14/1/13

Phạm Quý Thích - Đoạn trường tân thanh đề từ

Phạm Quý Thích (1760–1825)
Đoạn trường tân thanh đề từ


Phạm Quý Thích tự là Dữ Đạo, hiệu Lập Trai, biệt hiệu Thảo Đường cư sĩ, tác giả các tập thơ chữ Hán như Thảo Đường Thi Tập, Lập Trai Văn Tập, Nam Hành Tập...

Phạm Quý Thích quê ở huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay là huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương); sau ngụ cư phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, Thăng Long (Hà Nội). Tháng 10 năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779) đỗ Tiến sĩ nhả Lê, sau đó được bổ Hiệu thảo Viện Hàn lâm kiêm chức Giám sát Ngự sử đạo Kinh Bắc, làm quan giữ chức Thiêm Sai Tri Công Phiên,…. Gia Long lên ngôi, ông được bổ làm đốc học, được ít lâu thì xin từ chức. Gia Long năm thứ 10, ông được triệu vào kinh giữ chức sử quan, sau ông cáo bệnh về ẩn cư, dạy học ở quê nhà. Phạm Quý Thích từng làm quan với nhà Lê, nhà Nguyễn, nhưng bỏ trốn, không cộng tác với nhà Tây Sơn.

Những đóng góp về giáo dục, văn học được coi là thành công lớn nhất trong cuộc đời ông, đặc biệt về mảng thơ chữ Hán. Tương truyền ông là người đầu tiên đem Truyện Kiều ra giảng dạy học trò, có nhuận sắc lại chút ít tác phẩm của Nguyễn Du, đổi tên Ðoạn trường tân thanh thành Kim Vân Kiều tân truyện và đem khắc ván in ở phố Hàng Gai, Hà Nội.

Sau đây xin giới thiệu bài thơ chữ Hán "Đoạn trường tân thanh đề từ" (hoặc “Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm”) và bản dịch Nôm của chính Phạm Quý Thích trong “Hoa đường nam hành thi tập” gồm 307 bài thơ vịnh cảnh vào kinh đô Huế, tặng bạn bè, thuật, hoài, mừng, viếng...

斷 腸 新 聲 題 辭

佳 人 不 是 到 錢 塘

半 世 煙 花 債 未 償

玉 面 豈 應 埋 水 國

冰 心 自 可 對 金 郎

斷 腸 夢 裏 根 緣 了

薄 命 琴 終 怨 恨 長

一 片 才 情 千 古 累

新 聲 到 底 為 誰 傷

范 貴 適

Phiên âm Hán-Việt:

Đoạn trường tân thanh đề từ

Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường

Bán thế yên hoa trái vị thường

Ngọc diện khởi ưng mai Thuỷ quốc

Băng tâm tự khả đối Kim Lang

Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu

Bạc mệnh cầm chung oán hận trường

Nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ

Tân Thanh đáo để vị thuỳ thương

Phạm Quý Thích

Dịch nghĩa:

Đề cuốn Đoạn trường tân thanh

Người đẹp (mà) không đi đến sông Tiền Đường,

(Thì) nửa đời lầu xanh vẫn chưa trả xong nợ.

Mặt ngọc của nàng đâu cần phải chìm xuống thủy cung,

Tâm trong sáng của nàng xứng đáng gặp chàng Kim lắm.

Giấc mộng đoạn trường nay đã biết rõ nguồn cơn,

Khúc đàn Bạc mệnh dứt rồi nỗi hận còn vương.

Vì một mảnh tài tình mà ngàn năm còn lụy,

Tác phẩm Tân Thanh này vì ai mà thương cảm đau lòng.

Tác giả tự dịch thơ:

Đề cuốn Đoạn trường tân thanh

Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan

Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan

Lòng còn tơ vướng chàng Kim Trọng

Vẻ ngọc chưa phai chốn thuỷ quan

Nửa giấc Đoạn trường tan gối điệp

Một dây Bạc mệnh dứt cầm loan

Cho hay những kẻ tài tình lắm

Trời bắt làm gương để thế gian.


Trong trời đất đã có người tài tình tuyệt thế, tất thế nào cũng có việc khảm kha bất bình. Tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê, đó là căn nguyên của hai chữ đoạn trường vậy. Thế là lại có kẻ thương tiếc tài tình, xem thấy việc, trông thấy người, thì còn nhìn thế nào được mà không thở than rền rĩ.

Nghĩa là bậc thánh mới quên được tình, bậc ngu không hiểu tới tình. Tình chung chú vào đâu, chính là chung chú vào bọn chúng ta vậy. Cho nên phàm người đã ít tình, tất là không có tài, chỉ nửa loà nửa sáng, sống chết trong vòng áo mũ, trong cuộc no say, dù có gặp cái cảnh thanh nhã như hoa thơm buổi sáng, trăng tỏ ban đêm, cũng chỉ trơ trơ như cây cỏ, như cá chim vậy.

Còn đến bậc tuyệt thế tài tình, mặt ngọc vẻ hoa, lòng gấm miệng vóc, ngâm thơ liễu nhứ, nổi tiếng đài gương, vịnh phú ngô đồng, khoe tài án bút, nếu một bậc quán tuyệt thiên thu như thế lại gặp được bậc chân chính tài nhân, kết duyên tác hợp, khi thơ ngâm hoa nở, khi đàn gảy trăng lên, nguồn ái ân trọn nghĩa trăm năm, truyện phong lưu chép thành một lục, người đương vào cảnh ấy đã không gặp phải nỗi khảm kha bất bình, thì người truyền lại việc ấy còn phải đặt ra truyện Đoạn trường tân thanh làm gì?

Chỉ vì dịp may dễ lỡ, việc tốt thường sai, tiếng hoàn lặng ngắt, còn trơ bóng trúc lung lay; mặt ngọc vắng tênh, chỉ thấy hoa đào hớn hở. Có tài mà không gặp được tài, có tình mà không hả được tình; tài tình đã tuyệt thế, gặp toàn bước khảm kha, há không phải là con Tạo đang tay ách người quá lắm ru? Ấy chính là truyện Đoạn trường tân thanh vì đấy mà làm ra vậy.

Truyện Thuý Kiều chép ở trong lục Phong tình, ta không bàn làm gì. Lục Phong tình cũng đã cũ rồi. Tố Như tử xem truyện, thấy việc lạ, lại thương tiếc đến những nỗi trắc trở của kẻ có tài, bèn đem dịch ra quốc âm, đề là Đoạn trường tân thanh, thành ra cái lục Phong tình vẫn là cái lục cũ, mà cái tiếng Đoạn trường lại là cái tiếng mới vậy.

Trong một tập thì chung lấy bốn chữ "Tạo vật đố tài" tóm cả một đời Thuý Kiều: khi lai láng tình thơ, người tựa án khen tài châu ngọc; khi nỉ non tiếng nguyệt, khách dưới đèn đắm khúc tiêu tao; khi duyên ưa kim cải, non bể thề bồi; khi đất nổi ba đào, cửa nhà tan tác; khi lầu xanh, khi rừng tía, cõi đi về nghĩ cũng chồn chân; khi kinh kệ, khi can qua, mùi từng trải nghĩ càng tê lưỡi. Vui, buồn, tan, hợp, mười mấy năm trời trong cuốn văn tả như hệt, không khác gì một bức tranh vậy.

Xem chỗ giấc mộng đoạn trường tỉnh dậy mà căn duyên vẫn gỡ chưa rồi; khúc đàn bạc mệnh gảy xong, mà oán hận vẫn còn chưa hả, thì dẫu đời xa người khuất, không được mục kích tận nơi, nhưng lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột, thế thì gọi tên là Đoạn trường tân thanh cũng phải.

Ta lúc nhàn đọc hết cả một lượt, mới lấy làm lạ rằng: "Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy". Bèn vui mà viết bài tựa này.

Thuý Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm truyện Thúy Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một: người đời xưa thương người đời trước, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thực là một cái thông luỵ của bọn tài tử khắp trong gầm trời này vậy.

Ta lấy một thiên mực nhạt, xa viếng nàng Kiều, tuy lời văn quê kệch, không đủ sánh với bức giao thiên, song đủ tỏ cái nợ sầu của hai chữ đa tình, tuy khác đời mà chung một dạ. May được nối ở sau cuốn Tân thanh của Tố Như tử, cùng làm một khúc Đoạn trường để than khóc người xưa.

Tháng hai, niên hiệu Minh Mạng, viết ở Thán hoa hiên đất Hạc giang.


Tiên phong Mộng liên đường chủ nhân (tức Phạm Quý Thích)

12/1/13

Hôm qua chó nhà tang, hôm nay chó gác cửa: Bàn về cơn sốt Khổng Tử hiện nay




Lưu Hiểu Ba
 
Phan Trinh dịch
 
 
Lời giới thiệu của người dịch
1. “Chó nhà tang” và “chó gác cửa” ở đây chỉ Khổng Tử. Đề tài này có thể hơi nhạy cảm với ít nhiều trí thức Việt Nam, vì nó đưa ra một cái nhìn hơi lạ về một người quen, và có lẽ cũng vì trong Văn Miếu Quốc Tử Giám hiện nay vẫn có bệ thờ Khổng Tử.
Thoạt đọc, bài này có vẻ như muốn ‘hạ bệ’ Khổng Tử, nhưng đọc kỹ, người đọc sẽ thấy Lưu Hiểu Ba muốn tìm lại sự thật cho Khổng Tử, và thấy Khổng Tử cũng như nhiều trí thức xưa nay lúc thì bị ruồng rẫy, khi thì được ‘phong thánh’, được gán cho nhiều điều mình không có, và trở thành bao tay nhung che cho bàn tay sắt.
2. Tên của Khổng Tử và Lưu Hiểu Ba trong vài năm qua nhiều lần được nhắc chung. Lưu Hiểu Ba viết bài này về Khổng Tử ngày 18/8/2007. Năm 2010, nhà cầm quyền Trung Quốc vội vã thành lập Giải Khổng Tử để đối trọng với Giải Nobel Hòa Bình vừa được trao cho Lưu Hiểu Ba, vì nỗ lực đấu tranh cho nhân quyền của ông. Cũng nên nhắc lại là vào Lễ Noel 25/12/2009, Lưu Hiểu Ba bị Bắc Kinh kết án 11 năm tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước, còn Giải Khổng Tử năm 2011 thì được trao cho Vladimir Putin, lãnh tụ Nga có khuynh hướng độc tài*.
3. Cơn sốt Khổng Tử mà Lưu nói tới vẫn kéo dài đến nay. Viện Khổng Tử (gần như Viện Goethe, Hội Đồng Anh…) công cụ của quyền lực mềm trong tay nhà cầm quyền Trung Quốc, mở cơ sở đầu tiên năm 2004, đến nay đã có hơn 320 Học viện được thành lập trên thế giới, trong đó 1/5 là ở Mỹ **.
4. Đọc bài này, rất có thể người đọc sẽ nêu câu hỏi: Liệu có điểm gì giống nhau giữa Viện Khổng Tử và Viện Trần Nhân Tông, Giải Khổng Tử và Giải Trần Nhân Tông được nhắc tới gần đây với ít nhiều nghi ngại hay không.
5. Bản dịch này dựa trên bản tiếng Anh, có tham khảo bản tiếng Trung. Bản tiếng Anh có tựa “Yesterday’s Stray Dog Becomes Today’s Guard Dog” (Chó hoang hôm qua nay thành chó giữ nhà) do Thomas E. Moran dịch, in trong cuốn No Enemies, No Hatred (Không thù, không ghét) tuyển tập luận văn và thơ Lưu Hiểu Ba, do Perry Link, Tienchi Martin-Liao và Lưu Hà biên tập, xuất bản năm 2012 tại Anh Quốc. Bản tiếng Trung có tựa “昨日丧家狗 今日看门狗 – 透视当下中国的“孔子热”” (Tạc nhật táng gia cẩu, kim nhật khán môn cẩu, thấu thị đương hạ Trung Quốc đích “Khổng Tử nhiệt”), xuất bản lần đầu trên vào ngày 2/9/2007 trên boxun.com.
P.T.
________________
Người Trung Quốc hiện rất phấn khích vì nước nhà đang trỗi dậy như một cường quốc. Nhờ kinh tế trỗi dậy nên văn hóa cũng trỗi dậy, nhờ tung tiền khắp nơi nên “quyền lực mềm” cũng được xuất khẩu ra thế giới. Trong nước, người người đua nhau chạy theo cơn sốt đọc cổ văn, cơn sốt thờ Khổng, cơn sốt theo đạo Nho. Chương trình Bách gia Giảng đường của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng khởi xướng cơn sốt đọc lại Luận ngữ nhằm phục hồi đạo đức truyền thống. Trong khi đó ở ngoài nước, Trung Quốc đầu tư lớn để mở hàng loạt các “Viện Khổng Tử” nhằm lan tỏa quyền lực mềm. Giấc mơ bá chủ thiên hạ của Trung Quốc bị dồn nén hơn thế kỷ nay lại có cơ tái xuất giang hồ. Đức Khổng Tử ở trong và ngoài nước bỗng kết thành một trận tuyến liên hoàn. Cơn sốt Khổng Tử quả là càng lúc càng nóng.
Nhưng, đàng sau cơn phấn khích của đám đông kia, tôi cho rằng không phải là ước muốn khôi phục nền đạo đức cũ, mà là toan tính phục hồi truyền thống sùng bái thánh Khổng, một phần không thể thiếu trong kế hoạch của nhà nước nhằm đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Những năm sau biến cố Thiên An Môn [1989], nhà nước một mặt chống lại các nỗ lực đòi hỏi tự do, chống “diễn biến hòa bình”, một mặt lại thổi bùng tình cảm “yêu nước” cực đoan. Chủ nghĩa yêu nước cực đoan này, rường cột cho ý thức hệ mới của nhà cầm quyền Trung Quốc, kết hợp với chiến dịch quảng bá cho cái mà Đảng Cộng sản Trung Quốc gọi là “Thời hoàng kim thịnh vượng” đã làm làn sóng dân tộc chủ nghĩa dâng cao vô tội vạ. Không gì rõ hơn những dòng này ở cuối “Tế văn Vinh danh Khổng Tử, nhân Liên hoan Văn hóa Khổng Tử Quốc tế 2005, tại Khúc Phụ, Trung Quốc”. Tế văn viết những lời có cánh như sau: “Thời hoàng kim vừa đến, nuôi giấc mơ đại đồng; Mừng gặp thời thịnh vượng, và cường quốc vinh quang”. Thật là một bản song tấu rổn rảng điển hình khi chủ nghĩa dân tộc hòa vào ‘Phúc âm’ của “Thời hoàng kim”.
Trong một năm qua, việc cổ xúy văn hóa truyền thống trên chương trình Bách gia Giảng đường của CCTV đã góp phần biến Khổng Tử thành một món hàng thời thượng, hoặc mượn lời của Lỗ Tấn, thành “‘Mô-đen’ Khổng Tử”. (Điều tương tự từng rộ lên cách đây vài năm khi Mao Trạch Đông cũng trở thành một thứ “mốt”.) Hiện sách vở đủ loại về Khổng Tử đang hốt bạc cho các nhà xuất bản, các lớp quốc học và cổ văn cũng mang lại món lợi lớn. Ban Quốc học Đại học Thanh Hoa tính học phí mỗi người 26.000 nhân dân tệ, Đại học Phục Đán lấy mỗi người 38.000 nhân dân tệ, và khóa học cổ văn ngoài giờ cho trẻ em cũng có học phí cao ngất ngưởng.
Chương trình nói trên của CCTV cũng làm tên tuổi Vu Đan trở thành hiện tượng được cả nước biết. Vu Đan rao bán, thay vì rao giảng Khổng Tử bằng một giọng điệu khéo léo, kết hợp những câu chuyện cao đạo về người xưa với những kiến giải có độ sâu sắc chỉ ngang với ca từ nhạc sến. Những suy luận võ đoán, những lý giải nông cạn thường trực của bà về Khổng Tử có tác dụng như một thứ ma túy tinh thần giữa cơn sốt phục hưng đạo Khổng trong văn hóa đại chúng. Cuốn Luận ngữ tâm đắc của Vu Đan mang một thông điệp dễ dãi. Theo giải thích của Vu Đan thì Khổng Tử dạy rằng ai ai cũng có thể sống thoải mái với tâm thế thực dụng, dù gặp gì đi nữa cũng đừng phàn nàn, nếu biết thuận theo hoàn cảnh thì sẽ thích ứng dễ dàng và sống đời hạnh phúc.
Trong khi cơn sốt đọc Khổng Tử do Vu Đan khởi xướng đang ăn khách, thì giáo sư Đại học Bắc Kinh, Lý Linh, xuất bản cuốn sách có tên Chó nhà tang – Tôi đọc Luận ngữ [1]. Bằng nghiên cứu của riêng mình, giáo sư Lý đã trục xuất những điều vớ vẩn được nói về Khổng Tử và trả ông về với hình ảnh nguyên thủy. Giáo sư Lý viết trong lời mở đầu:
“Sách của tôi là thành quả những ý tưởng của riêng tôi về Khổng Tử. Tôi không lặp lại những gì người khác đã nói. Tôi cũng không quan tâm tới những gì Mạnh Tử, Vương An Thạch [2], hoặc bất cứ học giả lớn nhỏ nào đã từng nói về Khổng Tử. Nếu điều gì không có trong văn bản gốc, thì tôi sẽ gạt qua một bên… Nếu muốn biết đích thân Khổng Tử nghĩ gì, hãy tìm đọc văn bản gốc… Tôi không viết để dự phần vào cuộc tranh cãi của các trí thức, cũng không viết để thỏa mãn thị hiếu của đa số.”
Và giáo sư Lý kết luận:
“Sau khi đọc Luận ngữ, tôi thấy tốt nhất không nên đặt Khổng Tử lên bệ thờ, cũng không nên dìm ông xuống bùn, mà chỉ nên nói rằng ông rất giống Don Quixote.”
Qua việc phản đối nạn sùng bái thần thánh và khát khao truy tìm sự thật với thái độ không mị dân, giáo sư Lý đã góp phần đả phá truyền thống thần thánh hóa Khổng Tử đã kéo dài suốt hơn 2000 năm nay. Ông viết:
“Trong cuốn sách này, tôi muốn giải thích cho độc giả rằng Khổng Tử thực ra không phải là một vị thánh. Vị Khổng Tử mà các hoàng đế tôn sùng từ triều đại này qua triều đại khác không phải là Khổng Tử thật, mà là một Khổng Tử “nhân tạo”. Khổng Tử thật không phải là thánh, cũng chẳng phải vua, cũng không là “nội thánh ngoại vương” [trong thánh, ngoài vua] gì cả… Khổng Tử chỉ là người, một người xuất thân bình dân, luôn tin rằng kẻ sĩ cổ đại (những “quân tử” đúng nghĩa) đã định ra chuẩn mực mà mọi người nên noi theo để đối nhân xử thế; một người yêu chuộng những gì cổ xưa, học hành chăm chỉ, không nản chí; một người thầy tận tụy, không mệt mỏi truyền đạt văn hóa người xưa và khích lệ học trò học tập kinh sách cũ; một người không có chức, cũng không có quyền – chỉ có học vấn về đạo đức – nhưng dám can ngăn kẻ cầm quyền; một người đi tứ xứ du thuyết, lao tâm thay cho kẻ cai trị, liều mình khuyến dụ người cải tà quy chính; một người nhiệt tình, ước mơ khôi phục đường lối nhà Chu để thiên hạ thái bình; một người luôn bị giằng xé, hoang mang, nay đây mai đó, giống hành trạng của một con chó vô chủ, lang bạt, không có nhà để về. Đó là Khổng Tử thật.”
Trong cách nghiên cứu và lý giải Luận ngữ của mình, rõ ràng giáo sư Lý đã bỏ rất xa Vu Đan nông cạn và bất cẩn. Quan trọng hơn, ông đồng cảm được với Khổng Tử, người trí thức hơn 2000 năm trước. Ông cho biết chính Khổng Tử cũng tự nhận mình là con chó nhà tang mất chủ ngơ ngáo. Ông viết:
“Khổng Tử tuyệt vọng với quê hương mình, cùng các môn sinh ông đi khắp nơi, làm việc với chư hầu, nhưng cũng chẳng được gì. Cuối đời ông trở về quê hương, sống những năm cuối đời với tâm trạng buồn bã. Trước khi ông qua đời, con trai và hai học trò yêu của ông, Nhan Hồi và Tử Lộ (Trọng Do) cũng mất, ông khóc thương họ cạn nước mắt. Tuy ông mất trong nhà mình, nhưng cũng có thể nói ông không hề có nhà. Những giáo huấn của ông có thể đúng hoặc sai, nhưng dù đúng hay sai, đời ông cũng phản ánh số phận của người trí thức Trung Quốc tiêu biểu.”
Việc giáo sư Lý Linh đưa ra lời bình luận về con chó mất chủ giữa lúc cơn sốt Khổng Tử và văn hóa truyền thống đang lên cao trào, giống như ném một tảng đá to xuống nước: Nó tạo nên những làn sóng phản đối dữ dội từ những tín đồ mới của đạo Khổng. Giáo sư Lý bị đả kích cay độc, bị nguyền rủa, những kẻ bị xúc phạm đã biến bức xúc của mình thành giận dữ. Giáo sư Lý bị tố là phao tin đồn nhảm, và là một “phẫn thanh” [đọc trại sẽ thành 'thằng ăn cứt"], những người chưa đọc sách của giáo sư Lý tự cho mình cái quyền gọi nó là “rác rưởi”. Tất cả những eo xèo này chỉ vì ông dám gọi Khổng Tử là chó nhà tang vô chủ. Điều đó cho thấy lòng sùng kính Khổng Tử của những nhà Nho mới đưa đã đưa Thánh Khổng lên vị trí bất khả xâm phạm, không ai được đụng tới. May mắn là số nhà Nho mới này không có quyền lực chính trị là bao. Nếu có quyền lực, chúng ta chắc đã phải trở về thời đại mà (như Lâm Bưu nói về Mao Trạch Đông) “mỗi lời của ngài đều là chân lý, mỗi chữ của ngài quý hơn ngàn vạn chữ của kẻ khác.”
Giáo sư Lý Linh là một nhà nghiên cứu lịch sử nghiêm túc. Ông viết: “Tôi xem Luận ngữ là một chủ đề nghiên cứu lịch sử, chứ không phải sách thánh.” Khi ông gọi Khổng Tử là chó nhà tang, ông nhắc ta nhớ rằng ở Trung Quốc thời Xuân Thu (770-476 trước CN) tầng lớp trí thức đã phải sống trong bất an, cả trong sợ hãi, tài năng của họ thường không được trọng dụng, và trong hoàn cảnh đó, một “kẻ có lý tưởng nhưng không tìm được quê hương tinh thần của mình” thì chẳng khác gì con chó nhà tang mất chủ ngơ ngáo. Nhưng, theo tôi, giáo sư Lý nói rằng Khổng Tử thiếu “quê hương tinh thần” là đã cho ông hơi nhiều điểm. Sự thật là ông đi khắp đó đây không phải để tìm quê hương tinh thần của mình, mà là tìm một chỗ để làm quan. Mục tiêu lớn của ông là trở thành quân sư, nhưng ông đã thất bại. Ông là con chó nhà tang không chủ, nhưng nếu được kẻ cầm quyền nào tin dùng, thì chú chó không chủ kia đã trở thành chó gác cửa.
Cũng nên biết là giáo sư Lý Linh không phải người đầu tiên gọi Khổng Tử là chó nhà tang. Người xưa đã từng đánh giá ông như thế. Truyện Khổng Tử trong cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên (145?-86 trước CN) viết rằng, vào năm 40 tuổi, khi không đạt được gì, Khổng Tử đã than rằng “Ta cùng đường rồi!” và rằng “Chẳng chỗ nào trong thiên hạ dung được ta!” Cũng theo Sử ký, dân chúng thời Khổng Tử đã tả rằng nhìn ông “băn khoăn lo lắng như con chó ở nhà có tang”. Khi đệ tử kể lại cho Khổng Tử nghe lời nhận xét này về mình, ông đã bảo rằng nói như thế là đúng làm sao, đúng làm sao![4] Ngày nay, những kẻ “bảo vệ Đạo lý đích thực” thì cho rằng những lời nói kia của Khổng Tử là những lời tinh tế có ý nghĩa lớn lao về thuật trị quốc và dạy người. Họ bảo Lý Linh gọi Khổng Tử là chó nhà tang như vậy là phạm thượng, phản bội, vô đạo và cuốn sách đó chỉ đáng vứt vào sọt rác. Có bạn ‘phẫn Nho’ còn cho rằng giáo sư Lý “mắc bệnh thần kinh!”
Người tôn thờ Khổng Tử có thể nguyền rủa sách của giáo sư Lý đủ kiểu, nhưng thực ra những gì ông viết về Khổng Tử, nhất là trong lời mở đầu rất thẳng thắn và thu hút, đã vượt xa những gì mà Tương Khánh và những “nhà tư tưởng mới” về Khổng Tử rêu rao. Rất nhiều học giả nổi tiếng đã đánh giá cao cuốn Chó nhà tang của giáo sư Lý.
Trong bài viết có tên “Tính khả thi của Nhân, Nghĩa – Điểm sách Chó nhà tang của Lý Linh”, sử gia Ngô Tư viết: “Giáo sư Lý đã làm rất tốt. Các dự án văn hóa sau này cũng phải được xây dựng trên những văn bản gốc cốt lõi. Theo tôi, những phát hiện của Lý Linh trong cuốn sách nói về Luận ngữ của ông còn hay hơn những gì Chu Hy (1130-1200) nói về Khổng Tử.”
Trong một bài điểm sách tương tự, giáo sư Tiên Lý Quần của Khoa Trung văn Đại học Bắc Kinh viết: “Cách giáo sư Lý Linh đọc Luận ngữ cho thấy một điểm rất lớn đó là sự đồng cảm chân thật, ‘từ trái tim đến trái tim’ với Khổng Tử, sự đồng cảm của một trí thức với một trí thức. Sự đồng cảm này giúp ông nhìn thấy vấn đề được gói ghém trong hình tượng ‘chó nhà tang’ kia là gì. Khi tôi đọc cụm từ ‘chó nhà tang’ tôi cũng thấy có ít nhiều nhạo báng, nhưng quan trọng hơn, tôi cảm được sự trăn trở và nỗi buồn đau của Khổng Tử.”
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Lưu Mộng Khê, giám đốc Sở Nghiên cứu Văn hóa Trung Quốc, thuộc Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Trung Quốc, đã khen ngợi công phu nghiên cứu văn bản rất có trách nhiệm và cách làm việc nghiêm túc của giáo sư Lý Linh, góp phần giải độc những huyền thoại về Khổng Tử.
Giáo sư Tần Hy tại Đại học Thanh Hoa, trong bài “Làm thế nào Luận ngữ trở thành kinh điển?” đã viết rằng: “Hiện có những kẻ tìm cách nâng Luận ngữ lên thành một thứ Thánh Kinh của đạo Khổng, điều này cũng y như trước đây có kẻ muốn nâng cuốn sách nhỏ mỏng tang có tên Mao tuyển lên thành ‘đỉnh cao’ của chủ nghĩa Mác. Thử hỏi sự phấn khích với Mao tuyển đã làm phong phú chủ nghĩa Mác hay đã phá thối nó? Cũng vậy, sự phấn khích dành cho Luận ngữ hôm nay sẽ tôn vinh đạo Khổng hay chỉ làm hỏng nó?”
Trung Quốc vốn có truyền thống sùng thánh lâu đời, và trong mắt những người sùng bái thánh hiền xưa hoặc nay thì Khổng Tử nằm ngoài tầm tra vấn; ông là một vị vua không ngai đáng kính, là người nắm giữ chân lý, là quân sư của các thời đại, ông được tặng danh hiệu “Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương” (“Vị vua và vị thánh tuyệt hảo của văn hóa”, danh hiệu được gán cho ông vào thế kỷ thứ 14) và với danh hiệu ấy, các vị hoàng đế đứng trước ông cũng phải cúi đầu. Đối với Khang Hữu Vy (1858-1927) và Hội Khổng học của mình, Khổng Tử là giáo chủ của một tôn giáo và cũng là một vị thánh; còn đối với những nhà Khổng học ngày nay thì ông là biểu tượng cho văn hóa Trung Quốc. Với họ, mỗi câu trong Luận ngữ đều là những lời giáo huấn thấu tình đạt lý về nghệ thuật trị quốc và tu thân. Nếu thời xưa, lời xưng tụng to tát nhất dành cho Luận ngữ là câu “Chỉ dùng nửa bộ Luận ngữ cũng có thể trị cả thiên hạ”, thì câu tán dương thời nay lại là câu “Giáo huấn của Khổng Tử đã quản thiên hạ 5000 năm trước, nay sẵn sàng để quản thiên hạ 5000 năm sau.” Có kẻ còn nói “Không đọc Khổng Tử không phải là người!” Ngày nay, có những “tín đồ đạo Khổng mới” lại còn ngụy tạo ra những tin tức giật gân, chẳng hạn như chuyện râm ran gần đây, rằng vào năm 1988, 75 người đoạt giải Nobel toàn thế giới đã họp nhau tại Paris để bầu chọn Khổng Tử là nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử loài người! [5]
Trước cơn ‘tẩu hỏa nhập ma’ vì sùng bái thánh nhân này, tôi xin hỏi các nhà Nho tân thời một câu tầm phào sau: “Trong con mắt các vị thì Khổng Tử đương nhiên là thánh rồi, thế nhưng, ngài cũng chỉ là người, vậy ngài có đánh rắm phun hương không?!”
Sự sùng bái kia khiến người ta mất khả năng phân biệt đâu là người đâu là thánh, đâu là lời nói đời thường đâu là lời phán của trời. Họ gán cho những lời dạy thông thường trong Luận ngữ những ý nghĩa thâm thúy, cao siêu. Chẳng hạn như hai câu mở đầu của Luận ngữ “Học nhi thời tập chi, bất diệc thuyết hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?” (Học mà mỗi buổi mỗi tập, chẳng cũng thích ư? Có bạn ở xa nghe tiếng mà tìm lại, chằng cũng vui ư?)[6] Thử hỏi sự thâm thúy cao siêu trong câu này nằm ở đâu mà thiên hạ phải khổ công chú giải suốt suốt 2000 năm qua cho đến tận bây giờ?
Chu Tố Nhân (1885-1967) trong cuốn Luận ngữ tiểu ký đã nói đúng: “Luận ngữ chỉ cách tu tập để thành người tốt và cách ứng xử với đời… Đó có thể là một cẩm nang hữu ích cho hậu thế, nhưng dứt khoát không được xem đó là những chân lý không bao giờ thay đổi hoặc những chuẩn mực đạo đức. Càng không nên nghĩ rằng nó chứa đựng những triết lý chính trị sâu sắc có thể trị quốc và mang lại hòa bình cho thiên hạ.” Ngay G.W.F. Hegel, triết gia lớn của Đức, cũng chỉ xem Luận ngữ như một cuốn sách ghi chép những đạo lý thường thức, không hơn không kém.
Chính Hán Vũ Đế (156-87 trước CN) người ra quyết định “độc tôn Nho thuật” đã hóa phép cho Khổng Khâu trở thành đức Khổng Phu Tử. Con chó nhà tang chết còn bộ xương, nay bộ xương bỗng chốc phục sinh và trở thành con chó gác cửa cho các triều đại quân chủ chuyên chế Trung Hoa.
Vì đạo Nho tỏ ra có ích cho quyền thống trị của vua chúa chuyên chế, nên địa vị của con chó giữ cửa được chăm sóc, củng cố, một khi ngồi vào chỗ rồi là nó cứ ngồi đó suốt hai ngàn năm. Và khi thần tượng của giới có học được triều đình thổi lên đến tận trời xanh, thậm chí biến thành tượng thờ giát vàng trong tổ miếu hoàng gia, thì đó là lúc trí thức Trung Hoa có tư tưởng tiến bộ bị đầy xuống địa ngục, biến thành nữ tì phục vụ quyền lực. Một trường hợp điển hình là Tư Mã Đàm (165-110 trước CN) cha của Tư Mã Thiên. Hai cha con đều phục vụ triều đình nhà Hán trong tư cách những thái sử. Khi Tư Mã Thiên vì dám can ngăn Hán Vũ Đế mà bị xử thiến, ông đã bi phẫn than rằng:
Cha ta cũng chẳng đạt được gì đáng ghi tên vào sổ sách triều đình. “Nghề viết văn, viết sử, xem sao, xem lịch thì cũng gần với bọn thầy bói, thầy cúng. Chúa thượng vẫn đùa bỡn nuôi như bọn con hát, còn thế tục vẫn coi thường.”[7]
Đến thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi các cường quốc Tây phương ép Trung Quốc mở cửa cho thế giới thì hệ thống quyền lực và ý thức hệ cũ lập tức suy vong nhanh chóng. Năm 1911, khi Cách mạng Tân Hợi kết liễu đế chế truyền thống thì Đạo Khổng, hệ ý thức của vua chúa độc tài, cũng mất hẳn chỗ dựa. Một lần nữa, “chó giữ cửa” lại trở thành “chó nhà tang” lang thang xó chợ. Mặc dù Viên Thế Khải (1859-1916) đã xoay sở để trở thành hoàng đế vào tháng 1 năm 1916 và cố phục hồi nghi lễ Đạo Khổng, nhưng cũng chẳng được bao lâu. Chỉ sáu tháng sau, Viên Thế Khải chết. Sự sụp đổ toàn diện của những định chế truyền thống và ý thức hệ cũ đã diễn ra, không thể nào tránh khỏi.
Theo tôi, khi các nhà Nho truyền thống mất chỗ dựa quyền lực thì đó là nỗi bất hạnh của họ, con chó gác cửa cung đình lại trở thành con chó lang bạt. Nhưng, nếu nhìn cách khác thì đây lại là một vận may lớn, là cơ hội để giới có học ở Trung Quốc có thể trở thành người trí thức hiện đại, có thể vứt bỏ những bệ đỡ của quyền lực độc tài mà họ vẫn dựa vào, có thể nuôi dưỡng và phát huy tinh thần phê phán độc lập. Cơ hội đã đến dù họ muốn hay không.
Nhưng rủi thay, thời kỳ “chó lang” bất đắc dĩ này chỉ kéo dài khoảng 50 năm. Khi Cộng sản Trung Quốc thiết lập chế độ cực quyền trên toàn quốc thì người trí thức cũng chẳng còn được thoải mái làm chó hoang nữa. Phần lớn bị đàn áp, truy đánh, dập dụa như “bầy chó mắc mưa”, một số gặp thời biến thành “chó giữ cửa” cho chính quyền Mao Trạch Đông. Quách Mạt Nhược (1892-1978) là một ví dụ điển hình, trong thời kỳ dân quốc ông còn dám mắng cả Tưởng Giới Thạch, nhưng sau năm 1949 thì ông chẳng khác nào con sâu nhũn gọi dạ bảo vâng trong tay Mao Trạch Đông.
Số phận của Khổng Tử trong thế kỷ 20 có lẽ sẽ khiến chính Khổng Tử choáng váng. Hai lần ông trở thành mục tiêu của những cuộc vận động chính trị chống lại mình. Lần đầu là trong phong trào Ngũ Tứ Vận động khởi đầu năm 1919, và lần kế tiếp là trong phong trào “phê Lâm [Bưu], phê Khổng [Tử]” do Mao Trạch Đông phát động năm 1974. Những năm sau vụ Thiên An Môn [1989], giới trí thức có khuynh hướng chống lại những gì được cho là cấp tiến, và họ xem cả hai phong trào Ngũ Tứ Vận động lẫn Phê Lâm Phê Khổng của Mao Trạch Đông là như nhau và bác bỏ cả hai. Nhưng làm như thế là họ không thấy hai cuộc vận động đánh đổ nhà Khổng này thực ra hoàn toàn khác nhau.
Trước hết, hai cuộc vận động có điểm xuất phát khác nhau. Ngũ Tứ là cuộc vận động văn hóa tự phát từ dưới lên. Người tham gia chủ yếu là những trí thức đô thị đã hấp thu tư tưởng mới, giá trị mới, và phương pháp mới du nhập từ phương Tây, và họ dùng những chuẩn mực phương Tây để hiểu vì sao Trung Quốc lạc hậu. Họ bất mãn với quan điểm vào cuối thế kỷ 19 cho rằng việc bắt kịp phương Tây chỉ là vấn đề kỹ thuật, hay thay đổi hình thức chế độ. Họ đi đến kết luận rằng thay đổi cốt lõi phải là thay đổi văn hóa. Ngược lại, phong trào “phê Lâm, phê Khổng” vào năm 1974 là một màn vận động chính trị từ trên xuống của Mao Trạch Đông, kẻ có quyền lực tuyệt đối và muốn đưa Tư tưởng Mao lên vị trí độc tôn và không tư tưởng nào khác trong hay ngoài nước được phép có mặt.
Thứ hai, tính chất của hai cuộc vận động này cũng khác hẳn nhau. Đối tượng mà các trí thức cách tân của Ngũ Tứ Vận động chống đối không phải là Khổng Tử thời Tiên Tần, lúc trăm nhà đua tiếng vào thế kỷ thứ năm trước CN, mà là Đức Thánh Khổng của Hán Vũ Đế, người đã đưa đạo Khổng lên vị trí độc tôn. Họ muốn đánh đổ sự độc quyền tư tưởng của đạo Khổng, của con “chó gác cửa”. Ngược lại, chiến dịch của Mao Trạch Đông chống lại Khổng Tử không liên quan gì đến nỗ lực cải tổ văn hóa, và cũng chẳng liên quan gì đến Khổng Tử. Cuộc vận động chỉ là công cụ giúp Mao cạnh tranh quyền lực với nhóm chóp bu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mục tiêu cuối cùng của Mao là hạ bệ Lâm Bưu và cảnh cáo nhà “đại nho” Chu Ân Lai.
Nói cách khác, hai cuộc vận động chống Khổng Tử có bản chất khác nhau. Một bên là những nhà trí thức không quyền lực một bên là kẻ nắm quyền lực tuyệt đối chẳng khác gì một Tần Thủy Hoàng kiểu mới. Một bên là cuộc cách mạng văn hóa tự phát từ dưới lên, một bên là cuộc vận động chính trị từ trên xuống. Một bên cố tìm lối thoát cho văn hóa Trung Quốc, một bên chỉ mong củng cố quyền lực độc tôn.
Đó là lý do đến nay tôi vẫn tán đồng nỗ lực chống ảnh hưởng của Đạo Khổng như Ngũ Tứ Vận động chủ trương, và tiếp tục chống đối cuộc vận động chống Đạo Khổng của thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Trong luận văn viết năm 1935 “Khổng Phu Tử của Trung Quốc hiện đại”, khi Lỗ Tấn gọi Khổng Tử là thánh nhân “mô-đen” là ông có ý phê phán truyền thống tôn sùng thánh nhân của chế độ chuyên chế Trung Quốc. Ông viết: “Những kẻ đặt Khổng Tử lên bàn thờ, thánh hóa ông chính là những kẻ cầm quyền, hoặc những kẻ muốn nắm quyền. Việc này hoàn toàn không phải là việc của dân chúng bình thường.”
Theo tôi thì tệ sùng bái thánh nhân ở Trung Quốc là một công trình văn hóa giả tạo cực lớn do các đời vua chúa cùng bọn văn nhân cung đình phối hợp tạo nên. Vị Khổng Tử mà các vua chúa và quần thần “phong thánh” đã đánh mất hoàn toàn mọi mối liên quan với vị Khổng Tử đích thực, và đáng được xem như một món hàng giả vô cùng nguy hiểm.
Thực ra, nếu đọc kỹ các triết gia Tiên Tần, sẽ không khó nhận ra rằng tư tưởng của Khổng Tử cũng chỉ là những lời thuyết giáo đạo đức bình thường. So với Trang Tử (369-286 trước CN), Khổng Tử không có cái siêu thoát, nhẹ nhàng, tự nhiên, cũng không có trí tưởng tưởng đẹp đẽ kỳ vĩ, hoặc ngôn ngữ trôi chảy bất tận, cũng không có khả năng hòa quyện tri thức triết học với vẻ đẹp văn học thoát tục, hoặc tỉnh táo mà nhìn thấu đáo bi kịch của con người. So với Mạnh Tử (372-289 trước CN), Khổng Tử không có được cái khí phách của một trang nam tử, hoặc tầm nhìn rộng lớn, đó là chưa kể đến khả năng đối diện với quyền lực với thái độ đầy tự trọng, hoặc sự quan tâm thật lòng tới dân đen. Chính Mạnh Tử là người đã nói “dân vi trọng, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. So với Hàn Phi Tử (281-233 trước CN), Khổng Tử còn có vẻ hư ngụy, giả dối, không thẳng thắn, thiếu sắc bén, cũng không có khả năng châm biếm tài hoa. So với Mặc Tử (470-391 trước CN) Khổng Tử không lấy bình đẳng làm lý tưởng và tính thiện tự nhiên, đạo đức tự giác làm nền tảng cho một chủ nghĩa mới như chủ nghĩa kiêm ái, cũng không có một hệ thống lý luận cụ thể rõ ràng nào.
Ngược lại, những lời giáo huấn của Khổng Tử chỉ là trí thông minh nhỏ, không chứa đựng trí tuệ lớn. Những chỉ dạy ấy cực kỳ thực dụng, khôn khéo, nhưng không có tính thẩm mĩ hoặc triết lí thâm thúy. Ông cũng không có nhân cách cao quý hoặc tầm nhìn khoáng đạt. Ban đầu ông lang bạt tứ xứ muốn được làm quan, sau thất bại bèn trở thành thày dạy đạo đức. Danh hiệu vị thầy chăm chỉ, và “dậy người không mệt mỏi” dành cho ông thực ra cũng chỉ phản ảnh ước muốn viển vông xuất phát từ một nhân cách nông cạn. Nguyên tắc nổi danh của ông “thịnh thế tắc nhập, loạn thế tắc ẩn” (thời thịnh trị thì dấn thân, thời loạn lạc thì ở ẩn), nếu nhìn kĩ sẽ thấy đó chính là cái đạo xử thế khôn lanh, thể hiện tính vô trách nhiệm và cơ hội chủ nghĩa. Thật hoài phí và tổn hại cho dân tộc Trung Hoa biết bao khi chính nhà tư tưởng này, nhà tư tưởng thực dụng hết mực, khôn lanh hết mực, và đời thường hết mực này, đức Khổng Tử, kẻ tránh né trách nhiệm xã hội và không biết cảm thông với đồng bào thọ nạn này, đã trở thành vị thánh và là mẫu mực cho họ noi theo. Dân tộc nào thì thánh nhân nấy, và thánh nhân nào thì dân tộc nấy. Tôi e rằng toàn bộ tính nô lệ trong lòng người dân Trung Quốc bắt nguồn từ đây, một thứ siêu di truyền văn hóa kéo dài từ xưa và tiếp tục đến ngày nay.
Ngoài việc truy tìm ý nghĩa đích thực của Luận ngữ, giáo sư Lý Linh còn muốn nhắm tới chủ nghĩa dân tộc cực đoan hiện nay của Trung Quốc. Giáo sư Lý thách thức những trào lưu thời thượng như cơn sốt đọc cổ văn, cơn sốt thờ Khổng Tử, và gián tiếp đặt vấn đề về sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc. Việc Lý Linh ám chỉ Khổng Tử như con chó lang thang “không một quê hương tinh thần” cũng là để phê phán các nhà Nho mới đang ra sức cổ vũ cho Khổng Tử như vị cứu tinh của thế giới. Giáo sư Lý cho rằng: “Tôi chẳng hứng thú gì khi người ta cắm ngọn cờ Khổng Tử trên toàn thế giới. Khổng Tử không thể cứu Trung Quốc, cũng chẳng thể cứu thế giới.”
Mục tiêu thứ hai mà Lý Linh nhắm tới là truyền thống phò quyền lực của giới trí thức Trung Quốc. Lời chỉ trích này rất thức thời vì giới Nho gia mới hiện đang tranh thủ lấy lòng giới cầm quyền. Họ độc tôn đạo Khổng, hô hào cho đạo Khổng, không phải vì muốn dùng đạo Khổng phục hồi đạo đức nước nhà, mà là họ chú trọng đến công năng chính trị “tu, tề, trị, bình” của đạo Khổng, họ muốn thống nhất chính trị và tôn giáo. Họ muốn Khổng Tử trở thành “quân sư” hoặc giữ địa vị “quốc sư”. Họ muốn Nho giáo trở thành “quốc giáo”, và họ muốn nhà cầm quyền luật hóa các mục tiêu này. Khi làm việc này, rõ ràng những nhà Nho mới đang cho thấy tham vọng trở thành “quân sư” cho các đế vương hiện đại – hoặc trở thành một dạng “vua triết gia” theo kiểu Plato, thực sự nắm quyền lực trong tay. Khi tân trang hình ảnh cho Khổng Tử, họ thực ra đưa Trung Quốc ngược trở lại với thời Hán Vũ Đế. Họ muốn tái lập thời đại mà trong đó tư tưởng đa dạng của cả trăm nhà đều bị bãi bỏ, để độc tôn duy nhất đạo Khổng, họ muốn phục hồi tệ sùng bái “thần thánh” truyền thống.
Giáo sư Lý Linh nhận ra rằng trong lịch sử Trung Quốc, giới trí thức, vốn mang trong đầu rất nhiều điều không tưởng, chỉ thực sự hữu dụng khi nằm ngoài quyền lực và giữ vai trò phê phán nhà cầm quyền. Khi có quyền lực trong tay họ sẽ trở nên nguy hiểm, thậm chí thảm họa, cho quốc gia. Giáo sư Lý viết: “Giới trí thức, với mắt bén, đầu sáng, có thể trở nên độc tài hơn bất cứ ai. Đặt gươm đao phủ vào tay họ, thì kẻ đầu tiên mất mạng sẽ chính là những trí thức khác.” Điều này xảy ra vì thói quen của giới trí thức Trung Quốc tự cho rằng mình có trí tuệ tối ưu, đạo đức tối ưu, lí tưởng tối ưu, và sự hiểu biết tối ưu, cao hơn bất cứ ai. Họ tự cho mình cái quyền “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của mọi người”, và tin rằng họ còn có thế cứu vớt mọi người thoát vòng tai ương và kiến tạo thiên đường trên mặt đất. Trương Tải (1020-1077 trước CN) đời nhà Tống tóm tắt mục tiêu của người trí thức Trung Quốc trong bốn câu sau đây: “Vì trời đất lập đạo, vì dân sinh lập mệnh, vì thánh nhân xưa mà truyền thụ giáo huấn, vì muôn đời mà mang lại thái bình.” Ngày nay nhiều trí thức Trung Quốc vẫn mang não trạng này, cho thấy truyền thống tự mãn và cuồng vọng của trí thức Trung Quốc đã trở nên thâm căn cố đế, khó thay đổi.
Giáo sư Lý Linh muốn kêu gọi giới trí thức Trung Quốc hôm nay học lại bài học lịch sử, biết giữ khoảng cách với nhà cầm quyền, từ bỏ mộng trở thành quân sư, chấm dứt việc biến kinh sách truyền thống thành công cụ chính trị, phải giữ tính độc lập trong tri thức, tư tưởng, học thuật, phát huy tinh thần sáng tạo của người trí thức. Ở đoạn cuối lời giới thiệu sách, giáo sư Lý viết:
“Hãy bình tâm mà đọc Luận ngữ, đừng chính trị hóa, đạo đức hóa, giáo phái hóa Luận ngữ. Mục tiêu duy nhất là tìm cho được con người Khổng Tử thật, giữa một thời đại mà, mượn chính lời Khổng Tử, lễ nhạc đã suy đồi.”
Nếu giới trí thức Trung Quốc bỏ qua lời khuyên này, số mệnh của họ sẽ chẳng khác gì những kẻ đi trước, sẽ chỉ là những con chó chạy quẩn quanh phục vụ kẻ khác, đến khi không được ai công nhận thì trở thành chó nhà tang lang thang xó chợ đầu đường, gặp vận may được cưng chiều thì làm chó gác cửa.
Theo tôi, đại bi kịch của lịch sử văn hóa Trung Quốc không phải là việc Tần Thủy Hoàng (259-210 trước CN) “đốt sách chôn nho”, mà chính là việc Hán Vũ Đế “bãi truất trăm nhà, độc tôn đạo Nho”. Từ chủ trương này, Đổng Trọng Thư (175-105 trước CN) đã sửa đổi học thuyết của Khổng Tử, biến những đế chế vốn dĩ được thiết lập dựa trên bạo lực trở thành biểu hiện của đạo trời. Nguyên lý của Đổng Trọng Thư, ghi trong cuốn Lịch sử Tiền Hán, cho rằng “trời không đổi gì thì không gì phải đổi” (“thiên bất biến đạo diệc bất biến”) là căn cứ để khẳng định tính hợp pháp của chế độ, rằng sự trường tồn của các triều đại là việc đã được vũ trụ an bài. Lập luận này khoác lên mình chế độ bạo lực toàn trị một lớp áo nhân trị êm ái. Đương nhiên các đế vương thấy ngay tác dụng của lớp áo ngoài này, nên đã tiếp tục lập đạo Khổng thành một ý thức hệ chính thống độc tôn và trở thành con đường chính thức để kẻ có học lập thân, có nghĩa là trở thành “đầy tớ ngoan ngoãn” cho kẻ cầm quyền. Chính Mao Trạch Đông cũng định vị thân phận của giới trí thức rất rõ ràng khi dùng câu nói “da [kẻ cầm quyền] không còn, thì lông [trí thức] bám vào đâu?”
Trách nhiệm lớn nhất của giới trí thức Trung Quốc hôm nay không phải là bảo vệ truyền thống sùng thánh mà quyền lực độc tài chủ xướng, mà là thoát khỏi sự lệ thuộc và vị thế phục dịch cho quyền lực độc tài kia. Chúng ta cần kế thừa và phát huy truyền thống Ngũ Tứ, mà giáo sư Trần Dần Khác (1899-1969) đã tóm tắt bằng câu “tư tưởng tự do, nhân cách độc lập”.
Lưu Hiểu Ba
Bắc Kinh, 18/8/2007
Xuất bản lần đầu trên vào ngày 2/9/2007 trên boxun.com.
 
 
Ghi chú của người dịch
** Xem “Khổng giáo, công cụ của quyền lực mềm“: Con số 320 Viện Khổng Tử được The Economist nhắc tới vào đầu năm 2011, trong khi ký giả Carrie Gracie của BBC gần đây lại nói có tới con số gần 1.000, đây là con số đáng ngờ, vì ngay cả phía Trung Quốc cũng chỉ dự định đạt được con số 1.000 Viện Khổng Tử vào năm 2020. Hình ảnh minh họa cho bài của Carrie Gracie cũng không chính xác vì bức tượng Khổng Tử tuy được khánh thành long trọng tại Thiên An Môn vào tháng 1/2011, nhưng đến tháng 4/2011 thì bức tượng cao 9 mét này đã được âm thầm dời đi trong đêm. Nghe nói tượng hiện được đặt trong vườn tượng thuộc Viện Bảo tàng Quốc gia. Nguồn các thông tin này xem tại: The Economist, 20/1/2011, BBC Việt ngữ 10/10/2012, Tân Hoa Xã (tiếng Anh), 10/2/2006.
——————————————
[1] Táng Gia cẩu: Ngã độc Luận ngữ 丧家狗:我读《论语》, Lý Linh, NXB Nhân Dân Sơn Tây, Trung Quốc, 2007
[2] Trong nguyên bản, Lưu Hiểu Ba dùng cụm từ “nhị thánh nhân, tam thánh nhân” để chỉ hai vị, dịch giả T. E. Moran nêu danh tính hai vị là Mạnh Tử và Vương An Thạch để độc giả phương Tây dễ hiểu. Ở nhiều đoạn khác, T. E. Morgan cũng ghi thêm ngày sinh, ngày mất bên cạnh tên tác giả để độc giả phương Tây dễ tham khảo.
[3] Quan điểm chỉ dùng Luận ngữ để tìm hiểu tư tưởng của Khổng Tử cũng là quan điểm của học giả Nguyễn Hiến Lê, vì có chứng cớ xác thực cho thấy Khổng Tử là người viết ra Luận ngữ, trong khi các tác phẩm khác lại không phải. Nguyễn Hiến Lê viết: “Từ xưa tới nay hầu hết các học giả viết về học thuyết Khổng tử đều dùng cả tứ thư lẫn Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Khổng Tử Gia ngữ v.v… làm tài liệu, như vậy theo tôi không phải là tìm hiểu Khổng Tử mà tìm hiểu Khổng giáo trong suốt thời Chiến Quốc, vì trong những sách dẫn trên, ngoài bộ Luận ngữ là bộ đáng tin nhất, còn thì bộ nào cũng chứa nhiều tư tưởng của người sau, không phải của Khổng Tử.
Tôi lấy thí dụ cuốn Đại học của Tăng Tử (một môn sinh được trực truyền) ngay trong đoạn đầu nói về việc tu thân để tề gia, trị quốc…, cũng đã có một ý tôi cho không phải của Khổng tử mà của Tăng Tử, tức “tri tri tại cách vật”, vì trong Luận ngữ ông không hề nói tới sự cách vật.
Sách Trung dung của Tử Tư, cháu nội Khổng Tử, cũng có những tư tưởng siêu hình, mà Khổng tử tránh phần siêu hình.
Rồi những câu “cương nhu tương thôi nhi sinh biến hóa”, “nhất hạp nhất tịch vi chi biến, vãng lai bất cùng vi chi đạo” (trong Kinh Dịch – Hệ từ thượng) mà nhiều người dẫn (chẳng hạn Trần Trọng Kim trong Nho giáo) và cho là quan niệm về thiên lý, về đạo của Khổng Tử, thì sao tôi thấy có màu sắc của Lão giáo quá.
Ngay như Lễ kí, thiên Tăng Tử Vấn (Tiểu Đái kí) phần lớn không tin được vì xuất hiện sau Khổng Tử bảy trăm năm (thế kỷ II sau Tây Lịch) và do người đời Hán viết.
Căn cứ vào những bộ đó thì không khác gì tô xanh tô đỏ lên học thuyết của Khổng Tử, còn đâu chân diện mục của nó nữa. Từ lâu tôi vẫn bất mãn về điều đó và chỉ thấy mỗi một học giả ở Pháp, ông Etiemble, trong cuốn Confucius (Gallimard 1966) là không dùng phương pháp đó mà chỉ căn cứ vào mỗi hệ Luận ngữ mà thôi.”
(Trích từ Lời nói đầu, Nguyễn Hiến Lê viết ngày 1/7/1978, in trong cuốn Khổng Tử, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1992, trang 7-8).
[4] Đoạn nói về “chó nhà tang” được Tư Mã Thiên ghi trong Sử ký như sau:
“Khổng Tử đến nước Trịnh, thày trò lạc nhau. Khổng Tử đứng một mình ở phía đông cửa thành. Có người nước Trịnh bảo Tử Cống:
- Ở cửa phía đông có một người trán giống Nghiêu, cổ có vẻ Cao Dao, vai ông ta giống Tử Sản, nhưng từ lưng trở xuống thì kém vua Vũ ba tấc, có vẻ băn khoăn lo lắng như con chó ở nhà có tang.
Tử Cống nói thực với Khổng Tử. Khổng Tử mừng rỡ cười mà rằng:
- Hình dáng bên ngoài là việc vụn vặt, nhưng nói “giống như con chó của nhà có tang” thì đúng làm sao! Đúng làm sao!”
(Trích Sử ký – Tư Mã Thiên, Phan Ngọc dịch và giới thiệu, NXB Văn Học, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 1999, trang 163-164)
[5] Trong cuốn Khổng Tử – Luận ngữ với cuộc sống hiện đại, do Dương Minh Hào sưu tầm và biên dịch, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2012, phần Lời mở đầu của Dương Minh Hào cũng ghi một “tin giật gân” tương tự, xin trích nguyên văn:
“Năm 1991 trong tuyên ngôn đại hội những người nhận giải thưởng Nôben toàn cầu tại có câu: ‘Nếu nhân loại muốn được tiếp tục sinh tồn ở thế kỷ 21, thì cần phải trở lại hơn hai ngàn năm trăm năm trước để hấp thu lấy những trí tuệ cũa Khổng Tử.’
Các nhà khoa học trên toàn thế giới đều đã nhất trí cao với nhận thức này.”
[6] Trích Luận ngữ, Nguyễn Hiến Lê chú dịch và giới thiệu, NXB Văn Học, năm 1994, trang 25.
[7] Trích từ Sử ký – Tư Mã Thiên, bản dịch của Phan Ngọc, sđd, trang 5-6.
 
 
Translated by Phan Trinh (22.11.2012)

Source : Pro&contra . 
 

9/1/13

Bên trong tổ tò vò có gì?

 

 

Cập nhật: 11:38 GMT - thứ tư, 9 tháng 1, 2013
Đà Nẵng
Đà Nẵng được nói là phát triển nhờ công của ông Nguyễn Bá Thanh

Dân gian có câu ca Tò vò mà nuôi con nhện, đến khi nó lớn nó quyện nhau đi… Có mà Giời biết bên trong tổ con tò vò thực sự có gì, nên câu ca này cũng có nghĩa tương đương với xanh vỏ đỏ lòng, hoặc với câuSông sâu còn có kẻ dò…
Bên Tây thì có chuyện về thần Hermes, cái đồng chí thần này chuyên làm nhiệm vụ truyền tin, thông báo những “Lời” của Đấng Sáng tạo Tối cao. Nhưng cái nhà ông thần này lại có tính chơi khăm, nghịch ngợm, ông ấy hay lỡm thiên hạ, bằng cách thông báo “Lời” của Bề trên một cách ỡm ờ, úp mở, thậm chí có khi còn cắt xén nữa cho thiên hạ mỏi cổ đoán mò rồi thì tha hồ mỏi miệng cãi nhau.
Dựa theo cái tâm lý người đời thể hiện trong cách cư xử của thần Hermes, các nhà khoa học đương thời mở ra khoa Hermeneutics (hoặc tiếng Pháp Herméneutique) được gọi cho gọn là khoa Văn bản học mà nhiệm vụ của nó là tìm hiểu, giải mã, lý giải về bản chất của một văn bản.
Xin đừng hiểu “văn bản” chỉ là những bài văn viết. Một tượng đài là một văn bản. Một lễ hội là một văn bản. Một cách ăn mặc cũng có thể là một văn bản nốt. Gần đây, Việt Nam có vài “văn bản” gây tranh cãi như Đinh La Thăng, Vương Đình Huệ, Nguyễn Chí Vịnh, và gần hơn nữa có cái văn bản cực kỳ “hot” Nguyễn Bá Thanh.
Về Đinh La Thăng, từ hôm ông ta nhậm chức rồi đi “mua” dư luận trên những tờ báo dễ tính về việc ông ta đi làm bằng xe buýt, thì kẻ viết bài này chỉ nhún vai coi trò quảng cáo đó là vô cùng rẻ tiền, ai ngu lắm mới tin ông ta giỏi.
Sao dám nói thế? Một người lãnh đạo khi đụng vào một việc gì là phải nhằm nghiên cứu về sự vật đó và tìm cách làm cho cái sự vật đó đẹp lên, tốt lên. Người ta không cần một lãnh đạo hà tiện cả đời ăn cơm muối vừng và đi xe buýt. Người ta cần anh ta chị ta đi xe buýt và thấy ngay mình cần làm gì, cơ quan mình cần làm gì, chính phủ mình cần làm gì, để xe buýt trở thành phương tiện friendly với mọi người.

Bộ trưởng Đinh La Thăng gây tranh cãi nhiều trong dư luận
Với Đinh La Thăng, sau vài ba chuyến đi xe buýt, tình hình loại hình giao thông công cộng vô cùng quan trọng này trước sau vẫn y như cũ. Trên xe buýt có một cái biển Nội quy hành khách đi xe buýt mà ngay cái tên đã thiếu văn hóa. Một em bé học lớp Hai học kỹ từ Hán Việt sẽ thấy “nội quy” là quy định trong nội bộ một cộng đồng. Nội quy của cán bộ và nhân viên hãng xe buýt chẳng hạn. Hành khách đi xe buýt là một đám đông chứ không phải là một cộng đồng. Nếu là một viên Bộ trưởng có học vấn tử tế từ lớp Hai, thì hẳn phải nhìn thấy điều sơ đẳng đó. Hà Nội xe buýt có nội quy, Sài Gòn xe buýt không có nội quy, xe của hai nơi phục vụ tốt ngang nhau, vậy thì làm cả ngàn tấm biển nội quy ở Hà Nội là tiêu phí ngần ấy tiền.
Bạn sẽ nói: ô hay, nói chuyện gì lặt vặt? Đấy chính là cốt lõi gây khuyết điểm (có khi tội lỗi) cho nhiều thứ hoạt động ở nước ta: các quý vị cán bộ anh nào cũng thích là “lãnh đạo” (bây giờ thì rất vênh vang với chữ “quan chức”), không thấy mình là một người làm những việc cụ thể.
Đây là một số việc mà lao động cụ thể Đinh La Thăng dễ dàng tìm ra mà xử lý. Ở điểm chờ xe buýt, dễ dàng thấy cảnh người người rủ nhau nhảy qua rào chắn giữa đường để chuyển sang bến xe buýt chuyển tiếp mình cần đi. Ai không tin xin mời lên cuối đường Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội) và cứ theo tần suất 5 phút sẽ được chứng kiến chừng mười thượng đế của ngành Giao thông leo rào như khỉ.
Chờ xe xong thì lên xe. Thật điếc tai vì những bản nhạc vô cùng thiếu văn hóa của mấy ông lái xe và phụ xe (Nói cho công bằng, cũng lại có tuyến buýt rất êm ả dùng loa thông báo các bến đỗ). Đó chính là chỗ “nội quy” cần tác động vào cộng đồng lao động xe buýt: trên xe, loa dùng để làm gì và chỉ dùng vào việc gì và chỉ được dùng vào lúc nào. Đến bến đỗ, xe phải dừng bao lâu, và chỉ được lăn bánh khi có hiệu lệnh của ai (thời Pháp thuộc, anh “xơ-vơ” bán vé kiêm việc canh cửa cho người lên đủ thì giật chuông ra hiệu cho xe chạy).
Và còn nhiều thứ nữa xoay quanh chỉ một việc Bộ trưởng đi xe buýt không chỉ là vấn đề đi xe buýt mà là đi để thanh sát… Nhưng thôi, tôi là người có nghề nghiệp khác, tôi viết bài này chỉ là để sẽ bàn tới chuyện khác, chứ tôi đâu đã đến nỗi phải đi thanh sát xe buýt! Nên dừng chuyện Đinh La Thăng ở đây.
"Đừng khen Nguyễn Bá Thanh vì có Đà Nẵng đẹp. Đà Nẵng còn có thể đẹp hơn nữa nếu có một cách làm việc tự do hơn, dân chủ hơn, phi-Bá Thanh hơn, phi cả cái tổ tò vò hơn."
Và sang chuyện Nguyễn Bá Thanh. Nếu Đinh La Thăng bộp chộp dễ hở sườn, thì Nguyễn Bá Thanh giỏi tâm lý hơn, và biết lúc nào nên xông lên và lúc nào nên ngồi im. Để ý mà coi: trong các cuộc họp Quốc hội, Nguyễn Bá Thanh rất ít nói, ngồi họp thường cúi mặt gườm gườm, thấy rõ cái tâm trạng muốn “nổ” lắm nhưng kiềm chế.
Ông ta chỉ nổ ở lãnh địa của mình. Nhưng ngay ở đây, ông cũng không nổ chuyện Cồn Dầu, mà rất có thể trong vụ này ông chẳng có mấy thực quyền. Nói “rất có thể” không vì dè dặt, mà vì cái lãnh địa Nguyễn Bá Thanh lại nằm bên trong cái lãnh địa còn lớn hơn nữa của cái nhóm lợi ích còn to hơn nhóm Nguyễn Bá Thanh nữa. Bên trong cái nhóm lợi ích to đùng kia, Nguyễn Bá Thanh chẳng là cái đinh gì. Là con tò vò hay là con nhện hay là con gì khác?
Nhưng rõ ràng với đàn em trong thành bang của mình, thì Nguyễn Bá Thanh có oai. Nhưng cái oai Nguyễn Bá Thanh cũng chỉ ở tầm Đinh La Thăng đi xe buýt là cùng. Đừng khen Nguyễn Bá Thanh vì có Đà Nẵng đẹp. Đà Nẵng còn có thể đẹp hơn nữa nếu có một cách làm việc tự do hơn, dân chủ hơn, phi-Bá Thanh hơn, phi cả cái tổ tò vò hơn.
Nguyễn Bá Thanh có oai ở lãnh địa của mình không vì ông ta giỏi mà còn vì đàn em của ông ta hèn. Không phải vì ông ta thẳng thắn mà vì đàn em của ông ta không chọn cách đối đầu vô ích. Họ đường đường là Giám đốc Sở, chẳng gì thì dưới quyền mình có khi cũng có tới cả ngàn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, kỹ sư, những danh hiệu ưu tú này nọ… Thế hà cớ gì con cua đi ngang con ếch bị nó vỗ cái đã co càng lại cho nó nuốt? Không một ai vặn ông Thanh rằng ngoài việc “truy sát” các giám đốc nhân những cuộc họp toàn thành phố, Nguyễn Bá Thanh giúp gì cho các nhân vật bị truy bằng những giải pháp nghiệp vụ cụ thể? (Hình như nhiều tờ báo vui miệng vẫn quên chưa nêu chuyện này).
Nguyễn Bá Thanh
Ông Nguyễn Bá Thanh được trông chờ sẽ chiến đấu chống tham nhũng
Suy cho cùng, ứng xử của Nguyễn Bá Thanh ở thành bang Đà Nẵng của ông có vẻ là chuyện chiến tranh tâm lý và chuyện về tâm lý ứng xử cả thôi! Tại cương vị công tác mới, Nguyễn Bá Thanh sẽ chẳng có cấp dưới để quát nạt ra oai, bây giờ là lúc và là nơi phải làm việc theo lối đồng thuận, thuyết phục nhau và hợp tác cùng nhau – một cách làm việc tự do dân chủ thời bình giữa những con người ít ra thì cũng có vẻ ngoài có học, và vẻ ngoài cũng tỏ ra là đủ tư cách (không khéo léo, để bọn mũ cao áo dài này phản đối liên miên thì có mà toi!).
Thế nên, nhân vụ Nguyễn Bá Thanh, cũng là lúc nên nêu ra vài câu hỏi:
(1) Căn cứ vào đâu mà đề bạt ông Nguyễn Bá Thanh vào chức vụ mới vô cùng quan trọng trong cuộc chống tham nhũng? Ông Thanh có đề án đăng ký tự giao nhiệm vụ và biện pháp thực thi không?
(2) Ngoài Nguyễn Bá Thanh, còn có ai cũng xung phong ứng cử nhận công việc được giao cho ông Thanh? Vì sao lại chọn Nguyễn Bá Thanh thay cho một ứng cử viên khác?
(3) Cứ cho là Nguyễn Bá Thanh đáng tin cậy trong việc hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ mới. Nhưng, ngộ nhỡ ông ta làm hỏng việc thì sao? Lấy chuẩn mực nào để đánh giá ông làm tốt hay không tốt công việc?
Và thế là có thể thấy người Việt Nam sẽ còn đau khổ dài dài vì chuyện thăng quan tiến chức thiếu công khai nên rất dễ bị dư luận gộp chung vào những vụ mua quan bán chức đầy dẫy khác, mà nguyên nhân sâu xa chỉ có một: cách thức đề bạt người gánh vác sơn hà.
Chẳng nhẽ người Việt Nam sang thế kỷ XXI chỉ còn những “hiền tài” tầm cỡ Đinh La Thăng, Vương Đình Huệ… và bây giờ thêm Nguyễn Bá Thanh?
Rõ ràng là cần đi sâu vào bên trong cái tổ con tò vò, thử coi bên trong đó có những cây gì và con gì.

Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, một nhà văn-nhà giáo đang sống ở Hà Nội. Bài viết đã đăng lần đầu ở trang Bấm Bauxite Việt Nam.
Theo BBC
 

8/1/13

Thanh Tâm Tài Nhân Thi Tập Tự (青心 才 人 詩 集 序)


Thanh Tâm Tài Nhân Thi Tập Tự
青心 才 人 詩 集 序

(Tựa Thanh Tâm Tài Nhân Thi Tập ) - Chu Mạnh Trinh
---
Kim sử duyên đề tặng phiến,
今使 緣 締 贈 扇,
Liêu Dương bất quy thúc phụ chi tang;
遼陽 不 歸 叔 父 之 喪;
biến khởi mại ty,
變起 賣 絲,
Lôi châu tức biện oan dân chi án;
雷州 即 辦 寃 民 之 案;
tắc sắt cầm hảo hợp,
則瑟 琴 好 合,
cốt nhục đoàn viên;
骨肉 團 圓;
bích ngọc trường lưu,
碧玉 長 留,
tử thoa bất đoạn;
紫釵 不 斷;
yên hoa thương khách,
烟花 商 客,
hà lai mãi tiếu chi kim;
何來 買 笑 之 金;
thanh giáo ngoại thần,
聲教 外 臣,
chung trở quy hàng chi giáp;
終阻 歸 降 之 甲;
Hà dĩ biểu khuê nhân chi hiếu hạnh,
何以 表 閨 人 之 孝 行,
kiến hiệp nữ chi cơ quyền;
見俠 女 之 機 權;
Nãi tri: sự phi khúc tắc bất kỳ,
乃知: 事 非 曲 則 不 奇,
ngộ dũ truân nhi nãi hiển.
遇愈 屯 而 乃 顯.
Khanh chân đạt giả,
卿真 達 者,
tu tri thương hạo chi liên tài;
須知 蒼 昊 之 憐 才;

ngã diệc vân nhiên,
我亦 云 然,
mạc oán hồng nhan chi vô phận.
莫怨 紅 顏 之 無 分.
Độc thị: vị thông môi chuớc,
獨是: 未 通 媒 妁,
tiên đính tư minh,
先訂 私 盟,
nhất trụy phồn hoa,
一墜 繁 花,
tiện thành kết tập.
便成 結 習.
Hoặc giả vị thủy đãng vân lưu chi thái;
或者 謂 水 蕩 雲 流 之 態;
luân nhi vi chi nghênh diệp tống chi phong.
淪而 為 枝 迎 葉 送 之 風.
Bất tri hồng hạnh xuất tường,
不知 : 紅 杏 出 墻,
vị phó hương tâm ư phấn điệp;
未付 香 心 於 粉 蝶;
Sương phong ẩm hận,
霜鋒 飲 恨,
khủng diên họa sự ư trì ngư.
恐延 禍 事 於 池 魚.
Lệ kính lý chi băng sương,
勵鏡 裏 之 冰 心(?),
độ sầu biên chi tuế nguyệt.
度愁 邊 之 歲 月.
Vô hà chi bích,
無瑕 之 壁,
giá khả trọng ư liên thành;
價可 重 於 連 城;
dĩ thệ chi ba,
已逝 之 波,
mộng do hồi ư cựu phố.
夢猶 回 於 舊 浦.
Thí bình tình nhi trước luận,
試平 情 而 著 論,

nghi lược tích nhi nguyên tâm.
宜略 迹 而 原 心.
Hựu huống: thập thủ tân thi,
又況: 十 首 新 詩,
quán nhập đoạn trường chi tập;
冠入 斷 腸 之 集;
tứ huyền cung oán,
四絃 宮 怨,
phổ thành bạc mệnh chi âm.
譜成 薄 命 之 音.
Giác thê lương kỳ não nhân,
覺棲 涼 其 惱 人,
phục phinh đình nhi cố ảnh.
復娉 婷 而 顧 影.
Hoa ưng thâu diễm,
花應 輸 艷,
liễu dục tăng kiều.
柳欲 憎 嬌.
Tham bắc bộ chi phong tao,
參北 部 之 風 騷,
tiếu đề diệc vận;
笑啼 亦 韻;
thiện nam triều chi phấn đại,
擅南 朝 之 粉 黛,
nùng đạm tương nghi.
濃淡 相 宜.
Cố nghi chư lão chung tình,
固宜 諸 老 鍾 情,
biến danh tính ư quần biên tụ giác;
遍名 姓 於 裙 邊 袖 角;
toại sử thiên thu ký sự,
遂使 千 秋 記 事,
thái phong lưu ư thặng phấn tàn chi.
採風 流 於 剩 粉 殘 脂.
Ta hồ! Tiểu trích phong trần,
嗟乎! 小 謫 風 塵,
kỷ tao ma nghiệt!
幾遭 魔 孽.
Tình thiên hạo diểu,
情天 浩 渺,
hận hải thương mang.
恨海 滄 茫.
Tùy phong chi nhứ hà y;
隨風 之 絮 何 依;
Trụy khổn chi hoa vô lại!.
墜悃(?) 之 花 無 賴.
Can khanh thậm sự,
干卿 甚 事,
thế cổ thiên sầu.
替古 偏 愁.
Nhiên nhi, thính nguyệt dạ chi tỳ bà,
然而, 聽 月 夜 之 琵 琶,
thanh sam dị thấp;
青杉(?) 易 濕;
xướng cách giang chi ngọc thụ,
唱隔 江 之 玉 樹,
bạch mấn thiêm hoa.
白鬢 添 花.
Do lai danh sĩ giai nhân,
由來 名 士 佳 人,
túc thế hữu hoa nghiêm chi kiếp;
夙世 有 花 嚴 之 劫;
Hưu quái thanh sơn hoàng thổ,
休怪 青 山 黃 土,
thiên cổ đồng luân lạc chi bi.
千古 同 淪 落 之 悲.
Bộc bản đa tình,
僕本 多 情,
cảm thâm đồng điệu.
感深 同 調.
Vị ngộ không hoa ư sắc giới,
未悟 空 花 於 色 界,
thiên liên ảo mộng ư xuân trường.
偏憐 幻 夢 於 春 場.
Kim ốc A Kiều,
金屋 阿 嬌,
mạn trước bán không chi tưởng;
漫著 半 空 之 想;
mỹ nhân phương thảo,
美人 芳 草,
bằng chiêu cách đại chi hồn.
憑招 隔 代 之 魂.
Ngẫu hững bút dĩ trừu tư,
偶興 筆 以 抽 思,
toại trục hồi nhi tưởng vịnh.
遂逐 回 而 想 詠.
Ngôn chi trường dã,
言之 長 也,
tạ đương khách song thính vũ chi đàm;
藉當 客 窗 聽 雨 之 談;
linh chi lai hề,
靈之 來 兮,
hoặc tại Lạc phố lăng ba chi dạ .
或在 洛 浦 淩 波 之 夜.

Chu Mạnh Trinh (1862-1905)
( Việt Nam Văn học giảng bình của Phạm Văn Diêu, nxb Tân Việt, 1961 )
Tác giả : Chu Mạnh Trinh, tự Cán Thần, hiệu là Trúc Vân, người Hưng Yên, sinh năm 1862. Ông thi đỗ tú tài, sau đó đỗ giải nguyên kỳ thi hội, cuối cùng đỗ đệ tam tiến sĩ thời Thành Thái, làm tới Án sát sứ tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Nguyên. Tiếc thay một đời danh sĩ tài hoa thực là ngắn ngủi, ông mất khi tròn 43 tuổi.

***

Tựa Thúy Kiều - Chu Mạnh Trinh
Diễn Nôm : Tchya & Đàm Quang Thiện
Kim sử: Duyên đề tặng phiến, Liêu Dương bất qui thúc phụ chi tang; biến khởi mãi ty, Lôi Châu tức biên oan dân chi án; tác sắc cầm hảo hợp, cốt nhục đoàn viên, bích ngọc trường lưu tử thoa bất đoạn. Yên hoa thương khách hà lai mái tiếu chi kim; thanh giáo ngoại thần chung trở qui hàng chi giáp. Hà dĩ biểu khuê nhân chi hiếu hạnh, kiến hiệp nữ chi cơ quyền. Nay ví thử: duyên ưa trao quạt, Liêu Dương chẳng vì tang chú trở về; biến tại bán tơ, Lôi Châu giá được dân oan minh án; thì chắc đẹp duyên đôi lứa, đoàn tụ cả nhà, ngọc bích còn nguyên, thoa vàng chẳng gẫy. Mà đâu có thể làng chơi son phấn, đem vàng mua được nụ cười; lại chẳng bao giờ, ngoài cõi anh hùng, cổi giáp quay đầu chịu phục. Thì sao: tỏ rõ phòng khuê mà hiếu hạnh, thấy được gái nghĩa hiệp lại cơ quyền.
Nãi tri: sự phi khúc tắc bất kỳ, ngộ dũ truân nhi nãi hiển. Khanh chân đạt giả, tu tri thương hiệu chi liên tài, ngã diệc vân nhiên, mạc oán hồng nhan chi vô phận. Độc thị: vị thông môi chước, tiện đính tư minh, nhất truỵ phiền hoa, tiên thành kết tập. Thế mới biết không rắc rối việc chẳng phi thường, có gian truân danh càng rạng rỡ. Nàng đà hiểu đó, Trời xanh thương khách tài hoa; ta nói vậy thôi, má đỏ oán chi phận bạc. Chỉ vì: chưa thông môi lái, đã nặng thề bồi, lỡ bước phồn hoa, quen đường gió bụi.
Hoặc giả vị thuỷ đãng vân lưu chi thái, luận nhi vi nghênh diệp tống chi phong. Bất tri: hồng hạnh xuất tường, vị phó hương tâm ư phấn điệp; sương phong ẩm hận, khủng diên hoạ sự ư trì ngư. Lệ kính lý chi bằng sương, độ sầu biên chi tuế nguyệt. Vô hà chi bích, giá khả trọng ư liên thành; dĩ thệ chi ba, mộng do hồi ư cựu phố. Hoặc có người nói, sở dĩ lá đưa cành đón, chỉ vì nước chảy mây trôi. Ai biết đâu hạnh thắm vượt tường, chưa gửi nhuỵ thơm cho bướm; dao oan nuốt hận, chỉ lo vạ cháy theo thành ven cõi sầu ngày tháng phôi pha; trong lòng kính tuyết sương gắng gỏi. Ngọc không hoen ố, giá cao kỳ xiết mấy thành liền; sóng đã trôi xuôi, hồn lẩn quất về phố cũ.
Thí bình nhi trước luận, nghi lược tích nhi nguyên tâm. Hựu huống: thập thủ tân thi, quán nhập đoạn trường chi tập; tứ huyền cung oán, phổ thành bạc mênh chi âm. Giác thê lương kỳ não nhân, phục dỉnh đình nhi cố ảnh. Hoa ưng thâu diễm, liễu dục tăng kiều. Tham bắc bộ chi phong tao, tiếu đề diệc vận; thiện nam triều chi phấn đại, nùng đạm tương nghi. Như bình tình mà phán đoán, nên xét lại tự căn nguyên. Huống chi: nhất giải đoạn trường, thơ mới mười bài tuyệt tác; bốn giây bạc mệnh Hồ một khúc lâm ly. Bi ai những não lòng người; tha thuớt còn ngờ bóng cũ. Hoa ưng khoe thắm, liễu muốn thêm tươi. Đất Bắc thấm mùi lịch sự, cười khóc nên thơ; trời Nam rạng vẻ phấn son, thắm phai đượm nét.
Cố nghi chư lão chung tình, biến danh tính ư quần biên tụ giác; toại sử thiên thu ký sự, thái phong lưu ư thặng phấn tàn chi. Ta hồ, tiểu trích phong trần, kỷ tao ma nghiệt! Tình thiên hạo diểu, hận hải thương mang! Tuỳ phong chi nhứ hà y, truỵ khổn chi hoa vô lại! Can khanh thậm sự, thế cổ thiên sầu! Nhiên nhi, thính nguyệt dạ chi tỳ bà, thanh sam dị thấp; xướng cách giang chi ngọc thụ, bạch mấn thiêm hoa. Cho nên bao người cũ say đời tình chung, đem tính danh ghi góc áo xiêm; ngàn thu sau tiếc chuyện phong lưu, viết sử sách vớt hương thừa phấn cũ. Than ôi! gió bụi một phen, nổi chìm mấy độ. Trời tình bát ngát, bể hận mênh mang, sợi tơ mành gió cuốn lênh đênh, đoá hoa rụng quê người trôi dạt...Xét đến nàng cũng hay mua việc, chuyện ngàn thu còn áo não làm chi? Chẳng qua: đêm trăng nghe khúc Tỳ Bà, áo xanh đẫm lệ; cách bến hát câu ngọc thụ, tóc trắng thêm sương.
Do lai danh sĩ giai nhân, túc thế hữu hoa nghiêm chi kiếp. Hưu quái thanh sơn hoàng thổ, thiên cổ đồng luân lạc chi bi. Bộc bản đa tình, cảm thâm đồng điệu. Vị ngộ không hoa ư sắc giới, thiên liên ảo mộng ư xuân trường. Kim ốc a kiều, mạn truớc bán không chi tưởng; mỹ nhân phương thảo, bằng chiêu cách đại chi hồn. Ngẫu hứng bút dĩ trừu tư, toại trục hồi nhi tưởng vịnh. Ngôn chi trường dã, tạ đương khách song thính vũ chi đàm; linh chi lai hề, hoặc tại Lạc phố lăng ba chi dạ. Xưa nay danh sĩ giai nhân, hoa nghiêm vẫn một đời gian khổ; xót lẽ đất vàng núi biếc, luân lạc cùng muôn thuở đau thương. Tớ vốn nhiều tình, cảm ai cùng điệu. Cõi sắc hoa không chửa tỉnh; trường xuân mộng ảo còn say. Phương thảo gọi hồn, mường tượng người xưa phảng phất; nhà vàng xây mộng, mơ màng bóng ngọc thuớt tha. Chuyện cũ bâng khuâng, sẵn bút đề thơ ngẫu hứng; người xưa tưởng nhớ, chia hồi ngâm vịnh tiêu tao. Nói chẳng hết lời, ngoài cửa mưa thu rả rích; hồn thiêng chăng lẽ, đêm trường Lạc Phố chơi vơi...
Diễn Nôm : Tchya & Đàm Quang Thiện

Bản dịch : Lãng Nhân
Nay ví thử: duyên ưa trao quạt, Liêu Dương chẳng vì tang chú trở về; biến tại bán tơ, Lôi Châu giá được dân oan minh án; thì chắc đẹp duyên đôi lứa, đoàn tụ cả nhà, ngọc bích còn nguyên, thoa vàng chẳng gẫy. Mà đâu có thể làng chơi son phấn, đem vàng mua được nụ cười; lại chẳng bao giờ, ngoài cõi anh hùng, cổi giáp quay đầu chịu phục. Thì sao: tỏ rõ phòng khuê mà hiếu hạnh, thấy được gái nghĩa hiệp lại cơ quyền. Ví thử : Gắn bó tự ngày trao quạt, tang Liêu Dương đừng lỡ hẹn duyên hài, đặt bày do gã bán tơ, án Lôi quận giải ngay niềm oan khuất. Ắt là : Sắt cầm êm ả, cốt nhục sum vầy. Ngọc biếc vẫn lành thoa vàng không gãy. Lả lơi hoa rượu, khách làng chơi đâu được dịp mua cười; ngang dọc biên thùy, tay cung kiếm há thua cơ bó giáp ?. Thì sao thấy được : Chốn khuê các đã đủ điều hiếu hạnh; bạn quần thoa mà biết lẽ kinh quyền !
Thế mới biết không rắc rối việc chẳng phi thường, có gian truân danh càng rạng rỡ. Nàng đà hiểu đó, Trời xanh thương khách tài hoa; ta nói vậy thôi, má đỏ oán chi phận bạc. Chỉ vì: chưa thông môi lái, đã nặng thề bồi, lỡ bước phồn hoa, quen đường gió bụi. Mới hay : Việc đời khuất khúc, chuyện mới ly kỳ; cảnh ngộ éo le, nết càng tỏ rõ. Nàng đà thừa hiểu; từ xưa trẻ tạo vẫn lân tài; ta lại nhủ cùng; đâu phải má hồng đều tủi phận. Chỉ vì : Chưa mối manh đã vội thề bồi; mắc trăng gió mới thành hư hỏng.
Hoặc có người nói, sở dĩ lá đưa cành đón, chỉ vì nước chảy mau trôi. Ai biết đâu hạnh thắm vượt tường, chưa gửi nhuỵ thơm cho bướm; dao oan nuốt hận, chỉ lo vạ cháy theo thành ven cõi sầu ngày tháng phôi pha; trong lòng kính tuyết sương gắng gỏi. Ngọc không hoen ố, giá cao kỳ xiết mấy thành liền; sóng đã trôi xuôi, hồn lẩn quất về phố cũ. Hoặc lại bảo : nước chảy mây bay quen mất nết; hóa cho nên : lá đưa cành đón dễ hư thân. Nào biết đâu : Nhị vẫn phong hương, chẳng để bướm ong thông được lối; dao toan cắt hận, nhưng e ao cá cháy theo thành. Mài mảnh gương soi rõ tấm băng trinh; ôm nỗi khổ gắng qua ngày tủi nhục. Ngọc không mãi bợn, há thua đâu giá trọng liên thành; nước dẫu trôi xuôi, vẫn nhớ đến mối tình cựu phố.
Như bình tình mà phán đoán, nên xét lại tự căn nguyên. Huống chi: nhất giải đoạn trường, thơ mới mười bài tuyệt tác; bốn giây bạc mệnh Hồ một khúc lâm ly. Bi ai những não lòng người; tha thuớt còn ngờ bóng cũ. Hoa ưng khoe thắm, liễu muốn thêm tươi. Đất Bắc thấm mùi lịch sự, cười khóc nên thơ; trời Nam rạng vẻ phấn son, thắm phai đượm nét. Ví muốn bàn cho thấu đáo; - cũng nên xét đến tâm tình. Huống chi : Bốn dây gió thảm mưa sầu, phả thiên bạc mệnh, mười vận hoa thêu gấm dệt, chiếm giải Đoạn trường.
Những nghe đã xót xa lòng, tưởng đến càng mê mẫn bóng. Hoa đành thua vẻ; liễu muốn ghen mầu. Hội phong tao đất Bắc nên trang, khóc cười phải điệu. Nét son phấn miền Nam đáng bậc, đậm nhạt ưa nhìn.
Cho nên bao người cũ say đời tình chung, đem tính danh ghi góc áo ven xiêm; ngàn thu sau tiếc chuyện phong lưu, viết sử sách vớt hương thừa phấn cũ. Than ôi! gió bụi một phen, nổi chìm mấy độ. Trời tình bát ngát, bể hận mênh mang, sợi tơ mành gió cuốn lênh đênh, đoá hoa rụng quê người trôi dạt...Xét đến nàng cũng hay mua việc, chuyện ngàn thu còn áo não làm chi? Chẳng qua: đêm trăng nghe khúc Tỳ Bà, áo xanh đẫm lệ; cách bến hát câu ngọc thụ, tóc trắng thêm sương. Vậy nên những khách tài hoa, chẳng ngại đề tên họ bên chéo quần tay áo; lại khiến ngàn năm ghi chép, không nề nhặt phong lưu nơi phấn sót hương thừa. Than ôi ! Mới lọt vào một kiếp phong trần; đã vương lấy bao phen oan nghiệt. Trời tình u uất, biển hận vơi đầy. Sợi tơ mành phó mặc gió bay, cánh hoa rụng, sá gì bàn lội. Từ trước đã dư người hoài cảm, sao nay còn hận nỗi thương tâm ? Ấy cũng vì : Tiếng tỳ bà nghe lắng đêm trăng, áo xanh dễ đầm giọt lệ; khúc ngọc thụ vẳng qua mặt sóng, tóc bạc thêm đượm màu sương ...
Xưa nay danh sĩ giai nhân, hoa nghiên vẫn một đời gian khổ; xót lẽ đất vàng núi biếc, luân lạc cùng muôn thuở đau thương. Tớ vốn nhiều tình, cảm ai cùng điệu. Cõi sắc hoa không chửa tỉnh; trường xuân mộng ảo còn say. Phương thảo gọi hồn, mường tượng người xưa phảng phất; nhà vàng xây mộng, mơ màng bóng ngọc thuớt tha.

Chuyện cũ bâng khuâng, sẵn bút đề thơ ngẫu hứng; người xưa tưởng nhớ, chia hồi ngâm vịnh tiêu tao. Nói chẳng hết lời, ngoài cửa mưa thu rả rích; hồn thiêng chăng lẽ, đêm trường Lạc Phố chơi vơi...

( Bản dịch Tchya Đái Đức Tuấn & Đàm Quang Thiện )


Cho hay danh sĩ giai nhân, nợ sau trước cũng âu người một hội; Dẫu ở non xa nước lạ, kiếp sông hồ khôn thoát hận ngàn thu. Ta vốn đa tình; - luống thương đồng điệu. Cõi Sắc hoa Không chưa giác ngộ; đài xuân giấc bướm vẫn mơ màng. Cỏ Mỹ nhân một bó u hoài, hồn thơm có thấu ? Tòa Kim ốc những hằng vọng tưởng, vóc ngọc còn đâu ?

Sẵn bút hoa tả mối sầu tư, đem truyện cũ chia hồi tưởng vịnh :
Giãi mãi mà ân tình chưa dứt, giọt
mưa đêm còn thánh thót bên khách song; thiêng chăng thì hiển hiện cho xem, bóng người đẹp chùng nhởn nhơ nơi Lạc phố ...

( Bản dịch Lãng Nhân )

***


Gửi Anh TchyA
20-8-53

Nghe Anh trở lại chốn Kinh kỳ
Lấy bút làm guơm, rạch thị phi
Mây nuớc bao la còn nhớ hẹn
Cỏ cây sơ sác ngẫm càng bi
Nửa đầu sương tuyết ngô hoàn ngã
Một mái non sông khách thị thuỳ
Sóng rộn dòng Hương thuyền mấy lá
Vẳng nghe tiếng dáo, tiếng ngâm thi...

Lãng Nhân

Tựa Thuý Kiều : Bản dịch Đoàn Tư Thuật

Giả sử ngay khi trước, Liêu Dương cách trở, duyên chàng Kim đừng lỡ việc ma chay; quan lại công bằng, án Viên ngoại tỏ ngay tình oan uổng, thì đâu đến nỗi son phấn mấy năm lưu lạc, đem thân cho thiên hạ mua cười, mà chắc biên thuỳ một cõi nghênh ngang, ai xui được anh hùng cởi giáp. Thì sao còn tỏ được là người thục nữ mà đủ đường hiếu nghĩa, tay đàn bà mà lại có cơ quyền. Thế mới biết, người khôn thì hay gặp gian truân, chuyện đời khéo lắm trò quanh quẩn.

Con tạo hoá vốn thương yêu tài sắc, nàng đà biết thế hay chưa? Khách má hồng đừng giận nỗi trăng già, ta cũng khuyên lời phải chẳng. Chỉ vì một tội, mối manh chưa có, thề thốt đã nhiều, trăng gió mắc vào, phồn hoa dính mãi.

Cũng có người bảo: Tại nước chảy mây trôi lỡ bước, nên cành đưa lá đón quen thân. Nào biết đâu bông hạnh nở ngoài tường, chưa để con ong qua tới; cho có muốn lưỡi dao liều với mạng, lại e thành cháy vạ lây. Tấm lòng này như tuyết như gương, mối sầu nọ qua ngày qua tháng. Ngọc kia không vết, giá liên thành khôn xiết so bì; nước đã trôi xuôi, hồn cựu mộng hãy còn ngơ ngẩn.

Bàn cho thật phải, tình cũng nên thương. Lại xem như bút mực tài hoa, đoạn trường mười khúc, trúc tơ phong nhã, hồ cầm một chương; câu thần vẳng vọng tiêu tao, bóng ngọc tưởng chiều não nuột, hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh, vậy nên khách đa tình say chuyện phong lưu, trăm năm cũ còn ghi tên tuổi hão, người chép sách tiếc vì tài sắc, ngàn thu sau nhặt lấy phấn hương thừa.

Than ôi, một bước phong trần, mấy phen chìm nổi... trời tình mờ mịt, bể hận mênh mang. Sợi tơ mành theo gió đưa đi, cánh hoa rụng chọn gì đất sạch. Ai dư nước mắt khóc người đời xưa, thế mà giống đa tình luống những sầu chung, hạt lệ Tầm Dương chan chứa; lòng cảm cựu ai xui thương mướn, nghe câu ngọc thụ não nề.

Cho hay, danh sĩ giai nhân, cùng một kiếp hoa nghiêm nặng nợ. Ngán nỗi non xanh đất đỏ, để riêng ai luân lạc đau lòng. Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu. Cái kiếp không hoa lẩm cẩm, con hồn xuân mộng bâng khuâng. Đã toan đúc sẵn nhà vàng, chờ người quốc sắc, lại muốn mượn chùm phương thảo, hú vía thuyền quyên.

Sẵn bút nghiên chia vịnh từng hồi, đem sự tích tóm làm một tựa. Bây giờ kể còn dài chưa hết, hạt ba tiêu như thánh thót mưa thu. Hỡi ơi, hồn đà có biết hay chăng? Bóng hoàn bội tưởng ra vào Lạc phố.

( Compiled by Tran Ho Dung )

7/1/13

Hồ trường ....rót về đâu



" Ai người tri kỷ
hãy cùng ta cạn một hồ trường "



Rượu này không rót về phương Bắc

Hướng giặc lăm le  cướp nước tôi

Rượu này chẳng rót về phương Nam

Sợ mẹ và em tràn nước mắt

Rượu này không rót về phương Tây

Nỗi nhục trăm năm chưa xóa hết

Rượu này chẳng rót về phương Đông

Nơi bầy sói lang đang xâu xé ..


Hồ trường không rót về đâu cả !

Chỉ rót vào lòng cho bớt đau

Và xin được rót vào đất Mẹ !

ấm chút thịt xương anh em nằm  

Nơi ấy không còn phân biệt nữa

Tất cả , đều con của Mẹ thôi !

Những đứa con    hồn còn vất vưởng

Hãy về đây cạn một hồ trường !

Tranhodung .Washington .USA .Memorial Day 2012

6/1/13

Âm trầm Tuệ Sĩ

Âm trầm Tuệ Sĩ
Đặng Tiến


Tuệ Sĩ là bậc danh sĩ cao tăng, đã trọng nhiệm nhiều chức vụ trong hàng giáo phẩm Việt Nam. Trong và ngoài nước nhiều người biết danh và ái mộ, qua những trầm luân mà ông chịu đựng non nửa thế kỷ, chúng tôi không nhắc lại nơi đây, vì ai muốn truy tìm thì rất dễ.

Tuệ Sĩ còn là nhà thơ, nhiều người biết danh, nhưng ít người được đọc, vì thơ ông ít được phổ biến. Mới đây, trong nước, nhà xuất bản Phương Đông đã ấn hành tập thơ Những điệp khúc cho dương cầm, song ngữ Việt-Pháp đối chiếu, do Dominique de Miscault, nữ họa sĩ người Pháp, chuyển ngữ và trình bày, minh họa, bà gọi là “biểu cảm đồ họa” (expressions graphiques). Trang bên trái là văn bản Việt-Pháp nối tiếp, trang bên phải là hình cách điệu nhà sư đang lướt ngón tay trên phím dương cầm.

Sách gồm 23 bài thơ ngắn, trình bày trên 53 trang, khổ vuông 21 x 21 cm, giấy tốt, in đẹp và trình bày trang nhã.

Điều đáng mừng là độc giả Việt Nam và thế giới có dịp tiếp cận với thơ Tuệ Sĩ, trong niềm đồng cảm nhân loại, qua thi ca và nghệ thuật. Trong lời tựa, bà De Miscault kể lại:

“Tôi được hạnh ngộ với Tuệ Sĩ và người thân từ mùa xuân 2003.

Chúng tôi đã học tập phơi trải và trao đổi hai thế giới, diễn dịch những cảm xúc, đồng thời là dấn thân. Tôi không phải phật tử cũng không phải kẻ tu hành, lại không biết tiếng Việt, nhưng thơ Tuệ Sĩ thì đã gặp đâu đó tại châu Âu già cỗi. Đó chẳng phải là những khoảng hư không mà các tác gia thần bí đã trải nghiệm?

Kinh nghiệm phiêu du trong bóng đêm và tĩnh lặng, cũng như những tâm hồn khắc khoải, vô vọng truy tầm lời giải đáp cho những hy sinh, dù tự nguyện hay cưỡng chế ? ”

Bà tiếp xúc với thơ Tuệ Sĩ nhờ việc lược dịch của một người Pháp được Tuệ Sĩ duyệt lại. “Tôi cố gắng nắm bắt nội dung qua những hình ảnh, và không gian sống của Tuệ Sĩ như tôi được trông thấy và đã khai thị cho tôi. Tôi chọn những từ ngữ và ảnh tượng đơn giản nhất, đã giản lược và tát cạn tối đa thi pháp để tập trung vào cuộc phiêu lưu thần bí của nhà sư mệt mỏi vì đời sống và những truy tầm vô vọng…

Vô vọng hay không, vẫn là câu hỏi. Buông thả theo dòng đời.

Dương cầm và tịch lặng là thần giao giữa hai lục địa giữa chúng tôi.

Nơi đây không còn là hoài cảm hay xúc cảm, mà là phân tích khô khan cõi dửng dưng.

Tôi hân hoan được tiếp tục chia sẻ, và trong dài lâu tính nhẹ nhàng tuyệt đối của đời sống.”

Bài tựa này đã được Hạnh Viên dịch ở trang 7, tôi dịch lại để đóng góp.

Một cơ duyên khác, là với kỹ thuật điện tử hiện đại, toàn bộ công trình của TS – Dominique de Miscault và nhà xuất bản Phương Đông được đưa lên lưới, để người đọc, Việt hay ngoại quốc, khắp năm châu bốn biển đều có thể thưởng lãm. Năm mươi trang giấy không phải là công trình to tát gì, nội dung cũng không phải chuyện khai sơn phá thạch, nhưng là một sự kiện văn học, như cơn gió bất ngờ đưa đóa lan rừng ra ánh sáng.

Tuệ Sĩ không phải là người tìm danh vọng, nhất là bằng thi ca. Ông không tìm độc giả, tìm tri kỷ, tri âm. Ông thừa nội lực để sống an nhiên trong tịch lặng giữa cõi ta bà. Nhưng thơ ông xuất hiện như vầng trăng ra khỏi đám mây, như mùi hương bông sứ chợt thoảng vào vườn khuya, là một niềm vui chung, và cho người lữ khách ngồi lại bên đường, buổi chiều, “cười với nắng một ngày sao chóng thế… đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan“, câu thơ ngày xưa của ông mà Bùi Giáng hết lời ca ngợi.

Thơ, thơ gì đi nữa, thì trước tiên phải là ngôn ngữ. Ngôn ngữ của ai đi nữa thì cũng mang sử tính. Thơ thiền sư làm bằng ngôn ngữ hàng ngày vẫn vang âm xã hội và lịch sử.

Ví dụ bài cuối :

Giăng mộ cổ
Mưa chiều hoen ngấn lệ
Bóng điêu tàn
Huyền sử đứng trơ vơ
Sương thấm lạnh
Làn vai hờn nguyệt quế
Ôm tượng đài
Yêu suốt cõi hoang sơ.

Ý nghĩa chính xác của bài thơ là gì ta không nên giải thích chân phương. Nhưng từ ngữ thì rõ ràng là trầm tích đau thương của con người trong lịch sử. Bà De Miscault dịch hay và thoát (xem Trên kệ sách của mạng Da màu). Tôi vẫn táy máy dịch lại xem như góp một nốt đàn vào bản hợp tấu :

Sur les tombes antiques
La pluie du soir se confond en larmes
Des mythes illusoires
En ruine esseulés,
La bruine givre
Les épaules meurtries de laurier
Serrant la statue
J’aime ô que j’aime les espaces innocents

Trầm tích lịch sử còn dư vang rõ hơn trong bài này ;

Ngoài biên cương
Cây cao chói đỏ
Chiến binh già cổ mộ
Nắng tắt chiến trường
Giọt máu quạnh hơi sương

(Tr. 34)

A la frontière
Le grand arbre rougeoie
Le soldat vieillit sur la tombe antique
Le soleil éteint la bataille
Le sang se condense en rosée.

Thơ gì, thơ ai, thơ nước nào, trong ngôn ngữ vẫn là một thứ ngoại ngữ ; người đọc một bài thơ trong tiếng mẹ đẻ là đã dịch bài thơ ấy ra ngôn ngữ của riêng mình. Gọi là tiếng lòng.

Trong nghề dạy học và việc bình luận văn chương tôi có đôi kinh nghiệm về việc dịch thuật và thông ngôn này. Gặp những bài thơ Tuệ Sĩ việc giảng luận có phần trắc trở. Ngôn ngữ vẫn là ngôn ngữ chung là tiếng Việt, nhưng tương quan giữa người nói và lời nói thì khác nhau. Khi Tuệ Sĩ viết đâu đó “Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang” thì ông không chỉ nói về màu áo, cũng không nói về ngọn đồi, mà phản ánh tâm linh trong một thế giới khác. Đưa lời thơ Tuệ Sĩ vào ngôn ngữ thế tục e dễ thành dung tục.

Thơ bao giờ cũng phản ánh ba tính cách: môi trường xã hội trong lịch sử ; ngôn ngữ trong những biến chuyển với thời đại; và tác giả, qua đời sống hàng ngày; nhưng ở Tuệ Sĩ đời sống hằng ngày, ý thức và vô thức dường như đã thăng hoa, thành một siêu thức. Ngôn ngữ do đó cũng siêu thoát, khó bề lý giải chân phưong và đơn phương.

Đầu thế kỷ XX giới văn học tây phương đưa ra khái niệm “thơ thuần túy”, và nghệ thuật nguyên chất theo nghĩa của hóa học: thực thể nguyên chất đối lập với những thực thể tạp chất “impur”, có lẫn lộn nhiều ngoại tố. Nghệ thuật nguyên chất là kiến trúc của ngôn ngữ: một dạo khúc dương cầm, một tranh tĩnh vật, một bài thơ đẹp. Người thưởng thức không pha lẫn vào đó những kỷ niệm, buồn vui riêng tư, nhất là những thành kiến lịch sử, chính trị. Yêu một chân dung phụ nữ không phải vì nó hao hao giống một người bạn cũ.

Trong nghệ thuật, dân tộc là một tạp chất.

Tôi nghĩ khi Tuệ Sĩ đặt tên Những điệp khúc cho dương cầm, và làm những bài thơ mô tả tiếng dương cầm, là ông muốn cho tiếng thơ mình trong trẻo, thuần khiết “trong như tiếng hạc bay qua“. Do đó, bình giải thơ Tuệ Sĩ là tạo cơ nguy gây tạp âm không phải lẽ và không phải lúc. Bài viết này vẫn mang tạp âm là ngoài ý muốn của chúng tôi.

Lấy một ví dụ ngoài đề, cho thông thoáng. Nhà thơ Phạm Công Thiện, thời trẻ, có lúc tu tại một Phật Viện Nha Trang. Một hôm anh về chơi với nhà văn Võ Hồng, ở lại mấy hôm, khi về Chùa, anh có thơ:

Mưa chiều thứ bảy, tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông.

Anh tâm đắc thường đọc cho chúng tôi nghe, và chúng tôi hiểu đại khái, nhưng chưng hửng khi nghe Phạm Công Thiện, mười năm sau, tự dịch câu thơ ra tiếng Pháp :

Je suis le Retour
Il fait Tard sur le Chemin
Sept jours après la pluie tombe
En haut
du Temple
L’arbre est le
Défleuri

Chúng tôi đã hiểu chung chung: thứ bảy là trước chủ nhật, cây khế là cây khế, ngọn đồi là ngọn đồi, nhưng qua bản dịch tiếng Pháp, thì nội hàm câu thơ không phải chỉ có vậy.

Nhưng nghĩ cho cùng, ai làm sao hiểu hết một câu thơ, kể cả tác giả?

Và cách tiếp cận thơ Tuệ Sĩ của bà De Miscault biết đâu là cách hay nhất, như câu tiếng Pháp không biết của ai “la voix du cœur est la voie au cœur”: lời trái tim là lối đến con tim.

Đọc thơ Tuệ Sĩ. Bằng trái tim.

Nỗi Nhớ :

Màu tối mù lan vách đá
Nhớ mênh mông đôi mắt giã từ
Rồi đi biệt
Để hờn trên đỉnh gíó
Ta ở đâu
Cánh mộng phù du

Tr. 18

Les ténèbres envahissant les pierres du mur
Immense le souvenir des regards de nos adieux
Et je m’en vais à jamais
Délaissant les chagrins aux cimes de l’ouragan
Où suis-je ?
Frêles sont les ailes de l’éphémère

Tình người:

Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói,
Vẫn yêu người từ khoảnh khắc chiêm bao
Từ nguyên sơ đã một lời không nói
Nhưng trùng dương ngưng đọng cánh hoa đào
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi
Vì yêu người ta vói bắt trời sao.

Tr 50

Sur mes chagrins enfumés, je revis
L’Amour des hommes à chaque instant de mes songes
Dès l’origine la parole a été retenue
Comme l’océan retient le reflet du printemps en fleur
Des refrains animent mes ailes épuisées
Pour l’Homme, j’ouvre mes mains au firmament étoilé

Trần thế:

Theo chân kiến
Luồn qua cụm cỏ
Bóng âm u
Thế giới chập chùng
Quãng im lặng
Nghe mùi đất thở

Tr. 46

Traces de fourmi
Je faufile entre les herbes
Ténèbres des ténèbres
Les mondes s’amoncellent
Silences entre silences
J’accueille la terre respirante.

Thơ Tuệ Sĩ cô đúc, hàm súc, uyên áo. Người đọc không quen cho là khó hiểu, vì tác giả không đề cập đến một đề tài nào chính xác, không miêu tả không tự sự. Ngôn ngữ lấp lánh ánh sáng tâm cảm và ngoại gới, trầm tư và huyễn mộng. Hình ảnh chập chờn, ngôn từ lảo đảo, như những tiếng dương cầm đuổi bắt nhau, chưa kịp tương phùng đã muôn đời vĩnh quyết.

Thỉnh thoảng, người đọc cảm thấy an tâm trong đôi lời thơ mạch lạc:

Cửa kín chòm mây cuốn nẻo xa
Ngu ngơ đếm chữ, mắt hoa nhòa
Tay buồn vuốt mãi tờ hương rã
Phảng phất mưa qua mấy cụm nhà

Tr. 26

Người Thơ hé mở một thoáng tâm linh, nhưng hình ảnh vẫn mang tính cách tượng trưng, xa cách, xóa nhòa tâm sự cá nhân, pha loãng tình riêng vào làn mưa trên mái ngói.

Đôi khi người đọc gặp vài từ ngữ, ẩn dụ trở đi trở lại như những ám ảnh, tạo nên dăm viên đá cuội trên lộ trình cậu bé tí hon, nhưng dễ gì tìm được heo hút đường về.

Ngoại giới biết đâu là ảo giác:

Bóng sao đêm dài vời vợi
Thật hay hư, chiều nhỏ ưu phiền

Tr. 10

Và thơ, tập thơ mình cầm trong tay, những nốt nhạc, những hàng chữ “đen trắng đuổi nhau thảnh ảo tượng“. Thơ, tất cả thi ca trên cõi trần này biết đâu chẳng là ảo giác của ảo giác ?

Cần gì để nói thêm về Những điệp khúc cho Dương cầm của Tuệ Sĩ?

Phải chăng là tiếng ve sầu chung thủy, ưu hoài những mùa hạ đã ra đi?

Tiếng ve trở về,

Khóc mùa hè mà khô cả đại dương


Đặng Tiến
Orleans 17/8/2009