16/2/14

Chiến Tranh Trung Việt Trong Tiểu Thuyết ......



Phạm Xuân Đài - Chiến Tranh Trung Việt Trong Tiểu Thuyết ‘Xe Lên Xe Xuống’ Của Nguyễn Bình Phương

Chủ Nhật, ngày 16 tháng 2 năm 2014





LTS ( Diễn Ðàn Thế Kỷ ). Để nhớ lại cuộc chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam khởi sự vào ngày 17 tháng 2 năm 1979, mời bạn đọc xem lại một trong bốn bài điểm cuốn sách Xe Lên Xe Xuống của Nguyễn Bình Phương, đã được đăng trên Diễn Đàn Thế Kỷ vào đầu năm 2012. Chủ đề của bài này là giới thiệu những đoạn tác giả Nguyễn Bình Phương viết về trận chiến ấy, với những nét độc đáo không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. - DĐTK

Hai cuộc chiến tranh 1979 và 1984 được kể lại không theo quy mô của sử học, nhưng theo cung cách dân gian. Những mẩu chuyện lấy từ hai nguồn, một là qua truyền khẩu tại các địa phương mà chuyến “xe lên” đã đi qua, hai là câu chuyện của chính người anh của Hiếu, người đã tham gia trận chiến, đã bị địch bắt, được thả về qua trao đổi tù binh, và đã qua một thời gian điên loạn trước khi chết; người anh đã kể lại hoặc ghi lại trong cuốn hồi ký, trong những ngày còn tương đối tỉnh táo. Người đọc sẽ tham gia trận chiến với các thân phận riêng biệt; những sự kiện xảy ra trong mịt mùng rừng xanh núi thẳm sẽ không bao giờ thấy xuất hiện trên những trang chiến sử chính thức của bên này hay bên kia; những cách “khai thác” tù binh lạ lùng của người Tàu; những vết hằn trong tâm trí đến độ làm điên loạn cho đến chết của người cựu tù binh...


Chiến tranh với Trung Quốc trên miền cao ấy dưới ngòi bút Nguyễn Bình Phương gồm những câu chuyện ly kỳ, hoặc bình thường chẳng có gì ly kỳ nhưng rợn người. Hãy xem câu chuyện của một người đàn bà, theo lời đồn thì đã ăn thịt người, nhưng khi lính Tàu kéo sang năm 1979 thì đã có hành vi rất lạ lùng:

“Người đàn bà ấy sống như tảng đá giữa những âm ỉ, đồn thổi về vụ ăn thịt người. Năm đó, khi họ kéo quân sang, dân chạy như vịt về xuôi thì người đàn bà ấy, sau khi giấu con vào hang núi cùng với số lương thực đủ dùng trong nửa tháng, đã lặng lẽ cùng chồng chia làm hai hướng quay trở lại huyện. Thời gian địch đóng lại, quân báo của Quân khu được cử lên thám thính đã báo về là địch có biểu hiện hoảng loạn, luôn căng thẳng vì vấp phải một lực lượng nhỏ lẻ nào đó của địa phương. Quân khu hỏi tỉnh, tỉnh hỏi huyện, huyện báo đã rút hết lực lượng ra vòng ngoài, chưa cho tham chiến. Quân địch vẫn tiếp tục báo động và căng thẳng cho đến khi đánh thông được đường để lui qua hướng Cao Bằng. Khi địch rút, chủ lực lên thì bà ta cùng với chồng đón bọn trẻ trong hang về nhà. Họ nằm trong danh sách nghi ngờ vì có hành tung mờ ám trong thời gian địch chiếm đóng huyện. Cho đến khi chủ tịch huyện tới gặp thẳng vợ chồng họ để nói chuyện thì bà ấy mới khùng lên, túm lấy ông ta hất lên vai, cứ thế vác chạy vào khe núi. Dân quân và cán bộ huyện rầm rập theo để cứu chủ tịch. Đến một cái hõm núi ăn chếch xuống lòng đất, bà ta thả chủ tịch huyện xuống và kéo cành cây khô ra. Mọi người rụng rời khi thấy mười bảy đầu người chất đống trong ấy. Mười bảy thủ cấp quân địch bị vợ chồng bà cắt, vết cắt nào cũng gọn ghẽ. Hiện tượng quân báo của Quân khu còn thắc mắc vì sao không gặp phải sự kháng cự của quân ta mà địch vẫn hoảng loạn đã được làm rõ. Huyện và tỉnh đề nghị trên thưởng huân chương cho hai vợ chồng họ nhưng trên lờ đi một cách khó hiểu.”

Với cá tính của dân vùng núi rừng biên giới, người dân thường đã có nhiều phản ứng không lường trước được khi quân Tàu kéo vào xâm lăng Việt Nam. Trong con người của họ hình như lúc nào cũng thủ sẵn một loại phản ứng có tính chất bản năng “rừng nào cọp đó”, mọi xâm nhập vào lãnh thổ của họ, dù do một bọn ăn cướp, hay là quân đội của một quốc gia đi xâm lăng, thì họ sẵn sàng có cách “tiếp đón” của họ, rất độc đáo, rất can trường, và tất nhiên, rất dã man. Họ đã giết nhiều người Pháp vào thời xa xưa đã lên vùng này để đo đạc phân chia biên giới với các quan nhà Thanh, mổ bụng lấy gan nướng ăn với nhau. Họ sẵn sàng biến thành phỉ để thanh toán các toán thổ phỉ khác xâm phạm vùng rừng núi của họ. Và trước cuộc tiến quân xâm lăng của người Tàu, có những cá tính phi thường chẳng cần nghe hiệu triệu lòng yêu nước chống ngoại xâm và kế hoạch tiến thoái của nhà cầm quyền, cứ lẳng lặng hành động theo cách của mình, mà đoạn trích dẫn trên đây chỉ mới là một ví dụ.

Đến lời kể của “anh” trong truyện mới là những đụng độ thực sự của quân đội hai bên, nhưng với một ống kính luôn luôn quay cận cảnh, bởi vì đó mới là kinh nghiệm thực sự của một người lính chiến, chứ không phải những trang viết được trừu tượng hóa của nhà sử học, hay nặng tính cách trang điểm của nhà tuyên truyền.

“ – Tao đã khóc ở Thung lũng oan khuất.
Anh nói, câu nói không ăn nhập gì, sau đó đứng dậy bỏ ra sân. Thung lũng oan khuất là nơi đại đội của anh gần như bị xóa sổ ở đó.”

(...) “Mày biết vì sao lại gọi là Thung lũng oan khuất không? Vì cuộc đầu tiên có đến hàng vài trăm người cả dân lẫn lính mình bị chúng nó bắt được và đem phanh thây. Sau đó có một đoàn dân binh mò vào lấy đồ thì bị pháo dập, chết sạch. Từ đấy mới có tên là thung lũng oan khuất.”

Và cảnh xáp trận theo lời kể bình thường chân thật, rất khác với lời lẽ tuyên truyền, tuyên dương của bất cứ quân đội quốc gia nào, nhưng đó mới là sự thật, chỉ có thể được chuyên chở bởi ngôn ngữ văn học đích thực:
“Thung lũng oan khuất giống như cái nồi méo, hơi bị lệch về bên trái và chỉ có đúng một con đường xuyên thẳng qua. Đơn vị anh phục ở đoạn đường đầu tiên dẫn vào thung lũng. Năm ngày trời quân họ xô hết lớp nọ đến lớp kia mà không vượt qua. Đến sáng ngày thứ năm họ mở trận đánh quyết định trong đó có cả xe tăng yểm trợ tấn công. Tờ mờ sáng họ đã dùng pháo giã liên miên đến hơn tiếng đồng hồ sau đó tới thám báo dò đường, cuối cùng là bộ binh có xe tăng bọc lót phía sau.

“Thằng Vĩnh quê ở Hà Nam sốt ruột quá mới ngỏng đầu khỏi chỗ nấp chửi, địt mẹ chúng mày, xéo cha nó về đi. Đạn sượt qua mang tai nó, cắm giữa mặt thằng Biên, người Quảng Yên. Tao sợ, rất sợ, chắc chỉ thêm chút nữa là tao bỏ chạy.”
Thật may đúng lúc anh nhấp chân định chuồn thì đại trưởng hạ lệnh nổ súng. Đại liên của Vĩnh kéo dài một tràng về phía ụ đất bên trái, nơi có mấy tay lính địch đang nhấp nhô. Anh nghe tiếng súng đại liên như tiếng cười điên dại.
“Cừ rừm. Đại trưởng lắp đạn vào khẩu B41 cho thằng Tấn bắn. Cái thằng dân tộc này đứng thẳng dậy chỉnh súng đến gần phút mới bóp cò”.
Chiếc xe tăng đang chậm chạp bò lên thì khựng lại sau đó lửa nhoáng ra bám nhằng lấy nó. Đại trưởng lại nhanh nhảu lắp quả nữa cho Tấn, giục bắn chiếc xe thứ hai đang lách qua chiếc bị cháy để lao lên. Tấn hơi cuống, chân tay rung bần bật, không phải vì sợ mà vì như sau này Tấn bảo với anh, là do mót đái quá. Đại trưởng tưởng Tấn sợ mới quát tướng lên. Tấn vứt toẹt khẩu súng sang đại trưởng bảo:
- Giỏi thì ông bắn đi.
Đại trưởng quắc mắt nhìn, Tấn cũng quắc mắt lại. Chiếc xe tăng đã vượt qua được khúc cua, đang quay nòng về phía ổ đại liên của Vĩnh.
“Tao hoảng quá mới kêu:
- Đại trưởng, nó định bắn thằng Vĩnh đấy.
Đại trưởng kê khẩu B41 lên vai chĩa về hướng chiếc xe tăng có ngôi sao bát nhất, mắm môi bóp cò.”
Quả đạn lảo đảo lao ra nhưng lại sượt qua sườn chiếc xe tăng, cắm vào một ụ đất nổ tung. Chiếc xe tăng cũng nhả đạn. Anh thấy chỗ Vĩnh khói dựng lên. Hai phát đạn bắn thẳng của chiếc tăng làm Vĩnh và khẩu đại liên tan như cám. Tấn giằng lấy khẩu B41 từ tay đại trưởng, lắp đạn và đứng thẳng lên. Tấn ngắm rất cẩn thận, như là không có súng đạn gì ở xung quanh.
“Tao với mấy thằng nữa vội vàng bắn yểm trợ cho nó. Mày biết không, thằng Tấn vừa ngắm vừa đái ra quần. Đái xong nó mới bóp cò.”
Chiếc xe tăng bị hất lùi lại, lật nghiêng lộ cả gầm xe. Bắn xong phát đạn đó, Tấn vơ khẩu tiểu liên, chạy sộc lên quyét lia lịa về phía bộ binh địch. Bọn anh cũng lao lên theo, vừa bắn vừa văng tục.
“Mỗi khi thằng Tấn sải chân, nước văng ra từ đũng quần nó trông rất đểu.
Tao thuật lại y nguyên đấy, không phịa tí nào hết.
Bọn khựa hoảng hồn chạy ngược lại phía sau. Một thằng nhỏ thó, áo quần xộc xệch cứ đứng huơ tay gào lên: chản chồ, chản chồ, chản chồ. Chả hiểu chản chồ là cái con mẹ gì. Tao nghĩ có khi nó sợ quá gọi bố gọi mẹ nên không bắn thằng ấy nữa. Nhưng về hỏi thằng trinh sát thì mới biết chản chồ là đứng lại. Cái thằng hô lính đứng lại thì dứt khoát là chỉ huy. Tiếc thế đấy, nếu hiểu tiếng chúng nó, tao bọp mẹ cho nó một phát thì có khi thành anh hùng rồi cũng nên”.
Tấn gặp đại trưởng xin lỗi, đại trưởng cười khơ khớ:
- Cứ bắn chuẩn thế này thì lần sau cậu đái lên đầu tớ cũng được.”

Khi viết bộ tiểu thuyết Chiến Tranh và Hòa Bình, văn hào Tolstoi đã sưu tầm rất nhiều tài liệu lịch sử và bút ký về cuộc chiến tranh Pháp-Nga cách thời của ông khoảng nửa thế kỷ về trước, thậm chí ông còn bỏ ra hai ngày gội mưa để đi thăm làng Borodino cách Moscow hai trăm cây số để biết địa thế trước khi mô tả trận Borodino lừng danh giữa quân của Napoleon và quân Nga. Ông đã sưu tầm được nhiều chi tiết làm sinh động cho các trang viết của ông. Nhưng tôi nghĩ không đoạn văn nào của ông về trận đánh có thể sinh động và thật hơn đoạn trên đây của Nguyễn Bình Phương, người cùng thời với cuộc chiến tại biên giới Việt Trung, người có tài năng giữ cái văn phong bình thản khi mô tả những tình huống dữ dội của hai phía đang giết nhau, thường làm lung lạc tinh thần và run tay người viết. Nguyễn Bình Phương không dài dòng mô tả tình trạng tâm sinh lý của người lính chiến đang hồi quyết liệt, mà chỉ buông một câu “Mày biết không, thằng Tấn vừa ngắm vừa đái ra quần. Đái xong nó mới bóp cò.” Người đọc cần bám sát Nguyễn Bình Phương từng dòng để thưởng thức cái văn tài kỳ lạ của ông dàn trải khắp nơi trong cuốn tiểu thuyết, một cách dung dị tự nhiên mà diễn đạt được những điều độc đáo, lắm khi cực kỳ sâu sắc.

Bị bắt làm tù binh lại là một kinh nghiệm đặc biệt mà không một tài liệu nào của quân sử hay chính sử công khai đề cập tới. Nhất là làm tù binh cho một quốc gia mà cách xử sự lúc nào cũng mù mờ lắt léo, không bao giờ theo đúng luật lệ quốc tế. Từ phòng giam chung, từng toán ba bốn người bị gọi đi hỏi cung, có khi về đủ, có khi thiếu một hai người, có khi không có người nào về. Cho mãi đến một hôm:

“Hán kể bị hỏi cung ở trong một căn phòng cũng nhỏ, sau đó thì có bác sĩ vào khám sức khỏe. Tay bác sĩ chập ngón chỏ và ngón giữa vào rồi luồn ra sau áp vào đoạn gần đốt sống cuối của Hán nghe ngóng rồi lắc đầu đi ra. Tay hỏi cũng cầm tập giấy đuổi theo tay bác sĩ. Còn một mình, Hán tranh thủ quan sát xung quanh, phát hiện ra bức tường ngăn với phòng bên có cái lỗ nhỏ. Hán nhòm qua lỗ ấy thì thấy sáu cái xác người trần truồng nằm ngay ngắn sát với chân tường bên kia, xác nào cũng bị mổ phanh ra. Hán bảo lúc ấy Hán run quá, chân tay chảy nhão, nghĩ rồi mình chắc cũng vậy. Nhưng tay hỏi cung quay vào cùng với một tay lính khác và hất đầu ra hiệu cho tay lính dẫn Hán đi ra. Hán quan sát cửa của căn phòng sát nơi Hán vừa bị hỏi cung, thấy cửa bằng sắt, sơn trắng và có mấy người mặc quần áo trắng đứng lởn vởn ở bên ngoài. Một ai đó hỏi:
- Xác ấy có phải người mình không?
Cậu liên lạc cự ngay:
- Vừa vặn sáu mống còn gì.
“Tao sực hiểu ra vấn đề. Chắc mày chả đoán ra đâu. Tao nói to:
- Tôi biết chúng nó làm gì rồi.
Không ai hỏi câu nào, chỉ nhìn tao chằm chằm, quên béng cả tay người Phú Bình”.

Tác giả không giải thích thêm câu “Tôi biết chúng nó làm gì rồi” là làm gì. Câu chuyện chỉ được kể tới đó, vừa đủ có bằng chứng một số tù binh được gọi đi hỏi cung đã bị giết, thân xác bị mổ tung ra, không biết để làm gì. Nhưng cũng có thể đoán được, họ bị giết để lấy nội tạng, hai quả thận chẳng hạn. Thời gian đó (1984) Trung Quốc đã bắt đầu dịch vụ ghép thận cho khách hàng quốc tế. Có thể trước nữa đã có dịch vụ này, vì “nghe nói hai phần ba tù binh trong cuộc trước bị thủ tiêu.” Cuộc trước là 1979. Thủ tiêu tù binh thì có ích lợi gì, chỉ có thể giết để lấy nội tạng ghép cho thiên hạ, kiếm được khối tiền.

Source : Diễn Ðàn Thế Kỷ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét