, thử viết tên họ mình.

Lạ thay, ngòi bút không theo ý chàng. Những gì tuôn ra từ đó chỉ là những vạch ngang vạch dọc, những đường cong queo không ra bất cứ hình thù gì. Y như thể hồi bắt đầu đi học, thằng bé cố hết sức vẫn không thể viết ra được chữ a, chữ b mặc dầu rất sợ bị đánh đòn. Lạ hơn nữa, càng cố gắng viết thì chàng lại càng không thể viết. Đầu óc chàng đột nhiên trống rỗng. Ý niệm về những nét chữ nhập nhòe. Nét vòng của chữ a, nét số thẳng của chữ t, nét cong của chữ c…như chờn vờn trong óc nhưng lại không thể viết ra được. Dường như giữa hình ảnh có trong đầu không liên hệ gì với ngòi bút và những đường nét vạch ra trên giấy.

Cuối cùng, chịu thua, chàng ném cây bút xuống, vò đầu bứt tai.

Không những chữ đã biến mất.

Mà con người cũng mất cả khả năng viết ra chữ.

Thôi Trữ truyền cho quan thái sử Bá vào chép sử là Tề Trang công bị bệnh sốt rét mà chết . Quan thái sử Bá không nghe, chép vào thẻ rằng:
- "Ngày Ất Hợi, tháng 5, mùa hạ, Thôi Trữ giết vua là Quang" .
Thôi Trữ nổi giận, giết thái sử Bá. Thái sử Bá có ba người em là Trọng, Thúc, Quí . Trọng lại chép như trước. Thôi Trữ lại giết đi. Thúc cũng chép thế. Thôi Trữ lại giết. Quí lại chép như vậy. Thôi Trữ cầm lấy cái thẻ mà bảo Quí rằng:
- Ba anh mày đều chết cả, còn mày không sợ chết à ? Nếu mày chịu chép khác đi thì ta tha chết cho.
Quí nói:
- Chép đúng sự thực là chức phận của người làm sử, nếu trái chức phận mà sống thì chẳng thà chết còn hơn! Ngày xưa Triệu Xuyên giết Tấn Linh công, quan thái sử là Đổng Hổ cho rằng Triệu Thuẫn là chính khanh mà không biết trị tội quân giặc, bèn chép rằng: "Triệu Thuẫn giết vua là Di Cao" thế mà Triệu Thuẫn không lấy làm quái. Thế thì biết chức phận của người làm sử không thể bỏ được! Nếu tôi không chép, trong thiên hạ tất cũng có người khác chép! Tôi không chép cũng không có thể che được sự xấu của quan tướng quốc, mà lại để cho thức giả chê cười, nên tôi liều chết mà chép, xin tướng quốc cứ tùy ý định đoạt!
Thôi Trữ thở dài mà nói rằng:
- Ta sợ nước nhà nghiêng đổ, bất đắc dĩ mà phải làm việc này! Nhà ngươi dẫu chép thẳng, thiên hạ cũng xét tấm lòng cho ta!
Nói xong, liền ném cái thẻ đưa trả Quí. Quí cầm cái thẻ đi ra, sắp đến cửa sử quán, lại gặp Nam Sử Thị, Quí hỏi đi đâu, Nam Sử Thị nói:
- Ta nghe nói anh em nhà ngươi đều chết cả, sợ bỏ mất cái việc ngày Ất Hợi, tháng 5, mùa hạ mới rồi, vậy nên ta cầm thẻ đến để chép .
Quí đưa cái thẻ của mình chép cho Nam Sử Thị xem. Nam Sử Thị mới cáo từ mà về .
Thôi Trữ lấy việc thái sử Quí chép thẻ làm xấy hổ, mới đổ tội cho Giả Thụ mà giết đi.[7]


Không phải là sự trục trặc của một người mà là sự trục trặc của loài người.

Và thế giới bắt đầu một kỷ nguyên mới: không có chữ.

Sau những ngày đầu tiên hoảng hốt và xúc động, mọi người tập làm quen với hoàn cảnh đời sống mới, đời sống của một thế giới không còn chữ.

Trước hết là sự biến mất ngoạn mục của cái được gọi là thông tin: báo chí, truyền thanh, truyền hình và internet. Không còn headline news, breaking new, hot new kéo theo những phân tích, bình luận đoán già đoán non về con người và thế giới choán hết khoảng trống trên giấy trên màn hình. Mọi chuyện, mọi sự kiện, hay nói một cách hay ho là biến cố, đều phải thông qua chữ, đều là sản phẩm của chữ. Không chữ, không chuyện. Không Tsunami Nhật tang thương, không đám cưới hoàng gia Anh ồn ào, không vùng cấm bay Lybia, không Dow Jones lên xuống ngột thở, không xì-căn-đan này (nối tiếp xì-căn-đan) kia tràn trìa trên giấy: hết ông thống đốc lấy người giúp việc đến ông thượng nghị sĩ có con với nhân viên đến ông giám đốc quỹ tiền tệ hãm hiếp cô bồi phòng đến ông dân biểu gửi hình khiếu dâm lên Internet…Và không hàng triệu triệu thứ tin tức khác hàng giờ hàng phút. Không còn những bài xã luận khen chê, nâng bi và chưởi rủa, khiến người này lên tận mây xanh còn kẻ kia thì ngụp lặn dưới bùn đen.

Trên các diễn đàn quốc hội, thiếu chữ, các ông nghị bà nghị lấp ba lấp búng nói chẳng thành câu, lắm khi câu sau chưởi vào câu trước. Diễn đàn vắng khách, những cuộc cải vả liên tu bất tận về thuế khoá, chiến tranh, hòa bình, lợi tức, an ninh quốc gia, thâm thủng ngân sách chấm dứt. Không còn những văn bản lập quy chi chít chữ đóng thành từng kho tài liệu chất như núi.

Các trường học đóng cửa. Lúc đầu, các cô các cậu trẻ tuổi ngỡ ngàng vì bỗng dưng không được cắp sách đến trường để gặp thầy cô gặp bạn bè, không còn được thấy bảng đen phấn trắng, không còn có chỗ để được nhọc nhằn trong nơm nớp ngóng đợi tương lai. Nhưng rồi các cô các cậu đâm ra vui mừng. Họ cảm thấy bỗng nhiên được giải thoát khỏi một nhiệm vụ bực mình: đầu tư cho tương lai. Họ khỏi cần phải đợi đến lúc “sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết/đàn chim non hớn hở rủ nhau về/chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ”. Họ tự do, hoàn toàn tự do. Họ sống. Cuộc sống tự nó chứa mầm mống của tương lai, chẳng cần phải nhọc lòng đầu tư để tính lời tính lỗ.

Nhưng sung sướng nhất là các cháu thiếu nhi. Vừa rời vú mẹ, đang tuổi ham ăn ham chơi, bỗng dưng bị ép phải đến căn phòng gọi là lớp, ngày hai buổi nhọc nhằn cắm cúi vạch những đường ngang nét dọc gọi là chữ, thứ hình vẽ chẳng ăn nhằm gì đến nhu cầu hàng ngày của chúng.

Tòa án đóng cửa. Nhà tù đóng cửa. Các cơ quan an ninh đóng cửa. Không hồ sơ lưu trữ, không giấy tờ tài liệu, các công bộc của dân không biết mò vào đâu để truy cứu một tên tội phạm hay làm sáng tỏ một vụ phạm pháp. Các viên chức anh ninh ngỡ ngàng khi khám phá ra một điều lạ lùng: một người bỗng nhiên như mọi người. Không có ai khác với ai. Y như khi nhìn một đàn cá bơi dưới biển hay một đàn kiến bò trên sân: một con như mọi con, mọi con như một con. Ông chánh án A thì cũng như ông đạp xích lô B cũng như mụ bán hàng rong C cũng như thằng cướp nhà băng X. Ông gác tù cũng như tù.

Không chữ, xã hội đánh mất ký ức của mình. Ký ức vốn là một gánh nặng vô tình. Đánh mất ký ức là trút đi bao nhiêu phiền lụy. Mọi người trở nên vô căn, vô danh, vô lý lịch. Lúc đầu, người ta bực mình vì không thể biết được quá khứ của nhau để thẩm định giá trị của mỗi người, nhưng rồi sung sướng vì từ nay, ai cũng trong sáng, không còn lý lịch đen lý lịch đỏ. Không tên không tuổi. Mang một cái tên, sở hữu một cái lý lịch là mang cả hào quang lẫn đau khổ. Vinh trộn cùng nhục. Hoan lạc lẫn sầu não.

Những nhà thuyết giáo, những tay tu từ chuyên nghiệp lặng lẽ bỏ nghề trở về với đời sống dân dã. Thiếu chữ, họ đánh mất thứ dụng cụ đa năng, biến hóa không lường để tạo nên những lý thuyết trơn tru, những ẩn dụ hấp dẫn, những trang giấy chi chít ngôn từ dành cho những độc giả sùng tín, thích ăn chữ và nhai chữ. Kéo theo là sự vắng mặt của trò chơi chữ nghĩa qua những màn tranh cãi liên tu bất tận, có khi chí chỉ còn là những cuộc ném chữ vào mặt nhau (cho đã!).

Nhà văn nhà thơ, những hư-cấu-viên, biến mất. Mất chữ, họ không còn thứ bùa phép vạn năng để vẽ vời, bịa đặt và pha chế hiện thực. Hậu quả là: mọi thứ trong đời sống, kể cả tình yêu, trở nên trần trụi, ngổn ngang, sần sùi. Trời không còn xanh, hoa chẳng còn hồng, kỷ niệm chẳng hề ngọt ngào và đau khổ chẳng hề dằn vặt…Thiếu chữ, cũng mất luôn bâng khuâng, bồi hồi, ngang trái, dịu dàng, cay đắng, mất hết lớp sương mù phủ lên mặt ngoài của mọi sự thể.

Không chữ, đời sống trở nên đơn giản. Không có quá khứ để đào bới. Không có tương lai để âu lo. Không chữ, tình vẫn còn đó, chỉ bớt đi màu mè nhưng những dối trá, lọc lừa mất điều kiện để tăng lên. Không chữ, tinh thần bác ái giảm đi nhưng lòng căm thù khó truyền bá và phát triển. Không có chữ, lấy gì mà nung nấu và huy động tinh thần tuẫn giáo!

Không chữ, cái gọi là lịch sử đột nhiên biến mất. Y như thể nó chẳng hề hiện hữu. Không ai có thể nhân danh nó để gây chiến tranh, để duy trì bản sắc hay để bảo vệ những giá trị vốn dĩ rất mơ hồ.

Lý Tư tâu với Tần Thủy Hoàng:

Thần xin đốt tất cả các sách sử, trừ những sách sử của nhà Tần. Trừ những người làm chức bác sĩ, ai cất giấu Kinh Thư, Kinh Thi, sách vở của trăm nhà thì đều đem đến các quan thú, quan úy mà đốt đi, hai người dám bàn nhau về việc Kinh Thi, Kinh Thư thì chém giữa chợ, lấy đời xưa mà chê đời nay thì giết cả họ. Quan lại biết mà không tố cáo, thì cũng bị tội. Lệnh ban ra trong ba mươi ngày không đốt sách thì khắc vào mặt cho đi thú để xây và canh giữ trường thành.[8]

Chàng trở lại thư viện.

Toàn bộ khu đại học vắng teo. Cây cao phủ bóng trên những lối đi lạnh lùng. Vắng người, cỏ dại phơi phới vươn lên, hân hoan bò lên ghế đá, bao quanh tượng đài, phủ kín bồn hoa. Hoa chen lá, lá chen cỏ. Thiếu bóng những đứa con tìm chữ, cả khu đại học trở thành hoang hóa. Họ – có đứa từ những nơi rất xa trên địa cầu – đến đây, hy sinh mọi thú tiêu khiển của tuổi trẻ, lặn hụp trong thế giới chữ. Bước vào với một tâm hồn trong trắng, lành lặn và hồn nhiên. Sau một thời gian, bước ra với một đầu óc lúc nhúc chữ, lúc nhúc kiến thức, lúc nhúc khái niệm. Họ bắt đầu nhìn cuộc sống với một cái nhìn đầy nghi hoặc và bất trắc. Núi chẳng còn núi, sông chẳng chỉ là sông. Người không là người. Vật không như là vật. Nhìn ở đâu, họ cũng thấy khác.

Chưa từng làm điều ác, nhưng lòng họ bỗng dưng nhiễm đầy vết thương.

Chàng leo lên những tầng cấp thư viện. Rùng mình. Tấm bảng đồng to, bóng loáng khắc tên thư viện và một câu châm ngôn đầy kiêu hãnh bây giờ trống mênh mông. Mọi cánh cửa mở toang. Chàng bước vào, đi dọc theo hành lang, xuyên qua các phòng làm việc của nhân viên. Im lặng. Trước đây, thư viện cũng im lặng, nhưng là một im lặng thành khẩn, sâu lắng. Trong cái im lặng đó, thỉnh thoảng vang lên tiếng sột soạt đầy ý tứ của giấy, tiếng bước chân thận trọng, tiếng trò chuyện thầm thì. Bây giờ là một im lặng lạnh lùng, trống rỗng. Chàng đưa tay, thử bật điện. Công tắc hư. Không có điện, nhưng ánh sáng bên ngoài hồn nhiên tràn vào, chiếu lên những giá sách im lìm. Sách vẫn còn đó, chịu đựng nhẫn nhục, nối tiếp nhau trong một bất động chờ đợi. Nhưng gáy sách trống trơn. Chỉ còn là những khối vật chất rỗng ruột vô hồn, cuốn này nép sát cuốn kia, đều đặn một cách vô nghĩa. Thiếu những ký hiệu lòng vòng lèo vèo đầy ắp bên trong, chúng như những chiếc vỏ khô. Trước kia, nói đến sách là nói đến những khối lượng giá trị, cái dày cái mỏng cái nặng cái nhẹ. Và chàng vẫn có thói quen nhìn giá trị của chúng qua cái “dày cộm” hay “mỏng tanh”. Có cuốn chàng có thể bỏ trong túi như bỏ một món đồ chơi; có cuốn phải chở bằng xe đẩy. Vắng chữ, chúng vẫn thế, vẫn là những khối như thế, không cuốn nào nặng thêm cũng chẳng cuốn nào nhẹ thêm. Chúng lẫn lộn với những ghế những bàn những kệ những bụi.

Ôi, các vương tôn miền trí tuệ
Mưu đồ đo đạc cả Vô Biên
Tung ra khắp bãi thời gian lộng
Lượn lượn ưu tư khốc liệt rền[9]


Tiếng thơ rền vang như một xa xăm vọng về, sâu lắng. Chàng ngơ ngác nhìn quanh. Không thấy gì cả. Âm thơ cứ như rơi xuống từ khoảng không, vỡ ra từng phiến nhỏ tản mát quanh quanh, tan loãng trong nắng chiều lặng lẽ.

Bất giác, chàng bỏ chạy. Loanh quanh qua các kệ sách, lên thang lâu, lầu một, lầu hai, lầu ba, lầu bốn, lầu bảy, lầu tám. Tiếng thơ đuổi theo chàng. Chàng chạy nhanh, tiếng thơ nhanh, chàng chạy chậm, tiếng thơ chậm. Bước chân quýnh quíu, dồn dập chạm vào giá sách, chạm vào những khối giấy nặng nề, dội lại khô khốc. Tới chỗ làm việc cũ của mình, chàng tìm thấy những tấm thẻ trống không rơi bừa bãi, lung tung trên sàn nhà, trên bàn, trong các hộc tủ. Trong các phòng đọc sách, ghế bàn im thin thít, lạnh vắng, bụi bám chặt. Hàng ngày, khi đi ngang qua đây, chàng vẫn thấy những khuôn mặt trầm ngâm, những dáng ngồi im lìm bất động, những đôi mắt trừng trừng đảo qua đảo lại, nhích lên nhích xuống trên những con chữ chi chít. Góc này là đám sinh viên cần cù, đầu óc căng ra, đánh vật với ký ức, với những câu hỏi, lục lọi, soi mói trên từng trang sách. Góc kia là ông giáo sư kinh tế, gần cửa sổ là ông tiến sĩ nhân chủng, khuất sau khu chứa sách tham khảo là nhà ngữ học nổi tiếng thế giới…Chữ nghĩa đã chật ních trong đầu, vậy mà họ vẫn cứ đến đây, ngày này qua ngày khác, lục tìm hết cuốn sách này đến cuốn sách khác, ghi ghi chép chép.

Chữ và người. Người và chữ. Một đối diện lặng lẽ. Một đối thoại triền miên, đơn độc.

Thay vì ăn, chơi, họ suy nghĩ. Thay vì chỉ suy nghĩ, họ viết. Thay vì mò mẫm trên từng con chữ, bây giờ họ tạo ra những con chữ. Họ kiếm tiền bằng chữ. Họ tìm danh vọng bằng chữ. Họ hạ nhục nhau bằng chữ. Họ giết nhau bằng chữ. Họ chiến đấu bằng chữ. Họ yêu nhau và phản bội nhau bằng chữ. Với chữ, họ vẽ vời quá khứ, họ phịa tương lai. Họ dựng nên đời sau, kiếp trước. Họ phỉnh gạt nhau và phỉnh gạt mọi người.

Ấn bản lần thứ 11 là ấn bản cuối cùng (…) Hàng ngày, chúng ta sẽ phá hủy chữ – hàng chục chữ, hàng trăm chữ. Chúng ta sẽ cắt giảm ngôn ngữ đến tận cùng. Ấn Bản thứ 11 sẽ không còn một chữ nào vốn đã trở nên lỗi thời trước năm 2050 (…) Thật là tuyệt vời khi phá hủy chữ. (…) Chắc anh bạn chưa hiểu thấu hết cái đẹp của sự phá hủy chữ đâu. Bạn có biết rằng Ngôn Ngữ Mới (Newspeak) là thứ ngôn ngữ duy nhất trên thế giới mà kho từ vựng cứ nhỏ dần mỗi năm? (…) Bạn không biết rằng toàn thể mục tiêu của Ngôn Ngữ Mới là thu hẹp tầm tư tưởng không? Cuối cùng chúng ta sẽ làm cho thứ tội phạm tư tưởng không có cơ tòn tại, bởi vì sẽ chẳng còn chữ để mà diễn đạt chúng. Bất cứ ý niệm nào còn được cần dùng sẽ chỉ được diễn tả chính xác trong một từ, với một nghĩa đã được xác định rõ ràng, còn tất cả các nghĩa phụ khác sẽ bị xóa bỏ và quên lãng (…) Chữ càng ngày càng ít theo thời gian và theo đó, tầm ý thức cũng nhỏ dần (…) có lẽ cho đến trước năm 2050, tất cả mọi kiến thức của Ngôn Ngữ Cũ (Oldspeak) sẽ biến mất. Toàn thể thứ văn chương của quá khứ sẽ bị phá hủy. Chaucer, Shakespeare, Milton, Byron – chúng chỉ hiện hữu trong Ngôn Ngữ Mới, không chỉ đuợc thay đổi thành một điều gì khác hơn, nhưng thay đổi thành những gì trái ngược hẳn với cái chúng đã từng được hiểu. Ngay cả văn chương của Đảng cũng thay đổi. Những khẩu hiệu cũng thay đổi. Làm sao mà ta còn có câu khẩu hiệu đại loại như “tự do là nô lệ” khi ý niệm về tự do đã bị triệt tiêu? Toàn thể lãnh vực tư tưởng sẽ khác hẳn đi. Nói cho đúng ra, sẽ chẳng còn có tư tưởng nữa, thứ ý niệm mà chúng ta đang hiểu hiện nay. Theo chính thống nghĩa là không còn suy nghĩ – không cần suy nghĩ nữa. Chính thống là vô thức”[10]

Tiếng thơ chợt ngừng bặt. Không gian trở nên trống rỗng khác thường.

Chàng giật mình, lòng hoang mang và tuyệt vọng. Nhìn quanh, chờ đợi. Một hồi lâu, không thấy có gì khác lạ, chàng buồn bã trở xuống. Đến lầu hai, trong bóng tối nhờ nhờ, chàng chợt thấy có ánh đèn ở cuối hành lang. Ngạc nhiên, chàng bước đến. Chàng nhớ ra đó là khu sách tham khảo. Ánh đèn phát ra từ căn phòng nhỏ nằm kế phòng đọc, nơi vốn là chỗ nghỉ của nhân viên phụ trách an ninh. Nghe ngóng một lát, chàng mở cửa. Chàng sửng sốt khi nhìn thấy một người đàn ông lặng lẽ ngồi trong góc phòng. Ánh sáng từ chiếc đèn cầy chiếu lên tường một bóng đen xiêu vẹo, nhảy múa chập chờn. Sợ hãi, chàng lùi lại, muốn đi ra, nhưng người đàn ông ngẩng đầu lên nói, giọng bình thản:

- Chào ông bạn. Vào đây.

Chàng ngập ngừng một chút rồi thận trọng bước vào.

Người đàn ông hói đầu, phần tóc còn lại bạc trắng, lơ thơ bám hững hờ phía trên mang tai. Râu nhiều hơn tóc, mọc tua tủa quanh cằm, cả trên và dưới, cũng bạc trắng. Khôn mặt trông rất quen. Sau một hồi vận dụng trí nhớ, chàng nhận ra người đàn ông: nhà ngữ học tiếng tăm, nhiều lần nằm trong danh sách những người được đề cử một giải thưởng nổi tiếng nào đó. Ông ta không lạ gì với thư viện. Thư viện cũng chẳng lạ gì ông ta. Không ngày nào ông không có mặt cuối phòng, ở một góc khuất, bên cạnh những bộ sách nghiên cứu về ngôn ngữ dày cộm. Lúc nào cũng một mình, ghi ghi chép chép. Khuôn mặt đắm chìm trên trang sách. Không thấy ông ta cười, cũng chẳng thấy ông mở miệng nói gì với ai. Con người ông toát ra một sự lặng lẽ lạ thường. Ấy thế mà, thỉnh thoảng hình ảnh ông lại xuất hiện hàng đầu trên báo chí, gây nên một cơn sốt dư luận, có khi vài ba tuần, có khi kéo dài hàng tháng không chấm dứt. Chỉ cần một lời phát biểu của ông xuất hiện đâu đó trên một chuyên san là người ta giành nhau chỉ trích, giành nhau ngợi khen, giành nhau góp ý. Báo chí lại được dịp tràn trề chữ nghĩa. Nhiều từ mới phát sinh. Nhiều khái niệm mới đưa vào sách vở. Mặc! Ông chẳng bao giờ trả lời. Y như thể, ông ta chỉ tung ra một số chữ (tất nhiên là rất mới lạ) để người ta có dịp bày biện chữ của mình trên mặt báo. Thế giới vô cùng im lặng của chữ ấy thế mà vô cùng ồn ào. Mỗi lần đọc các bài tranh luận, chàng vẫn có cảm giác như nghe tiếng gươm, tiếng giáo khua vang trên trang giấy.

Người đàn ông hỏi:

- Ông bạn đến đây làm gì?

- Tôi làm việc ở đây.

- Thế à! Cũng là người của sách vở đó nhỉ.

- Tôi chỉ là nhân viên quèn, chỉ biết xếp sách trên giá thôi.

- Nhằm nhò gì. Cũng như nhau thôi. Giờ thì ai cũng khỏe. Hết chữ rồi!

Chàng ngạc nhiên:

- Khỏe? Một người sống với chữ như ông mà lại gọi là khỏe khi không còn chữ?

Người đàn ông không nói gì, đưa tay với ly nước trên bàn, hớp một hớp rồi để xuống. Chàng nhìn

quanh phòng. Không sách vở. Rải rác đó đây là những giấy trắng, có tờ còn nguyên, có tờ đầy những nét vẽ nguệch ngoạc. Trên tường là những hình vẽ vuông tròn, những đường kẻ ngang kẻ dọc loạn xạ. Chàng tò mò:

- Không thấy có sách vở gì cả.

Người đàn ông cười to:

- Sách vở gì nữa ông bạn. Không có chữ, sách vở chỉ là cục đá cục đất mà thôi. Nhân loại đã chịu đựng sự thống trị của chữ mấy ngàn năm, đủ rồi. Thoát khỏi chúng, ta mừng.

Chàng ngạc nhiên:

- Nhưng nếu không có chữ thì làm gì còn có văn minh, làm gì còn có văn hóa, thưa ông?

Người đàn ông cười lớn hơn, đôi mắt mơ màng nhìn vào bức tường trước mặt như như nhìn vào một khoảng xa xăm nào đó, nói như độc thoại:

- Văn minh! Vâng, văn minh nào cũng gắn liền với chữ. Nhưng cũng chính chữ làm đảo lộn văn minh. Bao nhiêu năm ta miệt mài với chữ, ta đào xới chữ để tìm xem bản chất của chúng là gì. Ông bạn ơi, chữ là một hiện tượng kỳ lạ. Và kỳ cục. Chữ nằm sẵn đó, ai cũng nói được, ai cũng viết được, nhưng chúng vẫn là điều bí ẩn. Ta tìm cách giải phẫu chữ y như các nhà sinh vật học giải phẫu cơ thể. Ta mổ văn, mổ thơ, mổ bài viết. Ta mổ từng vần, từng chữ, từng câu. Ta banh chúng ta, ta ghép chúng lại, ta tìm âm vị, hình vị, nghĩa vị. Ta tìm từ láy, từ kép, ta đối chiếu chữ cổ với chữ mới, so sánh tiếng Phạn với tiếng Latin, tiếng Hán với tiếng Anh, thôi thì đủ kiểu. Nhiều lúc, ta tưởng là đã bắt được chúng, tìm ra bản lai diện mục của chúng. Thế mà này ông bạn, ta càng bắt thì nó càng truột khỏi tay ta. Ông bạn nhìn xem…

Người đàn ông đưa ta ra chỉ trên tường:

- Ông bạn có biết đó là cái gì không?

Chàng nhìn lên những hình vẽ nguệch ngoạc nằm kín cả bức tường, lắc đầu. Người đàn ông cười:

- Chữ đấy. Ông bạn không còn nhận ra chúng sao?

- Không.

- Vậy thì ông bạn thấy gì nào?

- Những vạch ngang vạch dọc, hình vuông vuông tròn tròn…

- Chữ đấy, ông bạn không tin sao!

- Không.

- Thì chữ là những vạch ngang vạch dọc, hình vuông vuông tròn tròn chứ có gì khác đâu.



(iw wnm msh nsw)[11]

Chàng nhìn chằm những hình vẽ trên tường, đầu óc mơ mơ hồ hồ như bơi trong giấc mộng. Bao tháng ngày đã trôi qua từ ngày mất chữ, chàng không còn ý niệm gì những đường nét ghi lại trên giấy. Chàng sống với chúng, nhờ chúng. Những con chữ thân yêu đưa chàng tới những bến bờ xa lạ, kỳ thú. Chúng mang đến cho chàng một thế giới khác, hoang đường và thơ mộng. Giờ đây, nhìn những vạch ngang vạch dọc mà người đàn ông bảo là chữ, chàng có cảm giác buồn cười. Chúng lổn nhổn, vô nghĩa y như lũ sỏi đá vô danh nằm ngoài đường.

Người đàn ông nhìn chàng, vẻ xót xa:

- Chúng ta đang sống lùi lại vài ngàn năm đó ông bạn à. Tổ tiên ta tạo ra những vạch ngang vạch dọc như thế để nối kết sinh mệnh của nhau, để là những phần tử của nhau. Thời văn minh, cũng những vạch ngang vạch dọc đó mà thôi. Ông bạn biết không, cái phiền của chữ, không phải là chính nó. Khốn nạn là cái nghĩa. Nghĩa như mây trời như cá dưới biển, mông lung bất định. Nhiều lúc ta tưởng đã chụp bắt được chúng bỏ vào trong túi để mà lấy ra xài dần. Nhưng chỉ là ảo tưởng. Ông bạn biết không, những chữ ta viết ra là chính xác biết bao, khoa học biết bao, rõ ràng biết bao, thế mà ra ngoài chúng bị hiểu khác, có khi hoàn toàn khác. Thế mới chết. Thế mới có tranh cãi. Mà càng tranh cãi, bạn biết không, nghĩa lại càng xa chữ. Làm như thể chúng có đời sống riêng của chúng. Chúng chỉ mượn chữ, bám lấy chữ để mà tác oai tác quái. Ông bạn nghĩ mà xem, để tồn tại, nhân loại có cần đến ngần ấy sách không, ngần ấy chữ không. Hàng tỷ cuốn! Hàng tỷ tỷ chữ. Và sách vẫn tiếp tục ra đời, chữ vẫn tiếp tục nhiều lên…Để làm gì?



La trahison des images

(Cái này không phải là một tẩu thuốc [12])

Cái (tẩu thuốc) này không phải là một cái tẩu thuốc

Cái (hình ảnh của một tẩu thuốc) này không phải là cái tẩu thuốc

Tấm (tranh) này không phải là một cái tẩu thuốc

Cái (câu) này không phải là một tẩu thuốc

Chữ (cái này) này không phải là một cái tẩu thuốc

(Cái này) không phải là một tẩu thuốc [13]

Người đàn ông tiếp tục:

- Nghĩa, chao ôi! Nghĩa là con mụ phù thủy chứa đầy đòn phép. Nó nằm ngoài quy luật. Nó thoắt biến thoắt hiện. Nghĩa vừa độc ác vừa tinh quái. Chúng luồn lọt, chui rúc, giấu mình dưới từng chữ, từng câu để tác oai tác quái. Lúc đầu, ta tưởng nghĩa chẳng qua chỉ là những đồ vật mà ta có thể nhét vào trong chữ y như ta bỏ món quà vào trong hộp và chuyển chúng đi. Người nhận chỉ cần mở chữ và lấy nghĩa ra mà dùng. Khốn nạn thay, chữ không phải là cái hộp và nghĩa chẳng hề là món quà. Ta chuyển vào đó một nghĩa, nhưng người nhận lại lôi ra một nghĩa khác. Không những khác mà đôi khi còn ngược hẳn.

Đầu ta lúc nhúc chữ. Ăn cũng thấy chữ, ngủ cũng nằm mơ với chữ, đi chơi cũng chữ, làm tình cũng chữ. Chữ bao vây tứ phía. Ta mê chữ còn hơn mê con người. Đời ta đầy những scandal, mà xét cho cùng, scandal nào cũng từ chữ mà ra. Ta là kẻ giải phẫu chữ, rốt cuộc, ta chỉ giải phẫu một bóng ma. Chân cũng là chữ. Thiện cũng là chữ. Mỹ cũng là chữ. Cục đất cũng là chữ. Khối vàng cũng là chữ. Tất cả chỉ là những đống chữ, cái này chồng lên cái kia, ngổn ngang, loạn xạ.

Những nhà hiền triết và những giáo chủ thường được phong tặng là những kẻ đi tìm…chân lý, nghĩa là đi tìm giải pháp cho cuộc nhân sinh. Thực ra, họ chẳng hề đi, cũng chẳng hề tìm. Họ chỉ là những người nói chữ, viết chữ. Khổ thay, người đời sau đọc chữ lại cứ tưởng chân lý nằm trong chữ, cứ thế mà săm soi, đào xới mãi không thôi.

Chàng nghe người đàn ông nói mà như đi trong sương mù. Chàng nói, giọng thán phục:

- Ông đâu có mất chữ nào. Ông còn nhiều chữ quá!

- Thế sao! Người đàn ông cười lớn. Ta còn nhiều chữ quá sao! Trong lúc cả nhân loại mất hết chữ thì ta vẫn còn. Chao ôi, không viết ra được mà chữ thì dính bám trong đầu.

Người đàn ông vỗ vỗ một cách bực mình vào đầu mình. Nhìn đầu ông, chàng bỗng có cảm giác như đó là một cái bình chứa chữ, nhỏ nhưng vô hạn. Ông đã bỏ vào đó bao nhiêu chữ, bao nhiêu nghĩa rồi? Chúng vẫn còn đó hay thoát đi đâu?

Chàng thắc mắc:

- Vậy thì chữ đi đâu hết?

- Làm sao ta biết được. Chúng không hiện hữu, thế thôi. Hãy tưởng tượng đến một bộ lạc sống trong rừng sâu Nam Mỹ, không hề tiếp xúc được với thế giới bên ngoài. Với họ, chỉ có đời sống. Bây giờ cả cả nhân loại mù chữ rồi, mù chữ rồi, mù chữ rồi.

Người đàn ông đứng dậy, vươn vai, cười lớn. Tiếng cười rung động cả căn phòng, vang vọng khắp hành lang. Chàng rùng mình, bỗng dưng nghĩ đến Tạ Tốn, một nhân vật kỳ dị trong truyện của Kim Dung. Với chữ, Kim Dung đã dựng nên một hình tượng độc đáo, ám ảnh chàng mãi không thôi.

Chàng lẩm bẩm: Mà nghĩ cho cùng, nhân vật nào chả được làm bằng chữ!

Tiếg Việt cũg hay dùg chữ “gì”. Cái gì? Món gì? Phố gì? Chúa ui, chán wá đi mất! Hai chữ “g” và “i” đứg cạnh nhau nhìn rất “béo”! Trái lại, chữ “j” đứg ở mụt mìn nhìn rất “gầy”, rất “người mẫu”!

Các bạn gái ơi, hãy thay 2 chữ “ye” xấu xí bằg mỗi chữ “i” xin xắn đi! Viết “em iu anh” thì đỡ rủi ro hơn nhiều (hoặc cứ viết “iu an wá trời lun!” cho máu).

Way lại với chuyện nguyên âm, mìn hôg hiểu tại sao mụt số người vẫn cứ cho rằg chữ “ă” đẹp hơn chữ “e”!?? Kệ nhữg người đó chứ, họ kiêu lém, cổ hủ lém!

Nhưg hôg fải chữ “ê” lúc nào cũg đẹp. Câu “em không biết” chả có j hay cả. Trái lại, câu “em hôg bít j đâu” nghe dễ thươg lém! Các bạn hỉu hôg? Mìn fải cố gắg để nói nhẹ chứ, đặc bịt là với fái íu. Nói cứg wá với mụt cô mìn thík thì – chít!

(…) kÁc bẠn cÓ bÍt FíM sHiFt hÔg? MiN sẼ dZùNg kÁi Fím Áy đỂ tRaG tRí vĂn KủA MìN mỤt ChÚt. FảI LuN LuN Cố gẮg Để cHữ kỦa MìN đẸp HơN ChỮ KủA nG` kHáC cHứ! gỌi Là Sĩ dZiỆn ĐiẸn tỬ đẤy!! Hihi!!!![14]


Cười xong, nhà ngữ học hồn nhiên ngủ.

Như một đạo sĩ. Nhưng đạo sĩ là gì, chàng quên mất. Thôi, thì là gì cũng được. Chàng thầm chúc ông yên giấc.

Ra khỏi phòng, chàng chậm rãi bước dọc theo hành lang, đi ngang qua một thế giới đồ vật được sắp xếp gọn gàng trên giá. Gáy, bìa, tờ, màu xám, màu trắng, màu xanh, màu bùn đất, màu đỏ… Chàng lơ đãng nhìn chúng như nhìn những kỷ niệm thời thơ ấu xa xăm.

Chàng bước ra ngoài, như vừa trở về. Thơ thới, hân hoan.

Chàng nhìn trời, nhìn mây, nhìn cây, nhìn cỏ. Chàng thấy trời, thấy mây, thấy cây, thấy cỏ. Chàng nghe gió, nghe tiếng lá chạm nhau lào xào, nghe tiếng chim kêu đâu đó. Chàng nghe cả tiếng hoa rụng, cả tiếng con kiến bò dưới cỏ ướt. Lặng lẽ vô cùng. Sờ vào một cụm hoa, chàng cảm thấy dịu dàng.

Chàng ngơ ngác và trẻ thơ.

Quá đỗi ngơ ngác.

Quá đỗi trẻ thơ.


Trần Doãn Nho

(6/2011)


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Một bức tranh do Giuseppe Arcimboldo (1527-1593) vẽ năm 1556

[2] Khuất Đẩu, Để tang cho sách, trang mạng “Văn chương Việt”

http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=14329&LOAIID=2&LOAIREF=1&TGID=1717

[3] một ngụy tác (apocryphal) của một người làm thư viện ở Boston vào đầu thế kỷ 20.

[4] Nhiều chi tiết trong sinh hoạt thư viện, người viết lấy từ “Library: An unquiet history”, London: Vintage (2003) của Matthew Battles

[5] Nguyễn Tuân, Chữ người tử tù, trong “Vang bóng một thời”

[6] Tam Quốc diễn nghĩa, hồi 22

[7] Đông Châu liệt quốc, hồi 65

[8] Sử ký Tư Mã Thiên (Bản dịch Phan Ngọc)

[9] Mòn gót chân sương nắng tháng năm, thơ Tô Thùy Yên

[10] George Orwell, 1984, Part I, Chapter 5

[11]iw wnm msh nsw, chữ tượng hình cổ Ai Cập được dịch nghĩa là: The crocodile eats the king (Con cá sấu ăn thịt ông vua).

http://www.omniglot.com/writing/egyptian.htm

[12] Tranh của René Magritte (1898-1967), tựa đề: “La trahison des images” (Sự bội phản của hình ảnh)

[13] Câu “Ceci n’est pas une pipe” (This is not a pipe) ghi trong bức tranh là một câu đa nghĩa. Anthony Wilden đưa ra 6 cách diễn giải:

This (pipe) is not a pipe;

This (image of a pipe) is not a pipe;

This (painting) is not a pipe;

This (sentence) is not a pipe;

(This) this is not a pipe;

(This) is not a pipe

Anthony Wilden, The Rules Are No Game: The Strategy of Communication, Routledge and Reality, London, 1987

[14] http://dantri.com.vn/c135/s135-173826/tieng-viet-thoi-.htm

Joseph Ruelle (Joe)

Trần Doãn Nho

4/7/11

Nguyễn Thị Hoàng -Bóng lá hồn hoa (3)

Tan theo sương mù

Gần hai mươi năm nay, cùng với người vợ dấu yêu luôn luôn bên cạnh, ông Mishio du lịch đã nhiều nơi, dự bao nhiêu hội nghị, có mặt trong những buổi tiếp tân tiếng tăm và lộng lẫy nhất, những bữa tiệc sang trọng và danh dự nhất, đã tiếp xúc với bao nhiêu khuôn mặt, tên tuổi lẫy lừng, danh vọng bậc nhất, xứ này và xứ khác, nhưng chưa bao giờ ông nhìn thấy một bóng dáng đàn bà nào như thế. Chưa bao giờ. Chỉ có những vóc dáng Tây phương rỡ ràng và quyến rũ, những đường nét đa tình thanh lịch của Đông phương như Trung Hoa hay Đại Hàn, hoặc cả những tài tử điện ảnh là những nhan sắc nổi bật nhất trong giới nữ lưu cao cách, nhưng chưa bao giờ ông tìm thấy đúng những đường nét uyển chuyển, mộng mị và tuyệt vời cho một cảm hứng bức tranh chưa bao giờ vẽ…

Người đàn bà ngồi đó, một tay nâng tách trà, một tay tì nhẹ lên thành trường kỷ cần xà cử, hai chân khép nép xếp vào nhau, tà áo đen dài ẻo lả buông xuống tận mũi hài thêu hoàng hạc lượn, mái tóc đen hơn nhung vén cao từng lọn nhỏ và thanh trên đỉnh đầu tròn nhỏ nhắn, để hé một nét cổ trắng ngần chảy xuống khung ngực áo rộng hình vuông lấp lánh một cành huyết ngọc bên phía trái.

Trong khung mắt vương buồn, người đối diện vẫn tìm thấy một lấp lánh ánh sắc tươi vui, hân hoan, như một thứ ánh đèn lồng hò hẹn trong vườn cây làm tăm tối sao mờ, dấu hiệu của một giờ tình tự ngọt ngào đằm thắm… Nét mày cong thỉnh thoảng cau lại, như hỏi han ân cần, như hờn giận nũng nịu, như vòi vĩnh van lơn làm nõn nàng đôi gò má cao phơn phớt một thoảng hồng man mác toả xuống đôi môi san hô non mấp máy giấu che hai hàng răng màu lựu non hé hé từng lời nói tiếng cười. Giọng nàng nhỏ, thanh, nhưng nghe rõ, như tiếng vang xa được lọc qua những tầng thanh khí trong vắt vắng im, nghe xa vời như từ cõi nào vọng vang, mà gần gũi như thủ thỉ gần kề bên gối.

Một chút vâng, một chút thưa, nàng dịu nhẹ, khoan thai, trân trọng trong câu chuyện, từng lời từng chữ nhỏ nhẻ, vừa ân cần từ tốn, vừa kiểu cách đoan trang, làm người nghe cảm tưởng mình luôn luôn được trọng vọng, kính nhường yêu dấu vô chừng…

"Thưa ông, ông bà còn ở lại đây chừng bao lâu mới trở về Nhật". Nàng hỏi, với một thoáng nghiêng đầu dịu dàng và ánh mắt nghiêng hẳn về người đối diện chờ câu trả lời.

Ông Mishio bâng khuâng nghe chính tiếng nói mình lạ hẳn đi:

"Chúng tôi có lẽ phải về ngay sau buổi tiếp tân chiều nay".

"Cuộc vui còn dài, ông bà vắng mặt, chúng tôi, những người ở lại sẽ mến tiếc vô cùng".

Nàng nói và đối xử với những cử chỉ, cung cách và lời lẽ đặc biệt Đông phương như thế.

"Chúng tôi cũng tiếc, có phải không, mình nhỉ" - ông quay sang phía bà vợ mặc áo kimono tím với những tấm hoa in màu trắng xám, ngồi ghế bên cạnh, nhưng mà không thể làm sao hơn - "vì chúng tôi có việc cần chờ ở nhà".

Bà vợ ngồi bên cạnh, im lặng, thỉnh thoảng một nụ cười dịu dàng, hiểu biết nở trên đôi môi hình trái tim nhỏ xíu màu hồng non. Theo ông, bà không biết một ngoại ngữ nào cả, và ngay đến tiếng Nhật, nhiều khi những người khác nói bà cũng không nghe hiểu nữa. Người đàn bà nói:

"Như vậy" - là vì bà chỉ biết có ông và muốn nghe mình ông thôi. Ông là vũ trụ của bà.

Người đàn ông chợp mắt, những vệt tóc trắng mềm mại rủ xuống vầng trán cao.

Ông tiếp tục giới thiệu vợ mình với người đàn bà vừa được gặp:

"Nhà tôi ít nói, gần như là không nói chuyện, nhưng hiểu biết tất cả mọi vấn đề, còn thông thái và sâu xa hơn cả sự hiểu biết của tôi. Nhất là về hội hoạ, chính khi tôi đang hoạ tranh, đang phân vân về màu sắc nào cho thích hợp với đường nét của bức tranh, nhà tôi đã chọn hộ màu đúng như tưởng tượng. Việc gì cũng thế, nhà tôi như lột hết những ý nghĩ thầm kín của tôi và làm giúp trước khi tôi thực hiện được.

Người đàn bà ngắm nghía và Mishio với một vẻ thán phục và cảm mến chân thành:

"Bà thật đáng quý, hai ông bà như vậy, đã tạo ra một thế giới riêng tư, không cần gì đời sống chung quanh nữa rồi".

"Vâng, chúng tôi có thế giới riêng tư, và vì vậy, luôn luôn phải chống đối với bất cứ xâm nhập nào của người ngoài, đôi khi…"

Bà vợ vỗ nhẹ bàn tay mũm mĩm lên cánh tay chồng nói một câu dài tiếng Nhật.

Ông ta quay lại phía người đàn bà áo đen, tiếp tục câu chuyện, nhưng vấn đề khác.

"Thưa bà, còn bà ở lại đây bao lâu?"

Mặc dù cuộc vui vẫn còn tiếp tục, nhưng nếu ông bà ra về, có lẽ tôi cũng phải từ bỏ hết đi theo, bởi vì, xin thú thật trong đám quan khách kia, tôi không tìm thấy một ai có thể ý hợp tâm đầu để trò chuyện, dù chỉ là những chuyện vu vơ. Như thế, là tôi cũng sẽ sang Nhật khi ông bà đi rồi…

Người đàn bà ra ý hiểu điều người lạ nói, liếc nhanh dò xét nét mặt chồng. Nhưng trong khuôn mặt khả kính của người đàn ông yêu dấu, bà không tìm thấy một thoáng xúc động nào cả, nên lại cúi mặt xuống, ngắm những móng tay màu hồng nhạt của mình, khẽ mỉm cười âm thầm.

Bên kia, người ta đang tán tụng, chúc mừng nhau theo nghi lễ. Hình như Tổng thống và phu nhân đang lần lượt bắt tay quan khách để ra về. Những người hầu cận rào rào chạy lên xuống những bậc thang lầu trải thảm nhung đỏ. Tiếng áo xiêm sột soạt cạnh những hàng ghế bọc gấm. Rồi tiếng chân như xa dần dưới kia lầu.

Người đàn ông ngồi lại bên cạnh vợ, chỉ tiếp những bạn bè bằng hai con mắt đằm thắm nhìn theo, nói với người đàn bà bằng thứ giọng nhỏ và trầm của ông.

"Hình như họ ra về hết. Bà đã về chưa?"

"Bao giờ ông bà đứng lên, tôi sẽ xin theo".

"Không, chúng tôi theo bà".

Nàng nói:

"Chúng ta ra ngoài kia xem cảnh yên ba của buổi chiều".

Nàng nói, và lùi lại, nhường cho người đàn ông đi trước, rồi dịu dàng, niềm nở, với một chút tôn quý nàng nâng cánh tay bà Mishio, dìu bà ta theo mình, sau lưng người đàn ông.

Bà vợ cười, im lặng, cánh tay nhẹ hẫng tay nàng, và bước đi nữa, cũng như lãng đãng vật vờ trong sương sao.

Người đàn bà ra tựa lan can, nhìn xuống mặt hồ khói mây mịt mờ dạo chơi lãng đãng trên những bờ cây sẫm sắc chiều hôm. Tiếng ông Mishio ung dung đều đều bên cạnh.

"Không bao giờ có nét bút hoạ nổi những cảnh nét quá tuyệt vời trong thiên nhiên và đời thật, đáng tiếc".

"Thế sao những bức tranh vẫn đẹp hơn những cảnh ngoài, thưa ông?"

"Chỉ khi người vẽ tìm thấy đúng một ảo giác nào đó. Với tôi, hoạ tranh do xúc động hơn là ảo giác, nhưng chính sự xúc động thái quá làm xô lệch hết màu sắc và đường nét. Ví dụ như…"

Giọng ông chìm rồi tắt.

Người đàn bà tưởng chừng như họ, cả hai vợ chồng, đã tan biến vào thinh không.

Nàng quay lại ông Mishio đang ngẩn ngơ nhìn phía sau mình. Người vợ đã đi đâu mất. Ông ta có vẻ buồn bã, băn khoăn.

"Nhà tôi đi xuống dưới ấy rồi".

"Dưới ấy là ở đâu ông?"

"Dưới ấy mà…"

Ông Mishio nói lửng lơ, rồi thở dài kín đáo và tì tay vào lan can, hai mắt đắm chìm vào bóng chiều tịch mịch vây phủ quanh lầu. Trong mắt ông bây giờ, những người khách cuối cùng qua lại đó, cũng ẩn hiện, lãng đãng như khuất chìm trong sương, những tiếng động cũng nhỏ và xa như tiếng ông trên môi mấp máy. Mọi sự đều mơ hồ xa tắp trong cảm nhận mịt mùng lênh láng của ông bây giờ. Người đàn bà trong mắt ông bỗng nhỏ lại, mất hết bề dài, chiều dày, chỉ còn lại một nét thuôn mơ mòng trong hai mắt ông hình dung bức tranh sẽ vẽ. Nhất định sẽ vẽ bức tranh chờ đợi. Nhập nhoà trên bức tranh phác hoạ với tưởng tượng và ký ức, ông thấy như có khoé mắt nhìn trách móc của bà Mishio. Ông nói thầm trong im:

"Không phải như mình đang nghĩ và làm đâu mình yêu quý ạ, nhưng tôi chỉ muốn thực hiện bức tranh mong ước thôi. Cả một đời người, chỉ vẽ được một bức tranh như thế thôi, mình nỡ buồn lòng và hẹp lượng sao? Cho tôi vẽ, nghe mình, nghệ thuật là nghệ thuật, mình phải hiểu, như mình đã gần và đã hiểu tôi, hai mươi năm xưa, và hai mươi năm từ ấy đến bây giờ…"

Mặc dù băn khoăn về việc bỏ đi đột ngột của bà vợ, ông Mishio vẫn trao cho người đàn bà lạ tấm thiếp, căn dặn đường đi và nơi chốn rõ ràng, mời nàng đi sang Nhật bớt chút thời giờ ngắn ngủi ghé thăm ông bà ở Kyoto, một ngôi nhà u tịch gần ngôi chùa cổ.

Khi người đàn bà tìm được nhà ông Mishio, trời chợt mưa lất phất. Cơn mưa nhẹ và mờ như bụi phủ trên vườn cây xanh tĩnh mịch quanh ngôi nhà cũ hoang vắng với mái nâu cũ kỹ loáng thoáng bóng rêu phong, với những đọt cây lô nhô từ sau hiện như bầy rắn nhỏ đang tìm đường chạy trốn khỏi những khối cây cối rậm rạp lạnh lẽo bốn bề. Trời nhuộm một màu sáng bạc như bạn hữu một cơn bão lớn về đêm, bay vừa qua một trận biến động đất trời, bây giờ, những người chết vì trận thiên tai như còn lảng vảng oan hồn đâu đó.

Nàng gọi, không thấy một bóng người nào lai vãng trong khoảng sân lát gạch loáng thoáng bóng những cây tùng lùn thấp già cỗi trồng trong những chậu sứ khổng lồ màu sắc vừa rực rỡ vừa kỳ dị được lấy trộm từ một cung điện nào từ ngàn năm. Lối đi là những mặt gỗ cắt ngang của một thân cây lớn, khảm thành hàng không đều nhau trên mặt đất màu nâu đen cẩn những đường viền sỏi trắng và tím. Đây đó lởm chởm những cụm cỏ già màu lục sẫm, thỉnh thoảng một bông hoa tím dại ngơ ngẩn mọc lên như một dấu hỏi lặng câm giữa màu xanh u tịch của vườn cây. Thoang thoảng mùi thơm của một loài lan quý nào nở kín bên hiên vắng.

Cánh cửa bằng giấy phía phòng khách mở hé cho thấy một tấm thảm màu đỏ gạch, thêu những vòng hoa xanh và tím sặc sỡ. Mấy đôi dép Nhật Bản xếp ngay ngắn ở lối ra vào. Tiếng một con chim bay qua mái hiên, cất tiếng hót ngại ngần trong thinh không hiu hắt. Người đàn bà đi chậm từng bước nhỏ, cái dù nghiêng trên vai, qua khoảng sân vắng, vào trong hiên, đứng đợi một người nào ra chào đón. Nhưng không có ai cả, nhưng những dấu vết quanh nhà chứng tỏ vẫn có người ra vào, qua lại luôn luôn. Sự hiện diện thường trực và bí mật của một bóng người làm cho không khí chừng như lạnh lẽo và trang nghiêm hẳn đi trong một cảm nhận bàng hoàng và sợ hãi về một cõi nào ở ngoài đời sống thật.

Tiếng mưa từng sợi chảy từ những tầng lá cao xuống cây hoa thấp là đà sát mặt đất, âm vang buồn bã xa lạ và lạnh lẽo, làm nàng chợt cảm thấy mình đang lạc lối trong một cõi nào cách trở và huyền hoặc, không bao giờ còn tìm đường trở về được những lối đời quen thuộc trước kia, nếu không có một dẫn dắt vô hình và thân thuộc nào đó.

Chiếc xe thả nàng xuống cổng nhà đã mất hút bóng từ lâu ngoài con đường vắng vẻ lạnh lẽo. Bỗng nhiên nàng lạnh người nghĩ nếu mình đang tới lầm nhà một người nào khác hoặc đã đến nơi nhưng ông bà Mishio đã đi vắng, còn lâu lắm mới trở về.

Người đàn bà nhìn vào trong, trên chiếc chiếu hoa mà ngà và tím, cái bàn vuông sạch sẽ đặt một bình hoa cúc tím nhạt. Mấy cái hoa còn rung rinh ướp kín những giọt mưa sương lóng lánh. Một đĩa bánh ngọt và hộp thuộc bằng đồi mồi bên cạnh những chiếc khăn lau bằng giấy cắt hình hoa cúc thật khéo. Như chủ nhà dọn sẵn và chờ đợi một người khách có hẹn từ trước. Nàng nghĩ:

"Hai ông bà ấy chắc chắn là có nhà vì sắp đón một người khách nào đó".

Nàng quả quyết và lấy hết can đảm, tháo giày, thong thả dè dặt từng bước một, bước hẳn vào trong nhà, mở ví, lấy hộp bánh và những gói trà ngon, làm quà tặng chủ nhà đặt lên bàn.

Có tiếng guốc gỗ lóc cóc thật nhẹ phía hành lang bên trái. Rồi tiếng cửa giấy động khẽ. Nàng chờ một tiếng nói, một bóng người, nhưng không có ai cả.

Chờ một lúc, một lúc lâu như hàng ngày ở đời sống quen thuộc ở quê nhà, nàng đành lên tiếng:

"Chào ông bà Mishio, có tôi đến thăm…"

Một tiếng cười nhẹ, như gió cầm thoảng qua. Rồi tiếng dép sột soạt trên tấm chiếu hoa. Người đàn bà ngẩng lên nhìn. Bà Mishio tươi thắm với chiếc kimono màu hoa đào với những cành lá trắng, mái tóc láng lẫy như hôm đầu tiên gặp nhau, cài thêm một búp hoa hồng ngọc. Đôi môi không thoa son hồng tươi hé một nụ cười dịu dàng làm lắng dịu những băn khoăn trong lòng người đối diện, bà Mishio bỗng nói, không bằng tiếng Anh, không phải là tiếng Nhật, nhưng người đàn bà vẫn nghe và hiểu, như thường nghe và hiểu được ngôn ngữ của những người chuyện
trò trong chiêm bao:
"Mời bà ngồi, tôi biết thế nào bà cũng sẽ đến, chắc chắn là bà sẽ đến, cho nên mấy hôm nay vẫn có mong chờ. Tiếc thay, ông nhà tôi lại đi vắng hôm nay. Có lẽ ông ấy cũng sắp về, thôi tôi xin phép được đón tiếp bà vậy và ước mong bà sẽ hài lòng những giờ dừng lại trong gia đình chúng tôi".

Người đàn bà nhìn quanh, tỏ vẻ thán phục cách trang hoàng của chủ nhân. Bà Mishio tươi cười:

"Bà sắp khen, phải không, nhưng lối trang hoàng này đã cũ quá, như thế này đã gần hai mươi năm, không thay đổi".

Người đàn bà lạ kinh ngạc:

"Tại sao gần hai mươi năm, bà có thể giữ nguyên mọi vật trong nhà không thay đổi?"

"Có gì khó đâu, thưa bà, chỉ do người ta muốn giữ gìn hay thay đổi đó thôi. Giữ gìn thì hai mươi năm hay hai trăm năm còn nguyên vẹn đó. Nhưng nếu muốn thay đổi thì chỉ cần một ngày, một giờ, một chớp mắt ta thôi".

"Thưa bà nói về cái gì?"

"Tất cả mọi thứ đều như thế cả, phải không bà, những vật bên ngoài cũng như những ẩn tình trong lòng người".

Người đàn bà lại nhìn quanh, không thấy dấu vết một đồ chơi, quần áo gì của trẻ con hay một kẻ thứ ba nào ngoài hai ông bà chủ nhân.

"Thưa bà Mishio, các em hẳn đi học ở xa?"

Bà Mishio ngồi xếp chân trên chiếc gối thêu, vén tay áo kimono rón rén pha trà trong bình ra tách ngọc.

"Mời bà dùng trà, trà ướp hoa cúc của tôi tự làm cho nhà tôi dùng đó, nhà tôi chỉ uống được trà do tôi làm thôi cho nên, những lúc đi đâu, nhà tôi chỉ nâng tách trà mà không uống, bà có thấy không?"

"À, bà lại nhắc, bà nhớ từng chi tiết ấy sao?"

"Thường thì tôi không nhớ gì những lần đi theo nhà tôi, vì không có gì quan trọng đáng nhớ cả, nhưng mà từ hôm đó đến nay thì tôi cố nhớ lại từng chi tiết từ đầu và tôi nhận ra…"

"Cái gì vậy thưa bà?"

Bà Mishio nhìn ra ngoài vườn hoa lặng lẽ, bỗng thở dài, với một giọng nói nửa u buồn, nửa hoảng hốt.

Có lẽ sẽ có một cơn bão nhỏ đâu đây, và nhà tôi về nửa đường sẽ gặp cơn bão nhỏ.

Người đàn bà lạ cũng nhìn trời u ám bên trên những mái cong rêu phủ.

"Bà có cần đi đón và mang dù hay áo ra cho ông hay không?"

"Nhà tôi có mang dù theo, không sao. Nhưng với cơn bão thì trăm ngàn cái dù cũng vô ích thôi".

Giọng của bà Mishio có vẻ trách móc, tiếc than lạ lùng làm cho bà khách bối rối và ái ngại.

"Xin lỗi bà, có lẽ tôi xin về thì hơn, hôm khác trời tốt, nếu còn nấn ná ở lại Nhật, tôi sẽ lại thăm ông bà".

Tiếng cười bà Mishio có vẻ giễu cợt và chua chát:

"Xin bà nán lại cho qua buổi trưa nhà tôi sẽ về, dù là về trong cơn bão nhỏ, nếu biết có bà lại trong lúc đi vắng, nhà tôi hẳn buồn tiếc vô cùng và sẽ trách tôi vô ý không giữ chân bà lại".

"Bà thật khéo nói, vậy tôi xin ở lại chờ ông về để thăm ông. Biết đâu không có dịp trở lại và gặp nhau lần khác nữa".

"Thật rủi ro, bà đến thăm vào hôm trời không đẹp nên không thể đưa đi ngoạn cảnh được cũng không xem hoa trong vườn".

Người đàn bà lại nhìn quanh và băn khoăn vì câu hỏi về con cái của mình chưa được trả lời. Hình như bà Mishio không muốn nói đến con cái.

"Chắc là các em cũng sắp về".

Bà Mishio lạnh hẳn mặt đi.

"Chúng tôi không có con".

"Dạ…"

Người đàn bà nghĩ thầm, chắc là hai ông bà Mishio có một bí mật nào đó về mối tình của họ. Họ chênh lệch tuổi tác, trông rõ hẳn. Ông gần gấp đôi tuổi bà và vì thế, hẳn ông đã có một đời vợ trước, có nhiều con đã lớn lên, và đến khi lấy bà vợ trẻ sau này thì… vì một nguyên do nào đó, không muốn có con nữa. Vì thế cho nên nhắc đến con cái, bà đã buồn bã không muốn trả lời.

Nhưng như đoán biết những ý nghĩ thầm kín trong trí khách, bà Mishio nói:

"Tôi chỉ mang thai có một lần, vào lúc gần ba mươi tuổi, nhưng bị tiểu sản và tôi cũng… rồi thì gần hai mươi năm nay…"

Khách kinh ngạc:

"Nếu vậy, bây giờ bà đã… bốn mươi sao, xin lỗi tôi phải hỏi như thế, bởi vì trông bà chỉ chừng hơn hai mươi tuổi".

"Phải, tôi chỉ hơn hai mươi tuổi. Nhưng mà đã gần năm mươi… bà thấy là lạ lắm, phải không, đời tôi như vậy… đã hai mươi lăm năm nay… hình như trời hẩng nắng ngoài kia, nắng giữa hai cơn mưa, mời bà nhấp tách trà rồi ra xem cảnh".

Khách đi theo người chủ ra ngoài. Những tia nắng long trên hàng mưa còn đậu trong vắt trên những đợt tùng láng lẫy. Những bông hoa đủ màu đủ vẻ lộng lẫy rung động trong cơn gió mát lạnh.

Càng đi về phía trái ngôi nhà, vườn hoa càng rộng và hoa càng trồng nhiều cho đến khi tiếp giáp với hồ sen rộng mênh mông. Những bông sen Nhật Bản trắng nõn nàng, cánh xếp chồng chất như từng mảnh lụa cắt khéo, với những tấm lá lớn đựng đầy nước mưa lóng lánh trên hồ như thủy ngân. Những đám bèo Nhật Bản li ti từng tai nấm tí hon xếp từng vầng trôi giạt quanh quẩn giữa vùng nước xanh rêu in bóng những đợt cây già nghiêng mình soi năm tháng. Tiếng một con cóc kêu nhỏ trong một bụi cây nào ẩm ướt cuối vườn.

Bàn tay lạnh ngắt và trơn láng như bụng một con thằn lằn của bà Mishio bỗng nắm lấy bàn tay bà khách. Giọng bà Mishio như chỉ còn là hơi gió thoảng trong lá cây.

"Những bông hoa này, hồ thả sen này, tôi chăm nom đã hơn hai mươi năm nay…"

"Hai mươi năm, không thay đổi".

"Bây giờ thì thay đổi".

"Sao bà cho là thay đổi?"

"Nhà tôi thay đổi, thì mọi thứ cũng phải thay đổi theo chứ, bà xem rồi cả tôi nữa, tôi là thứ bị thay đổi trước nhất, bà sẽ thấy như thế".

"Thưa bà, ông thay đổi, làm sao bà biết như thế?"

Bà khách quay nhìn lại. Mặt bà Mishio trắng như phiến giấy với hai con mắt bỗng hừng lên một màu hồng vàng kỳ lạ như mắt cá thia đỏ. Trong con mắt chợt đổi màu long lanh ấy, con ngươi như sáng lên với một tia lửa hắt hiu ảm đạm, như ngọn đèn nhỏ được treo từ một đáy sâu nào xa hút âm u.

"Từ lúc ấy, nghĩa là gần hai mươi năm nay, nhà tôi chỉ trau chuốt những bức tranh dở dang, nhưng không bao giờ vẽ một bức tranh mới nào. Nhà tôi bảo là những cảm xúc đã chết hết, đã chết theo…"

"Chết theo…"

"Phải, chết theo… như bây giờ nhà tôi muốn vẽ tranh lại, nhà tôi đang đến hoạ một cảnh gần chùa, cách đây không xa lắm. Nhà tôi vẽ, là mọi sự thay đổi cả".

"Như thế… bà nên mừng đón sự thay đổi của ông chứ".

Sắc mặt bà Mishio trở lại tươi thắm và bình thường như cũ.

"Vâng, thưa bà, đó là điều đáng mừng, bao nhiêu năm nay, tôi chờ đợi sự thay đổi đó, khuyên nhủ nhà tôi cần phải thay đổi đi như thế kia mà, nhà tôi đã khăng khăng giữ lấy đời sống cũ, những bức tranh cũ, những xúc động cũ. Nhưng bây giờ thì nhà tôi đã tìm thấy điều tôi mong muốn, dù rằng như vậy thì tôi sẽ… Thôi thưa bà, xin bà đừng nói đến những điều đó nữa… Kìa, hình như nhà tôi đã về. Đúng là nhà tôi về. Lạy trời, cơn bão đã không tới. Không chừng là sẽ tới, nhưng muộn hơn, khi nhà tôi đã ở trong nhà, và bà nữa, bà cũng đã đến nơi…"

Người đàn bà nhìn ra ngoài cổng. Qua những tàn thông tùng xanh ngắt cách khoảng nhau thành những ô hình thoi và hình chữ nhật trong mắt nhìn bỡ ngỡ, người đàn ông tay xách hộp thuốc vẽ, và giá, tay cầm dù thong thả đi vào. Nhận ra dấu vết của khách tới thăm, ông ta dừng bước, nhìn vườn hoa, cất tiếng chào hỏi. Nét mặt ửng lên một thoáng hồng tươi đầm ấm và giọng nói hơi run, tỏ ra ông vừa mừng rỡ vừa xúc động lạ thường.

"Đúng là bà, không ngờ bà lại giữ lời hứa đến thăm chúng tôi từ xa xôi. Mời bà vào trong nhà… nhà tôi hẳn đã pha trà cúc hoa rồi chứ. Này mình ơi, chọn cho bà đây một cái kimono đi mình, bà sẽ ở lại với chúng ta…"

Người đàn bà nhìn lại, định cầm tay bà Mishio tỏ dấu hoan hỉ và cám ơn sự đón tiếp nồng hậu của hai ông bà, nhưng một thoáng nhìn quanh quất, nàng không thấy bà chủ nhà đâu nữa. Chỉ còn tiếng gió quạt nhẹ nhàng trên những tàn lá cây xanh loáng loáng những giọt nước mưa đong đưa óng ánh nắng vàng yếu ớt như một nụ cười gượng gạo cuối cùng. Chỉ còn, vẫn tiếng một con cóc, buồn bã kêu lên trong cụm hoa nào cuối vườn, và tiếng một cành hoa nào rụng xuống mặt hồ sen, âm vang mơ hồ, xa xôi, như tiếng một giọt nước mắt âm thầm rơi từ khuôn mặt mùa thu ảo não.

Bà Mishio nói, đã lâu không được đón tiếp một người khách nào nên bây giờ cơn vui làm no lòng và bà không thấy thích ăn cơm bằng được ngồi tiếp khách bên cạnh, mặc dù từ chối bữa cơm khi có khách như vậy là một việc khiếm nhã. Bà thành khẩn xin lỗi và luôn tay tiếp thức ăn cho chồng và bà khách quý. Bữa cơm thanh đạm, nhưng ngon lành, gồm một chén canh cải nấu với cá, một đĩa tôm lột vỏ chiên bột ăn kèm với khoai chiên, một đĩa nhỏ dưa gang ướp mật rượu và đường màu mã não, những khoanh trứng gà luộc trên một đĩa xà lách thật tươi ghim từng trái táo đen, hạnh nhân và hạnh đào mào đỏ. Tất cả được trình bày khéo léo trong bát đĩa bằng một thứ gỗ đen và nhẹ, cẩn hoa và chim bạc, bướm và những cánh tùng già. Những hột cơm trắng, dẻo vít lên đầu mút đũa nhẹ tênh mà đủ thắm. Người đàn bà đã được bà Mishio mời đi tắm nước nóng, thay một chiếc kimono đẹp nhất của chính bà cất giữ từ nhiều năm, màu đỏ và những bông hoa đen trắng lớn, một đôi dép nhẹ cùng màu, mớ tóc vấn cao để lộ chiếc gáy trắng mỏng lưa thưa những dải hoa vải mong manh. Ba người quỳ gối quanh chiếc bàn vuông thấp, mỗi người một mâm cơm riêng trước mặt. Bà Mishio ngồi tiếp thức ăn một lúc rồi lấy cớ đang bận những việc gì đó ở nhà sau, cáo từ và rút lui.

Bà Mishio chỉ trở ra một lần để dọn dẹp bàn ăn thay thế một tấm khăn trải bàn thêu tay khéo, dọn trà bánh và chưng một bình hoa rồi mới biến mất sau nhà bếp.

Ông Mishio xin lỗi khách về sự vắng mặt bắt buộc của vợ và tỏ vẻ hân hoan nếu được khách chiếu cố đến những bức tranh đã vẽ từ hai mươi năm xưa của ông.

Phòng tranh chỉ cách phòng khách một bức tường giấy mỏng. Những cửa nhỏ sát hàng hiên sau được kéo lên. Ánh nắng vàng tươi nhảy múa chao lượn trong những góc phòng quen bóng tối. Gần một trăm bức tranh treo san sát nhau quanh bốn bức tường thấp của gian phòng rộng thênh thang. Một số, không đủ chỗ, đã phải chồng chất lên nhau xếp vào các góc. Màu sắc trong xanh u trầm, mờ nhạt, như những vết khói mờ tan loãng dần trong hư vô.

Trên giá vẽ của kệ trong góc phòng, một bức tranh lớn được phủ một tấm lụa vàng đã bạc màu. Người đàn bà tò mò tiến lại gần giá vẽ. Ông Mishio có vẻ bối rối, nửa muốn ngăn cản, nửa ngại ngần. Cuối cùng ông nói:

"Đó là bức tranh dở dang cuối cùng của tôi. Từ đó đến nay, tôi gác bút luôn, không thêm được nét nào nữa".

"Bà nói, ông vừa vẽ trở lại, và hôm nay ông vừa đi hoạ thắng cảnh nào gần đây".

Ông Mishio cười buồn rầu:

"Tôi tưởng là có thể vẽ lại được, nhưng tay đã cứng mất rồi. Trái tim già cỗi và những ngón tay cứng khô".

Người đàn bà băn khoăn.

"Bức tranh kia chưa xong, sao ông không hoạ tiếp tục. Ông hoạ gì trong đó".

"Vợ tôi, tôi vẽ bà ấy mang thai ba tháng hồi đó, tôi say mê vẽ đến bất kể một thứ gì khác, nhất là bức tranh ấy… đến nỗi… mỗi ngày dù mệt nhọc đến đâu, nhà tôi cũng bắt buộc ngồi làm mẫu cho tôi vẽ chừng ba bốn tiếng đồng hồ sau công việc mệt nhọc. Hồi đó, chúng tôi nghèo cực kia, tranh tôi không bán được, vợ tôi cũng chưa có tiếng tăm gì để làm ra được chút tiền, nhà tôi phải âm thầm tần tảo lo liệu lấy mọi việc để giúp tôi yên ổn thời giờ tâm trí hoạ tranh. Thời ấy, tôi không nghĩ ra mọi điều tai hại của sự say mê của mình, cũng như không hề lưu tâm tới những khổ sở mà nhà tôi vì tôi phải chịu đựng những mệt mỏi, đau đớn quá mức để ngồi cho tôi vẽ, nhà tôi bị hư thai, và phải mổ… rồi thì…"

Người đàn bà bỗng lắng nghe. Hình như một tiếng khóc nức nở mơ hồ từ bên kia bức tường giấy vọng sang. Người đàn ông như không nghe tiếp tục những ý nghĩ đắm chìm.

"Tiếc thay, tôi đã dành lại cặp mắt cho nét vẽ cuối cùng. Cho nên không kịp nữa. Và bức tranh đã dở dang".

Người đàn bà thắc mắc:

"Về sau, bà không ngồi tiếp cho ông vẽ xong đôi mắt?"

"Đôi mắt ư? Trong bức tranh bây giờ là hai vầng tối trống không. Và trong đời sống thì… chỉ còn là cái nhìn xa vắng. Bà không thấy điều đó sao?"

"Đôi mắt bà… tôi thấy, nếu ông tiếp tục bức tranh bà thì đôi mắt bây giờ không chừng đẹp hơn xưa".

"Tôi không thể hình dung lại, tưởng tượng nhà tôi để vẽ lại. Cái gì xoá nhoà, mờ mịt, một khoảng cách vô bờ giữa chúng tôi ngăn chia tầm mắt và biến đổi cái nhìn".

Người đàn bà lạ lùng:

"Sao bà không ngồi đây, và ông vẽ bà?"

"Tôi không thể vẽ cái bóng".

Người đàn bà cảm thấy có nỗi gì bí ẩn, muốn hỏi nhưng người đàn ông đã khép cánh cửa sổ lại, ánh sáng đã lần về trời, căn phòng mờ tối lạnh lẽo và hai người trở ra phòng khách, tiếp tục những chén trà nóng thơm ngát mùi hoa cúc.

Người đàn bà tỏ ý muốn mời bà Mishio lên ngồi nói chuyện, vì nàng không thể ở lại lâu, còn phải trở về Osaka để cùng đi mua sắm với mấy bà bạn.

Ông Mishio thở dài:

"Ở Kyoto này thì không có gì vui cả, nhưng nếu bà ở lại với chúng tôi, ngày mai chúng tôi sẽ đưa bà đi xem ngôi chùa cổ. Còn nhà tôi thì… bây giờ là buổi trưa, buổi trưa nào nhà tôi cũng phải vắng mặt để ra ngoài ấy".

"Dạ, ông bà còn có một ngôi nhà nào khác?"

"Không, chỗ của nhà tôi".

Người đàn bà bỗng nhớ tới bức tranh dở dang trong phòng tranh cũ. Có cái gì làm bà nghĩ tưởng lan man không dứt đến bức tranh kia, và những câu nói nửa vời của ông Mishio. Nàng hỏi không ngăn được lòng trí tò mò.

"Xin ông… cho tôi được xem bức tranh của bà trong ấy, tại sao ông lại phải che tấm lụa như vậy, phòng không có bụi mà? Những bức tranh khác để trần cũng có hư hao gì đâu".

"Nhà tôi muốn che lại như thế, và tôi phải che lại từ ngày ấy. Bà muốn xem thật ư? Chắc là nhà tôi không bằng lòng đâu, nhưng mà… từ xa xôi đến, chẳng lẽ bà chỉ muốn ngắm một bức tranh lại không thể được. Mời bà cứ trở lại phòng tranh và xin tùy tiện".

Người đàn bà đứng lên, trong lúc ông Mishio ngồi lại một mình ở phòng ngoài.

Nắng bỗng tắt khi nàng nâng khung cửa sổ lên chờ chút ánh sáng hắt vào phòng. Căn phòng mờ tối lạnh lẽo phảng phất mùi ẩm mốc, mùi thơm lạnh và nồng của một thứ gỗ trầm xưa cũ.

Người đàn bà rón rén lại gần bức tranh trên giá và giở tấm lụa vàng lên. Nàng lùi lại một bước và cảm thấy một luồng nước lạnh luồn khắp châu thân làm hai chân cơ hồ dán in xuống đất và hai tay run cứng lại treo nửa vời. Nàng nhìn đăm đăm bức tranh kỳ diệu lồ lộ khuôn mặt kiều mị của người đàn bà đã nhìn thấy. Vẫn đôi môi đỏ, cặp má hồng đầy, cái vẻ tươi thắm và thanh tú sống động của khuôn mặt vương vất sợi tóc đen nhánh lung linh. Bức tranh như diễn tả đầy đủ một khuôn mặt sống thật đang linh động trong mắt người nhìn ngắm. Nhưng… không như ông Mishio nói chưa vẽ xong cặp mắt ngày ấy, người đàn bà nhận ra đúng là màu mắt và dáng nét, cái nhìn vừa dịu dàng vừa u uất của người đàn bà, và vẻ dị thường của ánh mắt nàng đã nhìn thấy tình cờ trong vườn hoa buổi sáng. Nàng nhớ rõ là ông Mishio đã nói chưa vẽ cặp mắt, trong tranh, mắt chỉ mới là hai khoảng trống. Không lẽ nhiều năm, và ông đã quên, hay một lúc nào ông đã vẽ tiếp đôi mắt bà, nhưng ông chẳng nhớ. Thắc mắc, và sợ hãi trong một cảm giác rờn rợn kỳ lạ, nàng lùi lại từng bước vội vã, đi nhanh ra phòng khách. Nàng nói cho ông Mishio biết điều vừa trông thấy, và nàng cũng nhờ ông vào che lại bức tranh như cũ mà trong lúc vội vàng nàng đã quên.

Ông Mishio đứng phắt dậy, im lìm như trời trồng một lúc lâu khi nghe nàng nói. Mái tóc trắng rung rung, vầng trán xếp lại từng nét nhăn xót xa, hai tay run run lần về phía trước, ông như chết điếng đi một lúc lâu rồi lẳng lặng bước vào phòng tranh. Người đàn bà rón rén theo sau, đứng ở khung cửa nhìn vào.

Hai tay bưng mắt, người đàn ông đứng lặng trước bức tranh, rồi ông tháo bức tranh ra khỏi giá, áp vào ngực, nước mắt giàn giụa chảy dài xuống má. Người đàn bà nghe tiếng ông hỏi vọng ra…

"Bà để… tấm khăn lụa đâu rồi?"

"Bên cạnh giá vẽ, trên mặt bàn ấy".

Im lặng một lúc, rồi bỗng người đàn ông kêu lên:

"Tôi tìm khắp không thấy tấm khăn lụa vàng đâu cả, xin bà nhớ lại cho, bà có mang khăn ra khỏi phòng không?"

Người đàn bà rợn người:

"Tôi… có cầm khăn ấy đi đâu. Ông tìm lại xem".

"Cái khăn không còn trong phòng nữa. Chắc là nhà tôi đã lấy đi rồi".

Người đàn bà lạc giọng đi:

"Bà… đã về".

"Có lẽ và lại đi rồi, lần này thì… không chừng nhà tôi đi chẳng trở về nữa…"

Không ngừng được, người đàn bà níu lại cánh tay ông Mishio:

"Ông nói cái gì, có chuyện gì vậy? Xin ông nói ra".

Ông Mishio thận trọng đặt bức tranh trở lại chỗ cũ, yên lặng kéo cánh cửa lại và lặng lẽ đi ra khỏi phòng. Ông ngồi xuống chiếu, hai tay chắp trước ngực, mắt khép lại, tâm thần phiêu diêu trong một cõi xa vời mộng mị nào. Rồi trên môi thoang thoảng một nụ cười nhợt nhạt, ông Mishio lẩm bẩm một mình như không có ai trước mặt:

"Mình hiểu lầm tôi, mình đã hiểu lầm tôi rồi, không phải như mình nghĩ đâu".

Ông Mishio nghe như trong xa vắng có tiếng nói rất khẽ đáp lại lời mình thì thào:

"Ông đừng chối, tôi thấy rõ ông hơn cả chính ông nhìn thấy ông mà. Mặc dù chưa đến đâu, chưa xảy ra chuyện gì cả, nhưng mà câu chuyện đã khởi đầu, nếu cứ tiếp tục, một lúc nào đó điều tôi đang nghĩ về mình sẽ đúng".

Ông giang tay trong không khí mong níu kéo một chéo áo kimono mơ màng đâu đó:

"Không, không phải thế, chẳng có chuyện gì xảy ra, dù chỉ là trong ý nghĩ tôi thôi. Tôi chỉ yêu quý mình, suốt đời tôi chỉ biết có mình mình mà thôi".

Ông lắng nghe. Không còn lời nào đáp lại, dù là trong xa vắng. Ông tưởng như lời mình không còn ai nghe nữa và một giây ông cảm nhận tất cả nỗi quạnh hiu của tuổi già, và cô đơn đã kéo dài từ bao nhiêu năm và từ đây nối tiếp, mãi mãi vô tận của đời người, không biết tới bao giờ.

Người đàn bà chậm rãi từng bước nhỏ qua khung cửa vắng. Mù sương buổi sáng giăng mắc một vùng cảnh vật đắm chìm trong giấc ngủ. Ngôi chùa cổ cao rộng mênh mông đen thẳm cắt thành một khối khổng lồ im lìm và bí mật trong vùng mù sương trắng bạc. Những hàng cây bốn phía lù lù đen sẫm như những tượng người quái dị cao lêu nghêu vươn tay lên trời mở lời cầu nguyện nín câm. Các tháp chuông cao lớn đứng lù lù ở một góc u tịch như khối đen chứa đựng những bí mật chết chóc truyền kiếp nào từ bao nhiêu thế kỷ.

Đến trước hiên chùa, nàng dừng lại nhìn quanh tìm kiếm. Ông Mishio đã hẹn gặp ở chỗ này, đúng chín giờ. Bây giờ hình như đã quá chín giờ, và ngoài kia bức tường, lũ học trò đã sắp hàng vào lớp của ngôi trường nhỏ bên kia chùa đã từ lâu. Nắng chưa lên, nhưng một vài bóng người đã len lén vào chùa, thấp thoáng sau những tàn lá thưa, dâng hương lễ bái. Một cái gì u ám, bí mật phủ trùm, ám ảnh quanh trí nàng, như một lớp mù sương. Và hình như đêm qua, sau một buổi chiều dài ngồi chờ không thấy bà Mishio về, trở lại nhà trọ ngủ cho qua đêm trước khi tới chỗ hẹn với ông bà Mishio, nàng đã chiêm bao, thấy một điều gì lạ lùng, liên quan tới bà Mishio và bức tranh. Hình như nàng mơ thấy bà ấy về, nói chuyện về bức tranh, về việc tiểu sản ngày trước của bà, liên hệ tình cảm giữa ông và bà, về sự có mặt của nàng trong đời sống đang yên lặng. Và những gì gì nữa, hình như rất quan trọng, nhưng nàng không thể nhớ, và chính vì vậy nàng băn khoăn, hoang mang không cùng.

Bỗng nàng nghe một tiếng kêu nhỏ, trầm ấm, như một tiếng reo vui, nhưng cũng là một hơi thở dài kín đáo.

"Kìa, bà đã đúng hẹn".

Người đàn bà cũng mừng rỡ:

"Ông mới đến, bà đâu, thưa ông?"

Ông Mishio đan những ngón tay vào nhau, đầu cúi xuống, những vệt tóc trắng bay phơ phất trên vầng trán căng hằn mấy vết nhăn vừa đánh dấu một đêm phiền muộn không ngủ.

"Bà có thể lại kia, chúng ta ngồi lại cho qua câu chuyện, câu chuyện cuối cùng".

Hai người thong thả đi bộ về phía hiên chùa ngồi xuống những bậc thềm lạnh lẽo không nắng chiếu.

Người đàn bà hỏi lại vì sao bà Mishio chưa tới, ông thở dài, tránh không nhìn hai con mắt đằm thắm của người đàn bà.

"Nhà tôi không đến. Và vì thế, lẽ ra tôi cũng không đến, nhưng mà lỡ hẹn với bà, vả lại, đây là lần cuối cùng chúng ta gặp nhau, đúng ra là tôi được gặp bà, vả lại hôm nay là ngày… ngày gì bà có biết không, ngày Giáng sinh… và ngày nhà tôi… không còn nữa, tôi đến đây để cầu cho nhà tôi…"

Người đàn bà sững sờ:

"Ông nói gì, bà đã…"

"Vâng, nhà tôi đã chết".

"Chiều hôm qua?"

"Không, cách đây gần hai mươi năm rồi, ngày đó, ngày tôi vẽ bức tranh".

Người đàn bà ớn lạnh khắp châu thân nhớ đến đôi mắt như màu cá thia vàng kỳ dị đã nhìn thấy trên khuôn mặt trắng nhợt của bà Mishio trong vườn hoa hôm qua.

"Vậy thì bà hôm qua…"

"Vâng, hôm qua nhà tôi, nhưng mà…"

Một bà già thủng thỉnh, yên lặng từng bước trên đôi guốc gỗ cao, chống gậy trúc, một tay cầm thẻ nhang đi gần lại phía chùa, nhìn lên, trông thấy hai người, quay lưng đi lảng ra chỗ khác. Bước chân bà làm bầy bồ câu đang mổ thóc trong sân bay vụt lên, tiếng cánh rào rào như mưa rơi trên sông lụa.

Ông Mishio đột ngột quay lại nhìn đăm đắm trong hai mắt mơ màng của người đàn bà, giọng ông nhỏ xuống như lời thú tội bàng hoàng:

"Nếu tôi cắt nghĩa về những sự việc xảy ra giữa chúng tôi, và để bà hiểu được vì sao nhà tôi đã có mặt, rồi vắng mặt, và bây giờ… không đến, không bao giờ đến nữa, tôi phải thú thật với bà những gì ám ảnh trong lòng tôi bấy lâu nay, từ hồi gặp bà ở hội nghị, từ hôm… trong lòng tôi băn khoăn mỗi một điều, làm thế nào có thể hoạ được bức chân dung của bà dù chỉ là vài ba nét loáng thoáng. Như xưa kia, hồi mới gặp nhau, tôi ao ước làm thế nào hoạ được lên lụa những đường nét diễm kiều thanh cao của nhà tôi. Tôi… tôi phải nói hết ra mọi điều, để khi ra về rồi, phương trời nào đó, bà có thể nghĩ, vì mình một đời sống nào ở xa xôi, đã biến đổi, đã sống lại một người, đã chết đi một người, đã vì mình mà một đời sống kỳ diệu, một phối hợp phi thường giữa âm và dương, gần hai mươi năm ròng rã đã phút giây trở thành mây khói xa vời. Sẽ nghĩ…"

Giọng ông bỗng đổi thay, chìm xuống như một dây tơ chùng:

"Đêm qua… đêm qua, những đêm trước… tôi chiêm bao thấy bà, từ khi… từ khi gặp bà, tôi vẫn chiêm bao thấy bà. Và cũng từ hôm ấy, tôi muốn vẽ tranh lại. Sau hai mươi năm thề rằng không bao giờ vẽ nữa sau bức tranh không mắt của nhà tôi. Tôi mang giá vẽ ra khỏi nhà, đi xa, tìm cảnh khuất vắng, pha màu, mong vẽ một cảnh nào đó, nhưng tôi cầm bút lên, bất cứ nét nào cũng là nét dáng của bà mà thôi. Tôi phải dập xoá bức tranh và mang khung tranh lụa trắng trở về. Nhưng vô ích, nhà tôi biết hết, thấy hết, nhà tôi biết tôi nghĩ gì về bà, tôi chiêm bao thấy bà, tôi sẽ hoạ hình bà lên khung lụa mỗi lần ra khỏi nhà một mình… Và nữa, nhà tôi cũng biết tôi đã soi bóng mình xuống hồ sen…"

Người đàn bà cười mơ mộng:

"Ông soi ngắm mình dưới hồ sen sao?"

"Xin bà đừng cười, tôi phải nói ra điều không thể nói. Chính với hình bà, từ hôm gặp nhau, tôi sống lại đời sống thật, tôi muốn thấy lại mình sự thật ra sao. Bao nhiêu năm nay, với hình bóng trẻ trung không thay đổi của nhà tôi bên cạnh, đời sống bình yên kia tôi cứ tưởng mình vẫn còn như hai mươi năm xưa, nhưng mà tôi đã già rồi, tôi đã chôn sống tôi hai mươi năm với một cái bóng, với một người đã chết. Điều đó cũng không làm cho người chết sống lại, mà làm chết luôn đời sống của tôi. Hai mươi năm, tôi không tình cảm, không hoạ tranh, không giao du với ai, không biết đến gì trong đời sống bên ngoài, chỉ có nhà tôi, nhà tôi… Tôi nhận ra những điều đó khi nhìn thấy mái tóc trắng của mình cúi xuống trong hồ nước, và tôi ân hận vô cùng, tôi tiếc đời sống vô cùng. Từ phút đó, bao nhiêu ân tình và lòng chung thủy đối với nhà tôi gần hai mươi năm, dù cũng còn đó, nhưng chừng như tiêu tan thành mây khói hết. Giữa chúng tôi sợi dây nối kết giữa âm dương cũng dứt lìa, và nhà tôi… nhà tôi…"

Người đàn bà ngắt lời ông Mishio:

"Như vậy là… bà mất đúng khi bị tiểu sản?"

"Vâng, nhà tôi mất lúc ấy, nhưng mà vì… vì mối tình u uẩn khăng khít của chúng tôi, vì… nỗi chết quá bất ngờ, ai oán, nhà tôi đã phải trở về quanh quẩn với tôi. Nhà tôi chỉ cần một điều kiện, là bao giờ lòng tôi thoáng đa mang, dù cách nào, một hình bóng khác thì mối tình kia không còn lý do tồn tại, và nhà tôi cũng sẽ biến tan theo mối tình nồng nàn. Bây giờ thì…"

"Bà ấy không có vẻ gì khác lạ cả. Bà ấy vẫn đi đứng nói cười, như mọi người, tôi hay bất cứ một người nào cũng không tin đó chỉ là cái bóng".

"Nhà tôi về từ cõi kia, trở về với tôi với lời hứa, là khi nào tôi đổi thay, vẻ tươi trẻ nhà tôi giữ gìn cho tôi suốt hai mươi năm nay sẽ không còn, nhà tôi sẽ già bằng tuổi. Từ chiều hôm qua, nhà tôi đi không trở về, và nếu có trở về, như nhà tôi nói trong chiêm bao đêm qua, sẽ không còn tươi trẻ nguyên vẹn như bao lâu nay nữa, vì rằng, tôi đã thú thật với bà từ đầu câu chuyện".

Người đàn bà bứt rứt mân mê tà áo:

"Vì tôi, vì tôi thật ư? Tôi không tin như vậy. Bà cũng có thể hiểu lầm, sự quen biết và thăm viếng giữa chúng ta, tôi tìm đến, là chỉ vì quý mến hai ông bà giữa bao người xa lạ khác. Còn ông đối với tôi, chẳng qua cũng chỉ là chút tình cảm, như bao nhiêu người khác đã gặp đều có cảm tình với tôi. Chỉ khác là giữa chúng ta có một thông cảm im lặng và sâu xa nào đó thôi. Sự thông cảm ấy, bà cho là…"

"Cám ơn bà đã nói như vậy, nhưng điều ấy không giải toả được những thắc mắc trong lòng tôi, những u uẩn trong hồn người. Bây giờ thì muộn rồi, nhà tôi đã xa hẳn tôi. Tôi mất nhà tôi, sau suốt hai mươi năm còn gắng gượng lẩn quất quanh tôi, kéo dài chút tình đằm thắm. Nhưng tôi được gì, tôi có gì, tôi còn gì không. Đối với bà, tôi chỉ có chút lòng cảm mến, đúng ra là tôi đã tìm lại nguồn rung cảm thuần tuý nghệ thuật mà gần hai mươi năm trời nay đã khô cạn, héo khô. Mà dù có thể nào rồi ngày mai ngày kia, bà lại đi, bà có phương trời của bà. Còn tôi, tôi với cái bóng già cỗi của mình trong hồ sen, với hình ảnh nhà tôi chỉ còn trong trí nhớ, với những vết tích thân yêu trong ngôi nhà vắng lặng kia, một mình… một mình với những chiếc dép màu quanh thềm nhắc nhở bước chân ra vào lững thững, những chiếc kimono còn vương vất mùi hương hơi trong tủ, những chiếc gối thêu hoa, những chăn nệm đượm nồng, những tách trà cúc hoa…"

Những giọt nước mắt bồi hồi nhỏ xuống má môi người đàn bà:

"Nhưng ông sẽ còn bức tranh, bức tranh bây giờ đã có hai con mắt của bà… bức tranh sẽ là bà…"

"Bà lầm rồi, như tôi nói, bao giờ nhà tôi mất đi hẳn, những nét trong tranh cũng sẽ nhạt mờ theo. Còn hai con mắt mà bà thấy đó, không phải là con mắt đâu, mà cái nhìn muốn nói với tôi tất cả những điều tôi vừa nói với bà đó. Nhà tôi đã lấy tấm lụa vàng đi, vì rằng… bức tranh bây giờ chỉ còn là cái tấm vải trống trơn không còn dấu vết màu sắc hình nét nữa. Bà không tin lời tôi, nếu bà có thể trở lại phòng tranh, bà sẽ thấy lời tôi nói. Nhưng ở đây cuối cùng rồi bà cũng sẽ thấy một cái gì đó làm cho bà tin những điều tôi nói là có thật".

"Ông nói cái gì là cái gì…?"

Ông Mishio đứng dậy. Người đàn bà đứng dậy theo. Sương đã tan hết trong sân chùa cổ. Mùi hương thoang thoảng từ một bệ thờ nào đó. Bỗng ông hỏi ngập ngừng:

"Bao giờ bà đi?"

"Trưa nay, tôi đã ghi lại vé máy bay".

"Vậy thì... phút này, xin từ biệt bà, và xin gặp lại ở đời sau, cả ba chúng ta, nếu còn có đời sau cho mỗi người".

Trong cơn xúc động bàng hoàng, người đàn bà trao bàn tay nhỏ nhắn của mình cho ông Mishio. Hai bàn tay ông dịu dàng, thân ái và kính cẩn, nâng bàn tay người đàn bà lên mặt mình, im hơi lắng nghe những nhịp luân chuyển của sự sống trong mạch máu, lòng dịu lắng trong một nỗi xúc động buồn thảm và mông lung, ông nghĩ, từ phút này, ta chỉ còn lại niềm quạnh hiu cuối cùng cho đời người, và ông giữ bàn tay người đàn bà trong hai bàn tay mình một lúc lâu, thành khẩn, như người đi lễ bái giữ những nén hương đã đốt trong tay mình lúc cầu khẩn.

Rồi họ cùng bước xuống thềm, cùng đi ra sân bây giờ nhoà nhạt bóng cây thêu bóng nắng. Tiếng một hồi chuông nhỏ văng vẳng từ cõi tịch liêu xa vời nào đó.

Bỗng từ đằng kia, đi lại, thoắt chậm thoắt nhanh một bóng người áo trắng. Cái bóng tới gần mãi trong hai mắt sửng sốt nhìn không chớp của người đàn bà. Nàng đưa hai tay về phía trước, kêu lên:

"Bà… bà Mishio!"

Ông Mishio cũng vừa nhận ra vóc dáng mảnh mai và nét mặt xinh tươi rạng rỡ của bà. Bà mặc cái kimono trắng, mỏng và thưa, với từng tầng vải mong manh như kết tụ bằng tơ trời, hai tay rộng thùng thình buông xõa chập chờn như những mảnh mây chiều, với một cái nón tre che hở nửa mặt. Bà Mishio chập chờn tiến lại trước mặt hai người, dừng lại, nhìn ông bằng đôi mắt trong suốt, nửa trách hờn, nửa mãn nguyện, rồi im lặng, bà đi lướt qua ông, ngược chiều với hai người, bước nhanh như bay biến về phía sau chùa.

Người đàn bà băng mình chạy theo. Nàng lạc vào một vùng sân lô nhô đây đó những bức tượng đồng đen kỳ dị. Bà Mishio đi lầm lũi, vẫn khi chậm khi nhanh, len lỏi vào giữa những bức tượng đồng đen. Người đàn bà hoa mắt cố theo dõi đuổi theo kịp bà Mishio, với ý nghĩ níu được bà lại với ông, dù chỉ một lần cuối cùng, để giải thích mọi điều bà đã lầm lẫn, và buồn lòng bỏ đi mãi mãi.

Quanh co một lúc, đến cuối sân chùa, một vùng bóng cây đen che khuất nắng sáng trên cao, chỉ còn lại những lớp sương mù trắng che kín mặt đất âm u, làm cho những gốc cây, những pho tượng đồng đen như nổi lềnh bềnh trong không trung mờ mịt, bà Mishio bỗng chậm bước, rồi dừng lại. Người đàn bà mừng rỡ cất tiếng gọi. Bà Mishio xoay mình, từ từ quay mặt lại. Người đàn bà kêu thét lên. Vẫn là vóc dáng và xiêm y của bà Mishio vừa nhìn thấy, vẫn cái nón tre che hờ nửa mặt, nhưng trong một thoáng nhìn lên, khuôn mặt người đàn bà Nhật đã hoàn toàn biến đổi. Khuôn mặt nhăn nheo tối tăm, những sợi tóc phất phơ bạc trắng, đôi môi trũng xuống héo hon, khắp cả là những nét già nua, dấu vết thời gian của hai mươi năm tàn phá. Chỉ còn trên khuôn mặt tàn héo cằn cỗi lạ thường kia, là hai con mắt, đúng là hai con mắt cá thia vàng của bà Mishio mà người đàn bà đã nhìn thấy trong vườn hoa, nhưng bây giờ, con ngươi đã nhoà đi một màu trắng đục như sương pha, và tròng mắt trong sáng long lanh hôm qua chỉ còn là một màu vàng đục mờ ủ ê, buồn bã. Nàng nhìn xuống. Bà Mishio đứng như chôn hờ trong vũng khói sương trắng xoá, hai chân lao đao muốn ngã, những cánh tay áo phất phơ run rẩy theo hai bàn tay buông duỗi khẳng khiu. Hai vai như còng xuống, khoảng lưng cúi khom, bà Mishio, với tất cả vẻ già nua dị thường ma quái, lững lững đi về phía cuối sân chùa, và người đàn bà thấy, như trong giấc mơ xa, bà Mishio đi vào một pho tượng đồng đen vừa mọc ra giữa vùng sương trắng.

Osaka, 1970
--------------------------

Nguồn: Bóng lá hồn hoa, truyện của Nguyễn Thị Hoàng, mẫu bìa Duy Thanh, in tại nhà in riêng của Văn, 38 Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. Phát hành ngày 15-7-1973.