1/11/13

Elzbieta Matynia - Khám phá ra Dân chủ Ngôn hành

Khám phá ra Dân chủ Ngôn hành

Elzbieta Matynia
New School for Social Research, New York City, August 2009


Người dịch : Nguyễn Quang A

Thực sự, 1989 đã không chỉ xảy ra trong năm 1989. Trong khi thế kỷ thứ hai mươi đã không bắt đầu cho đến 1914, và thế kỷ thứ hai mươi mốt đã không bắt đầu cho đến tháng Chín 2001, thì 1989 đã thực sự bắt đầu ít nhất một chục năm trước. Nhưng bị thôi miên bởi cảnh lễ hội (carnival) bắt mắt xảy ra trên đỉnh bức tường Berlin, hầu hết thế giới đã không nhận ra rằng cái đã có vẻ như sự sụp đổ đột ngột của chế độ cộng sản đã không là một phép màu cũng đã chẳng là thành tựu của các cường quốc nước ngoài. …đã không nhận ra rằng chính công việc từ từ, bền bỉ, và đầy sáng tạo của các công dân mở ra không gian công cộng và thiết lập các định chế và các quá trình dân chủ mới đã là cái dẫn đến sự dỡ bỏ bức tường đó.
Cũng đã quyến rũ như những hình ảnh về những người quai búa liên hồi [để phá bức tường], hay về đám đông yên bình tập hợp về đêm trên Quảng trường Wenceslas, hình ảnh đó đã che mờ, đã đơn giản hóa, và đã làm cho lạc lối. Như bạn sẽ thấy trong chốc lát, tôi là người cuối cùng đi đánh giá thấp sức mạnh của các hành động tượng trưng, nhưng tôi muốn tranh luận rằng chúng thể hiện sức mạnh thực chỉ nếu chúng có gốc rễ trong những sáng kiến xã hội và có cơ sở vững chắc trong hiểu biết địa phương … chỉ nếu chúng bày tỏ trí tưởng tượng nội và được biểu diễn bởi các diễn viên địa phương.
Việc kéo đổ tượng Saddam Hussein trong năm 2003 với sự giúp đỡ của công binh Quân đội Hoa Kỳ và những xe bọc thép Mỹ đã không mang lại những kết quả mong muốn, vì hành động ấy đã không được tưởng tượng ra cũng đã chẳng được khởi xướng bởi những người địa phương.
Tôi e rằng các bài học từ sự sụp đổ của chế độ cộng sản đã không được học, và rằng các cơ hội đã bị bỏ qua để nuôi dưỡng dân chủ thông qua các phương tiện và phương pháp được thai nghén ở địa phương.
Cái đã thoát khỏi sự chú ý khi đó đã là một địa điểm hoàn toàn mới cho loại suy ngẫm về dân chủ và dân chủ hóa mà có vẻ – dưới các điều kiện hôm nay – đã đạt đến một sự bế tắc. Khái niệm, mà tôi gọi là “dân chủ ngôn hành – performative democracy,” và chiều kích của dân chủ mà nó thâu tóm, vì chúng đã không được diễn đạt một cách mạch lạc cũng chẳng thậm chí nhận thức được một cách dễ dàng, đã bị bỏ qua bởi các nhà khoa học xã hội và như thế cũng bởi các nhà hoạch định chính sách, một tình huống mà có thể dẫn đến những đường lối chỉ đạo chính sách không chính xác, và thường đến những quyết định chính sách tai hại.
Trong những bình luận sau đây, tôi muốn chú tâm vào dân chủ ngôn hành, sự ban hành dân chủ đầy cảm hứng bản xứ bởi các công dân mà tôi tin có thể giúp chúng ta hiểu việc xây dựng một chính thể dân chủ vững chãi không chỉ ở Ba Lan. Thế mà, tôi phải nói thêm, khái niệm mà tôi chợt nghĩ ra khi tôi bắt đầu ngó tới những sự thực hành khác nhau tại Ba Lan trước và sau 1989.
Tôi không có thời gian ở đây để mời bạn xem xét lại chiều hơi khó nắm bắt này của dân chủ với tất cả tính nhân văn của nó, kịch tính của nó, các thời khắc gây cảm hứng tuyệt vời của nó, tinh thần ngẫu hứng của nó, và các giải pháp đầy sáng tạo của nó. Tôi phải ngắn gọn ở đây, thế nhưng tôi hy vọng thuyết phục được bạn rằng đã có một phổ rộng của những sáng kiến ngôn hành – văn hóa, xã hội, và chính trị – mà đã tạo thuận lợi cho sự biến đổi một môi trường chuyên quyền thành một môi trường dân chủ. Và tôi hy vọng thuyết phục bạn rằng dân chủ ngôn hành – một chiều của dân chủ mà đã nổi lên một cách có thể cảm nhận được ở Ba Lan trong các năm 1980, nhưng cũng đã có thể quan sát được ở Tây ban Nha trong các năm 1970, và ở Nam Phi trong các năm 1990 – phải có được vị trí chính đáng của nó trong tư duy của chúng ta về dân chủ hôm nay.
Ba chế độ “độc đoán khi đó” đã rất khác nhau, cũng như lịch sử tương ứng của chúng và các chiến lược mà toàn thể công dân đã chống lại chúng. Cái chúng có chung đã là, các công dân của chúng đã thách thức và đã làm thay đổi một cách hòa bình các chế độ áp bức, đã tháo dỡ những cấu trúc quyền lực hết sức tập trung, và đã khởi động các quá trình dân chủ hóa. Bám rễ sâu vào các vị trí xã hội-văn hóa riêng biệt và đa dạng, dân chủ ngôn hành như thế không phải là một mô hình lý thuyết, một lý tưởng chính trị, cũng chẳng là một hệ thống cai quản đã được thử thách, mà là một quá trình được quy định về mặt địa phương của việc ban hành dân chủ trong các khung cảnh khác nhau về mặt chính trị. Và mặc dù nó có một dãy các hình thức và được biểu lộ thông qua những cách diễn đạt khác nhau, khi nó xuất hiện dưới các điều kiện của sự cai trị độc đoán, nó thường phản ánh ý thức cơ bản của các diễn viên của nó về các lý tưởng dân chủ, và lòng tin của họ rằng quả thực có những chỗ – “các nước bình thường” – nơi các quyền dân sự được tôn trọng, và nơi dân chủ thực sự được thi hành và thực hành. Và người ta không được gạt bỏ sức mạnh của hình ảnh về một nước bình thường cho những người như vậy.
Giữa những người đã giúp tôi trong suy nghĩ về dự án này đã là J. L. Austin với các bài giảng ngôn ngữ học của ông, và hai triết gia về đối thoại và giải phóng những người đã trải nghiệm những thời kỳ đen tối nhất – Hannah Arendt ở nước Đức Nazi, và Mikhail Bakhtin ở nước Nga Stalinist. Nhưng nền tảng cho hy vọng và một chiến lược ngôn hành định hướng dân chủ cho các xã hội Trung Âu đã được đặt vào các năm 1970 trong ba tiểu luận then chốt được viết bởi các tác giả từ khu vực này chỉ cách nhau vài năm: Hi vọng và Vô vọng (Hope and Hopelessness), bời một triết gia Ba Lan sống lưu vong, Leszek Kolakowski; Chủ nghĩa Tiến hóa Mới (The New Evolutionism), bởi một sử gia trẻ thất nghiệp từ Warsaw, Adam Michnik; và Quyền lực của người Không có Quyền lực (The Power of the Powerless), bởi nhà soạn kịch từ Prague mà các vở kịch của ông đã không được phép diễn ở đó, Vaclav Havel.i Chương trình của họ cho sự thay đổi đã từ bỏ con đường cách mạng mà đã được yêu mến bởi các nhà tư tưởng tiến bộ trong hơn một thế kỷ. Con đường phổ quát đó – sự lật đổ bằng bạo lực cấu trúc quyền lực – tuy tai hại, đã vẫn là một con đường hấp dẫn ở nhiều nơi trên thế giới, vì nó đã hứa hẹn một sự thay đổi nhanh chóng, căn bản, một sự tẩy rửa quá khứ, và một sự khởi đầu tươi mới. Điều đó đã không đúng tại Đông & Trung Âu, trong đó các cuộc cách mạng đã mang lại kinh nghiệm về các cuộc nội chiến, sự mất mạng sống, mất vốn văn hóa, và – đối với nhiều người – không chỉ một sự mất quá khứ mà cũng là sự mất tương lai.
Những sự hiểu thấu của ba “nhà hoạt động ngôn hành – performativist” của chúng ta tất cả đã có cơ sở vững chắc trong một tiêu chuẩn nội về phạm vi thẩm quyền văn hóa, được truyền thụ bởi các điều kiện, các vi lịch sử, và những kinh nghiệm chính trị địa phương. Phơi ra những mâu thuẫn của hệ thống hiện tồn ở mức ngôn ngữ – với các khế ước và lời hứa không được tôn trọng, những đàm luận công khai và che đậy – các tác giả bất đồng chính kiến này đã chứng tỏ rằng những mâu thuẫn đó có thể được khai thác mà không cần nhờ đến bạo lực trong cuộc đấu tranh của họ với chế độ.
Kolakowski, Michnik và Havel đã yêu cầu nhân dân đừng kỳ vọng vào những phép màu, những sự sửa chữa nhanh, sự giúp đỡ từ bên ngoài, hay bất kỳ sự tự-sửa chữa tự động nào của hệ thống độc đoán. Thay vào đó họ đã giải thích vì sao phải cần những thay đổi nhỏ, từ tý một. Những thay đổi nhỏ này đã có thể được thúc đẩy – họ lập luận – theo hai cách: bằng cách tiết lộ – cho công chúng càng đông càng tốt – những mâu thuẫn, những sự mập mờ, tính vô lý và những sự ngớ ngẩn bên trong bản thân hệ thống; và bằng cách phát huy các công cụ quyền con người được cung cấp bởi các thỏa ước quốc tế mà đã được ký rồi vào giữa những năm bảy mươi tại Helsinki bởi hầu hết các nhà nước Cộng sản. Khi sống với sự thật bị trấn áp – như Havel đã có thể diễn đạt – tính ngôn hành (performativity) bị trấn áp. Việc đọc cẩn thận ba nhà tư tưởng tiết lộ rằng các công cụ cho sự thay đổi được níu chặt trong các hành động nói công khai, bất luận chúng hóa ra là một buổi biểu diễn nhà hát, một thư ngỏ bởi một nhóm công dân như Hiến chương 77, một bài thơ được lan truyền bên ngoài sự kiểm duyệt của nhà nước, hay những đòi hỏi được viết trên giấy bồi và được trưng ra bởi các công nhân đình công tại cổng của xưởng đóng tàu Gdansk.
Thế ý tôi muốn nói gì với tính ngôn hành?
Khái niệm thường được ghép với một tập các bài giảng của J. L. Austin về ngôn ngữ, trong đó ông thảo luận các câu, không chỉ mô tả thực tế hay nói rõ các sự thực mà còn có năng lực diễn cái chúng thực sự nói.*
Trong trường hợp các xã hội sống dưới chế độ độc tài – các điều kiện cho tính ngôn hành xảy ra đầu tiên khi (ngôn) từ định hướng hành động, đã không được sử dụng từ lâu vượt quá lĩnh vực tư, khi nó lộ ra từ sự ẩn náu, chen qua những kẽ nứt ra công khai. Và khi lần đầu tiên được nghe thấy, nó xúi giục sự nổi lên của một lĩnh vực công không thể chối cãi được.
Đối với Hannah Arendt điều kiện mấu chốt cho việc tạo thành một lĩnh vực công là một “không gian của những sự xuất hiện,” tức là, bất kỳ khung cảnh công khai nào nơi người dân có thể đến với nhau và tương tác thông qua lời nói. Chỗ như vậy cho các cuộc tụ họp ban đầu của Đoàn kết đã được cung cấp bởi các nhà máy, các đại học, các nhà thờ, thậm chí các doanh nghiệp nhà nước. Chính ở đó mà cách nói vô danh, bâng quơ và “tổ chức” đã được thay thế bằng những tiếng nói cụ thể, cá nhân và riêng biệt. Những tiếng nói như vậy, hay các hành động nói, là ngược lại với bạo lực, “mà là để hành động mà không có lý lẽ và không có sự tính đến các hậu quả.”ii
Tiếng nói như vậy đã là tiếng nói của Nelson Mandela, mới được thả từ nhà tù, người mà sau vụ ám sát người bạn trẻ hơn của ông, Chris Hani, nhà lãnh đạo chống-apartheid nổi tiếng, đã nói với hàng ngàn người nổi khùng tại một sân vận động bóng đá, ngăn chặn bạo lực sắp xảy ra và cứu vớt các cuộc đàm phán về tháo dỡ chế độ apartheid. “Chúng ta là một dân tộc đang để tang. Nỗi đau và sự tức giận của chúng ta là thực. Thế nhưng chúng ta không được phép để mình bị khiêu khích bởi những người tìm cách không cho chúng ta chính quyền tự do mà Chris Hani đã hy sinh tính mạng vì”.iii
Tiếng nói như vậy đã là tiếng nói của Adam Michnik, nhà bất đồng chính kiến Ba Lan và tù nhân chính trị thường xuyên, khi ông đã ngăn chặn một đám đông giận dữ khỏi việc đốt một đồn cảnh sát trong đó một cặp cảnh sát khét tiếng vì sự tàn bạo của họ đã bị khóa ở bên trong. Với chỉ tên của ông – không phải khuôn mặt của ông – được nhiều người biết đến, ông đã nói, chiếm đoạt một từ có nghĩa xấu quen thuộc của Đảng: “Tôi tên là Adam Michnik, và tôi là ‘một phần tử chống xã hội chủ nghĩa’.” Đám đông đã trầm tĩnh lại hầu như ngay lập tức. Sự đối đầu với một chế độ, mà đang tìm kiếm bất kỳ cớ nào để đặt phong trào Đoàn kết ra ngoài vòng pháp luật, đã lần nữa được loại bỏ. Lời nói ngôn hành, chứa đầy ý thức chú ý đến trách nhiệm – một loại hy vọng biết bao!
Sự nổi lên của Đoàn Kết Ba Lan trong năm 1980, nghiệp đoàn lao động toàn quốc đó mà sự tồn tại hợp pháp của nó đã được thương lượng giữa các công nhân xưởng đóng tàu Gdansk và chính phủ Cộng sản ở Ba Lan, theo nhiều cách đã là một kiệt tác của dân chủ ngôn hành. Cái “tôi” tự được khám phá, cất tiếng nói một cách tự trị, các diễn viên-công dân của phong trào Đoàn kết, đã buộc nhà nước tiến hành đối thoại với họ.
Khi người thợ điện có ria mép người đã lãnh đạo cuộc đình công và rồi đã tiến hành các cuộc đàm phán, Lech Walesa, đã nói với đám đông tụ họp tại cổng xưởng đóng tàu sau khi ký các thỏa thuận, ông đã nói: “Chúng ta sẽ có nghiệp đoàn độc lập, tự quản của chúng ta; “Đoàn kết”, tờ báo riêng của chúng ta được xuất bản ở đây trong thời gian đình công, sẽ trở thành tờ báo của công đoàn chúng ta, và chúng ta sẽ có khả năng viết bất cứ gì chúng ta muốn mà không có kiểm duyệt; chúng ta có quyền để đình công …” Bài nói chuyện này, đã được quay phim và một bộ phim một tháng sau đã được phân phát khắp cả nước, đã trở thành một trong những thời điểm tượng trưng nhất về dân chủ ngôn hành của thế kỷ thứ 20.iv
Các thỏa thuận Gdansk đã là một kết quả kỳ lạ cho một cuộc đình công của công nhân, không giống bất kỳ kết quả trước nào của sự mặc cả tập thể. Những đòi hỏi đã ít về chính phủ làm các thứ cho người dân, hơn là về xóa bỏ những cản trở sao cho bản thân người dân có thể tự lo về các thứ, và chính phủ không được ngăn cản họ làm việc đó. Không gian được mở mới nhắm đến việc giải quyết các vấn đề, xác định các giải pháp, và thực hiện chúng, đã là lĩnh vực của hành động tích cực bởi các công dân riêng được giải phóng nhân danh lợi ích công.
Có lẽ trường hợp ngoạn mục nhất của tính ngôn hành đã là kịch tính lên đến tột độ của các cuộc đàm phán Bàn Tròn mà đã xảy ra vào mùa xuân 1989 ở Warsaw. Các cuộc đàm phán bàn tròn, mà đã khởi động sự biến đổi dân chủ của nhà nước một đảng của Ba Lan, đã bắt đầu vào tháng Hai và kết thúc vào tháng Tư năm 1989, vào lúc khi hệ thống cộng sản trong khu vực vẫn đã có vẻ – cho dù không còn vững chãi nữa – là chắc chắn không thể đảo ngược được. Tuy ít ngoạn mục và bắt mắt hơn các đám đông vui sướng quai búa tại bức tường Berlin nửa năm sau đó rất nhiều, chính bản thân các cuộc đàm phán này đã thực sự tạo thành sự kết thúc của chế độ chuyên quyền trong khu vực. Các cuộc đàm phán năm 1993 ở Kempton Park gần Johannesburg, mà đã mang lại sự kết thúc của chế độ apartheid ở Nam Phi, tuy kéo dài và kịch tính, cũng đã không tạo ra những hình ảnh gây choáng váng: chắc chắn đã không thể so sánh được chút nào với những hình ảnh một người, một phiếu đó được chụp từ trên cao về các hàng người quanh co xếp hàng chờ bỏ phiếu lần đầu tiên trong đời họ. Công việc thực của việc quai búa liên hồi để ra những thỏa thuận như vậy đơn giản là không thân thiện-với truyền thông đại chúng.
Ấy thế mà, dân chủ ngôn hành, rất giống carnival (ngày hội) như được nghiên cứu bởi Mikhail Bakhtin, là một hiện tượng nhất thời. Carnival là thời gian khi cái phi chính thức trở thành chính thức, khi các nhà lãnh đạo không ngờ được phát hiện ra và được chỉ định. Nó là một khoảng thời gian mà nuôi dưỡng năng lực hành động, và trao cho người dân các năng lực ngôn hành. Carnival tiết lộ sức mạnh tiềm tàng trong khi sức mạnh đang thịnh hành bị đình chỉ, nhưng carnival không kéo dài. Trong những trường hợp huy hoàng nhất nó tạo thành một nơi của kinh nghiệm cả vui lẫn mang tính lật đổ trong quảng trường công cộng mang tính ngày hội nơi sự sợ hãi và sự đau khổ, như Bakhtin đã có thể nói, được giảm đi. Lời nói và hành động không phải là các thuộc tính duy nhất của quyền tự do, như Arendt nói, mà là một nguồn chủ yếu của phẩm giá cá nhân và hy vọng xã hội, vì chúng góp phần vào ý thức của một chính thể mà trong đó nhân dân và những tiếng nói khác nhau của họ có ý nghĩa trong cả việc tạo ra và duy trì nó.
Trong khi dân chủ ngôn hành là khó để hoạt động hóa (operationalize), ta có thể quan sát các thí dụ về nó trong các tình huống và quá trình cụ thể liên quan đến các hình thức và các loại lời nói, được hiểu một cách rộng, mà tạo thành hành động công và gây ra sự thay đổi. Tôi phải nhấn mạnh rằng tôi thấy nó như một sự thực hành nảy sinh từ một ý thức mạnh mẽ về việc thực sự được sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và các quyền và về hành động hướng tới nhau theo tinh thần anh em – ý thức đó mà được thâu tóm trong điều đầu tiên của Tuyên ngôn Phổ quát về các Quyền Con người. Đồng thời, nó là một chiều của sự thực hành dân chủ mà – tuy được thực hiện qua cách cư xử của những công dân biết điều – không trái với những xúc cảm, vì nó có thể đầy tinh thần ấm cúng một cách đáng ngạc nhiên, mà chắc chắn đã là trong trường hợp của những người Ba Lan trong năm 1980.
Với con mắt của nó để ý đến tính công cộng, đối thoại, và thỏa hiệp, dân chủ ngôn hành không phải là một lĩnh vực mà trong đó các nhóm thiển cận khai thác sự sợ hãi có thể cảm thấy thoải mái – hay nói chung những người chủ trương những dàn xếp hẹp hòi. Bất chấp kịch tính vốn có của nó, dân chủ ngôn hành có thể thực sự là một chiều vui sướng và khẳng định của người dính đến chính trị, thế nhưng là một chiều mà tự giới hạn những cảm xúc mạnh mẽ bằng cách nhất thiết định khung chúng trong những hình thức, loại, và quy ước đã được thỏa thuận.
Mặc dù không dễ được hoạt động hóa, cũng chẳng dễ thể chế hóa, nó để lại một di sản quan trọng: hệt như carnival, nó xảy ra, và khi nó xảy ra, nó giải phóng một sự sáng tạo công dân vững chãi, chuẩn bị các điều kiện cho những cái lưng cong để thẳng lên – và đây là một thành tựu có giá trị lâu bền. Tôi muốn tranh luận rằng chiều đặc biệt này của đời sống chính trị có thể xảy ra trong cả khung cảnh phi-dân chủ và khung cảnh dân chủ. Trong trường hợp trước, nó thường tạo thành các giai đoạn ban đầu của một dự án dân chủ; trong trường hợp sau, nó cung cấp những chiến lược để giữ cho dân chủ đầy khí lực, và giúp nó sống sót một mùa “chay” dân chủ.
Di sản của dân chủ ngôn hành bao gồm nhiều bài học, nhưng tôi muốn tập trung vào hai trong số chúng, vì tôi tin chúng nên được xem xét nghiêm túc bởi các nhà hoạch định chính sách thử giải quyết một thế giới ngày càng hung dữ mà gây nguy hiểm cho đời sống của các công dân và các cộng đồng. Các bài học tôi nghĩ đến là một bài học về xã hội dân sự và một bài học về cách mạng.

■ Một Bài học về Xã hội Dân sự

Mặc dù không phải chỉ là một tên khác cho dân chủ trực tiếp, dân chủ ngôn hành quả thực có làm giảm khoảng cách giữa những đại biểu được bầu và nhân dân, và đưa bản thân người dân đến gần hơn với nhau, phát triển mạnh vì nó dựa trên sự thực hành phong phú của các cuộc gặp gỡ mặt đối mặt và những thảo luận không ngừng. Những việc này khởi động một quá trình học, hình thành các ý kiến, lập luận, đánh giá cao giá trị của sự thỏa hiệp, và điều này quả thực mang tính biến đổi đối với những người tham gia. Sự nổi lên – cho dù chậm chạp – của không gian công cộng – hay lúc ban đầu thậm chí một không gian nửa công cộng, là nền tảng cho xã hội dân sự – những chỗ nơi các công dân riêng hoạt động nhân danh lợi ích công.
Cái tôi gọi là dân chủ ngôn hành, khi đó, thâu tóm chỉ một chiều của dân chủ, và bản thân nó không “đủ tư cách” để thay thế cho dân chủ đại diện hoạt động tốt với các cơ chế và thủ tục được xác lập. Thế nhưng nó làm nổi bật kết cấu phong phú hơn của dân chủ tự do, và làm cho dễ hơn để thấy các triển vọng cho hành động dân chủ trong những thời khủng hoảng: làm sống lại tinh thần của chính thể dân chủ khi hệ thống đã trở nên bị yếu đi bởi sự tự mãn, chẳng hạn, hay chuẩn bị cơ sở cho một trật tự dân chủ để nổi lên ở nơi đã chẳng có gì trước đó.
Và khía cạnh vi-chính trị này của chính trị hiện đại, đặc biệt cốt yếu cho sự ra đời của nền dân chủ nhưng cũng quan trọng cho một nền dân chủ đã thiết lập để phát triển mạnh, phải không được bỏ qua bởi các nhà tư tưởng chính trị hay các nhà hoạch định chính sách, dù về mặt đối nội hay trong các chương trình nghị sự nước ngoài của họ.
Và còn quan trọng hơn – đặc biệt khi ta xem xét thế giới sau 11 tháng 9: sự chuyển đổi sang một nền dân chủ có ý nghĩa và lâu bền, chẳng bao giờ là một dự án dễ, có cơ hội tốt nhất để thành công nếu nó được khởi xướng và được sở hữu bởi người dân địa phương, và tính đến tiếng nói của họ, thấm đẫm lịch sử, văn hóa, và kinh tế tương ứng của họ. Tôi muốn nghĩ rằng đây không chỉ là một sự lựa chọn thay thế thực cho các xe tank và đạn, mà cũng là một loại lực lượng mà có thể giúp lấy lại phẩm giá đã mất của người dân và bản sắc của họ như các công dân.

■ Một Bài học về Cách mạng

Khi thập niên đầu tiên của thế kỷ mới sắp kết thúc, chính trị của hy vọng và bất kỳ sự phát triển nào mà làm tăng hy vọng chính trị là mối quan tâm to lớn của tất cả chúng ta, vì chúng ta tìm kiếm những sự lựa chọn thay thế cho các giải pháp bạo lực và nỗi thất vọng. Các cuộc cách mạng có còn, như nhiều nhà tư tưởng quá khứ và hiện tại gợi ý, vẫn là “những sự ủy nhiệm” cho hy vọng? Nếu thế – loại cách mạng nào?
Chính trong năm 1989, một loại hoàn toàn mới của cách mạng đã nổi lên, bày tỏ hy vọng mà không có đổ máu. Không đổ máu như các cuộc cách mạng ở Trung và Đông Âu mà đã dẫn đến sự tháo dỡ các chế độ độc đoán, những cuộc cách mạng đó đã là các cuộc cách mạng “không căn bản,” chí ít từ lập trường của các nhà cách mạng và các nhà tư tưởng thế kỷ thứ 19, mà đối với họ Cách mạng Pháp năm 1789 đã là một tấm gương. Thế nhưng 200 năm sau đã chính loại cách mạng đó dẫn đến sự thay đổi hệ thống căn bản mà đã thu hút được trí tưởng tượng của người dân. “Nhung” hay mặt khác không căn bản, nó đã trở thành một nơi của hy vọng rõ ràng, một chỗ mà trong đó các từ có sức mạnh, mà trong đó ngôn ngữ có sức mạnh ngôn hành, nơi lời nói là hành động, và nơi các từ hành động. Các cuộc Đàm phán Bàn Tròn mà đã tạo thuận lợi cho sự biến đổi dân chủ của nhà nước độc đảng của Ba Lan đã bắt đầu vào tháng Hai và kết thúc vào tháng Tư năm 1989, vào lúc khi hệ thống cộng sản trong khu vực vẫn đã có vẻ – cho dù không còn cường tráng nữa – chắc chắn không thể thay đổi được. Mặc dù ít ngoạn mục hơn các đám đông vui sướng quai búa tại bức Tường Berlin một nửa năm sau đó rất nhiều, chính các cuộc đàm phán đó đã tạo thuận lợi cho sự sụp đổ của bức Tường đó.
Các cuộc cách mạng của năm 1989 đã thay thế bạo lực bằng các hành động của lời nói, hay ngôn hành, qua đó thân phận con người đã lấy lại được phẩm giá đầy đủ của nó, và đã nhận ra năng lực hành động của nó thông qua các công cụ khác với vũ khí. Cho nên ở đây là một sáng chế chính trị, và không phải một phép nghịch hợp: Để mang lại một sự thay đổi cơ bản, hãy thương lượng một cuộc cách mạng!
Và bây giờ tôi tin rằng sự tái chiếm ngôn ngữ bởi người dân, việc họ tự do sử dụng lời nói mới không bắt buộc, đã là chính tâm điểm của cái đã xảy ra ở Ba Lan trong 1980-81, và rồi lại lần nữa trong năm 1989. Nhưng trong sự vội vàng bởi những người quan sát bên ngoài để theo dõi lấy tin – các cuộc đình công phản đối, các cuộc tuần hành, các cuộc đàm phán, những sự di chuyển quân Soviet – thì chiều lời nói này của sự trải nghiệm đã đơn giản là quá tinh tế, quá cá nhân, quá vô hình, để được thâu tóm bởi báo chí, còn ít hơn nhiều bởi TV. Các phương tiện truyền thông bằng tiếng nước ngoài đặc biệt đã không là một phương tiện tốt cho việc chuyển tải hay thậm chí thấu hiểu các quá trình mà đã neo sâu đến vậy vào ngôn ngữ, lời nói, và các từ. Khi được dịch, tác động của tính tươi mới địa phương bị mất đi, và những sự khác biệt tinh tế nhưng quan trọng giữa cách sử dụng cũ và mới của ngôn ngữ đã vượt quá sự hiểu biết của các phóng viên và các nhà phân tích chính trị.
Đầu tiên và trước hết, giả thiết bắt buộc ở đây là tính ưu việt của các giải pháp bất bạo động dựa trên tiền đề rằng một nền dân chủ phát triển mạnh ngày nay phải là một dự án được nghĩ ra, được phát triển, và được thực thi một cách bản địa mà trong đó các từ, chứ không phải vũ khí, là quan trọng. Cụ thể hơn, mục tiêu là để xây dựng các địa điểm cho lĩnh vực công còn trứng nước và để từ từ nuôi dưỡng, duy trì, và mở rộng chúng. Đây là nơi mà vị của dân chủ được phát hiện ra, đây là nơi mà người dân khám phá ra các năng lực ngôn hành của riêng họ.

* J. L. Austin dùng performative trong các cụm từ câu performative, phát ngôn performative vân vân và performative được chuyển sang tiếng Việt là ngôn hành, thí dụ câu ngôn hành, phát ngôn ngôn hành. Ngôn hành (Vacika-samskara) cũng là một khái niệm cơ bản trong Phật giáo liên quan đến khẩu nghiệp. (Người dịch)
i Hope and Hopelessness của Leszek Kolakowski, được viết năm 1971 (Survey, 17, no.3 (summer) 1971), The New Evolutionism của Adam Michnik, được viết năm 1976 (bản tiếng Anh Letters From Prison, University of California Press, 1985), và The Power of the Powerless của Vaclav Havel, trong năm 1978 (bản tiếng Anh Living in Truth, Faber& Faber, London 1987).

ii Hannah Arendt, Reflections on Violence, Special Supplement: The New York Review of Books, Vol. 12, no 14, Feb, 27, 1969, p. 65

iii Nelson Mandela, Address to the Nation on the Assassination of Martin Thembisile (Chris) Hani, April 12 , 1993, www.anc.org.za/ancdocs/history/mandela/1993/

iv Bộ phim, Công nhân 80, đã được quay trong thời gian đình công bởi nhóm nhà làm phim thời sự Ba Lan, và đầu mùa thu đã được chiếu trong các rạp chiếu bóng.


NGUỒN : dịch giả gửi cho Diễn Đàn
                 ( www.diendan.org )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét