27/1/14

Nghịch Lý Tả Hữu Của Nước Mỹ


Tuesday, January 28, 2014

Nghịch Lý Tả Hữu Của Nước Mỹ



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140127
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Ngồi Nghe Diễn Văn Về Tình Hình Liên Bang

 * Nước Mỹ xanh đỏ trong cuộc bầu cử tổng thống 2012 *



Theo thông lệ đầu năm, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ trình bày với quốc dân bài diễn văn về Tình hình Liên bang, thuật ngữ của truyền thông thường gọi tắt là SOTU, State of the Union.

Ngày xưa, đây chỉ là một văn kiện được chính thức gửi cho Quốc hội. Ngày nay, đích thân Tổng thống vào đại sảnh của Hạ viện đọc bài diễn văn trước sự hiện diện của (trên nguyên tắc) toàn thể các dân biểu nghị sĩ, các thẩm phán của Tối cao Pháp viện, đại diện ngoại giao đoàn và nhân viên nội các, v.v.... Chi tiết ít ai biết là trong khoảng thời gian trọng đại này, nhiều nhân vật của Hành Pháp lẫn Lập Pháp lại kín đáo lánh mặt, để nếu có gì xảy ra tối hôm đó thì vẫn còn người lãnh đạo nước Mỹ....

Trong cả giờ đồng hồ, ông (hay bà) dùng thuật hùng biện để trình bày cho quốc dân một tổng kết về tình hình đất nước và đường nét chính của những gì sẽ thực hiện trong năm, trước sự vỗ tay hưởng ứng của phe mình. Và sự im lặng lễ phép của phe đối lập. Cũng theo thông lệ, một phần nội dung của bài diễn văn đọc vào chín giờ tối Thứ Ba 28 Tháng Giêng đã được tiết lộ trước để báo chí hâm nóng dư luận. Ngay sau đó, một nhân vật của đảng đối lập cũng đọc bài diễn văn trả lời cho truyền thông loan tải.

Nhìn từ bên ngoài, người viết sẽ không nói về nội dung bài diễn văn có thể lại rơi vào lãng quên mà nhìn vào vị trí của hai đảng trong cuộc, Dân Chủ và Cộng Hoà.

Và thấy ra vài nghịch lý....


***


Theo lẽ thường xuất phát từ Âu Châu, trong cuộc Cách mạng Pháp vào năm 1789 đảng viên bảo thủ thì ngồi bên phải. Theo quy ước Tây thời xưa đấy là vị trí danh giá hơn của thành phần quý tộc và tăng lữ. Biểu tượng của họ thường là màu xanh dương. Họ được gọi là "hữu khuynh". Còn đảng viên thiên tả ngồi ở bên trái của chủ tọa đoàn, họ chọn màu đỏ, màu biểu tượng của cách mạng.

Trước đó, Hạ viện Anh được bố trí như đại sảnh của một thánh đường, với hai khối dân biểu ngồi đối diện ở hai phía tả hữu. Có thể lấy ý từ Thánh Kinh (Ecclesiastes 10:2) với châm ngôn "trái tim của người khôn ngoan nằm về bên phải, trái tim kẻ khờ dại thì ở bên trái (A wise man’s heart is at his right hand, but a fool’s heart at his left), các nhân vật trong Nội các của Hoàng đế chọn cánh phải của Chủ tịch Hạ viện. Phe đối lập muốn thay đổi nguyên trạng thì hậm hực ngồi bên cánh trái và phất cờ đỏ tìm sự đổi thay họ gọi là tiến bộ. Vì vậy, một đảng thiên tả như Xã Hội hay Lao Động thì được gọi là "cấp tiến" – progressiste.

Tới Hoa Kỳ thì dường như mọi chuyện lại đảo điên lộn ngược!

Trong Quốc hội Mỹ, đảng Dân Chủ ngồi bên phải và báo chí gọi các tiểu bang thiên tả vẫn bầu cho đảng Dân Chủ là "tiểu bang Xanh". Còn đảng Cộng Hoà có khuynh hướng bảo thủ hơn thì ngồi bên trái và tiểu bang theo Cộng Hoà thì được báo chí gọi là "tiểu bang Đỏ". Tập quán trái ngược này khiến ta nghĩ đến một tấm gương.

Nó phản chiếu quan niệm về cách mạng từ khi đảng Cộng Hoà ra đời, đúng 160 năm trước, vào năm 1854! Được gọi là Grand Old Party (GOP), đảng này không là chính đảng kỳ cựu nhất. Ngôi vị thâm niên đó thuộc về đảng Dân Chủ.

Ra đời năm 1828, đảng Dân Chủ là đảng bảo thủ, trong Quốc hội thì ngồi bên phải, chủ trương bảo vệ nguyên trạng, quyền lợi của địa chủ ở miền Nam. Thoát thai từ đảng Dân Chủ Cộng Hoà do Thomas Jefferson và James Madison thành lập từ 1791-1793, đảng Dân Chủ là đảng phái lâu đời nhất thế giới, có tư tưởng mà đời sau – đời nay – gọi là phản động vì muốn duy trì chế độ nô lệ và đặc quyền của nông gia miền Nam.

Do những người tích cực chống lại chế độ nô lệ và đòi hỏi tự do với khẩu hiệu "free labor, free land, free men", đảng Cộng Hoà là biểu tượng của giải phóng và tiến bộ. Abraham Lincoln là người tiến hành cuộc cách mạng đó, với cái giá phải trả là trận Nội chiến.  

Nhưng sau khi chế độ nô lệ được bãi bỏ từ cuộc Nội chiến, nhiều người da trắng vẫn coi dân da đen là sinh vật hạ đẳng và đòi giết vô tội vạ, bằng dây treo cổ hay dàn hỏa. Do sáng kiến của một số người trong đảng Dân Chủ, tổ chức Klu Klux Klan đầu tiên được thành lập năm 1865 tại Tennessee cho mục tiêu đen tối ấy. Phe Cộng Hoà bèn vận động việc cho phép người da đen được có súng để tự vệ, đấy mới là nguyên ủy của quyền có súng, được ghi trong Tu chính án số hai của Hiến Pháp Hoa Kỳ!

Cho nên, chuyện Xanh Đỏ, thủ cựu hay tiến bộ, ngồi bên phải hay bên trái, có những nguyên nhân rất hợp lý của lịch sử Hoa Kỳ.

Nhìn từ bên ngoài, và sâu xa hơn về quá khứ thì từ năm 1860 khi Abraham Lincoln là Tổng thống Cộng Hoà đầu tiên, đảng Cộng Hoà làm cuộc cách mạng tại Hoa Kỳ trong bảy chục năm liền. Cho tới cuộc Tổng khủng hoảng năm 1929-1930 và sự xuất hiện của lý luận xã hội, hay thiên tả, từ Franklin D. Roosevelt. Nửa thế kỷ sau, đến lượt Ronald Reagan làm một cuộc cách mạng khác vào năm 1980 để đảo ngược trào lưu bao cấp của nước Mỹ.

Ngày nay, Barack Obama cũng có tham vọng cách mạng như Reagan, để cải tạo xã hội Hoa Kỳ. Nhưng cách mạng một cách bảo thủ, như ông đã thúc giục Quốc hội Mỹ từ Tháng Chín năm 2009: "xây dựng những gì công hiệu, sửa sai những gì thiếu xót, hơn là lập ra một hệ thống hoàn toàn mới".


***


Thế rồi ngày nay, dù vẫn giữ vị trí cũ trong sảnh đường với màu cờ sắc áo nguyên thủy, hai chính đảng lớn của Hoa Kỳ đã gần như đổi căn cước với nhau.

Được hậu thuẫn của truyền thông, đa số là thiên tả, đảng Dân Chủ tự xưng là tiến bộ hay cấp tiến và muốn xây dựng hình thái xã hội chủ nghĩa có màu sắc Âu Châu. Còn đảng Cộng Hoà thì đòi bảo vệ quyền tự do và kỷ cương xã hội, và chỉ cải thiện những gì có thể cải thiện chứ không muốn xóa bài làm lại. Ngoài đặc tính ấy, những lý luận phổ biến ngày nay, như đảng Dân Chủ là đảng của dân nghèo và da màu, hoặc Cộng Hoà là đảng của nhà giàu da trắng, hay dân Mỹ ruộng, là phần minh diễn của truyền thông.

Riêng trong lãnh vực này, đảng Cộng Hoà có một nhược điểm cực lớn là... không biết nói.

Lãnh tụ của đảng là những người ngậm hột thị. Đã chẳng giải trình chủ trương đường lối cho rõ ràng mạch lạc mà cũng không biết phản pháo nhiều đòn xuyên tạc của đảng Dân Chủ, kể cả và nhất là nguyên nhân đích thực của sự dị biệt giàu nghèo đang là đề tài thời sự.

Nhiều nước bên ngoài thì hài lòng với sự thể đó vì muốn Hoa Kỳ tiếp tục xoay vào vòng lẩn quẩn....

__________________________________

Chuyện chỉ có tại nước Mỹ


Một tay ma cô dẫn gái tại Oregon đã nộp đơn kiện hãng giày Nike vì không cảnh báo khách hàng rằng loại giày Air Jordan của Nike là sản phẩm có thể gây nguy hiểm. Nhân vật Sirgiorgiro Clardy quả là có gây nguy hiểm cho một khách làng chơi và lãnh án tù 100 năm. Gây nguy hiểm vì chàng Clardy đã dùng đế giày đạp nát mặt nạn nhân và bị công tố viên buộc tội là sử dụng một "võ khí nguy hiểm". Theo lời bị cáo, đáng lẽ hãng Nike phải dán nhãn cho biết là đôi giày vĩ đại này có thể gây nguy hại tới mức đó. Và án tù đã khiến chàng bị khổ về tâm thần. Nhờ vụ kiện, nhiều thanh niên trai trẻ đã đi Air Jordan như ông Táo đi hia ngày Tết. 

Source : dainamax tribune 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét