17/10/13

Bùi Văn Nam Sơn - TRIẾT GIA VÀ THI SĨ

Tham luận tại Tọa đàm Khoa học về Bùi Giáng (TĐH KHXH&NV, TP. HCM, ngày 14-9-2013)





Trong Bùi Giáng, sơ thảo tiểu truyện (i), nhà phê bình văn học Đặng Tiến nhận định có tính tổng kết về văn nghiệp Bùi Giáng như sau : “ Trên cơ bản, Bùi Giáng là nhà thơ ”. Thế nào là “ trên cơ bản ” ? Tôi không muốn hiểu câu nhận định trên đây theo nghĩa thông thường của sự phân loại, đánh giá về văn nghiệp của một tác giả : Bùi Giáng trước hết và trên hết, hay, tựu trung, là một nhà thơ, nói khác đi, phần có chân giá trị là sự nghiệp thi ca của ông, còn các phần còn lại là thứ yếu, không “ cơ bản ”. Thật ra, trong khối lượng đồ sộ và đa tạp của Bùi Giáng “ văn xuôi ”, dù khó tính đến mấy, ta vẫn có thể chắt lọc ra không ít những trang tuyệt bút từ các Giảng luận văn học (Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan đến Phan Văn Trị / Tôn Thọ Tường và Tản Đà), các tùy bút văn chương, các nghị luận triết học, đó là chưa kể một số bản dịch thành công khá đặc biệt. Trong chừng mực nào đó, chúng có giá trị tự tại, độc lập với việc có hoặc không có “ Bùi Giáng nhà thơ ”. Vì thế, tôi muốn thử hiểu nhận định trên đây theo một cách khác : dù là văn xuôi hay thơ, Bùi Giáng vẫn “ trên cơ bản, là nhà thơ ”, theo nghĩa : Bùi Giáng có ý thức sử dụng ngôn ngữ theo nghĩa rộng như là “ ngôn ngữ thi ca ”. Chính điều này tạo nên nét riêng biệt, độc sáng của thi văn Bùi Giáng, và đồng thời mời gọi ta hãy đến với Bùi Giáng theo cách hiểu ấy.
Như ai cũng dễ nhận ra, và như chính Bùi Giáng đã thừa nhận, bút pháp và thơ của Bùi Giáng thoạt đầu xuất phát từ cội nguồn Thơ Mới. Nhưng, do một sự tương ứng sâu thẳm nào đó và cũng là một cơ duyên, việc Bùi Giáng tiếp cận và tiếp thu tư tưởng, nhất là triết học về nghệ thuật, của Heidegger, theo chúng tôi, là một trường hợp khá hy hữu : nó thanh tân, trọn vẹn và chung thủy đến lạ thường. Sự gặp gỡ này còn có sự hiện diện của một nhân vật thứ ba có ý nghĩa quyết định : thi sĩ Đức Friedrich Hölderlin. Heidegger là triết gia, Hölderlin là thi sĩ, sống cách nhau ngót hơn một thế kỷ, nhưng thật lạ lùng khi Heidegger từng nhiều lần nhấn mạnh rằng ông không còn có thể phân biệt mình với Hölderlin được nữa (ii! Tự nhận mình đồng nhất với một người khác, nhưng không ai nghĩ rằng Heidegger tự “ đánh mất mình ” trong mối quan hệ lạ thường ấy. Ta cũng có thể nói hệt như thế về mối quan hệ tay ba : Heidegger – Hölderlin – Bùi Giáng ! Trong bài tham luận ngắn này, chúng tôi muốn lưu ý đến mối quan hệ lạ thường này như một nỗ lực góp phần soi sáng quan niệm sống, sáng tác và suy tưởng của Bùi Giáng.

1. Triết gia – thi sĩ :


Quyển Giảng giải về Thơ Hölderlin của Heidegger (iii) (tập 4 trong Toàn tập) chỉ ngót 200 trang, nhưng đã được Bùi Giáng dịch và diễn giải hơn 1000 trang, chia làm hai tập : Lời Cố quậnLễ Hội Tháng Ba. Có thể nói đây là công trình văn xuôi quan trọng nhất và cũng phức tạp, sâu sắc nhất của Bùi Giáng. Theo một cách nói quen thuộc, chính ở đây, Bùi Giáng đã đi từ “ tự phát ” đến “ tự giác ” trong quan niệm sống và sáng tác văn chương.
Hölderlin (1770-1843) là một trong những thi sĩ nổi tiếng nhất của nước Đức, bạn đồng học và có ảnh hưởng sâu đậm đến hai khuôn mặt lớn của triết học Đức : Schelling và Hegel. Đáng chú ý : Hölderlin cũng có định mệnh tương tự Bùi Giáng : hơn 30 năm cuối đời sống trong trạng thái “ điên tam đảo tứ ” ! Ta biết rằng Heidegger có những bài giảng đầu tiên về Hölderlin vào những năm 1934-35 (ngay trước khi soạn luận văn nổi tiếng : Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật (iv)). Ông tiếp tục bàn về Hölderlin cho tới 1946, được tập hợp lại thành sáu luận văn trong tác phẩm vừa kể. Bùi Giáng nhận định : “ Mười năm sau Sein und Zeit [Tồn tại và Thời gian, 1927, tác phẩm chính của Heidegger], Hölderlin xuất hiện trên hầu hết những cuốn sách của Heidegger mỗi phen tư tưởng của Heidegger bước tới điểm quyết định ”. “ Riêng cuốn sách Giảng giải về thơ Hölderlin này mang một ý nghĩa trầm trọng và sâu xa như thế nào trên con đường tư tưởng của Heidegger, thành tựu một cái gì cho Tư tưởng Tây phương, chuẩn bị cho một cuộc hội thoại lặng lẽ mênh mông nào khác, những người theo dõi Heidegger ắt đã từng nhận thấy ”. “ Người nào đã đọc kỹ từ lâu cuốn sách dị thường ấy của ông Heidegger, ắt đã rõ nguyên do lối sắp đặt thứ tự các bài giảng… Và cũng không ngạc nhiên gì nhiều trước lối dịch và giảng dường như kỳ dị của dịch giả ”. Bùi Giáng viết tiếp : “ Nhan đề ấy nói gì ? Có thể hiểu cưỡng bức theo hai cách :
1. Cuộc tiếp cận (của chúng ta với) Hölderlin
2. Cuộc tiếp cận của Hölderlin
Theo nghĩa thứ hai là thế nào ? Hölderlin tiếp cận cái gì ? Ấy là : tiếp cận Uyên Nguyên, đi về cận lập với Uyên Nguyên. Sao gọi là Uyên Nguyên ? Theo nghĩa thứ nhất : chúng ta tiếp cận ? Đi về tiếp cận ? Nhưng Hölderlin không phải là một cá nhân. Nguồn thơ thi dựng của ông là một nguồn Thi nhiên hi hữu. Hölderlin là Nguồn Thơ ấy. Vậy thì tiếp cận Hölderlin là tiếp cận nguồn thơ ấy. Nhưng tại sao tiếp cận mà không tắm mình vào ? Vì đó là Uyên Nguyên và trong khi chúng ta dò dẫm trên bước tiến lại gần, thì Uyên Nguyên cũng đi về với chúng ta trong thể lệ riêng biệt : gần gũi mà xa xôi ” (v)
Đàng sau cách diễn đạt bay bổng nhưng khá tối tăm ấy là diễn trình tư tưởng của Heidegger được Bùi Giáng theo dõi sát sao và thể nhập trọn vẹn. Có thể chia sự “ tiếp cận ” của Heidegger với thơ Hölderlin làm hai thời kỳ : thời kỳ sớm từ 1934 đến 1939 và thời kỳ muộn là 1939-1946, với sự khác biệt quan trọng.
Thời kỳ sớm nổi bật với hai luận văn : “Hölderlin và bản chất của thi ca” (Bùi Giáng dịch và giảng trong Lời Cố quận, An Tiêm, 1972, tr. 146-242) và “Siêu hình học nhập môn” (được Bùi Giáng dịch và giảng một phần trong Trăng Châu Thổ (Quế Sơn, Võ Tánh, 1969, tr. 207-308).
Ở thời kỳ này, Heidegger xem Hölderlin là một thi sĩ quan trọng, nhưng không quan trọng với tư cách thi sĩ, mà như là triết gia - thi sĩ, nói khác đi, tuy Hölderlin làm thơ, nhưng nội dung của nó không phân biệt với triết gia. Thật ra, những đại thi hào Tây phương như Homer, Sophockles, Virgil, Dante, Shakespeare và Goethe thực hiện bản chất của thi ca còn phong phú hơn cả Hölderlin, nhưng tại sao Heidegger lại tập trung vào Hölderlin ? Lý do là vì, theo ông, Hölderlin là nhà thơ làm thơ về thi ca. Ông gọi Hölderlin là “ thi sĩ của những thi sĩ ” (vi) không theo nghĩa tôn vinh về đẳng cấp mà chỉ vì Hölderlin là nhà thơ của bản thân thi ca. Hölderlin đã viết những câu thơ về bản thân thi ca như thế nào, trong chừng mực là một thứ “ siêu-thica ” mang đầy đủ tư cách của một nhà tư tưởng ? Xin điểm lại ngắn gọn năm điểm :
-  Hai điểm đầu tiên có vẻ mâu thuẫn với nhau. Hölderlin gọi thi ca là công việc “ hồn nhiên thơ dại nhất ” (vii), nhưng đồng thời cũng là công việc “ nguy hiểm nhất ” (viii). Vì lẽ thi ca nảy sinh trong ngôn ngữ, nên câu hỏi có thể đặt lại là : ai làm chủ ngôn ngữ và ngôn ngữ hiểm nguy theo nghĩa nào ? Theo Heidegger, ngôn ngữ là cái gì quá “ thân thiết ” với con người, nó có thể “ thôi miên ” ta ở vẻ ngoài khiến ta dễ bỏ qua căn cơ, nền tảng. Sự hàm hồ của ngôn ngữ làm cho cái không bản chất trở thành bản chất, đồng thời biến bản chất thành cái gì nông nổi, bì phu. Đối diện với hiểm nguy ấy, Hölderlin đã trả giá bằng sự điên loạn của mình, một sự cố không thể điều trị hay cứu chữa bằng y học. “ Điên loạn là số phận của Hölderlin ”, vì “ những hoa trái đầu mùa bao giờ cũng thuộc về phần của thần linh ” và Hölderlin là “ hoa trái bi kịch nhất trong lịch sử nước Đức ”. Phải chăng ta cũng có thể nói như thế về Bùi Giáng ?
-  Điểm thứ ba : con người chỉ hiện hữu trong ngôn ngữ, và ngôn ngữ bao giờ cũng hiện hữu trong đối thoại, trong “ nói ” và “ nghe ”. Đó là đặc trưng của con người, bởi chỉ con người mới mang thời tính, tức tìm thấy chính mình ngay trong lòng sự vật khi chúng được từng bước khai mở bằng một cách nào đó. Ngôn ngữ là nơi ta thể nghiệm : hoặc có thể đi sâu vào được vùng ẩn mật, khép kín của thực tại khôn dò, hoặc chỉ phải dừng lại ở bề mặt của sự hiện diện thô sơ.
-  Điểm thứ tư là từ chính lời thơ của Hölderlin : “ những gì bền vững là do thi sĩ thiết lập nên ” (ix). Những gì tưởng như vững bền, thường trụ trong thế gian đều cần được “ thiết lập nên, nếu không, chúng sẽ bị chìm lấp, lẫn lộn trong mớ hỗn mang ”. Để sự vật hiển hiện ra cho ta, ta phải đứng vào vùng ánh sáng thích hợp. Như thế, con người không chỉ thụ động ngồi nhìn sự vật chung quanh, rồi gọi tên chúng. Ngược lại, chính thi sĩ đặt tên cho chúng, và chỉ có việc đặt tên này mới thiết lập nên sự vật. Sự vật và bản thân Tồn tại không bao giờ phơi bày mà phải được sáng tạo và thiết lập. Thi sĩ có vai trò trung tâm trong sự hiện hữu của con người (x).
-  Và sau cùng, điểm thứ 5, lại từ một câu thơ khác của Hölderlin : “ con người sống trên đời như một thi sĩ ” (xi). Sống như một thi sĩ là sống giữa lòng những gì thiêng liêng, vừa ẩn giấu, vừa vẫy gọi, mang ta đến gần bản chất của sự vật. Sự hiện hữu được thi sĩ tạo dựng và thiết lập là một quà tặng được ban cho ta, bên ngoài quyền năng của cá nhân mỗi người. Cũng thế, thi ca không chỉ là một trò chơi với những từ ngữ và ngữ pháp đã có sẵn, trái lại, cấu tạo nên bản chất của ngôn ngữ, qua đó, cấu tạo nên cả mối quan hệ của một dân tộc với vận mệnh lịch sử của mình. Thi sĩ không tái tạo cái khả kiến, trái lại, làm cho nó trở nên khả kiến. Đó cũng là ý của Hölderlin khi nói về Oedipus, nhân vật thần thoại đã tự móc mắt mình : “ Có lẽ đức vua Oedipus có thừa một con mắt ! ”. Như Heidegger nhận xét : có lẽ Hölderlin cũng có thừa một con mắt ! Hölderlin là thi sĩ của thời đại khốn khó, khi thế giới cũ không còn mà thế giới mới chưa đến. Sự điên loạn của nhà thơ là kết quả của sự canh giữ cô đơn, của việc sáng tạo nên những sự thật mới mẻ, dù không mấy ai hay biết. Như thế, trong thời kỳ này, Heidegger đánh giá cao chất lượng tư tưởng trong thơ Hölderlin : thi sĩ thiết lập nên những nhu cầu thiết yếu và nghiêm trọng, với “ sứ mệnh ” khôi phục lại những gì đã suy tàn, gãy đổ của một thời vàng son quá khứ (như nền “ nghệ thuật lớn ” của “ hệ hình Hy Lạp ”) (xii).
Heidegger viết những lời mạnh mẽ : “ Công việc của chúng ta là mang lại quyền lực cho Hölderlin ”. Nói cách khác, ở đây, thi sĩ và triết gia không còn phân biệt về sứ mệnh ; họ chỉ khác nhau ở tính cách và phương tiện : một bên dùng lối ẩn dụ, ít nhiều tối tăm, một bên sử dụng khái niệm minh nhiên, sáng sủa. Hölderlin là quan trọng, nhưng chưa phải với tư cách là nghệ sĩ mà như là triết gia : “ đứng trên đỉnh núi cao của thời đại, thấu hiểu quá khứ và dự phóng tương lai ”. Ta dễ dàng liên tưởng đến thời kỳ đầu của Bùi Giáng Mưa Nguồn, của Bùi Giáng, Heidegger và tư tưởng hiện đại
“ Đời xiêu đổ nguồn xưa anh trở lại
Giữa hư vô em giữ nhé ngần này…
Sau một Nietzsche bơ vơ, “ mất quê hương ”, Heidegger muốn nhìn thấy nơi Hölderlin hình ảnh và lời kêu gọi của kẻ “ quy hồi cố quận ”, tìm lại được quê hương đã mất.

2. Thi sĩ – triết gia


Vào thời kỳ muộn, qua việc giảng giải các tụng ca Như trong ngày Lễ hộiHồi tưởng (Bùi Giáng : Lễ Hội Tháng Ba, NXB Văn hóa Sài Gòn 2008), Heidegger cho thấy một bước nhận thức sâu hơn về Hölderlin chung quanh bản chất và trách vụ của thi ca. Lần đầu tiên, Hölderlin đích thực xuất hiện “ trên cơ bản là nhà thơ ” (wesentlich als ein Dichter/essentially as a poet) vì Heidegger thừa nhận rằng ông đã được Hölderlin “ dạy dỗ ” về bản chất của thi ca theo ngôn ngữ của cái BỐN (Trời, Đất, Con người và Thần linh).
- Tụng ca Như trong ngày Lễ hội (1800) (xiii) là mới mẻ, phong phú khi mô tả sự nghèo nàn tinh thần của thời đại mà Hölderlin gọi là sự thiếu vắng lễ hội. Trong Hồi tưởng (xiv), ta lắng nghe những nhớ tưởng của thi sĩ về “ những giấc mộng vàng ” (Bùi Giáng : “ Giấc vàng long lanh ”) trong những “ lễ hội ” đã qua. Lễ hội là gì? Là ra khỏi nhịp điệu nhàm chán thường ngày. Là ra khỏi vòng kìm tỏa của sự “ hữu ích ”, “ hữu dụng ” để sống đích thực là chính mình. Trong thời đại của khoa học - kỹ thuật - công nghệ, con người bị “ đóng khung ” (Gestell), khiến cho sự “ ưu tư ” (Sorge/Care) khó trở thành sự ưu tư đích thực. Thời hiện đại không thể có “ lễ hội ”, vì ta không còn từ ngữ, không còn ngôn ngữ để làm việc ấy nữa (Bùi Giáng : “ Tôi bước qua từ ngữ rụng hai lần ”). Đó là cảm thức sâu sắc rằng bản chất cao nhất của thi ca, của người “ thi sĩ tương lai ” như nói trước đây không thể đạt tới được nữa :
Đạp thanh hội cũ hào hoa
Giấc vàng buổi Tảo Mộ đà cáo chung ”
Bùi Giáng
- Vậy phải làm gì khi “ hệ hình Hy Lạp ” của nền “ nghệ thuật lớn ” cổ đại là bất khả phục hồi, một đi không trở lại ? Trong Xây Ở Suy Tư (1951), Heidegger cho rằng : ta không thể làm cho thần linh quay trở lại, mà chỉ còn có thể “ chăm lo ” (schonen) và “ chờ đợi ” sự lai đáo ấy. Trong Thi sĩ là gì trong thời khốn khó ?, khi bình giảng về tụng ca Bánh và Rượu của Hölderlin, Heidegger thấy cần thiết phải tạo nên một “ bầu khí ” (Ether) thích hợp để đón đợi và làm chỗ cư lưu cho “ thần linh ”, bởi “ chỉ còn có thần linh mới có thể cứu vớt chúng ta ”. “ Thần linh ” ở đây không được hiểu như là sức mạnh siêu nhiên mà như là những kích thước mới cần được khám phá cho sự hiện hữu của con người. Sự đón đợi ấy là sự chuẩn bị ở trong tư thế lẫn sự chuyển hóa ở trong tâm thức. Heidegger viết : “ Là thi sĩ trong thời đại khốn khó có nghĩa là : đón đợi, hát ca, dõi theo sự vẫy gọi của thần linh. Đó là lý do tại sao người thi sĩ trong đêm trường tối tăm của thế giới [Bùi Giáng : “ thế dạ ”] lại tỏ bày sự linh thánh. Đó là lý do tại sao, trong ngôn ngữ của Hölderlin, đêm trường của thế giới lại là đêm thánh thiêng ” (xv). Ta biết rằng, thời hiện đại được gọi là “ đêm tối ”. Ở thời kỳ đầu, Heidegger đọc Hölderlin qua hình ảnh một đêm trường đầy tối tăm, bế tắc (Siêu hình học nhập môn, tr. 46). Bây giờ, đi sâu hơn, hình ảnh mới lại là hình ảnh của “ Tửu thần Dionysos ngao du ca hát trong đêm thánh ”. Trên con đường Quy hồi cố quận, bây giờ Hölderlin lại trải nghiệm đêm tối như cái gì “ thanh sạch ”, “ hân hoan ”, hay, nói như ngôn ngữ Bùi Giáng, trong “ hồn ca vũ địa ”.
Tóm lại, khi thử đặt Bùi Giáng vào trong mối quan hệ mật thiết với Heidegger và Hölderlin, qua đó soi sáng phần nào hành trạng, suy tư và sáng tác của ông, ta thấy Bùi Giáng là một trường hợp khá đặc biệt, hiếm có : không chỉ tiếp thu nguồn thi ca, tư tưởng vốn xa lạ theo nghĩa thâm cảm, tri kỷ mà còn tự dấn mình thực hiện trọn vẹn như một biểu trưng : “ Trút linh hồn dường như thể như thân ”. “ Biết ít, vui nhiều, ấy là tặng vật, cho người phù du ” (xvi). Bùi Giáng không muốn ai bắt chước mình. Nhưng có lẽ ông muốn mình được đọc, được hiểu như một dấu hiệu của sự TỰ DO trong “ thời khốn khó ”. Quả thật, Bùi Giáng, “ trên cơ bản, là một nhà thơ ”.
14.09.2013

Bùi Văn Nam Sơn


NGUỒN : Tham luận tại Tọa đàm Khoa học về Bùi Giáng
ngày 14.9.2013 tại Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM
 

Bản do tác giả gửi cho Diễn Đàn



(ii) Martin Heidegger : Erläuterungen zu Hölderlins Dichtung / Elucidations of Hölderlin’s Poetry/Minh giải Thi ca Hölderlin, bản tiếng Anh của Keith Hoeller, New York, 2000, tr. 13 và trong The Heidegger Controversy: A Critical Reader, ed. R. Wolin, Cambridge, Mass, 1993: “Tư tưởng của tôi ở trong mối quan hệ quyết định với thi ca của Hölderlin” (tr. 112).
(iii) Martin Heidegger : Erläuterungen zu Hölderlins Dichtung, Gesamtausgabe, Band 4, Vittorio Klostermann, Frankfurt am Main, 1981.
(iv) Martin Heidegger : Der Ursprung des Kunstwerkes, Reclam 1960, 2008 (BVNS dịch và chú giải, sắp xuất bản).
(v) Bùi Giáng : Lễ Hội Tháng Ba, NXB Văn hóa Sài Gòn, tái bản 2008, tr. 7 và tiếp.
(vi) Martin Heidegger : Hölderlin und das Wesen der Dichtung / Hölderlin và bản chất của thi ca, Toàn tập, Tập 4, tr. 47.
(vii) F. Hölderlin : “Dichten: diss unschuldigste aller Geschäffte” (III, 77), Sđd. Tr. 31.
(viii) “Darum ist der Güter Gefährlichsten, die Sprache dem Menschen gegeben… damit er zeuge, was er sei…” (IV, 246), Sđd. Tr. 31.
(ix) F. Hölderlin : “Was bleibt aber, stiften die Dichter” (IV, 63), Sđd. tr. 31.
(x) Chuồn chuồn, Châu chấu, Rừng Marylin, Biển Bardot, Ngành Novak, Đóa John Keats, Miền Hà Thanh, Ngành Mật niệm, Đóa U linh, Hồng lĩnh Hạc lâm, Quỳnh Lai Thị Xứ, Nghìn thu Cổ lục, Ngày Hy Nga, Đêm Bé Chị, Hoa trên Ngàn, Sóng Hồng Hoang, Thềm dục vọng… (xem thêm: Mai Thảo, Một vài kỷ niệm với Bùi Giáng, trong nhiều tuyển tập)
(xi) “Voll Verdienst, doch dichterisch wohnet Der Mensch auf dieser Erde” (VI, 25) Sđd. tr. 31.
(xii) Bùi Giáng : Hư vô và Vĩnh viễn (Mưa Nguồn): “Hồn hoa cỏ Phượng Thành Hy Lạp úa”.
(xiii) F. Hölderlin : “Wie wenn am Feiertage…”, trong M. Heidegger: Erläuterungen zu Hölderlins Dichtung/Giảng giải Thơ Hölderlin, Toàn tập, Tập 4, tr. 49 và tiếp.
(xiv) F. Hölderlin : “Andenken”, nt, tr. 79 và tiếp.
(xv) Thi sĩ để làm gì ?/ Wozu Dichter ? / What are poets for ? Bản tiếng Anh trong Poetry, Language, Thought, London 1975, tr. 94.
(xvi) F. Hölderlin : “Zu wissen wenig, aber der Freude viel, Ist Sterblichen gegeben…” (IV, 240)/To know little, but of joy much Is given to mortals. Heidegger dùng làm đề từ cho phần bình giảng về Tụng ca “Quy Hồi Cố quận/Gửi người thân thuộc” (Heimkunft/An die Verwandten) của Hölderlin. Sđd. tr. 13, Bùi Giáng : Lời Cố Quận, An Tiêm 1971, tr. 30.

Phi Mỹ Hoá Thế Giới?

Thursday, October 17, 2013

Phi Mỹ Hoá Thế Giới?

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, Ngày 131016
Diễn đàn Kinh tế RFA

Vui thật! Bắc Kinh đòi "phi Mỹ hoá" và hạ Mỹ kim...  

000_Was7208112-305.jpg
* Tòa nhà Quốc hội Mỹ, ảnh minh họa chụp hôm 21 tháng 1 năm 2013. - AFP *
 

Giữa nạn ách tắc chính trị tại thủ đô Mỹ về ngân sách, Bắc Kinh có những lời phê phán hệ thống chính trị Hoa Kỳ và kêu gọi các nước xây dựng một thế giới “Phi - Mỹ hóa” và tìm ra một ngoại tệ dự trữ khác để thay thế Mỹ kim. Diễn đàn Kinh tế trao đổi với kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về tính khả thi của kịch bản này trong thực tế.

 

Trò chơi của Chính trường

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Hôm Chủ Nhật 13 vừa qua, Tân Hoa Xã của Bắc Kinh đã có một bài xã luận với nội dung đả kích Hoa Kỳ và kêu gọi các nước xây dựng trật tự mới trong một thế giới "phi-Mỹ hóa". Tiếp theo, nhiều trí thức và học giả Trung Quốc cũng có những lời phê phán tương tự. Xin đề nghị ông phân tích chuyện này để thính giả của chúng ta cùng hiểu rõ chuyện thực hư nhìn từ giác độ thực tế của kinh tế.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Để quý thính giả nắm vững nội vụ, tôi xin được nói về bối cảnh chung của sự ách tắc hiện nay tại Mỹ trước khi phân tích quan điểm của một số giới chức Trung Quốc.

- Sau khi giành lại nền độc lập và xây dựng quốc gia, thế hệ lập quốc của Hoa Kỳ, mà người dân gọi là "Quốc phụ", đã có thể lên làm Hoàng Đế như nhiều nước Âu Châu thời đó để thiết lập một thể chế độc đảng hay ít ra một chính quyền mạnh. Họ không làm như vậy mà lại cố tình hạn chế khả năng can thiệp của chính quyền liên bang qua cơ chế tam quyền phân lập và giành khá nhiều quyền lực cho các tiểu bang và công dân của họ. Triết lý chính trị của Hoa Kỳ từ thời lập quốc nằm ở thực tế đó mà có khi nhiều nước Âu-Á về sau lại không hiểu.

Trung Quốc có nhân chuyện này mà đưa ra lập luận đả kích và kêu gọi việc hạ bệ nước Mỹ hay truất phế đồng Mỹ kim thì cũng chỉ là trò đùa. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Trong trận đấu về ngân sách hiện nay thì tùy giác độ chính trị, các nhà bình luận đều hàng ngày phê phán đảng này hay đả kích đảng kia mà chẳng một ai trong quần chúng lại kêu gọi chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp để Tổng thống hay ai đó có toàn quyền quyết định về ngân sách. Cũng từ tinh thần này mà trong một kỳ trước tôi nói ra lời nghịch nhĩ rằng vụ đấu đá chính trị hiện nay là một điều tốt vì khiến mọi người phải quan tâm đến chuyện quân bình ngân sách và đến quy luật có vay thì có trả chứ không thể tiêu xài bừa phứa. Cho nên, bên ngoài những đòn phép chính trị khá hấp dẫn hay kỳ cục của hai đảng và ba cơ chế là Hành pháp, Thượng viện và Hạ viện, chúng ta nên thấy ra toàn cảnh của trận đấu để không hiểu lầm.

Vũ Hoàng: Trở lại quan điểm của một số người tại Bắc Kinh, ông nghĩ sao về chuyện Phi-Mỹ hoá thế giới?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hoa Kỳ hiện mắc nợ nước ngoài khoảng năm ngàn tỷ đô la, trong đó hai chủ nợ hàng đầu là Trung Quốc với gần một ngàn 300 tỷ và Nhật Bản với hơn một ngàn 100 tỷ. Trận đấu về ngân sách Mỹ có thể làm các khoản nợ này mất giá cho nên nếu các chủ nợ có phàn nàn thì cũng là điều dễ hiểu. Nhưng thực tế thì chẳng có ai hốt hoảng mà bán tháo hoặc phân lời của công khố phiếu chả Hoa Kỳ tăng vọt và gây ra chấn động lớn trên thế giới. Tôi còn trộm nghĩ rằng thị trường hiểu ra trò chơi của chính trường Mỹ từ nhiều năm nay, chứ không có phản ứng rồ dại làm nhiều người mất tiền oan. Còn lại, Trung Quốc có nhân chuyện này mà đưa ra lập luận đả kích và kêu gọi việc hạ bệ nước Mỹ hay truất phế đồng Mỹ kim thì cũng chỉ là trò đùa.

Vũ Hoàng: Nghĩa là ông không tin vào tính chất khả thi của chuyện Phi-Mỹ hóa?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đi vào thực tế của thị trường để ta thấy ra vấn đề.

- Hoa Kỳ có sức tiêu thụ rất cao nhưng 88% số tiêu thụ là hàng hóa và dịch vụ nội địa, chỉ có 12% là nhập khẩu. Vậy mà số nhập khẩu 12% đó đã tạo cơ hội làm ăn cho các nước trên thế giới và đóng góp vào sự tăng trưởng toàn cầu. Hoa Kỳ thường bị nhập siêu là mua nhiều hơn bán nên các nước bán hàng cho Mỹ thu được một lượng Mỹ kim rất lớn để hoặc mua bán với nhau hoặc lại đầu tư vào Mỹ, hay là cho Mỹ vay tiền để tiếp tục mua hàng của họ. Thực tế đó khiến Mỹ kim được dùng làm phương tiện của 87% luồng giao dịch ngoại tệ trên thế giới tính đến Tháng Chín vừa qua. Nghịch lý ở đây là cán cân thương mại Mỹ càng bị thâm hụt thì tiền Mỹ càng là khí cụ giao hoán phổ biến cho thế giới, và nhờ kích thước sâu và rộng của thị trường tài chính Mỹ, đô la mới là ngoại tệ dự trữ được sử dụng nhiều nhất.


000_Hkg3450821.jpg-250.jpg
Tiền Đô la Mỹ và đồng Nhân Dân Tệ của TQ. AFP photo


- Khi Bắc Kinh nói đến một thế giới Phi-Mỹ hóa và đòi truất phế tiền Mỹ để ai đó lập ra một loại ngoại tệ dự trữ khác thì họ chỉ nói cho thần dân u mê ở nhà thấy ra tư thế rất cao của lãnh đạo chứ về thực tế thì đấy là điều bất khả. Tôi xin đơn cử một thí dụ cụ thể về chuyện này.

Vũ Hoàng: Thưa ông, thí dụ đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Để kích thích kinh tế Hoa Kỳ, Tháng Chín năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo một đợt bơm tiền thứ ba, gọi là QE3, theo đó mỗi tháng họ sẽ mua vào 85 tỷ đô la trái phiếu, tức là đưa vào lưu hành một lượng tiền tương tự. Quyết định ấy khiến Mỹ kim sụt giá và các nước Á Châu buôn bán nhiều nhất với Hoa Kỳ đều than trời, rằng nước Mỹ mặc nhiên phá giá đồng bạc và gây ra một trận chiến ngoại hối. Chúng ta không nên quên chuyện đó.

- Thế rồi, Tháng Năm vừa qua, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ nói là họ sẽ giảm dần chính sách bơm tiền thì đô la lên giá làm cả thế giới nhất là Á Châu lại la trời. Thế là làm sao? Là khi Mỹ kim lên hay xuống giá, có thể vì yêu cầu của nước Mỹ, thế giới đều bị ảnh hưởng và Ngân hàng Trung ương Mỹ thật sự là định chế tài chính toàn cầu. Nghe ra thì chướng tai, nhưng không phải Ngân hàng Trung ương Âu Châu, Nhật, Anh hay Trung Quốc hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế mà là Ngân hàng Trung ương Mỹ mới cầm chịch cho nhiều quyết định tiền tệ và kinh tế của thế giới.

- Bây giờ tình hình sẽ lại đổi khác theo chiều hướng tái lập quân bình toàn cầu như chúng ta trình bày kỳ trước cho nên các nước nên lo chứ không nên mừng là đồng tiền Mỹ sẽ giảm dần sự hiện diện trong luồng giao dịch toàn cầu. Đấy là một nghịch lý nữa mà nhiều nước chưa hiểu ra!

 

Tái cân bằng


Vũ Hoàng: Chúng tôi bắt đầu thấy vì sao ông đề cập đến chuyện tái cân bằng hay rebalancing như một lời cảnh báo từ tuần trước. Xin ông khai triển tiếp chuyện này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong ba chục năm liền nước Mỹ tiêu thụ nhiều hơn tiết kiệm và sức tiêu thụ đó góp phần tăng trưởng cho kinh tế thế giới. Cũng do sức tiêu thụ này mà Hoa Kỳ bị nhập siêu và mức khiếm hụt của cán cân thương mại lại là số thặng dư của cán cân vãng lai và giúp cho các nước Châu Á có một lượng đô la rất lớn để thanh toán việc mua bán của họ. Thí dụ như Trung Quốc mua hàng của Indonesia hay Việt Nam mua hàng của Nhật thì đều thanh toán bằng đô la. Thế rồi tình hình đang thay đổi và thay đổi rất mạnh.

Vũ Hoàng: Xin ông nói rõ về những thay đổi này để thính giả của chúng ta nhìn ra toàn cảnh.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, tư nhân và doanh nghiệp Mỹ đang ra sức tiết kiệm vì vậy mới có phản ứng gay gắt về việc chính quyền cứ tăng chi rồi lại đi vay. Thứ hai là nỗ lực tiết kiệm đó làm hạ mức nhập khẩu và giảm dần thiếu hụt mậu dịch. Thứ ba, cuộc cách mạng về công nghệ năng lượng từ mấy năm nay tạo ra đột biến là Mỹ trở thành nước sản xuất và xuất khẩu năng lượng nhất nhì thế giới và giá thành sản xuất tại Mỹ giảm mạnh. Thứ tư, trong khi giới chính trị còn cãi vã từ năm năm nay về chính sách này nọ, các doanh nghiệp Mỹ đã cải tiến năng suất và có nhiều bước đột phá để phát triển khu vực chế biến èo uột ngày xưa với sức bật mới và kỹ thuật mới. Thứ năm, doanh nghiệp Mỹ bớt đầu tư ra ngoài để tìm lợi thế nhân công rẻ của thiên hạ mà đem tiền về Mỹ để khai thác lợi thế của công nghệ mới, với chi phí năng lượng thấp hơn.

- Hậu quả của ngần ấy thay đổi đã tái lập quân bình của cán cân mậu dịch, chấm dứt nạn nhập siêu và Hoa Kỳ sẽ đạt xuất siêu. Tức là lượng tiền nước Mỹ trao cho các nước sử dụng sẽ giảm, tiền Mỹ lên giá và khi ấy, ngoại tệ nào sẽ thay thế để là phương tiện giao hoán và dự trữ phổ biến nhất? Trong khi ấy, như chúng ta nhiều lần nhắc tới, Trung Quốc cũng đang phải chuyển hướng và hết còn khả năng xuất khẩu ào ạt như trước mà bắt đầu bị nhập siêu và còn bị nặng hơn nữa. Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi vài chục năm mới có một lần làm nhiều nước có thể bị lúng túng nếu không thay đổi tư duy, chiến lược và chính sách.
Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì đồng Mỹ kim có thể còn mạnh hơn trước mà khan hiếm hơn trước và việc Trung Quốc đòi tìm ra một ngoại tệ khác chỉ là một vấn đề giả tạo?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là chẳng có một định chế siêu quốc gia nào có thể phán bảo rằng đồng tiền xứ này hay xứ khác phải là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất. Tất cả đều xuất phát từ thực tế là sức mạnh kinh tế và luồng trao đổi an toàn với sức thanh khoản cao khiến 10 nội tệ đang là ngoại tệ quốc tế phổ biến. Theo thứ tự từ mạnh đến yếu, từ nhiều đến ít, là Mỹ kim, Euro, đồng Yen Nhật, đồng Anh kim, đồng Úc kim, Phật lăng Thụy Sĩ, đồng đô la Canada mà ta cũng gọi là Gia kim, đồng Peso của Mexico, đồng Nguyên của Trung Quốc và đồng đô la của New Zealand. Trung Quốc có cửa ngõ Hong Kong để mở tầm giao dịch của đồng bạc trong một khoảng thời gian ngắn ngủi có một chục năm nhưng chưa thể nào là một cường quốc lãnh đạo kinh tế thế giới với đồng tiền sẽ truất phế ưu thế của đồng Mỹ kim. Ngược lại, họ nên sợ là sẽ không thể chuyển hướng và tìm ra thế quân bình khác nếu không có sự hợp tác của Hoa Kỳ.

Vũ Hoàng: Chúng tôi có hai câu hỏi ở đây. Thứ nhất vì sao ông cho là Trung Quốc chưa thể là một cường quốc lãnh đạo kinh tế thế giới để đòi các nước cùng với mình xây dựng trật tự mới mà họ gọi là "Phi-Mỹ hóa" và thứ hai vì sao đồng bạc Trung Quốc chưa thể là ngoại tệ mạnh?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng muốn là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng thì phải có sức mạnh bên trong và bên ngoài.

- Với bên ngoài, lợi thế của một công xưởng quốc tế nhờ nhân công rẻ của xứ này đã hết. Trung Quốc đang ra sức đầu tư vào những vùng hoang vu và thị trường rủi ro nhất Á, Phi và Mỹ châu La tinh để giải quyết tình trạng đói ăn khát dầu của họ. Thực tế thì họ rơi vào cảnh "trâu chậm uống nước đục" và là nghé con ưa húc bậy khi giao du với các chế độ hung đồ.

- Với bên trong, Trung Quốc có lợi thế nhờ dân số đông và tiềm năng tiêu thụ mạnh, nhưng lợi thế ấy đã có từ nhiều thế kỷ mà vì sao họ không trở thành cường quốc kinh tế từ thế kỷ 19? Ngày nay, họ vẫn còn thiếu tư bản nếu tính theo đầu người, thiếu sáng kiến và tinh thần kinh doanh là vì hệ thống văn hóa chính trị, họ thiếu sự phối hợp hài hòa giữa thị trường và chính trường, giữa tư nhân và nhà nước, lại còn dùng chính sách đàn áp tài chính để trưng thu tiết kiệm của tư nhân về nuôi béo khu vực kinh tế nhà nước. Nói vắn tắt, lãnh đạo Trung Quốc không coi trọng kinh tế thị trường nên chưa thể là cường quốc có thể chi phối thị trường quốc tế và truất phế Hoa Kỳ.

- Về chuyện ngoại tệ thì dù Bắc Kinh cố tạo ra cơ hội trao đổi cho đồng bạc khi 20% lượng hàng giao dịch của các nước đang phát triển là với Trung Quốc, nhưng đồng Nhân dân tệ thật ra vẫn còn rất tệ vì cả hệ thống kinh tế, tài chính và ngân hàng ở đằng sau lại quá yếu kém và bất ổn. Ngoài ra, lãnh đạo xứ này chưa dám lấy quyết định rủi ro về chính trị là thả dây neo cho đồng bạc chuyển động mạnh hơn theo quy luật thị trường. Chẳng ai muốn lưu trữ một đồng bạc có khả năng giao hoán thấp mà trị giá lại do một bộ máy thư lại nào đó ở Bắc Kinh quyết định.

- Kết luận ở đây là Bắc Kinh có thể om xòm đả kích chứ vẫn phải hậm hực bước theo trật tự Hoa Kỳ và còn thầm mong là nước Mỹ sẽ giúp mình tái lập quân bình mà không bị động loạn.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa đã trả lời cuộc phỏng vấn này.

Source : Dainamax Tribune

Vương Trí Nhàn - Khoa học xã hội ở ta là thế, làm sao khác được!



Vương Trí Nhàn
Như tiêu đề của nó đã nêu rõ, bài viết Vụ Luận văn về Mở Miệng: còn cơ hội nào cho ngành Khoa học xã hội & nhân văn? [Bauxite Việt Nam 7-10-13] không chỉ xới lại một hiện tượng nổi cộm thời gian gần đây, mà còn động chạm tới tình trạng của khoa học xã hội ở Việt Nam nói chung.
Tại sao lớp trẻ Việt Nam ngao ngán KHXH đang dạy ở nhà trường và những đầu óc ưu tú nhất trong thế hệ các em chối từ đến cùng các ngành Sử, Triết…?
Tại sao những người cầm chịch KHXH hiện nay không ngớt kêu gào đưa trình độ của ngành lên tầm quốc tế, và càng kêu thì họ càng thấy tuyệt vọng?
Bài viết của Nguyễn Thị Từ Huy, suy cho cùng, có liên quan tới các hiện tượng đó.
Đọc xong bài này tự nhiên trong đầu óc một người như tôi nẩy sinh nhu cầu phải trở lại với các câu hỏi “nguyên thủy”, chẳng hạn quá trình hình thành KHXH ở ta là thế nào, thực chất quan niệm của xã hội về những người làm KHXH ở ta ra sao…
Có hiểu những nguyên nhân xa, thì mới lý giải được tình hình trong giới gần đây. Họ là những người như thế, được đào tạo như thế, thì sẽ ứng xử với nhau như thế, làm ra những sản phẩm như thế, có gì là lạ.
Để nghiên cứu về tình hình giới KHXH ở VN, tôi có thói quen mò mẫm vào hậu trường của giới nghiên cứu Liên Xô trước đây, để tìm sự tương đồng. Ở thư viện của Viện thông tin khoa học xã hội 26 Lý Thường Kiệt Hà Nội, tôi bắt gặp một số tài liệu có khả năng gợi mở rất cao, nghĩa là cứ y như họ viết về Việt Nam vậy.
Thí dụ như bài viết dưới đây của tác giả N. Kozlova, in trên tạp chí Khoa học xã hội ngày nay (ONS) số 2-1991.
Đọc xong, tôi thấy yên tâm. Khoa học xã hội ở ta là thế, làm sao khác được!
Bài viết sau đây không phải bản dịch đầy đủ mà chỉ là một bản lược thuật, được làm để dùng riêng, nhưng tôi tin là đã truyền đạt chính xác các ý tưởng của tác giả.
CHÍNH HỆ TƯ TƯỞNG HÓA KHOA HỌC ĐÃ LÀM NGHÈO VĂN HÓA
Trong xã hội Xô viết, xuất hiện một tình thế quái đản: “Khoa học giữ chức năng hệ tư tưởng, còn hệ tư tưởng thì khoác cái trang phục của khoa học”.
Vấn đề này có cơ sở xã hội của nó.
Trong chủ nghĩa xã hội, tồn tại một kiểu trí thức. Nhờ  đáp ứng được nhu cầu cấp bách của cách mạng, họ đóng một vai trò đáng kể trong quá trình lật đổ cái cũ cũng như xây dựng cái mới.
Trong tiếng Pháp có một danh từ les parvenus de la sciene – tức là những kẻ mới phất lên trong khoa học.
Đó là những kẻ không có học hành cơ bản nhưng ham hiểu biết và tin vào tương lai.
Ở họ, lòng ham hiểu biết và ý hướng muốn thay đổi thế giới nhập làm một.
Họ không chỉ quan tâm đến tri thức như là những chân lý vĩnh hằng, mà còn ý thức được sức mạnh tri thức khoa học ngay trong hoàn cảnh hiện tại.
Ham hiểu biết, nhưng do nhạy bén với nhu cầu trước mắt của cách mạng, đồng thời họ đi vào chống tri thức (nhất là các tri thức bậc cao, tri thức trừu tượng), và cũng luôn thể  phủ nhận cả giới trí thức.
Đây chính là cách mà họ tìm ra trên con đường lập nghiệp.
Với họ, trí thức thường là một thứ ông lớn nhút nhát, hèn yếu khi gặp nguy hiểm, xa lạ với quần chúng, không đáng gọi là người.
Nhận thức này được những người cách mạng nhiệt liệt chào đón.
Những người xuất thân từ nhân dân khi nắm quyến lực cảm thấy trí thức chân chính không đi với họ.
Thế là giai cấp thống trị mới coi những nhà trí thức chân chính ấy là ích kỷ, xấu xa.  Đám quý tộc về mặt tinh thần, – vốn hình thành từ xã hội cũ , –  bị thù ghét coi như rác rưởi (1).
Một khoảng trống được mở ra và đám trí thức tự học (2) sẽ tìm cách lấp đầy nó.
Đám trí thức tự học này:
–    Là đám tự đào tạo; là những nhà phát minh không thành đạt, những nhà thơ không ai thừa nhận.
–    Họ là những người không được học đến nơi đến chốn, nhưng lại thừa khát vọng muốn đứng ở hàng đầu.
–  Họ đối xử với kiến thức một cách thực dụng. Thay cho việc đối chiếu hiểu biết của mình với chân lý vĩnh cửu, họ lại thích đối chiếu kiến thức đó với thực tế và xem khả năng ứng dụng của kiến thức là tất cả.
–        Họ thích tiếp xúc với đám công chúng ít học – chữ mà ta gọi là quần chúng cơ bản.
–        Họ thích làm lại khoa học – biến trường đại học thành chỗ ai vào cũng được, thành những cuộc mít tinh chính trị công cộng.
Từ đầu thế kỉ XX, ở nước Nga, người ta đã thường bàn về dân chủ hóa khoa học. A. Bogdanov muốn gạt bỏ tôn giáo, xóa bỏ tính trừu tượng ban đầu của nhận thức, và bằng cách đó làm lại khoa học. Lúc này khoa học trở nên dễ hiểu với quẩn chúng, và tính dễ hiểu được coi như là tiêu chuẩn chủ yếu của khoa học chân chính.
Thế là những nhiệm vụ cơ bản của khoa học bị từ bỏ, quyền tự trị của khoa học bị coi như nhu cầu không thể chấp nhận được, nếu không nói là phi lý và giả tạo.
Người ta hướng khoa học vào việc giáo dục quần chúng, mà trong việc này thì lớp trí thức cũ, nhất là những trí thức hàng đầu, không được việc gì cả.
Từ đây trong xã hội mới, khoa học là vũ khí đấu tranh cách mạng, là phương tiện để tổ chức sản xuất và gắn kết xã hội.
Những ngành khoa học nào không làm được việc đó có thể và cần phải xóa bỏ.
Chân lý cũng phải đỏ” đó là khẩu hiệu dành cho khoa học mới.
Tư tưởng về sự ưu thắng của hành động so với nhận thức cũng rất phổ biến và được coi là một tiêu chuẩn để đánh giá đâu là thứ khoa học cần thiết và có giá trị.
Tri thức [được hình thành trong xã hội sau cách mạng] là một thứ tín điều mới. Nhưng đó là một tri thức nửa vời, tri thức bị giản lược.
Quá trình giáo dục cũng bị giản lược.
Quá trình này được hình thành đồng thời với sự quảng canh văn hóa, đưa văn hóa về với đám đông. Và quá trình này sở dĩ được kiên trì theo đuổi đến cùng vì nó được xem như một phương thức đạt tới công bằng xã hội là điều mà cách mạng hứa hẹn và đám đông đòi hỏi – ngoài ra thì họ không cần biết rằng đó là văn hóa thế nào cả.
Việc thanh toán nạn mù chữ có một mục đích cụ thể là đưa mọi người tham gia vào khoa học.
Điều quan trọng nhất là sau quá trình này, người ta thấy ẩn chứa một nguyên tắc lớn là không có chân lý chung chung, chân lý cũng có tính giai cấp, nó cũng được ấn định một cách chủ quan.
Đảng độc quyền chân lý, và đảng không thể đồng ý với kẻ thù bất cứ điều gì, kể cả những chân lý sơ giản.
—–
(1) Riêng ở Việt Nam thì có hiện tượng lợi dụng trí thức cũ để thu hút quần chúng và chỉ khi đám trí thức đó không nghe lời mới vứt bỏ không thương tiếc. Nhưng đó là một việc khác (VTN).
(2)  Về sau, đám trí thức mới phất này đã tự  phong cho mình đủ thứ danh hiệu – kể cả giáo sư, tiến sĩ và cả viện sĩ nữa, –  tuy các học hàm học vị này không được nước nào công nhận (VTN).
14-10-2013
V.T.N.

16/10/13

Alan Phan - MỘT NGÀY…KHÔNG NHƯ MỌI NGÀY


Alan Phan 15 Oct 2013

Dù sao, ngày mai cũng là một ngày khác…(after all, tomorrow is another day – Margaret Mitchell – Gone with the Wind)




Một ngày như mọi ngày…em trả lại đời tôi (Trịnh Công Sơn). Nhưng tệ hơn, một ngày… không như mọi ngày, em cho thừa phát lại đến tịch thâu nhà anh, xe anh, tài sản anh…và cả con cái anh. Chả thế mà triết gia nào đã ngẫm nghĩ về những pho tượng của anh hùng và thánh nhân tại các công viên, sừng sững làm tấm gương sáng cho loài người hèn mọn. Nhưng không ít những ngày trở trời, các pho tượng này phải hứng chịu bao nhiêu là …phọt phẹt của lũ chim bồ câu từ trên. Nhìn rất thảm hại.

Ôi kiếp nhân sinh. Ai mà không trải qua những ngày tồi tệ, mệt mỏi, không muốn thức giấc. Một ngày như số tử vi phán, trăng sao kết tụ nhầm trục; và tai biến, sai lầm thi nhau đợi ngoài phòng khách. Không biết từ đâu đến, không biết bao giờ mới đi. Danh hài Dangerfield diễu về một ngày lạ lùng như vậy: sáng ra, cầm ly cà phê bị rớt, dĩa trứng vợ làm cũng rơi đổ bể. Nhịn đói đi làm, ra cầm cặp lên, quai cặp cũng sút ra. Ông nói sau đó cả sáng, ông không dám đi tiểu, vì sợ…

Một bạn đọc hỏi, ông Alan già có phải trải qua những ngày như thế? Ông làm cách gì để tiếp tục cuộc chơi trong hào hứng hăm hở…mà không bỏ cuộc?

Dĩ nhiên trong mọi hành trình, những ngày trái gió, mưa bão…là chuyện bình thường dù không ai muốn. Người Mỹ có câu khá thông dụng…Shit happens (dịch thoáng ra là lâu lâu ta đạp phải cứt..). Nhiều người phản ứng  “quyết liệt” tạo nên những bi hài kịch không cần thiết…mà kết quả sau cùng thì cũng thế thôi (gặp thời thế, thế thời phải thế). Cho nên, với tôi, câu nói đầu tiên khi …đạp phải c…là “hãy bình tâm, suy nghĩ về giải pháp thay vì tự hành hạ…”

Kế tiếp là một chương trình 4 điểm tôi ép mình phải thực thi . Nhiều bạn phải đi làm hàng ngày chắc không có điều kiện để tuỳ tiện như tôi. Tuy nhiên, trong tinh thần của 4 điểm hồi phục, các bạn cũng có thể sáng tạo ra vài thay đổi trong giới hạn nhỏ để có được sự cải thiện cốt yếu. Xin được chia sẻ lại chương trình này với các bạn :
1.      Cân bằng thể lực và tinh thần

Ông bác sĩ già của gia đình cho biết là đôi khi thân thể ta thiếu một tố chất gì đó, tạo nên tình trạng mất cân bằng, khiến nội lực suy yếu và sức đề kháng không đủ mạnh, làm chúng ta dễ mỏi mệt và chán nản. Ông không nói, nhưng tôi nghĩ trên bình diện tinh thần, chúng ta cũng có những phản ứng tương tự. Chút stress hơi khác lạ có thể đẩy tiềm thức ta vào một trạng thái bí quan khác thường.

Cho nên, việc đầu tiên trong những ngày “down” là bỏ qua mọi thứ quen thuộc và dành 60 phút cho một chương trình thể dục năng động đặc biệt; tiếp theo bởi 2 viên “multi-vitamin” và một bữa ăn sáng đầy đủ năng lượng. Sau đó là 30 phút “thiền và thở” để nạp lại cho tiềm thức những khí công có thể hao hụt.

Nếu kết quả không được như ý muốn, việc kế tiếp là tìm một công viên yên tĩnh và đi bộ khoảng 1 tiếng,  tìm nghe tiếng chim hót cũng như chút rên rỉ của loài côn trùng. Cuối cùng là một bồn tắm hay vòi sen khá nóng.
2.      Tạo một trò chơi khác

Trừ khi có những công việc và họp hành thật quan trọng, cấp bách, tôi luôn cố gắng thay đổi nhịp bình thường (routine) của việc làm để tạo ra những trò chơi mới và khác lạ.

Nếu cảm thấy vẫn muốn làm việc, đây là lúc chọn lựa những phương thức mà mình hay suy ngẫm nhưng chưa đem ra thực hiện. Một vài cú điện thoại hay emails đến những đối tác hay khách hàng lạ có thể đem lại những kết quả bất ngờ. Thất bại không quan trọng; khám phá và liều lĩnh là các yếu tố cần thử nghiệm.

Nếu không muốn làm bất cứ gì nhưng trí tuệ vẫn nhậy bén, đây là thời điểm để nghiên cứu sưu tầm những dữ liệu, thống kê hay những sáng kiến và thành quả mới của các doanh nhân, khoa học gia…Không muốn đọc về nghề nghiệp, tin tức…thì ôm một tập truyện hay đi vào một rạp hát.

Ở Los Angeles, tôi hay đi xuống những piers (bờ kè dọc biển hay chạy ra biển), quan sát nhóm người tụ tập để câu cá, đi skateboard, chơi games, ăn uống trong các khu giải trí, cho hải âu ăn…Có nhiều điều thú vị về du khách và những người “vô công rỗi nghề”. Hoặc điện thoại hỏi anh huấn luyện viên tennis, hôm nay trong các buổi thực tập cho các em nhỏ, có cần người phụ?

Biển, sông, hồ, núi…là những môi trường thiên nhiên, đầy dinh dưỡng cho thể xác và tâm hồn. Hãy ra khỏi thành phố, và tìm về với nguyên thuỷ của đất trời.
3.      Tìm một góc bình yên

Tâm linh và niềm tin là hai nền tảng cốt lõi của con người tôi. Họ là 2 người bạn đồng hành chung thuỷ và tận tâm. Tôi phải thú nhận là mặc cho bao dâu bể đã trải nghiệm, tâm hồn tôi vẫn yếu đuối và rất dễ vỡ. Không có 2 cột trụ của tâm linh và niềm tin, sẽ không có đến một ngôi nhà cho Alan trú ngụ, chứ đừng nói đến những lâu đài.

Tôi có chia sẻ là tôi hay lang thang đến những nơi thờ tự vắng vẻ: chùa, nhà thờ, đền thờ… để lòng thả trôi theo những lời kinh hay nhang khói.  Rồi giấc ngủ cũng hay tìm đến, đưa tôi về thế giới của tiềm thức, đang lần mò tìm lối bình yên.

Thượng Đế hay thánh thần là những ngôi sao xa tít bên kia vũ trụ, thấp thoáng và chắc cũng không nghe tôi nói hay nói gì với tôi. Nhưng giây phút khi tôi lim dim, dường như có một luồng điện cực nhỏ chạy qua trí óc, thì thầm…”mọi sự rồi cũng qua đi”…như giòng sông sẽ đổ về biển, đem theo chút cát bụi vô nghĩa hoà đồng với khải huyền.
4.      Chấp nhận và chia sẻ

Sau khi trải nghiệm qua những quá trình nói trên, ngày của tôi cũng bắt đầu đi vào hoàng hôn để tắt lịm và hồi sinh sau đêm đen. Đây là lúc tôi dễ chịu với mọi người, nhất là tôi. Tôi cười tha thứ cho những “tội lỗi” của mình (phần lớn là ngu xuẩn); cũng như của tha nhân. Tôi chấp nhận tất cả tốt xấu, thiện ác, khôn ngu…đã tạo nên thế giới phức tạp và đa dạng này.

Trí óc và tâm hồn tôi mở cửa toàn diện, hoàn toàn thả lỏng, không chút vướng bận. Những thành bại mất còn cũng đang bị đồng hoá với ký ức, tạo nên những dấu ấn sẽ quên sẽ nhớ. Đây là khoảnh khắc mà một vòng tay ân tình từ người bạn đường hay những đứa con đem lại những ý nghĩa đặc biệt cho đời sống. Sóng gió đời sẽ bị chặn bời con đê cao, vững chắc của gia đình,  và bên trong khung cửa là tình yêu đích thực và êm đềm.

Một ngày …không như mọi ngày …luôn mang theo những bất ổn, hoang mang và lo sợ. Không chỉ riêng cho cá nhân, một gia đình, một doanh nghiệp, một xã hội, một quốc gia, một phần thế giới…cũng đối mặt thường xuyên với các biến chứng của một hay nhiều tình thế mới. Phản ứng của người lãnh đạo và khối dân số cho thấy đởm lược hay yếu hèn của định chế. Khi “đổi mới và sáng tạo” là nhu cầu thiết yếu mà vẫn còn khư khư bám vào một vài suy nghĩ của vài ba thế kỷ trước, thì những ngày tới chắc chắn sẽ…không bình thường.

Có lẽ George Bernard Shaw nhìn rõ điều này từ vài thế kỷ trước,” Tiến bộ là bất khả thi nếu không thay đổi; và những người không thay đổi tư duy của họ sẽ không thay đổi được điều gì – Progress is impossible without change; and those who cannot change their minds cannot change anything.”

Alan Phan

Source : GOC NHIN ALAN ( Alan Phan blog )

15/10/13

Nguyễn Xuân Nghĩa - Của Nợ Của Nước Mỹ


Tuesday, October 15, 2013

Của Nợ Của Nước Mỹ

Thanh Hà & Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 131015
 Tạp Chí Kinh Tế RFI

Thực hư về mối nguy "Hoa Kỳ vỡ nợ"   
Capitol, trụ sở Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ (ảnh chụp sáng 15/10/2013) 
* Capitol, trụ sở Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ (ảnh chụp sáng 15/10/2013) - REUTERS *


Còn 48 giờ trước hạn định Hoa Kỳ phải nâng trần nợ công, Hành pháp và Quốc hội lưỡng viện vẫn chưa tìm ra đồng thuận. Cả thế giới nói tới kỳ hạn 17/10/2013, khi cường quốc kinh tế số 1 toàn cầu bị đe dọa «mất khả năng thanh toán». Nhưng các thị trường tài chính thế giới và kể cả hai chủ nợ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc và Nhật Bản vẫn bình tĩnh.
Về phần các cơ quan thẩm định tài chính, trước mắt cũng chưa một ai lên tiếng đe dọa hạ điểm tín nhiệm đối với nợ công của Hoa Kỳ. Trong khi đó mọi người còn nhớ rằng vào năm 2011, khi Washington đàm phán để nâng trần nợ công thì cũng là lúc Standard & Poor's hạ điểm tín nhiệm của Mỹ. Khi đó tổng nợ công của Hoa Kỳ tương đương với 10 % GDP chứ không chỉ là gần 4 % như hiện tại.
Giải thích cho thái độ điềm tĩnh đó của quốc tế các chuyên gia cho rằng, hạn định 17/10/2013 được chính giới Hoa Kỳ nêu lên như là một cột mốc «quyết định», nhưng trên thực tế hạn ngày 17 tháng 10 nặng về ý nghĩa chính trị hơn là kinh tế.
Cụ thể là trong 48 giờ nữa nếu Nhà Trắng và Hạ Viện do đảng đối lập Cộng hòa chiếm đa số không tìm ra đồng thuận để nâng trần nợ công của Hoa Kỳ, thì bộ Tài chính vẫn còn một khoản dự trữ khoảng 30 tỷ đô la để thanh toán nợ đáo hạn, đài thọ những khoản chi tiêu cấp bách nhất. Nhưng kể từ cột mốc thời gian đó, về phương diện pháp lý, chính phủ Mỹ không được quyền đi vay thêm để trang trải các hóa đơn đến kỳ phải trả. Đó sẽ là một vấn đề đau đầu khi bộ Tài chính phải thanh toán 6 tỷ đô la tiền lãi cho các chủ nợ vào ngày 01/11/2013 và cùng ngày, phải xuất ra 55 tỷ đô la để trả các khoản an sinh xã hội : lương hưu cho người già, phụ cấp cho lính, hay bảo hiểm y tế cho người tàn tật …
Trong trường hợp Hạ viện vẫn chưa đồng ý nâng trần nợ công từ nay cho đến hết ngày 31/10/2013 thì điều gì sẽ xảy ra? Có ba kịch bản được đưa ra: một là chính quyền Mỹ bắt buộc phải mạnh tay cắt giảm chi tiêu công cộng để duy trì mức nợ công ở dưới ngưỡng quy định như hiện nay là 16.700 tỷ đô la (tương đương với 3,9 % GDP). Giải pháp thứ nhì là Tổng thống Obama sử dụng điều khoản Tu chính án 14, cho phép ông đơn phương nâng trần nợ công. Kịch bản thứ ba là Hoa Kỳ sau ngày 01/11/2013 rơi vào tình trạng «tạm thời mất khả năng thanh toán». Trong trường hợp thứ ba này, nước Mỹ sẽ đánh mất niềm tin nơi các nhà đầu tư trên thế giới, bởi vì từ trước đến nay, công trái của Hoa Kỳ vẫn được coi là «an toàn» nhất.
Khi mà các nhà đầu tư cho rằng mua công trái phiếu có rủi ro cao thì điều đó cũng có nghĩa là chính phủ Mỹ sẽ phải đi vay tín dụng với lãi suất cao hơn. Mọi người còn nhớ rằng vào thập niên 1970 do một sự cố kỹ thuật về điện toán, Hoa Kỳ đã tạm thời mất khả năng thanh toán trong một vài giờ. Hậu quả là trong một thời gian dài, Washington đã phải đi vay với lãi suất cao hơn đến 0,6 %. Trong bối cảnh hiện tại, khi mà kinh tế Hoa Kỳ chưa thực sự vững vàng sau khủng hoảng tài chính 2008, nếu đe dọa bị «mất khả năng thanh toán» đẩy lãi suất của Mỹ lên cao thì nước Mỹ của ông Obama sẽ lại rơi vào một chu kỳ suy thoái.
Trước khi phân tích về thực hư chung quanh đe dọa nước Mỹ bị « vỡ nợ », xin được lưu ý rằng, cụm từ « vỡ nợ » hay «mất khả năng thanh toán» dùng để nói về khủng hoảng của Hoa Kỳ hiện nay không hoàn toàn chính xác bởi Mỹ không trong hoàn cảnh bị đẹ dọa như là Hy Lạp hay một vài quốc gia khác trong khối euro, khiến họ đã phải cầu cứu quốc tế.
Để hiểu rõ hơn về những tranh cãi trên mức trần nợ công Hoa Kỳ và tác động của nó, ban Việt ngữ RFI một lần nữa đã mời chuyên gia kinh tế Mỹ, Nguyễn Xuân Nghĩa tham gia vào tạp chí hôm nay. Theo ông ít có hy vọng Hạ viện và chính phủ Obama đạt được đồng thuận về mức trần nợ trước thời hạn ngày 17/10/213.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Diễn tiến bề mặt của trận đấu tuần qua là Hạ viện Cộng Hoà đề nghị nhiều giải pháp mà đều bị Chính quyền Obama bác bỏ nên tạm lui từ Thứ Sáu 11/10/2013, để trận đấu chuyển qua Thượng viện, nơi đảng Dân Chủ giữ đa số và bên Cộng Hoà có lập trường ôn hòa hơn. Suốt cuối tuần, lãnh đạo hai đảng tại Thượng Viện ráo riết thương thuyết và qua trưa ngày 14/10/2013 thì hy vọng chớm nở, nên Tổng thống Obama quyết định đình hoãn việc gặp lãnh tụ hai đảng trong Quốc hội vào buổi chiều để đợi hai đảng hoàn tất một đề nghị chung. Tuy nhiên, thỏa hiệp của Thượng viện vẫn phải trở lại Hạ viện để có chung quyết trước kỳ hạn 17/10/2013. Lạc quan lắm thì đôi bên sẽ lại trì hoãn bằng giải pháp tạm cho qua năm tới theo kiểu "đá bóng ra biên" và suốt ba năm tới, năm nào cũng có tranh luận như vậy.
RFI: Không đạt được đồng thuận trước kỳ hạn như vậy thì liệu nước Mỹ có bị «vỡ nợ» như là các phương tiện truyền thông thường nói tới ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chuyện này khá rắc rối. Tôi xin được trình bày vắn tắt như sau: 
- Thứ nhất là định nghĩa pháp lý và tấm lịch. Cả thế giới lẫn đa số dư luận Mỹ cứ nói đến kỳ hạn 17 Tháng 10 là khi Hoa Kỳ có thể bị vỡ nợ nếu Quốc hội không nâng định mức đi vay quá con số 16.700 tỷ đô la hiện nay. Sự thật không là vỡ nợ - vỡ nợ là khi món nợ vượt quá tài sản của quốc gia nên chính quyền không trả được nợ - mà chỉ là một vụ lỗi hẹn trả nợ hay "vi ước" khi mà khách nợ không thanh toán được một số nợ đáo hạn. Tôi xin lấy một thí dụ: khách nợ có tài sản là ngôi nhà và món nợ lớn về tín dụng địa ốc và vẫn có thu nhập bình thường nhưng tạm thời không thanh toán được khoản nợ đáo hạn của thẻ tín dụng. Đây là điều bất tiện khi các chủ nợ lớn nhỏ đều biết tình trạng này và có thể đòi tiền lời cao hơn để tránh rủi ro, nhưng bất tiện chứ chưa là vỡ nợ hay phá sản. Hoá ra hai phe trong cuộc cứ đưa kỳ hạn vỡ nợ này ra để hăm dọa quần chúng và tác động vào thị trường.
- Thực tế thì mỗi tháng ngân sách liên bang Mỹ vẫn thu vào 250 tỷ đô la tiền thuế và phải trả tiền lời đi vay là 20 tỷ và bộ Ngân khố còn khả năng du di nhiều khoản chi theo một ưu tiên khác để thanh toán các món nợ đáo hạn sau ngày 17/10/2013. Việc du di hay thay đổi ưu tiên đó cũng nằm trong các đề mục đang được tranh cãi. Nhưng song song, đồng hồ vẫn nhảy nên mùng 01/11/2013 này lại đến kỳ trả tiền an sinh xã hội, hay ngày 15/11/2013 sẽ phải trả nợ trái phiếu, và đấy mới là những lằn ranh khó lùi.
- Trong khi ấy, vấn đề căn bản vẫn là Hoa Kỳ bị bội chi quá lớn, cứ chi ra trăm đồng là phải vay gần hai chục bạc. Hoặc năm tới phải vay thêm 700 tỷ, 10 năm tới phải vay năm ngàn tỷ. Việc ấy không thể kéo dài và là mối nguy thật sự cho nước Mỹ. Chưa kể các khoản cam kết của quỹ hưu bổng An sinh Xã hội hay nghĩa vụ thanh toán quỹ Bảo hiểm Y tế Medicare hay Trợ cấp Y tế Medicaid. Nếu Mỹ bị vỡ nợ thì là do các quỹ tín thác này khi giới cao niên sinh sau Thế chiến II ào ạt về hưu với tuổi thọ cao hơn và yêu cầu về y tế đắt hơn !
RFI: «Lằn ranh đỏ» không phải là ngày 17/10 và cốt lõi vấn đề không nằm ở chỗ nâng trần nợ công của Hoa Kỳ. Căn nguyên nguồn cội vẫn là Hoa Kỳ đang bội chi quá lớn. Mà để giải quyết vấn đề này, thì bắt buộc hai vế chính trị và kinh tế phải đi song song với nhau.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chính trường Hoa Kỳ vẫn bị cái lá che mắt là lịch bầu cử. Hai cuộc bầu cử 2014 và 2016 sắp tới khiến đôi bên lại đổ lỗi cho nhau để giành phiếu mà cuối cùng vẫn chỉ là tìm giải pháp thỏa hiệp. Ngón võ này có xảy ra hồi tháng 8/2011 khiến trái phiếu Hoa Kỳ bị sụt cấp mà hai đảng chưa dứt khoát giải quyết và đành thả nổi cho biện pháp tự động giảm chi gọi là "séquestration". Chính là những biện pháp tự động ấy góp phần thu hẹp bội chi ngân sách dù Chính quyền Obama cứ báo động về tai họa suy trầm vào đầu năm nay. Có lẽ vì vậy mà lần này thị trường tại Mỹ không mấy rúng động. Chỉ dấu hốt hoảng trên thị trường cổ phiếu như chỉ số VIX vẫn lửng lơ dưới điểm 20 thay vì tăng vọt lên gần 80 vào năm 2008 hay quá 40 điểm vào giữa năm 2011.
RFI: Trong trận đấu trên chính trường Mỹ hiện nay thì ai thắng, ai thua hay chỉ đem lại hậu quả tai hại cho kinh tế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thuần về chính trị thì một thiểu số cực đoan trong đảng Cộng Hoà có chủ trương tối đa là lồng hồ sơ Obamacare vào trận đấu ngân sách và gây chấn động cho đảng mà không giỏi tuyên truyền nên đã tặng một món quà bất ngờ cho Tổng thống Obama. Thế rồi, được lợi thế đó, đảng Dân Chủ lại đòi tối đa và quyết không nhượng bộ nên cũng làm dân chúng thất vọng. Khi nhược điểm của đạo luật cải tổ y tế Obamacare ngày càng tỏ lộ thì kết quả sẽ là sự bất ngờ khác cho cuộc bầu cử năm tới.
- Chuyện trầm trọng hơn chính là hiện tượng phân cực của chính trường Hoa Kỳ khi các thiểu số ở cả hai cánh tả hữu có những đòi hỏi cực đoan về chuyện vặt mà không giải quyết một của nợ chình ình trước mắt nên khiến quần chúng ôn hòa ở giữa chán nản. Họ không mấy tín nhiệm Quốc hội và giới dân cử, hết thiết tha đến việc đi bầu và nhường cái loa cho những kẻ ồn ào nhất. Trong hiện tại, có lẽ đấy mới là vấn đề nghiêm trọng của chính trường Hoa Kỳ.
RFI: Dù muốn hay không thì uy tín của Mỹ đối với các đối tác quốc tế cũng đang bị sứt mẻ, có phải không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dĩ nhiên là họ coi thường nước Mỹ, với lời mỉa mai dễ hiểu là "Xứ này lạ thật!", hoặc "Ai lại lãnh đạo một quốc gia như vậy?" Trong khi đó các chủ nợ quốc tế của Hoa Kỳ là giới đầu tư trên thị trường trái phiếu thì có cái nhìn bi quan hơn giới đầu tư Mỹ. Điều ấy được thấy ở phân lời gia tăng của loại bảo hiểm tín dụng chống rủi ro vi ước của Hoa Kỳ, gọi tắt là CDS. Có lẽ thế giới quan ngại về chuyện này hơn là các chính khách Hoa Kỳ.
RFI: Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ với gần 1.300 tỷ đô la trong tay, vậy Bắc Kinh đánh giá thế nào về khủng hoảng tại Mỹ hiện nay và liệu rằng chủ nợ Trung Quốc có bán bớt công trái của Mỹ để giới hạn các rủi ro hay không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hoa Kỳ quả thật là nợ nước ngoài cỡ năm ngàn tỷ đô la, hai chủ nợ hàng đầu là Trung Quốc với gần 1.300 triệu đô la, rồi Nhật Bản  hơn 1.100 triệu đô. Nhưng thực tế kinh tế lại có nhiều điều đáng chú ý. Thứ nhất, thị trường Mỹ có mức thanh khoản cao, sức tiếp nhận sâu rộng, dễ dàng mua vào bán ra cả trăm tỷ một ngày. Thứ hai, các thị trường lớn khác như Âu Châu lại chưa được an toàn như vậy. Thứ ba, Hoa Kỳ cũng nắm trong tay tài sản của nhiều xứ khác dưới dạng đầu tư còn lớn hơn khoản ngoại trái này, với mức lời cao hơn, nôm na là Mỹ đi vay rẻ mà tung tiền kiếm lời cao hơn ở xứ khác! Và sau cùng, nếu chủ nợ sợ hãi bán tháo thì vừa bán ra là tài sản Mỹ ở trong tay lại sụt giá. Chuyện phũ phàng là chủ nợ tại Bắc Kinh sẽ nghèo đi nếu tìm cách cho Hoa Kỳ một bài học tài chính!
- Vì vậy mà tuần qua Tân Hoa Xã của Trung Quốc có bài bình luận gay gắt đả kích Hoa Kỳ, kêu gọi các nước xây dựng trật tự mới cho một thế giới "phi-Mỹ hóa" với một ngoại tệ có thể thay thế Mỹ kim. Sự thật thì chẳng có một ông trời hay một định chế siêu quốc gia nào quyết định về vai trò của một ngoại tệ quốc tế và với mọi nhược điểm thì Mỹ kim có góp phần nâng mức thanh khoản cho toàn cầu từ mấy chục năm nay rồi mà đến nay chưa có ngoại tệ nào thay thế được.
  - Ngoài ra, bên dưới trò đấu đá chính trị tại Hoa Kỳ, thực tế của thị trường là cán cân thương mại của Mỹ đã được thặng dư, ngược với cán cân thương mại của Trung Quốc, một quốc gia cũng đang có gánh nợ quá lớn. Và nếu Bắc Kinh muốn truất phế Mỹ kim thì phải thả nổi đồng bạc để đồng Nguyên sẽ thành ngoại tệ phổ biến hơn. Chuyện ấy không dễ và có đầy rủi ro nên Bắc Kinh mới hậm hực. Dù sao thì lời phản kích của Trung Quốc cũng có lợi cho Hoa Kỳ vì xúc phạm tự ái và làm dân Mỹ thêm thất vọng về lãnh đạo của họ. Chúng ta nên theo dõi phản ứng này. 

Source : RFI  / dainamax tribune

13/10/13

Những điều ít được biết đến về Tướng Giáp

By Trọng Nghĩa