ÔNG KHỔNG TỬ Ở ĐẦU LƯỠI NHÀ CHÁNH TRỊ
(Dịch bài “Chánh trị gia khẩu đầu chi Khổng Tử” của ông Khải Minh đăng trong Quần báo)(**)
[ Khổng Tử là vị giáo chủ hàng mấy ngàn năm nay ở Á Đông ta. Từ Trung Quốc cho đến Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam ta, chẳng nước nào không nối nhau sùng ngưỡng ông. Đến thời Cận đại học giả Trung Quốc như bọn Lương Nhậm Công, nhiều người xưng tụng Khổng Tử là nhà triết học, nhà giáo dục, mà phủ nhận vai trò nhà tông giáo của ông . Nhưng quả là khảo sát thực tế mới thấy người ta xưa ngưỡng tôn Khổng Tử cũng chẳng khác gì các nước Tây phương tín ngưỡng Gia-tô. Tức là, từ một điểm ấy mà nói, Khổng Tử đúng là một giáo chủ, không nghi ngờ gì nữa. Chẳng nên vì nguyên cớ là Nho giáo thiếu khuyết các nghi thức tông giáo mà phủ nhận vai trò giáo chủ của ông Khổng. Tôi nói như thế là để làm tỏ lối gọi của người mình từ xưa đối với cụ Khổng là : Khổng thánh nhân. Đó là lối nói tâm phục, thành kính từ tận đáy lòng mà không chút nghi ngại gì.
Nhưng đến thời Cận đại, có người đã không vừa lòng với học thuyết Khổng giáo. Có thể là vì do tình thế cấp bách, yêu cầu của thời cuộc mà phải làm thế chăng. Phàm người ta dù chí ngu chăng nữa, cũng chưa thấy ai chĩa mũi dùi vào một vị thánh triết từ mấy ngàn năm mà đả kích hoặc là thi triển những thủ đoạn khuynh loát, huống nữa đó lại là một vị giáo chủ ! Nếu có, đó là một kẻ thô bỉ vậy. Mà dẫu ta có dốc sức đả kích ông Khổng Tử cả đời, ta cũng biết rằng rốt cuộc chẳng làm tổn hại tới ngài chút nào. Nói quá đi nữa, sự đả kích của ta thậm chí nếu có làm mất đi ngôi vị thánh tiên sư đại thành của ngài, thì ta há dám chiếm lấy mà thay chăng ? Do vậy mới thấy đám học giả Trung Quốc gần đây như bọn Ngô Ngu, Trần Độc Tú, Ngô Trĩ Huy,.... có nêu ra những chỗ tỳ vết của học thuyết Khổng Tử, cũng là vì do yêu cầu thời thế mà thôi. Chẳng đừng được mới phải bài trừ, coi Khổng giáo như đối địch với các trào lưu tư tưởng mới, cũng quyết không phải đại mạo phạm mà khai tội bậc thánh xưa đâu. ]
... Các nước Á châu ta nếu muốn sanh tồn ở thế giới ngày nay, và muốn cho mau mau bước lên thế giới đại đồng sau này, tất phải thâu lượm văn hóa của phương Tây. Văn hóa của phương Tây có hai điều lớn, một là khoa học, một nữa là tinh thần dân trị, tức là démocratie. Muốn thâu lượm hai thứ văn hóa đó mà còn để học thuyết của ông Khổng xen vào khoảng giữa thì cũng như kèn xuôi mà trống ngược vậy.
Sao vậy ?
Mấy phái Nho giáo cuối cùng (chỉ vào bọn học giả đời Tống và đời Minh) đã thiên về lối nói “tâm” nói “tánh” cách dạy người, đã thành ra vây cánh của các quân chủ, cái đó đành là trái nhau với hai thứ của văn hóa phương Tây, không cần nói cũng rõ. Lấy ngay bổn thân ông Khổng Tử mà bàn, cũng không có chỗ nào hiệp với thứ văn hóa đó.
Cái Kinh Xuân Thu “ma không thể biết” và cái cuốn Châu dịch “không thể sờ mó” kia, thiệt là thứ huyền học, đã trái với khoa học, lại đến cái thái độ ông Khổng Tử “ba tháng không vua thì ngao ngán lật đật” cùng là “ở bên cạnh vua, nín hơi không thở”, rõ ràng là phái bảo hoàng, còn ích chi cho chủ nghĩa dân trị ? Tuy có thuyết “đại đồng” ở thiên Lễ vận, thuở nay những người phái tôn Khổng vẫn ngợi khen, nhưng chẳng qua là ít câu huyền ảo bông lông, chưa đủ che lấp những việc làm trong một đời ông Khổng.
Cứ đó mà bàn thì nước Tàu ngày nay – Việt Nam cũng vậy – không muốn thừa thọ văn hóa phương Tây thì thôi, nếu muốn thừa thọ văn hóa phương Tây, tất phải xa lìa ông Khổng Tử. Muốn thay đổi văn hóa mà không xa lìa ông Khổng Tử thì chẳng qua cũng lại diễn lại cái trò “Trung học làm thể, Tây học làm dụng” của Trương Chi Động mà thôi. Đối với tiền đồ của con đường tiến hóa quyết không ích chi hết thảy.
... Ta nói câu đó không phải là bài bác ông Khổng Tử, cũng không phải là đổ tội cho ông Khổng Tử. Xưa một khác, nay một khác, ông Khổng Tử tuy thánh, đâu biết có thế giới ngày nay của ta. Vả chăng đạo giáo của ông đã làm phạm vi cho nhơn tâm thế đạo hai ngàn năm nay, trách nhiệm của ông như vầy đã đủ từ chức. Chúng ta còn trách gì ông ?
[ Đối với Khổng Tử, các học giả Trung Quốc cận đại như Chương Thái Viêm, Hồ Thích ra sức luận với cái tình thông thường. Thêm nữa bọn Ngô Trĩ Huy có lúc còn luận đàm quá khích. Họ Ngô đến mức cho cái học của Khổng Tử là cái học “ăn phân” (khiết phẩn chi học). Tôi rất không tán đồng. Còn nói một cách khái quát, đa số học giả Trung Quốc hiện nay đều nhận thấy Khổng giáo không còn thích hợp với các tư trào tư tưởng mới ; đó chẳng phải là lời của riêng tôi tự cho mình có lý lẽ đặc biệt khác lạ đâu.]
Chân tướng của Khổng giáo đã như trên, cho nên mấy ngàn năm nay chỉ làm lợi khí cho bọn bá giả chuyên chế, nói về nước Tàu, thì vua Hán Võ đế là quân tiên phong, mà vua Hồng Hiến (Viên Thế Khải) thì là đội hậu kích. Cầm quyền chánh trị của một người mà muốn giằng buộc lòng người, thống nhứt tư tưởng, khiến cho dân dễ trị, không có phương sách gì hơn phương sách “nâng cao Khổng giáo”. Bởi vậy những nhà chánh trị dã tâm thường hay lợi dụng cái phương sách đó... Trước đây đối với chánh phủ quốc dân bên Tàu, ta không nghi ngờ điều gì, song từ mấy tháng trước, sau khi họ hạ lệnh “tôn Khổng” thì ta lấy làm khó hiểu. Chỉ vì ta không phải người Tàu, không thể quan sát một cách thiết thực. Song le, đảng Quốc Dân đã tuyên bố dùng đảng trị nước thì việc đề xướng Khổng giáo để làm bùa hộ thân, cũng là sự thường vậy.
Việt Nam vài chục năm nay bỏ Hán học mà xoay về Tây học, hiện nay thanh niên trong nước, tư tưởng biến động một cách kịch liệt, những nhà đương đạo lấy làm lo, cho nên có kẻ xướng bàn khôi phục Hán học để mà điều hòa hiện trạng. Song le, Hán học bị bỏ đã lâu, không thể kéo lại được nữa. Cực chẳng đã, những kẻ đương đạo mỗi khi diễn thuyết đám đông người tất phải nhắc tới ông Khổng Tử, luôn luôn dẫn lời kinh, truyện, mong chữa lại hiện trạng lấy một vài, đó là “ông Khổng Tử ở đầu lưỡi nhà chánh trị”. Bọn họ ưa nói thứ nhứt thì là đạo trung dong của ông Khổng Tử. Phàm trưởng quan chánh trị tới một hội nào mà người dự hội phần nhiều từ bực trung lưu trở lên, thì họ hết sức giảng nghĩa trung dong. Ôi ! trung dong là cái vật gì ? cái trung dong của ông Khổng Tử và của cháu ổng là thầy Tử Tư, thì là một vật không thể sờ bắt, ta không sao hiểu được. Còn cái trung dong của người Việt Nam vẫn chôn trong ruột, thì chẳng qua là sự dựa dẫm, là sự sờ mò, là mẹ cái nhát yếu, [là chốn ma quỷ, quả là vũ khí lợi hại vô cùng, là cái “đạt đạo” trong chính sách ngu dân vậy.].(*)
Bài này cũng vì thế mà viết ra.
KHẢI MINH
Thần chung, Sài Gòn, s.11 (18.1.1929)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét