14/3/11

Bùi Vĩnh Phúc - Trên những đường bay của chữ

Trên những đường bay của chữ
Bùi Vĩnh Phúc


Bài viết này muốn đóng góp một vài ý nhỏ vào câu chuyện ngôn ngữ được thảo luận trong thời gian qua trên diễn đàn Da Màu. Đặc biệt, tôi cũng muốn chia sẻ và bổ túc một số những suy nghĩ được trình bày trong bài "Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi" của anh Lê Hữu.

Ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp. Nói "ngôn ngữ" là "công cụ" có nghĩa là xem ngôn ngữ, ở một khía cạnh nào đó, như cái đục, cái cưa, cái bào, thậm chí cái khẩu súng, cái máy bay, v.v…, để con người sử dụng trong ý hướng của mình. Là một công cụ, nhưng, không như những công cụ khác, ngôn ngữ lại là một công cụ gắn chặt với cuộc sống con người và, rất nhiều khi, cho cái cuộc sống ấy một ý nghĩa. Bởi thế, ta cũng thường nghe thấy những phát biểu như, "Ngôn ngữ làm nên con người", hay "Anh nói năng ra sao thì con người anh hiển hiện ra đó".

Tạm thời, ở đây, chúng ta không bàn đến khía cạnh đặc thù của ngôn ngữ trên phương diện khảo sát nhân chủng học (cho rằng chính ngôn ngữ, nói chung, đã khiến con người tự thể hiện mình bằng cách tách biệt mình ra khỏi các bầy đàn khác; cũng như, một phần lớn, chính sự giải phóng hai chi trên, để con người có thể đứng thẳng trên hai chân, đã khiến nó vượt cao hơn các con vật khác, trở thành homo erectus, và từ đó, giúp nó tiến bộ và trở nên một con vật "có văn hoá"). Trong bài này, ta chỉ nhấn mạnh đến sự gắn bó của ngôn ngữ với cuộc sống của con người. Nó không chỉ như một vật thiết thân mà ta lúc nào cũng mang giữ bên mình (như có người ví von, ngôn ngữ như một tấm chăn rách, tẩm đẫm mùi khai mà thằng bé con–là chúng ta đây– lúc nào cũng muốn lôi theo người, không chịu rời bỏ). Ngôn ngữ cũng không chỉ như một lớp áo, lớp quần, phủ lên thân xác để, từ đó, bầy ra, để hiển lộ ra, hình ảnh, phong cách của một con người. Một cách nào đó, ngôn ngữ chính là một lớp da bám sát vào ta. Con người không thể cởi bỏ hay thay đổi nó trong một sáng một chiều được. Bởi thế, ngôn ngữ chính là con người trong mọi lốt vỏ của nó.

Nói như Heidegger, ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể. Con người (nói chung) và mỗi người (nói riêng) xây dựng cái thế giới của mình qua mắt nhìn từ ngôi nhà đó.

Từ, ngữ là những sinh thể. Chúng có cuộc sống của mình: được sinh ra, phát triển/lớn lên, già cỗi, rồi chết đi. Trong một số trường hợp, một số từ ngữ cũng có thể tái sinh, trong những hoàn cảnh đặc thù của chúng. Nếu, có lúc, nhìn thấy sự tàn tạ hoặc biến mất dần dần của một lớp từ ngữ nào đó, chẳng hạn một số từ ngữ của miền Nam, thời trước 1975, ta ngậm ngùi bảo: "(…) ‘tiếng Việt cũ’ từng làm nên văn hoá miền Nam một thời, nay chìm dần trong lãng quên… " (1) , thì cái "ngậm ngùi" đó là một sự ngậm ngùi rất tự nhiên, thậm chí rất "cảm tính", khởi đi từ lòng thiết tha đến những kỷ niệm cũ, gắn bó với những cung cách ăn nói cũ, gắn bó với một số khía cạnh văn hoá, xã hội mà những từ ngữ kia mang chứa trong mình.

Đó là một phản ứng tự nhiên, vì con người, xét về mặt văn hoá, nói chung, luôn muốn tiếp xúc với sự quen thuộc. Ngoài ra, cái quen thuộc, xét về mặt mỹ học cũng như sinh học, thường đem lại cho ta những cảm giác bình yên, thoải mái, hạnh phúc. Ngược lại, cái khác lạ, đem đến sự căng thẳng. Nó làm tăng lượng adrenalin trong máu, dẫn đến sự bực bội, hồi hộp, khó chịu. Từ đó, cũng không có gì lạ khi, trong vấn đề thẩm thức nghệ thuật nói chung, và trong tiếp cận văn học nghệ thuật nói riêng, người ta dễ bị "dị ứng", thậm chí từ chối những cái mới, những cái thường làm cho con người vấp vào những kinh nghiệm của sự căng thẳng , "lên máu".

Nhưng, nếu, giả sử, những hoàn cảnh lịch sử , chính trị, xã hội tạo nên biến cố 30 tháng Tư 1975 khác đi, và nếu, lại giả sử, miền Nam Việt Nam vẫn tiếp tục cuộc sống của nó như từ trước tháng Tư 1975 đến bây giờ, liệu tất cả những từ ngữ, thành ngữ, lời ăn tiếng nói, thậm chí một số nét văn hoá phản ánh xã hội miền Nam thời tiền-tháng Tư 1975, có còn được gìn giữ nguyên vẹn hay không? Hay chắc chắn là, cũng như hoàn cảnh thực tế hiện tại, nhưng với những mức độ gia giảm khác nhau, một số từ ngữ, thành ngữ, lời ăn tiếng nói, thậm chí một số nét văn hoá phản ánh xã hội đó, cũng sẽ tàn tạ hay dần dần biến mất, để thay vào đó là một số những lớp từ ngữ mới, những nét văn hoá mới, phản ánh những thay đổi về mặt đời sống xã hội mà, lại chắc chắn, theo quy luật tự nhiên của bất cứ một xã hội nào, cũng sẽ xảy ra.

Tóm lại, điều tôi muốn nói là, trong nhãn giới của xã hội học, văn hoá học và ngôn ngữ học xã hội (sociolinguistics), một cách khách quan, những sự chuyển biến về văn hoá của một xã hội, trong đó bao gồm cả sự chuyển biến về mặt ngôn ngữ, là một lẽ tất yếu, một sự phải xẩy ra, cho dù là lịch sử có sự can thiệp của nó, để những sự chuyển biến kia có sự tăng tốc hay giảm tốc tương ứng, tuỳ vào hướng tới và tiến trình thay đổi hay quành quặt của lịch sử.

Trở lại với sự thảo luận về vấn đề từ ngữ. Trước hết, xin có một vài chia sẻ về vấn đề khái niệm mà tôi muốn đóng góp ở đây.

Thứ nhất là về những khái niệm "văn phạm" và "ngữ pháp". Đúng là trước 1975, đa số sách vở miền Nam dùng từ "văn phạm", chứ không dùng từ "ngữ pháp", để diễn tả khái niệm tương ứng "grammar" (trong tiếng Anh) và "grammaire" (trong tiếng Pháp). Hiện giờ, trong nước dùng từ "ngữ pháp", và, ngoài nước, trong đa số trường hợp, cũng dùng từ này. Sự khác biệt hay thay đổi ấy, theo tôi, không phải chỉ thuần là sự thay đổi từ ngữ. Mà nó chính là một sự thay đổi nội hàm của khái niệm.

Trước, có lẽ các cụ ta xem việc dạy "văn phạm" không những chỉ là dạy phép tắc đặt câu, cách phân biệt các từ loại và sự sử dụng chúng trong câu, v.v…. , mà còn là dạy luôn về các phép tắc để làm văn, viết câu sao cho hay, cho khéo, cho đẹp. Như thế, "văn phạm" như có vẻ muốn lấn sang phạm vi của Rhetoric ("art of using words in speaking or writing" –Thorndike Barnhart Comprehensive Desk Dictionary / "nghệ thuật dùng ngôn ngữ trong việc nói và viết"), trong đó có dính líu đến cả những nghệ thuật tu từ ("figures of speech"). "Phạm", trong nghĩa của từ "quy phạm" chẳng hạn, là để nói về "khuôn phép, cách thức" (Một nghĩa của"phạm", theo Đào Duy Anh, là "khuôn", là "phép tắc", và một nghĩa khác nữa là "khuôn bằng tre"). Tuy thế, cụ Đào không định nghĩa "văn phạm" hay "ngữ pháp" là gì, mà chỉ định nghĩa "văn pháp" là "quy luật để làm văn".

Còn cách sử dụng từ "ngữ pháp" bây giờ, cả ở trong lẫn ngoài nước, theo tôi, là sự giới hạn việc giảng dạy, như môn "Grammaire" và "Grammar" của tiếng Pháp và tiếng Anh, vào những khuôn phép, quy tắc đặt câu, hành từ, vào việc học biết về các từ loại và cách thức sử dụng chúng trong câu mà thôi. "Pháp", theo cụ Đào, là "phép tắc nhất định". Trong Hán-Việt Tự-Điển của Nguyễn Văn Khôn thì "phạm" cũng được định nghĩa là "khuôn bằng tre", còn "pháp" là "phép, khuôn phép". Cụ Nguyễn định nghĩa "văn phạm" là "mẹo luật làm văn", "văn pháp" là "phép làm văn"; còn "ngữ pháp" là "phép tắc của ngôn ngữ".

Với sự tiến bộ và phát triển của ngành ngữ học nhiều thập niên qua, kéo theo nó là sự phân ngành, chuyên biệt hoá trong các ngành, dạy "ngữ pháp" bây giờ, nói chung, trong sự hiểu biết của tôi, là dạy về các quy tắc căn bản của ngôn ngữ như đã nói. Người ta muốn tách riêng, và giới hạn, nó vào những công việc chính yếu như thế mà thôi. Còn những việc sâu xa hơn trong vấn đề nói và viết sao cho hay, cho khéo thì đã có những môn học khác, như đã đề cập ở trên, cũng trong lĩnh vực văn chương, bổ túc. Vậy, sự thay đổi từ "văn phạm" sang "ngữ pháp" là một sự thay đổi sâu xa cả về nội hàm của khái niệm, chứ không phải chỉ là về mặt từ ngữ.

Khái niệm thứ hai là khái niệm về "từ", trong thế đối sánh với "chữ". Cũng giống như sự khác biệt giữa "văn phạm" và "ngữ pháp", sự khác biệt giữa "từ" và "chữ" không phải chỉ là sự khác biệt về cái vỏ âm thanh bên ngoài hay về cách dùng từ ngữ. Trước 1975, tại miền Nam, để nói về một tập hợp từ ngữ chưa diễn tả được một ý trọn vẹn, có nghĩa là tập hợp này, xét về mặt ngữ pháp, cao hơn cấp từ nhưng chưa đến cấp câu, chúng ta thường dùng "nhóm chữ". Bây giờ, trong các bài viết, các tài liệu giáo khoa hay sách vở bàn về ngôn ngữ, cả trong lẫn ngoài nước, thường, cũng để chỉ tập hợp đó, ta thấy sự xuất hiện của "cụm từ".

"Từ" là một khái niệm rất phức tạp, khó có một định nghĩa chung nhất, được sự đồng thuận của tất cả các nhà ngôn ngữ. (2) Dù sao, nói chung, nó là một đơn vị của ngôn ngữ, phản ánh một sự vật hay một hiện tượng của thế giới khách quan bên ngoài vào nhận thức của con người. Đứng riêng lẻ, biệt lập, nó đã là một bức tranh hoàn chỉnh về thực tại, vì, qua một vỏ ngữ âm [(enveloppe sonore (P.), sound envelope (A.)], bằng một cách thâu tóm cô đọng nhất, nó cho thấy nhận thức của con người về một sự vật, một hiện tượng trước mắt.

Trong cái nhìn truyền thống, tuy thế, "từ "ở vào một cấp độ ngôn ngữ cao hơn "chữ". Trong tiếng Việt, "tiếng" gắn với "âm tiết", còn "chữ" gắn với "hình vị", "từ". Nhưng một từ lại có thể bao gồm nhiều chữ. Nhà, cửa, râu, tóc… là những chữ, đồng thời cũng là những từ; nhưng cô đơn, sạch sẽ, thiết tha, ngây thơ, sạch sành sanh ("Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham", Kiều), tất tần tật, tiềm thuỷ đĩnh, v.v…, thì là những từ bao gồm trong nó hai hay ba chữ. Chính vì thế, khi đọc những câu thơ như của Hàn Mặc Tử, Chiều nay chẳng có mưa dầm / Mình sao nước mắt lại đầm đầm tuôn (Nỗi buồn vô duyên – Cẩm Châu Duyên), hay của Du Tử Lê, Ngày tôi. Trôi trên lưng đời / Cây khô gốc đợi, lá bồi hồi, reo (Khúc 19 tháng Chín), ta phải thấy "đầm đầm" là một từ và "bồi hồi" là một từ. Ta không thể, theo quán tính, bập vào nhịp chẵn bình thường của lục bát để cắt hai từ "đầm đầm" ra khỏi nhau. Cũng thế với từ "bồi hồi" của Du Tử Lê. Ở đây, hai nhà thơ đã gieo nhịp lẻ. Những kiểu từ như "bồi hồi", "xao xuyến" như thế, bao gồm hai chữ, nhưng chỉ là một từ; chúng phải gắn bó vào nhau, làm thành một khái niệm, một ý nghĩa riêng biệt. Ngoại trừ khi tác giả, đặc biệt trong thơ, cố tình chơi chữ, kiểu Biết bao bướm lả ong lơi / Cuộc vui đầy tháng trận cười thâu đêm (Kiều), hay Làm người phải đắn phải đo / Phải cân nặng nhẹ phải dò nông sâu (Ca dao), thì những chữ như "lả", "lơi" và "đắn", "đo" mới được xem là những từ riêng biệt, có ý nghĩa thi ca riêng của nó. Cái hay, cái đẹp và cái cuốn hút của văn thơ cũng bật ra từ những cách dùng chữ thần tình như thế.

Khi nói "nhóm chữ", để chỉ khái niệm "phrase" trong tiếng Anh, hay "syntagme" trong tiếng Pháp (3), ngày xưa, có thể chúng ta chưa phân biệt sự khác nhau có tính cách khá phức tạp giữa "từ" và "chữ" đó. Lê Văn Lý không dùng cả "cụm từ" lẫn "nhóm chữ", mà dùng từ "ngữ tuyến", một từ Hán-Việt, tránh khỏi sự vướng mắc đặt ra giữa "từ" và "chữ". Bây giờ, ở trong nước, trong sự tìm hiểu của tôi, ít nhất chúng ta có những từ/cụm từ sau: ngữ, ý đoạn, cụm từ, nhóm từ, ngữ đoạn, từ tổ… để chỉ khái niệm đó. Vì thế, một "adverbial phrase" trong tiếng Anh có thể được dịch thành một "ngữ trạng từ", một "trạng ngữ", hay một "cụm trạng từ". Cũng thế với một "adjective/noun/verb/prepositional phrase". Sự thay đổi từ "nhóm chữ" sang "cụm từ", như thế, không hẳn chỉ là một sự thay đổi bên ngoài. Nó còn là một sự thay đổi suy nghĩ bên trong nữa.

Khái niệm thứ ba là về từ láy. "Từ láy" hay "từ lấp láy" không hẳn chỉ gồm "một chữ có nghĩa, chữ kia chỉ là đệm vào cho xuôi tai chứ chẳng có nghĩa gì cả" [Xin xem lại bài của Lê Hữu, chú thích (1)]. Thật ra thì từ láy có thể được dùng để làm cho lời văn uyển chuyển, dịu dàng hơn, mà cũng có thể làm cho lời văn mạnh mẽ, dồn dập hơn, tuỳ trường hợp và tuỳ cách láy. Cùng với từ kép, từ láy làm cho lời văn tiếng Việt trở nên giàu sắc điệu hơn, nghĩa là làm cho lời văn có nhiều mầu sắc và nhịp điệu để thể hiện ý tứ, tình cảm và tâm tư của người viết. Từ kép có thể là danh từ (chợ búa, cửa nhà…), mà cũng có thể là động từ (cáu gắt, la mắng…), hay tính từ (giận dữ, vui tươi, buồn chán…), hay theo lối lắp ghép (một tính từ cộng một động từ: buồn thương, vui cười…), v.v…; còn từ láy thường là tính từ, và có thể nói hầu hết từ láy là từ thuần Việt. Ngoài tính từ, những từ loại khác rất hiếm khi được tìm thấy trong dạng từ láy, mặc dù cũng có thể có (như nghỉ ngơi, chạy nhảy, nảy nở…).

Có thể xét từ láy theo những tiêu chuẩn sau:

* Về mặt cấu tạo:

- Láy phụ âm đầu: lả lơi, tơi tả, tức tối, toe toét, buồn bã, thắc thỏm…

- Láy vần: lang thang, tần ngần, bắng nhắng, lông bông, loanh quanh…

- Từ lặp: ầm ầm, đo đỏ, xanh xanh, tim tím, mền (mệt) mệt…

* Về mặt ý nghĩa:

- Một chữ có nghĩa (chữ gốc) + một chữ vô nghĩa (chữ đệm): nhỏ nhắn, ngoan ngoãn, sạch sẽ, sợ sệt…

- Hai chữ đều có nghĩa: thở than, tung toé, tươi tốt …

- Hai chữ đều vô nghĩa: lóng ngóng, ngô nghê, thỏ thẻ, thậm thụt…

Từ láy là một đề tài lớn và cũng là một nét đặc thù của tiếng Việt/ngôn ngữ Việt. Chúng ta chưa xét đến các kiểu láy cá biệt khác ở đây. Tạm thời, tôi xin phép chỉ đưa ra mấy khái niệm "chìa khoá", cũng như một vài kiến giải căn bản để, khi cần, chúng ta có một vài điều thiết yếu nhất về khái niệm này để chia sẻ, hướng dẫn những ai cần tìm hiểu về nó, nhất là đối với những người nước ngoài.

Bàn về sự khác biệt giữa cách dùng từ, đặt câu của thời tiền-1975 và bây giờ, ở cả trong nước lẫn ngoài nước, chắc chắn là phải nhắc đến những sự khác biệt và thay đổi. Dù sao, ta nên nhìn thấy và phân biệt những mặt tiêu cực và tích cực của những thay đổi hay khác biệt ấy. Để ý tìm hiểu về nguồn gốc của những sự khác biệt hay thay đổi, ta mới có thể nhìn ra được những mặt mạnh và yếu của chúng. Trong cái nhìn của tôi, tiếng Việt/ngôn ngữ Việt mà người Việt chúng ta mang ra khỏi nước, đặc biệt từ thời điểm 1975, có thể, ở một số giác độ và mức độ nào đó, cũng giống như trường hợp của tiếng Pháp/ngôn ngữ Pháp mà những người Quebec gốc Pháp đã và đang sử dụng từ một vài thế kỷ nay, hay giống loại tiếng Pháp/ngôn ngữ Pháp của những bậc cha ông, chú bác chúng ta hiện đang sống tại Việt Nam (nếu không có sự cập nhật, chẳng hạn bằng cách nghe đài phát thanh hoặc xem các chương trình truyền hình tiếng Pháp, hoặc đọc sách báo mới của Pháp) sử dụng khi có dịp.

Nói một cách hình tượng và có ít nhiều đau đớn, một số người trong chúng ta xem những ngôn ngữ đó gần như chỉ còn là những bộ xương, phần thịt da tươi tắn đã không còn nữa. Nó đã bị mục nát theo thời gian. Chúng là những thân xác không còn được tiếp tục bồi bổ bằng những dưỡng chất sống, hay đúng hơn, những dưỡng chất đưa đến sự sống. Cái sự sống của một sinh thể vẫn tiếp tục phát triển và nhận chịu những ảnh hưởng của môi trường sống chung quanh. Ngôn ngữ, tôi lại muốn lặp lại, là một sinh thể. Và chính là vì nó là một sinh thể, nó có thể phát triển èo uột hay cường tráng. Và nó cũng có thể bị đau ốm, nhiễm trùng, quặt quẹo. Những bộ xương thì không thể, nếu thật sự là những bộ xương. Hay, nếu không phải là xương cốt, những ngôn ngữ không còn thay đổi, không còn những vấn đề, những vấn đề bật ra trong tự thân chúng như là những "phản ứng" của một sinh thể, một ngôn ngữ sống, với môi trường xung quanh, không còn sinh sôi nảy nở ra những từ, những ngữ mới, những cách nói mới, những lối diễn đạt mới, không còn được phát triển hoặc bị "nhiễm trùng", bị "quặt quẹo" vì những hoàn cảnh xã hội, vì lối sống của những nhóm xã hội khác nhau, những groups và những sub-groups khác nhau, may lắm, để lặp lại, nếu không phải là những bộ xương, chúng có thể trở thành những mummies, những "xác ướp Ai-Cập". Như những mummies mà người ta vừa tìm thấy tại Sicily. (4) Có thể là chúng còn giữ được nguyên vẹn hay gần nguyên vẹn thân xác cũ ngày xưa, nhưng sự sống thì không còn nữa. Sự sống đã xa rời thân xác.

Tiếng Việt/ngôn ngữ Việt ở ngoài nước, trong cái nhìn của tôi, cho dù ta có khách quan hay bi quan mà nhìn ngắm nó, có lẽ cũng không rơi vào tình trạng đáng buồn này. Ở một mức độ nào đó, nó vẫn còn đang sống và có sự thay đổi. Với ảnh hưởng của ngôn ngữ các quốc gia sở tại. Với sự cố gắng bồi đắp của một số hiếm hoi những người Việt, hay những nhà ngôn ngữ Việt sống ở nước ngoài, muốn tạo những tân từ để diễn đạt những khái niệm mới mà trước đây tiếng ta không có. Nhưng nếu không có những cố gắng bồi đắp của những thế hệ kế tiếp, viễn tượng "hoá thạch" của tiếng Việt/ngôn ngữ Việt ngoài nước là một điều khó tránh khỏi, có những người có thể nói như thế. Tôi nghĩ, một vật hoá thạch có thể chỉ có giá trị lịch sử, xã hội, hay nhân chủng; nhưng một ngôn ngữ như tiếng Pháp, hay tiếng Việt, dù có bị mang ra khỏi quê hương hằng trăm năm, tôi không nghĩ những ngôn ngữ ấy sẽ trở nên "bất động" hoàn toàn. Còn có sự tiếp xúc, trao đổi, với môi trường xung quanh là còn có sự sống. Cho dù sự sống ấy thể hiện ra bằng cách nào đi nữa.

Với ý thức rõ rệt về sự tồn tại của ngôn ngữ Việt mà người Việt đã mang theo khi rời quê nhà, ngoài sự gìn giữ, bảo bọc và trau dồi cần thiết, phần lớn sự tồn tại này gắn bó với những thay đổi, phát triển, hoặc những "trở mình", những "cơn sốt" nặng hay nhẹ do sự "nhiễm trùng" hay "tiếp máu" từ sự tiếp xúc với môi trường xung quanh, qua những ngôn ngữ bản xứ hay ngôn ngữ gốc từ quê nhà, chúng ta có lẽ không nên buồn bã hay hốt hoảng khi nhìn thấy hay nhìn ra những sự thay đổi đó. Mà, ngược lại, có lẽ chúng ta nên mừng mới đúng. Vì đa số, nếu không nói là tất cả, những sự "thay hình đổi dạng" ấy chính là dấu chỉ của sự sống. Của phản ứng. Của tự vệ và hoà nhập. Để phát triển và vươn lên. Chính sự bất động mới nên là điều đáng lo. Vì nó chỉ cho thấy sự giữ lại mà không có sự trao đổi, tiếp xúc. Một cơ thể sống là một cơ thể cho thấy những chỉ dấu kia. Điều này, nói chung, đúng trong sinh học mà cũng đúng trong ngôn ngữ nữa.

Tiếng Việt/ngôn ngữ Việt trong nước, theo sự quan sát của tôi, cũng không thoát, không ra khỏi tiến trình đó. Thời "mở cửa" và … "hậu mở cửa" mà! Và cũng có những tiếng nói lo ngại trong nước đã, đang, và chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục cất lên , đòi hỏi sự bảo tồn trong sáng cho tiếng Việt. Những lời kêu gọi cả ở trong lẫn ngoài nước như thế, nhằm vào sự bảo tồn tiếng Việt, là những tiếng nói thiết tha và có tâm huyết. Chúng cần thiết trước những hiện tượng làm biến chất tiếng Việt, làm mất đi sự trong sáng của nó. Nhưng, có lẽ, người ở trong nước và cả ở ngoài nước, cũng nên để ý đến những "cơn sốt", nặng hay nhẹ, vì "sự "nhiễm trùng" kia. Lên tiếng cảnh báo là điều tốt, và nhiều lúc lại là một sự cần thiết nữa, nhưng có lẽ chúng ta cũng nên hiểu rằng một ngôn ngữ còn sống, còn sinh động, là phải có trong mình những sự phát triển và "vật vã" như thế, của những sự du nhập, kết hợp và tiếp biến. Ngôn ngữ là văn hoá, và, cũng như văn hoá, nó cũng cần trải qua những quá trình tương tự. Nhìn trong nhãn tuyến đó, chúng ta sẽ không quá lo lắng về những mặt biểu hiện sinh động kia của ngôn ngữ nữa.

*

Sau khi đã nói được những điều trên rồi, dưới đây tôi sẽ thử đưa ra một số cách hành từ, dùng câu trong tiếng Việt/ngôn ngữ Việt, tạo nên sự khác nhau giữa trong và ngoài nước, hoặc giữa giai đoạn tiền-1975 và giai đoạn sau đó. Hy vọng, qua sự trình bày, và, có lúc, thử phân tích, ở đây, ta có thể nhìn ra, ít nhất, một vài cái lý của sự sử dụng đó. Những sự trình bày và phân tích, nếu có, này chỉ là một nỗ lực giải thích trong hiểu biết giới hạn của tác giả bài viết. Chúng không biểu tỏ một thái độ hay một cái nhìn mang tính chung quyết nào, mà chỉ mang ý hướng chia sẻ, trong thiện chí tìm hiểu về tiếng Việt mến yêu của tất cả chúng ta mà thôi.

* "Tính từ". Đa số mọi người, cả trong lẫn ngoài nước, bây giờ đều dùng từ này để dịch từ "adjective" (A.) và "adjectif" (P.). Ngày xưa, chúng ta dùng "hình dung từ" để dịch "adjectif qualificatif" trong tiếng Pháp. Sau, ta dùng "tĩnh từ" để đối lại với "động từ" . Giờ, khi thấy rằng tính từ được dùng không chỉ để chỉ hình dung của một sự vật, sự việc mà thôi, mà còn được dùng, chủ yếu, để chỉ tính chất nữa; ngoài ra, cũng vì thấy rằng nhiều tính từ không hề "tĩnh", mà lại rất động, chẳng hạn "náo loạn" (một khung cảnh), "ầm ĩ" (một cuộc cãi vả), "tán loạn" (một cuộc tháo lui), "kinh hoàng" (một trận chiến), "quằn quại" (một cơn đau), v.v… (5), nên từ "tính từ" đã được dùng để thay thế những tên gọi cũ.

* "Dân oan". Đây là một từ mới được sáng tạo và sử dụng sau này, sau những đợt dân đen nghèo khổ khiếu kiện vì đất đai, nhà cửa của họ bị chiếm dụng mà không được đền bù gì, hoặc không được đền bù hợp lý. Tôi nghĩ đây là một từ hay. Gọn và rõ. Mang nhiều tính biểu hình. Nó cho thấy hình ảnh sắc nét và cụ thể của một (lớp) người dân. Nó rõ hơn, và cũng sinh động hơn cụm từ "dân đen", chỉ dân nghèo nói chung; từ "dân đen", phần nào đã bị mòn đi, bị cliché-hoá vì dùng nhiều. Nếu "trình độ" hơn, hay sính dùng tiếng Hán-Việt hơn, ta có thể biến nó thành từ "oan dân". Xin lưu ý: cả hai từ "oan" và "dân" đều là từ Hán-Việt, nhưng khi đặt nó chung lại là "dân oan", với cấu tạo thuần Việt về mặt từ pháp, trong đó cả hai từ "dân" và "oan" đều đã được dùng như những từ được Việt hoá ở một cấp độ cao, thì nó là một cụm từ. "Oan", là một tính từ, hay một quá khứ phân từ được dùng như tính từ (trong nước gọi là động tính từ quá khứ: quá khứ phân từ được dùng như tính từ), bổ nghĩa cho "dân" là một danh từ. Kết hợp này khiến nó trở thành một cụm, chứ không phải là một từ. Cụm "dân đen" cũng được đặt theo cách ấy. Nhưng, nếu lật ngược lại để đặt theo từ pháp Hán-Việt, là "oan dân", thì, bấy giờ, nó sẽ là một từ. Một từ Hán-Việt. Nó cũng là một từ theo cấu trúc từ pháp như những từ "oan gia","lê dân" (dân đen), hay "xích tử" (con đỏ), v.v….

* "Biểu diễn" / "Thể hiện": Từ trong nước. Trước 1975, người Việt trong Nam dùng từ "trình diễn". Bây giờ, ngoài "biểu diễn" ra, nhiều người trong nước còn dùng từ "thể hiện", có thể là dịch hay lấy ý tưởng từ cụm "interpreted by" trong tiếng Anh. "Xin mời quý vị nghe bài ‘Mắt Nai’ (hay nghe bài…’Trăng Rụng Xuống Cầu’) qua sự thể hiện đáng yêu của ca sĩ H.N." (vỗ tay). Tôi thấy từ này cũng đặc biệt, thậm chí "dễ thương", không có vấn đề gì.

* "Tản mạn", được dùng theo nghĩa là một động từ, có nghĩa là "nói chuyện lan man", không tập trung hoặc không đào sâu vào một đề tài nhất định. Đây là một từ được dùng theo lối biến chuyển từ loại, từ tính từ biến thành động từ. Ai thích (vì thấy nó mới, nó sinh động, nó nên thơ) thì dùng. Ai "nhậy cảm" hoặc theo chủ trương bảo thủ, "giữ nếp cũ", thì có thể dùng "mạn đàm" (nếu ngồi trong khi "mạn đàm" thì dùng "toạ đàm", chẳng hạn như trong "toạ đàm văn học"). Nếu không, dùng "trò chuyện" hay "phiếm đàm", "phiếm luận" đều tốt.

* "Nằm cứng", "nằm mềm", những từ dùng trong nước, nói gọn lại, để chỉ những loại vé (đi xe lửa) khác nhau. "Nằm mềm", nghĩa là nằm trên giường có lót nệm, giá vé cao hơn. Ngược lại là "nằm cứng", nghĩa là nằm trên giường "chay", không có nệm lót, xương xẩu sẽ chịu sự ê ẩm; bù lại, giá vé sẽ "mềm" hơn. Ấy là một sự éo le hay "tréo ngoe" về ngôn ngữ: nằm "giường cứng" thì lại được "giá mềm". ("Giá mềm", đây cũng là một từ mới được phát sinh sau này, ý chỉ "giá rẻ" hay "giá cả thoải mái": "Mua bộ bàn ghế này đi anh, em sẽ để cho anh một giá rất mềm"). Trước đây, ta chỉ có "nằm sấp", "nằm ngửa", "nằm nghiêng" (như tên một tập thơ của một thi sĩ trong nước, hay từ dùng trong một câu thơ cũng của một thi sĩ khác trong nước, "Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến / Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo" – Phạm Tiến Duật), thậm chí "nằm ườn", "nằm ưỡn" hay "nằm phễnh (bụng)"; bây giờ, ngoài những lối nằm trên, phải ghi nhận thêm sự xuất hiện của "nằm cứng" và "nằm mềm" nữa. Cho dù là những lối nằm trước đó là dựa vào cách thế nằm; còn hai lối nằm dưới là dựa vào "túi tiền" có căng hay không của… chủ thể nằm.

* "Tiếp đất", từ trong nước, được một số "bộ phận" dân chúng dùng. Từ này, được dùng thay thế hoặc dùng thay đổi qua lại với từ "hạ cánh" (liên hệ đến máy bay) thường được dùng trước đây, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. "Cất cánh" ("take off") được dùng đối với "hạ cánh" là đẹp. Nhưng từ "tiếp đất" này, dịch rất sát từ "landing" trong tiếng Anh, cũng là một từ hay. Nó đi vào sự cụ thể, không trừu tượng (vớ vẩn) hay dùng hình ảnh, chữ nghĩa thơ mộng nữa. Nó chỉ rõ: bánh xe của máy bay tiếp xúc với mặt đất, chạm đất.

* "Khủng" / "Siêu khủng". Từ trong nước, được một "bộ phận" giới trẻ và giới báo chí dùng. Từ cũ là "kinh khủng" hay " khủng khiếp" (dịch từ "awful" / "awfully" trong tiếng Anh). Bây giờ, người ta cắt gọn lại cho nó "khủng" hơn. Thí dụ: nói về một món hàng, một thiết bị công nghệ "tối tân", "mới ra lò" chẳng hạn, toà báo có thể chạy tít, "Microsoft vừa tung ra thị trường một thiết bị ’siêu khủng’". Hoặc, thậm chí, tít chạy trong một bản tin xã hội hay giải trí: "Mười mỹ nhân sở hữu vòng một ‘khủng’ nhất thế giới", hay "Những người đẹp có vòng ba ‘khủng’ nhất hành tinh" (!!!).

Ngoài ra, cách nói tóm gọn như thế ở trong nước cũng được thấy trong việc dùng các từ sau:

- "Sĩ" , thay cho "sĩ diện (hão)", như trong tên một vở kịch của Lưu Quang Vũ, "Bệnh sĩ". Vợ chồng có thể càu nhàu nhau: "’Sĩ’ lắm nữa! Thật, tôi khổ vì ông"

- "Vất" , thay cho "vất vả", như trong "Cuộc sống của chúng tôi bây giờ ‘vất’ quá. Không còn được thảnh thơi như ngày xưa."

- "Phát", thay cho "phát biểu" (như trong, "Xin mời anh ‘phát’ cho. Chúng tôi đang chờ.)

- "Quyết", thay cho "quyết định" (như trong, "Anh lớn ‘quyết’ cho một cái, để đàn em yên tâm!)

- "Máu", thay cho "hăng máu", "hăng tiết" (vịt hay không vịt, tính sau). "Máu", bề ngoài nhìn như một danh từ, nhưng thật ra lại là một tính từ. Xin xem thí dụ về "máu" ngay sau đây.

- "Cực", thay cho "cực kỳ", "rất", "thậm", như trong, "Thằng đó máu cực!", hay "Thằng đó cực máu!", (có nghĩa là "thằng đó rất ‘hăng máu’, chơi ‘tới bến’ luôn, không cản nổi). Người ta chỉ dùng từ "cực" chứ không dùng từ "thậm" để chỉ sự "rất" và "quá mức" này ("quá độ" thì lại có thể bị hiểu nhầm sang một phạm vi khác, phạm vi lịch sử, được dùng như một tính từ, chỉ một giai đoạn "chuyển tiếp"). Từ "thậm" thường được dùng với một từ Hán-Việt khác, như trong "thậm tệ" hoặc "thậm phồn". Từ "thậm phồn" có lẽ được Hoàng Ngọc-Tuấn dùng đầu tiên trong kết hợp "hiện thực thậm phồn" khi giới thiệu về chủ nghĩa hậu hiện đại (dịch rất hay cụm "hyper reality" trong tiếng Anh; từ "thậm phồn" để dịch tiếp đầu tố "hyper", và còn mạnh hơn cả "hyper" nữa vì kết hợp được cả hai từ "thậm" và "phồn", vốn, tự bản chất, mỗi từ đều đã chứa nội hàm "hyper" trong mình. "Hiện thực thậm phồn" nghe rất… "phồn thực"; từ đó, có thể nói đến một thứ "văn bản thậm phồn"( "hypertext"): đó chính là một loại văn bản liên tục sản sinh ra những văn bản khác, chồng chéo, bám víu vào nhau và bám víu vào văn bản chính. Hyper reality được Đào Tuấn Ảnh, trong nước, dịch khá rõ và chân phương là "hiện thực phì đại") .

Những từ được cắt gọn thế này có thể còn nhiều nữa, và chúng tạo một "hiệu ứng" rất mạnh khi được phát biểu. Dù sao, xem xét lại, cho đến giờ, từ cắt gọn mang tính chất "khủng" nhất có lẽ lại chính là từ "khủng". Dù cho nó có thể "chờn vờn" dẫn đến những khái niệm hay hình ảnh khác như "khủng long", "khủng bố", "khủng cụ", v.v … , làm hoang mang đầu óc người nghe, đi chăng nữa.

Lối nói vừa "khủng" vừa "ngộ nghĩnh" này cũng làm tôi nghĩ đến những kiểu nói lóng và những cách chế từ của những người trẻ trong nước. Lúc đầu, chắc hẳn là chúng chỉ được lưu hành trong một nhóm nhỏ, một sub-sub-group nào đó. Rồi từ từ, chúng ăn lan ra, vượt ra khỏi giới hạn vòng sử dụng nguyên thuỷ của chúng, thành một thứ tiếng lóng không còn chịu sự bó hẹp của một nhóm xã hội nhỏ bé. Chúng đòi quyền có tiếng nói trong một tập thể rộng lớn hơn.

Những từ/cụm từ như đứt cước (thất bại hay hỏng việc); nộp tiền ngu (nộp lệ phí thi lại); Trần văn Chuồn (trốn, bỏ đi); vitamin T (tiền), vitamin E (phụ nữ, mấy em); pro, kute, kul, chuối, khoai (để chỉ những ý niệm chuyên nghiệp, xinh đẹp, dễ thương, xấu xí, ngu ngốc), v.v…, thường được thấy dùng trong một số nhóm trẻ. Cũng thế là lối nói "nhỏ như con thỏ", "sến như cây nến", "xấu như con gấu", "gầy như con cầy", "chán như con gián", v.v… Thì đó cũng giống một lối nói vui theo kiểu Gút-bai, crô-crô-đai ("Goodbye, crocodile") của tuổi trẻ Mỹ mà thôi.

Ở một khía cạnh nào đó, như một người vừa nghiêm chỉnh vừa hồn nhiên theo dõi ngôn ngữ trong cái nghĩa khách quan, cũng như trong môi trường tự nhiên của nó, tôi thấy những từ ngữ ấy cũng có cái vui nhộn và đáng yêu của chúng. Chúng tôi còn tuổi trẻ, xin cho chúng tôi được vui nhộn tí chút. Đừng bắt chúng tôi nghiêm trang quá! Nghe như có những tiếng nói cất lên như vậy. Các nhà đạo đức và những người muốn giữ chuẩn có thể lên tiếng cảnh báo và nghiêm nghị theo dõi. Điều ấy, theo một cách nhìn nào đó, cũng là điều đúng và cần, như tôi đã có dịp nói. Nó tạo nên một đối trọng cần thiết đối với một sự sử dụng ngôn ngữ có thể là sẽ đi đến chỗ bừa bãi, một thứ phanh để bảo đảm (?), hay đúng hơn, đế tránh cho chiếc xe ngôn ngữ không tuột dốc. Nhưng, tôi nghĩ, ngôn ngữ có sức mạnh, có con đường riêng và cũng có cơ chế tự điều chỉnh riêng của nó. Tôi không lo sợ lắm. Nhưng điều gì ta thấy cần làm thì vẫn phải làm.

* "Hoành tráng", với nghĩa là "có quy mô đồ sộ (nhằm thể hiện những đề tài lớn)". Từ này bị lạm dụng rất nặng. Bất cứ một điều gì cũng có thể được gán ghép với thuộc tính này. "Sân khấu" cũng "hoành tráng", mà vòng một hay vòng ba của một "nữ nhân" cũng có thể "hoành tráng". Trong một số văn cảnh, đôi khi, "hoành tráng" cũng có thể được dùng theo nghĩa "đẹp nức nở" hoặc "rực rỡ, tráng lệ", như: "Bức chân dung của em trông ‘hoành tráng’ quá". Nó cũng có thể là "căng đầy", "mập mạp", như, "Cái ví của anh hôm nay, sau khi lãnh lương, trông thật ‘hoành tráng’", hay "Thân hình ‘hoành tráng’ của bà chủ, sau khi nạp vào bữa điểm tâm cũng ‘hoành tráng’ không kém, uốn éo đi ra khỏi cửa". Và, còn gì ‘hoành tráng’ nữa trong cuộc sống hôm nay?!!

* "Mộc" , dùng trong nước. Để chỉ sự tự nhiên, không sơn phết hay trang điểm gì. Như ,"Hôm nay, cô ấy để mặt mộc ra đường". Hoặc, chiếu mộc, vải để mộc (không nhuộm). Tuy nhiên, từ "mộc" cũng đã được dùng tại miền Nam trước 1975 trong những cụm từ như "đôi guốc mộc" hay "đôi đũa mộc" (có nghĩa là guốc hay đũa để "chay", không sơn phết hay tô điểm gì cả). Tôi thích cách dùng từ "mặt mộc" này ở trong nước. Nhưng, cẩn thận, phải đánh dấu thanh cho đúng; bởi lẽ, "mặt mốc" thì lại mang một nghĩa khác hẳn!

* "Phản hồi", từ được dùng rộng rãi cả ở trong lẫn ngoài nước. Nó có thể thay thế cho "hồi đáp", "ý kiến", "phản ứng", v.v…, tuỳ theo văn cảnh. Nó dịch từ "feedback" của tiếng Anh. Tôi nhớ, khoảng gần 30 năm trước, vì nhu cầu làm việc, tôi cũng có ý muốn dịch từ này. Và tôi thấy một nhà ngôn ngữ ngoài nước, bác sĩ Trần Ngọc Ninh, tác giả của "Cơ Cấu Việt Ngữ" xuất bản tại miền Nam trong nước trước 1975, trong một bài viết tại Mỹ, đã dịch nó là "nghịch dưỡng" (rất sát về mặt từ nguyên của "feedback", với "nghịch" để dịch "back" và "dưỡng" để dịch "feed"). Dù sao, tôi vẫn cảm thấy có sự không an tâm, vì tuy "back" có thể là "nghịch", là "ngược", nhưng "dưỡng", ở đây, lại không thật sự là "dưỡng" ("nuôi nấng"). Nhưng rồi tôi nhớ lại là người xưa có từ "dưỡng khấu", là "nuôi giặc" (có nghĩa là "nuôi thành hoạ hoạn cho mình", có thể là nuôi một thói quen xấu chẳng hạn). Vậy thì "nghịch dưỡng" thì có sao, đặc biệt khi từ này được dùng trong lĩnh vực gốc của nó là công nghệ máy tính; nhất là trong từ gốc, feedback, đã có "feed" được dùng theo nghĩa bóng rồi. Nhưng rồi tôi cũng thử nghĩ một từ khác.

"Feedback", khởi nguyên, chỉ là một từ phát xuất từ lĩnh vực computer mà ra. (6) Vì thế, theo định nghĩa gốc của nó trong tiếng Anh, tôi thử dịch lại là "hồi dưỡng". Sau, bỏ "dưỡng" đi, tập trung vào "sự quay ngược lại" (như từ "phản hồi" bây giờ đã làm như vậy), tôi dịch lại là "hồi nghịch"; rồi, cuối cùng, đổi lại là "nghịch hồi". Khi dịch như thế, tôi nghĩ đến các từ nghịch phong (gió ngược) và nghịch lưu (dòng nước chảy ngược). Trong nét nghĩa chính, "feedback" liên quan đến một tiến trình quay ngược lại. Từ "phản hồi" hiện đang được sử dụng phổ biến là một từ khá hay, cho dù trong ý nghĩa cũ, vẫn được dẫn trong các tự điển Hán-Việt, nó chỉ có nghĩa gọn là "trở về". Như thế, có nghĩa là nó cũng chỉ tập trung vào từ "back" mà bỏ đi từ "feed".

Tôi cũng nghĩ đến một từ khác, từ cũ thôi (cũng như "phản hồi" là một từ cũ), nhưng diễn được khá rõ ý của từ "feedback", là từ "phản hưởng" (có nghĩa là "tiếng vang lại", "tiếng dội lại"). Tôi chưa thấy ai dùng nó để dịch "feedback", nhưng tôi thấy nó diễn được rất sát ý của "feedback" mà từ "phản hồi", hiện nay, đang được dùng trong lĩnh vực truyền thông. Trước 1975 tại miền Nam Việt Nam, trong mục "Thư độc giả" của một vài tờ báo, người ta cũng có khi dùng cụm "Tiếng vang", để nói về những ý kiến dội lại từ phía người đọc. Dù sao, hiện tại, "phản hồi" đã có một nghĩa mới và một đời sống mới trong truyền thông thời @. Nó nhận được sự yêu thích của một số đông người đọc và người làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Tôi nghĩ , "phản hồi" sẽ tiếp tục sống hùng và sống mạnh.

(Một điều cũng nên ghi nhận ở đây là, dân tộc Pháp, với sự bảo thủ nổi tiếng về mặt ngôn ngữ, thường tránh tối đa những trường hợp phải dùng, phải mượn tiếng nước ngoài, và luôn tìm cách tránh tối đa để không bị "nhiễm trùng" về mặt ngôn ngữ, lại dùng feed-back như một danh từ giống đực để "dịch" từ feedback của Mỹ. Từ weekend của Mỹ cũng được "dịch" là week-end, cũng là một danh từ giống đực (như "week-end prolongé: long weekend; partir en week-end: to go away for the weekend"). Dù sao, đối với weekend, người Pháp còn có cụm "fin de semaine". Nhưng tuổi trẻ Pháp chắc thích nói vắn gọn là week-end hơn.)

* "Nhắc nhở" / "Nhắc nhớ". Trước đây, có thể là trước cả thời điểm 1975, người ta dùng "nhắc nhở"; sau này, có người chợt thấy ra là "ý nghĩa nằm bên trong" của từ này là "nhắc" để cho người khác "nhớ", đừng quên một chuyện gì đó, nên đã sửa lại là "nhắc nhớ". Từ đó, "nhắc nhớ" lan tràn. Rất nhiều người đã dùng nó, có lẽ vì nghĩ rằng khi dùng như thế, mình cho người nghe thấy được là mình đã hiểu vào "cốt lõi" của từ "nhắc nhở". Thật ra, đúng là trong "nhắc nhở" có ý nghĩa của việc "nhắc" cho "nhớ", nhưng, qua biện pháp biến âm để làm cho từ được phát ra một cách mềm mại hơn ("nhắc nhớ" có hai âm trắc, không gẫy, nghe không êm tai), như "tím tím" được đổi thành "tim tím", trắng trắng" thành "trăng trắng", "mệt mệt" thành "mền mệt", "đỏ đỏ" thành "đo đỏ", v.v… , ông bà ta đã làm cho nhiều từ được dùng một cách mềm mại hơn. (7)

Tôi nghĩ, chính vì lý do vừa nói, ta không nên đổi từ "nhắc nhở" rất dịu dàng sang từ "nhắc nhớ" khá chói gắt. Cho dù, khi đổi như thế, ta bóc được cái "cốt lõi" của nó ra.

* "Phản biện", từ dùng trong nước lan ra đến ngoài, có nghĩa là "biện luận, đối đáp ngược lại". Ai đã chấp nhận từ "phản hồi" thì cũng dễ chấp nhận từ này. Từ cũ có thể là "tranh luận", "tranh biện" hay "bút chiến", tuỳ theo ngữ cảnh.

* "Tiếp thị", từ dùng trong nước lan ra đến ngoài, dịch từ "marketing" của Anh Mỹ. "Thị " là để dịch "market" thì đúng rồi; nhưng chữ "tiếp" của từ này được sử dụng rất khéo. Vỹ tố -ing, trong marketing, gợi ý "đưa vào market, đưa vào thị trường". Theo tôi, dịch "tiếp" là rất hay. Nó chuyển được cái ý mời mọc của từ gốc, làm cho tiến trình "chào mời hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ…" được trơn tru, dễ dàng hơn.

* "Thông tin thương mại", cũng thế, từ dùng trong nước lan ra đến ngoài, là một lối nói "mềm" đi, nói "khéo" hơn. Một thứ uyển từ, uyển ngữ (euphemism). Có lẽ cũng phải để cho những nhà buôn "ăn nói khéo léo" một tí chứ, cho dù gọi như thế thì hình như người ta đã không "gọi đúng sự vật bằng cái tên của nó". Dù sao, cách dùng này vẫn còn đỡ hơn cách dùng những cụm từ như "kế hoạch hoá gia đình", "diễn biến hoà bình", "Việt Nam hoá chiến tranh", v.v… Thật sự, George Orwell cũng đã trình bày rất kỹ về cách nói vòng, nói tránh này, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, với những hệ quả hết sức tiêu cực của nó. (8)

* "Ấn phí", đã được dùng rất lâu ở ngoài nước, ít nhất là trên dưới hai mươi năm nay. Không biết phát xuất từ trong hay ngoài. Cũng là một thứ uyển ngữ, hiểu theo một cách nào đó. Nhưng, có lẽ đúng hơn, đó là một lối "nói giảm" (understatement). Giống như kiểu nữ hoàng Anh khi được hỏi ý kiến về một số việc làm hay thái độ "rất gây phiền, gây nhiễu" cho hoàng gia của công nương Diana khi cô còn sống, thay vì nói thẳng là "Tôi rất bực (vì chuyện ấy)", bà chỉ nói nhẹ đi là "Tôi không vui" ("I am not amused"). "Ấn phí" là một lối nói giảm, nhưng lại mang tính "cường điệu". Vì nếu giá đề trên cuốn sách chỉ là "ấn phí" (tiền in) mà thôi, không bao gồm tiền lời trong ấy, thì ai còn dám "in ấn", bán buôn gì nữa.

* "Cường điệu", từ dùng sau 1975, cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Để dịch từ "hyperbole" trong tiếng Anh. Nó có nghĩa là dùng giọng điệu mạnh lên, và đồng nghĩa với "phóng đại", "thậm xưng". Biện pháp tu từ "phóng đại", vì thế, còn được gọi là "cường điệu", "thậm xưng" và "ngoa dụ". Ngoài ra, nó còn được gọi là "nói quá" ("overstatement"), ngược lại với biện pháp "nói giảm" (understatement) ở trên.

* "Biện pháp tu từ" hay "tu từ pháp", từ dùng trong nước, mở rộng ra ngoài nước. Trong Nam, xưa, được gọi "mỹ từ pháp". Nhưng "tu từ" là một từ có trong tự điển được xuất bản tại miền Nam trước 1975. Cả hai từ đều hay. Dù sao, xét về mặt cấu tạo từ pháp, từ "tu từ pháp", với nghĩa là "phương pháp (sửa đổi để) làm đẹp từ ngữ", có vẻ hợp lý hơn là cấu tạo "mỹ từ pháp". "Mỹ" là một tính từ; "mỹ từ" là "từ đẹp". Vậy, "phương pháp từ đẹp" là gì? Có phải nó là hiểu ngầm của "phương pháp (làm cho) từ (ngữ) đẹp hơn/lên", hoặc "phương pháp làm đẹp từ ngữ". Nếu thế, ta lại sẽ trở về với ý nghĩa của "tu từ pháp", trong đó, "tu" là một động từ, có nghĩa là "sửa lại", "sửa sang cho tốt đẹp hơn", như "tu kỷ" là "sửa mình". Hán-Việt Tự -Điển của Nguyễn Văn Khôn định nghĩa "tu từ" là "sửa sang, trau chuốt văn chương cho trôi chảy, gọn gàng và sáng sủa"; còn Hán-Việt Từ-Điển của Đào Duy Anh thì định nghĩa "tu từ" là "sửa sang văn từ cho hay". Cả hai quyển sách này, dù không có từ "tu từ pháp" nhưng đều lại có từ "tu từ học". Quyển đầu định nghĩa "tu từ học" là "môn học nghiên cứu cách viết văn cho trôi chảy, gọn gàng và sáng sủa"; quyển sau định nghĩa là "môn học nghiên cứu các phép tắc để trau dồi từ cú cho hay (rhétorique)". Cả hai sách này đều không có những mục từ "mỹ từ" và "mỹ từ pháp".

* "Trọng tải" và "tải trọng". Từ đầu được dùng trong Nam trước 1975. Từ sau, được dùng trong Nam sau 1975, kèm với từ đầu, như một thứ chị em sinh đôi. Hai từ này tôi đã bàn kỹ trong một bài viết khác về ngôn ngữ của mình (9) mấy năm trước, nên tôi xin phép không trình bày lại ở đây nữa.

* "Khuyến mãi" / "khuyến mại". Hai từ này rất dễ bị dùng lộn. Ta thấy sự sai lầm này xảy ra rất thường xuyên trên báo chí và trên các đài phát thanh cũng như truyền hình cả trong lẫn ngoài nước. Mãi là mua và mại là bán. Khi mở một dịp promotion và quảng cáo để khuyến khích người ta mua hàng, thì đó là một "quảng cáo khuyến mãi". Rất hiếm khi có trường hợp "khuyến mại" (khuyến khích bán), cho dù rằng có thể cũng có trường hợp như thế xảy ra.

* "Mãi dâm" / "mại dâm" là hai từ cũng thường xuyên bị dùng sai vì sự lẫn lộn của người sử dụng giữa ý nghĩa của hai từ. Và tỷ lệ phần trăm mà hai từ này được sử dụng có thể nói là 50/50. Vì trong vấn đề này, phải có kẻ bán và người mua. Từ đó, có những từ "gái mại dâm" và "khách mãi dâm". Chứ không phải ngược lại.

Sự lẫn lộn giữa hai từ "mãi" và "mại" này, theo tôi, đã bắt đầu từ rất lâu rồi. Khi còn nhỏ, đi học, tôi hay được nghe cụm từ "mãi quốc cầu vinh", để răn dạy người đời không nên vì mối lợi mà phải đi bán nước để được "vinh thân phì gia". Lớn lên, tôi vẫn nghe nhiều người lớn nói như vậy. Cả trong sách giáo khoa cũng viết như thế. Trong khi đáng lẽ người ta phải nói và viết là "mại quốc cầu vinh" mới đúng. Để phân biệt hai từ "mãi" và "mại" này, ta có thể thử nhớ mấy từ sau đây (tuy tất cả gần như đều có nghĩa tiêu cực, nhưng chúng có thể giúp người ta nhớ lâu vì các ý nghĩa xa xôi, bóng bẩy của chúng): mại hôn: gả con gái mà đòi lễ cưới quá nhiều (một hủ tục xưa, coi như là bán con gái đi); mại nhãn/mại tiếu: con gái lấy mắt liếc, lấy môi cười cho người ta mê mẩn để kiếm tiền [cũng giống như mại xuân (đem cái xuân của mình bán đi cho khách mua hoa)]; và mãi tiếu: mua cười [cụ Đào Duy Anh thẳng thắn phụ chú thêm là "chơi đĩ" (sic)].

Chúng ta cũng có thể, thay cho những từ trên, thử nhớ một vài từ/cụm từ sau: mãi sơn: mua núi (tức "lui về ở ẩn"), mãi lân: mua láng giềng (tức là "lựa chọn láng giềng một cách cẩn thận". Việc chọn lựa kỹ láng giềng này làm ta nhớ đến tích "Mạnh mẫu trạch lân" của bà mẹ thày Mạnh Tử ); mại giao/mại hữu: bán giao tình, vì tư lợi của mình mà hy sinh bè bạn; và mại kiếm mãi ngưu: bán gươm mà mua trâu, ý nói bỏ nghề trộm cướp mà theo nghề làm ruộng.

* "Áo ấm" / "áo lạnh". Được dùng rộng rãi ở cả trong lẫn ngoài nước. Theo tôi, cả hai từ đều đúng, không từ nào sai. "Áo lạnh" có nghĩa là áo có mục đích, có khả năng ngăn chặn cái lạnh ở bên ngoài, giữ cho cơ thể được ấm; là cái áo mặc khi trời lạnh cho mục đích vừa nói. "Áo ấm" là áo giúp ta giữ lại hơi ấm cho cơ thể khi trời lạnh. Một đằng hướng đến sự chống trả; đằng kia, hướng đến sự giữ gìn. Nhưng mục đích đều là để giữ ấm. Ở một khía cạnh nào đó, cặp từ này khá giống trường hợp cặp "insure against" và "insure for" trong tiếng Anh. (Ấm và lạnh ngược hẳn nhau, cũng như against và for ngược hẳn nhau). Một đằng là "bảo hiểm để phòng chống lại một cái gì không hay có thể xảy ra (để mình có thể được đền bù khi nó xảy ra)", còn đằng kia thì là "bảo hiểm để tránh thua thiệt/để được đền bù (khi xảy ra một sự rủi ro gì)" (như trong insure against ill health while you are abroad và insure for personal accident injuries). Mục đích cuối cùng thì cũng là để được đền bù.

* "Ấn tượng", dùng như tính từ (to be impressed, theo kiểu Anh Mỹ), được một số người (đặc biệt là giới trẻ) trong nước dùng. Cách dùng như thế tạo một hiệu ứng nhấn mạnh, vì nó biến một danh từ thành tính từ. Chẳng hạn, "Màn trình diễn ấy rất ấn tượng". Cũng thế, với những đối tượng trên, từ "thần tượng", vốn là một danh từ, cũng có thể được sử dụng như một động từ (to idolize), "Chúng em rất ‘thần tượng’ nhà thơ X". Lối dùng này, đa số từ giới trẻ, nhiều phần là do ảnh hưởng về mặt từ pháp theo kiểu Anh Mỹ. Anh ngữ đang được một tầng lớp đông đảo người Việt Nam trong nước, đặc biệt là giới trẻ, ưa thích. Sự vay mượn này cũng là một điều dễ hiểu, và chính sự vay mượn như thế cũng nằm trong những quy luật của sự trao đổi và tiếp biến ngôn ngữ nói chung trên thế giới. Vấn đề còn lại chỉ là sự ý thức. Để không biến những biểu hiện của một quy luật chung thành một sự hào hứng, quá đà, có thể đi đến chỗ làm mất bản sắc ngôn ngữ dân tộc.

Thật sự, trong những bối cảnh khác, và trong những giai đoạn khác nhau của tiến trình trao đổi, vay mượn và tiếp biến ngôn ngữ, hiện tượng áp dụng từ pháp, cú pháp của những ngôn ngữ khác vào ngôn ngữ ta cũng không phải chỉ mới xảy ra gần đây. Và cũng không phải chỉ xảy ra trong giới trẻ ở trong nước. Trước 1975, chúng ta đã từng nhận thấy là có một số nhà văn, nhà báo trong Nam đã từng rập khuôn cú pháp của Anh Mỹ trong việc viết những câu theo kiểu "Cuộc chiến được mô tả là kinh hoàng" (theo mẫu " to be described as… "). Và cho đến bây giờ, có biết bao nhiêu người, cả ở trong lẫn ngoài nước, thuộc đủ mọi lứa tuổi, đã đặt nhiều câu văn của mình theo thể passive voice của Anh Mỹ một cách không cần thiết, trong khi các thầy cô dạy Anh văn tại các đại học Anh Mỹ thì lại luôn luôn phải nhắc bảo sinh viên của mình việc tránh sử dụng những câu theo dạng ấy khi không thực sự cần.

Tất cả chúng ta đều có những lúc bị vấp phạm vào những điều ấy. Lý do chỉ vì quán tính, vì chúng ta đã không để ý đủ. Ở ngoài nước, trên dưới 30 năm nay, tôi thường hay gặp cụm từ sau đây trong các trang quảng cáo bán nhà trong cộng đồng người Việt: "Nhà bán bởi chủ" (dịch từ "Home for sale by owner"). Sao không ai chịu dịch lại là "Nhà do chủ (đứng) bán" (cũng chỉ sử dụng bốn hay năm từ thôi). Còn rất nhiều câu quảng cáo bán nhà hết sức "lạ" mà, do giới hạn bài viết, tôi không tiện liệt kê hết ra đây.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tìm thấy những kết cấu theo dạng "… như nó đã là." hay "như nó đã từng." để chấm dứt một câu văn. Kết cấu này chính là từ cụm "… as it was." hoặc "… as it had ever been.", một đặc điểm trong lối viết của cú pháp Anh, Mỹ. Như trong: "Hãy trả ngôn ngữ về vị trí độc lập như nó đã từng." , hay "Cần phải trả ngôn ngữ về với ngôn ngữ, về đúng vị trí và chức năng của nó, như nó đã từng." So với kết cấu "được mô tả là" đã nói ở trên, kết cấu này có nhiều phần xa lạ hơn. Hiện tại, nó chưa có nét Việt lắm (cụm "được mô tả là" bây giờ ta đã nghe khá quen); nhưng rồi dần dần, với thời gian, nếu được dùng rộng rãi, có thể nó sẽ trở nên Việt hơn.

Quan sát như thế để thấy rằng: những cách nói, cách viết ấy đang là một hiện thực ngôn ngữ. Những cách dùng từ, đặt câu, diễn ý mới. Chúng bám vào cách nói, cách viết, vào tập quán nói và viết của ta. Rồi dần dần, chúng trở nên những thói quen mới. Nhưng ngôn ngữ là một sự trao đổi, vay mượn, lan toả; ta khó chống cưỡng lại một khi đã nằm trong vòng ảnh hưởng của nó. Thời gian sẽ giúp ta làm công việc lọc lựa. Sự "nhập lưu" khá ồ ạt những yếu tố ngôn ngữ bên ngoài vào dòng chảy của ngôn ngữ Việt, đặc biệt là nơi một số thành phần giới trẻ (vì tuổi trẻ là tuổi dễ mở chính mình ra để tiếp nhận và thử nghiệm những cái mới), dù sao, có những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Bởi thế, điều ta có thể làm là khêu lại cho sáng hơn ngọn lửa ý thức của chính mình. Nơi mỗi người. Để, trong khi ngụp lặn tắm táp và chơi đùa trong dòng, ta không để cho dòng chảy của ngôn ngữ cuốn siết mình qua mọi bãi bờ của nó, và vất đẩy chúng ta vào bất cứ nơi đâu. Điều tối thiểu ấy để tự gìn giữ những nét riêng của ngôn ngữ dân tộc, trong khi vẫn nhận ra nhu cầu hội nhập với toàn thể nhân loại, không hẳn là một điều "bất khả thi", nhưng nó đòi hỏi những nỗ lực của mỗi người và mọi người trong chúng ta, cả ở trong lẫn ở ngoài nước.

Ngược lại, việc thử nghiệm, tìm đến những cái mới, những cái lạ, những cái ở bên ngoài, không hẳn sẽ đưa ta mất dấu, xa lạc khỏi dòng sông ngôn ngữ Việt. Nó cũng có thể đưa ta đến những vùng đất phì nhiêu cho những mùa gặt hái tốt đẹp. Để ta làm giàu thêm cho tiếng nói, chữ viết quê hương. Và, để lặp lại, thời gian sẽ làm công việc của nó. Nó sẽ giúp ta lọc lựa, giữ lại những gì tốt đẹp và cần thiết cho sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc.

*

Nhớ, trong "Tình Ca" của Phạm Duy, quê hương và tiếng quê hương đã là những nét dịu dàng và êm đẹp, nuôi dưỡng ta từ những lúc ta còn thấy mình bé dại bên chân mẹ cho đến khi ta hăm hở những bước vào đời. Từ những bài ca dao, những câu lục bát mềm mại như cánh cò cánh vạc, như con diều lơ lửng trên cao, đến những câu hò câu ví sóng sánh ngập lòng… Tất cả đã là những dưỡng chất nuôi ta lớn lên:

Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên (…)

Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong (…)

(Tình Ca)

Cũng thế, trong thơ của Lưu Quang Vũ, tiếng Việt đã là tiếng mẹ gọi con thiết tha trong hoàng hôn khói sẫm, tiếng cha dặn lúc gieo mạ trên đồng, tiếng mưa dội vỡ oà trên mái cọ, tiếng kéo gỗ, tiếng gọi đò, tiếng cánh đồng rì rào, tiếng cau tre gió thổi. Nó ánh lên hình ảnh của vầng trăng ngọc, hay lấp lánh như những ánh sao rơi trong những đêm quê hương ngày cũ. Nó toả ra mùi đất cày ải ban trưa hay mùi lửa bếp những buổi chiều hôm. Nó mang mùi thơm của bùn đất ướt đẫm lưng trâu hay mùi thơm của những cánh đồng lúa chín… Trong tiếng nói của ta, từ đó vút bay lên thành những dòng chữ viết, có cả một bầu trời quê hương ấm áp. Và tiếng sáo diều vi vút mãi trên đê. Hãy đọc lại ít câu thơ cũ của người thi sĩ đã mất ấy:

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.
Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya
Tiếng lụa xé đau lòng thỏi sợi trắng
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.
Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền gieo mạ lúc đưa nôi
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời. (…)

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.
Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.
Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường. (…)

(Tiếng Việt)

Hy vọng là tiếng Việt/ngôn ngữ Việt, với những chữ và nghĩa của chúng, sẽ giống như một cánh chim bay cao, đưa cặp mắt sáng của nó nhìn khắp núi sông bể cả của đất nước và của nhân loại. Hy vọng nó hít lấy hơi thở của đồng lúa và non sông Việt, cũng như mùi hương xa đem lại từ những phương trời thế giới. Và, hy vọng, với tất cả những của cải tinh thần ấy, những "dưỡng chất trần gian" ấy, nó sẽ đem lại cho chúng ta những niềm vui của cuộc lên đường. Lên đường làm một con người Việt.

Với tự tín, hạnh phúc và bình an.

Bùi Vĩnh Phúc

25 tháng X, 2009

Tustin Ranch, California

_________________________

Chú thích:

(1) Xem Lê Hữu, Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi, tại diễn đàn Da Màu, ngày 21 tháng Mười, 2009, http://damau.org/archives/9635 [1] .

(2) Xem các ý kiến, suy nghĩ, thảo luận của Lê Văn Lý, Trương Văn Chình, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Kim Thản, Đỗ Hữu Châu, Trương Văn Tu, Trương Đông San, Trương Vĩnh Ký, Trần Trọng Kim, Nguyễn Thiện Giáp, Hồ Lê, L.C. Thompson, G. Aubaret, v.v…, trong những biên khảo hay giáo trình ngôn ngữ của họ.

(3) Hai từ "phrase’ trong tiếng Anh và tiếng Pháp là "những người bạn xấu" ("faux amis") của nhau. Trong tiếng Anh, nó có nghĩa là một cụm từ, diễn tả một ý chưa hoàn chỉnh; còn trong tiếng Pháp, nó là một câu, diễn một ý hoàn chỉnh. Nghĩa của "cụm từ", trong tiếng Pháp, trong cái nhìn phân tích ngôn ngữ, đặc biệt trong "ngữ pháp biến-tạo" (transformational grammar, hay transformational-generative grammar / TGG) xuất phát từ Chomsky, là "syntagme". Còn "locution" và "expression" thì cũng là một "cụm từ", nhưng là một cụm từ có sẵn, như một thứ thành ngữ, một dạng "cliché, stock phrase" hay một thứ "fixed colloquation" trong tiếng Anh. Còn "phrase" trong tiếng Pháp thì lại được dùng nhiều trong âm nhạc.

(4) Xem A.A. Gill, Where the Dead Don’t Sleep, trong National Geographic, số tháng Hai, 2009. Hình ảnh của Vincent J. Musi.

(5) Trong tiếng Việt/ngôn ngữ Việt, có nhiều từ có thể vừa là tính từ vừa là trạng từ (kể cả những từ kể trên), tuỳ thuộc vào vai trò của nó trong câu. Có nghĩa là tuỳ vào việc nó bổ nghĩa cho từ nào trong câu. Là một ngôn ngữ không biến hình, không có các vỹ tố, như đa số các ngôn ngữ Ấn-Âu, Việt ngữ không cần thay đổi về mặt hình vị cũng như âm vị khi chuyển một từ từ tính từ sang trạng từ hoặc ngược lại. Ngoại trừ khi người ta muốn thêm hai chữ "một cách" trước một tính từ khi biến nó thành trạng từ để nhấn mạnh (như: "một cách ngây thơ"). (Tuy nhiên, trong tiếng Anh, Pháp, trong đa số trường hợp, khi chuyển một từ từ tính từ sang trạng từ, một vỹ tố, là -ly (charming, charmingly), hay -ment (lente, lentement) sẽ được thêm vào.)

Chẳng hạn từ "ngây thơ", như trong "Đôi mắt nàng nhìn tôi ngây thơ" (trạng từ, nó bổ nghĩa cho "nhìn"), và "Đôi mắt ngây thơ của nàng nhìn tôi dò hỏi " (tính từ, nó bổ nghĩa cho "đôi mắt"). Tuy nhiên, nếu nói "Đôi mắt nàng ngây thơ nhìn tôi " thì phải cẩn thận hơn, vì câu nói này, về mặt ngữ pháp, có thể bị coi là "nhập nhằng", có hai nghĩa: hoặc "ngây thơ" bổ nghĩa cho động từ "nhìn" đứng ngay sau nó, hoặc nó bổ nghĩa cho nguyên cụm từ đứng ngay trước nó là "đôi mắt nàng". Trong ý kiến riêng của mình, đối với câu này, tôi nghiêng về việc cho "ngây thơ" là trạng từ, bổ nghĩa cho động từ "nhìn" đứng ngay phía sau nó. Nếu muốn dùng nó như tính từ, tốt hơn hết, nên viết là "Ngây thơ, đôi mắt nàng nhìn tôi ", hoặc "Đôi mắt nàng, ngây thơ, nhìn tôi ". (Câu cuối cùng này, nếu kéo dài phần vị ngữ ra,ta sẽ nhìn thấy vấn đề rõ ràng hơn: "Đôi mắt nàng, ngây thơ, nhìn tôi dò hỏi.").

Trong tiếng Anh, tiếng Pháp, khi chuyển một tính từ/danh từ sang một động từ (tiếng Việt ít có), có những trường hợp không thay đổi dạng từ (như từ "kiss" trong tiếng Anh), lại có những trường hợp khác đòi hỏi phải có sự thay đổi (như từ "blanc/ blanche" hay "noir" trong tiếng Pháp, thành "blanchir" (làm cho trắng), "noircir" (làm cho đen); hay như "idol" trong tiếng Anh, thành "idolize" (thần tượng hoá (một ai, một cái gì)).

(6) Định nghĩa của "feedback": " the process in which part of the output of a system is returned to its input in order to regulate its further output " (theo wordnetweb.princeton.edu/perl/webwn [2] .)

(7) Về mặt ngôn ngữ, đơn vị ngữ âm âm đoạn (segmental) nhỏ nhất là âm (âm tố), sau đó là âm tiết, âm tự, âm cú. Các đơn vị âm đoạn này luôn gắn với các âm vị siêu âm đoạn (suprasegmental) là thanh điệu, ngữ điệu, trọng âm. Thanh điệu được miêu tả bằng hai tiêu chí là cao độ và đường nét. Về mặt cao độ, trong tiếng Việt, có thanh điệu cao (ngang, ngã, sắc) và thanh điệu thấp (huyền, hỏi, nặng). Về mặt đường nét (âm điệu), có thanh bằng phẳng (ngang, huyền) và thanh không bằng phẳng hay thanh trắc (ngã, sắc, hỏi, nặng). Thanh trắc lại chia thành thanh gãy (ngã, hỏi) và không gãy (sắc, nặng).

Người viết văn, làm thơ, đến một độ nào đó, ý thức hay không ý thức, đều biết lợi dụng những tính chất về thanh điệu này của từ ngữ để tạo thêm, cũng như để kiểm soát, sắc điệu trong những câu văn, câu thơ của mình. Từ đó, đi đến việc tạo hiệu ứng mỹ học tối đa cho sự diễn đạt.

(8) Xem George Orwell, Politics and the English Language, in trong rất nhiều tuyển tập về ngôn ngữ và giáo trình văn học được sử dụng trong các đại học Mỹ.

(9) Xin xem Bùi Vĩnh Phúc, Chữ & Nghĩa, Quo Vadis?, đăng làm hai kỳ trên diễn đàn Talawas, ngày mồng 2 tháng Hai, 2005, tại http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=3760&rb=06 [3] .

bài đã đăng của Bùi Vĩnh Phúc


Mấy Tưởng Khúc với/về Phạm Công Thiện - 14.03.2011
Dịch và... dịch: một thoáng nhìn - 30.12.2010
Những Giấc Mơ Trộn Lẫn... - 24.11.2010
Cao Xuân Huy, một ngọn gió đã bay xa (*) - 17.11.2010
Nhân vụ Trái Phá & Tình Yêu, bàn về chuyện chữ nghĩa, câu cú, dịch thuật, và phê bình - 20.10.2010
Tình Yêu & Con Tim trong Tình Sầu của Trịnh Công Sơn: một thoáng dư ba (góp ý với Đinh Từ Bích Thúy và Thái Kim Lan) - 20.04.2010
Trên những đường bay của chữ - 02.11.2009
Về liên hệ giữa người quan sát, thiết bị đo và vật được quan sát - 22.08.2009
Về Tính Vũ Đoán trong Viết, Đọc, và Thẩm Thức Văn Chương - 18.08.2009
Vấn đề thẩm thức một tác phẩm nghệ thuật - 12.08.2009
Nghệ Thuật Ngôn Ngữ Trong Ca Từ của Trịnh Công Sơn - 21.04.2009
Trên Những Lớp Sóng Của Mùa Biển Động - 27.03.2009
Nỗi Băn Khoăn Của Nguyễn Mộng Giác (*) - 25.03.2009
20 Comments (Open | Close)
20 Comments To "Trên những đường bay của chữ"

#1 Comment By Trinh – Trung Lap On 3 November 2009 @ 4:20 am

Thưa GS. Bùi Vĩnh Phúc !

Bài viết của GS. cũng như bài viết của Anh Lê Hữu vừa qua, có những dẫn dụ rất lôi cuốn, sinh động, và quan trọng nhất là rất hữu ích !

Bài viết thật chí lí, và chí tình ! Tôi có cảm tưởng GS. đã giải thích vấn đề ngôn ngữ(đang nóng trên Damau) chuyên nghiệp như 1 nhà ngôn ngữ học cũng như 1 nhà xã hội học ! (mặc dù tôi chưa có hân hạnh được biết GS. chuyên nghiên cứu lãnh vực nào!)

Tất nhiên có 1 số chi tiết trong bài viết của GS. thể hiện quan điểm khác với bài viết của Anh Lê Hữu nhưng điều đó “bình thường thôi”, vì như GS. nói “Ngôn ngữ làm nên con người” mà !

Tuy nhiên, bài viết của GS. và bài viết của Anh Lê Hữu có 1 điểm chung là chưa phân loại tách bạch 2 phong cách của ngôn ngữ “formal language” và “informal one”. Mong 2 tác giả nếu có điều kiện hãy viết thêm về 2 “styles” này cho độc giả thoả lòng mong đợi ! Ý kiến của tôi là trong những tình huống nào đó đòi hỏi người ta phải sử dụng “formal language”, như đàm phán chính trị, hợp đồng kinh tế, diễn thuyết 1 vấn đề nào đó,trình bày 1 vấn đề có tính nghiêm túc,….Nhưng có hằng hà sa số tình huống của cuộc sống mà chỉ bằng “informal lang.” mới làm cho người ta “đáng yêu hơn”, và cuộc sống “funny hơn” (như GS. BVP và Anh LH cũng có đôi chỗ đề cập vấn đề này).

Tôi nghĩ nếu phân loại rõ ra 2 văn phong/lối nói rõ ràng như vậy sẽ hữu ích hơn nữa cho độc giả, nhất là các cháu nhỏ “trong nuớc” và “hải ngoại” dùng “đúng” tiếng Việt hơn.

Tôi nhớ có 2 Linh mục Việt kiều kể 1 câu chuyện vui như sau :
“…1 người đến khoe với chúng tôi : “ 2 Cha ơi ! con của con bữa nay chào hỏi tiếng Việt giỏi lắm, 2 Cha hãy xem này” và ông ấy quay sang đứa bé, nói : “con chào 2 Cha đi con”.
Thật bất ngờ và thú vị, đứa bé quay sang nhìn chúng rồi nhìn bố nó và lanh lẹ tươi cười hỏi “Dạ vâng, nhưng con chào “đứa” nào trước ạ….!!!!!!!!”……??????

Câu chuyện của các vị Linh mục (về Việt nam chơi) hôm ấy đã làm cho cả nhà thờ phải cười “vỡ” chảy cả nước mắt….vì rất “đáng yêu” cho đứa bé ! hii hiii

Trân trọng chúc GS. và Anh Lê Hữu nhiều sức khoẻ và có thêm nhiều bài viết thú vị nữa về….ngôn ngữ. Xin chân thành cám ơn !

Yours faithfully !
(không dám diễn tả tiếng Việt vì sợ “sến” như anh Ngô Nguyên Dũng, nhân tiện chúc anh NND sức khoẻ ….tiếp tục nhé !)

TTL

#2 Comment By Bùi Vĩnh Phúc On 4 November 2009 @ 7:46 am

Kính gửi anh Trinh-Trung Lap,

Xin cám ơn lời khen tặng của anh. Tưởng chỉ viết lách cho vui, được anh cho biết là bài viết có ích, tôi rất cám ơn. Đã lâu, tôi cũng không viết gì về vấn đề ngôn ngữ. Nhân bài viết của anh Lê Hữu, đưa ra được nhiều vấn đề đáng thảo luận, tôi lại được đọc thêm một số chia sẻ đáng quý và thú vị của một số bạn đọc, nên tôi cũng có đôi chút hứng thú.

Anh hỏi, tôi xin đáp vắn gọn là tôi có được học và đào luyện trong cả hai ngành Xã hội học và Ngôn ngữ học, nhất là về ngôn ngữ. Nhưng cái học ở nhà trường, dù sao, cũng chỉ giúp ta có một cái nền, một căn bản để làm việc thôi. Tôi học được trong đời sống và trong sách vở nhiều hơn.

Câu hỏi của anh về "formal/informal language" là một câu hỏi rất rộng. Khó trả lời vắn tắt được. Anh dùng các từ tiếng Anh ("formal/informal language") đế hỏi, vậy tôi xin phép nói qua về vấn đề đó trong tiếng Anh, rất vắn tắt , rồi thử liên hệ chút ít qua tiếng Việt xem sao. Những điều sau đây là nói một cách tổng quát.

Trong tiếng Anh, "formal language" thường không dùng lối nói hay viết tắt ("contractions"): "I will see you later.", chứ không "I’ll see later."; hay "I have to use a different pen because this one is out of ink!", chứ không "I have to use a different pen cuz this one is outta ink!".

"Formal language" thường dùng ít/ít dùng những "phrasal verbs" (verbs đi với một "particle" như một preposition hay một adverb, hay với cả hai, như: eat out, eat up, eat away, eat in, get over with...). "Phrasal verbs" thường xuyên được dùng trong đàm thoại hàng ngày thay cho việc dùng những động từ gốc Latin; thí dụ, dùng “to put off” hơn là dùng “to postpone”, hay dùng “to get together” thay vì dùng “to congregate”, v.v… Đối với "formal language", các giáo sư Anh văn thường khuyên ta không nên dùng hoặc tránh dùng các "phrasal verbs", để giúp cho câu văn được trở nên trang trọng hơn. Dù sao, các "phrasal verbs" rất quan trọng trong tiếng Anh, vì chúng làm câu văn thêm mắm muối đậm đà với các ý nghĩa bóng bẩy, nhiều khi mang đầy chất ẩn dụ của chúng.

"Formal language" thường dùng nhiều từ vựng có gốc Latin và Pháp, đại khái là dùng chữ lớn, chữ nghiêm trọng, đôi khi có vẻ như "nổ" (Nói cho vui thôi! Dĩ nhiên là những từ được "nổ" đúng trong văn cảnh và ngôn cảnh của chúng thì sẽ được kêu là "chính xác" chứ không phải là "nổ" nữa). Người ta dùng nhiều thì quá khứ của trợ động từ hơn: dùng "should" thay vì dùng "must". Dùng ngôn ngữ gián tiếp (passive voice chẳng hạn) nhiều hơn để tạo sự gián cách, để không có vẻ cá nhân quá, hay "gần gũi" quá. Dùng nhiều tiếng đồng nghĩa ("synonyms") hơn để tránh phải lập lại các từ ngữ đã dùng. Và, câu nói hay lời viết được "tổ chức" một cách kỹ lưỡng và sâu sắc hơn.

Chuyển qua tiếng Việt, ta có thể tạm đưa ra thí dụ giản dị sau. Hãy xét những từ "xài", "dùng", và "sử dụng". Không xét vào những sắc thái khác biệt tế nhị ("nuances") giữa chúng mà gần như tất cả các từ đồng nghĩa đều có, so với nhau, một cách tổng quát thì cả ba từ này đều dùng để chỉ chung một khái niệm. Nhưng "xài" thì ít tính nghi thức nhất; ở đầu bên kia, có tính "nghi thức" nhiều hơn, là từ "sử dụng". "Dùng" nằm ở giữa hai cực đó; vì thế, nó có thể được dùng trong cả hai bối cảnh. Hai từ "đầu mút" kia không có được sự "thoải mái" đó.

Một từ gần gũi hơn: chết. Ta thử liệt kê ra đây một số từ/cụm từ, từ "ít nghi thức" nhất đến "hết sức nghi thức, trang trọng": ngủm củ tỏi, ngủm cù-đeo, đi mò tôm, chầu Diêm Vương, đi chầu tổ, đi bán muối, đi ăn xôi, chết, mất, qua đời, từ trần, thất lộc, đi theo các cụ, về với Chúa, về hưởng nhan thánh Chúa, về đất Phật, về Niết Bàn, về cõi Cực Lạc, về Thiên Đàng, v.v... Không thể trả lời người khác rằng "Bố tôi ‘ngủm củ tỏi’ rồi!" khi người ta hỏi, "Không dám, cho tôi hỏi ông cụ nhà anh có khoẻ không?". Trong trường hợp đó, ta không thể dùng "informal language" được, mà phải dùng một ngôn ngữ "formal" hay "very formal" để trả lời câu hỏi, thì mới được xem là người "tỉnh táo" và "có văn hoá". Phải dùng một trong những từ có tính phần nào trang trọng như "mất", "qua đời", "từ trần" trở đi, tuỳ hoàn cảnh cho thích hợp. Ngay trong một mẫu đơn tiếng Anh, hỏi về người thân của đương đơn, nếu người ấy đã qua đời, đương đơn phải ghi là "deceased", hay "passed away", chứ không thể ghi là "kicked the bucket" (!) được.

Nói về chuyện "chết chóc", không vui tí nào. Xin chia sẻ hai câu thơ dưới đây, cũng liên hệ đến "đề tài" chết, nhưng rất vui. Một lần, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, trong khi chở tôi đi lang thang, lòng vòng Hà Nội, đã đọc cho tôi nghe câu thơ lục bát "nổi tiếng" sau đây của Hà thành lúc ấy (trong đó câu bát rất đáng nhớ). Nhà phê bình chỉ đọc, không phụ chú, không "có lời bàn Mao Tôn Cương" chi cả, nhưng tôi hiểu và "suy rộng ra" là: câu thơ… khuyên bảo người ta phải ăn ở cho đàng hoàng, tử tế, cho nhân ái, trung hậu, vì, tất cả, ai rồi thì cũng sẽ phải "đi đến chỗ ấy": Rồi ra tất cả chúng ta / Đều lên nóc tủ …ngắm gà khoả thân (nếu tôi nhớ không nhầm thì là của nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh).

Trong cuộc sống bình thường, vâng, đúng như anh nói, dùng "informal language" giúp chúng ta thư giãn và dễ thở hơn. Và, đúng thế, nhiều lúc nó làm cho chúng ta cười vui thoải mái nữa. Nhưng khi nào cần dùng "formal language" thì ta vẫn phải dùng nó. Dùng ngôn ngữ đúng ngữ cảnh cũng là một thứ quy ước xã hội.

Còn câu nói mà cháu bé hỏi bố trước khi trả lời hai vị linh mục trẻ, trong câu chuyện của anh, theo tôi, không phải là một thứ "informal language", nhưng là một cách nói chưa "thấm nhuần văn hoá", chưa "nhuyễn", vì sức học chưa tới, đối với một em nhỏ dùng tiếng Việt không phải như tiếng mẹ đẻ. Nó buồn cười và ngộ nghĩnh, thậm chí "đáng yêu"–như anh nói–, trong khung cảnh riêng của nó.

Trân trọng,

Bùi Vĩnh Phúc

#3 Comment By My Khanh On 4 November 2009 @ 10:44 am

Câu hỏi hay. Câu trả lời rất rõ ràng.

Cám ơn tác giả đã cho người đọc thêm nhiều kiến thức.

#4 Comment By Trịnh – Trung Lập On 4 November 2009 @ 6:19 pm

Kính thưa GS. Bùi Vĩnh Phúc !

Chân thành cám ơn GS. đã dành thời gian đọc và trả lời comment của tôi.

Những ví dụ minh hoạ của GS. về formal/informal language, đặc biệt trong tiếng Anh, thật tuyệt vời đối với tôi (người đang học tiếng Anh as a beginner ! ). Thật bổ ích với tôi, thưa GS. !

Cũng xin cám ơn GS. đã cất công “trích ngang chút xíu lý lịch” vì câu hỏi hơi đường đột (personal) của tôi… Do lâu nay, thấy các anh trên Damau rất vui tính, nên tôi sử dụng informal language hơi “bị nhiều” (nhất là từ khi anh Đặng Tiến cứ chủ trương “vui thôi mà”…). Nay, đọc comment của GS., cách GS. trả lời cho độc giả, tôi cảm nhận được 1 phong cách làm việc rất nghiêm túc và rất mô phạm của GS. Thưa GS. thật may, trong khi chờ đợi hồi âm của GS., tôi đã đọc được trên mạng về học vấn và quá trình làm việc, cũng như các bài viết (có liên quan đến ngôn ngữ) của GS. Xin được phép chân thành bày tỏ lòng cảm mến đối với GS. (nhất là những bài của GS. về Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).

Tôi cũng xin đính chính 1 chút nhầm lẫn trong cách diễn tả chưa rõ ràng của tôi về ví dụ đứa bé “Việt kiều” trong comment lần trước. Đó không phải là “informal language” như GS. đã trả lời. Tôi đưa ra ví dụ đó chỉ nhằm kết luận rằng 2 bài viết của GS. và Anh Lê Hữu quả rất hữu ích cho những người đang “sử dụng” (chứ không phải “nói”) tiếng Việt, nhất là những thế hệ thứ 2,3,4-người Việt đang sinh sống ở hải ngoại, nhiều khi nói tiếng Việt rất…buồn cười.

Cuối cùng, 1 lần nữa xin chân thành cám ơn GS. và mong được đọc nhiều hơn nữa những bài viết của GS.

Trân trọng kính chào GS !

Trịnh Trung Lập

#5 Comment By Túc Trí On 5 November 2009 @ 11:18 am

Bài viết của ông Bùi Vĩnh Phúc và của ông Lê Hữu, theo tôi, là hai bài có những đóng góp hữu ích về ngôn ngữ và tiếng Việt. Tôi đánh giá cao cả hai bài và không có ý định so sánh, tuy nhiên, do phản hồi của anh Trinh Trung Lap nói là “có một số chi tiết trong bài viết của GS. thể hiện quan điểm khác với bài viết của Anh Lê Hữu”, tôi thử tìm hiểu “quan điểm khác” ấy là gì?
– Ông LH nói : “Ngôn ngữ không làm nên con người”. Ông BVP nói : “Ngôn ngữ làm nên con người” (đúng ra, ông BVP viết là “ta cũng thường nghe thấy những phát biểu như, ‘Ngôn ngữ làm nên con người’”, nên không chắc lắm đấy là quan điểm của ông).
– Ông LH nói: “Đành ngậm ngùi cho ‘tiếng Việt cũ’ từng làm nên văn hóa miền Nam Việt Nam một thời, nay chìm dần trong lãng quên”. Ông BVP nói : “Cái ‘ngậm ngùi’ đó là một sự ngậm ngùi rất tự nhiên, thậm chí rất ‘cảm tính’, khởi đi từ lòng thiết tha đến những kỷ niệm cũ, gắn bó với những cung cách ăn nói cũ, gắn bó với một số khía cạnh văn hoá, xã hội mà những từ ngữ kia mang chứa trong mình.
Đó là một phản ứng tự nhiên, vì con người, xét về mặt văn hoá, nói chung, luôn muốn tiếp xúc với sự quen thuộc…”
Tôi thấy hai quan điểm ấy không hẳn là khác nhau, chỉ là một bên “ngậm ngùi”, một bên “giải thích” cái ngậm ngùi ấy.
Các khác nhau về quan điểm, nếu có, theo tôi là ở phần kết của hai bài : ông LH tỏ ra ngậm ngùi rằng ngôn ngữ đôi lúc đã khiến cho con người phải xa nhau: “Bao giờ cho đến bao giờ, những con người cùng chung tiếng nói, cùng một chữ viết không còn nữa những ‘bất đồng ngôn ngữ’, để cho ngôn ngữ không phải… ngậm ngùi”. Trong lúc ấy, ông BVP không đề cập gì đến chuyện “ngậm ngùi” ấy, và tỏ ra lạc quan : “Hy vọng là tiếng Việt/ngôn ngữ Việt, với những chữ và nghĩa của chúng, sẽ giống như một cánh chim bay cao….., nó sẽ đem lại cho chúng ta những niềm vui của cuộc lên đường”.
Không rõ kết luận ấy có phải là “thể hiện quan điểm khác với bài viết của Anh Lê Hữu” như anh Trinh Trung Lap nói?

Ngoài ra, những khác biệt về chi tiết ở hai bài ấy không có nhiều và không phải là “khác quan điểm”.
Nói về chi tiết, có một chỗ tôi cho là ông BVP hiểu “lệch” ý (không dám nói là sai ý) của ông LH, khi viết: “‘Từ láy’ hay ‘từ lấp láy’ không hẳn chỉ gồm ‘một chữ có nghĩa, chữ kia chỉ là đệm vào cho xuôi tai chứ chẳng có nghĩa gì cả’” [Xin xem lại bài của Lê Hữu, chú thích (1)]”. Theo chỗ tôi hiểu, ông LH không làm công việc “định nghĩa” từ láy. Câu ấy (“từ ngữ láy, một chữ có nghĩa, chữ kia chỉ là đệm vào cho xuôi tai chứ chẳng có nghĩa gì cả”) được ông LH cho vào trong ngoặc đơn, tiếp theo sau các từ “khe khẽ”, “nhẹ nhàng”, “êm ả”, “ồn ào”, “gần gũi”, “lạ lùng”…, là để chỉ ra cái tên gọi (từ láy), và cái “dạng” của từ láy ấy (một chữ có nghĩa, chữ kia không có nghĩa), nhằm thuyết phục người đọc chấp nhận những “từ láy mới” có cùng một cái “dạng” (form) láy y như thế, như “khẽ khàng”, “im ả”, “yên ắng”, “ồn ã”, “gần gụi”, “lạ lẫm”… (Nếu cách hiểu của tôi ở phần này là sai, xin ông LH cho biết).
Do cách hiểu như thế, ông BVP bèn đưa ra…định nghĩa, giải thích, phân loại từ láy.
Dù sao, qua hai bài viết về ngôn ngữ, chúng ta thấy hai tác giả đã gặp nhau ở điểm chung là tình yêu tiếng Việt/ngôn ngữ Việt.
Xin có một vài ý như trên về bài viết công phu của ông BVP.



#6 Comment By Bùi Vĩnh Phúc On 5 November 2009 @ 5:25 pm

Kính gửi ông/bà My Khanh,
Xin được cám ơn nhận xét và ý kiến quý báu của của ông/bà.
***
Kính anh Trinh-Trung Lap,
Thành thật cám ơn những đánh giá rộng rãi của anh về tôi. Tôi cũng rất trọng và quý sự chân thành của anh trong vấn đề cầu học. Trong sự học hỏi để tiến bộ mỗi ngày, chúng ta ai cũng phải cố gắng, vì mình có thể học được từ mọi người và từ mọi điều trong cuộc sống.


Lần trước, về vấn đề “formal/informal language”, tôi quên chưa chia sẻ thêm với anh là, trong tiếng Việt, ngôn ngữ mang tính nghi thức thường dùng nhiều từ Hán-Việt, vì lớp từ này, với những âm vang và dấu ấn của nó, thường đem lại sắc thái trang trọng, nghiêm cẩn cho ý tưởng được trình bày hay diễn đạt. “Xài” với “sử dụng”, hay “chết” với “thất lộc”, khác nhau là ở chỗ đó. Điều ấy cũng giống như trong tiếng Anh, từ ngữ gốc Latin nghe trang trọng hơn những từ bình thường; từ đó, “to congregate” (Middle English, gốc Latin) nghe “trang trọng” và “nhã nhặn” hơn “to get together”. Cho dù, mỗi từ và mỗi cách dùng đều có giá trị và chỗ đứng của nó trong ngôn ngữ. Vấn đề là dùng đúng chỗ, đúng văn cảnh hay ngôn cảnh thôi.

Trong văn chương Việt, phong cách và ngôn ngữ của Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan cho thấy khá rõ sự đối chọi đó và giá trị của chúng. “Một đèo, một đèo, lại một đèo…”, hay “Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi / Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi / Quân tử có thương thì bóc yếm / Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi” thì khác hẳn ” Gác mái ngư ông về viễn phố / Gõ sừng mục tử lại cô thôn” và “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”… Hai lớp ngôn từ khác hẳn nhau, đưa đến những cảm xúc, những giá trị văn chương cũng khác nhau. Nhưng cả hai đều có chỗ đứng của chúng.
Ngoài ra, một chuyện khác. Cách dùng từ “ấn tượng” ở Việt Nam. Trong bài, tôi trình bày chưa thật kỹ. Dùng theo kiểu Anh Mỹ, như một thứ động từ (thể thụ động), to be impressed with : “He cannot fail to be impressed with her new ‘ao dai’.” (“Hắn không thể nào không ấn tượng với chiếc áo dài mới của nàng.”–Nàng chỉ mong được khoe áo mới, hắn mà không “ấn tượng” thì chết với nàng. Sẽ phụng phịu đòi “nghỉ chơi” ngay!). Người ta có thể dễ dàng bắt gặp kiểu nói “Tôi thật ấn tượng với cách trình diễn của ca sĩ X” nơi những người trẻ trong nước. Còn dùng theo lối tính từ, impressive : “Điệu nhảy ấy thật là ấn tượng!” (theo kiểu tiếng Anh: “Bali Dance is very impressive for me for its unique style.”).
Một lần nữa, cám ơn những ý kiến của anh. Về cung cách trình bày, diễn đạt, tôi nghĩ mỗi người có thể có một phong cách khác nhau. Tôi thấy anh, cũng như các anh chị khác, mỗi người mỗi cách, góp những ý kiến hữu ích, vui, và thú vị lắm.
Trân trọng,
Bùi Vĩnh Phúc

#7 Comment By Bùi Vĩnh Phúc On 5 November 2009 @ 7:21 pm

Kính anh Túc Trí,
Cách nhận xét của anh cho thấy anh đã đọc các bài vở rất kỹ.
Nhận xét về bài viết của anh Lê Hữu và bài của tôi, anh Trinh-Trung Lap cho là có một số chi tiết trong bài viết của tôi thể hiện quan điểm khác với bài viết của anh Lê Hữu, còn anh thì cho là quan điểm của hai bài viết “không hẳn là khác nhau”. Nếu được phép có ý kiến, tôi cho là anh TTL có cái lý của anh ấy, và anh cũng thế. Chỉ là góc độ nhìn và cách nhìn.
Cũng như ta có những câu “Không Thày đố mày làm nên“, và “Muốn sang thì bắc phù kiều / Muốn con hay chữ thì yêu lấy Thày”, nhưng lại cũng có “Học Thày không tày học bạn”. Không phán đoán hay chia sẻ nào về vai trò của thày, của bạn, hay về cái nhìn về vị trí của người thày, người bạn trong cuộc sống ta, nơi những câu nói trên là sai, mặc dù, nhìn trên mặt chữ, câu tục ngữ đầu và câu ca dao có vẻ như đưa ra những phát biểu khác với câu tục ngữ cuối. Ngôn ngữ, văn hoá cũng giống như một viên kim cương. Nó có nhiều mặt khác nhau. Các cụ ta không “ba phải” hay tự mâu thuẫn khi đưa ra những “phát biểu” có vẻ trái chiều nhau này. Chỉ là các cụ nói về những khía cạnh khác nhau của vấn đề.
Cũng thế, hai cách nói “Ngôn ngữ không làm nên con người” và “Ngôn ngữ làm nên con người”, theo tôi, cũng là hai cách nhìn về một vấn đề, với hàm ý nhấn mạnh vào góc độ nhìn. Còn quan điểm của những người đưa ra hai cách nhìn (có vẻ trái chiều) như thế về vai trò (quan trọng) của ngôn ngữ (trong cuộc sống con người) thì chưa chắc là khác nhau. Cùng một sự kiện, chỉ có cách nhìn là khác nhau thôi. Cũng như nói “Ly nước cam này đã vơi một nửa!”, và nói “Ly nước cam này còn một nửa.” thì cũng không khác nhau đâu, trong cái nhìn sự kiện. Thật sự, chúng chỉ khác nhau ở cái dấu chấm thường và cái dấu chấm than thôi. Những cái dấu biểu tỏ cảm xúc và thái độ của người nhìn, người phát biểu.
Tóm lại, chỉ là những cái nhìn, từ những góc độ khác nhau, về cùng một vật, một sự. Vậy thì anh TTL cũng có lý, mà anh cũng rất sắc, nhìn ngay ra sự có thể nói là “đồng thuận” ấy nơi quan điểm của hai bài viết.
Về chuyện từ láy, cũng cám ơn nhận xét của anh. Tôi cũng không cho là anh LH trình bày không đúng hay hiểu sai về từ láy, nhưng tôi ngại là cách trình bày trong bài của anh LH có thể đưa đến việc có những người sẽ hiểu từ láy một cách quá giới hạn. Anh LH viết: “Công bằng mà nói, bên mình có những từ ngữ “khe khẽ”, “nhẹ nhàng”, “êm ả”, “gần gũi”, “lạ lùng”… (từ ngữ láy, một chữ có nghĩa, chữ kia chỉ là đệm vào cho xuôi tai chứ chẳng có nghĩa gì cả) thì cũng phải cho người ta… “. Nếu câu giải thích trong ngoặc đơn ấy là: “(từ ngữ láy, theo dạng một chữ có nghĩa, chữ kia chỉ là …)” thì ta sẽ loại trừ được khả năng có thể có người sẽ hiểu sai đi, cho rằng “từ láy” chỉ có một cách kết hợp. Chính vì thấy câu giải thích của anh LH không sai (chỉ có thể là chưa đủ), nên tôi đã cẩn thận viết trong bài của mình: “‘Từ láy’ hay ‘từ lấp láy’ không hẳn chỉ gồm ‘một chữ có nghĩa, chữ kia chỉ là đệm vào cho xuôi tai chứ chẳng có nghĩa gì cả’” [Xin xem lại bài của Lê Hữu, chú thích (1)]”. Tôi in nghiêng cụm “không hẳn” ở đây. Tôi đã tránh dùng cụm “không phải”, và trình bày đôi chút về “từ láy” trong bài của mình, vì những suy nghĩ tôi đã trình bày ở trên.
Bài của anh LH là một bài viết thiết tha, tâm huyết, lại đưa ra được những vấn đề đáng quan tâm, cho dù là từ những khía cạnh và góc độ khác nhau. Còn phần góp ý của anh đã đưa ra nhiều nhận xét thích đáng và quý báu.
Xin cám ơn anh Lê Hữu. Xin cám ơn anh Túc Trí. Chúc các anh luôn vui mạnh.
Trân trọng,
Bùi Vĩnh Phúc

#8 Comment By Trinh – Trung Lap On 5 November 2009 @ 8:09 pm

Ông Túc Trí nói : “……..– Ông LH nói : “Ngôn ngữ không làm nên con người”. Ông BVP nói : “Ngôn ngữ làm nên con người” (đúng ra, ông BVP viết là “ta cũng thường nghe thấy những phát biểu như, ‘Ngôn ngữ làm nên con người’”, nên không chắc lắm đấy là quan điểm của ông).”

-Ông Lê Hữu nói : “…….Ngôn ngữ là tài sản chung của dân tộc, chắc không ai phủ nhận điều này. Ngôn ngữ là sản phẩm của con người, chứ không… làm nên con người. Tiếng Việt cũng không ra khỏi lẽ ấy. Tiếng Việt dùng chung cho cả nước. “Người phát minh” ra tiếng Việt không hề có ý định cấp giấy phép cho “bên” nào đặc quyền sử dụng; vì vậy, thiết tưởng ta cũng không nên làm cho tiếng Việt–ngôn ngữ của nước ta–trở nên “phức tạp” 1.
Nếu ta có thể “nhất trí” được với nhau, tiếng Việt là những “tiếng” được ghi lại trong các bộ tự điển tiếng Việt của cả miền Bắc lẫn miền Nam thuở trước (tất nhiên những bộ tự điển này luôn cần được bổ sung) thì không có chữ nào, tiếng nào là độc quyền của “bên” nào. Bên nào xài cũng được, miễn là chịu khó xài cho đúng…..”

- Ông Bùi Vĩnh Phúc nói : “……Ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp. Nói “ngôn ngữ” là “công cụ” có nghĩa là xem ngôn ngữ, ở một khía cạnh nào đó, như cái đục, cái cưa, cái bào, thậm chí cái khẩu súng, cái máy bay, v.v…, để con người sử dụng trong ý hướng của mình. Là một công cụ, nhưng, không như những công cụ khác, ngôn ngữ lại là một công cụ gắn chặt với cuộc sống con người và, rất nhiều khi, cho cái cuộc sống ấy một ý nghĩa. Bởi thế, ta cũng thường nghe thấy những phát biểu như, “Ngôn ngữ làm nên con người”, hay “Anh nói năng ra sao thì con người anh hiển hiện ra đó”….”

-Theo Trịnh Trung Lập hiểu :
1. Ý Ông Lê Hữu : Ngôn ngữ là tài sản chung (từ chung có nghĩa tợ tợ như “của chồng công vợ vậy”), không được và càng không nên phân chia Việt nam bằng những vĩ tuyến ngôn ngữ
2. Ý Ông Bùi Vĩnh Phúc : Ngôn ngữ phản ánh quan điểm, tính cách,…….nói chung là những gì rất “personal” của người phát ra/viết ra nó. Và trong 1 nghĩa rộng hơn (có thể là từ lí trí tự do liên tưởng của độc giả) ngôn ngữ địa phương, sự phân chia ngôn ngữ do ranh giới chính trị, tính giai cấp của ngôn ngữ,…… có thể phản ánh một cách hiển hiện con người địa phương, con người chính trị, bản chất giai cấp của con người đó.

Ông Túc Trí có thể nhầm lẫn ở chỗ, khi Tác giả BVP trích dẫn : “….Bởi thế, ta cũng thường nghe thấy những phát biểu như, “Ngôn ngữ làm nên con người”, hay “Anh nói năng ra sao thì con người anh hiển hiện ra đó”….” tức là Ông BVP đã đồng ý với quan điểm đang được trích dẫn.

Thật ra những liên tưởng của tôi có thể không nằm trong ý định diễn tả của 2 tác giả. Thế nhưng, cái tuyệt vời của văn chương là chỗ ấy “Khơi gợi lí trí tự do nơi người đọc” và cứ thế những hệ quả (xin lưu ý không phải là hệ luỵ) của những định đề văn chương cứ tiếp diễn trên diễn đàn này và trong sáng tạo nghệ thuật…

#9 Comment By Lê Hữu On 5 November 2009 @ 11:50 pm


Xin được trả lời anh Túc Trí: anh đúng, và anh Bùi Vĩnh Phúc đúng. Người sai là tôi.
Câu ấy lẽ ra phải viết như câu anh Bùi Vĩnh Phúc đề nghị, hoặc: “… (một dạng từ ngữ láy: một chữ có nghĩa, chữ kia chỉ là đệm vào cho xuôi tai chứ chẳng có nghĩa gì cả)…” Nói/viết mà người nghe/đọc không hiểu, không hiểu rõ, không hiểu đúng… là cái lỗi của người nói/viết. Xin nhận lỗi này. Cái sai của tôi cũng là cái sai của người không sử dụng thành thạo “công cụ ngôn ngữ”.
Tôi cũng “nhất trí” với anh Trịnh Trung Lập và anh Túc Trí là nội dung hai bài có khác chút chút về quan điểm, và tôi cho là có “khác” như vậy mới vui, mới thú vị và mới bổ ích (hơn là “mình nói mình nghe” thì chán chết!). Hơn nữa, nếu anh Bùi Vĩnh Phúc “nhất trí 100%” nội dung bài tôi viết thì anh ấy đã chẳng viết ra làm gì, và như thế thì thiệt thòi cho chúng ta biết mấy!!! Có phải không hai anh?

Phần diễn giải về formal/informal language của anh BVP rất rành rẽ và lý thú!
Xin cám ơn anh Bùi Vĩnh Phúc đã dành thì giờ đọc bài tôi “tản mạn về tiếng Việt”, và phát triển thêm nhiều ý mới trong bài viết của anh. Nhân nói về cái tính từ “tản mạn”, nhất trí với anh là ta có thể “dùng theo nghĩa là một động từ, có nghĩa là ‘nói chuyện lan man’”; tuy nhiên, cách dùng này vẫn chỉ là…“informal” (và chỉ trở thành “formal” khi nào cái “nghĩa mới” ấy được chính thức thừa nhận và được cập nhật trong tự điển tiếng Việt). Có một trường hợp tính từ được dùng theo nghĩa là một động từ, có nghĩa là “đấu hót”, “chuyện trò linh tinh lang tang” mà tôi rất “chịu”, đó là cái từ “lai rai” trong tựa sách “Lai rai chén rượu giang hồ” (Tiểu luận về Kim Dung, Huỳnh Ngọc Chiến), nghe rất là “khẩu khí Kim Dung”. Và chỉ có “lai rai” thôi, chứ không “lai rai về…” Tôi thích nói “Lai rai tiếng Việt trong và ngoài nước” hơn là nói “Tản mạn về tiếng Việt trong và ngoài nước”. Tuy nhiên cả hai cách nói này đều là…“informal language”.

Và cũng “tản mạn” thêm một chút về từ “biểu diễn” mà anh đề cập trong bài. Cái từ này theo tôi biết, từng được người ngoài Bắc sử dụng từ ngày xửa ngày xưa, và đến nay vẫn tiếp tục sử dụng. Nói “Đoàn văn công biểu diễn phục vụ bộ đội trong chiến dịch ĐBP” nghe được hơn là nói “Cô văn công biểu diễn bài ‘Ngày mùa’ của Văn Cao”. Biểu diễn, theo tôi, nghiêng về động tác hơn là lời. Ta vẫn nghe “biểu diễn ảo thuật / đu bay / múa rối dưới nước / khiêu vũ trên băng…” Về các tiết mục văn nghệ, ta nói “biểu diễn” một điệu múa, một nhạc cụ, hơn là biểu diễn một bài hát, một bài thơ… (ngoại trừ nhái giọng muông thú, giả giọng nhân vật nào đó…). Giới thiệu một màn đơn ca, MC thường nói: “Ca sĩ TT sẽ trình diễn/trình bày/diễn tả/thể hiện một ca khúc…” (hơn là “‘biểu diễn’ một ca khúc”).

Chỉ xin “trao đổi” chút chút với anh cho vui vậy. Cá nhân tôi vẫn chủ trương “thông thoáng”, “mềm dẻo”, “linh hoạt” (tôi thích những từ “mới” này) trong việc sử dụng ngôn ngữ, có nghĩa là muốn nói, muốn viết thế nào tùy nghi, miễn sao đối tượng “get the message thru” là ok. (Tất nhiên “chủ trương” này không áp dụng cho…formal language).
Trân trọng.

#10 Comment By Điền L. On 6 November 2009 @ 6:36 am

Cám ơn GS Bùi vĩnh Phúc về bài viết rất hữu ích và nhất là với giọng văn lôi cuốn. Tiện đây tôi cũn chia xẻ một kinh nghiệm về đề tiếng Việt trước vả sau 75.
Một lần về VN tôi tỏ ra khó chịu với những từ như “bóng đá” thay thế cho “đá banh”, “đăng ký” cho “ghi tên” và những từ dùng tiếng Hán Việt thay vì dùng tiếng thuần Việt như “bức xúc” thay vì “khó chịu”. Tôi than phiền với ông anh họ. Tưởng ông đồng ý với tôi, ai ngờ ông hỏi vặn “nếu gọi bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn được thì bóng đá có gì sai?”. Ông bảo tôi “đăng ký” là register còn “ghi tên” là enrolment. Còn “tổng cuộc túc cầu” mà bảo hay hơn “liên đoàn bóng đá” thì có thể, nhưng bảo sai hay thuần Việt thì không đúng. Tôi không cãi được.

#11 Comment By Huỳnh Phan On 8 November 2009 @ 7:56 am

Bài viết của tác giả với việc đưa ra mốt số khá niệm,/quy luật ngôn ngữ cơ bản cùng với việc mổ xẻ một số ví dụ cụ thể có tác dụng refresh kiến thức ngôn ngữ, làm sáng tỏ thêm những bàn luận trong bài viết “Ngôn ngữ ngậm ngùi” của anh LH, nhất là cho thấy rõ hơn tiếng Việt là một thực thể sống động chớ không tĩnh tại.

Về từ “văn phạm” và “ngữ pháp” xin có vài ý bàn thêm với anh. Theo tôi, từ “văn phạm”’ bên cạnh khả năng xuất phát cách quan niệm của các cụ như tác giả đã nêu cũng có thể còn do “các cụ” dịch từ “grammaire” (tiếng Pháp) bằng cách truy từ gốc grammatike techne (nghệ thuật viết) tiếng Hi Lạp (dù đã có cụ “đi trước” dịch là “ngữ pháp”). Đồng ý với anh là ‘sự thay đổi từ “văn phạm” sang “ngữ pháp” là một sự thay đổi sâu xa cả về nội hàm của khái niệm, chứ không phải chỉ là về mặt từ ngữ’, Tuy nhiên, nói rằng ‘cách sử dụng từ “ngữ pháp” bây giờ…. là sự giới hạn việc giảng dạy….vào những khuôn phép, quy tắc ‘đặt câu, hành từ, vào việc học biết về các từ loại và cách thức sử dụng chúng trong câu mà thôi’ có lẽ cân bàn bạc thêm. Bởi vì phạm vị nghiện cứu của ngữ pháp hiện nay, nhờ những thành tựu trong các ngành có liên quan, đặc biệt ngành IT, đã cho phép phát triển theo cả hai chiều rộng lẫn chiều sâu nên nội hàm ngữ pháp bây giờ rộng hơn rất nhiều, các cụ có muốn đưa vào cũng chưa available. Nói riêng về ngữ pháp dạy trong trường phổ thông hiện nay, nếu tôi không lầm, thì vẫn còn bao gồm cả phép tu từ (nhờ bạn đọc nào ở trong nước xác nhận lại dùm) như trong “văn phạm” của các cụ..
Cũng xin góp thêm một ý nữa vể ý ”Feedback”, khởi nguyên, chỉ là một từ phát xuất từ lĩnh vực computer mà ra. Vì thế, theo định nghĩa gốc của nó trong tiếng Anh, tôi thử dịch lại là “hồi dưỡng . Theo tôi biết, ít ra từ feedback đã được dùng trước đó trong điện tử (phần nghiên cứu vê máy khuếch đại [âm thanh]), từ này còn được dùng cả trong cơ học, sinh học…nhưng tôi không chắc trước hay sau trong điện tử. Cũng xin mách thêm là trước 1975, trong giáo trình các ngành tương ứng ở trường ĐH Khoa học SàiGòn và Kĩ Thuật Phú Thọ, từ này cũng đã được dịch là “hồi dưỡng” (như tác giả đã thử dịch). Hiện nay từ này được dùng trong rất nhiều ngành và trong nước dịch là hồi tiếp, hoàn ngược, phản hồi… (xem thêm http://tratu.vn/dict/en_vn/Feedback )
Cũng xin giới thiệu ở đây một bài viết có liên quan “Tiếng Việt SOS” của Dương Tường về việc sử dụng tiếng Việt trong nước để bạn đọc nào có quan tâm tham khảo thêm.

#12 Comment By Bùi Vĩnh Phúc On 8 November 2009 @ 1:38 pm

Xin cám ơn anh Lê Hữu về “phản hồi” của anh. Tôi cũng thích từ “trình diễn” hơn, khi dùng để giới thiệu một ca sĩ ra hát. Đặc biệt là đối với “lỗ tai” của người miền Nam, nghe “trình diễn” thấy “hay” và “hợp lý” hơn. Hợp lý, như cách anh đã phân tích và trình bày. Khi tôi liệt kê “mục từ” “Biểu diễn”/”Thể hiện” trong bài của mình, tôi chỉ muốn cho thấy đó là những từ khác biệt đối với người miền Nam, so với từ “trình diễn” mà họ đã quen thuộc. Sau đó, tôi tập trung nói về từ “thể hiện”. Kết của “mục” đó, tôi viết: “Tôi thấy từ này cũng đặc biệt, thậm chí “dễ thương”, không có vấn đề gì”. Đó là tôi đưa ra nhận xét về từ “thể hiện”. Còn, như đã nói ở trên, tôi cũng thích dùng từ “trình diễn” (hơn là “biểu diễn”. Có chuyện “phân biệt đối xử” ở đây hay không, hay là vì một lý do khác, tôi sẽ giải thích sau) để giới thiệu một “tiết mục hát” của một ca sĩ. Ngoài ra, “thể hiện”, như tôi nghĩ và viết trong bài, cũng là một từ hay, dùng cũng tốt. Rất nhiều MC trong nước sử dụng từ này.
Dù sao, chuyện thích “trình diễn” hơn là “biểu diễn” của đa số người sống trong Nam (đặc biệt để giới thiệu một ca sĩ), tôi nghĩ, cũng là một vấn đề thói quen và “dấu ấn” của thói quen. Nghĩa là gắn bó với một “khung văn hoá” nào đó. Ta đã quen dùng “trình diễn” để giới thiệu một ca sĩ hát , và dùng “biểu diễn” cho những mục giải trí khác, có gắn bó nhiều với những động tác khi “trình diễn”, như anh giải thích: “‘biểu diễn’ ảo thuật / đu bay / múa rối dưới nước / khiêu vũ trên băng…” và “‘biểu diễn’ một điệu múa, một nhạc cụ…”. Sự quen dùng như thế, tôi cho là do một “khung văn hoá” quy định, chứ không hẳn là do sự chính xác, hoặc đúng hay sai, của hai từ đó. Cho dù về mặt sắc thái ngữ nghĩa (giữa các từ đồng nghĩa), có một sự khác biệt giữa chúng.
Trong Từ Điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2007), định nghĩa 1 của “biểu diễn” ghi: “diễn [các loại hình nghệ thuật hay võ thuật] cho công chúng thưởng thức: biểu diễn văn nghệ; biểu diễn một điệu múa; biểu diễn vài đường quyền”. Sau đó, có ghi từ đồng nghĩa là “trình diễn”. Ở mục từ “trình diễn”, ta thấy ghi định nghĩa: “đưa ra diễn trước công chúng: trình diễn thời trang; màn trình diễn xiếc; vở kịch đang trình diễn ở rạp”. Sau đó, cũng có ghi từ đồng nghĩa là “biểu diễn”. Đặc biệt, trong mục từ “trình diễn” có ghi chú thêm [trtr], có nghĩa là “trang trọng”.
Trong Hán-Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, “Trình”, 呈 , được giải thích là “bày tỏ; lộ bày ra; đưa lên kẻ trên”, và “Biểu”, 表 , được giải thích là “bày ra ngoài; cái đồ tính giờ, như đồng hồ; cái bảng chia loài mà chép cho dễ nhận biết; tờ tấu đưa cho vua”. Như thế, “Trình” hay “Biểu” gì thì cũng là “bày tỏ; lộ bày ra; bày ra ngoài”. Không có sự phân biệt là “bày ra” với “động tác” hay không” (và, nếu có, thì cái nào gắn với nhiều động tác hơn!). Sách của cụ Đào không thấy những mục từ “trình diễn” và “biểu diễn”. Hán-Việt Tự Điển của Nguyễn Văn Khôn cũng không có mục từ “trình diễn”, còn định nghĩa của “biểu diễn” trong sách đó là “bày ra ngoài, phô diễn ra cho người ta xem”.
Tóm lại, tôi nghĩ, việc thích sử dụng “trình diễn” hơn “biểu diễn” (trong việc giới thiệu một người ca sĩ ra hát chẳng hạn), như trong trường hợp của chúng ta, và, tôi nghĩ, của nhiều người miền Nam khác, là do cái “khung văn hoá”, “khung sống”, của miền Nam quy định. Trong “khung” đó, có thể có cả thái độ “trang trọng” mình đặt vào lời giới thiệu và cung cách thưởng thức (trang trọng) của giới thưởng ngoạn. Trong quyển Từ Điển do Hoàng Phê chủ biên, cho dù xem hai từ là đồng nghĩa, vẫn ghi nhận sắc thái “trang trọng” của “trình diễn” so với “biểu diễn”.
Cách “xử lý” từ của anh như vậy là hợp lý, cho thấy sự quan sát rất kỹ của anh về mặt “ngữ dụng học”, cho dù có thể anh chưa quan tâm (đủ) đến sắc thái “trang trọng” hay “không trang trọng” giữa hai từ. Còn trong nước, trong cái “khung văn hoá” của thời kỳ “mở cửa” và “hậu mở cửa”, cũng có thể có đôi chút khác biệt. Đặc biệt trong sự sử dụng của người dân nơi công cộng, so với sự sử dụng của những người kỹ hơn, hay chuyên môn hơn, trên sách báo.
Một lần nữa, xin cám ơn các ý kiến của anh.
Trân trọng,
Bùi Vĩnh Phúc

#13 Comment By Bùi Vĩnh Phúc On 9 November 2009 @ 3:44 am

Kính anh Điền L.,

Xin cám ơn những nhận xét quý báu và lời khen của anh. Vâng, cho dù là có một số từ ngữ bị lạm dụng đến độ nhiều khi gây “phản cảm” cho nhiều người, như những từ “khẩn trương”, “nhất trí”, “bức xúc”, “tranh thủ”, “động viên”, “vụ việc”, v.v…, phải công nhận là có nhiều từ sau này được dùng hay và sáng, như “vùng trời”, “vùng biển” (“không phận”, “hải phận”), “chữ cái” (“mẫu tự”), “đường băng” (“phi đạo”), “tàu sân bay” (“hàng không mẫu hạm”), v.v… Những từ cũ cũng rất hay, nhưng, giờ đây, chúng ta có thêm những từ mới nữa. Như thế, từ ngữ và chữ nghĩa của chúng ta càng phong phú hơn.
Riêng vụ “đá bóng”, “đá banh” [trong "đi xem 'đá bóng' (hay 'đá banh')"] so với “bóng đá” [trong "đi xem 'bóng đá'"], tôi cũng thấy là dùng “bóng đá” thì thống nhất về vấn đề từ pháp hơn (khi ta đã chấp nhận dùng “bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn”).
Xin cám ơn anh, một lần nữa, vì những đóng góp quý báu.
Trân trọng,


Kính anh Lê Hữu,
Tôi mới chợt nhớ ra là, thường, để giới thiệu một ca sĩ ra hát một bài nào đó, trong miền Nam, trước đây, từ hay được dùng nhiều nhất là “trình bày”: “Xin mời quý vị nghe một ca khúc do ca sĩ TT trình bày.”. “Trình diễn” cũng được dùng, nhưng, tôi nghĩ, ở một tần số ít hơn.
Bùi Vĩnh Phúc


#14 Comment By Trinhj – Trung Lap On 10 November 2009 @ 6:39 am

Nhân đọc comment của Ông, có đoạn viết : “….Nói riêng về ngữ pháp dạy trong trường phổ thông hiện nay, nếu tôi không lầm, thì vẫn còn bao gồm cả phép tu từ (nhờ bạn đọc nào ở trong nước xác nhận lại dùm) như trong “văn phạm” của các cụ……”

Tôi xin được xác nhận với tư cách là 1 độc giả trong nước theo yêu cầu của Ông như sau :
Ở trong nước chúng tôi được học rằng : “……Ngôn ngữ gồm ba bộ phận là ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Trên cơ sở đó, hình thành ba bộ môn ngôn ngữ học khác nhau: ngữ âm học, từ vựng học và ngữ pháp học. Ngữ âm học là bộ môn nghiên cứu mặt âm thanh của ngôn ngữ. Ngữ âm có mặt tự nhiên và mặt xã hội của nó. Mặt tự nhiên của ngữ âm là những thuộc tính về âm học (cao độ, trường độ, âm sắc…) và những thuộc tính về cấu âm (hoạt động của bộ máy hô hấp và chuyển động của các cơ quan phát âm như môi, lưỡi… tạo ra một âm nào đó) của chúng. Mặt xã hội hay chức năng của ngữ âm là những quy định, những giá trị mà cộng đồng người sử dụng chung một ngôn ngữ gán cho các đặc trưng âm thanh. Ngữ âm học nghiên cứu toàn bộ phương tiện ngữ âm trong tất cả những hình thái và chức năng của nó và mối liên hệ giữa hình thức âm thanh và chữ viết của ngôn ngữ. Từ vựng học là bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu các từ và các đơn vị tương đương với từ (cụm từ cố định, thành ngữ, quán ngữ) trong các ngôn ngữ. Nội dung của từ vựng học rất phong phú và đa dạng, do đó đã hình thành một số phân môn như từ nguyên học, ngữ nghĩa học, danh học và từ điển học. Ngữ pháp học là một bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu các hình thức biến đổi từ, các mô hình kết hợp từ và các kiểu câu trong sự trừu tượng hoá khỏi ý nghĩa vật chất cụ thể (ý nghĩa từ vựng) của các từ, cụm từ và câu. Nói cách khác, ngữ pháp học nghiên cứu cách thức và phương tiện cấu tạo từ và câu. Ngữ pháp học bao gồm Từ pháp học và Cú pháp học. Từ pháp học nghiên cứu các phương diện cấu tạo từ. Cú pháp học nghiên cứu các cụm từ và câu. Ngoài ba bộ môn cơ bản (ngữ âm học, từ vựng học, ngữ pháp học) ứng với ba bộ phận cấu thành ngôn ngữ là ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp, ngôn ngữ học còn bao gồm một bộ môn nữa có liên quan đến cả ba bộ phận kể trên. Đó là phong cách học. Nhiệm vụ của phong cách học là:
· Nghiên cứu tất cả các phong cách khác nhau, bao gồm cả các phong cách cá nhân lẫn phong cách thể loại · Nghiên cứu các thuộc tính biểu cảm và bình giá của các phương tiện ngôn ngữ khác nhau cả trong hệ thống ngôn ngữ lẫn trong quá trình sử dụng chúng ở những phạm vi giao tiếp khác nhau. ……..”

Về các phép tu từ như Ông đã đề cập, chúng tôi học trong chủ đề Phong cách học tiếng Việt đã nói ở trên.

Tuy nhiên Ông Huỳnh Phan nói đúng ở chỗ, thời bao cấp ở Việt nam (1975 - 1986), ở các trường tiểu và trung học, đại học, sinh viên và học sinh học những phép tu từ, nhưng lúc ấy chưa được xếp riêng trong chủ đề Phong cách học như bây giờ, mà nó nằm rải rác trong phần ngữ pháp tiếng Việt.

Vì vậy theo ý kiến riêng của tôi, từ “Văn phạm” nên được sử dụng như 1 đồng nghĩa của từ “Ngữ pháp”, vấn đề nội hàm của 2 khái niệm đó hay phạm vi đề cập của 2 khái niệm đó tuỳ thuộc vào giáo trình của học giả viết ra nó chứ không phải tự bản thân 2 từ đó định ra những giới hạn.

Đúng là “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” !

Có lẽ chúng ta đừng nên làm cho vấn đề rắc rối thêm, ngay cả nguồn gốc tiếng Việt cũng có các giả thuyết rất khác nhau …….Ý kiến trước tiên phải kể đến là ý kiến của Taberd (1838): “tiếng Việt chỉ là một nhánh bị thoái hoá của tiếng Hán” , ý kiến thứ hai là những ý kiến xếp tiếng Việt vào họ ngôn ngữ Nam Đảo. Đó là ý kiến của Bình Nguyên Lộc với hai cuốn Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (Sài Gòn, 1972) và Lột trần Việt ngữ (Sài Gòn, 1973), và gần đây là ý kiến của tác giả Hồ Lê (1996), ý kiến thứ ba, đáng chú ý hơn cả, cho rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc họ ngôn ngữ Thái…..

Hiện nay, trong nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt, đang có quá nhiều quan điểm, trường phái, vậy thì hãy chọn những cái gì được nhiều người đồng ý nhất, phổ biến nhất để giảng dạy trong trường phổ thông cho các em, đừng đưa các quan điểm đang tranh luận ra dạy các em để rồi các em không biết thế nào là… phổ thông.

Tất nhiên có những ngoại lệ như “Phù thuỷ ngôn ngữ Trịnh Công Sơn”, cứ mặc sức làm mây làm gió trong “ca từ”, hoặc có thể đến độ ”Super Sonic” như Hàn Mặc Tử trong thi ca, đi sai cả lề đưòng, sai cả truyền thống như “ngôn tại, ý ngoại” mà vẫn say đắm bao com tim nhân loại !



#15 Comment By Bùi Vĩnh Phúc On 10 November 2009 @ 5:49 pm

Kính anh Huỳnh Phan,
Xin cám ơn những ý kiến của anh. Về chuyện “văn phạm” và “ngữ pháp”, xin được trả lời anh như sau:
Sau tháng Tư, 1975, tôi được “lưu dung” và dạy ở trường NBT (sau đổi lại thành BTX), Saigon. Tôi rời nước vào cuối năm 1977. Tôi dạy Việt văn và Pháp văn trong khoảng thời gian trên hai năm đó. Về Việt văn, tôi nhớ lúc ấy môn Ngữ Pháp chỉ được dạy từ lớp 6 đến hết lớp 9, trong đó đa phần tập trung vào việc học về các từ loại và phân tích câu. Chỉ ở phần cuối sách Ngữ Pháp lớp 9 mới có khoảng hai hay ba bài tiếp nối nhau giảng qua về một số biện pháp tu từ. Tôi nhớ những điều ấy vì môn ngữ pháp dạy theo cách đó (rất hay, phân tích câu theo kiểu phân tích chủ và vị ngữ, cùng với việc xác định các thành phần và vai trò của chúng trong câu) là rất mới đối với đa số các thày cô, đặc biệt là những thày cô tương đối lớn tuổi. Tôi có giúp một số thầy cô soạn giáo án để hướng dẫn học sinh môn đó. Lúc đó, môn ngữ pháp tại trung học phổ thông cho dạy thêm chút ít về các biện pháp tu từ, như tôi đã nói, ở cuối năm lớp Chín. Còn bây giờ, cám ơn anh TTLập đã cho một “sự cập nhật” rất rõ.
Qua Mỹ, sau khi học chuyên môn xong, tôi dạy tiếng Việt và tiếng Anh tại đại học trên 20 năm nay. Các sách dạy Grammar tiếng Anh không có phần dạy các biện pháp tu từ, chỉ dạy những điều như tôi đã có dịp thưa. Chỉ trong phần giảng văn, các thày cô mới tuỳ chỗ đưa kiến thức về cách viết văn ra để hướng dẫn cho sinh viên. Các sách về grammar tiếng Pháp, tiếng Đức, và tiếng Tây-ban-nha mà tôi có cũng chỉ có vậy. Không có phần dạy về tu từ và cách viết văn. Chỉ có những quyển theo dạng English Handbook chẳng hạn thì mới giảng rộng ra nhiều điều không chỉ giới hạn trong phần grammar.
Các sách về ngôn ngữ và ngữ pháp tiếng Việt mà tôi có cũng định nghĩa ngữ pháp gần như cách tôi đã thử trình bày. Xin tạm ghi lại ở đây một số định nghĩa về ngữ pháp trong một vài cuốn:
Hồ Lê: “Đã có một thời gian dài (trước thế kỷ XX), mọi người hiểu “ngữ pháp” là tất cả những phép tắc trong ngôn ngữ, từ những phép tắc về phát âm, ghép âm, phép tắc về chính tả, phép tắc về cấu tạo từ cho đến những phép tắc về đặt câu.
“Grammaire” hoặc “Grammar” vốn từ tiếng Hy Lạp “Grammatike techne” là “nghệ thuật viết đúng”. Người Trung Quốc dịch ra thành “ngữ pháp” chính là theo cái nghĩa nguyên thủy ấy của nó. Ta đã nhập thuật ngữ “ngữ pháp” của tiếng Hán vào những năm 50. Trước đó, từng tồn tại ở tiếng Việt những thuật ngữ như “mẹo”, “văn phạm”, “văn pháp”.
Những thuật ngữ này nay không còn dùng nữa vì nó không tạo ra được sự minh xác trong khái niệm: “mẹo” có ngoại diện quá rộng (…) “Văn phạm”, “văn pháp” gắn với văn thì lại thiên về cách viết, có thể gồm cả cách trình bày một bài văn, cách cấu tạo một bài văn, v.v… Do đó, các nhà ngữ học Việt Nam hiện nay chấp nhận thuật ngữ “ngữ pháp” để chỉ một nội dung như sau: “‘Ngữ pháp’ là tổng hợp các quan hệ giữa những đơn vị có nghĩa trong ngôn ngữ mà từ những quan hệ đó có khả năng tạo ra hoặc những tập hợp mang nghĩa, hoặc những đơn vị có nghĩa lớn hơn.” (Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, 1994)
Nguyễn Kim Thản nói gọn hơn, và rõ hơn: “… xét cho cùng, ngữ pháp là sự tổng hợp các qui tắc tổ chức câu. Theo sự hiểu biết thông thường, ngữ pháp gồm có hai bộ phận: từ pháp và cú pháp. Từ pháp chuyên nghiên cứu các qui tắc biến hình của từ và các đặc tính ngữ pháp của các loại từ, cùng sự cấu tạo của từ. Cú pháp nghiên cứu cách ghép từ thành ra những từ tổ và câu.” (Nghiên cứu Ngữ Pháp Tiếng Việt, Nxb Giáo Dục, 1997)
Bùi Khánh Thế: ” …ngữ pháp [là] một bộ môn của ngôn ngữ học, chuyên nghiên cứu hệ thống biến hoá từ, các mô hình cấu tạo từ, các công thức cấu tạo cụm từ và các kiểu loại câu.” (Nhập môn ngôn ngữ học, Nxb Giáo Dục, 1995)

Về từ “feedback”, xin cám ơn anh đã cho biết về nguồn gốc của nó. Anh đúng rồi. Trước đó, tôi tra gốc, thấy trong một tài liệu ghi: “(Electronics & Computer Science / Telecommunications): the return of part of the sound output by a loudspeaker to the microphone or pick-up so that a high-pitched whistle is produced”. Rồi lại thấy một ví dụ về “feedback” trong một từ điển Oxford: “The feedback from the computer enables us to update the program”. Hai nguồn có từ “computer” đó đã tạo ấn tượng cho tôi là gốc của từ này phát sinh từ lĩnh vực máy tính. Vâng, như chia sẻ của anh, tôi tin là nó khởi nguyên từ ngành điện tử (rồi có thể từ đó áp dụng vào computer); sau đó tiếp tục tràn sang những ngành khác như y, sinh, tâm lý, viễn thông, truyền thông, giao tế, thương mại, v.v… Những từ hoàn ngược, hồi tiếp cũng hay. Và, theo “link” của anh, tôi cũng thấy trong nước dùng cả từ hồi dưỡng, rồi lại có cả bồi dưỡng (trong ngành Hoá học & Vật liệu) nữa. Chưa nói đến liên hệ ngược (dùng chung trong kỹ thuật). Thuật ngữ trong nước hiện nay như vậy là khá phong phú!

Anh Trịnh Trung Lập có những đóng góp, cho biết về một số mặt giáo dục cụ thể trong các ngành chuyên biệt của bộ môn ngôn ngữ; điều ấy, thật quý cho những người ở ngoài nước muốn hiểu biết thêm về vấn đề này.


Xin cám ơn tất cả các anh/chị, một lần nữa, vì những chia sẻ quý báu. Và cũng xin cám ơn các anh chị trong BBT Da Màu đã cố gắng xây dựng một diễn đàn tốt, tạo cơ hội phát biểu, chia sẻ, và cùng học hỏi chung cho tất cả mọi người, trong một tinh thần thân ái và tương kính.

Trân trọng,

Posted by Bùi Vĩnh Phúc on 2 November 2009


----------------------------------
#16 Comment By Lê Hữu On 11 November 2009 @ 8:47 am

Tôi ngẫm nghĩ thấy anh Bùi Vĩnh Phúc nói về “dấu ấn” của thói quen nằm trong cái “khung văn hóa” quả có đúng. Cái “dấu ấn” đậm nét mà thói quen để lại ấy đã hằn sâu thành một nếp nghĩ, khiến những gì đi ra ngoài cái “khung” ấy đều khó mà chấp nhận được .
Đúng là cái dấu ấn thói quen của tôi (và của nhiều người khác nữa) đã không chịu cho cô MC nói “Sau đây là phần biểu diễn của ca sĩ LT trong ca khúc ‘Ngậm ngùi’”. “Biểu diễn”, theo cách hiểu (mang nặng “dấu ấn” thói quen) của tôi, là cho khán giả “xem” chứ không “nghe”, trừ một vài ngoại lệ như: “Michael Jackson biểu diễn ca khúc ‘Thriller’” (khán giả vừa được “nghe” vừa được “xem” chàng ca sĩ hát, kết hợp các bước nhảy đẹp mắt).
Đúng là cần phải thật thoáng, cần phải cởi mở đầu óc, cần phải điều chỉnh nếp nghĩ (hay “đổi mới tư duy”) từ cái “khung văn hóa” cũ kỹ nào đó, mới mong hiểu thấu đáo và hội nhập ngôn ngữ.
Tôi cũng thích từ “thể hiện” (một ca khúc) thưa anh, như là một sự trình bày mang “tính nghệ thuật”.
Vâng, đúng là người miền Nam ngày trước nói “trình bày một nhạc phẩm” hơn là “trình diễn một ca khúc” (những từ “trình diễn” và “ca khúc” chỉ mới thông dụng về sau này).
Tôi cũng nhất trí với anh Huỳnh Phan, ngôn ngữ là “sống”, là “động”, là biến đổi không ngừng như một dòng chảy róc rách, chứ không chịu đứng yên một chỗ, “tĩnh” lặng như mặt nước ao tù.
Các phân tích, dẫn giải cặn kẽ về từ ngữ, cũng như bài viết lý thú của anh Bùi Vĩnh Phúc, đã tạo niềm hứng khởi cho những ai muốn tìm biết và “đào sâu” thêm về chữ nghĩa tiếng Việt.
Trân trọng.

#17 Comment By Huỳnh Phan On 12 November 2009 @ 6:16 pm


@Ông Trịnh – Trung Lập: đúng là tôi đã nhớ nhầm thời kì sau 1975 nhưng trước CCGD. Khi CCGD tiến lên các lớp đầu bậc trung học, học sinh được dạy các phép tu từ riêng trong môn Phong cách học như ông đã trình bày. Xin cám ơn về đính chính này.

@Ông Bùi Vĩnh Phúc: Xin nói thêm một tí về từ “ngữ pháp”. Đồng ý với tác giả là hiện nay nhiều sách vẫn còn định nghĩa ngữ pháp theo quan điểm truyền thống (chỉ gồm từ pháp và cú pháp). Tôi viết phản hồi trước, trong mối liên hệ với bài của anh LH (phân biệt với “văn phạm”), và tôi hiểu “ngữ pháp” theo ý nghĩa khái quát hơn (chẳng hạn như trong Wikipedia: “Grammar is the study of the rules governing the use of a language”) và hơn nữa hoạt động ngôn ngữ của con người không chỉ thực hiện ở cấp độ từ và câu (dù có thể là chủ yếu) mà còn ở cấp độ nhỏ hơn như hình vị hay âm vị (như trong thi ca chẳng hạn) và cả ở cấp độ lớn hơn như văn bản/diễn ngôn. Vì thế, tôi đã cho rằng những ngành như âm vị học, hình thái học, ngữ pháp văn bản, phong cách học, ngữ pháp chức năng, ngữ pháp lời… cũng đều thuộc… ngữ pháp (và chắc chắn có không ít nội dung trong những ngành này chưa available thời “các cụ”). Tôi viết ngữ pháp hiện đại có nội hàm rộng hơn và sâu hơn trong ý nghĩa đó. Tôi cho rằng giới học thuật “phe kia” sử dụng từ “ngữ pháp” (thay vì từ “văn phạm”) có lẽ vì thấy nó phản ánh tốt hơn nội hàm của ngành nghiên cứu này.
Tôi nhất trí với anh Lê Hữu là phân tích về “dấu ấn” của “khung văn hoá” (và cả ngữ nghĩa nữa) của các từ “biểu/trình diễn” của tác giả là rất thoả đáng. Trong tiếng Anh, cũng có những ví dụ tương tự, chẳng hạn như các cặp từ friend/mate, bathroom/toilet… (ở Úc nói mate, toilet… là chuyện thường nhưng sang các nước nói tiếng Anh khác thì ít ra cũng có thể bị một cái nhíu mày….)


#18 Comment By Bùi Vĩnh Phúc On 14 November 2009 @ 4:26 pm

Kính anh Huỳnh Phan,


Xin cám ơn những chia sẻ và suy nghĩ của anh. Nhân tiện, tôi cũng xin được góp thêm một vài điều nhỏ về những ý kiến đó, cho dù, trên căn bản, tôi đồng tình với nhiều ý kiến anh trình bày.


Trong văn cảnh của cuộc thảo luận, cả trong bài của anh Lê Hữu lẫn bài của tôi, tôi nghĩ chúng ta đã nói về sự thay đổi/khác biệt của trong và ngoài, của thời tiền-1975 và thời sau đó, của hai từ “văn phạm” và “ngữ pháp”, trong cái nhìn quy chiếu ngầm vào việc giảng dạy cụ thể môn học này cả ở trong lẫn ngoài nước, cũng như trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nói chung là trong cái nhìn của ngữ pháp truyền thống, phần lớn được coi là gắn với ngữ pháp biến-tạo (transformational-generative grammar) của Chomsky. [Trong bài, tôi viết là: "Với sự tiến bộ và phát triển của ngành ngữ học nhiều thập niên qua, kéo theo nó là sự phân ngành, chuyên biệt hoá trong các ngành, dạy "ngữ pháp" bây giờ, nói chung, trong sự hiểu biết của tôi, là dạy về các quy tắc căn bản của ngôn ngữ như đã nói", là "sự giới hạn việc giảng dạy (…) vào những khuôn phép, quy tắc ‘đặt câu, hành từ, vào việc học biết về các từ loại và cách thức sử dụng chúng trong câu mà thôi’ .]


Wikipedia định nghĩa “ngữ pháp” như sau: ” In linguistics, grammar is the set of logical and structural rules that govern the composition of sentences, phrases, and words in any given natural language. The term refers also to the study of such rules, and this field includes morphology and syntax, often complemented by phonetics, phonology, semantics, and pragmatics.” ( http://en.wikipedia.org/wiki/Grammar ). Như thế, cũng giống như trong những định nghĩa trong những sách tiếng Việt mà tôi đã trình bày lần trước, “Ngữ pháp” gắn với việc trình bày những luật tắc mang tính cơ cấu và hợp lý, khuôn định cách tạo từ, cụm từ và câu. Nó bao gồm “Hình thái học” (“Morphology”, thường cũng được gọi là “Từ pháp học”) và “Cú pháp học” (“Syntax”). Còn việc nghiên cứu, khảo sát về ngôn ngữ nói chung, trên căn bản, được thực hiện qua ba ngành “Ngữ âm-âm vị học”, “Từ vựng-ngữ nghĩa học”, và “Ngữ pháp học”, chưa kể đến một số ngành liên hệ khác. Những ngành này có liên hệ hữu cơ với và có thể bổ sung cho (nhưng không thống thuộc) ngành “ngữ pháp học”


Anh viết “hoạt động ngôn ngữ của con người không chỉ thực hiện ở cấp độ từ và câu (dù có thể là chủ yếu) mà còn ở cấp độ nhỏ hơn như hình vị hay âm vị (như trong thi ca chẳng hạn) và cả ở cấp độ lớn hơn như văn bản/diễn ngôn. Vì thế, tôi đã cho rằng những ngành như âm vị học, hình thái học, ngữ pháp văn bản, phong cách học, ngữ pháp chức năng, ngữ pháp lời… cũng đều thuộc… ngữ pháp (…)”. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh ở câu thứ nhất. Nhưng khái niệm về “hình vị” đã được trình bày và nghiên cứu trong phần “hình thái học” (“từ pháp học”), tức là đã nằm sẵn trong “ngữ pháp truyền thống”. Còn “âm vị” thì được khảo sát trong ngành “âm vị học” (“Âm vị” chỉ có giá trị ngữ âm, không có giá trị ngữ pháp). Hoạt động ngôn ngữ của con người là một hoạt động phức tạp, và, chính vì thế, ngôn ngữ học không chỉ khảo sát “ngữ pháp”, mà còn tìm hiểu về mặt “ngữ âm-âm vị” và “từ vựng-ngữ nghĩa”. Liên hệ đến những ngành trên, có nhiều ngành học khác như “Phong cách học” (“Stylistics”) ["Tu từ học" nằm trong này (từ từ Rhetorike của Hy Lạp), còn được gọi là "Diễn từ học" / "Từ chương học"], “Ngữ dụng học”/”Dụng pháp học” (“Pragmatics”), và, thậm chí, “Thi pháp học” (“Poetics”), v.v… Với ý kiến trong câu thứ hai của anh, tôi e rằng, như thế, nội hàm của môn “Ngữ pháp học” được mở hơi rộng [bao gồm luôn cả "âm vị học" và "phong cách học"; còn "hình thái học" (bao gồm khái niệm về "hình vị") thì đã nằm sẵn trong môn "ngữ pháp" (truyền thống) như tôi đã trình bày ở trên rồi.] Nếu thay vì nói các ngành học trên cũng thuộc/nằm trong “ngữ pháp”, ta nói rằng các ngành học trên có liên hệ hữu cơ, chặt chẽ với môn học về ngữ pháp, có lẽ sẽ hợp lý hơn chăng?


Anh có nhắc đến “ngữ pháp văn bản”, “ngữ pháp chức năng”, và “ngữ pháp lời” (và đều muốn gộp chúng vào trong môn/ngành/khái niệm “ngữ pháp”). Những chia sẻ của anh thật quý, có khả năng mở rộng sự thảo luận của chúng ta về đề tài “ngữ pháp”. Đúng là có khuynh hướng muốn đưa “Ngữ pháp văn bản” (“Text grammar”) vào dạy chung trong môn “Ngữ pháp” (truyền thống) để khảo sát các văn bản, diễn ngôn. Dù sao, nỗ lực “đưa vào” này chưa thành công, chưa đạt được sự phổ dụng. Còn “Ngữ pháp chức năng” (“Functional grammar”) thì dĩ nhiên là “ngữ pháp” rồi. Nhưng đây lại thuộc một phạm trù khác. Phạm trù của các lý thuyết, phương pháp, quan điểm, khuynh hướng khảo sát, nghiên cứu ngữ pháp khác nhau. Tôi nghĩ “Ngữ pháp chức năng” không thuộc [môn/ngành/khái niệm] “ngữ pháp”, mà nó là “ngữ pháp”, với phần căn bản là sự khảo sát câu dựa trên khung đề-thuyết, chứ không phải trên khung chủ-vị. Nó là một quan điểm nghiên cứu ngữ pháp khác, trong thế đối sánh với quan điểm nghiên cứu của “ngữ pháp biến-tạo” chẳng hạn. “Ngữ pháp lời” (“Grammar of Speech”) cũng thế. Có thể coi nó là một loại “ngữ pháp” bắt nguồn từ “Ngữ pháp chức năng”.


Vài suy nghĩ góp thêm với anh. Xin cám ơn anh lần nữa về những chia sẻ quý báu.


Trân trọng,


Bùi Vĩnh Phúc

#19 Comment By Huỳnh Phan On 18 November 2009 @ 6:54 pm


Kính tác giả Bùi Vĩnh Phúc,
Cám ơn tác giả đã đọc và trả lời cặn kẽ, chi tiết vể khái niêm ngữ pháp theo quan điểm của phần đông các nhà chuyên môn. Xin được phép nói thêm lần nữa về điều này. Trước nhất có mấy điều sau đây mà tôi nghĩ đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của tôi khi tôi viết “văng mạng “ như trong phản hồi trước:
- tôi vốn là kẻ “ngoại đạo” nên đã chỉ dùng các hiểu biết phổ thông về ngôn ngữ của mình cùng cách gộp nghĩa riêng của hai từ đơn trong từ “ngữ pháp” để hiểu nó, và cũng có thể bị “méo mó nghề nghiệp” kiểu như “đại số sơ cấp”, “đại số cao cấp”, “đại số tuyến tính”, “đại số đồng điều”… đều là… đại số (chỉ phân biệt để tiện nghiên cứu, học tập…).
- nội dung các sách ngữ pháp tiếng Việt “mới” mà tôi có dịp biết qua có nhiều điều “mới lạ” so với cái tôi đã học.
- sự kiện “ngữ pháp văn bản” đã được đưa vào chương trình học phổ thông trong nước vào khoảng đầu những năm 1990 (dù tôi không rõ những người chủ trương có coi “ngữ pháp văn bản” là “ngữ pháp” hay không ).
Ngoài ra, khi viết PH trước tôi cũng có tham khảo mốt vài nguồn tài liệu và “cảm thấy” có một số nguồn có quan điềm có vẻ gần với mình. Tôi đã trích dẫn một trường hợp mà cho tôi cho là dễ chấp nhận và dễ tìm. Rất tiếc tôi chỉ ghi nguồn trích dẫn (Wikipedia) nhưng sơ sót không ghi thêm link và cũng không cẩn thận kiểm lại nên khi đọc PH của tác giả tôi khá bất ngờ về sự khác biệt. Tôi đã thử tìm lại trong phần history ỏ Wikipedia thì thấy rằng câu trích dẫn của tôi thuộc phiên bản đã có ít ra từ năm 2003, còn câu trích dẫn của tác giả trong phiên bản hiện nay. Tôi cũng đã thử google với câu trích dẫn trong ngoặc kép thì được 48 900 kết quả và nếu google câu trích cùng với chữ Wikipedia thì được 15 400 kết quả (tôi chắc hẵn đã dùng 1 trong số 15 400 nguồn cấp hai này). Tôi không biết nguồn nào là gốc trong số 33 500 nguồn còn lại, có thể nguồn từ Wikipedia phiên bản cũ cũng thuộc loại cấp hai thôi. Nhân tiện tôi cũng thử tìm định nghĩa của “ngữ pháp” từ nhiều nguồn khác thì đúng là phần lớn có quan điểm gần với tác giả hơn. Tuy vậy, cũng có một số nguồn có định nghĩa gần giống với câu tôi đã trích dẫn, chẳng hạn:
- nguồn wiktionary: cũng của Wikipedia: ” A system of rules and principles for speaking and writing a language….”
- nguồn Centre National des Resources Textuelles et Lexicales :“ensemble de règles conventionnelles (variables suivant les époques) qui déterminent un emploi correct (ou bon usage) de la langue parlée et de la langue écrite…”
- nguồn từ đại từ điển thuật ngữ Québec Canada
“Science qui a pour objet l’étude des règles d’usage d’une langue
Note(s) :La notion de « grammaire » varie selon les théories linguistiques. Pour certains auteurs, la grammaire est la description complète de la langue, qui regroupe notamment la phonétique, l’orthographe, la morphologie et la syntaxe. Pour d’autres, elle ne décrit que la morphologie et la syntaxe.”
- nguồn từ điển bách khoa StateMaster “Grammar is the study of the rules governing the use of a given natural language, and, as such, is a field of linguistics. Traditionally, grammar included morphology and syntax; in modern linguistics these subfields are complemented by phonetics, phonology, semantics, and pragmatics.” Nguồn này trình bày khá giống với Wikipedia nhưng theo tôi, cách viết rạch ròi hơn khiến người đọc không thể lầm lẫn là ngoài 2 ngành con truyền thống là hình thái học và cú pháp, ngữ pháp hiện đại có thêm các ngành con như ngữ âm,âm vị, ngữ nghĩa và ngữ dụng học.
- nguồn tự điển bách khoa Larousse “Ensemble des règles qui président à la correction, à la norme de la langue écrite ou parlée… Phần giải thích thêm ngôn ngữ học ở đây và bài viết đóng góp của Claudine Day (enseignant-chercheur) có lẽ quan điểm cũng không khác lắm với nguồn StateMaster và hình như cũng “thoáng” hơn quan điểm của số đông…
Cũng qua tìm tòi trên mạng tôi gặp được bài viết đáng để ý Grammar: defying definition beyond two millennia của Hoffman, Melvin J.(Jun 22, 2005 Academic Exchange Quarterly) có tóm tắt như sau:
“No consensus has been reached regarding the definition of grammar since the term came into existence more than two millennia ago. The article illustrates how terminology has developed, changed and always presented problems from ancient times to the present. Problems have included both its definition and what to call its practitioners regardless of the definition of grammar. Consequently, grammar is a problem term when discussing it, reading about it, or teaching it. Definitions and approaches are presented and discussed, particularly the author’s classroom use.”
Như vây, sự khác biệt về cái nhìn của chúng ta có lẽ cũng nằm trong cái chung này.Thật ra, đây chỉ là một nôi dung bàn thêm khi thào luận về việc sử dụng 2 từ “ngữ pháp” và “văn phạm” từ bài viết của anh Lê Hữu. Và theo tôi, về điều này có lẽ chúng ta đã có được thống nhất là nếu dùng tiêu chí ngữ nghĩa thì từ “ngữ pháp” có vẻ đạt hơn, còn nếu theo tiêu chí thói quen và tính võ đoán của ngôn ngữ thì dùng từ “văn phạm” hay “ngữ pháp” đều “That’s OK, no problem.”
Xin lỗi đã hơi bị… dài dòng và chi tiết trong trao đổi lần này.
Trân trọng.






























#20 Comment By Bùi Vĩnh Phúc On 20 November 2009 @ 12:16 am

11/19/09

Kính anh Huỳnh Phan,

Đọc “phản hồi” của anh rất thú. Qua phản hồi, tôi thấy rằng anh là người thích thảo luận, chia sẻ và tìm tòi, trong tinh thần thiện chí, để cùng đi tìm “sự thật”. Anh bảo mình là một người “ngoại đạo”. Nhưng được chia sẻ, thảo luận với một người “ngoại đạo”, mà vẫn cố gắng đi tìm cái “đạo”, như anh, một cách đầy thiện chí, thì đó là một điều, nói như Kim Thánh Thán, “chẳng cũng khoái ư!” Để, từ đó, thấy rằng, chẳng có ai mong đạt được “sự thật” mà không đã từng là một kẻ đứng bên ngoài. Thật sự, tất cả chúng ta, những người cầu học, đều là những kẻ đang đi trên đường, đều là những kẻ “ngoại đạo”, hiểu theo một nghĩa nào đó. Rồi, từ sự tìm hiểu, chúng ta dần dần tiếp cận được gần hơn cái “lý” của sự vật , sự việc. Người còn đang đi trên đường luôn là người hạnh phúc, phải không anh?

Lần trước, tôi cũng có một sơ ý khi viết: “(… việc giảng dạy cụ thể môn học này cả ở trong lẫn ngoài nước, cũng như trong nhiều ngôn ngữ khác nhau.) Nói chung là trong cái nhìn của ngữ pháp truyền thống, phần lớn được coi là gắn với ngữ pháp biến-tạo (transformational-generative grammar) của Chomsky.” Ngay sau khi gửi phản hồi đi, tôi thấy là đáng lẽ tôi nên viết rõ hơn, hay nên cho vào ngoặc kép cụm “ngữ pháp truyền thống”, sợ có người hiểu không đúng ý mình. ”Ngữ pháp truyền thống”, mà tôi viết ở đây, chỉ là trong cái nhìn quy chiếu, đối sánh với các “loại ngữ pháp” được phát triển sau này, như “ngữ pháp văn bản”, “ngữ pháp chức năng”, “ngữ pháp lời”, v.v… Chứ so với “ngữ pháp truyền thống” thật sự, theo cái nghĩa chặt chẽ của khái niệm, thì nó lại là hiện đại.

Thật sự thì việc dạy về ngữ pháp, nói chung, bây giờ, cả ở Việt Nam (tiếng Việt), cũng như ở Mỹ (tiếng Anh), đều có sự pha trộn giữa hai “truyền thống”: vừa “truyền thống” vừa “hiện đại”, cho dù, thường là các quan điểm của ngữ pháp hiện đại được chú ý nhấn mạnh hơn (một tác giả đã cho rằng “All grammar is traditional”, có nghĩa là không có gì “khác biệt” giữa “traditional grammar” và “modern grammars” cả). Ở trong nước, sau 1975, thời tôi còn ở Việt Nam, Ngữ pháp được dạy tại trung học từ lớp Sáu đến hết lớp Chín. Nếu tôi nhớ không nhầm, chương trình từ khoảng giữa lớp Bảy cho đến gần hết lớp Chín là tập trung vào việc học về các dạng câu/các dạng cụm từ (đoản ngữ), cùng là học cách phân tích câu. Một câu như “Các học sinh ngoan không nói chuyện trong lớp.”, sẽ được phân tích thành: “Các học sinh ngoan”: Chủ ngữ (CN); “không nói chuyện trong lớp”: Vị ngữ (VN). Trong phần CN, “học sinh”, một danh từ, một từ khoá (key word) trong danh ngữ (noun phrase) “Các học sinh ngoan”, đứng làm chủ từ trong CN đó; những từ “các” và “ngoan” đứng làm bổ từ cho “học sinh”. Trong phần VN, “nói chuyện” là động từ, còn “không”, một trạng từ phủ định, đứng làm bổ từ cho “nói chuyện”; “trong” là giới từ, “lớp” là danh từ bổ túc cho “trong” (object of the preposition); và “trong lớp” là một “giới ngữ” (prepositional phrase) đứng làm trạng từ, cũng bổ nghĩa cho “nói chuyện”. [Nguyên cụm "nói chuyện trong lớp" cũng được xem là một "động ngữ" (verb phrase) đứng làm vai trò vị ngữ]. Cách phân tích như thế là theo kiểu phân tích “Phrase Structure” (Cấu trúc câu—chia câu (S) ra làm NP và VP, rồi từ đó tiếp tục phân tích mỗi thành phần ra thành những thành tố nhỏ hơn nữa) của ngữ pháp tạo sinh (generative grammar), theo truyền thống Chomsky. Từ lúc khởi đầu vào cuối thập niên ’50 đến nay, loại ngữ pháp này cũng đã “già” hơn nửa thế kỷ rồi. Cũng đã “truyền thống” lắm rồi!

Nói chuyện ngôn ngữ, ngữ pháp… thì có thể nói mãi, nói hoài mà vẫn thú, vẫn có những điều có thể cùng nhau chia sẻ. Xin cám ơn các ý kiến và sự tìm hiểu để chia sẻ của anh Huỳnh Phan. Và cũng xin cám ơn tất cả những ý kiến và chia sẻ khác của tất cả các anh chị độc giả. Trong thảo luận, với thiện chí tìm hiểu, chia sẻ và học hỏi, và với sự tương kính, tất cả chúng ta đều có lợi và có được niềm vui từ chính sự sẻ chia, tìm hiểu đó, cũng như từ chính sự tiếp nhận những chia sẻ của người khác.

Trân trọng,

Bùi Vĩnh Phúc






Article printed from Tạp chí Da Màu – Văn Chương Không Biên Giới: http://damau.org

URL to article: http://damau.org/archives/9781

Click here to print.

© 2008 damau.org - Damau Literary Portal. All rights reserved.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét