Sunday, January 12, 2014
Thơ Có Hồn Thiêng & Cuốn Sách Có Mắt
Nhã Ca - Việt Báo Xuân Giáp Ngọ 2014
Lai lịch một tập thơ 50 tuổi, lần đầu xuất bản tại Hoa Kỳ
* Nhà thơ Quách Thoại (1930-1957) - Hình chụp tại Huế *
Nó hiện ra. Như thế nào, lúc nào, hồi nào? Tôi bị hỏi câu này nhiều lần và... ú ớ.
Đó là câu hỏi về việc tìm lại được tập thơ Quách Thoại. Sau biết bao tan tác khi Sàigòn đổi đời, với tôi, mọi chuyện thuộc về một thời mất ngày tháng. Nhớ đâu kể đó thì được, nhưng hỏi ngày tháng năm thì thua. Phải chờ cho tới khi gặp lại anh Mai Thảo, hơn hai mươi năm sau.
Đầu 1989, khi chúng tôi đã sang được Thụy Điển, Mai Thảo là người bạn đầu tiên xách túi bay từ Cali sang Stockholm. Chai cô nhắc từ túi xách mang theo được lôi ra. Đêm Bắc Âu tuyết trắng, trong một góc bếp ấm áp, bọn nhóc năm xưa nay đã lớn khôn hơn, vẫn tròn mắt méo mồm nghe bác Ba Mai Thảo của chúng kể chuyện một thời bị săn đuổi.
Chuyện Sàigòn kiếp trước với anh giống như chuyện mới xẩy ra hôm qua. Nhắc đâu nhớ đó, ngày tháng rành mạch. Bữa nhậu cuối trên lầu nhà 142 Tự Do à? Buổi chiều ấy không bao giờ tôi quên. Đó là ngày 3 tháng 12, năm 1977. Còn cái đêm biểu diễn phi hành trên mái nhà? Đêm 30 tháng Mười. Không quên được. Không bao giờ tôi quên. Cứ vậy mà phăng phăng với cô nhắc cậu nhắc.
Trong một bài viết cho tạp chí Văn về chuyện này, nhà văn còn hào hứng khoe tài dạ hành trên mái nhà, “hai tháng nằm ẩn cheo leo dưới mái nhà Từ –Nhã, có đêm công an phường ập vào xét, Nhã phải chỉ cho tôi leo lên nằm ẩn ở một gờ mái.”
Chính là hôm sau cái đêm leo mái nhà ấy, 31 tháng Mười 1977, cuốn sách hiện ra.
Người tìm thấy nó cũng chính là Mai Thảo.
Mai Thảo, khi đã ra hải ngoại
Thời có anh Mai Thảo ẩn trong nhà, công việc của tôi là chạy ngoài chợ trời. Xong buổi chợ, chiều về, lên lầu, thấy anh ngồi ung dung tay cầm cuốn sách bìa cứng, tôi giật mình:
“Ý, anh kiếm đâu ra cuốn này.”
“Đêm qua, lúc xét nhà, tôi leo lên gờ mái ẩn, cô đá đôi dép của tôi vào gầm tủ. Sáng ra tìm muốn chết. Phải lôi cái kệ tủ ra mới lấy được chiếc dép mắc kẹt. Hai bác cháu hì hục mãi. Thấy cuốn sách rơi ra, Sớm Mai nói chính nó giấu vào đó rồi quên.”
Tôi cầm cuốn sách, muốn ôm chặt.
“Thơ Quách Thoại đấy. Coi lại, hay thật.” Anh nói.
Chỉ là cuốn sách nhỏ đóng bìa cứng, vải bao mầu xậm.
Bìa vải loang lổ nhưng sách còn nguyên vẹn.
Đã tưởng không bao giờ còn có thể thấy lại được cuốn sách như thế.
Trong ngôi nhà cũ ở đường Ngô Tùng Châu, chúng tôi có một thư phòng nhỏ. Trên kệ sách bọc theo tường, ngoài đủ loại lỉnh kỉnh, có hơn ngàn cuốn sách bìa cứng tương tư như cuốn thơ Quách Thoại. Đêm 3 tháng Tư 1976, khi công an cộng sản phá cổng vào nhà, đây là nơi bị xào xáo kỹ nhất. Toàn bộ tủ sách cùng tranh ảnh gia đình bị gom lên xe. Một xe, hai xe, ba xe. Va li thư tình từ thời còn học Đồng Khánh lâu nay nằm yên trên gác tối cũng bị lôi xuống. Tất cả lên xe, không sót một mảnh giấy. Từ nửa đêm tới giữa trưa hôm sau, cuộc lục xét mới ngưng.
Đó là lúc
Cánh cửa bứt khỏi cổng
Nhà bứt khỏi người
Trang giấy bứt khỏi mặt bàn
Chữ nghĩa bứt khỏi sách.
Đoàn xe chở “nọc độc văn hoá” quần trên vườn cỏ ra trước. Hai vợ chồng mang còng lên chiếc xe cuối cùng. Sau đó từ trong tù, nghe tin ngôi nhà đổi chủ, không biết lũ con thơ dắt díu nhau đi đâu.
Hơn một năm, khi ra khỏi nhà tù, tôi nhặt nhạnh con cái, về tá túc trong ngôi nhà của mẹ ở đường Tự Do. Sau gần hai năm bị săn đuổi, khi anh Mai Thảo tìm đến, nhà cửa đã trống trơn, mấy tấm nệm sa lông đã gỡ mang bán. Gỗ ốp tường cũng thành củi nấu bếp, nói gì đến sách vở. Vậy mà cuốn sách vẫn… sống sót.
Hỏi thêm, cháu Sớm Mai nói con quên kể với mẹ. Sau khi đoàn xe công an chở bố mẹ và sách vở đi rồi, con lượm cuốn sách này trên bãi cỏ. Chắc nó rớt ra lúc mấy cái xe de lui de tới. Khi bị đuổi khỏi nhà Ngô Tùng Châu, con giấu nó trong bọc quần áo. Theo bà ngoại về đây, sợ bị lục soát, con dựng nó vô chỗ kẹt tủ này, lâu ngày quên luôn. Tôi nhìn cái tủ, bề ngoài coi liền lạc như một, nhưng là hai kệ rời ráp lại. Giữa mấy thanh gỗ ngang khi hai kệ áp sát có chút khoảng trống kín bưng. Sớm Mai cười hì hì, hai bác cháu lôi cái kệ, thấy cuốn sách rớt ra con mới nhớ có nó.
Thì ra chỗ loang lổ trên bìa vải cuốn sách là vết bánh xe công an cán lên. Chắc nhờ đất vườn cỏ mềm, cuốn sách biết lún xuống chịu trận, nên cái bìa không gẫy.
Suốt những ngày dài ở ẩn trên căn lầu đường Tự Do, anh Mai Thảo hầu như dính liền với tập thơ Quách Thoại, cả khi đấu cờ tướng với thằng cháu 11 tuổi cho qua giờ, cuốn sách vẫn ở trên tay anh. Sau khi anh đi thoát, tôi giấu cuốn sách vào chỗ cũ. Và sách theo người sang Thụy Điển.
“Đưa nó cho tôi.” Mai Thảo ra lệnh khi tập thơ được mang ra.
Đặt ly cô nhắc xuống, cầm cuốn sách lên bằng cả hai bàn tay, anh nói im. Im hết. Nghe đã. Chuyện là thế này, ngay đêm vượt biển đầu tiên, tôi nằm mơ thấy nó. Thấy cuốn sách. Thấy thơ. Thấy anh em chúng ta. Thấy cả Quách Thoại. Không chỉ trong mơ đâu, cả khi tỉnh nữa. Có lần con tầu gặp nguy tưởng chết, tôi kêu nó, lại thấy nó hiện ra và cả con tầu lại yên ổn vào bờ. Bây giờ, nhìn đây. Đây là thơ có hồn, mà là hồn thiêng. Cái hồn ấy không để bọn chúng đụng đến nó. Nó làm cho cuốn sách có mắt. Sớm Mai, con nghe này, không phải bác cháu mình nhìn thấy cuốn sách. Chính nó nhìn thấy mình. Chính nó đi tìm mình. Nó ở với chúng ta. Nó đi với chúng ta. Và tất cả nguyên vẹn. Đủ kiểu săn đuổi. Đủ kiểu nhà tù. Đủ kiểu hành hạ. Đẩy chúng lên rừng. Đẩy chúng xuống biển. Đẩy cho chúng chết. Vậy mà chúng không chết. Tức thật. Cho nó tức luôn. Hà hà. Này, cái thằng vua cờ tướng vượt biên đường bộ kia, nhìn coi. Chị em mày nguyên vẹn. Bố mẹ mày nguyên vẹn. Cả cái tên Mai Thảo này cũng nguyên vẹn luôn.
“Cuốn sách có mắt” được đặt xuống mặt bàn. Nào, đọc thơ Quách Thoại.
*
Anh có thấy không
Hai chân nó trồi lên mặt đất
Kìa, giữa khoảng đồng không
Lúc người ta bắt nó ngoài đồng
Thì nó vẫn còn sống
Đến khi nhận đầu nó xuống
Thì nó vẫn còn sống
Anh có nhớ không
Khi người ta lấp đất rồi
Thì nó vẫn còn sống
Anh có hiểu không
Khi người ta chôn nó rồi
Thì nó vẫn còn sống
Nó vùng nó vằng
Nó nghe nó ngửi
Nó nhai nó nuốt
Toàn đất là đất
Kìa nó cử động
Ngo ngoe hai chân không
Tôi tưởng còn nghe tiếng nó rống
Giữa khoảng ruộng đất im lìm đồng không
“Tôi tên Phạm văn Thông…
Tôi không tôi không tôi không…...”
“Mặc kệ nó. Cứ nhận đầu chôn sống”
“Không. Không. Không!”
“Kệ xác nó. Cứ nhận đầu chôn sống
Đồ lũ bay Việt gian cả giống
Cứ nhận đầu chôn sống!
Thì nó vẫn còn sống:
Phạm văn Thông.
Không phải chờ tới Huế Tết Mậu Thân 1968 mới có cảnh người bị chôn sống.
Phạm văn Thông là tên bài thơ, nhân vật thơ. Bài thơ này tôi đọc lần đầu trong một tạp chí văn nghệ xuất bản tại Huế 1956, một năm trước khi thi sĩ mất. Thơ Quách Thoại có đủ loại thơ tình, thơ thiền, thơ đạo, thơ ngợi ca tự do, thơ hô hào dân chủ. Thơ nào cũng có hồn.
Nhưng chính từ loại thơ cảnh báo nạn khủng bố giết người như bài thơ trên đây, mà thơ có hồn thiêng.
Suốt thời “cách mạng vùng lên” từ 1945 và giặc giã sau đó, việc chôn sống hay chặt đầu những người bị gán tội Việt gian là chuyện có thật. Không chỉ ở Hội An, ở Huế, mà còn cả trong Nam ngoài Bắc. Riêng tại Quảng Ngãi, có tài liệu cho hay cả ngàn tín đồ Cao Đài bị chôn sống, bị chặt đầu, bị dìm sông. Tôi từng được nghe vị anh cả trong họ nhà chồng kể chuyện với người em về miền quê xứ Bắc thời ấy. “Hai ông nhà mình bị chúng bắt mang đi chôn sống, chỉ để ló cái đầu trên mặt đất. Sau khi ông Ấm bố tôi chết, thấy ông Nghị bố chú còn ngắc ngoải, chúng mới cho moi lên, trả ông Nghị về nhà. Về nhà rồi cũng chết!” Ông anh nói. Việc người tù được trả về nhà để chết là chuyện chính tôi cũng đã nghe tận tai thấy tận mắt khi Sàigòn đổi đời, như trường hợp nhà thơ Vũ Hoàng Chương, nhà văn Hồ Hữu Tường...
Thơ Quách Thoại, ngoài Phạm văn Thông, còn nhiều nhân vật khác. Có nhà sư bị chôn, bà phước bị đâm, bà già và em bé bị bắn, tên địa chủ chết khát kêu nước nước, há cái họng khô rát để nhận một nắm cát. Có cả người em gái bị chặt đầu khi tuổi mới mười lăm. Người anh tìm xác em bên cạnh những thây ma cháy thiêu trên cánh đồng, và:
Cánh đồng bỗng trả lời
“Phải rồi, lúc bị chém
Máu chảy rất nhiều
Phải rồi, trước khi chết
Cô ta chắp tay ngó lên mặt trời chiều
Phải rồi, lúc bị chặt đầu
Trước sau cô ta không nói được một điều
Mà thưa ông người bắt cô ta thì rất nhiều
Mà thưa ông người cầm dao thì rất nhiều
Mà thưa ông người đọc bản án thì rất nhiều
Mà thưa ông người tán thưởng cũng rất nhiều
Mà thưa ông người cắt cổ cũng rất nhiều
Mà thưa ông người hoả thiêu cũng rất nhiều
Mà thưa ông ông có hiểu những người đó
là ai không để mà tính liệu
Vì đến lượt ông
Rồi ông cũng sẽ bị chúng nó thủ tiêu.”
(Người Em Gái)
Đó là cảnh người bị giết và những kẻ giết người. Cánh đồng vốn không biết nói. Lời lẽ của nó đâu có ai nghe thấy, trừ anh chàng thi sĩ sinh năm 1930, thời ấy chỉ mới mười lăm, mười bẩy tuổi. Anh ta nghe, anh ta thấy, anh ta thấm, anh ta sống. Và sự sống thành thơ. Khỏi mầu mè, kiểu cách. Đúng là Arthur Rimbaud từng viết "Đây là thời của bọn giết người", nhưng không có thơ tầu, thơ tây nào ở đây. Đây là thơ Quách Thoại, thứ thơ không thể thấy ở bất cứ ai, bất cứ đâu. Nhiều loại giết người. Nhiều kiểu giết người. Rất nhiều. “Mà thưa ông, ông có hiểu những người đó là ai không để mà tính liệu. Vì đến lượt ông. Rồi ông cũng sẽ bị chúng nó thủ tiêu.” Thơ cảnh báo đã có đó từ lâu. Thi sĩ mất năm 1957, trước khi có chiến tranh Bắc Nam, có tàn sát Mậu Thân. Rồi cả triệu người vẫn tiếp tục phải chết thời hậu chiến, chết trong các trại tù, chết trên rừng, dưới biển.
Như người em gái tuổi 15, những người bị chặt đầu, trước sau không nói được một điều.
Điều họ muốn nói có trong thơ Quách Thoại.
Và như Phạm văn Thông, tất cả những người bị chôn sống đều sẽ còn sống mãi.
*
Thơ Quách Thoại “Giữa Lòng Cuộc Đời” do Tạp chí Văn Nghệ xuất bản, theo lời ghi trang cuối sách, in xong ngày 6 tháng 6 năm 1963. Chủ nhiệm Văn Nghệ, nhà văn Lý Hoàng Phong, chính là anh Đoàn Tường, bào huynh của thi sĩ. Người lo việc trị sự tạp chí và xuất bản là Phí Ích Nghiễm, tức nhà văn Dương Nghiễm Mậu. Nhờ anh Nghiễm giỏi thu vén mà tờ tạp chí sống được vài ba năm, ba bốn cuốn sách được xuất bản, trong khi các tạp chí bạn như Sáng Tạo, Hiện Đại, Thế Kỷ 20 đều đã ngưng vì cạn ngân sách.
Địa chỉ Văn Nghệ ghi số nhà nơi anh Tường sống trên đường Trương Minh Ký, nhưng công việc biên tập ấn loát cả tạp chí lẫn sách được làm tại một nhà in nhỏ trên đường Cô Giang.
Ngày ấy, quanh cái bàn do ông chủ nhà in Lê Văn Thoan vui vẻ dành cho đám nhà văn trẻ họp hành, thơ Quách Thoại được quyết định xuất bản. Ngoài thơ, có sẵn bài Thanh Tâm Tuyền, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Trần Thanh Hiệp, Lý Hoàng Phong và Mai Thảo đã viết trong tạp chí Sáng Tạo, số đặc biệt Quách Thoại, 1960. Có nên in chung những bài này với thơ không? Một anh em hỏi. Đoàn Tường Lý Hoàng Phong nói không. Dương Nghiễm Mậu nói chỉ Thơ Quách Thoại thôi là đủ.
1963-2013. Cuốn sách sống sót 50 năm.
Lần đầu tiên, thơ Quách Thoại “Giữa Lòng Cuộc Đời” xuất hiện tại Hoa Kỳ.
Tại thành phố ra đời của tập thơ năm xưa, nhà in cũ hẳn nhiên đã đổi chủ. Căn phố lầu 142 Tự Do nơi anh Mai Thảo từng ở ẩn và tìm thấy cuốn sách cũng không còn dấu vết. Cả khu phố góc đường Tự Do – Lê Thánh Tôn trước đây, nghe đâu nay thành một thương xá. Sau khi Đoàn Tường Lý Hoàng Phong mất, thành phố cũ chỉ còn mình anh Nghiễm. Những người từng gắn bó với Quách Thoại, như Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Nguyễn Sỹ Tế nay cũng không còn nữa. Mai Thảo, Nguyên Sa mất đã 15 năm.
Khi yêu cầu thực hiện văn bản tập thơ để chuyển cho Tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành, hai bạn Ngọc Cầm – Thanh Hương, bào muội của thi sĩ, có trao cho tôi mảnh báo nhỏ cắt giữ từ nhật báo Báo Đen do chúng tôi chủ trương tại Sàigòn đầu 1970. Trong mảnh báo, có bài Đỗ Quí Toàn gọi Quách Thoại là “một thiên tài của nước tôi.”
Vâng, người thi sĩ ấy, dù chỉ sống 27 năm với đời, đúng là một thiên tài.
Tôi tin vào thiên tài thi sĩ và tin là thơ có hồn thiêng.
Cuốn sách có mắt, có tim, có óc. Nó sẽ sống mạnh mẽ.
Và như tên tập thơ, Quách Thoại mãi mãi vẫn “Giữa Lòng Cuộc Đời.”
_________________________________
Bài đăng tại trang 36, Xuân Việt Báo 2014, vừa xuất bản ngày 140112
Dainamax xin giới thiệu thêm một bài thơ khác của Quách Thoại, để đời sau khỏi quên về một thời man rợ:
Người ta gọi tôi là địa chủ
Đây một lũ người tự xưng là cùng đinh
Đem bắt trói tôi vào một cột đình
Đã hai ngày qua tôi vẫn làm thinh
Nhưng đến trưa nay tôi bỗng hoảng kinh
Số là tôi khái nước lắm rồi
Ôi chao, tôi ước ao tôi ước ao
Và không thể cầm lòng tự cao
Tôi kêu: "Hãy cho tôi nước, nước, nước!"
Tôi bỗng nghe một tiếng trả lời: "Được!"
Rồi một kẻ đi đến rất chậm bước
Lúc đứng gần sau lưng tôi, nó nói thỏ thẻ:
"Hãy hả họng cho tao đổ,
tội nghiệp, đồ chết khát!"
Tôi cảm động, nhắm mắt run run
hả họng khô khát
Nó hắt ngay vào một nắm cát!
Bài thơ có tựa đề ngắn gọn là Nước. U uẩn.
Quý vị có thể tìm mua tập thơ Giữa Lòng Cuộc Đời của Quách Thoại qua:
Tủ sách TIẾNG QUÊ HƯƠNG
P.O. Box 4653
Falls Church, VA 22044
Email: uyenthao1@yahoo.com
-------------------
Source : dainamax