2/11/13

Văn Cầm Hải - Ngô Đình Diệm và cuộc chiến kiến quốc


Văn Cầm Hải
Texas Tech University, USA

1/11/2013

Tổng thống Ngô Đình Diệm hồi năm 1955, ít phút sau một âm mưu ám sát ông


Đã tròn năm thập kỷ trôi qua kể từ khi cố tổng thống Ngô Đình Diệm, người sáng lập Việt Nam Cộng Hòa bị ám sát trong một cuộc đảo chính quân sự với sự tiếp tay của Hoa Kỳ.

Diệm cũng được miêu tả như là một sản phẩm truyền thống của đạo Thiên Chúa và Khổng Giáo, đại diện cho sự hòa trộn giữa tư tưởng phương Tây và phương Đông trong tiến trình xây dựng một chính quyền chống cộng sản ở Đông Nam Á.
Trong mắt các sử gia phương Tây và Việt Nam thời hậu thuộc địa, Ngô Đình Diệm là một con rối của Mỹ, gắn liền ý nghĩa trong một cụm từ đầy mỉa mai và thóa mạ là “bè lũ Mỹ-Diệm”, và rằng chính phủ của Diệm cũng chỉ là một sự sáng tạo của Hoa Kỳ phục vụ cho mục đích địa chiến lược trong Chiến tranh lạnh.
Phủ nhận những quan điểm này, trong Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam ( tạm dịch: Cuộc hôn nhân không tương xứng: Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ, và số phận Miền nam Việt Nam), Miller đưa ra một cách giải thích mới về Ngô Đình Diệm và mối quan hệ của ông ta với Hoa Kỳ, được soi sáng từ những điểm nhìn văn hóa chính trị của Việt Nam.[1]
Đóng góp nổi bật nhất của tác giả là cung cấp một sự diễn giải tinh vi và công phu về mối xung đột giữa Diệm - Chiến lược kiến quốc của ông, và phía đồng minh Hoa Kỳ.

Ngô Đình Diệm là một nhà trị quốc hiện đại

Tác giả đã khẳng định rằng vị lãnh đạo của nền Đệ nhất Cộng hòa là một nhà trị quốc hiện đại với những viễn kiến riêng và mới mẻ về quốc gia, khác xa với quan điểm của Hoa Kỳ.
Dù cùng chung mục tiêu chống Cộng sản nhưng hai đồng minh vẫn thường xuyên xảy ra những bất đồng, tạo nên những xung đột và cạnh tranh liên quan đến những vấn đề cốt lõi mà Miller gọi là: “Nguyên lý kiến quốc”, vốn đã hình thành và chi phối toàn bộ lịch sử quan hệ đồng minh giữa Hoa Kỳ và Diệm từ lúc mới hình thành cho đến lúc lụi tàn, biểu hiện cho cuộc xung đột giữa các sứ mệnh của nền văn minh hơn là giữa các nền văn minh.
Nghiên cứu quá trình xung đột từ góc nhìn chính trị và luân lý, quốc gia và cá nhân, đặt nó trong bối cảnh lịch sử của Việt Nam và quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ, Miller đã phô bày những va chạm trong nhận thức và động lực về tư tưởng chính trị, chiến lược quân sự, khủng hoảng tôn giáo, và chương trình xây dựng kinh tế xã hội ở vùng nông thôn.
Sự xung khắc này không chỉ làm cho liên minh Mỹ-Diệm sụp đổ vào năm 1963 mà còn góp phần làm thay đổi kết quả cuộc chiến.

Tư tưởng chính trị và tôn giáo của Diệm

"Theo Miller, kế thừa tinh thần quốc gia mạnh mẽ và lòng mộ đạo Thiên chúa của người cha Ngô Đình Khả, Diệm đã trở thành một nhà yêu nước nhiệt thành, chiến đấu cho quyền lợi của dân tộc
Hoạt động đối lập với chính quyền thuộc địa Pháp, từ chức Thượng Thư Bộ Lại trong chính phủ Bảo Đại, tôn sùng Phan Bội Châu và kiến thức về đạo Khổng của nhà nho yêu nước này, thông cảm và ủng hộ với tổ chức Chấn Hưng Dân Tộc của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, thành lập lực lượng thứ ba để vận động những người theo quốc gia, chống cộng sản kết nối lại thành một liên minh đấu tranh cho một đất nước Việt Nam của người Việt Nam, và cuối cùng là bỏ qua mối thù cá nhân của gia đình để sẵn sàng hợp tác với chính phủ Việt Minh của Hồ Chí Minh, mọi nỗ lực của Diệm đã đã minh chứng rằng ông là một “nhà hộ quốc tận tụy của nước Việt” (27)

Ngô Đình Diệm không được Mỹ ủng hộ trong năm 1954

Miller, bằng việc lột bỏ những thiên kiến chống lại Diệm trong năm mươi năm qua, khẳng định rằng quan điểm của ông không phải được sinh ra từ sự mờ mịt, hay những ảo niệm được dựng lên bởi Hoa Kỳ vào năm 1954.
Diệm thực sự là một trong những nhân vật xuất chúng và năng động nhất trong số các nhà chính trị ở Đông Dương.
Và vì vậy ông đã được bổ nhiệm vào chức vụ Thủ tướng của nước Việt Nam bởi chính sự quyết định của cựu hoàng Bảo Đại.
Tác giả lưu ý, hầu hết các cứ liệu cho rằng Diệm được sự hỗ trợ của cộng đồng Thiên chúa giáo Hoa Kỳ, đứng đầu là hồng y Francis Spellman, hay bởi sự vận động bí mật của CIA, sự ủng hộ của các quan chức Bộ ngoại giao Hoa Kỳ như John Foster Dulles… là thiếu thuyết phục vì không có chứng cứ xác đáng.
Miller thấy rằng những tài liệu giải mật của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ chỉ nói lên được một hiểu biết mơ hồ về Diệm cho đến tháng 5/1954. Theo Miller, Bảo Đại quyết định chọn Diệm vào chức vụ Thủ tướng là bởi ông hoàng này công nhận rằng Diệm “là một người tốt nhất cho công việc, bởi vì sự không khoan nhượng và sự cuồng tín của mình, ông ấy có đủ năng lực để chống lại chủ nghĩa cộng sản... Ông ấy thực sự là một người rất thích hợp với hoàn cảnh hiện tại.”
Diệm đã chứng minh lời của quốc trưởng nhận xét về năng lực của mình là không sai. Trong thời kỳ hậu hiệp định Geneva, phớt lờ chiến lược hòa giải và cải tổ của Hoa Kỳ, Diệm đã trấn áp và dẹp tan những đối thủ chính trị của Diệm mà không có bất kỳ một sự thỏa hiệp nào để kiểm soát thành công quân đội quốc gia, giành lấy quyền lực từ những viên tướng thân Pháp, thực hiện chương trình kiến quốc của ông.
Những kiến giải của Miller về thời kỳ này không những đưa ra một sự hiểu biết mới về Diệm, mà còn thách thức các nhà sử học nhận thức lại lịch sử quan hệ Mỹ-Diệm ngay từ buổi đầu.

Bất đồng về quan điểm dân tộc và dân chủ

Diệm tự xem mình vừa như một tấm khiên phòng thủ, đồng thời là ngọn giáo tấn công những đe dọa đối với hệ thống chính trị ở Nam Việt Nam, bao gồm độc lập, lợi ích quốc gia, bổn phận đạo đức kết thành nền tảng của dân chủ và đời sống dân sự trong một quốc gia.
Khác với những công trình nghiên cứu lịch sử chiến tranh Việt Nam khác, Miller đã khai phá một cách nhìn mới về chủ nghĩa dân tộc của Diệm.
Diệm không phải là một thuyết gia truyền thống, cũng không phải là một viên quan thuộc địa phản động. Ông là một nhà chính trị xảo trí và là một nhà lãnh đạo “dân chủ” với một đường lối chấn hưng đất nước dựa trên cơ sở gắn kết có chọn lọc tư tưởng Thiên Chúa giáo, Khổng giáo, và sự đặc trưng chủ nghĩa dân tộc của Việt Nam.
Vận dụng văn hóa Việt Nam để làm rõ quan điểm chính trị và tôn giáo của Diệm, Miller chỉ ra cách nhìn của Diệm về giá trị của dân chủ và sự phát sinh của những giá trị đó từ quan niệm dân chủ truyền thống mang tính bản địa của người Việt hơn là từ quan điểm tự do thuần túy của phương Tây.
Thấm nhuần những chuẩn mực, phẩm hạnh của triết lý xã hội như ý thức tự lập, tự hoàn thiện, và hiến dâng cho lợi ích cộng đồng của đạo Khổng, vốn được xem là phù hợp với quan điểm chủ nghĩa nhân vị của triết gia Thiên chúa giáo Emanual Monier, Diệm tin rằng: “ Dân chủ trước hết là một trạng thái tinh thần, một lối sống tôn trọng bản thân chúng ta và người khác.” Như vậy, thay vì kết nối dân chủ với tự do dân sự, Diệm diễn tả nó như một quá trình tiến bộ của xã hội tập thể.
Tổng thống Diệm cố gắng hiện đại hóa và liên kết những tư tưởng chính trị-tôn giáo này với chương trình kiến quốc đương thời khi ông tuyên bố rằng: “Chúng ta sẽ không quay lại phiên bản vô ích của quá khứ quan lại, mà sẽ áp dụng những gì tốt nhất của di sản vào tình hình hiện đại."
Quan niệm dân chủ của Diệm đã mâu thuẫn với Học thuyết Dân chủ của Mỹ. Miller kết luận “Diệm tìm cách định nghĩa dân chủ như một đặc tính xã hội dựa vào bổn phận đạo đức luân lý. Định nghĩa này quá khác xa với quan điểm của những thuyết gia người Mỹ khi họ quan niệm dân chủ là một hình thái đa nguyên chính trị.

Bất đồng về chương trình xây dựng nông thôn

Sự bất đồng tư tưởng này đã khuấy đục liên minh Mỹ-Diệm trong quá trình triển khai một trong những chương trình kiến quốc quan trọng nhất: phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn, với mấu chốt của vấn đề là giải quyết tình trạng dư thừa dân số bằng cách di dân.
Giải pháp này, như tác giả phân tích, là phân bố lại dân số hơn là phân bố đất đai. Việc di dân đến vùng đất mới không chỉ cung cấp đất cho người dân, mà còn là tiền đề mở rộng các mục tiêu kinh tế, an ninh, và tư tưởng do Diệm vạch ra.
Trên bình diện quốc gia, Diệm khởi động chương trình tự cung tự cấp như là một đặc trưng trong viễn kiến của Diệm về phát triển cộng đồng để phát động sự tham gia tự giác và đóng góp của toàn dân vào những mục tiêu công ích của nhà nước.
Ảnh chụp hôm 1/11/1963
Ông Diệm bất đồng với người Mỹ về cách điều hành miền nam
Kế hoạch dinh điền của Diệm không tránh khỏi sự phàn nàn từ phía Mỹ.
Đối với Mỹ, trung tâm của chính sách cải cách ruộng đất là phân bố ruộng đất cho người không có, tạo ra những điều kiện và cơ hội để họ nâng cao và triển khai những dự án hơn là bóc lột sức lao động của họ cho việc xây dựng nhà nước.
Miller đã phân tích rất sâu sắc sự khác biệt của hai trường phái kiến quốc của Mỹ sau thế chiến thứ II bao gồm chủ nghĩa tân thời cao cấp, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khoa học và kỹ thuật, và chủ nghĩa tân thời bậc thấp chú trọng vào các chương trình phát triển ở phạm vi hẹp mang tính địa phương.
Cả hai trường phái này đều không phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, bởi vì Hoa Kỳ không thể Tây hóa lối sống và điều kiện kinh tế xã hội của người Việt.
Ngô Đình Nhu tuyên bố rằng công nghiệp hóa và sự thay đổi kinh tế chỉ có thể đến với miền Nam Việt Nam sau khi họ có thể rời xa một cách dứt khoát xã hội truyền thống với ý nghĩ, tổ chức và kỹ thuật mà chúng họ đã từng gắn kết.
Do vậy, dù đồng ý với quan điểm của Hoa Kỳ là cần cung cấp nguyên liệu sản xuất cho dân tái định cư, nhưng Diệm bảo lưu quan điểm của mình, rằng việc cung cấp tư liệu sản xuất không quan trọng bằng nghĩa vụ và bổn phận tự lập của cộng đồng.
Do đó ông sẵn sàng tiếp tục thực hiện kế hoạch mà không cần sự trợ giúp của Mỹ. Mối bất hòa về chương trình dinh điền, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn đã đẩy Washington và Saigon vào một tình trạng tồi tệ mới.

Bất đồng về chiến lược an ninh và quân sự

Chiến lược gìn giữ an ninh nội địa tập trung vào công cuộc chống nổi dậy ở vùng nông thôn nhằm ngăn chặn sự thâm nhập của cộng sản luôn là mối bận tâm của chính quyền Diệm.
Miller chứng minh rằng không phải mọi hoạt động quân sự của Diệm đều do Mỹ điều khiển hoàn toàn, thậm chí còn xảy ra những bất đồng trong nội bộ Mỹ.
Về xây dựng lực lượng, ví dụ, phái bộ cố vấn của đại học Michigan (MSUG) muốn phát triển Lực lượng Bảo an như là một lực lượng cảnh sát dân sự, trong khi đó các cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) lại muốn lực lượng này là một mô hình bán quân sự hoạt động như một đội quân phụ trợ.
"Còn với Diệm, Bảo an là một lực lượng lai ghép, kết hợp quyền lực của cảnh sát như quyền giám sát, giam cầm, và phản gián với năng lực quân sự.
Chỉ trích các giải pháp của cố vấn Mỹ không phù hợp với quan điểm của mình, cũng như hoàn cảnh an ninh của miền Nam Việt Nam, Diệm tiếp tục củng cố và phát triển lực lượng Bảo an như một nhân tố chính trong cuộc chiến chống lại chiến tranh du kích.
Là một cựu quan chức có nhiều trải nghiệm về cách trị dân, hơn ai hết, Diệm hiểu rằng: để cai quản vùng nông thôn cần kết hợp các giải pháp chính trị, quân sự, xã hội và kinh tế.
Do đó, Diệm thành lập Phủ Đặc Ủy Công Dân Vụ như là một cơ quan thiết kế, quản lý, và điều khiển các chương trình phát triển cộng đồng.
Tuy nhiên, ý tưởng của Diệm không giống với hoạch định từ phía Mỹ, đặc biệt là về mục tiêu chương trình Ấp Chiến Lược.
Với các cố vấn Mỹ, một giá trị phổ quát của nền dân chủ đa nguyên là yếu tố chính mang lại thành công của chương trình, cũng như kết quả của cuộc chiến.
Ngược lại, Diệm không bao giờ có quan điểm Dân chủ là một sự cạnh tranh mang tính đa nguyên giữa các đối thủ, đảng phái, và tư tưởng.
Thay vì vậy, Diệm cho rằng nền móng dân chủ của ấp chiến lược là huy động sức mạnh toàn thể dân chúng tham gia vào cuộc chiến chống lại kẻ thù của chế độ.
Miller không thể không thừa nhận rằng dù có nhiều khiếm khuyết và bất cập, nhưng Ấp Chiến Lược là một chương trình thành công, tạo nên một bước ngoặt đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống lại cộng sản ở miền Nam, mang lại hy vọng cho một chiến thắng chung cuộc. Trận Ấp Bắc vào tháng 1/1963 vẫn không dập tắt sự lạc quan của Diệm, vì vậy họ Ngô đã ra lệnh cho Phủ Đặc Ủy Công Dân Vụ chuẩn bị kế hoạch Bắc tiến, chiếm lại miền Bắc Việt Nam.
Và cuối cùng, Diệm muốn Mỹ viện trợ vũ khí và các nguyên vật liệu khác nhưng không chấp nhận sự việc các cố vấn Mỹ can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam.

Khủng hoảng phật giáo và bất đồng về chính sách kiến quốc

Số phận và kế hoạch của họ Ngô đã bị chặn đứng bởi cuộc khủng khoảng Phật Giáo.
Nổi bật giữa các sử gia về chiến tranh Việt Nam, Miller nghiên cứu cuộc khủng khoảng Phật giáo năm 1963 như là một sự phát triển trong dòng chảy lịch sử của quá trình chấn hưng Phật giáo, vốn đã diễn ra trong những năm 1910 và 1920 của thế kỷ 20.
Miller đưa ra một cái nhìn mới về phong trào Phật giáo trong kỷ nguyên của Diệm, rằng nó không chỉ đấu tranh cho sự bình đẳng tôn giáo và tự do tín ngưỡng, mà thực sự là nó còn bộc lộ sự lo lắng sâu sắc về sách lược kiến quốc của Diệm, đặc biệt là về cuộc cách mạng nhân vị điều mà giới Phật tử thấy như là mối đe dọa đến việc làm hồi sinh sức mạnh Phật giáo Việt Nam.
Ông Ngô Đình Diệm duyệt đội lính nhân một dịp kỷ niệm ngày lập quốc ở miền nam
Ông Ngô Đình Diệm duyệt đội lính nhân một dịp kỷ niệm ngày lập quốc ở miền nam
Theo quan điểm của Miller, Phật giáo đã tham gia vào một cuộc cách mạng tự do dân tộc và hiện đại hóa như một sự đóng góp vào tiến trình kiến quốc.
Cuộc xung đột giữa Diệm và Phật giáo đã đẩy cuộc chiến kiến thiết quốc gia lên đỉnh điểm.
Diệm, cho đến phút cuối cùng vẫn tin rằng ông ta sẽ giải quyết sự xung đột này từ vị thế thượng phong như cách anh em ông nghĩ khi bắt đầu mở kênh đối thoại bí mật với cộng sản Bắc Việt.
Nhưng Diệm không bao giờ có thể vãn hồi trật tự như sự trả lời kiên cường và cứng rắn của ông với đại sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge, vì anh em ông đã bị hạ sát bởi chính những viên tướng phản bội.
Miller kết luận rằng: những vấn đề của sự bất đồng không đơn giản bắt nguồn từ lời tuyên bố thâm thúy và khó hiểu về cuộc cách mạng nhân vị của anh em nhà Ngô.
Chúng bắt nguồn từ mối bất hòa trong thực tế giữa nhà họ Ngô và Mỹ về những ý niệm chính như dân chủ, cộng đồng, an ninh, và cách mạng xã hội.
Khiếm khuyết của cả Diệm và đồng minh Mỹ là sự miễn cưỡng trong việc hợp tác với các phong trào cách mạng ở miền Nam.

Hồ Chí Minh: Ngô Đình Diệm là một nhà ái quốc




Chủ tịch Hồ Chí Minh coi ông Diệm là "nhà yêu nước"

Misalliance của Miller đã thành công khi soi sáng một cái nhìn mới về Diệm và chương trình kiến quốc mang đậm tính dân tộc chủ nghĩa và độc lập trong nhãn quan chính trị của ông.

Những tác phẩm trong tương lai không thể bỏ qua những luận điểm của Miller rằng chính sự xung đột nảy sinh từ nhận thức sai lệch đã hình thành mối quan hệ đầy thăng trầm của Mỹ - Diệm và cả số phận miền nam Việt Nam.
Sau năm mươi năm, hình ảnh nhân vật lịch sử Ngô Đình Diệm dần được sáng tỏ trong mắt các sử gia Mỹ.
Đáng tiếc là tại Việt Nam, việc nghiên cứu về ông vẫn là một đề tài cấm kỵ.
Phải chăng, không đi theo chủ nghĩa cộng sản là không phải người Việt yêu nước? Vậy tại sao Hồ Chí Minh lại tuyên bố Ngô Đình Diệm là một nhà ái quốc?
Những người cộng sản Việt Nam không ngờ, Hồ Chí Minh, lãnh tụ của họ đã có một cái nhìn khác về đối thủ chính trị ở miền Nam.
Trong một lần gặp gỡ nhà ngoại giao Ấn độ Ramcohundur Goburdhun, chủ tịch Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến Đông Dương, ở Hà Nội vào năm 1962, Hồ đã xem Ngô Đình Diệm là một “nhà yêu nước” và nhắn gửi với Goburdhun rằng: “Hãy bắt tay ông ấy [Diệm] giùm tôi nếu như ngài gặp ông ấy.”
Chỉ có những đối thủ xứng tầm nhau mới dành cho nhau lời nhận xét xứng tầm như vậy. Quan điểm của Hồ được nhà sử học Edward Miller lưu tâm vì nó đã gợi lên cho người đọc một cách nhìn khác lạ nhưng không xa lạ về Diệm, một nhân vật chính trị nổi bật và không thể thiếu được khi đề cập đến lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20.
Việt Nam vừa tổ chức một lễ quốc tang trọng thể cho tướng Giáp, trong khi nhân vật chính trị và quân sự lớn cùng sinh ra từ quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình với tướng Giáp - Cố tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn chưa được trả lại tên thật trên mộ phần.
Sự thật lịch sử về Diệm, cho dù còn nhiều tranh cãi, là “ một lãnh đạo độc tài với chế độ gia đình trị hay là một tổng thống ái quốc” cần phải được trả lại đúng nguyên vị của nó.
[1]Edward Miller, Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam(Cambridge: Harvard University Press, 2013)





  • Bài do tác giả gửi cho BBC qua điện thư và thể hiện văn phong và cách nhìn cá nhân của tác giả.

    BBC - Tại sao tưởng niệm ông Ngô Đình Diệm ?

    Đoàn Xuân Lộc

    Cập nhật: 09:04 GMT - thứ bảy, 2 tháng 11, 2013

    Tổng thống Ngô Đình Diệm được cho là người có quan điểm chống lại sự chỉ đạo của Hoa Kỳ
    Ngày 02/11/2013 là ngày tròn 50 năm ngày ông Ngô Đình Diệm, vị Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa, và bào đệ của ông là Cố vấn Ngô Đình Nhu, bị sát hại trong cuộc đảo chính năm 1963.
    Và trong những ngày này tại Mỹ, Pháp và một số nước khác, cộng đồng người Việt Nam – trong đó có không ít người Công giáo – đã và sẽ tổ chức tưởng niệm, cầu nguyện cho họ.
    Riêng ở Việt Nam vào trưa ngày hôm nay (01/11), các Cha Dòng Cứu Thế cũng đã dâng lễ tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, ở Lái Thiêu, để cầu nguyện cho hai ông. Và có thể, trong các Thánh lễ ngày mai ở Việt Nam và như nhiều nơi khác, cũng có nhiều người nhắc tên và cầu nguyện họ.
    Trong 50 năm qua đã có vô số tài liệu, bài viết bằng tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Pháp (của người Việt cũng như người nước ngoài, thuộc nhiều chính kiến khác nhau) về ông Ngô Đình Diệm, về cuộc đời, sự nghiệp hay về gia đình của ông. Trong số đó, có không ít ý kiến cho rằng ông là một vị tổng thống độc tài, bất lực và chế độ tổng thống của ông là chế độ gia đình trị.
    Dư luận chung cũng không có ấn tượng tốt về ông, sự nghiệp của ông và gia đình ông, đặc biệt kể từ khi hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu giữa thành phố Sài gòn vào tháng 6 năm 1963. Biến cố ấy làm cho dư luận thế giới và người Miền Nam lúc ấy nói riêng có thêm ác cảm với ông và nó cũng là một lý do quan trọng dẫn đến sự thất bại của Đệ nhất Cộng hòa do ông thiết lập.
    Việc ông bị ám sát hụt hai lần trước đó và bị đảo chính rồi bị ám sát năm tháng sau vụ tự thiêu ấy cũng chứng tỏ rằng ông có không ít kẻ thù, trong đó có những người từng là thuộc hạ, gần gũi với ông.
    Hơn nữa, ông và gia đình ông bị nhiều người – trong đó có những ‘người thắng cuộc’, những người không cùng chung chuyến tiến với ông – ghét và bôi nhọ một phần vì ông và gia đình là những người chống Cộng, là những người ‘bại trận’.
    Nhưng điều đó không có nghĩa là ông bị tất cả mọi người ghét bỏ hay không ai nhìn nhận, tôn trọng ông và những đóng góp của ông. Việc hàng năm và đặc biệt năm nay có nhiều người, nhiều nơi tổ chức tưởng niệm, cầu nguyện cho ông chứng minh điều đó.
    Câu hỏi đặt ra là tại sao vẫn có người yêu mến và tôn trọng ông?

    Một người liêm khiết

    Dù có thể có nhiều học giả, các nhà nghiên cứu không đánh giá cao về ông, nhưng đa số đều nhận định rằng ông là một người trung thực, đạo đức, liêm khiết.
    Trong cuốn ‘Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America’s War in Vietnam: 1950-1963’, xuất bản năm 2006, Seth Jacobs – một trong những học giả nước ngoài viết khá nhiều về ông Ngô Đình Diệm và cũng có cái nhìn không mấy thiện cảm về ông – vẫn thừa nhận rằng ông là một người trong sạch, vô vị lợi. Vì theo tác giả này, thậm chí sau khi trở thành tổng thống, ông vẫn sống một cuộc sống khổ hạnh.
    Một bài viết của James MCAllister và Ian Schulte có tựa đề ‘The Limits of Influence in Vietnam: Britain, the United States and the Diem Regime, 1959–63’, được đăng trong tạp chí Small Wars and Insurgencies, năm 2006, cũng cho rằng ông Diệm là một người liêm khiết, đức hạnh.
    Theo cựu Ðại tá Lý Trọng Song – nay là Phó tế vĩnh viễn (thường được gọi là Thấy Sáu Song), hiện đang giúp tại Cộng đoàn Công giáo London và người đã từng làm cận vệ cho ông Ngô Đình Diệm trong Phủ Thủ tướng và Phủ Tổng thống từ năm 1954 đến 1956 – ông là một người có lối sống rất đơn sơ, nghèo khó. Chẳng hạn, giường ngủ của ông chỉ là một cái divan (một tấm ván) trải bằng chiếu, không có nệm.
    Có thể ngày hôm nay có không ít người cảm phục ông Diệm vì họ tìm ở nơi ông những đức tính đó – đặc biệt khi họ đọc và biết được tham nhũng đang trở thành quốc nạn tại Việt Nam.
    Cũng theo cựu Đại tá Song, ông Diệm là một người có đầy đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín vì ông xuất thân từ một gia đình hiếu học, làm quan và chịu nhiều ảnh hưởng của cả Công giáo và Nho giáo.
    Ông có đời sống khổ hạnh một phần cũng vì trong những năm 1940 và 1950, ông đã từng sống trong các đan viện tại Bỉ và Pháp. Một chi tiết được Thầy Sáu Song nêu ra để giải thích tại sao ông Diệm không lập gia đình – một điều nhiều người đặt câu hỏi về ông – là vì ông Diệm đã đi tu trong dòng Ba của dòng Benedicto, một dòng khổ tu ở Bỉ. Và vì đã khấn trong dòng này, ông không nghĩ tới chuyện lập gia đình và chỉ biết ‘thờ phượng, kính mến Thiên Chúa và lo cho quốc gia, dân tộc’.
    Các tài liệu viết về ông, đặc biệt sách vở, báo chí nước ngoài, đều nhấn mạnh rằng ông là một người Công giáo đạo hạnh, thánh thiện. Đây cũng là một lý do tại sao trong những ngày này người Công giáo tưởng nhớ và cầu nguyện cho linh hồn ông – người có Tên Thánh là Gioan Baotixita (hay John Baptist theo tiếng Anh).
    Hơn nữa, ông và ông Nhu bị ám sát vào ngày 02/11 – đúng ngày Giáo hội Công giáo tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã qua đời. Vì vậy, đâu đó có những Thánh lễ cho ông cũng là chuyện bình thường và là việc nên làm.

    Một người yêu nước


    Hàng năm vẫn có người đến viếng mộ Tổng thống Ngô Đình Diệm trong nước
    Một điểm khác về ông đều được nhiều người công nhận đó là ông là một người yêu nước, yêu dân tộc. Chẳng hạn, trong cuốn ‘Patriots and Tyrants: Ten Asian Leaders’ xuất bản năm 1999, Ross Marlay và Clark Neher, nhận định rằng cả ông và Hồ Chí Minh đều là những người yêu nước nồng nàn. Có điều định mệnh, thời cuộc và chính kiến đã biến họ thành kẻ thù của nhau.
    Một chi tiết được các tài liệu đề cập đến khi viết về ông đó là việc ông từ chức Thượng thư Bộ lại (gần tương đương với chức Thủ tướng) trong chính phủ Bảo Đại năm 1933 để phản đối việc Pháp không tiến hành những cải cách cần thiết để trao thêm quyền tự trị cho Việt Nam.
    Trong bài ‘Vision, Power and Agency: The Ascent of Ngô Ðình Diệm, 1945-54’ – được coi là một trong những nghiên cứu quan trọng, trung thực về ông Ngô Đình Diệm – được đăng trên Journal of Southeast Asian Studies, Edward Miller nêu rằng trong thời gian ông Diệm nắm quyền (1954-63), có nhiều người ở Việt Nam và những nơi khác mô tả ông như là một con rối của Mỹ được Washington đưa lên nắm quyền và giúp đỡ nhằm thực hiện những mục đích của Mỹ trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.
    Nhưng theo tác giả này, các tài liệu được viết từ những năm 1960 trở về sau đều nhấn mạnh việc ông nhất quyết từ chối những lời khuyên của Mỹ và không muốn chịu sự chỉ đạo của Mỹ. Việc ông và chính quyền Mỹ cuối cùng chia tay nhau là một ví dụ.
    Cựu Đại tá Lý Trọng Song cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Diệm chỉ muốn nhận viện trợ của Mỹ chứ không chịu sự áp đặt, can thiệp của Mỹ và nhất quyết từ chối cho lính Mỹ vào Miền Nam Việt Nam vì ông cho rằng cho quân đội nước ngoài chiếm đóng trên lãnh thổ Việt Nam làm cho chính phủ của ông mất chính nghĩa.
    Cũng theo người cựu cận vệ này, ông Diệm là một người yêu dân, yêu nước, yêu dân tộc vì nếu không ông có thể chọn ra nước ngoài và tránh bị ám sát. Ông nhắc lại rằng trước những ngày diễn ra cuộc đảo chính, Đại sứ Mỹ ở Sài gòn lúc đó là Henry Cabot Lodge gọi điện thoại cho ông Diệm và ‘nói rằng nếu ngài muốn an toàn thì tới Tòa đại sứ’ và ông Diệm đã trả lời ‘đây là đất nước của tôi, tôi không đi đâu hết’.
    Hơn nữa, cũng như Edward Miller nêu lên trong bài báo của mình, trong những giai đoạn 1945-54 ông bôn ba ở ngoại cũng chỉ vì muốn tìm con đường giúp đất nước thoát khỏi ách đô hộ của Pháp và giành tự do, độc lập. Trong cuốn sách của mình, Seth Jacobs cũng nêu lên rằng có thể người dân Miền Nam không thích ông như họ tôn trọng ông và khâm phục tinh thần dân tộc mạnh mẽ nơi ông.

    Giai đoạn khó khăn

    Ngoài ra, dù muốn hay không cũng phải thừa nhận rằng ông là một người có tầm nhìn, có tài. Nếu không ông chẳng bao giờ có thể trở thành Thủ tướng, Tổng thống và lập nên nền Đệ nhất Cộng hòa.
    Nhưng trong thời năm nắm quyền của ông, miền Nam Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, cũng như bất cứ quốc gia nào trong thời đầu hậu thuộc địa, phải đối diện nhiều khó khăn.
    Những khó khăn đó một phần do tích cách, quan điểm hay chính con người ông tạo nên. Chẳng hạn Ross Marlay và Clark Neher nêu rằng ông ‘là người không thực cho một hoàn cảnh không thể’. Theo hai tác giả này là một người Công giáo nhiệt thành ông lại lãnh đạo một đất nước đa phần Phật giáo và những đức tính của ông lại trở thành những nhược điểm hủy hoại ông.
    Cựu Đại tá Lý Trọng Song cũng cho rằng vì ông quá thánh thiện, nhân từ ông bị nhiều người khác lợi dụng, ám hại.
    Rồi bối cảnh miền Nam Việt Nam, Việt Nam và thế giới nói chung lúc ấy cũng không dễ dàng gì để có thể xây dựng một thể chế vững mạnh, hiệu quả, một xã hội dân chủ, tự do và một đất nước hòa bình, phát triển trong một thời gian ngắn.
    Nhưng chỉ trong một thời ngắn ít hay nhiều ông đã làm được một số việc quan trọng. Chẳng hạn, như Đại tá Lý Trọng Song nêu lên, ông đã giúp dẹp được các phe nhóm, đảng phái gây bất ổn cho Miền Nam lúc đó. Theo Seth Jacobs đây cũng là một thành công của ông được người Miền Nam ghi nhận.
    Và trên hết, như Edward Miller nhận định, việc anh em ông bị lật đổ không thể chứng minh được rằng những ý tưởng, dự định của họ là luôn xấu, vô hiệu. Sau biến cố 1963, Miền Nam Việt Nam thay đổi tổng thống, chính phủ liên miên và mọi chuyện càng tệ hơn.
    Đâu đó có nhiều ý kiến cho rằng ông là một người độc tài. Nhưng nếu so sánh ông, chính phủ ông với những chế độ cầm quyền ở Đông Á, Đông Nam Á hay ở Miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn ấy, chưa chắc ông đã độc tài hơn những chế độ đó.
    Đặt ông trong bối cảnh như vậy, ít hay nhiều để thấy rằng cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm và Đệ nhất Cộng hòa ông thiết lập không tệ như mọi người nhận định, mô tả hay được nghe.
    Đó cũng là một lý do đâu đó có nhiều người Việt hải ngoại tổ chức tưởng niệm, cầu nguyện và công nhận đóng góp của ông trong những ngày này.
    Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một trí thức Công giáo hiện làm nghiên cứu tại Viện Global Policy, London.
    Source BBC

    Alan Phan - SỰ LỰA CHỌN KHI HÃNH DIỆN HAY XẤU HỔ?

     

    Alan Phan

    29/10/2013

    Một người hãnh diện luôn “nhìn xuống” vật thể và người khác ; do đó, khi nhìn xuống, chúng ta không thể thấy bất cứ điều gì “bên trên” chúng ta (A proud man is always looking down on things and people; and, of course, as long as you are looking down, you cannot see something that is above you – C.S. Lewis)

    Vài bạn đọc gởi đến tôi một bài viết có tựa đề là, “Đâu Là Nơi Duy Nhất Người Việt Nam Không Bị Khinh Bỉcủa một tác giả Việt Kiều. Sau khi chu du khắp thế giới và chịu đựng những khinh miệt vì lỡ “làm” người Việt, kể cả ở VN nơi mà các ông bà ba lô Mỹ trắng được yêu chuộng hơn, tác giả mới khám phá ra nơi duy nhất mà người Việt không bị khinh miệt là xứ Mỹ.

    Bài viết chứa đựng những chi tiết khá chuẩn xác và phổ thông, mà mọi người đều đã cảm nhận không ít thì nhiều khi tiếp cận với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, tôi lại cho rằng những vụ việc kể lại có thể nhìn qua một lăng kính khác, mà không cần đem yếu tố dân tộc liên quan vào.

    Cho tôi vắn tắt: những khinh khi rẻ rúng mà các bạn Việt thường xuyên gặp phải, vốn bắt nguồn từ những nguyên nhân đơn giản trong đời sống hàng ngày của nhân loại qua nhiều thời đại; chứ không phải là một hiện tượng đặc thù của dân tộc ta.

    Tự hào ngược đời

    Tuy nhiên, trước khi phân tích các yếu tố này, tôi muốn ghi nhận một nghịch lý (có lẽ là một phản ứng thì đúng hơn). Đó là càng bị chê bai khinh thị, con người càng bị tự ái làm mờ mắt và “chảnh” hẳn ra, ngôn ngữ thời đại gọi là “lòng tự hào” đi quá đà về mặt tâm thần (đến tận đỉnh cao). Thắng được một giải bóng đá do hãng bia địa phương tổ chức là sẵn sàng để vào chung kết với Brasil trong World Cup năm tới. Vừa được 2, 3 tờ báo lề phải gọi là siêu sao (mà mình phải bỏ tiền cho chúng viết) là mang niềm tin chắc nịch về vương miện Miss Universe đang thiết kế cho mình. Tôi còn nhiều thí dụ rất thú vị, nhưng dành cho các BCA “còm” chơi, và cũng vì không muốn chạm tự ái của ai.

    Một yếu tố khác mà tác giả ghi nhận là chỉ có ở xã hội Mỹ, con người Việt của ông mới không hề bị xúc phạm. Thực ra, trong một quốc gia luôn thượng tôn pháp luật như tại Mỹ, việc kỳ thị chủng tộc là một hành vi phạm pháp. Thêm vào đó, từ hồi luật nhân quyền (civil rights) được ban hành (1964), xã hội Mỹ đã biến cải rất nhiều trong tâm thức người dân về chủng tộc hay tôn giáo. Khi dân Mỹ chọn Obama làm Tổng Thống, gần như trang sử Mỹ về kỳ thị mầu da coi như đã khép lại. Nhưng không có nghĩa là người dân Mỹ không kỳ thị.

    Mặc dù cảnh sát Mỹ luôn gọi mọi người là “sir” (ngài), các tội phạm vẫn thường xuyên bị dùi cui mỗi khi “khó bảo”. Trong mắt nhân viên công lực Mỹ, tỷ lệ phạm pháp của dân da đen hay dân gốc Mễ rất cao, do đó đây là thành phần cần được nhắm tới (targeted) trong công vụ hàng ngày. Họ hoàn toàn không kỳ thị chủng tộc (một bộ phận không nhỏ lập gia đình với người Mỹ đen hay gốc Mễ), nhưng cách đối xử của họ với dân đen hay gốc Mễ chắc chắn là “rough” so với một anh chị Mỹ trắng.

    Việt cồ hay vịt con?

    Quay lại những yếu tố mà tôi cho là làm người Việt cảm thấy bị khinh miệt, tôi có thể suy ngẫm ra…vài điều sau đây. Xin nói rõ là trong bài “phiếm luận” này, tôi không hề vơ đũa cả nắm; bởi vì những thành quả vẻ vang của nhiều cá nhân Việt là một sự kiện không ai chối bỏ.

    1.      Nghèo là một cái tội

    Dĩ nhiên, nghèo không phải là một “tội”; nhưng gần như khắp thế giới, nghèo vẫn bị coi như là “đáng xấu hổ”. Cái thước đo “nhân cách” con người, tốt hay xấu, thiện hay ác, không liên quan đến chuyện giầu nghèo, nhưng nhân loại vẫn thích đem yếu tố này vào để xác định. Do đó, nếu đã đồng ý là “dân giàu nước mạnh” thì đừng ngạc nhiên khi các quốc gia và dân tộc láng giềng cho chúng ta là “dưới kèo” vì cái con số GDP mỗi đầu người không dấu ai được.

    Ông bà ta có dậy rằng “nghèo cho sạch, rách cho thơm” nhưng nếu chúng ta mở rộng đầu óc hơn để tập làm “giàu mà sạch, lành mà thơm” thì chúng ta đã có thể thay đổi khá nhiều cho nhân cách và giá trị của con người Việt.

    2.      Kiến thức tụt hậu và suy thoái

    Rất nhiều bạn trẻ khi lập gia đình hỏi tôi về điều kiện bền vững nhất trong một hôn nhân về lâu về dài? Tôi nói,” đừng bao giờ lấy một người ngu…nhất là khi người ngu ấy rất “kiên định” về lập trường ngu của mình…”. Tình yêu, sắc dục, tiền bạc, danh giá và ngay cả nhân cách có thể bị phai mờ biến thể…nhưng kiến thức thì ngàn đời. Nhất là trong thời buổi của tiến bộ vượt tốc…những gì nhân loại nắm biết trong 50 năm vừa qua nhiều hơn cả 5 ngàn năm trước đó.

    Khi tóc đã điểm sương, con cái đã rời tổ ấm, của cải danh tiếng đã trôi đi cùng dâu biển…không gì tệ hại hơn là ngồi tỉ tê tâm sự với một cái đầu đất. Do đó, khi các bạn trên thế giới nhìn mình với cặp mắt thương hại …vì một sự ngu dốt tập thể…thì ít nhất cũng nên biết đau xót…thay vì hãnh diện ngược đời.

    3.      Thường xuyên phạm luật

    Như những nhân viên công lực Mỹ đã bàn qua bên trên, khi họ phải đối diện hàng ngày với những vi phạm pháp luật từ một thành phần dân số, họ sẽ xếp loại nhanh chóng thiểu số này để đối phó cho hữu hiệu. Tại các quốc gia mà “pháp luật nằm trong tay cảnh sát” thì cách đối xử với người Việt quả là có sự khác biệt: các tin tức về nạn ăn cắp tại các cửa hàng bên Nhật; tình trạng trồng và buôn bán ma túy tại Úc và Canada; các tổ chức xã hội đen tại Âu Châu; trốn thuế lường gạt tại Mỹ…là những hành động của thiểu số nhưng mọi người Việt phải trả giá…

    Nếu khi đi qua cửa di trú hay hải quan mà bị “chận” lại vì mang hộ chiếu Việt, chúng ta nên hiểu là đồng hương chúng ta phạm luật hơi nhiều, nên các cơ quan công lực phải lưu tâm. Tôi không nghĩ là người Nhật hay Singapore yêu hay ghét người Việt, họ chỉ hành xử theo thói quen mỗi ngày.

    4.      Bị ảnh hưởng Trung Quốc quá đậm

    Cũng cùng chịu ảnh hưởng của văn minh Khổng Mạnh Lão, nhưng dường như người Việt đồng hóa với người Hán nhiều hơn là các dân tộc Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mông Cổ. Thú thực, nếu bịt tai và tình cờ thức giấc tại một tỉnh nhỏ ở miến Bắc, tôi sẽ nghĩ mình đang ở một tỉnh nào bên Trung Quốc. Hiện nay, trên khắp thế giới, các chú “con Trời” không được ái mộ cho lắm vì lối xử sự hơi “nhà quê” dù mang tiếng là công dân của một siêu cường.

    Do đó, nếu thiên hạ cho mình là những chú “Mao con”, thì phải ráng mà bắt chuột thôi. Mèo đỏ, mèo đen…mèo gì thì cũng là mèo.

    Có thể có những yếu tố khác ngoài 4 yếu tố trên để giải thích sự kiện này. Có thể vì chúng ta nhiều anh hùng quá, nên nhân loại ganh tị và bầy trò thử thách? Có thể vì đất nước này tiền rừng bạc biển, nên nhân loại không chấp nhận để mình “xin-cho” mãi? Dù sao, tôi nghĩ là hiện tượng này còn kéo dài trong vài thập kỹ nữa vì chúng ta rất “kiên định” trong việc xây dựng một thiên đường mới (hay là một nhà thương điên?)

    Vẫn do ta chọn lựa

    Tôi chỉ xin chia sẻ với các bạn trẻ là đừng bực bội hay thất vọng. Vài chục phút bị rẻ rúng có thể là động lực bắt chúng ta cố gắng nhiều hơn để hoàn thiện bản thân mình. Nghĩ cho cùng, chỉ những anh chị đầu đất mới quan tâm là mình từ đâu “rớt ra”. Chúng ta chỉ nên lưu ý đến những chỗ chúng ta “cho vào”? Vì rớt ra là một tai nạn tình cờ của vài nguyên tử trong vũ trụ. Còn cho vào là một sự lựa chọn hoàn toàn có chủ đích. Chúng ta không được chọn tổ quốc hay gia đình hay nguồn cội; chúng ta chỉ phải chọn nhân cách, kiến thức và thành quả.

    Tấm gương mình tự soi mặt mỗi sáng là niềm tự hào hay xấu hổ. Hình ảnh mình trong cặp mắt người khác chỉ là thoáng qua.

    Alan Phan

    Source : GOC NHIN ALAN

    Nguyễn-Xuân Nghĩa - Hào Quang của Vladimir Putin



    Saturday, November 2, 2013

    Hào Quang của Vladimir Putin



    Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 131102

    Nhờ Obama, leo lên ngai ảo. Được bao lâu?

     * Vladimir Putin toả hào quang * 



    Khi niềm tin vào Barack Obama sụt tới mức thấp nhất thì cũng là lúc Vladimir Putin lên ngôi là người quyền thế nhất địa cầu. Chuyện hấp dẫn cho truyền thông, mà thật sự là vô vị!

    Hôm Thứ Tư 30 vừa qua, tạp chí kinh doanh Forbes công bố đưa ra danh sách 72 nhân vật được coi là có ảnh hưởng nhất năm cho một nhân loại có bảy tỷ hai trăm triệu người. Về phương pháp, tờ tạp chí mời các biên tập viên của mình trên toàn thế giới chấm điểm theo bốn tiêu chuẩn: 1) nhân vật đó điều động được bao nhiêu người, với ngân sách bao nhiêu tiền, có ảnh hưởng toả rộng ra nhiều lãnh vực khác hay không, và vận dụng ảnh hưởng như thế nào để thay đổi thế giới? Nói vắn tắt thì tờ báo chú ý đến dân số, tiền bạc, lãnh vực và ý chí tác động.

    Cứ theo tiêu chuẩn đó thì nhờ dân số Mỹ đứng hạng ba, kinh tế và quân sự hạng nhất, với ảnh hưởng toàn cầu cùng công việc toàn thời và đa diện của một người lãnh đạo, Tổng thống Hoa Kỳ dễ chiếm bảng vàng hàng năm. Quả nhiên là Obama đứng đầu danh trạng trong mấy năm làm Tổng thống. Ngoại lệ là năm 2010, khi nhường hào quang cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc vì Hoa Kỳ bị chấn động tài chánh vào năm 2009.

    Năm nay, 2013, Obama mất vị trí quyền lực số một. để Tổng thống Putin của Nga leo lên ngai.

    Đáng chú ý là lời giải thích của tờ báo: "Putin đã củng cố việc kiểm soát nước Nga khi Obama lại quá sớm gặp cảnh "vịt què" của một Tổng thống hai nhiệm kỳ - thí dụ mới nhất là sự tèm lem của vụ chính quyền bị đóng cửa. Bất cứ ai nhìn vào cuộc cờ Syria hay vụ tiết lộ tin tức của cơ quan (tình báo điện tử) NSA đều thấy rõ động lượng của sự chuyển dịch quyền lực".

    Hết trích dẫn.

    Ngay sau đó, cuộc khảo sát hỗn hợp của hệ thống truyền hình NBC và tờ Wall Street Journal cho biết tỷ lệ tín nhiệm Obama đã sụt tới mức thấp nhất, chỉ còn 42% so với số thất vọng là 51%. Thấp nhất của sự nghiệp Tổng thống tính đến ngày 28 vừa qua. Trong thời gian tới, khi dân Mỹ khám phá thêm hậu quả của "quả lừa vĩ đại" - mượn chữ năm xưa của Lê Tất Điều – là đạo luật cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế ACA, mức tín nhiệm vào Obama và toàn ban sẽ còn sụt nữa. Tờ Forbes chưa đếm chuyện ấy.

    Trở lại hào quang của Putin. Ông ta hiểu ra quy luật "sai lầm của đối thủ là cơ hội của mình".

    Sau khi uốn éo rồi tuột tay về chuyện Syria – có vượt lằn ranh không, do ai vẽ ra mà lại chối, tưng bừng phát pháo rồi âm thầm tháo chạy – Obama cho Putin cơ hội chứng minh cùng lúc mấy chuyện.

    Thứ nhất, Hoa Kỳ không mạnh mà cũng thiếu khả tín, chẳng đáng sợ mà cũng không đáng tin. Thứ hai, Liên bang Nga mới có thực lực, từ vùng ngoại vi truyền thống là Trung Âu, mở rộng đến tận Trung Đông - các nước mơ tưởng chuyện chống Nga như Ba Lan hay Turkey hãy cảnh giác! Thứ ba, sau chuyện WikiLeaks, việc Edward Snowden trong tay Putin tiếp tục tiết lộ tin tức về NSA cho truyền thông sốt sắng loan tải càng gây bất mãn cho các đồng minh của Hoa Kỳ, từ Âu Châu đến Nam Mỹ. Từ Pháp, Đức, Tây Ban Nha tới Brazil – và sau này nữa....

    Là bậc kỳ thủ trước một tay mơ, Putin còn xác định tư thế của Liên bang Nga qua bài xã luận Tháng Chín trên tờ New York Times. Hoa Kỳ chẳng có gì là siêu hạng và nên khoanh tay học bài. Nga mới là cường quốc có khả năng dàn xếp thiên hạ sự....

    Vì thế Putin mới đội hào quang của tờ Forbes. Lần lượt đứng sau là Obama, Tổng bí thư Tập Cận Bình, Đức Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Đức Angela Merkel rồi mới đến Bill Gates.... Nhờ hào quang sáng loé, Putin mong là thiên hạ khỏi thấy nhiều mảng tối ở sau lưng và dưới gối.

    Không muốn theo đám đông hồn nhiên ngợi ca thế lực ảo thì ta nên soi vào khoảng tối đó.

    Liên bang Nga chỉ là quốc gia thuộc loại "Đệ Tam Thế Giới", sống nhờ sản xuất và xuất cảng nguyên nhiên vật liệu. Với lợi tức đồng niên một đầu người là dưới 15 ngàn đô la, dân Nga chỉ có mức sống trung bình, mà cũng chẳng thíết sống nên dân số co cụm dần.

    Dù kiếm bạc nhờ bán năng lượng, kinh tế Nga vẫn trì trệ, chỉ đạt tăng trưởng có 1,8% và tiếp tục suy trầm trong nhiều năm tới. Đà tăng trưởng 3-4% của những năm trước chỉ là vang bóng.

    Đã vậy, sức bật nhờ dầu khí còn giảm dần vì cuộc cách mạng âm thầm về năng lượng. Công nghệ phát triển khí lỏng và gạn cát ra dầu và khí đốt là sức cạnh tranh mới, với vai trò của một đại gia là Hoa Kỳ, đã thay đổi cuộc cờ sinh tử của Nga. Tất nhiên, đòn "Khí công" của Mỹ không nhắm vào nồi cơm của Putin mà cũng chẳng là công lao của Obama.

    Nhưng vì 50% ngân sách của Nga tùy thuộc vào dầu (80%) và khí đốt (20%), nếu giá dầu mà sụt dưới 90 đô la một thùng thì Putin hết múa! Người ta đã thấy chuyện ấy vào năm 2009 – mà đã quên.

    Cũng như đã quên rằng từ năm 2010 trở về sau, Liên bang Nga đã gặp nhiều biến động xã hội, dội lên thượng tầng chính trị và thách đố quyền lực của Putin. Chuyện hãn hữu cho bậc cứu tinh đứng hàng đại bá có thể kiểm soát được truyền thông báo chí.

    Đã vậy, người ta ít chú ý đến tình trạng nổi loạn chống di dân và người Hồi giáo, với phản ứng dội ngược là những vụ bạo động hay đánh bom của các nhóm dân quân Hồi giáo và di dân ở bên ngoài khu vực Caucasus cố hữu.

    Khi tờ Forbes tiến hành khảo sát, có lẽ người ta quên rằng Volvograd bị đặt bom vào ngày 21 vừa qua khiến sáu người thiệt mạng, mấy chục người bị thương. Hung thủ đánh bom tự sát có thể là một phụ nữ Hồi giáo của xứ Dagestan đang đòi ly khai. Volvograd nằm không xa Sochi, thành phố ven biển Hắc Hải, nơi sẽ tổ chức Thế vận hội mùa Đông, vào năm tới.

    Nếu nhìn lại cho kỹ thì ta có thể thấy ra mâu thuẫn trong/ngoài và gần/xa của nước Nga.

    Sau 15 năm lãnh đạo - với ấn tín Thủ tướng (1999-2000), rồi Tổng thống hai nhiệm kỳ (2000-2008), rồi Thủ tướng (2008-2012) rồi lại Tổng thống từ Tháng Năm 2012, chuyện khá bi hài - Putin đã thấy hào quang lợt sắc trên một hệ thống chính trị tê liệt còm cõi. Nhìn về tương lai thì các phần tử ưu tú có thể tạo ra sự thay đổi cho khá hơn đều nản chí. Hoặc chỉ còn lo thu vén cho quyền lợi riêng. Bên dưới là nạn suy trầm kinh tế và phân hóa xã hội.

    Vì hoàn cảnh đó, Liên bang Nga chỉ có cái thế đại cường là với thế giới, chứ thực lực bên trong thì đã tan loãng. Nhờ sự vụng dại của Obama, Putin có thể mượn hào quang bên ngoài để che phủ nhược điểm bên trong.

    Cũng được một vài trống canh.

    Sau đó, nếu có buồn vì sự đời nghiêng ngửa thì Putin có thể tìm vòng tay an ủi của Tập Cận Bình, người quyền thế số ba, cũng đang ngổn ngang chuyện kinh tế, năng lượng, động loạn xã hội và dân Hồi giáo đòi ly khai với đòn khủng bố, v.v....

    Nguyễn-Xuân Nghĩa 
    Source : - Việt Báo / DAINAMAX TRIBUNE

    1/11/13

    Elzbieta Matynia - Khám phá ra Dân chủ Ngôn hành

    Khám phá ra Dân chủ Ngôn hành

    Elzbieta Matynia
    New School for Social Research, New York City, August 2009


    Người dịch : Nguyễn Quang A

    Thực sự, 1989 đã không chỉ xảy ra trong năm 1989. Trong khi thế kỷ thứ hai mươi đã không bắt đầu cho đến 1914, và thế kỷ thứ hai mươi mốt đã không bắt đầu cho đến tháng Chín 2001, thì 1989 đã thực sự bắt đầu ít nhất một chục năm trước. Nhưng bị thôi miên bởi cảnh lễ hội (carnival) bắt mắt xảy ra trên đỉnh bức tường Berlin, hầu hết thế giới đã không nhận ra rằng cái đã có vẻ như sự sụp đổ đột ngột của chế độ cộng sản đã không là một phép màu cũng đã chẳng là thành tựu của các cường quốc nước ngoài. …đã không nhận ra rằng chính công việc từ từ, bền bỉ, và đầy sáng tạo của các công dân mở ra không gian công cộng và thiết lập các định chế và các quá trình dân chủ mới đã là cái dẫn đến sự dỡ bỏ bức tường đó.
    Cũng đã quyến rũ như những hình ảnh về những người quai búa liên hồi [để phá bức tường], hay về đám đông yên bình tập hợp về đêm trên Quảng trường Wenceslas, hình ảnh đó đã che mờ, đã đơn giản hóa, và đã làm cho lạc lối. Như bạn sẽ thấy trong chốc lát, tôi là người cuối cùng đi đánh giá thấp sức mạnh của các hành động tượng trưng, nhưng tôi muốn tranh luận rằng chúng thể hiện sức mạnh thực chỉ nếu chúng có gốc rễ trong những sáng kiến xã hội và có cơ sở vững chắc trong hiểu biết địa phương … chỉ nếu chúng bày tỏ trí tưởng tượng nội và được biểu diễn bởi các diễn viên địa phương.
    Việc kéo đổ tượng Saddam Hussein trong năm 2003 với sự giúp đỡ của công binh Quân đội Hoa Kỳ và những xe bọc thép Mỹ đã không mang lại những kết quả mong muốn, vì hành động ấy đã không được tưởng tượng ra cũng đã chẳng được khởi xướng bởi những người địa phương.
    Tôi e rằng các bài học từ sự sụp đổ của chế độ cộng sản đã không được học, và rằng các cơ hội đã bị bỏ qua để nuôi dưỡng dân chủ thông qua các phương tiện và phương pháp được thai nghén ở địa phương.
    Cái đã thoát khỏi sự chú ý khi đó đã là một địa điểm hoàn toàn mới cho loại suy ngẫm về dân chủ và dân chủ hóa mà có vẻ – dưới các điều kiện hôm nay – đã đạt đến một sự bế tắc. Khái niệm, mà tôi gọi là “dân chủ ngôn hành – performative democracy,” và chiều kích của dân chủ mà nó thâu tóm, vì chúng đã không được diễn đạt một cách mạch lạc cũng chẳng thậm chí nhận thức được một cách dễ dàng, đã bị bỏ qua bởi các nhà khoa học xã hội và như thế cũng bởi các nhà hoạch định chính sách, một tình huống mà có thể dẫn đến những đường lối chỉ đạo chính sách không chính xác, và thường đến những quyết định chính sách tai hại.
    Trong những bình luận sau đây, tôi muốn chú tâm vào dân chủ ngôn hành, sự ban hành dân chủ đầy cảm hứng bản xứ bởi các công dân mà tôi tin có thể giúp chúng ta hiểu việc xây dựng một chính thể dân chủ vững chãi không chỉ ở Ba Lan. Thế mà, tôi phải nói thêm, khái niệm mà tôi chợt nghĩ ra khi tôi bắt đầu ngó tới những sự thực hành khác nhau tại Ba Lan trước và sau 1989.
    Tôi không có thời gian ở đây để mời bạn xem xét lại chiều hơi khó nắm bắt này của dân chủ với tất cả tính nhân văn của nó, kịch tính của nó, các thời khắc gây cảm hứng tuyệt vời của nó, tinh thần ngẫu hứng của nó, và các giải pháp đầy sáng tạo của nó. Tôi phải ngắn gọn ở đây, thế nhưng tôi hy vọng thuyết phục được bạn rằng đã có một phổ rộng của những sáng kiến ngôn hành – văn hóa, xã hội, và chính trị – mà đã tạo thuận lợi cho sự biến đổi một môi trường chuyên quyền thành một môi trường dân chủ. Và tôi hy vọng thuyết phục bạn rằng dân chủ ngôn hành – một chiều của dân chủ mà đã nổi lên một cách có thể cảm nhận được ở Ba Lan trong các năm 1980, nhưng cũng đã có thể quan sát được ở Tây ban Nha trong các năm 1970, và ở Nam Phi trong các năm 1990 – phải có được vị trí chính đáng của nó trong tư duy của chúng ta về dân chủ hôm nay.
    Ba chế độ “độc đoán khi đó” đã rất khác nhau, cũng như lịch sử tương ứng của chúng và các chiến lược mà toàn thể công dân đã chống lại chúng. Cái chúng có chung đã là, các công dân của chúng đã thách thức và đã làm thay đổi một cách hòa bình các chế độ áp bức, đã tháo dỡ những cấu trúc quyền lực hết sức tập trung, và đã khởi động các quá trình dân chủ hóa. Bám rễ sâu vào các vị trí xã hội-văn hóa riêng biệt và đa dạng, dân chủ ngôn hành như thế không phải là một mô hình lý thuyết, một lý tưởng chính trị, cũng chẳng là một hệ thống cai quản đã được thử thách, mà là một quá trình được quy định về mặt địa phương của việc ban hành dân chủ trong các khung cảnh khác nhau về mặt chính trị. Và mặc dù nó có một dãy các hình thức và được biểu lộ thông qua những cách diễn đạt khác nhau, khi nó xuất hiện dưới các điều kiện của sự cai trị độc đoán, nó thường phản ánh ý thức cơ bản của các diễn viên của nó về các lý tưởng dân chủ, và lòng tin của họ rằng quả thực có những chỗ – “các nước bình thường” – nơi các quyền dân sự được tôn trọng, và nơi dân chủ thực sự được thi hành và thực hành. Và người ta không được gạt bỏ sức mạnh của hình ảnh về một nước bình thường cho những người như vậy.
    Giữa những người đã giúp tôi trong suy nghĩ về dự án này đã là J. L. Austin với các bài giảng ngôn ngữ học của ông, và hai triết gia về đối thoại và giải phóng những người đã trải nghiệm những thời kỳ đen tối nhất – Hannah Arendt ở nước Đức Nazi, và Mikhail Bakhtin ở nước Nga Stalinist. Nhưng nền tảng cho hy vọng và một chiến lược ngôn hành định hướng dân chủ cho các xã hội Trung Âu đã được đặt vào các năm 1970 trong ba tiểu luận then chốt được viết bởi các tác giả từ khu vực này chỉ cách nhau vài năm: Hi vọng và Vô vọng (Hope and Hopelessness), bời một triết gia Ba Lan sống lưu vong, Leszek Kolakowski; Chủ nghĩa Tiến hóa Mới (The New Evolutionism), bởi một sử gia trẻ thất nghiệp từ Warsaw, Adam Michnik; và Quyền lực của người Không có Quyền lực (The Power of the Powerless), bởi nhà soạn kịch từ Prague mà các vở kịch của ông đã không được phép diễn ở đó, Vaclav Havel.i Chương trình của họ cho sự thay đổi đã từ bỏ con đường cách mạng mà đã được yêu mến bởi các nhà tư tưởng tiến bộ trong hơn một thế kỷ. Con đường phổ quát đó – sự lật đổ bằng bạo lực cấu trúc quyền lực – tuy tai hại, đã vẫn là một con đường hấp dẫn ở nhiều nơi trên thế giới, vì nó đã hứa hẹn một sự thay đổi nhanh chóng, căn bản, một sự tẩy rửa quá khứ, và một sự khởi đầu tươi mới. Điều đó đã không đúng tại Đông & Trung Âu, trong đó các cuộc cách mạng đã mang lại kinh nghiệm về các cuộc nội chiến, sự mất mạng sống, mất vốn văn hóa, và – đối với nhiều người – không chỉ một sự mất quá khứ mà cũng là sự mất tương lai.
    Những sự hiểu thấu của ba “nhà hoạt động ngôn hành – performativist” của chúng ta tất cả đã có cơ sở vững chắc trong một tiêu chuẩn nội về phạm vi thẩm quyền văn hóa, được truyền thụ bởi các điều kiện, các vi lịch sử, và những kinh nghiệm chính trị địa phương. Phơi ra những mâu thuẫn của hệ thống hiện tồn ở mức ngôn ngữ – với các khế ước và lời hứa không được tôn trọng, những đàm luận công khai và che đậy – các tác giả bất đồng chính kiến này đã chứng tỏ rằng những mâu thuẫn đó có thể được khai thác mà không cần nhờ đến bạo lực trong cuộc đấu tranh của họ với chế độ.
    Kolakowski, Michnik và Havel đã yêu cầu nhân dân đừng kỳ vọng vào những phép màu, những sự sửa chữa nhanh, sự giúp đỡ từ bên ngoài, hay bất kỳ sự tự-sửa chữa tự động nào của hệ thống độc đoán. Thay vào đó họ đã giải thích vì sao phải cần những thay đổi nhỏ, từ tý một. Những thay đổi nhỏ này đã có thể được thúc đẩy – họ lập luận – theo hai cách: bằng cách tiết lộ – cho công chúng càng đông càng tốt – những mâu thuẫn, những sự mập mờ, tính vô lý và những sự ngớ ngẩn bên trong bản thân hệ thống; và bằng cách phát huy các công cụ quyền con người được cung cấp bởi các thỏa ước quốc tế mà đã được ký rồi vào giữa những năm bảy mươi tại Helsinki bởi hầu hết các nhà nước Cộng sản. Khi sống với sự thật bị trấn áp – như Havel đã có thể diễn đạt – tính ngôn hành (performativity) bị trấn áp. Việc đọc cẩn thận ba nhà tư tưởng tiết lộ rằng các công cụ cho sự thay đổi được níu chặt trong các hành động nói công khai, bất luận chúng hóa ra là một buổi biểu diễn nhà hát, một thư ngỏ bởi một nhóm công dân như Hiến chương 77, một bài thơ được lan truyền bên ngoài sự kiểm duyệt của nhà nước, hay những đòi hỏi được viết trên giấy bồi và được trưng ra bởi các công nhân đình công tại cổng của xưởng đóng tàu Gdansk.
    Thế ý tôi muốn nói gì với tính ngôn hành?
    Khái niệm thường được ghép với một tập các bài giảng của J. L. Austin về ngôn ngữ, trong đó ông thảo luận các câu, không chỉ mô tả thực tế hay nói rõ các sự thực mà còn có năng lực diễn cái chúng thực sự nói.*
    Trong trường hợp các xã hội sống dưới chế độ độc tài – các điều kiện cho tính ngôn hành xảy ra đầu tiên khi (ngôn) từ định hướng hành động, đã không được sử dụng từ lâu vượt quá lĩnh vực tư, khi nó lộ ra từ sự ẩn náu, chen qua những kẽ nứt ra công khai. Và khi lần đầu tiên được nghe thấy, nó xúi giục sự nổi lên của một lĩnh vực công không thể chối cãi được.
    Đối với Hannah Arendt điều kiện mấu chốt cho việc tạo thành một lĩnh vực công là một “không gian của những sự xuất hiện,” tức là, bất kỳ khung cảnh công khai nào nơi người dân có thể đến với nhau và tương tác thông qua lời nói. Chỗ như vậy cho các cuộc tụ họp ban đầu của Đoàn kết đã được cung cấp bởi các nhà máy, các đại học, các nhà thờ, thậm chí các doanh nghiệp nhà nước. Chính ở đó mà cách nói vô danh, bâng quơ và “tổ chức” đã được thay thế bằng những tiếng nói cụ thể, cá nhân và riêng biệt. Những tiếng nói như vậy, hay các hành động nói, là ngược lại với bạo lực, “mà là để hành động mà không có lý lẽ và không có sự tính đến các hậu quả.”ii
    Tiếng nói như vậy đã là tiếng nói của Nelson Mandela, mới được thả từ nhà tù, người mà sau vụ ám sát người bạn trẻ hơn của ông, Chris Hani, nhà lãnh đạo chống-apartheid nổi tiếng, đã nói với hàng ngàn người nổi khùng tại một sân vận động bóng đá, ngăn chặn bạo lực sắp xảy ra và cứu vớt các cuộc đàm phán về tháo dỡ chế độ apartheid. “Chúng ta là một dân tộc đang để tang. Nỗi đau và sự tức giận của chúng ta là thực. Thế nhưng chúng ta không được phép để mình bị khiêu khích bởi những người tìm cách không cho chúng ta chính quyền tự do mà Chris Hani đã hy sinh tính mạng vì”.iii
    Tiếng nói như vậy đã là tiếng nói của Adam Michnik, nhà bất đồng chính kiến Ba Lan và tù nhân chính trị thường xuyên, khi ông đã ngăn chặn một đám đông giận dữ khỏi việc đốt một đồn cảnh sát trong đó một cặp cảnh sát khét tiếng vì sự tàn bạo của họ đã bị khóa ở bên trong. Với chỉ tên của ông – không phải khuôn mặt của ông – được nhiều người biết đến, ông đã nói, chiếm đoạt một từ có nghĩa xấu quen thuộc của Đảng: “Tôi tên là Adam Michnik, và tôi là ‘một phần tử chống xã hội chủ nghĩa’.” Đám đông đã trầm tĩnh lại hầu như ngay lập tức. Sự đối đầu với một chế độ, mà đang tìm kiếm bất kỳ cớ nào để đặt phong trào Đoàn kết ra ngoài vòng pháp luật, đã lần nữa được loại bỏ. Lời nói ngôn hành, chứa đầy ý thức chú ý đến trách nhiệm – một loại hy vọng biết bao!
    Sự nổi lên của Đoàn Kết Ba Lan trong năm 1980, nghiệp đoàn lao động toàn quốc đó mà sự tồn tại hợp pháp của nó đã được thương lượng giữa các công nhân xưởng đóng tàu Gdansk và chính phủ Cộng sản ở Ba Lan, theo nhiều cách đã là một kiệt tác của dân chủ ngôn hành. Cái “tôi” tự được khám phá, cất tiếng nói một cách tự trị, các diễn viên-công dân của phong trào Đoàn kết, đã buộc nhà nước tiến hành đối thoại với họ.
    Khi người thợ điện có ria mép người đã lãnh đạo cuộc đình công và rồi đã tiến hành các cuộc đàm phán, Lech Walesa, đã nói với đám đông tụ họp tại cổng xưởng đóng tàu sau khi ký các thỏa thuận, ông đã nói: “Chúng ta sẽ có nghiệp đoàn độc lập, tự quản của chúng ta; “Đoàn kết”, tờ báo riêng của chúng ta được xuất bản ở đây trong thời gian đình công, sẽ trở thành tờ báo của công đoàn chúng ta, và chúng ta sẽ có khả năng viết bất cứ gì chúng ta muốn mà không có kiểm duyệt; chúng ta có quyền để đình công …” Bài nói chuyện này, đã được quay phim và một bộ phim một tháng sau đã được phân phát khắp cả nước, đã trở thành một trong những thời điểm tượng trưng nhất về dân chủ ngôn hành của thế kỷ thứ 20.iv
    Các thỏa thuận Gdansk đã là một kết quả kỳ lạ cho một cuộc đình công của công nhân, không giống bất kỳ kết quả trước nào của sự mặc cả tập thể. Những đòi hỏi đã ít về chính phủ làm các thứ cho người dân, hơn là về xóa bỏ những cản trở sao cho bản thân người dân có thể tự lo về các thứ, và chính phủ không được ngăn cản họ làm việc đó. Không gian được mở mới nhắm đến việc giải quyết các vấn đề, xác định các giải pháp, và thực hiện chúng, đã là lĩnh vực của hành động tích cực bởi các công dân riêng được giải phóng nhân danh lợi ích công.
    Có lẽ trường hợp ngoạn mục nhất của tính ngôn hành đã là kịch tính lên đến tột độ của các cuộc đàm phán Bàn Tròn mà đã xảy ra vào mùa xuân 1989 ở Warsaw. Các cuộc đàm phán bàn tròn, mà đã khởi động sự biến đổi dân chủ của nhà nước một đảng của Ba Lan, đã bắt đầu vào tháng Hai và kết thúc vào tháng Tư năm 1989, vào lúc khi hệ thống cộng sản trong khu vực vẫn đã có vẻ – cho dù không còn vững chãi nữa – là chắc chắn không thể đảo ngược được. Tuy ít ngoạn mục và bắt mắt hơn các đám đông vui sướng quai búa tại bức tường Berlin nửa năm sau đó rất nhiều, chính bản thân các cuộc đàm phán này đã thực sự tạo thành sự kết thúc của chế độ chuyên quyền trong khu vực. Các cuộc đàm phán năm 1993 ở Kempton Park gần Johannesburg, mà đã mang lại sự kết thúc của chế độ apartheid ở Nam Phi, tuy kéo dài và kịch tính, cũng đã không tạo ra những hình ảnh gây choáng váng: chắc chắn đã không thể so sánh được chút nào với những hình ảnh một người, một phiếu đó được chụp từ trên cao về các hàng người quanh co xếp hàng chờ bỏ phiếu lần đầu tiên trong đời họ. Công việc thực của việc quai búa liên hồi để ra những thỏa thuận như vậy đơn giản là không thân thiện-với truyền thông đại chúng.
    Ấy thế mà, dân chủ ngôn hành, rất giống carnival (ngày hội) như được nghiên cứu bởi Mikhail Bakhtin, là một hiện tượng nhất thời. Carnival là thời gian khi cái phi chính thức trở thành chính thức, khi các nhà lãnh đạo không ngờ được phát hiện ra và được chỉ định. Nó là một khoảng thời gian mà nuôi dưỡng năng lực hành động, và trao cho người dân các năng lực ngôn hành. Carnival tiết lộ sức mạnh tiềm tàng trong khi sức mạnh đang thịnh hành bị đình chỉ, nhưng carnival không kéo dài. Trong những trường hợp huy hoàng nhất nó tạo thành một nơi của kinh nghiệm cả vui lẫn mang tính lật đổ trong quảng trường công cộng mang tính ngày hội nơi sự sợ hãi và sự đau khổ, như Bakhtin đã có thể nói, được giảm đi. Lời nói và hành động không phải là các thuộc tính duy nhất của quyền tự do, như Arendt nói, mà là một nguồn chủ yếu của phẩm giá cá nhân và hy vọng xã hội, vì chúng góp phần vào ý thức của một chính thể mà trong đó nhân dân và những tiếng nói khác nhau của họ có ý nghĩa trong cả việc tạo ra và duy trì nó.
    Trong khi dân chủ ngôn hành là khó để hoạt động hóa (operationalize), ta có thể quan sát các thí dụ về nó trong các tình huống và quá trình cụ thể liên quan đến các hình thức và các loại lời nói, được hiểu một cách rộng, mà tạo thành hành động công và gây ra sự thay đổi. Tôi phải nhấn mạnh rằng tôi thấy nó như một sự thực hành nảy sinh từ một ý thức mạnh mẽ về việc thực sự được sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và các quyền và về hành động hướng tới nhau theo tinh thần anh em – ý thức đó mà được thâu tóm trong điều đầu tiên của Tuyên ngôn Phổ quát về các Quyền Con người. Đồng thời, nó là một chiều của sự thực hành dân chủ mà – tuy được thực hiện qua cách cư xử của những công dân biết điều – không trái với những xúc cảm, vì nó có thể đầy tinh thần ấm cúng một cách đáng ngạc nhiên, mà chắc chắn đã là trong trường hợp của những người Ba Lan trong năm 1980.
    Với con mắt của nó để ý đến tính công cộng, đối thoại, và thỏa hiệp, dân chủ ngôn hành không phải là một lĩnh vực mà trong đó các nhóm thiển cận khai thác sự sợ hãi có thể cảm thấy thoải mái – hay nói chung những người chủ trương những dàn xếp hẹp hòi. Bất chấp kịch tính vốn có của nó, dân chủ ngôn hành có thể thực sự là một chiều vui sướng và khẳng định của người dính đến chính trị, thế nhưng là một chiều mà tự giới hạn những cảm xúc mạnh mẽ bằng cách nhất thiết định khung chúng trong những hình thức, loại, và quy ước đã được thỏa thuận.
    Mặc dù không dễ được hoạt động hóa, cũng chẳng dễ thể chế hóa, nó để lại một di sản quan trọng: hệt như carnival, nó xảy ra, và khi nó xảy ra, nó giải phóng một sự sáng tạo công dân vững chãi, chuẩn bị các điều kiện cho những cái lưng cong để thẳng lên – và đây là một thành tựu có giá trị lâu bền. Tôi muốn tranh luận rằng chiều đặc biệt này của đời sống chính trị có thể xảy ra trong cả khung cảnh phi-dân chủ và khung cảnh dân chủ. Trong trường hợp trước, nó thường tạo thành các giai đoạn ban đầu của một dự án dân chủ; trong trường hợp sau, nó cung cấp những chiến lược để giữ cho dân chủ đầy khí lực, và giúp nó sống sót một mùa “chay” dân chủ.
    Di sản của dân chủ ngôn hành bao gồm nhiều bài học, nhưng tôi muốn tập trung vào hai trong số chúng, vì tôi tin chúng nên được xem xét nghiêm túc bởi các nhà hoạch định chính sách thử giải quyết một thế giới ngày càng hung dữ mà gây nguy hiểm cho đời sống của các công dân và các cộng đồng. Các bài học tôi nghĩ đến là một bài học về xã hội dân sự và một bài học về cách mạng.

    ■ Một Bài học về Xã hội Dân sự

    Mặc dù không phải chỉ là một tên khác cho dân chủ trực tiếp, dân chủ ngôn hành quả thực có làm giảm khoảng cách giữa những đại biểu được bầu và nhân dân, và đưa bản thân người dân đến gần hơn với nhau, phát triển mạnh vì nó dựa trên sự thực hành phong phú của các cuộc gặp gỡ mặt đối mặt và những thảo luận không ngừng. Những việc này khởi động một quá trình học, hình thành các ý kiến, lập luận, đánh giá cao giá trị của sự thỏa hiệp, và điều này quả thực mang tính biến đổi đối với những người tham gia. Sự nổi lên – cho dù chậm chạp – của không gian công cộng – hay lúc ban đầu thậm chí một không gian nửa công cộng, là nền tảng cho xã hội dân sự – những chỗ nơi các công dân riêng hoạt động nhân danh lợi ích công.
    Cái tôi gọi là dân chủ ngôn hành, khi đó, thâu tóm chỉ một chiều của dân chủ, và bản thân nó không “đủ tư cách” để thay thế cho dân chủ đại diện hoạt động tốt với các cơ chế và thủ tục được xác lập. Thế nhưng nó làm nổi bật kết cấu phong phú hơn của dân chủ tự do, và làm cho dễ hơn để thấy các triển vọng cho hành động dân chủ trong những thời khủng hoảng: làm sống lại tinh thần của chính thể dân chủ khi hệ thống đã trở nên bị yếu đi bởi sự tự mãn, chẳng hạn, hay chuẩn bị cơ sở cho một trật tự dân chủ để nổi lên ở nơi đã chẳng có gì trước đó.
    Và khía cạnh vi-chính trị này của chính trị hiện đại, đặc biệt cốt yếu cho sự ra đời của nền dân chủ nhưng cũng quan trọng cho một nền dân chủ đã thiết lập để phát triển mạnh, phải không được bỏ qua bởi các nhà tư tưởng chính trị hay các nhà hoạch định chính sách, dù về mặt đối nội hay trong các chương trình nghị sự nước ngoài của họ.
    Và còn quan trọng hơn – đặc biệt khi ta xem xét thế giới sau 11 tháng 9: sự chuyển đổi sang một nền dân chủ có ý nghĩa và lâu bền, chẳng bao giờ là một dự án dễ, có cơ hội tốt nhất để thành công nếu nó được khởi xướng và được sở hữu bởi người dân địa phương, và tính đến tiếng nói của họ, thấm đẫm lịch sử, văn hóa, và kinh tế tương ứng của họ. Tôi muốn nghĩ rằng đây không chỉ là một sự lựa chọn thay thế thực cho các xe tank và đạn, mà cũng là một loại lực lượng mà có thể giúp lấy lại phẩm giá đã mất của người dân và bản sắc của họ như các công dân.

    ■ Một Bài học về Cách mạng

    Khi thập niên đầu tiên của thế kỷ mới sắp kết thúc, chính trị của hy vọng và bất kỳ sự phát triển nào mà làm tăng hy vọng chính trị là mối quan tâm to lớn của tất cả chúng ta, vì chúng ta tìm kiếm những sự lựa chọn thay thế cho các giải pháp bạo lực và nỗi thất vọng. Các cuộc cách mạng có còn, như nhiều nhà tư tưởng quá khứ và hiện tại gợi ý, vẫn là “những sự ủy nhiệm” cho hy vọng? Nếu thế – loại cách mạng nào?
    Chính trong năm 1989, một loại hoàn toàn mới của cách mạng đã nổi lên, bày tỏ hy vọng mà không có đổ máu. Không đổ máu như các cuộc cách mạng ở Trung và Đông Âu mà đã dẫn đến sự tháo dỡ các chế độ độc đoán, những cuộc cách mạng đó đã là các cuộc cách mạng “không căn bản,” chí ít từ lập trường của các nhà cách mạng và các nhà tư tưởng thế kỷ thứ 19, mà đối với họ Cách mạng Pháp năm 1789 đã là một tấm gương. Thế nhưng 200 năm sau đã chính loại cách mạng đó dẫn đến sự thay đổi hệ thống căn bản mà đã thu hút được trí tưởng tượng của người dân. “Nhung” hay mặt khác không căn bản, nó đã trở thành một nơi của hy vọng rõ ràng, một chỗ mà trong đó các từ có sức mạnh, mà trong đó ngôn ngữ có sức mạnh ngôn hành, nơi lời nói là hành động, và nơi các từ hành động. Các cuộc Đàm phán Bàn Tròn mà đã tạo thuận lợi cho sự biến đổi dân chủ của nhà nước độc đảng của Ba Lan đã bắt đầu vào tháng Hai và kết thúc vào tháng Tư năm 1989, vào lúc khi hệ thống cộng sản trong khu vực vẫn đã có vẻ – cho dù không còn cường tráng nữa – chắc chắn không thể thay đổi được. Mặc dù ít ngoạn mục hơn các đám đông vui sướng quai búa tại bức Tường Berlin một nửa năm sau đó rất nhiều, chính các cuộc đàm phán đó đã tạo thuận lợi cho sự sụp đổ của bức Tường đó.
    Các cuộc cách mạng của năm 1989 đã thay thế bạo lực bằng các hành động của lời nói, hay ngôn hành, qua đó thân phận con người đã lấy lại được phẩm giá đầy đủ của nó, và đã nhận ra năng lực hành động của nó thông qua các công cụ khác với vũ khí. Cho nên ở đây là một sáng chế chính trị, và không phải một phép nghịch hợp: Để mang lại một sự thay đổi cơ bản, hãy thương lượng một cuộc cách mạng!
    Và bây giờ tôi tin rằng sự tái chiếm ngôn ngữ bởi người dân, việc họ tự do sử dụng lời nói mới không bắt buộc, đã là chính tâm điểm của cái đã xảy ra ở Ba Lan trong 1980-81, và rồi lại lần nữa trong năm 1989. Nhưng trong sự vội vàng bởi những người quan sát bên ngoài để theo dõi lấy tin – các cuộc đình công phản đối, các cuộc tuần hành, các cuộc đàm phán, những sự di chuyển quân Soviet – thì chiều lời nói này của sự trải nghiệm đã đơn giản là quá tinh tế, quá cá nhân, quá vô hình, để được thâu tóm bởi báo chí, còn ít hơn nhiều bởi TV. Các phương tiện truyền thông bằng tiếng nước ngoài đặc biệt đã không là một phương tiện tốt cho việc chuyển tải hay thậm chí thấu hiểu các quá trình mà đã neo sâu đến vậy vào ngôn ngữ, lời nói, và các từ. Khi được dịch, tác động của tính tươi mới địa phương bị mất đi, và những sự khác biệt tinh tế nhưng quan trọng giữa cách sử dụng cũ và mới của ngôn ngữ đã vượt quá sự hiểu biết của các phóng viên và các nhà phân tích chính trị.
    Đầu tiên và trước hết, giả thiết bắt buộc ở đây là tính ưu việt của các giải pháp bất bạo động dựa trên tiền đề rằng một nền dân chủ phát triển mạnh ngày nay phải là một dự án được nghĩ ra, được phát triển, và được thực thi một cách bản địa mà trong đó các từ, chứ không phải vũ khí, là quan trọng. Cụ thể hơn, mục tiêu là để xây dựng các địa điểm cho lĩnh vực công còn trứng nước và để từ từ nuôi dưỡng, duy trì, và mở rộng chúng. Đây là nơi mà vị của dân chủ được phát hiện ra, đây là nơi mà người dân khám phá ra các năng lực ngôn hành của riêng họ.

    * J. L. Austin dùng performative trong các cụm từ câu performative, phát ngôn performative vân vân và performative được chuyển sang tiếng Việt là ngôn hành, thí dụ câu ngôn hành, phát ngôn ngôn hành. Ngôn hành (Vacika-samskara) cũng là một khái niệm cơ bản trong Phật giáo liên quan đến khẩu nghiệp. (Người dịch)
    i Hope and Hopelessness của Leszek Kolakowski, được viết năm 1971 (Survey, 17, no.3 (summer) 1971), The New Evolutionism của Adam Michnik, được viết năm 1976 (bản tiếng Anh Letters From Prison, University of California Press, 1985), và The Power of the Powerless của Vaclav Havel, trong năm 1978 (bản tiếng Anh Living in Truth, Faber& Faber, London 1987).

    ii Hannah Arendt, Reflections on Violence, Special Supplement: The New York Review of Books, Vol. 12, no 14, Feb, 27, 1969, p. 65

    iii Nelson Mandela, Address to the Nation on the Assassination of Martin Thembisile (Chris) Hani, April 12 , 1993, www.anc.org.za/ancdocs/history/mandela/1993/

    iv Bộ phim, Công nhân 80, đã được quay trong thời gian đình công bởi nhóm nhà làm phim thời sự Ba Lan, và đầu mùa thu đã được chiếu trong các rạp chiếu bóng.


    NGUỒN : dịch giả gửi cho Diễn Đàn
                     ( www.diendan.org )